Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

TỪ BẢN NGỮ VÀ TỪ NGOẠI LAI




• Nguyễn Thiện Giáp


Căn cứ vào nguồn gốc của các từ, người ta chia từ vựng thành hai lớp: từ bản ngữ và từ ngoại lai. Hai khái niệm này cần được xác định một cách biện chứng và lịch sử.


Bất kì ngôn ngữ nào, trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng thu hút nhiều yếu tố của các ngôn ngữ khác, do đó có nhiều từ ngữ giống hoặc tương tự với các từ ngữ của các ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, tiếng Việt hiện đại của chúng ta ngày nay chứa đựng nhiều từ ngữ giống hoặc tương tự với các từ ngữ trong nhiều thứ tiếng khác như: tiếng Mường, tiếng Thái, tiếng Tày-Nùng, tiếng Bana, tiếng Gialai, tiếng Êđê, tiếng Khmer, tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh... Nếu không nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng và lịch sử thì rất khó xác định đâu là từ bản ngữ, đâu là từ ngoại lai. Có người cho rằng chỉ có thể gọi một cách hợp lí từ ngoại lai trong một ngôn ngữ nhất định là những yếu tố đã thâm nhập sau cái thời kì ít nhiều chính xác đánh dấu một cách quy ước giai đoạn đầu của ngôn ngữ ấy. Trong thực tế. vấn đề xác định thời gian hình thành của một ngôn ngữ dân tộc nào đó là rất phức tạp và không phải bao giờ cũng cho một câu trả lời chắc chắn. Vì vậy, chúng ta vẫn vấp phải cái khó khăn trong khi phân biệt từ bản ngữ và từ ngoại lai. Nội dung của hai khái niệm này chỉ có thể xác định một cách tương đối chắc chắn nếu xét chúng trong những giai đoạn lịch sử cụ thể nhất định. Các giai đoạn phát triển của một ngôn ngữ kế tiếp lẫn nhau, mỗi giai đoạn bao gồm những yếu tố thuộc ba loại:


Những yếu tố cũ, giai đoạn trước để lại;
Những yếu tố mới du nhập vào từ các ngôn ngữ khác trong giai đoạn ấy;
Những sản phẩm mới được cấu tạo trên cơ sở những yếu tố cũ và những yếu tố mới du nhập vào.


Xét trong giai đoạn ấy, những từ thuộc loại một và loại ba có thể được coi từ bản ngữ, còn những từ thuộc loại hai là những từ ngoại lai. Như vậy, khái niệm từ ngoại lai và từ bản ngữ được quan niệm một cách biện chứng. Những từ ngoại lai trong giai đoạn này có thể trở thành từ bản ngữ trong giai đoạn tiếp theo.


Cách xác định từ bản ngữ và từ ngoại lai căn cứ vào nguồn gốc đòi hỏi phải biết từ nguyên của các từ. Công việc này không phải bao giờ cũng thực hiện được dễ dàng. Trong việc sử dụng ngôn ngữ, chỉ những khác biệt phản ánh tình trạng hiện thời của ngôn ngữ là quan trọng. Vì vậy, từ bản ngữ và từ ngoại lai còn được xác định về phương diện đồng đại thuần tuý. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm từ bản ngữ đồng đại và từ ngoại lai đồng đại.


Từ ngoại lai đồng đại là những từ có những nét không nhập hệ (non intégrés) vào cấu trúc đương thời của ngôn ngữ. Từ ngoại lai đồng đại có thể là những từ ngoại lai còn giữ những đặc trưng của ngoại ngữ khiến cho chúng khác với các từ bản ngữ đồng đại. Đối với tiếng Việt, những đơn vị đó có thể là.


Những từ phiên âm nhưng viết liền như: cácbon, amin, amoniac, ampe...
Những từ phiên âm nhưng viết rời như: a-xít, a-mi-la-da, a-ni-lin, a-nô-phen, a-pa-tít, a-xê-ti-len...
Những đơn vị có cách kết hợp âm vị bất thường như: pa-tê, noãn xào, xoong, séc, loong toong...
Những từ Hán Việt không hoạt động tự do như: sơn, thuỷ, gia, quốc, hải...
Tổ hợp các từ Hán Việt không hoạt động tự do như: ba đào, giai nhân, tham quan, sở dĩ, phạm trù, tiền phong...
Những từ không phải tiếp thu của ngoại ngữ nào nhưng lại có những nét làm cho nó khác hẳn các từ khác và được xử lí một cách khác cũng là từ ngoại lai đồng đại. Thí dụ: leeng keeng, loong coong, bù nhìn, mồ hóng, mồ hôi, lê ki ma, chôôc...


ừ bản ngữ đồng đại là những từ mà xét về cấu trúc ngữ âm cũng như thái độ hình thái học hoàn toàn nằm trong cấu trúc đương thời của bản ngữ mặc dù xét về phương diện lịch đại đó có thể là những từ có nguồn gốc ngoại lai. Thí dụ:


Những từ mượn tiếng Hán cổ, những từ Hán Việt đã Việt hoá về ngữ âm và những từ tiếp nhận từ các ngôn ngữ Ấn-Âu nhưng có dạng ngữ âm trùng với âm tiết: xăng, bì, lốp, gần, đầu, thần, ngọc, bia, phin, phớt...
Những từ Hán Việt đã có khả năng hoạt động tự do như tất cả các từ thuần Việt khác: ông, bà, tài, đức, thọ, học, thanh, hiếm, trí, phô, chúc thọ, chức tước, ông bà, nguy hiểm, sự vật, trí não, học tập, thành phố...
Bây giờ chúng ta hãy đi sâu vào lớp từ ngoại lai.


Nếu căn cứ vào mối liên hệ với sự vật và khái niệm, có thể chia từ ngoại lai thành hai loại:


Những từ ngoại lai biểu thị những sự vật và khái niệm mới xuất hiện, trong bản ngữ chưa có từ biểu thị. Các từ xô viết, công xô môn, đồng chí, hợp tác xã, may ô, xà phòng v.v... trong tiếng Việt là như vậy.
Những từ biểu thị những sự vật và khái niệm đã có từ trước trong bản ngữ đã có từ biểu thị rồi. Trong trường hợp này, từ ngoại lai đồng nghĩa với từ bản ngữ. Tiếng Việt tiếp nhận từ ngữ tiếng Hán một cách hệ thống, vì vậy có hàng loạt từ gốc Hán đồng nghĩa với các từ thuần Việt. Thí dụ: thiên – trời, địa – đất, cử – cất, tồn – còn, tử – con, tôn – cháu...
Nếu xét về thành phần ngoại lai, có thể chia từ ngoại lai thành từ phiên âm và từ sao phỏng.


Từ phiên âm là tiếp nhận cả hình thức lẫn nội dung của từ của ngôn ngữ khác. Hình thức ngữ âm của các từ của ngoại ngữ có thể thay đổi ít nhiều cho phù hợp với quy luật ngữ âm của bản ngữ. Thí dụ:


Pháp Việt
glaïeul layơn, dơn
planton loong toong
fromage pho mát
cravate ca la vát, ca ra vát, ca vát,...
Từ sao phỏng là những từ tiếp nhận một mặt nào đó của từ của ngôn ngữ khác. Từ sao phỏng có hai loại: sao phỏng cấu tạo từ và sao phỏng ngữ nghĩa.


Sao phỏng cấu tạo từ là trường hợp dùng chất liệu của bản ngữ để cấu tạo một từ nào đó dựa theo mẫu về kết cấu của các từ tương ứng trong ngôn ngữ khác. Thực chất của loại này là dịch từng yếu tố có tính chất hình thái học của các từ của ngôn ngữ khác. Như vậy, nó chỉ tiếp nhận mẫu cấu tạo từ trong ngôn ngữ khác mà thôi. Thí dụ: từ tiếng Nga подразделение là sao phỏng cấu tạo từ của từ tiếng Pháp subdivision (sự chia nhỏ). Nó được thực hiện bằng cách dịch tiền tố sub- bằng tiền tố под-, chính tố -divis- bằng -раздел- và hậu tố -ion bằng -ение. Trong tiếng Việt, các đơn vị từ vựng như chắn bùn, chắn xích, chiến tranh lạnh... cũng là sao phỏng cấu tạo từ của các đơn vị tương ứng trong tiếng Pháp là garde boue, garde chain, guerre froide... Ngoài hiện tượng sao phỏng cấu tạo từ hoàn toàn như những thí dụ trên, còn có hiện tượng sao phỏng cấu tạo từ không hoàn toàn. Những từ sao phỏng kiểu này một phần là dịch các yếu tố tương đương của ngoại ngữ, phần còn lại là tiếp nhận nguyên si của ngôn ngữ đó. Chẳng hạn từ идолослвужение của tiếng Nga bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp là từ eidololatreia (sự thờ thần tượng), trong đó, chính tố идоло- được tiếp nhận, còn chính tố latr- và phụ tố -eia được dịch ra tiếng Nga là служ- và -ение.


Từ телевидение (vô tuyến truyền hình) bắt nguồn từ từ televisia trong đó chính tố теле- có nguồn gốc Hi Lạp, còn chính tố -vis- và phụ tố -ia (gốc Latin) được dịch ra tiếng Na là -вид- và -ение.


Sao phỏng ngữ nghĩa là hiện tượng các từ tiếp nhận thêm ý nghĩa của các từ tương ứng trong ngôn ngữ khác. Cơ sở để từ này có thể tiếp thu thêm ý nghĩa của từ tương ứng trong ngôn ngữ khác là ý nghĩa định danh trực tiếp của chúng phải giống nhau. Từ này chỉ tiếp nhận thêm ý nghĩa bóng vốn chỉ có ở từ kia. Thí dụ: Từ tiếng Nga трогать có thêm ý nghĩa "gây xúc động" là nhờ sao phỏng ý nghĩa của từ toucher trong tiếng Pháp. Cơ sở của sự sao phỏng này là cả hai từ đều có ý nghĩa trực tiếp là "sờ mó". Ý nghĩa "tầm thường, vô vị" của từ плоскиы cũng là do sao phỏng ý nghĩa của từ tiếng Pháp plat mà có. Cả hai từ này đều có ý nghĩa trực tiếp là "bằng phẳng". Từ ngựa trong tiếng Việt và từ cheval trong tiếng Pháp cùng chỉ một loài động vật, nhưng từ cheval còn chỉ một đơn vị sức kéo, do đó, từ ngựa đã có thêm cả ý nghĩa này (máy 15 ngựa). Nếu hiện tượng sao phỏng cấu tạo từ dẫn đến sự xuất hiện trong ngôn ngữ những từ mới thì hiện tượng sao phỏng ngữ nghĩa chỉ dẫn đến sự xuất hiện những từ đồng âm hoặc những ý nghĩa mới của từ đã có.


Hiện tượng tiếp nhận từ ngữ của ngôn ngữ khác không diễn ra một cách đơn giản như ta chuyển thóc lúa từ bồ này sang bồ kia mà các từ ngữ ngoại lai phải chịu sự biến đổi theo quy luật của ngôn ngữ tiếp nhận. Nói chung, quá trình đồng hoá các từ ngoại lai diễn ra trên cả ba mặt ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp. Mỗi ngôn ngữ có hệ thống ngữ âm riêng. Khi một từ chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia phải có sự biến đổi diện mạo của mình cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ chủ thể. Chẳng hạn, các từ tiếng Pháp gare, poste, gramme sang tiếng Việt đã đổi thành ga, bốt, gam. Khi đã tồn tại với tư cách là một thành viên của ngôn ngữ chủ thể, từ ngoại lai lại chịu sự biến đổi theo quy luật riêng của ngôn ngữ chủ thể. Từ ngoại lai và từ gốc mà nó xuất thân có thể phát triển theo những hướng hoàn toàn khác nhau.


Thí dụ: Vào thời kì của tiếng Hán cổ, cả tiếng Việt và tiếng Hán đều có phụ âm vô thanh. Từ can của tiếng Hán cổ khi chuyển sang tiếng Việt vẫn giữ nguyên diện mạo như vậy. Nhưng sau đó, các từ trong tiếng Hán biến đổi theo quy luật vô thanh hoá, còn các từ trong tiếng Việt lại biến đổi theo quy luật hữu thanh hoá. Do đó, từ can trong tiếng Hán hiện đại vẫn đọc như vậy, còn trong tiếng Việt, can đã đổi thành gan.
Ở bình diện ngữ nghĩa, quá trình đồng hoá cũng diễn ra tương tự như vậy. Khi tiếp nhận, ngôn ngữ này có thể thể không tiếp nhận tất cả các ý nghĩa của từ trong ngôn ngữ khác.


Thí dụ: từ balle trong tiếng Pháp có các nghĩa: 1) quả bóng, 2) đầu đạn, nhưng tiếng Việt chỉ tiếp nhận từ này với ý nghĩa thứ nhất mà thôi. Do mối quan hệ với các từ bản ngữ, ý nghĩa của các từ hồng, hoàng, thanh trong tiếng Hán có ý nghĩa tương tự như các từ đỏ, vàng, xanh của tiếng Việt. Khi du nhập vào tiếng Việt, các từ này cũng được dùng để biểu thị những màu ấy nhưng ở sắc độ nhạt hơn.
Về mặt ngữ pháp, các từ ngoại lai cũng được đồng hoá theo bản ngữ. Chẳng hạn, tiếng Việt là ngôn ngữ không biến hình, hiện tượng chuyển loại xảy ra rất dễ dàng. Nhiều từ tiếng VIệt tiếp nhận của tiếng Pháp cũng tuân theo quy luật đó: double, blue là tính từ, vào tiếng Việt đúp, lơ có thể làm động từ. Nhiều cụm từ tiếng Pháp khi vào tiếng Việt đã được nhận thức như một từ, thí dụ: à la xô (à l’assaut), phú la căng (foutre le camp – "cuốn xéo"), cập bà lời (t’as pas k’eoil) v.v...


Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 129–134.

HỌC LẠI YÊU THƯƠNG



Thơ : Thymianka



Bắt đầu từ đâu ta học được yêu thương
Chắc không phải từ khi biết yêu một người khác giới
Hẹn hò đầu tiên
Nụ hôn đầu tiên
Lần đầu làm chuyện ấy...
Mọi cái giản đơn hơn
Như thể rất lâu rồi...

Ta biết yêu thương như hơi thở lúc chào đời
Chỉ hít vào thở ra bằng buồng tim lá phổi
Bằng bản năng và bằng si mê đắm đuối
Bằng thân phận đời người qua năm tháng dần trôi

Chợt nhận ra chưa học cách yêu người
Để một ngày tình yêu vuột qua tầm tay với
Chỉ là ánh mắt gửi trao, một bàn tay nắm vội
Hay tách trà khuya xua giá lạnh bên ngoài


Nào phải xa xôi nào cần chọn lựa ý lời
Yêu thương ấy ngỡ tràn đầy cho và nhận
Bỗng có ngày ta băn khoăn tự vấn
Cái ta cho người...
Thật đúng cách hay chưa?

Học lại yêu thương từ lúc chợt nghi ngờ
Cái ta cho đi phải chăng là vĩ đại
Nên ta đợi người một món quà tặng lại
Suốt đời mình...
Ta làm một sân ga!

Học lại yêu thương khi tóc biếc đã chớm ngà
Học lại cách yêu người để yêu mình thêm chút nữa
Khi yêu thương lên tiếng chối từ
Xin đừng buông tay nhau lần nữa
Một cánh cửa lòng vẫn mở để chờ nhau...
---

Vọng tình


NGUYỄN NGỌC




Tôi ghét các mạng xã hội, tôi cũng chẳng thích xem ti-vi và đọc những dòng tâm sự của bạn bè mình. Dù cho tôi biết đó là một sự thú vị, nó thể hiện bạn là người có nội tâm sâu sắc thế nhưng tôi vẫn ghét. Cho đến một ngày kia, tất cả những suy nghĩ của tôi điều bị thay đổi; đó là dịp tình cờ khi những dòng chữ chị viết lướt qua tôi. Đọc những dòng chữ ấy tôi như nhìn thấy một người con gái đầy nghị lực, đã có những lúc sống buông mình, sống điên cuồng, nhưng cũng có lúc chị đau đớn tột cùng vì một điều gì đó. Dường như chị chán ghét cuộc đời này giống tôi. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi làm một việc mà trước gìơ tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm đó là tôi viết thư cho người con gái ấy... Nhưng ngay lúc đó, ngoài cảm giác hào hứng ban đầu ra tôi lại có thêm một cảm giác mặc cảm về một điều gì đó len lỏi. Lần này cũng cùng một cảm giác như lần tôi nghe giọng hát chán nản và tuyệt vọng đến tột cùng của Kurt Cobain. Chả biết có điểm gì giống nhau không, có lẽ là một sự hối hận về những sai lầm, cái chỗ nhầm lẫn cho những xáo trộn ở đời này... nhưng biết làm sao được khi thế giới này chẳng quay theo một quy luật nào cả.

Chị đã trải qua cái tuổi mộng mơ với những điều vớ vẩn, chị đã đi qua những bão tố đến những tháng ngày bình yên. Còn tôi thì luôn chìm đắm trong những màn hư ảo, thật như mơ. Tôi cũng đã từng đến quê chị - miền Trung mang đầy nắng gió, sau một khoảng thời gian lang thang khắp mọi miền đất nước.



Và bạn biết đó, ngày xưa là đâu? Tôi đã từng nghĩ rằng khi tôi đi thì những người bạn của tôi sẽ như những chú gấu ngủ đông, chờ tôi về đánh thức để tiếp tục tháng ngày tươi đẹp ở cuộc đời này. Nhưng mọi người có một hướng đi riêng, có một cách sống riêng cho mình, không ai có thể đứng đó đợi ta được cả.



Tôi đã có những giấc mơ lạ khi trời gần sáng, đó là giấc mơ về một người đàn bà ôm tôi vào lòng như thể tôi là một đứa trẻ bé bỏng... để rồi trong sự ấm áp đó tôi thấy mình bình yên đến lạ, không còn nữa những bộn bề, đam mê vội vã. Với tôi – một người luôn sống thiếu thốn tình cảm, bởi mẹ cha “chia tay” khi tôi lên 7, nên dù là một đứa trẻ chẳng thiếu tiền bạc tiêu xài, nhưng chưa bao giờ cảm nhận được cái hạnh phúc bên gia đình như thế nào cả. Tôi là một đứa trẻ được chiều chuộng, nhưng tôi sống không thật. Đôi khi thấy mình thảm hại đến tàn tạ. Đôi khi trong những giấc mơ đêm, tôi thấy mình lao xuống vực sâu, hay cô độc ở một bóng tối nào đó. Tôi cảm thấy cuộc đời này chẳng còn thiết sống nữa, tôi muốn kết thúc cuộc đời này vào một ngày nào đó gần nhất có thể. Nhưng trước khi từ giã cõi đời này, tôi mong muốn được gặp Chị, người đàn bà cho tôi chút hy vọng dẫu ít ỏi cuối cuộc đời này.

Và cuối cùng tôi đã quyết định đi gặp chị, chờ đợi chị sẽ mang đến cho tôi một điều gì đó kỳ diệu... Nhưng có lẽ, điều đó còn xa vời lắm...

* * *

Tôi vào Sài Gòn một ngày trời ảm đạm. Nó cũng gần như tâm hồn tôi lúc này vậy. Như đã hẹn trước, tôi đến một bar gần nơi chị ở để đợi chị. Bởi mọi đêm tôi có thói quen uống thật say mới về ngủ. Có lẽ thói quen đó bắt nguồn từ việc tôi sợ ở một mình, tôi sợ căn gác trống vắng bóng người, tôi sợ căn phòng lạnh lẽo và chiếc giường thiếu mùi đàn bà. Nên tôi đã làm bạn với rượu, đó cũng là ngừơi bạn thân nhất của tôi.



Và chị đến khi tôi bắt đầu hơi say. Rồi tất cả những gì tôi từng tưởng tượng về chị đều sai hết cả, ngoại trừ giọng nói chị vẫn thế, giọng nói trầm buồn nhưng đầy nhục cảm. Tôi rót mời chị một cóc rượu. Trong giây phút đầu tiên gặp chị, tôi có vẻ ngỡ ngàng với mái tóc dài ngang vai, được uốn lọn nhỏ. Khuôn mặt trang điểm nhẹ, càng tô lên nét sắc sảo và khéo léo trong chị. Bên ngoài chị trẻ hơn trong hình, đằm thắm dịu dàng hơn. Nhưng hình như chị chẳng ngạc nhiên gì khi nhìn thấy tôi, vì vừa mới bước vào quán thì chị đã nhận ra tôi ngay. Có lẽ tôi mang cái vẻ ngoài hoang dại, tôi một con ngựa bất kham giữa dòng thành phố này. Cũng bởi thế mà tôi chẳng bao giờ lạc lõng giữa đám đông cả.

Nhưng vì là quán bar nên càng về khuya quán càng nhộn nhịp hơn, tiếng nhạc cũng càng lúc càng to hơn và rượu thì càng ngày càng ngắm vào tôi hơn. Thỉnh thoảng chị kể tôi nghe những câu chuyện vui làm tôi cười nhẹ. Nhưng rồi khi chị cảm nhận được cái vẻ thất vọng trong tôi thì chị cũng tỏ ra lo lắng và buồn theo. Đôi lúc thì chúng tôi im lặng, hướng ánh nhìn về đám đông đang cười nói ngoài kia. Tôi đứng lên mời chị ra nhảy cùng, chị vui vẻ nhận lời... Chúng tôi quay cuồng theo điệu nhạc, đôi lúc khẽ chạm nhẹ vào nhau, rồi lại nhích ra xa hơn... rồi lại vô tình chạm vào nhau. Chị dùng mùi nước hoa thật lạ, thoang thoảng hương cỏ may, mùi hoa lan, hoa hồng và gỗ nhè nhẹ. Một mùi thật thân quen nhưng cũng khá xa lạ với tôi... mùi vị đàn bà...



Người đàn bà đang trong độ tuổi xuân phơi phới, xung quanh bao người đàn ông vây quanh lại đang ở cạnh tôi. Nhớ lại, thời gian tôi làm quản lý ở một số bar khác nhau ở Hà Nội, lúc đó tôi quen một cô gái được mệnh danh là hoa khôi của lớp múa Cao đẳng sân khấu điện ảnh. Em mang trên người hương của núi rừng, phảng phất hương hoa lê, hoa ban trắng... Vị của một cô thiếu nữ e ấp, của núi sông quê em. Theo thời gian tôi ra Trung làm ăn kiếp sống, và mang theo mùi hương ấy bên mình. Đôi khi nó bị lẫn vào hương đêm ngào ngạt, chút hương nước hoa rẻ tiền của những cô bé bán hoa nằng nặc son phấn.



Khi chị hỏi tôi vì sao tôi đến Sài Gòn này. Tôi trả lời gỏn lỏn: “Là vì chị”. Chị nhìn tôi không có vẻ gì bất ngờ cả. Hình như chị đã nghe rất nhiều người nói với chị như thế. Rồi tôi tiếp tục bảo tôi muốn chết vào một ngày gần nhất có thể, nhưng tôi sợ chết một mình lắm, tôi muốn chết cùng chị. Chị nghe thế cười nhếch môi, có lẽ là chị đang cười khinh bỉ tôi thì phải... dù rằng chị vẫn giữ cái thái độ bình thường qua những lời nói, cử chỉ và hành động đối với tôi.




Người đàn bà đang ngồi đối diện với tôi có một phong cách sang trọng, và mùi nước hoa thật quyến rũ... gần như có một sức hút kỳ lạ toát ra từ con người ấy, một sức hút lạ lùng nhưng khó cưỡng lại... Và chắc chắn với một người đàn ông nào đó thì đây là một sự hấp dẫn lạ kỳ... Còn với tôi, tôi chỉ thấy có một sự xa cách, làm nỗi cô đơn trong tôi ngày càng dày đặc mà thôi.

Và càng ngày cái ý định muốn tự tử, muốn từ giã cõi đời này càng hiện rõ hơn... Những người đàn bà đi ngang đời tôi, cùng sự im lặng giờ đây của chị... khi chị nhìn theo chàng ca sĩ hát ầm ầm trên kia, bỏ mặc tôi với những quay cuồng trong mớ cảm xúc hỗn độn... Tôi càng cảm thấy tuyệt vọng hơn, tuyệt vọng đến kiệt cùng... Người đàn bà cuối cùng mang cho tôi hy vọng ở cuộc sống này lại thờ ơ với tôi đến thế ư?...



Nhìn đồng hồ là 3h sáng. Tôi cùng chị bắt taxi về khách sạn. Vừa về đến nơi, chỉ mở cửa phòng ra là tôi đã nằm vật xuống giường. Mùi nước hoa của chị thoang thoảng bên tôi, một mùi hương là lạ, như chẳng có gì liên quan đến tôi. Tôi cảm thấy mình lạc lõng, mình bơ vơ trong cái thế giới này… Tôi thấy mình là kẻ bất lực trước đàn bà, bất lực cả với cuộc đời của chính tôi…

Đứng dậy, tôi lục lọi tủ lạnh, uống biết biết bao nhiêu là bia, bia rất nhiều bia…Và cả thuốc ngủ nữa… rất nhiều thuốc ngủ….

* * *

Sáng hôm sau, người dọn phòng thấy phòng Khanh có dấu hiệu là lạ… anh đã gõ cửa hơn 4 lần nhưng không có ai ra mở. Nên đạp cửa bước vào, thì trước mắt anh là một cảnh tượng hãi hùng. Khanh nằm đó, toàn thân bất động, trên bàn là vài lon bia anh đã uống cùng hai vỉ thuốc ngủ, chiếc máy tính còn nguyên những dòng tâm sự anh đang viết dang dở… Người đàn bà kia được gọi đến ngay sau đó, chị chẳng thể nào tưởng tượng được là Khanh thực sự muốn từ giã cõi đời này vào đêm qua, những lời nói khi say của Khanh là thực… Người đàn bà ấy đã lo cho Khanh một "hậu sự" tươm tất như cậu mong ước…

Và câu truyện này vẫn sẽ được người đàn bà đó viết tiếp… Nhưng sau đó là một câu chuyện rất buồn…

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

HOA HỒNG GAI



Tôi mãi nhớ về em. Một cô gái với trái tim thiên thần. Cô viết truyện ngắn này khi chỉ mới 20 tuổi. Quả là một tài năng hiếm có. Đáng tiếc, cô đột nhiên biến mất
HOA HỒNG GAI

Truyện ngắn : Nguyễn Ngọc(Tinhmuavong)

Cô đang ngồi thẩn thờ bên ô cửa sổ, đôi chân duỗi thẳng tự nhiên, để những đầu ngón chạm nền gạch. Cô cảm thấy thích thích cái cảm giác có một “cái lạnh” nào đó chợt đến ở đầu ngón chân. Cái lạnh ấy chợt xuất hiện, rồi vụt biến mất... cứ xuất hiện rồi lại biến mất khi cô nhịp bàn chân theo giai điệu bài hát “Straight Through My Heart” của Backstreet Boys đang được phát ra thật to. Cô khẽ khẽ lắc đầu theo điệu nhạc. Hương hoa hồng theo cơn gió tràn vào nhà, vương vấn bên cánh mũi xinh xắn của cô.

Dường như hương hoa quá quyến rũ thế nên cô đã ngừng nhịp chân... Cô hơi ngoái người lại, nhìn ra cửa sổ. Bên dưới là vườn hồng. Rồi ánh sáng vàng vọt của buổi chiều tà chiếu vào làm cho mhững đóa hồng như bị ai đó làm thâm tím... hay là vì hoa hồng đang khóc... Cô nhìn kỹ thêm một chút nữa. Ánh sáng ngoài vườn nhạt quá, cô chẳng còn những thấy rõ bên dưới nữa... Bóng đêm như đang vây phủ vườn hồng... Vườn hồng ngày xưa của anh và cô cùng trồng... Vườn hồng với những đóa hồng đầy gai...



Bỗng dưng bái hát tắt phụt, cô ngoáy lại nhìn. Người đàn ông đang đứng cau mày trước mặt cô. Gương mặt nhăn nhúm, làm cô chợt liên tưởng đến những tờ bản thảo mà mình vo tròn rồi vứt vào sọt rác mất phút trước... Trên gương mặt ấy, có cả một sự giận dữ và bất lực.

- Kìa, em đang nghe mà – Cô nói với vẻ mặt lạnh lùng. Cái lạnh cuả nền gạch giờ đây đã lan khắp lòng bàn chân khi cô rời khỏi bệ cửa sổ để đi về phía máy phát đĩa.

- Đã tối rồi, phải để cho mọi người nghĩ ngơi chứ? – Định quay lưng đi, nhưng rồi lại quay lại nhìn cô, cũng gương mặt nhăn nhúm ban nãy. Anh hỏi – Mà em đang làm gì mà ngồi thừ người ngoài cửa sổ vậy? Định cấm đầu xuống dưới chết hả?

Cô nhếch môi, không thèm trả lời. Vì cô đang bận với cái suy nghĩ của riêng mình: “Làm sao mà bản nhạc kia có thể vượt qua khỏi vườn hồng rộng lớn xung quanh nhà cô để đến với nhà hàng xóm được chứ”. Nghĩ thế, cô lại nhấn nút play để bản nhạc có thể được cất lên, lại tiếng Brian dạo đầu, rồi những ca từ mạnh mẽ rót vào tim “Ooh Oh Oh, In the heart of the night. When it's dark In the lights I heard the loudest noise, A gunshot on the floor Oh-oh Oh-oh”.

Thấy thế anh lại và giật ngay phích cắm điện. Không thèm nhìn hay nói cô một lời nào, sau đó anh đi lại giường nằm. Để mình cô đừng đó. Tưởng rằng, ánh sáng từ căn phòng dịu dàng có thể giúp anh xoa dịu sự “phận nộ” đang lớn dần trong cô, nhưng không... không thể được...

- Anh biến đi

- Cái gì.

- Biến đi, biến ra khỏi mắt em – Cô lặp lại từng lời một với giọng lạnh băng.

Cô lôi cái đầu đĩa ra khỏi tủ, không chút bận tâm với mớ dây nhợ lòng thòng. Cô quẳng nó xuống nền nhà... Bỗng âm thanh Rầm... rầm... ầm âm.. khô khốc vang lên. Anh quay lại nhìn cô, vẻ đầy kinh ngạc. Tức giận, anh bước vội xuống giường, lấy đại chiếc áo thun trên thành ghế cạnh bàn trang điểm của cô... Bước qua cô, và buông một câu cọc cằn.

- Cô điên rồi.

Cô vẫn đứng chết lặng ở đó. Căn phòng nhỏ vẫn sáng đèn, thứ ánh sáng dịu dàng và nhẹ nhàng nhưng không hiểu vì sao quanh cô chỉ thầy toàn màu đen. Hương hoa hồng vẫn thoang thoảng trong gió, tỏa ngát cả căn phòng... nhưng nỗi nhớ trong lòng cô không thể dịu dàng cùng hoa được... Trong lòng cô, dâng lên bao cảm xúc ngổn ngang, nó như cào cấu dữ dội trong cô...

* * *

Sáng hôm sau, khi cô đang ở tiệm hoa, thì nhận được tin nhắn từ số điện thoại của anh: “Anh đồng ý em là một cô gái xinh đẹp, và đa cảm. Nhưng em lại là một người không biết thế nào là tình yêu. Đến hôm nay thì anh lại thấy mình nên cảm ơn vì điều đó. Ít ra giờ đây nó làm cho anh không ray rứt khi nói với em rằng. Mình chia tay nhau nhé!”. Đọc xong cô không suy nghĩ nhiều mà nhanh chóng nhắn lại cho anh một từ ngắn gọn mà thôi “Ok!” rồi bình thản cất điện thoại vào túi quần, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tình yêu bao giờ cũng chứa đựng những tổn thương nhất định. Những cuộc tình mà cô đã đi qua, dù là nó chân thành hay giả dối thì cũng có những tổn thương hiện hữu. Và kết thúc một cuộc tình nào đó, người chịu đựng tổn thương một là cô, một là người còn lại. Chính vì thế, chẳng rõ từ lúc nào, trái tim cô đã bắt đầu vô cảm với tình yêu.

- Không cần phải bỏ gai đây. Anh cứ gói lại bán cho tôi là xong.

- Loại hồng này gai sắc lắm...

Cô ngước nhìn rồi nói: “Đó không phải chuyện của anh”.

Người bán hoa làm như là chẳng nghe thấy những gì cô nói. Gã cứ ngồi gỡ từng gai một trên những cành hồng cô mua vô cùng cẩn thận. Gã cố bảo đảm rằng mình đã bỏ hết những gai nhọn trước khi xếp chúng sang một bên.

- Anh kia có hiểu tôi đang nói gì không? Đã bảo là đừng cắt gai kia mà.

Gã vẫn bình tĩnh tiếp tục công việc của mình.

- Cô đừng cố tình làm mình đau như thế. Cô nghĩ làm như vậy sẽ được người khác quan tâm hay sao?

Nghe gã nói thế, cô tái mặt. Bởi cô biết gã đang nói về điều gì.

- Anh có thôi đi không?

- Cô biết người ta gọi cô là gì không ? – Bỗng gã dừng công việc đang làm lại, ngước lên nhìn cô với ánh mắt bình thản... Như gã đã biết trước, những lời mình nói sẽ làm đá dội vào trái tim cô... - “.... là đồ ích kỷ?”

Cô cười ha hả... Và bất chợt chột lấy một cành hoa chưa được tỉa gai.... siết thật mạnh. Để những lưỡi gai sắc nhọn đăm vào làn da mền mại, mịn màng của cô... và bắt đầu có những giọt máu đỏ tứa ra từ đó.

- Vậy giờ đây, tôi đang rất đau đó. Anh có quan tâm tôi không – Cô nhếch môi và nói tiếp – Không! Đúng chứ? Vì anh không phải là anh ấy, chưa bao giờ là anh ấy. Nên cũng không có quyền chỉ trích, hay lên mặt với tôi. Hiểu chưa?

Gã nhìn cô, rồi lại nhìn bàn tay đang nắm hoa hồng gai của cô... gã vội buông kéo, chạy đi tìm hộp cứu thương... Cố gắng gỡ từng ngón tay của cô ra, và sát trùng.

- Tôi không phải đang muốn nói đến chuyện đó, nhưng nếu là như thế tôi cũng không muốn nhìn ai đó như thế này đâu. Đừng tưởng làm như vậy mình cô đau thôi, mà cả hoa hồng cũng đau đó.

Cô liếc nhìn gã, trợn tròn mắt kinh ngạc... Cô biết rất rõ gã chàng bán hoa này và Anh là hai anh em. Nhưng gã bán hoa này lại không có được cái tính dịu dàng của Anh. Gã này lạnh lùng và tàn nhẫn hơn rất nhiều. Và một điều nữa mà cô biết chắc chắn đó là giờ đây cả hai anh em họ đều câm ghét cô. Nhưng có lạ gì với điều đó bởi chính cô còn căm ghét mình kia mà.

Gã xếp dụng cụ y tế vào hộp cứu thương, đem nó sang một bên, lại cầm kéo mà tiếp tục công việc của mình.

- Tôi biết cô là cô gái mạnh mẽ, nên trong cô có những suy nghĩ lạ lùng. Nhưng cô cũng nên nhớ rằng ở cuộc đời này có 2 thứ mà không nên đem ra đùa đó là tình yêu và sinh mạng con người.

Cô nhìn gã với ánh mắt rực lửa. Rồi huơ tay, làm những cánh hoa hồng rơi vãi trên sàn nhà.

- Tôi không muốn mua hoa của anh nữa,

- Nhưng tôi vẫn sẽ đem đến đó.

- Vậy thì anh cứ đem đến Thiên đàng hộ tôi.

* * *

Cô nhớ lại một đêm khi cô nói với Anh:

- Giờ em đang muốn viết về sự Chết. Nhưng không biết nó như thế nào để viết nữa. Liệu có cần chết “thử” để viết không anh?

Anh đi đến, vòng tay qua eo cô, dẫn cô ra bệ cửa sổ.

- Nếu mà em muốn biết, anh sẽ đi đến đó, rồi về báo cho em biết nhé!

- Thiệt không vậy anh? Anh dám chứ?

- Thiệt chứ, anh sợ ai nào?

Cô cười khanh khách...

- Thôi, mệt rồi. Em biết bọn đàn ông thường đem cái chết ra để chứng tỏ tình yêu mà. Anh không cần lấy chiêu cũ rích này ra dỗ ngọt em đâu.

Đang cười, nhìn cô, gương mặt anh bỗng trở nên lạnh đi.

- Vậy là em không tin anh.

Cô gật đầu.

Anh thấy vậy, buông ta ra khỏi eo cô, quay mặt nhìn về xa xăm

- Thế thì anh sẽ làm để em tin.

Cô chả thèm bận tâm. Bởi anh là thế, luôn chiều theo những yêu cầu và suy nghĩ kỳ hoặc của cô. Ngay cả cái việc điên rồ như chặt hết cây trong vườn, bỏ hết các chậu hoa để chỉ trồng hoa hồng thôi, thế mà anh cũng làm theo chẳng cần bất cứ lý do nào. Anh chỉ bảo rằng: “Khi nào em muốn hái hoa, phải gọi anh đó nhé. Gai hoa hồng sắc lắm. Nó đâm vào là nhức cả sương đấy”. Lúc đó cô bướng bỉnh trả lời lại: “Ứ! Nhưng em thích thì sao? Vả lại chả lẽ anh phải ở cạnh em suốt đời ư?” – Anh trả lời: “Ừ! Anh sẽ luôn ở cạnh em”.

.... Đang suy nghĩ bâng quơ, thì một cơn gió đêm chợt ùa vào, mang theo chút hương hoa hồng thoang thoảng. Lạ thật, sao hương hoa đêm nay nồng nàn đến thế. Cô thầm nghĩ, giá mà mình có thể đắm chìm vào hương hoa này mà không để vướng bận điều gì thì tuyệt biết bao. Nghĩ là làm, cô leo qua bệ cửa sổ phòng mình, để thỏng chân ra ngoài, nhìn xuống vườn hoa bên dưới, những bông hoa hồng nhung giờ đã chuyển sang màu đen thẫm... Cô buông tay vịn khung cửa sổ, quay lại nhìn anh. Cô dọa:

- Em đi tìm cảm giác thật đây... hihi... Tạm biệt anh.

Anh hoảng hốt, mặt mày tái mét... Nhòa người về phía cô... Nhưng giá như..... Giá như cô không đùa, thì cô sẽ không rơi xuống... Giá như anh không đạp phải cái áo đầm cô vứt trên sàn nhà sáng nay... Giá như chiếc cửa sổ ấy đừng quá rộng.. thì ... thì anh đã không nằm trên thảm hoa hồng đầy gai phía dưới... Anh là người ngu ngốc nhất thế gian này, và cái giá mà anh phải trả cho sự ngu ngốc của chính anh là anh đã vĩnh viễn chìm vào giấc ngủ dài, bởi những chấn thương trong não. Có lẽ anh sẽ sống đời sống thực vật mãi mãi... Cô còn nhớ rất rõ, ngày hôm ấy, cả người anh đều bị xây xước bởi gai hoa hồng đâm cả. Cũng từ ngày hôm đó, trong tim cô như có một chiếc gai hoa hồng đâm vậy... đến giờ vẫn chưa thể nào lành lại được...

* * *

- Cả tuần nay, vì sao cô không đến bệnh viện.

Cô hờ hững cầm đóa hoa đồng tiền trên tay và trong đầu hiện lên suy nghĩ: “Vì sao trên đời này lại có loại hoa sặc sỡ sắc màu mà chẳng có hương vị gì như thế nhỉ”. Khi nghe gã nói, cô bỏ bông hoa xuống, và đáp:

- Vì tôi chán.

Gã nhìn cô:

- Cô thật sự thấy chán sao?

Cô không trả lời, cũng chẳng dám nhìn vào mắt anh, chỉ khi quay mặt đi, cô mới khẽ gật đầu. Gã thấy thế, chùi tay vào túi quần, bước đến chiếc bàn nhỏ.

- Vậy thì đã đến lúc kết thúc tất cả rồi.

Cô nghe thế cau mày:

- Đến lúc cái gì?

- Để tất cả ra đi...

Chợt hiểu ý của anh, cô tái mặt, chạy nhanh đến và giật chiếc điện thoại trên tay gã, dập mạnh xuống bàn.

- Ai cho phép anh làm điều đó? Anh là kẻ máu lạnh mà. Dù gì anh ấy cũng là em trai ruột của anh, vậy mà anh lại có thể giết chết nó.

- Chẳng phải là vì cô chán hay sao? Vậy thì việc gì mà cô phải chịu đựng kia chứ? Cô muốn nó sống đời sống thực vật như thế cho đến bao giờ? Nó chẳng thể nào mở mắt ra nhìn cô thêm lần nào nữa, không bao giờ nó có thể gọi tên cô nữa... Thế thì hãy để nó ra đi còn hơn. Cô mới là người nhẫn tâm, cô nhẫn tâm để nó sống không bằng chết như thế đến bao giờ nữa?

Cổ họng cô như nghẹ đắng, môi cô run rẩy chẳng nói nên lời. Đúng, từ lâu rồi, anh đã không thể gọi tên cô, không thể nhìn thấy cô, không thể ôm eo cô. Anh giờ là một gã đàn ông vô cùng tệ hại. Anh là kẻ nói dối. Anh đã hứa sẽ trở về kể lại cho cô nghe về cái chết. Thế mà... anh đã đi rồi không bao giờ trở lại nữa. Anh mặc kệ cô có bao người đàn ông khác vây quanh....

Gã bán hoa nói tiếp:

- Sao cô không nói gì đi chứ? Nói ra sẽ giúp cô nhẹ nhàng hơn không phải sao? Cô sẽ không cần phải ray rứt khi đến với bất cứ người đàn ông nào khác.

- Không... Không... Tôi không muốn, không thích...

Rồi cô quay người, bỏ chảy... Những bước chân như xô vào nhau... Cô phải chạy thật nhanh về nhà, không thì cô sẽ quỵ trên đường mất.

* * *

Dãy hành lang bệnh viện thật dài. Dù cho cô có đến đây hàng trăm lần, hàng nghìn lần thì cũng vậy. Mỗi lần cô mang trên mình những tâm trạng khác nhau, và bao giờ cô cũng thấy dãy hành lang này dài thêm một chút. Cuối dãy hàng lang là dãy phòng săn sóc đặc biệt. Cô đứng đó, lặng người, nhìn theo cánh cửa phòng... Anh – người cô yêu đang ở trong đó. Cảm giác chết lặng như thế nào bạn nhỉ? Chẳng biết nó có kinh khủng hơn cảm giác một điều gì đó đang bò trong từng thớ thịt của cô lúc nào không? Cô đã từng mơ ước biết bao những trang viết của mình sẽ có một điều gì đó “chân thực”. Cô bướng bỉnh, đòi có những trải nghiệm mà trong đời người này ta chỉ có thể trải qua một lần mà thôi... Và đúng như những người đàn ông đã tiếp xúc với cô, họ luôn đi ra phòng cô sau vài phút. Bởi cô điên rồi.

Cô cố dùng hết sức để đẩy cánh cửa nặng nề kia. Và chợt thấy anh nằm một góc phòng. Vẻ đẹp hiền lành, trong giấc ngủ bình an giữa căn phòng trắng toát. Trên đầu giường có một chiếc tủ nhỏ đựng vật dụng cá nhân, một chậu nhỏ để những đóa hồng vừa mới thay. Cô thầm nghĩ – “chắc là gã”. Rồi cô bước đến, nhìn chầm chầm lên gương mặt anh. Những ngón tay cô mân mê từng góc cạnh trên gương mặt ấy.

- Anh này hư quá rồi đó, để râu ria mọc tùm lum như thế này được sao. Em đã bảo anh bao lần rồi mà, anh không chịu lo gì hết. Thôi để em cạo cho nhé. Một lần nữa thôi đó.

Cô kéo ngăn tủ ra, lắp lưỡi dao cạo vào, thoa kem cạo râu cho anh, tỉ mỉ cạo từng nhát... Cô mỉm cười dịu dàng, nhưng sao nước mắt lại rơi thế này.

- Anh nè, những người đàn ông khác quanh em thật nhạt nhẽo. Chẳng một ai như anh cả, chẳng có ai bằng anh. Không ai xứng đáng ngồi trên những chiếc ghế anh từng ngồi, nằm trên chiếc giường anh từng nằm... Chẳng hiểu sao, mọi lần em nhìn những gã đó ngồi vào những chỗ của anh thì em tức điên lên.

Cô lấy khăn rồi lau một lượt quanh mặt của anh. Cô mân mê những ngón tay của mình trên môi anh. Đôi môi anh giờ lạnh ngắt, khô khốc. Không giống cái lạnh xuất hiện dưới nền gạch cô cảm nhận qua những ngón chân mình mọi khi nhìn qua bệ cửa... Nó ấm áp và mền mại hơn rất nhiều. Cô cúi xuống và hôn lên môi anh.

- Anh nhất định sẽ không bỏ em lại một mình phải không?

* * *

Đêm nay ngoài trời không có gió. Cô ngã người ra bệ cửa, nhìn xuống vườn hoa hồng bên dưới nhưng không ngửi được mùi hương thoang thoảng của hoa hồng.

- Tôi sẽ chỉ cắt gai hoa hồng lần này nữa thôi. Từ nay về sao tôi sẽ không làm điều đó nữa. Bởi hoa hồng không có gai thì đâu phải là hoa đồng phải không? Và tình yêu cũng vậy. Em trai tôi luôn làm những việc ngu ngốc vì nó sợ cô tổn thương...

Gã bán hoa đã nói như thể lần này là lần cuối cùng. Có lẽ vì gã tưởng cô không nghe được câu nói nhỏ cuối cùng của gã.

- Lần sau tôi sẽ cắt nói vì sự ngu ngốc của chính mình.

Cô nghe rõ nhưng cố tình lờ đi, xem như không nghe thấy. Biết làm sao được đây, khi mà cô nhận ra rằng, dù cho có bao nhiêu người đàn ông yêu cô, có bao người theo đuổi cô. Nhưng tự thân cô từ trước cho đến bây giờ chưa biết yêu là thế nào... Cô là một đoá hoa, cũng mang đầy gai, nhưng có lẽ cô không phải là hoa hồng.

Dưới ô cửa sổ, trên thảm hoa hồng, nơi đó có tình yêu của cô, nó cũng đẹp cũng rực rỡ, cũng đầy hương sắc. Cô sẽ chẳng bao giờ biết được cảm giác cái chết như thế nào, còn anh thì sẽ chẳng bao giờ về lại kể cho cô nghe cả. Tình yêu của anh giờ đã hóa thành hương hoa rồi, có chỉ lẫn vào không trung, còn cô thì chẳng thể nào nắm giữ nó được.

- Em sẽ mãi chờ anh tình yêu ạ. Em chờ anh đến trả cho em món nợ, chờ anh về thực hiện lời hứa của mình... Em tin, một ngày nào đó, em sẽ lại gặp anh...

Cô ngước nhìn những ánh sao xa. Trên kia, sau những vì sao ấy là một thiên đường rộng mở, nơi của tình yêu, của sự vĩnh hằng. Và

... Ngày hôm qua, anh đã đến đó

... Ngày hôm qua, cô đã tiễn anh về nơi đó

Bên dưới ô cửa sổ.... thảm hoa hồng đang chuyển động. Còn cô đang nở một nụ cười thật tươi... “Kìa, gió về”

Dường như có một điều gì đó phôi pha trong cô... giờ đây, trong cô chỉ còn anh, tình yêu, và những đóa hoa hồng.


Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

MỘT DÒNG SÔNG TRĂNG





Em ở trên cao
buồn vui cùng con nước
thuyền ta say khướt vớt bóng trên sông
phải lòng
chở mỗi nhớ mong
mang theo tròn khuyết lớn ròng đục trong


Ta say quay mòng
thuyền say lạc lối
va phải bờ thương vỡ mảnh nhân duyên

Tàn giấc mơ tiên
đời vướng ưu phiền
tỉnh say hoài niệm
một dòng sông trăng


Quyền dân tộc tự quyết (Self-determination)






Tác giả: Trần Nam Tiến

Quyền dân tộc tự quyết là quyền của mỗi dân tộc trong việc thiết lập chế độ chính trị và thực hiện sự phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa của mình trên cơ sở chủ quyền quốc gia. Kể từ khi thuật ngữ này ra đời vào nửa cuối thế kỷ 18 cho đến nay, nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết đã mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Cuộc Cách mạng tư sản Pháp (1789-1799) đã tuyên bố nguyên tắc quyền tự quyết như là việc cấm thôn tính lãnh thổ hoặc thay đổi lãnh thổ mà không xét đến nguyện vọng của dân cư có liên quan, vừa là tiêu chí để hợp thức hóa các chính phủ một cách dân chủ.

Năm 1917, nguyên tắc này lại được đề cập bởi hai nhân vật đối lập nhau. Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson coi nguyên tắc này trước hết là một tiêu chí để giải thể các đế quốc bại trận vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (Áo – Hung, Đức và Ottoman). Trong khi đó, Vladimir Ilyich Lenin – lãnh tụ cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917, coi nguyên tắt này về cơ bản là nguyên tắc chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc được mặc nhiên công nhận. Nguyên tắc này chính thức được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong giai đoạn mà quá trình phi thực dân hóa đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, qua đó thể hiện vai trò của Liên Hiệp Quốc trong quá trình đấu tranh cho quyền của các dân tộc.

Về phương diện pháp lý, chủ quyền dân tộc là quyền tự quyết định vận mệnh của dân tộc đó trong đời sống quốc tế, thể hiện ở tổng thể các quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc, được ghi nhận lại tại các văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế.

Dưới thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhất là trong giai đoạn cách mạng dân chủ tư sản, quyền dân tộc tự quyết là yêu cầu bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc, dân chủ hoá đất nước. Sau khi cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi, quyền dân tộc tự quyết là yêu cầu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là yêu cầu giải quyết vấn đề dân tộc trên lập trường giai cấp công nhân. Trong thời kỳ thiết lập chủ nghĩa tư bản, quyền tự quyết của các dân tộc có khuynh hướng chống phong kiến. Trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, nó có khuynh hướng chống chủ nghĩa tư bản. Cho nên trong thời kỳ hiện nay, vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp không tách rời nhau.

Trong lịch sử quan hệ quốc tế, quyền dân tộc tự quyết được hiểu theo nghĩa là việc một dân tộc hoàn toàn tự do trong việc tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như lựa chọn thể chế chính trị, đường lối phát triển đất nước. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết là một trong những nội dung quan trọng của quyền dân tộc cơ bản trong điều kiện quan hệ quốc tế hiện nay. Tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trở thành nguyên tắc pháp lý quốc tế, được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nhiều văn bản quốc tế quan trọng khác.

Cụ thể, nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết được thể hiện trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc với tư cách là một trong những mục đích hoạt động của tổ chức này với nội dung: “phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc”.

Trong điều 55 của Hiến chương, nguyên tắc dân tộc tự quyết được coi là nguyên tắc để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Như vậy, quan hệ giữa các dân tộc được xác định trong Hiến chương chính là quan hệ giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền, trong đó các dân tộc bình đẳng và mỗi dân tộc đều có quyền tự định đoạt vận mệnh của mình.

Bằng Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 14-12-1960, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Tuyên bố về “Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”, Điều 2 Nghị quyết đã chỉ rõ rằng: “tất cả các dân tộc đề có quyền tự quyết, trong đó có quyền thiết lập chế độ chính trị và thực hiện sự phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa của mình”.

Trong Tuyên bố năm 1970 về Các nguyên tắc của luật quốc tế, Liên Hiệp Quốc cũng đã khẳng định: “Việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó, cũng như việc thiết lập bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết”, và “Mỗi quốc gia đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền này, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Trên cơ sở đó, quyền dân tộc tự quyết bao hàm các nội dung chính sau:
Quyền của mỗi dân tộc trong việc thành lập nhà nước độc lập; tự do tách ra khỏi một quốc gia nhiều dân tộc để thành lập quốc gia độc lập của mình; hoặc tự nguyện nhập vào một quốc gia nhiều dân tộc để thành lập liên bang trên cơ sở giữ chủ quyền dân tộc của mình;
Tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội phù hợp;
Tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài;
Quyền của các dân tộc phụ thuộc và thuộc địa tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ và ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự;
Tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý…

Tuy nhiên, thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh ở một số quốc gia thường có hiện tượng các dân tộc thiểu số muốn tách ra thành lập quốc gia riêng với khẩu hiệu “quyền dân tộc tự quyết” như các trường hợp ở Nam Tư cũ, Liên bang Nga, Indonesia, Philippines và đặc biệt là tại một số nước châu Phi như Kenya, Ethiopia, Sudan…. Việc đòi quyền tự quyết đã dẫn đến tình trạng phức tạp trong tình hình đối nội ở các quốc gia này. Có những nơi xung đột vũ trang nội bộ đã diễn ra, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, trật tự và an ninh thế giới. Từ thực tế đó, quyền dân tộc tự quyết không có nghĩa là các dân tộc thiểu số trong từng quốc gia có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, trong đó có quyền thành lập nhà nước độc lập.

Thường thì trong mỗi quốc gia có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó có dân tộc đông người nhất và các dân tộc còn lại được coi là thiểu số. Tất cả các dân tộc này cùng hợp thành một dân tộc chung nhất, đồng nghĩa với nhân dân và mang tên gọi của đất nước mình. Chỉ có những dân tộc theo nghĩa nhân dân, quốc gia mới có quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Quyền dân tộc tự quyết chỉ thuộc về nhân dân theo nghĩa là tất cả dân cư thường xuyên sinh sống trên lãnh thổ của một quốc gia nhất định – chủ thể luật quốc tế. Quan điểm này phù hợp với Hiến chương, các văn kiện của Liên Hiệp Quốc và thực tiễn ở các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Phân lớp từ ngữ theo nguồn gốc Các từ ngữ gốc Hán


I. Trên thực tế, hầu như không có từ vựng của ngôn ngữ nào lại chỉ hình thành, xây dựng bằng con đường "tự nó". Trong những ngôn ngữ được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp... người ta vẫn có thể thấy hàng loạt từ ngữ mà chúng vay mượn, hoặc vốn có nguồn gốc từ ngôn ngữ khác. Tiếng Việt của chúng ta cũng vậy.
Như thế, điều mà người ta có thể dễ thấy nhất ở đây là nổi lên đường phân giới giữa hai lớp từ ngữ: lớp từ bản ngữ (còn gọi là lớp từ thuần) và lớp từ có nguồn gốc khác, xa lạ (còn gọi là lớp từ ngoại lai). Phân tích qua tiếng Việt, ta sẽ rõ điều đó. 

II. Ở từ vựng tiếng Việt, lớp từ ngoại lai được phân thành hai lớp nhỏ hơn: lớp các từ ngữ gốc Hán và lớp các từ ngữ gốc Ấn-Âu (chủ yếu là gốc Pháp).

1. Các từ ngữ gốc Hán

1.a. Tiếng Việt đã trải qua quá trình tiếp xúc với tiếng Hán từ rất lâu đời, thông qua nhiều con đường và bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Có thể chia quá trình tiếp xúc Hán – Việt thành hai giai đoạn lớn: một là giai đoạn từ đầu công nguyên đến đầu đời Đường (đầu thế kỉ 8); hai là giai đoạn từ đời Đường (thế kỉ 8 – thế kỉ 10) trở về sau. Hai lần tiếp xúc lớn này cung cấp cho từ vựng tiếng Việt hai nguồn gốc từ Hán mà như trước nay vẫn quen gọi là từ Hán cổ và từ Hán Việt.

1.b. Từ Hán cổ là những từ gốc Hán được du nhập vào tiếng Việt trong giai đoạn một. Vì đi vào tiếng Việt đã lâu, đã được đồng hoá rất mạnh, nên những từ này hiện nay nói chung không còn cái vẻ xa lạ đối với người Việt nữa. Ví dụ: chè, ngà, chén, chém, chìm, buồng, buồn, buồm, mùi, mùa...

1.c. Từ Hán Việt là những từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt trong giai đoạn hai, mà người Việt đã đọc âm chuẩn (Trường An) của chúng theo hệ thống ngữ âm của mình. Cách đọc đó được duy trì (với những biến đổi ít nhiều) cho đến tận ngày nay. Ví dụ: trà, mã, trọng, khinh, vượng, cận, nam, nữ...

Tên gọi "từ Hán Việt" còn bao gồm cả những từ vốn không phải là gốc Hán, mà do người Hán mượn một ngôn ngữ khác, rồi người Việt vay mượn lại và đọc theo âm Hán Việt như các từ Hán Việt khác. Ví dụ, có những từ vốn xuất thân nguồn gốc Nhật Bản như: trường hợp, nghĩa vụ, phục tùng, phục vụ, điều chế, đại bản doanh, kinh tế, thủ tục, biện chứng, khái quát, mĩ thuật, cộng hoà... Có những từ lại vốn xuất thân từ nguồn gốc Phạn (Sanskrit) như Phật, Nát Bàn, Di lặc, Thích ca mầu ni... Có từ lại vốn thuộc nguồn gốc châu Âu như: câu lạc bộ, Anh Cát Lợi, Mạc Tư Khoa...

Bên cạnh đó, những từ do người Việt tạo ra nhưng sử dụng yếu tố cấu tạo có nguồn gốc Hán thì cũng được gọi là từ Hán Việt. Chẳng hạn: y sĩ, đặc công, thể công, công an, thúc bách, đại đội, tiểu đoàn, thiếu tá, hao mòn, ca hát, hiểm nghèo, thanh vắng, ca ngợi, người bệnh, tàu thuỷ, tàu hoả, cướp đoạt... (Tuy nhiên, loại này cần có thái độ nhìn nhận riêng).

1.d. Cũng là những từ gốc Hán nhưng có một nhóm được du nhập vào tiếng Việt thông qua con đường khẩu ngữ của những người nói phương ngữ tiếng Hán. Nhóm này có số lượng không nhiều và nói chung không đem lại cho tiếng Việt ảnh hưởng đáng kể nào. Ví dụ: xì dầu, mì chính, vằng thắn, xá xíu, sủi cảo, lậu, lục tào xá, tào phớ, chí ma phù, bát bảo lường xà...

1.e. Diễn biến của các từ gốc Hán nói chung trong tiếng Việt rất phức tạp. Tuy vậy, những kết quả phân tích về chúng đã cho phép rút ra một số hướng như sau:

+ Trước hết, chúng được Việt hoá, được "cải tổ" về mặt ngữ âm. Đó là một tất yếu. Thậm chí, chỉ có hàng loạt từ được Việt hoá tới hai lần, dẫn tới hai kết quả tồn tại song song: một cách đọc được gọi là cách đọc Hán Việt, một cách đọc được gọi là Hán Việt Việt hoá. Cách đọc thứ hai làm mờ hẳn nguồn gốc của chúng đi, đưa chúng vào sâu hơn trong tiếng Việt. Ví dụ: kính – gương; các – gác; can – gan; cận – gần; kí – ghi; quả – goá; kiếm – gươm; hoạ – vạ...

Một biểu hiện khác của sự cải tổ về ngữ âm là rút ngắn từ lại. Ví dụ: cử nhân – cử (cụ cử); tú tài – tú(cậu tú); thục địa – thục (củ thục); tiểu đồng – tiểu (chú tiểu); tiểu tiện – tiểu (đi tiểu)...

+ Về năng lực hoạt động, khả năng nhập hệ của các từ gốc Hán trong tiếng Việt, rất không đồng đều. Rất nhiều từ có khả năng hoạt động độc lập, tổ hợp tự do, đến mức có lẽ trừ những người có vốn Hán học và những nhà nghiên cứu ra, không mấy ai còn để ý đến hoặc "cảm thấy" nguồn gốc Hán của chúng nữa. Ví dụ: đầu, bút, tuyết, thánh, hiền, tiên, phật, bụt, ông, bà, cô, cậu, cao, thấp...

+ Về mặt ý nghĩa, không phải từ gốc Hán nào trong tiếng Việt cũng giữ y nguyên cái nghĩa vốn có của nó. Một số từ chỉ còn được dùng với một hoặc vài nghĩa trong số nhiều nghĩa của chúng. Chẳng hạn từ nhất vốn có hơn 10 nghĩa nhưng đi vào tiếng Việt, nó chỉ còn giữ lại nghĩa “thứ tự trên hết” khi hoạt động tự do: hạng nhất, giỏi nhất, xếp thứ nhất... Đôi khi trong những tổ hợp vay mượn nguyên khối từ gốc Hán, nói mới lưu giữ ý nghĩa “số từ một” như: nhất cử nhất động, nhất cử lưỡng tiện, nhất thể hoá...

Cũng có từ đỏi hẳn nghĩa của mình đi. Ví dụ:
bạc (mỏng → quên ơn); khinh (nhẹ → coi thường); tâm (tim → tấm lòng, bụng dạ con người); tử tế (kĩ lưỡng → tốt bụng); đáo để (đến đáy, đến tận cùng → độc ác, riết róng); sung sướng(đầy đủ, thông suốt → sướng, hạnh phúc);...

1.f. Các từ gốc Hán nói chung và từ Hán Việt nói riêng, có vị trí rất đặc biệt trong từ vựng tiếng Việt. Chúng có số lượng rất lớn và năng lực sản sinh rất mạnh. Chúng ra nhập vào mọi lĩnh vực giao tiếp của đời sống người Việt: chính trị, văn hoá, khoa học, kĩ thuật, quân sự, ngoại giao, y tế, pháp luật... Điều này không có gì lạ, bởi vị trí và quá trình tiếp xúc lâu đời giữa tiếng Hán với tiếng Việt tất dẫn đến kết quả đó.

Điều quan trọng là ở chỗ chúng ta phải có cách nhìn nhận và xử lí các nhóm, các lớp trong lớp từ gốc Hán này sao cho thoả đáng, phù hợp với nhu cầu xây dựng một hệ thống từ vựng tiếng Việt phong phú, đầy đủ mà vẫn không làm giảm bớt bản sắc tiếng nói dân tộc.


Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 213–219.

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

MÙA THU TÂY NINH QUÊ TÔI




Khi những ngọn gió se se lạnh gọi mùa đông đến
khều chiếc lá khô vàng nhè nhẹ rơi
tôi nhận ra mùa thu quê hương tôi
mỏng manh ẩn hiện
man mác trong cái nắng tháng chín chói chang
mềm mại trong những cơn mưa lang thang
và khẽ khàng trong đêm tỉnh lặng
chầm chậm lụi tàn
tan theo khoảnh khắc ngỡ ngàng…
nhớ thương!


Mùa thu Tây ninh quê tôi
như giấc mơ của những đứa con hoang đàng xa xứ
chợt nhận ra mình còn có...chốn náo nương

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Giàng và ẩn ngôn thời đại







Truyện ngắn: Trần Hạ Tháp





1*

Cuối đông bên một bờ suối Tây nguyên. Hai người: một Kinh, một dân tộc thiểu số. Họ phát hiện đống cành lá ngổn ngang. Một cổ thụ nguyên sinh vừa bị cưa mất trơ ra gốc nham nhở.

Gã dân tộc lưng gùi rau, tay không rời xà-gạc*. Gã giận dữ đi vòng vòng gốc cây. Người Kinh chỉ im lặng quan sát. Hắn mỏi mệt ngồi bó gối trên đá rêu, vai đeo bị rết trong có ít mì tôm và sách vở. Hình như hai người đang cãi cọ. Giọng lơ lớ, người dân tộc hậm hực bằng thứ tiếng Kinh khá sõi:

-Ai ha? Ai ăn căp cây thiêng? Ngươi Kinh hay ngươi dân tôc? Mây noi không biêt. Mây noi lao. Mây không thây ai nhưng ma mây biêt chơ.

Mắt gã rực lên:

-Cai cây ơ vơi chung tao, ơ vơi ban lang lâu lăm rôi. Tư khi ông tao chưa sinh ra kia. Ngươi dân tôc không ăn căp. Nêu ăn căp thi không co cai rưng, không co cai cây thiêng. Ai la thăng ăn căp?

Người Kinh chớp chớp mắt nhìn trời, thở dài im lặng. Gã dân tộc miệng bặm chặt, tay quơ quơ xà-gạc phạt một nhát vào kẻ vô hình trước mặt:

-Co ai lam cai nha cho chung tao ơ không chơ? Chung tao chi co chăt cai cây nho nho lam nha san. Ai ăn căp cây to, cây thiêng đem ban lam giau. Ai ăn căp, noi đi. Ai ăn căp, ha?

Cũng không nghe gì cả, gã cười gằn nheo nheo mắt như chế nhạo:

-Chung tao không cân giau đâu. Không co ăn căp. Chung tao không noi lao. Người giàu không co đô mô hôi thì là ăn cắp. Ăn căp phai nói láo.

Gã người Kinh xốc xốc cái bị rết sách vở, vẫn im lặng. Hắn biết nói ra làm sao? Một khi chỉ có nghe và đồng cảm, ích gì? Nghe cũng đã nghe, đang nghe và sẽ còn nghe mãi… thế thôi. Nhưng rồi gã người Kinh cũng phải mở mồm. Sự thật khôi hài nhưng vẫn là sự thật. Hắn nói câu cũ mèn, nhàu nát:

-Tao biết. Ma Cao, mầy nói đúng. Là cái cây thiêng do người Kinh cưa trộm. Nhưng… không phải người Kinh nào cũng ăn cắp, cũng nói láo. Là lâm tặc. Bọn lâm tặc lộng hành.

Người dân tộc lắc đầu quầy quậy. Hắn không thể hiểu được:

-Cai gi cung tăc tăc... Tăc nhiêu lăm, ha? Đinh tăc, cat tăc, đât tăc rôi lu lut cung tăc, đên thưc phâm co tăc luôn. Vi sao, ha? Con cai tăc nao ghê gơm nưa không? Ở đâu đe ra bon chung chơ?

Gã người Kinh buột miệng:

-Quyền tặc, quốc tặc.

Người dân tộc nhếch mép:

-Bon chung toan đi ăn căp, noi lao. Mây biêt. Mây co đoc sach nhiêu lăm, ha? Tao không đoc.

Gã phì ra bãi nước bọt, chỉ tay vào bị rết:

-Chung tao không muôn gioi, không đoc sach như mây. Co phai mây mang cai sach tăc theo thi vưt đi?

-Không, tao không ưa sách tặc. Tao cũng không giỏi như mầy nói đâu.

Gã người Kinh nhìn xuống đất. Giọng nhỏ dần, bỏ lửng:

-Không, tao không co gioi đâu. Tao…lếu thật nhưng không láo. Tao là thằng quèn nghề hít-bụi-trong-phòng…

-Ê, thăng con trai giup tao lam rây, khi đoi co cai lua ma ăn. Mây cung không chiu cho no bo hoc. Vi sao, ha? Người Kinh đông, nhiêu. Người dân tộc, it nhưng không co tăc. Đoc sach nhiêu lam gi chơ?

Gã hãnh diện, ngúc ngúc cần cổ:

-Nhưng tao biêt noi tiêng Kinh rôi ma. Mây không biêt tiêng dân tôc tao đâu. Tao không ăn căp việc gì noi lao, phải không? Tao không co gioi.

Gã còn nói lại lần nữa:

-Tao và con trai tao, ban lang tao không cân đoc sach.



2*

Gã người Kinh trân trân nhìn gốc cây, hụt hẫng. Như một tập quán lâu ngày, gã đã không cần suy tư nhiều khi đối đãi người dân tộc thiểu số. Nhưng giờ đây… bàng hoàng, chưng hửng. Gã thử nghĩ ngợi ra cái gì đó nhưng thấy toàn chua chát, trống rỗng. Một nỗi cô đơn âm u đùn lên như bóng núi mùa đông. Bi hài kịch…

Gốc cổ thụ thiêng liêng kia loại gỗ gì? vẫn âm thầm ứa nhựa. Rõ ràng chúng đang từ từ tươm ra, bết quánh và dần khô đi trong nỗi chết. Máu của rừng? Hay là loại-máu-thứ-hai của con người lấy nơi đây làm lẽ sống.

Có bao nhiêu vết thương lòng tươm máu? Cội cây và cả con người không khác. Những vết thương lòng cao tuổi-cả-ngàn-năm. Đột nhiên gã dong tay lên trời, nghe ừng ực trong cần cổ loại âm thanh nghẹn tắt…

Người dân tộc thiểu số nhìn theo, dịu giọng gật gù:

-Mây cung tin co Giang* rôi ha? Tôt. Co Giang thât ma. Nhưng thăng ăn căp rôi se bi Giang phat. Ê, mây nhơ chưa, ha? Chi co Giang…

Gã người Kinh thấy người dân tộc chống xà-gạc xuống đất, quỳ một chân bên cội cây và ngửa mặt lên trời. Gã khấn vái thành khẩn:

-Chi có Giang…Chi co Giang…Chỉ co Giang…

Bỗng nhiên gã người Kinh rống lên giữa rừng già âm u. Tiếng dội lại qua bờ cây bụi cỏ:

-Giàng ở đâu? Đâu là Giàng? Chỉ Giàng cho tao. Giàng là ai? Giàng…

Gã dân tộc thả xà-gạc xuống, cả hai tay đưa lên khoắng mạnh vào khoảng không trên đầu để trả lời câu hỏi. Miệng gã vẫn tiếp tục không đổi:

-Chi có Giang. Chi co Giang. Chi co Giang…

Gã người Kinh chợt nín thinh. Hắn hiểu và tôn trọng phút nối kết thiêng liêng của các tộc người thiểu số. Nối kết giữa con người với núi rừng, trời đất, cây cỏ. Giữa tổ tiên khuất mặt với hậu duệ hiện tiền còn khốn quẩn triền miên. Nối kết giữa những ước mơ quá tầm thường với những nghịch cảnh đầy xót xa phi lý… Nối kết giữa cõi trời khô-hoang-lụn-bại với hy vọng còn gượng dậy mỗi ngày để cằn-bò-tồn-tại. Giàng. Ôi, Giàng, trạm trung chuyển cuối cùng giữa những tộc người hoang dã…

Gã người Kinh vùng cười rộ, không còn kiềm hãm nổi. Trong óc hắn hiện ra ý nghĩa bùi ngùi vừa hết sức hoạt kê “ngoài ông Giàng là cái khoảng không sở hữu kia, cuối cùng bọn tặc sẽ nuốt tất để không còn gì nữa cả. Từng thứ, dần dần…từng thứ một. Ê, thế nhưng chúng mầy vẫn cứ hơn tao. Ha ha, chúng mầy còn ông Giàng để vỗ về làm bạn”. Đáy lòng gã dâng trào nỗi niềm khôn tả. Hắn cứ cười khan từng hồi trên đá…

Người dân tộc tỏ ra hài lòng. Gã cũng cười khà khà khi nghe lõm bõm người Kinh kia đều đều một thôi đến mấy chữ Giàng:

-“Chẳng có gì” chỉ có Giàng. “Chẳng có gì” chỉ có Giàng. “Chẳng có gì” chỉ có Giàng. “Chẳng có gì” chỉ có Giàng…

Như một-tình-cờ-bất-khả-thuyết, sâu kín trong ngôn ngữ bình nhật của những người Kinh như hắn, phải chăng? Đã tàng chứa, hoài thai nên bao ẩn ngôn thời đại. Dưới mỗi vết lăn trầm* đi qua, dần phơi bày thứ ẩn ngôn thời đại ấy. Chúng “lái” tâm thức ra khỏi vùng hôn-mê-sâu-sự-thế…



3*

Không biết họ còn nói gì với nhau nữa không? Cho đến khi hai người theo lối mòn trở ra đường lộ. Đã đến lúc chia tay, ai đi đường nấy. Bỗng người Kinh chụp vội tay người dân tộc khiến hắn bực mình cự nự:

-Đi bao uy ban xa phai không. Mây đi nhanh lam gi? Co băt hêt bon lâm tăc không, ha? Tao chan lăm rồi. Co tot gi hơn chơ?

-Không. Ma Cao, tao bảo mầy đi cái khác… Có thêm mầy nữa là ba đứa. Chúng ta uống rượu cần ở nhà Ma Duốn. Đi. Đừng ở đây cãi cọ nhau vô ích.

Người dân tộc trợn mắt chưa tin. Gã ngớ ra giữa đường sau đó gật đầu đồng ý:

-Thê mây không noi như khi giang bai, ha? Lam sao co cai tiên lanh lương?

-Đây mới là tao nói. Chính tao. Giảng bài là cái sách nó bắt nói, không phải tự mình tao ưa thế. Lãnh lương từ tiền thuế người dân đóng góp đấy. Nó không phải ơn huệ ai cho tao, hoặc từ trên trời rơi xuống. Dân cũng như mày và tao vậy thôi, không có thích nghe nói láo. Mầy rõ ràng chưa, hả?

Người dân tộc cười nhe ra răng sún:

-La cai sach nao noi lao mơi la sach tăc chơ? Phải không.

-Đúng, cái truyện khác cái sách. Sách học thì không được nói láo. Nhưng không đọc thì sao biết cái nào tặc hay là không có tặc?

Gã người Kinh vỗ vào vai Ma Cao:

-Con trai mầy phải đọc sách vì thế. Tao không muốn nó bỏ học.



4*

Giữa rừng sâu còn trơ ra gốc cổ thụ. Nước vẫn chảy róc rách bên bờ suối. Cái gốc thiêng, sau nầy đâm chồi lộc hay không? Suối kia cứ thế hay rồi sẽ khô tắt dòng chảy? Câu “mộc bổn thủy nguyên” như một mã khóa còn lại giữa hanh hao, xơ xác.

Vọng lại đâu đó tiếng cồng chiêng khô săn, trần trụi. Thứ tiếng u u giờ đây mang thần-hồn-bải-hoải. Chúng cũng hết trốn tìm, thôi lách luồn qua cõi rộng-tự-ngàn-xưa. Mẹ rừng đâu? Có phải những đứa con ở lại sẽ mồ côi?

Sự tĩnh lặng của rừng già không còn nguyên thủy. Ngay cả đại ngàn mây trắng kia cũng đang trôi dần nhịp phách mênh mang…







Giàng(Yang): ông Trời.

Xà-gạc: vật dụng đặc sắc, đa năng và thiêng liêng của các tộc người thiểu số Tây nguyên.

Vết lăn trầm: một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn



(Vườn tượng, 12/01/2017)

Trần Hạ Tháp

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Vua Lê Thánh Tông chống tham nhũng, Đại Việt thịnh trị



Khi vua Lê thánh Tông (1460-1497) mới lên ngôi, đất nước chìm trong quốc nạn tham nhũng, tướng sĩ thì lo hưởng lạc; quan lại chia bè phái và tham nhũng; người dân đói khổ oán thán. Vua nhìn nhận rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt.

Chính vì vậy, vua bổ sung hoàn thiện bộ luật Hồng Đức, nhằm tăng sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to đầu triều xuống tận đến địa phương. Trong 722 điều bộ luật Hồng Đức thì có trên 40 điều thuộc về chống tham nhũng.


Điều 138 có đoạn quy định rõ như sau: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức. Từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày. Từ 20 quan trở lên, bị chém. Các ngươi ăn lễ từ 1 đến 9 quan, phải phạt 50 quan. Từ 10 đến 19 quan, phạt từ 60 đến 100 quan. Từ 20 quan trở lên, phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”. Việc xử phạt này không phân biệt giàu nghèo hay chức vụ đảm trách.

Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”

Luật Hồng Đức cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật ngày xưa, chỉ tham ô một quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là bị tử hình.

Sách sử còn ghi chép lại chuyện Lê Bô phạm tội tham ô bị buộc vào tội “Hình”, có viên quan là Trần Phong xin cho Lê Bô nộp tiền chuộc tội thay vì phải chịu “Hình”. Thế nhưng vua Lê Thánh Tông cho rằng nếu cứ phạm tội rồi dùng tiền chuộc tội thì người giàu có sẽ không phải chịu tội, chỉ còn người nghèo khó thì phải chịu tội hay sao? Vua cho rằng Trần Phong đề xuất như thế là trái với tổ tong và trị tội cả ông ta nữa.

Vua Lê thánh Tông chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang tàn phá đát nước bị đẩy lùi và dẹp bỏ.

Những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân đều được trọng dụng, thậm chí những người từng bị hàm oan trước đây thì cũng được minh oan. Ví dụ như vụ án “Lệ Chi viên” khiến Nguyễn Trãi bị tru di tạm tộc cũng được minh oan trong thời gian này. Từ đó bậc hiền tài an tâm phục vụ dân chúng, người dân được yên ổn.