Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Xã hội tư bản càng bộc lộ nhiều sự bất công:



Theo Cục điều tra dân số, ước tính ở Mỹ có 47,4 triệu người hiện sống trong cảnh bần cùng. M. Yonus (giải Nobel Hòa bình) tố cáo: “Trên thế giới hiện nay, chưa đến 500 người giàu đang sở hữu số tài sản nhiều hơn toàn bộ thu nhập của hơn một nửa dân số thế giới cộng lại. CNTB hiện nay đã xuống cấp thành một sòng bạc. Thị trường tài chính bị đẩy lên bởi lòng tham. Sự đầu cơ đã đạt tối mức độ thảm khốc. Tất cả những thứ đó cần phải kết thúc” (Báo Tuổi trẻ 13/10/2008).


Derrida nhận xét: “Trong thực trạng của thời hiện đại, thời đại chưa bao giờ hết bạo lực, bất bình đẳng, bài ngoại, nạn đói, thất nghiệp, mất không gian sống, chiến tranh thị trường, tình trạng nghèo khổ phổ biến ở vùng Nam bán cầu, sự đe dọa khủng khiếp của công nghiệp vũ khí và bom hạt nhân, chiến tranh sắc tộc tràn lan, sự lộng hành của cá thế lực tội ác có tổ chức, tình trạng luật pháp quốc tế bị một số cường quốc thao túng và từ đó áp bức kinh tế, lại gây áp lực tới một phần nhân loại đông đảo” (Những bóng ma của chủ nghĩa Marx – NXB chính trị quốc gia 1994).


Nói nước Mỹ đã vứt bỏ được cái “vòng kim cô toàn trị” mà sao:


► Năm 2013, nhân viên CIA Edward Snowden trốn qua Nga, đưa ra ánh sáng về những hoạt động của chính phủ Mỹ qua chương trình theo dõi mật người dân Mỹ và Châu Âu thực hiện qua hệ thống thông tin điện tử quy mô nghe lén điện thoại và internet? Khác chi một loại CẢNH SÁT TƯ TƯỞNG văn minh không chỉ trong một quốc gia mà có xu hướng kiểm soát toàn cầu? Nước Mỹ mất mặt!


► Thống kê dân số thế giới tính đến ngày 16/01/2017, cho biết: Hoa Kỳ dân số có 325,398,239 người, chiếm khoảng 4.34% tổng dân số thế giới nhưng chiếm tới 25% tổng số tù nhân, với 2,5 triệu người bị giam cầm, cao nhất thế giới cả về tỷ lệ và số người. Ngoài ra, nước Mỹ còn có 6,5 triệu người bị tước quyền công dân, quản chế, giam lỏng tại nơi cư trú bằng nhiều hình thức, có tới 15% số tù nhân bị giam giữ mà không thông qua xét xử, một tỷ lệ lớn bị kết án oan. Hệ thống pháp lý hình sự của Hoa Kỳ có hơn 2.3 triệu người trong 1.719 nhà tù bang, 102 nhà tù liên bang, 901 cơ sở cải tạo thiếu niên, 3.163 nhà tù địa phương, 76 nhà tù ở ngoài lãnh thổ Mỹ cũng như các nhà tù quân sự, cơ sở giam giữ người nhập cư, các trung tâm cam kết dân sự ở các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ (The Whole Pie 2017).


► Chiến tranh vẫn xảy ra và ngày càng khốc liệt với các loại binh khí tối tân hơn, sức hủy diệt khủng khiếp hơn. Công luận bị coi thường, các nước tư bản ngang nhiên cấu kết với nhau gây bất ổn ở khắp nơi trên thế giới:


* Trong bối cảnh rối loạn của thời kỳ hậu xô viết là sự tan vỡ của Liên bang Nam Tư và cuộc chiến Kosovo cực kỳ đẫm máu cùng cái chết tức tưởi của Tổng Thống Milosevic trong một nhà tù của Liên Hiệp Quốc. Sau đó là đất nước Serbia oằn mình gánh chịu những hậu quả thảm khốc của chiến tranh và vùng bán đảo Balcan bị chia cắt thành nhiều quốc gia nhỏ bé, không còn ảnh hưởng của Nga, lệ thuộc vào khối NATO và Mỹ. Khi chính quyền Nam Tư khẳng định rằng các nhà máy hóa chất Nam Tư thậm chí không bị Adolf Hitler ném bom thì những hành động của Mỹ-NATO đã cho thấytrùm phát xít Đức quốc xã chẳng là cái gì hết. Các nước phương Tây "nhân văn" làm được hơn thế! Những việc làm đó để lại những di chứng và nỗi đau không bao giờ chữa lành cho cả một dân tộc, lại được các nước "văn minh phương Tây" gọi là "can thiệp nhân đạo", thực ra "mercy killing" có nghĩa là "cái chết êm ái"! Chính họ từ lâu đã tự cho phép mình có quyền "giết người hàng loạt nhân danh lòng nhân đạo". Quyền này xuất phát từ định đề là "Lòng tốt cần phải đi kèm với nắm đấm. Bình đẳng dân tộc chỉ có được bằng bom đạn"!


* Năm 2003 trong khi Ủy ban Giám sát, Thẩm định và Thanh sát của Liên hợp quốc (UNMOVIC) chưa có kết luận về việc Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt, người Iraq kiên quyết bảo vệ danh dự và chủ quyền quốc gia, thì Mỹ, Anh ngang nhiên mang quân đánh chiếm nước người. Kết cục là cái chết bi thảm của Tổng thống Saddam Hussein cùng hậu quả hết sức nặng nề: Một triệu rưỡi người Iraq bị chết, hơn hai triệu người khác phải rời bỏ quê hương sang sống tỵ nạn ở nước ngoài. Lời hứa của Tổng thống Mỹ George Bush về "Một nước Iraq mới sẽ là một hình mẫu về tự do, dân chủ, hoà bình và thịnh vượng ở khu vực Trung Đông. Ở đó mọi người sẽ được sống trong hạnh phúc và tình bác ái, không có nhà tù, tra tấn và đàn áp" mà 15 năm trôi qua Iraq vẫn chìm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội triền miên, đất nước bị tàn phá, tan rã và chia cắt về sắc tộc và tôn giáo giữa người Sunni, Shiite và người Kurds, giữa người theo đạo Thiên chúa và đạo Hồi... Các tổ chức khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, Al-Qaeda được cơ trỗi dậy gây thêm không biết bao nhiêu tội ác đối với người dân Iraq. Cuộc chiến ấy như quả bom khiến Trung Đông rung chuyển: Bạo lực tràn lan. Các tổ chức khủng bố trước đây bị cấm, nay mọc lên như nấm. Các cuộc xung đột đẫm máu tại Ai Cập, Libya, Yemen, Syria... làm hàng triệu người chết chưa biết bao giờ kết thúc. Tác động lại nước Mỹ là sự tổn thất về vật chất và con người hết sức to lớn. Con số thống kê thật là khủng khiếp: Washington đã chi khoảng 6 ngàn tỷ đô la, tương đương khoảng 1/3 tổng thu nhập quốc nội GDP của Mỹ cho cuộc chiến tại Iraq, 4.497 binh sỹ Mỹ bị chết và 32.223 bị thương. Theo một số chuyên gia thì số lính Mỹ bị chết và bị thương trên thực tế còn cao hơn nhiều. Đây là con số thương vong lớn nhất của Mỹ kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo một tài liệu nghiên cứu của trường đại học Brown Providence University của Mỹ, có 2,7 triệu lính Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan từ 2001 đến 2014 khi trở về Mỹ hầu hết đều không có cuộc sống bình thường, 1/8 trong số những người lính này đã mắc triệu chứng rối loạn tâm lý PTSD (Post-traumatic Stress Disorder). Chính cựu ngoại trưởng Mỹ Collin Powell, người đã cầm một vật thể nhỏ giơ lên trước Đại hội đồng LHQ đầu 2003 và nói rằng đây là loại vũ khí giết người hàng loạt của Iraq, sau này đã phải thừa nhận: "Nỗi hổ thẹn nhất trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi là đã buộc phải nói dối theo lệnh của Cơ quan tình báo Mỹ CIA và cuộc chiến đã được dựng lên theo những lý do không có thật”. Đặc biệt, Tổng Thống George Bush và Thủ tướng Tony Blair đã nhận sai việc này trước công luận! Thế nhưng còn điều gì sẽ xảy ra khi quân đội của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad đang bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học khi các lực lượng chống đối được Mỹ và NATO ủng hộ đang bị dồn đến bước đường cùng?


Không ai còn tin vào những lời nói dối về vũ khí hủy diệt và những lời hứa của Mỹ và phương Tây về một nền dân chủ, hoà bình, một cuộc sống tự do và hạnh phúc cho các khu vực. Châu Âu và Bắc Mỹ rúng động trước phong trào Chiếm phố Wallcủa những người tự nhận đại diện cho 99% dân lao động chống lại 1% giới tư bản tài chính và các chính trị gia, chống lại cái cơ chế “xã hội của 1%, do 1% và vì 1% của Mỹ và thế giới tư bản nói chung – 1% người giàu nhất được hưởng 40% chiếc bánh” và không còn tạo cảm hứng cho ngay cả với dân chúng họ! Hàng triệu người Âu, Mỹ trong tâm trạng bế tắc đang bỏ đi hàng năm, tìm đến châu Á, Mỹ La tinh, thậm chí cả châu Phi mong thoát khỏi cuộc sống thực dụng, thiếu nhân tính và vô cảm! Tại sao một bộ phận thanh niên dễ dàng từ bỏ cuộc sống ổn định, ngược dòng với các cuộc di dân ào ạt từ các vùng bất ổn và nghèo khổ, tìm đến những tổ chức cực đoan, tiêm nhiễm những tư tưởng mới, quay về nổi loạn hòng làm thay đổi xã hội họ đang sống. Ngay tại những nước phát triển nhất, xưa nay yên ổn nhưng bây giờ cũng luôn bất ổn. Báo hiệu sự rạn vỡ từ nội tình các nước phương Tây?


Tuy nhiên, phần lớn các nước tư bản phương Tây đi lên căn bản từ một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, tổ chức hệ thống sản xuất hợp lý, năng xuất lao động cao hơn hẳn, mở rộng thị trường, cạnh tranh quyết liệt, tạo ra sản phẩm nhiều và rẻ cộng với một nền tài chính dư dả, lại có kinh nghiệm quản lý xã hội… nên người dân được hưởng phúc lợi cao, có cuộc sống ổn định và phóng khoáng. Ở một số nước Âu-Mỹ, khi công nhân cũng có thể là đồng sở hữu của phương tiện sản xuất thông qua cổ phần khiến người ta nghĩ tới một Chủ nghĩa tư bản toàn dân, đó là tiền đề của một xã hội tương lai mà người dân hẳn nhiên mong muốn. Nhưng thực tế hiện nay, điều xấu xa nhất của CNTB vẫn là sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động đang là mâu thuẫn đối kháng, từ đó nảy sinh ra các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức, thậm chí là những cuộc bạo loạn nhưng đều bị giới tư bản thông qua nhà cầm quyền dàn xếp với nhiều mức độ.


Chủ nghĩa tư bản sẽ bị tiêu diệt hay nó tự chuyển hóa, hãy chờ xem.


Nguyễn văn Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét