Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Vũ Trụ Hành Trình Truy Cứu Không Thời Gian




Đây là công trình làm việc của hàng bao thế hệ các nhà nghiên cứu, những người đã làm việc bằng NĂM QUY LUẬT (5) ĐƠN GIẢN nằm lòng:

1-Chất vấn thẩm quyền- không có ý kiến nào là ĐÚNG THẬT chỉ vì người nào đó tuyên bố như thế, bất cứ ai.

2- Hãy NGHĨ vì từ NƠI CHÍNH MÌNH, CHẤT VẤN CHÍNH MÌNH

3- Đừng bao giò tin bất cứ điều gì chỉ vì mình MONG MUỐN NHƯ THẾ. Chỉ có Tin điều gì đó, sẽ chẳng làm điều đó trở thành thật. Phải thử thách những ý tưởng với bằng chứng từ việc QUAN SÁT và THỬ NGHIỆM. Nếu những ý tưởng đó không đạt được thử thách đúng đắn, tức là NÓ SAI! Bỏ nó đi!

4- Bám sát lấy bằng chứng, bất cứ nó hướng đến đâu. Nếu bạn không có bằng chứng, tồn nghi đừng kết luận.

5- Và có lẽ qui luật quan trọng nhất hơn tất cả... Hãy nên nhớ, bạn có thể SAI LẦM. Ngay cả những nhà khoa học giỏi nhất đã từng SAI một vài thứ. NewTon, Eistein, và tất cả các nhà khoa học vĩ đại khác trong lịch sử đều vi phạm sai lầm. Dĩ nhiên họ đã có SAI. Họ cũng là người thôi. Khoa học chính là con đường giữ cho chúng ta khỏi lừa dối chính mình và lừa dối lẫn nhau.

Khoa học gia có vi phạm tội lỗi không? Dĩ nhiên là có- chúng ta đã từng sái dụng khoa học cũng như đã sái dụng tất cả những dụng cụ chúng ta có. Và Đây chính là lý do chúng ta không thể để khoa học độc quyền trong tay một nhóm thiểu số quyền lực.

Khoa học càng mở rộng đến mọi người chúng ta, thì cơ hội sái dụng khoa học càng giảm thiểu. Những giá trị này làm suy yếu những hấp dẫn của tính cực đoan ngu dốt (tôn giáo, quyền chính)


It was the work of generations of searchers who took five simple rules to heart.
1- Question authority. No idea is true just because someone says so, including me.
2- Think for yourself. Question yourself. Don't believe anything just because you want to. Believing something doesn't make it so.
3- Test ideas by the evidence gained from observation and experiment. If a favorite idea fails a well-designed test, it's wrong! Get over it.
4- Follow the evidence, wherever it leads. If you have no evidence, reserve judgment.
5- And perhaps the most important rule of all... Remember, you could be wrong. Even the best scientists have been wrong about some things. Newton, Einstein, and every other great scientist in history, they all made mistakes. Of course they did--they were human. Science is a way to keep from fooling ourselves...and each other.

Have scientists known sin? Of course. We have misused science, just as we have every other tool at our disposal, and that's why we can't afford to leave it in the hands of a powerful few. The more science belongs to all of us, the less likely it is to be misused. These values undermine the appeals of fanaticism and ignorance

Tâm sự của một nữ sĩ phải rút khỏi Văn đoàn Độc Lập




Nhà văn Dạ Ngân ưu tư: “Năm ba người với những lý do khác nhau rút lui khỏi Ban vận động thành lập Văn Đoàn. Có người tuyên bố và có người chọn cách nhẹ nhàng, im lặng. Mình tuân thủ triết lý không tuyên bố. Nhiều câu hỏi, dĩ nhiên. Chỉ chia sẻ với những ai thân tình, rằng có vào thì ắt có ra, rằng đơn giản như đang giỡn thói thường của cái xứ tao tác này, rằng trong nhà hai người thì nên chỉ có một người đạp sóng, và rằng… điều này thật sâu xa, rằng có khi chỉ vì nước mắt của đứa con: Đời tư mẹ làm con khổ, đừng làm tương lai con chật vật mẹ ơi! Mỗi ngày, nuốt nước mắt vào trong và cân nhắc, lựa chọn. Cả đời rồi cứ phải cân nhắc và lựa chọn. Nhưng không người mẹ nào cầm lòng được khi con mình khóc dù đứa con ấy không còn trẻ nữa…”



MẤY LỜI TÂM SỰ
DẠ NGÂN
Năm 1987, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chỉ thấy mừng duy nhất một điều: nhà văn tỉnh lẻ, từ giờ mấy ông Tuyên giáo tỉnh muốn ăn hiếp hay chụp mũ dù sao cũng có hội đoàn và đồng nghiệp bênh.
Năm 1989 lần đầu đi dự Đại hội Nhà văn Việt Nam. Một may mắn trọn vẹn. Mười ngày “rung chuyển thế giới” theo cách nói của ông Trần Trọng Tân khi ấy. Mười ngày làm nên lịch sử. “Phe vui tươi” cảm thấy sức nặng của nhà văn với bản lề thời đại, “phái hầm hầm” thì lui vào phòng ngự để tìm cách phản công. Mười ngày hai bên cấp tiến và xu phụ vật nhau sôi động như nghị viện. Và rồi, chính số nhà văn “vui là chính” đã làm lệch cán cân. Đại hội kết thúc trong “vui là chính” như mong muốn của những ai bỏ tiền ra cho nó.
Hậu Đại hội IV ám như có ma. Những ai tham luận gay gắt, những ai vỗ tay và đứng lên ngồi xuống tán thưởng với Tâm thư của nhà văn Trần Độ gửi đại hội đều bị làm phiền. Dư luận rót từ thủ đô xuống tận địa phương, Dương Thu Hương là con đàn bà thế nọ thế kia, Trần Độ là tay chân của Trần Xuân Bách. Bỗng tới tai gia tộc: Dạ Ngân là nhân vật phò đa nguyên! Thế là trong một bữa cơm đích thân một vị tướng Quân khu 9 đặc cách nhà văn nữ trẻ, ông không nói chính trị, chỉ đến khi tiễn nhà văn ra cổng, ông mới thân tình: “Ê cháu, đời sống có gì khó khăn nói mấy chú giúp chớ đừng có đa nguyên nghen!”.
Đại hội lần thứ V vào 1993 (tháng mấy không nhớ nữa), mờ nhạt như lãnh đạo mong muốn. Cũng là năm từ giã tỉnh lẻ để ra với thủ đô ngàn năm. Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, năm 1998 được Tổng thư ký Nguyễn Khoa Điềm nhận về Hội Nhà văn, trong lúc chưa được ấn vào đâu thì nhà văn Anh Đức đánh tiếng với nhà thơ Hữu Thỉnh: “Có cô đó ngồi ở văn phòng tôi không ra họp đâu đấy!”. Bị thù chắc vì lỡ thân với Nguyễn Quang Sáng và không chịu làm thân với Anh Đức chăng? Thật là rùng rợn bởi những người từng được cho là “tinh hoa” của văn đàn!
Cái ơn việc làm của Tổng thư ký Nguyễn Khoa Điềm lấn cấn mãi trong lòng khi chính nhà thơ này lúc làm Trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đã đối xử với Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn ra sao ai cũng biết. Một con người khác bên trong mình bắt đầu hình thành, có lẽ từ đó. Im lặng, chọn cách im lặng vì cái này và cái kia cứ xoắn vào nhau như dây xích, không tháo ra được.
Đại hội VI cuối xuân năm 2000 đã phải nhóm họp những tiểu đại hội để gạch tên nhau. Khi ấy đã về làm ở báo Văn Nghệ, dưới trướng của sếp Hữu Thỉnh. Đám cưới con trai diễn ra cũng trong dịp ấy. Cầm lá đơn xin vắng, sếp Thỉnh hỏi ngay: “Đám cưới con quan trọng hay Đại hội Nhà văn quan trọng?”. Có thể nào buột ra một câu hỏi ấy cho một người mẹ luôn phải cách xa con mình gần 2000 cây số? Dĩ nhiên lần ấy ban tổ chức tiểu đại hội không đưa đơn báo vắng, coi như đương sự tự ý vắng mặt và có lẽ, cũng để cho danh sách được bầu gọn đi để các nhà văn gạch tên nhau cho nhanh.
Vì làm ở báo Văn Nghệ nên cưới cho con xong, ra đúng vào lúc đại hội khai mạc, được sếp cử đi viết bài. Bạn bè miền Tây, bạn bè Sài Gòn, bạn bè khắp nơi thấy đeo biển “phục vụ” chứ không được đeo biển đại biểu không khỏi ái ngại: Bà này tư cách có vấn đề gì mà không được bầu đi dự đại hội vậy ta? Con người im lặng lại nhắc, nói gì, không nên nói gì cả, đồng nghiệp mà nhìn vào biển đại biểu chính thức hay không là chính thức để đánh giá nhau thì mình lên tiếng làm gì.
Tháng 8 năm ấy, cái năm 2000 nóng rẫy ấy, nhà văn Trần Độ qua đời. Sếp Thỉnh nhăn nhó bảo Khổ quá khổ quá, cứ phải xin ý kiến cấp trên mãi về việc cáo phó ông Độ trên báo Văn Nghệ. Một người như nhà văn Trần Độ mà không có được “một bao diêm” cáo phó trên tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam ư? Thật không tin vào mắt mình, quả đúng như thế, không có dòng nào về cái chết của một người như Tướng Trần Độ cả.
Lòng hội viên xa dần. Có người xa sớm hơn. Và có những người chập chờn với ân tình và lên tiếng. Im lặng là hèn nhưng im lặng cũng là thượng sách. Đại hội VII năm 2005, Hồ Anh Thái và Phan Thị Vàng Anh là hai gương mặt để các hội viên không “vui là chính” kỳ vọng. Nhưng đâu chừng hơn nửa nhiệm kỳ thì hai vị ấy “cáo quan”, cũng coi im lặng là thượng sách.
Từ Đại hội 2010 đã không còn xem Hội là Hội nghề nghiệp nữa. Mặc hết. Ai là “thùng phiếu di động”, mặc! Nhiều hội viên “nghĩ vậy mà không phải vậy” cũng chọn im lặng là thượng sách, ở cái xó Việt Nam này phương châm ấy có nghĩa là tồn tại và cũng là sống sót. Đại hội không “vui là chính” sao được khi cấp trên đã nặn ra được một con người ở đâu và với ai cũng “tuyệt vời, tuyệt vời”. Thật tuyệt vời khi hội chính trị nghề nghiệp của nhà văn được dẫn dắt bằng một mánh khóe bình dân như vậy.
Cũng đã không bao giờ hồi đáp với những công văn từ Hội kiểu tự kê khai để xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. Lần trước 2010 và lần mới đây. Ai điện thoại xin phiếu thì lập tức phải nghe: Đồng nghiệp ơi, đừng bao giờ xin phiếu nhà này, nhá! Không gì có thể làm ấm lên quan hệ của mình và cái Hội nhiều ân oán với những nhà văn và những tác phẩm khi có sóng gió. Có còn là Hội nghề nghiệp không hay đã hoàn toàn biến thành Hội Vui Là Chính rồi?
Nợ dân và nợ nước. Các nhà văn nghiêm khắc với chính mình muốn một Hội ái hữu thực sự, là nơi đỡ đầu cho văn chương đích thực và cũng là nơi chốn đi về của những nhà văn trong nước và hải ngoại. Đúng là độc lập và ái hữu, những người làm việc không công và những đồng nhỏ đóng góp từ tiền túi của chính mình. Vui một cách sâu sắc và cảm thấy sự sang trọng trong lẽ sống và lẽ viết của hội đoàn mà ai là thành viên đều mơ một ngày sẽ được Nhà nước cho phép ra đời.
Nhưng sóng to và gió cả ngày một lớn. Năm ba người với những lý do khác nhau rút lui khỏi Ban vận động thành lập Văn Đoàn. Có người tuyên bố và có người chọn cách nhẹ nhàng, im lặng. Mình tuân thủ triết lý không tuyên bố. Nhiều câu hỏi, dĩ nhiên. Chỉ chia sẻ với những ai thân tình, rằng có vào thì ắt có ra, rằng đơn giản như đang giỡn thói thường của cái xứ tao tác này, rằng trong nhà hai người thì nên chỉ có một người đạp sóng, và rằng… điều này thật sâu xa, rằng có khi chỉ vì nước mắt của đứa con: Đời tư mẹ làm con khổ, đừng làm tương lai con chật vật mẹ ơi!
Tương lai của những đứa con thế hệ sau 1975 đó ư? Chao ơi, đang nghĩ và sẽ còn nghĩ mãi. Nhà văn lầm lũi bước và ngày mỗi ngạc nhiên sao đờm bãi nhiều hơn, rác rưởi tanh tưởi hơn và con người khủng bố nhau bằng dao, bằng xăng, bằng búa, bằng dây thừng nhiều hơn, mỗi ngày? Hội viên Hội Nhà văn có thể chỉ là một chiếc áo, cởi ra khó gì nhưng cả cuộc đời ta, tim óc ta là một quá khứ nặng như đá tảng.
Chắc gì cái chết đã giải thoát được gánh nặng này. Mỗi ngày, nuốt nước mắt vào trong và cân nhắc, lựa chọn. Cả đời rồi cứ phải cân nhắc và lựa chọn. Nhưng không người mẹ nào cầm lòng được khi con mình khóc dù đứa con ấy không còn trẻ nữa.
Chúng ta đã làm gì chính ta và con cái ta và đất nước này?

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Tại sao Phật giáo ảnh hưởng ở phương Tây?




Tây phương biết Phật giáo từ hồi đầu thế kỷ 19. Nhưng hồi đó chỉ mới một số ít học giả và triết gia khám phá ra sức thu hút của một tư tưởng đến từ phương Đông mà người ta không biết nên gọi là tôn giáo hay triết lý. Âm thầm, “im lặng, Phật giáo lan ra xã hội, phát triển khắp nơi ở châu Âu” (1) từ giữa thế kỷ 19 cùng với sự phát triển của trào lưu tiến hóa mà ngày nay ta gọi là hiện đại.

Âm thầm, im lặng như thế cho đến đầu những năm 60 của thế kỳ 20 thì Phật giáo bỗng được tiếp nhận rộn ràng trong giới trẻ khi giới này phất lên một phong trào văn hóa phản kháng (contre-culture) chống lại văn hóa tôn sùng kỹ thuật, vật chất và tiền bạc.

Giới trẻ khao khát một đời sống tâm linh mới giúp họ giải quyết những vấn đề tâm lý, hiện sinh, và họ nghĩ đã tìm được nơi Phật giáo. Đó là lúc mà nhiều trí thức trẻ tìm đến Tây Tạng như tìm đến miền đất hứa. Nhanh chóng, trong vòng hai mươi năm, tu viện và thiền viện mọc lên hàng trăm ngôi trên khắp Âu Mỹ.

Giới trẻ - học thức và trung lưu - gặp một thứ hạnh phúc mới mà họ thực chứng được bằng kinh nghiệm tu học bản thân trong các thiền đường. Đến những năm 90 thì báo chí, truyền thông rộ lên cả một cao trào tin tức, bình luận, phóng sự, hình ảnh đầy cảm tình với Phật giáo.

Hollywood nồng nhiệt đưa lên màn ảnh phim truyện về cuộc đời của đức Phật, về ngài Đạt Lai Lạt Ma, về Tây Tạng, nhiều ngôi sao màn bạc, nghệ sĩ, ca sĩ danh tiếng trở thành phật tử, khiến dư luận, quần chúng, càng có cảm tình hơn. Bây giờ thì Phật giáo đã mọc rễ, đã phát triển trong xã hội, trong đời sống văn hóa ở Âu Mỹ. Phật giáo là môn học được ưa chuộng trong các trường đại học Mỹ danh tiếng, thu hút sinh viên ngày càng đông.

. Âu Mỹ đang mở lòng tiếp nhận một tư tưởng, một tôn giáo mà họ cho là rất trẻ và rất hiện đại. Hiện đại:  tại sao Phật giáo bành trướng được ảnh hưởng trên Âu Mỹ?


1/Thế nào là hiện đại? Hiện đại là gì? 


Từ ngữ này đã trở thành quá phổ thông, đã bị pha loãng ra trong ngôn ngữ thường ngày, ở ta cũng như ở Âu Mỹ, cho nên phải trở về lại với lịch sử để tìm bản chất của nó. Thông thường, ta dùng từ hiện đại để nói cái gì là mới, ngầm ý tán thưởng: mới là hơn cũ, nay là hơn xưa. Thì cũng đúng thôi! Nhưng có người sẽ nói trái lại: chắc gì mới đã hơn cũ, chắc gì nay đã hơn xưa!

Ở thời nào cũng vậy, và ở xã hội nào cũng vậy, hai khuynh hướng cứ đối chọi nhau: một muốn đi tới, một muốn kéo lui, một cách tân, một hoài cổ, bên nào cũng muốn biện minh khuynh hướng của mình, và nếu biện minh có hệ thống thì trở thành ý thức hệ, trở thành chủ nghĩa, “chủ nghĩa hiện đại” chống lại “chủ nghĩa truyền thống”. Để tránh cả hai cực đoan, cực đoan của phe mới cũng như cực đoan của phe cũ, ta lần theo chiều lịch sử phân tích đâu là những yếu tố tạo thành cái mà ta gọi là hiện đại.


Yếu tố quan trọng nhất là tự chủ, là con người tự chủ, con người tự mình làm chủ mình. Làm chủ là thế nào? Kant đã cắt nghĩa bằng một câu bất hủ khi được hỏi: “Khai Sáng là gì?” Ông trả lời: “Là con người bước ra khỏi tình trạng vị thành niên”.

Trước khi tư tưởng Khai Sáng bừng nở, con người hãy còn thơ ấu, phải vịn vào tay người lớn mà đi, bây giờ đi được một mình. Chữ Pháp, chữ Anh làm rõ hơn nghĩa đó. Autonomie có gốc Hy Lạp là autos (tự mình) và nomos (luật) : con người tự mình cai trị mình theo luật tự mình làm lấy, chứ không phải luật do người khác làm ra và bắt mình phải theo. Và luật do mình làm ra dựa trên cái gì? Dựa trên lý trí, lý tính mà đã là người thì ai cũng có. “Hãy có can đảm sử dụng lý tính của chính mình!”: đó là châm ngôn của Khai Sáng và cũng là châm ngôn của con người hiện đại. Đừng dựa nữa vào bất cứ cái gì ở ngoài con người, nhất là ở trên cao. Hãy đứng dậy, đừng vịn nữa vào Thượng Đế!


Từ yếu tố quan trọng nhất đó, từ tự chủ, cả một loạt các yếu tố khác sáng rõ ra, bắt đầu là sự giải phóng của lý tính phê phán, bởi vì phê phán là chức năng của lý tính. Không có gì được thoát ra khỏi phê phán, không có đối tượng nào được xem là Tuyệt Đối, là húy kỵ, kể cả Thượng Đế, kể cả Nhà Thờ. Kant hô to: “Hãy dám tư tưởng!” Không có lĩnh vực nào là lĩnh vực riêng của bất cứ quyền uy nào: tất cả đều phải bước qua “tòa án của lý tính”.


Trước tòa án đó, bị cáo mà tư tưởng hiện đại nhắm đến trước tiên là lòng tin tôn giáo. Phải giải phóng lý tính ra khỏi lòng tin. Phải giải phóng Galilée ra khỏi lòng tin nô lệ, tin rằng mặt trời xoay chung quanh trái đất. Với lý tính, khoa học sẽ phát triển, và khoa học có khả năng vén những tấm màn bí mật của vũ trụ mà lòng tin cố cản. Khoa học, tư tưởng khoa học, đó là ánh sáng dẫn đường cho tính hiện đại, giúp con người tự mình biến đổi thế giới, làm thành thế giới của con người, đập tan mọi xiềng xích của mê muội. Khoa học sẽ phát triển không ngừng, do đó tiến bộ cũng đi tới không ngừng, tiến bộ giống như mũi tên bắn ra, chỉ bay thẳng phía trước, không ngoằn ngoèo, vòng vo.


Với tự chủ của con người trưởng thành, với lý tính được giải phóng ra khỏi lòng tin, với khoa học vén màn bí mật, các bạn thấy lịch sử của tư tưởng Âu châu cứ dần dần đi vào chiều hướng củng cố địa vị của con người, bắt đầu từ thời Phục Hưng (thế kỷ XIV-XVI). Chiều hướng đó, khuynh hướng đó, cao trào đó, tên của nó là nhân bản chủ nghĩa (humanisme). Không thể hiểu được tư tưởng Âu châu nếu không thấy cái hướng đi đó của chủ nghĩa nhân bản, và cũng không thể hiểu được hiện đại là gì nếu trước hết không hiểu sự giằng co, có khi âm thầm, có khi dữ dội, giữa Thiên chúa giáo và nhân bản chủ nghĩa (2). Cố gắng, cố gắng không ngừng để phát triển, phát triển không ngừng tất cả những khả năng của con người để đừng làm mất đi bất cứ cái gì làm con người lớn lên, làm con người vinh thăng. Lớn lên bằng cách nào trong lịch sử Âu châu? Bằng cách làm bớt đi, làm nhỏ dần Thượng Đế. Cho đến thế kỷ 19 thì Nietzsche loan báo: “Thượng Đế chết rồi! Chúng ta đã giết!”


Sự thực là Thượng Dế vẫn còn đấy thôi, nhưng thay hình đổi dạng, không còn là Thượng Đế nhân dạng nữa. Mà cũng chẳng còn thống trị nữa trong tư tưởng, trong đời sống xã hội, trong luật pháp, trong chính trị, trong sinh hoạt thường ngày của người Âu châu. Thế kỷ 20 không còn đặt vấn đề giết Thượng Đế nữa, bởi vì người ta sống ngoài vòng cương tỏa của Thượng Đế, chẳng cần biết Thượng Đế là ai, có hay không, và chính thái độ dửng dưng đó làm các người bênh vực Thượng Đế bực mình còn hơn là thái độ chống đối Thượng Đế. Xã hội ngày nay ở châu Âu đi vào tình trạng mà các nhà xã hội học gọi là thế tục hóa. Thế tục hóa: đó cũng là một trong những yếu tố đặc trưng của hiện đại. Trên quá trình hiện đại hóa đó thì Tây phương gặp đạo Phật.


II. Đạo Phật hiện đại như thế nào trước mắt Tây phương?


Con người Tây phương khám phá ra rằng cách đặt vấn đề của đạo Phật đáp ứng nhu cầu của thời đại mới. Tây phương đang chối từ Thượng Đế thì đạo Phật giải thích không có Thượng Đế. Tây phương phải nhờ Darwin để cắt nghĩa rằng vũ trụ không phải do một Đấng nào sáng tạo ra cả trong bảy ngày thì đạo Phật đã nói cách đây hơn 2500 năm rằng thời gian là vô thủy vô chung, vũ trụ là vô cùng vô tận. Tây phương ngay ngáy lo sợ về ngày phán xét cuối cùng của Thượng Đế thì Phật giáo nói: không có ai phán xét ta cả, chỉ có con người phán xét con người thôi. Tây phương trăn trở về những vấn đề siêu hình thì Phật giao kể chuyện mũi tên: khi anh bị mũi tên độc bắn vào thân thì anh phải rút nó ra ngay hay anh ca vọng cổ hỏi mũi tên do ai bắn, lý lịch thế nào, hộ khẩu ở đâu. Rút mũi tên ra: đó là nhu cầu giải phóng con người ở Tây phương và họ thấy nơi Phật giáo một đáp số hợp với lý tính, đặt nặng trên kinh nghiệm, trên thực hành, và kiểm chứng được bằng kết quả bản thân, ở ngay đời này, chứ không phải đợi đến khi lên thiên đường, xuống địa ngục.


Hợp với lý tính: người Tây phương ngưỡng mộ nét đặc biệt đó của Phật giáo, làm Phật giáo khác với các tôn giáo khác. Phật giáo từ chối lòng tin nếu không đặt cơ sở trên trí tuệ. Bởi vậy, trong Phật giáo không có tín điều. Tây phương ngưỡng mộ kinh Kâlâma khi Phật dạy: Đừng vội tin một điều gì dù điều đó được ghi trong kinh điển hay sách vở. Hãy quan sát, suy tư, thể nghiệm, thực chứng rồi mới tin. Tinh thần đó xuyên suốt kinh kệ Phật giáo. Người trí thức Tây phương thấy tinh thần đó hợp với khoa học, hợp với đầu óc phê phán. “Phật giáo là tôn giáo duy nhất thích ứng với khoa học hiện đại”, Einstein đã phát biểu như vậy.


Tại sao Phật giáo hợp với khoa học? Tại vì Phật giáo không nói điều gì mà không có kiểm chứng. Phật giáo nói: sự vật là vô thường. Hãy nhìn chung quanh với mắt của mình, kinh nghiệm của mình: có cái gì là thường còn đâu? Cái thường còn duy nhất là khoảnh khắc này đây. Vậy thì tìm thiên đường ở đâu nếu không phải nơi chính cái khoảnh khắc này? Hạnh phúc nằm ngay nơi mỗi khoảnh khắc: đó là bài học hiện đại quý giá nhất mà Phật giáo đem đến cho người Tây phương. Và hãy nhìn thêm nữa: mọi sự mọi vật đều tương quan lẫn nhau mà có và tương quan lẫn nhau mà diệt. Màu hồng nơi đóa hoa kia có phải tự nó mà có không? Đâu phải! Nếu không có mặt trời thì nó đâu có hồng thắm như vậy? Nhưng mặt trời có phải là tác giả duy nhất của màu hồng kia không? Không! Vì nếu không có mưa thì làm sao hoa sống? Nhưng mưa có cũng là do mây, mây có cũng là do hơi nước. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia cũng không. Đó là luật vô ngã của Phật giáo và cũng là luật tương quan tương sinh. Ai đọc sách của nhà vũ trụ vật lý học Trịnh Xuân Thuận đều biết: những luật đó có nhiều điểm hội tụ với khoa học vũ trụ vật lý. Áp dụng được luật đó vào đời sống bản thân, đời sống gia đình, đời sống xã hội, cam đoan không cần tìm thiên đường ở đâu xa. Đó là chưa kể đến luật nhân quả mà ai cũng có thể dễ kiểm chứng. Từ đó, người Tây phương đi đến một cái nhìn hiện đại hơn nữa vào bản chất của cuộc đời để hiểu chữ “khổ” trong Phật giáo. Họ chất vấn Thượng Đế: Nếu Thượng Đế là toàn năng thì sinh ra làm chi thiên tai, động đất, triều cường, dịch này dịch nọ giết hại phút chốc hàng trăm ngàn người như vậy? Nếu Ngài là nhân từ thì sao con người khổ thế, con người khổ thế thì Ngài ở đâu? Phải chăng, người Tây phương hỏi, khổ nằm ngay trong bản chất của cuộc đời như muối nằm trong biển, mà sinh lão bệnh tử chỉ là những khía cạnh dễ thấy nhất? Từ đó, Tây phương hiểu chữ “niết bàn” của Phật giáo đúng hơn hồi thế kỷ 19: niết bàn là hết khổ, mà hết khổ là tự mình. Bản thân tôi, mỗi khi tôi nghe ai cầu cho người chết được siêu thoát, tôi không khỏi cười thầm, bởi vì “siêu” là vượt lên, “thoát” là giải thoát, vượt lên trên tham sân si thì giải thoát, vậy thì nên cầu cho cả người sống được siêu thoát. Tôi không dám đùa đâu, người Tây phương hiểu điều đó hơn ta, bởi vì họ hiểu tư tưởng nhân bản của chính họ: nhân bản nghĩa là con người vượt lên trên con người, con người có đủ khả năng để vượt lên trên chính mình.


Nhưng vượt lên như thế nào, cụ thể bằng cách nào? Đây là cái mới mà Phật giáo đem đến cho Tây phương và đem đến trong tinh thần khoa học.

Trong lịch sử, Tây phương đã vượt quá ta hằng mấy thế kỷ nhờ khám phá thế giới bên ngoài. Nhưng đến một lúc họ bỗng giật mình thấy rằng khám phá thế giới bên ngoài không đủ để đem lại hạnh phúc như họ tưởng bởi vì con người còn có đời sống ở bên trong.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma nhắc họ: “Những vấn đề của chúng ta, dù đến từ bên ngoài, như chiến tranh, như bạo lực, như tội ác, hay đến từ bên trong dưới hình thức khổ đau về tâm lý hay tình cảm, đều sẽ không tìm ra giải pháp chừng nào chúng ta còn không hiểu chiều sâu nội tâm của ta” (3). Đó là lúc mà ngài và các vị sư đắc đạo của Tây Tạng đến Âu Mỹ, mang theo một ánh sáng khoa học mới rọi soi vào nội tâm của con người, để làm một cuộc cách mạng thứ hai mà người Tây phương gọi là “cách mạng ở bên trong”, bổ túc cho “cách mạng ở bên ngoài” mà Tây phương đã từng làm, từng biết với khoa học. Chìa khóa của hạnh phúc không nằm ở đâu khác hơn là trong nội tâm mỗi cá nhân. Mà muốn nhìn thấy cái chìa khóa đó thì phải rọi soi vào bên trong bằng những kỹ thuật thiền định mà các nhà sư Tây Tạng đã thực chứng do chính kinh nghiệm của họ. Trong lĩnh vực này, đừng hòng các lang băm đến làm ăn bịp bợm: khoa học Âu Mỹ đã đặt nền móng vững chắc cho cuộc thám hiểm vào não bộ của con người. Các nhà sư Tậy Tạng đã đem chính bản thân để các máy móc tối tân trong các đại học danh tiếng nhất của Mỹ đo lường ảnh hưởng của thiền định trên não bộ. Họ không phải chỉ đem lời nói, họ đem thực hành, họ đem kỹ thuật, phương pháp cụ thể để các nhà khoa học quan sát, phán xét tính hiệu nghiệm của thiền định, góp phần lớn vào sự phát triển của ngành sinh học thần kinh.

Bây giờ, tiếp tục vấn đề nhân bản và khoa học, có phải sức quyến rũ của Phật giáo chỉ nằm ở tính khoa học của Phật giáo mà thôi hay không? . Đạo đức học ở Tây phương là những răn cấm, những mệnh lệnh. Người Tây phương hiện đại có cảm tưởng như có ngón tay chỉ vào trán và ra lệnh: mày không được thế này, mày không được thế kia, mày làm là phạm tội. Phạm tội với ai? Tại sao như thế là phạm tội? Tại sao tội đó phải nhờ một người khác giải tội với Trên Cao? Đạo đức đó, con người hiện đại chối bỏ vì họ cảm thấy như vậy là hãy còn vị thành niên. Đạo đức của Phật giáo trái hẳn, bắt nguồn từ con người. Không ai ra lệnh, không ai răn cấm. Phật giáo nói: tham thì khổ, sân thì khổ, si thì khổ. Từ thì vui, bi thì vui, hỷ thì vui, xả thì vui. Từ bi hỷ xả, cứ thực hành sẽ thấy vui. Tham sân si, cứ mắc vào sẽ thấy khổ. Đừng giết hại, đừng nói dối, đừng trộm cắp, đừng tà dâm, đừng say rượu. Đạo đức của Phật giáo là thực nghiệm, nhắm mục đích làm cho con người tốt hơn đã đành, nhưng cốt nhất là làm nội tâm thanh thản, bởi vì thanh thản chính là hạnh phúc.


Hơn thế nữa, đạo đức Phật giáo còn thức tỉnh con người hiện đại ở Tây phương ở chỗ nới rộng lòng từ bi và ý thức liên đới ra khắp chung quanh, không những giữa người với người, mà còn giữa người với thú vật, với thiên nhiên. Dưới ảnh hưởng của tôn giáo cổ truyền của họ, Tây phương đã cổ vũ, huy động từ thế kỷ 17 mọi cố gắng để chinh phục, cai trị thiên nhiên. Chiến công đó, nhân loại cám ơn. Xẻ sông, lấp núi: cái gì con người cũng làm được, thiên nhiên đã bị nhân hóa. Nhưng thiên nhiên cũng đã bị khai thác, bóc lột đến kiệt quệ, rừng trọc đầu, mưa hóa chất, nước nhiễm độc, chúng ta biết rõ hơn ai hết. Và rốt cục, con người ăn trong miếng ăn những chất độc do chính con người thải ra. Đạo đức đối với thiên nhiên trở thành trách nhiệm của chính con người. Các tôn giáo khác nói: không được giết người. Phật giao nói: tôi nguyện không sát sinh, nghĩa là không giết sự sống, và sự sống đó, thú vật đều có, cây cối thiên nhiên đều có, vũ trụ, khí quyển, trái đất đều có, tất cả đều liên đới với con người, phải yêu thương nhau như một thì mới sống còn với nhau.


 Bởi vì hiện đại không phải cái gì cũng hay. Hiện đại cũng có lắm tiêu cực. Hiện đại cũng đang gặp khủng hoảng. Bởi vậy, sau khi tán thưởng hiện đại và giải thích Phật giáo hiện đại như thế nào, tôi bắt qua điểm thứ ba, trình bày những khủng hoảng của hiện đại.


III. Khủng hoảng của hiện đại.

Khủng hoảng quan trọng nhất của hiện đại là khái niệm về Tiến Bộ. Hồi thế kỷ 19, với sự phát triển thần kỳ của khoa học, ai cũng lạc quan về tương lai. Cha đẻ của môn xã hội học, Auguste Comte, xây dựng cả một hệ thống lý thuyết cắt nghĩa rằng lịch sử của nhân loại là lịch sử của tiến bộ, tiến bộ của đầu óc con người từ giai đoạn thần linh qua giai đoạn siêu hình để cuối cùng đến giai đoạn khoa học. Đó là một sự tiến bộ không ngừng và giai đoạn sau tốt đẹp cho con người hơn giai đoạn trước về phúc lợi, vật chất cũng như tinh thần. Lạc quan đó, Tây phương đã thấy đổ vỡ phũ phàng với chiến tranh thế giới thứ hai. Một nước văn minh như nước Đức trở thành một nước dã man, phi nhân, trong học thuyết cũng như trong hành động. Nước Đức quốc xã đưa ra hình ảnh ghê rợn của một phá sản tinh thần, khi phá sản đó xảy ra trong chính niềm tin vào “tiến bộ đạo đức” mà người ta chờ đợi ở hiện đại. Rồi bom nguyên tử, rồi Hiroshima, rồi chiến tranh lạnh, rồi leo thang vũ khí tận diệt nhân loại, đâu là Tiến Bộ, đâu là đạo đức của khoa học? “Khoa học mà không có lương tâm là đổ nát của linh hồn”, câu nói ấy trở thành thời sự trước mắt. Khoa học là mục đích nhưng lương tâm phải là người bạn đồng hành. Nói là nói thế, nhưng trên thực tế người bạn đồng hành của khoa học lại là chiến tranh, buôn bán vũ khí, chiến tranh làm phát triển khoa học, khoa học phục vụ chiến tranh.


Khái niệm “tiến bộ” cũng được cảnh báo cả khi khoa học làm đúng nhiệm vụ của khoa học là tìm tòi, nghiên cứu, phát minh, vén màn bí mật của vũ trụ và đời sống. Không có gì quý hóa cho con người hơn là những phát minh càng ngày càng nhiều trong y khoa. Khám phá về tế bào gốc chẳng hạn là một trong những phúc lợi lớn mà nhân loại chờ đợi. Nhưng lương tâm có cho phép ta tạo ra đồng loạt vô số những người y chang giống nhau trong tương lai? Chẳng lẽ khoa học cũng bắt chước Tôn Hành Giả nhổ một sợi lông, thổi một cái, để biến ra thành cả trăm con khỉ giống hệt nhau, chẳng biết con nào là khỉ gốc họ Tôn? Hiện đại đang gặp phải vấn đề của “đạo đức sinh học”, mà đạo đức sinh học không thể không liên quan đến cái nhìn của tôn giáo.


Cuối cùng, khái niệm “tiến bộ” còn được đặt lại khi tiến bộ vật chất đưa đến xã hội tiêu thụ trong đó con người bị tha hóa, nghĩa là mất địa vị chủ. Đây là mê lộ trong đó con người Âu Mỹ nhởn nhơ sa vào. Muốn phồn thịnh kinh tế, phải sản xuất. Muốn sản xuất, phải có tiêu thụ. Muốn có tiêu thụ, phải kích thích nhu cầu, không có nhu cầu cũng phải kích lên cho có. Nhu cầu này được thỏa mãn, phải kích lên nhu cầu khác, nhu cầu phải luôn luôn mới để đáp ứng sản xuất phải mới luôn luôn. Hiện đại đòi hỏi những con người có lý tính. Đâu còn là lý tính nữa trước cuộc chạy đua không ngừng đuổi theo nhu cầu giả tạo, đuổi theo tiêu thụ phù du? Con người trở thành nô lệ của quảng cáo, và quảng cáo, tuyên truyền, có đủ mánh lới để tước bỏ phê phán ra khỏi đầu óc người nghe.  Câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc”. Biết đủ thì đủ, tìm đủ thì biết đến bao giờ mới thấy đủ! Ấy là câu thơ dí cái chìa khóa vào tay ta để mở cửa thoát ra khỏi mê lộ tiêu thụ. Nhưng cái tài của quảng cáo là mê hoặc, đưa con người tiêu thụ vào siêu thị mà làm người ta tưởng vào chốn đào nguyên!


Tha hóa: con người hiện đại thoát ra khỏi tha hóa đối với Trên Cao thì lại rơi vào tha hóa ở dưới đất. Tha hóa trước sản phẩm, hàng hóa. Tha hóa trước thị trường. Bởi vì cái gì bây giờ cũng trở thành thị trường, cái gì cũng bị thị trường khai thác, kể cả lĩnh vực tâm linh. Phật giáo cũng bị thôi, và bị chính vì sự thành công của mình. Lấy một ví dụ thôi: cái nhãn hiệu “Nirvana” trên một sản phẩm sắc đẹp của quý bà. Thoa kem ấy vào, lập tức thấy cực lạc! Cực lạc bỗng trở thành nạn nhân của tha hóa. 

 Đúng là người Âu châu có vấn đề với Thượng Đế. Đúng là nhà thờ vắng tín đồ. Đúng là linh mục khan hiếm, phải cầu viện đến tận các linh mục Phi châu. Đúng là người Âu châu không đi tìm nữa trong tôn giáo truyền thống của họ câu giải đáp lớn cho những khắc khoải của tâm linh, mà đi tìm những phương thuốc tức thì trên hạ giới này, trên đời sống này, ở đây và bây giờ, here and now. Đúng như quy luật của thị trường, ở đâu có cầu thì ở đấy có cung. Hàng loạt tín ngưỡng lang băm, chính tà lẫn lộn, xuất hiện trên thị trường tâm linh, tranh nhau giành khách. Và khách ở đây là những người có đời sống vật chất đầy đủ, nhưng bơ vơ, cô đơn, mất tập thể, mất phương hướng, mất ý nghĩa sống. Ngày trước, con người Âu châu cũng yếu đuối trước Thượng Đế, nhưng họ có cái gì để tin, họ có cái chắc chắn. Bây giờ họ cũng yếu đuối, nhưng không có cái gì để tin nữa, họ mất chân đứng, họ mất quân bình, họ mất chiều cao lẫn chiều ngang, họ lung lay. Và vì họ lung lay, họ tưởng cần phải củng cố cái “tôi” của họ, cái “tôi” mà một chủ nghĩa cá nhân quá đà đã đề cao lên thượng đỉnh. Các bạn hiểu tại sao ngành phân tâm học phát triển như thế ở Âu Mỹ, tại sao các bác sĩ phân tâm học đông khách nhà giàu và trí thức: họ đi tìm cái “tôi” của họ! Nhưng cái “tôi” của họ trốn ở đâu? Một số người đi tìm trong cùng tận thâm sâu bí ẩn của ý thức dưới ánh đèn pin của ông Freud. Một số, nông cạn hơn, nghĩ rằng cái “tôi” của mình là cái thân này đây, phải làm cho nó mạnh, khỏe, đẹp, và nhất là trẻ mãi, để “cực lạc” mãi. Tất nhiên họ biết: cung cấp món ăn cho cái thân thì cũng phải cung cấp món ăn cho cái tâm, vì tâm không yên thì thân cũng khó khỏe. Nhưng họ ăn gì trên mâm cơm tinh thần của họ? Ăn lẫu. Nghĩa là hổ lốn. Chút tôm, chút mực, chút thịt gà. Chút Chúa chút Phật. Bác ái lộn xà ngầu với từ bi. Lấy một chút chỗ này, một chút chỗ kia, cái gì mà cá nhân mỗi người thấy hoặc tưởng thích hợp cho riêng mình thì gắp bỏ chung vào cái lẫu nước xúp tâm linh. Người Pháp gọi cách thực hành tân thời này là “bricolage” - lắp ghép thủ công.


Trong chiều hướng đó, ngồi thiền phát triển khắp nơi tại Âu Mỹ. Tất nhiên là hay. Nhưng trong cái hay đó, coi chừng cái dở. Cái dở là thị trường tâm linh đánh đúng vào tâm lý con người thời đại, quảng cáo ngồi thiền như một kỹ thuật để gìn giữ sức khỏe và chỉ như một kỹ thuật mà thôi. Như một kỹ thuật, quảng cáo biến ngồi thiền thành một thứ kem xức mặt, xức vào thì da mặt mát ra, nhìn vào gương thấy cái “tôi” của mình như gái một con trông mòn con mắt. Chắc các bạn biết thần thoại Hy Lạp về anh chàng Narcisse. Anh chàng mê mình đến độ ngất ngây soi bóng mình trên mặt nước, soi gần, thật gần, môi chạm môi, và anh chàng lộn cổ xuống ao. Con người hiện đại ở Tây phương cũng mê cái “tôi” của mình như thế, ve vuốt nó, hôn nó, tưởng nó có thật trong một dòng sông ảo. Nhà sư danh tiếng Tây Tạng Chögyam Trungpa gọi đùa khuynh hướng đó là “chủ nghĩa duy vật tâm linh” (“spiritual materialism”). Nhưng đó đích thực là một vấn đề, một thách thức đối với hiện tại và tương lai của Phật giáo tại Âu Mỹ. Bởi vì ngồi thiền không phải chỉ là một kỹ thuật, lại càng không phải để phục vụ cho cái “tôi”. Ngồi thiền, chính là để thấy cái “tôi” là không có.

IV. Phật giáo và khủng hoảng của hiện đại.


 không phủ nhận phúc lợi của việc ngồi thiền, dù cho ngồi thiền chỉ để tăng cường sức khỏe. Ai đã ngồi thiền và ngồi thiền đúng kỹ thuật rồi đều nói: không phải chỉ sức khỏe được tăng cường, tâm hồn cũng được thư thái. Bản thân tôi không phải chỉ chứng nghiệm một lần mà cả ngàn lần: chỉ cần biết nén giận trong một giây thôi, đừng cho nó nổ ra, đã là khóa được cái cửa của địa ngục. Huống hồ ngồi thiền không phải chỉ trong một giây! Bởi vậy, người Tây phương biết đưa việc ngồi thiền vào nhiều lĩnh vực: bệnh viện, nhà tù, trường học, công sở, xí nghiệp… Họ làm có phương pháp, bài bản, làm việc gì cũng phải làm cho đến nơi đến chốn.


Nhưng thiền không phải chỉ là thế. Thiền là tự biết mình, và tự biết mình là để quên mình. Quên mình là để nhập làm một với tất cả những gì hiện hữu. Đó là câu định nghĩa của Đạo Nguyên mà các thiền viện ở Âu Mỹ áp dụng như kinh nhật tụng. Thế nào là tự biết mình? Tôi không muốn đưa các bạn vào lý thuyết xa xôi. Chỉ nói một hành động nhỏ nhặt, cụ thể, của một người Âu Mỹ khi lần đầu tiên bước vào thiền đường. Cử chỉ đầu tiên là cởi giày. Cởi giày, xếp ngay ngắn. Bước nhẹ vào thiền đường. nghe một mùi hương thoảng, gặp một im lặng thẳm sâu, đi trên một sàn gỗ sạch không một hạt bụi, thấy một không gian không chướng ngại mở rộng ra trước mắt. “Cởi giày”: đó là bài kinh đầu tiên của họ. Cởi vướng mắc ra, giải thoát cho hai bàn chân, hai bàn chân quý lắm, bao nhiêu nút thần kinh nằm ở trong đó, hai bàn chân quý lắm, nhờ nó mà mình đứng vững được, hai bàn chân quý lắm, hãy biết quý hai bàn chân như chưa bao giờ mình biết quý nó trước đây, hãy nghe hai bàn chân đang hạnh phúc khi gặp hơi mát của sàn gỗ, nó và cái sàn gỗ đang tan thành một, người bước vào phòng đang biến thành một với gian phòng trống, với im lặng mênh mông. Bàn chân quên nó. Người bước vào phòng quên mình, để cái “tôi” ngoài cửa, như để đôi dép.


Từ khi sinh ra, ta đã muốn chỉ huy cả thế giới, sai khiến mọi người chung quanh.


Đói, khóc ầm lên, mẹ phải đưa ngay bầu sữa. Thèm hơi ấm, mếu máo để được người bồng. Muốn cái gì phải có ngay cái nấy, không thì la hét. Ta là trung tâm của vũ trụ, tất cả mọi người đều phải chiều ta. Lớn lên, ta cũng vậy thôi, 99% của cuộc đời ta được xài phí để lái thiên hạ, bắt thiên hạ phải thỏa mãn ý muốn của ta. Thậm chí, cái mà ta gọi là “tình yêu” suy cho cùng cũng chỉ là nhu cầu cần có một quan hệ gần gũi để ta cảm thấy sung sướng. Có lẽ ở đâu cũng vậy, nhưng trong văn hóa của cá nhân chủ nghĩa Âu Mỹ, nghĩ đến ta được xem là chuyện bình thường, tất nhiên. Ai lái người khác giỏi để phục vụ mình tốt, người ấy được xem là thành công. Thiền là trái ngược lại. Không nhắm tích tụ. Không nhắm chinh phục. Càng nhiều cái “có” càng ít cái “là”, cái tinh túy, cái bản chất, cái đem lại hạnh phúc. Và tôi “là” gì, chính là ở phút này đây. Ở phút này đây, tôi còn sống, còn thở, còn nói, còn có các bạn để nghe, còn có nắng đẹp ngoài kia, gió mát đang thổi, hạnh phúc vô biên, hạnh phúc được sống với cái khoảnh khắc này, được làm một với các bạn, được làm một với tất cả, được làm một với tờ giấy trước mắt tôi. Thiền không phải là ngồi yên. Thiền là không đi ăn mày nữa, không ngửa tay xin xu hào nơi người khác, nơi bên ngoài, bởi vì thiền là biết rằng cả một kho tàng châu báu nằm ở trong ta, hãy nhìn vào để thấy, và để chiêm nghiệm rằng ta càng trống đi cái “tôi” thì kho tàng ấy càng đầy.


Các thiền viện Âu Mỹ biết nhắm đến cái mục đích ấy. Kho báu trong tôi càng đầy, khả năng nhập thành một với mọi vật chung quanh càng nhạy bén, và khi ấy, tôi khổ với cái khổ của bạn, tôi vui với cái vui của bạn, tôi không còn nữa, bạn cũng không còn nữa, chỉ còn cái khổ chung, cái vui chung. Định nghĩa của chữ “từ bi” là như vậy, và ngồi thiền chính là để mở rộng lòng từ bi. Tôi đã là một với tất cả, làm sao tôi không thương tất cả, từ thiên nhiên đến loài vật, từ người gần đến người xa?


Tôi biết: đó là lý thuyết rất cao mà không phải ai cũng đạt được hoặc hiểu được. Nhưng, tôi xin quả quyết: cứ bước dần đi mỗi bước rồi sẽ thấy: quên mình nhiều nhiều hơn một chút, nghĩ đến người khác nhiều nhiều hơn một chút, ấy là con đường đi đến hạnh phúc. Và xin các bạn hãy biết điều này: các người Âu Mỹ ngồi trong thiền đường phần đông là trí thức hoặc thuộc thành phần cao trong xã hội, đã nắm khá vững lý thuyết Phật giáo và có lòng hướng đến một cái gì cao hơn đời sống vật chất, vị kỷ. Tôi nói điều này là để nghĩ đến tương lai của Phật giáo ở Âu Mỹ. Phật giáo hạn chế ở tầng lớp trí thức hay mở rộng ra cho đại chúng?


. Chỉ xin nói rằng: bộ não của con người gồm hai phần: khả năng lô-gích, trừu tượng, phân tích, tương ứng với não bộ phía trái; khả năng nhận ra sự giống nhau giữa những cái khác nhau, trực giác, tổng hợp, tương ứng với não bộ phía phải (4). Tác giả Frédéric Lenoir cho rằng văn minh Tây phương chú trọng tác động trên vũ trụ, tương ứng với việc đặt ưu tiên trên não bộ phía phải. Phật giáo đến Tây phương đã đóng vai trò tích cực trong việc làm quân bình hai vùng trong não bộ con người Tây phương. Trong cái ý đó, câu nói nổi tiếng của nhà sử học Arnold Toynbee đã thành dễ hiểu: “Sự gặp gỡ giữa Phật giáo và Tây phương là biến cố có ý nghĩa nhất của thế kỷ 20”.


 Phật giáo chính là sự quân bình và trước hết là quân bình giữa trí tuệ và lòng tin. Không có trí tuệ thì không hiểu được đức Phật. Nhưng không có lòng tin thì cánh cửa cuối cùng của trí tuệ vẫn không mở ra. Trí tuệ cũng như hoa mai. Lòng tin cũng như hơi ấm đầu tiên của mùa xuân. Chạm vào một điểm của hơi ấm đó thôi, hoa nờ bung. “Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa” là vậy. Chỉ một làn gió xuân thoảng qua thôi, chốn chốn hoa mai bừng nở. Thiền là cây cầu bắt qua giữa trí tuệ và lòng tin. Đó là pháp môn - cánh cửa đạo - mở ra cho các bậc thượng thủ. Nhưng không phải ai cũng là thượng thủ cả, cho nên Phật giáo nói có đến “bốn vạn tám ngàn pháp môn” thích hợp với căn cơ của mỗi người. Ai giàu trí tuệ, như giới trí thức ở Âu Mỹ, đi vào Phật giáo bằng cửa thiền. Ai giàu lòng tin… Đây chính là tương lai của Phật giáo tại Tây phương. Bởi vì Phật giáo muốn lan tỏa ở đây phải biết rằng không phải ai cũng là trí thức. Vậy thì, có một nhánh Phật giáo nào ở Âu Mỹ có khả năng lan tỏa ra đại chúng chăng? Có. Đó là Phật giáo Tây Tạng mà ngài Đạt Lai Lạt Ma là hình ảnh sống động. Phật giáo bám rễ được ở Tây phương là nhờ ngài và cả một loạt những nhà sư Tây Tạng xuất chúng qua giáo hóa tại đấy. Chỉ mỗi một việc xuất hiện của các vị đó thôi đã làm dấy động được lòng tin nơi quần chúng. Phật giáo Tây Tạng đáp ứng được những khắc khoải về tâm linh của quần chúng hơn là thiền tông đến từ các thiền sư Nhật Bản. Nhưng dù là thiền tông hay Phật giáo Tây Tạng, trí tuệ và lòng tin phải cùng bay với nhau như hai cánh của con đại bàng.



Cao Huy Thuần

---------------------
• Câu nói của Nietzsche, trích trong Frédéric Lenoir, Le bouddhisme en France (xem l ại) trang 9.
• Fernand Braudel: Grammaire des civilisations, Arthaud-Flammarion, 1987, trang 371.
• Dẫn trong Frédéric Lenoir, La rencontre du bouddhisme et de l’Occident, Albin Michel, 2001, trang 318.
• Frédéric Lenoir, như trên, trang 353.

Phân biệt chính tà

Phân biệt chính tà



Để phân biệt thiện ác, chính tà dĩ nhiên là điều không phải dễ dàng. Đối với những người khéo che giấu hay giỏi ngụy trang sự thật của bản thân thì lại càng khó phân biệt hơn. Dù vậy, nếu ta chịu khó quan sát các “tướng trạng” của họ thì cũng có thể nhận ra những dấu hiệu của chính tà. Bởi “tướng tự tâm sinh”, ngôn ngữ và hành vi của cá nhân luôn phản ánh bản chất thiện ác và chính tà của họ.



“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu có người ở trong nhóm tà thì có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?

Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Như Lai là vua của các pháp, là bậc Chí tôn của các pháp. Lành thay Thế Tôn! Nên thuyết nghĩa này cho các Tỳ-kheo. Chúng con nghe rồi sẽ vâng làm.

Thế Tôn dạy:

- Các Thầy khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, Thế Tôn!

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn dạy:

- Người ở nhóm tà sẽ do năm việc mà biết. Đã thấy năm việc thì biết người này ở nhóm tà. Thế nào là năm? Đáng cười mà không cười, lúc đáng hoan hỷ mà không hoan hỷ, đáng khởi tâm từ mà không khởi tâm từ, làm ác mà không xấu hổ, nghe lời lành mà không để ý. Nên biết người này ở nhóm tà. Nếu có chúng sinh ở nhóm tà, nên dùng năm việc mà biết.

Lại nữa, có chúng sinh ở trong nhóm chính, có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?

Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Như Lai là vua các pháp, là bậc Chí tôn của các pháp. Cúi mong Thế Tôn hãy thuyết nghĩa này cho các Tỳ-kheo. Chúng con nghe xong sẽ vâng làm.

Thế Tôn dạy:

- Các Thầy khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, Thế Tôn!

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

- Người ở nhóm chính, sẽ do năm việc mà biết. Đã thấy năm việc thì biết người này trụ ở nhóm chính. Thế nào là năm? Đáng cười thì cười, đáng hoan hỷ thì hoan hỷ, đáng khởi tâm từ thì khởi tâm từ, đáng xấu hổ thì xấu hổ, nghe lời lành thì để ý. Nên biết người này đã ở nhóm chính, trụ ở nhóm chính. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tà tư, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.357)


Quảng Tánh

Nghe Phật dạy về tình yêu




.
..Trước khi bắt đầu bài thuyết pháp của mình tại Tổ Đình Trung Hậu – Vĩnh Phúc, Thiền sư Nhất Hạnh đã mời các bạn trẻ ngồi lên trên, để có thể nghe thật rõ. Ông muốn nói về tình yêu, bản chất tình yêu nhìn từ góc độ Phật giáo.
.

Miệng mỉm cười, ông đã kể một câu chuyện tình yêu, giản dị thôi nhưng hàm ý sâu sắc: Có một chàng trai ở vùng California – Mỹ, rất đẹp trai, học giỏi, tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, có nhiều bạn gái xinh đẹp. Chàng trai sống với mẹ, người mẹ biết trong các cô gái ngưỡng mộ con mình, có một cô gái không xinh nhất, cô không trắng, không cao lắm nhưng được chàng trai đặc biệt chú ý. Ngạc nhiên, người mẹ hỏi con trai: Vì sao con lại thích cô gái ấy, cô ta đâu có gì nổi bật? Cô ấy hiểu con – chàng trai trả lời đơn giản.


Chàng trai học ngành công nghệ thông tin nhưng rất hay làm thơ. Mỗi lần chàng đọc thơ, cô gái nọ lắng nghe rất chăm chú và có những nhận xét sâu sắc, trong khi những cô gái xinh đẹp kia không để ý gì đến. Chàng trai đã chọn người yêu không vì vẻ đẹp bề ngoài, mà bởi sự lắng nghe và thấu hiểu.“Đạo Phật cũng dạy như vậy, có hiểu mới có thương, tình yêu phải làm bằng sự hiểu biết“, Thiền sư kết luận.

Muốn thương phải hiểu Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ.
Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc.
Không hiểu, không thể thương yêu đích thực.
Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.Mỗi người có những nỗi niềm, khổ đau, bức xúc riêng. Nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thường xảy ra.

Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.



Vậy nên, “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn án tù chung thân cho cuộc đời mình.

Chọn người hiểu và thương mình – hãy nhớ – đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.

Bốn yếu tố của tình yêu: Từ bi hỉ xả
Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.

“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.

Như vậy, “từ bi” theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. “Từ bi” trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải “tu tập”. Cần nhiều thời gian để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.

“Hỉ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.

“Xả” là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/anh, em/anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.

Này người trẻ, bạn nghĩ về tình yêu của mình đi, có “từ bi hỉ xả không”? Bạn hãy can đảm tự hỏi mình rằng: “Người yêu ta có hiểu niềm vui nỗi khổ của ta không? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của ta không? Người ấy có nâng đỡ ta trên con đường sự nghiệp không?…” Và tự hỏi lại mình, liệu bạn có đang thành thực với tình yêu của mình?! Liệu tình yêu của bạn đã đủ “từ bi hỉ xả”?

Tình dục và tình yêu

Phật giáo quan niệm như thế nào về tình dục trong tình yêu?

Trong truyền thống văn hoá ta, thân với tâm là “nhất như”, tức là nếu ta không tôn kính thân thể người yêu thì cũng không tôn kính được tâm hồn người ấy. Yêu nhau là giữ gìn cho nhau, kính trọng nhau. Khi sự rẻ rúng xem thường xảy ra thì tình yêu đích thực không còn.

Thân thể ta cũng như tâm hồn ta. Có những nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn, chúng ta chỉ chia sẻ với người tri kỉ. Thân thể ta cũng vậy, có những vùng thiêng liêng và riêng tư, ta không muốn ai chạm tới, ngoài người ta yêu, ta tin, ta muốn sống trọn đời, trọn kiếp.

Trong tình yêu lớn và cao quý, bất cứ lời nói và cử chỉ nào cũng phải biểu lộ sự tương kính. Người con trai phải tôn trọng người con gái mình yêu, cả thân thể lẫn tâm hồn. Người con gái biết giữ gìn, cũng là biết làm người yêu thêm tương kính, nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau.

Bạn muốn thương yêu theo phương pháp Phật dạy chăng? Hãy hiểu, thương và tương kính người yêu của mình, cũng chính là đem hạnh phúc đến cho người và cho mình vậy!
————-

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

THÁI CỰC LUẬN Chương 4. Thái Cực và các đồ bản Dịch Kinh




Hiểu Thái Cực là Duy nhất bất khả phân, bao quát cả Âm, lẫn Dương, cả trời lẫn đất, là tâm điểm vũ trụ vạn vật, ta mới hiểu được cách người xưa dùng tượng, số để hình dung Thái Cực.

1. Thái Cực tuy bao quát Âm Dương nhưng vẫn hồn nhiên duy nhất bất khả phân nên các ngài vẽ.



2. Thái Cực bao quát Âm Dương nên cũng còn gọi là Dịch [1] là Đơn [2]

Vì Dịch gồm Nhật, Nguyệt; vì Đơn có Nhật đầu

Nguyệt cước, cả hai chữ đều ngụ ý bao quát Âm, Dương.

3. Thái Cực là Chân Tâm vũ trụ, nên cổ nhân thường vẽ Thái Cực ở giữa Bát Quái.



4. Khảo sát Phục Hi hoạch quải thứ tự hoành đồ, ta thấy Thái Cực như là một gốc cây, Âm Dương như hai thân cây cùng một gốc, các Hào Quải như là cành lá.



5. Thái Cực bao quát Âm Dương, nên ở Lạc thư ta thấy Thái Cực ở Trung Cung được tượng trương bằng số 5:

Vì 5 = 2 (Âm) + 3 (Dương).

Vả lại số 5 còn viết được như sau:



Viết như vậy ngụ ý rằng Thái Cực Nhất Khí bao quát Tứ tượng, Ngũ hành.

6. Thái Cực bao quát cả Sinh lẫn Thành. Sinh là khởi thủy của vũ trụ, Thành là chung cuộc của Vạn Hữu, vì thế ở Hà Đồ ta thấy Thái Cực được tượng trưng bằng số

5 = Sinh số

và 10= Thành số.

7. Thái Cực còn bao quát cả mọi biến hóa của vũ trụ nên hai số 5 và 10 (5 x 10 = 50) còn gọi được là số Đại Diễn trong đó: 1 là Thái Cực, 49 tượng trưng cho Vạn Hữu biến thiên.

8. Đặt Thái Cực vào giữa vòng Dịch ngụ ý vạn vật sinh xuất từ Thái Cực rồi lại qui hoàn về Thái Cực.

Vì thế Thiệu tử nói: Các đồ bản Dịch đều phát xuất từ Trung điểm, vạn hóa, vạn sự đều sinh xuất từ Tâm [3]

Có người hỏi ý nghĩa câu này.

Ông đáp: Ở trong hình vẻ chỗ trắng là Thái Cực; 32 quẻ Âm, 32 quẻ Dương là Lưỡng Nghi; 16 quẻ Âm 16 quẻ Dương là Tứ Tượng, 8 quẻ Âm, 8 quẻ Dương là Bát Quái. Lại nói Muôn vật, muôn hóa đều từ trong đó lưu xuất ra, vì thế nói rằng mọi sự phát lộ hiển dưong của tâm đều từ trung điểm phát xuất ra. [4]

9. Vì Thái Cực vô hình tượng, nên dần dà cổ nhân vẽ các vòng Dịch để trống giữa. Để trống giữa không phải là quên đi mất gốc gác, mất Thái Cực, mà chỉ còn lưu tâm, lưu ý đến hào quải, vạn tượng Vạn Hữu. Để trống giữa chính là một cách khéo léo để nhận chân rằng Thái Cực là Thực Thể Tuyệt Đối, không thể nào hình dung mô tả được.

Thiệu tử đã nhắc nhớ các học giả rằng khoảng trống trắng ở giữa vòng Dịch chính là Thái Cực, nguồn mạch sinh ra Vạn Hữu. [5]

10. Lưu nhất Minh chủ trương rằng ở “Phương

đồ” cũng có Thái Cực. Thái Cực chính là ở Tâm điểm nơi chỗ hai đường chéo góc của hình vuông giao thoa nhau, vì nơi ấy chính là chỗ giao thoa, giao thác của 8 quẻ

[6]

11. Vì hiểu Thái Cực sinh xuất muôn loài, chủ chốt sinh tử, nên Đạo gia còn gọi Thái Cực trung tâm điểm làSinh môn, Tử hộ.

Hay nhiều khi bỏ hẳn vòng biến thiên Vạn Hữu bên ngoài chỉ còn giữ trung điểm Thái Cực. Các ngài gọi đó làKim Đơn, vì vũ trụ Vạn Hữu có thể điêu linh, tàn tạ, nhưng Thái Cực thời vĩnh viễn trường tồn [7]

12. Vì Thái Cực ở trung điểm muôn loài, nên Trung cũng là Thái Cực. Con người khi được diểm phúc sống kết hợp với Thái Cực, sẽ theo được Thiên Đạo, được Trung Đạo, sẽ trở thành Thánh Nhân. Vì thế, Đức Khổng mới nói đạo Trung Dung cao siêu, toàn mỹ, và rất ít người theo được đạo Trung Dung. [8]

CHÚ THÍCH

[1] Thái Cực tức Dịch dã 太 極 即 易 也. — Qui Nguyên Trực Chỉ, quyển hạ - trang 601.

[2] Đơn tự Nhật đầu, Nguyệt cước, trung gian nhất hoạch hệ nhật nguyệt hợp phát chi vị dã. 丹 字 日 頭, 月 腳, 中 間 一 劃 係 日 月 合 發 之 謂 也.— Tu Chân Bất Tử Phương - trang 26.

[3] Đồ giai tòng Trung khởi, vạn hóa vạn sự giai sinh vu Tâm. 圖 皆 從 中 起, 萬 化 萬 事 生 于 心.— Chu Dịch Đại Toàn, quyển nhất - trang 41b.

[4] Viết: Kỳ trung bạch xứ tiện thị Thái Cực, tam thập nhị Âm, tam thập nhị Dương, tiện thị lưỡng nghi, thập lục âm, thập lục dương để, tiện thị tứ tượng, bát âm bát dương để, tiện thị bát quái. Hựu viết: vạn vật vạn hóa giai tòng giá lý lưu xuất, thị Tâm Pháp giai tòng Trung khởi dã. 曰 其 中 白 處 便 是 太 極, 三 十 二 陰, 三 十 二 陽, 便 是 兩 儀, 十 六 陰 十 六 陽 底, 便 是 四 象. 八 陰 八 陽 底, 便 是 八 卦. 又 曰 萬 物 萬 化 皆 從 這 理 流 出, 是 心 法 皆 從 中 起 也.— Ib. 41b, Cf. Ngô Tất Tố, Kinh Dịch, quyển I - trang 52 - 53.

Tạ Vô Lượng giải nghĩa: Tâm là vật năng sinh; tâm pháp là vật sở sinh. (Tâm thị năng sinh. Tâm pháp thị sở sinh chi pháp). — Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng - trang 15.

[5] Viết kỳ bạch xứ, tiện thị Thái Cực 曰 其 白 處 便 是 太 極 . — Chu Dịch Đại Toàn, trang 41b.

[6]...Tại viên tắc Càn Khôn trung hư xứ thị, tại phương đồ Thập Tự trung phân xứ thị... Tại viên đồ tắc Càn Khôn giao đại xứ thị, tại phương đồ tắc thập tự giao tiếp xứ thị 在 圓 則 乾 坤 中 虛 處 是, 在 方 圖 十 字 中 分 處 是.... 在 圓 圖 則 乾 坤 交 代 處 是, 在 方 圖 則 十 字 交 接 處 是. —Chu Dịch Xiển Chân, trang 10 (Tiên Thiên Phương Viên Đồ).

[7] Vì thế ta thấy hình Lão tử chỉ cầm 1 đồ bản Thái Cực ở đầu sách Tính Mệnh Khuê Chỉ

...Đây là hình Kim Đơn đồ trong Chu Dịch Xiển Chân, trang 16



[8] Trung Dung kỳ chí hỉ hồ. Nhân tiển năng cửu hĩ. — Trung Dung, chương III

người đàn bà trong trí nhớ (ngọc ngà)



Lê Thị Thấm Vân




Đêm Sao của Van Gogh Trên Người Khỏa Thân


Khi vị bác sĩ từ phòng trong bước ra báo tin Ngọc có thai được hơn hai tháng, tin vui vỡ òa trên khuôn mặt Hưng, chồng Ngọc. Riêng Ngọc, nàng lặng đi vài giây. Ðiều ước muốn của hai vợ chồng đã toại nguyện. Sự kết tinh hôm nay là do sự đồng ý, săp xếp của hai vợ chồng. Lấy nhau hơn ba năm, đời sống lứa đôi hạnh phúc, căn bản kinh tế vững vàng, tiếng oa oa của đứa bé đỏ hỏn cuốn mình trong chăn len mịn quả là cần thiết.

Chưa biết hạt mầm trong bụng nhỏ to cỡ nào, nhưng Ngọc có cảm tưởng sự sống đang chuyển động trong cơ thể. Ðứng lên đón cái bắt tay chia vui từ vị bác sĩ, nàng cảm thấy phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận. “Phải thật cẩn thận.” Nàng tự nhủ. Cô Dung đã xẩy thai hai lần vào năm ngoái.

Rời phòng mạch, Hưng cho xe chạy từ từ. Cả hai im lặng. Khi quá sung sướng hạnh phúc, ngôn ngữ thật khó diễn tả.

Dừng xe trước tiệm phở quen thuộc. Hưng choàng tay qua xiết vai vợ. “Nghĩ tới em với cái bụng bầu to, anh vừa buồn cười vừa tội nghiệp, chắc là nặng lắm Ngọc nhỉ?”

~ ~ ~ ~ ~

Hình ảnh người đàn bà điên trong thành phố quanh năm chỉ gom lại mùa hè trong ký ức xa xăm đột nhiên trở về.
Qui Nhơn, thành phố miền biển, lúc nào cũng nóng như thiêu đốt. Con bé Ngọc lên năm lên bảy cởi trần, chỉ bận mỗi cái quần xi líp vải thô may phồng vẫn thấy nóng.
Hằng năm, cô Thịnh từ Qui Nhơn lên Ðà Lạt đón hai anh em nàng về sống bên nội ba tháng hè.
Ngay từ thuở bé, anh em Ngọc đã phân định được hai nơi: Quê nội là Qui Nhơn, quê ngoại là Ðà Lạt. Chuyện tình bố mẹ qua lời kể đầy thi vị của cô Thịnh: Sau khi bố tốt nghiệp trung học trường Cường Ðể ở Qui Nhơn, bố chọn đại học Ðà Lạt theo đuổi ngành sư phạm, ở đấy bố gặp Giáng Hương, tên của mẹ.

Mối tình đẹp và thơ mộng, bởi cả hai gặp nhau ở nhịp đập con tim văn nghệ. Bố đệm guitar rất hay, quyện cùng giọng ca đặc biệt của mẹ. Người bố to lớn, dềnh dàng, vui tính, ưa kể chuyện tiếu lâm. Trái hẳn mẹ, nhỏ nhắn, tinh tế, hay e thẹn nhưng chịu khó theo sát nút thời trang.

Hai người yêu nhau rồi lấy được nhau. Mối tình lý tưởng cho nhiều người chung quanh bàn tán, mơ ước vì đã kết thúc êm đẹp, không nửa đường gãy cánh như bao cặp tình nhân khác trong thời chinh chiến.

Sau năm năm chung sống, hạnh phúc trải dài như thảm cỏ xanh tươi. Hai đứa con kháu khỉnh tiếp theo nhau ra đời. Anh Dũng ra trước và Ngọc ra sau. Một trai, một gái. Căn nhà nhỏ ba phòng nằm lưng chừng đồi có hàng chè xanh bao bọc. Mảnh vườn trước trồng đầy hoa cánh bướm hồng lẫn tím. Sau này lớn thêm chút nữa, Ngọc khám phá bởi mẹ rất yêu loại hoa này nên bố trồng, không chỉ năm ba cây, mà nguyên cả vườn trước.

Trong chuyến đi chấm thi dưới Nha Trang, trên đường về lại Ðà Lạt, xe đò chở bố bị Việt Cộng đặt mìn nổ tung. Hành khách trên chuyến xe không một ai thoát được mạng. Chết trọn sáu mươi hai người. Cô Thịnh kể lúc đi nhận xác bố, ông bà nội và mẹ đã nhận xác bố không toàn thây. Chân trái bố đã bị thân nhân ai đó nhận nhầm.

Mẹ khóc cạn nước mắt, ngất lên xỉu xuống không biết bao nhiêu bận, đã tưởng bị điên suốt một năm sau khi bố mất. Mẹ bán căn nhà đầy ắp kỷ niệm về sống chung với ông bà ngoại. Mẹ vốn đã gầy giờ gầy hơn. Nét khổ đau, cằn cỗi xuất hiện thật nhanh trên mặt mẹ.

Ông bà nội nhiều lần ngỏ ý muốn đón hai cháu về sống chung nhưng bị mẹ gạt phăng. Và để chứng tỏ khả năng của con gà mái có đôi cánh xòe bao bọc được hai con gà non, mẹ xổ mền tung chăn bước ra ánh sáng, sau một năm quên hẳn đời mình. Tóc mẹ rụng gần phân nửa. Mẹ giã từ mùi dầu gió xanh luôn hắt ra từ người mẹ. Vì hai con gà con, mẹ xăn tay áo, hùng dũng bước ra làm lại cuộc đời, khởi đi từ điểm đầu. Ban ngày mẹ chạy ngược chạy xuôi kiếm trường xin thêm giờ dạy. Tối về, mẹ mở thêm lớp kèm trẻ tại gia. Lương chắp đằng này, nối đằng kia cũng chẳng đủ đâu vào đâu so với vật giá mỗi ngày một leo thang. Mẹ phải ở nhờ nhà ông bà ngoại. Hai cháu được bà ngoại, mấy dì thay nhau đút cơm, tắm rửa và mắng yêu suốt ngày.

Lần cuối ông bà nội dẫn cô Thịnh lên gặp ông bà ngoại và mẹ, với giọng sũng nước mắt là hãy thương ông bà nội, bởi ông bà chỉ có hai đứa cháu, thằng con trai độc nhất đã mất. Tuổi ông bà đã cao, sống chẳng còn bao lâu. Ông bà xin mỗi mùa hè cho hai cháu xuống Qui Nhơn chơi, và hứa sẽ đón đưa bằng máy bay chứ không bằng xe đò.

Lòng thương yêu và sự chân thành của ông bà nội làm mẹ gật đầu. Mọi chuyện giải quyết êm đẹp đôi bên.

Khí hậu Qui Nhơn và Ðà Lạt khác nhau một trời một vực. Thành phố miền biển và thành phố miền núi. Như Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sanh được trăm trứng, năm mươi theo cha lên núi, năm mươi theo mẹ xuống biển. Qui Nhơn với những ngày đầu Ngọc không thể nào ngủ được. Phần nhớ mẹ, nhớ ông bà ngoại, nhớ cái mền lông ngỗng mềm mại vân vê mỗi đêm. Càng về khuya, tiếng sóng vỗ ì ầm của biển lại càng làm Ngọc nhớ tiếng thông reo quen thuộc từ thung lũng sau nhà vọng lên. Sau này lớn, nhớ lại những tháng ngày kỷ niệm ấu thơ, nhận thấy mình trẻ con, chóng quên, chóng nhớ. Hai thành phố níu kéo giằng co tình cảm nhưng luôn đầy ắp trong Ngọc. Những tia mắt ái ngại, thương xót của chòm xóm “con không cha như nhà không nóc” chẳng nghĩa lý gì.

Nhà ông bà nội nằm trên đường Nguyễn Huệ. Một trong vài con đường chính của thành phố, chạy dài song song theo bãi biển. Căn nhà có ba tầng. Tầng dưới dùng buôn bán vật liệu xây cất nhà cửa. Tầng giữa là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ của ông bà nội. Tầng ba là phòng của bốn cô con gái. Trong trí nhớ Ngọc, nó là căn phòng thật rộng bày bừa áo quần, giày dép, đồ phụ tùng làm dáng của nữ phái. Từ chiếc áo dài loang lổ mồ hôi vừa thay chưa giặt, đến những chiếc áo lót ngực viền đăng ten ngả màu. Rồi nào gương lược, phấn son, viết chì kẻ mắt xanh xanh, đỏ đỏ… thoạt nhìn qua, biết ngay căn phòng của bầy con gái đang ở lứa tuổi cập kê mà hồn lúc nào cũng gửi gấm cho ai đó.

Nhà không có sân, trời mùa hè nóng nực, mặt hai đứa cháu lúc nào cũng đỏ au như quả gấc, mồ hôi nhễ nhại quanh người. Thế là cô út, mỗi chiều phải dẫn anh em nàng ra Sân Chùa gần nhà để hóng mát. Gọi là Sân Chùa vì quen miệng, chứ thực ra nó chỉ là bãi đất trống không thuộc về ai, giữa sân có cái am bé tí như cái chuồng bồ câu bác Hải đóng cho anh Dũng trên Ðà Lạt. Mùa hè, mùa rong chơi của đám trẻ con, bởi thế chúng tụ lại rất đông ở Sân Chùa bày đủ thứ trò chơi. Con gái nhảy dây, cò cò, u mọi, ô làng… Con trai thẩy lon, quay vụ, bắn bi…

Đặc biệt Sân Chùa lúc nào cũng hiu hiu gió mát, mặc dầu nắng nóng bao phủ cả thành phố. Sân Chùa có những cây keo không biết ai trồng tự thủa nào mà cành lá luôn xanh um. Thân cây cao lớn, phải hai hoặc ba đứa cỡ tuổi Ngọc nối tay ôm mới vừa trọn vòng. Lá keo nhỏ lăn tăn, càng lên cao càng nhiều gai nhọn. Trái keo hình xoăn ốc, khi chín ăn rất ngon, vị vừa chát vừa chua vừa ngọt, hợp với khẩu vị bọn con nít. Ngọc là một trong những đứa mê ăn trái keo. Anh Dũng, trái lại mê trèo cây hơn ăn trái.

Và ở tại Sân Chùa, Ngọc đã gặp hình ảnh một người đàn bà. Nhân vật nữ này đã đi thẳng, sâu vào trong nàng suốt quãng đời thơ ấu. Cho đến giờ đây, sau bao năm xa cách, đã trưởng thành trên đất lạ quê người, nhưng hình ảnh bà vẫn đeo đẳng, chưa thể dứt lìa.



~ ~ ~ ~ ~





Sáng nay Ngọc thức dậy muộn. Quơ chân tìm kiếm đôi dép dưới sàn, bỗng Ngọc thấy người chao đổ, đầu quay tít như chong chóng treo đầu gió. Giấc ngủ chập chờn nửa tỉnh nửa mê, ói mửa đến mật vàng làm Ngọc kiệt lực, mềm lả tựa cọng miến. Ngọc cưu mang cái thai trong bụng đã hơn ba tháng.

Nhìn quanh phòng, từ sàn nhà lên đến đầu tủ, ngổn ngang sách báo viết về đàn bà mang thai, cả thẩy trên dưới hai mươi cuốn. Có cuốn Hưng mua, có cuốn nàng mua, số còn lại hai đứa mượn ở thư viện gần nhà. Nhìn số sách bày đầy trong phòng ngủ, Hưng đùa, “Sanh con xong, em viết cuốn cẩm nang cho người đàn bà mang thai, anh nghĩ còn hay và đầy đủ hơn mấy cuốn kia nhiều.”

Ngọc nghĩ đến đứa con trong bụng. Nếu là trai, đừng giống bố cái mũi, vừa to vừa lệch. Còn nếu là gái, đừng giống mẹ đôi mắt mí lót.

Bác sĩ cấp cho Ngọc giấy phép nghỉ làm hai tuần ở nhà dưỡng thai. Ngọc quá yếu, ăn gì vào cũng nôn ọe liền sau đó. Hưng chăm sóc nàng từng li từng tí. Từ ly sữa đến chén soup hầm đủ loại rau tươi. Hưng dìu nàng ra sân sau hóng gió mỗi chiều. Những lúc được chồng nưng niu chiều chuộng, Ngọc thật lòng xúc động, nghĩ mình như đóa hoa được nở trọn vẹn, hương thơm nồng ngát. Nàng quả là người hạnh phúc.

Nhưng mỗi đêm về, khi bàn tay chồng xoa xoa lưng vỗ về giấc ngủ cho nàng, trong bóng tối lờ mờ, đầu óc nửa tỉnh nửa mê, hình ảnh ”Chị Ngà Ðiên” thời ấu thơ thấp thoáng trở về.

~ ~ ~ ~ ~

“Chị Ngà Ðiên”, người đàn bà Ngọc gặp trong ba tháng hè mỗi năm ở thành phố mặn nồng mùi nước biển, dưới những tàng cây keo phủ đầy bóng mát, giữa tiếng reo hò của đám trẻ con chạy thuồng luông quanh xóm.


Lần đầu tiên Ngọc gặp chị là một buổi xế trưa. Trời như đang muốn nổi cơn giông. Khi chị Ngà xuất hiện từ đàng xa, đám trẻ con túa ra reo hò chào đón chị với những khẩu hiệu: “Bà điên tới, bà điên tới… tụi bây ơi! – Chị Ngà điên, muôn năm! muôn năm!” Rồi chúng vỗ tay reo cười ầm ĩ. Thế là chị Ngà bắt đầu dừng chân đứng chửi. Chị chửi đổng lên, “Mả cha tụi bây con nhà mất dạy. Tao có động mồ động mả chi họ hàng nhà bây mà…” Ngọc há mồm ngây người đứng ngó trân. Lần đầu tiên trong đời Ngọc thấy người điên giữa bầy con nít. Và rồi dàn chào cũng chỉ ngắn ngủi độ năm ba phút. Ðám con nít trở lại với những trò chơi bỏ dở. Chị Ngà lững thững đi về phía cái giếng ở cuối góc Sân Chùa, lấy gầu múc nước đổ xối xả lên người, trên mình bận quần đen ống cao ống thấp, áo cánh trắng đã ngả màu cháo lòng.


Những ngày cuối hè, khi cây keo bắt đầu rụng lá. Ðám trẻ con thưa dần. Hai anh em Ngọc bịn rịn ông bà nội cùng mấy cô lên đường về bên mẹ và ông bà ngoại.


Thời gian lặng lờ trôi. Ðến hè rồi hết hè. Thành phố miền biển và thành phố miền núi. Gia đình bên nội và gia đình bên ngoại. Và đặc biệt, với người mẹ vừa đằm thắm vừa mạnh mẽ, luôn ắp đấy yêu thương đẩy đưa anh em Ngọc lớn dần, lớn dần.


Nhưng thỉnh thoảng hình ảnh chị Ngà điên thấp thoáng xuất hiện. Chị đồng hành cùng Ngọc suốt hành trình từ thuở ấu thơ.



***



Biến cố tháng Tư, 1975 xảy đến khi Ngọc học xong tiểu học. Ngọc mơ hồ cảm được những đổi thay kinh khủng chung quanh nhưng không rõ nét. Hè năm đó, hai anh em không được về bên nội. Mẹ tất tả ngược xuôi. Khoảng cuối năm 1976, mẹ và cậu Nguyên dẫn hai anh em xuống Vũng Tàu tìm đường vượt biên. Ban đêm nằm trong căn nhà lạ, nghe tiếng sóng biển vỗ ì ầm, Ngọc ôm xiết lưng mẹ thỏ thẻ, “Con nhớ ông bà nội, mẹ đưa con đi thăm ông bà nội, mẹ nhé!” Mẹ với giọng vỗ về, “Ờ, để từ từ mẹ tính. Xuỵt… ngủ đi.” Ngọc biết mẹ chỉ hứa xuông. Khuôn mặt mẹ trong những ngày ở thành phố lạ, lúc nào cũng cố giữ vẻ bình tĩnh, tuy nhiên qua giọng nói, mẹ không che giấu được sự hốt hoảng âu lo trong lòng. Mẹ dặn cậu Nguyên phải canh chừng hai anh em nàng thật kỹ, không được đi đâu khỏi căn nhà trọ. Ngọc thấy bị gò bó, mất tự do. Ðó là chút điều Ngọc cảm thông, chia sẻ được với những người chung quanh trong thời điểm mà mãi sau này, nàng mới thấu hiểu.




Chuyến vượt biên không thành, mẹ trở về tay trắng, lại sống nương nhờ bên ngoại, gắng gầy dựng lại từ đầu. Rồi lại kiếm đường vượt biên, rồi lại thất bại. Mẹ xuống Vũng Tàu, xuôi vô Phước Tỉnh, đâu đâu mẹ cũng dắt hai con gà con của mẹ.


Tin tức bên nội gần như bặt hẳn. Mẹ quyết nuôi ý chí vượt biên. Sau vài lần thất bại đắng cay, mẹ quay về đường miền Trung cầu cứu ông bà nội. Thành phố Qui Nhơn vẫn nắng nóng thiết tha, tuy giờ đây phảng phất nét u buồn, tẻ nhạt. Vòng tay ôm ông bà nội vẫn ấm áp như thuở nào. Sau ba năm xa cách, gặp lại, ông bà nội gầy yếu đi nhiều, nhà hết còn buôn bán vật liệu xây cất. Ông nội xoay qua nghề hớt tóc dạo. Cảnh nhà sa sút thấy rõ. Hai cô gái lớn đã lấy chồng, ra ở riêng. Bà nội suốt ngày ra vào ngớ ngẩn như người mất hồn.


Buổi chiều đầu tiên trở lại thành phố miền biển. Ngọc cùng anh Dũng ra Sân Chùa kiếm mấy người bạn cũ ngày trước. Cái am nhỏ còn đó, hàng cây keo lá vẫn xanh um. Ðám bạn ngày trước giờ thưa thớt. Hỏi ra mới biết đứa theo gia đình dọn đi thành phố khác, đứa đã vượt biên. Cây keo xào xạc lá, trái chín lẫn trái sống lủng lẳng trên những nhánh cây cao.


Anh Dũng bỏ về trước, còn lại một mình, Ngọc ngồi chồm hổm nhặt cành cây hất tung những lá keo khô, bâng quơ nhìn người qua lại.


Từ xa, một người đàn bà từ từ tiến tới. Ai đó có dáng đi quen quen. Ồ chị Ngà điên! Nàng vội vàng đứng dậy, chợt nhận ra mình vừa vỗ tay reo. Một bà điên giờ đã nhiều tóc bạc, đen đúa. Và trời ơi! bà đang có bầu. Trên mình không mảnh vải che thân. Lần đầu tiên giữa thanh thiên bạch nhật, Ngọc chứng kiến hình ảnh người đàn bà khỏa thân.


Bà đi băng qua chỗ Ngọc đứng. Mắt nhìn vào trời đất mênh mông, bước chân không định hướng, miệng cười cười… Dáng đi nửa lầm lũi nửa lệch lạc vì cái bụng bầu to so với khổ người.

~ ~ ~ ~ ~

Ngọc kéo mành cửa qua hẳn một bên để mảng nắng đầu mùa chiếu rọi vào phòng. Ðứa bé trong bụng trở mình theo người mẹ.

Ngọc mang thai được hơn bảy tháng. Ðứa bé giờ có đủ tứ chi. Sanh ra có nhiều cơ hội nhập cuộc với đời.

Mỗi ngày nàng tập thể dục đều đặn, ăn uống đúng cách thức chỉ dẫn của sách dành cho người đàn bà mang thai. Bốn thức ăn căn bản: sữa, thịt, rau, ngũ cốc.

Mỗi tối Thứ Ba, Hưng đưa nàng đến dự lớp Lamaze cùng hai mươi cặp khác. Bà giáo chỉ dạy cách thức giữ gìn, săn sóc người mẹ và đứa bé. Lúc sanh con nên thở và rặn thế nào cho đúng. Sanh xong phải chăm sóc đứa bé ra sao. Ðiều bà giáo nhắc đi nhắc lại nhiều lần, con là con chung, vì thế chồng phải hết lòng thương yêu vợ, chăm sóc con.

Nàng và con nàng quả là người vừa hạnh phúc vừa may mắn.

~ ~ ~ ~ ~

Ðất nước biến đổi, xã hội nhiễu nhương, luân lý đảo lộn, hậu quả phải chăng là cái thai đang nằm trong bụng chị Ngà?


Trước 1975 chị đã bị điên, nhưng vẫn còn tỉnh táo để khoác trên mình bộ đồ mốc cũ. Giờ đây còn gì để che đậy? Ði lang thang trước mặt đám trẻ, chúng chỉ dõi mắt nhìn theo chứ chẳng thiết tha reo hò chọc phá.


Nếu bây giờ gặp lại chị Ngà, Ngọc sẽ nắm bàn tay chị, hỏi, “Chị Ngà ơi… Chị Ngà à… Chị có biết chị đang cưu mang một mạng sống hay không hở chị Ngà?”


Ôi đôi mắt vô hồn của chị, đầu đội trời chân đạp đất, chị phăng phăng đi tới đâu thì tới.
Ôi xã hội với con đường dẫn xuống âm ti địa ngục, lương tri đạo đức con người nay đã gửi gấm về đâu? Thân xác người đàn bà điên cũng phải bị trả giá.


Ngọc đã đi sâu đi sát với cuộc đời gần ba mươi năm. Một nửa làm tuổi thơ trên quê hương khốn khổ, nửa kia trên mảnh đất trời thương, dành nhiều ưu đãi. Ðồng thời sắp sửa làm mẹ, Ngọc mới thấm được nỗi đớn đau, nghiệt ngã của thân phận đàn bà Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đen tối.

~ ~ ~ ~ ~

Ngọc nằm xem TV cạnh Hưng. Hai chân duỗi thẳng vì khó gác chéo lên nhau. Hai vợ chồng vừa thả bộ mấy block quanh nhà. Nàng siêng đi bộ để sanh đẻ cho thuận buồm xuôi gió. Ðứa bé trong bụng mẹ được hơn tám tháng. Mấy ngày nay nó cứ đấm đạp liên hồi, nàng đưa tay xoa nhè nhẹ bụng như thể dỗ dành, nựng nịu con.

Nàng nhớ hôm nghe tin có bầu. Ðêm về, ôm Ngọc trong cánh tay, Hưng thầm thì mong là con trai, lớn lên chơi tennis với bố. Ngọc mong là con gái, lớn lên đi shopping với mẹ. Nay thì trai hay gái, mũi lệch hay mí lót không nghĩa lý tí ti nào cả. Lạy trời sao cho con đủ tháng đủ ngày, sanh ra khỏe mạnh, không bất thường điều gì. Bởi sự hiện diện của con trên cõi đời này nào có sự đồng ý của con, mà hoàn toàn quyết định của bố mẹ. Rồi đây cuộc đời con hạnh phúc hay khổ đau? Hành trình trần gian thăm thẳm chờ đón con, con yêu của mẹ.

~ ~ ~ ~ ~

Chị Ngà Điên sẽ nghĩ và phản ứng như thế nào nếu đứa bé giẫy đạp trong bụng chị? Chị có dịu dàng vỗ về xoa xoa cái bụng hay chửi đổng lên, “Mả cha mi, tao có động mồ động mả chi nhà mi…” Ngọc trăn trở qua lại, băn khoăn tự hỏi. Sau 1975, dưới gầm trời Việt Nam đói ăn đói mặc đói luôn tình người. Ai dư thừa chút tình người san sẻ cho chị? Nhà thờ nhà thánh thầy chùa sư sãi đang chui trốn nơi đâu?

~ ~ ~ ~ ~

Khi chiều hai vợ chồng đi shopping mua sắm đồ đạc cho đứa con nhỏ sắp chào đời. Cái nôi nhỏ màu trắng phủ mền len ngũ sắc. Ðứng nhìn phòng con, Ngọc nở nụ cười hài lòng. Màu wallpaper tiệp màu màn cửa sổ. Đèn ngủ có hình dạng thằng hề mặt thật vui, cầm chùm bong bóng đủ màu, xanh xanh đỏ đỏ trẻ nhỏ nó thích. Cô An, em gái Hưng mỗi cuối tuần tạt ngang, cho cháu hết cái này đến cái nọ, nào bít tất nào áo len… ôi thôi đủ thứ, đủ kiểu, đủ màu. Con ơi! Mọi người chung quanh đang mong con ra đời. Bà nội nấu món gì ngon cũng sai chú Trình mang qua cho mẹ con mình ăn. Mỗi ngày bố hôn con qua bụng mẹ không dưới mười lần. Mẹ thầm thì nói chuyện cùng con. Nhìn tấm ảnh trong magazine chụp bàn tay người mẹ nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của người con, mẹ liên tưởng đó là tay mẹ đang níu lấy tay con. Ôi con thương yêu của mẹ!

~ ~ ~ ~ ~

Nụ cười ngây ngô khờ dại. Ðôi mắt vô hồn. Hai chân trần in trên bãi cát nóng miền biển. Bụng ỏng, lưng cong với những bước đi không định hướng. Ðất cát dưới chân lún sâu với sức nặng của cái bào thai. Kiếp khổ nhục của người đàn bà Việt. Kẻ lạ đứng trố mắt nhìn người điên trong thành phố lạ. Bỏng chân chị có hay? Ðứa bé đói bụng mút tay trong bụng chị có biết? Ai trong thành phố đổi chủ này còn có khả năng, sót chút từ bi đưa tay truyền hơi ấm cho chị?

~ ~ ~ ~ ~

Jennifer, cô em út của Hưng vừa tổ chức sinh nhật thứ mười bốn cuối tuần qua. Con bé đánh phấn thoa son coi bộ đã thiện nghệ. Ðứng đâu nó cũng ri rỉ điệu nhạc và nhún nhẩy. Mền gối chiếu chăn in đầy hình năm chàng trai trẻ, bảnh trong ban nhạc “New kids on the block” lừng danh hiện thời.

Bằng tuổi này của gần mười lăm năm trước. Con bé Ngọc đứng căng tròn mắt ngó người đàn bà điên mang bầu, trần truồng 100% ngay trên mảnh đất đẻ sinh ra nó, mà mẹ nhất định sống chết gì cũng phải tìm cách dứt lìa.

“Tính theo ngày thì Thứ Hai tới bà sẽ sanh. Tuy nhiên, từ đây đến ngày đó bà có thể sanh bất cứ lúc nào. Về nhà tĩnh dưỡng cho khỏe. Nhớ uống nước và rán đi bộ càng nhiều càng tốt. Cứ bình tâm chờ đợi. Hai mẹ con đều khỏe mạnh. Nếu có triệu chứng lạ cứ gọi đến văn phòng.”

Ngọc mỉm cười, gật đầu đa tạ vị bác sĩ đã tận tâm chăm sóc hai mẹ con nàng chín tháng nay. Ngọc tính nhẩm,”Còn năm ngày nữa. Hôm nay Thứ Tư, hết weekend này, Thứ Hai tới, người ta đi làm, mình đi sanh.”

Hai vợ chồng sắp xếp, chuẩn bị đủ mọi thứ. Mấy ngày nay, Ngọc đi đứng quá đỗi khó khăn, hai bắp chân, mặt mày sưng lên như bị bệnh phù thủng. Soi gương trông lạ và xấu xí đi nhiều. But who cares! Ta sắp được làm mẹ, còn nỗi niềm hạnh phúc nào hơn.

Ðêm qua Ngọc thức dậy không biết bao nhiêu lần để đi tiểu. Lưng đau, bụng nặng, chân tay như không liền người. Nhìn nàng cả đêm loay hoay khổ sở tìm cách xoay mình để bước xuống giường. Hưng nói nhỏ, “Phải chi anh đi được giùm em, Ngọc nhỉ!” Câu nói làm ý tưởng chạy nhanh qua đầu Ngọc, “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà đi biển mồ côi một mình.”

“Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ đâu? Mẹ của con đâu? Ðau quá mẹ ơi! Chắc con chết mất!”
À ơi cái vạc mà đi ăn đêm
Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt…

Những trái keo vừa chín nở bung, ngon quá mẹ ạ! Mẹ ơi, con đau quá! Hoa cánh bướm trước sân nhà cũ của mình trên Ðà Lạt còn nở nhiều bông không hả mẹ? Mẹ ơi, đau quá mẹ ơi! Cát Qui Nhơn nóng quá là nóng anh Dũng ơi! Sóng biển đêm nay sao vỗ to thế hở bà nội? Mẹ ơi đau quá! Chết con mất mẹ ơi… mẹ ơi… mẹ ơi…

Keep trying. One two three … push… push… thở ra, thở vô… Almost. Take a deep breath!

Cơn đau dịu xuống. Mảng tóc đen của đứa bé thập thò ở cửa mình Ngọc thấy qua tấm gương tròn lớn treo trên tường, ngay trước mặt. Ngọc trở lại trạng thái tỉnh táo bình thường như đang đứng kiểng chân trước tủ lạnh, nghĩ xem chiều nay nấu món gì cho chồng ăn với từng thứ ấy rau và thịt. Ngọc chợt khám phá đau đẻ thật là kinh hoàng. Nó đau từng cơn, từng hồi, từng chặp. Kim đồng hồ trong computer kê sát giường càng lên cao thì cơn đau càng khốc liệt. Kim đồng hồ xuống thấp thì đầu óc tỉnh táo như đang ngồi gác chân tán chuyện tào lao cùng chồng. Rồi kim đồng hồ lại từ từ lên cao… quặn, rặn, thở, rên la, hò hét, cào cấu. Chúa Phật sư sãi lúc đó ngoảnh mặt làm ngơ. Chỉ có mẹ, là mẹ, làm mẹ mới thấu hiểu được nỗi đớn đau banh da xẻ thịt này.

Bà Ngà Ðiên đột ngột xuất hiện với ánh mắt cảm thông, nụ cười san sẻ.

Ôi ngọc ôi ngà.

Mẹ lấy hết sức bình sinh, phùng mang trợn mắt, rặn một hơi cuối. Con tuột ra khỏi mẹ. Ơi Con!

Ngọc sanh bé gái nặng 7 pounds, 2 ounces và dài 20 inches vào lúc 5 giờ 08 phút sáng Thứ Hai, ngày đầu tuần.

mùi của riêng em


Lê Thị Thấm Vân







Con người trừu tượng như lịch sử
màng trinh hư ảo chẳng là em
anh mãi đi tìm.

Con cá hanh giẫy chết với cái bụng rỗng.
Sự vắng mặt của em đêm nay giữa những người bạn
bởi vắng mặt nên luôn là sự thèm khát,
và không hề mất.

Em, với nhiều quá khứ mà chính em cũng không thể nhặt nhạnh,
nhớ hết được.
cánh chuồn chuồn rất mỏng
chiêm bao đã là thơ
Nhưng làm sao em điều khiển được sự bất hạnh thành điều tốt lành?

Trong giấc mơ, ngôn ngữ khắc trên da thịt em nằm trải dài nối hai đầu kinh giới.
Ý nghĩa luôn đổi thay
Lịch sử cũng thế,
giới hạn & chọn lựa
của quá nhiều người

Trong giấc mơ,
mùi máu mùi nước mắt mùi hơi thở nồng nàn của em di chuyển không tiếng động theo đường gân trong thân thể anh.
Mộng dữ hay lành nằm ngoài tầm kiểm soát của ký ức
biến đổi liên tục
như lạ mùi và khác mùi
nhưng,
anh luôn nhận ra mùi của riêng em. Em yêu.


Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Được tiền tỷ khi chống tham nhũng, có phải là điều dân muốn?




Tác giả: Quốc Toàn



Thưởng tiền tỷ

Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV do Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ ban hành ngày 16/03/2015 vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2015.

Theo đó, Thông tư này quy định rõ việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.



Thông tư quy định các hình thức khen thưởng như sau: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Bằng khen của người đứng đầu cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương).

Tiêu chuẩn khen thưởng đối với người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 21 Nghị định số 76/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo.

Ngoài mức thưởng được áp dụng theo quy định tại Điều 72, Điều 75 Nghị định 42 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua – khen thưởng, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng cụ thể như sau.

Huân chương Dũng cảm: 60 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là mức lương cơ sở); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 40 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương: 20 lần mức lương cơ sở.

Riêng trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định trên nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,45 tỷ đồng).

Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV quy định việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2015 (ảnh QUỐC TOẢN)


Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã hành Thông tư 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản án.

Theo đó Thông tư này quy định rõ, khi nhận được đơn tố cáo, người xử lý đơn tố cáo phải giữ bí mật tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo khi có yêu cầu.

Đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng về hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì người xử lý đơn báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự.

Ý tưởng tốt, nhưng dân tham gia chống tham nhũng thường không phải vì tiền

Giới phân tích trong nước đưa ra nhận định, việc áp dụng khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng là ý tưởng tích cực.

Bình luận về vấn đề này, hôm 1/5, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: “Nội dung Thông tư vừa được ban hành thể hiện ý tưởng, thái độ tích cực của giới chức trong việc khuyến khích người dân tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng”.

Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, điều người tố cáo hành vi tham nhũng kỳ vọng lại nằm ở chỗ, cơ quan chức năng cần xử lý triệt để sai phạm, làm trong sạch bộ máy quản lý.

“Từ trước tới nay, rất nhiều người dân có tâm huyết, tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng. Họ vô tư tố cáo các hành vi tham nhũng tới các cơ quan chức năng trước những điều tai nghe, mắt thấy. Có người sẵn sàng bỏ công sức, thu thập bằng chứng, tố cáo tham nhũng, nhưng không phải để nhận tiền thưởng”, ông Hùng cho biết.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay, thực tế hiện nay cơ quan chức năng chưa thật sự chú trọng việc bảo vệ người tố cáo.

“Người tố cáo tham nhũng đang cảm thấy bị lẻ loi, không được bảo vệ. Có những người kiên trì thực hiện tố cáo, nhưng việc xử lý tố cáo lại chưa đến nơi đến chốn. Do vậy, vấn đề còn nằm ở chỗ, giải quyết tố cáo như thế nào chứ không chỉ dừng lại ở việc tố cáo tham nhũng?”, ông Hùng nêu quan điểm.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh: internet)


PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng cũng đưa ra quan điểm, Ý tưởng khen thưởng người tố cáo là tốt, tuy nhiên hiệu quả từ Thông tư này mang lại sẽ khó đạt được như kỳ vọng của giới chức.

“Xét về mặt lý luận, bản chất, cách thức xử lý tham nhũng không chỉ dừng lại ở việc lấy nguồn tin, khen thưởng cho việc tố cáo tham nhũng. Vấn đề tham nhũng phải được xử lý tận gốc – nơi phát sinh tham nhũng..”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cũng cho rằng, có khá nhiều cán bộ công chức hiện nay khá thờ ơ với công tác phòng chống tham nhũng. Họ sẵn sàng “sống chung với lũ” bởi người ta cảm thấy bất lực trước công tác phòng chống tham nhũng”.

Bảo vệ người tố cáo, xử lý triệt để kẻ sai phạm

Giới phân tích cùng chung nhận định, để công tác phòng chống tham nhũng ở nước phát huy hiệu quả hơn nữa, cần đưa ra các biện pháp tổng thể, đồng bộ từ trên xuống.

Về việc này, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, để khuyến khích được người dân tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, cần thiết phải có những địa chỉ tin cậy, cụ thể để họ có điều kiện trình bày, thể hiện quan điểm, tố cáo tham nhũng. Những địa chỉ ấy phải biết lắng nghe dân, thực hiện xác minh cụ thể những điều dân nói”.

“Thực tế, hiện nay người dân tố cáo tham nhũng đang đối diện với nhiều rủi ro (trả thù, trù dập, đe dọa tính mạng…). Ví dụ, người tố cáo tham nhũng là cấp dưới, sẽ khó tránh khỏi chuyện bị cấp trên hoặc người có liên quan trả thù, trù dập. Do vậy, cần phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách hiệu quả.”, ông Vũ Quốc Hùng đề nghị.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng


Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng phát huy hiệu quả, cần phải đưa ra cơ chế chống tham nhũng hiệu quả.

“Phải tạo ra sự tin cậy trong công tác phòng chống tham nhũng. Cơ quan thực hiện công tác phòng chống tham nhũng phải gương mẫu, trong sạch, vô tư, công tâm”, ông Hùng cho hay.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh thì đưa ra quan điểm, bản chất của công tác chống tham nhũng nằm ở chỗ công khai, minh bạch, kết hợp với những cải cách về mặt thể chế…

“Vấn đề xử lý tham nhũng không nằm ở chỗ xử lý tố cáo tham nhũng. Điều cốt yếu là việc tạo ra hệ thống quản lý vận hành trơn tru, ít nảy sinh ra “rác” tham nhũng. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm tới việc cải cách thể chế, hoàn thiện cơ chế chính sách (hệ thống phản biện, tiền lương, việc làm, công tác cán bộ…). Có như vậy mới hạn chế được tham nhũng phát sinh”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu giải pháp.

——–

Giáo Hội SAO CHÉP và SAN SẺ





Một tôn giáo độc đáo và văn minh khoa học nyha6n bản ra đời tại Thụy Điển trong thập niên qua và đang lớn mạnh dần khắp thế giới. Giáo chủ, người sáng lập giáo hội SAO CHÉP SAN SẺ này là Isak Gerson tại Thụy Điển, với tên đăng ký [háp lý chính thức là KOPIMISM.

Giáo hội KOPIMISM không thời thần thánh nào mà THỜ PHỤNG HÀNH ĐỘNG SAO CHÉP VÀ SAN SẺ tất cả mọi thứ trên đời giữa loài người. Theo "giáo lý" của KOPIMISM, hành động sao chép và san sẻ là một cử chỉ linh thiêng. Sự nhận thức san sẻ mọi thứ đặc biệt thông tin kiến thức văn hóa nghệ thuật tư tưởng giữa loài nguòi với nhau là một điều cực kỳ linh thiêng đạo đức.

Missionary Church of Kopimism - Wikipedia, the free ...

Kopimism Australia | The Australian Church of Kopimism

Missionary Church of Kopimism - Det Missionerande ...

Kopimism | Facebook Biểu trưng của Giáo Hội này là hợp phím Crtl+C và Crtl+V phím lệnh nhấn khi chúng ta dùng máy điện toán để chép và chuyển hồ sơ.

Hiện nay Giáo hội đã có những chi nhánh tại các xã hội Âu Mỹ Úc. Tín đồ chính thức khoảng 5 ngàn. Nhưng những tín đồ không chính thức có lẽ đang lên đến hàng tỉ.. Bất cứ ai hành động LINH THIÊNG- nhấn hợp phím Ctrl+C và Ctrl+V trong mục tiêu san sẻ hồ sơ, phim ảnh, bản lệnh v.v đến đồng loại đều là tín đồ của Tôn giáo độc đáo này.

Có thể nói các trang tin độc lập là những tín đồ thuần thành không chính qui của Kopimism!!!

Tôn giáo này cực kỳ dễ thương và không cần rao giảng mua chuộc gian trá nhưng tín đồ đầy khắp địa cầu! Mọi người TỰ NGUYỆN tham gia không cần làm đơn tuyên thệ gì hết cả.

Thật là một "tín lý" chỉ có trong đầu Con Người tiến bộ tại những xạ hội tiến bộ tự do!

Nhân Chủ