" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017
Giàng và ẩn ngôn thời đại
Truyện ngắn: Trần Hạ Tháp
1*
Cuối đông bên một bờ suối Tây nguyên. Hai người: một Kinh, một dân tộc thiểu số. Họ phát hiện đống cành lá ngổn ngang. Một cổ thụ nguyên sinh vừa bị cưa mất trơ ra gốc nham nhở.
Gã dân tộc lưng gùi rau, tay không rời xà-gạc*. Gã giận dữ đi vòng vòng gốc cây. Người Kinh chỉ im lặng quan sát. Hắn mỏi mệt ngồi bó gối trên đá rêu, vai đeo bị rết trong có ít mì tôm và sách vở. Hình như hai người đang cãi cọ. Giọng lơ lớ, người dân tộc hậm hực bằng thứ tiếng Kinh khá sõi:
-Ai ha? Ai ăn căp cây thiêng? Ngươi Kinh hay ngươi dân tôc? Mây noi không biêt. Mây noi lao. Mây không thây ai nhưng ma mây biêt chơ.
Mắt gã rực lên:
-Cai cây ơ vơi chung tao, ơ vơi ban lang lâu lăm rôi. Tư khi ông tao chưa sinh ra kia. Ngươi dân tôc không ăn căp. Nêu ăn căp thi không co cai rưng, không co cai cây thiêng. Ai la thăng ăn căp?
Người Kinh chớp chớp mắt nhìn trời, thở dài im lặng. Gã dân tộc miệng bặm chặt, tay quơ quơ xà-gạc phạt một nhát vào kẻ vô hình trước mặt:
-Co ai lam cai nha cho chung tao ơ không chơ? Chung tao chi co chăt cai cây nho nho lam nha san. Ai ăn căp cây to, cây thiêng đem ban lam giau. Ai ăn căp, noi đi. Ai ăn căp, ha?
Cũng không nghe gì cả, gã cười gằn nheo nheo mắt như chế nhạo:
-Chung tao không cân giau đâu. Không co ăn căp. Chung tao không noi lao. Người giàu không co đô mô hôi thì là ăn cắp. Ăn căp phai nói láo.
Gã người Kinh xốc xốc cái bị rết sách vở, vẫn im lặng. Hắn biết nói ra làm sao? Một khi chỉ có nghe và đồng cảm, ích gì? Nghe cũng đã nghe, đang nghe và sẽ còn nghe mãi… thế thôi. Nhưng rồi gã người Kinh cũng phải mở mồm. Sự thật khôi hài nhưng vẫn là sự thật. Hắn nói câu cũ mèn, nhàu nát:
-Tao biết. Ma Cao, mầy nói đúng. Là cái cây thiêng do người Kinh cưa trộm. Nhưng… không phải người Kinh nào cũng ăn cắp, cũng nói láo. Là lâm tặc. Bọn lâm tặc lộng hành.
Người dân tộc lắc đầu quầy quậy. Hắn không thể hiểu được:
-Cai gi cung tăc tăc... Tăc nhiêu lăm, ha? Đinh tăc, cat tăc, đât tăc rôi lu lut cung tăc, đên thưc phâm co tăc luôn. Vi sao, ha? Con cai tăc nao ghê gơm nưa không? Ở đâu đe ra bon chung chơ?
Gã người Kinh buột miệng:
-Quyền tặc, quốc tặc.
Người dân tộc nhếch mép:
-Bon chung toan đi ăn căp, noi lao. Mây biêt. Mây co đoc sach nhiêu lăm, ha? Tao không đoc.
Gã phì ra bãi nước bọt, chỉ tay vào bị rết:
-Chung tao không muôn gioi, không đoc sach như mây. Co phai mây mang cai sach tăc theo thi vưt đi?
-Không, tao không ưa sách tặc. Tao cũng không giỏi như mầy nói đâu.
Gã người Kinh nhìn xuống đất. Giọng nhỏ dần, bỏ lửng:
-Không, tao không co gioi đâu. Tao…lếu thật nhưng không láo. Tao là thằng quèn nghề hít-bụi-trong-phòng…
-Ê, thăng con trai giup tao lam rây, khi đoi co cai lua ma ăn. Mây cung không chiu cho no bo hoc. Vi sao, ha? Người Kinh đông, nhiêu. Người dân tộc, it nhưng không co tăc. Đoc sach nhiêu lam gi chơ?
Gã hãnh diện, ngúc ngúc cần cổ:
-Nhưng tao biêt noi tiêng Kinh rôi ma. Mây không biêt tiêng dân tôc tao đâu. Tao không ăn căp việc gì noi lao, phải không? Tao không co gioi.
Gã còn nói lại lần nữa:
-Tao và con trai tao, ban lang tao không cân đoc sach.
2*
Gã người Kinh trân trân nhìn gốc cây, hụt hẫng. Như một tập quán lâu ngày, gã đã không cần suy tư nhiều khi đối đãi người dân tộc thiểu số. Nhưng giờ đây… bàng hoàng, chưng hửng. Gã thử nghĩ ngợi ra cái gì đó nhưng thấy toàn chua chát, trống rỗng. Một nỗi cô đơn âm u đùn lên như bóng núi mùa đông. Bi hài kịch…
Gốc cổ thụ thiêng liêng kia loại gỗ gì? vẫn âm thầm ứa nhựa. Rõ ràng chúng đang từ từ tươm ra, bết quánh và dần khô đi trong nỗi chết. Máu của rừng? Hay là loại-máu-thứ-hai của con người lấy nơi đây làm lẽ sống.
Có bao nhiêu vết thương lòng tươm máu? Cội cây và cả con người không khác. Những vết thương lòng cao tuổi-cả-ngàn-năm. Đột nhiên gã dong tay lên trời, nghe ừng ực trong cần cổ loại âm thanh nghẹn tắt…
Người dân tộc thiểu số nhìn theo, dịu giọng gật gù:
-Mây cung tin co Giang* rôi ha? Tôt. Co Giang thât ma. Nhưng thăng ăn căp rôi se bi Giang phat. Ê, mây nhơ chưa, ha? Chi co Giang…
Gã người Kinh thấy người dân tộc chống xà-gạc xuống đất, quỳ một chân bên cội cây và ngửa mặt lên trời. Gã khấn vái thành khẩn:
-Chi có Giang…Chi co Giang…Chỉ co Giang…
Bỗng nhiên gã người Kinh rống lên giữa rừng già âm u. Tiếng dội lại qua bờ cây bụi cỏ:
-Giàng ở đâu? Đâu là Giàng? Chỉ Giàng cho tao. Giàng là ai? Giàng…
Gã dân tộc thả xà-gạc xuống, cả hai tay đưa lên khoắng mạnh vào khoảng không trên đầu để trả lời câu hỏi. Miệng gã vẫn tiếp tục không đổi:
-Chi có Giang. Chi co Giang. Chi co Giang…
Gã người Kinh chợt nín thinh. Hắn hiểu và tôn trọng phút nối kết thiêng liêng của các tộc người thiểu số. Nối kết giữa con người với núi rừng, trời đất, cây cỏ. Giữa tổ tiên khuất mặt với hậu duệ hiện tiền còn khốn quẩn triền miên. Nối kết giữa những ước mơ quá tầm thường với những nghịch cảnh đầy xót xa phi lý… Nối kết giữa cõi trời khô-hoang-lụn-bại với hy vọng còn gượng dậy mỗi ngày để cằn-bò-tồn-tại. Giàng. Ôi, Giàng, trạm trung chuyển cuối cùng giữa những tộc người hoang dã…
Gã người Kinh vùng cười rộ, không còn kiềm hãm nổi. Trong óc hắn hiện ra ý nghĩa bùi ngùi vừa hết sức hoạt kê “ngoài ông Giàng là cái khoảng không sở hữu kia, cuối cùng bọn tặc sẽ nuốt tất để không còn gì nữa cả. Từng thứ, dần dần…từng thứ một. Ê, thế nhưng chúng mầy vẫn cứ hơn tao. Ha ha, chúng mầy còn ông Giàng để vỗ về làm bạn”. Đáy lòng gã dâng trào nỗi niềm khôn tả. Hắn cứ cười khan từng hồi trên đá…
Người dân tộc tỏ ra hài lòng. Gã cũng cười khà khà khi nghe lõm bõm người Kinh kia đều đều một thôi đến mấy chữ Giàng:
-“Chẳng có gì” chỉ có Giàng. “Chẳng có gì” chỉ có Giàng. “Chẳng có gì” chỉ có Giàng. “Chẳng có gì” chỉ có Giàng…
Như một-tình-cờ-bất-khả-thuyết, sâu kín trong ngôn ngữ bình nhật của những người Kinh như hắn, phải chăng? Đã tàng chứa, hoài thai nên bao ẩn ngôn thời đại. Dưới mỗi vết lăn trầm* đi qua, dần phơi bày thứ ẩn ngôn thời đại ấy. Chúng “lái” tâm thức ra khỏi vùng hôn-mê-sâu-sự-thế…
3*
Không biết họ còn nói gì với nhau nữa không? Cho đến khi hai người theo lối mòn trở ra đường lộ. Đã đến lúc chia tay, ai đi đường nấy. Bỗng người Kinh chụp vội tay người dân tộc khiến hắn bực mình cự nự:
-Đi bao uy ban xa phai không. Mây đi nhanh lam gi? Co băt hêt bon lâm tăc không, ha? Tao chan lăm rồi. Co tot gi hơn chơ?
-Không. Ma Cao, tao bảo mầy đi cái khác… Có thêm mầy nữa là ba đứa. Chúng ta uống rượu cần ở nhà Ma Duốn. Đi. Đừng ở đây cãi cọ nhau vô ích.
Người dân tộc trợn mắt chưa tin. Gã ngớ ra giữa đường sau đó gật đầu đồng ý:
-Thê mây không noi như khi giang bai, ha? Lam sao co cai tiên lanh lương?
-Đây mới là tao nói. Chính tao. Giảng bài là cái sách nó bắt nói, không phải tự mình tao ưa thế. Lãnh lương từ tiền thuế người dân đóng góp đấy. Nó không phải ơn huệ ai cho tao, hoặc từ trên trời rơi xuống. Dân cũng như mày và tao vậy thôi, không có thích nghe nói láo. Mầy rõ ràng chưa, hả?
Người dân tộc cười nhe ra răng sún:
-La cai sach nao noi lao mơi la sach tăc chơ? Phải không.
-Đúng, cái truyện khác cái sách. Sách học thì không được nói láo. Nhưng không đọc thì sao biết cái nào tặc hay là không có tặc?
Gã người Kinh vỗ vào vai Ma Cao:
-Con trai mầy phải đọc sách vì thế. Tao không muốn nó bỏ học.
4*
Giữa rừng sâu còn trơ ra gốc cổ thụ. Nước vẫn chảy róc rách bên bờ suối. Cái gốc thiêng, sau nầy đâm chồi lộc hay không? Suối kia cứ thế hay rồi sẽ khô tắt dòng chảy? Câu “mộc bổn thủy nguyên” như một mã khóa còn lại giữa hanh hao, xơ xác.
Vọng lại đâu đó tiếng cồng chiêng khô săn, trần trụi. Thứ tiếng u u giờ đây mang thần-hồn-bải-hoải. Chúng cũng hết trốn tìm, thôi lách luồn qua cõi rộng-tự-ngàn-xưa. Mẹ rừng đâu? Có phải những đứa con ở lại sẽ mồ côi?
Sự tĩnh lặng của rừng già không còn nguyên thủy. Ngay cả đại ngàn mây trắng kia cũng đang trôi dần nhịp phách mênh mang…
Giàng(Yang): ông Trời.
Xà-gạc: vật dụng đặc sắc, đa năng và thiêng liêng của các tộc người thiểu số Tây nguyên.
Vết lăn trầm: một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
(Vườn tượng, 12/01/2017)
Trần Hạ Tháp
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét