Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

TÂY NGUYÊN



Phạm Lưu Vũ

Tây nguyên, "mái nhà của Đông Dương" theo cách nhìn của bọn chính trị lúc nào cũng ôm mộng đế vương. Sau khi được nhà văn lớn Nguyên Ngọc xuyên tạc, bịa đặt bằng tác phẩm: "Đất nước đứng lên", tiếp đến nhà văn lỗi lạc Trung Trung Đỉnh phụ họa bằng "Lạc rừng", và kết thúc bằng "Bô xít". Thế là... xong Tây Nguyên.

Nhưng Tây Nguyên may còn Lê Vĩnh Tài. Con chim (của) sơn ca. Thơ Lê Vĩnh Tài làm Tây Nguyên sống mãi. Xin dẫn lại bài bình mấy câu thơ của Tài làm bằng chứng. Chỉ mấy câu, mà đi suốt từ "nhân", đến "quả":

MỘT ĐOẠN THƠ HAY CỦA LÊ VĨNH TÀI

“một con ếch nhảy
vào màn hình
thành con bò. Lơ ngơ...”
“hồ cạn nước
con ếch vẫn chơi cú nhảy
vỡ đầu...”
“đồng xanh
con bò gặm cỏ
trên người nông dân”

Đoạn thơ lấy cảm hứng từ câu: “Ếch ngồi đáy giếng”, một câu thành ngữ vào loại tuyệt hay của dân ta. Giếng là “tượng” của quẻ “Tỉnh” (Thủy Phong Tỉnh) trong kinh Dịch. Một quẻ gồm có 6 “hào” (6 vạch), tính từ dưới lên trên, câu thành ngữ trên chỉ hào dưới cùng (hào sơ lục) của quẻ Tỉnh. Đáy giếng là một chốn tối tăm, chật hẹp, khốn khổ và rập rình hơi độc. Đó là toàn bộ vũ trụ của con ếch. Một hôm, nó bám vào dây gàu và được kéo lên miệng giếng. Lên tới miệng giếng (hào trên cùng), con ếch bỗng thấy Bầu trời hóa ra khác hẳn, nó tươi mát và bao la tới vô cùng. Tuy có chút lơ ngơ ban đầu, song lập tức, khát vọng về một sự thay đổi ngay lập tức phát sinh. “Con ếch” kia quyết làm một cuộc đổi đời…

Vậy là sau quẻ “Tỉnh” (ra khỏi miệng giếng), tiếp ngay đến quẻ “Cách” (Trạch Hỏa Cách). “Cách” có nghĩa là Cách Mạng. “Con ếch” quyết đi làm… cách mạng. Vì từ đáy giếng chui lên, nên phải quyết tâm đi làm… cách mạng. Kinh Dịch quả nhiên ghê gớm. Mọi điều lớn, nhỏ trên thế gian đều không ra khỏi thâm ý này.

Con Ếch là 1 giống vật bao gồm cả nhái bén và… ễnh ương, nghĩa là khi phình bụng ra, thì nó kêu như ễnh ương, và thót bụng lại thì nó hèn như… nhái bén. Nó nhảy vào cuộc cách “mạng” (đi vào quẻ “Cách”) mang theo sự ầm ĩ của 1 con ễnh ương, và ra khỏi cuộc cách “mạng” đó bằng sự hèn nhát của 1 con nhái bén.

Lê Vĩnh Tài đã đưa tư tưởng này vào… Hai Ku một cách rất… Tài! “Sử thi” đến nỗi, chính quê hương của Hai Ku (nước Nhật) cũng chưa chắc đã có ai nghĩ tới. Có lẽ bởi bên đó “giếng” tuy vẫn có, song không có… con ếch nào (ít nhất trong khoảng một nghìn năm trở lại đây) chăng?

Nhưng một điều mà con ếch không bao giờ hiểu nổi, rằng cái “Bầu trời” kia, xét đến cùng chỉ là ảo, ảo như cái màn hình tivi mà thôi. Cho nên cú “đổi đời” của nó, chẳng qua chỉ là:
“một con ếch nhảy
vào màn hình
thành con bò. Lơ ngơ...”
Và rốt cuộc:
“hồ cạn nước
con ếch vẫn chơi cú nhảy
vỡ đầu...”

Vỡ đầu ai đây? Không phải con ếch bị vỡ đầu, mà đó là tên, là “định nghĩa” của cú nhảy ấy, một cú nhảy có tên… vỡ đầu. Bầu trời vẫn hoàn nguyên bầu trời, không có gì thay đổi. Đây là mấy câu tả cảnh thanh bình kì ảo nhất, hay nhất từng thấy trong văn chương:

“đồng xanh
con bò gặm cỏ

trên người nông dân”
Nếu viết con bò gặm cỏ “bên” người nông dân thì sự quan sát ấy thường quá. Ở đây viết: “trên” người nông dân. Rốt cuộc, con ếch cũng thành công trong cuộc “cách mạng” đổi đời của nó. Cách mạng là đảo lộn, là “long trời lở đất”…, thế mới gọi thành công. Bằng chứng là người nông dân, từ chỗ vẫn cưỡi trên lưng bò, nay lại để bò cưỡi trên lưng mình. Ầm ĩ (tuyên truyền), vỡ đầu (thằng khác) và đảo lộn... là những quy luật của mọi cuộc “cách mạng”. Bắt đầu bằng 1 con ếch, kết thúc lại hóa ra con bò. Lạ mà tuyệt hay. Người nông dân không phải “nhân vật” trong thơ, mà là cả một… vũ trụ, một vũ trụ “thanh bình”, để cho loài bò cưỡi trên lưng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét