Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

VÈ ÔNG BỘ THỂ



Ông làm Bộ trưởng
làng tưởng được nhờ
ai ngờ ông nỡ
cho cướp làm đường
thu tiền lộ phí


Ông càng cao quí
dân vào thế bí
tiền lẻ buộc chi
đợi trời ban chỉ
dẹp lũ man di


Ông vẫn chai lì
theo bầy thổ phỉ
"tha zú" nhâm  nhi
cho sử sách ghi

đệ nhất ngu si


Còn ông "bệ thổ" làm đầu
dân còn đi mãi đường rầu thúi chân

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

TÌNH NGÂU



Tháng năm nào có mưa ngâu
mà lòng mong cầu loang sầu tháng sáu
vai áo nát nhào phong sương đau đáu
ai nhặt sao trời ước nguyện trao


Chân quê hóa phận mục đồng
tháng bảy này em có làm Chức Nữ không?
nỗi nhớ lên bảy sắc cầu vồng
hoàng hôn chưa nằm bóng đã đứng trông

Mưa nắng tháng năm đèo bồng tháng sáu
tháng bảy cho nhau vai áo nguyện cầu
hợp tan miên viễn tình ngâu
lá bay vàng rớt thu sầu tiễn đưa

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

MÀU





Thăm thẳm tầng cao nhìn xuống phố

hỏi em thấy màu gì?


em đoán sương hư vô trong suốt

tan vào cánh hoa lạc mất giữa chừng rơi

rơi vào màu đen tối dưới kia

đám đông đang làm gì mà màu sẫm thế?

uống cà phê chặn cơn ngáp vặt hết chuyện bàn

lệch sang vài centimet

cái gì xam xám lờ mờ?

à vệt rêu tường chùa, ngói mới long nên nắng vội hỏi thăm

một con mèo vàng từ đâu trườn tới

rũ nắng từ bộ lông xa xăm, hay mình đang tưởng tượng?

chấm mờ kia là cụm cây xanh, dụi mắt,

thôi, cô không hỏi nữa

biết rồi, sắc hình của độ cao tự sát

không có trong bảng màu....

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

TÂY NGUYÊN



Phạm Lưu Vũ

Tây nguyên, "mái nhà của Đông Dương" theo cách nhìn của bọn chính trị lúc nào cũng ôm mộng đế vương. Sau khi được nhà văn lớn Nguyên Ngọc xuyên tạc, bịa đặt bằng tác phẩm: "Đất nước đứng lên", tiếp đến nhà văn lỗi lạc Trung Trung Đỉnh phụ họa bằng "Lạc rừng", và kết thúc bằng "Bô xít". Thế là... xong Tây Nguyên.

Nhưng Tây Nguyên may còn Lê Vĩnh Tài. Con chim (của) sơn ca. Thơ Lê Vĩnh Tài làm Tây Nguyên sống mãi. Xin dẫn lại bài bình mấy câu thơ của Tài làm bằng chứng. Chỉ mấy câu, mà đi suốt từ "nhân", đến "quả":

MỘT ĐOẠN THƠ HAY CỦA LÊ VĨNH TÀI

“một con ếch nhảy
vào màn hình
thành con bò. Lơ ngơ...”
“hồ cạn nước
con ếch vẫn chơi cú nhảy
vỡ đầu...”
“đồng xanh
con bò gặm cỏ
trên người nông dân”

Đoạn thơ lấy cảm hứng từ câu: “Ếch ngồi đáy giếng”, một câu thành ngữ vào loại tuyệt hay của dân ta. Giếng là “tượng” của quẻ “Tỉnh” (Thủy Phong Tỉnh) trong kinh Dịch. Một quẻ gồm có 6 “hào” (6 vạch), tính từ dưới lên trên, câu thành ngữ trên chỉ hào dưới cùng (hào sơ lục) của quẻ Tỉnh. Đáy giếng là một chốn tối tăm, chật hẹp, khốn khổ và rập rình hơi độc. Đó là toàn bộ vũ trụ của con ếch. Một hôm, nó bám vào dây gàu và được kéo lên miệng giếng. Lên tới miệng giếng (hào trên cùng), con ếch bỗng thấy Bầu trời hóa ra khác hẳn, nó tươi mát và bao la tới vô cùng. Tuy có chút lơ ngơ ban đầu, song lập tức, khát vọng về một sự thay đổi ngay lập tức phát sinh. “Con ếch” kia quyết làm một cuộc đổi đời…

Vậy là sau quẻ “Tỉnh” (ra khỏi miệng giếng), tiếp ngay đến quẻ “Cách” (Trạch Hỏa Cách). “Cách” có nghĩa là Cách Mạng. “Con ếch” quyết đi làm… cách mạng. Vì từ đáy giếng chui lên, nên phải quyết tâm đi làm… cách mạng. Kinh Dịch quả nhiên ghê gớm. Mọi điều lớn, nhỏ trên thế gian đều không ra khỏi thâm ý này.

Con Ếch là 1 giống vật bao gồm cả nhái bén và… ễnh ương, nghĩa là khi phình bụng ra, thì nó kêu như ễnh ương, và thót bụng lại thì nó hèn như… nhái bén. Nó nhảy vào cuộc cách “mạng” (đi vào quẻ “Cách”) mang theo sự ầm ĩ của 1 con ễnh ương, và ra khỏi cuộc cách “mạng” đó bằng sự hèn nhát của 1 con nhái bén.

Lê Vĩnh Tài đã đưa tư tưởng này vào… Hai Ku một cách rất… Tài! “Sử thi” đến nỗi, chính quê hương của Hai Ku (nước Nhật) cũng chưa chắc đã có ai nghĩ tới. Có lẽ bởi bên đó “giếng” tuy vẫn có, song không có… con ếch nào (ít nhất trong khoảng một nghìn năm trở lại đây) chăng?

Nhưng một điều mà con ếch không bao giờ hiểu nổi, rằng cái “Bầu trời” kia, xét đến cùng chỉ là ảo, ảo như cái màn hình tivi mà thôi. Cho nên cú “đổi đời” của nó, chẳng qua chỉ là:
“một con ếch nhảy
vào màn hình
thành con bò. Lơ ngơ...”
Và rốt cuộc:
“hồ cạn nước
con ếch vẫn chơi cú nhảy
vỡ đầu...”

Vỡ đầu ai đây? Không phải con ếch bị vỡ đầu, mà đó là tên, là “định nghĩa” của cú nhảy ấy, một cú nhảy có tên… vỡ đầu. Bầu trời vẫn hoàn nguyên bầu trời, không có gì thay đổi. Đây là mấy câu tả cảnh thanh bình kì ảo nhất, hay nhất từng thấy trong văn chương:

“đồng xanh
con bò gặm cỏ

trên người nông dân”
Nếu viết con bò gặm cỏ “bên” người nông dân thì sự quan sát ấy thường quá. Ở đây viết: “trên” người nông dân. Rốt cuộc, con ếch cũng thành công trong cuộc “cách mạng” đổi đời của nó. Cách mạng là đảo lộn, là “long trời lở đất”…, thế mới gọi thành công. Bằng chứng là người nông dân, từ chỗ vẫn cưỡi trên lưng bò, nay lại để bò cưỡi trên lưng mình. Ầm ĩ (tuyên truyền), vỡ đầu (thằng khác) và đảo lộn... là những quy luật của mọi cuộc “cách mạng”. Bắt đầu bằng 1 con ếch, kết thúc lại hóa ra con bò. Lạ mà tuyệt hay. Người nông dân không phải “nhân vật” trong thơ, mà là cả một… vũ trụ, một vũ trụ “thanh bình”, để cho loài bò cưỡi trên lưng…

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Xã hội tư bản càng bộc lộ nhiều sự bất công:



Theo Cục điều tra dân số, ước tính ở Mỹ có 47,4 triệu người hiện sống trong cảnh bần cùng. M. Yonus (giải Nobel Hòa bình) tố cáo: “Trên thế giới hiện nay, chưa đến 500 người giàu đang sở hữu số tài sản nhiều hơn toàn bộ thu nhập của hơn một nửa dân số thế giới cộng lại. CNTB hiện nay đã xuống cấp thành một sòng bạc. Thị trường tài chính bị đẩy lên bởi lòng tham. Sự đầu cơ đã đạt tối mức độ thảm khốc. Tất cả những thứ đó cần phải kết thúc” (Báo Tuổi trẻ 13/10/2008).


Derrida nhận xét: “Trong thực trạng của thời hiện đại, thời đại chưa bao giờ hết bạo lực, bất bình đẳng, bài ngoại, nạn đói, thất nghiệp, mất không gian sống, chiến tranh thị trường, tình trạng nghèo khổ phổ biến ở vùng Nam bán cầu, sự đe dọa khủng khiếp của công nghiệp vũ khí và bom hạt nhân, chiến tranh sắc tộc tràn lan, sự lộng hành của cá thế lực tội ác có tổ chức, tình trạng luật pháp quốc tế bị một số cường quốc thao túng và từ đó áp bức kinh tế, lại gây áp lực tới một phần nhân loại đông đảo” (Những bóng ma của chủ nghĩa Marx – NXB chính trị quốc gia 1994).


Nói nước Mỹ đã vứt bỏ được cái “vòng kim cô toàn trị” mà sao:


► Năm 2013, nhân viên CIA Edward Snowden trốn qua Nga, đưa ra ánh sáng về những hoạt động của chính phủ Mỹ qua chương trình theo dõi mật người dân Mỹ và Châu Âu thực hiện qua hệ thống thông tin điện tử quy mô nghe lén điện thoại và internet? Khác chi một loại CẢNH SÁT TƯ TƯỞNG văn minh không chỉ trong một quốc gia mà có xu hướng kiểm soát toàn cầu? Nước Mỹ mất mặt!


► Thống kê dân số thế giới tính đến ngày 16/01/2017, cho biết: Hoa Kỳ dân số có 325,398,239 người, chiếm khoảng 4.34% tổng dân số thế giới nhưng chiếm tới 25% tổng số tù nhân, với 2,5 triệu người bị giam cầm, cao nhất thế giới cả về tỷ lệ và số người. Ngoài ra, nước Mỹ còn có 6,5 triệu người bị tước quyền công dân, quản chế, giam lỏng tại nơi cư trú bằng nhiều hình thức, có tới 15% số tù nhân bị giam giữ mà không thông qua xét xử, một tỷ lệ lớn bị kết án oan. Hệ thống pháp lý hình sự của Hoa Kỳ có hơn 2.3 triệu người trong 1.719 nhà tù bang, 102 nhà tù liên bang, 901 cơ sở cải tạo thiếu niên, 3.163 nhà tù địa phương, 76 nhà tù ở ngoài lãnh thổ Mỹ cũng như các nhà tù quân sự, cơ sở giam giữ người nhập cư, các trung tâm cam kết dân sự ở các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ (The Whole Pie 2017).


► Chiến tranh vẫn xảy ra và ngày càng khốc liệt với các loại binh khí tối tân hơn, sức hủy diệt khủng khiếp hơn. Công luận bị coi thường, các nước tư bản ngang nhiên cấu kết với nhau gây bất ổn ở khắp nơi trên thế giới:


* Trong bối cảnh rối loạn của thời kỳ hậu xô viết là sự tan vỡ của Liên bang Nam Tư và cuộc chiến Kosovo cực kỳ đẫm máu cùng cái chết tức tưởi của Tổng Thống Milosevic trong một nhà tù của Liên Hiệp Quốc. Sau đó là đất nước Serbia oằn mình gánh chịu những hậu quả thảm khốc của chiến tranh và vùng bán đảo Balcan bị chia cắt thành nhiều quốc gia nhỏ bé, không còn ảnh hưởng của Nga, lệ thuộc vào khối NATO và Mỹ. Khi chính quyền Nam Tư khẳng định rằng các nhà máy hóa chất Nam Tư thậm chí không bị Adolf Hitler ném bom thì những hành động của Mỹ-NATO đã cho thấytrùm phát xít Đức quốc xã chẳng là cái gì hết. Các nước phương Tây "nhân văn" làm được hơn thế! Những việc làm đó để lại những di chứng và nỗi đau không bao giờ chữa lành cho cả một dân tộc, lại được các nước "văn minh phương Tây" gọi là "can thiệp nhân đạo", thực ra "mercy killing" có nghĩa là "cái chết êm ái"! Chính họ từ lâu đã tự cho phép mình có quyền "giết người hàng loạt nhân danh lòng nhân đạo". Quyền này xuất phát từ định đề là "Lòng tốt cần phải đi kèm với nắm đấm. Bình đẳng dân tộc chỉ có được bằng bom đạn"!


* Năm 2003 trong khi Ủy ban Giám sát, Thẩm định và Thanh sát của Liên hợp quốc (UNMOVIC) chưa có kết luận về việc Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt, người Iraq kiên quyết bảo vệ danh dự và chủ quyền quốc gia, thì Mỹ, Anh ngang nhiên mang quân đánh chiếm nước người. Kết cục là cái chết bi thảm của Tổng thống Saddam Hussein cùng hậu quả hết sức nặng nề: Một triệu rưỡi người Iraq bị chết, hơn hai triệu người khác phải rời bỏ quê hương sang sống tỵ nạn ở nước ngoài. Lời hứa của Tổng thống Mỹ George Bush về "Một nước Iraq mới sẽ là một hình mẫu về tự do, dân chủ, hoà bình và thịnh vượng ở khu vực Trung Đông. Ở đó mọi người sẽ được sống trong hạnh phúc và tình bác ái, không có nhà tù, tra tấn và đàn áp" mà 15 năm trôi qua Iraq vẫn chìm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội triền miên, đất nước bị tàn phá, tan rã và chia cắt về sắc tộc và tôn giáo giữa người Sunni, Shiite và người Kurds, giữa người theo đạo Thiên chúa và đạo Hồi... Các tổ chức khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, Al-Qaeda được cơ trỗi dậy gây thêm không biết bao nhiêu tội ác đối với người dân Iraq. Cuộc chiến ấy như quả bom khiến Trung Đông rung chuyển: Bạo lực tràn lan. Các tổ chức khủng bố trước đây bị cấm, nay mọc lên như nấm. Các cuộc xung đột đẫm máu tại Ai Cập, Libya, Yemen, Syria... làm hàng triệu người chết chưa biết bao giờ kết thúc. Tác động lại nước Mỹ là sự tổn thất về vật chất và con người hết sức to lớn. Con số thống kê thật là khủng khiếp: Washington đã chi khoảng 6 ngàn tỷ đô la, tương đương khoảng 1/3 tổng thu nhập quốc nội GDP của Mỹ cho cuộc chiến tại Iraq, 4.497 binh sỹ Mỹ bị chết và 32.223 bị thương. Theo một số chuyên gia thì số lính Mỹ bị chết và bị thương trên thực tế còn cao hơn nhiều. Đây là con số thương vong lớn nhất của Mỹ kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo một tài liệu nghiên cứu của trường đại học Brown Providence University của Mỹ, có 2,7 triệu lính Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan từ 2001 đến 2014 khi trở về Mỹ hầu hết đều không có cuộc sống bình thường, 1/8 trong số những người lính này đã mắc triệu chứng rối loạn tâm lý PTSD (Post-traumatic Stress Disorder). Chính cựu ngoại trưởng Mỹ Collin Powell, người đã cầm một vật thể nhỏ giơ lên trước Đại hội đồng LHQ đầu 2003 và nói rằng đây là loại vũ khí giết người hàng loạt của Iraq, sau này đã phải thừa nhận: "Nỗi hổ thẹn nhất trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi là đã buộc phải nói dối theo lệnh của Cơ quan tình báo Mỹ CIA và cuộc chiến đã được dựng lên theo những lý do không có thật”. Đặc biệt, Tổng Thống George Bush và Thủ tướng Tony Blair đã nhận sai việc này trước công luận! Thế nhưng còn điều gì sẽ xảy ra khi quân đội của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad đang bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học khi các lực lượng chống đối được Mỹ và NATO ủng hộ đang bị dồn đến bước đường cùng?


Không ai còn tin vào những lời nói dối về vũ khí hủy diệt và những lời hứa của Mỹ và phương Tây về một nền dân chủ, hoà bình, một cuộc sống tự do và hạnh phúc cho các khu vực. Châu Âu và Bắc Mỹ rúng động trước phong trào Chiếm phố Wallcủa những người tự nhận đại diện cho 99% dân lao động chống lại 1% giới tư bản tài chính và các chính trị gia, chống lại cái cơ chế “xã hội của 1%, do 1% và vì 1% của Mỹ và thế giới tư bản nói chung – 1% người giàu nhất được hưởng 40% chiếc bánh” và không còn tạo cảm hứng cho ngay cả với dân chúng họ! Hàng triệu người Âu, Mỹ trong tâm trạng bế tắc đang bỏ đi hàng năm, tìm đến châu Á, Mỹ La tinh, thậm chí cả châu Phi mong thoát khỏi cuộc sống thực dụng, thiếu nhân tính và vô cảm! Tại sao một bộ phận thanh niên dễ dàng từ bỏ cuộc sống ổn định, ngược dòng với các cuộc di dân ào ạt từ các vùng bất ổn và nghèo khổ, tìm đến những tổ chức cực đoan, tiêm nhiễm những tư tưởng mới, quay về nổi loạn hòng làm thay đổi xã hội họ đang sống. Ngay tại những nước phát triển nhất, xưa nay yên ổn nhưng bây giờ cũng luôn bất ổn. Báo hiệu sự rạn vỡ từ nội tình các nước phương Tây?


Tuy nhiên, phần lớn các nước tư bản phương Tây đi lên căn bản từ một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, tổ chức hệ thống sản xuất hợp lý, năng xuất lao động cao hơn hẳn, mở rộng thị trường, cạnh tranh quyết liệt, tạo ra sản phẩm nhiều và rẻ cộng với một nền tài chính dư dả, lại có kinh nghiệm quản lý xã hội… nên người dân được hưởng phúc lợi cao, có cuộc sống ổn định và phóng khoáng. Ở một số nước Âu-Mỹ, khi công nhân cũng có thể là đồng sở hữu của phương tiện sản xuất thông qua cổ phần khiến người ta nghĩ tới một Chủ nghĩa tư bản toàn dân, đó là tiền đề của một xã hội tương lai mà người dân hẳn nhiên mong muốn. Nhưng thực tế hiện nay, điều xấu xa nhất của CNTB vẫn là sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động đang là mâu thuẫn đối kháng, từ đó nảy sinh ra các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức, thậm chí là những cuộc bạo loạn nhưng đều bị giới tư bản thông qua nhà cầm quyền dàn xếp với nhiều mức độ.


Chủ nghĩa tư bản sẽ bị tiêu diệt hay nó tự chuyển hóa, hãy chờ xem.


Nguyễn văn Thịnh

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

"Đầu tư 1,4 triệu tỷ đồng vào đặc khu kinh tế, 93 triệu dân được hưởng lợi gì?"





(Dân Việt) Nói về 3 đặc khu dự kiến thành lập là Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đặt câu hỏi với nhà soạn thảo Luật: Đầu tư 1,1 triệu tỷ đến 1,4 triệu tỷ đồng vào 3 đặc khu thì bao lâu sẽ hoàn lại vốn? Mang lại bao nhiêu lợi nhuận cho đất nước? Từng người dân trong 93 triệu dân Việt Nam được hưởng lợi gì?


Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 6 tới đây. Tuy nhiên, bất chấp việc Luật Đặc khu còn chưa biết hình hài ra sao, 3 đặc khu có được thành trên thực tế hay không thì giá đất ở các đặc khu dự kiến này đã lên gấp 5, gấp 7, thậm chí là 10 lần so với thời điểm trước khi có đề xuất đặc khu này. Cùng với đó là rất nhiều các tranh cãi xung quanh tính hiệu quả và thời điểm hành hành Luật Đặc khu, xây dựng đặc khu kinh tế ở nước ta.


Để làm rõ hơn những thắc mắc xung quanh câu chuyện trên, "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề này.


97% đất được sang nhượng tại các đặc khu là đất nông nghiệp, đất rừng


Thưa ông, trên thực tế, giá đất tại 3 khu vực dự kiến sẽ trở thành đặc khu của Việt Nam đã tăng gấp 5, 7, thậm chí là 10 lần so với thời điểm trước đó và giá đất ở 3 nơi này trên thị trường có thể lên tới 50, 60 triệu/m2. Với giá đất đắt đỏ như vậy liệu có nhà đầu tư sản xuất nào chịu nổi để mà chấp nhận đầu tư không?


Trước hết, xin cung cấp một số liệu, hiện nay 97% giao dịch đất tại các khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế không phải là đất ở mà là đất nông nghiệp, đất rừng. Điều này có nghĩa là chúng ta cần căn cứ vào Luật Đất đai về giải quyết câu chuyện nêu trên.


Tôi từng đọc ở đâu đó, một vị luật sư nói các tỉnh có đặc khu cấm chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm luật. Như vậy là vị này không dựa vào Luật Đất đai hay Luật tổ chức HĐND, UBND các cấp.


Điều này có nghĩa là nếu nhà đầu tư vào thì giá trị đền bù đất sẽ theo đơn giá đất nông nghiệp và đất rừng, chứ không phải theo giá đất đang bị các cò đất tại các đặc khu thổi lên vù vù lên tới 50, 60 triệu/m2.


Người chịu thiệt ở đây chính là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ đã bị bơm vá để ăn chênh lệch. Hay nói cách khác là một bộ phận đầu cơ lợi dụng chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước tung tin ra và thổi giá lên để ăn lại tiền đền bù của nhà đầu tư. Tuy nhiên, họ quên rằng nhà nước chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và những người bị lừa thì đang mua đất nông nghiệp với giá đất nhà ở, thậm chí còn cao hơn.


Có lẽ họ hy vọng rằng, bằng số đông người mua, dùng chính sách dân tuý để ép chính quyền nhượng bộ, đồng ý cho chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, điều đó là sai Luật.


Trong trường hợp này, tôi nhớ tới một câu nói của Lê Nin rất nổi tiếng rằng: "Khi lợi nhuận lên tới 300% thì có treo cổ lên họ cũng làm. Những nhà đầu cơ đang bất chấp tất cả, kể cả vi phạm luật chỉ vì lợi nhuận".


Thưa ông, đặc khu không còn là một khái niệm mới là với quốc tế, đặc biệt là một nước láng giềng ngay cạnh ta là Trung Quốc. Vậy đặc khu ở Việt Nam có gì mới để thu hút được đầu tư?


Thiết nghĩ mọi so sánh đều là khập khiễng. Chúng ta chỉ có thể so sánh sự vật, sự việc ở cùng một thời điểm và cùng một thang đo, nếu không thì rất khó. Tuy nhiên, so với Thẩm Quyến của Trung Quốc thì đặc khu của ta quy định ngành nghề kinh doanh rộng hơn, trao thẩm quyền cho đặc khu nhiều hơn.


Thời điểm thành lập đặc khu ban đầu của Trung Quốc là vào năm 1988. Khi đó, Trung Quốc thành lập 5 đặc khu và mỗi đặc khu có nhiệm giải quyết những yêu cầu khác nhau. Trong đó Chu Hải, Sán Đầu, và Thâm Quyến là 3 đặc khu đầu tiên, với mục tiêu Sán Đầu là huy động sự đóng góp của 8 triệu người Triều Châu đang sinh sống ở nước ngoài đóng góp về bằng công nghiệp nhẹ, nông nghiệp công nghệ cao. Tại Sán Đầu còn hình thành trung tâm đào tạo, trường đại học với quy chế mời Giáo sư người Triều ở Mỹ về làm hiệu trưởng và trả lương cao hơn cả mức lương họ được trả ở Mỹ, trong lúc kinh tế của Trung Quốc thời điểm đó là rất thấp.


Còn Thẩm Quyền thì nằm bên này Hồng Kong nên được lấy làm đối trọng với Hồng Kong và thành lập thành phố 2 bên sông Hoài. Còn ở Đặc khu kinh tế phố Đông, thì được dùng làm trung tâm kinh tế tài chính của cả Trung Quốc. Sau 30 năm hoạt động, người ta lại thành lập đặc khu trong lòng đặc khu tại phố Đông và gọi là phố Wall. Tại đây tất cả cách dịch vụ tài chính ngân hàng đều theo tiêu chí như phố Wall của Mỹ cộng với ưu thế là thiên đường thuế Barbados.


Cách đây 6 năm Singapore cũng thành lập đặc khu, trong khi nước này có dân số chưa bằng dân số tỉnh Thanh Hoá nước ta và diện tích thì nhỉnh hơn Phú Quốc một chút. Ở đó họ đầu tư gần 5 tỷ USD, tính ra vài trăm USD/m2 (chưa tính tiền giải phóng mặt bằng) để chuyên phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí và họ đã thành công.


Vì thế có thể nói đặc khu chưa bao giờ hết vai trò ở những góc nhìn mới, như tại Singapore là một ví dụ.


Bỏ ra 1.400.000 tỷ đồng đầu tư Đặc khu, đất nước được gì?


Vậy thưa ông, điểm mấu chốt để Đặc khu hoạt động hiệu quả là gì, liệu Đặc khu ở Việt Nam có thành công?


Đầu tiên là đặc khu có gì mới? Mới nhưng lại cũ và cũ nhưng lại mới, bởi việc thành lập đặc khu đã được ghi trong hiến pháp năm 2013, còn mới là làn đầu thực hiện và được triển khai cùng lúc tại 3 địa điểm. Điểm mới thứ 2 là mô hình tổ chức theo luật tổ chức chính quyền địa phương, theo hiến pháp, vừa có hội đồng nhân dân, vừa có chủ tịch, nhưng bộ máy hình thành theo nhu cầu của đặc khu, chứ không phải áp dụng theo mô hình của tỉnh hay trung ương.


Đặc khu thành công hay không thành công là do chúng ta có tìm được nhà đầu tư chiến lược không và chính sách có phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược không? hay những khuyến khích có phù hợp với yêu cầu tổ chức bộ máy của nhà đầu tư chiến lược không?


Chúng ta tìm nhà đầu tư chiến lược dựa trên quan điểm không chê các nhà đầu tư trong nước, không chê các nhà đầu tư trong nước nhưng để họ làm nhà đầu tư chiến lược thì cần đặt câu hỏi “với sự đầu tư của các nhà đầu tư trong nước thì đất nước phát triển theo hướng nào? Đặc khu sẽ đi về đâu?”


Yêu cầu quan trọng với rất cả các nhà đầu tư chiến lược là phải có thị trường, công nghệ, trình độ quản lý, sử dụng công nghệ đó. Một số nhà đầu tư trong nước có thể có vốn nhưng họ có công nghệ, có trình độ quản lý không? Họ có thị trường làm đầu ra cho sản phẩm sản xuất ra không? Có cam kết được sản phẩm sản xuất ra có thể lách vào thị trường quốc tế, tham gia các chuỗi không?


Đứng về mặt niềm tin thì chúng ta có thể tin nhau, nhưng trên thực tế thì khả năng nhà đầu tư trong nước vào được thị trường thế giới là rất khó.


Vì thế, xây dựng Luật đặc khu chúng ta cần làm theo cách “đo chân khách rồi mới đóng giầy” mới là phương án tối ưu nhất, chứ không phải là đóng giầy số sẵn rồi và ai vừa thì mua.


Tôi cũng xin nêu một vấn đề, một câu hỏi mà các nhà soạn thảo Luật chưa trả lời được cho các đại biểu Quốc hội là: Đầu tư 1,1 triệu tỷ đến 1.4 triệu tỷ đồng vào 3 đặc khu thì bao lâu sẽ hoàn lại vốn? Mang lại bao nhiêu lợi nhuận cho đất nước?


Chúng ta cũng cần lưu ý trong việc thu hút FDI để tránh tình trạng như hiện nay là doanh nghiệp FDI mang lại tăng trưởng lớn, tạo hình ảnh Việt Nam cất cánh, nhưng từng người dân trong 93 triệu dân Việt Nam được hưởng lợi gì từ con số tăng trưởng nhờ xuất khẩu của FDI? Con số này quá khiêm tốn.


Xin cám ơn ông!

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Lại nghĩ về Thơ





Tác giả: Lê Thiên Minh Khoa




1. Thơ ca và bia rượu:

Tình hình thơ Việt Nam hiện nay?


Ngày nay, các nhà thơ lớp trước, thế hệ trước năm 1975, nhiều tác giả vẫn sáng tác nhiều bài thơ hay, rồi nhiều nhà thơ trẻ có tài năng xuất hiện và thơ dễ in nên được sản xuất nhiều hơn vì chỉ cần có tiền hoặc có tài trợ là có tác phẩm nhưng hình như công chúng yêu thơ thực sự (là độc giả khó tính nhất trong các thể loại văn chương vì thơ được xem là một thứ nghệ thuật cao cấp) lại ít đi. Trong số đông tác phẩm đó, có cả “chính phẩm” lẫn “thứ phẩm”. Công chúng yêu thơ đọc hoài thơ “thứ phẩm” (mà có người gọi là thơ “second hand”) đến nhàm chán, gặp thơ “chính phẩm” lại tưởng là thơ “thứ phẩm” nên chê, có người đọc hoài thơ “thứ phẩm” đâm ra nghiền loại thơ này nên gặp thơ “chính phẩm” lại thấy nhàm chán.

Xin kể chuyện này, chuyện thật 100%, không liên quan đến thơ nhưng liên quan đến cảm nhận thơ: Có lần đi dự đám ở một vùng quê, chúng tôi đem theo một két bia Sài Gòn để mừng. Mấy ông bạn cũ, nay là bạn nhậu thứ thiệt trong làng lại chê là bia dỏm, nhạt, uống “không đã” phải lấy bia Sài Gòn mua ở đầu xóm đem ra uống. Thì ra, họ quen uống và nghiền bia Sài Gòn dỏm, nay gặp bia Sài Gòn thứ thiệt lại chê là “thứ phẩm”, không có pha… cồn nên nồng độ thấp.

“Bình mới” - “rượu mới” trong thơ Việt Nam ngày nay có thể nói rất đa hệ với những trăn trở tìm tòi thử nghiệm sáng tạo của các nhà thơ đương đại thuộc nhiều lứa tuổi nên đã hình thành nhiều xu hướng, nhiều trào lưu sáng tác, nhiều dòng thơ… rất đa dạng. Trong số đó thời sự nhất trong những năm gần đây là chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism) và tân hình thức (New Formalism). Chỉ nói về 2 phương pháp sáng tác này: nếu qui chụp vào “bình mới” - “rượu mới” thì có thể coi: “bình mới” = tân hình thức + các thủ pháp nghệ thuật mà hậu hiện đại chấp nhận và dung hóa; “rượu mới”= cảm thức hậu hiện đại.

Chủ nghĩa hậu hiện đại được một số văn nghệ sĩ Việt Nam tiếp nhận và thực tế nó đang trở thành một xu hướng sáng tác (xu hướng chứ chưa phải là trào lưu) trong thơ ca đương đại Việt Nam nhất là trong giới sáng tác trẻ. Có nhiều cây bút đã vận dụng thành công phương pháp sáng tác này và “đứng được” trên thi đàn. Nhưng cũng không tránh khỏi thực trạng lạm dụng cái mới cái lạ, “học chưa hết chiêu đã hành nghề”… gây ra một môi trường thơ hổ lốn đầy rượu dỏm bơm vào vỏ rượu Tây. Cho nên, có những bài thơ tắc tị nhưng ngụy trang bằng một cảm thức cao siêu kiểu như là một số người viết chữ xấu đọc không được lại thành nghệ thuật thư pháp tiếng Việt vậy. Phổ biến nhất là loại thơ dung tục, thông tục hóa tầm thường - cả nội dung lẫn hình thức mà có lẽ tác giả của nó chưa học hết chiêu “tục và thanh” trong thơ truyền thống…

2. Phân biệt thơ và cái không phải thơ: Xác định thế nào là thơ?

Lại đụng phải một vấn đề lớn, khó khăn của lý luận văn học đây. Xưa nay, các bậc học giả đã thường tìm cách định nghĩa, nhưng có thể nói, đây là “một câu hỏi lớn không lời đáp” vậy. Hình như con số định nghĩa về thơ phải có đến hàng ngàn, có điều không có cái nào giống cái nào, điều đó chứng tỏ cái cụ thể đó (thể loại thơ) lại rất trừu tượng và khó nắm bắt. Chẳng hạn theo Voltaire: “Thơ là hùng biện du dương”, theo A.De Musset: “Thơ là tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình”. Ở Việt Nam ta cũng có hàng chục định nghĩa về thơ. Chẳng hạn, theo Tố Hữu: “Thơ là tiếng nói đồng tình, đồng ý, tiếng nói đồng chí”, còn Chế Lan Viên: “Thơ là gì? Là thơ lơ mơ …”. Hai định nghĩa về thơ của hai danh nhân nước ngoài khác nhau hoàn toàn, thậm chí đối nghịch nhau và xác định đối tượng phản ánh của thơ cũng không giống nhau: Là du dương của hùng biện, là nhẹ nhàng của tâm tình. Còn hai định nghĩa của hai nhà thơ Việt Nam cũng vậy: là tiếng nói đồng cảm, đồng điệu (Tố Hữu), là tâm hồn bảng lảng, bay bổng, mơ màng… (Chế Lan Viên)

Nhà thơ dù lớn, vừa vừa, hay nhỏ, tự mình cũng phải xác định thơ là gì khi cầm bút sáng tác ra thơ, (dĩ nhiên là sự xác định này không ai giống ai).

Nói theo dân gian: Trước khi làm phải biết mình làm cái gì thì mới làm được. Hơn nữa, thơ hiện đại luôn đòi hỏi là nhà thơ có tri thức, kể cả tri thức lý luận… Xác định “thơ là gì” theo lối thực tiễn thì có công thức 3T: Tình - Từ - và Tứ.

Thơ trước hết phải có “Tình”, tức là nhà thơ phải có tình cảm mãnh liệt, chân thật và sâu sắc đối với đối tượng trữ tình; phải có rung động (cảm xúc) đột xuất, cao trào và bức xúc để tự “bức bách” mình phải “động thủ” thành thơ; đồng thời tình cảm và rung động này phải đủ để làm nảy sinh, hòa nhập “quấn quít” với một trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.

Thứ hai là “Từ”, tức là ngôn ngữ thơ. Thơ là nghệ thuật bậc cao của ngôn ngữ, mà là ngôn ngữ hình tượng. Ngôn ngữ thơ phải mới, phải sáng tạo không lặp lại người khác, không lặp lại mình, không ước lệ sáo mòn, nói theo ngôn ngữ hiện đại là không “lập trình sẵn”. Ngôn ngữ đó phải càng “lệch chuẩn” càng hay. Vì càng “lệch chuẩn” càng tránh được sự sáo mòn, lặp lại, lập trình sẵn ngôn ngữ, điều kiêng kị nhất trong thơ. “Lệch chuẩn” nghĩa là vừa giống mọi người (chuẩn), vừa khác mọi người (lệch). Vì cái “Giống” tức là theo chuẩn mực chung về sử dụng ngôn ngữ để mọi người hiểu được. “Khác” tức là phải có cái mới, cái lạ mới thành thơ để mọi người thích, thấy thú vị.. Chẳng hạn như Nguyễn Du viết: “Trăm năm trong cõi người ta” thì cái “giống” (chuẩn) là: Cõi trời, cõi trên, cõi Phật, cõi trần gian… theo kết cấu cụm từ tiếng Việt, chứ chưa ai nói “cõi người ta” như Nguyễn Du cả.

Khi Tố Hữu viết: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ (Từ ấy), thì cái “giống” (chuẩn) là: “Từ đó, từ ngày ấy” chứ chưa ai nói: “từ ấy”cả. Gần đây, Hoàng Nhuận Cầm viết: “Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn” (Sông Thương tóc dài) thì thiệt là “quá đã”. Nếu viết theo “chuẩn” thì: Sau phó từ (đã) và trước danh từ chỉ địa danh (Côn Sơn) lẽ ra phải là một động từ chỉ sự di chuyển: Không thể nói “đã Sài Gòn, đã Biên Hòa”, mà phải nói: “đã đi Sài Gòn, đã về Biên Hoà”. Nhưng ở đây Hoàng Nhuận Cầm lại nói được, mà người đọc thơ không những hiểu, chấp nhận mà còn thích thú nữa: “đã Côn Sơn”, thế thì có “đã đời” không? Cái “giống” (chuẩn) là Hoàng Nhuận Cầm vận dụng quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ dựa trên điệp kết cấu các vế trong câu và nghĩa “hàm ngôn” của từ “nhưng” (để tạo ra cái “lệch”): “Hạ chưa về (1) nhưng nắng đã Côn Sơn”(2). Hai vế câu đều có thành phần chủ ngữ là biểu tượng thiên nhiên (Hạ và nắng), thành phần vị ngữ đều có hai phó từ chỉ thời gian đối lập nhau (chưa, đã), với quan hệ từ “nhưng” biểu thị quan hệ hai vế tương phản nhau về ý, vậy thì vế (1) là “chưa về” thì vế 2 theo logic câu phải là “đã về, đã tới Côn Sơn”, câu thơ do vậy đọc mới “sướng”!

Hoàng Quý viết: “Chớ cười hoang vu như thế nữa” (Thôi em về đi). Hoang vu là nói về nét hoang liêu, vắng vẻ của một vùng đất, ở đây nhà thơ dùng để chỉ nụ cười của cô gái: Cười hoang vu là nụ cười trong trắng, vô tư, ngây thơ , hồn nhiên và… dại khờ. Thi sĩ đã lắp ghép những từ cũ kỹ để tạo thành từ ngữ mới mẻ, lạ lẫm, táo bạo, tươi rói, đắc địa, biến ảo, có “hồn chữ cựa quậy”, có sức biểu nghĩa phong phú và sức biểu cảm lắng sâu làm người đọc vừa sửng sốt, vừa khoái cảm…

Nếu như họ dụng từ theo kiểu “Trăm năm trong số người ta”, “Từ đó, trong tôi bừng nắng hạ”, “Hạ chưa về nhưng nắng tới Côn Sơn”, “Chớ cười ngây ngô như thế nữa” thì chưa chắc ngày nay chúng ta có thi hào Nguyễn Du, nhà văn hóa lớn của thế giới, Tố Hữu là thơ lớn, lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng suốt ba thập niên rưỡi (1930 -1975) và Hoàng Nhuận Cầm, Hoàng Quý, hai trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam đương đại.

Thời gian gần đây, giới thơ ca đang xôn xao về bài thơ dài “Trăng ca” của tác giả trẻ Võ Thị Phương Thúy đăng trên nhiều diễn đàn văn chương. Thành công của bài thơ do nhiều yếu tố hợp lại: điêu luyện - cách tân - tứ thơ mới - cảm xúc, cái nhìn lạ lẫm về trăng… Nhưng có một yếu tố quan trọng đã biến câu lục bát thành thơ lục bát mà tác giả vận dụng rất có tay nghề là: Ngôn ngữ thơ “lệch chuẩn” một cách rất có ý thức:

“Em còn trăng lót vạt nằm

Tôi còn em ngậm đóa rằm chưa bưa”

(Trăng ca)

Thứ ba là Tứ. Tứ thơ là một khái niệm có vẻ rất khái quát và trừu tượng nên rất khó diễn giải. Theo tôi, “tứ” được hiểu như là một phương thức nào đó để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống các ý đó với “tình” của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ (từ). Cả ba yếu tố đó tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ - tác phẩm. Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”. Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ, là yếu tố không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại. Thơ tứ tuyệt đường luật chỉ ngắn bốn câu, nhiều bài ta thuộc lòng mà vẫn thích đọc lại, thích ngâm vì tứ thơ quá hay, quá bất ngờ. Thơ Hai-ku của Nhật Bản, chỉ có ba câu, ta chỉ đọc qua bản dịch mà vẫn cảm được vì tứ thơ quá lạ, quá “siêu”.

Bài thơ hai câu của Phan Thị Thanh Nhàn: “Người tôi yêu ở rất xa - Người yêu tôi ở gần nhà, chán không?” được rất nhiều người Việt Nam yêu thích vì tứ thơ quá thiệt, quá quen mà quá lạ. Ngày nay, nhiều bài thơ văn xuôi dài ngoằng, gần như không vần, không luật, rất khó nhớ mà có người vẫn thuộc lòng vì tứ thơ quá độc đáo. Dù có vần, có điệu mà không có tứ thơ thì không thành bài thơ mà chỉ là vè, văn vần, là “chơi thơ”, là khẩu hiệu tuyên truyền cổ động… mà thôi.

Không quan niệm thế, không chú trọng yếu tố “tứ” trong thơ, một quan niệm khá phổ biến hiện nay, mà tiêu biểu là trong một số sách giáo khoa, giáo trình… là thay thế yếu tố “tứ” bằng yếu tố “tính nhạc” của thơ. Ai làm thơ cũng biết câu: “Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc”, vậy thì tính nhạc nằm đâu trong 3 T? Xin thưa: Nó nằm trong “từ” (ngôn ngữ thơ). Ngôn ngữ thơ có hai mặt: Ngữ nghĩa (có thể coi như thuộc về phạm trù tinh thần) như đã nói qua ở trên và tính nhạc (có thể coi như như phạm trù vật chất)

Tính nhạc trong thơ bao gồm 4 yếu tố: âm, thanh, vần, nhịp của thơ, trong đó, theo tôi thanh (nhóm thanh bằng, nhóm thanh trắc, nhóm thanh cao, nhóm thanh thấp) và nhất là nhịp (tiết tấu) là hai yếu tố quan trọng nhất, thiếu nó văn bản không thể thành thơ, Chính chúng đã góp phần làm cho thơ văn xuôi hội đủ điều kiện thành thơ, vì bài thơ có thể không vần, không cần có sự hài âm, nhưng không thể thiếu yếu tố hài thanh và tiết tấu. Ngoài ra, còn phải kể thêm nhạc điệu nội tại của bài thơ toát ra từ tình và tứ của bài thơ. Cũng có người ngược lại, coi nhẹ yếu tố nhạc tính trong thơ, vì xem đó chỉ là yếu tố hình thức, mà quên rằng: Hình thức trong thơ nói riêng và trong văn học nghệ thuật nói chung là hình thức đã được “nội dung hóa”, nói thẳng ra: Hình thức thơ, trong đó có tính nhạc, cũng chính là nội dung thơ…

3. Làm sao tránh được tình trạng… lạm phát thơ như hiện nay?

“Cái không phải thơ” nhưng lại “giống thơ” đã gây bao ngộ nhận. Công chúng ngộ nhận là thơ, còn người làm thơ ngộ nhận về tài làm thơ của mình. “Cái giống thơ” lại dễ làm. Khi học cấp THCS đã được học các thể thơ rồi, bây giờ lập trình, ráp chữ, đúng luật bằng trắc thì thành “cái giống thơ” thôi. Nên có rất nhiều người làm thơ, in ra hàng loạt để… tặng và để… “thành” nhà thơ. Do đó, người làm thơ phải tự kiểm định thơ mình trước khi đưa thơ ra mắt công chúng, nhưng mà khó lắm, vì “văn mình, vợ người” mà. Xin mượn câu nói của nhà thơ Inrasara để tạm kết luận: “Nhà thơ cần biết sợ thơ… để người đọc còn cần đến thơ”(*).

___________________

(*) Văn nghệ BRVT số 76 (trong bài: “Nhà thơ cần biết sợ thơ… để người đọc còn cần đến thơ”- Inrasara).

Nguồn Văn nghệ số 5/2018

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

TRIẾT HỌC CUỘC TRUY TÌM Ý NGHĨA CỦA TỰ DO VÀ NGÔN TỪ







(Đọc Tư duy tự do của Phan Huy Đường, NXB Đà Nẵng, 2006)



Lương Xuân Hà



'Nó mang đến một cái gì mà đời sống văn hoá ở Việt Nam đang còn thiếu :

suy tư triết học thực sự và một kiểu mẫu vẽ một công trình triết học chân chính.'

Trích thư cho tác giả



◄◄ đọc thêm về Tư-duy tư-do




1. Khó có thể chối cãi, ngôn ngữ là một trong những vấn đề xuất hiện ở tiền cảnh của đời sống văn hóa hiện đại. Ngôn từ là cái làm nên tính người. Nó là sản phẩm của con người. Nó quyết định cách con người nhìn, thụ cảm và lý giải thế giới. Nó vừa có tính xã hội, vừa có tính lịch sử và vì có tính lịch sử nên nó cũng có một chu trình sinh thành và già cỗi. Trong mối quan hệ giữa con người và thế giới, người ta tiếp nhận thế giới xuyên qua trung gian mờ đục của ngôn từ[1]. Kinh thánh nói : Khởi thủy là Lời. Con người trở thành Người thông qua ngôn từ. Nhưng ngôn từ, đến lượt nó không tránh khỏi nguy cơ của sự tha hóa, của sự cạn kiệt ý nghĩa và khi đó, nó quay trở lại cầm tù chính con người. Một phần đời sống của chúng ta hiện lên như là những diễn ngôn. Nhưng cũng hiếm có một thời đại nào mà diễn ngôn bị phản bội như ở thời hiện đại của nhân loại. Tôi nhớ đến một đoạn tiểu luận mà A. Camus viết trong những năm 1950 : “(…) một xã hội đặt nền tảng trên những ký hiệu, ngay trong tinh túy của nó, là một xã hội giả tạo, trong đó chân thân của con người đã bị mê hoặc. Đến như thế người ta không lấy làm lạ khi xã hội đó đưa lên hàng tôn giáo một nền luân lý gồm những nguyên tắc quyết đáp khi nó viết chữ Tự do bình đẳng trước các khám đường một cách dễ dàng như trên những thánh đường tài chính (…)”[2]. Trong một diễn ngôn mang cảm hứng mác xít rất đậm nét như trên, có thể cảm nhận thấy linh cảm của Camus về sự sụp đổ và sự “mất giá” của ngôn từ trong thế giới hiện đại. Và tình hình không phải chỉ dừng ở những năm 50 của thế kỷ trước. Cho đến thế kỷ này, người ta cũng vẫn đang chứng kiến những cái mà Camus gọi thẳng tên là “sự đánh đĩ ngôn từ” : người ta nhân danh “chống khủng bố” để tiến hành khủng bố, nhân danh bảo vệ tự do để xâm phạm nhân quyền và nhân danh bảo vệ nền dân chủ để làm đảo chính quân sự… Đời sống văn hóa ở Việt Nam, không ít thì nhiều, cũng bị cuốn vào những vấn đề chung của thế giới. Quan sát những “hiện tượng” của đời sống văn hóa Việt Nam gần đây, có thể thấy cội nguồn của không ít “hiện tượng” là ở ngôn ngữ. Tôi muốn nói đến những phản ứng của giới phê bình và không ít bạn đọc với những thể nghiệm nghệ thuật mang mầu sắc hiện đại và hậu hiện đại của một số tác giả trẻ ở miền Nam (các nhà thơ nữ ở TP. Hồ Chí Minh và tập thơ Dự báo phi thời tiết). Có lẽ đằng sau những diễn ngôn về sự “suy đồi”, “phóng túng” hay “xa lạ với thuần phong mỹ tục”… mà nhiều nhà phê bình dành cho họ che dấu một phản ứng của một thế giới ngôn từ chống lại một thế giới ngôn từ. Người ta nói rất nhiều về sự “lệch pha” giữa giới phê bình và giới sáng tác. Phải chăng sau sự “lệch pha” ấy che dấu sự cầm tù của ngôn từ. Một kinh nghiệm nghề nghiệp nhỏ mang tính cá nhân. Khi các sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư đến gặp tôi để làm luận thường niên hoặc luận tốt nghiệp, các em thường có khuynh hướng chọn các tác giả như Thạch Lam, Nam Cao, Bùi Hiển, Nhất Linh, … nghĩa là các tác giả thuộc chuẩn trước 1945. Các em có thể khá dễ dàng mở rộng diện trường nghiên cứu ra những tác giả như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu sau Cách mạng hay những tác giả mang mầu sắc “duy cảm” như các nhà văn nữ viết văn sau 1986. Nhưng các em thường “trơ” trước Trần Dần, Lê Đạt, hay những tác giả như Nguyễn Quang Thiều hay Nguyễn Bình Phương. Ngược lại, khi tôi thử làm một đối thoại nhỏ về một tác giả mà đa phần (tôi chắc phải đến gần 90%) các em đều say mê là Thạch Lam, với một truyện ngắn mà các em hết sức quen thuộc – Hai đứa trẻ - điều đầu tiên mà các em bật ra bao giờ cũng là một chuổi diễn ngôn liên quan đến cái tăm tối, u tối sau đó là bần cùng, bế tắc, mòn mỏi…Cái gì diễn ra bên trong các em? Phải chăng mỹ cảm của các bạn trẻ này được nhào nặn nên bởi một thế giới ngôn từ gồm những cực như thơ mộng, mơ mộng, lãng mạn, ngọt ngào, bần cùng, tối tăm, u tối, bế tắc, anh hùng, vĩ đại… Họ nhìn và cảm thế giới qua thế giới ngôn từ đó và họ bị chính thế giới ngôn ngữ đó cầm tù. Tình thế của họ tương tự như những nhà thơ Việt Nam những thập niên 20, 30 của thế kỷ XX, những người ở trước thềm Thơ mới như Trần Tuấn Khải hay Tản Đà. Họ là những kẻ đã cảm nhận thấy sự ra đời của một thế giới mới nhưng thế giới ngôn từ làm cho họ bất lực trong việc mô tả thế giới ấy. Tôi nghĩ ở đầu thế kỷ XXI, người Việt Nam đang ở trong một tình thế giống như cha ông chúng ta đầu thế kỷ XX. Không phải là vô lý khi mà đây đó, những tiếng nói về nhu cầu dịch thuật vang lên nhiều đến thế. Một thế giới ngôn từ đang khao khát sự đổi mới, những diễn ngôn đang đòi tái cấu trúc !

2. Trong một tình thế như vậy, tôi đã đọc Tư duy tự do của Phan Huy Đường. Cuốn sách mang lại một khoái cảm đặc biệt về ngôn từ. Tương tự như cảm giác được gặp một kẻ xa lạ mà quen thuộc. Bắt đầu từ những cái gạch ngang trong những từ ghép. Có hai lý do của cảm giác này. Thứ nhất, đó là tình trạng chung của văn chương di dân ngoài biên giới Việt. Di dân trước hết là một lưu đầy về ngôn từ. Người viết bị tách khỏi môi trường ngôn ngữ mẹ đẻ, anh ta mang theo trong ký ức ngôn từ của khoảnh khắc rời bỏ Tổ quốc và giống như một thứ “đồng hồ chết” anh ta viết bằng cái ngôn ngữ của khoảnh khắc rời bỏ đó. Ngôn từ luôn phát triển. Nhưng đó là một sự phát triển khác với sự phát triển trong môi trường quốc nội. Ở đây, tôi chỉ nói lên một hiện tượng, không bàn đến hơn kém. Nhưng điều thứ hai, quan trọng hơn, và cũng đáng trân trọng hơn : tác giả là một người có ý thức về sự tạo dựng một thế giới ngôn từ của riêng mình. Viết triết học, với ông, trước hết là tạo dựng một ngôn từ triết học mang dấu ấn cá nhân. Ông ý thức rất rõ rằng “trong triết học (…), không một khái niệm nào không đáng nghi ngờ ! Không một khái niệm nào có định nghĩa chung cho mọi triết gia vì không một khái niệm triết nào có thể chứng minh được bằng thử nghiệm. Khái niệm triết chỉ có định nghĩa và có ý nghĩa trong môi trường của một hệ suy luận triết học” và “muốn hiểu một khái niệm, một câu văn trong một tác phẩm triết, ta phải có sẵn trong đầu môi trường suy luận trong đó nó có nghĩa”. Cũng cần phải nhắc tới một thực tế. Trong nguyên tác Tư duy tự do được viết bằng tiếng Pháp, được xuất bản ở Pháp và sau đó được chính tác giả dịch sang tiếng Việt. Điều đó, tự bản thân nó đã có ý nghĩa trong việc làm giàu ngôn từ triết học của tiếng Việt. Một trong những hứng thú đặc biệt khi đọc cuốn sách là dõi theo những cước chú (footnote). Đó có thể là những suy tư bên lề lan man như một ngẫu hứng nhạc jazz, có thể là một mỉa mai nào đó hay nhiều khi là những ghi chú về một lối dịch. Và qua cái cách mà tác giả tự dịch chính mình, ông đem đến cho chúng ta những hiểu biết nhiều khi mới mẻ và thú vị về những điều đã bị tự động hóa đến mức trở thành chai cứng trong đời sống ngôn từ của chúng ta. Tôi đánh giá cao cách Phan Huy Đường dịch khái niệm “transcendant” và “intuition transcendantale” trong triết học Kant. Những khái niệm này thường được hiểu như là “siêu việt”, “siêu nghiệm” và “trực giác siêu nghiệm”. Tác giả đề xuất một định danh khác : “linh cảm biệt lập”. Ông hiểu cái “transcendant” của Kant là biệt lập nghĩa là “tự nó, không lệ thuộc bất cứ gì ngoài nó”. Theo tôi, cách hiểu đó là chính xác. Hay cách ông diễn đạt một trong ba quy luật quan trọng của phép biện chứng, quy luật mà chúng ta vẫn định danh là “quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập”. Tác giả sử dụng một lối diễn đạt khác : “quy luật liên thể của các cực đối lập”. Lối diễn dịch đó là hữu lý. Còn rất nhiều những ví dụ khác về ngôn từ trong cuốn sách của Phan Huy Đường. Nó làm cho việc đọc cuốn sách trở thành một cuộc phiêu lưu ngôn từ đầy hấp dẫn.

3. Cuốn sách của Phan Huy Đường được chia làm ba phần : Những quan hệ cơ bản của con người với thế giới; Nền tảng của những ý tưởng; Những nền tảng của kiến thức. Phần thứ nhất của công trình giống như một nền tảng cho những suy tư ở hai phần tiếp theo. Tất cả những gì được viết cho phần này không phải là quá mới, tuy vậy, nếu thiếu nó, khó có thể có được sự tiếp cận đầy đủ những phần tiếp sau. Trọng tâm của phần này là vạch ra tính ba chiều kích (tridimensionnel) của tồn tại người (nghĩa là trong nó, đồng thời là con người vật thể, con người sinh vật và con người văn hóa, tính tổng hòa của nó không chỉ là sự tổng hòa những quan hệ xã hội mà còn là tính tổng hòa của chính những chiều kích này trong một thực thể); sự rạn nứt khoa học luận trong tư tưởng của Descartes; sự què quặt mang tính định mệnh của ngôn ngữ… Nếu như coi toàn bộ cuốn sách là một bài toán thì phần đầu tiên có vai trò như một hệ tiên đề mà bắt buộc, người ta phải nắm để giải bài toán đó. Phần thứ hai là một cuộc đối thoại với những tư tưởng làm nền tảng của tư duy Âu Tây hiện đại (Descartes, Kant, Hegel, Sartre, …) và đặc biệt là Marx và Engels, những người được coi là đặt nền tảng cho một nhân sinh quan mới. Những trang viết hay nhất, theo cái nhìn chủ quan của tôi, có lẽ là những trang viết về Sartre, “triết gia của tự do” và những trang có giá trị nhất là những trang về tư duy biện chứng của Marx và Engels, xuất phát từ 11 luận đề chống Feuerbach. Trên cơ sở những cuộc đối thoại của phần hai, cuộc phiêu lưu tri thức tiếp tục với sự truy tầm ý nghĩa đích thực những kiến thức nền tảng của con người hiện đại từ tiềm thức, cống rãnh của văn hóa; khoa học nhân văn, con nguời xẻ thành linh kiện;… đến chính trị, nghệ thuật làm người; nghệ thuật, bập bẹ làm người và văn chương, máu thịt của ngôn từ. Trong phần này, những phần đáng đọc nhất là những phần truy vấn ý nghĩa của nghệ thuật và văn chương, dẫu cảm hứng dấn thân chịu ảnh hưởng của Sartre là rõ nét.

4. Với một cái nhìn lướt qua như trên, có thể thấy Tư duy tự do là một tác phẩm mang mầu sắc Mác xít rất đậm nét. Nói theo chính ngôn từ của tác giả, ông là người “nhận nợ” từ Marx và Engels. Điều đáng trân trọng là sự tiếp nhận tư tưởng từ Marx và Engels của Phan Huy Đường là hoàn toàn phi giáo điều. Đặt trong lịch trình tư tưởng châu Âu từ thế kỷ XVII, từ “sự rạn nứt khoa học luận” của Descartes, tác giả chỉ ra tính cách mạng trong phép biện chứng mác xít thể hiện trong việc đặt lại vấn đề về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức bằng cách thay thế nhị nguyên luận biệt lập vật chất – tư duy của Descartes bằng cách đưa vào giữa vật chất và ý thức những quá trình sống của con người – nghĩa là đặt một gạch nối giữa chủ thể tư duy và thế giới. Ông cũng nhận ra trong những bản văn được viết từ rất sớm của Marx và Engels linh thức thiên tài về con người với tư cách là một thực thể ba chiều kích (vật chất, sống, văn hóa). Từ xuất phát điểm đó, tác giả đề xuất một cách hiểu khác về ba quy luật nền tảng của phép biện chứng mác xít (quy luật lượng biến thành chất, phủ định của phủ định và liên thể của các mặt đối lập). Thay vì nhìn những quy luật này thuần túy mang tính bản thể luận (nghĩa là thuần túy mô tả sự vận động của thế giới hiện thực), ông tìm cách thống nhất chúng, coi chúng như “một thể thống nhất, đồng tự hiện thực trong mọi quan hệ giữa con người với thế giới, với chính mình”. Theo cách nhìn đó, quy luật lượng biến thành chất được nhìn như là quy luật phản ánh mối quan hệ giữa những biến đổi của thế giới vật chất và sự cảm nhận của con người (sự biến đổi của thế giới vật lý, đến một mốc nào đó, sẽ khiến một sinh vật cảm nhận nó một cách hoàn toàn khác về chất). Cũng như vậy, sự phủ định cần được hiểu như là quá trình chuyển hóa qua những chu trình của sự sống biến những hiện tượng của thế giới hiện thực trở thành những kinh nghiệm sống mang tính cá thể và từ đó, phủ định của phủ định chính là khâu cuối cùng chuyển hóa những kinh nghiệm sống đó thành những kinh nghiệm văn hóa. Không những thế, ông còn đẩy tiếp suy luận của mình khi cho rằng gốc của những “phạm trù đối lập” cần phải được tìm trong chính đặc điểm tư duy con người. Sự diễn dịch như trên ba quy luật của phép biện chứng có thể cho phép xây dựng một hình dung về mối quan hệ giữa con người và thế giới như một “tổng thể động”, như một “hành động vật chất có nhục cảm và tư duy của con người (người viết nhấn mạnh)” nó cho phép tạo ra những mệnh đề hết sức lý thú chẳng hạn như khi tác giả nhận định : “Điều ta gọi là chất không là thuộc tính của vật chất cũng không phải là một thuộc tính của sinh vật – trong óc làm gì có mầu xanh! – nó biểu đạt một loại quan hệ giữa một sinh vật với vật chất”. Điều độc đáo và sáng tạo của cách diễn dịch này là nó đặt lại vấn đề về vai trò của con người trong mối quan hệ với thế giới, tránh một hình dung mang tính quyết định luận nghiệt ngã về mối quan hệ giữa con người và thế giới, điều mà không ít diễn dịch mác xít giáo điều có thể sa vào.

5. Trong cuốn sách của mình, Phan Huy Đường đưa ra một hình dung về tự do : “Ở bất cứ chiều kích nào trong thân phận làm người, phủ định văn hóa đã khiến mình nên người là phủ định chính mình để sáng tạo … chính mình! Qua hành động và trong ngôn ngữ. Điều ấy gọi là tự do. Vì nó có khả năng tự phủ định toàn diện, con người thực sự tự do khi dám phủ định chính mình, dám biến hành động ấy thành tác phẩm hay thành lời nói. Xuất phát từ phủ định và phủ định của phủ định để nên người, nó biết phủ định nhân giới cũ ở nó để sáng tạo nhân giới mới ở nó và xuyên qua ngôn ngữ, ở mọi người, ở mình”. Trong ý nghĩa đó, cuốn sách của ông xứng đáng với tên gọi của nó. Nó là ngôn từ triết của chính ông. Nó là cuộc đối thoại với những triết gia mà ông “nhận nợ”, những triết gia “của riêng ông” (tất nhiên, nếu ở địa vị tôi, cái danh sách những nhà tư tưởng lớn nuôi dưỡng tư duy hiện đại sẽ phải thêm vài người như E. Husserl, như một vài nhà cấu trúc luận, như một số triết gia về ngôn ngữ). Nó là cách “đọc” Marx và Engels của riêng ông. Đọc cuốn sách của ông, có thể tìm thấy một sự quyến rũ của thế giới ngôn từ và một lời mời gọi suy tư đầy tinh thần dấn thân Mác xít. Với một cuốn sách triết, tôi nghĩ, thế cũng là đủ.

Lương Xuân Hà

10.2006








[1] Xin xem bài của Cao Việt Dũng giới thiệu một trong những công trình vĩ đại nhất của triết học thế kỷ XX – cuốn Từ và vật của Michel Foucault. Tạp chí Tia sáng, số 19 ra ngày 5.10.2006.


[2] A. Camus, Văn nghệ sĩ với hiện đại, trong sách Những bậc thầy văn chương, NXB Văn học, Hà Nội, 2002.

LỤC BÁT TẢN THẦN





Thơ: Nguyễn Hàn Chung




Liếc tiên Bùi Giáng báng dùi
liếc thần Nguyễn Đức Sơn ngồi vọc cu

Liếc Hoài Khanh Phạm Thiên Thư
Nguyễn Khắc Hiếu Nguyễn Tố Như họ Đồng

Lục bát à ! Dễ như không
dễ như gái nhảy trên chông gót trần

Ham chơi lục bát tản thần
cũng không liều lĩnh bỏ vần mê trai

Tân hình thức đã tam tai
hậu hiện đại lại bá vai côn đồ

Liếc gái gú liếc con bồ
thử chơi chiêu tự cởi đồ ra sao

Cho cùng dẫu có rớt ao
còn hơn tự trói mình vào nếp nhăn

Bây chừ gân cốt còn căng
không chơi lỡ cái đê hèn phản cung!

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

CUỘC XÂM LĂNG THẦM LẶNG CỦA NGƯỜI TÀU.


Nguyễn Thuỳ Trang

Mỗi tháng người Trung Quốc tới Nha Trang hơn 150 nghìn người và Đà Nẵng hơn 100 nghìn người. Chỉ nội 2 thành phố Nha Trang và Đà Nẵng đã có hơn 250 nghìn lượt du khách TQ sang VN mỗi tháng, vượt qua con số 2.7 triệu người TQ đến VN trong năm 2016.

Nha Trang và Đà Nẵng có gì đẹp để người TQ phải đến!
Trên thực tế, TQ có nhiều khu vực biển rất đẹp mà không cần phải tới VN để du lịch.Mục đích của Trung Quốc là di dân tới Việt Nam và đây là sự thật phủ phàng cho đất nước VN chúng ta.

Tại Nha Trang và Đà Nẵng, mỗi tuần có hằng chục người Trung Quốc làm thủ tục cưới vợ VN và con số này đang tăng nhanh đến chóng mặt.

Theo quy định Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung, do đó người Trung Quốc chỉ cần đưa tiền nhờ người vợ sắp cưới mua nhà, sau đó làm giấy hôn thú thì người Trung Quốc sẽ được quyền sở hữu căn nhà đó cùng với vợ ngay tại Việt Nam.

Đây là cách lách luật của người Trung Quốc qua mặt Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở.

Nếu tính đúng thì con số người Trung Quốc di dân sang Việt Nam từ năm 2012-2018 có hơn 100 nghìn người ở Nha Trang và 70 nghìn người ở Đà Nẵng – và toàn quốc VN tính chung có gần nửa triệu là con số chính thức.

Theo thống kê năm 2012 dân số VN có 90 triệu nhưng trong năm 2013 dân số tăng nhanh chóng hơn 1 triệu người với kỷ lục 1.16% hệ tăng, Và năm 2018 thì Việt Nam có hơn 5 triệu người so với năm 2012 tức hơn 96 triệu người.

Từ năm 1984 tới năm 2008 thì dân số VN chỉ có hệ tăng dân số tối đa là 0.95% nhưng từ khi người TQ di dân tới VN qua con đường hôn phối đã nâng số hệ tăng dân số VN lên tới con số 1.26% hệ tăng như hiện nay tức tăng hơn 5% mỗi năm so với dân số hiện tại.

Dân số bất chợt tăng 5% là con số khá rõ để nhìn thấy cuộc xâm lược không tiếng súng của người Trung Quốc.

Qua thống kê của nhà nước thì người Trung Quốc ở VN là 823,071 người, tuy nhiên con số người Trung Quốc sử dụng trong hôn thú là Trung Quốc gốc Tày, Trung Quốc gốc Thái, Trung Quốc gốc Mường, Trung Quốc gốc Khmer, Trung Quốc gốc Nùng, Trung Quốc gốc Mong … tổng cộng ở VN là 21 triệu người.

Với chiêu thức mập mờ đánh lận “dân tộc thiểu số” trá hình này thì người Trung Quốcvới sự tiếp tay của cán bộ tham nhũng địa phương đã di dân sang Việt Nam từ 2008-2018 có hơn 20 triệu người (không chính thức), bằng tổng số 1/5 người Việt Nam, tuy nhiên Tổng cục Thống kê vẫn không nhìn thấy được vấn đề này.

Nguyễn Thùy Trang