Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

chim mỏi cánh rơi


yêu em trong cả giấc mơ


Tình yêu





Hai mẹ con ngồi bên quan tài của người cha đã chết, nắp quan tài không đóng.

Con : - Mẹ ơi, phải đưa cha đi mai táng thôi.

Mẹ : - Mẹ không muốn, mẹ không thể rời xa ông ấy.

Con : - Trông cha buồn thảm quá.

Mẹ: - Con nhầm đấy, cha vui khi được ở bên mẹ.

*

***

Con: -Cha bắt đầu trương lên rồi mẹ ạ.

Mẹ: - Da mặt ông ấy vẫn đẹp lắm.

Con: - Mẹ có thể gọi như thế là đẹp ư?

Me: -Con sao vậy? Cha con là người đàn ông đẹp nhất trên đời.

*

***

Con: - Cha bốc mùi rồi mẹ ơi.

Mẹ: - Đâu, con tưởng tượng ra đấy thôi.

Con: - Sự thực là cha đang bốc mùi.

Mẹ : - Ta phải nhìn những điểm đáng yêu của ông ấy.

Con : - Con sợ nếu mẹ cứ để cha mãi thế này rồi đến lúc mẹ có cố cũng không yêu được cha nữa.

Mẹ : - Cha con đẹp lắm, sao con dám ăn nói như vậy ?

*

***


Con : - Cha có giòi rồi đó mẹ.

Mẹ : - Đừng nhìn chúng. Con không yêu cha con ư ? Nỡ bạc bẽo vậy sao con ?

Con : - Nếu mẹ chôn cha lúc cha vừa mất, mẹ sẽ yêu cha hơn.

Mẹ : - Lúc nào mẹ cũng yêu như lúc nào. Không có gì lay chuyển được tình yêu của mẹ.

Con : - Mẹ ơi, có một con giòi đang bò trên tai mẹ. Mẹ sẽ ốm mất thôi.

Mẹ : - Nó là của cha con đấy. Trời ơi, chắc ông ấy muốn nói gì đó với mẹ.

Con : - Có lẽ cha chỉ muốn được yên nghỉ dưới mồ thôi. Thế này có phải chúng ta đang hành hạ cha không ?

Mẹ : - Con không hiểu gì cả. Cha muốn gần mẹ.

Con : - Mẹ nhìn cha một chút xem, lúc này có lẽ cha chỉ muốn đến chỗ của cha thôi.

Mẹ : - Chỗ của cha là ở đây, cùng với hai mẹ con ta.

Con : - Không mẹ ơi, cha cũng như mọi người thôi, cha muốn mồ yên mả đẹp.

Mẹ : - Không đâu con, cha con không giống mọi người, cha là người đàn ông đặc biệt. Vì thế mà mẹ mới yêu cha đến như thế này. Trời ơi, mẹ không thể rời xa ông ấy.

*

***

Con : - Người ta sẽ nghĩ là chúng ta điên mất thôi.

Mẹ : - Kệ người ta. Người đời thì biết gì về tình yêu. Kệ họ !

Con : - Mẹ đang sốt, mẹ ốm thật rồi.

Mẹ : - Mẹ khỏe lắm. Sức mạnh tinh thần là thứ người ta không thấy được.

*

***

Con : - Cha chảy nước kìa. Chúng ta không thể để ông ấy như vậy được nữa đâu.

Mẹ : - Con yêu, không có gì làm thay đổi hình ảnh của cha con trong lòng mẹ.

Con : - Nhưng trong quan tài cha thay đổi nhiều lắm rồi đó mẹ ơi. Mẹ nỡ nhìn cha như vậy ư ? Mẹ yêu cha mà nỡ để cha như vậy ư ?

Mẹ : - Cha biết mẹ yêu cha.

Con : - Con xin mẹ, hãy để cha ra đi thanh thản.

Mẹ : - Cha sẽ thanh thản khi biết mẹ yêu cha đến mức nào.


*

***

Con : - Mẹ không thể yêu cha theo cách này. Đó đâu phải tình yêu.

Mẹ : - Con thì hiểu gì về tình yêu ! Con cứ học cách yêu của mẹ, sau này sẽ không người tình nào bỏ con.

*

***

Con : - Mẹ yêu thế này thì cha sẽ đau khổ lắm.

Mẹ - Mẹ yêu như vậy để cha không thể chết được.

Con : - Cha chết rồi. Chỉ còn là cha được yên ổn trong mộ hay phải phơi thây như thế này thôi mẹ ơi.

Mẹ : - Mẹ biết cha hài lòng với tình yêu của mẹ. Con nhìn xem, gương mặt ông ấy sáng ngời.

Con : - Mẹ không thấy mặt cha đầy giòi sao ?

Mẹ : - Con không thấy vầng sáng quanh đầu ông ấy ư ?

*

***

Con : - Vì sao cứ nhất định phải như thế này hả mẹ ?

Mẹ : - Con vẫn không hiểu ư : vì mẹ yêu cha.

Con : - Được yêu như vậy thật là kinh khủng.

Mẹ : - Được yêu là hạnh phúc lớn nhất trên đời này.

Con : - Mẹ đừng yêu con như thế, được không ?

Mẹ : -Con nói gì ? Con là con của mẹ, sao mẹ lại không yêu con cho được !

Con : - Mẹ đừng yêu con.

Mẹ : - Từ chối tình yêu ư ? Đừng bao giờ từ chối tình yêu, con sẽ chỉ còn bất hạnh.

Con : - Con sợ. Con sợ tình yêu.

Mẹ : - Thôi nào con ! Người ta không thể sống mà không có tình yêu, con biết đấy.

Con : - Người ta có thể chết mà không có tình yêu không ?

Mẹ : - Chết trong tình yêu mới thật là một cái chết mãn nguyện con ạ.


*

***


Con : - Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không ? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này ?

Mẹ : - Con bất hiếu ! Sao dám nói cha ghê tởm. Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư ?

Con : - Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống giòi trên tay mẹ kia.

Mẹ : - Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ.


*

***

Mẹ : - Con ơi, sao thế này ? Tỉnh dậy đi con ! Trời ơi, người con toàn là giòi. Thở đi ! Thở đi nào ! Con ơi, nhìn mẹ đây… Thở với mẹ đây… đừng nhắm mắt nữa… đừng nín thở nữa… đập đi nào tim ơi… Sao lại thế được cơ chứ ? Nhìn mẹ đi… thở đi…



Sài Gòn, 30/9/2013
Từ Huy

Già và chết




Trong các truyền thuyết, và thơ văn để đời, chàng và nàng thường chết trước khi già.
Cho không người đời cảm nhận đành chết khi chưa được sống như người, chưa được làm người. Romeo và Juliette ấy mà.
Trong đời thực, già rồi chết, tự nhiên thôi, không biết khác nhau thế nào ngoài chuyện hết ăn, hết iả, hết thở, hết…

Nhưng trước khi chết, chí ít với nhiều đàn ông, già là mất khả năng "làm tình".
Cho không người đời cảm nhận phải chết khi đã từng sống.
Chưa từng làm người, bất kể bắt đầu và chấm dứt như thế. Trước ta, sau ta, trong ta, ngoài ta, ở ta. Tới già. Tới chết.
Ê, đừng vội kết luận rằng làm người chỉ thế thôi, cứ thấy nàng là muốn nhảy ! Văn chương kiểu ấy, không lâu dài.

Đa số đàn ông không thèm thế, sống vậy, khổ lắm người ơi, hè hè…

Những điều trên, đã thành lời, đòi hỏi kích thước văn hoá trong bất cứ hành-động nào của con người, đòi hỏi thơ văn, nghệ thuật.
Thế mới lắm chuyện để tranh luận liên miên. Và đáng.
Ôi, em… Em có bao nhiêu thân, bao nhiêu mặt, bao nhiêu tên, bao nhiêu hồn, bao nhiêu… mình ?

Em là ai ?
Ở em, có anh khổng ?

Hè hè…

Bản thân ta, tìm mãi, chưa bao giờ gặp chính mình. Phải chăng, ta tiểu nhân, bần tiện ? Nếu thế, ta hạnh phúc, thoải mái lặng lẽ già, vui vẻ chết.
Nhưng ta thèm được chết trước khi già, trước khi ta tự tại, chẳng cần ai, chẳng cần em.

Một Thời Để Yêu





Thơ- Trần Mộng Tú


Ai nói
em như chim mùa xuân
hẹn về rồi không tới
anh như gió mùa hạ
hẹn tới rồi không về

chúng ta đuổi bắt nhau
mơ hồ trên tờ lịch
ngày tháng rơi vô tình
mùa xuân chao một nhịp

em không quên tiếng hót
thời gian không quên trôi
anh có nghe gió thổi
tình rơi như hoa rơi

em đập cánh tìm về
líu lo tình không thẹn
anh đến chậm hay nhanh
sao trách em quên hẹn

Một thời để yêu nhau
Và một thời để chết
Một thời để cho đi
Một thời để giữ lại

trên cặp cánh tình yêu
mùa xuân đang nhẩy múa
hãy cứ yêu nhau đi
ngàn cánh hoa vừa nở.



Vi Nhân Bất Phú, Vi Phú Bất Nhân: Cái Giá của Chủ Nghĩa Tư Bản trong Nền Dân Chủ "Gián Tiếp"


Trong kinh tế học có một từ chuyên môn không chỉ gây "tranh cãi" từ trước đến nay, mà nó bị "tránh né" đến mức tối đa trong thực tế diễn giải với quần chúng. Đó là tác động "ngoại hủy" (externalities) của tiến trình sản xuất tiêu thụ lợi nhuận.

Phương trình kinh tế mà mọi người bình dân được diển giải không hề nói đến cái giá "con người"- hay nói cho rõ theo ý tứ của tiếng Việt, là cái giá nhân phẩm và nhân bản phải trả cho "phát triển kinh tế" "đáp ứng tiêu thụ" DÙ LUÔN XẢY RA, nhưng KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC GHI NHẬN trong phương trình kinh tế.

Nói ngắn gọn và rõ rệt hơn nữa là cái GIÁ phải trả cho "phát triển" kinh tế lại chính là GIÁ TRỊ ĐỜI SỐNG, mà mỉa mai thay, theo "định nghĩa sách vở" mục tiêu của KINH TẾ lại chính là phục vụ nâng cao GIÁ TRỊ ĐỜI SỐNG.

Hàng ngàn năm qua cho đến nay, bằng chứng hiển nhiên của các cuộc chiến, các cuộc thảm sát cũng như những thảm cảnh của nhân loại do chính thế lực tập đoàn lợi nhuận gây ra (trực tiếp hay là nguyên nhân xúc tá), đã cho thấy rõ MỤC TIÊU của cái gọi là "nền kinh tế tư bản" không phải phục vụ ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI, mà thật ra chỉ là phục vụ não trạng tham quyền chính của thiểu số qua định hướng LỢI NHUẬN.- dùng lợi nhuận nô lệ hóa con người qua chủ nghĩa tiêu thụ.


Chưa nói về mặt lý thuyết hay thống kê từ các chuyên gia như Paul Craig Roberts, David Gray Griffin, William Engdahl v.v về cái giá "ngoại hủy" môi sinh, sông núi ao hồ, không khí trong lành v.v Đây mới chỉ là "cái vật giá xã hội" phải trả mà đã khó đo đếm.... Chúng ta hãy nhìn thẳng vào đời sống Con Người của chúng ta, nhân phẩm và giá trị làm nguòi, cũng đã nhận ra ngay được "nền kinh tế" đã tấn công Nhân Phẩm của chúng ta, cưỡng bức hy sinh nhân phẩm liên tục cho "phát triển kinh tế" do quyền lực chủ đạo như thế nào rồi- Hiện nay đang diển ra rõ rệt tại Hy Lạp.

Trong chúng ta, có những kẻ còn "sống sót" sau những "tiến trình" phát triển kinh tế kiểu hy sinh nhân quyền của Pinoche, Phac Chanh Hy, Lý quang Diêu, hay trong bất cứ chế độ  chủ nghĩa xã hội (Bắc Hàn Trung Quốc Cuba Viet Nam v.v) vẫn đang  "ca ngợi" sự phát triển kinh tế và cái giá "hy sinh nhân quyền cần thiết" của nó!!! Nó có khác gì lối lập luận của "Thánh chiến" rằng vì lý tưởng mục tiêu "yêu người, chớ giết người" cho nên phải "giết một số người" trước!!!

Chưa nói những kẻ to mồm xiển dương "những cưỡng bức hy sinh" này có dám "tự nguyện hy sinh" gia đình và bản thân của họ cho "phát triển kinh tế" nều được chọ lựa; và rằng ai cho chúng cái quyền bắt người khác phải hy sinh?

Nhưng "sự cưỡng bức hy sinh" này không chỉ giới hạn ở các xứ sở Á Phi còn bán khai độc tài.. Nó đang tiếp diễn không ngưng nghỉ ngay những xã hội được gọi là "tiên tiến dân chủ tư bản" (một cái danh từ nghịch hợp nhưng không ai chất vấn). Các xã hội "tiên tiến dân chủ tư bản" này đã và đang "phát triển" nền kinh tế của họ bằng KỸ NGHỆ CHIẾN TRANH tàn sát con người, và KỸ NGHỆ AN NINH đàn áp xúc phạm nhân phẩm, nô lệ con người. Phát triển kinh tế bằng kỹ nghệ hóa chất, dược phẩm, và thực phẩm độc hại như cải di tính Monsanto gieo bệnh, nuôi bệnh biến con người thành sinh vật thực vật để cai trị chắt lợi, hái tiền... Tất cả nó đang diễn ra trước mắt chúng ta, ngay trên thân xác đời sống của mỗi chúng ta!

Ngày nay, qua sự phát triển tinh hóa cùa kỹ nghệ tuyên truyền thông tin, các tên đại bất nhân lại được ca tụng nhớ ơn, không kể bọn quyền chính thường có khả năng được dựng tượng, ghi vào "sách sử" như Lý Quang Diệu, mà cả tập đoàn lợi nhuận trên xương máu nhân phẩm hàng trăm triệu người khắp địa cầu, được đánh bóng qua những cái gọi là "xã hội từ thiện" (Foundation) như Bill & Melinda Gates, Rockefeller Foundations (Ai đã từng xem Bố Già III, cũng thấy Mafia thành lập từ thiện!!!),,

Dĩ nhiên, không ai nói rằng những hội "từ thiện" này không có "chút tác động từ thiện"! Nhưng rõ ràng chúng trả lại cho quần chúng chỉ có vài cái hộp quà những thứ mà chúng lừa đảo cướp đi của quần chúng cả núi!

Độc hại gian manh hơn chính là chúng đã dùng những cái "hộp" nho nhỏ này, qua hệ thống truyền thông, để che lấp những hành xử gian manh và núi tội ác càng ngày càng cao của chúng. Thảm hại thay! Chúng thành công, vì con mắt người ta chỉ cúi xuống nhìn thấy những "hộp quà từ thiện" nho nhỏ đó, rồi vui mừng cảm kích hàm ơn, không còn nhìn thấy những hành xử gian manh với cả dãy núi tội ác của chúng ngay trước mặt họ!

Trong sách Mạnh Tử có ghi lại việc khi xưa Đằng Văn Công hỏi việc chính sự, Dương Hổ từng góp ý khẳng định rằng "Vi Nhân Bất Phú hỹ, Vi Phú Bất Nhân hỹ"...

Từ ngàn xưa, ai có Óc Người đều nhìn ra được "nguyên lý đơn giàn" này của lợi nhuận và quyền lực. Khi đã BẤT NHÂN, thì chẳng còn gì để nói hay lý luận nữa!

nkptc
30-03- 2015

Bỗng dưng muốn ngồi xuống






Và, cất tiếng hát ca vang ở những vỉa hè nào đó trên phố đông người lại qua.

Tôi biết mình chỉ là một kẻ đi hoang, quên mất lối về, quên mất những rong rêu của kí ức xa xưa còn nằm đâu đó, hoặc ngủ mê trong chốc lát. Tôi vẫn chỉ là tôi, một ngày gió bụi cuốn tung mù mịt nơi xứ người, bỗng nghe mùa ve không còn là những vui tươi rộn rã như thường lệ vào đầu tháng tư nữa. Tôi mộng tưởng, huyễn hoặc hóa dấu chân mình in thành vết trên mỗi chặng đường đã đi qua bằng nước mắt, bằng những nỗi đớn đau, chia biệt chỉ để mong được lắng nghe thêm những yêu thương thật thà ở phía nào đó của chốn bình yên nhiều hoa thơm cỏ ngọt cho tất thảy mỗi thân phận có mặt trên cõi đời, dù là mặt người hay chỉ là ánh mắt cần được cứu rỗi của một chú chó con.

Gió bụi thổi qua, cay xè hay rát bỏng trong mắt tôi?

Sớm hôm nay, nắng hòa vào tiếng ghita vang vọng phía đầu đường, từ con hẻm ngày xưa, mỗi lần tôi đi qua, đang tràn ra cả phố. Trời Huế chập chờn, như mây mưa mùa đông, rủ rỉ sẻ chia và tưởng nhớ người quá cố. Tôi, lấp lửng đôi chân, thôi bước, dừng lại và hát thật to giữa những người xa lạ không hề quen biết.Hát như bao giờ được hát, hát như đã từng hát trước đây trong đêm khuya vắng, khi tất thảy những âm thanh chỉ còn là tiếng thở đều đều hòa âm với gió. Và, chỉ còn lại tôi, chỉ còn lại những người bạn dưới chân cầu thang kí túc xá sinh viên, say mê gõ, rồi hát theo phách nhịp, theo từng nốt nhạc lên bổng xuống trầm, lúc cao vút, hoặc có khi chùng lại tắc ở đâu đó bởi những nghẹn ngào tuổi thơ đuổi bắt tận trong cùng mạch máu.

Đá sỏi dưới chân, nhiều khi cứ ngỡ chỉ là giấc mơ đời tứa máu chăng?

Hình như không phải thế, tôi chập chờn nửa mê nửa mộng, để rồi nhận ra mình tỉnh hơn bao giờ hết giữa những lựa chọn, giữa những bước chân, giữa những xốn xang mong nhớ xa xôi về chốn nào đó đã sinh ra tôi. Thôi, thì ngồi bệt xuống đây, ở đâu cũng thế, có khác chi nhau. Nơi nào cũng thế, cũng đầy nỗi đau. Tôi, sẽ nghe bạn hát, hoặc sẽ tự mình kể cho ai đó, người đi đường cùng tôi chẳng hạn, về những vết sẹo lồi lõm trên mu bàn chân mình. Ngày nắng, phút chốc chuyển thành xám xịt. Ngày gió bụi, phút chốc chỉ còn mỗi mình tôi. Ngày mưa, cho tôi xin những âm u kia hóa thành tro tan vào lòng biển khơi mặn đắng cùng hạt muối đang trôi dần về phía khác.

Ngồi xuống đây, tôi với người hãy hát những lời xưa cũ vẫn còn dở dang, nổi trôi trong từng kí ức của bao kẻ đi từ dưới mặt đất lên, đang khóc nức nở theo từng tiếng ca chết, theo lời cỏ cây rì rầm mỗi khi trời gần về sáng.

ta đã thấy gì trong đêm nay…”
Tôi có thể không thấu nhận hết được những điều đã qua, đã nằm sâu dưới bao nhiêu lớp đất, nhưng tôi sẽ hát lên những câu kinh như lời cầu nguyện thẳm sâu, chỉ mong hàng vạn linh hồn được nghỉ yên, được lắng nghe thêm những khúc ru thương yêu đời đời.

Ngồi xuống đây, gõ phách nhịp cùng tôi

Hãy để tiếng ca thay thế, hòa vào lòng kẻ còn sống, còn ngửa mặt nhìn mặt trời mỗi sáng sớm những xúc cảm chỉ có ở trái tim, chỉ nằm ở một phía duy nhất, nơi lồng ngực phải, nơi khiến cho con người còn chút ít thi vị mang ơn cứu rỗi.

Ngồi xuống đây, hãy ngồi xuống đây.

Có tiếng vọng trả lời nào không, khi gối đã chùng, chân đã muốn được dăm ba phút nghỉ ngơi, lời ca đã sẵn sàng cất cao, nước mắt đã muốn rơi ngược vào phía thẳm sâu tận cùng, để nở dù chỉ một nụ cười chát đắng.

Bỗng dưng, nghe gió xôn xao. Bỗng dưng, nghe bão mùa hè vồ vập dưới cơn mưa đổ vội ở phía sau lưng mình. Tháng tư chầm chậm, tưởng chừng như đang đưa ru những lời xa vắng, vẫn còn nguyên dư âm buồn tênh xa xót:


Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu. Một trăm năm đô hộ giặc Tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Gia tài của mẹ, để lại cho con. Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn…”


Băng Khuê

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Điều gì là cốt yếu trong cuộc đời?



(Thái Linh dịch)
Cuộc trò chuyện đặc biệt với triết gia Leszek Kołakowski về cách sống và điều cốt yếu trong cuộc đời do phóng viên Jacek Żakowski, tuần báo Polityka thực hiện.

Jacek Żakowski: Một người đàn ông ngoài bốn mươi đi gặp nhà thông thái...
Leszk Kołakowski: Nghĩa là giống như anh?
… hoặc một cô tóc vàng tuổi đôi mươi chân dài đến nách...
Cái này thì không giống anh rồi.

… người đó ngồi xuống bên nhà thông thái và hỏi: „Điều gì là cốt yếu trong cuộc sống?”. Nhà thông thái sẽ nói gì với người ấy?
Nhà thông thái làm sao mà biết được?
Ông ta đã đọc hàng nghìn cuốn sách, đã sống trên đời gần 77 năm, đã nổi danh là thông thái. Nếu ông ta không biết thì còn ai biết?
Gần 77 năm? Nghĩa là tôi phải là nhà thông thái nọ?
Bởi thế tôi mới đến đây.

Nhưng nếu tôi nhận vai này thì tựa như tôi tự nhận mình là sư phụ. Cái đó không tốt. Muhammad Ali có thể nhảy quanh võ đài và hét vang rằng anh ta giỏi nhất thế giới. Nhưng những người khác thì không làm thế được.

Ta hãy cho rằng có một người đang rất cần những lời khuyên và sự giúp đỡ đang đứng trước mặt ông. Có thể anh ta không biết phải làm gì với đời mình. Có thể anh ta dã sắp xếp cuộc sống của mình không ổn. Có thể anh ta cảm thấy giờ là giây phút cuối cùng để thay đổi điều gì đó và tập trung vào thứ thực sự cốt yếu. Ông phải giúp anh ta.
Và tôi phải già vờ là mình biết một công thức phổ quát nào đó?

Thế ông không biết sao?

Chuyện này khó... Một công thức như thế có lẽ là hữu ích cho những người khác. Có những người – dẫu rằng rất hiếm – coi cuộc sống của mình như một cống hiến. Họ có thể thực hiện cống hiến này trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong y học, chính trị, khoa học, cứu trợ xã hội, trong các tổ chức quốc tế. Có lẽ là họ được viên mãn trong cuộc sống, bởi họ có cảm giác về một ý nghĩa lớn lao hơn sự tồn tại của bản thân.

Ông có thấy gần gũi với điều đó không?

Tất nhiên. Nhưng tôi không chắc có thể học được hay biết cách tiến tới quan điểm đó hay không. Mặt khác, tôi cũng thấy gần gũi với quan điểm của Phật giáo cho rằng đời là bể khổ. Chúng ta chẳng thay đổi được gì. Cõi niết bàn mở ra trước mắt chúng ta chỉ khi ta có thể dứt bỏ mọi ham muốn, giới hạn những mong đợi của mình đến tối thiểu. Có những người đạt được sự giải thoát về tinh thần nhờ việc tự hạn chế. Nhưng tôi cũng không biết có thể khuyên tất cả mọi người điều đó hay không.

Việc tự hạn chế để đạt được hạnh phúc có hấp dẫn ông không?

Tôi không nói về hạnh phúc, vì tôi không biết nó là gì. Và tôi chưa từng biết. Nhưng có cái hay trong khuynh hướng hạn chế ham muốn để chấp nhận nghịch cảnh một cách bình thản trong đạo Phật hay chủ nghĩa khắc kỷ. Không bị trói buộc bởi các nhu cầu, không phát điên phát rồ vì không đạt được điều chúng ta mong muốn. Không muốn quá nhiều. Không với quá cao. Tốt hơn là ít muốn hơn và ít thất vọng hơn. Ví dụ: tôi là một cô tóc vàng xinh đẹp, quyến rũ, tài năng. Tôi đến Hollywood để trở thành ngôi sao, nhưng tôi toàn đóng các phim vớ vẩn. Tôi thất vọng. Tôi thấy đời tôi uổng phí, bất hạnh, tôi phải đi chết hay sao? Tốt hơn là tôi nên đặt mục đích thấp hơn.

Nếu ông với tư cách cô gái tóc vàng trở thành ngôi sao thì ông cũng có thể thất vọng và thấy đời uổng phí.

Bởi chuyện đời có uổng phí hay không là chủ quan. Không thể đánh giá khách quan điều đó. Giả sử tôi là một thợ làm vườn. Tôi không làm gì khác. Tôi không màng danh vọng hay địa vị. Tôi chỉ muốn đủ ăn và có những lợi ích căn bản, nhưng tôi chẳng thèm những giá trị được đại chúng coi là vĩ đại. Tôi không muốn trở thành Einstein. Có điều gì không ổn nếu tôi không muốn trở thành Einstein?

Nhất là khi điều đó có thể có các kết cuộc khác nhau.

Thường là kết cuộc không hay. Tôi nhớ có một nhà vật lý kiệt xuất đã nói: „Hoặc là trở thành Einstein, hoặc là không đáng sống.” Nhưng ông ta cũng không phải là Einstein. Phải chăng điều đó có nghĩa là đời ông ta là bỏ đi?

Có thể điều căn bản không phải là trở thành Einstein, mà là việc cố gắng trở thành Einstein?

Điều đó tất nhiên là tốt hơn rồi. Cố gắng hướng tới những điều vĩ đại nói chung là tốt. Nhưng nếu tôi giả định trước rằng tôi sẽ không đạt được những điều đó, thì chắc chắn tôi sẽ không đạt được. Bởi những điều lớn lao không đến tình cờ. Chúng đòi hỏi nỗ lực. Bởi vậy dẫu sao điều quan trọng vẫn là có một chút hy vọng. Nhưng không quá nhiều. Chỉ vừa đủ để tránh thảm họa khi tôi hiểu ra rằng tôi sẽ không là Einstein. Nếu không tôi sẽ thấy đời mình là bỏ đi.

… hoặc ông sẽ đánh mất ý nghĩa cuộc đời, nếu ông trở thành Einstein...

…. hoặc tôi cứ nỗ lực không ngừng một cách vô ích. Đó cũng có thể là uổng phí cuộc đời.

Có lẽ tôi đã có lời khuyên đầu tiên của nhà thông thái. Cốt yếu là không mong muốn quá nhiều.

Đồng ý , „mong muốn không quá nhiều” có lẽ là công thức tốt cho một cuộc sống viên mãn.

Nhưng không quá nhiều cái gì? Vì có nhiều lợi ích khác nhau. Tôi đã nghĩ ngay ra cả tá trong đầu. Tuổi trẻ, dân tộc, tiền bạc, công việc, tình bạn, lạc thú, niềm vui, gia đình, tình dục, danh tiếng, hạnh phúc, kiến thức, quyền lực, tự do...

Ta hay bỏ hạnh phúc sang một bên, vì tôi không biết nó là cái gì. Mỗi người định nghĩa nó một khác. Cần phải chấp nhận rằng, như nó vốn là, hạnh phúc không tồn tại.

Có những bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của hạnh phúc. Ai cũng có thể nói cho ông biết hôm nay họ có hạnh phúc bằng hôm qua hay không. Thực kiện về việc khó miêu tả hay nắm bắt được về một điều gì đó không dẫn đến kết luận là nó không tồn tại.

Đó sẽ là bằng chứng về tồn tại của thiếu hạnh phúc. Nhưng nếu tôi muốn đồng ý với anh rằng hạnh phúc tồn tại, thì tôi sẽ nói rằng đó là cuộc sống của một đứa trẻ cho tới khi nó khoảng 5 tuổi trong một gia đình thực sự yêu thương và không gặp bất hạnh lớn nào trong thời gian đó.

Còn sau đó theo ông đã là bất hạnh?

Có thể đó chưa phải là bất hạnh, nhưng nó thay đổi quan hệ của chúng ta đối với cuộc sống. Thuyết hoài nghi đã bước vào cuộc sống của chúng ta, và nhận thức rằng thế giới là bất thiện hảo. Đứa trẻ nhỏ không đặt ra câu hỏi về hạnh phúc và không biết đến khái niệm hạnh phúc. Khi ai đó có trong đầu khái niệm về hạnh phúc và tự hỏi phải làm sao để mình hạnh phúc, phải sắp xếp cuộc sống thế nào, điều gì là cốt yếu trong đời, thì có nghĩa người đó đã không còn và sẽ không bao giờ thực sự hạnh phúc nữa. Không ai không bao giờ đạt được hạnh phúc được biết đến như nó vốn là.

Nhưng có thể đến gần nó nhiều hơn hay ít hơn. Việc tìm lời giải đáp cho câu hỏi: „điều gì là cốt yếu trong đời” về bản chất là để phục vụ cho điều đó. Tuổi trẻ theo ông có quan trọng không?

Tuổi trẻ cũng là thứ chúng ta có thể bỏ sang một bên, vì đó là thứ mà phần lớn mọi người luôn mất đi. Nhưng cũng không phải tất cả. Có những người trẻ mãi đến cùng, theo một nghĩa nào đó.

Làm thế nào chia tay với tuổi trẻ để ít xa rời hạnh phúc nhất?

Đơn giản như đang giỡn. Giải thoát khỏi cảm giác rằng tuổi trẻ là một giá trị gì đó đặc biệt. Nếu ta không thấy tuổi trẻ là một lợi ích thì ta cũng không thấy mình mất mát gì khi già đi.

Cái đó nói thì dễ... Chắc hẳn có lúc ông từng nghĩ: „Điều này với tuổi tác của tôi đã không còn thích hợp nữa”.

Cái gì không còn thích hợp nữa? Tuổi tôi không còn thích hợp để quyến rũ phụ nữ nữa? Từ khi nào thì không còn thích hợp? Nếu tôi chắc chắn rằng điều đó không hiệu quả thì tôi sẽ không cố thử. Nhưng chúng ta có thể biết chắc điều đó không? Tôi không cho rằng tuổi trẻ như một lợi ích là cốt yếu trong cuộc sống và cần phải cho nó một tầm quan trọng đặc biệt. Ngược lại điều quan trọng là con người giải thoát được khỏi sự tôn sùng tuổi trẻ. Bởi sự tôn sùng này có thể làm lãng phí một quãng đời của chúng ta.

Vậy ta bỏ tuổi trẻ sang một bên. Nhà thông thái còn có thể chọn điều gì trong danh sách này là điều cốt yếu trong cuộc đời?

Theo những tiêu chuẩn nào?

Theo tiêu chuẩn điều gì đáng để đánh cược trong đời chăng?

Một người bình thường không có quan điểm Phật giáo và không coi thường các lợi ích của thế giới, nhưng biết hân hưởng những điều tốt lành nho nhỏ, cụ thể, cần mỗi thứ một chút. Không có gì xấu khi ai đó vui sướng vì có chút tiền hay một công việc hay ho. Nhưng không thể xây dựng một thang giá trị phổ quát. Phần lớn chúng ta không muốn từ bỏ bất cứ thứ gì. Chúng ta biết rằng các ích lợi xung đột và giới hạn lẫn nhau, rằng „khó mà vừa ăn bánh vừa có nó”, rằng ta không thể có đầy đủ tất cả mọi thứ, rằng cả những người trong mắt chúng ta là có đầy đủ mọi thứ cũng không nhất thiết phải thấy họ được số mệnh ưu đãi. Có lẽ dễ hơn khi nói thiếu điều gì sẽ khiến ta phiền muộn nhiều hơn. Schopenhauer cho rằng lợi ích là không có đau khổ. Ví dụ bây giờ tôi ngồi đây và không cảm thấy đau chỗ nào. Vậy là tốt. Nhưng tôi không thấy điều này là cái gì đó quan trọng. Khi bắt đầu bị đau, và nếu đó là cơn đau dữ dội, thì tôi thấy nó là quan trọng nhất.

Vậy có lẽ – để được ông cho biết nhiều hơn, tôi nên hỏi điều gì là tồi tệ nhất trong cuộc đời. Không hỏi tiền có quan trọng không, mà hỏi thiếu tiền có kinh khủng không.

Nhưng ở đây cũng không có thang giá trị phổ quát. Với người bị tra tấn thì các đòn tra tấn là tồi tệ nhất. Với người đói thì đó là cơn đói. Người ta tự sát vì không thể trả nợ nần, hoặc vì thất tình. Bởi vậy có thể điều cốt yếu nhất là tự giải thoát khỏi đau khổ. Dẫu rằng mặt khác (vì trong cuộc sống điều gì cũng có hai mặt) những người theo chủ nghĩa khắc kỷ khẳng định rằng nhà thông thái thực sự là người không còn đau khổ, thậm chí không đau khi bị tra tấn.

Nếu đó là sự thật thì sự minh triết là cốt yếu nhất trong cuộc sống. Nhưng chẳng biết những người theo chủ nghĩa khắc kỷ có đổi ý khi bị tra tấn hay không.

Có các truyền thuyết về những nhà thông thái nhờ minh triết mà sống sót.

Nhưng có thật không?

Chính vậy, ở đây lại có một chướng ngại tiếp theo. Thực chất chúng ta biết ít về người khác. Và qua đó cũng biết ít về chính mình. Nhưng chắc chắn sụ minh triết, kiến thức, kỹ năng hân hưởng những điều đẹp đẽ dù nhỏ bé trong chừng mực nào đó có thể bù đắp những thiếu thốn hay đau đớn mà mỗi người phải chịu đựng. Tôi có thể cô đơn, nghèo túng, bệnh tật, đói ăn mà vẫn hân hưởng thi ca. Nhưng điều đó không dễ. Khả năng này cần được tôi luyện. Có thể học cách hân hưởng phần giá trị của thế giới có thể tiếp cận được. Điều này quan trọng, bởi nó cho chúng ta cảm giác rằng thế giới không chỉ được dựng nên từ cái xấu, từ đau khổ, bất hạnh và đấu tranh.

Văn hóa là thuốc phiện?

Khi anh nói „thuốc phiện” thì anh đã giả định rằng đó là ảo giác. Tôi hút ma túy để có ảo giác. Nhưng khi tôi sử dụng các lợi ích tinh thần thì không phải là tôi đang trải nghiệm ảo giác. Đó là một phần thật của thế giới đáng để chúng ta tiếp xúc, bởi nó cho tôi thấy rằng bất chấp mọi điều kinh khủng của cuộc sống, bất chấp mọi bất hạnh, đau khổ, đau đớn, thiếu thốn, trong thế giới này vẫn có điều gì đó rất tốt lành và đẹp đẽ. Thậm chí khi tôi học toán và nhờ đó hiểu được các chứng minh nào đó, thì đó là lợi ích, nó cho tôi tham gia vào phía tốt lành của trật tự thế giới này. Những lợi ích như thế có rất nhiều và tôi có thể sự dụng chúng mà không cần giàu có, quyền lực, danh tiếng, nghĩa là tất cả những thứ mà người ta tranh đấu vì chúng.

Vậy văn hóa sẽ là cốt yếu trong cuộc sống.

Tham gia vào các lợi ích tinh thần do con người tạo ra. Về điều này thì tôi không cần phải xung đột với những người khác. Và đó có thể là những thứ hoàn toàn nhỏ bé – chỉ cần tôi có thể thực sự hân hưởng chúng. Tôi có thể đi trên phố và hân hưởng việc ngắm nhìn một tác phẩm kiến trúc, một khu vườn xinh đẹp, một người phụ nữ ăn mặc trang nhã, một cái xe hơi tuyệt đẹp. Đó là những lợi ích nhỏ nhặt, nhưng rất hiện thực. Thậm chí tôi có thể ngồi trong căn phòng lạnh lẽo và hân hưởng thi ca hay âm nhạc. Rất đáng họcmột chút những thứ này để có thể thực sự hân hưởng chúng. Để có thể thán phục âm nhạc hay hội họa, phải biết chút gì đó về chúng. Nhưng điều cốt yếu nhất là nuôi dưỡng trong mình sự sẵn sàng hân hưởng những cái đẹp dễ tiếp cận.

Điều này nghe rất hay, nhưng hơi lý tưởng. Phần lớn chúng ta thích tạo ra những lợi ích khiến người khác thán phục, bởi sau sự thán phục dành cho tác phẩm là sự thán phục dành cho tác giả.

Danh vọng và những tràng pháo tay là lợi ích mà việc theo đuổi nó thường dẫn đến bất hạnh. Bởi đó là những lợi ích mà người ta thường cố gắng để đạt được một cách vô hiệu. Không chỉ vì khó đạt được chúng. Trước hết là bởi danh vọng nói chung chỉ có thể đạt được khi người ta siêu đẳng trong một lĩnh vực nào đó. Khi ai đó nghĩ đến danh vọng, mà không nghĩ về sự siêu đẳng, thì cùng lắm anh ta chỉ đạt được sự nổi danh đại chúng. Để nổi tiếng thực sự, cần phải là Einstein hay Greta Garbo.
Hoặc là Leszek Kołakowski.

Ồ không, tôi không nổi tiếng. Nổi tiếng bây giờ là những người chúng ta luôn thấy trên TV.

Danh tiếng với ông có vẻ là điều ngại ngùng.

Vì sao? Trong danh vọng không có gì xấu. Có gì xấu khi ai đó muốn trở thành giáo hoàng hay Muhammad Ali. Chỉ việc những giấc mơ về danh vọng thường không thành hiện thực mới là xấu.

Phần lớn những mơ ước của con người đều không thành hiện thực. Còn nếu chúng thành hiện thực, thì hóa ra là không phải thế. „Đáng lẽ không phải như thế, bạn thân mến”.

Với danh vọng cũng thường như vậy.

Nhưng giấc mơ danh vọng – có lẽ là của phân nửa những người bình thường – có cần phải từ bỏ không, hay đó là nhu cầu tự nhiên được người khác công nhận?

Nhu cầu được khẳng định là điều tự nhiên và hầu như không thể dứt bỏ, trừ khi nó bị nhận thức Phật giáo giết chết. Bởi Phật giáo giải phóng chúng ta khỏi mọi ham muốn một cách hiệu quả nhất. Đó không chỉ đối với các đồ vật, mà còn đối với các trạng thái: danh tiếng, quyền lực, của cải. Bởi vậy Phật giáo là một trong những tín ngưỡng đẹp nhất và minh triết nhất mà loài người tạo ra.

Thật thú vị khi một triết gia gần như suốt đời viết về Cơ đốc giáo và chủ nghĩa cộng sản về cuối đời lại có khuynh hướng Phật giáo.

Vì sao lại về cuối đời? Tôi luôn dành cho Phật giáo và văn hóa Vệ đà một sự tôn trọng đặc biệt.

Nhưng ông đã không viết gì về Phật giáo hay Ấn Độ giáo.

Vì tôi không biết đủ về chúng. Tôi không biết các ngôn ngữ phương Đông, nhưng tôi nhớ tôi đã có ấn tượng mạnh thế nào với kinh Vệ đà. Tôi luôn có ấn tượng mạnh với tư tưởng và tín ngưỡng Đông phương.

Ông không muốn nghiên cứu Phật giáo thay vì Cơ đốc giáo hay chủ nghĩa cộng sản hay sao?

Muốn chứ. Chỉ là khi sống trong thế giới Cơ đốc giáo và cộng sản, thì là tự nhiên khi việc hiểu các tư tưởng này là quan trọng đối với một con người. Phật giáo dẫu sao cũng không phải là thế giới của chúng ta, mặc dù đó là một thế giới đặc biệt quan trọng. Nhưng hình như anh muốn nói chuyện về việc nói chung điều gì là cốt yếu trong đời người, chứ không phải về chuyện Phật giáo có gì quan trọng đối với tôi.

Bây giờ tôi thêm văn cảnh tri thức và tôn giáo liên quan vào những điều cốt yếu ấy.

Điều đó chắc chắn là quan trọng. Ví dụ danh vọng đối với một Phật tử chính cống hoàn toàn không có chút ý nghĩa nào, cũng như những lợi ích trần thế phù phiếm khác.

Nhưng điều đó có tốt không? Nếu ông không nổi tiếng, thì sự minh triết của ông cũng không có ích lợi mấy. Ông sẽ ngồi ở Oxford, sẽ đọc sách, sẽ viết các bài giảng hay bài luận và sẽ chẳng có mấy người mua, người ta sẽ không xem ông trên TV Ba Lan, không chờ đọc các bài báo của ông... Theo nghĩa nào đó nếu không nhờ nổi tiếng thì chúng tôi đã bỏ phí ông rồi. Nếu sụ minh triết của ông không trở nên nổi tiếng thì nó sẽ ít hữu ích hơn.

Có thể nói vậy, nhưng tôi không nổi tiếng.

Ở đây chúng ta ghi nhận sự khác biệt, vì cố cãi chỉ phí thời gian.

Được. Nhưng khi hướng đến danh vọng thì rất dễ ảo tưởng „Tôi không cố gắng đạt danh vọng, tôi chỉ muốn đem lại chút gì đó hữu ích cho mọi người”. Nhưng thú thật là tôi không biết một người nhảy cao 3 mét thì đem lại điều gì hữu ích cho người khác.

Cảm xúc, cảm giác được tham gia vào hành động tuyệt vời của anh ta.

Tôi nghĩ rằng đó là ảo tưởng. Anh ta ảo tưởng rằng mình làm điều đó cho mọi người, nhưng anh ta chỉ làm cho bản thân – để chiến thắng và được ngưỡng mộ. Còn mọi người thì ảo tưởng về sự tham gia của mình vào đó, như anh vừa nói, mặc dù họ chỉ là người xem – họ chẳng có chút cống hiến hay tham gia nào vào cú nhảy đó.

Có gì xấu trong ảo tưởng đó?

Chẳng có gì xấu. Cử để cho họ ảo tưởng. Nhưng cơ bản là đừng trách móc cuộc đời khi không được đánh giá cao. Chúng ta đừng gắng hết sức vì danh tiếng, bởi nói chung chẳng đạt được đâu và chúng ta sẽ cảm thấy đời mình thất bại. Mà việc cảm thấy như vậy chỉ vì mình không phải là Einstein hay Muhammed Ali thì thật là ngớ ngẩn.

Nhưng có mục tiêu cao có phải là xấu không? Chắc ông đã phải trải qua nhiều đau khổ và từ bỏ nhiều thứ để đạt được đến chất lượng trí tuệ mà ông đang có?

Tôi không nghĩ về mình như thế. Nhưng đặt mục tiêu cao là điều tốt. Chỉ có điều tốt hơn hết là nên có thước đo của riêng mình.

Đánh giá mình theo các tiêu chuẩn riêng, không theo sự tán thưởng của người khác?

Có lẽ là vậy. Bởi sự tán thưởng thường không được chia sẻ một cách công bằng. Quả vậy, đánh giá mình bằng thước đo riêng là điều quan trọng trong cuộc sống.

Vậy là chúng ta đã có vài lời khuyên chung. Còn...

Về tình dục thì xin đừng hỏi tôi. Không phải vì nó không quan trọng, mà vì tôi không muốn đi sâu vào chuyện này.

Vậy tình dục là quan trọng và chúng ta không trao đổi về nó. Thế còn công việc?

Công việc trong cuộc sống rất quan trọng, điều này khá nhàm. Nhưng anh cũng đừng bắt tôi phải đưa ra nguyên tắc chung nên dùng thời gian thế nào – dành cho công việc hay cho gia đình, hay đi uống bia với bạn bè. Mỗi người đều có khó khăn khi tìm sự cân bằng giữa các ích lợi này. Mà không có một đơn thuốc khách quan nào tồn tại. Thậm chí không thể cho mình cái quyền dạy dỗ người khác: „Đừng đi uống bia nếu bạn còn có thể làm việc.” Trong việc dạy dỗ nói chung luôn có điều gì đó đáng ngờ.

Nhưng ông kính trọng đức Phật vì những lời dạy bảo...

Phải.

… và nhiều người biết ơn ngài vì ngài đã can đảm dạy bảo...

Phải.
… thế thì?

Tôi không khẳng định rằng khi ai đó cố gắng giải thích cho người khác về thiện ác là xấu. Chúng ta cũng có quyền làm điều đó nếu chúng ta nhận thức được rằng người khác sẽ thực hiện các lựa chọn khác. Nhưng để làm điều này thì phải cảm thấy mình là một sư phụ tốt. Tôi không có cảm giác đó.

Tôi không tìm sư phụ. Tôi tìm người uy tín. Tôi không muốn có những lời giải đáp dễ dãi thường gặp. Tôi muốn nghe xem Leszek Kołakowski đã biết được điều gì về cuộc đời từ tất cả những cuốn sách thông thái, từ kinh nghiệm bản thân và từ những nghiền ngẫm của mình. Tôi hỏi ông: Sống thế nào, thưa giáo sư?

Tôi không biết... Tôi thật sự không biết. Tôi hiểu chúng ta cần những sư phụ... Tôi hiểu chúng ta vẫn luôn đặt ra cho mình câu hỏi: Sống thế nào?... Tôi hiểu chúng ta muốn có những bậc thầy không khiến chúng ta thất vọng... Nhưng không chắc có những bậc thầy như thế, không chắc họ có lý, và không chắc chúng ta nên nghe họ. Ngay cả những lời khuyên tốt nhất của bậc thầy tốt nhất cũng không cần phải thích hợp với tôi và cuộc đời của tôi. Bởi mỗi người sắp xếp đời mình theo một cách khác. Và chúng ta không phải giải thích điều đó. Chúng ta thường làm những việc mà chúng ta không nên làm một cách có ý thức. Những việc gây hại cho ta và cho người khác. Sư phụ bảo chúng ta điều đó là xấu. Nhưng chúng ta cũng tự biết thế. Ngài nói: „Đừng uống rượu”. Nhưng chúng ta vẫn uống.

Vì rượu xoa dịu đau khổ tinh thần?

Nó giúp ta chút gì đó. Sư phụ biết thế. Nhưng ngài cũng không nói: „Hãy uống rượu!” vì ngài không muốn chịu trách nhiệm về những điều xấu xa trong đời ta. Những cái xấu mà chúng ta gây nên, chúng ta phải tự chịu trách nhiệm. Nhất là khi có cả vấn đề về tỉ lệ. Mỗi người đêu hiểu cái xấu khi uống say một lần khác với cái xấu khi tôi bị nghiện rượu. Và mỗi người vượt qua ranh giới này ở những thời điểm khác nhau. Ai, bao giờ – điều này không có sư phụ nào biết được. Tự chúng ta cũng không biết. Vậy nên chúng ta uống rượu và mạo hiểm... Nhưng tôi cho phép mình thưởng thức rượu. Không phải với những hình thức cực đoan, nhưng tôi thích uống rượu vang khi ăn tối và li nhỏ cogniac hay whisky sau bữa tối. Nếu một sư phụ bảo „Đừng uống” thì tôi cũng không nghe. Vì tôi thích rượu vang và cogniac. Nhưng tôi cũng không uống say.

Ông chưa say bao giờ à?

Cũng có, khi còn trẻ. Không có gì phải khoe.

Thế có gì phải xấu hổ không?

Chắc là có. Bởi điều đó có nghĩa là tôi mất kiểm soát đối với các phản xả của mình. Điều này dù sao cũng làm phiền tôi. Nhưng bản thân việc uống rượu thì không. Anh thấy không, hóa ra ngay cả trong những chuyện nhàm chán nhất cuộc sống của chúng ta cũng là một chuỗi những thỏa hiệp không ngừng. Thỏa hiệp giữa những điều trên lý thuyết là tốt với những điều tôi thích dẫu nó không tốt. Ở đây có lẽ ta trở về với câu nói tầm thường nhất, rằng không có ai hoàn hảo.

Và không cần phải hoàn hảo?

Nếu ai đó muốn trở nên hoàn hảo thì cũng không cấm được, mặc dù nỗi khao khát này thường khiến chúng ta thành người khó ưa. Ai mơ ước về sự hoàn hảo, người đó thường dạy dỗ, chấn chỉnh, cho người khác những bài học và tất cả mọi người chạy mất dép. Là một sư phụ không ngừng dạy dỗ và chấn chỉnh là điều không hay. Đó là một cách sống rất xấu. Vậy nên có lẽ cần thỏa hiệp với bản thân và thế giới. Tôi làm nhiều điều và khoan dung với những thứ xung quanh mà tôi không thích, có thể tôi cố gắng hạn chế chúng, nhưng tôi hiểu rằng cách lợi ích trong cuộc sống thường xung đột với nhau. Thực chất khó khăn của cuộc sống chính là sự xung đột lợi ích này. Bởi vậy không có bất cứ một thang giá trị nào hoàn hảo. Nếu tôi tin rằng có một thang giá trị như thế, thì tôi sẽ hướng tới việc công nhận một giá trị nào đó là tuyệt đối và tôi sẽ làm cho những người khác bất hạnh, và cho cả bản thân tôi, dẫu rằng tôi có thể không nhận ra điều đó.

Không biết tôi hiểu có đúng không, rằng nếu bây giờ tôi lại hỏi ông: Điều gì là cốt yếu trong cuộc sống, thì tôi sẽ được nghe rằng chắc điều cốt yếu nhất là sự thỏa hiệp có lý trí?

Có thể nói vậy, nhưng chúng ta cũng không cần phải làm thành một học thuyết. Đó là giá trị mà chúng ta thực hành, nhưng chúng ta không cần phải gọi là thỏa hiệp. Chỉ cần hiểu rằng chúng ta giảm thiểu rủi ro bất hạnh nếu chúng ta chấp nhận sự tầm thường của cuộc sống.

Chấp nhận gì cơ?

Sự tầm thường. Nếu tôi chấp nhận rằng tôi sẽ không là giáo hoàng, hay Greta Garbo, nếu tôi biết rằng tôi không và không cần phải là người hoàn hảo, nếu tôi không đòi hỏi ở mình quá nhiều, tôi hân hưởng những điều nhỏ nhặt, tôi chấp nhận những tội lỗi nho nhỏ và nếu sừ chấp nhận này không khiến tôi bất hạnh, thì đối với mọi người đều tốt hơn.

Nhờ sự tầm thường để có được cuộc sống tốt lành? Đây là lời khuyên của ông?

Có thể là vậy. Nhưng tôi không muốn khuyên ai. Tôi chỉ nói những điều tôi cho là hữu ích.
Nếu nhận thức đó không khiến chúng ta bất hạnh thì chắc trước tiên cần phải biết rằng chính như thế là tốt hơn.

Vậy có thể khi đặt ra luận điểm này cho bao nhiêu người, ông đã mở cho họ con đường đến cuộc sống tốt lành.

Khi điều này không xuất phát từ học thuyết, mà chỉ từ cách cảm nhận cuộc sống. Thế giới không tồn tại để nuôi dưỡng chúng ta bằng hạnh phúc và mê say. Thế giới không phải là thứ chúng ta có thể sử dụng để đạt đến hạnh phúc. Không có cái gì là hạnh phúc. Ta hãy quên những tìm kiếm này đi. Ta hãy hân hưởng sự tầm thường và trong khả năng cho phép tránh bị đau khổ, mặc dù không thể tránh được hoàn toàn.

Ông có thích thế giới của những con ruồi không cánh?

Thế anh có biết thế giới nào tốt hơn không? Có thể đây không phải là một dự phóng sáng lạn. Cũng không phải là một lý thuyết hấp dẫn. Cũng không đặt mục tiêu cao. Không! Đây là một dự phóng khiêm tốn, nhưng khả thi... Và chắc như vậy tốt hơn.... Để cảm thấy dễ chịu khi chúng ta gặp bất hạnh, cần có một cá tính đặc biệt hay có một học thuyết đặc biệt. Ít người có khả năng đó... Nó là thế... Tất nhiên chúng ta có thể tin như Leibniz, thậm chí điều này hữu ích, rằng chúng ta sống trong thế giới tốt nhất có thể. Chúng ta được phép tin vào điều đó. Nhưng Leibniz cũng biết rằng chúng ta phải tiếp nhận niềm tin này a priori, bởi Thượng đế đã phải tạo ra một thế giới tốt nhất có thể. Ngài không thể tạo ra thế giới hoàn toàn không có khổ đau và điều ác. Vì theo logic đó là điều không thể. Hoặc là – chúng ta sẽ phải là những cỗ máy tự động thiếu tư duy, không có tình cảm, không có cảm quan sáng tạo, không có khả năng sử dụng tự do. Vậy nên cái ác, sự đau đớn, khổ đau là cái giá mà chúng ta phải trả để là chính mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi ta đau răng thì ta tính sổ với Leibniz và tự nhủ: „Đau là tốt, vì trong kế hoạch chung của Thượng đế nhờ vậy mà thế giới trở nên tốt hơn”. Trên lý thuyết điều đó có thể thuyết phục chúng ta, nhưng không niềm tin nào chữa được cơn đau răng.

Thế còn tiền bạc thì sao, thưa giáo sư? Ông vừa trải qua một điều không xảy ra với nhiều người trong thế giới hiện thực. Chuyện gì xảy ra với một triết gia khi một triệu đô la rơi xuống đầu?

Chẳng có gì đặc biệt. Đó không phải là một bước ngoặt nào trong cuộc sống. Điều đó không có nghĩa tôi là người theo chủ nghĩa khắc kỷ hoàn toàn xa lạ với mọi vật chất. Tôi không xa lạ với điều gì. Được nhận một triệu thì không tồi. Nhưng với tôi là quá muộn để đổi đời. Tôi không mua cho mình xe Rolls-Royce (trị giá bằng một nửa phần thưởng của tôi), tôi không trở thành tay chơi.

Thế ông không nghĩ rằng trên thế giới này dẫu sao vẫn có một sức mạnh công bằng ngầm ẩn à? Bởi có cả biển người cật lực gắng sức cả đời vì tiền và ít người có được số tiền như thế, còn ông không gắng sức, sống hơi giống một người khắc kỷ, đột nhiên lại trở nên giàu có. Có thể dẫu sao vẫn có công bằng trên thế giới?

Không có! Thế giới không công bằng. Không có bất cứ sự công bằng nào. Công bằng theo Aristotles là cho mỗi người cái anh ta đáng được có. Nhưng chúng ta không biết ai đáng được cái gì. Không ai đáng được thắng một triệu. Không có công bằng trong các phán quyết của số phận. Còn nếu có, thì đó là sắp đặt của Thượng đế hoàn toàn không có gì chung với sự công bằng trong cách hiểu của chúng ta. Vì sự tính toán của Thượng đế hoàn toàn khác. Nếu có tồn tại một ý định nào đó của Thượng đế, thì chúng ta cũng không được biết. Và cần phải chấp nhận điều này.

Thế nếu ông phải chọn một lợi ích quan trọng nhất trong đời, thì ông sẽ nói gì?

Tôi muốn im lặng nhất. Nhưng nếu anh rứt móng tay hay cứ nhằng nhẵng hỏi tôi thì chắc hẳn tôi sẽ – không xây dựng một học thuyết cứng nhắc nào cả – nói rằng trong số các lợi ích quan trọng trong đời thì vị trí số một là tình bạn. Bởi trong mỗi cuộc đời con người có biết bao bất hạnh, đau đớn, khổ đau, thất bại, rất khó khăn khi phải chịu đựng một mình. Không ai có thể tránh được thất bại trong cuộc sống! Những tham vọng, ước mơ, đam mê không thành, những đau khổ có lỗi hay không có lỗi. Đau khổ luôn đồng hành với chúng ta. Có một câu nói nổi tiếng của Epicurus về đau khổ: „Những đau đớn không thể chịu đựng nổi thì ngắn, những đau đớn dài lâu thì chịu đựng được”. Thế nên những đau khổ luôn đồng hành với chúng ta là chịu đựng được. Nhưng chúng tồn tại. Và ta phải chịu đựng chúng. Mà nếu có bạn bè thì chúng ta trải qua dễ dàng hơn.

Vì họ có thể giúp chúng ta?

Vì khi biết có người khác bên mình, chúng ta sẽ chịu đựng cái ác của thế giới này tốt hơn. Ta thấy có những người mà đối với họ những thất bại và đau khổ của ta cũng là thất bại và đau khổ của họ, bởi vậy ta cảm thấy dễ chịu hơn, chúng ta có nhiều sức mạnh hơn và can đảm hơn. Điều đó an ủi và tiếp sức cho chúng ta cũng còn vì khi chúng ta làm điều gì đó xấu – mà điều này với ai cũng xảy ra – bạn bè không hắt hủi và mất niềm tin vào chúng ta, ta vẫn luôn được họ ủng hộ. Ta cũng không đánh mất lòng tin vào họ, không tạm treo tình bạn khi biết họ không hoàn hảo. Bởi vì khác với tình yêu, tình bạn không lý tưởng hóa. Nếu có điều gì đo như là một cuộc sống tốt lành, thì đó có lẽ là cuộc sống giữa bè bạn tương trợ lẫn nhau. Chúng ta cần trong cuộc sống những ngừi ta có thể trông cậy tuyệt đối và tin tưởng, những người ta biết rằng sẽ không lừa gạt, không phản bội ta, giúp ta khi cần và ta nên giúp, nên tương trợ trong khốn khó – điều mỗi người đều gặp phải và thiếu bạn bè thì ta khó lòng vượt qua. Hơn nữa, tình bạn là lợi ích phụ thuộc rất nhiều vào chính chúng ta. Ta có thể xây đắp nó bằng chính nỗ lực của mình. Vì tình bạn là mối liên hệ tin cậy mà mỗi người có thể dựng nên quanh mình. Mà sự tin cậy giúp ích chúng ta. Không chỉ sự tin cậy đặc biệt giữa bạn bè. Tất nhiên ta không thể tin tưởng hoàn toàn tất cả mọi người. Cái đó rõ rồi. Nhưng nên có giả định tích cực khi ta thấy ái đó lần đầu.

Nghĩa là tin người lạ như cho vay nợ?

Tin trên nguyên tắc thì đúng hơn. Bởi sẽ rất tệ nếu sống trong niềm tin thường trực rằng ai cũng có thể lừa đảo, lợi dụng và tôi phải cảnh giác liên tục. Thật buồn khi phải sống luôn nhìn quanh nghi ngờ. Cả tin dễ chịu hơn.

Cái này nghe ngây thơ quá, và có thể không an toàn.

Có thể. Nhưng như thế vẫn tốt hơn. Chắc rằng chúng ta sec không chỉ một lần thất vọng, nhưng thỉnh thoảng bị lừa còn tốt hơn sống cuộc đời luôn nghi ngờ không tin ai. Ngoài ra lòng tin của chúng ta khiến người khác trở nên tốt đẹp hơn, và chính chúng ta cũng thế.

Nhưng tình bạn không phải chỉ có lòng tin. Ông có tin vào tình bạt bất vụ lợi không?

Tất nhiên. Dễ nhất là kết bạn thực sự với những người không có liên hệ lợi ích nào với chúng ta.

Mỗi người đều muốn có những người bạn có thể trông cậy trong những giờ phút đen tối nhất, nhưng ít người chắc chắn có được như vậy. Tìm những người bạn như thế ở đâu?

Thành thật mà nói thì đây có lẽ là chuyện ngẫu nhiên. Cả cuộc đời là chuỗi không ngừng những ngẫu nhiên không thể dự đoán trước. Phải là thế và chắc hẳn như thế là tốt. Có nhiều thứ thậm chí không cần cố gắng hiểu. Chắc chắn là có một mối liên hệ tinh thần khiến ta kết bạn với ai đó, còn với nhiều người khác thì không bao giờ thành mặc dù ta thường xuyên gặp họ. Khó mà nói được vì sao lại như thế, nhưng mỗi người đều có thể nói ngay mình không thể kết bạn với ai. Ví dụ tôi không thể kết bạn được với những người không ngừng đòi hỏi phải được tham gia vào quyền lực. Không phải vì tôi đánh giá họ không tốt. Tôi không đánh giá. Thậm chí tôi có thể thích họ, gặp gỡ và trò chuyện với họ. Nhưng tôi không kết bạn. Vì tôi không carmt hấy gần gũi. Điều này có lẽ quá bình thường.

Có và không. Bởi vì dẫu sao tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó không bình thường khi tôi nghe ông nói – từ góc nhìn cả đời của ông – rằng bạn bè là quan trọng nhất. Nguyên tắc bạn bè là trên hết này có đúng trong cuộc sống của ông không?

Chắc chắn không chỉ một lần. Nhưng tôi không thể cho ví dụ cụ thể.

Ông đã có những lúc lên voi xuống chó trong đời. Ví dụ như khi ông rời Ba Lan, khi đó thật chẳng dễ dàng gì. Khi đó bạn bè có giúp đỡ ông không?

Chắc rồi, họ giúp chứ. Nhưng nếu bây giờ tôi bắt đầu nói về chuyện này thì tôi sẽ phải kể khi đó khó khăn thế nào. Mà tôi không muốn kêu ca. Chúng ta hãy cố gắng kêu ca ít hơn về cuộc sống. Nếu có thể, chúng ta hãy can đảm. Đừng kêu la thế giới tồi tệ ra sao đối với chúng ta. Bởi vì khi cằn nhằn về những tội lỗi xấu xa của thế giới, chúng ta thường bị chê cười hơn là được giúp đỡ.

Thế bạn bè khi đó không xuất hiện à?

Họ xuất hiện khi chính chúng ta sẵn sàng cho tình bạn. Bởi vì có những người sợ tình bạn, họ cho rằng có bạn bè là khiến mình có thêm các khoản chi phí, những sự nỗ lực, không thoải mái. Những người này tự họ khiến mình bất hạnh. Biết làm sao. Chắc là không giúp gì được cho họ. Còn với bạn bè thì không nên hà tiện. Ít khi có khoản chi nào có lời như vậy.

Nghĩa là về bản chất, bạn bè quan trọng nhất là bởi tình bạn là nơi các nguyên tắc chung trong quan hệ giữa người với người không có hiệu lực? Không có cạnh tranh, không lý tính, không phán xét, không phân loại, không vụ lợi.

Tôi không biết có thể nói đơn giản vì sao hay không. Đó đơn giản là mối quan hệ qua lại giữa những người hoàn toàn tin cậy nhau. Họ không co rằng người kia phải hoàn hảo và vô tội, nhưng họ thực sự tin tưởng nhau. Có thể thú tội với bạn thân, nếu ta cần, có thể nhờ khuyên bảo mà không sợ bị cười. Với bạn bè chúng ta cảm thấy hoàn toàn an toàn. Không có gì trong cuộc sống quan trọng hơn thế. Bạn là người ta có thể trông cậy bất chấp tất cả. Bạn thậm chí không cần phải tha thứ cho ta. Có những tội lỗi kinh khủng tới mức làm hỏng tình bạn. Nhưng những lỗi lầm bình thường thì không làm hỏng được nó. Chúng có thể làm hỏng mối quen biết, nhưng không phá hỏng tình bạn.

Thế tình yêu?

Tình yêu giữa đàn bà và đàn ông là một sự phức tạp. Ở đó cũng có cảm giác không cần tha thứ. Chúng ta cũng tha thứ nhưng một cách tự nhiên và ngẫu hứng. Chúng ta giải thích, tự vệ, nhưng không lên án. Như chúng ta tha thứ lẫn nhau.

Sự khác nhau nằm ở chỗ chúng ta là định mệnh không tránh khỏi của nhau. Ta có thể chia tay với những người khác nếu ta không chấp nhận họ. Có nghĩa là tình bạn vẫn là nơi phần lớn các nguyên tắc chung bị loại bỏ. Ở đây không có nguyên tắc công bằng. Khi người ta hỏi ông nên trao giải thưởng quan trọng cho ai đó, thì ông sẽ nêu tên bạn mình trước tiên chứ?

Không có nguyên tắc chung.

Thế tình bạn có được cộng điểm trong trường hợp này không?

Tất nhiên là có. Tôi sẽ nghĩ về bạn mình rất nồng nhiệt. Và không có gì là xấu ở đây.

Đấy không phải là sự dung túng bạn bè hay sao? Điều đó không làm tổn hại nguyên tắc bình đẳng và các nguyên tắc chung sống sao?

Chúng ta không, và chúng ta cũng đừng giả vờ, là chúng ta có thể tuyệt đối công tâm. Chúng ta không như thế. Chúng ta sẽ không như thế. Và chắc hẳn vậy là tốt. Nhưng chúng ta nên biết điều đó thì tốt hơn là tự dối mình. Chúng ta muốn bạn bè mình may mắn, chúng ta muốn ủng hộ họ, và nếu điều đó nằm trong khả năng của chúng ta, chúng ta đứng về phía lợi ích của họ. Hãy để cho mọi sự như thế.

Ồ bây giờ ông đang ca ngợi sự dung túng.

Đó là vấn đề thước đo. Tình bạn là tốt và sự dung túng là xấu, ranh giới giữa chúng là thước đo. Nhưng đó cũng không phải là một ranh giới rõ ràng. Và chắc cuộc sống của chúng ta là vậy. Không có các ranh giới rõ ràng. Trong bất cứ một sự việc đúng đắn nhất nào cũng không nên rơi vào chủ nghĩa cơ yếu. Tránh khắc nghiệt và chủ nghĩa cơ yếu, đó lại là một điều quan trọng nữa trong cuộc sống. Các nguyên tắc cứng nhắc, không thể sửa đổi, không thể mềm dẻo – đó thường không phải là các nguyên tắc minh triết. Các nguyên tắc minh triết không bao giờ tuyệt đối. Bởi trong cuộc sống hầu như không bao giờ có tình huống không có gì quan trọng trừ một thứ duy nhất. Và hãy cứ để mọi thứ như thế. Không có điều gì đơn nghĩa trên đời. Là như vậy. Có lẽ phải là như vậy. Và có lẽ như vậy là tốt.

(Bài phỏng vấnđăng trên tạp chí Polityka, số ra ngày 15.09.2004)

Khi Quyền Chính Ăn Cướp bằng Ngôn Ngữ Phù Thủy


Cách đây 2 năm, khi chiến dịch cướp tiền người dân để "giúp ngân hàng tài chính" đang "suy sụp" được khởi động tại một vài nước Âu châu khi việc "cứu thoát" (bail out= in và đẩy thêm tiền ) không tác dụng và quá lộ liễu cái tính gian lận của hệ thống tiền và tài chính, Úc cũng đã rục rịch nối gót.

Lần này với cái tên rất "chuyên gia" "Cứu từ trong" (bail in) cho phép Ngân hàng lấy tiền lệ phí theo phần trăm những trương mục có số tiền lớn, và nha nước Úc thẳng tay hơn sẽ ứng dụng "luật lãi suất âm" các số tiền gửi trong ngân hàng!!!

Chúng đã chờ xem phản ứng của quần chúng ra sao: Quần chúng vẫn chỉ mải mê những trò quần lót tài tử; những trò ẩm thực ra vẻ "sành điệu"; những buổi thi hát đẫm "nước mắt" v.v trên truyền hình. Thế là chúng khởi sự ăn cướp với một cái tên mới nghe "ngộ nghĩnh" hơn: "lãi xuất âm" (negative interest rate).

Như chúng toôi đã phân tích ngay từ đầu ở bài viết trước, đây chỉ là trò ăn cắp sức lao động của dân. Bọn chúng in tiền cho nhau để gây nợ và buộc nợ nô lệ hóa dân chúng bằng cách thúc đẩu người dân phải tiêu dùng và mua sắm... để rồi phải cắm đầu lệ thuộc giữ vững việc làm bằng mọi giá.. Nhưng với tình trạng kinh tế bấp bênh "thắt lưng buộc bụng", việc làm không vững chắc, lương bổng không tăng... đại đa số muốn tiết kiệm giành dụm phòng khi hữu sự. Nói ngắn gọn là quần chúng ĐÌNH CHỈ hoặc HÃM TỐC ĐỘ TIÊU XÀI...

Thế là chúng ra luật đánh thuế trực tiếp, hay ăn cướo tiền của những ai gửi tiền tại ngân hàng, buộc người ta phải tút tiền ra tiêu dùng mua sắm.

Nói cho rõ, là tiền quí vị gửi trong ngân hàng, nếu thằng Ngân hàng không ứng dụng quyền của nó lấy LỆ PHÍ THEO PHẦN TRĂM SỐ TIỀNQUÍ VỊ GỬI (bail -in) thì thằng Nhà nước cũng sẽ cướp số tiền quí vị đang gửi này cũng theo tỉ lệ phần trăm của số tiền (Negative Intereste Rate).

Quí vị rút tiền mua vàng, bất động sản, hay phải "đầu tư", tiêu dùng v.v Tại Mỹ thói quen giữ tiền mặt trong tủ sắt để mua bán trực tiếp nhanh gọn, cũng đã đang bị tấn công bằng các luật cho phép cảnh sát "tạm giữ điều tra" các số tiền mặt như Chúng Tôi cũng đã tường thuật.

Vấn đề đã rõ ràng: Chúng thành công trong tiến trình TÊ LIỆT HÓA quần chúng. Quần chúng đang tự nguyện nô lệ và tự giết chính họ.

Nhà nước chính phủ các nơi có dân "thấp kém", đang dấy động chiến tranh qua chủ nghĩa quốc gia, căng thẳng biên giới, tung hô bản sắc, tín lý v.v mặt khác, nơi các xứ có dân khá hơn, chúng trằng trợn tạo khủng bố, nuôi dưỡng cung cấp vũ khí cho các nhóm "tự do" để tạo chiến tranh thúc đẩy thị trường vũ khí an ninh. Và mặt nội trị, chúng cũng công khai đàn áp đủ các quyền tự do, đời tư, và ăn cuớp ngay tài sản trực tiếp của dân chúng.... nhưng không có một sự phẫn nộ nào được ghi nhận.

Người ta vẫn thấy Nhà nước hữu lý, làm việc chính đáng vì DÂN, vì XÃ HỘI!
Người Á Châu nói chung, và Việt Nam nói riêng, chưa bao giò trong cuộc đời của họ dám nghĩ là Nhà nước chính phủ làm sai, bản chất xấu cả.

Người dân xứng đáng, hay đáng chịu hậu quả của niềm tin của chính họ thôi.

Nhân Chủ

GẠO LUẬN


[Bùi Nam Bình]


Vừa lướt ngang trang bô-xit.vn, vốn không định đọc, nhưng lại thấy có tay Hoàng Kim nào đó biên tít: “Nông dân xin hỏi Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng”, mình cũng là nông dân nên ghé đọc, đọc xong thấy tác giả ngu có thẻ, nên mới bớt chút thời gian khai sáng cho bọn này. Các anh chị nào đầu óc đã sáng láng rồi khỏi phải đọc nhé.






“Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”

Trước hết, xin hỏi tác giả Hoàng Kim là ai, lấy tư cách gì mà dám “đại diện cho nông dân Việt Nam”, trong đó có cả tớ đây - một nông dân chính hiệu? Kiểu vỗ ngực tự xưng là “người đại diện nhân dân” phải chăng là căn bệnh hoang tưởng và lây nhiễm từ những người trong cái ổ rận gọi là “Bô shit VN”, từ những Quang A, Huệ Chi... sang cho tác giả bài viết này?

Thứ hai, tớ tranh luận sòng phẳng với chú Hoàng Kim và với những chú rận đang tự xưng “giáo sư” nọ, “tiến sỹ” kia trong ổ Bô-xit.vn về chuyện lúa gạo.

Bô-xit kể tội ông Bộ trưởng Bộ Công thương về việc “Tại sao không liên minh xuất khẩu gạo với Thái Lan để lấy quyền ấn định giá bán gạo xuất khẩu, khiến quyền lợi nông dân bị gây hại”?

Các chú không hề mở mắt ra để nhìn ra rằng, từ năm 2001, thời ông Vũ Khoan còn làm Bộ trưởng Bộ Công thương, VN đã có chiến lược hợp tác với Thái Lan xuất khẩu gạo. Đến nay ta vẫn kiên trì chủ trương đó. Chẳng cần mấy chú Bô-xit.vn lên mặt dạy đời, bất cứ ai đi buôn cũng muốn có đồng minh. “Buôn có bạn, bán có phường”, câu nói người xưa ai cũng biết. Thế nhưng hợp tác đến đâu, khi nào thì hợp tác, mức độ như thế nào để có lợi nhất, để không bị thằng bạn hàng bóp chết, đó là chuyện phải cân nhắc. Cứ nhảy cẫng lên như các chú mà nhắm mắt hợp tác, hậu quả thế nào chắc các chú hiểu.

Cái ngu tiếp theo của Bô-xit.vn ở chỗ, các chú cho rằng chỉ cần “liên minh với Thái Lan” là có thể áp đặt giá bán gạo lên toàn thế giới. Nào ta cùng hét giá, 100USD/tấn? hay 1.000USD/tấn, hay hơn chút nữa đi, 1 triệu USD/tấn cho nó máu, thằng nào không mua cho đói rã họng? Các quốc gia khác sẽ để yên cho VN và Thái Lan múa vô tư như thế chắc? Thôi thôi Bô-xit.vn ơi, các chú ngu và hoang tưởng đến thế thì anh cũng chịu, không khai hóa nổi.

Cái ngu thứ ba của các chú là không hề biết Thái Lan là ai, vì sao Thái luôn luôn chèo kéo VN hợp tác. Anh đây tuy nông dân nhưng cũng có thể khai sáng cho các chú:

- Một là: Qua hợp tác, nên nhớ Thái luôn muốn giành lại thị trường xuất khẩu gạo, kể cả ở những thị trường Việt Nam đang chiếm giữ. Thái luôn gạ gẫm VN cùng lập quỹ gạo bán chung vào Philippines, Indonnesia, Cuba. Anh hỏi thật các chú, các chú có mối làm ăn, các chú có muốn chia cho thằng đang cạnh tranh trực tiếp với chú không?

- Hai là: Thái có trình độ chế biến gạo cao hơn VN. Nói nôm na cho dễ hiểu: cùng hạt gạo ấy, nhưng Thái có công nghệ đánh bóng, cứ gọi là mài nhẵn thín, long lanh, còn VN ta thì cứ xay ra thế nào để nguyên thế, cứ đùng đục, cám còn bám đầy, tuy dinh dưỡng nhưng không bắt mắt. Thế mà cùng hợp tác bày lên một cửa hàng, không có quảng cáo giới thiệu giá trị riêng của sản phẩm, hỏi khách sẽ chọn gạo Thái hay gạo Việt? Ai là người chịu thiệt?

- Ba là: Chính phủ Thái Lan đang muốn tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của nông dân Thái, chứ chẳng thương gì Việt Nam.

Với mấy lý do trên, các chú Bô-xit.vn đã hiểu ra tại sao ông Vũ Huy Hoàng không “dốc vốn” ra với Thái chưa?

Cho nên, các chú Bô-xit.vn đừng cắm đầu gặm cỏ và chém gió phần phật như thế nữa, chỉ làm cho người ta thấy các chú ngu dốt chẳng kém bò. Là nông dân, anh cũng rất thương bò nên anh nói thật với các chú: trước khi phê phán người khác các chú phải biết suy nghĩ bằng cái đầu. Nếu không thì kít cũng chẳng có mà ăn đâu. Anh thật./.