" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015
Bỗng dưng muốn ngồi xuống
Và, cất tiếng hát ca vang ở những vỉa hè nào đó trên phố đông người lại qua.
Tôi biết mình chỉ là một kẻ đi hoang, quên mất lối về, quên mất những rong rêu của kí ức xa xưa còn nằm đâu đó, hoặc ngủ mê trong chốc lát. Tôi vẫn chỉ là tôi, một ngày gió bụi cuốn tung mù mịt nơi xứ người, bỗng nghe mùa ve không còn là những vui tươi rộn rã như thường lệ vào đầu tháng tư nữa. Tôi mộng tưởng, huyễn hoặc hóa dấu chân mình in thành vết trên mỗi chặng đường đã đi qua bằng nước mắt, bằng những nỗi đớn đau, chia biệt chỉ để mong được lắng nghe thêm những yêu thương thật thà ở phía nào đó của chốn bình yên nhiều hoa thơm cỏ ngọt cho tất thảy mỗi thân phận có mặt trên cõi đời, dù là mặt người hay chỉ là ánh mắt cần được cứu rỗi của một chú chó con.
Gió bụi thổi qua, cay xè hay rát bỏng trong mắt tôi?
Sớm hôm nay, nắng hòa vào tiếng ghita vang vọng phía đầu đường, từ con hẻm ngày xưa, mỗi lần tôi đi qua, đang tràn ra cả phố. Trời Huế chập chờn, như mây mưa mùa đông, rủ rỉ sẻ chia và tưởng nhớ người quá cố. Tôi, lấp lửng đôi chân, thôi bước, dừng lại và hát thật to giữa những người xa lạ không hề quen biết.Hát như bao giờ được hát, hát như đã từng hát trước đây trong đêm khuya vắng, khi tất thảy những âm thanh chỉ còn là tiếng thở đều đều hòa âm với gió. Và, chỉ còn lại tôi, chỉ còn lại những người bạn dưới chân cầu thang kí túc xá sinh viên, say mê gõ, rồi hát theo phách nhịp, theo từng nốt nhạc lên bổng xuống trầm, lúc cao vút, hoặc có khi chùng lại tắc ở đâu đó bởi những nghẹn ngào tuổi thơ đuổi bắt tận trong cùng mạch máu.
Đá sỏi dưới chân, nhiều khi cứ ngỡ chỉ là giấc mơ đời tứa máu chăng?
Hình như không phải thế, tôi chập chờn nửa mê nửa mộng, để rồi nhận ra mình tỉnh hơn bao giờ hết giữa những lựa chọn, giữa những bước chân, giữa những xốn xang mong nhớ xa xôi về chốn nào đó đã sinh ra tôi. Thôi, thì ngồi bệt xuống đây, ở đâu cũng thế, có khác chi nhau. Nơi nào cũng thế, cũng đầy nỗi đau. Tôi, sẽ nghe bạn hát, hoặc sẽ tự mình kể cho ai đó, người đi đường cùng tôi chẳng hạn, về những vết sẹo lồi lõm trên mu bàn chân mình. Ngày nắng, phút chốc chuyển thành xám xịt. Ngày gió bụi, phút chốc chỉ còn mỗi mình tôi. Ngày mưa, cho tôi xin những âm u kia hóa thành tro tan vào lòng biển khơi mặn đắng cùng hạt muối đang trôi dần về phía khác.
Ngồi xuống đây, tôi với người hãy hát những lời xưa cũ vẫn còn dở dang, nổi trôi trong từng kí ức của bao kẻ đi từ dưới mặt đất lên, đang khóc nức nở theo từng tiếng ca chết, theo lời cỏ cây rì rầm mỗi khi trời gần về sáng.
“ta đã thấy gì trong đêm nay…”
Tôi có thể không thấu nhận hết được những điều đã qua, đã nằm sâu dưới bao nhiêu lớp đất, nhưng tôi sẽ hát lên những câu kinh như lời cầu nguyện thẳm sâu, chỉ mong hàng vạn linh hồn được nghỉ yên, được lắng nghe thêm những khúc ru thương yêu đời đời.
Ngồi xuống đây, gõ phách nhịp cùng tôi
Hãy để tiếng ca thay thế, hòa vào lòng kẻ còn sống, còn ngửa mặt nhìn mặt trời mỗi sáng sớm những xúc cảm chỉ có ở trái tim, chỉ nằm ở một phía duy nhất, nơi lồng ngực phải, nơi khiến cho con người còn chút ít thi vị mang ơn cứu rỗi.
Ngồi xuống đây, hãy ngồi xuống đây.
Có tiếng vọng trả lời nào không, khi gối đã chùng, chân đã muốn được dăm ba phút nghỉ ngơi, lời ca đã sẵn sàng cất cao, nước mắt đã muốn rơi ngược vào phía thẳm sâu tận cùng, để nở dù chỉ một nụ cười chát đắng.
Bỗng dưng, nghe gió xôn xao. Bỗng dưng, nghe bão mùa hè vồ vập dưới cơn mưa đổ vội ở phía sau lưng mình. Tháng tư chầm chậm, tưởng chừng như đang đưa ru những lời xa vắng, vẫn còn nguyên dư âm buồn tênh xa xót:
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu. Một trăm năm đô hộ giặc Tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Gia tài của mẹ, để lại cho con. Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn…”
Băng Khuê
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét