1.Lời mở đầu: Nói là phương ngữ e không đúng lắm bỡi vì có nhiều từ sau đây còn thấy dùng ở nơi khác. Vả lại có từ dùng ở xóm, xã tôi lại không dùng ở xã khác. Ví dụ “Dưỡng ngư” ở phía bên kia sông, quê của Nguyễn Đình Chúc thì nói là “dữ ngư”.
Phải qua sàn lọc thì từ ngữ mới dùng phổ biến cả tĩnh. Bài này tôi muốn đưa những từ thốt ra từ miệng những người chân lấm tay bùn suốt đời quanh quẩn trong lũy tre làng, trên đồng ruộng nhỏ hẹp của mình, chằng giao lưu đâu xa. Nhờ đó mà còn giữ đặc thù. Trong thế giới ngày nay mở rộng, tiếng nói đặc thù từng địa phương e mai một. Tôi sợ tiếng đặc thù của quê tôi mai một. Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ dơ ” là câu nói cữa miệng của người dân nông thôn hồi đầu thập niên 1950 của bà con lối xóm làng tôi ở. Tếng “nẫu”nghe quen thuộc đối với mọi người. Khi lớn lên ra tĩnh học bọn trẻ chúng tôi hay bị bạn bè trêu ghẹo “nẫu ơi là nẫu” để chỉ tụi tôi “rặc nòi “người Bình Định Phú Yên. Chúng tôi lấy đó làm “quê”. Cảm thấy bị chọc quê nên dần dần tụi tôi bỏ “nẫu” thay vào đó bằng “người ta”. Dùng từ “người ta” thay từ “nẫu”. Nói: “người ta lấy cái này” thay “nẫu lấy cái này”v. v.
Khi ra ngoài, người mình hay mặc cảm xứ mình không bằng xứ người nên có xu hướng chối bỏ cái đặc thù của mình để hòa nhập vào cái của người ta, lâu dần bị hòa tan trong cộng đồng mới. Lâu ngày thấy cái của người ta cũng thầm thường nhàm chán nên mình trở lại thích cái của mình nhưng bây giờ nó đã trở nên mai một và ta lấy việc đó làm tiếc. Ta yêu mến cái của riêng ta thì nó đã ra đi rồi, tìm lại rất khó. Ngày nay, trong mấy ngày tết, ta triều mến nhìn hình ảnh cái đống rơm, bụi chuối…giữa Đại Lộ Nguyễn Huệ Saigon, bên cạnh nhà cữa hiện đại nguy nga để nhận ra cái cảm giác “rưng rưng”! Hình ảnh “đống rơm” chỉ còn trong ký ức.
Ông Dohamide trong tác phẩm BangSa Champa nói lên cái mặc cảm thói “ăn bốc” của người Chăm Châu đốc nhiễm văn hoá Mã Lai trước văn minh của người Hán ăn bằng đũa và văn minh Châu Âu ăn bằng muổng nỉa. Đến khi dự các bữa tiệc ngoại giao thấy các vị cấp cao người Nam Đảo “ăn bốc” hồn nhiên mà cảm phục cái đẹp của văn hoá mình. Ông nhớ lại tín ngưỡng Ấn Độ của ông, của đồng bào ông ở Châu Đốc. Họ bài xích “đôi đũa” của người kinh: “Hai tay ta là tặng phẩm mà thượng đế đã ban cho. Tại sao ta không trân trọng xử dụng nó mà ruồng bỏ nó để xử dụng cái “đôi đũa” là thứ con người tạo ra. Nó giống như 2 cái que làm ra để chèo vẹo, dày xéo lên thức ăn là thứ gì mà thượng đế đã ban cho ta.!” Nhờ thông tin này mà tôi yêu và quí thói “ăn bốc.” Ngày xưa không biết nên chê ăn như vậy là “man di.”
Phát âm theo tiếng địa phương của mình thì tự do thoải mái hơn nhiều. Chỉ trở ngại là người xứ khác nghe không êm tai hay không hiểu hết ý của mình thôi. Nhưng con dân nên biết khi nào xử dụng tiếng chung cho cả nước, khi nào dùng tiếng địa phương của mình, thì ngôn ngữ nước ấy mới trở nên giàu âm điệu, nhiều màu sắc. Có một thời (Chín Năm Kháng Chiến ở Liên Khu 5), người ta muốn cho thống nhất nên bắt tụi trẻ con chúng tôi phải nói đúng tiếng Việt, tức phát âm theo giọng Hà Nội ví dụ phân biệt “t”và “c”. Phải phát âm phân biệt “hiểu biết” và “xanh biếc”. Người nông dân thoải mái, biếc nào cũng biếc, nên phát âm “hiểu biếc” và “xanh biếc…cho “phẻ” chơi.
Khó khăn lắm tôi mới moi ra được một số từ nói lên cái đặc thù của tiếng nói người Phú Yên dù có những từ không chuẩn lắm, tức vùng khác cũng có thể họ đã dùng. Mong có sự chỉ vẽ khách quan. Cái đặc thù ở đây không những thấy ở các “từ” dùng mà còn thấy “cách phát âm” của người Phú Yên khác hay hơi khác người ở những vùng khác:
2-Tự Điển
2.1-Phát âm:
21.1 phát âm các vần khác nơi khác.
Ai: Người Phú Yên xưa không phát được âm o-a-i =“oai” mà phát a-i thành “ai” cho phẻ, tức lười, không chịu uốn lưỡi. ví dụ: “Toại nguyện” phát âm thành”tại quyện“, “tại ngoại để điều tra”thành “tại quại để điều tra”,”thoai thoải“thành “thai thải“,Ông ngoại“ phát âm thành “ông quại“, “hoài bảo” thành “quàibảo“. “Thoái hoá” phát âm thành “thái quá”. Thoai thoải phát âm thành “thai thải“. Hồi những lớp học Bình Dân thời khởi nghĩa các cán bộ giáo dục ở Phú Yên rất vất vả tập các cụ đọc đúng “Tiếng Việt”!
Ay: Người Phú Yên thích phát âm vần “ay” hơn vần “ây”. Vi dụ “Lại đay(đây)tao cho kẹo.” “Mày (mầy)có mấy anh em?” “Chiện(chuyện) tày (tầy)trời”
Au: vần “âu” phát thành vần “au”ví dụ “đi đâu” thành “đi đau“. Mày có biết chiện đó không?- Tau (tao)đau có biết”, “chiếc tàu(tầu)bay”. Cái chạu (chậu)để rửa chén…Nhưng trong khi các miền khác nói “đi mau lên”, “giọt máu” thì người nông thôn Phú Yên trước đây nói ngược lại là”đi mâu lên“, “giọt mấu‘. Thật “ngược ngạo” với người ta. Cái này không thể nói người Phú Yên có di truyền cái cơ quan phát âm khác người ta hay tại uống “nước” Phú Yên mà phải nói là “hình thành tiếng nói ở một địa phương” là cái gì rất phức tạp. Vì vậy ta nên giữ gìn bồi đắp cái riêng tư của tiếng nói của ta.
Iêm: Vần “êm” phát âm thành “iêm”. “Ẵm em đi dạo dường(vườn)cà/Trái non ăn mấm (mắm)trái già làm dưa/ Dưa chua ba bữa dưa chua/Mẹ mầy(mày) xách chén đi mua từng đòng(đồng)/ Từng đòng(đồng) ít quá chị ơi/ cho thiêm chút nữa ăn cùng bữa cơm”
Iệt: Vần “ật” phát âm thành “iệt”. Ví dụ “Chiều chiều quạ nói dới(với)diều/Ở nơi đống trấu thiệt(thật)nhiều gà con”
Ăm: Vần “ăm” phát thành “âm”. “Cơm dới (với) mấm (mắm) thì thấm dào (vào) lâu” “Mấu (máu) đào nhợm (nhuộm) thấm (thắm)từng trang/ Chỉ quen chiến đấu, đàu(đầu)hàng không quen”
Âu: Vần “ôi” phát thành vần “âu.”ví dụ“đương khi tắt lửa cơm “sâu”/Lợn kêu con khóc, chòong đòi tòm tem!”. “Đừng ăn trái “ẩu” nữa, đi lại đàng kia “thẩu” cho cháy cái biếp(bếp)lửa cho tao!”
Tôi còn nhớ hồi mới khởi nghĩa nghe mấy người lớn hát: “Mấu đào nhuộm thắm từng trang, chỉ quen chiến đấu đàu hàng không quen”. Hai tổ hợp âm “au” và “âu” các vùng khác cũng xài lẫn lộn với nhau ví dụ: người ta dùng cả “mầu” và “màu”. “Màu xanh” và “mầu xanh” đều dùng được hết. Như vậy việc phát âm có thể do thói quen rồi lâu ngày trở nên đặc thù cho một vùng.
Âu: Vần “ôi“ thành vần “âu“ ví dụ “đi rồi” thành “đi rầu“. “Cha con về chưa?-dạ cha con đã dề rầu, dìa rầu“; “Em bé nằm trong cái nâu(nôi)”; phát âm “tồi tàng” thành “tầu tàng“, tội lỗi thành tậu lẫu, môi mép thành mâu mép, nầu niu xoong chảo, bà nậu…Bọn trẻ cũng hay rút gọn “âu”, thành “u”. Ví dụ: các vùng khác thì người ta gọi “tàu bay, tàu thủy hay tầu bay, tàu thủy, đầu gối”. Trong khi trẻ con ở Phú Yên thì gọi “tù bay, tù thủy, đù gấu“. Kiểu gọi này thì hiếm thấy. Cỡ hồi đầu thập niên 1950 thì thường nghe chúng phát âm như vậy.
Ê: Phát âm thành i hay iê. ví dụ: Tim (têm)trầu, thim (thêm)bớt,Nim ním(nêm nếm) iê: làrút gọn của tổ hợp nguyên âm u-y-ê. ví dụ như vần “uyên” phát âm thành vần “iên”: Thuyên chuyển phát âm thành thiên chiển
iê: Còn thay nguên âm “ê”. “điêm “(điêm)phia (khuya)giấc địp(điệp) mơ màng/ Nào ai săn sóc bên giường gọi tui”. “Thêm vào” thành “thiêm vào”. Trên đài truyền hình Cần Thơ trong chương trình hướng dẫn trồng rau VTV2 phát ngày 7-3-08 có câu của một học viên phát biểu: “…yêu cầu cán bộ diễn giải “thiêm”…” Ông này ở Nam hay người Phú Yên vào Cần Thơ làm việc?
Ư: Vần “ươi”phát âm thành “ư.” Tức là lười uốn lưỡi, uốn miệng. Ví du: “Thằng Hai con Ba đi đau(đâu) rầu(rồi) bay?- Ảnh chĩ xuống xóm dứ (dưới) rầu (rồi), đi dìa(về) dứ (dưới )rầu(rồi)”… “Được ở gần chợ nên lúc nào tui cũng ăn được đồ ăn tư (tươi) sống…”
Ưc: Người PhúYên và Nam Bộ thích phát âm ưc hơn uât. Thích nói Kỷ thực hơn kỷ thuật. “Con gái xấu mà biết kỷ thực làm đẹp thì cũng trở nên đẹp”
Oi:Vần “oai” phát âm thành “oi”. ví dụ: “Thoai thoải” phát thành “thoi thỏi“, “thoái hóa” phát thành thói quá (hoá). “Ngoài kia trời mưa hay nắng” thì nói “ngòi kia trời mưa hay nắng”, “Tọai nguyện” phát thành “tọi nguyện”, “Mèo chó là loài ăn thịt” phát âm thành “lòi chó lòi mèo…” Tức không chịu uốn miệng.
Quại:Tổ hợp phụ âm “ng”…”ngờ” phát thành “qu”…”quờ”. ví dụ “ông ngoại” thành “ông quại“, “ngoài trời” thành “quàitrời”.
Quế: Tổ hợp phụ âm “hu“= qu, ho=qu. Ví dụ “ngoài Huế có lạnh không?- Quài Quếlạnh lắm”, “hoa tai”phát âm thành “qua tai“, “hoài bảo” thành “quài bảo“.
Tổ hợp phụ âm “ngo”=“qu”, tức cũng rút gọn lại
Phụ âm D=V “Trời mưa, dào (vào)nhà đi con.” Lối phát âm này tương tợ người Nam Bộ. Người Nam phát âm V thành vz. Vô đây thành vzô đây.
21.2 Âm đặc biệt mà nơi khác không thấy:
Chơi: Về mặt phát âm, người nông dân phú yên có một từ mà tôi dám chắc không một vùng nào trong xứ Việt Nam này có. Chỉ duy Phú Yên có nó mà thôi. Đặc biệt đến nỗi không có ký âm nào của Tiếng Việt ghi được âm của từ đó. Tôi không biết làm sao ký âm từ đó cho đúng âm của nó. Nếu ráp c-h-ơ-i thì thành từ“chơi“. Ráp c-h-o-i thì thành từ “choi”.Còn ráp c-h-â-y thì thành từ “chây”, làm sao có âm của người PY. “Chơi”, “choi”“chây”, đều khác xa âm của người nông thôn Phú Yên dùng. Phải thu âm trực tiếp mới giữ được âm “đúng” của từ này. Phải nói từ này rất đặc thù trong tiếng nói địa phương của Phú Yên mà không ai để ý tới. Một ngày kia nó mai một. Các thế hệ sau không ai dùng nó nữa và nó sẽ biến mất.
Trời: Đặc biệt về phát âm. Cũng như “chơi” có cách phát âm đặc thù mà không mẫu tự LaTinh nào ký âm được. Nếu ráp t-r-ơ-i thì thành “trời”, ráp t-r-ô-i thì thành “trồi”, ráp t-r-o-i thì thành “tròi”.
Đấc: Nói đúng Tiếng Việt là “trái đất“. “Đất”nghe âm nó nằng nặng gần với giọng Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh và Hà Nội. “Đấc” nghe nhẹ bỗng hơn. Âm nàytrong Nam biến đổi đi và nghe như âm “ức”. Hồi tôi dạy môn địa chất ở trường Chợ Lách tĩnh Vĩnh Long bị học trò chọc quê hoài về từ này. Phát âm “trái đấc” theo giọng Phú Yên và “trái đất” theo giọng của người Nam phân biệt khácnhau. Khi tôi phát âm “trái đất” theo giọng Bắc thì tụi nó không chọc quê nữa.Nhưng tụi nó không phát âm “trái đất”theo giọng Bắc đâu, phát âm theo giọng của nó! Giọng người Nam gần giọng người dân quê của Phú Yên. Nếu ráp đ-â-t thì thành “đất” như người Bắc, ráp đ-â-c thì thành “đấc”, ráp đ-ư-c thì thành “đức”. Phát âm của người PY và của người Nam không giống cả 3 từ đó. Âm của người Nam và người PY hơi giông giống nhau nhưng phân biệt được sự khác biệt. Thế mới hay viết đúngchính tả là một chuyện còn phát âm là một chuyện khác. Tại sao phải bắt nói đúng Tiếng Việt! Tôi nhớ hồi chín năm kháng chiến thầy giáo của tôi khổ công dậy tụi tôi nói đúng Tiếng Việt! Nếu cảnước nói cùng rặc một giọng thì nước đó có màu mè gì? Từ Nam chí Băc chỉ có một màu làm sao xứ đó hấp dẫn được du khách.
2.2-Từ đặc biệt
Ai dè: Tao cứ tưởng mày con nhà giầu có nhiều tiền tha hồ tiêu xài. “Ai dè” mày cũng tiện tặn như tụi tao
Ăn ba hột: ăn vội vàng. “Ăn ba hột rồi đi tắm”
Ăn bẫm: ăn mạnh miệng. “Cái thằng khỉ, ăn bẫm, không biết ngại à”
Ăn chực: Đến nhà người ta có ý chờ người ta cho ăn mà nghĩ rằng mình chẳng có tích sự gì cho người đã cho mình ăn cả. “Hôm qua nhà tao có cúng giỗ. Có mấy đứa nhỏ lạ hoắc đến ăn chực”. Thành ngữ “Ăn chực nằm chờ” là đến nhà người ta chờ đợi quá lâu. Không tự lo ăn được nên phải buộc ăn nhờ người ta
Ăn ké: ăn thêm phần của người khác mà không phải trả thêm tiền. “Hôm nay mẹ mày không đi chợ nấu ăn được. Cho ba ăn ké với con.”Ăn của nhà người khác
Bá láp: không đúng đắn. “Nói bá láp bá xàm, không trúng không trật gì hết ráo!”
Báng: Dùng cho trâu bò. Có nghĩa là dùng sừng để húc vào cái gì hay vào đối thủ. “Con bò này rất khỏe nên nó bángrất hăng.”Ở vùng khác ta thấy từ “báng” trong từ “chống báng”
Ba rọi: “Cắt cho tôi miếng thịt ba rọi”Thịt ba rọi là thịt nửa nạc nửa mỡ.
Bà chã: “Bột đã khuấy chín đang dẻo queo mà đổ nước lạnh vào để cho nó bã chã chơi” Bã chã là không kết dính, rời rạc. Ngoài ra “bã chã”còn có nghĩa “vỡ lỡ, nửa vời, không thành công”. Ví dụ: “Chuyện đang tiến triển ngon lành mà mày nói ra nói vào để trở nên bã chã”
Bảnh: “Con nhỏ này coi bộ bảnh(đẹp)gái, còn cái thằng kia coi bộ bảnh trai!”. Dọn(bày bàn)chi những món ngon nhiều như dậy! Bữa tiệc hôm nay coi bộ bảnh(ngon, đẹp) đó!”. “Bảnh” có nghĩa là đẹp, tốt, ngon…
Bằng: Làm bằng. “Lấy cho cha cái chén coi!”- Chén bằng đất hay chén bằng sứ”.Người Phú Yên hay nói rút gọn. Thay vì nói “chén làm bằng đất” thì nói chén bằng đất. Dùng rộng ra có nghĩa là “cách thức.”Ví dụ “Mày từ trển xuống đay đi bằng gì?-Đi bằng xe đạp. Con hổng chịu đi bộ đau!”
Bét: Mắt bét là mắt có thị lực nhìn kém. Mắt ướt át tèm nhem thường do bịnh đau mắt hột gây ra. Bét mắt: mắt làm việc nhiều trở nên mỏi mệt ví dụ: “Đồ đạc mày bỏ lôn xộn quá! Tao tìm bét mắt mới thấy được cái này!”
Bẹo: “Con Hai đâu rồi! Tối rồi mà chưa dọn cơm ra ăn á!- Chĩ còn đi lỏng nhỏng ở ngoài đường nói chiện quiên thiên với trai. “Bảo nó giờ này mà còn đi đau?, đibẹo hả!”.Từ bẹo ở đây có ý nghĩa xấu chứ ở trong Nam Bộ có ý nghĩa là trưng ra cho người ta thấy. Ở các chợ nổi, kẻ mua người bán đi lại trên ghe nên hàng hóa muốn cho khách mua thấy thì người bán phải bẹo hàng, tức là treo những hàng mẫu trên cây sào cắm ở đầu ghe cho khách ở dưới ghe thấy. Có lẽ từ này xuất phát từ từ “bêu” trong ngữ cảnh “chém bêu đầu”
Biểu: Là bảo. “Tao “biểu” đi lên là đi lên, đi xuống là đi xuống. nghe chưa! ” “Cái thằng này lạ thật. Sao ngồi thừ ra một đống “dậy” mầy!-Ai “ biểu” chị đánh em chi!”
Bộ Lần: Chỉ việc thường hay làm trước đó. “Sao sáng nay mày bỏ quên cái xe!-“Bộ lần”tôi hay thường đi bộ nên hôm nay quên mất cái xe!”
Bớ: Hỡi. Tiếng cảm thán. “Đông về lạnh lắm bớ người ơi! /Chồng em đứng gác ngoài trời khuya lơ” ; “Miệng kiêu(kêu)bớ chú đi đường/Đi đau (đâu)mà dội(vội), đi đau mà dàng(vàng)”
Cắc cớ: “Muốn cho nó thấm nước từ từ thì ta đổ từ từ nước ấm vào bột chứ aicắc cớ đổ nước sôi vào bột một cái ào chẳng nó quánh lại thành cục thành hòn hết trọi.” “Cắc cớ” nghĩa là “lấy làm lạ”, làm chuyện khác thường(nhưng nhiều khi cũng đạt được kết quả như làm một cách bình thường. ví dụ. “Mặn là mặn, ngọt là ngọt. Cắc cớ bỏ muối vào chè thử xem sao!. Cắc cớ nó ngon thiệt!”. “Cắc cớ” dùng trong việc thử nghiệm.
Chình ình: Phơi bày một cách thô thiển. “Đồ con gái hư. Khách khứa ra “dào” mà nằm chình ình ra đó.” “Trời ơi té ở đâu mà mình mẩy con ướt át đất cát lấm tèm nhem dậy!(vậy)-Té ở cữa ngõ. Không biết ai bỏ cục đá mằm “chình ình” ra đó. Tối trời con có thấy đau!(đâu)”
Chịu đèn: là trai gái chịu gần gụi với nhau có thể tiến tới hôn nhân. “Con Thắm với thằng Hai coi bộ “chịu đèn” với nhau. “Thâu” ông bà gả phức đứa con gái cho nó đi cho “rầu”…”
Chõng: là cái giường. có câu “Lều chõng đi thi”nên nói từ này là từ địa phương của Phú Yên nghe không chuẩn. Nhưng ngày xưa ở nông thôn Phú Yên thường nói cái chõng hơn. Ngày nay đàn em chúng ta hay gọi là cái giường. Gọi chõng nghe lạ lắm.
Chụm lửa: chất củi vào bếp để duy trì lửa trong bếp. Người Bắc gọi là thổi cơm hay đun bếp.
Cũ mèm: “Khoác lên mình cái áo thun cũ mèm.” Cũ mèm là cũ lắm
Dan ca: Bày vẽ ra cho ruờm rà. Nói vòng vo, không nói thẳng vào mục đích. “Ăn uống sơ sơ rồi đi làm! Ai biểu nấu nướng bày biện dan ca ra để cho công chiện (chuyện) trễ nải đi rồi lùng bùng!” “Em gặp anh đây cũng muốn dan ca/Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời.”
Dí: nghĩa là với “Chiều chiều quạ nói “dí”(với)diều/ ở nơi đống trấu thật nhiều gà con.”Ăn cơm “dí”(với)cá “dí”(với)dưa. Có lẽ là từ đọc trại lại từ “vzới” của người Nam Bộ
Dìa: nghĩa là “về” ví dụ đi dìa nhà. “Chị hai đi dìa dứ(dưới hay đi dìa trển(trên đó)?”
Dí thá: Ở PhuYên , trâu bò cày phải dùng một đôi để kéo cày. Một con đi bên phải gọi là đi vai “dí”, một con đi bên trái gọi là đi vai “thá.”Người cày quất roi vào con vật hô: “dí, thá”để điều chỉnh chúng nó đi thẳng đường cày. Muốn nó đứng lại thì hô “dí dò.”Những từ này có thể bắt nguồn từ chuyện cổ tích nói về chuyện trâu ở núi Hương, thôn Mỹ Thạnh xã Hoà Phong huyện Tuy Hoà. Trong quyển sách “Tim Hiểu Địa Danh Qua Tục Ngữ Ca Dao Phú Yên”Nguyễn Đình Chúc viết: “Núi Hương xưa kia có nhiều danh mộc. Tương truyền trên đỉnh có cây kì nam to mùi hương bay khắp và trong núi có 2 con trâu trắng và đen, ngày thường có chim lùa trâu ra bàu uống kêu “Dí cò, thá cháng.”Có người Hoa Kiều nghe tin núi Hương có kì nam nên đến nơi xem xét và quả thật có mùi thơm, nên đem lễ vật đến cúng để khai thác, nhưng cọp, rắn trăn rượt chạy. Chiều ngày sau, 2 con trâu kéo cây kì nam xuống bàu và mất hút…”
Dìa: đi dìa, đi dô, đi dề. “di dìa”đúng là từ nói trại đi của từ “đi dề”. Người nông dân “cũ” của Phú Yên phát phụ âm “v” na ná giống người Nam Bộ và khác xa người Bắc. Người Bắc nói “vâng,vô, về” thì người Nam nói ” vzâng”, người nông thôn Phú Yên nói “đi dô, đi dề,đi dìa”
Dính lẹo: hay lẹo: là thực hiện tính giao phối đực và cái trong tự nhiên. “mùa này chó hay lẹođực” “Kệ nó con! nó “dính lẹo” đừng có đập nó tội nghiệp nó, con!”Hồi nhỏ chúng tôi nghe những lời chất phát của ông bà cha mẹ nói với con cháu cũng hồn nhiên không kém. Hình ảnh này không có gì kích thích sự tò mò về tính giao mà ngày nay cả cha lẫn con bị hấp dẫn trong thế giới “văn minh hấp hẫn” này. Từ này có tác dụng giáo dục về cái ngày nay gọi là “giáo dục gới tính.”Nghe có vẻ khoa học nhưng thiếu tính tự nhiên nên kết quả giáo dục kém hơn ông bà ta. Hình ảnh dính lẹo hết sức tự nhiên như hình ảnh Linga và yoni mà người Chăm thờ phượng trong tín ngưỡng văn hoá Phồn thực của Chăm. “Dính lẹo” chứa đựng hình ảnh phồn thực hết sức tự nhiên, có phải phiên bản của văn hoá này?
Dít: Nghĩa là bít lại, kín, phát âm sai từ “vít”. “Lợi dụng kẽ hở mà làm sai trái-Đã là cái kẽ thì hở. Có cái kẽ nào dít đâu mà nói”. “Ăn no dít đít.”
Dịt: là giỏ đựng cá. Dụng cụ để một khi câu được cá hay bắt được cá thì bỏ vô, đan bằng nan tre giống hình con vịt. Thường được cột vào 2 bên bằng 2 ống tre kín 2 đầu để “Dịt” nổi trên mặt nước. Ngư dân tha hồ kéo theo bên mình để bắt cá bỏ vô.
Dở ẹt: hay dở ẹc là rất dở ví dụ “bài hát dở ẹc. Món này ăn dở ẹc”. “Ẹc” có có nghĩa nhỏ nhất, sau cùng. ví dụ “Trời tối rồi! Còn con vịt nào đi ăn về chuồng trễ nữa không? –Không. Đây là con về út ẹc”.
Dưỡng ngư: nghĩa là khinh xuất, không cẩn thận đề phòng., không biết sợ nữa. “Nó bịnh mấy bữa nay rồi. Ăn uống không được, nằm một chỗ mà bảo rước thầy bẳt mạch mà nó không chịu-Coi bộ nặng đó, đừng có “dữơng ngư”…”Còn có nghĩa trẻ con rầy la mà không biết sợ cứ làm tới “Đừng có chọc ghẹo em nữa! Cứ dỡn mặt nó . Nó sẽ “dưỡng ngư”…”
Đầy ngay: nghĩa là nhiều lắm. “Hôm nay là ngày lễ. Ở ngoài đường xe nó chạy đầy ngay”
Đi lút: “Lạ tới mức anh đi lút vào đất Thái mà không biết”. Lút nghĩa là sâu.”Cắm lútcon dao.”
Đồ: là đại từ bất định chỉ những cái đã bày ra. “Tụi nó sắp biểu tình! Tui thấy nó treo cờ treo băng, treo đồ, tuồng như to chiện(chuyện)lắm!
Đụng: là trai gái chịu lấy nhau làm vợ làm chồng. “Cháu ông “đụng” cháu bà có sao đâu. Có bà con “dí” nhau “đau” mà sợ. Cho “cứ” đi là “dừa.”Khen chê tụi nó sẽ ở “giá” đó”Có tác giả nói từ này xuất xứ ở Nam Bộ. Lấy ý từ chỗ ghe thuyền đi mua bán trên sông hay đụng nhau trong các cuộc giao lưu mua bán đi lại. Đó là duyên để lắm đôi trai gái gặp nhau kết nghĩa thành vợ thành chồng.
Đựng: nghĩa là “để mà”. Từ này thấy người Nam Bộ có dùng như câu sau đây thấy trên đài truyền hình phỏng vấn một mẹ được tặng nhà tình nghĩa ở quận 7 TPHCM: “Nhà dột nát hết “dáo”. Tui phải lấy tấm nhựa phủ lên mái “đựng” mà có chỗ chui “da” chui “dào”…
Êm ru bà rù, hay iêm ru bà rù: “Ở nhàảnh chĩ cãi nhau tùm lum. Thấy cha mẹdìa hai vợ chồng êm ru bà rù không thấy nói gì hết”. “.Êm ru bà rù” nghĩa là êm re, lẵng lặng như tờ, êm phăng phắc. Không những thế mà còn có nghĩa trơn tru, trôi chảy mữa. “Cái máy chạy êm ru bà rù”
Gía: là goá. “Ráng chữa chạy cho nó sống. “Thẵng” mà chết thì “cỏn” nó ở “giá”. Làng này con gái “giá” bụa nhiều và đã mang tiếng nhiều “dụ de bà giá!”…”Đàn ông chọc ghẹo đàn bà con gái gọi là “de” gái
Giội: là dùng nước tạt mạnh để làm trôi đi vật thừa thãi dơ dáy ví dụ giội nhà giộicầu.
Giỏ cụ lão: Giỏ dùng để tải gạo ra chiến trường thời 9 năm kháng chiến chống Pháp ở Phú Yên. Giỏ được các cụ lão đan bằng nan tre để đựng gạo. Giới trẻ hơn gọi là giới nông dân. Nông dân thì làm thành đoàn dân công tải gạo và quân nhu ra chiến trường. Gới tốt hơn nữa là giới thanh niên. Thanh niên thì cầm súng.
Giọc nước: là thò tay vào nước để quậy phá chơi thôi chữ không nhằm mục đích làm gì. Ví dụ: “Trông em, Coi chừng đừng để nó “giọc nước”ướt hết áo quấn nó sẽ bịnh cảm đó.”
Giỡn mặt: Chọc ghẹo không nghiêm túc để người đối diện không sợ, không nể. ‘”Giỡn chó thì chó liếm mặt” Ông cảnh sát nói với tay anh chị: “Đừng có giỡn mặt, tao bỏ tù mày đấy!”
Gút gạo: là vo gạo cho sạch rồi hong khô. Vi dụ “Gút gạo cho sạch rồi đem đi xay đi!”
Hèn chi: “Nó ích kỷ thật. hèn chi mày không chơi với nó”. “Hèn chi” có nghĩa là vì vậy, do đó, bỡi vậy…
Hòn Nần: xem Miếu Biểu Trung.
Hổng giống ai: không giống ai thì phát âm “hổng giống ai”.
Í dui: là nói ái chà! Biểu lộ đau đớn. “Í dui, sao mày nghéo bắp dế(vế)của tao đau quá!” “Í dui! Kim chích vào tay của em, đau quá hè!”
Ỉa giấc: khi xưa ở làng quê người ta không biết làm nhà cầu. Người ta vào rừng, ra đồng, ra gò hay nơi nào xa nhà và kín đáo để ỉa. Gò là nơi đất cao dùng dể chôn người chết. Ỉa giấc là bạ đâu ỉa đó. Lười biếng không đến những nơi đó. “Đi ra chỗ kia con! Sao mày hay ỉa giấc như dậy!”
Hớt hỏng: là lẻo mép. Chỉ tính nông cạn, không kín đáo hay kể sự thật không cần thiết cho người chẳng có gì liên quan đến chuyện đang nói “Đồ hớt hỏng, chưa chi mà khai hết chuyện nhà của mình cho người ta biết”. “ hay thường nói “Đồ ăn cơm trên hớt hỏng”
Hư: là không còn tốt. “Đồ con gái hư! Ăn nói rổn rảng giữa đám đông.” “Mẹ ơi! Con viết bài không được. Không phải nó hết mực mà nó hư rồi”
Không hè: “Lấy cho tao cái muỗng, đôi đũa cái bát và tăm xỉa răng” – “Chỉ có tăm xỉa răng không hè!“. Không hè có nghĩa là không có cái gì ráo, chỉ có mỗi một cái đó mà thôi.
Lảng xẹt: Lảng là không đậm đà ý vị, Không đúng đắn nghiêm trang. “Canh mà nấu không có cá có thịt trông nó lỉnh lảng làm sao!”. “Con nhỏ này thật lảng nết . Hễ gặp con trai bất kể quen hay không đều xáp lại nỏi ỏm tỏi không kiêng nể gì cả”. “Em nó bịnh ăn không được tao cho nó chén cháo thịt. Mày mạnh nuốt cái gì không được. Ăn cháo có đường mà chê, đòi cho được cháo thịt.”Đòi lảng xẹt à!”
Lẫm: (1) là một cấu trúc hình hộp có 5 mặt làm bằng vách đất và đáy cũng làm bằng vách đất. Có cữa để đổ lúa vào làm kho chứa lúa. (2) là cái đình để chức sắc trong làng làm việc. “Xóm Lẫm”. Có câu ru con như sau: “Nực cười đũa bếp bịt vàng?Chuồng heo phủ ngói/Lẫm llàng lợp tranh!”
Lấm lem : lem luốc thì có thấy các vùng khác dùng nhưng lấm lem thường thấy dân nông thôn ở Phú yên dùng nhiều.Lem là lan ra và có ý nghĩa dơ dáy, không sạch sẽ sắc sảo. Từ “lấm lem” gợi hình dơ dáy luộm thuộm rất mạnh. Đó là từ tượng hình dùng rất hay: “Trời ơi! em bé sao mà lấm lem lấm luốc dậy“
Mặc bính. Lấy tạm quần áo của người khác mặc. Người nam gọi là mặc kính.“Thằng đó mặc bính áo của tao mày”
Ma da: là ma ở dưới nước chuyên nhận chìm người ta chết để thế mạng mình đi đầu thai kiếp khác, sống trên khô.
Mốc cời: “mặc bộ đồ bà ba mốc cời, đi đôi guốc mòn lẻm và anh ta đội cái nón cời tả tơi!“. “Mốc cời”nghĩa là màu xám nhưng rất cũ, mốc meo hư nát.
Mòn lẻm: “mặc bộ đồ bà ba mốc cời, đi đôi guốc mòn lẻm và anh ta đội cái nón cời tả tơi!“.“Mòn lẻm” nghĩa là quá mòn vật dụng trở nên mỏng và sắc bén.
Mú dẻ: hoa mú dẻ là hoa của 1 thứ cây mọc ở đồi trọc, màu vàng, mùi thơm, cho trái cũng màu vàng chín mọng mà trẻ con(nhất là bọn chăn bò vùng đồi núi) rất ưa thích. “rủ nhau đi hái mú dẻ chim chim”. Chim Chim là loài cây mọc chung với mú dẻ, trái màu đỏ. Nơi khác gọi là Dú Dẻ
Mủng: là dụng cụ đan bằng tre dùng đựng gạo để vo gạo. Lỗ của cái mủng nhỏ, các nan tre đan lại khít hơn khi đan cái rổ. Cái rổ có lỗ lớn hơn dùng để đựng rau cho mau rút nước. Cái mủng nhỏ gọi là cái cão.
Mừ ứ: Nghĩa là để mắt tới. “Con gái gì mà lớn tồng ngồng như dậy(vậy) chẳng có ai mà mừ ứ tới”
Ngầy: “Đi đau giờ nầy mới dìa, hầunãy giờ ổng bã ngầy(ngầy la) mầy tứ tung!”.Người Phú yên nói “rầy la, mắng chưởi, quở phạt, trách mắng người dưới quyền ” thành “ngầy hay ngầy la“.
Nghen: “Tụi bay chơi đông dui(vui) quá nhỉ, cho tau chơi với nhen!”. “Đi với tau(tao) nghen”. “ Nghen!” nghĩa là đồng ý không? Được không? OK chứ? Chịu không?
Nghinh ngang: rất nhiều nên bỏ bừa bãi. “Phú yên tĩnh nhỏ lo gì/Nhưng mà sản vật đủ thì nghinh ngang.”Trích “Non nước Phú Yên”Nguyễn Đình Tư, trang 206. Còn có nghĩa tự do không theo trật tự: “Nép, nép dô(vô), sao đi “nghinh ngang” dữ dậy(vậy)!”
Ních hết: ăn khoẻ “Cá mòi cũng ních/cá trích cũng nhấn”Tức phàm ăn. Cái gì cũng ăn no thôi không kén chê gì cả. “Nó đang đói. Nó ních hết không để cai gì lại hết.”Trong “đất rừng Phương Nam”tác giả cũng có xài từ này…trang 39. Tức người Nam Bộ dùng từ như người Phú Yên.
Núi Cảnh Vực: ĐNNTC viết: “ở phía Đông –Nam huyện Tuy Hoà” có lẽ là vùng núi Đá Bia
Núi Bảo Tháp: là núi Nhạn Tháp
Núi Cấm Sơn: ĐNNTC viết “Núi cấm Sơn ở phía Nam huyện, phía Bắc liền núi Vân Hoà, phía Nam liền núi Lỗ trụ và đèo Húc Viện” Theo mô tả thì đèo Húc Viện có lẽ là đèo Dinh Ông bây giờ. Núi Cấm Sơn có lẽ là núi Cẩm Sơn gần miếu Lương Văn Chánh.
Núi Liên Trì: ĐNNTC viết : “Ở phía Đông-Bắc huyện. chân núi này có hồ sen nên gọi thế”
Núi Chủ Sơn: ĐNNTC Viết: “Ở phía Tây-Nam huyệnTuy Hoà, sóng rất cao, phía Nam có núi Đồn Tàu, phía Bắc giáp Man Động”. Đoán là núi Mẹ Bồng Con hay là núi Chúa.
Núi Thạch Thành: ĐNNTC viết: “Núi Thạch Thành ở phía Tây huyện Tuy Hoà, có thủ sở. Năm Ất Mão đầu đời Trung Hưng, đạo binh cứu viện thành Diên Khánh, sai bọn đốc chiến Mai Tiến Vạn và Nguyễn Văn Nguyên giữ núi Thạch Thành để chặn đường tắt của giặc, tức là đây. Gần về phía Bắc có đồn Phước Sơn, là chỗ phát nguyên của sông Đà Diễn.”
Nước lạnh: “Chế bình trà mời bác 7 uống cho dui(vui)”-Thôi , tui uống 1gáo(dụng cụ để múc nước làm bằng sọ dừa có tra cán để cầm) nước lạnh rồi).Ngoài Bắc gọi là nước lã.
Nước khách: khoa học gọi là nước của cuồng lưu. Nước suối chảy rất lớn, rất mạnh. Nhứt khắc thì suối khô cạn.
Nước kiêu ấm: là nước sắp sôi, nghe tiến kêu re re.
Nước Chè: là nước trà.
Nước giọt: là nước trên mái nhà chảy nhỏ giọt xuống sân
Ngạch cữa: Cữa thì có khung ngoại ôm 2 cánh cữa khi cữa đóng. Khung cữa nhà ngày xưa gồm có 2 thanh ngang. Một ở trên và một ở dưới, 2 thanh 2 bên. Thanh ngang ở bên dưới thì nằm sát mặt đất và gọi là ngạch địa. Nếu nhà kiên cố, cữa đóng then cài, thì kẻ trộm muốn vào nhà ban đêm phải “khoét ngạch”Tức là đào âm qua móng của tường hay âm qua ngạch địa mà chui lên khỏi nền nhà. Ngày xưa tụi trẻ con chúng tôi hay nghe ông bà kể cái khôn của tên ăn trộm. Trước khi chui lên thực sự thì nó lấy cái “Trã”ám khói đen ngòm đặt trên đầu một cây gậy để đưa lên. Gia chủ rình thấy tưởng là cái đẩu của thằng ăn trộm bèn phan một nhát gậy, nghe kêu một cái “oảng”Té ra cái trã bị vỡ chứ đầu thằng ăn trộm không bị vỡ!
Ngó bộ: là xem ra, có vẻ. “Cái đó ngó bội coi đẹp đó”.
Nhem thèm: Nghĩa là bày ra ở trước mặt cho người ta thèm chơi. “Đem ra chỗkhác mà ăn. Đừng đứng trước mặt tụi nó để nhem thèm chúng nó“ Viết đến đây tôi nhớ thời ấu thơ dắt trâu ăn cỏ. Nó thấy lúa ở trong ruộng cứ le lưỡi ra liếm lúa mà ăn. Tức quá tụi tôi bức một nắm cỏ non tươi tốt huơ qua huơ lại trước mặt con trâu và miệng nói liên tục: nhem thèm..nhem thèm…Tức thì con trâu bỏlúa mà quay lại liếm cỏ mà ăn.
Ống lương khô: Dùng thời 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ống làm bằng ống tre rộng ruột mỏng vỏ, kín 2 đầu, cưa cắt ra thành một đoạn ngắn làm nắp. Đoạn còn lại dài hơn làm thân Miệng đoạn thân vạt mỏng phía bên ngoài. Đoạn nắp miệng khoét mỏng phía bên trong sao cho 2 cái úp lồng khít vào nhau. Thế là có một hộp hình ống để đựng lương khô. Lương khô thường làm bằng thịt gà hay thịt heo nạt kho khô với muối, đường, sả, ớt hay mắm ruốt để dùng được lâu.
Óng kẹo bà cô: là đi đã lâu rồi. Ví dụ. “Ổng đi hồi nào?-Đi đã lâu rồi, đi óng kẹo bà cô!”
Phái lòng hay phải lòng: là trai gái chịu lấy nhau. “Con Hai nhà mình coi bộ phái lòng thằng Giỏi ở xóm trên đấy!”
Qúa tay, quá chưn: “Ba bỏ mấy cái áo dơ trong thau giặt chung với đồ dơ của mày. Sao mày chỉ giặt đồ của mày còn đồ của ba mày bỏ lại. Con nhỏ quá tay!Còn cái khăn này nữa. Mày cũng bỏ lại. Trời! con cái quá tay quá chưn!. “Qúa tay” có nghĩa là tệ hại thực, tệ hết chỗ nói…
Qúa thảm: “Mày có rất nhiều. Cho nó một ít! “Thì đây nè, lấy một chút thôi nhé!”- “cho chi quá thảm!” . “Quá thảm ” không có nghĩa là quá bi ai mà là quá ít
Quỹ quài: tức là Huỹ hoài, có nghĩa là lâu, nói lâu khó để người ta hiểu mình. Nguyễn Đình Tư viết trong Non Nước Phú Yên trang 24: “Chóp Chài cao lắm bấy/Trông hũy trông hoài/Chẳng thấy người thương” Hồi còn chính sách “bao cấp,”giao tiếp với nhau thì người ta hay dùng điếu thuốc để gợi chuyện phổ biến như ộng bà ta ngày xưa dùng “Miếng trầu đầu câu chuyện”vậy. Thuốc hiệu 3 số năm (555)là thuốc ngoại nên quí, giao tiếp có hiệu quả hơn thuốc hiệu “MAI” nội địa sản xuất ở nhà máy thuốc lá Saigòn(hãng thuốc lá Basto của Pháp để lại). Thời đó có câu “Thuốc Mai nói quài nói quỹ”
Quảy: ở quảy(trong Nam nói là ở ngoảy). Chỉ ở về phía bắc.”Mày mới dô hử. Ở quảy cha mẹ con có phẻ hay không”. “Ở quày Hà Nậu có lạnh lắm không?”
Rế: Dùng để bỏ nồi niêu xoong chảo còn nóng bưng cho khỏi phỏng tay. “Anh dìa(về)thắt rếkim cang/Dót(vót) đôi đũa biếp(bếp), cứ (cưới)nàng còn dư ”Kim cang là một thứ dây bứt ở trong rừng, thắt thành hình vòng tròn hình hoa thị, số cánh thường là số lẻ, từ 5,7,9 trở lên tuỳ rế to nhỏ. Các cánh hoa được bện bỡi dây kim cang quanh chu vi để thành cái vành rế. Người Nghệ Tĩnh nồi không có quai và họ không có rế. Không biết làm sao họ bưng nồi cơm còn nóng? Người Phú Yên đi ghe bầu ra đó buôn mắm thấy làm lạ hát câu: “Nhà không chái/Đái Không ngồi/Nồi không quai”Nhà của người Phú Yên ngoài 2 mái tước sau, có 2 cái chái ở 2 bên. Đàn bà PY thì mặc quần 2 ống chứ không mặc váy một ống, Đàn bà con gái Nghệ Tĩnh cứ đứng thẳng mà đái không sợ ướt “quần!”
Rổ may: là cái rổ đựng đô kim chỉ dụng cụ khâu vá cho các bà các cô dùng
Rộng: là nuôi, trử cá trong cái gì để nó còn sống mà dùng từ từ. Ví dụ: “Bắt cá bỏ vô chậu “rộng” nó đi con!”Dùng rộng ra có nghĩa là chứa chấp. ví dụ: “Tí ha, tí hửng như đồ rượng đực! Lúc nào cũng“rộng” trai ở trong nhà!”
Rớ tới.; Nghĩa là động tới, đề cập đến. “Tụi bay lôn xộn quá. Tao không bao giờ giờ “rớ tới”hết ah!.”
Ruột Nghé: Dụng cụ bằng vải không may 2 mép lại với nhau theo đường thẳng mà gấp chéo qua rồi chéo lại, theo đường cong xoắn ốc thành hình ống như cái ruột để đựng gạo mang theo khi chạy giặc Pháp tản cư ra khỏi nơi Pháp chiếm đóng hay cho binh sĩ đi hành quân. Cách làm: Dùng một băng vải rộng cỡ 2dm. Uốn cong lại sao cho mặt trên nằm gọn vào bên trong. Mặt dưới nằm gọn lại bên ngoài. Lúc bấy giờ 2 mép vải giáp nhau theo đường chéo. Chỉ việc khâu 2 mép lại thì ta có một cái ống vải hình ruột nghé. Đường may chạy xoắn ốc chung quanh ruột nghé.
Sao dẫy: sao như vậy, chỉ sự ngạc nhiên khi nhận ra việc làm sai trái.Ví dụ “Sao dẫy! làm hư hết trọi, hết ráo! làm như thế này chứ”
Săn: Gỗ tốt. ví dụ củi săn khác với củi tre. “Dùi đánh đục, đục đánh săn” nghĩa là dùi đục(làm bằng gỗ) đánh cái đục(bằng sắt) thì đục đánh xuống khúc gỗ.
Tau: Đại từ danh xưng ngôi thứ nhất. Nghiã là tôi, tao. “Tụi bay chơi đông dui quá nhỉ, cho tau chơi dới(với) nghen!”.
Tám hoánh: là đã xong rồi. Ví dụ: “Họ đi lâu chưa?-Đã đi tám hoánh rồi, từ hồi nước mới ròng” Trích “Đất Rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi” Người Phú Yên nói đi “đi tám quánh rồi”
Te Tua: là rách nát nhiều lắm. “Hai ống quần rách “te tua” Trích trang 23 trong ĐRPN của Đoàn Giỏi. Người Phu Yên cũng dùng “te tua” Ví dụ tàu lá “rách te tua”. Nó bị “chưởi mắng te tua”.
Thâu đi ông: Dùng để phủ định ý người đang nói. “Đố cái thằng đó mà thi đậu được kỳ này! Thâu đi ông, nó sẽ đậu thủ khoa cho mà xem!”
Thẵng, cỏn: “Mẹ ơi, chị hai, anh bốn và mấy đứa cháu đi về nội về ngoại của nó rồi!” -“Kêu tụi nó lại để mẹ gửi cái này cho thẵng và cỏn cái đã . “Không!, ảnh chĩ đi hết trơn hết trọi rồi”. Thường cha mẹ chồng cha mẹ vợ gọi con dâu và con rể không trực tiếp bằng “con, thằng” thô bạo bà gọi trại lại bằng “cỏn, thẵng” nghe nhẹ nhàng thân mật và lịch sự với lòng nể nang con cái hơn. Anh chị em ở phía chồng phía vợ cũng gọi anh rể chị dâu bằng “ảnh chĩ” cũng ý như vậy. Ngoài ra “ảnh chĩ ”cũng được dùng để làm thay đổi âm điệu câu nói.. Nói “anh” đi rồi nghe không êm bằng “ảnh” đi rồi.
Thớt thịt: là hang bán thịt ở chợ. “Nó bỏ cái rổ ở dưới gầm một “thớt” bán thịt lợn” Trích trang 22 trong “Đất Rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi”
Trã: là dụng cụ bằng đất nung dùng vào việc nấu canh kho cá. Nồi chỉ dùng để nấu cơm mà thôi.
Trách: là dụng cụ giống như cái trã, chỉ nhỏ hơn thôi. “cái trách, cái trã, cái mủng, cái cảo”là dụng cụ bếp núc của các bà ngày xưa. Nguyễn Đình Tư viết trong“Non Nước Phú Yên”trang 209: “Cẩm Sơn làm trã làm vung/Làm chum làm vại/Nắn thùng nắn niêu” Đúng câu hát của người Phú Yên là: “Cẩm Sơn làm trã làm dung/Làm chum làm dại/Nắn thùng nắn niêu”… nghe mới đúng điệu người sinh trưởng ở Phú Yên. Niêu là cái nồi đất nhỏ.
Trách trã: là trách móc. “Hôm qua, qua nói qua qua mà qua hổng qua. Nay qua qua. Thôi trách trã làm gì!”
Trắng bóc: Trắng ghê lắm. Hàm ý trắng như cái gì mới lột vỏ ra thấy bên trong quá trắng. “Con nhỏ này mặt mũi trông xấu xí nhưng da dẻ nó trắng bóc à! ” “Con nhà ai mà trắng như trứng gà luộc mới bóc vỏ!”
Trắng tinh: rất trắng. Hàm ý còn mới và tinh khiết nên giữ được màu trắng. “Vở mới mua mà! Giấy má còn trắng tinh”
Trịn: là lấy mông hay đít cọ vào cái gì để chùi cho sạch. “Trẻ con thời xưa chỉ mặc áo chứ không có quần để mặc. Ỉa thì trịn đít lên mô đất thay vì chùi bằng giẻ hay rửa đít.” Câu tục nói: “Một đời phấn sáp đeo hoa/ Một đời ỉa trịn cũng qua một đời!”
Trưa trật: quá trưa. Từ này cũng thấy người Nam Kỳ dùng. “Phải qua 2 cái phà nên trưa trật tôi mới tới đây”(bài viết về tướng cướp Bảy Viễn của Trúc Giang)
Tui: là tôi. “Anh bỏ qua chiện(chuyện) đó chứ tui(tôi) giận lắm”
Tứ tung: là vươn vãi khắp nơi. Tung là đường dọc, hoành là đường ngang. Ở đây biến thể “tứ tung” là bốn phía. “Sao dậy, đút cơm không chịu ăn, để cơm đổ tháo “dung dãi” tứ tung, cái thằng này! Chị “quánh” cho mà coi!”
Ui ui: là nắng không lớn lắm. Ví dụ: “Trời nắng “ui ui” mà mày dẫn em đi xa, không “đậu”mũ thì em nó sẽ bị bịnh cảm đó!”
Ử: là không còn chắc chắn nữa. “Đừng leo lên! Bức tường ở ngoài mưa gió lâu ngày nó ử rồi”
Ưng: là vừa lòng. Ví dụ “ăn món này có ưng ý anh không?”Người Phú Yên còn dùng rộng ra nữa. Trai gái “ưng” ai có nghĩa là lấy ai. Ví dụ “Thằng Hai xóm trên “ưng”con Ba ở xóm “ dứ”(dưới)”
Xỉ: là cái muổng, cái thìa. Phan Ngọc Giang nói từ này gốc Mam Bộ, gốc tiếng người Hoa
Xửng: xửng mưa, tạnh mưa. “Mấy hôm nay mưa quá trời. Khi nào xửng mưa tao qua!”
PHAN NGUYÊN LUÂN… thực hiện