Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

CHIẾC CHÉN KỲ DIỆU- CHÉN KHỔNG TỬ







Được nhiều người biết đến với cái tên chén “Khổng Tử”, món cổ vật quý giá của dòng họ Lê tại nhà cổ Tấn Ký, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là một minh chứng điển hình cho sự uyên thâm, sâu sắc của người xưa.
Chén cổ bí ẩn

Đến thăm nhà cổ Tấn Ký tại số nhà 101 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An, ngoài lối kiến trúc cổ kính độc đáo được lưu giữ gần như trọn vẹn suốt 200 năm, điều làm nhiều du khách trầm trồ không dứt chính là bộ sưu tập chén bát, đĩa, bình cổ lên tới hàng trăm chiếc được gia đình nhà họ Lê – chủ nhà Tấn Ký trưng bày, giới thiệu. Giữa hàng trăm món cổ vật giá trị, chiếc chén “Khổng Tử” nổi bật lên như một món bảo vật quý của dòng họ. Nước men không quá đặc biệt, “tuổi đời” cũng không hẳn cao hơn những cổ vật khác, sự độc đáo của chiếc chén cổ nằm ở công năng kì lạ chưa ai giải thích được, cũng như những bài học thâm trầm theo thời gian năm tháng của người xưa.

Theo lời bà Tân Xuân, dâu đời thứ 6 của tộc Lê, món cổ vật quý của gia đình được cụ tổ sưu tầm được từ hơn 200 trước. Trước khi được một chuyên gia về đồ cổ của Nhật giúp xác định niên đại và tìm hiểu lai lịch, chiếc chén nhỏ được gia đình gọi là chén “tám phần” hay chén không đầy. Cái tên đơn giản, nhưng bật lên được sự độc đáo lạ kì ẩn chứa đằng sau vật quý.

Thoạt trông, chiếc chén cũng giống như những chiếc chén uống trà, uống rượu thông thường khác, chỉ lạ hơn chút xíu ở bức tượng hình ông tiên nhô lên giữa lòng chén. Ngay dưới chân ông tiên là một lỗ thoát nước nhỏ thông với đáy chén phía ngoài. Đây cũng là nơi cất giấu những mấu chốt của bí mật, là nguồn gốc cho những điều thêu dệt kì bí về những bí mật ẩn giấu đằng sau chiếc chén cổ của người xưa.

Chiếc chén “Khổng Tử” rót nước mãi mà vẫn không đầy



Chiếc chén “Khổng Tử” kỳ lạ rót nước không đầy.

Trước cái nhìn ngạc nhiên pha lẫn nghi ngờ của chúng tôi, bà Tân Xuân quyết định lấy chiếc chén ra “biểu diễn”, một việc rất hiếm khi xảy ra bởi gia đình chỉ đem chén “Khổng Tử” ra trong những dịp đặc biệt. Vừa từ từ rót nước vào chén, bà Xuân vừa giải thích: “Chén có tên là chén tám phần bởi nó chỉ chấp nhận… 8 phần nước, rót nhiều hơn chút là nó đổ đi ngay”. Mực nước lên đến 8 phần chén, ngập khoảng đến cổ ông tiên, bà dừng lại, nước vẫn được giữ trong chén bình thường. Nhưng, khi bà Xuân vừa nghiêng tay châm thêm chút xíu, như có phép lạ, nước trong chén ồ ạt chảy ra ngoài qua cái lỗ nhỏ dưới chân bức tượng. Thoáng chốc, cái chén đã rỗng không.

Chiếc chén “Khổng Tử” rót nước mãi mà vẫn không đầy

Điều nhiều người thắc mắc là, tại sao cũng cái lỗ đấy mà khi đổ “tám phần” nước vào mà nước không chảy, nhưng chỉ thêm chừng “nửa phần” nữa là nước bị chảy đi, mà chảy đi bằng hết, làm chén rỗng không chứ không phải chảy một phần nhỏ bằng với lượng nước châm thêm vào?

Lời dạy của cao nhân

Theo những lời giới thiệu của gia đình họ Lê với du khách xa gần, chiếc chén quý của gia đình có nguồn gốc từ Trung Hoa, do cụ tổ mua được từ những thương nhân bên đó sang buôn bán. Đây là món đồ gắn liền với vị triết gia nổi tiếng “Khổng Tử”. Tương truyền, trong một lần đi qua sa mạc, “Khổng Tử” vừa đói vừa khát tưởng chừng sắp chết. May mắn thay, ông gặp một ông lão và được dẫn tới một ao nước, cho một cái chén để múc nước uống. Đương lúc khát khô, “Khổng Tử” xuống múc một chén nước đầy nhưng vừa đưa đến miệng thì nước chảy sạch đi không còn giọt nào. Sau vài lần như thế, ông hiểu ra rằng muốn uống được nước thì chỉ múc lưng chừng. Về sau, “Khổng Tử” hình thành nên thuyết Trung dung, chủ trương con người phải biết kiềm chế hành vi, giữ mình ở trạng thái trung hòa, không thái quá. Nội dung thuyết này khá khó hiểu với người đời, nên các môn đệ của ông đã làm ra chiếc chén không đầy như trên để người đời dễ hiểu và làm theo.

Giữ mình vừa phải, tránh sa vào những suy nghĩ thái quá, cực đoan mà dẫn tới những điều không hay, những hành động không đúng mực… là bài học thâm trầm được người xưa khéo gửi gắm trong chiếc chén cổ. Có ít, vừa phải thì đủ để tận hưởng, nhưng tham lam quá thì lắm khi lại trở về con số 0, như dòng nước trôi tuột đi không cảm xúc. Theo một chuyên gia Nhật Bản được gia đình họ Lê nhờ xác định niên đại, chiếc chén “Khổng Tử” có từ 550-600 năm về trước. Như vậy là từng ấy thời gian, những bài học uyên thâm đó lặng lẽ đi cùng năm tháng, trải qua bao luân lạc thăng trầm cùng chiếc chén rồi đến tay và nằm yên vị trong những món đồ gia bảo của một tộc họ lâu đời bên bến sông Hoài.

Nguồn : http://www.dauxua.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét