Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Nơi thời gian dừng lại






Truyện ngắn của Trương Thái Du




. Phải khẳng định tôi là kẻ vô thần. Tôi không tin dị đoan, ma quỷ, tiên thánh. Do đó chiếc xích đu nằm giữa vuông sân trời rộng và kín gió, tôi đặt tên là cỗ máy vĩnh cửu. Chẳng liên tục nhưng thi thoảng chiếc xích đu lại tự đưa đẩy như có người đang ngồi chơi, mà không vì một lý do cơ học rõ ràng nào.


Khu tôi ở vốn đã yên tịnh, vườn cây lưu niên hàng ngàn thước vuông xung quanh càng tách biệt căn nhà với thế giới xung quanh. Những đêm trăng thanh vắng tôi thường không ngủ được vì chiếc xích đu cứ kẽo kẹt mãi. Sân trời cỡ một sảnh khách lớn, ba phía đều có cửa phòng hoặc cửa sổ trổ ra, từ những mảng tường đá rửa hồng xám. Hàng lan can sắt nhìn xuống thảm cỏ bên hông. Bể đất to và sâu kéo dài suốt chiều dọc sân, đầu giáp lan can có bụi hoàng anh già cỗi xù xì leo lên những chiếc lam bê tông trang trí bên trên.


Hoa hoàng anh màu vàng ươm, gần giống hoa loa kèn. Khi lìa cành rơi xuống nó tạo nên những tiếng động tinh tế như bước chân tố nữ. Lá hoàng anh già cũng màu vàng. Đầu mùa khô, các xoáy gió đêm hiếm hoi sẽ khiến lá rụng hàng loạt. Chúng thường mông lung gợi hình tà áo mỏng liêu trai, xoắn xuýt quanh chiếc xích đu.


Thấy tôi đi sớm về khuya, thui thủi một mình, chòm xóm đồn nhà tôi bị ma ám. Họ thầm thì về những tiếng cười xé vải hun hút đêm sâu, tiếng đàn tranh rin rít từng tràng ai oán, tiếng cú rúc, tiếng chim lợn eng éc báo điềm xấu… Họ bảo không bị dớp ấy thì căn nhà đã đổi chủ xoành xoạch mỗi bận bất động sản nóng sốt, y như các khuôn viên xung quanh. Tôi từng đuổi không biết bao nhiêu là cò đất lâu lâu đến quấy rầy, nghe ngóng, dụ dỗ. Người ta không tin tôi, trơ tráo ngả giá mua số điện thoại của chủ nhân thực sự.




. *Tòa biệt thự xưa cũ, xây dựng theo phong cách Mỹ cuối thập niên 1960 mà tôi đang ở là tài sản tôi thừa kế từ người chú ruột quá cố. Chú vốn là sĩ quan quân y chế độ cũ. Cha tôi không thèm nhìn mặt chú. Ông ghét em trai một, ghét em dâu mười. Thím tôi bị gọi là đứa tiểu tư sản õng ẹo đồng bóng. Tập kết về, gia đình tôi ở chung với ông bà nội đã gần đất xa trời. Nhà chú cạnh bên.


Năm 1978 thím dắt con, dứt áo vượt biên cùng bạn tình. Học tập xong, chú tôi bán nhà nơi trung tâm thành phố. Ông lóc cóc đạp xe qua cầu Sài Gòn tìm chốn ẩn mình. Mẹ tôi đoán chú vẫn còn của chìm nhưng giả bộ cuốc đất trồng rau, nuôi gà vịt, sống chay tịnh tự cung tự cấp và cắt hết giao tiếp với xã hội.


Thời gian rong ruổi. Cha mẹ tôi về với tổ tiên. Anh hai tôi thành đại gia tiền muôn bạc vạn. Tôi khù khờ nhút nhát nên được anh lo cho chân thủ thư, sống như một chiếc bóng. Chị dâu hay nửa đùa nửa thật bảo tôi là âm bản, là thái cực cân bằng với thành đạt, thông minh, khôn khéo, thức thời của anh trai tôi.


Giỗ đầu cha tôi, anh hai không hiểu làm cách nào đón được chú đến thắp nhang. Từ đó anh cử hẳn một bà vú già trong gia đình qua chăm sóc chú đến cuối đời. Chú mất, di chúc bắt tôi phải giữ nguyên trạng ngôi nhà trong ít nhất hai mươi năm, sau đó muốn làm gì thì tùy. Chị dâu bực bội hỏi đào đâu ra tiền trước bạ. Tôi bảo anh hai đứng tên nhà cũng được. Anh mắng tôi ngu, anh tin tôi chứ không tin vợ. Tôi phải ký giấy tặng riêng anh phần di sản của bố mẹ, tức nửa căn nhà ông bà nội để lại.


Số là dạo ấy anh chị đang bất hòa. Lâu lâu anh lại dọa chị rằng người xưa đã bảo “Giàu đổi bạn – Sang đổi vợ”. Chị nổi khùng hoài, nhưng dần dần cũng thỏa hiệp được. Anh hai bay nhẩy, trăng hoa kín hơn. Chị ở nhà giả tảng không nghe, không biết, tự tìm thú vui như lễ chùa, tụ tập bạn bè cùng trang lứa.




* Hai người khách tỏ vẻ áy náy rất thật vì làm phiền tôi trong ngày nghỉ cuối tuần. Hóa ra đây là tổ ấm cũ của họ. Bao năm xa xứ họ luôn bị thôi thúc trở về. Cây cối lớn vống lên. Riêng tòa nhà chẳng mấy đổi thay, cứ như một phần tư thế kỷ chỉ là chớp mắt.


Tôi dắt họ đi thăm mọi ngóc ngách. Chỗ nào họ cũng qua loa, chỉ trừ vuông sân trời có chiếc xích đu. Vừa bước qua cửa, bà vợ đã đổ sụp xuống bên bể đất trồng hoa. Ông chồng lặng lẽ gạt nước mắt, cúi mái đầu hoa râm phai thuốc nhuộm đỡ vợ dậy.


Cuối tháng Tư năm ấy, một mảnh đạn pháo lạc từ xa lộ đầu cầu Sài Gòn đã cướp đi đứa con gái bé bỏng vừa qua tuổi dậy thì của họ. Cô gục xuống bên chiếc xích đu sơn màu xanh hòa bình. Cha mẹ cô chỉ kịp gói gém thi thể trinh nữ trong mấy lớp ni lông rồi chôn tạm giữa bể đất, trước khi di tản.


Một lọ hoa, hai chung nước lọc và ba cây nhang cùng không khí đặc quánh xung quanh tạo nên lễ cải táng câm lặng nhưng đầy màu sắc tâm linh thần bí. Chúng tôi không nỡ dùng các dụng cụ đào bới như bay thợ hồ hoặc cuốc và xẻng nhỏ. Ba mươi đầu ngón tay trần cào vơi dần khoảng giữa bể đất để thăm dò. Gần đến đáy xi măng, khối rễ hoàng anh chằng chịt làm bật móng tay ông khách. Máu đỏ thấm ướt đất. Chưa kịp đau đớn, ông đã cuống cuồng hoảng hốt vì không thấy gì.


Mọi người nín thinh, tiếp tục bới, hất hết đất đen ra ngoài.


Điều kỳ lạ chỉ lộ diện khi niềm hy vọng sắp tắt. Chiếc tiểu sành màu da lươn. Xương cốt xếp đặt rất ngay ngắn. Hộp sọ thon nhỏ, có lẽ của khuôn mặt trái xoan. Mảnh đạn pháo hình lưỡi rìu chém vào thái dương vẫn còn kẹt lại.


Nắp cao su dẻo kín nước của chiếc vỏ chai thuốc pênêxilin được cậy ra. Mấy dòng chữ nhòe nhoẹt của chú tôi, mực dầu tái chế, bút Bic chắc đã thay bi mấy lần: Định dùng bể đất làm hồ nuôi cá trê phi thì phát hiện đây là một ngôi mộ. Xin thân nhân người quá cố lượng thứ. Ngày x tháng y năm 1982.




* Hai anh em tôi sống tương đối ít va chạm. Tôi luôn nghe lời anh. Trước kia vài ba lần anh cho tôi tiền xài. Tôi không khi nào nhận. Anh chả cần hỏi cũng biết tôi đơn giản lắm. Không rượu chè, cờ bạc, cà phê cà pháo, tôi chỉ thích sách thì tiền khác nào giấy lộn. Sách trong mấy tầng lầu thư viện, hằng tháng chiêu nạp thêm cơ man bản in lưu chiểu mới nhất, tôi đọc đến kiếp sau cũng chưa hết.


Anh thấy tôi vô duyên trên đường tình nên bổn cũ soạn lại. Anh kiếm đâu ra một cô giúp việc sạch sẽ, trẻ trung gửi vào nhà tôi. Đêm đầu tiên như có ma phá. Chiếc xích đu rên xiết. Cô giúp việc mê ngủ la hét rùm trời. Tôi dậy bật đèn, gõ cửa phòng gia nhân. Cô giúp việc ôm tôi khóc rưng rức. Cô bảo vừa thấy ác mộng cũ.


Học hết phổ thông, một bà cùng quê dỗ ngon dỗ ngọt cô vào Sài Gòn. Gia đình cô đến có ba nhân khẩu. Hai ông bà già lương hưu rất hậu. Cậu út của họ mắc bệnh đao, luôn mặc độc mỗi chiếc quần đùi trễ rốn, rong chơi đầu trên xóm dưới, gặp ai cũng chửi. Mấy năm nay hắn giở chứng, cứ giục mẹ lấy vợ cho.


Đêm đầu tiên cô đến nơi ở mới, cậu kia trần truồng nạy cửa phòng đòi hợp cẩn. Cô gào khóc, cấu véo, cắn xé. Mãi sau mới thấy ông chủ trên lầu hét gọi quý tử. Cô bỏ trốn, tìm chị bạn đồng hương làm tại nhà anh tôi. Cô thật thà bảo anh tôi đã nói trắng rằng tôi không tâm thần, chỉ tội tồ quá, con gái thành phố chẳng để mắt tới. Nếu cô dụ được tôi, anh sẽ lo tất, sẽ tặng bố mẹ cô ngoài bắc một căn nhà mái bằng.


Tôi bảo tôi rất quý cô, mới gặp đã thấy quý. Từ khi dọn đến biệt thự này, trong đầu tôi luôn có cảm giác đã lập gia đình. Ở chung với cô tôi rất ngại. Tôi nhờ ông già bảo vệ nhà Tây thuê cạnh bên kiếm cho cô công việc lau dọn. Lương tàm tạm, đủ để cô tìm một chỗ trọ tồi tàn và hàng tháng giúp cha mẹ chút ít. Chưa đầy năm, cô hớn hở mời tôi dự đám cưới. Chồng cô là lái xe của chủ nhà.


5. Mấy đứa cháu con anh tôi đều du học tự túc ở Mỹ cả. Năm kia tôi nhờ chúng chuyển ít quà cho ông bà Việt Kiều già. Chúng kể họ sống đạm bạc, lẻ loi và cô độc lắm. Ông bà có tất cả bốn người con. Cô hai dính hòn tên mũi đạn. Ngày di tản cậu ba dạt theo bên ngoại, lỡ chuyến. Cuối năm ấy cậu cũng yểu mệnh, chết vì đói và khát trong những ngày lênh đênh vượt biển. Ông bà trách hai người sinh tại Mỹ mất gốc, đã Mỹ hóa hoàn toàn. Cũng vì cả gia đình sống biệt lập ở một tiểu bang không có cộng đồng Việt Nam đông đảo. Ông bà ao ước dăm năm nữa sẽ về Sài Gòn dưỡng già. Họ hỏi cháu tôi năm mươi ngàn Mỹ kim dành dụm của họ có mua nổi một căn nhà tàm tạm không, càng gần tôi càng tốt. Tự lúc nào họ đã thầm xem, thầm ước tôi là con là rể họ.


Anh tôi và chị dâu, nghe bảo hay kể công với đống vàng cạnh cầu Sài Gòn. Cháu tôi không vừa ý, chúng cảnh báo người làm ăn buôn bán nên biết điều với âm hồn trinh nữ trẻ. Theo chúng, căn nhà cũ của ông bà để lại mà anh chị đang cho thuê, mặt tiền một quận trung tâm, cũng chẳng làm họ thiệt thòi. Tôi nào hay biết nhưng đám cháu khôn đáo để, chúng ước lượng nhà của tôi bây giờ giá hàng triệu Mỹ kim. Tôi bảo chú già rồi, tiền bạc không biết tiêu, không biết tính, mai này để lại cho các cháu tất. Chúng cười tôi cả nghĩ xa xôi, bố chúng giàu lắm lắm, tôi không tưởng tượng nổi đâu. Xe cộ, nhà cửa anh tôi sắm cho chúng bên Mỹ, dù chỉ ở tạm mấy năm học, cũng làm cho triệu phú Mỹ phải tròn mắt.




* Từ ngày qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, tôi đổi chiếc Honda 81 giọt lệ kim vàng lấy một chiếc xe đạp điện Đài Loan. Thế mà hay, quãng đường tôi đến thư viện làm việc thường nhật thành ra có sức sống hơn. Lúc nào thích thì tôi tắt động cơ, nhấn bàn đạp cho săn gân cốt.


Tôi bỗng thấy yêu đời. Những đêm trăng thanh tôi không còn trốn trong phòng và nổi gai ốc vì nghe tiếng xích đu kẽo kẹt nữa. Tôi ra hẳn đấy, vừa đọc sách vừa thưởng trà bắc ủ hoa nhài tươi hái ngay trong bể đất. Có khi tôi thắp một nén hương trầm dìu dịu. Các vòng khói tròn quấn quít bức ảnh khắc đá dán đè lên tường đá rửa. Cô bé có cái nhìn thật lương thiện. Cô bằng tuổi tôi nhưng vẻ thanh xuân mãi mãi dừng lại ở khoảng khắc oan nghiệt năm nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét