Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Lại nghĩ về Thơ





Tác giả: Lê Thiên Minh Khoa




1. Thơ ca và bia rượu:

Tình hình thơ Việt Nam hiện nay?


Ngày nay, các nhà thơ lớp trước, thế hệ trước năm 1975, nhiều tác giả vẫn sáng tác nhiều bài thơ hay, rồi nhiều nhà thơ trẻ có tài năng xuất hiện và thơ dễ in nên được sản xuất nhiều hơn vì chỉ cần có tiền hoặc có tài trợ là có tác phẩm nhưng hình như công chúng yêu thơ thực sự (là độc giả khó tính nhất trong các thể loại văn chương vì thơ được xem là một thứ nghệ thuật cao cấp) lại ít đi. Trong số đông tác phẩm đó, có cả “chính phẩm” lẫn “thứ phẩm”. Công chúng yêu thơ đọc hoài thơ “thứ phẩm” (mà có người gọi là thơ “second hand”) đến nhàm chán, gặp thơ “chính phẩm” lại tưởng là thơ “thứ phẩm” nên chê, có người đọc hoài thơ “thứ phẩm” đâm ra nghiền loại thơ này nên gặp thơ “chính phẩm” lại thấy nhàm chán.

Xin kể chuyện này, chuyện thật 100%, không liên quan đến thơ nhưng liên quan đến cảm nhận thơ: Có lần đi dự đám ở một vùng quê, chúng tôi đem theo một két bia Sài Gòn để mừng. Mấy ông bạn cũ, nay là bạn nhậu thứ thiệt trong làng lại chê là bia dỏm, nhạt, uống “không đã” phải lấy bia Sài Gòn mua ở đầu xóm đem ra uống. Thì ra, họ quen uống và nghiền bia Sài Gòn dỏm, nay gặp bia Sài Gòn thứ thiệt lại chê là “thứ phẩm”, không có pha… cồn nên nồng độ thấp.

“Bình mới” - “rượu mới” trong thơ Việt Nam ngày nay có thể nói rất đa hệ với những trăn trở tìm tòi thử nghiệm sáng tạo của các nhà thơ đương đại thuộc nhiều lứa tuổi nên đã hình thành nhiều xu hướng, nhiều trào lưu sáng tác, nhiều dòng thơ… rất đa dạng. Trong số đó thời sự nhất trong những năm gần đây là chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism) và tân hình thức (New Formalism). Chỉ nói về 2 phương pháp sáng tác này: nếu qui chụp vào “bình mới” - “rượu mới” thì có thể coi: “bình mới” = tân hình thức + các thủ pháp nghệ thuật mà hậu hiện đại chấp nhận và dung hóa; “rượu mới”= cảm thức hậu hiện đại.

Chủ nghĩa hậu hiện đại được một số văn nghệ sĩ Việt Nam tiếp nhận và thực tế nó đang trở thành một xu hướng sáng tác (xu hướng chứ chưa phải là trào lưu) trong thơ ca đương đại Việt Nam nhất là trong giới sáng tác trẻ. Có nhiều cây bút đã vận dụng thành công phương pháp sáng tác này và “đứng được” trên thi đàn. Nhưng cũng không tránh khỏi thực trạng lạm dụng cái mới cái lạ, “học chưa hết chiêu đã hành nghề”… gây ra một môi trường thơ hổ lốn đầy rượu dỏm bơm vào vỏ rượu Tây. Cho nên, có những bài thơ tắc tị nhưng ngụy trang bằng một cảm thức cao siêu kiểu như là một số người viết chữ xấu đọc không được lại thành nghệ thuật thư pháp tiếng Việt vậy. Phổ biến nhất là loại thơ dung tục, thông tục hóa tầm thường - cả nội dung lẫn hình thức mà có lẽ tác giả của nó chưa học hết chiêu “tục và thanh” trong thơ truyền thống…

2. Phân biệt thơ và cái không phải thơ: Xác định thế nào là thơ?

Lại đụng phải một vấn đề lớn, khó khăn của lý luận văn học đây. Xưa nay, các bậc học giả đã thường tìm cách định nghĩa, nhưng có thể nói, đây là “một câu hỏi lớn không lời đáp” vậy. Hình như con số định nghĩa về thơ phải có đến hàng ngàn, có điều không có cái nào giống cái nào, điều đó chứng tỏ cái cụ thể đó (thể loại thơ) lại rất trừu tượng và khó nắm bắt. Chẳng hạn theo Voltaire: “Thơ là hùng biện du dương”, theo A.De Musset: “Thơ là tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình”. Ở Việt Nam ta cũng có hàng chục định nghĩa về thơ. Chẳng hạn, theo Tố Hữu: “Thơ là tiếng nói đồng tình, đồng ý, tiếng nói đồng chí”, còn Chế Lan Viên: “Thơ là gì? Là thơ lơ mơ …”. Hai định nghĩa về thơ của hai danh nhân nước ngoài khác nhau hoàn toàn, thậm chí đối nghịch nhau và xác định đối tượng phản ánh của thơ cũng không giống nhau: Là du dương của hùng biện, là nhẹ nhàng của tâm tình. Còn hai định nghĩa của hai nhà thơ Việt Nam cũng vậy: là tiếng nói đồng cảm, đồng điệu (Tố Hữu), là tâm hồn bảng lảng, bay bổng, mơ màng… (Chế Lan Viên)

Nhà thơ dù lớn, vừa vừa, hay nhỏ, tự mình cũng phải xác định thơ là gì khi cầm bút sáng tác ra thơ, (dĩ nhiên là sự xác định này không ai giống ai).

Nói theo dân gian: Trước khi làm phải biết mình làm cái gì thì mới làm được. Hơn nữa, thơ hiện đại luôn đòi hỏi là nhà thơ có tri thức, kể cả tri thức lý luận… Xác định “thơ là gì” theo lối thực tiễn thì có công thức 3T: Tình - Từ - và Tứ.

Thơ trước hết phải có “Tình”, tức là nhà thơ phải có tình cảm mãnh liệt, chân thật và sâu sắc đối với đối tượng trữ tình; phải có rung động (cảm xúc) đột xuất, cao trào và bức xúc để tự “bức bách” mình phải “động thủ” thành thơ; đồng thời tình cảm và rung động này phải đủ để làm nảy sinh, hòa nhập “quấn quít” với một trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.

Thứ hai là “Từ”, tức là ngôn ngữ thơ. Thơ là nghệ thuật bậc cao của ngôn ngữ, mà là ngôn ngữ hình tượng. Ngôn ngữ thơ phải mới, phải sáng tạo không lặp lại người khác, không lặp lại mình, không ước lệ sáo mòn, nói theo ngôn ngữ hiện đại là không “lập trình sẵn”. Ngôn ngữ đó phải càng “lệch chuẩn” càng hay. Vì càng “lệch chuẩn” càng tránh được sự sáo mòn, lặp lại, lập trình sẵn ngôn ngữ, điều kiêng kị nhất trong thơ. “Lệch chuẩn” nghĩa là vừa giống mọi người (chuẩn), vừa khác mọi người (lệch). Vì cái “Giống” tức là theo chuẩn mực chung về sử dụng ngôn ngữ để mọi người hiểu được. “Khác” tức là phải có cái mới, cái lạ mới thành thơ để mọi người thích, thấy thú vị.. Chẳng hạn như Nguyễn Du viết: “Trăm năm trong cõi người ta” thì cái “giống” (chuẩn) là: Cõi trời, cõi trên, cõi Phật, cõi trần gian… theo kết cấu cụm từ tiếng Việt, chứ chưa ai nói “cõi người ta” như Nguyễn Du cả.

Khi Tố Hữu viết: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ (Từ ấy), thì cái “giống” (chuẩn) là: “Từ đó, từ ngày ấy” chứ chưa ai nói: “từ ấy”cả. Gần đây, Hoàng Nhuận Cầm viết: “Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn” (Sông Thương tóc dài) thì thiệt là “quá đã”. Nếu viết theo “chuẩn” thì: Sau phó từ (đã) và trước danh từ chỉ địa danh (Côn Sơn) lẽ ra phải là một động từ chỉ sự di chuyển: Không thể nói “đã Sài Gòn, đã Biên Hòa”, mà phải nói: “đã đi Sài Gòn, đã về Biên Hoà”. Nhưng ở đây Hoàng Nhuận Cầm lại nói được, mà người đọc thơ không những hiểu, chấp nhận mà còn thích thú nữa: “đã Côn Sơn”, thế thì có “đã đời” không? Cái “giống” (chuẩn) là Hoàng Nhuận Cầm vận dụng quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ dựa trên điệp kết cấu các vế trong câu và nghĩa “hàm ngôn” của từ “nhưng” (để tạo ra cái “lệch”): “Hạ chưa về (1) nhưng nắng đã Côn Sơn”(2). Hai vế câu đều có thành phần chủ ngữ là biểu tượng thiên nhiên (Hạ và nắng), thành phần vị ngữ đều có hai phó từ chỉ thời gian đối lập nhau (chưa, đã), với quan hệ từ “nhưng” biểu thị quan hệ hai vế tương phản nhau về ý, vậy thì vế (1) là “chưa về” thì vế 2 theo logic câu phải là “đã về, đã tới Côn Sơn”, câu thơ do vậy đọc mới “sướng”!

Hoàng Quý viết: “Chớ cười hoang vu như thế nữa” (Thôi em về đi). Hoang vu là nói về nét hoang liêu, vắng vẻ của một vùng đất, ở đây nhà thơ dùng để chỉ nụ cười của cô gái: Cười hoang vu là nụ cười trong trắng, vô tư, ngây thơ , hồn nhiên và… dại khờ. Thi sĩ đã lắp ghép những từ cũ kỹ để tạo thành từ ngữ mới mẻ, lạ lẫm, táo bạo, tươi rói, đắc địa, biến ảo, có “hồn chữ cựa quậy”, có sức biểu nghĩa phong phú và sức biểu cảm lắng sâu làm người đọc vừa sửng sốt, vừa khoái cảm…

Nếu như họ dụng từ theo kiểu “Trăm năm trong số người ta”, “Từ đó, trong tôi bừng nắng hạ”, “Hạ chưa về nhưng nắng tới Côn Sơn”, “Chớ cười ngây ngô như thế nữa” thì chưa chắc ngày nay chúng ta có thi hào Nguyễn Du, nhà văn hóa lớn của thế giới, Tố Hữu là thơ lớn, lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng suốt ba thập niên rưỡi (1930 -1975) và Hoàng Nhuận Cầm, Hoàng Quý, hai trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam đương đại.

Thời gian gần đây, giới thơ ca đang xôn xao về bài thơ dài “Trăng ca” của tác giả trẻ Võ Thị Phương Thúy đăng trên nhiều diễn đàn văn chương. Thành công của bài thơ do nhiều yếu tố hợp lại: điêu luyện - cách tân - tứ thơ mới - cảm xúc, cái nhìn lạ lẫm về trăng… Nhưng có một yếu tố quan trọng đã biến câu lục bát thành thơ lục bát mà tác giả vận dụng rất có tay nghề là: Ngôn ngữ thơ “lệch chuẩn” một cách rất có ý thức:

“Em còn trăng lót vạt nằm

Tôi còn em ngậm đóa rằm chưa bưa”

(Trăng ca)

Thứ ba là Tứ. Tứ thơ là một khái niệm có vẻ rất khái quát và trừu tượng nên rất khó diễn giải. Theo tôi, “tứ” được hiểu như là một phương thức nào đó để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống các ý đó với “tình” của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ (từ). Cả ba yếu tố đó tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ - tác phẩm. Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”. Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ, là yếu tố không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại. Thơ tứ tuyệt đường luật chỉ ngắn bốn câu, nhiều bài ta thuộc lòng mà vẫn thích đọc lại, thích ngâm vì tứ thơ quá hay, quá bất ngờ. Thơ Hai-ku của Nhật Bản, chỉ có ba câu, ta chỉ đọc qua bản dịch mà vẫn cảm được vì tứ thơ quá lạ, quá “siêu”.

Bài thơ hai câu của Phan Thị Thanh Nhàn: “Người tôi yêu ở rất xa - Người yêu tôi ở gần nhà, chán không?” được rất nhiều người Việt Nam yêu thích vì tứ thơ quá thiệt, quá quen mà quá lạ. Ngày nay, nhiều bài thơ văn xuôi dài ngoằng, gần như không vần, không luật, rất khó nhớ mà có người vẫn thuộc lòng vì tứ thơ quá độc đáo. Dù có vần, có điệu mà không có tứ thơ thì không thành bài thơ mà chỉ là vè, văn vần, là “chơi thơ”, là khẩu hiệu tuyên truyền cổ động… mà thôi.

Không quan niệm thế, không chú trọng yếu tố “tứ” trong thơ, một quan niệm khá phổ biến hiện nay, mà tiêu biểu là trong một số sách giáo khoa, giáo trình… là thay thế yếu tố “tứ” bằng yếu tố “tính nhạc” của thơ. Ai làm thơ cũng biết câu: “Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc”, vậy thì tính nhạc nằm đâu trong 3 T? Xin thưa: Nó nằm trong “từ” (ngôn ngữ thơ). Ngôn ngữ thơ có hai mặt: Ngữ nghĩa (có thể coi như thuộc về phạm trù tinh thần) như đã nói qua ở trên và tính nhạc (có thể coi như như phạm trù vật chất)

Tính nhạc trong thơ bao gồm 4 yếu tố: âm, thanh, vần, nhịp của thơ, trong đó, theo tôi thanh (nhóm thanh bằng, nhóm thanh trắc, nhóm thanh cao, nhóm thanh thấp) và nhất là nhịp (tiết tấu) là hai yếu tố quan trọng nhất, thiếu nó văn bản không thể thành thơ, Chính chúng đã góp phần làm cho thơ văn xuôi hội đủ điều kiện thành thơ, vì bài thơ có thể không vần, không cần có sự hài âm, nhưng không thể thiếu yếu tố hài thanh và tiết tấu. Ngoài ra, còn phải kể thêm nhạc điệu nội tại của bài thơ toát ra từ tình và tứ của bài thơ. Cũng có người ngược lại, coi nhẹ yếu tố nhạc tính trong thơ, vì xem đó chỉ là yếu tố hình thức, mà quên rằng: Hình thức trong thơ nói riêng và trong văn học nghệ thuật nói chung là hình thức đã được “nội dung hóa”, nói thẳng ra: Hình thức thơ, trong đó có tính nhạc, cũng chính là nội dung thơ…

3. Làm sao tránh được tình trạng… lạm phát thơ như hiện nay?

“Cái không phải thơ” nhưng lại “giống thơ” đã gây bao ngộ nhận. Công chúng ngộ nhận là thơ, còn người làm thơ ngộ nhận về tài làm thơ của mình. “Cái giống thơ” lại dễ làm. Khi học cấp THCS đã được học các thể thơ rồi, bây giờ lập trình, ráp chữ, đúng luật bằng trắc thì thành “cái giống thơ” thôi. Nên có rất nhiều người làm thơ, in ra hàng loạt để… tặng và để… “thành” nhà thơ. Do đó, người làm thơ phải tự kiểm định thơ mình trước khi đưa thơ ra mắt công chúng, nhưng mà khó lắm, vì “văn mình, vợ người” mà. Xin mượn câu nói của nhà thơ Inrasara để tạm kết luận: “Nhà thơ cần biết sợ thơ… để người đọc còn cần đến thơ”(*).

___________________

(*) Văn nghệ BRVT số 76 (trong bài: “Nhà thơ cần biết sợ thơ… để người đọc còn cần đến thơ”- Inrasara).

Nguồn Văn nghệ số 5/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét