Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Cái đẹp cứu thế giới


Nguyễn Đình Đăng tổng hợp
từ Tim Butcher, “The man who saved The Resurrection”,
BBC News Magazine 24/12/2011
và bộ phim truyền hình của BBC (2006)
The Resurrection – Piero della Francesca”.





Bà Henrietta Dax (áo màu mận chín) trong hiệu sách Clarke tại Cape Town.



Trong một lần tới hiệu sách nổi tiếng Clarke tại Cape Town (Nam Phi) để tìm kiếm tài liệu về Graham Greene (tác giả tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng”) và mối liên hệ giữa nhà văn với Antony Clarke – người sáng lập ra hiệu sách này vào năm 1956, ký giả Tim Butcher của BBC News Magazine đã được bà Henrietta Dax – người chủ hiện nay của hiệu sách – trao cho một cặp da cũ đựng các giấy tờ lưu trữ của Clarke từ Đệ Nhị Thế Chiến.



*



Antony Clarke

trong Đệ Nhị Thế Chiến
Vào năm 1942 Tony Clarke là một trung úy trẻ thuộc đội quân kỵ mã pháo binh hoàng gia Anh đóng tại Trung Đông. Khi quân Đồng Minh bắt đầu chiến dịch đánh bật quân Đức tại châu Âu, đơn vị của Clarke được điều tới Ý. Clarke không trực tiếp tham dự các trận đánh quân Đức, nhưng anh mô tả trong nhật ký là đã bị sốc như thế nào khi hành quân qua các thành phố cổ bị bom tàn phá tan hoang. Năm 1944, trong lúc quân Đồng Minh tiếp tục tiến công, đơn vị Clarke chỉ huy được lệnh chiếm lĩnh vị trí tại một nơi gần Sansepolcro. Khác với phần lớn các thị trấn cổ tại vùng Tuscan thường nằm trên đỉnh đồi, Sansepolcro nằm dưới một thung lũng. Hồi đó pháo binh của Đồng Minh thường oanh kích các thị trấn để dọn đường cho bộ binh tiến vào. Đó chính là nhiệm vụ mà Clarke và đồng đội phải thi hành đối với Sansepolcro. Họ đào công sự, kéo pháo vào vị trí, nạp đạn, lên nòng.


Chính vào lúc đó một tiếng chuông yếu ớt chợt rung lên trong tâm trí Clarke. Hồi chuông vọng về từ những năm tháng xa xăm trước cuộc chiến tranh rồ dại này.



Clarke – chàng trai đồng tính và mê nghệ thuật người Anh – nhớ lại một tiểu luận của Aldous Huxley mà anh từng đọc, trong đó tác giả viết rằng mình đã khám phá ra bức tranh mà ông coi là tuyệt nhất thế giới. Đó là bức bích họa “Phục sinh” – kiệt tác của bậc thầy thời Phục Hưng Piero della Francesca. Huxley viết: “Chúng ta không cần phải có trí tuởng tuợng mới hình dung được vẻ đẹp của bức hoạ. Bức hoạ vĩ đại nhất thế giới đó ở ngay trước mặt chúng ta hoàn toàn và thực sự lộng lẫy.”





Piero della Francesca (1415 – 1492)

Phục sinh (khoảng 1463 – 1465)
bích hoạ, 225 x 200 cm, Museo Civico, Sansepolcro, Ý


Clarke có thể đã không nhớ hết các chi tiết trong tiểu luận của Huxley, nhưng khi pháo của đơn vị anh chuẩn bị nhả đạn thì anh chợt nhớ ra một chi tiết quan trọng.



Bức bích hoạ “Phục Sinh” nằm trong thị trấn Sansepolcro.



Clarke hạ lệnh ngừng khai hoả.



Khi cấp trên gọi bộ đàm tới chất vấn sao không oanh kích thị trấn, Clarke đã phải dùng ống nhòm quan sát thị trấn để trấn an cấp trên rằng anh không nhìn thấy bóng dáng một mục tiêu nào của quân Đức trong phố cả. Quyết định của Clarke thật can đảm bởi nếu quân Đồng Minh đụng phải sự kháng cự của quân Đức khi tiến vào thị trấn thì Clarke chắc chắn sẽ bị xử nặng tại toà án binh. Nhưng vì tình yêu nghệ thuật, Clarke đã không cho nã pháo vài thị trấn. Quân Đức đã rút chạy và Sansepolcro đã được giải phóng một ngày sau, mà kiệt tác 500 tuổi không hề bị hư hại.

*
Thị trấn Sansepolcro được thành lập vào thế kỷ 10 bởi hai giáo sĩ tên là Arcanus and Aegidius hành hương từ Jerusalem trở về mang theo thánh tích là một hòn đá từ nhà thờ Holy Sepulchre (tiếng Ý là Sansepolcro) tức “Phục sinh thiêng liêng” – được coi là nơi Chúa Jesus đã phục sinh 3 ngày sau khi Người bị hành hình đóng đinh trên Đồi Sọ. Sansepolcro là thành phố quê hương của Piero della Francesca. Gần 600 năm trước Piero della Francesca đã vẽ bức bích hoạ “Phục Sinh” trên tường toà thị chính Sansepolcro, nay trở thành bảo tàng thành phố. Trong bức hoạ, Chúa Jesus bước ra từ hầm mộ, tay cầm lá cờ chiến thắng, mắt nhìn thẳng vào người xem. Trước mộ, dưới chân Người, bốn người lính canh ngủ gục. Bức bích họa đã trở thành biểu tượng và ý nghĩa của toàn cộng đồng Sansepolcro.


Piero della Francesca không bắt đầu từ số không khi vẽ bức bích hoạ này. Ông đã mượn ý tưởng và bố cục từ bức tranh thờ do Nicolo di Segna vẽ khoảng một thế kỷ trước ông tại giáo đường Sansepolcro, và đặc biệt là từ bức bích hoạ do Andrea Castagno vẽ trước ông khoảng 2 thập niên tại Florence. Vẽ theo các bậc thầy tiền bối và vượt họ là truyền thống của hội hoạ thời đó và Piero cũng không phải là một ngoại lệ.





Nicolo di Segna

Phục sinh (khoảng 1348)
tempera trên gỗ, Giáo đường Sansepolcro


Andrea Castagno (1423 – 1457)

Phục sinh (1447)
trích đoạn bích hoạ tại Sant’Apollonia, Florence


Ngoài tài tả thực như vẽ các nếp vải và các giọt máu chảy ra từ vết thương trên cơ thể Đức Chúa mà sau 5 thế kỷ vẫn như còn đỏ rực long lanh, Piero đã vận dụng kiến thức và các ảnh hưởng ông lĩnh hội được từ tác phẩm của các bậc thầy như Masaccio và Andrea Castagno mà trong thời trai trẻ Piero đã từng thấy khi sống tại Florence. Ông hiểu rằng toán học và luật viễn cận tuyến tính cho phép tạo nên một ảo giác như thực về khối và độ sâu trong không gian 3 chiều. Nhưng ông đã tiến xa hơn Masaccio và Andrea Castagno. Trong bức bích hoạ “Phục sinh” Piero đã dùng luật viễn cận tuyến tính theo hai cách hoàn toàn khác.





Masaccio (1401 – 1428)

Thánh ba ngôi (khoảng 1427)
Giáo đường Santa Maria Novella, Florence


Hiểu rằng bức bích hoạ ở trên tường cao, Piero đã dựng bố cục từ điểm nhìn từ dưới lên. Không chỉ là một danh hoạ, Piero còn là một nhà khoa học đã viết 3 cuốn sách về số học, đại số và hình học, trong đó cuốn “
De Prospectiva Pingendi” chuyên về lý thuyết toán học của luật viễn cận trong hội hoạ. Trong cuốn sách này Piero chẳng những đã xây dựng luật phối cảnh trong không gian kiến trúc, mà còn chỉ rõ các chi tiết trong phối cảnh liên quan tới vẽ cơ thể người, bao gồm cả một hệ thống cho phép dựng hình chiếu của đầu người lên mặt phẳng của bức tranh. Trong “Phục sinh” hình đầu người lính gác mặc áo giáp màu nâu (thứ hai từ trái) ngủ ngả về phía sau (chân dung tự họa của Piero) là một minh chứng rõ ràng cho lý thuyết của ông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hội hoạ phương Tây đầu người được vẽ ở vị trí rút ngắn cực kỳ chính xác như vậy. Đầu người lính đó ngả vào cán cờ của Chúa như một tượng trưng cho sự tiếp cận của con người với Thánh Tính. Ngoài ra, để giữ hài hoà trong bố cục, Piero đã không vẽ chân người lính gác cầm dáo (thứ ba từ trái)!




Trích đoạn những lính gác ngủ từ bức “Phục sinh” của Piero della Francesca



Ngược lại, Piero lại dựng hình Chúa Jesus không phải được nhìn từ dưới lên, mà theo viễn cận nhìn ngang như thể đó là thế giới riêng của Chúa, trung tâm của vũ trụ. Như vậy Piero della Francesca đã dùng phương pháp khoa học để phân biệt thế giới tinh thần và thế giới vật chất trong cùng một bức tranh. Tuy được vẽ với cùng bố cục, song bàn chân trái của Chúa Jesus trong bức tranh thờ của Nicolo di Segna thật vô nghĩa khi đem đặt cạnh bàn chân Chuá Jesus trong bức bích hoạ của Piero della Francesca. Bàn chân này cho thấy sự kết nối giữa thế giới tinh thần và thế giới vật chất, cũng như sự quyết tâm mãnh liệt của Đức Chúa khi bước ra khỏi mồ.





Chân dung Chúa Jesus trong “Phục sinh” của Piero della Francesca



Song hiệu ứng mạnh nhất trong bức hoạ này là khuôn mặt của Chúa Jesus. Đây là khuôn mặt của con người. Khuôn mặt này không đẹp như các khuôn mặt thường thấy của Chúa, mà lại gồ ghề, râu ria, với đôi mắt nhìn thẳng vào người xem vừa như than khóc tha thứ vừa như nghiêm khắc kết án. Khi vẽ đôi mắt này, có thể Piero đã nhớ tới đôi mắt Chúa trên bức tượng gỗ “Volto Santo” thế kỷ 9 cũng tại Sansepolcro, được cho là một trong những hình ảnh cổ nhất về Đức Chúa trên thánh giá ở châu Âu. Tuy nhiên trong bức bích hoạ Piero đã dùng các thủ thuật hội hoạ thuần túy để tạo một hàng lông mày hiện ra dưới lớp màu trong, vẽ bóng của hốc mắt, khiến người xem khó thoát khỏi ánh mắt trừng trừng của Chúa.





Khuôn mặt Chúa Jesus trên bức tượng Volto Santo (Mặt thánh)

tại đồng giáo đường Sansepolcro


Phong cảnh sau lưng Chúa cũng là một tầng ý nghĩa nữa. Piero vẽ phong cảnh địa phương: Chúa không Phục sinh tại nơi nào xa xôi mà ngay tại quê hương của những người vùng Tuscan. Bên phải Chúa là cảnh mùa đông, cây côi trụi lá khẳng khiu, còn bên trái Chúa là cảnh muà hè. Sự chuyển mùa trong phong cảnh của bức tranh như biểu thị sự hồi sinh, sự trở về của Chúa từ cõi chết, sự tỉnh ngộ của con người sau Phục Sinh.



Bốn người lính gác làm nhiệm vụ canh mộ Chúa lăn ra ngủ. Chúng ta cũng như họ, tuy ở ngay cạnh Chúa, nhưng như những kẻ mê ngủ, không bao giờ ngộ ra Người. Mặt khác, phải chăng Phục Sinh là hiện tượng ta chỉ ngộ ra trong trạng thái mơ mộng?



Piero della Francesca đã sống tới gần 80 tuổi. Về cuối đời ông bị lòa. Nhiều năm sau, một người tên là Marco di Longaro có kể lại trong thời niên thiếu từng được làm thằng nhỏ dắt tay dẫn Piero della Francesca đi ngoài phố. Cuốn sổ đăng ký người chết tại Sansepolcro có ghi ngày 12/10/1492 là ngày mai táng “Maestro Pier dei Franceschi – danh hoạ”. Người ta không tìm thấy mộ ông. Căn cứ vào di chúc của Piero della Francesca yêu cầu được chôn tại tu viện Badia tại Sansepolcro, người ta đã khai quật sàn tu viện và tìm thấy bên dưới nhiều xương người. Có thể trong số đó có lẫn hài cốt của người đã vẽ nên bức hoạ “vĩ đại nhất thế giới”.





Tượng đài kỷ niệm Piero della Francesca

tại Sansepolcro


Sau khi qua đời, Piero della Francesca và hội họa của ông nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Các phong cách mới đã khiến lối vẽ với bố cục tĩnh của Piero trở nên lỗi thời, không quyến rũ người xem bởi các hiệu quả mạnh như trong tranh của Leonardo da Vinci, Michelangelo, hay Raphael sau này. Thậm chí tới thế kỷ 18 bức bích hoạ “Phục sinh” đã bị cho là vô giá trị, và người ta đã phủ nó bằng một lượt vữa và sơn trắng. Thời gian trôi quá các lớp sơn và vữa rụng dần. Bức “Phục Sinh” dần dần hiện về từ cõi chết. Nhưng phải đợi tới thế kỷ 19 bức “Phục sinh” mới được nhà khảo cổ và chính trị gia Anh Henry Lear phát hiện lại vào năm 1855. Ông đã sao lại bức bích hoạ bằng bút chì và khẳng định đó là bức bích hoạ quan trọng nhất của thế kỷ 15.

*
Hành động của Tony Clarke là một trường hợp hiếm có khi nghệ thuật đã cứu sống con người và ngược lại. Thậm chí đó chưa phải là sức mạnh của nghệ thuật mà là văn hóa và hiểu biết đã ngăn chặn con người làm những hành động tàn bạo, bởi khi hạ lệnh ngừng bắn, Tony Clarke còn chưa hề nhìn thấy bức bích hoạ mà chỉ đọc về nó trong tiểu luận của Huxley. Dường như “Phục sinh” đã thăng hoa vượt lên trên mọi dã man của chiến tranh. Có gì đó thần thánh đã ngăn Clarke và đơn vị pháo của ông tàn phá Sansepolcro trong đó có kiệt tác của Piero della Francesca, bởi nếu điều đó xảy ra Tony Clarke sẽ tự dằn vặt và đau khổ trong suốt quãng đời còn lại của mình.




Nội thất Museo Civico (Sansepolcro) với bức bích họa

“Phục sinh” của Piero della Francesca


Việc đầu tiên Tony Clarke làm sau khi tiến vào Sansepolcro là rủ một đồng đội tới Toà thị chính. Tại đây họ đứng im lặng chiêm ngưỡng “bức hoạ vĩ đại nhất thế giới” đã được cứu thoát nhờ quyết định không nổ súng của Tony Clarke.



Năm 1960 Atony Clarke trở lại Sansepolcro một lần nữa và được đón tiếp như một người anh hùng. Trong diễn từ tại buổi lễ vinh danh ông, thị trưởng Sansepolcro nói: “Thật sung sướng khi hồi tưởng một sự cố trong chiến tranh mà lại được đánh dấu bởi sự ấm áp của tình người, đậm tính nhân văn và nỗi lo lắng cho nền văn minh nhân loại. Ở đây chúng ta thấy sức mạnh của bạo tàn đã bị khuất phục trước ký ức về văn hoá và nghệ thuật.”





Antony Clarke (người thứ hai từ trái) trong buổi lễ vinh danh ông tại Sansepolcro



Antony Clarke qua đời năm 1981, nhưng câu chuyện về người sĩ quan Anh cứu sống bức hoạ vĩ đại nhất thế giới đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử kiệt tác “Phục sinh” của Piero della Francesca. Đối với mỗi người dân Sansepolcro bức “Phục sinh” đã trở thành danh tính của họ. Bởi vậy họ yêu quý Antony Clarke, người đã cứu danh tính đó khỏi bị phá hủy. Tên của Antony Clarke được đặt cho một phố tại Sansepolcro, “via A. Clarke”.

Tất cả là một, một trong tất cả


Không hiểu từ bao giờ tôi luôn nghĩ về một thế giới mà các giác quan của loài người không thể cảm nhận được. Một thế giới ý niệm tồn tại vĩnh hằng bất di bất dịch, ngoài sự cảm nhận và hiểu biết của con người. Cái thế giới nhất thời mà mỗi chúng ta đang cảm nhận được bằng các giác quan của mình thực ra chỉ là một mớ hỗn độn, phù du, chỉ là sự phản ảnh mờ nhạt, méo mó của một thế giới đích thực. Tự nhiên vẫn luôn luôn có những bí ẩn được giấu kín mà tri thức thường nghiệm của con người không sao vươn tới được. Khoa học là con đường dài hun hút và con người khó có thể đi hết con đường đó một cách trọn vẹn bởi chính những lực cản xuất hiện từ bản thân họ. Vì luôn luôn có sự tác động giữa thế giới bên trong con người và thế giới bên ngoài, nên thực trạng không khỏi bị cái thế giới bên trong của các nhà khoa học, hay chính mỗi chúng ta, làm cho biến dạng. Cuối cùng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cái thế giới mà ta muốn thấy.
Thực tại phụ thuộc và gắn kết vào hành trang khái niệm của nhà khoa học. Điều này có thể thấy được qua định lý về tính không đầy đủ của nhà toán học Kurt Godel hay còn gọi là định lý bất toàn dẫn đến một hệ quả là lý trí có những giới hạn và nó không thể đạt tới chân lý tuyệt đối được. Ông giải thích: Người ta không chứng minh được một hệ thống là nhất quán và phi mâu thuẩn nếu chỉ dựa trên các tiên đề chứa trong hệ thống này. Để làm được điều này, cần phải ra ngoài hệ thống và áp đặt một hoặc nhiều tiên đề phụ ở bên ngoài hệ thống đó. Nói cách khác chân lý toàn bộ không được khoanh lại trong một hệ thống hữu hạn, toàn bộ hệ thống hữu hạn này là không đầy đủ.
Trên quan điểm Phật học mà nhìn nhận thì cả chủ thể nhận thức lẫn đối tượng nhận thức chỉ là một hệ thống, không thể hai. Đức Phật sau khi giác ngộ, đã tuyên bố rằng tất cả các pháp đều vô thường, vô ngã (nonself, anatta) và không có thực thể (egoless); hàm ý cho rằng tất cả hiện hữu đều do các nhân duyên tạo nên và tương duyên với nhau có tính chất vô thường, biến hoại và rổng không. Vạn pháp không có tự tính, biến dịch không ngừng, đủ duyên thì sinh khởi, hết duyên thì đoạn diệt. Tính chất chuyển hóa vô thường của vạn pháp là tự thân của luân hồi . Chừng nào mà thực chứng bằng con đường nội quán thì lúc đó ta mới nhổ gốc rễ của khổ đau, của vô minh vi tế nhất ra khỏi tâm trí để được giải thoát.
Tư tưởng của Kinh Hoa Nghiêm mô tả vạn pháp do tâm sinh ra. Tâm là thực thể của vạn pháp, tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc trùng trùng duyên khởi: cái này có thì cái kia có. Tâm bao trùm khắp pháp giới, thể tính của tâm thu nhiếp tất cả. Tất cả là một, một trong tất cả.

Hữu Nguyên

Câu chuyện của niềm tin


Giáp Văn Dương 
1. Tôi đến từ nông thôn, gần như từ luống cày chui ra. Thế rồi, như bao bạn trẻ khác, tôi rời quê khi học hết phổ thông. Rồi cũng như bao người khác, tôi ra nước ngoài học tiếp khi xong đại học.
Gần mười hai năm học tập và làm việc ở nước ngoài đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Một trong những thứ đó là niềm tin giữa con người với con người.

Trước khi ra nước ngoài, những hình dung của tôi về thế giới bên ngoài, về xã hội phương Tây chỉ gói gọn trong mấy chữ: ăn chơi, đồi trụy, tội ác, lừa đảo, thù địch, bóc lột, giãy chết. Tất cả đều là những tính từ và những danh từ, đại từ chung. Rất ít bóng dáng những con người cụ thể, sự việc cụ thể.

Những ý niệm này đã len lỏi vào đầu tôi qua báo chí, phim ảnh, giảng đường, đài truyền thanh... Ngay cả những bàn tán của người lớn quanh bàn trà quê mỗi tối đôi khi cũng có những tác dụng tương tự.

Nhưng tịnh không có một lời nào về niềm tin giữa những con người trong xã hội này. Dường như đó là xã hội của loài lang sói. Chỉ đất nước tôi đang sống đây mới là xã hội của loài người. Tôi tin như vậy, và bao người khác cũng tin như vậy.

Tin, nhưng trước mắt tôi lúc nào cũng như có một một màn sương mù bao phủ làm tôi không nhìn rõ được điều gì. Tất cả chỉ là suy đoán và cảnh giác. Một sự cảnh giác thường trực, được rèn rũa.

Hình dung về xã hội bên ngoài trong đầu tôi là rõ ràng và chắc nịch. Những nhận định được giảng đi giảng lại như một niềm tin yêu vĩnh cửu lẽ nào lại có thể sai. Nhưng vì sao lại có màn sương che phủ?

Những cái tên nước ngoài mỗi ngày thêm phổ quen thuộc. Bên cạnh tên của các nhà khoa học mà tôi gặp hang ngày trên trang sách, thì tên của cả các ca sĩ và các cầu thủ bóng đá cũng dần trở thành những cái tên cửa miệng: tong trang sách, trên mặt báo, trên màn hình ti vi, trong quán nước, ngoài đường phố.

Tôi nhận ra có một sự mâu thuẫn đang quẩn quanh đâu đó chỗ này. Thế giới bên ngoài vừa hấp dẫn vừa đáng sợ. Xã hội bên ngoài vừa cụ thể rõ ràng, vừa mập mờ trừu tượng. Những cái tên nước ngoài vừa xa lạ vừa gần gũi.

Màn sương vẫn còn đó, dù đã mỏng đi đôi chút. Nhưng các ý niệm trong đầu tôi vẫn vững chắc. Tôi tụ nhủ: Chân lý có bao giờ sai.

Nhưng vì sao chân lý lại ẩn nấp sau một màn sương mờ?

Tôi chìm trong sự hoài nghi dày đặc. Tôi hoang mang nhận ra các mâu thuẫn. Và các diễn giải, không phải lúc nào cũng đưa ta đến gần sự thật.

Sự tò mò của tuổi trẻ đã kéo tôi ra khỏi màn sương đó. Tôi muốn thấy bên ngoài họ sống và làm việc như thế nào. Tôi muốn nhìn thấy nó rõ ràng. Mà như vậy, tôi chỉ còn một cách là phải đến tận nơi, sờ tận tay, nhìn tận mặt...

2. Tôi ra đi với tâm trạng đầy tò mò và cảnh giác. Để rồi cũng đầy vật vã khi nhận ra chân lý chỉ là định kiến được tưới mãi vào đầu. Rồi cũng đầy an ủi khi thấy rằng đã là con người thì ở đâu cũng có tin yêu, dù vẫn còn đó sự bất toàn, tốt xấu song hành.

Tôi lang thang từ hệ thống này sang hệ thống khác. Vấn đề là ở những định kiến mang tính hệ thống, chứ không phải ở con người.

Tôi dành hai năm để kết tinh lại nhận thức của mình. Tôi thay đổi, vì trải nghiệm, không phải vì những lời thuyết giảng.

Rồi tôi đi xa hơn nữa. Càng đi xa, tôi càng xót xa vì sự lệch lạc, thậm chí kỳ quái, trong những nhận thức trước đây của bản thân mình.

3. Tôi có bạn bè mới, thầy cô mới, đồng nghiệp mới. Trong công việc không có định kiến, không có phân biệt. Tất cả diễn ra trong một sự trung thực và cởi mở hồn nhiên. Hồn nhiên đến mức ngạc nhiên.

Tôi chìm đắm trong bầu không khí dân chủ, bình đẳng và tinh thần tự do học thuật. Tôi thấy mình được tôn trọng, và ý thức được mình có quyền được người khác tôn trọng.

Tôi phải làm đủ thứ giấy tờ nhưng không bao giờ thấy những con dấu đỏ. Chỉ cần một chữ ký cá nhân là đủ, một cuộc điện thoại, một lá email là xong. Không ai hạch sách, không ai đòi kiểm tra, không ai đòi công chứng bản gốc.

Tôi lên tàu điện: không có người soát vé. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi. Thỉnh thoảng họ có đi kiểm tra định kỳ thì cũng rất lịch sự, không gây cho mình cảm giác khó chịu.

Tôi ra siêu thị: không ai bắt tôi phải gửi đồ trước khi vào mua hàng. Không ai kiểm tra chúng tôi khi ra. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi.

Tôi và một người bạn đi mua bảm hiểm xe. Điều khoản cho thấy biết, nếu mất xe thì sẽ được đền xe mới. Bạn tôi hỏi: nếu chúng tôi bán xe rồi báo mất thì sao? Nhân viên bảo hiểm ngạc nhiên mất một lúc lâu mới nghĩ ra được câu trả lời: tôi tin các anh không làm thế.

Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự tin tưởng mang tính hệ thống. Một sự tin tưởng cá nhân mạnh mẽ lan tỏa trong toàn xã hội. Chữ Tín được xác lập mà không cần sự có mặt của các loại công chứng bản gốc, chứng thực, xác nhận...

Tôi vỡ ra: À, ra thế. Họ giàu mạnh vì họ tin ở con người.

4. Mười hai năm sau tôi trở về. Nhiều cái như xưa. Nhiều cái hơn xưa. Nhưng cũng nhiều cái tệ hơn xưa.

Tôi làm thủ tục nhận đồ mình gửi cho mình. Tên tôi đây. Địa chỉ tôi đây. Hộ chiếu của tôi đây. Vậy sao mà rắc rối đến vậy? Sao phải xác nhận? Sao phải chứng minh? Sao phải công chứng bản gốc?

Tôi có làm gì đâu, chỉ là nhận đồ mình gửi cho mình thôi mà sao phức tạp như vậy. Lẽ ra tôi chỉ chờ ở nhà, đúng hẹn công ty vận chuyển sẽ mang đồ đến. Tôi chỉ cần ký xác nhận là xong.

Tôi được giải thích ở Việt Nam mọi thứ cần phải đúng quy trình chứ không đơn giản như vậy.

Tôi ngẫm ra: càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin. Mà càng ít niềm tin thì càng nghèo khó.

Tôi bật cười: nghèo khó đúng quy trình.

5. Tôi đưa gia đình đi siêu thị Big C Long Biên. Niềm vui khi thấy một siêu thị bề thế, nhộn nhịp vừa mới nhen lên thì gặp ngay một chuyện ngỡ ngàng: Tất cả những ai muốn vào siêu thị đều phải gửi đồ bên ngoài. Con gái tôi có một túi khoác nhỏ để đựng mấy thứ lặt vặt cũng phải niêm phong rồi mới được mang theo.

Vì sao vậy? Chúng tôi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời: Đây là quy định.

Quy định gì? Quy định không được tin nhau.

Câu chuyện có lẽ sẽ chỉ là một phiền toái buồn, nếu không có chuyện sau khi thanh toán, tất cả khách hàng lại bị kiểm tra một lần nữa, và hóa đơn phải được đóng dấu đỏ “đã thanh toán” thì mới được nhân viên an ninh cho ra ngoài.

Chúng tôi tự hỏi: chuyện quái quỉ gì đang xảy ra vậy? Quầy thanh toán có hai nhân viên kiểm tra và tính tiền. Từ quầy thanh toán ra đến cửa ra này chỉ chừng 2 mét, lại không có hàng hóa gì bày bán trên đoạn đường 2 mét đó. Vậy cớ sao phải kiểm tra lại? Cớ sao phải đóng dấu vào hóa đơn thì mới được ra?

Vợ tôi phản ứng dữ dội: Nếu kiểm tra mà không tìm thấy sai sót nào thì các anh có xin lỗi chúng tôi không? Nhưng chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời lạnh lùng: Đây là quy định.

Tôi nhìn những người xếp hàng chờ kiểm tra và đóng dấu hóa đơn. Tất cả đều kiên nhẫn và ngoan ngoãn. Họ có thể làm gì trên đoạn đường dài 2 mét đó để phải chịu cảnh khám xét?

Tôi lặng lẽ quan sát. Rất nhiều người lớn tuổi. Lịch sử như phảng phất qua bộ quân phục cũ. Một vài nụ cười cầu hòa dù chủ nhân không làm gì sai. Một vài ánh mắt lấm lét không có lý do. Nhiều gương mặt cam chịu và chờ đợi cảnh được khám xét.

Tôi cố gắng tìm lý do để biện minh cho việc làm kỳ quái đó, nhưng không thể.

Tôi rút ra kết luận: Người Việt không tin người Việt. Người Việt không hiểu răng mình có quyền được người khác tôn trọng.

Xã hội đang bắt người Việt phải nghi ngờ nhau.

Nghi ngờ theo quy định.

Và có cả một hệ thống gia cường cho những quy định đó.

6. Chúng tôi ra về, nhưng câu hỏi: Vì sao người Việt không tin nhau vẫn là một ám ảnh. Phải chăng chúng ta đã quen sống trong một sự cảnh giác thường trực đến độ thành phản xạ có điều kiện? Phải chăng di chứng của mấy chục năm chiến tranh vẫn còn hằn nặng, để người Việt luôn thấy mọi thứ xung quanh đều là thù địch, đáng ngờ? Hay có một hệ thống tinh vi đang bắt chúng ta phải nghi ngờ nhau “theo quy định, đúng quy trình”?

Tôi bất giác nhớ đến mớ giấy tờ đỏ choét những con dấu công chứng sao y bản gốc. Tôi tự hỏi: Tôi và triệu người quanh tôi đã mất bao nhiêu thời gian cho những thứ này?

Tôi thở dài: càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin.

Tôi tự hỏi: Phải chăng đang có một cuộc “khủng hoảng niềm tin”?

Và khi nào thì người ta không tin nhau?

Rõ ràng là khi có sự dối trá. Người ta không tin nhau khi cần phòng tránh sự dối trá.

Vậy là đang có một sự dối trá phổ biến, đến mức một đoạn đường 2 mét và được kiểm soát chặt chẽ cũng trở nên đáng ngờ.

Sự nghi ngờ đã lan trên từng mét đất.

Và chúng ta đã mất biết bao nhiêu thời gian và nguồn lực để cảnh giác, phòng tránh, đương đầu với sự dối trá này?

Không ai thống kê định lượng, nhưng chắc hẳn là rất nhiều. Nhiều đến mức có thể làm cho đất nước ta kiệt quệ. Kiệt quệ vì luôn phải cảnh giác, đề phòng.

7. Việt Nam đang rất cần một sự quy tụ nguồn lực để phát triển. Nhưng quy tụ làm sao khi cả xã hội sống trong tâm trạng cảnh giác thường trực, lúc nào cũng nơm nớp đề phòng? Quy tụ làm sao khi sự giả dối đã trờ thành “nỗi nhục lớn”? Quy tụ làm sao khi niềm tin giữa người với người đã trở lên cạn kiệt?

Việt Nam đang rất cần hội nhập, rất cần làm bạn với thế giới bên ngoài. Nhưng hội nhập làm sao khi luôn nhìn thế giới bên ngoài với con mắt thù địch nghi ngờ? Làm bạn làm sao khi không có lòng tin vào đối tác của mình?

Đất nước đã thống nhất nhưng lòng người chưa thống nhất. Di sản của mấy mươi năm chiến tranh quá đỗi nặng nề. Trong này kinh tế khó khăn. Ngoài kia Biển Đông nổi sóng. Một cuộc hòa giải, để sau đó có một sự hòa hợp Nam Bắc, trong ngoài là cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng hòa giải, hòa hợp làm sao khi sự nghi kỵ nhau đã được nâng lên thành quy định?

Niềm tin là một vốn quý của xã hội. Nhiều học giả đã gọi niềm tin là một thành phần quan trọng của vốn xã hội. Khi niềm tin cạn thì vốn xã hội cũng cạn theo. Mà cạn vốn thì làm sao phát triển?

Vậy nên, câu chuyện về vốn xã hội, trước hết phải là câu chuyện của niềm tin. Mà câu chuyện của niềm tin thì có gì khác hơn là câu chuyện về sự trung thực?

Cũng vậy nên, để khôi phục được niềm tin và làm giàu thêm lưng vốn của mình, vốn đã bị chiến tranh và những sai lầm trong lịch sử tàn phá làm quá nhiều, thì trước hết phải khôi phục được sự thẳng ngay trung thực.

Không có sự trung thực thì không có niềm tin. Không có niềm tin thì thời gian và nguồn lực sẽ chỉ dành cho việc nghi ngờ, đề phòng và cắn quẩn lẫn nhau. Mà mề phòng cắn quẩn lẫn nhau thì nghèo hèn, tụt hậu sẽ là điều tất yếu.

----

Con người tự do vẫn là ý niệm xa lạ




Quả thật là giới trẻ Việt Nam rất thiệt thòi khi ý niệm về con người tự do vẫn là một điều xa lạ, và xa xỉ, trong xã hội. Cái được nói đến thường xuyên hơn là trách nhiệm công dân.

 
Khủng hoảng là... cơ hội của người trẻ

Tự do là khởi nguồn của giải pháp



- Xã hội biến động mạnh đã tác động rất lớn đến hệ giá trị của người trẻ. Anh nhìn nhận thế nào về hệ giá trị hiện nay của giới trẻ, nó có bị cuốn theo những giá trị ảo, hời hợt bên ngoài? Giới trẻ có đang thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước, xã hội như nhiều "người lớn" vẫn nói?


TS Giáp Văn Dương: Đúng là đang có hiện tượng xã hội đang chạy theo các giá trị ảo, nặng về hình thức bên ngoài. Điều này đã được nhiều người lên tiếng và cảnh báo như một sự xuống cấp chung về đạo đức, lối sống, văn hóa...

Sự xuống cấp này không chỉ ở trong giới trẻ, mà ở mọi tầng lớp khác, kể cả lãnh đạo. Với những người có địa vị và quyền lực, điều này còn hiển hiện rõ ràng hơn, vì đơn giản là họ có phương tiện để thực hiện nó. Vì thế, nói giới trẻ đang chạy theo giá trị ảo, hời hợt bên ngoài, dù là một mô tả đúng thì cũng không đủ sâu, và có phần né tránh vì không xét đến bối cảnh chung.
Trước khi quy kết cho người trẻ chạy theo giá trị ảo, hời hợt bên ngoài thì thế nào là giá trị ảo, hời hợt cũng là điều cần bàn xét. Nói một giá trị là ảo chỉ khi có một giá trị thật bền vững làm đối chứng. Giá trị thật này phải được thử thách qua thời gian, không gian, tức có tính phổ quát.
Nhưng các giá trị phổ quát đó chưa chắc đã được chào đón, và được coi là giá trị thật ở Việt Nam. Cái truyền thống thì bị quy kết là phong kiến cổ hủ, cái đương đại thì ngăn chặn và gắn mác ngoại lai thù địch. Người trẻ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nên chán nản, mất định hướng.
Nhiều lúc tôi thấy người trẻ như con cá trong giỏ cua, quay bên nào cũng bị cặp, nên chỉ biết giãy giụa.
Đây không hẳn chỉ là một quán tính văn hóa, mà dường như còn là cả một kế hoạch.
Trong hoàn cảnh đó, giới trẻ sẽ làm gì?
Họ sẽ chạy theo bất cứ thứ gì mới lạ mà họ tiếp xúc, như thần tượng các cầu thủ bóng đá, các ca sĩ nước ngoài. Vậy nói rằng người trẻ đang chạy theo những giá trị ảo, hời hợt bên ngoài là không công bằng. Họ làm vậy vì trong sâu thẳm, họ không có lựa chọn nào khác. Họ cũng chưa đủ trưởng thành để tạo ra các lựa chọn cho mình và người xung quanh.
Không thể bắt một dòng sông chảy ngược. Cho nên cũng không thể bắt người trẻ trẻ lại những giá trị cũ, dù là đúng với các thế hệ trước, nhưng lại trở nên lạc hậu trong đời sống đương thời. Nếu thực sự vì người trẻ và vì đất nước, cái duy nhất mà "người lớn" nên làm là hãy để cho người trẻ được tự do lựa chọn, tự do định đoạt số phận mình.
Có thể bạn sẽ lấy ví dụ người trẻ chỉ biết chạy theo tiền để minh chứng cho việc giới trẻ chạy theo các giá trị ảo bên ngoài. Điều này cũng lại không công bằng nữa. Khi không có một thang giá trị tinh thần đủ mạnh làm định hướng, hoặc không có các giá trị tâm linh có tính cách thiêng liêng để tôn thờ, thì họ sẽ chọn thứ gì dễ nhìn thấy nhất, dễ đo đạc nhất, có quyền năng tức thời nhất để làm chuẩn. Đó là tiền. Vì vậy, nên hiểu việc chạy theo tiền như một chỉ dấu về tình trạng khô hạn trong đời sống tinh thần của toàn xã hội, chứ không phải là chạy theo một giá trị ảo, hời hợt bên ngoài của giới trẻ.
Làm giàu không phải là xấu, càng không phải là ảo. Làm giàu là xu hướng tất yếu nếu đất nước muốn giàu mạnh lên. Làm sao một đất nước có thể giàu mạnh nếu những công dân của nó không muốn làm giàu, không khát khao một sự trỗi dậy?
Do đó, nếu phải nói gì về hệ giá trị hiện nay của người trẻ, thì đó là không có hệ giá trị nào cả. Không có hệ giá trị chủ đạo. Những câu chuyện lớn, lý tưởng lớn đã không còn sức thuyết phục. Cái mường tượng, cái được rao giảng quá khác với thực tế. Những mệnh đề chắc nịch như chân lý bỗng chỗng trở thành vô nghĩa trong hoàn cảnh mới. Tất cả đều nhảm nhí hết rồi!
Điều đáng quan tâm hiện giờ chỉ là những mảnh vụn cuộc đời. Kiếm tiền, ăn, chơi, lên Facebook tán gẫu chuyện đời, than thở, khoe con, khoe quần áo, khoe người yêu... tích cực lắm thì cũng lang thang đây đó như trào lưu "phượt" cho đỡ tù túng. Tức là những câu chuyện nhỏ, những chia sẻ nhỏ, những mảnh vụn cuộc đời mới là cái đáng quan tâm và khả tín. Bạn có thể gọi nó bằng một tên gọi đầy tính thời thượng, như "hậu hiện đại" chẳng hạn, hay bất kể một cái tên nào khác mà bạn muốn.
Điều này không xấu. Điều này cũng không đáng trách. Nếu so với điều vô nghĩa vĩ mô thì đây lại là cứu rỗi. Trong những mảnh vụn nhỏ, ý nghĩa sẽ trỗi dậy để thay cho điều vô nghĩa vĩ đại sáo mòn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam đang đòi hỏi một sự vượt lên, một sự quy tụ nguồn lực để phát triển, thì đây là một trở ngại lớn.
Còn người trẻ có thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước không ư? Nhiều người cho rằng có, và buộc tội người trẻ như vậy. Nhưng họ đã không xét đến một thực tế: bằng cách này hay cách khác, người trẻ đang bị tước đoạt quyền tham gia định đoạt những vấn đề lớn của đất nước.
Trật tự hiện tại đang muốn người trẻ tuân thủ, chứ không phải là định đoạt.








TS Giáp Văn Dương. Chân dung hội họa: Hoàng Tường/ SGTT



- Anh thường nhấn mạnh đến vai trò của của tự do nội tại. Với giới trẻ, tự do quan trọng đến mức nào trong việc định vị bản thân? Và nó giúp gì cho họ khi đối mặt với khó khăn, khủng hoảng?

Với riêng tôi, việc khám phá ra tự do nội tại là một bước tiến đáng kể trong đời sống cá nhân, đặc biệt trong việc nhận thức bản thân mình. Thường thì tự do nội tại bị các tầng nấc luật lệ, văn hóa, thói quen, quán tính... che khuất; hoặc bị quên lãng bởi sự bận rộn của đời sống thường ngày. Nhưng khi được khám phá ra, tự do nội tại sẽ là khởi nguồn cho một đời sống tươi mới đầy tỉnh thức.
Có thể ví tự do nội tại, tuy vô hình nhưng lại như cánh đồng mênh mông cho mỗi người tự do khai phá gieo trồng. Thành quả của sự gieo trồng này chính là sự trù phú trong đời sống tinh thần của ai tìm ra nó. Nếu đời sống tinh thần nghèo nàn hay đang bị sa mạc hóa, thì nguyên nhân có một phần đến từ sự bỏ quên và bỏ hoang cánh đồng này.
Vì là tự do nội tại, nên nó là thứ tự do bất khả tước đoạt. Chính vì thế, đây là pháo đài cuối cùng mỗi người dùng để bảo vệ phẩm giá và các giá trị cá nhân của mình. Nói cách khác, đó chính là nơi để mình phát triển một cách trọn vẹn nhân cách của mình.
Với người duy lý, tự do nội tại tạo ra một điểm tựa lý thuyết cho người ta tự tin, vượt qua các rào cản tâm lý và cả sự sợ hãi, để định đoạt cuộc đời mình, và sống cuộc đời mình mong muốn.
Thật may mắn, tự do nội tại là thứ tự do bất khả tước đoạt, tồn tại trên cơ sở lý tính của con người, nên về mặt lý thuyết, trong mọi hoàn cảnh con người ta đều có thể lựa chọn để sống như mình muốn. Đây chính là cơ sở để con người tự giải phóng mình và chủ động định đoạt cuộc đời mình theo chiều hướng mà mình cho là tốt nhất.
Với người trẻ, khi nhân cách còn đang trong quá trình định hình, gương mặt và thân phận mình còn đang được tạc vẽ, thì tự do nội tại, và sau đó là tự do của môi trường bên ngoài, đóng vai trò quyết định trong việc định hình và định vị bản thân mình. Tự do cho phép họ thực hiện những việc mà họ cho là phù hợp nhất với cá nhân họ. Nói cách khác, tự do cho phép mỗi người tự đúc tạc cuộc đời mình.
Vì sao ư? Vì tự do bao giờ cũng gắn liền với lựa chọn, nên khi có tự do, người ta sẽ có lựa chọn. Và khi lựa chọn, người ta đã thực hiện hành động đầu tiên và cơ bản nhất trong đời sống của mình với tư cách một con người.
Nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy, lựa chọn chính là hành động ở cấp độ cơ bản nhất. Lựa chọn chính là bản lề giữa cái bên trong và bên ngoài, giữa cá nhân và xã hội. Vì thế, về mặt logic, mọi hoạt động của con người đều có thể phân tích thành một chuỗi các lựa chọn liên tiếp.
Tự do cho phép con người ta được lựa chọn, vì thế giúp con người được thực hiện những hành động có lý trí, có ý nghĩa, có nhân tính một cách chủ động. Nói cách khác, tự do giúp cho con người ta được tự định đoạt số phận mình để sống một cuộc sống chủ động và có ý nghĩa.
Còn tự do có giúp gì trong khó khăn khủng khoảng hay không ư? Khi gặp khó khăn, chính tự do sẽ là khởi nguồn của giải pháp. Vì tự do cho phép lựa chọn, mà giải pháp suy cho cùng chỉ là một chuỗi các lựa chọn tối ưu.
Vì thế có thể nói, tự do chính là nguyên ủy sâu xa của mọi sáng tạo, mọi giải pháp trong lúc khó khăn, khủng hoảng.
Khởi đầu bằng biết đặt câu hỏi
- Anh đã học tập và tham gia giảng dạy tại một số nước trên thế giới. Theo quan sát của anh, nền giáo dục tại các quốc gia này đã trang bị cho tự do của người trẻ cũng như khả năng, kỹ năng vượt qua khủng hoảng ra sao?
Trong những nơi tôi đi qua, không hẳn nơi nào cũng chủ động trang bị cho sinh viên một hành trang về tự do. Nhưng ở các nền giáo dục tiên tiến, tinh thần tự do đã thấm vào máu mỗi người. Nhà trường chỉ tạo điều kiện cho tinh thần đó được sinh sôi, luân chuyển trơn tru và rèn luyện cho thêm vững chắc.
Họ có các chương trình và phương pháp thích hợp để giúp người trẻ tự do thể hiện mình, tự do chủ động định hình tính cách và cuộc đời mình. Từ đó người trẻ hiểu được vai trò và giá trị của tự do. Đó là lý do vì sao khi tự do bị đe dọa họ, dù là tự do cá nhân hay tự do chung của cộng đồng, họ lại thường có những phản ứng không nhân nhượng.
Song song với việc làm cho người trẻ thấm nhuần tinh thần tự do, các nền giáo dục đó cũng giáo dục cho người trẻ của mình về trách nhiệm công dân. Con người tự do và trách nhiệm công dân là hai đặc trưng không thể tách rời của một người trưởng thành. Nếu con người tự do giúp mỗi người hoàn thiện bản thân mình với tư cách một cá nhân, thì trách nhiệm công dân giúp cho xã hội mà cá nhân đó là một thành viên thêm bền vững.
Đã là con người thì bao giờ cũng có hai thuộc tính cá nhân và xã hội, do đó, con người tự do và trách nhiệm công dân luôn gắn chặt với nhau, như hình với bóng. Vì thế có thể nói ngắn gọn, với các nền giáo dục tiên tiến, con người tự do và trách nhiệm công dân là đích đến của giáo dục.
Khi có con người tự do và trách nhiệm công dân, người trẻ sẽ tự động tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Còn vượt qua như thế nào thì chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật.






Con người tự do vẫn còn là khái niệm xa lạ. Ảnh minh họa



- Xét về khía cạnh trên, giới trẻ Việt Nam có quá thiệt thòi?

Quả thật là giới trẻ Việt Nam rất thiệt thòi khi ý niệm về con người tự do vẫn là một điều xa lạ, và xa xỉ, trong xã hội. Trong suốt thời phổ thông và đại học, tôi chưa từng một lần nghe các thày cô của mình nói đến con người tự do, vì bản thân họ cũng không có ý niệm này.
Cái được nói đến thường xuyên hơn là trách nhiệm công dân. Vì thế, cân bằng giữa con người tự do và trách nhiệm công dân bị phá vỡ. Con người tự do bị bóp nghẹt, chỉ còn trách nhiệm công dân.
Điều này đã thể hiện ra dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như sự triệt tiêu của sáng tạo cá nhân, coi thường cá nhân mà chỉ đề cao tập thể. Mô hình kinh tế tập trung bao cấp, mô hình hợp tác xã nông nghiệp, cách tổ chức nghiên cứu khoa học, giáo dục theo kiểu "hợp tác xã khoa học" v.v. cũng là những dạng tồn tại cụ thể của sự mất cân bằng này.
Vì thế, với những giá trị là hiển nhiên của thế giới, thì người trẻ Việt Nam vẫn còn phải làm quen và chật vật tiếp thu, nhiều khi trong cấm cản vì động chạm đến những trật tự cũ. Đó thực sự là một điều rất thiệt thòi.
- Giới trẻ phải tự giáo dục và đào tạo cho mình những gì để vượt qua được khủng hoảng? Anh có kinh nghiệm nào có thể chia sẻ từ những gì bản thân anh đã trải qua?
Giới trẻ phải tự đào tạo những gì ư? Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Không có giải pháp vạn năng cho các vấn đề của tất cả mọi người. Nhưng giải pháp cho mỗi người sẽ đến từ việc biết đặt câu hỏi và biết hoài nghi lành mạnh. Vì biết đặt câu hỏi và biết hoài nghi lành mạnh là đã khởi đầu cho việc tự giáo dục và đào tạo mình rồi.
Từ việc đặt câu hỏi sẽ dẫn đến các câu trả lời, hoặc ít nhất cũng là hành trình đi tìm câu trả lời. Mọi việc sẽ sáng dần ra. Đến một lúc nào đó, mọi cái u mê bùng nhùng sẽ tan biến. Mọi việc sẽ trở nên rõ ràng. Bạn sẽ biết mình là ai, mình cần phải làm gì, và vì sao mình lại làm như vậy. Tức là bạn đã được khai minh và trưởng thành.
Kinh nghiệm của tôi là đừng tin bất cứ thứ gì mà mình chưa trực tiếp kiểm chứng hoặc trải nghiệm. Nếu bạn nói về vấn đề nào đó mà chưa từng đặt câu hỏi đó là gì và tìm cách trả lời nó, thì mọi điều bạn nói đều không khả tín. Vì đơn giản đó không phải là tri thức của bạn, đó chỉ là thông tin bạn nhặt nhạnh đâu đó, hoặc thông tin dội vào đầu bạn trong vô thức. Mà thông tin thì không phải lúc nào cũng khả tín và có ý nghĩa.
Vậy nên, giữa một rừng thông tin, một rừng sự kiện, một rừng giá trị tốt xấu đúng sai cùng pha trộn, thì cách hữu hiệu nhất để minh định chúng là tự đặt câu hỏi và tự dùng lý trí của mình để trả lời chúng. Mỗi câu hỏi và mỗi câu trả lời sẽ là một ngọn đuốc nhỏ để mỗi người tự thắp sáng đường đi của mình.
Đến đây ta lại thấy hé lộ vai trò của tự do báo chí, tự do tư tưởng và tự do học thuật, mà nếu nói thêm thì e là quá dài. Vậy xin hẹn vào một dịp khác.
Hải Tâm (thực hiện)
-----
Nguồn: Tuần Việt Nam, 19/2/2013.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

SAO CÒN CHƯA SAY?



Sao còn chưa say?
Đốt cháy hình hài
Giấc mộng thiên thai
Kiếm tìm trang trải

Rượu tràn chân mây
Sao còn chưa say?
Bóng ngả đêm dài
Tình đã buông tay!

Hương cỏ thơm bay
Dại khờ ở lại
Sao còn chưa say?
Thu vàng nợ vay

Câu thơ bẻ gảy
Hút giọt đắng cay
Mùa hoa Cúc dại
Sao còn chưa say?

Giữa đời tàn phai
Cạn đêm, cạn rượu
Đọa đày luân lưu
Sao còn chưa say?

Khép lại bờ vai
Tròn vừa nỗi nhớ
Sao còn chưa say?
Duyên thừa lắt lay

Trăng lạnh héo gầy
Sao còn chưa say?
Cô đơn về đây
Cười khóc vơi đầy

Sao còn chưa say?

Bon sai










Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

ĐỜI DỞ TỆ







 
Khoai@: 
Tản mạn một chút về bạn gái anh với chiêu rắc thính nhử mồi.
Gái đẹp. Ngắm gái với những nét thanh tao, đố ai bảo gái có nguồn gốc sản phẩm từ một vùng trung du hẻo lánh, khốn khó với câu cửa miệng "chó ăn đá gà ăn sỏi".

Tất nhiên gái đẹp thì có quyền và có quà, gái mà anh nói không ngoại lệ. Ngay từ thời sinh viên, bọn con nhà giàu, và cả các đại gia chỉ đứng từ xa mà cắn móng tay nhìn gái. Đẹp kinh hồn! Đẹp thì đẹp, nhưng gái hơi bị kiêu, cứ dăm ba hôm gái lại dở chứng õng ẹo, đám đàn ông dần dà xa vắng.

Tốt nghiệp đại học, được về công tác tại bộ của anh Thăng bây giờ, gái vẫn đẹp như thế. Dẫu có đẹp, nhưng gái vẫn ế. Mỗi lần gặp nhau, gái ra vẻ cứng cỏi kiêu hãnh, nhưng cứ nhìn vào mắt là biết, một nối buồn thăm thẳm, cùng với tháng năm, các nếp quạt bắt đầu cần mẫn chia nhỏ khuôn mặt của gái thành những miếng nho nhỏ, manh mún, chồng chéo. Nhưng phải công nhận, về khuôn hình và đường nét, gái vẫn ngon, đâu ra đấy.

Thực lòng, bạn bè ai cũng thương, đẹp mà sao không thể lấy được chồng, thằng nào yêu gái giỏi lắm trụ được 2 tháng là phắn, thế mới đau. Có lẽ gái ế vì thói học đòi người kẻ chợ kinh kì, khinh khỉnh khinh khỉnh.

Lâu không gặp, thấy dạo này gái cũng xì tai ra phết, quần áo loại hàng hiệu xách tay Quảng Châu, điện thoại xịn hợp thời trang. Tâm sự mới biết, giai theo cũng không thiếu, từ giai hàng Hành, Ngọc Khánh, cho đến đại gia chợ giời, thậm chí có cả lão hói giáo sư đại học. Thế mà không hiểu vì sao duyên tình cứ lẩn trốn mãi. Thời gian chạy ào ào như chó đuổi, đến nay gái chả khác gì con Mi lô già hôi hám trụi lông bên nhà lão hàng xóm. Nhìn mà nản.

Cách đây hơn tháng gái alố rủ mình đi cafe, lần này gái trầm lặng hẳn đi, gái khóc, tiếng khóc cứ ư ử trong cổ họng như mèo hen, từng giọt nước mắt to hơn viên kim cương gái đeo ở ngón tay lăn dài trên má. Ngước mắt lên gái hỏi, Khoai ơi làm sao tớ có thể thoát được cảnh hâm, dở điên dở ế mãi thế này. Mình buồn bã lắc đầu bế tắc, mình đâu phải chị Vân Anh Thanh Tâm hay anh Đinh Đoàn điệu đà tư vấn tâm lý nhí nhố cho gái được.

Bất chợt, trong đầu mình loé lên một tia hy vọng yếu ớt, mình bảo gái hay là cậu chấp nhận đi ngang qua cửa nhà tay Chí hâm đi? và...bạn có thể nới một cúc...cứ thế...cứ thế (mình thì thầm), biết đâu lại...

Tối qua mình bất ngờ nhận được thiệp mời cưới của gái, mình sững sờ, mắt trong mắt dẹt. Vồ vập cuống cà kê, tay dúi gói mứt sen, tay kia gái cứ cầm cổ tay mình lắc lắc rồi lắp bắp mấy lần câu cảm ơn, Khoai đã cho mình gợi ý tuyệt vời, không có Khoai chắc giờ tớ vẫn ế...

Bố khỉ, cuộc đời thật éo le, mình nhai mứt sen Hàng Điếu khô không khốc mà cứ thấy trơn tuột vào cổ họng như ăn thạch rau câu.

Haiz, tuần tới lại mất toi mấy trăm bạc phong bì, kèm một buổi tối dự đám cưới về với gói mì hảo hảo.


Đời dở tệ.

ĐÀN BÀ LÀ GÌ?

Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau
(Huy Cận)





Theo từ điển thì khái niệm đàn bà là tương đối đơn giản. Từ điển ở Ta cho rằng, đấy là nữ giới nói chung và phải là những người đã trưởng thành. Từ điển ở Tây cũng hao hao như vậy, cuốn Petit Larousse đầy uy tín của người Pháp giải nghĩa. (Xin chép nguyên văn bằng tiếng ănglê, thứ tiếng mà rất nhiều đàn bà Việt đương đại vừa mê vừa thích vừa thành thạo).


1. A female human being – Distinguished from man. Đại loại, đàn bà là sinh vật giống cái cốt để phân biệt với nam giới.

2. An adult female human being – Distinguished from girl. Đại khái vẫn là sinh vật giống cái, cốt để phân biệt với đám lóc nhóc thiếu nữ.


Nghĩa một thì dễ hiểu quá rồi, còn nghĩa hai hơi mang tính cơi nới nhưng kha khá nghiêm ngặt. Nếu tuân thủ theo đúng nghĩa (2) thì đàn bà không có ở tuổi teen, và hiển nhiên sẽ không được phép mặc đồng phục trung học vào nhà nghỉ.

Bọn họ vẫn có thể mang vẻ ngây thơ nhưng không thể cùng một lúc nhuộm tóc hai màu xanh đỏ rồi nhí nhảnh kẹp ba phi xe đánh võng. Thêm nữa, quan chức đàn ông nếu nhỡ có thân thiết với đàn bà thì đạo đức mặc nhiên sẽ thăng hoa bởi không bao giờ mắc phải cái tội ngớ ngẩn, lạm dụng vị thành niên.

Từ điển học thuật rắc rối quá, dân gian quan niệm dịu dàng trong sáng hơn nhiều. Đàn bà đương nhiên chỉ giản dị hoặc là vất vả mẹ hoặc là tần tảo chị. Họ cũng có thể là cần mẫn vợ hoặc là bạc bẽo người tình. Họ đôi khi tài sắc vẹn toàn như Thuý Kiều, lại có lúc thỉnh thoảng xấu xí ít học như thị Nở.

Có người trong trắng thuỷ chung như tiểu thư Juliet trong kịch Shakespeare, lại có người dâm loạn điêu trác như Mã phu nhân trong trường thiên kiếm hiệp “Thiên long bát bộ”. Có người là chót vót “phụ nữ của năm” như diễn viên chơi vơi Đỗ Hải Yến, lại có người là tột cùng tội phạm quốc gia như nữ lưu manh Phúc “bồ”. Nói chung, đàn bà giống như thơ, bởi có bao nhiêu người làm thơ là có bấy nhiêu định nghĩa.

Vì thế, nếu phải miễn cưỡng rốt ráo định nghĩa đàn bà thì vẫn đành dựa vào các trước tác kinh điển. Theo Kinh Thánh, sau khi đã sáng tạo ra mọi loài, Thiên Chúa phát chán bèn rút xương sườn của “đàn ông nông nổi giếng khơi” để rồi làm ra một thứ “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”.

Chắc là xót xa đau quá nên đàn ông đã hốt hoảng cảm thán “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi, người này sẽ được gọi là đàn bà vì đã được lấy ra bởi đàn ông”. (Sách Sáng thế 2; 23). Về sau, đàn bà bị con rắn quyến rũ xui nuốt táo, phạm vào tội lê la ăn quà vặt nên Thiên Chúa đã mặc định bọn họ “Ta sẽ làm cho mày chịu nhiều đau khổ lúc thai nghén. Mày sẽ phải đau đớn khi sinh con, mày sẽ phải quỵ luỵ chồng mày và chồng mày sẽ làm chủ mày”. (SSt 3; 16).




Kinh Cựu ước được nhiều học giả lắm bằng ở ta cho là quá mang quan điểm thành kiến phương Tây. Ở phương Đông, kinh Phật của người Việt do minh quân thiền sư Trần Thái Tông khởi tác mang quan niệm về đàn bà có vẻ hay hơn. “Lưng ong tóc mượt hay khiến tính hoặc tâm mê. Sắc én mày ngài đưa đến hồn xiêu phách lạc.

Kẻ mê say đoạn nghĩa thầy bạn, kẻ tham đắm đức mất đạo tan. Vậy có kệ rằng: Mặt trắng môi son điểm phấn đào. Long lanh đưa mắt gây lao đao. Chẳng qua một túi da nhơ bẩn. Cắt đứt ruột người không cần dao”. (Khoá hư lục – Văn giới sắc). Hình như hai quan niệm kể trên bị nhiều đàn bà hiện đại nhăn nhó không thích. Thôi đành dẫn Khổng Tử, một bậc Thánh của đạo Trung Dung.

“Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vị nan dưỡng dã. Cận chi tắc bất tốn, viễn dữ tắc oán” (Luận ngữ, thiên Dương Hoá). Nôm na ý của cụ Khổng là, đàn bà với tiểu nhân khó nuôi lắm. Ở gần thì bọn họ nhờn, ở xa thì họ oán. Có phải thế chăng mà rất đông nho sĩ thường để móng tay lá lan thật dài, chắc họ cẩn thận đề phòng những khi bắt buộc phải vuốt ve vợ.

Thế nhưng nói cho cùng, thì ở phía trong thăm thẳm sâu xa của đạo Thiên Chúa, đạo Phật hay đạo Nho, luôn đẫm đầy trân trọng tính nữ. Trên cuộc đời có nhiều cay đắng phiền muộn này, còn gì thiêng liêng trinh bạch hơn được Đức Mẹ Maria, còn gì từ bi cao cả hơn Đức Phật bà Quan thế âm bồ tát cứu khổ cứu nạn.

Và đã biết bao nhiêu thế hệ nhà Nho rưng rưng tâm phục khẩu phục khi chợt nhắc đến bà Mạnh mẫu, người mẹ tần tảo nghiêm khắc hết mực yêu con của á Thánh Mạnh Tử. Có thể nói, tất cả những giá trị đậm đặc tinh hoa nhất của đàn bà đều thăng hoa đọng lại trong hai từ vĩ đại “người mẹ”.

Chẳng cần biết đàn bà có thể tệ đến đâu, chỉ cần họ trưởng thành làm mẹ là lập tức cái nhân loại khốn khổ này được cứu rỗi. Bởi cái đám đàn ông quen chật hẹp đố kỵ khoe khôn soi mói kia, có thể không có chị, có thể không có vợ, có thể không có bồ nhí nhưng vĩnh viễn chưa bao giờ bọn họ lại không có hiền mẫu. Chính ở đây, câu hỏi tưởng hoành tráng, “đàn bà là gì?”, bỗng rơi rụng thành vớ vẩn.


Đẹp

TÌNH YÊU VÀ TUỔI TÁC

  Vu Hoang Son  

Hãy tận hưởng tất cả những ngày tháng của cuộc đời.
Jonathan Swift


Tuổi tác không hề ảnh hưởng tới tình yêu. Già đi – đó chỉ là một trạng thái của thể xác và suy nghĩ. Ta bắt đầu có tuổi khi ta không còn lý tưởng, không còn khả năng thưởng thức niềm vui, mất đi hy vọng và niềm tin vào những phép nhiệm màu.

Tuổi già sẽ đến khi ta ngừng những đam mê với cuộc đời, không còn hào hứng với




Tình yêu và tuổi tác



những điều mới mẻ, những thách thức, những mộng mơ… Chỉ cần chúng ta cùng hòa mình vào sự phong phú của thế giới xung quanh, lắng nghe tiếng cười giòn giã mang giai điệu của tình yêu và tiếp tục tin vào chính mình, thì tuổi già không còn là điều quan trọng.


Tình yêu là một suối nguồn tươi trẻ của cuộc sống. Miễn là ta yêu và được yêu, ta sẽ trẻ mãi. Cái chết chỉ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát triển của một đời người. Hãy luôn nhớ rằng chúng ta chỉ là những vị khách trọ trên cuộc sống trần gian này, vậy thì có gì hối tiếc khi ta đã đi đến đích? Dù cuộc đời của chúng ta dài đến thế nào đi chăng nữa cũng trở thành vô nghĩa nếu ta không biết thưởng thức từng ngày và chưa hề nếm được vị ngọt tình yêu.

BÀN TAY


Anh luôn chê tay vợ mình thô ráp và so với người này người kia. Rồi một ngày, anh theo người mới có đôi tay trắng đẹp mịn màng.
Nhưng bàn tay đẹp thì chẳng thể làm gì, dù chỉ một ngày osin nghỉ phép. Mọi việc nhà đều đến tay anh.

Bàn tay đẹp không tết tóc cho con anh. Khi anh ốm đau, bàn tay ấy cũng không buồn nấu cháo. Chỉ miệt mài giũa móng sơn hoa.

Nằm liệt giường, anh mơ có một bàn tay thô ráp, sờ trán anh âu yếm sẻ chia.



Nguồn: Trần Hoàng Trúc