Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

AI BỐ THÍ QUA BỜ BÊN KIA?





Nguyễn Thường Tâm



Có những gì cần phải sửa trong Kinh Phật hay không? Có những gì cần phải cắt bớt khỏi Kinh Phật, hay cần phải bổ túc thêm cho Kinh Phật hay không?

Câu trả lời tất nhiên không dễ. Vì người xưa đã nói, nếu chấp vào nghĩa từng chữ một, có thể sẽ hiểu nhầm ý của Phật; nhưng nếu rời kinh một chữ, lại hệt như lời ma nói. Nguyên văn: Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết.

Cái chữ “oan” sử dụng nơi đây khá là kỳ kỳ. Chúng ta là những kẻ nặng gánh tham sân si, ở một cõi trí tuệ cực kỳ thấp so với Đức Phật, có nói gì về Kinh Phật cũng hệt như đang đứng nhìn lên hướng mặt trời. Một là thấy được ánh sáng mặt trời đang chiếu sáng cõi này, hai là sẽ thấy hoa đốm, thấy không như thật, chỉ vì tự chúng ta loạn sắc hay nhậm mắt. Thì cớ gì mà bảo ánh sáng kia bị “oan.”

Chỉ có người đạị giác ngộ, thấy được ánh sáng như thật, mới dám nói như Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14, trong bài viết tựa đề “Our Faith in Science” trên báo New York Times ngày 12 tháng 11-2005 rằng:

“Nếu khoa học chứng minh rằng có vài niềm tin trong Phật Giáo là sai nhầm, Phật Giáo sẽ phải thay đổi. Trong quan điểm của tôi, khoa học và Phật Giáo chia sẻ một cuộc tìm kiếm sự thật, và một cuộc tìm kiếm sự hiểu biết về thực tại.” (1)

Nghĩa là, Đức Đạt Lai Lạt Ma chấp nhận rằng trong cánh rừng chữ nghĩa Phật Giáo, có thể sẽ cần sửa chữa. Dĩ nhiên, lúc đó sẽ vẫn phải dựa vào các pháp ấn để không đi lạc. Nhưng người dám nói, dám nghĩ như thế, tất đã thấy được bản đồ trí tuệ, để không nhầm đường cho dù có sửa vài chữ hay vài ý trong Kinh Phật.

*

Một điểm thường gây tranh cãi là về chuyện tiền thân Đức Phật, khi ngài là vị Bồ tát có tên là Vessantara. Lúc đó, vị Bồ tát này bố thí cả vợ và hai con nhỏ cho một người bà la môn già, xấu xí, tham lam. Có thật Đức Phật kể chuyện cổ tích như một ẩn dụ, hay chuyện này đã xảy ra như thế trong một kiếp lâu xa nào đó?

Trong truyền thống Phật Giáo vẫn thường dùng nhiều ẩn dụ, như tâm lăng xăng thì gọi là tâm khỉ vượn, hay hình ảnh từ bùn vươn lên mà vẫn trong sạch thường được ẩn dụ như hoa sen. Hay các biểu tượngnhư sư tử, voi, gươm trí tuệ. Và vân vân.

Có một thực tế là, một số vị chấp vào chữ, tin rằng chuyện bố thí vợ con cũng là một hạnh tu.

Ngày xưa, tất nhiên, vợ con là tài sản của đàn ông.

Nhưng nếu Kinh Phật một thời có nơi đã xem như thế, cũng có rất nhiều nơi trong kinh công nhận tính bình đẳng giữa nam và nữ, và cũng công nhận tính bình đẳng giữa người với người không phân biệttuổi tác hay thứ bậc xã hội.

Khi Đức Phật trả lời ngài Ananda rằng phụ nữ có thể chứng ngộ giải thoát, đó là một dấu mốc lớn của lịch sử nhân loại, rằng nam nữ thực sự bình đẳng.

Kinh cũng kể lại trường hợp Đức Phật dạy một cô gái dệt vải 16 tuổi về quán niệm sự chết, và ba năm sau, khi Đức Phật trở lại thị trấn nơi cô này cư trú, chỉ qua vài câu vấn đáp, cô gái chứng ngay quả Thánh Dự Lưu. Tích Truyện Pháp Cú ghi như thế, ở phẩm 13, giảỉ thích về bài kệ 174 Pháp Cú.

Giả sử rằng, một cô gái như thế là vợ, là con, là thợ dệt của một ai nào đó; câu hỏi là, người đàn ông này có dám bố thí cô gái dệt vải này cho bất kỳ ai? Khoan nói gì tới chuyện đem cô bé quả Thánh Dự Lưu này trao tặng cho một ông già bà la môn xấu xí, tham lam.

*

Bây giờ, chúng ta nói về trường hợp ngài La Hầu La, người con duy nhất của Đức Phật và là vị sa diđầu tiên của Tăng Đoàn. Ngài La Hầu La năm mới 7 tuổi, đã được Đức Phật cho xuất gia. Lúc đó, Đức Phật yêu cầu ngài Sariputta cho ngài La Hầu La thọ giới sa di.

Và cũng năm mới 7 tuổi, ngài La Hầu La được Đức Phật dạy đừng nói dối, và dạy phương pháp quán ba nghiệp: quán thân, quán khẩu, quán ý. (2)

Tại sao Đức Phật không bố thí cậu La Hầu La cho ông nội là vua Tịnh Phạn, hay cho mẹ là công chúaDa Du Đà La? Cũng không bố thí cậu cho đất nước, dân tộc...

Tất cả những gì Đức Phật làm đều vì mục tiêu tối thượng là để đưa chúng sanh qua bờ bên kia. Và do vậy, ngài đã không bố thí cậu La Hầu La cho ông nội và mẹ của cậu.

Vua Tịnh Phạn tất nhiên là buồn, mới thỉnh cầu Đức Phật ra luật rằng chỉ nên cho thiếu niên xuất gia với sự cho phép của ba mẹ hay người giám hộ. Đức Phật ưng thuận.

Chú ý rằng, bài pháp dạy cho vị sa di 7 tuổi này không dễ. Nơi đây trích dịch một đoạn ở phần dạy pháp quán tâm niệm (hãy hình dung, cậu La Hầu La 7 tuổi nghe lời dạy này):

"Khi niệm khởi, hãy quán sát: Niệm này tôi đã khởi lên -- có dẫn tới tự tổn thương mình không, có tổn thương người khác không, hay tổn thương cả hai? Có phải đó là một niệm không khéo, dẫn tới hậu quảđau đớn, kết quả đau đớn? Nếu, khi quán sát, tôi biết niệm này dẫn tới tự tổn thương, hay dẫn tới tổn thương người khác, hay cả hai; đó là một niệm không khéo với hậu quả đau đớn, kết quả đau đớn, thì con nên cảm thấy bất ổn, xấu hổ & không hài lòng với niệm này. Cảm thấy như thế, con nên tập tránh khởi các niệm như thế tương lai. Nhưng nếu, khi quán sát, con biết niệm này không dẫn tới tổn thương... đó là một niệm khéo léo với kết quả an lạc, hậu quả an lạc, con nên giữ tâm hoan hỷ và tươi mới, tập ngày và đêm trong các tâm niệm khéo léo như thế.” (2)

Hiển nhiên, thấy rõ, Đức Phật muốn giữ cậu sa di 7 tuổi La Hầu La sống trong pháp như thế, và không hề muốn bố thí cậu cho bất kỳ ai, dù là cho ông nội hay mẹ nơi cung điện.

Tại sao có người phảỉ tin rằng tu hạnh bồ tát là phải bố thí vợ con? Phải chăng chỉ là ẩn dụ?

*

Tới đây, chúng ta cũng nên trích dẫn Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt từ Trường Bộ Kinh, bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Minh Châu. Đặc biệt, xem nửa phần sau của đoạn văn 28 về lời Đức Phật dạy cách ba mẹ phải đối xử với con, và xem nửa phần đầu của đoạn văn 30 về cách người chồng phải đối xử với vợ. Trong kinh này, Đức Phật dạy phải trân trọng cả vợ lẫn con, chứ không hề bảo phải bố thívợ hay bố thí con. Trích:

“28. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông: "Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời". Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Đông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.

Này Gia chủ tử, như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như phương Đông theo năm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng con theo năm cách. Như vậy phương Đông được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

...

30. Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ; Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thànhvới chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.

Này Gia chủ, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi...”(3)

Như thế, suy luận qua bản dịch trên của Hòa Thượng Thích Minh Châu: nếu có khi nào Đức Phật kể chuyện tiền thân, và nếu chuyện có chỗ khả vấn, hãy nên nghĩ rằng đó là những ẩn dụ mà chúng tachưa dò nổi.

*

Tuy nhiên, chúng ta nên suy nghĩ thế nào về hạnh Bố thí? Chúng ta có cần phải bố thí thế này, hay bố thí thế kia? Đức Phật đã dạy thế nào là Bố thí qua bờ bên kia?

Xin mời đọc lại đoạn kinh sau, để thấy rằng bạn chỉ cần ngồi một chỗ, khỏi cần đứng dậy -- xin nhắc lại, Đức Phật dạy chỉ cần ngồi một chỗ, cũng sẽ được hưởng diệu dụng của pháp Bố thí.

Trong Tăng Chi Bộ, kinh này có tên là “Mahanama Sutta: To Mahanama” dựa theo bản Anh dịch của sư Thanissaro Bhikkhu, trích đoạn dịch như sau:

“Thêm nữa, có trường hợp khi học nhân gợi nhớ lại việc bố thí của mình: “Đây là lợi ích, lợi ích lớn cho tôi, rằng – trong những người vượt thắng với tâm ô nhiễm ưa sở hữu – tôi sống ở nhà, tâm tôi tỉnh thứcvơí không nhiễm ô muốn sở hữu nào, rộng rãi tự do, tay mở ra, hoan hỷ khi độ lượng bố thí, đáp ứngvới lời xin, hoan hỷ khi cúng dường phẩm vật.”



Vào bất kỳ lúc nào, khi một học trò của bậc thánh gợi nhớ lại việc đã bố thí, tâm học nhân không bị tham xâm chiếm, không bị sân xâm chiếm, không bị si xâm chiếm. Tâm học nhân thẳng về trước, dựa vào hạnh bố thí. Và khi tâm này hướng thẳng về trước, học nhân của bậc thánh đạt được hướng mục tiêu, đạt được Pháp vị, đạt được niềm vui với Pháp. Trong tâm người có niềm vui, hỷ lạc phát sinh. Trong tâm người có hỷ lạc, thân sẽ an tĩnh. Với người có thân an tĩnh, sẽ thấy thân thư giãn. Khi trong người thư giãn, tâm sẽ định tĩnh.

Này Mahanama, với người làm như thế, sẽ được thấy rằng: “Trong những người chệch hướng, học nhân của bậc thánh cư trú hòa hợp đúng pháp; trong những người gây tổn hại, học nhân cư trú mà không gây tổn hại gì; bước vào dòng suối Pháp, học nhân khởi trong tâm gợi nhớ về hạnh bố thí.” (4)

Bước vào dòng suối Pháp, phải chăng có nghĩa là đạt quả thánh đầu tiên? Nơi đây, tôi xin dưạ cột để nghe, vì bản thân mình không phải là giảng sư. Nhưng hiển nhiên nơi đây, Đức Phật nói rất rõ, chỉ cần nhìn vào tâm thôi, và niệm về hạnh bố thí để hoan hỷ với niềm vui Chánh Pháp.

Không nghe nói chuyện bố thí vợ con gì hết. Mà vẫn bước vào được dòng suối Pháp.

*

Kinh vừa dẫn trên là nói với chư Tăng Ni. Bây giờ, nói về hạnh bố thí của người cư sĩ, Đức Phật cũng nói tương tự. Chỗ này chúng ta sẽ thấy thêm rằng, với người cư sĩ có trí tuệ, thấy được ngũ uẩn biến diệt, tất sẽ thoát khổ, sẽ giải thoát. Nghĩa là, cư sĩ có thể đạt quả thánh cao nhất?

Nơi đây, chúng ta sẽ dẫn kinh “Dighajanu (Vyagghapajja) Sutta: Conditions of Welfare” dựa vào bản Anh dịch của sư Narada Thera. Trích đoạn, dịch như sau:

“Thế nào là thành tựu hạnh bố thí?

Nơi đây, một gia chủ cư trú ở nhà với tâm xa lìa tham lam, hết lòng bố thí, tay mở ra, hoan hỷ độ lượngbố thí, chăm sóc người nghèo khó, hoan hỷ phân phát phẩm vật cúng dường. Đây gọi là thành tựu hạnhbố thí.

Thế nào là thành tựu trí tuệ?

Nơi đây, một gia chủ khôn ngoan: có được trí tuệ hiểu được sự sinh khởi và biến diệt (năm uẩn của các pháp); người này đạt được cái nhìn soi thấu cao quý dẫn tới sự phá hủy đau khổ. Điều này gọi là thành tựu trí tuệ.” (5)

Kinh trên cũng nói về hạnh bố thí, nhưng không nói gì chuyện bố thí vợ con. Mà cũng vẫn soi thấu năm uẩn, và dẫn tới trí tuệ vượt qua bờ đau khổ. Như vậy, bố thí nơi đây phảỉ chăng là bố thí tất cả những gì vướng bận trong tâm?

*

Một thời, nhiều thập niên trước, tôi theo học một vị sư già, ở một miền quê Đông Nam Bộ. Khi tôi thú thực với Thầy rằng, năm giớí nhiều quá, sợ con giữ nghiêm túc không nổi.

Thầy nói rằng, con chỉ cần giữ một giới là đủ.

Tôi hỏi, Thưa Thầy, một giới là giới nào.

Vị sư già nói, một giới đó là Phật giới.

Tôi hỏi, thế nào là Phật giới.

Thầy đáp, Phật giới là bình đẳng.

Tôi đã giữ mãi lời dạy đó, giữ cái nhìn này theo mình ngày và đêm. Tôi nhận ra lời dạy này nơi các pháp sinh khởi và biến diệt hệt như sóng và nước không hề dị biệt; nơi tất cả những gì trước mắt và bên tai tôi đều là pháp giới tâm mình hiển lộ. Nơi đó, tất cả các pháp đều là vô thường.

Nơi đó, tất cả các pháp đều là hiển hiện trong tâm mình, diễn ra như một vở kịch hay một cuốn phim với đầy đủ âm thanh, sắc tướng, vui buồn, vân vân.

Nhưng cũng nơi đó, bất kể là tuồng diễn ra vui hay buồn, bất kể phim diễn ra hài hay bi, bản tâm thực sự vẫn là bất động ở cả ba thời: khi chưa kéo màn, khi đang kéo màn, và khi đã hạ màn.

Nhưng cũng nơi đó, bất kể sóng lớn hay nhỏ, bất kể sóng cuồng nộ hay lặng êm, tâm vẫn là tánh nước, xa lìa cả động và cả bất động.

Trong cùng tận, cái nhìn bình đẳng là tối hậu của Tứ Niệm Xứ.

Thử nhìn lại chuyện bố thí vợ và con dưới ánh sáng của Tứ Niệm Xứ: Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

Cái tôi nào đang bố thí? Thân mình có thật đâu, sao gọi là có cái tôi nào bố thí. Tay, chân, đầu, tóc, lưng, bụng... đều không phải là cái thân. Khi niệm thân sẽ thấy: kể cả cái tánh nam hay tánh nữ, cái thân già hay thân trẻ, đều tìm không ra trong khối ngũ uẩn này, lấy cái gì mà gọi là có thân, mà gọi là có ta, mà gọi là có thân ta.

Khi niệm thọ sẽ thấy, buồn không có thật vì không ngăn được khi vui, vui không có thật vì không ngăn được khi buồn; do vậy, vui hay buồn không tự hữu, chỉ theo duyên mà khởi. Khi thấy tất cả các thọ đều tự thân là tánh không, tâm của học nhân sẽ không vương vào bất kỳ một thọ nào. Khi ly tất cả các thọ do duyên khởi, sẽ là một niềm pháp lạc tự nhiên.

Tương tự với niệm tâm, sẽ không thấy tâm ở đâu. Tương tự với niệm pháp, sẽ không thấy pháp nào thực có.

Tất cả sẽ tự trở về với bản tâm là tánh không. Lúc đó, là giây phút của xả ly; đây mới thật là bố thí.

Trong khi đó, dưới cái nhìn này, vợ và con cũng không thật hữu, lấy gì mà bố thí. Mà thực sự, ai bố thínơi đây?

Nếu gọi rằng có ai bố thí, thì đó không phảỉ là Phật pháp – nơi tận cùng, là một tấm gương tâm thật lớn, nơi đó tất cả pháp đều bình đẳng.



GHI CHÚ:

(1) If science proves some belief of Buddhism wrong, then Buddhism will have to change. In my view, science and Buddhism share a search for the truth and for understanding reality. (http://www.nytimes.com/2005/11/12/opinion/12dalai.html?pagewanted=all&_r=0)

(2) Kinh Ambalatthika-rahulovada Sutta, phần ghi chú có viết, ngài La Hầu La (Rahula) đươc dạy kinh này khi 7 tuổi. (http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.061.than.html)

"Having done a mental action, you should reflect on it: 'This mental action I have done — did it lead to self-affliction, to the affliction of others, or to both? Was it an unskillful mental action, with painful consequences, painful results?' If, on reflection, you know that it led to self-affliction, to the affliction of others, or to both; it was an unskillful mental action with painful consequences, painful results, then you should feel distressed, ashamed, & disgusted with it. Feeling distressed, ashamed, & disgusted with it, you should exercise restraint in the future. But if on reflection you know that it did not lead to affliction... it was a skillful mental action with pleasant consequences, pleasant results, then you should stay mentally refreshed & joyful, training day & night in skillful mental qualities.”

(3) Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt - http://thuvienhoasen.org/p15a241/31-kinh-giao-tho-thi-ca-la-viet-sigalovada-sutta

(4) "Furthermore, there is the case where you recollect your own generosity: 'It is a gain, a great gain for me, that — among people overcome with the stain of possessiveness — I live at home, my awareness cleansed of the stain of possessiveness, freely generous, openhanded, delighting in being magnanimous, responsive to requests, delighting in the distribution of alms.'

At any time when a disciple of the noble ones is recollecting generosity, his mind is not overcome with passion, not overcome with aversion, not overcome with delusion. His mind heads straight, based on generosity. And when the mind is headed straight, the disciple of the noble ones gains a sense of the goal, gains a sense of the Dhamma, gains joy connected with the Dhamma. In one who is joyful, rapture arises. In one who is rapturous, the body grows calm. One whose body is calmed experiences ease. In one at ease, the mind becomes concentrated.

"Of one who does this, Mahanama, it is said: 'Among those who are out of tune, the disciple of the noble ones dwells in tune; among those who are malicious, he dwells without malice; having attained the stream of Dhamma, he develops the recollection of generosity.' (http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an11/an11.012.than.html)

(5) "What is the accomplishment of charity?

"Herein a householder dwells at home with heart free from the stain of avarice, devoted to charity, open-handed, delighting in generosity, attending to the needy, delighting in the distribution of alms. This is called the accomplishment of charity.

"What is the accomplishment of wisdom?

"Herein a householder is wise: he is endowed with wisdom that understands the arising and cessation (of the five aggregates of existence); he is possessed of the noble penetrating insight that leads to the destruction of suffering. This is called the accomplishment of wisdom.”

(Link: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an08/an08.054.nara.html)

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

MỞ TOANG CHIỀU RỘNG ĐÓN THU SANG





Sợi nắng mềm trườn lên má em
luồn vào mái tóc nở hoa vàng
gió khều nhè nhẹ hương phát tán
len lẻn vào ta ngây ngất say


Một chiếc lá vừa bay ngang cửa
mở toang chiều rộng đón thu sang
chân trời nhóm lửa đun mây xám
mắt phố đong đưa anh ánh tình

Bóng bám theo hình thong dong bước
thời gian cong vạt nắng lưng ong
mộng phập phồng trên dòng nhựa sống
tiếng trẻo trong tuôn chảy mênh mông

Thu tràn lên hạ vàng son
hoàng hôn bỗng hóa trẻ con bên thềm

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

CÁI ÁC CÓ TỒN TẠI KHÔNG VÀ THƯỢNG ĐẾ CÓ TẠO RA CÁI ÁC KHÔNG?



Thượng Đế không tạo ra điều ác, điều ác chính là kết quả của việc trái tim con người không còn lương thiện. Nó giống như cái lạnh sẽ đến khi không có nhiệt hoặc bóng tối sẽ đến khi không còn ánh sáng nữa.


Trong một lần giảng bài trên lớp, một vị giáo sư hỏi các sinh viên: “Có phải mọi thứ trên đời này đều do Thượng Đế tạo ra không?”.

Một sinh viên đứng dậy và trả lời: “Vâng, đúng ạ”.

Vị giáo sư hỏi tiếp: “Nếu Thượng Đế tạo ra tất cả mọi thứ, điều đó có nghĩa Thượng Đế cũng tạo ra cả cái ác. Nếu chiểu theo nguyên tắc: Những việc chúng ta làm sẽ xác định chúng ta là ai, vậy Thượng Đế cũng là kẻ ác phải không?”

Cả lớp im lặng sau khi nghe điều này. Vị giáo sư rất vui mừng khi một lần nữa ông lại chứng minh được rằng Thượng Đế có lẽ chỉ hiện diện trong thần thoại.

Tuy nhiên chỉ ít phút sau, một sinh viên khác đứng dậy và nói: “Thưa giáo sư, em có thể hỏi thầy một câu được không ạ?”

Vị giáo sư đáp: “Tất nhiên rồi”.

Cậu sinh viên hỏi: “Thưa giáo sư, cái lạnh có tồn tại không ạ?”

“Tất nhiên là có. Chẳng lẽ cậu chưa bao giờ thấy lạnh sao chàng trai?”, vị giáo sư hỏi vặn lại cậu sinh viên.

Trong lớp bỗng bật lên những tràng cười không ngớt và tiếng xì xào bàn tán.

Nghe câu trả lời từ giáo sư, cậu sinh viên từ tốn nói: “Thưa thầy, thực ra cái lạnh không hề tồn tại. Theo định luật vật lý thì chúng ta chỉ nghĩ về cái lạnh khi chúng ta không thấy có nhiệt. Khi nhiệt độ xuống đến 0 độ, đó là lúc thực sự không có nhiệt. Vậy chúng ta tạo ra từ “lạnh” là để diễn tả trạng thái không có nhiệt”.

Cậu sinh viên này tiếp tục đặt ra một câu hỏi khác: “Thưa thầy, bóng tối có tồn tại không ạ?”

“Tất nhiên là có rồi”.

Thượng Đế không tạo ra điều ác, điều ác chính là kết quả của việc trái tim con người không còn lương thiện. Nó giống như cái lạnh sẽ đến khi không có nhiệt hoặc bóng tối sẽ đến khi không còn ánh sáng nữa.
Một lần nữa, cậu sinh viên lại trả lời: “Thưa thầy, thầy lại sai rồi. Bóng tối thực sự không tồn tại. Đó chỉ là trạng thái không có ánh sáng. Chúng ta chỉ có thể nghiên cứu về ánh sáng mà không nghiên cứu về bóng tối. Theo định luật Newton, chúng ta có thể nghiên cứu về ánh sáng trắng và phát triển nó thành nhiều màu khác nhau nhưng chúng ta không thể đo lường được mức độ tối của bóng tối. Làm thế nào để chúng ta có thể đo được lượng bóng tối trong một không gian nhất định? Bóng tối chỉ là cụm từ được sử dụng để mô tả việc thiếu ánh sáng mà thôi”.

Cuối cùng, cậu sinh viên hỏi: “Thưa giáo sư, vậy thì cái ác có tồn tại không?”

Vị giáo sư trả lời: “Có, tất nhiên cái ác có tồn tại. Không những thế, chúng ta còn thấy nó đang hiện diện trong cuộc sống hàng ngày. Tội phạm, bạo lực xảy ra trên toàn thế giới chính là ví dụ về cái ác”.

Một lần nữa, cậu sinh viên vừa lắc đầu vừa mỉm cười: “Không phải vậy thưa giáo sư. Cái ác tự nó không tồn tại, mà đó chỉ là sự thiếu vắng cái thiện. Thượng Đế không tạo ra điều ác, điều ác chính là kết quả của việc trái tim con người không còn lương thiện. Nó giống như cái lạnh sẽ đến khi không có nhiệt hoặc bóng tối sẽ đến khi không còn ánh sáng nữa”.

***

Có lẽ, điều mà vị giáo sư trong câu chuyện ở trên ngờ vực, cũng là nỗi nghi hoặc của rất nhiều người trên thế gian này. Tuy nhiên, câu trả lời hết sức đơn giản nhưng cũng cực kỳ thông minh của cậu học trò đã giải khai cho những điều thắc mắc ấy.

Vậy, có bao giờ bạn từng suy nghĩ, nếu bạn tin vào Thượng đế và Thần Phật, và Họ không tồn tại, bạn sẽ mất những gì? Còn nếu như Thượng đế, Thần Phật thật sự có tồn tại, nhưng bạn lại phỉ báng Họ, bạn sẽ mất những gì?

Nhờ có niềm tin vào Phật, bạn đã có một đời an lạc. Vậy bạn đã được gì và mất gì? (Ảnh dẫn theo tinhhoa.net)
Đối với mỗi người trong chúng ta, bất kể là có tin Thượng đế, Thần Phật hay không thì đều biết rằng Thượng đế, Thần Phật là lương thiện, là từ bi và luôn bảo hộ chúng sinh. Ý chỉ của Phật là giáo huấn con người sống lương thiện, chân thành và khoan dung. Mọi người khi gặp nạn đều khẩn cầu Thượng đế, Thần Phật phù hộ.

Người có lòng tin vào Đấng tối cao và Thần Phật thường là người lương thiện, trong tâm họ luôn chứa đựng những lời dạy bảo và ý chỉ của Phật. Họ luôn luôn vui vẻ, bao dung và biết ơn. Họ tin rằng thiện ác hữu báo nên họ không làm điều ác, tôn sùng điều thiện và hòa ái, chân thành; như vậy không tốt sao?

Và bởi vì người ta không tin vào sự tồn tại của Đức Phật, không tin vào thiện ác hữu báo, nên họ dám làm bất kỳ điều gì để đạt được danh lợi cho mình, không có đạo đức để ước thúc tâm mình.

Shakespeare đã từng nói rằng:

“Đừng phỉ báng những điều bạn không biết sự thật, nếu không, tính mạng của bạn sẽ gặp trùng trùng điệp điệp những nguy hiểm”.

Nếu khi bạn chết, bạn thực sự thấy Đức Phật, Phật Pháp đúng là có thật, cũng có luân hồi và địa ngục. Như vậy những người lương thiện thì thật đáng quý, còn bạn, bạn đã mất đi điều gì?

Hãy nhìn xung quanh chúng ta, nếu một thế giới không có đức tin đúng đắn, người ta sẽ không còn phân biệt được thiện – ác, đúng – sai. Chân thành, lương thiện, nhẫn nhịn, những người có những đức tính này là những người tốt nhất. Còn những người bị tiền bạc thay thế thiện niệm, bái lạy Phật chỉ vì danh lợi, họ đã bị mất đi phương hướng, tìm không thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống này.

Bản tính con người là thiện – ác đồng thời tồn tại. Vậy nên, hạt giống lương thiện ở trong tâm hồn mỗi chúng ta, hãy tưới lên nó đức tin đúng đắn, nếu như vậy bạn sẽ tuyệt đối không mất gì mà còn có được một cuộc sống hạnh phúc tròn đầy!

Ngọc Tâm

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Nơi thời gian dừng lại






Truyện ngắn của Trương Thái Du




. Phải khẳng định tôi là kẻ vô thần. Tôi không tin dị đoan, ma quỷ, tiên thánh. Do đó chiếc xích đu nằm giữa vuông sân trời rộng và kín gió, tôi đặt tên là cỗ máy vĩnh cửu. Chẳng liên tục nhưng thi thoảng chiếc xích đu lại tự đưa đẩy như có người đang ngồi chơi, mà không vì một lý do cơ học rõ ràng nào.


Khu tôi ở vốn đã yên tịnh, vườn cây lưu niên hàng ngàn thước vuông xung quanh càng tách biệt căn nhà với thế giới xung quanh. Những đêm trăng thanh vắng tôi thường không ngủ được vì chiếc xích đu cứ kẽo kẹt mãi. Sân trời cỡ một sảnh khách lớn, ba phía đều có cửa phòng hoặc cửa sổ trổ ra, từ những mảng tường đá rửa hồng xám. Hàng lan can sắt nhìn xuống thảm cỏ bên hông. Bể đất to và sâu kéo dài suốt chiều dọc sân, đầu giáp lan can có bụi hoàng anh già cỗi xù xì leo lên những chiếc lam bê tông trang trí bên trên.


Hoa hoàng anh màu vàng ươm, gần giống hoa loa kèn. Khi lìa cành rơi xuống nó tạo nên những tiếng động tinh tế như bước chân tố nữ. Lá hoàng anh già cũng màu vàng. Đầu mùa khô, các xoáy gió đêm hiếm hoi sẽ khiến lá rụng hàng loạt. Chúng thường mông lung gợi hình tà áo mỏng liêu trai, xoắn xuýt quanh chiếc xích đu.


Thấy tôi đi sớm về khuya, thui thủi một mình, chòm xóm đồn nhà tôi bị ma ám. Họ thầm thì về những tiếng cười xé vải hun hút đêm sâu, tiếng đàn tranh rin rít từng tràng ai oán, tiếng cú rúc, tiếng chim lợn eng éc báo điềm xấu… Họ bảo không bị dớp ấy thì căn nhà đã đổi chủ xoành xoạch mỗi bận bất động sản nóng sốt, y như các khuôn viên xung quanh. Tôi từng đuổi không biết bao nhiêu là cò đất lâu lâu đến quấy rầy, nghe ngóng, dụ dỗ. Người ta không tin tôi, trơ tráo ngả giá mua số điện thoại của chủ nhân thực sự.




. *Tòa biệt thự xưa cũ, xây dựng theo phong cách Mỹ cuối thập niên 1960 mà tôi đang ở là tài sản tôi thừa kế từ người chú ruột quá cố. Chú vốn là sĩ quan quân y chế độ cũ. Cha tôi không thèm nhìn mặt chú. Ông ghét em trai một, ghét em dâu mười. Thím tôi bị gọi là đứa tiểu tư sản õng ẹo đồng bóng. Tập kết về, gia đình tôi ở chung với ông bà nội đã gần đất xa trời. Nhà chú cạnh bên.


Năm 1978 thím dắt con, dứt áo vượt biên cùng bạn tình. Học tập xong, chú tôi bán nhà nơi trung tâm thành phố. Ông lóc cóc đạp xe qua cầu Sài Gòn tìm chốn ẩn mình. Mẹ tôi đoán chú vẫn còn của chìm nhưng giả bộ cuốc đất trồng rau, nuôi gà vịt, sống chay tịnh tự cung tự cấp và cắt hết giao tiếp với xã hội.


Thời gian rong ruổi. Cha mẹ tôi về với tổ tiên. Anh hai tôi thành đại gia tiền muôn bạc vạn. Tôi khù khờ nhút nhát nên được anh lo cho chân thủ thư, sống như một chiếc bóng. Chị dâu hay nửa đùa nửa thật bảo tôi là âm bản, là thái cực cân bằng với thành đạt, thông minh, khôn khéo, thức thời của anh trai tôi.


Giỗ đầu cha tôi, anh hai không hiểu làm cách nào đón được chú đến thắp nhang. Từ đó anh cử hẳn một bà vú già trong gia đình qua chăm sóc chú đến cuối đời. Chú mất, di chúc bắt tôi phải giữ nguyên trạng ngôi nhà trong ít nhất hai mươi năm, sau đó muốn làm gì thì tùy. Chị dâu bực bội hỏi đào đâu ra tiền trước bạ. Tôi bảo anh hai đứng tên nhà cũng được. Anh mắng tôi ngu, anh tin tôi chứ không tin vợ. Tôi phải ký giấy tặng riêng anh phần di sản của bố mẹ, tức nửa căn nhà ông bà nội để lại.


Số là dạo ấy anh chị đang bất hòa. Lâu lâu anh lại dọa chị rằng người xưa đã bảo “Giàu đổi bạn – Sang đổi vợ”. Chị nổi khùng hoài, nhưng dần dần cũng thỏa hiệp được. Anh hai bay nhẩy, trăng hoa kín hơn. Chị ở nhà giả tảng không nghe, không biết, tự tìm thú vui như lễ chùa, tụ tập bạn bè cùng trang lứa.




* Hai người khách tỏ vẻ áy náy rất thật vì làm phiền tôi trong ngày nghỉ cuối tuần. Hóa ra đây là tổ ấm cũ của họ. Bao năm xa xứ họ luôn bị thôi thúc trở về. Cây cối lớn vống lên. Riêng tòa nhà chẳng mấy đổi thay, cứ như một phần tư thế kỷ chỉ là chớp mắt.


Tôi dắt họ đi thăm mọi ngóc ngách. Chỗ nào họ cũng qua loa, chỉ trừ vuông sân trời có chiếc xích đu. Vừa bước qua cửa, bà vợ đã đổ sụp xuống bên bể đất trồng hoa. Ông chồng lặng lẽ gạt nước mắt, cúi mái đầu hoa râm phai thuốc nhuộm đỡ vợ dậy.


Cuối tháng Tư năm ấy, một mảnh đạn pháo lạc từ xa lộ đầu cầu Sài Gòn đã cướp đi đứa con gái bé bỏng vừa qua tuổi dậy thì của họ. Cô gục xuống bên chiếc xích đu sơn màu xanh hòa bình. Cha mẹ cô chỉ kịp gói gém thi thể trinh nữ trong mấy lớp ni lông rồi chôn tạm giữa bể đất, trước khi di tản.


Một lọ hoa, hai chung nước lọc và ba cây nhang cùng không khí đặc quánh xung quanh tạo nên lễ cải táng câm lặng nhưng đầy màu sắc tâm linh thần bí. Chúng tôi không nỡ dùng các dụng cụ đào bới như bay thợ hồ hoặc cuốc và xẻng nhỏ. Ba mươi đầu ngón tay trần cào vơi dần khoảng giữa bể đất để thăm dò. Gần đến đáy xi măng, khối rễ hoàng anh chằng chịt làm bật móng tay ông khách. Máu đỏ thấm ướt đất. Chưa kịp đau đớn, ông đã cuống cuồng hoảng hốt vì không thấy gì.


Mọi người nín thinh, tiếp tục bới, hất hết đất đen ra ngoài.


Điều kỳ lạ chỉ lộ diện khi niềm hy vọng sắp tắt. Chiếc tiểu sành màu da lươn. Xương cốt xếp đặt rất ngay ngắn. Hộp sọ thon nhỏ, có lẽ của khuôn mặt trái xoan. Mảnh đạn pháo hình lưỡi rìu chém vào thái dương vẫn còn kẹt lại.


Nắp cao su dẻo kín nước của chiếc vỏ chai thuốc pênêxilin được cậy ra. Mấy dòng chữ nhòe nhoẹt của chú tôi, mực dầu tái chế, bút Bic chắc đã thay bi mấy lần: Định dùng bể đất làm hồ nuôi cá trê phi thì phát hiện đây là một ngôi mộ. Xin thân nhân người quá cố lượng thứ. Ngày x tháng y năm 1982.




* Hai anh em tôi sống tương đối ít va chạm. Tôi luôn nghe lời anh. Trước kia vài ba lần anh cho tôi tiền xài. Tôi không khi nào nhận. Anh chả cần hỏi cũng biết tôi đơn giản lắm. Không rượu chè, cờ bạc, cà phê cà pháo, tôi chỉ thích sách thì tiền khác nào giấy lộn. Sách trong mấy tầng lầu thư viện, hằng tháng chiêu nạp thêm cơ man bản in lưu chiểu mới nhất, tôi đọc đến kiếp sau cũng chưa hết.


Anh thấy tôi vô duyên trên đường tình nên bổn cũ soạn lại. Anh kiếm đâu ra một cô giúp việc sạch sẽ, trẻ trung gửi vào nhà tôi. Đêm đầu tiên như có ma phá. Chiếc xích đu rên xiết. Cô giúp việc mê ngủ la hét rùm trời. Tôi dậy bật đèn, gõ cửa phòng gia nhân. Cô giúp việc ôm tôi khóc rưng rức. Cô bảo vừa thấy ác mộng cũ.


Học hết phổ thông, một bà cùng quê dỗ ngon dỗ ngọt cô vào Sài Gòn. Gia đình cô đến có ba nhân khẩu. Hai ông bà già lương hưu rất hậu. Cậu út của họ mắc bệnh đao, luôn mặc độc mỗi chiếc quần đùi trễ rốn, rong chơi đầu trên xóm dưới, gặp ai cũng chửi. Mấy năm nay hắn giở chứng, cứ giục mẹ lấy vợ cho.


Đêm đầu tiên cô đến nơi ở mới, cậu kia trần truồng nạy cửa phòng đòi hợp cẩn. Cô gào khóc, cấu véo, cắn xé. Mãi sau mới thấy ông chủ trên lầu hét gọi quý tử. Cô bỏ trốn, tìm chị bạn đồng hương làm tại nhà anh tôi. Cô thật thà bảo anh tôi đã nói trắng rằng tôi không tâm thần, chỉ tội tồ quá, con gái thành phố chẳng để mắt tới. Nếu cô dụ được tôi, anh sẽ lo tất, sẽ tặng bố mẹ cô ngoài bắc một căn nhà mái bằng.


Tôi bảo tôi rất quý cô, mới gặp đã thấy quý. Từ khi dọn đến biệt thự này, trong đầu tôi luôn có cảm giác đã lập gia đình. Ở chung với cô tôi rất ngại. Tôi nhờ ông già bảo vệ nhà Tây thuê cạnh bên kiếm cho cô công việc lau dọn. Lương tàm tạm, đủ để cô tìm một chỗ trọ tồi tàn và hàng tháng giúp cha mẹ chút ít. Chưa đầy năm, cô hớn hở mời tôi dự đám cưới. Chồng cô là lái xe của chủ nhà.


5. Mấy đứa cháu con anh tôi đều du học tự túc ở Mỹ cả. Năm kia tôi nhờ chúng chuyển ít quà cho ông bà Việt Kiều già. Chúng kể họ sống đạm bạc, lẻ loi và cô độc lắm. Ông bà có tất cả bốn người con. Cô hai dính hòn tên mũi đạn. Ngày di tản cậu ba dạt theo bên ngoại, lỡ chuyến. Cuối năm ấy cậu cũng yểu mệnh, chết vì đói và khát trong những ngày lênh đênh vượt biển. Ông bà trách hai người sinh tại Mỹ mất gốc, đã Mỹ hóa hoàn toàn. Cũng vì cả gia đình sống biệt lập ở một tiểu bang không có cộng đồng Việt Nam đông đảo. Ông bà ao ước dăm năm nữa sẽ về Sài Gòn dưỡng già. Họ hỏi cháu tôi năm mươi ngàn Mỹ kim dành dụm của họ có mua nổi một căn nhà tàm tạm không, càng gần tôi càng tốt. Tự lúc nào họ đã thầm xem, thầm ước tôi là con là rể họ.


Anh tôi và chị dâu, nghe bảo hay kể công với đống vàng cạnh cầu Sài Gòn. Cháu tôi không vừa ý, chúng cảnh báo người làm ăn buôn bán nên biết điều với âm hồn trinh nữ trẻ. Theo chúng, căn nhà cũ của ông bà để lại mà anh chị đang cho thuê, mặt tiền một quận trung tâm, cũng chẳng làm họ thiệt thòi. Tôi nào hay biết nhưng đám cháu khôn đáo để, chúng ước lượng nhà của tôi bây giờ giá hàng triệu Mỹ kim. Tôi bảo chú già rồi, tiền bạc không biết tiêu, không biết tính, mai này để lại cho các cháu tất. Chúng cười tôi cả nghĩ xa xôi, bố chúng giàu lắm lắm, tôi không tưởng tượng nổi đâu. Xe cộ, nhà cửa anh tôi sắm cho chúng bên Mỹ, dù chỉ ở tạm mấy năm học, cũng làm cho triệu phú Mỹ phải tròn mắt.




* Từ ngày qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, tôi đổi chiếc Honda 81 giọt lệ kim vàng lấy một chiếc xe đạp điện Đài Loan. Thế mà hay, quãng đường tôi đến thư viện làm việc thường nhật thành ra có sức sống hơn. Lúc nào thích thì tôi tắt động cơ, nhấn bàn đạp cho săn gân cốt.


Tôi bỗng thấy yêu đời. Những đêm trăng thanh tôi không còn trốn trong phòng và nổi gai ốc vì nghe tiếng xích đu kẽo kẹt nữa. Tôi ra hẳn đấy, vừa đọc sách vừa thưởng trà bắc ủ hoa nhài tươi hái ngay trong bể đất. Có khi tôi thắp một nén hương trầm dìu dịu. Các vòng khói tròn quấn quít bức ảnh khắc đá dán đè lên tường đá rửa. Cô bé có cái nhìn thật lương thiện. Cô bằng tuổi tôi nhưng vẻ thanh xuân mãi mãi dừng lại ở khoảng khắc oan nghiệt năm nào.

THU VỀ THẢ LÁ TƯƠNG TƯ





Xác ve bay bay
nắng là đà nhạt
thu về thả lá tương tư
buồn cong ngọn cỏ
thơ bỏ vàng dư
dấu chân nhòa


Con tàu không bóng trên toa
đánh rơi kỷ vật một thời đón đưa
sân ga nào có chỗ thừa
cho tôi chen lọt đặt vừa tàn phai

Lá úa bay bay
mây đè bóng lẻ
thu tràn bờ kè
nhớ nặng vành mi
giọt tình đi
xa mờ nhân ảnh
câu thơ lạnh
lặn vào tim

Thương bước đêm đêm tìm trăng bạc
khuyết nửa vành môi hồn lạc dòng mơ
thu khều bật cửa tình hờ
đốt tương tư lá thả thơ về trời

Xuyên tạc và đạo văn trong "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" Tác phẩm đạt giải Hội nhà văn Việt Nam của Lê Xuân Đức




Hoàng Tuấn Công








“Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”, là sách được giải cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sách đề tên tác giả: “Lê Xuân Đức Dạy văn, Viết văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Đại biểu quốc hội khóa VIII”.


“Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” có hai phần. Phần I “Thơ tiếng Việt” và phần II “Thư chữ Hán”. Những gì Lê Xuân Đức viết trong phần I rất khó xác minh đúng sai, kiểm chứng thông tin. Vì nhiều đoạn, Lê Xuân Đức kể giống như chính mình là người chứng kiến mà không hề chú thích theo nguồn tài liệu nào. Bởi vậy, chúng tôi không thể lại “đi tìm xuất xứ” những dòng Lê Xuân Đức viết. Tuy nhiên, phần thơ chữ Hán số lượng hơn 30 bài, nhác qua đã thấy tới nửa số bài có vấn đề. Và “vấn đề” ở đây cũng không có gì mới. Tức cái sai vẫn mang dấu ấn của Lê Xuân Đức: “chữ tác đánh chữ tộ”, phá hỏng nguyên tác thơ Hồ Chí Minh, và đạo văn.
I.CHỮ TÁC ĐÁNH CHỮ TỘ:
1. Bài “Tặng Bùi công”:
Câu "Khán thư sơn điểu thê song hãn" (Lúc xem sách chim rừng vào đậu ở cửa sổ).
Chữ "hãn" 杆 trong “song hãn” nghĩa là cái song cửa, một âm đọc khác là “can” trong từ “lan can”-hàng chấn song cửa (chữ hãn có bộ mộc 木chỉ nghĩa và bộ can 干ghi âm) bị viết thành chữ “hãn” 扞 (chữ hãn có bộ thủ扌chỉ nghĩa và bộ can 干ghi âm) nghĩa là: “Chống giữ ② Chống cự, như hãn cách 扞格 chống cự”. (Hán -Việt từ điển-Thiều Chửu). Như vậy, Nguyên tác thơ Hồ Chí Minh: 看書山鳥棲窗杆 (Xem sách chim rừng vào đậu ở cửa sổ) qua tay Lê Xuân Đức bị biến thành: 看書山鳥棲窗 扞 và bắt buộc phải hiểu là: Xem sách, chim rừng vào đậu cửa ở sổ nhưng bị ngăn lại (!)
2.Bài “Vô đề”:
Câu "Quân cơ quốc kế thương đàm liễu" (Việc quân việc nước đã bàn xong). Chữ liễu 了 trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh nghĩa là xong, rồi, bị viết thành chữ liệu 瞭 (có bộ mục) có nghĩa là: mắt sáng, hiểu rõ. Căn cứ "nguyên tác" của Lê Xuân Đức, ý nghĩa của câu thơ sẽ thành: Mắt vẫn sáng để bàn chuyện quân cơ quốc kế, hoặc: Khi bàn việc quân việc nước vẫn hiểu rõ (!?)
3.Bài “Tư chiến sĩ”:
Câu "Dương quang hòa noãn báo tân xuân" (Ánh mặt trời ấm áp báo mùa xuân mới đã sang). Chữ "báo" 報trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh có nghĩa là báo tin, bảo cho biết (động từ) bị Lê Xuân Đức viết thành chữ "báo" 豹 có nghĩa là con báo (danh từ chỉ động vật): 陽光和暖豹新春 Như thế, nguyên tác thơ bị biến thành: Ánh mặt trời ấm áp mùa xuân đến cùng...con báo (!)
4.Bài “Gửi đồng chí Trần Canh”:
Câu "Hùng sư bách vạn tất thính lệnh" (Trăm vạn hùng binh đều nghe lệnh) chữ "tất" nghĩa là đều, hết, tất cả, bị phiên âm thành "đất"-một từ không hề có trong Hán tự.
5. Bài “Ngọ quá thiên giang”:
Câu "Thiên giang, giang ngạn mãn xuân tương" (Bên bờ sông Thiên, sương xuân đã phủ đầy). Nguyên tác chữ Hán "Thiên giang, giang ngạn" 遷江江岸 (Bên bờ con sông Thiên) bị Lê Xuân Đức viết thành "Thiên giang, thiên ngạn"遷江遷岸. Chữ “thiên” 遷có nghĩa là dời đổi, “Thiên ngạn” nghĩa là Bờ con sông Thiên đã bị dời đi nơi khác phủ đầy sương xuân (!).
Đáng chú ý, trong sách "Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức (NXB Văn học-2010) câu "Thiên Giang, giang ngạn" lại bị ông đánh hỏng đi kiểu khác. Đó là ông phân tích: "Thiên Giang giang" là sông Thiên Giang (sông Thiên)". Thế là Lê Xuân Đức chẳng hiểu gì về ngữ pháp Hán văn, chẳng hiểu gì về con sông Thiên. Bởi "Thiên giang" đã có nghĩa là sông Thiên rồi. Chữ "giang" thứ hai phải gắn với chữ "ngạn": "giang ngạn" thành nghĩa "bờ sông": Thiên Giang, giang ngạn" là bờ con sông Thiên. Nếu cắt chữ "giang" sang thành cụm từ "Thiên Giang giang" như Lê Xuân Đức thì bỏ chữ "ngạn" đi đâu ?
6.Bài "Đến gần Long Châu":
Câu "Viễn cách long châu tam thập lý" (Cách xa Long Châu ba mươi cây số). Chữ “cách” 隔trong "Viễn cách" nghĩa là cách xa, bị phiên âm thành "Viễn cảnh": “Viễn cảnh Long Châu tam thập lý”. Phiên âm của Lê Xuân Đức chỉ có thể hiểu là: Cảnh xa Long Châu ba mươi dặm (!).
7.Bài "Tặng đồng chí Trần Canh"(tại Việt Bắc)
Câu "Hương tân, mỹ tửu dạ quang bôi" (Rượu ngọt "sâm banh" trong chén ngọc dạ quang) Chữ "quang" trong "dạ quang bôi" (chén bằng ngọc quý) Lê Xuân Đức phiên âm thành "dạ kim bôi" (chén bằng vàng). Phần nguyên tác chữ Hán thấy rõ là "dạ quang bôi" 夜光杯, bị phiên âm là "dạ kim bôi", thế nhưng phần dịch nghĩa lại thấy Lê Xuân Đức dịch là "ngọc dạ quang" (!) Điều đáng chú ý: chữ "dạ kim bôi" Lê Xuân Đức nhất quán nhắc lại ba lần trong bài (lần 1 ở trang 368, lần 2 và lần 3 ở trang 370).)
Vậy, Lê Xuân Đức sai ở phần nguyên tác thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, hay sai ở phần phiên âm ? Và "dạ quang bôi" đúng hay "dạ kim bôi đúng" ? Theo chúng tôi, "dạ quang bôi" đúng, Lê Xuân Đức đọc sai, phiên âm sai. Vì:
1.Bài “Tại Việt Bắc tặng Trần Canh đồng chí” (Tại Việt Bắc tặng đồng chí Trần Canh) Bác Hồ đã mượn bài Lương Châu từ 凉州詞 của Vương Hàn đời Đường. Nguyên tác chữ Hán:
葡萄美酒夜光杯
欲飲琵琶馬上催
醉臥沙場君莫笑
古來征戰幾人回?
Phiên âm:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi;
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ?
Trần Quang Trân dịch:
Bồ đào rượu ngát chén lưu ly,
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi.
Say khướt sa trường anh chớ mỉa,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?
(Thơ Đường tập I-NXB Văn học-1987)
Bác chỉ thay hai chữ “bồ đào” (rượu nho) ở câu đầu thành “hương tân” (rượu sâm banh); thay câu cuối “Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chính chiến mấy người về) thành “Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi” (Chớ để cho một tên địch nào trở về), qua đó, biến chén rượu quan hà bi thương trong bài thơ của Vương Hàn thành chén rượu của niềm khí thế quyết tâm, tin tưởng vào chiến thắng. (Đáng nói là Lê Xuân Đức trích dẫn và xuyên tạc luôn thơ của Vương Hàn. “Dạ quang bôi” trong nguyên tác cũng thành “dạ kim bôi”)
2. Đối chiếu với sách "Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích - thư pháp" của GS Hoàng Tranh, nguyên tác chữ Hán Bác dùng "dạ quang bôi" chứ không phải "dạ kim bôi".
3.Về mặt ngữ nghĩa "dạ kim bôi" là vô lý. Bởi chỉ có loại ngọc quý mới phát sáng trong đêm, gọi là ngọc dạ quang. Nếu "kim bôi" - chén vàng, thì vàng đâu có phát sáng trong đêm mà gọi là "dạ kim bôi"? Cũng không thấy hình ảnh nào trong văn chương gọi là "vàng dạ quang".
Có lẽ Lê Xuân Đức không phân biệt được vàng và ngọc khác nhau thế nào nên mới tùy tiện biến "dạ quang bôi" thành "dạ kim bôi" như vậy.
Đọc thêm: Câu chuyện về ngọc dạ quang ở Thanh Hóa. “Tương truyền dưới núi Liên Xá, huyện Kết Thuế (nay thuộc huyện Tĩnh Gia-Thanh Hóa-HTC chú thích) trong huyện hạt có một hòn đá tròn mà rộng, chìm nổi ở cửa biển Trầm Mông, tức cửa Bạng. Có nhà buôn ngoại quốc đang đêm thấy ánh sáng của ngọc rạng chiếu trên hòn đá, cho rằng trong đá có ngọc tốt. Người này mới lấy viên ngọc quý đang cất trong người đưa ra để mưu tính nhử ngọc trong đá. Thế nhưng ngọc trong đá chẳng lấy được mà ngọc đeo bên mình lại bị hút luôn vào đó. Về sau đêm đêm, người trong thôn thường thấy có đôi ngọc dạ quang đuôi đỏ, hình dạng như đôi chim đang bay, thường thường tự sườn núi bay ra Mi Sơn ngoài biển, đến sáng lại quay về. Vì thế nên gọi là núi Cưu Ngọc. Đời Lê, niên hiệu Quang Thuận, Thuần Hoàng đế nam chinh đánh Chiêm Thành. Khi đến nơi này liền lệnh cho người đục đá, lại lấy lửa đốt để lấy ngọc nhưng vẫn không sao lấy nổi.Vua cho rằng trong đá có linh khí chung đúc mà thành, mới đổi tên đất làm Ngọc Sơn” (Trích: Thanh Hóa kỷ thắng-Vương Duy Trinh-nguyên tác chữ Hán -Bản dịch của Hoàng Tuấn Công, chưa công bố).
8.Bài "Hai chớ":
Câu "Dị sử thi nhân hóa tục nhân" (Dễ khiến thi nhân hóa người phàm tục) Cụm từ "Dị sử thi nhân" 易使詩人 (dễ khiến thi nhân) trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh bị viết thành "Dị sử sử nhân" 易使使人 (dễ khiến, khiến người). Đã thừa chữ lại thiếu nghĩa.
9.Bài "Vô đề":
Câu "Nhất niên tứ quý đô xuân thiên" (Một năm cả bốn mùa đều là xuân) Chữ "đô" 都 nghĩa là đều, "đô xuân thiên" nghĩa là đều là ngày xuân, bị phiên âm thành "đổ xuân thiên”. Nếu căn cứ vào bản phiên âm của Lê Xuân Đức mà "đoán chữ" thì sẽ có hai trường hợp chữ “đổ” có nghĩa:
-Nếu "đổ"賭 (có bộ bối) nghĩa là "đánh bạc" thì "Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên" có nghĩa: Một năm bốn mùa, chỉ đánh đánh bạc vào ngày xuân (!)
-Nếu "đổ" 堵 (có bộ thổ) nghĩa là "chắn, chặn lại" thì "Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên" có nghĩa: Một năm bốn mùa, mùa xuân bị chặn lại không đến được (!)
10. Bài "Tết xuân Mậu Thân":
Câu "Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ" (Trên trời mây đến rồi đi) chữ "lai hựu khứ" bị phiên thành "lại hựu khứ". Thế là Hán-Nôm lẫn lộn, phiên âm lẫn với dịch nghĩa.
11.Bài "Tặng Sơn đệ":
Bạn đọc còn nhớ trong bài “Nhật ký trong tù và lời bình hay trò đùa của Nhà phê bình Lê Xuân Đức”, chúng tôi có nhắc đến cái sai của Lê Xuân Đức trong bài viết của Trần Thư Trung trên Báo Hậu Giang. Khi ấy, chúng tôi chưa có trong tay sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh". Nay xem lại mới thấy, Lê Xuân Đức sai nhiều hơn Trần Thư Trung và chúng tôi tưởng. Xin nói lại từ đầu:
1/Đầu đề thiếp thư thấy nguyên văn chữ Hán là "Tống Sơn đệ", 送山弟nhưng Lê Xuân Đức lại phiên âm thành "Tặng Sơn đệ" (như Trần Thư Trung đã từng nêu).
2/Chữ "đệ" 弟trong "Sơn đệ" 山弟 nghĩa là em bị viết thành chữ "đệ" 第 (có bộ trúc đầu) nghĩa là thứ bậc (như Trần Thư Trung đã từng nêu).
3/Câu "Trí dục viên nhi hạnh dục phương". Chữ “trí” 智 trong từ trí tuệ, giỏi giang, lại viết thành chữ “chí” 志 trong ý chí, chí hướng. Viết là “chí” 志, nhưng Lê Xuân Đức lại phiên âm là "trí". Thật chẳng biết đường nào mà lần!
4/Giới thiệu nguồn gốc 12 chữ: "Đảm dục đại, Tâm dục tế, Trí dục viên, Hạnh dục phương" Bác Hồ gửi Nguyễn Sơn, Lê Xuân Đức viết: "Những câu này, chữ này Bác lấy từ một bài thơ của bậc danh y Khổng Tử Mạc thời Tùy Đường, Trung Quốc gửi cho bạn là Lưu Chiếu Lâm (có sách nói là Tôn Tử Mạc), nguyên văn như sau: "Đảm dục đại, nhi tâm dục, Trí dục viên, nhi hạnh dục phương..." Bác lấy 12 chữ ở hai câu thơ đầu và bỏ chữ "tiểu" thay bằng chữ "tế" là tinh tế, tế nhị. Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa"
Chỉ một đoạn văn ngắn này thôi, nhưng Lê Xuân Đức viết sai lung tung cả. Chúng tôi xin có mấy ý kiến:
1/Lê Xuân Đức nói là “nguyên văn như sau”, nhưng lại chẳng nguyên văn tí nào. Đó là cụm từ “nhi tâm dục tế” Lê Xuân Đức viết thiếu mất chữ “tế”, thành “nhi tâm dục”, không biết là “dục” gì?
2/Bậc danh y mà Lê Xuân Đức nói là Tôn Tư Mạc chứ không phải Khổng Tử Mạc. Từ điển Nho-Phật - Đạo (Lao Tử-Thịnh Lệ-NXB Văn học) chép rõ: "Tôn Tư Mạc孫思邈 (581-682) đạo sĩ trứ danh, nhà y học, nhà dược học thời Đường".
Vậy, tại sao tên của Danh y Tôn Tư Mạc lại biến thành “Khổng Tử Mạc”? Có lẽ là bởi chữ "Tôn" và chữ "Khổng", tuy quốc ngữ hoàn toàn khác nhau, nhưng trong Hán tự, chữ Tôn 孫, giản thể viết là 孙 (gồm bộ tử孑 thiên bàng và chữ tiểu) lại gần giống với chữ khổng孔 (cũng có bộ tử 孑thiên bàng) nên Lê Xuân Đức mới nhìn “chữ tác thành chữ tộ” rồi “mạnh dạn” đổi họ Tôn của Danh y Tôn Tư Mạc thành họ Khổng ! Lại nữa, có lẽ Lê Xuân Đức nghĩ: đã là "Khổng" thì phải đi kèm với "Tử" mới hợp lý. Thế là Tôn Tư Mạc-"Đạo sĩ trứ danh, tinh thông thuyết của bách gia, sùng chuộng Lão Trang, hiểu biết Phật điển, tinh y học, sở trường âm dương, suy đoán, diệu giải thuật số, nghiên cứu cả các phương thuật Đạo giáo như Luyện đan, Phục thực để cầu trường sinh thành tiên", chẳng may gặp phải ông thầy cao tay hơn, "đạo", "sĩ" gồm tài, nên Tôn Tư Mạc mới bỗng chốc bị hóa thành "Khổng Tử Mạc" (!) Thương thay!
Đáng chú ý: kiểu chữ tác thành chữ tộ của Lê Xuân Đức diễn ra không ít. Ví như trong "Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh" bài Học đánh cờ (bài 1) câu mở đầu: "Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ", chữ "nhàn" bị Lê Xuân Đức đọc thành chữ "bế". Nguyên do: chữ "nhàn" 閑 hơi giống chữ "bế" 閉, vì cả hai chữ đều có bộ môn 門 . Chữ "nhàn", phía trong bộ môn có bộ mộc木, còn chữ bế phía trong bộ môn có chữ tài才. Chữ "tài" giống như chữ mộc bớt đi một nét phía phải. Thế là Lê Xuân Đức giảng sai luôn nghĩa của câu thơ: "Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ" (Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi) thành "Bế tọa vô liêu học dịch kỳ", ông viết: "Bế tọa vô liêu: ngồi trong giam cấm buồn tênh" (!).
Chữ "nhàn" trong nhàn rỗi, bị Lê Xuân Đức biến thành chữ "bế" nghĩa là đóng. Nhàn tọa = ngồi rỗi, thành "bế tọa" nghĩa "ngồi trong giam cấm" (!) Lê Xuân Đức quả là giỏi xuyên tạc!


3/ Lê Xuân Đức viết: "danh y Khổng Tử Mạc thời Tùy Đường, Trung Quốc gửi cho bạn là Lưu Chiếu Lâm (có sách nói là Tôn Tử Mạc)". Thế là Lê Xuân Đức không chỉ biến Danh y Tôn Tư Mạc thành Khổng Tử Mạc nào đó, mà còn tiếp tục mượn tay một người khác theo kiểu “có sách nói” để hòng biến bạn của Tôn Tư Mạc là Lưu Chiếu Lâm thành Tôn Tử Mạc ở tận đẩu tận đâu (!) Nguyên nhân những sai sót này có vẻ như tác giả “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” trong khi “tìm” quanh quẩn ở đâu đó rồi nghe loáng thoáng, đọc loáng thoáng, câu được câu chăng, nhìn gà hóa cuốc nên rốt cuộc nhầm lẫn lung tung cả. Tuy nhiên cụm từ “có sách nói” lại có vẻ Lê Xuân Đức đã làm một việc phi khoa học, đó là cố tình nguỵ tạo chứng cứ trong trường hợp này. Bởi “có sách” là sách nào ? Sao ông không nói ? Danh y Tôn Tư Mạc chính là xuất xứ của 12 chữ trong thư thiếp của Bác Hồ. Chúng tôi không nghĩ Lê Xuân Đức có thể tuỳ tiện “đi tìm xuất xứ” thơ Bác đến vậy ! Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu "xuất xứ" mấy chữ trong thiếp thư của Bác Hồ mà lại mua sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” về đọc, chẳng phải đã bị Lê Xuân Đức chơi khăm cho một vố thật đau hay sao ? Đúng là “Tiền mất, tật mang”. Ông cha ta nói chẳng có sai!
Nói thêm: 7 cái sai lớn nhỏ chúng tôi vừa nêu trên đây đều có đầy đủ trong sách "Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức-NXB Văn học-2010, xuất bản trước sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" 2 năm. Như thế, yếu tố "chẳng may sai sót, nhầm lẫn" có thể hoàn toàn được loại trừ.
Xin được tiếp tục với những cái sai trong bài “Tặng Sơn đệ”:
4/Lê Xuân Đức phân tích: “Bác lấy 12 chữ ở hai câu thơ đầu và bỏ chữ "tiểu" thay bằng chữ "tế" là tinh tế, tế nhị. Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa”.
Chẳng qua không hiểu gì về chữ nghĩa nên Lê Xuân Đức mới tán nhăng, tán cuội như vậy. Chữ “tiểu” 小 và chữ “tế” 細 trong Hán tự đều có nghĩa là nhỏ, bé.
-Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh): “Tế tâm 細心: Nghĩ ngợi kỹ càng; Tiểu tâm小心: Cẩn thận, chú ý; Đảm đại, tâm tế 膽大心細: Mật thì to, tâm thì nhỏ, nghĩa là làm việc dõng cảm mà cẩn thận từng chút”.
-Từ điển Việt - Hán (GS Đinh Gia Khánh hiệu đính): “Cẩn thận: Tiểu tâm 小心”.
-Ở bên Tàu câu “Đảm đại, tâm tế” hoặc “Đảm dục đại, tâm dục tế (tiểu) được dùng như một thành ngữ. Chữ “tiểu” 小và chữ “tế” 小 đồng nghĩa trong “tế tâm” và “tiểu tâm” nên câu “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu” còn có một dị bản là “Đảm dục đại nhi tâm dục tế”. Bởi vậy khi Bác Hồ dùng “Đảm dục đại, Tâm dục tế” thì chữ “tế” ở đây là một cách dùng từ có nghĩa tương đương với chữ “tiểu”. Dùng “tâm dục tiểu” hay “tâm dục tế” đều có nghĩa là phải cẩn thận, chín chắn trong hành động, suy nghĩ, giảm bớt lòng dục chứ không phải “Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa” như Lê Xuân Đức giảng giải.
Đọc thêm: Về câu “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu, Trí dục viên nhi hạnh dục phương” của Danh y Tôn Tư Mạc gửi bạn Lưu Chiếu Lâm, giới nghiên cứu y học Trung Quốc cho rằng đó chính là Tổng kết phương pháp chẩn bệnh của họ Tôn:
“-Đảm đại: Phải hùng dũng, tự tin như khí chất của bậc võ phu. (Đảm đại: Thị yêu hữu như củ củ võ phu, bàn tự tín nhi hữu khí chất).
-Tiểu tâm: Trong công việc phải thận trọng từng tí như đang đi bên bờ vực thẳm, như dẫm chân lên băng mỏng. Tức đi trên băng mỏng thì dễ bị vỡ, đứng ở bờ vực núi cao thì dễ bị sẩy chân, nên lúc nào cũng phải thận trọng từng ly. (Tiểu tâm: Thị yêu như lâm thâm uyên, như lý bạc băng. Tức như đồng tại bạc băng thượng hành tẩu, tại tiêu bích biên lạc túc, nhất dạng thời thời tiểu tâm, cẩn thận)
-Trí viên: Khi gặp việc phải viên hoạt (tức không để lộ thái độ) và phải biết quyền biến (theo việc xảy ra bất thường mà ứng biến cho nhanh). Không được câu nệ. (Trí viên: Thị chỉ ngộ sự viên hoạt, quyền biến, bất đắc câu nệ).
-Hạnh phương: Tức chỉ việc không tham danh vọng, không tranh giành lợi lộc. Được như thế trong lòng không vướng bận, tựa như được uống thang thuốc thần diệu của trời đất vậy (Hạnh phương: thị chỉ bất tham danh, bất đoạt lợi, tâm trung tự hữu thản thang thiên địa).
Đó là lời của Tôn Tư Mạc đối với các bậc lương y. Kỳ thực, những lời nói ấy không chỉ có ý nghĩa đối với những người thầy thuốc”. (HTC tham khảo, trích dịch từ tài liệu qua một số trang mạng củaTrung Quốc).
Chúng ta đều biết, nguyên nhân Bác Hồ gửi thiếp thư cho Tướng Nguyễn Sơn là do Nguyễn Sơn không hài lòng về việc thụ phong hàm Thiếu tướng. Bởi vậy, để hiểu đúng thư thiếp của Bác Hồ cần tìm hiểu nguồn gốc “đảm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hạnh dục phương” trong triết lý của Tôn Tư Mạc. Mặt khác phải tiếp cận được bản chụp, hoặc bản gốc của thiếp thư. Không nên ngồi đoán già đoán non rồi tán nhăng như cách làm của Lê Xuân Đức.
5. Lê Xuân Đức không chỉ truyền bá cái sai của ông, mà còn “dĩ hư truyền hư”, lấy cái sai của người khác để đem ra trích dùng, tiếp tục quảng bá tới đông đảo bạn đọc. Ví như Lê Xuân Đức trích lời kể của Nguyễn Thạch Kim, “một cộng sự đắc lực” của tướng Nguyễn Sơn: “Tôi (tức Nguyễn Thạch Kim-HTC chú thích) mở ngay ra xem, một tấm thiếp xinh xắn giản dị như mọi cái khác, mặt trước in rõ ba chữ Hồ Chí Minh, mặt sau viết nắn nót, ngay ngắn: Đàm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hành dục phương (...) Hành dục phương là hành động phải ngay thẳng, đúng đắn, chân chính, phân minh, đàng hoàng”.
Đáng lẽ với một tư liệu có vấn đề như vậy Lê Xuân Đức phải biết phân biệt sai đúng để phân tích định hướng cho độc giả hoặc không sử dụng làm tư liệu. Đằng này Lê Xuân Đức lại chú thích nửa vời, gây hoang mang cho bạn đọc: “Về chữ Đàm hay chữ Đảm, Hành hay Hạnh cần được tra cứu, sưu tầm tấm thiếp của Bác Hồ gửi tướng Nguyễn Sơn”. Chú thích nghe có vẻ khoa học và thận trọng. Tuy nhiên nó lại “lòi” cái sự không biết chữ của tác giả “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”. Bởi chỉ cần với trình độ Hán học nhập môn tự học đã có thể không cần “sưu tầm thiếp của Bác Hồ” mà vẫn có thể khẳng định: chỉ có “Đảm dục đại chứ” không có “Đàm dục đại”. Vì sao ? Vì chữ “đảm” 膽 ở đây chỉ có nghĩa là cái mật chứ không thể là “đàm” 痰 (nghĩa là đờm trong cổ họng) “đàm” 談 (nói chuyện bàn bạc); “đàm” 潭 (cái đầm) “đàm” 壜 (cái vò rượu) “đàm” 譫 (nói mê sảng)...hay là một chữ “đàm” nào khác của Lê Xuân Đức ghép vào:
-Thiều Chửu giải thích: “Đảm膽: Mật, ở nép trong lá gan thường rỉ nước đắng ra để tiêu chất mỡ. ② Ngày xưa bảo người ta có gan góc là vì cái mật, cho nên người không e sợ gì gọi là đại đảm大膽, người có lòng sốt sắng vì nghĩa quên mình gọi là can đảm 肝膽”.
-Đào Duy Anh giải thích: “Đảm đại: mật lớn lắm = dõng cảm. Đảm đại như đẩu: Mật to bằng cái đẩu
Đời Hán, Khương Duy chín lần đánh Ngụy, khi Thục mất nước, Khương Duy không chịu hàng, quân giặc mổ bụng Khương Duy thấy mật to hơn trứng gà, người ta nói đảm đại như đẩu”. (tức mật to bằng cái chén-HTC chú).
Về chữ “hành” hay chữ “hạnh”. Lê Xuân Đức dẫu có tận mắt nhìn thấy thiếp thư của Bác Hồ cũng thế. Bởi vì chữ hành 行 hay hạnh trong trường hợp này đều viết giống nhau. Thế nên đọc là hành hay hạnh , hiểu là hành hay hạnh phụ thuộc vào kiến thức của mỗi người. Vì đây là phép “Giả tá” trong trong “Lục thư” (6 phép cấu tạo chữ Hán) Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh, Chuyển chú, Giả tá. Chữ hành行khi đọc là hành có nghĩa là đi, người ta mượn nguyên chữ này, đọc là hạnh để chỉ nghĩa đức hạnh. Bởi vậy, nếu giải thích “hành” là “hành động” là không đúng.
Nói thêm: bốn chữ "Công dung ngôn hạnh", chữ "hạnh" là đức hạnh ở đây cũng được viết giống chữ "hành". Nhưng không ai đọc là "Công dung ngôn hành")
Những cái sai của Lê Xuân Đức không phải chỉ có vậy. Tuy nhiên chúng tôi không muốn mất thêm thời gian của bạn đọc và của chính mình nên xin dừng tại đây.Chỉ xin nói thêm, Lê Xuân Đức có 10 cuốn sách viết về thơ Bác. Hiện chúng tôi có trong tay 3 cuốn và thấy rằng: rất nhiều trường hợp cái sai kiểu "chữ tác đánh chữ tộ" của Lê Xuân Đức giống nhau, "nhất quán" trong cả 2, hoặc 3 cuốn sách: (1) Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (XB 2010); (2) Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" (XB 2012) (3) Nhật ký trong tù và lời bình (XB 2013).
Ví dụ các bài:
- Bài "Qua Thiên Giang" (sách (1) và (2) đều sai chữ giang thành chữ thiên).
-Bài về chữ “đệ” (sách (1) (2) và (3) đều sai chữ đệ (em) thành đệ (thứ) và ngược lại.
- Bài “Tặng Sơn đệ”: Sách (1) và (2) sai chữ trí thành chữ chí; sai Tôn Tư Mạc thành Khổng Tử Mạc; Lưu Chiếu Lâm thành Tôn Tử Mạc, sai chữ “tống” thành chữ “tặng”. (Trong "Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh (NXB Văn học - 2010) " bài "Đảm, tâm, trí, hạnh" Lê Xuân Đức lại một lần nữa bê nguyên những sai lầm này vào sách, tr.196)
- Bài “Hai chớ” (sách (1) và (2) đều sai chữ thi thành chữ sử.
- Bài “Tặng đồng chí Trần Canh” (sách (1) và (2) đều sai chữ "quang bôi" thành "kim bôi" v,v...(Ngoài ra trong cách sách chúng tôi mới tham khảo: Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh (NXB Văn học-2010), Đọc thơ Bác (NXB Thanh Niên-2005) cũng thấy Lê Xuân Đức viết "dạ kim bôi"
-Bài "Tân xuất ngục học đăng sơn" sách (1) Câu "Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh", chữ phong 峰 trong nguyên tác có nghĩa là ngọn núi, bị viết sai thành chữ phong 風 nghĩa là gió rất vô nghĩa.
Chúng tôi có cảm giác, cứ đụng đến chữ nghĩa là Lê Xuân Đức lại sai, lại lầm lẫn. Đúng là "Vào rừng không biết lối ra, Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm".


Tại sao những cái sai của Lê Xuân Đức lại giống nhau và xuất hiện trong cả 3 hoặc 2 cuốn sách ở 3 thời điểm khác nhau? Theo chúng tôi: đó là sai do kiến thức, rất ít trường hợp sai do nhầm lẫn hoặc lỗi văn bản. Thứ hai, ngoài giỏi "xào xáo" văn của người khác thành văn của mình, Lê Xuân Đức còn giỏi "xào xáo" văn của chính ông. Nghĩa là cũng những bài thơ đó, nhưng Lê Xuân Đức thay đổi, thêm bớt tí chút "lời bình", hoặc thêm một số bài mới, tập hợp lại, đặt cho sách một cái tên khác. Thế là có thêm một "tác phẩm mới", làm dày thêm thành tích 40 năm nghiên cứu "thẩm bình" thơ Bác mà không cần biết những trang viết ấy sai sót những gì, có cần sửa chữa, bổ sung để lần sau tránh được sai lầm của lần trước. Với cách làm này Lê Xuân Đức đã đánh lừa được nhiều Nhà xuất bản, các Báo, Tạp chí, moi tiền của bạn đọc. Thậm chí qua mặt được cả Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
II. ĐẠO VĂN.
Độc giả từng đọc bài “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của Nhà phê bình Lê Xuân Đức” đã biết, Lê Xuân Đức đạo chú thích của GS Hoàng Tranh (Trung Quốc) trong sách “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp” để làm nên “Nhật ký trong tù và lời bình” như thế nào. Trong sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”, Lê Xuân Đức vẫn tiếp tục “đạo” chú thích của GS Hoàng Tranh ở những bài thơ chữ Hán không thuộc “Nhật ký trong tù”. Khi tinh vi, lúc trắng trợn:
1.Bài “Tặng đồng chí Trần Canh tại Nam Ninh”.
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Điền là tên gọi tắt của tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Từ thời Xuân Thu đến trước thời Hán Vũ đế phần Đông Bắc của tỉnh là đất của Điền Quốc nên Vân Nam còn có tên gọi Điền. Điền biên tức là biên cương của tỉnh Vân Nam”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Điền là tên gọi tắt của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ thời Xuân Thu đến trước thời Hán Vũ đế phần Đông Bắc của tỉnh này là đất của Điền quốc nên Vân Nam còn có tên gọi là Điền. Điền biên tức là biên cương của tỉnh Vân Nam”.
Ở đây Lê Xuân Đức chỉ thêm dấu phẩy (,) sau địa danh “Vân Nam”, thêm chữ “này” và chữ “là” mà chúng tôi gạch chân.
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Người đọc mấy câu thơ trên đây bằng tiếng Trung Quốc tặng đồng chí Trần Canh. Nguyên văn bài thơ năm ấy không còn lưu lại. Năm 1990, Báo Văn nghệ của Việt Nam đăng lại bài thơ trên bằng tiếng Việt là căn cứ vào lời kể của một đồng chí tháp tùng Hồ Chí Minh trong chuyến đi ấy. Chúng tôi đã căn cứ vào bài thơ tiếng Việt để chuyển thành bài thơ chữ Hán”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Bác đã làm bài thơ Tặng đồng chí Trần Canh bằng chữ Hán. Rất tiếc bản chữ Hán bài thơ này chúng ta không có, Bác đã tặng đồng chí Trần Canh trong bữa tiệc hôm đó, đến nay vẫn chưa sưu tầm được. May thay, Bác cũng đã tự dịch bài thơ chữ Hán ra tiếng Việt, đọc cho mọi người đi với Bác cùng nghe (…) Sau này, căn cứ vào bài thơ tiếng Việt, Giáo sư Hoàng Tranh-Phó viện trưởng Viện Đông Dương, Viện Trưởng viện sử, Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội Quảng Tây chuyển thành bài thơ chữ Hán như sau”
Với cách làm này, Lê Xuân Đức gây nhầm tưởng cho bạn đọc là ông đã có công “tìm được xuất xứ” bài thơ “Tặng đồng chí Trần Canh”. Sự thực là ông chép lại chú thích, lời kể của GS Hoàng Tranh mà không một lời chú thích nguồn gốc tư liệu, Hoàng Tranh nói trong sách nào. Bởi, nếu ông chú thích trích dẫn cụ thể từ sách “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp” khác nào “Lạy ông tôi ở bụi này” ! Dường như Lê Xuân Đức muốn độc giả quên đi rằng, trên đời này có tồn tại một cuốn sách có tên như vậy.
2.Bài “Qua Trường Sa”:
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Trong thời kỳ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật, từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 1 năm 1942, quân đội Trung Quốc đã ba lần giao chiến với quân xâm lược Nhật Bản tại khu vực Trường Sa. Những năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở miền Hoa Nam Trung Quốc, Người còn nhớ rất rõ về những sự kiện đó”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Chỉ riêng trong thời kỳ nhân dân Trung Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 1 năm 1942, quân đội Trung Quốc đã ba lần giao chiến ác liệt với quân xâm lược Nhật Bản tại khu vực Trường Sa. Những năm đó, Trung Quốc kháng chiến chống Nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh Bác hoạt động cách mạng ở miền Hoa Nam Trung Quốc, Người còn nhớ rất rõ về những sự kiện đó. Bác biết rất kỹ về những sự kiện xảy ra ở Trường Sa”.
Ở phần này, Lê Xuân Đức thêm, bớt, diễn đạt lại một số từ ngữ, nhưng không che được chú thích bản quyền của GS Hoàng Tranh. Ví dụ: “Người biết rất rõ” ông diễn đạt thành “Bác biết rất kỹ”; “những sự kiện đó” thành “những sự kiện xảy ra ở Trường Sa”.
3.Bài Buổi trưa qua Thiên Giang:
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Trấn Nam quan nằm trên biên giới Việt-Trung, thuộc thành phố Bằng Tường của Quảng Tây. Năm 1953, sau ngày nước Trung Hoa mới thành lập được đổi tên là Mục Nam quan, năm 1965 đổi tên là Hữu Nghị quan”
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Trấn Nam quan nằm trên biên giới Việt-Trung, thuộc thành phố Bằng Tường của Quảng Tây. Năm 1953, sau ngày nước Trung Hoa mới thành lập được đổi tên là Mục Nam quan, năm 1965 đổi tên là Hữu Nghị quan”.
Chú thích này bị Lê Xuân Đức đánh cắp nguyên xi. Có lẽ ông ngại diễn đạt lại hoặc cũng không còn cách diễn đạt nào hơn.
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Khi viết bài thơ này Hồ Chí Minh nghĩ tới hình ảnh Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến về phương Nam quét sạch tàn quân Quốc dân Đảng, đánh chiếm Trấn Nam Quan, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Tây”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “quân giải phóng Trung Quốc đã lập một chiến công xuất sắc (...) quét sạch toàn quân Quốc dân đảng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Tây. Cảnh vật và sự kiện Thiên Giang khiến Bác cảm tác thành thơ”.
Ở đây Lê Xuân Đức cố ý xào xáo, đạo văn rất tinh vi, nhưng độc giả không khó nhận ra ông ăn cắp những gì, bản thân Lê Xuân Đức có gì.
4.Bài Thăm Khúc Phụ:
- GS Hoàng Tranh chú thích: “Khúc Phụ là tên một thành phố nhỏ cách núi Thái Sơn của tỉnh Sơn Đông 80 km về phía nam, là quê hương của Khổng tử, người sáng lập học thuyết Nho giáo, là một thành phố văn hóa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nơi đây đời nhà Chu là kinh đô của nước Lỗ, đời Tần là huyện Lỗ, đời Tùy đổi tên là Khúc Phụ. Năm 1986, được nâng lên cấp Thành phố. Trong thành phố còn có di tích cổ của nước Lỗ và các di tích như Khổng phủ, Khổng miếu, Khổng lâm. Ngày 19 tháng 5 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thăm Khúc Phụ đã làm bài thơ này”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Khúc Phụ nằm trên bờ nam sông Tứ, miền tây tỉnh Sơn Đông. Nơi đây đời nhà Thời nhà Chu là kinh đô của nước Lỗ, đời Tần là huyện Lỗ, đời Tùy đổi tên là Khúc Phụ, năm 1986, là thành phố Khúc Phụ. Đây là quê hương của Khổng tử, người sáng lập học thuyết Nho giáo, là một thành phố địa danh văn hóa lâu đời nổi tiếng trọng lịch sử Trung Quốc. Hiện nay trong thành phố Khúc Phụ còn có di tích cổ của nước Lỗ và các di tích như Khổng phủ, Khổng miếu, Khổng Lâm”.
Ở đây, Lê Xuân Đức cũng chỉ bỏ ra chút “công sức” sửa chữa, diễn đạt lại tí chút là ung dung biến của GS Hoàng Tranh thành của mình.
5.Bài “Vịnh Thái Hồ”:
-GS Hoàng Tranh Chú thích: “Các hồ trên đất Trung Quốc mang tên Tây Hồ có rất nhiều. Tây Hồ trong bài thơ trên là Tây Hồ ở Hàng Châu tỉnh Chiết Giang”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Trung Quốc có nhiều hồ mang tên Tây Hồ. Tây Hồ trong bài thơ “Vịnh Thái Hồ” là Tây Hồ nằm ở phía Tây thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang”.
6.Bài “Ký Mao chủ tịch”:
-GS Hoàng Tranh chú thích: (1)“Ngày 16 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Mao Trạch Đông 73 tuổi đã bơi qua sông Trường Giang ở Vũ Hán. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng khi nghe tin đó, người đã làm bài thơ trên gửi tặng Mao Chủ tịch. Nguyên bài thơ không có đầu đề, trong tập “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh” của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội xuất bản năm 1990, đầu đề bài được đặt là “Ký Mao Chủ tịch”.
(1). Bài Ký Mao Chủ tịch” đăng trên Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) số ra ngày 9 tháng 8 năm 1966.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Ngày 16 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Mao Trạch Đông 73 tuổi đã tổ chức một cuộc bơi trên qua sông Trường Giang ở Vũ Hán (...) Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng khi nghe tin đó, người đã làm bài thơ trên gửi tặng Mao Chủ tịch. Được tin Mao Chủ tịch có cuộc bơi hiếm có, Hồ Chủ tịch đã gửi tặng Mao Chủ tịch bốn câu thơ chúc mừng. Bốn câu thơ chúc mừng đã được các bạn Trung Quốc đăng trên Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) số ra ngày 9/8/1966. Nguyên bài thơ bốn câu thơ không có đầu đề, sau này khi xuất bản trong tập Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh” của Nhà xuất bản NXB Văn học, Hà Nội xuất bản năm 1990, đầu đề bài thơ được đặt là “Ký Mao Chủ tịch” (Gửi Mao Chủ tịch).
Như thế Lê Xuân Đức đã đạo trọn hai chú thích của GS Hoàng Tranh “xào xáo” lại tí chút thành ‘đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” của ông. Thật đáng sợ!
Trên đây chỉ là một số ví dụ về cái sự đạo văn của Lê Xuân Đức. Trong “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” còn có nhiều bài Lê Xuân Đức sử dụng tư liệu của GS Hoàng Tranh nhưng không chú thích theo tài liệu nào và rất khó để “bắt lỗi” do ông chỉ lấy ý, diễn đạt lại hoàn toàn theo hành văn của mình.
Mang một cái tên rất khoa học "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" nhưng cách làm của Lê Xuân Đức lại rất phi khoa học. Đó là không trích dẫn đến nơi đến chốn nguồn tài liệu tham khảo, "lập lờ đánh lận con đen". Thậm chí Thư mục sách tham khảo ở phần cuối sách cũng không có tên một đầu sách nào khiến bạn đọc không biết nguồn tài liệu ấy ở đâu ra, có đáng tin cậy hay không. Thậm chí là nguỵ tạo như đoạn viết “có sách nói” Lưu Chiếu Lâm chính là Tôn Tử Mạc. Bởi vậy, có thể nói, "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" là một công trình phi khoa học.
Trong bài phỏng vấn của VOH (Đài tiếng nói của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) về nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Lê Xuân Đức nói: “Tôi rất vui khi nhận được giải thưởng lần này. Đây là một sự ghi nhận và đánh giá tác phẩm tôi viết "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh". Đó cũng là kết quả của 40 năm tôi nghiên cứu về thơ Bác”.
Sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" có 438 trang khổ 14,5 x 20,5, chúng tôi chỉ mới lướt qua 188/438 trang cuối sách mà đã thấy đầy rẫy những sai lầm, cẩu thả và lưu manh trong văn chương không thể chấp nhận. Kết quả 40 năm nghiên cứu về thơ Bác của Lê Xuân Đức là như vậy sao?
Chúng tôi nghĩ rằng, không ai có thể xác minh hết nguồn gốc những tư liệu Lê Xuân Đức sử dụng trong “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” đúng hay sai, khoa học hay nguỵ tạo, minh bạch hay mờ ám. Có lẽ chỉ duy nhất tác giả của nó mới có thể trả lời những câu hỏi đó.
Với tư cách độc giả, chúng tôi xin gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức cuộc “vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" câu hỏi:
-Với những sai lầm, hành vi đạo văn mà chúng tôi đã chỉ ra trong sách “"Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức, việc Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức trao giải cao nhất cho tác phẩm này là đúng hay sai ?
- Nếu là sai, Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức có thu hồi lại giải thưởng đã trao cho tác giả sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” hay không ?
-Ai phải chịu trách nhiệm về việc trao giải cho một cuốn sách có nhiều sai lầm, phi khoa học, thiếu minh bạch và vi phạm bản quyền trắng trợn như vậy ?

"KÍNH" TRONG "CỔ KÍNH" NGHĨA LÀ GÌ?







Hoàng Tuấn Công


Trong tiếng Việt, "cổ kính" là từ khá thông dụng. Tuy nhiên, việc giải nghĩa từ, từ tố của "cổ kính" trong các sách từ điển tiếng Việt còn thiếu thống nhất.


Từ điển tiếng Việt (New Era) giải thích: "Cổ kính: Cổ xưa và đáng kính • Những truyền thống cổ kính của dân tộc."

Từ điển từ và ngữ Hán Việt (GS Nguyễn Lân): "Cổ kính (cổ: xưa cũ; kính: tôn trọng) Lâu đời rồi, nhưng còn đáng tôn trọng: Những công trình kiến trúc cổ kính của ông cha để lại."

-Từ điển tiếng Việt (Nguyễn Tôn Nhan-Phú Văn Hẳn) "Cổ kính: Xưa và có vẻ trang nghiêm".


Từ điển tiếng Việt (Vietlex) "Cổ kính古敬 [tính từ] cổ và có vẻ trang nghiêm • tòa lâu đài rêu phong và cổ kính; cây đa cổ kính."


Như vậy, các sách từ điển trên đây, hoặc giải thích rõ nghĩa từ tố "kính", hoặc giải nghĩa từ "cổ kính" theo hướng "kính" nghĩa là kính trọng, trang nghiêm. Riêng Từ điển tiếng Việt (Vietlex, bản có chú chữ Hán-2015) ghi rõ mặt chữ "kính", trong "cổ kính" là 敬 (nghĩa là cung kính).


Vậy, có đúng "kính" trong "cổ kính" nghĩa là "kính trọng", cung kính không? Xin lại trích dẫn cách giải thích của một số từ điển khác.


-Hán Điển giảng nghĩa từ "cổ kính" như sau: "古勁 [simple and vigorous] [書法,繪畵等] 古朴而雄健有力•篆書古勁" Nghĩa là: "Cổ kính [có vẻ chất phác mà hùng hồn, đầy khí lực] [chỉ về thư pháp, hội họa] Có vẻ cổ phác mà hùng kiện, bút lực già dặn • Ví dụ: triện thư cổ kính".


-Từ điển Việt Hán (GS Đinh Gia Khánh hiệu đính): "Cổ kính 1.古勁, 健勁 • nét bút cổ kính. • 沉郁頓挫 (指書法) 2.古老的." Phiên âm phần chữ Hán: "Cổ kính: 1.Cổ kính, kiện kính • nét bút cổ kính • trầm úc đốn tỏa (chỉ thư pháp) 2. Cổ lão đích". Dịch nghĩa phần chữ Hán: Cổ kính: 1.Cổ kính, cứng mạnh • nét bút cổ kính • thâm hậu, hùng hồn (chỉ thư pháp) 2. Cổ xưa".


-Quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của): "Cổ kính: Sành sỏi, cứng cáp theo điệu xưa (văn chương)".


-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí tiến đức): "Cổ kính古勁 già giặn, cứng mạnh: Nét bút cổ kính."


-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ): "Cổ kính • [tính từ]. Già-giặn, mạnh-mẽ. • [danh từ]. Cái kiếng soi cũ : Đập cổ-kính ra tìm thấy bóng-Tự-Đức".


Như vậy, "kính" trong "cổ kính" 古勁 có tự hình là 勁, nghĩa là cứng mạnh, chứ không phải chữ "kính" 敬nghĩa là "tôn trọng". Trong Hán ngữ, từ "cổ kính" 古勁 thường dùng để chỉ vẻ đẹp cổ điển, thể hiện sự già dặn, hùng hồn, rắn rỏi, đặc biệt là trong thư pháp, hội họa. Với tiếng Việt, nghĩa của "cổ kính" 古勁 rộng hơn, hiện nay chủ yếu dùng để mô tả những sự vật, công trình kiến trúc cổ có dáng vẻ già nua, rêu phong, trầm mặc.
Còn "cổ kính" 古鏡 (danh từ), nghĩa là "gương xưa", trong thơ của vua Tự Đức: "Đập cổ kính ra tìm thấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi", tự hình là kính 鏡 khác với hai chữ "kính" 勁 trong "cổ kính" 古勁, và kính 敬trong cung kính 恭敬.

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

VÌ LỊCH SỬ VÀ CÔNG LÝ, CHÚNG TÔI LÊN TIẾNG




Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là “Vụ án Xét lại chống Đảng”, một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.

Nhà văn Vũ Thư Hiên thay mặt nhóm để lên tiếng, vào đúng ngày 27/7/2017

Lấy nguyên về Fb Vũ Thư Hiên.

---




VÌ LỊCH SỬ VÀ CÔNG LÝ, CHÚNG TÔI LÊN TIẾNG
Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là “Vụ án Xét lại chống Đảng”, một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ.

Năm 1956, tại Đại hội 20 Đảng cộng sản Liên Xô, Bí thư thứ nhất Nikita Khrushev đã đọc báo cáo quan trọng về chống tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương “cùng tồn tại trong hoà bình” giữa hai hệ thống cộng sản và tư bản. Đường lối mới đã được hầu hết các đoàn đại biểu tán đồng tại Đại hội các đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Moskva với 81 thành viên tham dự năm 1960.
Đoàn đại biểu Đảng Lao Động (Cộng sản) Việt Nam (viết tắt theo tên mới ĐCSVN) do Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh cùng với Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và các ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh tham dự đã ký vào bản Tuyên bố chung Hội nghị trên. Đường lối mới này đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kịch liệt lên án, gọi là “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”.

Sự thay đổi trong nhận định về quan hệ quốc tế đã phân hoá nội bộ một số đảng cộng sản. Trong ĐCSVN cũng xuất hiện hai luồng quan điểm khác nhau. Một bên ủng hộ “cùng tồn tại trong hoà bình”, phản đối sự rập khuôn đường lối giáo điều tả khuynh của ĐCSTQ, mở rộng dân chủ trong đảng cũng như trong xã hội, chủ trương hòa bình thống nhất đất nước, phát triển kinh tế đa thành phần.
Bên kia, theo đường lối của ĐCSTQ, chủ trương chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại”, duy trì xã hội chuyên chính phi dân chủ, đẩy mạnh cải cách xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế kinh tế thị trường, kiên định chủ trương thống nhất đất nước bằng bạo lực.
Cuộc đấu tranh trong nội bộ diễn ra âm thầm nhưng căng thẳng đã kết thúc bằng nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 ĐCSVN họp năm 1963, đi ngược lại Tuyên bố chung Maskva 1960 đã được đoàn đại biểu Việt Nam long trọng ký kết. Nghị quyết 9 (phần đối ngoại), về thực chất là bản sao đường lối của ĐCSTQ đã khởi đầu cho cuộc trấn áp những đảng viên bất đồng chính kiến bị chụp mũ “chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Cần lưu ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh không tham gia biểu quyết nghị quyết này.

Toàn văn Nghị quyết 9 được giữ trong tình trạng tuyệt mật, nhưng nội dung tinh thần được phổ biến cho các đảng viên và trí thức. Vì có quá nhiều tranh cãi nội bộ nên Đảng tuyên bố cho phép bảo lưu ý kiến khác biệt. Thái độ cởi mở này chỉ là biện pháp để phát hiện những người không tán thành.
Nhiều ý kiến bất đồng được biểu lộ công khai như những bài viết của các ông Hoàng Minh Chính - Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, ông Trần Minh Việt, phó Bí thư Thành ủy kiêm phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội. Những tâm thư của nhiều đảng viên lão thành gửi đến Bộ Chính trị, phản đối đường lối đối ngoại thân Trung Quốc, tranh luận về đường lối giải phóng miền Nam bằng bạo lực, nóng vội trong cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa và tất cả các ý kiến phát biểu trái chiều tại các cuộc học tập đều được thu thập để rồi trấn áp khốc liệt vào cuối năm 1967.

DIỄN BIẾN SỰ KIỆN.

ĐCSVN gọi tắt vụ án này là “Vụ Xét lại chống Đảng” diễn ra năm 1967, nhưng đến tháng 3 năm 1971 mới báo cáo Bộ Chính trị, tháng 1 năm 1972 mới đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 20 (khóa III). Theo ông Nguyễn Trung Thành (vụ trưởng Vụ Bảo vệ đảng thuộc Ban tổ chức Trung ương) là người trực tiếp thi hành thì Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ nhân danh Bộ Chính trị chỉ đạo việc bắt giữ và giam cầm.

Chiến dịch khủng bố đã bắt đầu vào ngày 27 tháng 7 năm 1967 và kéo dài bằng các cuộc bắt bớ, giam cầm, quản chế nhiều năm các cán bộ trung cao cấp mà không hề xét xử hay tuyên án.

Những người bị giam cầm nhiều năm gồm có:
- Hoàng Minh Chính tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, tổng thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, viện trưởng Viện Triết học.
- Đặng Kim Giang, thiếu tướng phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội, thứ trưởng Bộ Nông Trường.
- Vũ Đình Huỳnh bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vụ trưởng vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, vụ trưởng Ban thanh tra Chính phủ .
- Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng Cục 2 (Cục Tình báo quân đội).
- Lê Minh Nghĩa, chánh văn phòng Bộ Quốc phòng.
- Đỗ Đức Kiên, đại tá cục trưởng Cục tác chiến.
- Hoàng Thế Dũng, tổng biên tập Báo Quân đội Nhân Dân.
- Nguyễn Kiến Giang, tỉnh ủy viên tỉnh ủy Quảng Bình, phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật.
- Trần Minh Việt phó bí thư Thành ủy Hà Nội, phó Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính thành phố Hà Nội. Vụ trưởng vụ Tài vụ Bộ Công nghiệp nhẹ.
- Phạm Viết phó tổng biên tập Báo Thời Mới (sau sáp nhập vào tờ Thủ đô Hà Nội thành tờ Hà Nội Mới).
- Nguyễn Thị Ngọc Lan, giảng viên tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, vợ ông Phạm Viết.
- Phạm Kỳ Vân phó tổng biên tập Tạp chí Học Tập.
- Trần Thư, tổng thư ký báo Quân Đội Nhân Dân.
- Hồng Sĩ, trung tá Công an, đặc trách công tác phản gián, Hải Phòng.
- Trần Châu nhà báo, Việt Nam Thông tấn xã.
- Lưu Động nhà báo, trưởng ban Nông nghiệp Báo Nhân Dân.
- Vũ Thư Hiên nhà báo, báo Ảnh Việt Nam, (con trai cả ông Vũ Đình Huỳnh, không đảng).
- Huy Vân, đạo diễn điện ảnh.
- Phan Thế Vấn, bác sĩ, nguyên cán bộ nội thành Hà Nội.
- Vũ Huy Cương biên kịch điện ảnh (không đảng).
- Nguyễn Gia Lộc, cán bộ nghiên cứu Viện Triết học.
- Phùng Văn Mỹ, cán bộ nghiên cứu Viện Triết học.
- Bùi Ngọc Tấn, nhà báo (không đảng).
… và nhiều người khác không phải đảng viên cũng bị đảng Cộng sản Việt Nam trấn áp với nhiều mức độ khác nhau.

Những cán bộ cấp cao không bị bắt nhưng bị khai trừ Đảng là:
- Ung Văn Khiêm bộ trưởng bộ Ngoại giao.
- Bùi Công Trừng chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
- Nguyễn Văn Vịnh thứ trưởng bộ Quốc phòng.
- Lê Liêm thứ trưởng bộ Văn hóa.
- Minh Tranh, phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật.

Một số người đang học tập, công tác ở Liên Xô đã ở lại tỵ nạn như:
- Lê Vinh Quốc đại tá Chính ủy sư đoàn 308
- Nguyễn Minh Cần phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội
- Đỗ Văn Doãn tổng biên tập Báo Quân đội Nhân Dân.

Nhiều người không bị bắt giam đã bị đày ải, trù dập như các ông:
- Minh Tranh phó giám đốc Nhà Xuất bản Sự Thật,
- Các nhà báo Đặng Đình Cẩn, Mai Hiến, Trần Đĩnh, Mai Luân
… Và rất nhiều người khác nữa.

Trong cuộc trấn áp được mở rộng, bất kỳ người nào có quan điểm ít nhiều khác với đường lối của đảng, đều bị quy kết là “xét lại” và bị trừng phạt với những mức độ khác nhau.
Sự trừng phạt nặng nề còn tiếp diễn vào cuối thập niên 90 đối với ông Nguyễn Trung Thành, người trực tiếp thụ lý vụ này khi ông cùng ông Lê Hồng Hà (Chánh văn phòng Bộ Công an) viết kiến nghị đề nghị Bộ Chính trị xem xét giải oan cho các nạn nhân.

NHỮNG NĂM THÁNG TÙ ĐẦY OAN ỨC VÀ HỆ LỤY

Người được coi là “đầu vụ” là ông Hoàng Minh Chính. Ông bị qui tội vì đã gửi cho hội nghị Trung ương hai bản kiến nghị, bản thứ nhất phê phán Bộ Chính trị đã từ bỏ nguyên tắc đồng thuận với bản Tuyên bố Moskva 1960, bản thứ hai phê phán đường lối quốc tế sai trái của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Lần đầu, ông bị bắt tù 6 năm rồi quản chế tại gia. Lần thứ hai ông bị bắt giam từ 1981 đến 1987. Lần thứ ba từ 1995 đến 1996. Tổng cộng ông bị 12 năm tù giam và 8 năm quản chế. Là một sĩ quan thương binh, trong thời gian đó, ông phải chịu nhục hình và những hành vi xúc phạm nhân phẩm.
Các ông Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh bị qui là hai người trong “ba kẻ đầu vụ”. Cả hai cùng với ông Trần Minh Việt,… bị giam 6 năm và chịu thêm 3 năm lưu đầy biệt xứ, ở những địa phương khác nhau. Khi bị bắt, họ bị giam tại xà lim Hỏa Lò, bị cùm chân và trong phòng giam không có ánh sáng. Nơi giam cầm các ông trong nhiều năm đều là các khu biệt giam, không được giao tiếp với bất kỳ ai.
Ông Đặng Kim Giang cũng bị bắt lần thứ hai năm 1981, trên đường đi đến khu biệt giam ở Nam Định thì lên cơn nhồi máu cơ tim phải đưa thẳng vào bệnh viện công an và bị giam giữ tại đây cho đến khi bệnh tình nguy kịch, trả về nhà một thời gian thì mất.
Người bị giam lâu thứ hai là ông Vũ Thư Hiên, với 9 năm giam liên tục trong các nhà tù và trại tập trung, có những năm bị giam chung với tù hình sự.
Ông Phạm Viết, năm 1967 đang nghỉ công tác dài hạn để điều trị bệnh tim thì bị bắt, giam vào xà lim Hỏa Lò. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, vợ ông Viết người từng bị bắt 3 lần khi hoạt động nội thành Hà nội trong kháng chiến chống Pháp, là người phụ nữ duy nhất trong vụ này đã bị tù 2 năm rưỡi vì tội không giao nộp bản luận văn phó tiến sĩ “Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam” của ông Trần Minh Việt viết tại trường đảng Liên Xô. Bản này lúc đó bị vu cho là “bản cương lĩnh chính trị của tổ chức chống Đảng.”
Thương tâm nhất trong vụ này là ông Phạm Kỳ Vân, phó tổng biên tập tạp chí Học Tập. Ông Kỳ Vân bị bắt khi đang điều trị sơ gan cổ chướng, bệnh tình trở nên trầm trọng, ông được tha về để chết. Vợ ông bị chết đuối, con gái đi Thanh niên Xung phong hy sinh trên đường Trường Sơn, con gái khác chết khi sinh nở. Người con trai út tuyệt vọng treo cổ tự vẫn. Cả gia đình không một người nào còn sống.
Còn rất nhiều người khác bị trấn áp theo nhiều cách khác nhau mà chúng tôi không thể kể ra hết: bị quản thúc với những cấm đoán ngặt nghèo, bị đưa đi cải tạo lao động, bị tước quyền công dân, tước bỏ các chính sách đãi ngộ. Họ bị đuổi khỏi cơ quan, đơn vị công tác và còn bị cấm họ làm cả những nghề kiếm sống thông thường như sửa chữa máy thu thanh, làm việc trong các cơ sở in ấn, sửa chữa đồng hồ, kể cả chữa xe đạp hay cắt tóc.
Ban tổ chức Trung ương còn có chủ trương phân biệt đối xử với con em, gia đình những người bị đàn áp: không được kết nạp vào đảng, không được đề bạt lên vị trí quản lý, không được học các trường đại học được coi là quan trọng, ngoài các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thư viện…, không được cử đi công tác học tập nước ngoài, không được phân công về công tác tại Hà Nội và làm việc tại các bộ ngành trung ương, cơ quan quan trọng.
Hàng trăm lá đơn khiếu oan, về thực chất là những thư tố cáo đã được gửi tới các cơ quan công quyền cao nhất của nhà nước và đảng cộng sản trong suốt 50 năm qua, yêu cầu xét xử trước một phiên tòa công minh, đòi công khai vụ việc trước dư luận, bồi thường cho những thiệt hại về vật chất, tổn thương về tinh thần, phục hồi danh dự cho các nạn nhân… Tất cả những đòi hỏi chính đáng ấy chỉ được trả lời bằng sự im lặng.

NHẬN ĐỊNH CỦA NHỮNG NẠN NHÂN CÒN SỐNG VÀ THẾ HỆ KẾ TIẾP.

50 năm đã trôi qua kể từ khi những nạn nhân đầu tiên của vụ “xét lại chống Đảng” bị bắt ngày 27 tháng 7 năm 1967. Các ông Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang và nhiều người khác đã qua đời, mang theo đau thương và uất hận. Những người gây ra tấn thảm kịch lớn nhất trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam – Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Trường Chinh… cũng đã chết.

Liên Xô, và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tan rã. Trung Quốc và Việt Nam tuy danh xưng là xã hội chủ nghĩa nhưng trong thực tế đang đương đầu với các thách thức của giai đoạn tư bản bán khai, trước mọi tệ nạn như hối mại quyền thế, tham nhũng, lạm dụng luật pháp, chênh lệch giàu nghèo, vi phạm quyền dân chủ,… chưa từng có.

Vụ “Xét lại chống Đảng” cũng như nhiều vụ án oan đã xảy ra trong quá khứ như: Cải cách ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, Cải tạo tư bản tư doanh, Hợp tác hóa, tập trung cải tạo những người tham gia quân lực và chính quyền Việt Nam Cộng hòa… chưa được các thế hệ cầm quyền kế tiếp chính thức sửa sai và nghiễm nhiên cho rằng việc xử lý trước đây là đúng.

50 năm là một thời gian quá dài cho những oan ức và bất công. Khi sự kiện này xảy ra, những người cầm quyền hiện nay còn quá trẻ, thậm chí có người còn chưa ra đời, hiển nhiên không phải là thủ phạm nhưng họ không thể phủi tay cho rằng mình không có trách nhiệm giải quyết những vụ việc xảy ra trong quá khứ. Là chính quyền kế thừa, họ phải có trách nhiệm với những việc còn tồn tại theo đúng pháp luật, sòng phẳng với lịch sử. Đó là điều phải làm nếu họ còn có ý muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và lấy lại niềm tin của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân ông Đặng Kim Giang, bà Lê Hồng Ngọc, phu nhân ông Hoàng Minh Chính, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, phu nhân ông Phạm Viết, người phụ nữ duy nhất bị tù trong vụ này, ông Vũ Thư Hiên, ông Phan Thế Vấn và nhiều nhân chứng khác còn sống trong vụ này hiện đều đã ở tuổi gần đất xa trời. Những nhân chứng cuối cùng rồi cũng sẽ không còn, nhưng ký ức về vụ trấn áp sẽ còn sống mãi với thời gian.

Lịch sử không thể bị tẩy xoá.
Con cháu những nạn nhân đó dù chỉ là những đứa trẻ khi cha anh bị bắt, chẳng biết “xét lại” là gì, nhưng cũng nếm đủ những khổ cực của cuộc trấn áp tàn bạo nhắm vào thành viên gia đình những người không chịu cúi đầu. Đến nay, họ cũng đã về già nhưng mãi mãi không thể nào quên được những năm tháng đau thương ấy.
Cho tới nay chúng tôi vẫn còn như thấy trước mắt hình ảnh tướng Đặng Kim Giang, chỉ huy hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, nằm trong chiếc quan tài hở hoác dưới ngôi nhà tranh dột nát ở ngõ Chùa Liên Phái. Bà vợ ông vừa khóc vừa giã gạch non trộn với cơm nếp, trát kín những kẽ hở của chiếc quan tài ấy.

Chúng tôi không thể quên hình ảnh ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên Bí thư của chủ tịch Hồ Chí Minh, thành viên Việt Nam Cách mạng Đồng chí hội từ năm 1925, trước khi ĐCSVN ra đời, bị công an dùng dây thừng trói giật cánh khuỷu khi còng sắt bập vào cổ tay ứa máu mà không vừa. Khi đó ông đã về hưu được vài năm.
Chúng tôi không thể quên nấm mồ của ông Phạm Viết, nằm cô quạnh trên sườn đồi heo hút ở cạnh nhà tù Phú Sơn, Thái Nguyên. Ông là người sỹ quan thương binh đã chiến đấu nhiều năm quên mình trong nội thành Hà Nội. Ở tuổi 44, ông lìa đời mà không được có một người thân bên cạnh dù vợ con đã khẩn thiết yêu cầu được chăm sóc ông những ngày cuối đời.
Chúng tôi mãi mãi không thể quên những gì đã thấy, đã biết, đã ghi nhớ.
Và nhân đây chúng tôi cũng muốn gửi tới rất nhiều người đã đồng cảm và giúp đỡ chúng tôi trong suốt nửa thế kỷ qua lời cảm ơn chân thành. Sự chia sẻ trong tình người dù âm thầm hay công khai đã giúp chúng tôi có thêm nghị lực sống.
Bản lên tiếng này cũng là một nén hương muộn cho những nạn nhân đã khuất. Nhưng máu thịt của họ, tinh thần của họ vẫn còn đây, trong chúng tôi.
Chúng tôi cũng gửi bản lên tiếng này tới các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước để nói rằng những thế hệ nối tiếp của các nạn nhân trong “vụ Xét lại chống Đảng” sẽ còn tiếp tục lên tiếng cho tới khi vụ này được công khai trước toàn dân, cho tới khi lẽ công bằng được lập lại cho những nạn nhân còn sống và đã khuất.
Trước sau, lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng.

Hà Nội, ngày 27.7.2017

Dưới đây là danh sách những nạn nhân còn sống và gia đình cũng như thân nhân các nạn nhân đã khuất cùng ký tên vào bản lên tiếng này. Danh sách này còn kéo dài do không có điều kiện liên hệ trực tiếp.
- Bà Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân ông Đặng Kim Giang và gia đình.
- Bà Lê Hồng Ngọc, phu nhân ông Hoàng Minh Chính và gia đình.
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, phu nhân ông Phạm Viết và gia đình
- Bà Đinh Thị Bích Đào, phu nhân ông Phùng Văn Mỹ và gia đình.
- Bà Nguyễn Thị Oanh, phu nhân ông Lưu Động (tên thật là Nguyễn Xuân Canh) và gia đình.
- Ông Vũ Thư Hiên, con trai ông Vũ Đình Huỳnh và gia đình.
- Ông Phan Thế Vấn và gia đình.
- Ông Trần Đĩnh và gia đình
- Ông Trần Việt Trung, con trai ông Trần Châu và gia đình.
- Bà Minh Sơn, con gái ông Trần Minh Việt và gia đình
- Nguyễn Thị Giáng Hương, con gái ông Trần Thư và gia đình.

…………………

Nơi gửi :
Gửi tới mọi người Việt Nam và các ông, bà :
- Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam
- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
- Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam,
- Ông Nguyến Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

https://www.facebook.com/thuhienvu222222/posts/10213606819748618


Chú thích ( nguồn Wikipedia)
Vũ Thư Hiên sinh ngày 18 tháng 10 năm 1933 tại Hà Nội, cha là Vũ Ðình Huỳnh và mẹ là Phạm Thị Tề đều là thành viên của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tiền thân của Ðảng Cộng sản Ðông Dương.
Ông thuở nhỏ đi học, hay vào Phủ chủ tịch chơi, được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu mến, hay nhờ những việc lặt vặt.
Năm 1946, đi ca hát, đóng kịch trong một đội Tuyên truyền xung phong.
Năm 1949, đi bộ đội.
Năm 1953, công tác trong lĩnh vực điện ảnh.
Từ 1955 đến 1958, đi học viết kịch bản điện ảnh tại Liên Xô.
Năm 1959, làm việc cho Xưởng phim Việt Nam tại Hà Nội.
Năm 1960, làm biên tập viên và phóng viên Báo Ảnh Việt Nam.
Từ năm 1967 đến 1976, trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, ông bị chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bí mật bắt và giam giữ sau khi đã bắt cha ông (Vũ Ðình Huỳnh) 2 tháng trước đó. Công an chìm bắt giữ ông lên ôtô và đưa về nhà tù Hỏa Lò ngay trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội. Mãi về sau gia đình ông mới hay tin. Ông bị giam 9 năm, trong đó bị giam trong xà lim cá nhân bốn năm rưỡi, qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây) và Tân Lập (Phú Thọ), Phong Quang (Hoàng Liên Sơn). Chính quyền thả ông không án cũng như không xét xử.
Ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của chính quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam.
Năm 1977, làm công nhân cao su.
Năm 1979, làm kỹ thuật hóa.
Năm 1989, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 1991, làm kinh doanh.
Năm 1993, ông qua Nga với tư cách phiên dịch cho công ty xuất nhập khẩu Vũng Tàu-Côn Đảo VIECO (hợp tác với tổ hợp Minh Phụng) rồi ở lại làm đại diện cho công ty ở Moskva. Tại đây ông bắt đầu viết cuốn hồi ký Đêm giữa ban ngày về chín năm bị giam cầm, trong đó ông muốn chia sẻ với người đọc những điều suy ngẫm về mô hình nhà nước chuyên chính vô sản.
Cuối năm 1995, sau một vụ tấn công mà ông cho là của mật vụ VN, ông thấy không thể ở Moskva lâu hơn nữa, nên tìm cách qua Ba Lan. Ðến cuối năm 1996, sau một chuyến đi Paris, trở về Ba Lan ông được mật báo về tình hình nguy hiểm có thể xảy ra cho ông nếu nấn ná ở lại nước này để hoàn thành cuốn hồi ký[cần dẫn nguồn]. Do đó ông quyết định qua tỵ nạn tại Pháp. Tại đây, ông đã hoàn thành tập hồi ký Đêm giữa ban ngày.
Năm 1997, xuất bản hồi ký Đêm giữa ban ngày tại Hoa Kỳ vào tháng 4.
Ông ở Strassbourg (Pháp) 1 năm, Bern (Thuỵ Sĩ) 1 năm, Đức 2 năm (2000-2001) sau khi đến Pháp theo lời mời của International Parliament of Writers, German PEN Club và Uỷ ban Nhân quyền thành phố Nuremberg[2]

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Có những phân tích chỉ ra rằng cuốn hồi ký Đêm giữa ban ngày có nhiều tình tiết mà Vũ Thư Hiên đã hư cấu để nâng cao uy tín của cá nhân cha con ông, hoặc hạ thấp uy tín những người có mâu thuẫn với gia đình ông, ví dụ như:
  • Trong "Ðêm giữa ban ngày", Vũ Thư Hiên nói rằng ông quen và được kính nể bởi nhiều cán bộ cao cấp, tướng lãnh, các nhà văn tên tuổi. Nhưng chuyện này là vô lý vì lúc đó, Vũ Thư Hiên chỉ là một phóng viên trẻ khoảng 30 tuổi, không thể có chuyện các nhân vật cao cấp lại chia sẻ với ông nhiều câu chuyện "bí mật" mà ông viết trong cuốn hồi ký này. Việc nhắc đến các nhân vật quan trọng đó có thể là để nâng cao "uy tín" của các câu chuyện mà Vũ Thư Hiên tự kể trong cuốn hồi ký[3]
  • Vũ Thư Hiên viết rằng ông đi xem bói, thầy bói bảo cha ông là người Tính ra thì thời Tây Tây bắt, thời Nhật Nhật bắt, đến đời ta cũng không yên. Con người sao mà khốn khổ thế! cương cường quá, thẳng thắn quá, nên mới bị tại vạ. Cự môn đắc địa gặp Hỏa tinh, Thất sát...". Trong tử vi, Cự môn không thể gặp Thất sát, nhân vật thày bói của Vũ Thư Hiên nhiều khả năng là hư cấu[4]
  • Trang 232, Vũ Thư Hiên viết "Vào những năm này, những cựu tù nhân Sơn La kể lại, Lê Đức Thọ một hồi được Cousso lấy ra làm tạp dịch tại nhà y... Nhưng cả hai (Vũ Đình Huỳnh và Tướng Ðặng Kim Giang) im lặng. Với một Lê Đức Thọ quyền sinh sát như thế, giữ im lặng là phải". Tuy nhiên, ở thời điểm năm 1960 (thời điểm mà Vũ Thư Hiên nói rằng câu chuyện này diễn ra), thì Lê Đức Thọ mới chỉ là ủy viên trung ương, là phó của Lê Văn Lương (ủy viên dự khuyết bộ chính trị) về công tác tổ chức. Với chức vụ đó thì không thể có chuyện Lê Đức Thọ có "quyền sinh sát" như Vũ Thư Hiên viết được[5]
  • Vũ Thư Hiên đã "tự thăng cấp" cho nhiều nhân vật bị bắt trong vụ án mà ông có dính líu để người đọc nghĩ vụ án đó thêm phần quan trọng. Chẳng hạn, Lê Liêm, Bùi Công Trừng.... chỉ là ủy viên dự khuyết trung ương thì Vũ Thư Hiên lại viết thành ủy viên trung ương chính thức. Nguyễn Minh Cần chỉ là phó chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội, đã bỏ sang Liên Xô từ mấy năm trước thì được ông Hiên gán cho chức danh "Phó Bí thư thành ủy Hà Nội"[6]

Đạo hiếu và nhà Chu



Sách Luận ngữ có câu: Tử viết: Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.


Câu này về sau được một tác giả thời Thanh quảng diễn thành bài thơ Đệ tử quy:

Phép người con, Thánh nhân dạy
Hiếu đễ trước, kế cẩn tín.
Yêu bình đẳng, gần người nhân
Có dư sức, thì học văn…


Sách về Đệ tử quy của TS Thái Lễ Húc ngày nay giảng đoạn kinh “nhập môn” này như sau:
Chúng ta hồi tưởng lại lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc triều đại nào có lịch sử lâu nhất, quốc vận hưng thịnh nhất. Đó là triều nhà Chu. Bao nhiêu năm vậy? 800 năm. Vậy xin hỏi: Tại vì sao triều nhà Chu có thể kéo dài đến được 800 năm? Dựa vào cái gì vậy? “Hiếu” và “Đễ”. Chúng ta chỉ đọc qua “Triều nhà Chu 800 năm”, biết được lẽ đương nhiên mà không biết được sở dĩ nhiên…
Triều nhà Chu, khai quốc là Chu Văn Vương, Chu Võ Vương. Ông nội của Chu Văn Vương là Thái Vương. Thái Vương sinh ra ba người con trai, anh cả là Thái Bá, anh thứ hai là Trung Dung, người thứ ba là Vương Quý. Vương Quý sinh ra Chu Văn Vương. Chu Văn Vương lại sinh ra Chu Võ Vương và Chu Công. Khi Chu Văn Vương mới được sinh ra, Thái Vương vừa nhìn thấy đã cảm thấy Chu Văn Vương có tướng Đế Vương, có tướng Thánh Chủ. Thế nhưng phụ thân của Chu Văn Vương xếp ở hàng thứ ba. Kết quả là bác lớn và bác kế của ông nhận ra khi phụ thân thấy cháu nội thì trên mặt vui vẻ, họ hiểu rõ phụ thân của họ muốn đem ngôi vua truyền cho đứa cháu nội này. Các bác rất hiểu tâm cảnh của phụ thân, cho nên họ không nói không rằng, dựa vào lý do giúp phụ thân đi hái thuốc, liền cùng hẹn nhau với em kế của ông là Trung Dung cùng nhau đi lên núi. Sau khi đi rồi thì họ không trở lại nữa. Bởi vì họ hy vọng phụ thân có thể làm tốt được ý nguyện của mình, không cần phải bận lòng bởi họ là con lớn, để có thể trực tiếp truyền ngôi cho Vương Quý là con trai thứ ba, sau đó Vương Quý truyền ngôi cho Chu Văn Vương.


Ở đoạn này TS Thái Lễ Húc nói chưa hết thông tin. Thái Vương nhà Chu là Cổ Công Đản Phụ có 3 người con: Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch (Vương Quý). Trong cách gọi tên xưa thì con cả là Thái (Mạnh), con thứ là Trọng, con thứ ba là Quý. Thái Bá và Trọng Ung đã hiểu ý cha, cùng nhau rời đi, nhưng không phải lên núi mà là đi về vùng đất Kinh. Về sau Thái Bá là vị vua khởi đầu của nước Ngô là Ngô Thái Bá. Thái Bá mất, không có con nên em là Trọng Ung lên tiếp ngôi.


Chu Văn Vương đối với phụ thân của ông là Vương Quý đều là sáng sớm, buổi trưa, buổi tối, một ngày ba lần thăm hỏi, nên gọi là “thần hôn định tỉnh” (sáng thăm tối viếng). Ba lần thăm viếng phụ thân, vừa đến thì xem thần sắc của phụ thân, tiếp theo là xem tình hình ăn uống của phụ thân. Nếu như phụ thân ăn uống được rất tốt, ông liền cảm thấy rất là an tâm. Nếu như phụ thân ăn được rất ít thì ông rất lo lắng. Do bởi có được thân giáo như vậy, cho nên con trai của ông là Võ Vương và Chu Công cũng học được rất tốt. Chu Võ Vương cũng rất là hiếu kính đối với Chu Văn Vương. Có một lần Chu Văn Vương bị bệnh, Chu Võ Vương hầu ở bên cạnh mười hai ngày không hề cởi áo giải đãi, mũ trên đầu cũng không lấy xuống, hầu hạ phụ thân ông mười hai ngày nghiêm túc. Do bởi hiếu tâm như vậy, phụ thân ông rất mau khỏi bệnh…
Có một lần Chu Võ Vương bị bệnh, Chu Công liền ở ngay trước mặt của tổ tông họ, vào lúc đó gọi là Thái miếu, viết ra một văn kỳ thọ, mong cầu giảm bớt đi thọ mạng của chính mình để cho huynh trưởng của ông có thể trường thọ… Cho nên khi Chu Công đọc xong văn kỳ thọ, chí thành có thể cảm thông, vì vậy sức khỏe của Chu Võ Vương liền được hồi phục. Bài văn cầu thọ này còn để ở trong Thái miếu.
Trải qua một khoảng thời gian, Chu Võ Vương qua đời, tiếp theo là Chu Thành Vương kế vị. Chu Công giúp đỡ ông. Bởi vì Thành Vương vẫn còn trẻ, kết quả Chu Võ Vương giúp Chu Thành Vương chọn được mấy vị thầy giáo, Thái sư là Khương Thái Công, Thái Bảo chính là Chu Công.


Chỗ này cần chỉnh lại thông tin một chút. Thái sư của Chu Thành Vương là Chu Công. Còn Thái bảo là Thiệu Công. Khương Thái Công Lã Vọng không làm thầy vua Chu Thành Vương vì có lẽ ông đã quá già sau cuộc chiến với Trụ Vương (lúc Văn Vương gặp Lã Vọng thì ông đã 80 tuổi) và ông đã về cai quản đất phong của mình là nước Tề, không ở trong triều đình Chu nữa.


Vào lúc đó quốc gia có những lời giảo ngôn, đều nói là: “Có phải Chu Công muốn đoạt lấy thiên hạ hay không?”. Có rất nhiều lời đồn đại như vậy. Chu Công không đợi cháu của ông lên tiếng. Chính ông tự mình dời đến Sơn Đông, để cho cháu ông dễ làm người, không nên bị những lời sàm ngôn này ảnh hưởng… Sau này Thành Vương xem được sắc thư của ông trong chiếc rương quý mới hiểu rõ lòng trung thành và nhiệt tình của ông, rất hối hận và sai người đi đón ông về.


Đoạn này cũng có điều cần bàn. Các tư liệu khác nói rằng khi bị tiếng oan Chu Công đã dời đến nước Sở, chứ không phải Sơn Đông. Các sử gia sau nay cho rằng vì Chu Công được phong ở nước Lỗ nên ông lui về ở nước Lỗ ở vùng bán đảo Sơn Đông mới hợp lý. Thực ra Chu Công không về nước Lỗ vì nước Lỗ đã có con của ông là Lỗ Bá Cầm cai quản. Nơi Chu Công lui về chỉ có thể là Lạc Ấp – Đông Đô của nhà Chu, nơi an trí đám ngoan dân của nhà Thương sau cuộc nổi loạn của Vũ Canh. Lạc Ấp thì tất nhiên không phải ở Sơn Đông. Nhưng tại sao các sách lại chép thành Chu Công lui về nước Sở?
Chu Công không có liên quan gì đến nước Sở của Sở Hùng ở vùng sông Dương Tử cả. Gọi là Sở bởi Sở = Sủy = Thủy = Nước = Nác = Lạc. Nước Sở ở đây tức là đất Lạc hay Lạc Ấp, Lạc Việt. Nơi Chu Công lui về là vùng Lạc Việt, hay Bắc Việt ngày nay.
Các sách giảng về câu của Khổng Tử trong Luận ngữ đã lấy chuyện khởi đầu của nhà Chu làm gương về hiếu đễ. Có lẽ Khổng Tử còn sống cũng sẽ lấy chuyện này mà giảng vì ông đánh giá rất cao nhà Chu, thường nói mình “nằm mộng gặp Chu Công”. Cách ứng xử của các vị vua đầu triều Chu thực sự là tấm gương sáng ngàn đời về đạo hiếu đễ.




Thật trùng khớp khi câu chuyện về đạo hiếu này cũng in đậm trong truyền thuyết Việt. Đó là câu chuyện chàng Lang Liêu, không phải là con cả của vua Hùng, nhưng nhờ có tấm lòng hiếu thảo động tới trời nên đã làm ra bánh chưng bánh dày, thành kính dâng lên thờ cúng cha mẹ và tiên tổ và được truyền ngôi báu của nước Văn Lang.
Lang Liêu chế ra bánh chưng bánh dày không ai khác chính là Chu Văn Vương. Văn Vương là người đã viết ra Kinh Dịch, được truyện Việt Nam kể hình tượng hóa bằng bánh chưng bánh dày – bánh trăng bánh giời hay đạo Âm Dương. Chi tiết Lang Liêu được nhận ngôi mà không phải là con cả tương tự chuyện Thái Bá và Trọng Ung nhường lại ngôi cho Vương Quý.
Tác giả Đệ tử quy đã hơi quá khi sửa câu nói của Khổng Tử từ “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ” thành “Thủ hiếu đễ”. Khổng Tử không nói lấy Hiếu làm đầu, làm căn bản, vì mô hình con người quân tử của Khổng Tử rộng hơn, bao trùm hơn đạo Hiếu. Hiếu đễ là quan trọng hàng đầu đối với nhân sinh hạnh phúc. Nhưng để thành nghiệp cho một vương triều 800 năm thì không thể thiếu những phẩm chất được kể sau: “Cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”.
Chu Văn Vương khi là Tây Bá hầu của nhà Ân đã được biết là người rất có “thánh đức”, được lòng nhân dân và các chư hầu. Trong khi đó Trụ Vương ngày càng bạo ngược, lòng người ngày càng nghiêng về hướng Tây. Thánh đức của Văn vương chính là từ đức tính “phiếm ái chúng” (yêu tất cả), thể hiện ví dụ như bằng hình tượng con Lân, biểu tượng của nhà Chu: Chân con lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống. Hình tượng này rất đúng với tư tưởng “phiếm ái chúng” của Khổng Tử.
Chu Văn Vương cũng là điển hình cho đức “nhi thân nhân” (gần người nhân) trong câu chuyện Văn Vương gặp Lã Vọng. Lã Vọng vốn là một ông lão cao tuổi, đóng vai một người câu cá ven đường khi gặp Văn Vương. Thế mà Văn Vương đã mời ông về giúp sức, gây dựng cơ nghiệp cho nhà Chu. Lã Vọng sau được phong là Khương Thái Công, người cầm đầu quân đội nhà Chu tiến đánh, tiêu diệt Trụ Vương. Sự tích Văn Vương gặp Lã Vọng là một điển hình về tinh thần “cầu hiền” xưa.




Truyền thuyết Việt cũng có chuyện “cầu hiền” tương tự. Đó là khi giặc Ân tấn công nước ta (cũng là Ân – Trụ Vương), vua Hùng cho sứ giả đi loan tin khắp nơi tìm người tài giỏi giúp nước. Ở làng Phù Đổng có cậu bé ba tuổi xung phong ra diệt giặc được vua cho đúc gậy sắt, ngựa sắt, nón sắt… Tinh thần cầu hiền ở chỗ không nề hà gì việc là cậu bé hay ông lão. Cứ có tài năng là được giao trọng trách.
Chuyện Thánh Dóng và Lã Vọng đánh giặc Ân là cùng một chuyện. Dóng = Vọng. Có lẽ Thánh Dóng thọ 103 tuổi như Lã Vọng mới đúng, bỏ đi 100 thành còn 3 tuổi. Thánh Dóng đánh giặc Ân ở Vũ Ninh là chuyện Khương Thái Công Lã Vọng giúp Vũ Vương phạt Trụ diệt Ân.
Câu “hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” ở đây có thể hiểu là tùy theo năng lực mà học lấy tri thức. “Văn” ở đây không phải là văn nghệ, văn hóa. Hiểu vậy thì tư tưởng của Khổng Tử thành tầm thường quá: Có thời gian rảnh thì đi xem văn nghệ?!
Văn của thời kỳ này là kiến thức khoa học, mà thời này được đúc kết trong Dịch học. Chính Dịch lý là ánh sáng soi đường cho gia tộc Chu có được thiên hạ từ tay Trụ Vương và dẫn dắt cả thiên hạ Trung Hoa đi lên văn minh. Chu Văn Vương – Lang Liêu là người đã viết nên Kinh Dịch nên mới có danh hiệu là Văn Vương, mở ra nước Văn Lang huy hoàng kéo dài trong 800 năm.


Xin ghi lại chuyện này với bài thơ Hiếu với trời đất:


Tôi nghe kể chuyện nước Văn Lang
Lang Liêu dâng cha chẳng bạc vàng
Mà tấm lòng thành gói trời đất
Vuông tròn đúc đủ tình thế gian.


Âm dương một đạo để ngàn đời
Rọi sáng đường đi cả tộc người
Bánh chưng bánh dày vui ngày Tết
Tưởng nhớ Lang xưa với sách trời.




Theo Bách Việt Trùng cửu

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

HÔN NHÂN

HÔN NHÂN
(Theo ý On Marriage của Kahlil Gibran)


Hãy yêu nhau hôm nay
và mãi mãi
Nhưng chúng ta sẽ không trói buộc nhau
Tình như gió nhởn nhơ ca hát
Giữa khoảng cách hai ta
không một vướng mắc nào

Ta sẽ rót cho nhau đầy chén rượu
Nhưng này em ta chẳng uống chung ly
Mỗi giọt rượu một hương thơm riêng biệt
Mỗi chiếc ly riêng ánh pha lê

Anh sẽ xẻ cho em chén cơm anh có
Em đơm cho đầy vào bát của anh
Nhưng ta sẽ chẳng cùng ăn chung bát
Một bát cho em một bát cho anh


Như bản nhạc cùng rung lên bài hát
Mỗi nốt đàn có một tiết tấu riêng
Nốt thấp nốt cao từng phần âm điệu
Như tính tình anh và hạnh kiểm em

Như cây cột trong nhà thờ riêng rẽ
Ðứng cách nhau cả một bức tường
Mỗi chiếc cột có riêng một góc
Vẫn chung vai giữ vững giáo đường

Anh sẽ là cây tùng cho em là liễu
Mình mọc cạnh nhau
mà không lấn sang nhau
Trong một chỗ riêng tư ta càng gần gũi
Không lấy bóng mình mà che mất đời nhau

Cho nhau trái tim
nhưng đừng cất giữ
Ðừng biến nhau thành sở hữu riêng tư
Hồn là bờ bãi
Tình yêu là biển
Hãy để biển luân lưu hạnh phúc
giữa hai bờ



Trần Mộng Tú