Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

TRUYỆN NGẮN: “THOÁT TỤC” CỦA HOÀNG HẢI LÂM








Tôi cố tình bắt chuyến xe cuối ngày, lúc về đến Tĩnh Gia trời đã tối mịt mờ. Thị trấn heo hút sau những ánh đèn. Tôi biết rằng có bấm bụng đèn mới le lói thế. Hai bên đường bạt ngàn lau sậy, nó hiện lên trong trí nhớ tôi. Gió thổi thốc tháo từ lỗ hở tấm kiếng cuốn phăng mảnh rèm rồi rớt xuống sàn xe, ai đó vơ vội nó trùm lên mình cho đỡ lạnh. Trên chặng đường dài, mọi người đều ngủ vì mệt. Tôi thì không, có hơn ngàn năm tôi chưa hề ngủ. Điều đó không có ý nghĩa đối với tôi. Từ lúc rời khỏi nhà cho đến khi ngồi trên xe, tôi bịt mắt lại để che cho phần thịt duy nhất có được trên khuôn mặt mình. Đoạn đường này quá nhiều bụi, nó sẽ làm hỏng mắt và tôi sẽ không còn cơ may tìm kiếm hắn. Người đàn bà ngồi cạnh tôi, lúc tỉnh ngủ thường sửa lại chiếc mũ cho tôi mặc dù đấy là thứ mà tôi không bao giờ để chúng xê dịch. Tôi mặc nhiều áo, toàn những chiếc to dày đắp lên bộ xương để trông giống người bình thường. Ngày sinh tôi ra, người đàn ông hoảng hốt khi nhìn đứa mà ông gọi là con chỉ có duy nhất bộ xương, đôi mắt và mấy thứ nhì nhằng trên cơ thể. Tiếp đó là người đàn bà, vợ của ông ấy, người đã sinh ra tôi. Nhưng tôi không phải là con của hai người này. Tôi sinh năm 44 Sau Công Nguyên, tức họ kém tôi chừng 1900 tuổi. Tôi chạy chọt mãi mới được những suất đầu thai, qua hơn 40 lần chuyển kiếp tôi vẫn là tôi. Cái cửa sinh của người đàn bà và dục vọng của người đàn ông đã không tẩy hết trí nhớ của mình. Nước sông Nại Hà tôi uống trước đó cũng trở nên vô dụng. Tôi vẫn nhớ, nhiều chi tiết liên quan đến cuộc đời mình, nhất là khuôn mặt của hắn. Tôi chỉ mượn tạm đường sinh cho kiếp mình, không ngờ là người ta sợ hãi xương cốt và xem phần thịt là thứ quan trọng nhất ở đời. Cũng có thể, lúc đó cửa sinh của người đàn bà bị rách nát khi cố dùng hết sức đẩy tôi ra. Nhìn vẻ mặt đau đớn của người đàn bà, tôi nói.

- Bình tĩnh lại, tôi không phải là con của ông bà. Đừng buồn vì một đứa con như tôi, tôi sẽ đi ngay sau khi thực hiện xong sứ mệnh của mình.

Họ vẫn cứ buồn, thậm chí ghê sợ khi bộ xương mới sinh ra đã biết nói. Đó không phải là điềm lành, đó là sự quái gở. Tôi giấu nhẹm bí mật của mình, chuyện vì sao tôi tìm hắn và những cuộc đời trước đó của tôi. Thực ra, tôi là con trai của nữ tướng. Năm 43 sau Công Nguyên, ngay khi cầm quân thất thủ, nữ tướng bị dồn đến ngọn núi. Chính hắn đã sai quân lính bắt sống nữ tướng rồi giam bà vào hang động, số quân lính này sau đó bị hắn giết sạch để đảm bảo bí mật. Với nữ tướng, hắn đã cho uống thuốc để bà không còn ý thức được mình. Tôi tượng hình trong bụng mẹ và cảm nhận được sự tàn bạo của hắn đối với nữ tướng, đối với dân tộc này, đối với những người đàn bà ở Tĩnh Gia. Chính hắn đã phát động quân lính tàn sát hết đàn ông ở Tĩnh Gia và cưỡng hiếp toàn bộ đàn bà. Những đứa trẻ sau đó mang hình hài của hắn. Tôi đã không gọi hắn là cha mà gọi cận thần chăm sóc nữ tướng bằng từ thân thuộc đó. Người cận thần chết. Dưới lưỡi dao của hắn, ông ấy nhìn tôi cười trỏn trẻn.

- Ta là một hoạn quan, đời ta chưa hề được nếm thể xác đàn bà. Được con kêu ta bằng cha khi cất tiếng nói đầu đời thế là ta hạnh phúc lắm. Khát vọng được làm cha của ta vẹn toàn, con đừng ân hận vì tiếng gọi cha đó.

Vậy đấy, sự ương bướng của tôi đã gây ra cái chết của một người. Đó là nghiệp chướng để tôi được đầu thai lần đầu tiên. Năm tôi lên bốn tuổi, mẹ tôi bị chính hắn sát hại. Tôi đã không phản ứng gì ngoài đôi mắt nhìn hắn chằm chằm. Bên vách núi, tôi thả lỏng mình xuống biển. Khi chạm mặt nước, tôi đã bước sang thế giới khác. Sau đó có người đón tôi. Sau nữa tôi được người cầm sổ xua trở lại.

- Thiên thần, không có tội, sao lại tới đây?

Mặt nước sáng hôm ấy dập dìu thân xác tôi. Người đứng xa dớn dác, người đứng gần thót tim khi nhận ra đứa trẻ trôi lờ đờ. Con chim kiếc dồn về nơi ấy, tôi vẫn còn nghe tiếng kêu của nó vang lên, đồng thanh rồi đứt quãng. Kiếc! Kiếc! Kiếc! Thanh âm tràn ngập khắp quanh đồi, dưới chân sóng. Loài chim này khi có người chết sông, chúng quần tụ nhau về kêu đến đứt ruột rồi chết. Xác chúng phủ trên xác người. Nghe đồn rằng, người được 100 con kiếc phủ mình sẽ hóa thành tiên. Tôi cũng không còn cơ may kiểm chứng, cũng chẳng quan tâm đến điều đó. Tôi chỉ quan tâm đến hắn. Bởi thế, lúc thấy hắn thấp thoáng bước qua chiếc cầu mỏng tang. Bên dưới cầu là dòng nước đỏ nhờ nhợ. Tôi bắt đầu thấy nhột chân, nếu không kịp tôi sẽ mất dấu vết của hắn. Con sông đùng đục hơi, từng màu trắng sáng bốc lên khi bên dưới sông không thôi tiếng gào thét. Nó là sông gì? Tôi không biết. Tôi chưa hề đến đây lần nào cũng chưa hề đủ thời gian để trải nghiệm những câu chuyện của nhân gian. Người đứng trước mặt tôi gọi nó là sông Nại Hà. Tôi chẳng quan tâm đến điều đó, phía trước tôi là hắn, tôi phải đến đó bằng mọi cách, tôi phải qua sông.

- Ngươi được đàn chim kiếc 200 con phủ mình, sao lại không về cõi tiên?

Tôi lờ đi câu hỏi của người đàn ông, cõi tiên không phải là đích đến của tôi. Tiến sát đến người đàn ông cầm cuốn sổ, tôi hỏi một cách từ tốn.

- Thưa ông, làm thế nào để được đi qua đó?

- Phải có tội mới được đầu thai.

- Tôi có tội.

- Chẳng thấy ai như ngươi cả, trở về đi.

- Tôi đã gây ra cái chết của người hầu.

- Tiếng gọi đầu đời của một đứa trẻ không được khép tội.

- Tôi đã có hành động tự sát, tôi thả mình xuống sông...

Người đàn ông lắc đầu nhìn tôi vẻ không hài lòng. Tôi nhanh chóng bước qua cầu, mấy người vừa rớt xuống sông huơ tay lên phía tôi. Chẳng thể nào chìa cho họ một cánh tay khi hàng trăm cánh tay bấu víu vào nhau nhưng chẳng dài thêm được. Hắn đã đi khuất như làn khói. Xứ sở này sương khói vờn lên nhau, từng luồng không khí buốt giá thi nhau ào đến rồi bất giác hơi nóng ở đâu ùn ùn kéo đến. Đã có nhiều vong hồn không cầm được phải tan vào trong sương. Tôi nhắm hờ mắt lại, cảm nhận cho được bước chân hắn đi. Người nào ở cõi nhân gian mang trong mình nhiều tội lỗi thì bước chân của họ khi trở về đây nặng hơn người thông thường. Chình chịch, chình chịch... tôi lần theo. Bao nhiêu ảo ảnh bủa vây chỉ còn cách nhắm mắt lại mới xác định được mục tiêu. Và mục tiêu của tôi đã lén sang cửa tử khác, hắn cứ chết liên hồi và qua mỗi cửa tử mùi quen thuộc của nó dần nhạt phai. Tôi chạy đua với hắn, lần đầu thai kế tiếp tôi mượn thân xác của loài chó. Chỉ có thể như thế tôi mới đánh hơi được hắn. Trong ngôi chùa, hắn là vị sư, tôi là con chó gác cổng chùa. Nơi đây tôi cũng nhận ra nữ tướng. Giờ linh hồn nữ tướng đã gửi vào cô gái đẹp như bức tranh. Cô gái là người mộ đạo. Được sinh ra trong gia đình khuê các, nhiều người con trai đến dạm hỏi nhưng nàng không ưa. Ngày ngày, nàng lên chùa thắp hương khẩn Phật và quét lá bồ đề. Chiều đến nàng nói chuyện với sư thầy. Tôi mảnh mắt nên thấy khóe mắt sư thầy lung linh như ánh nắng chan xuống lá cây sau trận mưa dài. Đêm ấy trời mưa, trên điện tiếng mõ rớt loạn nhịp. Không phải đợi lâu, tôi biết được sự thể diễn ra ở trên điện. Khi nghiêng đôi tai mình, âm thanh đó réo lên. Kỳ thực, đó là tiếng rên của sư thầy, tiếng rên không lẽ thầy bị đau? Luồng ánh sáng len ra từ cánh cửa bị hở, tôi ghé mắt trông, bát hương cháy rừng rực làm lộ tấm thân của người thiếu nữ. Mẹ ơi! Sư thầy là hắn đấy. Tôi mặc sức tru lên thống thiết. Mẹ đã nghe tiếng rên của thầy, nó khỏa lấp tiếng chó của tôi. Thực lòng, tôi không muốn kêu to. Vì như thế, mọi người sẽ biết, những người ở xung quanh đây sẽ biết. Nên tiếng gọi của tôi từng lúc bị bóp ngẹt đi. Thấy tôi tần ngần không yên từ điện chạy xuống bếp rồi từ bếp chạy lên điện. Chú tiểu nhìn vào mắt tôi rồi lên điện. Chú cạy cửa điện bước vào. Trong đó có tiếng vỡ của vật gì đấy. Tôi nghĩ đó là chiếc bình hoa. Sáng hôm sau tôi không còn nhìn thấy chú tiểu nữa. Chỉ nghe tanh nồng mùi máu ở trên điện, tôi phân loại được đó là mùi máu của cả đàn ông và đàn bà.

Sáng sớm tinh mơ, cây bồ đề đang mùa trút lá. Lớp lớp lá thi nhau rớt xuống mặt đường và tạo nên bức tranh khá lý thú. Tôi hay nhìn lá bồ đề rơi, thích nằm cuộn tròn dưới gốc bồ đề to tướng đợi chút nắng lên sớm mai vừa mát mẻ vừa ấm áp. Chợt tôi nghe tiếng kiếc kêu, tôi cứ ngỡ là trong tiềm thức. Nhưng không, đàn kiếc từ đâu bay về đây mù mịt phủ kín cả ngôi chùa. Chúng đồng thanh kêu lên từng hồi sầu thảm. Tôi biết điều tiếp theo sẽ đến với mình, khi lũ kiếc bay thì Lão Mạt ở cạnh chùa đến dắt tôi đi. Tới đoạn ra khỏi cổng chùa lão nói, kiểu như giả dụ tôi nghe thấy được tiếng người thì hãy tha thứ cho lão. Mà nếu tôi không nghe được thì câu nói vừa rồi của lão sẽ tự tha thứ cho mình. Đó là lòng trắc ẩn của người ăn thịt chó.

- Mày đừng oán hận tao. Hãy oán hận sư thầy. Không, hãy oán hận tiếng tru thống thiết của mày ấy. Hay thật đấy, chim kiếc chỉ kêu khi có người chết nước. Mày là chó cũng được chim kiếc quần tụ tiễn đưa...

Tôi thấy mình mắc nợ lũ kiếc. Tôi đã không cứu được mẹ khi hóa thân thành một con chó. Tôi đã không cứu được mẹ khi trước đó tôi là một con người. Tôi sẽ trả món nợ lớn hơn, đó là món nợ của dân tộc tôi. Suy nghĩ này của tôi bị một con chó khác bẻ lại, bằng một câu tiếng người hẳn hoi. Lúc đó người dắt tôi đi dừng chân ở trên đường.

- Trong tim mi mang cả hai dòng máu, của mẹ mi và của cha mi. Dòng máu thù hằn đó là của cha mi. Chỉ có thế mới dẫn đường cho mi hóa thân thành chó.

- Mi là ai? Tôi nghi vấn, chắc hắn là dạng linh hồn tương ứng với tôi nên mới mảnh mắt như thế. Nó nhìn tôi chếch chếch hàm răng nhọn.

- Cứ cho tao là người con khác của hắn đi. Và cái chết của mẹ tao cũng là vực thẳm chôn mẹ mày. Những ngôn từ tao nói với mày và dòng máu chảy trong người tao cũng tương ứng với mày đấy. Tao chưa hề được chim kiếc tiễn đưa, nhưng nếu có tao cũng không muốn thế. Khi làm tiên phải dứt bỏ mọi hận thù nếu không sẽ bị hủy diệt.

Nó quay đi về phía nhà chùa. Tôi nghe tiếng sủa chói tai vang lên ở điện. Và tiếng thét đau đớn của sư thầy chứ không phải là tiếng rền rĩ. Lúc sau có mấy sư chùa mang gậy ra phang. Tôi nhìn thấy trên mõm hắn máu me bê bết. Hắn còn cắp một vật gì đó lủng lẳng. Tôi nhận ra, đó là bộ phận sinh thực khí. Các sư thầy nháo nhác.

- Hãy đánh chết nó đi, nó đã cắn đứt hạ bộ của trụ trì.

Nó chạy nhanh như chớp nhưng không quên đá ánh mắt về phía tôi. Kiểu, tao đã trả được món nợ trước mắt, rất nhẹ nhàng, cho tiệt cái dòng giống thâm độc của hắn đi. Mày nghĩ xa xôi quá nên không đến đích được.

Tôi khự khự khi nhìn hạ bộ bị cắn đứt của sư thầy. Đấy phải là hai hạt xá lị với cây phương trượng. Chợt nghe lòng hả hê. Như vũ trụ xoay vần và cơn gió hút vào lỗ rỗng. Tôi điềm nhiên dựng mắt và nở nụ cười đầy bí hiểm. Chiếc cầu, nơi tôi đi qua nhiều lần sau đó toàn những người quen. Hắn, sư thầy, con chó khác, lão Mạt, nữ tướng và tôi. Tôi thắc mắc, vì sao nữ tướng cũng ở đây? Phải chăng nữ tướng đã chết? Phải chăng nữ tướng mắc tội nên phải chịu đầu thai? Người đàn ông đứng ở mũi cầu nhìn tôi cười cười.

- Nữ tướng đã không giữ được thể xác cho ngọc nữ.

- Nhưng đó là linh hồn, linh hồn không thể nắm bắt thể xác.

- Linh hồn điều khiển thể xác. Không điều khiển được thể xác thì hãy hóa thành sương để đánh nát linh hồn. Dân tộc ngươi cũng là linh hồn, hàng vạn con dân là thể xác. Nếu linh hồn mang tội thì thể xác là vật đền tội, là vật hy sinh. Hàng ngàn năm nay dân tộc ngươi đã hy sinh cả núi sông thể xác. Đã đến lúc dân tộc ngươi cũng phải đầu thai.

Tôi đã khóc, lần đầu tiên trong đời nước mắt tôi ứa ra. Người mang trên mình nhiều sứ mệnh lại có nhiều tội lỗi đến thế. Nếu đầu thai, nữ tướng sẽ đầu thai thành người như thế nào? Và dân tộc tôi? Lúc tượng hình có phải là bộ xương hốc hác như tôi. Liệu cửa sinh của người đàn bà và dục vọng của người đàn ông có thể tẩy sạch họ? Tiếng trống trận bắt đầu dồn xuống, trên sông Nại Hà nữ tướng vung đao.

Con đường đến mộ nữ tướng lau lách nở trắng đồi. Con số 250 chỉ bậc thang từ dưới chân đồi lên đến nơi nữ tướng nằm xuống. Đó là đền thờ vọng. Thực chất thân xác nữ tướng ở nơi nào cũng chẳng ai hay. Tôi cũng không được biết đến điều này. Ở đây gió thổi vi vu, giữa mùa hè mà gió buốt lên từng lúc tựa vong hồn trở về báo oán. Người đàn bà đi cạnh tôi như một người hầu nguyên thủy. Bà ấy chẳng bị tác động gì đến ngoại cảnh xung quanh. Mặc cơn gió rít, bà ấy vẫn cố giữ tấm áo cho tôi đỡ lạnh. Dù gì thì mẹ vẫn yêu thương con. Bà ấy nói với tôi như thế. Từ sâu thẳm trong đáy lòng đó là tình yêu sáng lung linh đối với đứa con tật nguyền. Tôi nói với bà, bà chẳng cần phải thương tôi đâu, biết đâu đó là tội lỗi, biết đâu đó là hành động chứng minh linh hồn không thể điều khiển được thể xác và bà lại đầu thai. Người đàn bà khóc trên mộ nữ tướng, tôi đứng lặng im. Không phải xúc cảm tận nguồn mà tôi nhớ tôi lúc bốn tuổi, tôi nhớ tôi rơi từ vách núi xuống mặt nước thẳm sâu, tôi nhớ luôn hắn mang hình hài của con rồng hiểm ác. Chẳng tượng trưng cho dân tộc gì cả. Một dân tộc đi áp bức dân tộc khác là dân tộc yếu hèn, đấy cũng là tội lỗi và dân tộc đó sẽ đầu thai. Mấy chục ngàn năm như thế, trên sông Nại Hà người người chen lấn nhau, dân tộc xô đẩy nhau, những suất đầu thai chỉ là để báo oán. Tôi cũng báo oán cho mẹ, cho tôi, cho dân tộc mình. Tôi thề hút hết gió trên trần gian để làm nên trận cuồng phong. Người đàn bà đứng cạnh tôi lại mủi lòng.

- Oán hận biết bao giờ mới hóa giải. Trầm luân khổ luôn vạn kiếp người.

- Câu nói này của nữ tướng, lúc bà tỉnh lại bên động Tiên. Tại sao bà biết câu nói đó? Tôi hỏi người đàn bà.

- Câu này của nữ tướng, ngàn năm còn ghi.

- Nhưng chẳng lẽ nợ không đòi, oán không trả?

Người đàn bà lặng im, gió bắt đầu hú lên giữa đồi hoang và tiếng binh đao như tiếng sấm. Ảo ảnh của một ngày tháng 2 năm 40 trôi về trước mắt tôi. Trên ngựa, nữ tướng xung trận, xác quân thù ngã như cỏ cây. Thù nhà, nợ nước, máu chồng... tiến lên. Đội quân tóc dài được hậu thuẫn bởi hàng vạn binh đao tiến về phía trước. Nữ tướng xưng quyền được ba năm, kinh đô thất thủ. Lớp lớp máu xương rớt tỏm xuống vực sâu. Đêm đen lại bủa vây Tĩnh Gia đến hơn mười thập kỷ. Năm 938, dân tộc lại được đầu thai. Hình thể oai nghiêm trong linh hồn oai khí. Hắn chết thêm lần nữa, lúc đó tuổi mới của hắn là 48 còn tôi mới lên 10. Tôi chấp nhận đẩy người cầm sổ xuống sông Nại Hà để được thêm một suất đầu thai. Tôi gặp hắn, giờ tôi và hắn ở trên mặt nước. Những con thuyền tạo thêm sóng gầm thét giữa đại dương. Người đàn bà níu lấy tay tôi. Ánh mắt tôi đục ngầu.

- Bà điên rồi sao? Thuyền chúng ta có thể bị nhấn chìm, tôi cần giết hắn, chỉ mình hắn là rớt hết hàng vạn binh đao.

- Người đó là cha của con mà.

- Thực ra bà là ai? Tôi sẽ giết bà vì sự phản bội.

- Ta là nữ tướng, thuốc của hắn vẫn ngầm chảy trong máu ta, điều đó nhắc ta nhớ rằng con là con của hắn.

- Không, tôi là con trai của cận thần.

- Đừng chối bỏ điều đó.

- Tôi không chối bỏ, tôi đang điều khiển thể xác của mình.

Biển dậy sóng, đường biên chia mặt nước thành hai phía, lớp lớp sóng đối đầu vào nhau. Đại dương máu nhuộm đỏ nhừ. Trời tối thâm u đến chục ngày có lẽ. Sáng sớm, trong ánh bình minh tôi đi trên bờ biển. Từng mảnh tàu vỡ ngổn ngang xếp chồng lên nhau. Không một bóng người. Chỉ nghe bạt ngàn gió thổi xa tít giữa trùng khơi. Những hình ảnh chạy về trong tôi chóng vánh. Mộ nữ tướng, lau lách, đứa bé rớt từ trên cao xuống mõm đá, đứa bé đầu thai...tôi vẫn truy tìm hắn.

Tịnh An Tự nằm lưng chừng núi, chỉ có sư thầy và tôi. Giờ tôi là chú tiểu, tôi mất đi khả năng nhận biết bằng cách đánh mùi. Tiếng mõ cất lên đều đặn giữa đêm. Mùa đông, sư thầy thường đắp chăn ấm cho tôi. Mỗi sớm mai tôi đều nhận được chậu nước ấm để rửa mặt. Tôi nhìn sư thầy nghi vấn, không lẽ thêm một lần nữa hắn lại trốn vào lớp áo cà sa? Năm 95 tuổi, sư thầy viên tịch. Tịnh An chỉ còn mình tôi coi sóc. Sau khách thập phương đến ngày một đông, Tịnh An đời thứ mười ba có đến hai ngàn đồ đệ. Lúc đó tôi đã về trời. Ở xứ sở trời xanh mây biếc, tôi tìm sư thầy. Không có vị la hán nào tên là Vô Phương. Chẳng lẽ, sư thầy đã cố tình ở lại trần thế?

Một đêm giông, tôi nhìn qua tia sấm. Từ dưới cỏ cây mọc lên ngùn ngụt và lớp mưa bắt đầu rớt lên cánh đồng, lên đồi núi Tĩnh Gia có một người băng rừng, lần lượt, chiếc áo cà sa bị bỏ lại, nụ cười bí hiểm hắt lên. Đoàn chim kiếc chưa kịp bay về trời đã bị cơn gió hút vào lòng đại dương sâu thẳm.

(Nguồn: Báo Văn nghệ)




Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

Đặc quyền quan cách mạng



Tác giả: nhà báo Nguyễn Thông








Thiên hạ đang ồn ào về cái dự án nghĩa trang Yên Trung dành cho quan chức cấp cao định mở ở ngoại thành Hà Nội. Rộng hơn trăm mẫu tây, dự chi ngân sách tròm trèm 1.400 tỉ đồng.
Lâu nay, nhà cầm quyền đã tự mặc định chỗ chôn ông to bà lớn ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhắc tới cái tên này, một thời đồng nghĩa với sự kính cẩn, khiếp sợ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bởi đất vàng chỉ dành cho một hạng người nhất định. Nhưng rồi Mai Dịch, phần thì chật chội hết chỗ, phần kém thiêng, nên nhà nước đang tính phải có nơi thay thế, “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.


Nếu ai còn chút lăn tăn, giở từ điển tiếng Việt thì từ “đặc quyền” được giải thích là “quyền, quyền lợi đặc biệt dành cho cá nhân, tập đoàn, hay một giai cấp nhất định”. Muốn tin cậy hơn nữa, bởi đây là từ gốc Hán Việt, thì mở thêm cuốn “Từ điển Hán Việt” của cụ học giả Đào Duy Anh thì đặc quyền tức “quyền lợi đặc biệt”. Thế là rõ.


Trong xã hội loài người, xét về lý thuyết, chỉ khi nào tiến lên tới hình thái cộng sản, khi ấy mọi người đều bình đẳng, thì mới hết đặc quyền. Ấy, cứ nghe bộ máy cai trị dóng dả tuyên truyền vậy chứ đã ai biết cái xã hội cộng sản nó mặt ngang mũi dọc thế nào. Giá có sống lâu như cụ Bành Tổ cũng chả mong nhìn thấy thiên đường “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”. Câu này thế hệ chúng tôi sinh vào thập niên 50 thế kỷ trước đứa nào cũng thuộc, khoái lắm, nhiều đứa còn mơ mộng sau một đêm ngủ dậy, ngỡ ngàng thấy sự nghèo đói đã lùi xa tít tắp, ngay cả ăn ngon mặc đẹp cũng không thèm, chả cần làm gì vẫn có ăn. Xã hội cộng sản là thế, chỉ nghĩ tới người đã tràn cảm giác lâng lâng.


Lại nhớ câu thơ trong bài thơ “Hoa và rượu” nổi tiếng một thời, trước cách mạng tháng 8.1945, của thi sĩ tài danh Nguyễn Bính: “Chao ôi là mộng hay là thực/Là thực hay là mộng bấy lâu?”. Xã hội xứ ta suốt gần nửa thế kỷ nay, nếu kể luôn ở cả miền Bắc trước đó hơn 20 năm nữa thì những ¾ thế kỷ, cứ lẫn lộn mộng và thực, thực và mộng. Với người này thì là mộng, nhưng với kẻ kia lại là thực. Xã hội cộng sản không đến cùng lúc cho tất cả mọi người, dân chúng lại càng không được léo hánh tới nó, nhưng trên thực tế nó đã vào nhà không ít quan cách mạng. Oái oăm trớ trêu ở chỗ, những anh ra rả tuyên ngôn về xã hội không còn đặc quyền đặc lợi, bình đẳng thì lại chính là những anh đặc quyền đặc lợi nhất, đòi hỏi riêng tư có từ trong máu, và đã được hưởng cuộc sống thiên đường trước hết.


Thời chiến tranh, người dân dễ mủi lòng trước hình ảnh cán bộ 3 cùng, quần xà lỏn, gối đất nằm sương, chia bùi sẻ ngọt với dân. Dân chở che, đùm bọc họ bởi dân thấy những con người ấy gần gũi, bình đẳng, không có sự ngăn cách, đáng tin cậy. Bao nhiêu sinh mệnh, máu xương, của cái tiền bạc, cả vật chất lẫn tinh thần gom cả lại đi cùng họ, cùng nhau hướng về một xã hội bình đẳng, không còn bất công, một thế giới đại đồng. Cứ hy sinh đi, rồi sau này “bao nhiêu quyền lợi ắt qua tay mình”. Những người cộng sản từng nói rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Họ thường nói sai, nhưng câu này thì hoàn toàn đúng. Không có dân, không có thể chế này.


Nhưng khi cùng hưởng thụ thành quả thì bắt đầu sinh chuyện.


*Đặc quyền quan cách mạng


Tối 6.2, tôi coi tivi nhà nước thấy cảnh ông Võ Văn Thưởng, yếu nhân phụ trách mảng văn hóa tư tưởng của đảng cầm quyền (họ gọi là tuyên giáo) đi thăm 2 lực lượng quan trọng lúc này: Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (của quân đội) và Cục An ninh mạng (của công an). Ông này thì tôi biết tương đối rõ bởi hồi là người đứng đầu Trung ương Đoàn ông không để lại được dấu ấn, ấn tượng gì cho đám lính lác chúng tôi. Giờ may mắn làm tuyên giáo, ông phải ăn nói như bất cứ anh tuyên giáo nào. Ông ca ngợi này nọ. Ông làm nhiệm vụ bảo vệ đảng của ông.


Tôi biên điều ấy ra để nói rằng người ta thấm nhuần ý thức “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, chả bao giờ tự phơi bày cái xấu của chính họ. Bệnh đặc quyền quan cách mạng là một thói xấu, thậm xấu, có bề dày lịch sử, ông Thưởng biết mà không thể nói, nhưng chúng ta cần chỉ ra cho mọi người thấy, cũng để những người như ông Thưởng biết rằng chẳng có gì giấu được mãi.


Đa số những người cộng sản mắc chứng nói một đằng, làm một nẻo. Thế gian này, nếu tất cả mọi điều như chính người cộng sản nói thì đẹp vô cùng. Các quan hệ xã hội, cách đối nhân xử thế, nếu cứ theo họ tuyên bố, thì mọi thể chế, hình thái xã hội khác đều phải bái phục, vác bút nghiên đến mà học mệt nghỉ.


Như cuối bài phần 1 tôi đã ghi, họ lôi kéo quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, làm cuộc lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới, với nhiều hứa hẹn hấp dẫn, kiểu như dựng lên xã hội công bằng, dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không ngăn cách phân chia tầng lớp, ai cũng hưởng quyền lợi như ai. Tuy nhiên đến khi có thành quả, đáng lẽ cùng hưởng thụ thì bắt đầu sinh chuyện.


Tôi lớn lên ở miền Bắc sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, dần dà tận mắt chứng kiến, cảm nhận cụ thể những mâu thuẫn giữa lý luận, lý thuyết với thực tế. Đội ngũ quan chức cách mạng đặc quyền hình thành, ngày càng đông, lúc đầu chỉ ở cấp trung ương, sau như nạn dịch lan tới tỉnh thành, huyện, xã. Một ông bạn tôi bỏ thành phố về sống ở nông thôn cũng đã lâu, bảo rằng hình như bây giờ chỉ có trưởng thôn còn trong sạch, bởi đơn giản là anh ta chưa có điều kiện cần và đủ để được coi là quan, chứ đám quan xã, chưa cần kể tới quan huyện còn gớm hơn bọn lý trưởng, chánh hội thời anh Pha chị Dậu.


Quan hư, nguyên nhân sâu xa là thể chế hư hỏng. Thể chế chính sách hư ngay cả trong thời chiến tranh, nghèo khó, khi đất nước khó khăn nhất, cái kim sợi chỉ, hột muối giọt dầu cũng thiếu thốn, đáng nhẽ cần thể hiện sự công bằng nhất thì nhà nước lại công khai chia bôi quyền lợi theo kiểu đặc quyền đặc lợi. Một mặt thì tuyên truyền đề cao giai cấp công nông, bốc người cần lao lên tận mây xanh, nhưng mặt khác so đo tính toán với dân từng xu từng hào, giành giật về cho cán bộ không bao giờ chịu thua kém. Thời ấy lan truyền câu thành ngữ đúc kết nguyên tắc phân phối của chủ nghĩa xã hội: “Xẻng cuốc từ dưới lên, đường sữa từ trên xuống”, nghĩa là dân chỉ có quyền làm việc, “lao động là vinh quang”; còn quyền hưởng thụ đương nhiên của cán bộ. Điều ai cũng thấy, họ phân chia các loại tem phiếu, cán bộ càng cao hưởng thụ càng nhiều, dân đen luôn ở mức thấp nhất. Phiếu thực phẩm, dân thành phố mỗi tháng được 5 lạng thịt, có ô phiếu định lượng chỉ 20 gam (miếng thịt to bằng 10 viên thuốc cảm), vài ký đậu phụ, còn nông dân hoàn toàn không có chút nào cả thịt lẫn đậu, trong khi đó cán bộ trung ương được cao gấp 10 lần dân phố về tiêu chuẩn thịt, đường sữa thì thoải mái, nhu yếu phẩm khác dồi dào, xài chẳng hết đem tuồn ra chợ đen, kiếm khoản chênh lệch không nhỏ. Người Hà Nội thời bao cấp chả mấy ai không biết những cửa hàng thực phẩm, bách hóa dành cho cán bộ có đặc quyền đặc lợi như Tông Đản, Nhà Thờ dù mình không bao giờ được bén mảng tới. Câu ca “Tông Đản là của vua quan/Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần/Đồng Xuân là của thương nhân/Vỉa hè là của nhân dân anh hùng” ghi lại một quãng lịch sử xã hội đầy bất công ngang trái do chính những người cộng sản chế tạo.


Tiện nói về tem phiếu, ngay cả phiếu vải cũng đầy tính đặc lợi. Cùng chịu chung thời tiết nóng lạnh, cơ thể na ná nhau, nhưng vải lụa cho cán bộ cứ phải phiếu hạng 5 mét, 7 mét tiêu chuẩn/người, đủ loại vải tốt vải bền, nào ốc pho, sơ vi ốt, pô pơ lin, si mi li, sa tanh, còn dân chỉ 3 mét 6 một năm, đủ may một bộ, cũng chỉ quanh đi quẩn lại diềm bâu, chéo go, phin thô, kaki Nam Định… Trời rét, cán bộ được phân phối chăn len chăn dạ, áo đại cán ka ki, chứ dân may lắm chỉ kiếm được tấm mền sợi mỏng, áo sợi dệt kim Đông Xuân cổ lọ ngoài chợ vỉa hè. Ngay cái áo may ô 3 lỗ cũng từng là tiêu chuẩn đánh giá sự “giàu có” của con người, “một yêu anh có may ô”, thật hài hước và bi kịch.


Trung ương tự đặt ra quy định tiêu chuẩn dùng xe, cỡ nào được ngự trên Volga (mà ngay cả Volga cũng phân biệt, ai xe đen, ai xe trắng hoặc màu khác), cỡ nào cho đi Moskvic, Lada. Làng tôi có ông Phòng làm lái xe cho cán bộ trung ương, nghe đâu là ông Lê Thanh Nghị, có lần đưa sếp về Phòng công tác, tranh thủ chạy chiếc Volga đen về qua nhà, cả làng nhìn ngưỡng mộ lòi con mắt, chỉ dính tới Volga cũng đã oách thế rồi.


Cán bộ to đi xe ô tô, cán bộ thấp dùng xe đạp (được nhà nước phân phối), dân quanh năm chỉ diện xe cá nhân, mà họ gọi là xe “căng hải” (nói lái từ chữ hai cẳng, cẳng tức là chân). Đẳng cấp đặc quyền đặc lợi được mặc nhiên xem như chính sách, bất công từ miếng ăn miếng uống, tấm áo manh quần, tới chiếc xe đi lại. Dân được hứa hẹn “có độc lập tự do thì có tất cả” nhưng thực ra chả có gì.


Thời thập niên 80 trở về trước, vừa trải qua cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm, thiệt hại vật chất không biết bao nhiêu mà kể, miền Bắc dù thắng cuộc nhưng gần như chỉ còn cái xác. Những anh cả anh hai Liên Xô, Trung Quốc thấy Việt Nam thắng được Mỹ có vẻ vênh váo nên cũng ghét, cắt dần viện trợ. Tôi còn nhớ những năm 76-77 chi đó, báo Nhân Dân hãnh diện ca ngợi sức mạnh quân sự của Việt Nam giờ đây mạnh nhất khu vực, riêng hải quân có thể đứng đầu châu Á bởi thu được của hải quân Việt Nam cộng hòa (mà họ gọi là ngụy) cơ man tàu chiến hiện đại, đó là chưa kể đám quân dưới quyền đề đốc Chung Tấn Cang đã lấy không ít chiếc để chạy trốn, chứ nếu không hải quân ta sẽ vào nhóm mạnh nhất địa cầu. Cứ như cách mô tả của tờ báo lớn này thì so với tàu chiến lợi phẩm của ta, tàu dạng Hải Ưng (trong một bộ phim Trung Quốc tôi xem thời niên thiếu) chỉ là con muỗi so với đại bàng. Liên Xô cũng giảm viện trợ và bắt đầu đòi nợ, khi “bạn chí cốt trên tuyến đầu chống Mỹ” chưa có tiền trả thì lấy bằng phương tiện chiến tranh do Mỹ bỏ lại, vơ bèo vạt tép, gom cả hạt điều, tiêu, cà phê, cao su, quần áo may sẵn…, lấy tất. Dùng máu người Việt ngăn được Mỹ rồi, thế là xong nhiệm vụ quốc tế, không cần giúp theo tình hữu nghị anh em nữa. Mỹ thì ngày càng cấm vận gắt gao. Người tài bỏ nước đi từng đàn dù biết có thể bỏ mạng trên hành trình gian khổ. Đất nước vì vậy càng xơ xác, kiệt quệ. Chính ông Nguyễn Văn Linh tại đại hội 6 của đảng cầm quyền cũng phải thừa nhận tình hình đang trên bờ vực.


Thực tế là vậy, nhưng tư duy đặc quyền đặc lợi đã ngấm vào máu cán bộ mất rồi. Sau bao năm chiến tranh gian khổ, giờ phải là lúc được tận hưởng, chia phần. Không thế, ai thèm dấn thân làm cách mạng. Ngay cả những vị từng nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, cùng sống chết với dân, ngọt bùi chia sớt “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” thời chống Pháp, chống Mỹ cũng ngày càng chễm trệ như ông lớn. Ra đường phải ngựa ngựa xe xe, đến công sở đòi bàn này ghế nọ. Một mặt họ tuyên truyền ca ngợi tấm gương lão thực, giản dị, tiết kiệm của cụ Hồ, kêu gọi dân hãy noi gương cụ, mặt khác họ lên chương trình, kế hoạch chia bôi, giành phần cho cá nhân. Họ mặc nhiên coi đó là chủ trương của đảng, của nhà nước, chứ mình trong sạch, vô can. Dân có thắc mắc lăn tăn điều gì, cứ tìm hiểu chính sách của đảng và nhà nước. Mà dân chúng an phận, ngại đụng đến chính sách (bởi bao tấm gương tày liếp đang đếm kiến trong tù còn sờ sờ ra kia) nên cán bộ cứ ung dung hưởng lợi. Dần dà, đặc quyền đặc lợi trở thành nếp, anh nào nhảy vào bộ máy cai trị cũng nghiễm nhiên ngồi “chiếu hoa cạp điều” vênh váo với làng nước.


Chính sách đặc quyền đặc lợi đã làm hư hỏng cán bộ. Tấm gương “đày tớ trung thành phục vụ nhân dân” xưa rồi. Cha làm quan, phải cố dọn đường lôi con cháu vào kế nghiệp chốn quan trường. Nếu chúng tài hèn sức mọn thì đã có cửa chạy chọt mua danh bán tước. Câu kết với nhau, anh lo con tôi, tôi lo cho con anh vào mỗi kỳ cơ cấu, bầu bán, sắp xếp nhân sự. Làm ông nọ bà kia, nếu không được hưởng hơn thiên hạ thì tranh đoạt làm gì. Hơn nhau là hơn ở căn nhà, chiếc xe, lương lậu bổng lộc do chế độ ban phát, không hơn thì thà ở nhà đuổi gà cho vợ. Cứ như thế, đích phấn đấu là những ân thưởng đặc quyền đặc lợi chứ chả phải tổ quốc nhân dân gì sất.


Điều lố bịch nhất là bộ máy cai trị không cần giấu diếm những hành vi vơ vét của họ. Họ nhân danh quốc hội, chính phủ ra những nghị quyết, nghị định quy định đẳng cấp cán bộ được hưởng đặc quyền đặc lợi, coi như luật. Chẳng hạn với cái quyết định số 32/2015 của thủ tướng chính phủ về xe công, họ tự cho phép cán bộ nào được xài xe mấy trăm triệu, cán bộ nào xe tiền tỉ, cán bộ nào xe vô giá. Thậm chí họ còn tùy tiện tới mức ngay cả người đã nghỉ làm việc rồi cũng được hưởng đặc quyền đặc lợi vĩnh viễn, suốt đời. Ví dụ điều 3 nêu rõ: “Các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá cụ thể: 1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 2. Chủ tịch nước. 3. Thủ tướng Chính phủ. 4. Chủ tịch Quốc hội”. Cứ theo như họ cắt nghĩa thì đó là sự biết ơn, đền đáp, có trước có sau, uống nước nhớ nguồn… Thế chả nhẽ những vị ấy khi đương chức đương quyền làm việc không công chắc. Ngồi ghế cao, giữ chức to thì ắt lương cao, bổng lộc nhiều, chức càng thấp thì lương bổng phụ cấp ít theo, không giữ chức gì thì chỉ làm công ăn lương theo giờ, theo sản phẩm, theo hợp đồng. Nông dân có việc của nông dân, thủ tướng có việc của thủ tướng. Không ai đáng trọng hơn ai. Xã hội đã mặc định như vậy, không để ai phải thiệt. Còn làm việc thì còn được trả công. Không làm thì thôi. Sự công bằng là ở đó. Cớ đâu lại tự định ra phép đặc quyền ban phát này nọ. Xin nhớ rằng, tất cả những khoản chi đó đều từ ngân sách, tức là tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của dân.


Khách quan mà nói không phải tất cả cán bộ đều xấu, đều đặc quyền đặc lợi. Có những người tốt, rất tốt, có nhân cách, tự trọng, không hùa theo đám đông hư hỏng. Họ biết từ chối đặc quyền đặc lợi bởi hiểu rằng như thế là vô lý, là chiếm đoạt quyền lợi của dân. Đơn cử như luật sư Trần Quốc Thuận, chồng bà Võ Thị Thắng. Ông Thuận có lẽ là vị lãnh đạo cấp cao có nhân cách nhất trong bộ máy tồn tại bấy nay. Khi còn đương chức Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, ông Thuận dứt khoát ủng hộ chủ trương khoán xe công, tự gương mẫu bắt xe ôm hoặc taxi đi làm. Nhiều người khen ngợi nhưng cũng không ít kẻ dè bỉu, nhất là những anh thấy bị động chạm đến quyền lợi. Nhưng tiếc thay, ông Thuận như một anh Đông Ki Sốt đơn độc, không phá nổi cái bờ tường bảo thủ đặc quyền đặc lợi được trung ương đổ bê tông vững chắc. Quốc hội đã bao nhiêu lần đưa việc khoán xe công, thuê nhà công vụ lên bàn nghị sự, cuối cùng đâu vẫn vào đó, ném đá ao bèo. Quốc hội còn thua, cá nhân ông Thuận ăn nhằm gì.


Một người nữa, chính tôi gặp và trò chuyện nhiều lần. Đó là cụ Lê Quang Ngoạn, bác ruột của chị dâu tôi, bố vợ của bạn đồng nghiệp tôi. Cụ Ngoạn tham gia kháng chiến chống Pháp, thời những năm 70-80 đóng hàm đại tá, giữ chức Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ (ngang cỡ thiếu tướng bây giờ). Cụ liêm khiết, tự trọng, nhất định không dùng xe công đưa đón, hằng ngày đi bộ đến nơi làm việc. Sinh thời, có lần cụ tâm sự, mình từ chối đặc lợi chứ không phải quyền lợi. Quyền lợi thì mình hưởng. Mình xứng đáng đến đâu thì hưởng đến ấy, không tham lam, không giành phần của người khác, nhất là tài sản của nhân dân, do nhân dân tạo nên.


Những người như cụ Ngoạn, như luật sư Thuận không nhiều. Như con thiên nga trắng giữa bầy quạ đen. Cứ nhìn vào đội ngũ cán bộ là có thể đánh giá được bản chất xã hội. Bao giờ tỷ lệ phải lật ngược lại thì xã hội mới trở nên tốt đẹp.


Nhà thì đòi nhà to (có những căn nhà, biệt thự tịch thu của sĩ quan, công chức chế độ cũ, cấp cho cán bộ, khi chủ nhân mới bán thu vài nghìn cây vàng), xe đắt tiền, chế độ ăn uống đặc biệt, bác sĩ riêng săn sóc sức khỏe, mua sắm cũng cửa hàng riêng, ốm đau bệnh viện riêng, nghỉ hưu vẫn cố bám lấy quyền lợi đặc biệt, dứt khoát không chịu nhả những gì đã hưởng, khi chết còn đòi mộ to sinh phần lớn nghĩa trang hoành tráng… Tất cả những thứ ấy có vẻ tạo nên một tầng lớp thượng lưu nhưng thực chất nó là cái tổ mối khổng lồ khiến con đê có thể vỡ bất cứ lúc nào.


Đáng buồn cười nhất là bộ máy thể chế này mồm leo lẻo nói không đặc quyền đặc lợi nhưng chẳng ai chịu nhả những phần hà lạm mồ hôi nước mắt của dân. Giá như họ đừng nói thì đã đi một nhẽ.


Chán, chả muốn biên nữa.
Nguyễn Thông

Thư ngỏ: Đề nghị kiểm tra tư cách giáo sư của ông Phùng Xuân Nhạ



Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng




———————


Đọc thêm: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/hai-cau-hoi-gui-bo-truong-phung-xuan-nha-590982.ldo






Thủ tướng chính phủ vừa có văn bản yêu cầu rà soát lại tư cách GS/PGS của đợt xét 2017. Tôi hoan nghênh quyết định đó. Nhưng nếu chỉ xét 2017 thôi thì có lẽ chưa đủ, mà cần xét cả những trường hợp gần đây nếu thấy có biểu hiện có vấn đề, thì mới là làm kiên quyết.


Một trong các trường hợp đó chính là ông Phùng Xuân Nhạ, tôi đề nghị hội đồng kiểm tra lại kỹ lưỡng trường hợp này. Lý do như sau:


Tra trên Scopus và Google Scholar tổng cộng chỉ có 02 bài báo của ông Nhạ đăng có trên danh mục Scopus, với tổng cộng 01 trích dẫn.


Có những điều vô cùng bất thường với hai bài đó:


1) Cả hai bài là viết chung và đăng cùng năm 2014, trên cùng một tạp chí, tên là Asian Social Science.


2) Tạp chí đó có trong danh mục Scopus trong các năm 2011-2015 nhưng từ sau 2015 bị loại đi







3) Đây là một tạp chí kiểu “nộp tiền là đăng bài”, do một công ty tư nhân for-profit lấy tên là Canadian Center of Science and Education mới thành lập từ năm 2006 tạo ra (tên như vậy nhưng là doanh nghiệp) trong phong trào “trăm hoa đua nở” (ồ ạt sinh ra các tạp chí mới trên thế giới để thỏa mãn nhu cầu đăng bài của những người không đăng được ở các tạp chí uy tín)


4) Bài của ông Nhạ có thể truy cập trên web. Tôi đọc qua thấy viết sai chính tả và ngữ pháp từ đầu đến đuôi, và bài gửi tạp chí chỉ 2-3 tháng sau đã đăng, nộp 3-400 đô la Mỹ, tỷ lệ được nhận đăng > 70%, chứng tỏ đây là một tạp chí không có biên tập và phản biện nghiêm túc.


5) Về chất lượng nội dung, nhường cho người trong ngành đánh giá cho chính xác. Nhận định của tôi (người không trong ngành) về bài của ông Nhạ mà tôi có xem là bài không có lý thuyết trong đó, giống một phân tích thống kê của một “phân tích viên” (analyst kiểu MBA) hơn là một công trình nghiên cứu khoa học của giáo sư.


Những điều tôi viết có lẽ chẳng làm thay đổi gì, nhưng các vị lãnh đạo cao cấp, ít ra là ông thủ tướng (người ra lệnh yêu cầu rà soát năm nay) và ông PTT phụ trách khoa học giáo dục nên biết thông tin này.


Trân trọng


Nguyễn Tiến Dũng

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

KHÍ VẬN NHÀ SẢN

Khí vận nhà Sản ngày càng u ám. Trong họ  chia năm xẻ bảy tranh giành quyền lợi, đánh nhau sứt đầu mẻ trán, đến mức cụ Tổng Chưởng- người có vai vế lớn nhất họ- dù tuổi già bóng xế vẫn phải trèo lên lưng cọp, nay Nam mai Bắc, cực khổ trăm bề chỉ mong giữ được bình ổn cả họ được nhờ. Thế nhưng, gia phong họ Sản từ năm mươi năm trước đã bị suy thoái, nên con cháu đạo đức suy đồi, ham ăn hơn ham làm, kẻ có tài thì thì cũng chết yểu, duy có mỗi cụ Tổng là còn có chút "Uy", được nhiều cháu chắt ủng hộ nên cụ quyết dùng chút hơi tàn còn lại mà "cải tổ " họ nhà.
Tiếc thay, cái đức họ nhà sản đã cùng dù cố lắm, cụ Tổng cũng chỉ "phế truất" được mấy cái thằng " trời đánh thánh đâm" lộ mặt. Việc đó, không làm cho  họ nhà Sản tươi sáng hơn, chỉ khiến những thằng "thánh đâm trời đánh" còn chưa lộ mặt kết lại với nhau, còn lôi kéo kẻ ngoài "âm mưu" chiếm quyền điều hành họ nhà sản của cụ Tổng.
Về tổng thể, các chi, nhánh con cháu họ nhà Sản đều "ăn lên làm ra", nhưng xét cho cùng là "ăn của bá tánh", chứ chẳng có tài cán gì ngoài cái việc " mua quan bán tước". Riêng chính họ thì nhà Sản thì nợ nần như chúa Chổm.
 Sau bao ngày đi Nam đi Bắc, sang Đông về Tây, cụ Tổng chưởng nhà Sản chẳng còn hy vọng nào ngoài việc phải cải " vận khí" cho họ nhà Sản. Nhớ chuyện Đinh Bộ Lĩnh, nhờ cải táng hài cốt cha ông mà sau dẹp loạn 12 sứ quân làm vua một cõi.
Cụ chuyên tâm hằng đêm khấn lạy Cao Biền. Một đêm, cụ mơ thấy Cao tiên sư hiện về báo mộng, chỉ cho Cụ khu đất Long mạch. Mừng quá, cụ liền triệu tập con cháu thân thích. Sau nhiều ngày bàn bạc, cả họ thông nhất ban hành "nghị quyết" thành lập cái nghĩa trang cho cả họ, kinh phí 1.4000 tỷ.
Số tiền chẳng phải nhỏ trong lúc túi tiền chung của cả họ thì chẳng có mấy đồng, nên Cụ đành quyết định "hy sinh "những  thằng " trời đánh thánh đâm " đã lộ mặt lấy tài sản của chúng làm " ngân sách "  xây dựng nghĩa trang họ. Cụ hô hào con cháu thực hiện phương châm " đánh một thằng mà cứu trăm thằng"!
Giờ Cụ có phần nào an tâm ra đi, dù sau cũng có "long mạch" mà nằm , cầu cho khí vận nhà Sản phục hồi thịnh vượng như xưa- cái thời loạn lạc, binh đao- 

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

BẠN TÔI





Bạn bè lần lượt rớt rơi
còn dăm ba đứa chịu chơi hết mình
không tù, không tội chỉ có tình
sang hèn vinh nhục lưu linh với đời


Tóc xanh đã bạc mặn mòi
gặp nhau rượu uống mềm môi chưa về
bạn bè còn mãi đam mê
vui say trong chốn chân quê cội nguồn
quên đời toan tính thiệt hơn
ngoài da mặt giấy trong da mặt người

Đi rồi lấy nhớ ngậm ngùi
chỉ mong gặp lại còn vui hết đời
thương thầm bao đứa xa xôi
ở nơi chín suối cừ đòi về thăm


Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

THẦN MAY MẮN ĐÃ MỈM CƯỜI VỚI U23 UZBEKISTAN




Đã lâu lắm rồi mới được xem một trận bóng hào hùng đến như vậy. Cứ như xem một bộ phim Mỹ về các cầu thủ là tù nhân phải chiến chiến đấu với các cầu thủ phát xít Đức. Ở trận đấu này, thì ông trời đúng là "phát xít" đối với các cầu thủ U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan là những thiên thần . Sân bóng phủ đầy tuyết tưởng chừng như đó là sân bóng lơ lững giữa trời, mà các cầu thủ U23 Việt Nam chỉ là những người phàm mắt thịt.


Với cái lạnh đó, người ta chỉ có thể trùm áo ấm ở trong nhà nhất là các cầu thủ Việt Nam chưa một lần được cọ xát , nói chi đến việc phải phơi mình trong bộ đồ mong manh. Thế nhưng, các chàng trai U23 Việt Nam đã ngâm mình suốt 120 phút trong hầm băng tuyết và trình diễn với toàn thế giới không chỉ nghệ thuật Bóng đá Việt Nam mà cái chính là TÍnh cách Việt Nam : Kiên cường và Bất Khuất trước mọi thế lực, cho dù đó là " Ông Trời".
Thiết nghĩ, nếu trận chung kết U23 Châu Á không diễn ra tại Trung Quốc thì trong điều kiện thi đấu như thế này chắc chắn sẽ được hoãn trận đấu, không thì cũng sẽ được dời địa điểm thi đấu. Nhưng đó là Trung Quốc và các cầu thủ Việt Nam bị ép buộc phải chiến đấu trong điều kiện có thể " nguy hiểm " đến sức khỏe của mình.
Tôi thực sự khâm phục các chàng trai U23 Việt Nam và tự hào về họ. Họ đã khiến cho các Thiên thần Uzbekistan " sợ hãi" buộc phải nhiều lần phạm lỗi và nóng nảy, cáu giận.


Ba mươi giây cuối cùng của Hiệp phụ thứ 2, nếu Thần may mắn không mỉm cười với U23 Uzbekistan thì điều gì sẽ xảy ra trong loạt đá "luân lưu" ?( cho dù việc thay đổi người đổi người ở phút cuối cùng của trận đấu chứng tỏ tài năng của huấn luyện viên U23 Uzbekistan đánh đúng vào yếu huyệt khi mà sức lực của các cầu thủ U23 Việt Nam đã hoàn toàn cạn kiệt).


Bóng đá Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới với tài năng của các cầu thủ U23.
Cú đá phạt ngoài vòng 16m của Quang Hải vào góc chết khung thành Uzbekistan thật là tuyệt vời. Đó là cú sút phạt của một cầu thủ đẳng cấp quốc tế.
Cho dù trong điều kiện thời tiết thuận lợi, U23 Việt Nam có thể thua U23 Uzbekistan đi nữa, cũng không phải là điều quan trọng.
Quan trọng là nền bóng đá Việt Nam với các chàng trai U23 đã thay đổi thực sự. Một nền bóng đá có thể chơi " sòng phẳng" với bất cứ đội bóng nào của Châu Á và có thể ghi bàn chiến thắng!

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

SÁU MƯƠI





Em hỏi tôi : sáu mươi tuổi anh sẽ đi đâu?
Tôi mỉm cười : Anh sẽ đến nơi em không thể đến
Em ngơ ngẩn nhìn bầu trời tư lự

Như hỏi tôi như hỏi chính mình :
- Sáu mươi tuổi em sẽ ở đâu?
Tôi bật cười:
- Sáu mươi em sẽ ở trong vùng đất lạnh!

Em quắc mắt nhìn tôi giận dữ
Mắng là tôi độc ác quá chừng
Tôi mỉm cười bảo em sao ngốc vậy
Bởi  sáu mươi đã hết đời người

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

DÂN CHỦ -CỘNG HÒA VÀ NƯỚC MỸ



Hầu hết người Mỹ và khắp nơi trên thế giới hiện nay đã bị thuyết phục rằng hệ thống chính phủ của Mỹ là một nền Dân chủ, cái tên nền Cộng hòa đã bị rơi vào quên lãng và trở nên khó hiểu. Sự khác biệt giữa 2 hệ thống chính trị này là căn bản để hiểu được chủ nghĩa biệt lệ Mỹ (Americanism) và tại sao nước Mỹ lại có một lịch sử thành công nhất thế giới.


Từ Dân chủ – Democracy – có nguồn gốc từ 2 chữ tiếng Hy Lạp: Demos – người dân và Kratin – cai trị, Dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ hay số đông cai trị. Điều này nghe thì rất hay, nhưng nếu số đông người dân muốn cướp lấy cơ sở kinh doanh, nhà cửa hay con em của một nhóm thiểu số thì sao? Quyền lực này rõ là cần phải có giới hạn. Thiếu sót của nền Dân chủ nằm ở chỗ số đông không bị kiềm chế. Trong nền Dân chủ, nếu có người thuyết phục được hơn một nửa số người dân muốn một điều gì đó, bất kể điều đó sai trái như thế nào, thì nó sẽ trở thành sự thực.
Khác với Dân chủ, từ Cộng hòa – Republic – đến từ 2 từ tiếng La-tinh: Res – điều, thứ và Pulica – của chung, công cộng. Hai từ gộp lại có nghĩa là điều của chung, trong nền Cộng hòa, điều của chung này chính là luật pháp. Một nền Cộng hòa thực sự là hình thức chính trị trong đó chính phủ bị giới hạn bởi luật và không can thiệp vào sự vụ của người dân. Những nhà lập quốc của nước Mỹ có một cơ hội kiến tạo hình thức chính phủ bắt đầu từ con số không. Họ hoàn toàn có thể lập chế độ Tập quyền, thực sự là có một số người đã muốn George Washington làm Vua. Nhưng những bài học từ lịch sử đã khiến họ lựa chọn cho người dân Mỹ một quốc gia cai trị bằng pháp luật trong một nền Cộng hòa, chứ không phải cai trị bằng số đông trong một nền Dân chủ. Tại sao lại như vậy?
Lấy ví dụ trong bối cảnh của miền Viễn Tây hoang dã: 40 chàng cao bồi đuổi một tên trộm có súng. Họ bắt được tên trộm và bỏ phiếu 40/1 để treo cổ hắn. Nền Dân chủ đã được áp dụng và chúng ta có ít hơn 1 người có thể bỏ phiếu. Bây giờ lấy cùng ví dụ này nhưng trong nền Cộng hòa, 40 cao bồi bắt được 1 tay súng. Cuộc bỏ phiếu được lập ra, kết quả 40/1 đồng ý treo cổ hắn ta. Nhưng cảnh sát trưởng đến và ông ta nói: “Các vị không thể giết ông ta, ông ta có quyền được xét xử công bằng trước một tòa án”. Do đó họ mang tên trộm về thị trấn, một Bồi thẩm đoàn từ công dân trong thị trấn được chọn ra, và họ được cho xem cả bằng chứng buộc tội cũng như lời bào chữa cho kẻ cầm súng, Bồi thẩm sẽ quyết định liệu hắn ta có bị treo cổ hay không. Quyết định của Bồi thẩm đoàn cũng không được đưa ra theo kiểu số đông quyết định. Tên trộm chỉ bị luận tội khi tất cả thành viên Bồi thẩm nói anh ta có tội, nếu không anh ta được tự do. Quyền của tay súng không do số đông chi phối, mà do pháp luật chi phối. Đây là cốt lõi của một nền Cộng hòa.
Những người nói Mỹ là nền dân chủ lớn nhất thế giới chưa bao giờ hiểu rõ lịch sử đất nước này. Thậm chí rất nhiều người Mỹ ngày nay sẽ ngạc nhiên khi biết rằng từ “Dân chủ – Democracy” không hề xuất hiện trong Tuyên ngôn Độc lập hoặc Hiến pháp liên bang Hoa Kỳ, hoặc trong bất kỳ hiến pháp của toàn bộ 50 bang. Những nhà lập quốc đã làm mọi thứ họ có thể để người Mỹ không tồn tại một nền Dân chủ. James Maddison, người được biết đến như là “cha đẻ” của Hiến Pháp Mỹ đã viết trong bài viết số 10 của cuốn Liên Bang Thư Tập (The Federalist Papers: “… các nền Dân chủ đều đã tồn tại trong những tình cảnh hỗn loạn và bất hòa, đã được phát hiện là không phù hợp với an toàn cá nhân hay quyền tư hữu và nhìn chung đều chết yểu trong những cảnh tượng bạo lực tại thời điểm cái chết của nó”.
Alexander Hamilton đồng ý với quan sát này và ông khẳng định:
“Chúng ta là chính phủ Cộng hòa. Tự do thực sự không bao giờ được tìm thấy trong chế độ chuyên quyền hay trong sự cực đoan của một nền Dân chủ”.
Samuel Adams, một người ký tên trong Tuyên ngôn Độc lập nói: “Nền Dân chủ không bao giờ tồn tại lâu dài. Nó sẽ tự phí phạm, kiệt quệ và tự giết chính mình”. Những nhà khai quốc này có lý do khi xem lại quá khứ để nhìn vào cái xưng danh nền Dân chủ với một thái độ ghẻ lạnh. Bởi họ biết những nền Dân chủ sớm của Hy Lạp đã tạo ra những chính phủ với quy mô thừa thãi không thể tưởng tượng được. Trong tất cả các trường hợp, các chính phủ này đều tiêu vong cùng với cướp bóc, hỗn loạn, vô chính phủ và cuối cùng là sinh ra một chế độ độc quyền của thiểu số. Trong thời gian đó tại thành Athen, có một chính khách tên là Solon, người đã vận động tạo ra một cơ quan pháp luật cố định, không bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng hoang đường bất chợt của số đông. Trong khi Hy Lạp không bao giờ chọn dùng lời khuyên khôn ngoan đó, người La Mã đã học theo. Dựa theo ý tưởng của Solon, họ tạo ra 12 Cột trụ của Luật pháp La Mã và theo đó xây dựng một chính phủ Cộng hòa với quyền lực giới hạn và không can thiệp vào quyền tự do của cá nhân.


Nhà nước La Mã từng xây dựng được một nền Cộng hòa thịnh vượng.
Khi chính phủ giới hạn, người dân được tự do sản xuất với đảm bảo rằng họ được quyền giữ lại thành quả lao động của mình. Chẳng mấy chốc, La Mã trở nên giàu có và là sự ganh tị của thế giới. Nhưng qua thời gian, trong sự giàu sang của mình người La Mã lại quên mất cái giá của việc đảm bảo tự do do là gì, họ quên mất căn bản của tự do là phải giữ cho chính phủ ở một mức độ giới hạn phù hợp. Khi quyền lực của chính phủ càng lớn, tự do cá nhân càng thu hẹp. Khi người La Mã không đề phòng, những chính trị gia thèm khát quyền lực bắt đầu mở rộng vai trò của họ được quy định trong Hiến pháp La Mã. Một số người phát hiện ra rằng họ có thể bầu cho những chính trị gia để dùng quyền lực nhà nước để lấy tài sản từ người này chia cho người khác. Trợ cấp nông nghiệp được đưa ra, tiếp sau là các chương trình trợ cấp nhà ở và phúc lợi xã hội. Tăng thuế là không thể tránh được và nhà nước bắt đầu kiểm soát chặt chẽ khu vực tư nhân. Chẳng bao lâu sau những hộ sản xuất tại La Mã đã không còn đủ tiền trang trải, họ phá sản và gia nhập đội quân xin trợ cấp. Năng suất lao động sụt giảm, lương thực thiếu hụt và những băng nhóm bắt đầu tụ tập tràn ra đường phố yêu cầu chính phủ cung cấp bánh mỳ. Rất nhiều người đã đồng ý từ bỏ tự do lấy cái lợi trước mắt và cuối cùng cả hệ thống chính trị La Mã sụp đổ. La Mã đi từ một nền Cộng hòa tới Dân chủ và cuối cùng kết thúc là Tập quyền dưới chân Julius Caesar.


Chính vì thế Dân chủ cũng không phải là hình thức ổn định của một chính phủ, nó là sự chuyển tiếp lâu dài từ chính phủ giới hạn tới sự toàn trị của những kẻ độc tài tập quyền. Hiểu biết được điều này, người dân nước Mỹ chỉ có hai sự lựa chọn: Bảo vệ nền Cộng hòa hay cuối cùng sẽ phải sống dưới sự chuyên quyền của những kẻ đầu sỏ chính trị.


Nhật Minh/TrithucVN

Nhà văn và con đĩ










Chu Mộng Long: Chuyện thật. Một cuộc chat chit với người tự xưng là “con đĩ”. Xin được tường thuật lại thay cho trả nợ một yêu cầu giản dị của một con người bị đời xem là “con đĩ”.
Đêm qua có một ả gõ cửa Chu gia:
– Anh ơi…
Khi đang đọc hay viết trực tiếp trên FB, những cách gõ cửa như vậy thường hiện ra trong inbox. Quen biết thì tôi chat, lạ thì nhiều khi bỏ mặc, vì có lúc 2, 3 ô inbox hiện ra cùng lúc. Lần này liếc qua thấy dòng chữ “anh ơi…” hiện ra nhiều lần, có vẻ tha thiết và ngọt ngào như bưởi đường. Bưởi em ngọt thì cam anh cũng nỏ ai bì. Đành dừng viết, chat vài câu với em nó:
– Chào em… Rất tiếc là anh không nhiều thời gian để chat dài đâu đấy.
– Em biết anh đang bận chuyện mấy nhà văn. Em hỏi ngắn thôi – Nói vậy nhưng ả mừng quá, chộp lấy cơ hội và viết dài cả tràng – Em dốt văn nhưng đọc được hết những điều anh đã viết. Lẽ nào anh dành tâm sức cho nhà văn mà không dành được chút gì cho chúng em?
– Chúng em nào vậy? – Tôi trả lời nhanh.
– Không giấu gì anh, chúng em là những con đĩ – Bên kia trả lời thẳng ruột ngựa.
Tôi ngập ngừng một lát rồi trả lời:
– Con đĩ thì quan tâm đến chuyện nhà văn làm gì?
Phải thừa nhận tốc độ inbox của ả cực nhanh. Miệng mồm gái đĩ có khác:
– Nhà văn lớn thường quan tâm đến gái đĩ thì gái đĩ lớn cũng phải quan tâm đến nhà văn chứ ạ?
Tôi cũng hỏi nhanh:
– Có gái đĩ lớn và gái đĩ nhỏ nữa sao?
– Sao lại không? – Enter một câu, tôi chưa kịp trả lời, ả đã enter câu tiếp – Em tưởng anh phân biệt được nhà văn lớn và nhà văn nhỏ thì cũng phải phân biệt được gái đĩ lớn và gái đĩ nhỏ chứ ạ?
Tôi đáp:
– Nhà văn lớn xem chuyện bán nước cầu vinh là nhục. Nhà văn nhỏ, tức đê tiện, xem chuyện bán nước cầu vinh là vinh…
– Gái đĩ cũng vậy anh à – Ả tiếp lời ngay – Gái đĩ lớn xem chuyện bán trôn nuôi miệng là nhục. Gái đĩ nhỏ, tức đê tiện, xem chuyện bán trôn nuôi cả họ là vinh. Nhưng thưa anh, gái đĩ dẫu đê tiện cũng biết xấu hổ che mặt, che thân khi bị bắt. Còn nhà văn đê tiện thì lúc nào cũng tự hào phơi trần cái mặt, leo lẻo cái mồm trước công luận khi bị phát hiện… làm bậy.
Hay quá! Tôi từng nói chuyện với cả ngàn trí thức, lớn có nhỏ có, chưa bao giờ có cuộc chat thú vị như thế này. Tôi tiếp lời:
– Nguyễn Duy viết: Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng/ Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn. Tưởng hay nhưng chưa hay. Ông ấy hạ nhục bọn nhà văn đê tiện nhưng vẫn coi thường gái đĩ. Nay không ngờ chính gái đĩ đã khai sáng cho anh biết tầm cao thấp và nỗi vinh nhục ở đời.
Nàng chat tiếp:
– Gái đĩ lớn khi bị hiếp luôn thấy nhục nên chống trả quyết liệt. Gái đĩ đê tiện khi bị hiếp thường sung sướng ngửa lồw (xin lỗi anh em phải dùng chữ Buồi Hiền) cho hiếp thỏa thuê. Cho nên, anh đừng quá bận tâm khi thấy bọn nhà văn đê tiện vểnh mồm ngợi ca giặc cướp là anh hùng hảo hán. Em dám chắc với anh, cái đám nữ nhà văn rửng mỡ ấy đang mơ thổi kèn của cái thằng Thoát Hoan, nên chúng mới miêu tả thằng chả cứ như hotboy vậy!
Chat đến đây thì tôi thấy kinh quá, bèn kết thúc cho nhanh:
– Tóm lại là em cần gì ở anh? Anh không nhiều thời gian, cũng không nhiều tiền…
Ả cũng trả lời nhanh:
– Em không thuộc loại gái đĩ đê tiện moi tiền của anh đâu. Chỉ xin anh bỏ chút thời gian cho chúng em. Anh hãy viết một bài đòi sự công bằng cho gái đĩ. Rằng người ta hợp pháp hóa cho bọn nhà văn đê tiện hoạt động công khai, trong khi lại cấm triệt để tất cả các loại gái đĩ chúng em, bất luận là gái đĩ lớn hay gái đĩ nhỏ. Có bất công không?
Tôi nói, tôi hèn, tôi không dám viết ra điều yêu cầu giản dị nhưng rất nhạy cảm ấy. Nhưng tôi sẽ kể lại cuộc chat chit hiếm có này cho thiên hạ nghe.


Chu Mộng Long

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Diễn.






Lưu Trọng Văn


Một đất nước mà đi đâu, ở đâu cũng thấy con người diễn thì đất nước ấy đang bị hủy diệt bởi sự dối trá.
Gã không muốn và cảm thấy ê chề xấu hổ nếu đất nước của gã là một Sân khấu vĩ đại với chỉ các màn diễn.

Gã không muốn và cảm thấy tận cùng đớn đau khi những đứa trẻ của đất nước gã lớn lên chỉ thấy sự diễn dối trá để rồi tin đó là thật, đến khi thấy sự thật, bộ mặt thật thì gào lên phản ứng bảo đó là sự dối trá chứ không phải sự thật.
Có nhiều ông quan, ông chúa của đất nước gã trước ống kính diễn bộ mặt đau khổ khi gặp kẻ bần hàn nhưng liền sau đó tưng bừng nâng ly cùng nhồm nhoàm sơn hào hải vị với các quan địa phương nơi có những kẻ bần hàn ấy.
Một nhà báo ở một tờ báo lớn viết chân dung một thượng thư nổi tiếng bình...dị, rằng ngài thượng thư chủ động tiếp nhà báo tại quán vỉa hè. Nhà báo xúc động khi ngài thượng thư kia kêu nóng, tuột chân ra khỏi đôi giầy mòn gót, một chiếc tất rách lòi ngón chân cái của ngài.
Gã bật cười vì sự ngây ngô đến... ngớ ngẩn của nhà báo kia vì gã thừa biết ngài thượng thư này ăn chơi thế nào và liên quan thế nào tới các doanh nhân bị lên thớt.
Một tối, lâu rồi gã nhận cú điện thoại của một nàng, lúc ấy nàng đang giữ một vị trí cao tại QH và bây giờ nàng đang là một trong ba người đàn bà quyền uy của hệ thống. Nàng khen một quan thượng thư rất xông xáo, nơi nào thiên tai, lũ lụt đếu có mặt. Gã cười bảo, ông ta diễn đấy, em ơi! Gã kể cho nàng nghe, cánh truyền hình khi đi theo ngài ấy, lúc nào ống kính chĩa về ngài, ngài bèn xắn quần lội bùn, mặt co rúm lại đau khổ trước thiên tai, mất mát của người dân.
Sau đó?
Tiệc tùng.
Hãy tưởng tượng đi các bạn của gã, nếu không bị ra tòa thì ngài phó chủ tịch tỉnh Trịnh Xuân Thanh có thể lúc này đang trên diễn đàn của tỉnh thuyết giảng về đạo đức cách mạng, về tinh thần phục vụ nhân dân, về tình thương dân. Ngài sẽ to giọng lên án kẻ nào tham nhũng, ăn cắp của dân...
Diễn, và diễn. Đau khổ là các diễn viên đại tài đó diễn giỏi đến mức con cái họ cứ tin là thật và khi bố mình ra toà rồi vẫn đau đớn khóc thảm thương vì cho rằng bố mình bị oan.
Diễn.
Bao giờ ở đất nước của gã có một Đạo luật cấm diễn?