Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

MỘT NGƯỜI BẦU TRỜI CHIẾC LÁ VÀ DÒNG SÔNG





L’homme, un creux toujours future,
Người, một lỗ hổng luôn luôn ở phía trước


Một người soi bóng xế mùa xuân,
Nhìn lá trôi sông luống tần ngần.
Hỏi người dưới có phong ba lắm?
Thế sự trên này còn vướng chân.

Thân xác tôi da liền thịt gắn,
Hình bóng người tôi kiếm triền miên.
Sẽ mấy trần ai người nhuốm phải?
Hân hoan pha lấm mấy ưu phiền?

Sóng vỗ người đau quằn chín khúc;
Nửa hình dị điểu, nửa hình tiên;
Chú bé già nua, ông lão sữa;
Dưới vết nhăn nheo dáng trẻ hiền.

Phải thế chăng tuy hai mà một?
Cái rành rành một lại là hai?
Hay ta là khách đi chung vé
Lẫn bóng xen chân một chuyến dài?

Lá cuốn mây trôi sông lấp lánh,
Nhìn người sóng sánh tưởng mình say.
Người lân la lối tôi thơ thẩn,
Lúi húi đong đo mộng đấu đầy.

Đá tõm rơi sâu dòng nước xoáy,
Hình người èo uột vỡ lênh đênh,
Lênh đênh nghìn mảnh trời nhăn vỡ,
Chiếc lá trôi sông cuốn bập bềnh…

Ngày vui thanh sắc mau phai rụng,
Phút buồn ủ lại mãi màu tro.
Thường tình phép toán chia là vậy,
Tôi muốn tìm tôi để chuyện trò.

Tôi bỏ dòng sông đi choáng váng,
Mất người bản rập hoá bơ vơ,
Máu se loang loãng như vơi nửa,
Trời hắt hiu phơi chiếc kính mờ.

Tôi chẳng là tôi khi mất bóng:
Lá bọc sương mù, lá sẽ rơi.
Tôi hằng muốn với xa thân thể,
Soi bóng dòng sông kiếm một người.

Giăng bóng mình đi đo dáng bóng
Một người ngoại trú chửa hề thân;
Một người sẽ ấm ran hơi thở
Của chính người đang bước tần ngần.

CUNG TRẦM TƯỞNG.

Phỏng vấn một nhà văn



Tác giả: Lê Thị Liên Hoan
.
Một nhà văn thì phát biểu bằng gì? Theo tôi là bằng tác phẩm. Chỉ tác phẩm. Không có gì ngoài tác phẩm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều vị chả viết gì cả, hoặc chả viết ra trang nào hay ho cả, bỗng dưng “máu lửa” trên diễn đàn trước, trong và sau đại hội.
————-


PV: Thưa ông, thời gian gần đây ông chú ý tới điều gì nhất?

Nhà văn: Rất buồn là không có.

PV: Sao lại thế, thưa ông? Xã hội đang tồn tại biết bao chuyện bức xúc, nào môi trường, nào giao thông, nào giáo dục…

Nhà văn: Tôi biết, nhưng thưa nhà báo, muốn cho một xã hội phát triển thì sự chú ý cũng phải có tính chuyên sâu. Với tư cách một nhà văn, tôi phải chú ý nhất là tình hình văn học.

PV: Mà tình hình văn học thì sao?

Nhà văn: Có thể nói thẳng ra: Đã mấy năm nay rồi, ít có tác phẩm nào gây được chú ý, cả tiểu thuyết lẫn phê bình.

PV: Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?



Nhà văn: Tôi không trả lời câu hỏi này, vì trả lời ra sao cũng sẽ vô cùng cũ.

PV: Nhưng chắc ông đã biết, đang sắp tới đại hội nhà văn, tình hình trên diễn đàn cũng nóng lên đấy chứ?

Nhà văn: Diễn đàn nào?

PV: Báo chí chẳng hạn. Trên tờ báo nọ báo kia, đã xuất hiện những nhà văn này nọ phát biểu phê phán rất mạnh cái nọ cái kia hoặc ông nọ bà kia.

Nhà văn: Một nhà văn thì phát biểu bằng gì? Theo tôi là bằng tác phẩm. Chỉ tác phẩm. Không có gì ngoài tác phẩm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều vị chả viết gì cả, hoặc chả viết ra trang nào hay ho cả, bỗng dưng “máu lửa” trên diễn đàn trước, trong và sau đại hội.

PV: Tại sao, thưa ông?

Nhà văn: Nói thực nhé, tại chả có gì dễ hơn phê phán… Hội Nhà văn. Hay nói chính xác hơn là vị này hay vị khác trong ban chấp hành. Vì họ có quyền hành gì ghê gớm đâu, mà suy cho cùng, trên đời này lấy đâu ra thứ quyền hành ra lệnh cho sáng tác phát triển.

PV: Nhưng có thứ quyền hành ngăn trở chứ?

Nhà văn: Tất nhiên là có. Nhưng biết vượt qua nó để sáng tác chính là việc của nhà văn. Cứ theo một số lý luận của vài ông bà nhà ta trước đại hội, thì họ rất có tài, có tâm huyết, có kiến thức nhưng đã bị ai đó cản trở, khiến cho những tác phẩm của họ không ra đời được. Và Ban chấp hành Hội đương nhiệm sẽ là một trong những thủ phạm chính.

PV: Quả đúng vậy sao?

Nhà văn: Xin lỗi nhà báo, đúng thế quái nào được. Việc sáng tác là việc rất cá nhân, công cụ sáng tác chỉ là giấy với bút, nếu anh viết dở, anh đừng có đổ lỗi cho ai hết.

PV: Tôi không đồng ý với ông. Rõ ràng là có môi trường thuận lợi cho sáng tác văn học, và có môi trường thì không.

Nhà văn: Tôi hiểu điều đó. Bởi chả viết văn, ngay cả câu cá cũng có môi trường. Nhưng tôi nghi rằng vượt lên môi trường, chiến thắng môi trường, bắt môi trường phải khuất phục mình mới là phẩm chất của một nhà văn chân chính.

PV: Quả tôi cũng nghi thế.

Nhà văn: Tôi có cảm giác nhà văn nước mình, hay nói ra, nghệ sĩ nước mình, là vua đổ lỗi cho hoàn cảnh. Rên la về cuộc sống, than phiền về cơ chế, nhăn nhó về điều kiện làm việc đang là một tâm lý bao trùm rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật, chả phải văn học thôi đâu. Nhưng tôi tin là nếu như có cách gì để chúng ta sống lùi về quá khứ một trăm năm trước, hay mở mắt ra thấy tương lai một trăm năm sau, chúng ta sẽ thấy các nhà văn cũng vẫn kêu ca về hoàn cảnh y nguyên bây giờ.

PV: Không khéo còn nhiều hơn, mặc dù xã hội đã có rất nhiều bước tiến so với trước…

Nhà văn: Đúng. Không khéo nhiều hơn. Cho nên tôi chỉ xin mọi người bớt ầm ĩ đi, lo sáng tác vào. Bởi chả có gì buồn hơn một nền văn học âm thầm trong hiệu sách nhưng lại sôi động trên diễn đàn, mà sự sôi động thường thiên về những chuyện cá nhân!

————–

Nguồn: ANTGCT

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Nhân quả từ lối sống




Đức Phật dạy con người phải đi tìm trí tuệ và hãy có
lòng từ bi để tiếp tục vận động cho một cuộc sống tích cực


Nếu nhìn về phương diện cá nhân sẽ thấy có rất nhiều vấn đề trong cuộc đời mà một con người phải trải qua, nhưng nếu có những sự kiện hay vấn đề gì đi nữa thì thời điểm xảy ra vẫn không bao giờ báo trước chính xác. Các nhà biên kịch, đạo diễn phim ảnh đều có thể dựng lên những câu chuyện đời thường với thời gian và không gian hoàn hảo nhưng đối diện trước cuộc đời của họ thì họ vẫn mù mờ.


Nếu nhìn về phương diện xã hội và thế giới, cả cộng đồng nhân loại cũng thật bé nhỏ, không thể kiểm soát được tất cả những gì sẽ xảy ra (khủng hoảng chính trị, dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh…). Như bàn tay của con người biết lúc nào phải mở ra và lúc nào phải nắm lại nhưng khi đã nắm lại thì trong bàn tay vẫn còn chút kẽ hở vậy. Một cuộc sống vốn không công bằng với con người nhưng có một quy luật dành cho cuộc đời con người ấy không sai không khác, đó là: Nhân quả.

Nhân quả trong lối sống của con người bao gồm những điều tốt đẹp và những điều hết sức bi thảm. Nhân quả về tương lai của một người giống như một bài toán khó cần tìm ra công thức để giải đáp. Việc tìm công thức giải đáp bài toán là một quá trình đòi hỏi nhiều công sức và trí tuệ. Nếu người tìm ra công thức giải được bài toán khó này trong một thời gian nhanh nhất được xem là người có thể bắt kịp được tương lai. Nếu người nào rất khó giải được bài toán thì xem như người đó chưa bắt kịp công thức của cuộc đời mình, họ cần tìm kiếm “nhà toán học” hoặc “nhà thông thái” nào đó để xin nhận được sự giúp đỡ.

Nhân quả dù tốt hay xấu đều tùy thuộc vào con người. Mỗi cá nhân tự gây tạo nghiệp nhân cho mình và chỉ chờ đợi diễn tiến của cái kết. Cuộc sống của con người thường mắc phải năm loại ham muốn căn bản: ăn ngon, ngủ nghỉ, danh tiếng, sắc đẹp, tiền tài và con người phải sống trong bể tham dục, ưu, bi, khổ, não, bệnh tật. Trong mỗi thời khắc đã qua, hiện tại đến tương lai là một chuỗi tương tác liên tục. Những việc làm của chúng ta hôm nay có thể cho biết câu trả lời của ngày mai cho dù không chắc chắn như chúng ta nghĩ. Nếu chúng ta muốn tận hưởng chuỗi nhân quả cuộc đời theo hướng tốt, tích cực thì không còn gì bằng việc tạo ra một lối sống tốt và lối sống tốt ấy rất cần có nguồn động lực, sự quyết tâm mạnh mẽ của chính bản thân.

Cuộc sống phải theo quy luật vô thường, không bao giờ đứng yên. Thời gian của một đời người cũng rất ngắn ngủi. Đừng chờ đợi một điều tốt đẹp đến với mình mà phải tự tạo điều tốt đẹp trước đã bằng tất cả sự thành thật. Khi chúng ta đã có cố gắng rồi thì ít ra cũng sẽ có một nguồn lực tiếp sức cho chúng ta thêm nữa. Vận may, cơ hội không phải mưa từ trên trời rơi xuống cho chúng ta tắm mát giữa trưa hè nóng bức vì chúng ta cũng biết rằng những giọt mưa không phải tự dưng mà có, nó phải hội đủ nhân duyên, được giúp sức từ hơi nước và các điều kiện khác.

Thời hiện đại này, lối sống cá nhân có quá nhiều sự lựa chọn, điểm nhấn quan trọng là ở giai đoạn tuổi trẻ cần có định hướng tốt để về sau thu được kết quả tốt đẹp. Lối sống cá nhân luôn chịu ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội. Giới trẻ ngày nay còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ kỹ thuật số và công nghệ giải trí (phim ảnh, âm nhạc, truyền hình). Thế giới luôn chạy đua phô diễn sức mạnh của khoa học kỹ thuật, quân sự quốc phòng, tiền tệ… nhưng nếu con người sống thiếu lòng khoan dung và vị tha sẽ khiến cho thế giới rơi vào bất hạnh, bất công, xung đột, tội ác và hận thù.


Một cá nhân chọn lối sống ngông cuồng, phóng túng sẽ không mang lại một tương lai xán lạn nào cho họ cả. Một lối sống vô cảm, bất cần đối với những người xung quanh sẽ chỉ nhận cái kết không hay ho gì, thậm chí khi ta cần sự giúp đỡ nào đó, ta cũng sẽ khó nhận được sự trợ giúp nào một cách vui vẻ cả. Một lối sống dựa dẫm, xu nịnh sẽ nhận lại cái kết bị nhàm chán và bỏ rơi. Một con đường tù tội luôn dành cho những người chỉ thích cách kiếm nhiều tiền thật nhanh bất chấp mọi thủ đoạn và tàn ác, họ sẽ nhận hình phạt thích đáng và nặng nề hơn nữa là bản án lương tâm cắn rứt… Các khía cạnh tiêu cực nhất của lối sống cá nhân là đi theo nghề nghiệp bất thiện: sát sanh, trộm cắp, buông thả trong dục lạc, rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, buôn người, làm ăn gian dối, buôn bán vũ khí hủy diệt mạng sống.

Phật giáo khẳng định cái khổ là kết quả của những việc con người làm chứ không phải do thần linh hay một cái gì khác gây ra. Tất cả những việc làm của một người quyết định sự danh giá hay thấp hèn của người đó. Vì vậy, con người cần sự nỗ lực vượt mọi cam go để nâng cao trí tuệ và đạo đức của mình. Đức Phật đã vì lợi ích và sự an lạc cho chúng sinh mà chỉ ra những chỗ yếu kém của thân, khẩu, ý và phương pháp từ bỏ những thói hư tật xấu, tập các tính nết tốt. Những người đã có đức tính tốt rồi thì vẫn phải nâng cao các phẩm chất tốt, không phải đã tốt rồi tự mãn, kiêu căng.

Nói chung, có hai lối sống chính: lối sống từ bỏ dục lạc thế tục và lối sống đầy đủ các dục của người thế tục, hay nói cách khác lối sống của người xuất gia và lối sống của người đời muôn màu muôn vẻ.


Đối với giới xuất gia, Đức Phật chế giới để điều phục những bất ổn, bất thiện trong quá trình tu hành vì mục đích phạm hạnh và giải thoát sanh tử. “Này các Tỳ-kheo, thế nào là học giới theo phước lợi? Là Đại sư vì các Thanh văn chế giới để nhiếp thủ Tăng, tích cực nhiếp thủ Tăng, khiến người không tin, được tin; người đã tin, tăng trưởng lòng tin; điều phục người ác; người tàm quý được sống an vui; phòng hộ hữu lậu hiện tại; chính thức đối trị được đời vị lai; khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài. Như Đại sư đã vì Thanh văn chế giới để nhiếp thủ Tăng… cho đến khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài. Học giới như vậy như vậy, hành trì giới kiên cố, giới hằng tại, giới thường hành, giữ gìn học giới. Đó gọi là Tỳ-kheo nhờ giới mà được phước lợi” (Kinh Tạp A-hàm, số 826). Cho nên, nhờ giới mà người xuất gia có cái đẹp của lòng từ bi, cuộc sống giản dị và bình đẳng.

Đối với người thế tục, Đức Phật thuyết dạy những khía cạnh tích cực của sự tu dưỡng thân tâm, hạn chế sự kiệt quệ tinh thần và tính ích kỷ. Người thế tục cần làm các công đức để gieo hạt giống tốt cho đời sau. Con người giống như một hạt giống, hạt giống này rồi đến lúc không còn là hạt nhưng có thể tái sinh thành một cây khác từ chính hạt giống này. Giáo lý Ngũ giới, Bát Chánh đạo, Thập thiện nghiệp rất giúp ích cho lối sống hướng thiện của con người.


Đức Phật dạy con người phải đi tìm trí tuệ và hãy có lòng từ bi để tiếp tục vận động cho một cuộc sống tích cực. Nhân quả luôn hiện hữu trong lối sống của con người thông qua hành vi và các mối quan hệ của cá nhân. Vì vậy chọn một lối sống tốt, chánh đáng là một vấn đề hết sức cần thiết đối với tất cả mọi người dù cho có phải trải qua những thời khắc khó khăn gì đi nữa hay phải bắt đầu làm lại cuộc đời.

Diệp Thiên

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Phẫu thuật cho ai dễ nhất?



Bốn nhà phẫu thuật ngồi tán chuyện với nhau về công việc trong giờ nghỉ giải lao.


Người thứ nhất nói: Tôi thấy phẫu thuật cho nhân viên kế toán là dễ nhất. Mọi thứ bên trong đều được đánh số.


Người thứ hai nói: Tôi thấy phẫu thuật cho thủ thư là dễ nhất. Khi anh mổ phanh ra, tất cả nội tạng đều được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.


Người thứ ba nói: Tôi thích phẫu thuật thợ điện hơn. Tất cả nội tạng của họ đều được đánh dấu bằng các màu khác nhau.


Người thứ tư nói: Tôi thấy phẫu thuật cho mấy nhà dân chủ là dễ nhất. Họ không có tim hay gan, không có xương sống, mông và đầu của họ có thể thay thế cho nhau. Đặc biệt nhất là nếu anh có lỡ cắt nhầm cái gì thì cũng không cần phải lo lắng, chúng sẽ tự mọc lại.


(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, nhân dịp được nghe những huyền thoại về các nhà dân chủ Việt Nam)


Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa

Rỗng…



Featured Image: John Holcroft



Liệu bạn có đang sống? Phải chăng bạn nghĩ đây là một câu hỏi ngớ ngẩn và vô vị. Nhưng không bạn ạ, cái tôi muốn hỏi là sống một cách có ý nghĩa, sống trọn vẹn với cuộc đời, sống chứ không phải chỉ tồn tại. Liệu bạn có đang sống như thế, liệu xã hội loài người có đang sống như thế? Đã bao giờ bạn suy nghĩ thật nghiêm túc về những thứ “rỗng” trong thế giới tự nhiên và đời sống con người.

Vậy “rỗng” là gì? Theo từ điển tiếng Việt “rỗng” có nghĩa là không có phần lõi hoặc không chứa đựng gì. “Rỗng” cũng có nghĩa là lỗ hổng. “Rỗng” của thế giới tự nhiên chính là rỗng của vật chất, có thể hiểu là sự thiếu thốn, không đầy đủ về mặt vật chất. Đó là cái “rỗng” mà chúng ta có thể đổ đầy nó bằng một thứ vật chất khác. Nó khác với cái “rỗng” của con người là cái “rỗng” của tinh thần và tâm hồn, là cái “rỗng” về mặt nhận thức và giá trị.

“Rỗng” trong thế giới tự nhiên là tính chất “trung lập” không thể tách rời. Bởi trong cuộc sống này không có thứ gì là hoàn hảo, mười phân vẹn mười cả. Có một sự vật tồn tại ắt có những lỗ ” rỗng” bí ẩn về nó mà ta chưa thể lý giải, ắt có những khía cạnh, khiếm khuyết mà ta cho dù có đối chiếu ở mọi góc cạnh, mọi phương diện vẫn không thể tìm ra… “Rỗng” về vật chất là sự thiếu hụt của một khía cạnh trong đời sống. Nó không tách rời mà tồn tại song song với sự sống. Có sự “rỗng” mới thôi thúc con người không ngừng phát triển và đi lên với khát khao lấp đầy sự “rỗng”. Bởi đó là bản chất của tính chinh phục của con người. Vậy nên theo lý thuyết triết học mới nói rằng “rỗng” của tự nhiên là căn nguyên của mọi vật, để sinh ra năng lượng tạo lên vật chất.

Bởi “rỗng” là trạng thái khởi nguyên của mọi vật, nên câu hỏi đặt ra là: “Rỗng” có giá trị không? Mặc dù “rỗng” là căn nguyên của mọi vật, nhưng những thứ “rỗng” thường không được coi trọng. Bởi con người chỉ quen nhìn mọi vật ở bề ngoài bằng một “đôi mắt rỗng” chứ đâu xem xét từ bản chất của vấn đề, từ mọi góc độ đánh giá.

Có một sự “rỗng” cũng không được coi trọng như vậy, đó là sự rỗng trong tâm hồn con người, là biểu thị cho sự ăn mòn nhận thức và nhân tính. Như vấn đề mà ban đầu tôi đã đặt ra. Liệu bạn có đang sống? Tất nhiên mỗi người có một quan niệm riêng của mình về sự sống. Thế nhưng những ý tưởng sai lầm về nhận thức có thể khiến chúng ta mất đi sự sống thật. Vài người cho rằng cuộc sống chính là những nhu cầu vật chất chúng ta đang nắm giữ, theo đuổi. Có người cả cuộc đời chạy theo những thứ vật chất xa hoa phù phiếm, và cứ nghĩ rằng vật chất tỷ lệ thuận với chất lượng của cuộc sống.

Tôi không phủ nhận những giá trị lợi ích của vật chất nơi cuộc sống hằng ngày, nhưng bạn có hay không nhìn vào mặt trái của chúng. Ngày nay bạn cứ mải miết chạy theo những thứ xe hơi đắt tiền, nhà cửa sang trọng, y phục đẹp đẽ… Bạn cứ chăm chút cho vẻ ngoài hào nhoáng bằng những thứ vật chất xa xỉ phẩm và nghĩ rằng chúng có thể giúp bạn nâng cao giá trị bản thân và ý nghĩa cuộc sống. Nhưng không, nó chỉ biến bạn thành những con người giả dối, những con người sống vì đồng tiền, thứ bạn sở hữu trong tay không phải là giá trị bản thân mà là sự suy đồi về nhân cách.

Chạy theo vật chất, con đường tưởng chừng như tươi sáng ấy lại cũng có thể là lỗ hổng không đáy nuốt chửng đi hạnh phúc của bạn. Cứ mãi lo chạy theo nhưng thứ vật chất ngoài thân thì đến bao giờ bạn mới chịu bắt đầu sống thật? Của cải vật chất chỉ là những dụng cụ và đồ dùng trang bị cho cuộc đời. Nếu cứ mờ mắt mà chạy theo nó chẳng mấy chốc chúng ta lại biến thành nô lệ cho của cải vật chất và là đầy tớ cho những ước vọng bất tận. Trong khi đó sự sống thật sự lại trốn chạy xa và khiến chúng ta cảm thấy cuộc đời thật trống rỗng. Nhưng sự thật là những suy nghĩ, định kiến sai lầm của chính bản thân bạn, chính chúng ta đã tạo ra những sự “rỗng” về tinh thần và mặt nhận thức trong con người mình.

Về quan niệm của sự sống, một số người lại nghĩ: con người ta sống vì cái danh. Điều này đúng nhưng lại không toàn diện. Người ta vẫn nói “miệng lưỡi thế gian” vô cùng đáng sợ. Sống để giữ gìn thanh danh là điều đúng đắn, nhưng nếu ai lại quá đề cao mải mê chạy theo cái danh thì kết quả hoàn toàn ngược lại. Có những người dùng tiền để mua bằng cấp, địa vị, có những người dùng sự giả dối tốt đẹp để che đậy đi bản chất thực bên trong. Con người ta lắm khi vẫn mang trong mình cái “sĩ diện” cái “tôi” cá nhân quá lớn.

Nhiều người lên Facebook để khoe thân, khoe tài sản, số khác thì giả vờ làm người tốt. Có những người khoe khoang sự sung túc, đủ đầy của bản thân mình. Một số bộ phận trẻ hèn nhát, yếu đuối thay vì đối mặt với khó khăn thì lại giãi bày trên các trang mạng xã hội, thay vì thể hiện tình cảm trực tiếp lại viết những dòng mùi mẫn để nhận sự đồng cảm thương xót của những người quen xa lạ. Gặp một vụ tai nạn trên đường thay vì giúp đỡ người bị nạn theo sức của mình thì các bạn lại lôi điện thoại ra quay clip, chụp hình rồi mang khoe với bạn bè bằng những gương mặt giả vờ xót xa đau đớn. Có những nhà từ thiện quảng bá hoạt động ủng hộ của mình trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, khua chiêng gõ trống, chỉ sợ không ai biết mình là “người tốt”.

Con người hay mang trong mình những chiếc mặt nạ giả dối và tô vẽ cho những ánh màu hào quang chói rực, tự hào cho mình sự “hữu danh vô thực”. Một cá thể đi bằng đôi chân giả sẽ khiến cho cả một cộng đồng người cùng đi bằng đôi chân giả – một xã hội rỗng tuếch! Họ chú trọng bằng cấp, danh hiệu, thích tạo ra những thành tích vô bổ, theo đuổi những kỷ lục tầm thường… – một xã hội quá chú trọng đến vẻ trang sức bên ngoài cộng đồng trong khi cái thực bên trong – phẩm cách của công dân trong cộng đồng không hề tương xứng. Xã hội khi đó sẽ trở thành giả dối, nói như Vũ Trọng Phụng thì đó là cuộc đời “chó đểu”. Sự giả dối ấy sẽ tạo ra một lỗ hổng trong chính nhân cách của con người, bởi một người sống giả thì làm sao có thể mang một trái tim thật.

Trong cuộc sống của mỗi con người sự “rỗng” là cái đáng sợ hơn cả. Không có mục đích hoặc đi với những mục đích sai lầm, họ cứ sống sôi nổi trong đời như “manh rẻ rách trên những dòng sông”. Sự “rỗng” trong đời sống con người thật đáng sợ, bởi nó sẽ bắt chính chúng ta phải trả giá bằng hạnh phúc, bằng cả cuộc đời. Bill Gates đã từng nói rằng:


“Điều đáng sợ trong cuộc sống của một con người là sự rỗng tuếch… Đối với tôi điều quan trọng nhất ở con người là sống như thế nào? Chứ không phải là tồn tại ở trên đời.”

Sống thực đi nhé! Đừng “rỗng” nữa! nhìn thẳng vào chính mình và bắt đầu lại!



Silent Wind

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Chữ NHẪN




Trên đầu chữ NHẪN một con dao
Làm việc không NHẪN họa rước vào
Nếu ai NHẪN được qua cơn giận
Việc xong mới thấy chữ NHẪN cao




Trong chữ Hán: chữ Nhẫn được hình thành từ 
心 (tâm) + 刃(nhận) = 忍
Chữ 心 (tâm)
(Nhận) 刃 nghĩa là sự nguy hiểm, mũi nhọn, chém giết.
忍 Nhẫn có nghĩa là nhịn. Như làm việc khó khăn cũng cố làm cho được gọi là kiên nhẫn 堅忍.Nhẫn là lòng khoan dung độ lượng. 
Tại sao chữ nhận 刃 (nhận) nằm trong chữ Tâm 心 gọi là nhẫn. Tức là người tạo chữ muốn nói. Trong cuộc sống hằng ngày tâm mình thường hay tiếp xúc nhiều thứ nguy hại như tham, sân, si, ngã mạn, ganh ty…Chúng ta luôn thức tỉnh những thứ làm nguy hại đến tâm tu hành. Do vậy chúng ta nhẫn nhịn. Sau này người viết chữ thường hay viết chữ Nhẫn như sau: 
心 tâm + đao 刀 + bộ chủ丶thành chữ Nhẫn
đao 刀 nghĩa con dao, là chỉ cho sự nguy hiểm. Nó được ví như tâm sân phiền não có tính chất nguy hiểm đến tâm tu hành. Nó tìm ẩn bên trong cái Tâm.
Người tu chữ Nhẫn cần có 丶(chủ) tức là làm chủ cái nguy hiểm, làm chủ cơn sân giận. Khi viết chữ Nhẫn bộ chủ丶này nằm trên bộ đao 刀. Ý nghĩa này rất hay muốn Nhẫn thì chú ta phải làm chủ cái nguy hiểm (bộ chủ nằm trên bộ đao)
Muốn có được bộ chủ 丶này đòi hỏi chúng ta phải tu tập. Thấy được bản chất của cơn sân giận là nguy hiểm luôn tiềm ẩn bên trong tâm (căn bản phiền não). Nó làm cho tâm con người nổi sân một cách điên rồ. Nên khi gặp hoàn cảnh chướng ngại chúng ta biết “Nhẫn” một chút. Nếu không một khi tâm sân nổi lên thì tình cảm gia đình sứt mẻ, tình bạn bè xa nhau. Chúng ta luôn thấy rằng tâm sân chính là kẻ thù độc hại lớn nhất của tâm. Một khi tâm sân nổi lên đốt hết cả rừng công đức, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ có thể đốt cháy cả khu rừng, “nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai”. Vậy làm cách nào để thắng được tâm sân, và thực hành “Tâm nhẫn”. Chúng ta chỉ cần đi tìm 丶(chủ) để bỏ con đao trong tâm 
Muốn có được (bộ chủ)丶này. Chúng ta phải tu tập từ bi quán, thiền định để tâm mình hằng ngày bình thản an lạc. Khi tâm bình thì thế giới bình “tướng tự tâm sinh”. Khi chúng ta thực tập thiền định, tâm vắng lặng thì “trí tuệ” phát sinh (nhân định tức huệ). Khi có trí tuệ rồi chúng ta sẽ làm chủ được con đao刀 (phiền não). Bấy giờ trong bất kỳ nghịch cảnh chướng ngại nào chúng ta cũng làm chủ được cái nguy hại, làm chủ được cái tâm của mình. Ví dụ: tự nhiên ở đâu có người đến mắng chửi nhục mạ mình. Nếu mình không có trí tuệ không làm chủ được sự việc đó, thì tâm sân nổi lên dẫn đến đánh nhau, gây tai hại cả hai. Nếu như mình có trí tuệ làm chủ lúc đó. Mình quán xét sự việc đó, chuyện này ở đâu tự nhiên đem đến. Chắc là do kiếp trước mình đã gieo nghiệp ác thù hận với người này. Nên hôm nay người đó đến đòi nợ. Nhờ mình tu hành có phước, nên chủ nợ đến đòi nợ, mình có nợ thì trả cho họ là xong “Nhẫn” nhịn họ không sao, mọi việc sẽ tốt đẹp. Mình có nợ hôm nay trả hết nợ thì vui, tâm an lac. Nếu họ nổi sân là họ đã tạo nghiệp sai. Mình lại nổi tâm sân y như họ cả hai đều sai. Dẫn đến thù hận đời này sang đời kia biết bao giờ chấm dứt. 
Theo đạo Phật chữ “Nhẫn” là một trong sáu phương pháp tu gọi (Lục độ) của Bồ tát gồm: Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định và Trí tuệ. Chúng ta là hành giả đang trên bước đường tu tập. Đừng bao giờ cho mình đã thắng và làm chủ được tâm sân. Khi chúng ta gặp hoàn cảnh chướng duyên phiền não. Nên quán tưởng kẻ thù đó chính là người bạn thân nhất của mình, là thiện tri thức trên lộ trình tu tập của mình. Họ giúp chúng ta có điều kiện để tu “Nhẫn”.

Nói thì dễ lắm nhưng khi thực hành thật là khó. bởi vì hằng ngay chúng ta luôn ôm ấp cái bản ngã của mình, sống ích kỷ, giận hờn, ganh tỵ, đố kỵ. Lúc nào cũng xem mình là trên hết. Đây chính là nguyên nhân ngăn cản chúng ta tu chữ “nhẫn”. Những thứ đó như là đao刀 nằm trong tâm. Như từ trước đến giờ chúng ta luôn sống sai lầm thế này. Thì bây giờ chúng ta suy nghĩ sống tu tập chữ “Nhẫn”. hằng ngày cố gắng tu từ bi quán, thực hành thiền định để tâm được an định bấy giờ chúng ta sẽ có丶(trí tuệ) để bỏ con đao sân giận kia. Cuộc sống chúng ta luôn được an vui. 

Thích Trí Giải

Nhận diện đạo đức con người qua tục ngữ và thơ ca dân gian





Khánh Yên




Đạo đức của con người luôn được mọi thời từ cổ tới kim đề cập tới. Ngày nay, đây cũng luôn là một vấn đề “nóng”. Để giúp mọi người thẩm định, đánh giá một cách chính xác về đạo đức con người, người viết xin được giới thiệu một vài kinh nghiệm của ông cha ta xưa xung quanh vấn đề này.


Trong thực tế và qua thực tế cuộc sống, hẳn bạn đã từng được mắt thấy, tai nghe những câu chuyện về những con người mà dân gian thường nói là “miệng nam mô mà bụng bồ dao găm”. Nhìn vẻ ngoài của những con người này thật bóng bẩy, hào nhoáng; họ nói rất dẻo, hót rất hay, nên nhiều người cứ lầm tưởng rằng, đó chính là“vàng mười đích thực chứ không phải là thau”. Nhưng đến khi có một sự biến nào đó thì, than ôi, “cháy nhà ra mặt chuột”, đó đích thị là “rắn độc cuộn khúc tưởng ra rồng vàng”. Không đến nỗi như hạng người đã đề cập ở trên, nhưng trong cuộc sống cũng không thiếu những con người khi mới chân ướt chân ráo về làm việc ở cơ quan, đơn vị thì tỏ ra rất sốt sắng, nhiệt tình; họ thường tâng bốc bợ đợ những người “bề trên”; nhưng hẳn là “Đường dài hay sức ngựa, nước loạn biết tôi ngay”, “Gặp cơn đại loạn mới hay trung thần”. Và quả là, được một thời gian họ liền bị lộ diện chân dung ngay- họ gây bè, kéo cánh, đấu đá lung tung dối trên, lừa dưới làm cho nội bộ cơ quan đơn vị rối ren. Và chính theo các tác giả của tục ngữ Việt Nam thì trong những thời điểm hòa bình, yên vui, phẩm chất đạo đức của con người ít được bộc lộ. Chỉ trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn thì “chất đỏ” và “vết đen” của con người mới được kiểm chứng cụ thể. Không những thế, hàng loạt những công việc, hành động cụ thể khác của con người được tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam lấy làm tiêu chí kiểm định đạo đức. Nhận xét khái quát này thể hiện qua triết luận: “Xem trong bếp, biết nết đàn bà”. Câu ấy có nội dung, ý nghĩa vào loại đơn giản, dễ hiểu nhất. Tác giả của nó muốn diễn đạt: cứ trông trong bếp, nếu thấy gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ thì biết nết lao động, cũng như biết đức hạnh của bà (hoặc chị, cô) chủ là tốt; ngược lại, nhìn thấy bếp bừa bãi, lộn xộn, bẩn thỉu thì biết ngay là chủ nhân của nhà bếp đó thuộc loại người luộm thuộm, phẩm chất có vấn đề và phải được, xem xét. Bài ca dao ngụ ngôn dưới đây cũng lấy việc làm, hành động là tiêu chí kiểm định đạo đức: “Cái Cò, cái Vạc, cái Nông / Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi Cò/ Không không tôi đứng trên bờ/ Mẹ con cái Vạc đổ ngờ cho tôi / Chẳng tin thì ông đi đôi / Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia”. Mẹ con nhà Vạc là kẻ ác, dẫm lúa của người ta lại đổ lỗi đó cho Cò. Những kẻ nhẫn tâm như mẹ con nhà Vạc trong bài ca dao này bị người đời chê trách, lên án gọi là kẻ "gắp lửa bỏ tay người". Và thời nay vẫn còn đầy rấy những kẻ “gắp lửa bỏ tay người” như vậy. Đáng lên án thay. Một khía cạnh khác mà các tác giả của tục ngữ, thơ ca dân gian thường đề cập đến là đạo đức con người phải được thẩm định, đánh giá qua thực tế, từ thực tế và trong thực tế : “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, hay “Có gió rung mới biết tùng bách cứng, có ngọn lửa hừng mới biết thức vàng cao”. Vâng, dù xưa hay nay; dù là người phương Đông hay người phương Tây, đạo đức của con người chỉ bộc lộ và bộc lộ một cách rõ nét nhất qua những gì mà người đó đã hành động, đã làm việc; bởi trên đời này luôn là thế “mọi lí thuyết đều là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Chuyện xưa bên Tàu kể rằng, Trang Tử- một triết gia, nhà tư tưởng lừng danh, đã từng tự mình làm một cuộc thử nghiệm là giả chết để đo sự đoan trang, đức hạnh của người vợ. Kết quả là, ông đã xác minh được phẩm hạnh của người vợ trẻ đẹp - một kẻ miệng nói thủy chung và bao lời hay, ý đẹp về phẩm chất đạo đức, nhưng trên thực tế đã có hành động ngược lại. Thời nay, nếu ai đó bắt chước Trang Tử “giả chết”, thì sẽ nhận ngay được chân giá trị của câu tục ngữ mang đậm tính triết lí dân gian “Chết giả mới biết dạ anh em”- một triết lí mang đậm giá trị đạo đức gia đình, xã hội. Và, không hiểu tôi có phải là người hoài cổ hay không mà sao lúc nào tôi cũng có ý nghĩ rằng, các cô thiếu nữ xưa, dù là hạng người nào, cũng còn sót lại trong mình những chân giá trị đạo đức đáng quí. Không như nhiều cô gái ngày nay, cứ thấy bất cứ chàng trai nào, dù đã có vợ rồi, tán tỉnh- nhất là những người có tiền, quyền và chức, là họ sẵn sàng đổ vào “không cho nó thoát” mà chẳng biết suy luận về chân giá trị đạo đức của “nó” ra sao. Còn các cô gái xưa, họ khác thế lắm. Khi biết một chằng trai đã có vợ, do si tình và giả dối, đã đến “tán tỉnh” mình, bằng cảm nhận trực quan và sự suy luận thông minh, họ đã lên tiếng vạch mặt, chỉ tên rằng : “Vợ anh như trúc, như thông/ Như hoa mới nở, như rồng mới thêu/ Anh còn lưỡng lự trăm chiều/ Gan ai là sắt dám gieo mình vào/ Vợ chồng như ngọc, như ngà. Anh còn ruồng rẫy nữa là thân em”; “Vợ anh như bát cơm xôi/ Anh còn chẳng chuộng nữa tôi cơm hàng/ Vợ anh tay bạc tay vàng/ Anh còn chẳng chuộng nữa nàng tay không...”. Vẫn biết rằng, nhận diện đạo đức của mỗi một con người cần phải có một quá trình. Không thể vội vàng đánh giá về người mà mình vừa mới tiếp xúc, nhất là sự đánh giá về đạo đức của họ. Về vấn đề này, dân gia cũng đã từng răn dạy rằng : “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết con người có nhân”. Tuy nhiên, phải công nhận rằng, nhận diện đạo đức, đánh giá về đạo đức của mỗi một con người quả là một vấn đề rất khó, bởi phẩm chất đạo đức của con người- do bản chất của nó, vốn là cái sâu sắc, ẩn kín trong mỗi cá nhân nên trong rất nhiều trường hợp không thể kiểm định được một cách cụ thể. Thực vậy, về vấn đề này, tục ngữ Việt Nam có những triết lý: “Lòng sông lòng bể dễ dò, ai từng bẻ thước mà đo lòng người"; "Sông sâu, sào ngắn khôn dò, người khôn ít nói khó đo tấc lòng”, hoặc “Hoạ hổ hoạ bì, nan hoạ cất / Tri nhân tri diện, bất tri tâm” (nghĩa là: Vẽ được da hổ, khó vẽ được xương hổ/ Biết mặt người, không biết được lòng người). Đặc biệt, đối với những người ma mãnh, tinh ranh, quỷ quyệt, độc ác..., tục ngữ Việt Nam cho rằng, rất khó có thể kiểm tra được đạo đức của họ. Những câu tục ngữ: “Dò sông dò bể dò nguồn, biết sao được bụng lái buôn mà dò”; “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”; “Sông sâu còn thể bắc cầu, lòng người nham hiểm biết đâu mà dò” đã diễn tả sự khó khăn không dễ vượt qua đó. Và có lẽ, đây cũng là lời cảnh báo cho loài người trong đời sống hiện tại và cả trong tương lai rằng : Hãy cảnh giác ! Bởi những kẻ vô đạo đức nhưng lại biết che đậy thường không ngại làm những việc mà có thể gây cho người lương thiện không ít khó khăn, trở ngại; thậm chí, cả sự tổn thất, mất mát lớn nữa. Nhưng, tôi cũng lại tin rằng, mãi muôn đời là vậy : “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”- một triết lí chứa đựng ở nội dung câu khẩu hiệu thời hiện đại : “Ông bà, cha mẹ mẫu mực; con cháu thảo hiền”... Vâng, những cái gì từ nhân dân mà ra, do sức dân sáng tạo thì nó sẽ vô cùng chân chất, giản dị nhưng cũng thật vô cùng quí giá và sâu sắc. Hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa giáo dục, hướng con người sống lương thiện hơn, chân thành hơn và tốt đẹp hơn. Tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Namlà một loại hình như thế. Và vì vậy, nó muôn đời lấp lánh sáng, lung linh ...

Cuộc chiến bên trong và nỗi khổ của con người


*Featured Image: Vũ Thanh Hòa



Tôi nghe ngoài kia họ lên lớp, truyền tai nhau về cái tốt và cái xấu, họ bảo rằng nghèo đói cần xóa bỏ, chiến tranh cần chấm dứt, thậm chí cái tôi cá nhân cuối cùng cũng nên bị đè bẹp. Cái tư tưởng muốn thay đổi mọi thứ ấy nhan nhản khắp hẻm ngang ngõ dọc khiến một đứa con nít bây giờ cũng đầy ắp trong đầu những suy nghĩ “Thay đổi thế giới”, “Thay đổi chính mình”. Và thế là đứa trẻ đáng thương bắt đầu đi rình rập, bới móc mọi thứ, tranh đấu giữa những cái nó đang là và cái nó muốn trở thành, và rồi khi cuộc tranh đấu thất bại hay không đi được đến hồi kết thì nó đau khổ vật vã. Cuộc chiến bên trong ấy đã châm ngòi cho nỗi thống khổ của hầu hết mọi người.

Vì sao có sự tranh đấu?

Vì sao một người muốn thay đổi một cái gì đó? Vì sao xuất hiện sự phán xét? Câu trả lời là người đó đang bị chia rẽ. Nghĩa là họ quan sát mọi thứ với một thái độ tách rời: Người quan sát và vật được quan sát. Khi đã tách đôi ra như vậy thì phán xét sẽ dễ dàng nảy sinh theo chiều hướng: “Tôi là người quan sát, và tôi nhìn thấy anh không được ổn lắm, tốt hơn là anh nên thay đổi đi… Sao cơ? Anh sẽ không thay đổi á? Vậy thì tôi sẽ làm điều đó giúp anh… Chết tiệt, đồ cứng đầu ngu xuẩn này, tao sẽ giết mày, mày sẽ chẳng còn gì để mà thay đổi nữa, đồ khó thay đổi ạ!”

Sự chia rẽ ấy đẻ ra một cái tôi, và bạo lực kéo đến một cách nhanh chóng như vậy.

Ví dụ như này nhé, anh A nhìn cơ thể gầy gò của mình và cho rằng chẳng cô gái nào sẽ ưa mình nên anh đã quyết định đi tập thể hình. Sau 6 tháng miệt mài, anh chỉ lên được 1kg, anh buồn vì nỗ lực mình không được đền đáp xứng đáng, anh tiếc tiền bỏ ra, và anh lại càng thêm chán ghét cái thân hình khẳng khiu gầy ốm của mình. Tiếp tục đi tập thêm 6 tháng nữa, anh sút 1kg vì quá sức. Kết quả sau 1 năm nỗ lực: Anh chửi rủa chính mình và sinh ra căm thù bọn con gái!

Chị B được dạy rằng hãy chánh niệm, hãy quan sát mọi tư tưởng khi nó nổi lên và không phán xét chúng. Chị về nhà làm theo. Khi suy nghĩ nổi lên, chị thấy nó và tự bảo với chính mình rằng “Ồ, thầy dặn là không được phán xét” và chị không phán xét gì cả. Nhưng chị lại chẳng biết rằng chính chị đang phán xét việc chị có đang phán xét hay không. Khỉ thật! Chị đang tranh đấu với chính mình chứ không phải với những suy nghĩ kia nữa. Chị B không hề biết điều đó vì chị còn đang bận hài lòng với việc chị đã không hề phán xét một suy nghĩ nào trong suốt cả ngày. Kết quả là: Chị thất niệm vì nỗ lực chánh niệm của chính mình.

Và cả những người hay than vãn, bới móc, chửi rủa không chừa một ai, không chừa một cái gì cho đến những người đấu tranh cho hòa bình, tự do, hay cố gắng thay đổi chính mình để được hạnh phúc, họ đều đang lên cơn điên hết thảy. Tất cả đều phân mảnh tứ tung bên trong, họ quan sát thế giới với một cặp mắt đầy sự chia rẽ. Một cây đào chẳng bao giờ chán ghét cành lá của nó hay muốn thay đổi một cây cam sao cho giống nó cả. Tất cả mọi người đều biết đó là hoa đào chứ không phải bất kì loại hoa nào khác. Còn cây đào đơn giản chỉ nở hoa, nó BIẾT chính mình mà không cần bất kì ai trên thế giới này phải biết hộ và đi đặt tên cho nó là Đào! Khi một người nhìn tất cả mọi thứ như nó đang là thì sẽ không có gì cần phải thay đổi, tất cả hòa làm một, không còn ranh giới giữa người quan sát và đối tượng quan sát. Nên không có tranh đấu, không tiêu tốn quá nhiều năng lượng, không có phát điên hay đau khổ.

Người ta chẳng làm được tích sự gì khi chia rẽ và đấu tranh cả, ngoài việc khiến mọi thứ rối tung rối mù hết thảy rồi lại tất bật đi giải quyết mớ hỗn độn đấy. Như Masanobu Fukuoka, tác giả của cuốnThe One – Straw Revolution đã nói rằng:


“Nó giống như một tên khùng nhảy lên mái nhà và làm vỡ vài viên ngói trên mái nhà của anh ta. Sau đó khi trời mưa thì nước bắt đầu thấm và chảy xuống trần nhà, anh ta bắc thang lên và tìm mọi cách để sửa chữa cái trần nhà, và sau đó hớn hở khi tìm được một giải pháp nào đó.”

Vậy làm thế nào để không tranh đấu nữa?

Nếu bạn hỏi rằng làm thế nào để mọi sự tuôn chảy tự nhiên, không còn tranh đấu bên trong nữa, nhìn mọi thứ như nó đang là? Câu trả lời là: CHẲNG LÀM THẾ NÀO CẢ. Vì khi còn hỏi “làm thế nào”“ tức là bạn vẫn đang tách mình khỏi mọi thứ, vẫn còn phân tích, phán xét đúng-sai, ngọn lửa muốn thay đổi vẫn đang bập bùng trong con người bạn. Đến một ngày bạn sẽ bị nó thiêu rụi trong khi vẫn đang mải miết tìm kiếm một cách để tuôn chảy!

“Không làm thế nào cả” không có nghĩa là không làm gì cả, ngồi một chỗ và bảo với tất cả những ai thắc mắc về việc bạn đang chảy thây ra, rằng: “Mọi thứ cứ để tự nó làm việc, ta không cần làm gì hết sất.” Vậy mình cũng xin thưa rằng, một hồ nước không lưu thông là hồ nước chết. “Không làm gì cả” bản chất là không làm những gì chia rẽ, hay tranh đấu, hay chống lại việc “đang là” của mọi việc, mọi người. Bạn vẫn sẽ làm mọi thứ, vẫn ăn uống, ngủ nghỉ, lao động, giao tiếp, suy nghĩ, nhưng với một cái nhìn của sự hòa hợp, tất cả là một.

Người ta cảm thấy việc “không làm gì cả” này quá khó khăn hay ngu xuẩn, vì họ đã xây dựng thói quen “làm” mọi thứ ấy qua bao nhiêu năm tháng cuộc đời rồi, chuyện buông bỏ không phải chỉ diễn ra trong một sớm một chiều được. Họ đã quen bới mọi thứ lên, bóp méo tất cả, chia nhóm nhỏ cho từng loại, sắp xếp phải-trái, xấu-đẹp đâu ra đấy và gọi nó là TRẬT TỰ. Cái trật tự ấy mang đến cho họ sự an toàn và họ tiếp tục xây dựng vương quốc ấy ngày càng lớn mạnh. Khi có một kẻ lang thang vật vờ ở đâu đó tới và bảo rằng hãy đi ra khỏi vương quốc và hòa nhập với tự nhiên, thì phần lớn họ bên trong lòng sẽ thầm nhổ thẳng vào kẻ ất ơ kia, còn ngoài mặt sẽ bảo rằng: “Anh có thể tới sống ở vương quốc này, tôi sẽ sắp xếp cho anh một chốn thích hợp,” và nói nhỏ hơn để kẻ kia không nghe thấy: “Tốt hơn là mày nên bị cai trị!”

Bạn hãy thử nhìn một con mèo xem, chỉ nhìn thôi, bằng toàn bộ trái tim bạn, một cách chăm chú nhất, sao cho đến khi bạn cảm thấy không còn ranh giới giữa mình và con mèo đó nữa. Bạn không thấy mình ở đây và con mèo ở đó nữa, mà bạn thấy mình ở trong con mèo và nó lại ở trong bạn. Đó chính là khoảnh khắc bạn không bị chia rẽ, không có mầm mống chiến tranh, không đau khổ. Bạn thấy một sự bình an và im lặng tuyệt đối. Nhưng nếu lúc đó con mèo bỗng nhảy dựng lên và cào vào mặt bạn thì bạn muốn quan sát sự việc này như thế nào thì tùy!

Bản chất của “bất bạo động” không phải là không sử dụng bạo lực, không manh động, mà là để mọi sự tuôn chảy tự nhiên. Bạn không thể chấm dứt chiến tranh bằng cách tạo ra chiến tranh, bạn chỉ có thể chấm dứt nó bằng cách để hòa bình phát triển. Bạn không thể xóa bỏ một nỗi đau đớn bằng cách át chế hay phủ nhận, nó chỉ ra đi khi bạn chấp nhận và yêu thương.

Bạn bảo rằng khi có chiến tranh thì lấy đâu ra hòa bình mà phát triển, hay khi đang đau đớn thì sao mà chấp nhận và yêu thương được. Bạn đã nhầm to! Khi có đen thì hẳn sẽ có trắng, những ngôi sao sẽ chẳng sáng nổi nếu như không có bầu trời đêm. Luôn có một nơi cho hòa bình, cho tha thứ và thương yêu nếu trên thế giới vẫn còn chiến tranh, thù hằn và sợ hãi. Khi bước chân vào vùng đất hòa bình đó thì bạn sẽ không cần phải đấu tranh cho hòa bình nữa. Chiến tranh sẽ tự chấm dứt và khổ đau cũng tự tiêu tan. Giống như bạn không thể xóa bỏ được tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích tăng trưởng cho rau củ một cách tràn lan hiện nay. Việc bạn có thể làm là tự đi trồng rau sạch hoặc tìm mua rau sạch về mà ăn. Không có than vãn, không có chửi rủa, không có phiền não! Tất cả chỉ có rau sạch. Chấm hết.

Khi quả cầu ánh sáng đủ lớn, nó sẽ nuốt chửng quả cầu bóng tối mà không cần làm gì khác ngoài việc là chính nó.

Tóm lại, nơi nào sự sống được tuôn chảy, nơi đó có hạnh phúc, tự do và trật tự. Còn nơi nào có sự chia rẽ, nơi đó có phán xét, áp đặt, bạo lực và đau khổ. Hãy ngừng tranh đấu ở bên trong và để mọi thứ tự nó vận hành, như gió thổi và nắng chiếu. Còn không thì cứ tiếp tục bới tung mọi thứ lên như bạn đã và đang làm, chúng ta đều có tự do ý chí cả.



Vũ Thanh Hòa

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Lưu trú đêm




Anh gọi bóng tối
vẽ gương mặt mình bằng những tiếng ve đêm
để phác họa cho những dị ảnh mơ hồ

hôm qua tháng chạp rơi nghiêng
nỗi buồn anh chới với
tiếng kèn saxophone phát ra từ lồng ngực
réo rắt một khúc ca cuối mùa
rệ rạc

anh bần thần chôn tiếng thời gian vừa thở
như con ốc chôn mình giữa biển khơi
mùa thương cuối cùng
những giọt mưa cũng đắng mình trên lá

đêm hắt hơi đầy tinh tú
lẩm bẩm vài câu nói vô thường
nỗi cô đơn thơm như hoa lài vừa nở muộn

đắm mình bên những dấu đêm mù tịnh
như đắm cơn ngái ngủ
đôi mắt có thể mở toang một giấc chiêm bao trắng
hồn nhiên tìm về những đêm đêm
lưu trú



Kai Hoàn
g

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Nghe điềm nhiên con mắt







Cơn bão cuộc đời

Nghe tàn phai con mắt

Về cùng tiếng thở dài của mẹ

Chiếc khay trầu ủ thắm lá nhân gian

Nén nhang

Trừ tịch mẹ nỗi buồn

Hương khói cha thanh thản hành trình rơm rạ

Những luống cày cuối ngày hối hả tăm tắp về đâu

Những cơn bão hoành hành nối tiếp nhau xéo nát phận người

Năm ngón ửng hồng trũng sâu con mắt

Cỏ dịu dàng ấp ủ mặt đất hoang tàn màu xanh chân thật

Cát bụi đáy mồ bỗng nhớ tinh khôi

Về cùng mẹ bên thềm nhặt hạt mồ côi cha tiếng chuông gieo lơ lửng bên đồi

Lối cũ bâng khuâng bước tha hương trở về cội rễ

Cơn gió chuyển mùa rón rén len qua khe cửa

Chuỗi bồ-đề an lạc hóa duyên

Cơn bão bụi hồng

Nghe điềm nhiên con mắt

Giao hòa che ngang khuôn mặt

Ẩn mật môi cười.

Trần Quang Phong