Phạm Cao Dương
Chiến tranh đồng nghĩa với bom đạn, với súng gươm, với giết chóc, với gian lao, khổ ải, với tàn phá, hủy diệt, ... mà lại nói tới lãng mạn, hay dù hẹp hơn, tới thi ca lãng mạn là một điều hoàn toàn nghịch lý, khó có thể tưởng tượng được. Nhưng đối với những người Việt Nam đã từng sống trong cuộc chiến ba mươi năm vừa qua, đây lại là một sự thực, một sự thực có bằng chứng hẳn hoi mà người tìm hiểu khó có thể chối cãi. Nó hoàn toàn đúng ít ra là cho ba năm đầu của cuộc chiến nếu ta tính từ cuối năm 1946 khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới thực sự bùng nổ trên toàn quốc Việt Nam đến năm 1949 là năm Mao Trạch Đông và Đảng Cộng Sản của ông làm chủ được Trung Hoa Lục Địa, Tưởng Giới Thạch phải bỏ chạy ra Đài Loan, biên giới Việt Trung trở thành biên giới giữa hai nước Cộng Sản Á Châu và Quốc Gia Việt Nam của Cựu Hoàng Bảo Đại được thành lập, mở đầu cho một giai đoạn mới cho cuộc chiến. Đây chính là ba năm cuối cùng của nửa đầu của thế kỷ hai mươi, ba năm đầu của thời kỳ độc lập hay tranh đấu giành độc lập dưới hình thức này hay hình thức khác, sau một thời gian dài sống dưới sự cai trị của người Pháp. Đây ba năm đẹp nhất của lịch sử chiến tranh của người Việt trong thế kỷ hai mươi, trước khi mọi chuyện đều thay đổi và thay đổi một cách bi thảm ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Câu hỏi được đặt ra là do đâu mà đặc tính lãng mạn này đã có thể tồn tại và lãng mạn đã được thể hiện ra sao trong thi ca của thời này?
Lãng mạn trong thời gian này đã trở thành rất phổ biến trong sinh hoạt của giới thanh niên như là sự tiếp nối phong trào lãng mạn của những năm cuối của thập niên ba mươi và những năm đầu của thập niên bốn mươi của thế kỷ hai mươi
Ở thời điểm ba mươi của thế kỷ hai mươi người ta nói tới ý muốn thoát ly khỏi cuộc đời nhàm chán, dù cho là chẳng biết để đi đâu trong khi cách mạng hãy còn là một ý niệm mơ hồ và chế độ đô hộ của người Pháp có vẻ mỗi ngày một vững hơn. Sang đầu thập niên bốn mươi tất cả đã đổi khác. Lý do là sự bại trận của người Pháp ở ngay chính nước Pháp và sự thắng thế của quân đội Nhật và sự hiện diện của họ trên đất nước Việt Nam. Nếu vào cuối thập niên ba mươi người ta nói tới chuyện
Rũ áo phong sương trên gác trọ.
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang
hay ngồi trước lò sưởi trong một ngày mưa gió, hút thuốc lá, thở khói lên trần... thì vào đầu thập niên bốn mươi, ngưới ta lại sính hát Hòn Vọng Phu của Lê Thương hay tìm hiểu và ngâm những đoạn thơ và vẽ những cảnh diễn tả buổi chia ly tuyệt đẹp và vô cùng lãng mạn trong Chinh Phụ Ngâm:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha,
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Mọi người dường như chờ đợi và sẵn sàng để làm công việc này.
Khi chiến tranh toàn quốc bùng nổ vào tháng Chạp năm 1946, tinh thần lãng mạn qua ý niệm thoát ly để đi làm cách mạng từ mơ hồ đến chỗ gần như bế tắc đã được thay thế bằng một thứ lãng mạn yêu nước cụ thể hơn. Người ta sẵn sàng từ bỏ gia đình, từ bỏ quê hương, ruộng vườn để ra đi và ra đi mà không ai trách cứ. Nhiều thanh niên đã hăng hái xung phong gia nhập Vệ Quốc Đoàn, nhiều người không được nhận vì thiếu sức khỏe đã khóc khi phải trở về nhà. Người ta đã ra di để cứu quốc một cách ngây thơ, tự nhiên, đơn giản, không cần biết ai là người lãnh đạo, nói như Phạm Duy ở một chỗ nào đó trong hồi ký của ông.
Trước đó, khi các mặt trận mới chỉ diễn ra ở các thành phố, các lực lượng Tự Vệ Thành đã thu hút một số lớn thanh thiếu niên nam nữ thuộc đủ mọi thành phần từ các sinh viên, học sinh đến những người làm nghề lao động.
Các phong trào Hướng Đạo và thanh niên thể thao qua những buổi cắm trại hay du ngoạn đã đưa giới trẻ đến chỗ có dịp thoát ra khỏi cuộc sống chật hẹp nhàm chán ở các thành phố hay các phủ hay huyện lỵ của thời bấy giờ để có thể vào rừng, lên núi, ra các miền quê hay bờ biển sống gần với thiên nhiên, tiếp xúc với dân quê hay người miền núi hơn, đồng thời thăm viếng các thắng cảnh hay các di tích lịch sử của đất nước mà trước đó họ chỉ có dịp tiếp xúc qua sách vở hay trong lớp học. Lãng mạn tính thể hiện trong tình yêu thiên nhiên, tình yêu thương quê hương, đất nước và đồng bào cũng như cái đẹp của quê hương, đất nước, và của những người dân quê hay miền núi, công lao xây dựng và bảo vệ đất nước của người xưa... của một thế hệ người Việt mới đã nẩy nở trong bối cảnh này.
Những năm đầu của thập niên bốn mươi cũng là thời gian xuất hiện của nhiều bài ca mang nặng tình cảm bình thường của con người cùng tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là những bài ca lịch sử. Bắt đầu những bài ca này được phổ biến ở thành thị, sau đã tràn về thôn quê do những cuộc tản cư thời phi cơ Mỹ ném bom các cơ sở của quân đội Nhật hay trong các cuộc cắm trại hay du khảo của các phong trào Hướng Đạo hay thanh niên.
Thi ca lãng mạn thời chiến
Bây giờ nói tới thi ca thời chiến, đúng hơn thi ca lãng mạn thời chiến hay đúng hơn nữa, thi ca lãng mạn trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt trong nửa sau của thế kỷ hai mươi, thời quân đội kháng chiến còn được gọi là Vệ Quốc Đoàn, chưa bị đổi tên là Quân Đội Nhân Dân, những năm tôi nghĩ đẹp nhất trong lịch sử giành độc lập của người Việt trong thế kỷ hai mươi, bất kể là do ai lãnh đạo, trước khi mọi chuyện thay đổi. Còn nếu so sánh với cả lịch sử của dân tộc Việt Nam thì đó cũng là một trong những thời gian đẹp nhất như chính những người tham dự đương thời đã miêu tả như:
Ở thời nhà Trần:
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
................
Lính già phơ tóc bạc
Kể chuyện thuở Nguyên Phong
(Thơ Trần Nhân Tông, Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng
Ngô Tất Tố dịch)
và thời kháng chiến chống Pháp:
Buông tay gầu vui lại thuở bình Mông
Thơ Yên Thao, Nhà Tôi
Nếu người lính già của thời nhà Trần cứ thỉnh thoảng ngồi kể chuyện của thời Nguyên Phong thì những người đã từng là lính hay đã từng sống hay tham dự vào những sinh hoạt ở thời chống Pháp từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1950 cũng không bao giờ quên được những ngày kháng chiến của mình dù là sau này họ sống ở vùng Tề hay ở hậu phương, ở trong Nam hay ở ngoài Bắc, ở trong nước hay ở hải ngoại, dù là họ tiếp tục được sống trong vinh quang hay bị bỏ quên ở một góc phố hay ở một làng thôn hẻo lánh nào đó.
Có điều văn thơ của họ đã được phổ biến mỗi ngày một rộng, từ hình thức những bài chép tay nằm dưới đáy ba lô của những người lính Vệ Quốc Đoàn hay những cán bộ còn nặng đầu óc tiểu tư sản ở ngay chính thời chúng mới được làm, đến những bản in trong các sách vở, những bản phổ nhạc ở miền Nam hay được đưa lên sân khấu ở Hải Ngoại. Nhưng tên tuổi của Hoàng Cầm, Quang Dũng, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Yên Thao, Hữu Loan... đã được người ta nhắc tới.
Những tác phẩm như Đêm Liên Hoan, Tâm Sự Đêm Giao Thừa, Bên Kia Sông Đuống, Tây Tiến, Đôi Bờ, Đôi Mắt Người Sơn Tây, Đồng Chí, Bao Giờ Trở Lại, Làng Tôi, Màu Tím Hoa Sim... của các tác giả này đã được nhiều người thuộc lòng dù là thuộc một vài đoạn, một vài dòng hay một đôi câu hay ít ra là có thể nhận ra được vì đã được nghe ngâm, nghe hát vào một dịp nào đó trong đời mình, kể cả những người chưa từng được nghe, được học về cuộc kháng chiến chống Pháp của thời cha ông họ.
Nhận xét về các tác giả này, người ta thấy đa số họ là những tên tuổi mới và hầu hết đều rất trẻ. Tất nhiên là rất trẻ cho thời kỳ các tác phẩm của họ được sáng tác. Đa số năm sinh của họ là vào đầu hay giữa thập niên hai mươi, tuổi của những người đã đóng vai trò chính trong cuộc cướp chính quyền của Việt Minh vào tháng 8 năm 1945. Họ cũng là những người có học, đã từng là cựu học sinh các trường Sư Phạm, Bưởi, Thăng Long.... Điều này cũng có nghĩa là họ đã có dịp tiếp xúc với văn hóa tây phương, trong đó có văn chương lãng mạn Pháp.
Nhưng quan trọng hơn hết họ là những nhà thơ có thực tài, có cảm giác rất bén nhậy với những nhận định tinh vi và đã được sống trong thời kỳ sôi sục nhất của lịch sử dân tộc. Riêng Quang Dũng còn là một người rất tài hoa, phóng khoáng. Cái lãng mạn của họ do đó không phải chỉ khác hơn mà còn phức tạp hơn cái lãng mạn của những nhà thơ lớp trước. Lãng mạn của họ là lãng mạn kết hợp bởi không riêng tình yêu nam nữ mà luôn cả tình yêu gia đình, đặc biệt là tình yêu dành cho người mẹ, người vợ, cho đứa con còn bú, cho xóm làng, bờ sông, ruộng vườn, hình ảnh quê hương thuở còn thanh bình... và đương nhiên cả cuộc kháng chiến với những đồng đội, với đơn vị, với núi rừng, với bệnh hoạn, với cái chết kề bên, với những xóm làng đã đi qua... Chính vì vậy mà có nhà nghiên cứu chỉ xếp Hữu Loan và Quang Dũng vào loại những tác giả lãng mạn, còn các tác giả khác vào loại tranh đấu hay tuyên truyền cho kháng chiến dù là ở một mức cao về nghệ thuật.
Có điều dù xếp thơ của họ vào loại nào đi chăng nữa, người ta phải cũng phải công nhận rằng những thi ca này đã phát xuất một cách tự nhiên, từ tâm hồn của mỗi tác giả. . Chính vì thế mà mỗi người có một phong cách riêng tùy theo bản chất và hoàn cảnh của mình. Ngôn từ họ dùng cũng rất đơn sơ, giản dị, trong sáng, dễ dàng khiến cho người nghe, người đọc không đến nỗi phải cố gắng, phải căng óc ra để tìm hiểu. Âm điệu cũng vậy. Đa số những bài mọi người ưa thích đều là thơ tự do, nhưng dòng thơ rất tự nhiên, trôi chảy, nhẹ nhàng từ đó lôi cuốn người đọc khác với nhiều bài làm theo cùng thể về sau này.
Trong giới hạn của một bài báo, người viết không thể đi sâu vào từng tác phẩm, từng tác giả mà chỉ đề cập tới hai tác giả chính, được nhiều người ưa thích là Hoàng Cầm và Quang Dũng.
Hoàng Cầm và Quang Dũng, hai người cùng một tuổi, một người sinh ở Bắc Ninh, quê hương của dân ca miền Bắc, một người ở làng Phùng, một làng được người ta biết tới là vừa chăm chỉ làm ăn, vừa ham mê du hí, nói theo Trần Lê Văn, tác giả của một tuyển tập về Quang Dũng. Hai người cùng có trình độ học vấn cao ở thời bấy giờ và cùng dự tính vào nghề dạy học. Nhưng trong khi Hoàng Cầm ở lại với nghề trước khi tham gia kháng chiến thì Quang Dũng, mặc dầu đã ra trường sư phạm nhưng lại bỏ nghề, đi đánh đàn, kéo nhị cho một gánh hát, chỉ làm thày giáo dạy kèm để được đi đây, đi đó, kể cả lên Yên Báy làm ký ga, sau mới về Hà Nội, tham gia cách mạng rồi kháng chiến và kháng chiến thực sự trong đoàn quân Tây Tiến.
Sự khác biệt trong đời sống của hai người đã ảnh hưởng lớn tới thi ca. Thơ của Hoàng Cầm phát xuất từ quần chúng, từ đoàn thể, lấy quần chúng, đoàn thể làm đối tượng nên có lời lẽ bình dị, dễ dàng, lôi cuốn, hấp dẫn, khi thì mạnh mẽ, khi thì sôi nổi, khi thì nỉ non, kể lể, tha thiết..., điển hình là ba bài bài Đêm Liên Hoan, Tâm Sự Đêm Giao Thừa và Bên Kia Sông Đuống. Cả ba đều là thơ ca tụng kháng chiến và cổ võ cho kháng chiến nhưng ca tụng và cổ võ với một nghệ thuật cao, một phong thái tự nhiên vững vàng, không sống sượng
Cả ba bài đều lấy đám đông hay người của đám đông làm khởi điểm với những bối cảnh, những tình tiết của đám đông hay những con người của đám đông, đám đông làm công việc chiến đấu để bảo vệ quê hương với những hình ảnh quen thuộc của quê hương được nêu lên trong truyện kể. Bài Đêm Liên Hoan theo Phạm Duy được làm để thay thế cho một vở kịch thơ mà Hoàng Cầm muốn dựng, hướng vào các Vệ Quốc Quân nhưng vì đội văn nghệ của ông có rất ít người nên cuối cùng ông chỉ có thể làm một bài thơ cho một hay hai người ngâm trên một sân khấu ngoài trời mà thôi. Chính vì thế ta không lấy làm lạ là khi trình bày bài thơ này người ta không thể chỉ có ngâm, chỉ có dùng lời nói để diễn tả mà thôi mà còn phải kèm theo những cử chỉ, những điệu bộ và kèm ngay khi ngâm mấy câu đầu:
Đêm liên hoan đầu người nhấp nhô như sóng biển ngang tàng
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn...
Hoàng Cầm
Phạm Duy
Cũng theo Phạm Duy, Phạm Duy đã cùng Hoàng Cầm diễn ngâm rất nhiều lần trước hàng trăm, hàng ngàn Vệ Quốc Quân với những lời lẽ vô cùng tha thiết và đầy hào khí như:
Trong tiểu đội của anh
Những ai còn ai mất?
Không ai còn ai mất
Ai cũng chết mà thôi!
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vững nghìn thu một giống nòi!
Dù ta thịt nát xương rơi
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam!
Tâm Sự Đêm Giao Thừa kể chuyện người lính nghèo có vợ mới sinh con. Vì nghèo và đang chiến đấu ở chiến trường nên anh lính và cũng có thể chính tác giả không có gì để gửi về cho vợ con ăn Tết. Còn nếu có thì chỉ là ráng lập công để sớm được về. Trong khi đó thì người vợ ở nhà sinh sống bằng bán hàng ở một quán nhỏ, cuối năm ế khách, thiếu ăn, không đủ sữa cho con bú. Người lính tưởng tượng ra cảnh vợ mình đang đói ăn, không có sữa cho con bú, nhưng nghe tin chồng thắng trận thì vui mừng quá, máu bỗng chảy mạnh trong huyết quản, sữa bỗng căng trên đầu vú và đứa con được bú một bữa no trong niềm vui lớn của cả dân tộc.
Ta hãy đọc những đoạn chính của Tâm Sự Đêm Giao Thừa:
Đêm nay hết một năm
Phải gác tới giao thừa
Quê hương chừng rét lắm
Lất phất mấy hàng mưa
Tôi có người vợ nghèo
Đời vất vả gieo neo
Từ khi chồng đi lính
Nhà tranh bóng hắt hiu
Lần hồi rau cháo dăm phiên chợ
Tóc rối, thân gầy, quán vắng teo.
Đêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi
Vợ đói, con cùng đói
Khóc thét lặng từng hồi
Mẹ thì nước mắt nhiều hơn sữa
Ngực lép con nhai đã rã rời...
với bốn câu kết luận:
À ơi! Cha con ăn Tết lập công
Cho sữa mẹ chảy một giòng nghìn thu
Cha đem cái chết quân thù
Làm nên cuộc sống bây giờ của con
Trong bài Bên Kia Sông Đuống Hoàng Cầm dùng lối kể chuyện để giải buồn cho người yêu. Ông đã dùng tất cả những hình ảnh tươi đẹp, hiền lành của quê hương thời thanh bình trước kia và mơ ước một ngày cùng người yêu trở về.
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
......
rồi Hoàng Cầm kể tiếp những hình ảnh hiền hòa dễ thương của cuộc sống ở quê hương ông như lúa nếp thơm nồng, tranh Đông Hồ, áo the đen, cô hàng xén răng đen, những cô nàng cắn chỉ môi trầu, những em bé xột xoạt quân nâu... mà chiến tranh đã làm tan hoang phiêu bạt, để cùng người yêu mơ ước một ngày về:
Bao giờ về bên kia Sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
Quang Dũng
Thơ của Quang Dũng khác hẳn.
Quang Dũng không làm thơ hướng vào đám đông, để tuyên truyền, để cổ võ cho kháng chiến, để thúc đẩy mọi người hy sinh cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Ông làm thơ cho ông hay chia sẻ với bạn bè của riêng ông. Ông nhìn mọi chuyện qua con mắt riêng của ông, trình bày những cảm nhận của riêng ông, của một con người vừa tài hoa, vừa phóng khoáng, độc lập, không chịu sống gò bó, mà trước kia ông đã có dịp thể hiện qua hành động không ở lại với nghề dạy học sau khi đã tốt nghiệp trường sư phạm để đi theo một gánh hát kéo đàn nhị hay lên Yên Bái làm thư ký nhà ga.
Phong thái của ông đã hiện rõ nét trong thơ ông. Đi kháng chiến, theo đơn vị vượt biên giới sang Lào, trải qua nhiều gian lao, vất vả, hiểm nguy, bệnh tật, chết chóc... Nhưng qua thơ của ông tất cả đã trở thành nhẹ nhàng, rất lãng mạn, rất đẹp và rất thơ, không vướng vào những hạt sạn của tuyên truyền.
Ông viết:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Hiu hắt cồn mây súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống...
hay
Chiêu chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người...
hay:
Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Những hình ảnh thật hào hùng khó kiếm được ở những nhà thơ khác đương thời. Cần để ý đoàn quân không mọc tóc không phải là đoàn quân trọc đầu vì theo kỷ luật của quân đội mà là bị sốt rét nặng mà những ai đã từng sống ở miền Bắc trong thời gian tản cư về các miền quê hay miền núi đều có kinh nghiệm.
Bản chép tay rất xưa cũ bài Tây Tiến
Với cái chết, Quang Dũng cũng nhìn với phong thái tương tự, một phong thái bình thản, có thể nói là hồn nhiên của trẻ thơ bởi vì đi lính là đương nhiên người ta phải chấp nhận tất cả dù là gian lao, nguy hiểm, chết chóc, dù là đi lính cho một mục tiêu vô cùng đẹp đẽ, vô cùng lý tưởng như Hoàng Cầm và các nhà thơ khác diễn tả. Nhưng Quang Dũng đã đạt tới một trình độ cao hơn. Ông cảm nhận được sự mong manh của cuộc sống ngoài chiến trận. Một phút trước người ta còn tồn tại, phút sau đã trở thành hư vô. Ông đã chấp nhận sự mong manh đó như người ta chấp nhận trò chơi hồi còn nhỏ. Chán, mệt thì không chơi nữa, không thèm chơi nữa, lúc khác sẽ chơi lại.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
hay
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
hay:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Thực sự thì ở đây chết là chết không có chiếu mà chôn.
Những câu thơ kể trên được trích từ bài Tây Tiến của Quang Dũng. Nhưng đó không phải là những câu hay nhất vì trong bài này câu nào cũng hay, cũng xúc tích, cũng gợi nên những cảm xúc sâu xa ở người đọc. Xen vào những câu này, là những câu đầy tình cảm, mang nặng bản chất hào hoa, tiểu tư sản thành thị. Đêm trằn trọc không ngủ được trên đường hành quân, Quang Dũng viết:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
hay ở một bài thơ khác, bài Đôi Bờ:
Khói thuốc khơi dòng thương nhớ xưa
Đêm đêm Sông Đáy lạnh đôi bờ.
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ.
hay trong Đôi mắt Người Sơn Tây:
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương.
Ngay cả đối với những sinh hoạt mà các văn nghệ sĩ đương thời thường gặp hay tham gia trong những năm này ở vùng kháng chiến như các đêm liên hoan chẳng hạn, khác với Hoàng Cầm, Quang Dũng cũng tham dự nhưng tham dự như là một khách phong lưu, tài tử. Ông không gọi là liên hoan, tiếng thời thượng, ai cũng dùng. Ông dùng hai hai chữ đuốc hoa và kèm theo hai chữ xiêm áo của văn chương lãng mạn cổ điển:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên mang điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
và còn nhiều nữa nhưng bài đã quá dài, viết thêm nữa e làm loãng những gì người viết muốn viết hay muốn nói. Xin để cho người đọc suy nghĩ, tìm tòi tiếp.
Kết luận: Khi tham gia đoàn quân Tây Tiến vào năm 1947, một đoàn quân được nói để bảo vệ miền Thượng Lào và biên giới Việt Lào nhưng rất có thể chỉ là để thanh toán những thành phần tiểu tư sản trí thức còn lại của Trung Đoàn Thủ Đô và của Tự Vệ Thành Hà Nội sau khi họ đã làm tròn nhiệm vụ vì ai cũng biết chiến đấu ở các miền rừng núi đoàn quân này không thể nào so sánh được quân đội chính qui của Võ Nguyên Giáp mà để lại ở miền đồng thì nguy hiểm, Quang Dũng làm đại đội trưởng. Cuộc đời binh nghiệp của ông đã không lên cao được hơn nữa, có thể là vì gốc gác của ông cũng như bản chất con người nghệ sĩ phóng khoáng của ông.
Sau này khi về Hà Nội, ông đã được thấy những cảnh bi thảm của vợ con những tử sĩ của thời chiến và đã ghi lại trong bài Đường Chiều Thứ Bảy với những câu như sau:
Tôi đã gặp
Nhiều người vợ trẻ
Đàn ông đã ngã trên chiến trường
Vất vả nuôi con những ngày kháng chiến
Xót xa thương khóc bao ngày
Chiều thứ bảy hôm nay
Họ đi bên người chồng mới lấy
Và những đứa con
Bước còn bỡ ngỡ
Bên người cha mới hôm qua.
Ai biết được bây giờ
Tâm sự của những người
Ngậm ngùi cất kỹ ảnh chồng
Vào đáy hộp nữ trang
Bến nước đi thêm một bước nữa.
Bài thơ tả chân nhưng cũng có thể mang tính chất biểu tượng. Nó nói lên sự thê thảm, thật là thê thảm của những người được gọi là thắng trận, thê thảm như chính cuộc đời của tác giả, của Hữu Loan, của Nguyễn Hữu Đang và của nhiều người khác... , những người nửa đường đứt gánh. Có điều vì những ngày theo kháng chiến của họ đẹp quá, nên thơ quá nên họ luôn luôn tiếc nuối, bỏ không được, giữ không xong.
Phạm Cao Dương