1/Tháng 5/2008: Tìm ra băng tuyết trên sao Hỏa giúp giải trình ý niệm Thấp sinh trong cõi Lục đạo.
Sau 7 tháng du hành trong không gian, phi thuyền Phoenix do JPL/NASA điều khiển đã đáp xuống sao Hỏa (Mars). Hai ngày sau, ngày 31-5-2008, khi đào xới một khoảng đất nhỏ, máy ảnh của phi thuyền thấy một vũng sáng trắng lấp lánh. Giám đốc nghiên cứu Peter Smith cho rằng trong khi hạ cánh, phi thuyền Phoenix đã thổi bay một mãng bụi cát và làm lộ ra một lớp băng tuyết. Ngày 19-6-2008, các nhà khoa học so sánh 2 tấm ảnh chụp vũng sáng trắng đó ở hai thời điểm (cách nhau 4 ngày), rồi đối chiếu với nhiệt độ cũng như áp xuất khí quyển và nhiều thông số khoa học khác giữa hai khoảng thời gian đó, họ tuyên bố các “vũng sáng” nầy chính là nước đóng băng thành cục, nay đã tan chảy. Như vậy, kết hợp với sự có mặt của khí Methane tìm được sau nầy (2014) trên sao Hỏa, thì theo Sinh-Hóa học, có nước là ắt có4 yếu tố (solvent, temperature buffer, metabolite và living environment) để tạo hệ sinh thái cho vi sinh vật (living microbial organism) xuất hiện và tồn tại.
Từ trước đến nay, khoa học và thần học Tây phương cho rằng sinh vật vốn chỉ xuất hiện trên quả địa cầu mà thôi. Thậm chíKinh Cựu Ước, sách Sáng Thế của Thiên Chúa giáo, còn khẳng định rằng mọi sinh vật (gồm 2 “con người” đầu tiên, Adam và Eva, và muôn loài) được Chúa Trời tạo dựng trong vườn “Địa Đàng” ở trên quả địa cầu nầy cách đây chỉ mới khoảng 6 nghìn năm (theo phả hệ của gia đình ngài Giêsu, do Tông đồ Luke liệt kê, vốn là hậu duệ đời thứ 77 của ông thủy tổ loài người Adam). Kinh sách Phật giáo thì cho rằng “hình hài” của sinh vật do nhân duyên và nghiệp lực tác động tích hợp mà thành, và được tạo ra trong 4 loại môi trường: Thai sinh, Thấp sinh, Noản sinh và Hóa sinh trong đó Thấp sinh là hệ sinh thái ẩm thấp có nước. Ngoài ra, cũng theo Phật giáo, tùy nghiệp lực và nhân duyên mà chúng sanh có thể đầu thai về một trong 6 cõi Lục đạo, trong đó có cả các “cõi trời” ngoài trái đất trong Tam thiên đại thiên thế giới.
Như vậy, sự kiện phi thuyền Phoenix khám phá ra dấu tích của nước trên sao Hỏa, tạo tiền đề sinh-hóa học cho sự hiện diện của sinh vật, thì phù hợp với lời dạy về “Thấp sinh” và cõi trời trong “Lục đạo” mà kinh sách Phật giáo đã nói tới. Từ đó mới thấy rằng cách đây gần 26 thế kỷ, giữa lúc nhân loại còn mông muội và sợ hãi phủ phục trước thiên nhiên, hoặc giữa lúc kiến thức con người còn bị khống chế bởi những lý thuyết về thần linh sáng tạo đầy huyển hoặc, thì Đức Phật đã bằng trí tuệ của mình, biết được có những sinh vật hiện diện trong vũ trụ bao la rồi. Ngài đã chỉ nói thật, đúng như lời Ngài di giáo trước lúc nhập Niết bàn: “Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.”
2/Tháng 10/2012: Giải Nobel Hóa học làm rõ thuyết Thập Nhị Nhân Duyên.
Giải Nobel Hoá học năm 2012 thuộc về hai nhà khoa học Mỹ Robert Lefkowitz và Brian Kobilka cho các nghiên cứu về “Các thụ thể bắt cặp protein G” (G-protein-coupled receptors: GPCR). Công trình của hai nhà khoa học này đặt nền tảng trên ngành Hoá học, giải thích GPCR hoạt động trong cơ thể con người như thế nào, nhờ đó giải mã các chuỗi phản ứng hoá học tạo cảm giác, xúc cảm của con người. Công trình có liên quan mật thiết đến lĩnh vực Y Dược, đặc biệt thúc đẩy sự nghiên cứu phát triển các dược phẩm.
“Thập nhị nhân duyên” là chuỗi 12 giai đoạn cụ thể hoá thuyếtDuyên khởi nhằm lý giải sự hình thành và phát triển của nghiệp, của đời sống, nhất là của khổ. Đạo Phật ra đời nhằm để diệt khổ, vì thế, “Thập nhị nhân duyên” trước hết vạch ra tiến trình của sự dứt khổ, nhưng đồng thời lại nêu rõ sự hình thành của con người và thế giới. Thập nhị nhân duyên là mười hai giai đoạn làm nên một đời của con người, giai đoạn trước làm tiền đề cho giai đoạn sau, giai đoạn này sinh thì giai đoạn kia sinh, giai đoạn này diệt thì giai đoạn kia diệt, các giai đoạn nối tiếp nhau tạo vòng sinh tử. Đó là Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh sắc, Danh sắc sinh Lục nhập, Lục nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sinh, Sinh sinh Lão Tử.
Riêng giai đoạn “Lục nhập sinh Xúc”, tức khi con người tiếp xúc với môi trường bên ngoài và có những cảm xúc như thương yêu, sợ hãi thì đã được giải mã làm rõ qua các công trình nghiên cứu khoa học mà đỉnh cao là công trình của hai nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel Hoá học 2012. Việc tìm ra các thụ thể và vai trò của chúng trong việc truyền tin (cái nầy sinh/diệt thì cái kia sinh/diệt) không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ con người, mà còn giúp con người hiểu rõ hơn về nguồn gốc và cơ chế phát sinh cảm giác, sau đó là cảm xúc của bản thân mình. Cho rằng giải Nobel 2012 góp phần làm rõ thuyết “Thập nhị nhân duyên”, ở chỗ giải thích được “Lục nhập sinh Xúc” là vì thế.
[Trích từng phần từ: Nguyễn Hữu Đức, Giải Nobel Hóa Học Làm Rõ Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên]
3/. Tháng 10/2016: Giải Nobel Y-Sinh học về quá trình Tái sinh của tế bào và ý niệm Vô thường của Phật giáo.
Ngày 3-10-2016, giải Nobel Y-Sinh học được trao cho một nhà khoa học Nhật Bản là Giáo sư Yoshinori Oshumi. Ông hiện là giáo sư của Học Viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology). Ông là người Nhật thứ 4 được trao giải Nobel Y-Sinh học, và người Nhật thứ 25 được trao giải Nobel. Giải thưởng năm nay ghi nhận khám phá liên quan đến cơ chế sinh tử của tế bào, được đặt tên tiếng Anh là macroautophagy, nhưng thường thì gọi tắt là autophagy. Thuật ngữ autophagy xuất phát từ tiếng Hi Lạp, có nghĩa là "tự ăn", nhưng có lẽ dịch sang tiếng Việt là "tự thực". Thật ra, nghĩa đúng và đầy đủ là quá trình tế bào tái sinh.
Mỗi ngày, để duy trì sức khoẻ bình thường, cơ thể chúng ta phải đào thải một lượng protein bị hư hỏng, và thay thế chúng bằng protein mới. Tính chung, mỗi ngày cơ thể chúng ta cần phải thay thế khoảng 200 đến 300 g protein. Nhưng trong khi chúng ta chỉ thu nạp khoảng 60-80 g, và hơn phân nửa là bị thải ra, vậy thì lấy đâu để thay thế? Đó là "bí mật" của cơ thể. Giáo sư Yoshinori Oshumi tìm ra được cơ chế thay thế đó. Hoá ra, các tế bào và protein trong chúng ta có khả năng tự tái sinh (self-recycling). Nói cách khác, trong điều kiện thiếu thốn, các protein tự chúng tái sinh để đáp ứng đủ khối lượng protein mà cơ thể cần thiết. Cơ chế tái sinh này được đặt tên là autophagy. Ý nghĩa "tự thực" được hiểu từ cơ chế đó.
Khái niệm sinh - diệt của tế bào rất gần với ý niệm "vô thường" trong Phật giáo. Kinh Tứ Thập Nhị Chương có thuật một câu chuyện, mà theo đó Đức Thế Tôn hỏi các tỳ kheo rằng con người sống bao lâu. Người thì trả lời là 100 năm, người cho rằng 70 năm, người lại nói vài tháng. Chỉ có một tỳ kheo nói rằng mạng người sống chỉ có một hơi thở! Đức Thế Tôn khen vị tỳ kheo đã hiểu đúng về định luật vô thường của sự sống. Định luật vô thường ở đây có thể hiểu là chu trình thành-trụ-hoại-không. Chu trình này diễn ra liên tục không ngơi nghỉ trong cơ thể chúng ta.
Thật vậy, trong thực tế sinh học, tất cả chúng ta sống và chết trong một giây, và qui trình sinh-diệt này diễn ra một cách liên tục cho đến ngày chúng ta giã từ trần thế. Do đó, nói rằng chúng ta chết và sống trong từng giây không phải là một ví von, một mĩ từ tôn giáo, mà là một thực tế sinh học. Phát hiện của Giáo sư Yoshinori Oshumi tuy không mới nhưng giải thích được cái cơ chế của định luật vô thường qua phương pháp khoa học hiện đại.
Phát hiện về cơ chế tự thực của Giáo sư Yoshinori Oshumi không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn phảng phất triết lí nhà Phật. Quá trình tái sinh của tế bào là một khía cạnh của ý niệm vô thường.Thật ra, rất nhiều những gì mà giới khoa học ngày nay gọi là "khám phá" hay "phát hiện" thực chất chỉ là minh hoạ và giải thích những ý niệm đã được Đức Phật phát biểu cách đây hơn 2500 năm. Nhưng cái đẹp của khoa học hiện đại là những phương pháp tinh vi và chính xác có thể giúp chúng ta xác minh và hiểu biết tốt hơn những ý tưởng cổ điển mà các bậc hiền triết ngày xưa nghĩ đến.
[Trích từng phần từ: Nguyễn Văn Tuấn, Giải Nobel Y-Sinh học phảng phất ý niệm Vô thường]
Hình trái - Ngày 29-10-2015, thông qua chiến dịch vận động củaGlobal Buddhist Climate Change Collective, 15 nhà lãnh đạo Phật giáo đã ra một Thông điệp ủng hộ “Tuyên Ngôn 2009 của Phật giáo về Thay đổi Khí hậu”.
Hình phải – Ngày 3-10-2016, giải Nobel Y-Sinh học được trao cho Giáo sư người Nhật Yoshinori Ohsumi do những khám phá liên quan đến cơ chế sinh tử của tế bào (Autophagy.
-- () --
Mười năm đã trôi qua. Mười sự kiện có ý nghĩa lớn nêu trên như mười hạt ngọc lưu ly được gắn thêm vào một xâu chuổi ngọc trí tuệ, lóng lánh nội hàm của ba tạng kinh điển Phật giáo. Mỗi sát na biến hiện là mỗi sát na hiển lộ thêm tính Chân Thực vi diệu của lời Phật dạy, vượt ra ngoài và lên trên tri kiến tục đế để xuyên suốt vào từ Cực Tiểu vi tế của mầm sống đến Cực Đại mênh mông của vũ trụ bao la.
Lời Đức Phật dặn dò năm xưa, trước lúc Ngài giả biệt đệ tử, như còn vang vọng đâu đây trong chiều dài không-thời-gian vô tận, trong chiều sâu thăm thẳm của tâm thức hàng tỷ chúng sinh. Hãy mở lòng mở trí đọc lại một lần nữa để cùng nhau kiên trì và tinh tấn đi trên con đường thênh thang an lạc mà Đức Phật đã đi:
“Này các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn của ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con; không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa.”…
“Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo Pháp, trên con đường tu tập Đạo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không thấy ta một cách thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của ta mới thật sự nhìn thấy ta.”…
“Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.
Này các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào Niết bàn. Những lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con”.
Trí Tánh Đỗ Hữu Tài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét