" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016
Trần gian còn cô Tấm
Ta mãi mê Hằng Nga mà quên trần gian còn cô Tấm
ngày qua ngày gánh thóc sang sông
mái tóc thả rông bết bồng mồ hôi của đất
da thịt mặn nồng mùi rơm rạ đồng chiêm
ánh mắt lá răm cong bờ hoàng hôn tím
bẽn lẽn phập phồng vồng ngực ngóng trông
câu hò mênh mông ửng hồng con sóng
nóng bỏng lưng ong cháy vạt cỏ non
Ta nát tang bồng say trăng vớt bóng
rượu thâu canh mê đắm vị đắng cay
bến tàn phai đợi chờ Hằng Nga tái thế
nối lương duyên bắn hạ mặt trời
Đôi chân chẻ bùn em vẫn gánh thóc qua sông
len lén đong tấm lòng vào bầu hy vọng
để ta say
ta sống với cuồng ngông
để ta say
ta sống với bão giông
để ta say
ta sống với đục trong
Ta mãi mê Hằng Nga mà quên trần gian còn cô Tấm
đêm đêm lặng thầm góp nhặt câu thơ
ta đánh rơi trong trời mơ rạn vỡ
nứt nẻ tình bến đợi nhận duyên
Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016
SÔNG & NGƯỜI ...
SÔNG CÀNG SÂU CÀNG TĨNH , NGƯỜI CÀNG HIỂU CÀNG BIẾT KHIÊM NHƯỜNG
Nước sâu chảy không một tiếng động, nước nông, nước cạn sẽ chảy róc rách. Người nông cạn, khoa trương sẽ giống như nước cạn vậy. Còn người có đủ tĩnh khí, khiêm nhường, biết mình sẽ giống như một nguồn nước sâu. Bạn muốn mình là nguồn nước sâu hay là một dòng nước cạn?
Walter Raleigh (1552 – 29 .10. 1618) là nhà chính trị, nhà sử học, nhà thơ nổi tiếng của Anh thời kỳ văn hóa phục hưng từng sáng tác một bài thơ về tình yêu. Trong đó ông đem tình cảm mãnh liệt ví như dòng nước chảy.
Ông viết: “Nước cạn chảy róc rách mà nước sâu lại chảy không phát ra một tiếng động. Một người nếu luôn nói lời đường mật thì trong lòng sẽ là “hư tình giả ý”
Kỳ thực, trong cuộc sống, sự thành thật và lương thiện cũng giống như nước chảy vậy, cũng không cần phải tận lực khoa trương, ca ngợi. Con người chỉ có tâm thái bình tĩnh và tường hòa mới có thể đạt được cảnh giới tư tưởng cao thượng.
Ở một ngôi làng nọ, có hai cha con người đàn ông trung niên sống cùng nhau. Một hôm trời đẹp, người cha rủ con trai đi vào rừng dạo chơi. Cậu con trai vô cùng cao hứng đi cùng bố. Hai cha con đi đến đoạn đường uốn lượn thì dừng lại.
Trong một phút trầm lặng ngắn ngủi, người cha hỏi con: “Con trai! Ngoài tiếng chim đang hót ra, con còn nghe được thấy tiếng gì khác không?”
Cậu bé sau một hồi lắng nghe liền trả lời cha: “Cha ơi, con còn nghe được cả tiếng xe ngựa nữa ạ!”
Người cha lại hỏi tiếp: “Đúng rồi! Đó là một chiếc xe ngựa trống, không chở gì cả.”
Cậu con trai ngạc nhiên hỏi lại: “Chúng ta con chưa nhìn thấy nó, sao cha lại biết đó là chiếc xe ngựa trống rỗng?”
Người cha đáp: “Từ âm thanh con có thể dễ dàng nhận ra đó là một chiếc xe trống không. Xe ngựa càng trống rỗng, thì âm thanh sẽ càng to.”
Về sau này, cậu con trai trưởng thành, là một người thông minh, giỏi giang và thành đạt. Mỗi lần cậu chứng kiến một ai đó dùng lời lẽ ba hoa, lỗ mãng để nói chuyện, tự cho là mình đúng, tự cao tự đại, hạ thấp người khác thì cậu đều nhớ đến lời nói của cha vẫn như đang văng vẳng bên tai mình: “Xe ngựa càng trống rỗng thì âm thanh sẽ càng to.”
Những người đã từng qua sông cũng biết rằng, trước khi qua sông, người ta thường lấy một hòn đá ném nó xuống nước để phỏng đoán độ sâu của con sông. Bọt nước bắn lên càng cao thì chứng tỏ nước sông càng cạn, càng nông. Trái lại, nơi nào không có bọt nước bắn lên, không nghe thấy âm thanh lớn thì chứng tỏ chỗ ấy nước càng sâu, thậm chí sâu không thể đo được…
Nước càng sâu, chảy càng không có tiếng động. Xe ngựa càng trống rỗng thì tiếng động càng lớn. Làm người cũng nên như vậy!
Người có thể dùng tâm thái bình tĩnh, “bình tâm tĩnh khí” để nói chuyện với người khác thì sẽ trách được việc khắc khẩu, cãi vã giữa đôi bên. Người như vậy cũng sẽ càng học được cách lắng nghe người khác, mà lại không cường điệu, khoa trương chính mình!
Source Internet
sân ga đón mỗi một con tàu
Nơi người sống mùa này lạnh lắm phải không
con gió đông hẳn khát thèm ngụm lửa
đôi môi thơm có còn ươm mầm hứa
đón xuân về hôn miết tóc mây
Ở nơi nầy phố vẫn thơ ngây
phơi thân nắng đốt cháy tim gầy
đêm lẩy bẩy cùng gió đông run rẩy
đợi cơn say vun đắp giấc ngủ đầy
Giữa lưng chừng cành mai nở trắng
tiếng chuông nhà thờ lỡ dỡ lời kinh
đôi nhân tình giáng sinh câu thề hẹn
xây sân ga đón mỗi một con tàu
Nơi người sống những bông hoa tuyết có khát khao
được tan chảy trên bờ môi nóng bỏng
hơi thở phập phồng thịt da nồng ấm
sân ga lặng thầm hé nụ tình xuân
Trời đất tưng bừng bướm hoa quyến rũ
cơn say hội tụ đầy đủ hình nhân...
Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016
BÃO QUA
Ban mai rắc nắng xanh mướt lá
trời trong mây trắng gió la cà
bầy sẻ ngoài sân xỉa xối lông
nhà bên thiếu phụ ngúng nguẩy mông
Ngọn bấc trên cành thiu thỉu ngủ
đông hoi hóp lạnh mùa chạnh lòng
phố qua cơn bão hưng hứng sướng
hây hây má đỏ môi son hồng
Bóng phơi thềm cũ lưu luyến mộng
một góc hồn ta xao xuyến trông
ai kia chải tóc mịn màng quá
ngân ngấn làn da nỗi nhớ mong
Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016
Tẩu thuốc đồng thau thời Pháp
Tẩu thuốc đồng thau thời Pháp-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh
CHIẾC CHÉN KỲ DIỆU- CHÉN KHỔNG TỬ
Được nhiều người biết đến với cái tên chén “Khổng Tử”, món cổ vật quý giá của dòng họ Lê tại nhà cổ Tấn Ký, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là một minh chứng điển hình cho sự uyên thâm, sâu sắc của người xưa.
Chén cổ bí ẩn
Đến thăm nhà cổ Tấn Ký tại số nhà 101 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An, ngoài lối kiến trúc cổ kính độc đáo được lưu giữ gần như trọn vẹn suốt 200 năm, điều làm nhiều du khách trầm trồ không dứt chính là bộ sưu tập chén bát, đĩa, bình cổ lên tới hàng trăm chiếc được gia đình nhà họ Lê – chủ nhà Tấn Ký trưng bày, giới thiệu. Giữa hàng trăm món cổ vật giá trị, chiếc chén “Khổng Tử” nổi bật lên như một món bảo vật quý của dòng họ. Nước men không quá đặc biệt, “tuổi đời” cũng không hẳn cao hơn những cổ vật khác, sự độc đáo của chiếc chén cổ nằm ở công năng kì lạ chưa ai giải thích được, cũng như những bài học thâm trầm theo thời gian năm tháng của người xưa.
Theo lời bà Tân Xuân, dâu đời thứ 6 của tộc Lê, món cổ vật quý của gia đình được cụ tổ sưu tầm được từ hơn 200 trước. Trước khi được một chuyên gia về đồ cổ của Nhật giúp xác định niên đại và tìm hiểu lai lịch, chiếc chén nhỏ được gia đình gọi là chén “tám phần” hay chén không đầy. Cái tên đơn giản, nhưng bật lên được sự độc đáo lạ kì ẩn chứa đằng sau vật quý.
Thoạt trông, chiếc chén cũng giống như những chiếc chén uống trà, uống rượu thông thường khác, chỉ lạ hơn chút xíu ở bức tượng hình ông tiên nhô lên giữa lòng chén. Ngay dưới chân ông tiên là một lỗ thoát nước nhỏ thông với đáy chén phía ngoài. Đây cũng là nơi cất giấu những mấu chốt của bí mật, là nguồn gốc cho những điều thêu dệt kì bí về những bí mật ẩn giấu đằng sau chiếc chén cổ của người xưa.
Chiếc chén “Khổng Tử” rót nước mãi mà vẫn không đầy
Chiếc chén “Khổng Tử” kỳ lạ rót nước không đầy.
Trước cái nhìn ngạc nhiên pha lẫn nghi ngờ của chúng tôi, bà Tân Xuân quyết định lấy chiếc chén ra “biểu diễn”, một việc rất hiếm khi xảy ra bởi gia đình chỉ đem chén “Khổng Tử” ra trong những dịp đặc biệt. Vừa từ từ rót nước vào chén, bà Xuân vừa giải thích: “Chén có tên là chén tám phần bởi nó chỉ chấp nhận… 8 phần nước, rót nhiều hơn chút là nó đổ đi ngay”. Mực nước lên đến 8 phần chén, ngập khoảng đến cổ ông tiên, bà dừng lại, nước vẫn được giữ trong chén bình thường. Nhưng, khi bà Xuân vừa nghiêng tay châm thêm chút xíu, như có phép lạ, nước trong chén ồ ạt chảy ra ngoài qua cái lỗ nhỏ dưới chân bức tượng. Thoáng chốc, cái chén đã rỗng không.
Chiếc chén “Khổng Tử” rót nước mãi mà vẫn không đầy
Điều nhiều người thắc mắc là, tại sao cũng cái lỗ đấy mà khi đổ “tám phần” nước vào mà nước không chảy, nhưng chỉ thêm chừng “nửa phần” nữa là nước bị chảy đi, mà chảy đi bằng hết, làm chén rỗng không chứ không phải chảy một phần nhỏ bằng với lượng nước châm thêm vào?
Lời dạy của cao nhân
Theo những lời giới thiệu của gia đình họ Lê với du khách xa gần, chiếc chén quý của gia đình có nguồn gốc từ Trung Hoa, do cụ tổ mua được từ những thương nhân bên đó sang buôn bán. Đây là món đồ gắn liền với vị triết gia nổi tiếng “Khổng Tử”. Tương truyền, trong một lần đi qua sa mạc, “Khổng Tử” vừa đói vừa khát tưởng chừng sắp chết. May mắn thay, ông gặp một ông lão và được dẫn tới một ao nước, cho một cái chén để múc nước uống. Đương lúc khát khô, “Khổng Tử” xuống múc một chén nước đầy nhưng vừa đưa đến miệng thì nước chảy sạch đi không còn giọt nào. Sau vài lần như thế, ông hiểu ra rằng muốn uống được nước thì chỉ múc lưng chừng. Về sau, “Khổng Tử” hình thành nên thuyết Trung dung, chủ trương con người phải biết kiềm chế hành vi, giữ mình ở trạng thái trung hòa, không thái quá. Nội dung thuyết này khá khó hiểu với người đời, nên các môn đệ của ông đã làm ra chiếc chén không đầy như trên để người đời dễ hiểu và làm theo.
Giữ mình vừa phải, tránh sa vào những suy nghĩ thái quá, cực đoan mà dẫn tới những điều không hay, những hành động không đúng mực… là bài học thâm trầm được người xưa khéo gửi gắm trong chiếc chén cổ. Có ít, vừa phải thì đủ để tận hưởng, nhưng tham lam quá thì lắm khi lại trở về con số 0, như dòng nước trôi tuột đi không cảm xúc. Theo một chuyên gia Nhật Bản được gia đình họ Lê nhờ xác định niên đại, chiếc chén “Khổng Tử” có từ 550-600 năm về trước. Như vậy là từng ấy thời gian, những bài học uyên thâm đó lặng lẽ đi cùng năm tháng, trải qua bao luân lạc thăng trầm cùng chiếc chén rồi đến tay và nằm yên vị trong những món đồ gia bảo của một tộc họ lâu đời bên bến sông Hoài.
Nguồn : http://www.dauxua.com/
Năm loại sâu mọt
Theo Hàn Phi (thiên XLIX, quyển XIX), nước loạn thường có 5 loại sâu mọt (ngũ đố). Và những loại này sẽ làm mất nước (từ cũ, mới phải dùng từ mất chế độ). Cụ thể:
1. Bọn học giả điếm chữ: Bọn này thường đem cái tài biện luận ra để tô vẽ những điều không còn giá trị thực tiễn. Làm cho người ta ngờ vực giữa cái hiện tại và quá khứ, dẫn đến nghi ngờ pháp luật và chính sách hiện tại.
2. Bọn tuyên truyền cực đoan: Bọn này là cái loa cho để cho các đối tượng có mục đích lợi dụng. Chúng bày ra những chuyện dối trá, lấp liếm ngụy biện cái sai để đánh lừa sự nhìn nhận của dư luận. Chúng tô hồng và đánh bóng các chủ thuyết của nhóm lợi dụng mặc dù biết điều đó là sai trái.
3. Bọn hiếu chiến: Bọn này thường khoe cái tiết tháo không sợ chết của mình để hô hào xung đột dẫn đến xem thường pháp luật.
4. Bọn cơ hội chủ nghĩa: Bọn này thường là những kẻ có tiền và có mối quan hệ với quyền lực. Chúng dùng tiền để né tránh các trách nhiệm xã hội. Ví dụ như hối lộ để con mình không phải đi lính, mua quan bán chức ở tầm dưới.
5. Bọn thương nhân hám lợi: Bọn này với quan điểm làm giàu bằng mọi giá và giữ tiền bằng mọi cách. Chúng sẵn sàng bán rẻ lợi ích đất nước cho kẻ thù, miễn là có lợi cho bản thân (ví dụ bán tài nguyên thô của đất nước, thậm chí bán cả bí mật quốc gia). Chúng sẵn sàng chuyển tài sản ra nước ngoài nếu trong nước có biến cố.
Cả năm loại này là những con sâu mọt của đất nước. Nếu không trừ bỏ chúng, cũng như không khuyến khích bảo vệ và chăm lo cho những học giả, binh lính, thương nhân và người lao động chân chính thì chắc chắn thiên hạ sẽ loạn. Và chế độ sẽ bị diệt vong.
Điều đó không có gì lạ cả.
Baron Trịnh biên soạn lại,
Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016
Mẹ
Nồng Nàn Phố
Xin lỗi mẹ vì những nông nổi trẻ con để không hiểu tường tận phận số đàn bà
Nhiều lần làm mẹ buồn như sông xanh muốn ngừng dòng không chảy
Hình như trước điều vĩ đại nào sự ngây ngô làm sao che đậy
Trước mẹ con mới chập chững làm người
Đã bao lần khiến ngực mẹ phạc phờ rồi
Vẫn đinh ninh chỉ một câu thưa không tròn làm người già quặn thắt
Người già như đứa trẻ ưa ngọt mật
Mà con lại hư thân
Đã dưỡng chăm con từ cục máu đỏ hòn trưởng thành muôn phần
Đã hứng bão giông nhét vào lòng để đời con cao rộng
...ru con canh khuya nhìn con say giấc nồng làm nhựa sống
Nuôi mẹ vĩnh yên ngọt hạnh qua ngày
Phút đáp đền chưa thành câu con đã như đứa say
Chuốc hư danh, chuốc rêu rao, chuốc tâng bốc bạn bè địa vị
Thằng say trong con vị kỷ
Không tỉnh lại nhìn vết châm chim vì máu mủ phải bơ vơ...
Con xin lỗi vì bắt mẹ phải chờ
Ngày nước mắt chảy ngược vào lòng con thấu tâm can thằng bất hiếu
Mọi phù hoa hất đi như rượu
Thằng say trong con bừng tỉnh để làm người
Đã già nua, hổ báo trước nhân gian quá rồi
Mà chiều nay úp mặt vào lòng tay gầy con thấy mình bé dại
Như cánh chim viễn phương trở về đậu lên mái
Chiếc tổ có một người đàn bà sống sót bởi lời ru...
Con về như một đứa con hư
Thèm mẹ đánh lên lưng để thấy mình hạnh phúc
Con về bên mẹ là nhờ đức
Của riêng mình mẹ thôi!
P/s: Ở đâu có Mẹ ở đó là Nhà
Xổ số và các trò chơi may rủi dưới góc nhìn xã hội học
Les loteries et les jeux de hasard sous l’angle sociologique
.
Bài này đã đăng trên Văn hóa Nghệ An:
http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/xo-so-va-cac-tro-choi-may-rui-duoi-goc-nhin-xa-hoi-hoc
Một phiên bản ngắn hơn 300 từ và có biên tập lại chút ít cho “phù hợp vớ tình hình nước ta” cũng có thể đọc được ở đây
http://dantri.com.vn/dien-dan/choi-xo-so-va-cac-tro-choi-may-rui-duoi-goc-nhin-xa-hoi-hoc-20161206160248139.htm
.
Báo chí gần đây rầm rộ đăng tin các người trúng số với các món tiền lên đến hàng chục hay tròm trèm hàng trăm tỉ đồng.
“Người đeo mặt nạ nhận giải vé số hơn 92 tỉ đồng”
“… trúng vé số đặc biệt hơn 64 tỉ đồng ở TP.HCM”
“Một người ở Vũng Tàu trúng số hơn 56 tỉ đồng”
.
Trong một xã hội mà đại đa số dân còn nghèo, các chuyện trúng số như thế quả là các sự kiện kỳ diệu, giúp một gia đình đổi đời, cho dân tình còn hi vọng, còn tin vào sự hên xui may rủi và tin vào số phận. Điều này là động lực thúc đẩy sự gia tăng số lượng người chơi, qua đó đẩy mạnh sự phát triển của ngành xổ số.
Nhưng không ai cho biết khả năng trúng số. Một hi vọng trúng giải nhất trên bao nhiêu triệu người chơi? Và còn một sự thật được giấu kỹ khác: cơ quan xổ số không bao giờ thua lỗ, họ quảng cáo truyền thông tiếp thị để tăng doanh thu và dân tình hóa thành những … con cừu non bị huyễn hoặc.
.
Nước nào cũng có các cuộc xổ số như thế – Để dân “tình nguyện” đưa tiền cho chính phủ. Thí dụ của Euro Millions chẳng hạn: Euro Millions là một xổ số đa quốc gia, 9 nước trong đó có Anh, Pháp và Bỉ, cho những giải tới hàng trăm triệu Euros nhưng chỉ có 1 hi vọng trên 116.000.000 người chơi. Đó là một …kỹ nghệ thịnh vượng. Doanh số mỗi năm lên hàng sáu hay bảy tỉ Euros và chính phủ các nước bỏ túi khoảng phân nửa doanh số đó. Ngoài Euro Millions, nước nào cũng có các loại xổ số và các trò chơi may rủi khác (casino, cá ngựa,…).
.
Bài này nêu, ngắn gọn, 8 chi tiết biết được qua các khảo cứu xã hội học ở Pháp về vấn đề xổ số nói riêng và các trò chơi may rủi, nói chung.
1. Doanh số của toàn thể các cuộc xổ số và các trò may rủi ở Pháp hàng năm lên tới hơn 53 tỉ Euros (1)
Để so sánh, xin nói là ngân sách thu mỗi năm của nước Pháp là khoảng 386 tỉ Euro. – tức là doanh số này tương đương 1/7 ngân sách. Chính phủ Pháp phải “củng cố” nguồn tài chính này để ít nhất là thu thuế trên đó. (2)
Hầu như là người Pháp nào cũng có ít nhầt là một lần trong đời mua vé số hay vào chơi casino, nhất là ở những lúc đi nghỉ hè, hoặc đánh cá trên đua ngựa, …
2. Trên vi mô, hiện trong tâm trí nhiều người, việc làm, buôn bán, không đủ và không cho phép làm giàu – cùng lắm là chỉ có thể trang trải chi tiêu cuộc sống. Thế nên mua vé số các loại là cách duy nhất để có thể đổi đời. Các tổ chức truyền thông tiếp thị “hùa” vào và khai thác chủ đề này bằng cách cho lên truyền hình và lên mạng các kỳ quay kết quả xổ số như những “bữa tiệc” sang trọng.
Hay phỏng vấn trực tuyến những người may mắn trúng các giải đặc biệt.
Tương tự, các trò chơi may rủi, cá cược, lô đề, casino … cũng được dân tình xem như là những con đường … tắt để làm giàu (3).
Khẩu hiệu quảng cáo của Euro Millions thể hiện rõ ước mơ này của dân tình “Hãy trở thành giàu một cách khủng khiếp!” – một kiểu như … đánh đúng ngay vào tim đen của thiên hạ.
3. Cũng trên vi mô, giá của mỗi vé số, dù là vé số chọn gạch, vé số cổ điển hay vé số cà, … đều vừa túi tiền, chỉ 2,5 hay 5 euro, tức là còn trong giới hạn của khái niệm “tiền lẽ”, một khái niệm tâm lý của phàm phu tục tử. Chính vì vậy, ngay cả người không có lương ổn định cũng ít ngần ngại trước khi mua vé số.
4. Nhưng phàm phu tục tử ấy quên rằng gom góp chung lại 2,5 hay 5 euro đó, cuối năm, thành trung bình 460 euros cho năm 2012 cho mỗi người chơi thường xuyên – cho mỗi người chơi chứ không phải cho mỗi công dân – vì họ mua nhiều vé mỗi lần và nhiều lần trong mỗi tuần – tính ra tiền đồng thì trên 10 triệu mỗi năm cho chi tiêu này! (1).
Vấn đề nghiện chơi vé số có thật vì thỉnh thoảng, trúng những lô an ủi giúp người chơi giữ niềm hi vọng để tiếp tục mua vé số.
5. Ai mua vé số, ai chơi?
Những người chơi thường là nam giới (57%) nhưng phụ nữ cũng chơi đấy (43%). Về nghề nghiệp, ở Pháp, họ là 41%, tức là gần phân nửa toàn thể số người chơi, không đi làm hay đã nghỉ hưu – ở đây con số này nhấn mạnh một làn nữa vai trò chơi như một dịp để tái lập liên hệ xã hội – reliance – sẽ bàn đến ở điểm sau.
Các nhà xã hội học cho biết là đa phần người chơi vé số và chơi các trò may rủi thuộc tầng lớp ít học hơn những giai tầng khác, hoàn cảnh tài chính kém hơn – vì thế nhu cầu cần làm giàu nhanh chóng cao hơn.
6. Chơi vé số còn là những cơ hội để hòa đồng vào xã hội.
Thật vậy, trong một xã hội mà càng ngày ai ở nhà nấy, đi làm thì cắm cổ vào công việc, về nhà thì đã mệt mõi, đi cà phê phải tốn tiền , … thiên hạ thành bị cô lập. Đó làhiện tượng mất liên hệ xã hội – la déliance – Đi mua vé số hay đến một điểm để ghi thẻ chọn gạch cho họ một dịp có liên hệ xã hội. Mỗi tuần như thế thành thói quen, tập tính.
7. Trừu tượng hơn, hên xui may rủi đặt tất cả mọi người trên một bình đẳng tuyệt đối. “Có thể anh sinh ra nơi cha mẹ giàu. Anh có việc làm tốt, lương to, vợ anh hiền , …nhưng trời cao có mắt, tôi sẽ may mắn hơn anh trong kỳ xổ số này và tôi sẽ không còn thua kém anh nữa”. Hi vọng giúp con người sống và các lý luận tương tự thường gặp nơi những người chơi vé số.
8. Bệnh nghiện chơi vé số và các trò may rủi?
Mắt nợ, trộm vặt, khó khăn trong liên hệ vợ chồng, … là những hậu quả thường gặp nơi các người nghiện trò chơi may rủi hay người mua vé số mỗi tuần.
Họ khai rằng họ chơi vì thói quen, vì bị cuốn hút bởi các lô thưởng vĩ đại, vì để chống lại những khó khăn trong cuộc sống – mỗi lần chơi là tự biếu cho mình một phút chốc hi vọng được trúng số, được giải, …
Các nhà chuyên môn về bệnh nghiện chơi bảo rằng nghiện chơi cũng nặng và khó trị như nghiện ma túy.
INSERM, Viện quốc gia Nghiên cứu về Y khoa Pháp đã viết một báo cáo 889 trang về vấn đề “nghiện chơi trò may rủi”. Bản cô đọng 85 trang có thể đọc được ở đây
http://www.ipubli.inserm.fr/bitstream/handle/10608/103/Synthese.html
Theo báo cáo này, trong quảng đại quần chúng ở Pháp, khoảng 1,5 tới 2,5% (tùy độ tuổi) dân tình bị lệ thuộc, lệ thuộc như nghiện mà không từ bỏ được, các trò chơi may rủi trong đó có vé số.
.
Đó là chưa nói tới các trò chơi tiền bạc trên mạng – một nguy hiểm còn nặng hơn vì ai cũng có thể tiếp cận ngày đêm 24/24 – Một chủ đề cũng cần được bàn (5).
Nguyễn Huỳnh Mai
(1)
http://www.economie.gouv.fr/files/files/directions_services/observatoire-des-jeux/Note_ODJ_7.pdf
(2)
https://fr.wikipedia.org/wiki/Budget_de_l%27%C3%89tat_fran%C3%A7ais
(3) Martignoni J.P., Faire de l’argent avec l’existence. Agora débats/jeunesse, vol. 10. n°1, trang 49-60.
http://www.persee.fr/doc/agora_1268-5666_1997_num_10_1_1567
(4) Báo cáo INSERM:
http://www.ipubli.inserm.fr/bitstream/handle/10608/103/Synthese.html
(5)
http://www.enjeuxemedias.org/IMG/pdf/tendances_jeux_en_ligne_2013_0.pdf
KHOA HỌC VA PHẬT GIÁO
1/Tháng 5/2008: Tìm ra băng tuyết trên sao Hỏa giúp giải trình ý niệm Thấp sinh trong cõi Lục đạo.
Sau 7 tháng du hành trong không gian, phi thuyền Phoenix do JPL/NASA điều khiển đã đáp xuống sao Hỏa (Mars). Hai ngày sau, ngày 31-5-2008, khi đào xới một khoảng đất nhỏ, máy ảnh của phi thuyền thấy một vũng sáng trắng lấp lánh. Giám đốc nghiên cứu Peter Smith cho rằng trong khi hạ cánh, phi thuyền Phoenix đã thổi bay một mãng bụi cát và làm lộ ra một lớp băng tuyết. Ngày 19-6-2008, các nhà khoa học so sánh 2 tấm ảnh chụp vũng sáng trắng đó ở hai thời điểm (cách nhau 4 ngày), rồi đối chiếu với nhiệt độ cũng như áp xuất khí quyển và nhiều thông số khoa học khác giữa hai khoảng thời gian đó, họ tuyên bố các “vũng sáng” nầy chính là nước đóng băng thành cục, nay đã tan chảy. Như vậy, kết hợp với sự có mặt của khí Methane tìm được sau nầy (2014) trên sao Hỏa, thì theo Sinh-Hóa học, có nước là ắt có4 yếu tố (solvent, temperature buffer, metabolite và living environment) để tạo hệ sinh thái cho vi sinh vật (living microbial organism) xuất hiện và tồn tại.
Từ trước đến nay, khoa học và thần học Tây phương cho rằng sinh vật vốn chỉ xuất hiện trên quả địa cầu mà thôi. Thậm chíKinh Cựu Ước, sách Sáng Thế của Thiên Chúa giáo, còn khẳng định rằng mọi sinh vật (gồm 2 “con người” đầu tiên, Adam và Eva, và muôn loài) được Chúa Trời tạo dựng trong vườn “Địa Đàng” ở trên quả địa cầu nầy cách đây chỉ mới khoảng 6 nghìn năm (theo phả hệ của gia đình ngài Giêsu, do Tông đồ Luke liệt kê, vốn là hậu duệ đời thứ 77 của ông thủy tổ loài người Adam). Kinh sách Phật giáo thì cho rằng “hình hài” của sinh vật do nhân duyên và nghiệp lực tác động tích hợp mà thành, và được tạo ra trong 4 loại môi trường: Thai sinh, Thấp sinh, Noản sinh và Hóa sinh trong đó Thấp sinh là hệ sinh thái ẩm thấp có nước. Ngoài ra, cũng theo Phật giáo, tùy nghiệp lực và nhân duyên mà chúng sanh có thể đầu thai về một trong 6 cõi Lục đạo, trong đó có cả các “cõi trời” ngoài trái đất trong Tam thiên đại thiên thế giới.
Như vậy, sự kiện phi thuyền Phoenix khám phá ra dấu tích của nước trên sao Hỏa, tạo tiền đề sinh-hóa học cho sự hiện diện của sinh vật, thì phù hợp với lời dạy về “Thấp sinh” và cõi trời trong “Lục đạo” mà kinh sách Phật giáo đã nói tới. Từ đó mới thấy rằng cách đây gần 26 thế kỷ, giữa lúc nhân loại còn mông muội và sợ hãi phủ phục trước thiên nhiên, hoặc giữa lúc kiến thức con người còn bị khống chế bởi những lý thuyết về thần linh sáng tạo đầy huyển hoặc, thì Đức Phật đã bằng trí tuệ của mình, biết được có những sinh vật hiện diện trong vũ trụ bao la rồi. Ngài đã chỉ nói thật, đúng như lời Ngài di giáo trước lúc nhập Niết bàn: “Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.”
2/Tháng 10/2012: Giải Nobel Hóa học làm rõ thuyết Thập Nhị Nhân Duyên.
Giải Nobel Hoá học năm 2012 thuộc về hai nhà khoa học Mỹ Robert Lefkowitz và Brian Kobilka cho các nghiên cứu về “Các thụ thể bắt cặp protein G” (G-protein-coupled receptors: GPCR). Công trình của hai nhà khoa học này đặt nền tảng trên ngành Hoá học, giải thích GPCR hoạt động trong cơ thể con người như thế nào, nhờ đó giải mã các chuỗi phản ứng hoá học tạo cảm giác, xúc cảm của con người. Công trình có liên quan mật thiết đến lĩnh vực Y Dược, đặc biệt thúc đẩy sự nghiên cứu phát triển các dược phẩm.
“Thập nhị nhân duyên” là chuỗi 12 giai đoạn cụ thể hoá thuyếtDuyên khởi nhằm lý giải sự hình thành và phát triển của nghiệp, của đời sống, nhất là của khổ. Đạo Phật ra đời nhằm để diệt khổ, vì thế, “Thập nhị nhân duyên” trước hết vạch ra tiến trình của sự dứt khổ, nhưng đồng thời lại nêu rõ sự hình thành của con người và thế giới. Thập nhị nhân duyên là mười hai giai đoạn làm nên một đời của con người, giai đoạn trước làm tiền đề cho giai đoạn sau, giai đoạn này sinh thì giai đoạn kia sinh, giai đoạn này diệt thì giai đoạn kia diệt, các giai đoạn nối tiếp nhau tạo vòng sinh tử. Đó là Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh sắc, Danh sắc sinh Lục nhập, Lục nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sinh, Sinh sinh Lão Tử.
Riêng giai đoạn “Lục nhập sinh Xúc”, tức khi con người tiếp xúc với môi trường bên ngoài và có những cảm xúc như thương yêu, sợ hãi thì đã được giải mã làm rõ qua các công trình nghiên cứu khoa học mà đỉnh cao là công trình của hai nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel Hoá học 2012. Việc tìm ra các thụ thể và vai trò của chúng trong việc truyền tin (cái nầy sinh/diệt thì cái kia sinh/diệt) không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ con người, mà còn giúp con người hiểu rõ hơn về nguồn gốc và cơ chế phát sinh cảm giác, sau đó là cảm xúc của bản thân mình. Cho rằng giải Nobel 2012 góp phần làm rõ thuyết “Thập nhị nhân duyên”, ở chỗ giải thích được “Lục nhập sinh Xúc” là vì thế.
[Trích từng phần từ: Nguyễn Hữu Đức, Giải Nobel Hóa Học Làm Rõ Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên]
3/. Tháng 10/2016: Giải Nobel Y-Sinh học về quá trình Tái sinh của tế bào và ý niệm Vô thường của Phật giáo.
Ngày 3-10-2016, giải Nobel Y-Sinh học được trao cho một nhà khoa học Nhật Bản là Giáo sư Yoshinori Oshumi. Ông hiện là giáo sư của Học Viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology). Ông là người Nhật thứ 4 được trao giải Nobel Y-Sinh học, và người Nhật thứ 25 được trao giải Nobel. Giải thưởng năm nay ghi nhận khám phá liên quan đến cơ chế sinh tử của tế bào, được đặt tên tiếng Anh là macroautophagy, nhưng thường thì gọi tắt là autophagy. Thuật ngữ autophagy xuất phát từ tiếng Hi Lạp, có nghĩa là "tự ăn", nhưng có lẽ dịch sang tiếng Việt là "tự thực". Thật ra, nghĩa đúng và đầy đủ là quá trình tế bào tái sinh.
Mỗi ngày, để duy trì sức khoẻ bình thường, cơ thể chúng ta phải đào thải một lượng protein bị hư hỏng, và thay thế chúng bằng protein mới. Tính chung, mỗi ngày cơ thể chúng ta cần phải thay thế khoảng 200 đến 300 g protein. Nhưng trong khi chúng ta chỉ thu nạp khoảng 60-80 g, và hơn phân nửa là bị thải ra, vậy thì lấy đâu để thay thế? Đó là "bí mật" của cơ thể. Giáo sư Yoshinori Oshumi tìm ra được cơ chế thay thế đó. Hoá ra, các tế bào và protein trong chúng ta có khả năng tự tái sinh (self-recycling). Nói cách khác, trong điều kiện thiếu thốn, các protein tự chúng tái sinh để đáp ứng đủ khối lượng protein mà cơ thể cần thiết. Cơ chế tái sinh này được đặt tên là autophagy. Ý nghĩa "tự thực" được hiểu từ cơ chế đó.
Khái niệm sinh - diệt của tế bào rất gần với ý niệm "vô thường" trong Phật giáo. Kinh Tứ Thập Nhị Chương có thuật một câu chuyện, mà theo đó Đức Thế Tôn hỏi các tỳ kheo rằng con người sống bao lâu. Người thì trả lời là 100 năm, người cho rằng 70 năm, người lại nói vài tháng. Chỉ có một tỳ kheo nói rằng mạng người sống chỉ có một hơi thở! Đức Thế Tôn khen vị tỳ kheo đã hiểu đúng về định luật vô thường của sự sống. Định luật vô thường ở đây có thể hiểu là chu trình thành-trụ-hoại-không. Chu trình này diễn ra liên tục không ngơi nghỉ trong cơ thể chúng ta.
Thật vậy, trong thực tế sinh học, tất cả chúng ta sống và chết trong một giây, và qui trình sinh-diệt này diễn ra một cách liên tục cho đến ngày chúng ta giã từ trần thế. Do đó, nói rằng chúng ta chết và sống trong từng giây không phải là một ví von, một mĩ từ tôn giáo, mà là một thực tế sinh học. Phát hiện của Giáo sư Yoshinori Oshumi tuy không mới nhưng giải thích được cái cơ chế của định luật vô thường qua phương pháp khoa học hiện đại.
Phát hiện về cơ chế tự thực của Giáo sư Yoshinori Oshumi không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn phảng phất triết lí nhà Phật. Quá trình tái sinh của tế bào là một khía cạnh của ý niệm vô thường.Thật ra, rất nhiều những gì mà giới khoa học ngày nay gọi là "khám phá" hay "phát hiện" thực chất chỉ là minh hoạ và giải thích những ý niệm đã được Đức Phật phát biểu cách đây hơn 2500 năm. Nhưng cái đẹp của khoa học hiện đại là những phương pháp tinh vi và chính xác có thể giúp chúng ta xác minh và hiểu biết tốt hơn những ý tưởng cổ điển mà các bậc hiền triết ngày xưa nghĩ đến.
[Trích từng phần từ: Nguyễn Văn Tuấn, Giải Nobel Y-Sinh học phảng phất ý niệm Vô thường]
Hình trái - Ngày 29-10-2015, thông qua chiến dịch vận động củaGlobal Buddhist Climate Change Collective, 15 nhà lãnh đạo Phật giáo đã ra một Thông điệp ủng hộ “Tuyên Ngôn 2009 của Phật giáo về Thay đổi Khí hậu”.
Hình phải – Ngày 3-10-2016, giải Nobel Y-Sinh học được trao cho Giáo sư người Nhật Yoshinori Ohsumi do những khám phá liên quan đến cơ chế sinh tử của tế bào (Autophagy.
-- () --
Mười năm đã trôi qua. Mười sự kiện có ý nghĩa lớn nêu trên như mười hạt ngọc lưu ly được gắn thêm vào một xâu chuổi ngọc trí tuệ, lóng lánh nội hàm của ba tạng kinh điển Phật giáo. Mỗi sát na biến hiện là mỗi sát na hiển lộ thêm tính Chân Thực vi diệu của lời Phật dạy, vượt ra ngoài và lên trên tri kiến tục đế để xuyên suốt vào từ Cực Tiểu vi tế của mầm sống đến Cực Đại mênh mông của vũ trụ bao la.
Lời Đức Phật dặn dò năm xưa, trước lúc Ngài giả biệt đệ tử, như còn vang vọng đâu đây trong chiều dài không-thời-gian vô tận, trong chiều sâu thăm thẳm của tâm thức hàng tỷ chúng sinh. Hãy mở lòng mở trí đọc lại một lần nữa để cùng nhau kiên trì và tinh tấn đi trên con đường thênh thang an lạc mà Đức Phật đã đi:
“Này các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn của ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con; không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa.”…
“Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo Pháp, trên con đường tu tập Đạo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không thấy ta một cách thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của ta mới thật sự nhìn thấy ta.”…
“Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.
Này các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào Niết bàn. Những lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con”.
Trí Tánh Đỗ Hữu Tài
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)