Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nhà phê bình HOÀI ANH bình thơ ĐÔNG LA



HOÀI ANH
ĐỌC TẬP THƠ ĐÊM THIÊNG

(TỰA tập thơ Đêm thiêng, nxb TRẺ, 1996)



Nhà thơ HOÀI ANH (1938-2011)
 
Nửa sau thế kỷ XX, theo với đà phát triển siêu tốc của khoa học kỹ thuật hiện đại trên thế giới và sự phổ thông giáo dục ngày càng cao, ở Việt nam cũng diễn ra sự bùng nổ của tư duy khoa học trong con người so với nửa đầu thế kỷ. Điều đó không thể không để lại dấu ấn trong tư duy nghệ thuật của lớp trẻ hiện nay. Nghĩ mà xem, trước đây không chỉ những nhà thơ cựu học như Tản Đà, khi nói về thiên nhiên phải dẫn dụng những điển tích bắt nguồn từ cổ tích:
 

Trung thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi. 

 
Một trí thức tân học như Huy Cận, kỹ sư canh nông, khi nói về vũ trụ vẫn phải bấu víu vào cái khung thần thoại: 


Về đâu nhật nồng cùng nguyệt lạnh
Hai bánh xe quay vòng số mệnh?
Ngồi xe nhật nguyệt cùng thiên nhiên
Làm bạn đi đường về vô định 


Vũ Hoàng Chương từng theo học ban cử nhân toán học, nhưng khi làm thơ vẫn lồng vào thế giới quan duy tâm thần bí:
Nói chi thua được với đời 


Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi.
Đêm nào ta trở về ngôi,
Hồn thơ đã hết luân hồi thế gian

 
Nhà thơ thế hệ trước, dù tưởng tượng kỳ vĩ đến đâu cũng không vượt ra ngoài bầu khí quyển của những hình tượng ẩn dụ tượng trưng cổ điển. Hàn Mặc Tử viết: 


Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất…
Bay từ Đạo lỵ đến trời Đâu Suất
Và lùa theo không biết mấy là hương 

 
Dù hình ảnh có táo bạo, tân kỳ cũng không vượt ra ngoài tư duy số học hay vòng lo-gic hình thức. Trần Huyền Trân viết: 


Cái trừ nào đủ cái chia
Bởi ham công việc đến lìa vợ con
Công danh lượm trái bồ hòn,
Lột da tôi mọn cái hồn cút côi 

 
Tôi nhận thấy thơ Đông La có thể là ví dụ về thơ của lớp thơ trẻ hiện nay, lớp người bước đầu đã tích lũy tri thức khoa học cơ bản hiện đại, làm quen với thao tác của tư duy khoa học, khi sáng tác thơ, cũng có những quan niệm mới, vận dụng những thao tác mới.
Do chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa ở thời kỳ KHKT đã đạt được biết bao thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, toán học, vật lý và hóa học… Thời kỳ mà con người có tham vọng giải thích cả sự hình thành nên vũ trụ, hình thành sự sống; có cách nhìn về không gian thời gian theo thuyết Tương đối của Einstein: không gian có thể “cong”, thời gian có thể “co giãn”… Phải chăng chính vì thế, Đông La mới có được những câu thơ chứa đựng vũ trụ quan mới mẻ, sống động mà lại gắn bó với thực tế: 


Anh xa em gần nửa vòng Trái Đất
Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa Cầu
Lúc anh thức là khi em ngủ
Có bao giờ nhớ và nhớ trùng nhau? 

 
Một điểm chung nhất toát lên từ tập thơ của Đông La là cái cách viết, nó giúp cho anh thấy được tính cụ thể trong cái trừu tượng, cái trừu tượng trong cái cụ thể. Nó cho phép anh chạm được vào nỗi cô đơn của mình: “Nghiêng bên nào cũng chạm phải cô đơn”; nó cũng cho phép anh thấy được cả cái còn cái mất sau chiến tranh trong một giọt nước mắt của mẹ: “Con bỗng giật mình thấy nhăn nheo giọt nước mắt/ Có già nửa phần buồn và non nửa phần vui”. Có thể vì do công việc của anh gắn bó với các phản ứng hóa học, nhìn các hóa chất, anh luôn thấy chúng được cấu tạo bởi những nguyên tử, từ proton, nơtron… nên khi nhìn vào những sự vật, hiện tượng của cuộc đời, anh không nhìn bề ngoài mà thấy cái bên trong, thấy cái ấn tượng ẩn giấu trong đó:


Em cất giấu một triệu con kiến
Trong mầu da nhuộm nắng tháng sáu
Em cô đặc lửa
Bùng cháy 

 
Đông La có những câu thơ vừa có tính phân tích vừa có tính tổng hợp, anh tháo gỡ từng chi tiết rồi lại đặt lại trong một tổng thể có tính khái quát như một định đề:
 

Em đến
Xé vụn nỗi cô đơn ném vào sọt rác
Sao lại choàng lên anh tấm áo?
Một sợi thương yêu, một sợi khổ đau
Có trọng lượng đúng bằng hạnh phúc 

 
Có chỗ, như từ những mô thơ, Đông La nhân giống ý thơ nảy nở thành những sinh thể thơ cô đúc và đa nghĩa: 


Giây phút định mệnh nào trong mưa nắng tình yêu
Trên mảnh đất mẹ một hạt mầm tách vỏ
Con có thấy trong tim giội những nhịp máu
của cả hai dòng họ?

 
Có chỗ Đông La tách từng yếu tố và cho tác động vào nhau để nảy sinh những hiệu quả mới, tạo phản ứng mang tính dây chuyền, hòa trộn giữa linh cảm và quan sát, tưởng tượng và trực nhận:
 

Giữa ranh giới của mơ và thực
Tiếng sét giáng vỡ mặt biển yên lặng
Giông bão cuộn lên
Trái núi kiêu hãnh vụn nát trước mỗi bước đi
Trái tim thép bốc khói trước tia nhìn plasma
Để thỏa mãn người
Ta có thể bay lên chín tầng trời
Hái những nhành sao đính lên những áng mây kia
Lấy những hạt nước ở hai cực Địa Cầu gội mát 

 
Tất nhiên không phải cứ ai có văn hóa cao thì làm thơ hay. Trước hết người ta phải có năng lực thơ ca, tâm hồn nhậy cảm trong cuộc sống. Nhưng muốn làm thơ cho cao cho sâu, nhất định người làm thơ phải có vốn văn hóa tương đương với trình độ của thời đại, đáp ứng ngày càng cao của nghệ thuật.
Cái đáng quý là tính tư duy trong thơ Đông La bao giờ cũng hòa quyện với tình cảm, gắn bó với cuộc sống, với đời thường. Từ mảnh đất quê hương thơ mộng và đau khổ; từ người cha một đời lam lũ với ước mơ con mình học hành thành tài; từ người mẹ tảo tần, khi lên thành phố vẫn giữ nếp quen cần kiệm của nông thôn: “Sáu lăm tuổi lần đầu đến một thành phố/ Hạt gạo ở đây người ta coi bé nhỏ/ Nhưng quen như ở nhà mẹ cứ mang thùng gạo ra đong”; từ đồng đội đã chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh; từ thầy cô đã trao cho anh hạt giống tri thức đầu tiên; từ sự phấn đấu vươn lên trong học tập, trong nghiên cứu…
Thành công của Đông La còn do anh may mắn được gần gũi những bậc thầy về thơ ca như Chế Lan Viên. Phải hiểu biết và cảm thông sâu sắc với Chế Lan Viên, Đông La mới có thể viết nên bài: Một vài ghi chép về Chế (được in trong tập: Chế Lan Viên người làm vườn vĩnh cửu , do Phong Lan sưu tầm tuyển chọn, nxb Hội Nhà Văn, 1995): 


Anh bẻ cong ngôn ngữ đời thường để thơ đến
tâm hồn bằng đường thẳng
Những câu thơ anh có ánh sao lóng lánh
Có độ ráp hạt sỏi miền Trung và vị chát của sim, mua
Anh từng lấy thơ trải tấm chăn vợ chồng thành
mênh mông đủ đắp cho tình yêu nơi chân trời góc bể
Từng lấy cánh cò trong lời ru ủ ấm vành nôi
đứa con thơ giữa chiều vàng
Thơ anh là không gian lưu giữ hương hoa đại Côn Sơn
từng nở bên chái nhà Nguyễn Trãi đến muôn đời
Anh vẽ tâm trạng tình yêu thành chim muông, hoa lá
Và, có bác sĩ nào hiểu được thuốc chữa bệnh
cho thi nhân lại là bông súng tím? 

 
Đã cố vươn lên nắm bắt tri thức của thời đại, cảm xúc trước những vui buồn của thế hệ mình, lại được thừa hưởng bí quyết tâm truyền của Chế Lan Viên, nhà bác học về nghệ thuật thơ, trách nào Đông La chẳng có những bước tiến trong thơ?
Xin chân thành chúc mừng Đông La với tập thơ đầu tiên của anh trong hành trình sáng tạo đầy khó khăn, như ngày nào thủa ấu thơ, anh đã đến với văn hóa, với tri thức: 


Như đứa trẻ tập đi lẫm chẫm trong khu rừng bí ẩn
Mỗi bài toán đơn sơ giống một cuộc ú tim
Cái ẩn số cứ chập chờn phía lùm cây trước mặt
Đốt đèn lên con lóng ngóng đi tìm.

 

HOÀI ANH
4-1996

Ừ, thì xin lỗi! (bản sau)






Ừ, thì xin lỗi!
là tôi kiêu căng
là anh lúng túng
thành ra lằng nhằng

Ừ, thì xin lỗi!
vì em ngoan xinh
vì anh dại dột
thành ra cuộc tình


Ừ, thì xin lỗi!
ngày ta bên nhau
mùa xanh trái chín
ngọt thơm môi đào

Ừ, thì xin lỗi!
này em đa đoan
này anh nặng nợ
nụ hôn không tròn

Ừ, thì xin lỗi!
một đêm không sao
tay cầm tay vội
                                     tình tôi xin chào!...


Ừ, thì thôi nhé!

Không còn áo xanh

em giờ áo hoa

dáng vóc mặn mà
nhung gấm lụa là

Ừ, thì thôi nhé!

Bây giờ cách xa

đâu còn bước qua
Thôi phút hẹn hò
Thôi phút chuyện trò


Ừ, thì xin lỗi!
Gặp nhau hôm nay
nhìn nhau không nói
tình như không đầy
(http://www.dathao.info/2013/06/u-thi-xin-loi-ban-sau.html )


Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Đeo "mặt nạ", lấy lòng đàn ông để làm gì!


"Em không được nặng lời với bất kỳ anh đàn ông nào! Dù chỉ là buột miệng, cũng phải tập để luôn buột miệng ra những lời duyên dáng, dễ ưa, nũng nịu!"
***
Một người phụ nữ vô cùng quyến rũ đã từng khuyên tôi nên giấu mình sau những chiếc mặt nạ hoàn hảo.
"Em không được nặng lời với bất kỳ anh đàn ông nào! Dù chỉ là buột miệng, cũng phải tập để luôn buột miệng ra những lời duyên dáng, dễ ưa, nũng nịu!"

Em không được nặng lời với bất kì anh đàn ông nào!

con gái

Nhớ hồi xưa mình biên tập văn xuôi, truyện ngắn, rất thích tới nhà in để cùng họa sĩ theo dõi những số báo đang in, kịp phát hành ra sạp. Những người làm báo đều có cái hạnh phúc là được nôn nóng chờ số báo mới sắp ra lò. Không biết có phải vậy không mà sau này, mình phải lòng một ông thợ in, xong bị ông ấy cưới luôn. Cái ông thợ đã in số báo đầu tiên của tờ báo đầu tiên mình làm ngày xưa ấy!
Một lần đang trong xưởng in, một tay thợ tới sau lưng mình, huých nhẹ vào khuỷu chân kiểu trêu chọc làm mình chúi về phía trước thì phải, chả nhớ nữa. Mình quay lại buông một câu trách nhẹ: "Vô duyên".
Thế là chị đồng nghiệp về, lôi mình vào quán nước, bảo, chị phải bảo cho Trang Hạ cái này, là không bao giờ em được cư xử với đàn ông con trai như thế! Em không được nặng lời với bất kỳ anh đàn ông nào! Dù chỉ là buột miệng, cũng phải tập để buột miệng ra những lời duyên dáng, dễ ưa, nũng nịu! Đối với đàn ông ấy mà, dù có trách họ thì cũng phải nói khéo, trong thái độ hớn hở hài hước. Bởi cho dù không thích một anh chàng nào thì cũng đừng biến anh ấy thành kẻ thù! Đàn ông họ sẵn sàng chỉ vì một câu nói mình làm họ mất lòng, họ sẽ biến thành kẻ thù.
Lúc đó mình chỉ nghĩ, ôi sao làm phụ nữ khó thế, biết đến thuở nào mình mới học để trở thành phụ nữ được? Và sau đó thì nghĩ mãi, không hiểu những người đàn ông đang đi đi lại lại ngoài đường kia, có bao giờ họ nghĩ, họ cần phải có trách nhiệm để phụ nữ đừng buông vào mặt họ những lời nặng nề không? Hay có những thứ đạo lý, chỉ phụ nữ mới cần phải học, và chỉ đúng với phụ nữ?
Sau này mình nghĩ được thêm ý nữa, không mới mẻ nhưng hài hước chết người. Thế lấy lòng tất thảy đàn ông trên thế giới này để làm gì? Đằng nào thì mình cũng đâu có xài hết đám đó?
Đừng có lộ ra với chàng là tớ đã từng...
Xong, một thời gian sau, đám bạn gái của mình có một cô yêu sớm nhất, rồi lấy chồng sớm nhất. Nhưng khổ nỗi nhân vật chính, anh chồng chưa cưới, lại chẳng phải là cái anh chồng mối tình đầu của cô. Có sao, cả tỷ người trên thế giới này đều vậy. Thế mà cô bạn xinh xắn của mình thì cứ thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Ngày mới yêu, cô ấy đi "tâm lý chiến" từng đứa bạn một, trong đó có mình. Cô ấy bảo: Đừng có nói lộ ra là tớ đã từng có một người yêu nhé!
- Ôi giời ơi, thôi được rồi sẽ giữ bí mật cho!
- Những ảnh trong album đi chơi của các bà, có hình người yêu cũ của tớ, làm ơn xé hết ngay cho tớ nhé! Phim cũng phải hủy hết nhé!
- Ừ, được, đảm bảo làm ngay!
- Làm ơn đừng hé ra là tớ từng làm thơ tình tặng người yêu cũ, còn được đăng báo nữa nhé!
- Ôi giời ơi, thôi được!
- Đừng hé ra là tớ thích tụ tập và hát karaoke, tớ chỉ thích đi uống cà phê một mình và ngồi yên ở nhà buổi tối để đọc sách thôi, rõ chưa!
- Hừmmm! Khác gì đâu!
deo-mat-na-lay-long-dan-ong-de-lam-gi-1
Trước ngày cưới, bạn tôi đi một vòng nữa để thủ thì từng người:
- Đừng hé ra là tớ rất vụng về nội trợ, phải khen là tớ đảm bà chăm chỉ lắm, nhớ chưa! Tớ lôi ông ý đến nhà ai chơi là phải tươi tỉnh mừng rỡ như bắt được vàng, nhớ chưa! Ông ấy hơi kiệm lời và nghiêm nghị như ông già, nhưng phải khen khéo ông ấy là đẹp trai xứng đôi với tớ, rõ chưa!
Tôi bắt đầu hồ nghi:
- Chẳng lẽ cả năm trời yêu nhau mà hắn không thấy chân tướng của... cậu à? Mà cưới xong thì lộ ra ngay là có biết bếp núc nội trợ đối nội đối ngoại thôi mà?
- Lúc đó hãy hay, gạo đã nấu thành cơm rồi! Khéo mồm rồi cũng thu xếp được cả! Mà cậu không thấy tớ đã thực sự thay đổi rồi à? Yêu ông ấy, tớ đã ngồi nhà đọc sách với ông ấy, tớ đã nghiện cà phê, tớ đã kín đáo hết bốc đồng, vứt hết váy đi, trở thành tuýp phụ nữ ông ấy thích, tương lai chắc chắn tớ cũng sẽ thay đổi chứ!
Tôi phì cười muốn nói đùa một câu, nhưng thấy câu nói của mình nhẫn tâm quá, nên đã không nói.
Đó là: Tôi muốn hỏi bạn, liệu bạn chỉ vì một người đàn ông mà che giấu bản thân, che giấu ý nghĩ, tính cách, sở thích, thói quen. Vậy bạn có chắc rằng, cái người đàn ông đi bên cạnh bạn ấy, ai đảm bảo anh ta đã không lừa bạn bằng một hình ảnh khác mà anh ta tạo dựng nên không?
Trên đời này, biết bao tay đàn ông vũ phu đã bao bọc bản thân bằng ngọt ngào, nịnh bợ, chiều hết lòng người yêu, để khi cưới về mới lộ nguyên hình những đòn bạo hành như đòn thù? Bao nhiêu tay đàn ông là đệ tử cờ bạc, thần bài, nhưng trước người phụ nữ theo đuổi lại tỏ ra chí thú và hào hoa? Đã bao nhiêu người vợ cưới chồng vài tháng mới biết chồng nghiện ngập, trai gái, thậm chí có con riêng, vợ cả vợ hai ba và đang thất nghiệp?
Cái sự uốn mình để làm vừa lòng đàn ông của những cô gái ấy, có quá ngây thơ và ấu trĩ không? Bởi mục đích của phụ nữ, nói cho cùng, chỉ đơn giản là muốn khéo léo tế nhị hơn, được hoàn hảo đẹp lên trong mắt đàn ông, được một lời khen, thế nhưng về bản chất thì vẫn là che giấu bản thân, khác gì việc những tay đàn ông che đậy bản chất thật?
Lấy lòng một người đàn ông có quan trọng đến thế không?
Mình vẫn mắc sai lầm, là vào những lúc khó chịu, vẫn phang vào mặt đàn ông những câu không kiêng dè. Cả đàn ông từng gặp trên bàn tiệc lẫn đàn ông gặp trên mạng mà chưa từng gặp mặt ngoài đời. Thế nên có những anh đàn ông thù mình xương tủy, sẵn sàng lê la khắp nơi kiếm cớ bôi nhọ mình, hại mình, hoặc đơn giản là căm ghét mình. Có khi chỉ vì một lời nói thẳng vào mặt họ, mà họ không chịu nổi.
Thế nhưng, hỡi những cô gái đang được bao vây bởi nhiều đàn ông, bạn bè đồng nghiệp và người quen trên mạng, đầy mình kinh nghiệm ứng xử với nam giới, trí thức mạng, cho mình hỏi một câu:
Lấy lòng được những người đàn ông vốn có tư chất như thế, có đáng hãnh diện không? Bạn có cần nhiều xưng tụng tung hô đến thế không? Hay bản thân tin vào những giá trị sống của bản thân là đủ, mà không cần uốn éo mình theo týp phụ nữ mà người-đàn-ông-nào-đó thích?
Mình khó mà học được cách khéo léo mềm mỏng lấy lòng đàn ông của những cô nàng ấy. Bởi, bạc đãi bản thân chỉ vì muốn vừa lòng người khác, về bản chất chính là một cách đối nhân xử thế đãi bôi nhất. Và, dù bạn đã học được cách bao bọc bản thân trong một vỏ bọc hoàn hảo ngọt ngào nhất, được lòng người nhất, khôn khéo nhất, không có nghĩa rằng, sẽ không có ai nhận ra những gì bạn có chỉ là một thứ vỏ bọc.

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

TIẾNG CƯỜI CỦA THƯỢNG ĐẾ?



 

Còn gì khổ hơn trong những cuộc trò chuyện tiếp xúc hàng ngày chúng ta luôn gặp phải những bộ mặt đưa đám. Ngược lại thật dễ chịu khi được sống bên cạnh những người vui vẻ. Thế nhưng chung quanh tiếng cười cũng có thể có dăm bảy cách hiểu...
Một chút hư vô giả tạo
Những cuộc tranh luận nho nhỏ là một bộ phận trong sinh hoạt tinh thần nói chung của con người hiện đại. Theo lẽ thông thường sau một hồi bàn cãi thể nào cũng có kẻ thua người được, người kém thế hơn nếu có đầu óc phục thiện hẳn phải nghiêm chỉnh nhìn nhận chỗ kém cỏi của mình. Đằng này ở ta những người thua cuộc có một lối thoát khỏi thế bí rất lạ. Là lật ngược câu chuyện, coi mọi việc chẳng qua là trò đùa và cười, cười lấy được. Tiếng cười ở đây là một thứ màn ngụy trang, một cách lấp liếm cốt quên mọi chuyện cho nhanh, thực chất là hành động của con đà điểu rúc đầu vào cánh, lảng tránh tất cả. Đôi khi lại thấy lối cười khẩy, ra cái điều đây chỉ là chuyện vặt ta không thèm chấp, cười để làm nhòe câu chuyện trong một màn sương hư vô. Nó tạm thời gỡ cho người thua cuộc đỡ mất thể diện, thậm chí còn làm cho anh ta có cái vẻ sang trọng hơn người, song thực chất cuối cùng thế nào thì cũng chẳng thoát khỏi mắt thiên hạ.
Có nên biến tất cả thành trò đùa?
Trong một đoạn trước, chúng tôi đã bàn qua tới cái cách của một số người, nói như Nguyễn Văn Vĩnh, là gì cũng cười. Những tiếng cười mà Nguyễn Văn Vĩnh miêu tả thường mang tính cách thụ động và là một lời thú nhận về sự bất lực mà người ta không giấu nổi khi không biết nên có thái độ thế nào trước đời sống.
Nhưng còn một loại gì cũng cười khác, người ta chủ động cười, muốn dùng tiếng cười hóa giải tất cả. Có thể lấy một chuyện đã quá xưa để liên hệ:
Các sử gia thời phong kiến ở ta xưa vốn tiết kiệm chữ nghĩa ít khi nói về tình cảm cá nhân của các nhân vật lịch sử, nhất là trong chuyện vui đùa. Vậy mà họ vẫn phải dành cho Lê Long Đĩnh (tức Lê ngọa triều) một ít dòng ngoại lệ. Theo cách trình bày của Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì ông vua chết trẻ này (sinh 985, mất 1009) có lẽ là vị vua hay cười nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhiều hành động của vua được miêu tả chỉ có một chủ đích là mua vui: Sai một gã phường chèo chuyên lóc thịt người có tội rồi bảo rằng nó không quen chịu đau và "cười ha hả"; bắt tù binh trèo lên ngọn rồi ở dưới chặt cây, thấy cây đổ thì "cười khanh khách" (Chữ trong ngoặc là lấy nguyên văn từ cuốn sách nghiêm túc đã dẫn). Cái sự thèm cười của vua phát triển đến mức Khâm định Việt sử thông giám cương mục còn kể "mỗi khi coi chầu, thể nào nhà vua cũng sai những kẻ khôi hài đứng hầu ở hai bên, nếu có ai nói gì thì chúng liến láu nói theo mà cười ồ, để làm át và đánh lạc những tiếng tâu bày việc nước của các quan". Nếu những tiếng cười nói trên ít nhiều có mang những nét bệnh hoạn, thì cái cười cuối cùng kể ra ở đây phơi bày một quan niệm sống, một trình độ của văn hóa trị nước mà nhà vua lúc ấy là kẻ đại diện. Dù có thể là Lê Long Đĩnh không có ý thức, song suy cho cùng, qua cái việc cười giễu cả những chuyện nghiêm chỉnh như thế này, nhà vua dường như muốn bảo rằng không có cái gì trên đời là quan trọng, cái gì cũng có thể mang ra làm trò đùa, kể cả những việc liên quan đến vận mệnh của đất nước. Cái bệnh thích cười như thế không ai có thể thương được!
Liệu có thể xem là những kỳ tích?
Từ bao đời nay, nhu cầu về tiếng cười vẫn là một nhu cầu chính đáng. Bởi lẽ vậy mà văn học dân gian nước nào thường cũng có một bộ phận gọi chung là truyện cười, riêng ở nước ta người xưa còn sáng tạo nên những truyện Trạng với một nhân vật xuyên suốt lấy chuyện chọc ghẹo thiên hạ cho mọi người vui làm lẽ sống. Sở dĩ người xưa cười nhiều như vậy có lẽ là vì đời sống hàng ngày đã khổ quá, trước những tai họa tự nhiên và xã hội, con người ta nhiều phen bất lực không có cách nào đề kháng, phải lấy tiếng cười để giải tỏa mọi ẩn ức. Suy cho cùng, đó là chính là một thứ biến tướng của phép thắng lợi tinh thần không ai bảo ai song đã lây truyền từ đời nọ sang đời kia, và tuy không được định danh đàng hoàng, song ra đời còn sớm hơn sự áp dụng còn uyển chuyển hơn ngón võ của chú AQ bên nước Tàu mà ngày nay nhiều người vẫn ham đọc. Có điều, gần đây một số người có xu hướng tuyệt đối hóa những tiếng cười này và đề chúng lên như một chiến công trên phương diện tinh thần. Mấy năm nay, các loại sách ghi chép tiếng cười dân gian là một món kinh doanh có lãi và được xuất bản thường xuyên, ví dụ như truyện Trạng Lợn. Trong khi vẫn kể toàn chuyện ông Trạng ngẫu nhiên may mắn ra sao, nói liều gặp thời như thế nào thì một trong những cuốn sách loại này được đặt tên khá mĩ miều là Kỳ tích Trạng Lợn, với hàm ý biểu dương vô điều kiện ông Trạng dân gian. Thật chưa bao giờ hai chữ kỳ tích lại bị lạm dụng đến thế.
Tiếng cười đối lập hay tiếp tục sự suy nghĩ?
Khi ca ngợi tiếng cười, một số người gần đây thích dẫn lại câu tục ngữ Do Thái mà nhà văn Pháp gốc Séc M. Kundera dẫn ra nhân bàn về tiểu thuyết: Con người suy nghĩ còn Thượng đế thì cười (Milan Kundera Tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn học, 2001). Người ta cố ý gán cho câu tục ngữ tuyệt diệu ấy một nội dung thực dụng: cái cười là cao hơn sự suy nghĩ, mọi sự lao tâm khổ tứ đều vô bổ chẳng hề mang lại một lợi ích cụ thể, vậy tốt hơn hết là cười cho xong, cười thoát thân, cười để khỏi bận tâm trước chuyện đời rắc rối. Nhưng liệu có nên dừng lại ở một cách hiểu theo nghĩa đen như vậy? Theo tôi hiểu, suy nghĩ là cả một đặc ân mà Thượng đế dành riêng cho con người, trong khoa học nhân văn có một từ riêng mang tên homo sapiens để chỉ một giai đoạn phát triển quan trọng mà loài người đạt tới, kể từ đó nhân loại mới thực sự trưởng thành. Mặc dù không bao giờ đạt tới chân lý tuyệt đối, song nhờ liên tục suy nghĩ, con người vẫn ngày càng tiến tới trong sự nhận thức đời sống. Có điều trong khi sống với niềm tin "Tôi tư duy vậy tôi tồn tại", thỉnh thoảng họ cần một chút nghỉ ngơi vui vẻ trước khi đi tiếp và tiếng cười được đề cao là với nghĩa ấy, bản thân tiếng cười của Thượng đế nói ở đây cũng đầy chất trí tuệ. Nên chú ý thêm là trong kho từ vựng của Kundera có một từ mà thường người ta để nguyên không dịch, đó là kitsch. Theo ông, kitsch là cái nhu cầu tự nhìn mình trong tấm gương dối trá, nó cũng là thái độ của kẻ muốn tự làm vui bằng bất cứ giá nào mà Kundera không bao giờ chịu nổi. Thành thử nếu cho rằng câu tục ngữ trên được đưa ra như lời kêu gọi vứt bỏ tư tưởng và thay bằng tiếng cười dễ dãi rồi tự cho rằng như thế là mình đã đạt tới sự hiền minh của Thượng đế, thì đó không chỉ là đi ngược với trí tuệ dân gian mà còn đi ngược với chính Kundera nữa. 


Vương Trí nhàn

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Ngày mai của ngày mai...





Thời gian cứ lăn dài theo nỗi nhớ
Chỉ còn lại mình em trên con đường nắng hạ thênh thang

Anh nơi đâu có hay

Miền yêu ta hẹn ngày nắng đẹp

Mà sao...giờ vẫn chỉ là hư ảo

Phải chăng...hạnh phúc là những nút thắt cuối cùng của nỗi đau

Phải chăng...cứ phải trải qua những đớn đau......ta mới tìm thấy hạnh phúc

Hay

Hạnh phúc chỉ là một hạt vàng lẫn trong sa mạc mênh mông

Mà ta có kiếm tìm đến kiện cùng sinh lực

Vẫn có khi

Tay trắng

Đôi khi em tự hỏi lòng

Thời gian đếm gỉ ? mà từng giọt tí tách rơi rơi

Ngoài kia, mưa vẫn chơi vơi đầy cho nỗi nhớ xót xa

Ngày qua ngày

Đêm qua đêm

Và nỗi nhớ trong em lại thêm lần khắc khoải

Nơi đâu ?

Anh có nghe lòng quặn lại

Một niềm đau

Em khắc khoải

Chờ trông

Nơi đâu ?

Anh có một phút buồn không ?

Khi ngoài kia

Con chim gù gọi bạn

Sâm Cầm bay chao chát

Tìm đôi

Hay cả những hòn cuội xa xôi

Cũng lăn vào

Tìm trốn ồn ã

Lựa cho mình góc đá

Dựa vào

Đôi khi ngược đường dốc lên cao

Em lại thấy

Ta cần thêm sức mạnh

Để vượt lên số phận

Tiến gần đến đôi tay

Mới hay

Vẫn cần thêm chút nữa

Mỗi lần ….lần nữa

Lại một lần em khéo thêm cho mình chút

Nhẫn nại

Hi vọng

Niềm tin



Mãi mãi tự hỏi lòng

Cho một ngày mai của ngày mai...
Ta có gặp
Không anh ?


MTV 
( http://muathuvang1123.blogspot.com/2013/07/ngay-mai-cua-ngay-mai.html )

Mắt thu



Trời còn làm mưa vùi trên nỗi đau
Lời ru ấy mãi cho u sầu
Bàn chân nuối tiếc thương lạc loài
Trời còn làm mây buồn qua mắt ai
Làm tan biến giấc mơ hoang đường
Rồi buồn trôi theo giòng mưa xuống

Giận hờn ngày xưa còn vương mắt em
Làn môi thắm hết ru bao chiều
Vùng ân ái chết trong mây hồng
Một lần vào thu mình đang có nhau
Hàng cây lá rớt trên mi thường
Và tay trắng đan tình với tay

Em có nhớ không một lần khi lá thu bay
Là lần em đến thăm tôi
Chung bước yêu đương hẹn hò
Em có nhớ không một lần khi gió heo mây
Mình ngồi đan giấc mơ say giận hờn sao vẫn chưa phai

Và rồi mùa thu về trong mắt em
Hàng cây lá úa xanh xao nhiều
Vòng tay khép kín đôi mi nồng
Chuyện mình ngày xưa đành xin lãng quên
Cuộc tình đã chết theo thu tàn
Người về đấy xin chọn giấc mơ 

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Bài thơ tình 28 của Tagore!



Đôi mắt âu lo, em buồn

Đôi mắt em nhìn vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia nhìn sâu vào biển cả,
Em đã biết cõi đời anh
Trong đời anh, anh không dấu em một điều gì cả,
Chính vì thế mà em không bao giờ hiểu biết hết về anh
Nếu đời anh là hạt ngọc,
Anh sẽ đập tan ra hàng trăm mảnh
để xâu thành một chuỗi hạt
và quàng vào cổ em

Nếu đời anh là một đoá hoa dịu dàng bé bỏng
Anh sẽ tách ra khỏi cành
và cài lên mái tóc em
Nhưng than ôi!
đời anh là một trái tim nào ai biết được bến bờ của nó
Và em là nữ hoàng của Vương quốc đó
Thế mà em có bao giờ biết được biên giới của nó đâu.
 

Nếu trái tim anh là lạc thú
Nó sẽ nở ra nụ cười sung sướng và em sẽ thấu suốt được ngay
Nếu trái tim anh là khổ đau
Nó sẽ lặng yên biến thành những hạt lệ trong phản chiếu nỗi niềm u uẩn
Nhưng trái tim anh là tình yêu
Niềm vui, nỗi buồn của nó là vô biên
Cái giàu cái nghèo của nó là trường cửu
Trái tim anh ở gần em như chính cuộc đời em đó
Nhưng em có bao giờ hiểu được rõ cả nó đâu.

(Tagore)

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐỂ THÀNH CÔNG


Mây Mây
        Mùa thi đại học lại bắt đầu, ngắm các sỹ tử sau bao ngày “dùi mài kinh sử” nay hồ hởi, háo hức và hồi hộp bước vào phòng thi, chắc hẳn ai đã từng trải qua cũng sẽ nao lòng nhớ lại hình ảnh của mình trước đó. Tất cả các thí sinh ai cũng mong mình làm bài tốt, hết khả năng có thể và không mắc sai lầm nào để có được kết quả tốt nhất, ai cũng mong mình sẽ trúng tuyển vào trường mà mình dự thi, có những sĩ tử thi 2,3 trường đại học, cao đẳng còn mong mình sẽ đỗ tất cả để “nở mày nở mặt”. Khi có kết quả thi đại học, cao đẳng, người đỗ thì vui vẻ tột cùng, người trượt thì buồn, thậm chí có bạn thất vọng, tuyệt vọng nên hành xử rất tiêu cực – tự tử, phải chăng do bạn quá kỳ vọng, quá tự tin vào bản thân và do áp lực từ gia đình, bè bạn nên khi kết quả không như mong muốn thì tự tử để giải thoát, nhưng đó không phải là cách làm đúng bởi đơn giản đại học không phải là con đường duy nhất để thành công.
        Học đại học, ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng có khả năng và điều kiện để học đại học, người có tiền thì không có tài, không thi nổi vào một trường đại học nào, người có kiến thức, có chí hướng thì điều kiện, hoàn cảnh gia đình không cho phép học đại học, măc dù hiện nay nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ giúp đỡ các bạn học sinh thực hiện ước mơ đại học nhưng thực tế thì còn rất nhiều em vì hoàn cảnh gia đình mà ngậm ngùi bỏ lỡ giấc mơ. Nhưng các bạn hãy nhìn vào thực tế sẽ thấy, không phải bạn nào học đại học ra cũng là đã thành công. Sau 4,5 thậm chí 6, 7 năm ngồi trên mái trường đại học, cầm tấm bằng cử nhân, kỹ sư ra trường không phải ai cũng kiếm được việc làm, đôi khi tìm được việc làm thì lại không đúng chuyên môn hay lĩnh vực mà mình được đào tạo, thử hỏi như thế hứng làm việc ở đâu ra và làm việc liệu có tốt được không?
                                
         Các thí sinh trong phòng thi đại học   
        Không học đại học, chúng ta có thể học nghề, hiện nay có rất nhiều trung tâm, nhiều trường dạy nghề, không chỉ dạy nghề những trung tâm này còn tạo điều kiện việc làm cho học viên, nhiều bạn có tay nghề giỏi đã rất thành công trong cuộc sống. Thậm chí không học đại học chúng ta có thể làm nông nghiệp, đừng cười vì nghĩ cuộc đời sẽ là “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, không, không, làm nông nghiệp hiên nay bào gồm cả chăn nuôi chuồng trại, thời buổi ngày nay máy móc phát triền, làm nông nghiệp nhàn hơn xưa rất nhiều, bạn có thể vay vốn nhà nước để làm trang trại, chăn nuôi bò, lợn,… không có gì là quá khó, khởi đầu có thể không thuận tiện nhưng càng làm ta sẽ có kinh nghiệm để tích lũy, ban đầu sản xuất nhỏ, khi có kinh nghiệm thì mở rộng hơn, thực tế có rất nhiều “ông chủ” đã và đang tiếp tục làm giàu bằng nông nghiệp. Làm công nhân cũng là một con đường mà rất nhiều bạn trẻ đã chọn, tất nhiên công nhân không có tay nghề, không có kinh nghiệm lương không cao và làm việc cũng vất vả, nhưng chỉ cần chăm chỉ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, làm thêm, làm tăng ca, thì đảm bảo thu nhập của bạn cũng sẽ rất khá và như thế vẫn còn tốt hơn những kẻ lông bông ăn bám bố mẹ, hay những kẻ bán rẻ lương tâm để kiếm tiền.
        Xã hội bây giờ vẫn coi trọng người có bằng cấp, đó là điều ai cũng biết, nhưng tại sao người ta cứ nghĩ tới bằng cấp mà không nghĩ rằng cái bằng đó do đâu mà có, có phải do đúng sự cố gắng học hành mà có không. Chính vì việc này nên nước ta hiện nay trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm sau mưa rào, nhiều trường thậm chí người ta không nộp hồ sơ thi, không thi, chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là gửi giấy báo trúng tuyển. chất lượng đầu vào của sinh viên quá thấp thì dù điều kiện dạy học có tốt tới đâu, chất lượng đầu ra của sinh viên cũng không cao được. Học tại những trường đó ra khi cầm tấm bằng đi xin việc chắc chắn chỉ nhận được cái lắc đầu của các công ty, doanh nghiệp mà thôi. Như thế chẳng phải bạn đã phí thời gian để rồi không được gì sao, chi bằng dành thời gian đó để làm cái khác có ích hơn cho bản thân và xã hội có tốt hơn không. Rồi người ta nghĩ học đại học thì “tư cách con người” sẽ tốt hơn những người không học đại học, nhưng đó là một quan điểm sai lầm, nhân cách không quyết định bằng việc học đại học. Nói đâu xa, như Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, đó học đại học, cao đẳng mà làm những việc vi phạm pháp luật, những việc mà dù biêt sai trái đấy, đáng khinh bỉ coi thường đấy thế mà vẫn làm, nghĩ rằng đó là yêu nước nhưng tới một người thất học người ta còn biết thế nào là yêu nước nói gì một sinh viên có học hành tử tế, ngụy biện mà cũng không có lý do phù hợp. Hay như Cù Huy Hà Vũ, tiến sỹ hẳn hoi đấy mà vẫn làm phản động, thậm chí chống đối tới cùng, vào tù rồi vần nghĩ cách chống đối. Đó, như thế thì học đại học, cao đẳng mà để làm gì.
        Tất nhiên, không phải nói như thế mà các bạn lại không tiếp tục học để thực hiện ước mơ đại học của mình, các bạn hãy cố gắng để vào được các trường đại học tên tuổi, có truyền thống, còn những ai không có khả năng, không có điều kiện thì hãy tìm cho mình một hướng đi đúng đắn, hợp lý để trang trải cuộc sống trước mắt, sau này sẽ tìm cơ hội học sau, dù cho ngã rẽ cuộc đời của chúng ta có thẳng, có cong, dù làm gì, thì tôi, các bạn hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước hết để làm người.

Đàn ông ví mỏng


Hồi lâu rồi tôi có đọc trên mạng một chia sẻ không còn nhớ của bạn nào, rằng, trong đám bạn trai của bạn ấy, anh nào dùng ví xịn chắc chắn là anh hiếm tiền nhất bọn.
Có lẽ bởi cái ví da đắt tiền của anh ấy không nhét nổi nhiều tờ tiền cho lắm. Đi ăn cả đám nếu có chi trả cũng rất rón rén. Còn anh nào không dùng ví da lại là anh chàng hào phóng nhất, luôn móc tiền ra trả cho cả đám một cách rất hồn nhiên. Và tất nhiên, tiền cũng nhiều nhất đám, nhiều tới nỗi chẳng cái ví da nào đựng nổi cả cục.




Không thấy bạn ấy nói đến mệnh giá của những tờ tiền. Tuy nhiên hình dung ra cái cách ứng phó với tiền cũng đã thấy ngộ nghĩnh. Như thể nhìn thấy trong đó cả phong thái của chủ nhân. Dù cố gắng tránh lỗi sơ đẳng là lấy tiền ra để xét đoán người, nhưng rõ ràng, trong câu chuyện ấy hoàn toàn không hề chỉ định nói về tiền, mà còn nói về đàn ông trong mắt đàn bà. Và tiền chỉ là một phản chiếu nào đó của người đàn ông đang đứng sừng sững.

Có lần tôi đi dạo phố với một anh bạn. Chúng tôi tìm được một chiếc áo sơ mi trắng cho anh ấy ở một sạp hàng dọc phố, tôi nghĩ anh ấy mặc áo này sẽ rất vừa và đẹp. Giá rất mềm vì là sạp bán lẻ trên phố du lịch. Rất bất ngờ là anh bạn tôi đã không mặc thử cũng không mua cái áo đó. Anh dắt tôi vào cửa hàng thời trang lớn cách đó năm mươi mét và mua đúng cái áo đó, với giá đắt hơn khoảng ba trăm Đài tệ, tức là đắt hơn khoảng hai trăm nghìn đồng tiền Việt. Tôi rất kinh ngạc.

Tôi hỏi sao anh kỳ quặc thế? Không phải cùng nhãn hiệu, cũng chính là cái áo này sao? Cửa hàng này nó có bảo hành áo sơ mi cho anh à? Hay đàn ông thì cứ phải vào cửa hàng xịn mới thấy tự tin, còn em mua ở hè phố của chợ đêm thì làm anh mất tư cách?

Anh bạn tôi điềm đạm nói:

- Ai cũng như em, thì những cửa hàng lớn họ sập tiệm hết ư? Mình sống thì mình cũng phải cho người khác sống nữa chứ!

Tôi sực nhớ ra anh bạn tôi cũng là một chủ doanh nghiệp, và anh ấy cũng đang phải cạnh tranh rất dữ dội trong kinh doanh. Có thể, tôi là đàn bà nên trong mắt tôi chỉ có mệnh giá của tờ tiền. Còn trong mắt anh bạn đàn ông ấy, tiền chỉ là một thông điệp!



Chả trách, nạn nhân của mua chung, nhóm mua, shopping tập thể toàn là… đàn bà! Bị mắc mồi giá rẻ nên sẵn sàng bỏ tiền ra cho một thứ vốn không nằm trong dự định chi tiêu của bản thân. Và về bản chất quản lý tài chính gia đình, đó chính là những đồng tiền lạm chi, đẩy ngân sách gia đình vào nguy cơ ngay lập tức.

Hóa ra có lúc, cái đồng tiền tưởng “được rẻ” của đàn bà như thế lại chẳng bằng cái đồng tiền tưởng “chi đắt” của đàn ông!

Tôi nghĩ nhìn vào việc đàn ông kiếm tiền và tiêu tiền, ta có thể phán đoán ra năng lực giỏi giang và đẳng cấp văn hóa của người đàn ông đó. Đàn ông kiếm tiền là năng lực, tiêu tiền là văn hóa.Thật bi kịch nếu có tay đàn ông nào vỗ ngực nói: “Tôi kiếm tiền thì rất có văn hóa, và tiêu tiền thì rất… có năng lực!”. Ôi trời!



Cho nên, tôi chẳng quan tâm việc đàn ông tiêu tiền thế nào, anh mua siêu xe hay anh đòi bạn gái chi trả nửa tiền cho bữa cà phê! Nhưng, đàn ông ví dày hay mỏng có lẽ chẳng quan trọng bằng việc, anh đừng để việc tiêu tiền của mình thành thị phi và đàm tiếu của đám đông!

Kiểu như họ nói, ví anh rất xịn! Nhưng mỏng!


Trang H

HOA TRÂM ỔI


Trâm Ổi còn gọi là Ngũ Sắc, loài hoa có hương thơm như trái ổi chín, nói lên sự hài hòa hoặc sự gan lì, dám đương đầu với mọi thử thách. Hoa có tên khoa học Cosmos Bipinnuatus, thuộc họ Cúc. Trong tiếng Anh "cosmos" có nghĩa là hài hòa. Loài này có cây và cành hoa đều mềm mại, bông có nhiều màu: đỏ, trắng, hồng gần như nở quanh năm.














Là loài cây nhỏ, nhiều cành ngang, có lông và gai ngắn quặp về phía dưới. Lá hình bầu dục, nhọn, mặt lá xù xì, mép lá có răng cưa, mặt trên có lông ngắn cứng, mặt dưới lông mềm hơn, phiến lá dài 3–9 cm, rộng 3–6 cm, cuống lá ngắn, phía trên cuống có dìa. Hoa không cuống, nhiều giống màu trắng, vàng, vàng cam, tím hay đỏ mọc thành bông dạng hình cầu; hoa có lá bắc hình mũi giáo. Đài hình chuông, có hai môi. Tràng hình ống có bốn thùy không đều. Quả hình cầu, màu đỏ nằm trong lá đài, chứa hai hạch cứng, xù xì.



























Cái hay của những bông hoa này là mỗi vòng hoa nhỏ lớn dần lên, từ ngoài vào trong, lại biến đổi màu theo thời gian. Đầu tiên khi mới nở có màu tim tím, trăng trắng, ít ngày sau hoa lớn dần thì vòng hoa nhỏ phía ngoài chuyển dần sang màu vàng nhạt, rồi màu vàng nghệ, màu đỏ, rồi màu đỏ thẫm. Trên bờ dậu, cây hoa này mọc cùng các cây khác, chúng dựa vào nhau mà lên. Khi hoa nở, cả bờ dậu như một bó hoa nhiều màu trông thật đẹp. Có thể vì thế mà người dân quê trồng cây hoa này chăng?