Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

THƠ NGUYỆT THẢO





Nguyệt Thảo sinh năm 1979, quê ở An Giang. Nguyệt Thảo mất tại Sài Gòn ngày 13.3.2008.

ĐI CHỢ XUÂN NGƯỜI


Nhà thơ Nguyệt Thảo
(1979 – 2008)

Ai đi chợ sớm
nửa mùa
mua manh áo vụng
thêu thùa
tặng tôi
lưng trời con én mồ côi
tầng mây lơ lửng xuân vơi xuân đầy

Thử vui giữa chợ đôi ngày
lòng như hàng quán
đong đầy đong vơi
tím hồng xanh đỏ ngược xuôi
vẫn riêng thong thả mình tôi . . .
phai vàng

Tôi đi chợ đã . . .
muộn màng
sắp tan quán tết
sắp tàn phố xuân
tuổi mừng tuổi rụng
ngoài sân
mai đào mấy nhánh phù vân . . .
. . . nở rồi!

GIỖ MẸ

Mẹ xa trước nén nhang gần
có về trong sợi khói oằn dáng xưa
có về thăm bữa cơm trưa
chén canh goá bụa đĩa dưa nạ dòng

Thưông cây lúa thuở đòng đòng
ru con khúc hát vẫn lòng quê xa
năm mười hai tháng ngân hà
mưa vào tháng một mưa qua tháng mười

Nắng về thôn ngược làng xuôi
bốn mùa khăn mụ áo tơi mẹ quàng
nửa trời vuông trắng vầng tang
đường xa chợ muộn dở dang một đời

***
Gió đưa hồn khói lên trời
trong vong ảnh vẫn mẹ tôi lò mò
tiền vàng đốt đã thành tro
mâm cơm hiếu tử vẫn chờ . . .
nguội
thiu

nguyetthao 0807

TẤM LƯNG TRẦN Ở TÂN SƠN NHẤT

Hở cho lưng thấy mặt trời

hai giây áo một vai người biệt ly

mảnh khăn hồng phấn lau đi

dấu tay còn triệu con vi khuẩn sầu

nhắc ngày chia thịt da nhau

đói đuôi mắt ngọt no đầu lưỡi thơm

mỗi phân xác một phân hồn

giăng nghiêng thế dựng cuộn tròn dáng cong

hở vai cho tóc phiêu bồng

đây truân chuyên lại / này phong ba về

vết gì trên tấm lưng / chia

vết trần / ai vạch lằn khuya / với ngày

GÓA BỤA

Em khép lại
đêm
nỗi buồn goá bụa
góc phòng vuông
trơ trẽn mấy cạnh giường
chỗ ai nằm che tối tăm một nửa
cái bóng dài
goá bụa
cả vào gương

Đêm khép lại / em / quấn mền
chốt cửa
cơn mơ triều
đê vỡ / đập
chìm sông
lại giấc ngủ
thuyền hồng phao xanh / giữa
nuớc mênh mông
goá bụa
cả cánh đồng

020907

TÓC EM NGUỒN CỘI

Giờ ta đã ngủ
tóc phủ chân giường
nối giấc vô thường
vào đêm diệu vơị

trăm năm tình tội
mật ứa hương tràn
người đến muộn màng
hoa tàn một đoá

nửa giường tóc xoã
vắt phủ ngang người
là vệt nứt đời
phân đôi phần phận

lưng chừng vô tận
là bãi phong ba
tìm cỏ tìm hoa
tìm ra nguồn cội

MỘT MÌNH TÔI NGỦ NẰM NGHIÊNG

Chiều giường – đo thiếu trăm năm
tôi kê gối lệch tôi nằm nghiêng lưng
chăn thu đắp mảnh lừng chừng
đồi cao – nhú – đỏ / lũng rừng – rũ – nâu
nghiêng đèo dốc lượn về đâu
cồn dâng mấy lớp khe sâu mấy tầng

Máu dồn da thịt nghiêng thân
tay nghiêng hứng giọt trong ngần triết / minh
đất trời nghiêng cõi bình sinh
tôi xiêm áo lại nghiêng mình tạ tôi

Chiều giường đo một đo đôi
đêm nay tôi ngủ nghiêng chơi . . .

một mình

ĐỌC THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG RU ANH NGỦ !

Cứ rúc vào ngực em mà ngủ
hé môi thơm ngậm núm trinh tuyền
mở hồ rêu quế hương trầm ngụ
khơi giòng sữa rịn ý khai nguyên

Lênh đênh tay ngón vo nguồn cuội
hai đỉnh hồng nhô nhọn thái dương
kê sông gối núi đo bờ cõi
vũ trụ mênh mông mấy cạnh giường

Cứ rúc vào ngực em mà ngủ
rồi chất chồng nhau ta hoá thân
em tan thành nước / anh thành khí
kiếp trứoc đời sau chẳng lộn phần

Chân xuôi tóc rũ chia hồn xác
cột chống trời rung ngoáy càn khôn
thác nghiêng lở nhỡ giòng nham bạc
một góc rừng nâu tím lịm buồn

Lại rúc vào ngực nhau mà ngủ
ngày sẽ dài thêm / đêm ngắn đi

NHẬT TẬN


Ngày sắp cạn
tháng sắp rời
năm sắp tận
với lòng tôi sắp cùng

Canh cong
khắc cuốn
bịt bùng
mắt chùng khép đáy / đáy trùng trùng vơi
nụ cười bán nguyệt ra khơi
tóc hương diễm phụ lìa ngôi nữ hoàng

Tôi chờ tôi rất bàng quang
như xe đêm đợi chuyến hàng mộng du
lũ dơi mỏng cánh nhân từ
buồn vui cũng á thần phù gọi khuya

Gío quàng khăn lạnh phân chia
nụ Quỳnh hương nở đêm lìa biệt thâu

Lạy mai
tháng mới
ngày đầu
năm nguyên vẹn
với tình sau đẫy đà

Cùng đêm tận nhật tà bà
đáy ly rượu
một giọt
nhoà
lệ tôi ?

( giao thừa 31/12/2007)

THỔI TRO TRONG NHÚM TRO TÀN

thổi tro trong nhúm tro tàn
níu hoàng hôn lại trong hoàng hôn phai
lòng trong biển rộng sông dài
dòng tôi từ cõi thiên thai chảy về

chảy về chốn bỏ tôi đi
trời cho có một dậy thì ấy thôi
ơn nhau sống một lần đời
nên yêu cũng chỉ một người . . . mà yêu

chút tình còn lại mang theo
chút ghen với họ
chút kiêu với lòng
nhặt ra trong mắt môi chồng
thây hồng nhan bạc phận hồng nhan tôi?

đời cho sống một lần thôi
sao không yêu hết, nhỡ rồi . . phải khi
một mai qua dốc xuân thì
muốn yêu nữa biết lấy gì mà yêu

nhặt buồn trong cõi hoang liêu
thấy hoang liêu tận ánh chiều dương tan
nhặt tro trong nhúm tro tàn
thấy tôi ngồi giữa bóng hoàng hôn tôi

THÔI TÓM LẠI !

Thôi tóm lại .
trong bụi bờ là đất
Chẳng oan khiên
ta cũng hóa giun trùng
Có trời biết mình yêu nhau chân thật
Hóa giun trùng
cho lòng hóa khoan dung

Thôi tóm lại
hoa tàn hương cũng tận
tháng ngày đi
đổi lại
nếp nhăn về
tôi / son phấn / tẩy bồi / môi mắt nhận
người tỉnh say / đàng điếm / giả / chân thề

Thôi tóm lại
đơn giản hóa chuyện mình anh nhé
Lý lẽ nào
phải trái hết cơn đau
Trải nghiệm nào
cho những cuộc tình sau
Chỉ biết chắc !
cón yêu nữa là vẫn dại !

Thôi tóm lại – tôi về – thôi tóm lại !

BÀI THƠ VĨNH BIỆT

Tôi phải đi đây. ngày đã cạn
đêm đã cùng, năm tháng đã thôi
vui đã đủ, giận hờn đã chán
còn nghĩa gì mảnh xác thân hôi !

trời đất rộng, lòng tôi bỗng nhỏ
một nẻo về bốn ngõ quanh co
tàu nguợc – tàu xuôi đều đã lỡ
hồn chạnh buồn như cái chợ trưa
giữa chợ trưa lại ngồi tính sổ
vay trăm năm góp trả một đời
trả một đời tôi còn vẫn nợ
vẫn nợ người tôi nợ cả tôi

nên dành dụm mỗi ngày mỗi tối
nên chắt chiu từng phút từng giây
mà thời gian thì qua rất vội
chẳng kịp rồi ! tôi phải đi đây !!!!!!

chẳng kịp rồi !!!!!!
tôi phải đi đây.
chẳng kịp rồi tôi phải đi đây !

NGUYỆT THẢO

THIÊN ĐÀNG HOANG VU



Nguyệt Thảo



Anh cứ hỏi : nếu hai ngàn năm truớc
có em rồi - thì đời Chúa ra sao !?
Nguời sẽ bỏ dở công trình cứu chuộc
dắt em về hang đá ở cùng nhau


Còn anh sẽ đuợc trao cây thập giá
mang danh Trời đi gánh tội nguời ta
để từ đó cuộc đời thêm vất vả
mỗi dấu đinh là mỗi vết đàn bà

Sao địa ngục thì không còn chỗ chứa
mà thiên đàng lại trống vắng hoang vu
anh ráng đợi mấy ngàn năm nữa để
chuộc em ra - giải phóng Chúa nhân từ

Cây thập giá - bẻ rời ra mỗi khúc
linh hồn anh - bằm nát đến từng phân
Vì em cứ
CẤT KỸ CHÚA TRỜI TRONG ÁO NGỰC
CỬA THIÊN ĐÀNG CHỐT CHẶT GIỮA HAI CHÂN !!!!!

Nguyệt Thảo

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Chưa hiểu hết cha ông thì đừng tính chuyện “soán ngôi” thơ






Nguyễn Trọng Bình







1. Thật buồn cười khi biết rằng hiện nay người ta đem chuyện “thơ đương đại khó hay độc giả quá khắt khe” với nó ra mà bàn tán rôm rả. Sao lại đặt vấn đề như thế nhỉ? Không phải mọi người luôn bảo nhau rằng dù muốn dù không; dù “thơ khó hay độc giả khó” gì thì “thơ vẫn sống”, vẫn “tồn tại” đó sao? Thế thì bàn chuyện này cuối cùng sẽ mang lại kết quả gì? Lẽ ra, ở chỗ này nên luận xem thơ đương đại đang “sống” ra sao, “sống” như như thế nào; “sống” với bộ phận công chúng nào; “sống” tới bao lâu; và những người làm ra nó có thể cùng “sống” với nó để lưu danh hậu thế như cha ông thời trước không? Hay là thật sự nó đang “chết trong lúc sống” như cách nói của Nam Cao trong tiểu thuyết nổi tiếng Sống mòn viết cách đây hơn nửa thế kỷ?… Những vấn đề như thế này lẽ ra phải được “mổ xẻ” thì có khi là “hợp tình hợp cảnh” hơn chăng?
Chưa hết, càng buồn cười hơn nữa khi có không ít những người làm thơ đương đại hiện nay còn “úp mở” rằng đã đến lúc làm một cuộc “thay máu” cho thơ ca kiểu như các nhà thơ Mới thế hệ 1932-1942 đã từng làm trong lịch sử thơ ca dân tộc nữa chứ? Làm gì mà phải thống thiết đến mức ảo tưởng và ngô nghê khi van nài rằng:“nên chăng độc giả hãy cho thơ đương đại cơ hội được đọc, được hiểu như thơ Mới, tới lúc đó thơ đương đại không còn khó nữa”? [1]. Trời ạ, có ai cấm cản chuyện này bao giờ đâu mà bảo “cho hay không cho”. Tuy thế, nếu chỉ dẫn ra vài trường hợp thơ đương đại viết theo lối rất tự phát hiện nay để so sánh với cả một trào lưu thơ Mới rồi yêu cầu công chúng “ban phát cho một cơ hội” thì rõ ràng chưa phải lúc nếu không muốn nói là quá ảo tưởng?!
2. Đến nay phong trào thơ Mới 1932-1942 đã trở thành quá khứ, trở thành truyền thống thơ ca của dân tộc. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng để làm nên “một thời đại trong thi ca vừa đúng mười năm chẵn” này (theo cách nói của Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam) thì cha ông ta đã mất đến 1000 năm để “chuẩn bị” (nếu làm tròn những con số kể từ khi chúng ta có nền văn học viết (thế kỷ X) đến thời thơ Mới – thế kỷ XX). Trong cái nhìn so sánh, nếu lấy mốc 1945 đến nay thì với khoảng trên dưới 70 năm thử hỏi những người làm thơ đương đại hiện nay đã có những bước “chuẩn bị” gì và chuẩn bị như thế nào mà đòi làm cuộc “nổi loạn” nhằm “tống tiễn thơ Mới” như kiểu các nhà thơ Mới trước đây đã tống tiễn thơ Cũ (thơ ca trung đại)? Hay nói cách khác, trong khoảng hơn nửa thế kỷ này, chúng ta đã hiểu cha ông ta chưa, hiểu như thế nào, hiểu đến mức nào… mà đòi làm cuộc “thay máu”?
Công bằng mà nói thì chúng ta có hiểu nhưng vẫn chưa hiểu hết hoặc có những chỗ hiểu nhưng hiểu rất mơ hồ hoặc có khi là vẫn không thể hiểu nổi cha ông ta thời thơ Mới đâu. Thảo nào mà chúng ta chưa kịp hiểu hết cha ông, hoặc không hiểu cha ông nên mới đưa ra những cách so sánh ấu trĩ và buồn cười thế này:
“Nếu cái tôi thơ mới chỉ dừng lại là sự khẳng định cá nhân trong nỗi cô đơn, lạc lõng giữa thế giới:“ta là một, là riêng là thứ nhất/ không có chi bè bạn nỗi cùng ta (Hy Mà Lạp Sơn – Xuân Diệu) thì cái tôi cô đơn trong thơ đương đại lại là sự khẳng định cái cô đơn ngay giữa những người thân yêu nhất:
Bố
Mặt trời nóng rực và ồn ã
Con muốn gần … lại sợ …
tan ra…
Mẹ
Mặt trăng xa
Con ngần ngại cận kề
Con
Vì sao lạc giữa
Lớn lên và sáng bằng nước mắt
Bầu trời không ngừng bão tố
Sấm, sét chớp rạch đấy…
(Những đối lập – Vi Thùy Linh)” [2]
Có thật là “cái tôi thơ Mới chỉ dừng lại” ở “sự khẳng định cá nhân trong nỗi cô đơn, lạc lõng giữa thế giới” như cách nói của tác giả đoạn trích này không? Hơn nữa, nếu lấy cái tôi thơ Mới “cô đơn lạc lõng giữa thế giới” so với cái tôi của thơ đương đại “cô đơn ngay giữa những người thân yêu nhất” (mà cô nàng “thi sĩ ái quyền” Vi Thùy Linh đang làm “đại diện”) thì cái tôi nào đáng thông cảm và chia sẻ hơn? Một đằng là lạc lỏng giữa vũ trụ khôn cùng; một đằng chỉ là sự lạc lỏng trong phạm vi của một gia đình thì liệu sự lạc lỏng nào đáng thương hơn?
Nên nhớ rằng, suy cho cùng sự ra đời của thơ Mới nói chung hay các trào lưu văn học giai đoạn 1930-1945 về sâu xa đó còn là nỗi “bức xúc” của cha ông nhằm thoát ra khỏi sự “nô lệ văn hóa” (văn hóa Trung Hoa suốt 1000 năm Bắc thuộc) bên cạnh một nỗi “bức xúc” khác đó là sự nô lệ về cương vực, lãnh thổ” (sự cay trị của thực dân Pháp). Cho nên, sự khẳng định “cái tôi” ở thơ Mới ở góc nhìn văn hóa, đó là một bước ngoặt cực kì quan trọng đối với vận mệnh dân tộc ở phương diện trình độ tư duy và nhận thức của mỗi cá nhân. Trong cái nhìn này, có thể nói các cây bút thơ đương đại chưa làm được những điều mà các nhà thơ Mới đã làm trước đó. Bằng chứng là các cây bút thơ đương đại nhìn chung vẫn viết theo lối tự phát (tôi muốn nói đến sự “tự phát” ở nghĩa rộng của từ này). Vì thế, tiếng nói của họ chưa đủ “sức nặng” để thuyết phục công chúng vì một lẽ rất đơn giản đó không phải là “tiếng nói chung của một thế hệ”. Trong khi đó, với thơ Mới tuy mỗi nhà thơ là một phong cách nhưng gần như tất cả họ đều cùng chung một “chiến tuyến” (cùng tham gia “bút chiến” với thơ Cũ), chung một mục tiêu là hướng đến việc thay đổi nhận thức nhằm “cải tạo văn hóa”; dẫn dắt dân tộc hòa nhập với những nền văn hóa khác trên con đường hòa nhập với xu hướng thế giới mở.
3. Bây giờ chúng ta thử bàn thêm một vài nét cơ bản để xem cha ông ta thời thơ Mới đã có những bước đi và chuẩn bị gì về văn hóa như thế nào trong 1000 năm để đến năm 1932 mới bắt đầu chính thức làm cuộc lật đổ “thành trì” thơ ca trung đại trước đó?
Thứ nhất, làm nên thời đại thơ Mới là những tên tuổi cụ thể như Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Kiêm, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… Tuy nhiên trước đó, để có được thành công của thơ Mới thì không thể không kể đến những người đã cất công “dò đường”, cất công “tiền trạm” tiêu biểu như “ông thần ngông” Tản Đà – người mà Hoài Thanh đã thành kính tri ân bằng việc rước “anh linh” về chứng giám trước khi cho “khai mạc Hội Tao Đàn thơ Mới”. Đó là nói về những người có công tham gia trực tiếp vào cuộc “nổi loạn” của thơ Mới còn như nói về những bước “chuẩn bị” sâu xa hơn nữa ở các phương diện như văn hóa, giáo dục, nghệ thuật… có lẽ khó mà kể hết ra đây những tên tuổi đã gián tiếp ít nhiều góp phần vào cuộc cuộc “nổi loạn” này. Chúng ta hãy nghe học giả Lưu Trọng Lư phát biểu về vấn đề này trong bài diễn thuyết ở Học hội Quy Nhơn năm tháng 6/1934 để hiểu rõ hơn sự thay đổi mang tính bước ngoặt về nhận thức và trình độ tư duy của cha ông ta như thế nào:
“Các cụ ta ưa màu đỏ choét, ta lại ưa màu xanh nhạt…các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao nao vì tiếng gà đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một xanh đồng xanh. Cái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…” (Dẫn lại từ Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân).
Thứ hai, nhận định về các khuynh hướng của thơ Mới, Hoài Thanh viết: “Mỗi nhà thơ Việt Nam hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”. Tôi muốn nhìn nhận vấn đề ở đây với ý nghĩa tích cực của nó đó là sự tác động, ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa – một thực tế đã diễn ra có tác động trực tiếp đến các nhà thơ Mới. Ở góc nhìn này, tôi cho rằng; để có thể hiểu cha ông – để hiểu, để “giải mã” những phong cách thơ như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương… dứt khoát chúng ta cần phải được “trang bị” về văn hóa Pháp nhất là ở phương diện triết học. Bởi với các nước phương Tây, hầu như những trào lưu văn học của họ bao giờ cũng được “dẫn dắt” bằng một triết thuyết nào đó! Ở góc nhìn này, chúng ta cần nên thành thật với nhau là đến nay ta thật sự vẫn chưa hiểu hết những gì gọi là “thơ điên”, “thơ loạn” ở Hàn Mặc Tử, ở Chế Lan Viên….; hay chúng ta tuy cũng có nói đến “thơ tượng trưng”, nói đến “thơ siêu thực” trong phong trào thơ Mới nhưng để nói cho tường tận, cho “ra ngô ra khoai” thì hầu như vẫn là vấn đề còn đang được các nhà nghiên cứu trao đổi, bàn bạc. Đó là chưa nói, một thời gian dài chúng ta bị “ức chế” vì thơ Mới bị loại bỏ ra khỏi đời sống văn học những năm cả dân tộc tiến hành “hai cuộc chiến sống còn” để thống nhất bờ cõi. Sự “ức chế” này không đơn giản chỉ là sự “ức chế” vì không được phép đề cập, không được bàn, không được ca ngợi thơ Mới mà quan trọng hơn nó là sự “ức chế triết học”; “ức chế về quan điểm và xúc cảm thẩm mỹ” vì đường hướng cách mạng dân tộc chỉ chấp nhận duy nhất một con đường, một hướng đi chung cả về “lý luận” lẫn “thực tiễn”. Và chỉ từ khi sau đổi mới (1986), chúng ta mới bắt đầu tìm lại, xem lại, đọc lại, đánh giá lại thơ Mới cũng như những hiện tượng văn học khác mà một thời vì “hoàn cảnh” mà chúng ta coi đó là những trường hợp “phức tạp”. Thế nhưng, như đã nói với chừng ấy năm sau đổi mới, thử hỏi chúng ta liệu đã đủ thời gian để giải tỏa hết những nỗi “ức chế triết học” chưa; liệu chúng ta đã hiểu hết cha ông ta thời thơ Mới chưa? Rõ ràng, chúng ta chỉ hiểu ở một vài phương diện; hoặc có khi là vẫn chưa hiểu, không hiểu, hay hiểu rất mơ hồ… Như thế, thì liệu chúng ta làm sao đủ “vốn” để mà làm những “cuộc bạo động chữ nghĩa” hay “cách tân” gì đó?
Ngoài ra, tiện thể cũng xin nói thêm, đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa hiểu và khai thác hết cái di sản văn học nghệ thuật nói chung hay thơ ca nói riêng của cha ông ở “khu vực” mà các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn gọi đó là “văn học đô thị miền Nam” những năm đất nước còn bị chia cắt (– một di sản văn học được đánh giá là rất phong phú và đa dạng). Trong cái nhìn cầu thị và chân thành nhất, riêng ở chỗ này chúng ta cũng lại chưa kịp hiểu hết những tâm tư, tình cảm, những trăn trở của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc trên dãy đất hình chữ S thống nhất. Một lần nữa có thể nói, chúng ta vẫn chưa kịp hiểu hết cha ông mà đã vội hát câu “ví dầu tình bậu muốn thôi/bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra” rồi!
4. Có thể nói, để làm nên phong trào thơ Mới cách đây hơn nửa thế kỷ, cha ông ta đã có những bước đi và những sự “chuẩn bị” về rất kỹ về văn hóa. Nói cách khác, cha ông ta thời thơ Mới đã hiểu rất rõ cha ông ta thời trung đại trong suốt 1000 năm và họ thấy đã đến lúc phải làm cuộc “thay máu” và thực tế là họ đã đúng và đã làm được. Cha ông ta thời thơ Mới đã hiểu rất rõ cha ông thời trung đại bằng một con mắt tinh đời luôn “nhìn xa trông rộng” với một tinh thần tự giác và rất có trách nhiệm. Trên cơ sở ấy, họ mới dám tự tin làm nên cuộc “nổi loạn” nhằm giải tỏa những nỗi “bức xúc về văn hóa” ở “địa hạt” văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng.
Còn với chúng ta ngày nay – thử hỏi những nhà thơ đương đại đã hiểu cha ông ta (thời thơ Mới) đến đâu trong khoảng trên dưới 70 năm qua (tính luôn những 41 năm bị gián đoạn từ 1945 đến 1986) mà đòi làm cuộc “soán ngôi” thơ? Thực ra, thì chúng ta vẫn đang sống, vẫn đang được sưởi ấm bằng ngọn lửa âm ỉ cháy của cha ông ta từ thời thơ Mới mà có khi ta đang cố tình tự lừa dối mình để không chịu thừa nhận đó thôi. Những cái mà chúng ta gọi là “thơ khó”, thơ “tân hình thức”, “thơ hậu hiện đại” … gì đó hiện nay thì cha ông ta thời thơ Mới đã thử nghiệm hết cả rồi. Những phát ngôn theo kiểu “tôi viết những gì thuộc về chính tôi, viết cho riêng mình tôi” thì cha ông ta đã nói rồi. Thơ của Xuân Thu Nhã tập đây này:
“Lẳng xuân bờ giũ trái xuân sa
Đái đĩa mùa đi nhịp hãi hà”
Chúng ta không hiểu hoặc chưa kịp hiểu cha ông đó là một cái tội. Mặt khác, không hiểu hay chưa hiểu cha ông ở phương diện nào đó cũng tức là ta không hiểu hay chưa hiểu chính bản thân ta. Mà ta không hiểu chính ta thì làm sao làm việc có hiệu quả? Cho nên, trên thực tế có khi không khéo chúng ta cũng giống như chú khỉ Tôn Ngộ Không dù có lộn đi lộn lại trăm ngàn vòng đi nữa vẫn không thoát ra khỏi bàn tay của Phật tổ?
***
Cuộc đời vốn rất công bằng, ai có tài năng và tâm huyết nhất định cuộc đời sẽ vinh danh. Chúng ta không bi quan vào sự vận động và phát triển của thơ ca dân tộc ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, có lẽ cũng không nên quá nôn nóng nghĩ đến chuyện phải làm cuộc “soán ngôi thơ” gì đó trong lúc này. Hãy dũng cảm nhìn vào một sự thật là chúng ta vẫn còn đang nợ cha ông ta rất nhiều. Bởi những di sản cha ông để lại chúng ta vẫn chưa “xử lý”, chưa “tiêu hóa” nổi. Rồi đây chắc chắn sẽ có một cuộc “thay máu” nữa thơ ca cho dân tộc. Nhưng đó là chuyện của tương lai có thể rất gần mà cũng là rất xa (vì với những gì đang diễn ra có lẽ lịch sử đã không chọn thế hệ chúng ta hiện nay để gánh vác cái “sứ mệnh thay máu” cho thơ ca dân tộc rồi). Cho nên, theo thiển ý cá nhân, người viết cho rằng nếu thật sự có trách nhiệm với thơ, thật sự yêu và kính trọng thơ, nên chăng chúng ta cần có những bước “chuẩn bị văn hóa” (chữ dùng của nhà phê bình Nguyễn Hòa) thật tốt cho con cháu mai sau. Biết đâu khi ấy cuộc đời sẽ lại vinh danh chúng ta như một người có đã công “tiền trạm” kiểu như thi sĩ Tản Đà trước đây. Được như thế, thiết nghĩ cũng đã là may mắn lắm rồi.
Tóm lại, vấn đề ở đây không phải là chuyện“thơ khó hay độc giả khắt khe” (mà dẫu nếu có chuyện này đi chăng nữa thì đây cũng là chuyện rất nhỏ) mà vấn đề là tất cả chúng ta (cả người làm thơ và người thưởng thức thơ) đã chuẩn bị gì cho thơ, đã “thay nghén” và “nuôi dưỡng” thơ như thế nào để thơ được “sống”, được can dự vào sự tiến hóa chung của con người trong thời đại toàn cầu hóa?

Ghi chú:
[1]; [2]: Bài viết “Thơ đương đại, thơ khó hay người đọc khắt khe” của Trần Thư được chúng tôi dẫn lại từ báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 26/2/2012

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Bụt và Lợn




Một con lợn biết mình sắp bị mổ thịt, kêu khóc thảm thiết. Bụt hiện ra hỏi tại sao con khóc? Lợn gạt nước mắt nói, “Cuộc đời sao quá bất công? Con sinh ra phải mang tấm thân xấu xí, ăn cơm thừa canh cặn, ở trong chuồng dơ dáy, rồi lại bị bắt giết làm thịt. Cõi đời này còn có công lý hay không?”
Bụt cười và giảng, “Tại con không biết, chứ đó là do luật nhân quả. Để ta giải thích cho con rõ:
Kiếp trước con không biết nghe lời hay lẽ phải, kiếp này con phải mang đôi tai to.
Kiếp trước con hay đi chơi bia ôm, thấy gái đẹp là mắt híp lại, nên kiếp này con có đôi mắt híp.
Kiếp trước con hay hát karaoke, hát dở mà cứ chu mỏ rống thật to làm khổ lỗ nhĩ hàng xóm, nên kiếp này con có cái mõm dài.


Kiếp trước con hay “nói dai, nói dài, nói dóc, nói dỏm” chi nên kiếp này con phải kêu ủn ỉn, ụt ịt.
Kiếp trước con chỉ ngồi bàn giấy sai bảo người khác và rất lười vận động, nên kiếp này con có bụng bự và chân ngắn.
Kiếp trước con ăn nhậu phủ phê và ở nhà cao cửa rộng nhờ tiền tham nhũng, nên kiếp này con phải ăn cơm thừa canh cặn và ở chuồng heo.
Kiếp trước con chỉ biết sống “vinh thân phì gia hại quốc mặc thiên hạ” làm bao nhiêu dân nghèo không có miếng thịt để ăn, cho nên kiếp này con phải bị giết làm thịt.”
Con lợn nghe xong bán tín bán nghi thốt lên: “ Trời đất ơi, không lẽ kiếp trước của con là quan tham"

ST

NỐT LẶNG TRONG TÌNH THƠ NGUYỄN DUỆ MAI - Thùy Anh





Trong những khoảng lặng ấy, vẫn có một thứ âm thanh đặc biệt mà chỉ có ta mới nghe được – âm thanh của tiếng lòng.
Và trong muôn vàn âm thanh của bản tình ca sâu lắng, nốt lặng sẽ tạo nên điều kì diệu – những khoảng “mở” cho thế giới tâm hồn mênh mang…
(Lời giới thiệu tập thơ "Nốt lặng" của Nguyễn Duệ Mai - ấn phẩm của Chieulang.com.vn)



Nguyễn Duệ Mai ngay từ thuở còn là cô sinh viên Văn khoa trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đam mê viết văn, làm thơ. Những bài thơ nho nhỏ xinh xinh được chép tay cẩn thận, thường được lưu giữ riêng, và chỉ chia sẻ với một số ít bạn thân. Nhưng vì điều kiện thực tế, sau khi ra trường, chị lại không có cơ duyên để đứng trên bục giảng. Công tác trong một lĩnh vực khác, nhưng Nguyễn Duệ Mai vẫn viết đều, bằng trái tim phụ nữ nhạy cảm, yêu thương và ngòi bút tinh tế của một người được đào tạo bài bản. Và để giờ đây, chúng ta có trên tay tập thơ đầu tay của chị - "Nốt lặng". Trong tập thơ này, mỗi suy tư về cuộc đời, thân phận và tình yêu, là một nốt lặng trong bản tình ca cuộc đời bằng thơ.
Trong bản tình ca ấy, người ta dễ dàng nhận ra hình ảnh một người phụ nữ sống hết mình với tình yêu, hy sinh vì tình yêu, nhưng luôn lặng lẽ, âm thầm. Với chị, tình yêu là một “mạch ngầm” nuôi dưỡng đời sống và tâm hồn con người. Chị chọn hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa thật sâu sắc, chí tình:

Nhưng tình em kết trái
Trong nhỏ nhặt thường ngày

Mầm cây lên từ đất
Sắc hoa lên từ thân
Và dòng sông hạnh phúc
Dâng lên từ mạch ngầm.
(Mạch ngầm)

Những cặp thơ song hành “tình em kết trái”- “mầm cây lên từ đất” để dẫn tới hình ảnh khái quát về hạnh phúc mang tính chiêm nghiệm sâu xa: “Và dòng sông hạnh phúc – Dâng lên từ mạch ngầm". Câu thơ giản dị mà thấm vào lòng người thật tự nhiên.
Người đàn bà trong thơ Duệ Mai nội tâm luôn giấu kín. Vui lặng lẽ (mà điều này rất hiếm), còn buồn thì vời vợi. Thật khó cầm lòng trước những câu thơ buồn sâu như thế này, bởi lẽ, nó đúc rút từ những gì rất đỗi đời thường mà đôi khi người ta không để ý hoặc vì lý do nào đó mà không thể để ý:

“Góc chiều
Tôi giấu bóng tôi
Góc tôi
Tôi giấu chiều rơi
Lạnh lùng!”
(Giấu)

Con người phải tự giấu mình vào một góc rất riêng, không muốn ai nhìn thấy, vẻ ngoài tưởng chừng lạnh lùng nhưng thực ra bên trong lại vô cùng phức tạp. Mà càng cố giấu thì càng dồn nén, chất chứa bao điều. Con người ấy cũng ước mơ, khát vọng…, nhưng rồi lại nén lòng để tất cả trôi qua, tự tìm bình yên trong hiện tại nhạt nhòa:

Giấc mơ đôi lần hoang hoải
Chênh chao với chút sóng vờn
Nhưng rồi yên bình trở lại
Sau từng cánh lá vàng buông
(Vẫn dòng chảy cũ)

Chính vì giấu cái Thật nhất của mình đi, nên sống giữa đời thường mà phải “diễn” với nhiều vai khác nhau. Hóa ra cuộc đời là một sân khấu lớn, còn con người là những diễn viên chăng?

Đã cùng qua mấy nổi chìm
Lẽ nào thú nhận… chưa tìm thấy nhau?
Tròn vai, khó diễn lắm đâu
Nhưng sau sân khấu, nát nhầu bóng đêm.
(Diễn)

Câu thơ cuối cùng là lời thú nhận chua chát và đau xót. Cái “nát nhàu bóng đêm” ấy là sự nhàu nát của tâm hồn khi hiểu rằng ngay cả tình yêu bấy lâu nay cũng chỉ là “diễn” cho nhau mà thôi! Bi kịch giằng xé chỉ có thể nương nhờ vào bóng đêm che chắn! Thế mới thấy, người đàn bà ấy đã phải chịu đựng như thế nào! Cuộc đời đâu phải cứ bão tố phong ba mới là bất hạnh! Nhiều khi phẳng lặng quá thành ra nhạt nhẽo, không đam mê, không khám phá, đối với người từng có những ước vọng lớn lao, thì cuộc sống đó mới thực sự không hạnh phúc!

Duệ Mai viết nhiều về nỗi lòng của người đàn bà làm thơ. Trời sinh ra người đàn bà trót biết làm thơ, là đày người ta chăng? Đọc thơ Duệ Mai, tôi nhớ câu thơ của nhà thơ Đoàn Thị Tảo trong bài “Chị tôi”: “Ngày chị sinh trời cho làm thơ – Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở… Ngày chị sinh trời cho làm thơ vấn vương với sợi tơ trời – Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”. Thơ Duệ Mai là những minh họa đúng nhất cho chữ “đa đoan” này:

Riêng điều em khác người ta
Đam mê con chữ, gọi là... đa mang
Dễ buồn, dễ khóc, dễ than
Dễ thương tổn với những oan trái tình
(Giọt sương rơi)

Và có lúc, Duệ Mai trăn trở, dằn vặt trong cuộc đấu tranh nội tâm chưa bao giờ ngừng nghỉ:

“Núp dưới câu thơ ta tìm được những gì
Hay khắc khoải một hành trình tự trốn?
Con tằm đã quấn kén vùi mình trong yên ổn
Đợi lặng lẽ một ngày... hoá thành bướm bay đi...”
(Độc thoại)

Có một bài thơ mà Duệ Mai phải đặt tên là “Không tìm được tựa đề”. Đây thực sự là một cơn bão lòng của người đàn bà ăm ắp buồn, tê tái đau. Cái nỗi buồn có thể kết lại thành những hạt cườm, xâu chuỗi với nhau, quàng lên đời người. Muốn tự giải thoát, thì thành ra thế này đây:

Một lần hiện thực vung roi
Đứt tung tóe, hạt cườm rơi xuống sàn!
Hạt lăn về phía thời gian
Hạt nương náu chữ đa đoan, giấu mình!

Và bàn chân ấy, cố tình
Giẫm, di cho nát những hình trắng, nâu
Hạt cườm nhẵn lắm, không đau
Nên bàn chân vết lõm sâu, lại đầy!
(Không đặt được tựa đề)

Đọc những câu thơ như thế, thấy chính mình cũng đau buốt, thấy tâm hồn mình cũng đầy vết lõm như dấu vết những nốt lặng in hằn!

Nhưng không phải lúc nào thơ Duệ Mai cũng viết về tình yêu, nỗi buồn ẩn giấu. Thơ chị còn dành tình yêu thương cho những người thân. Với những bài thơ này, chị thường chọn viết lục bát với những vần thơ mềm mại, sâu lắng, mượt mà. Chị viết về mẹ đẻ, mẹ chồng bằng những bài thơ riêng. Và chị dành riêng một bài để nói về hai người Mẹ của mình. Bài thơ “Hai Mẹ” của chị đã thực sự chinh phục người đọc bởi tấm lòng con đẻ - con dâu hiếu thảo, ơn nghĩa. Nó khiến tôi lại nhớ đến bài thơ “Mẹ của anh” của Xuân Quỳnh, nhưng nếu Xuân Quỳnh chỉ nói về mẹ chồng, thì Duệ Mai lại nâng niu đặt hình ảnh “Hai Mẹ” bên nhau, mỗi Mẹ có một đặc điểm riêng, nhưng cùng một tình yêu vô hạn cho những đứa con chung:

Mẹ em thấu hiểu, sẻ chia
Những cay đắng, những bộn bề áo cơm
Mẹ anh sắc sảo ngọn nguồn
Cân đong được hết thiệt hơn cõi người

Nhìn hai bà mẹ nói cười
Giận mình có phút ngậm ngùi vu vơ
Vòng tay hai mẹ giăng tơ
Quấn con êm ấm đến giờ, mẹ ơi!”
(Hai mẹ)

Nếu không thấu hiểu lòng Mẹ vô cùng, thì sẽ không thể viết được những câu thơ biết ơn xúc động nhường ấy!

Trái tim giàu thương cảm của chị hướng đến những người bạn và cả những người không quen. Chị viết cho một người bạn vừa tan vỡ hạnh phúc bằng sự cảm thông và động viên ứa nước mắt:

Mảnh mai em gánh cuộc đời
Dồn yêu thương phía tiếng cười con thơ…
… Nồi tròn chẳng úp vung tròn
Xoay quanh vung méo, nhưng còn hai quai.

Em đi về phía ngày mai.
(Viết cho một người bạn)

Và chị viết những câu thơ đầy xa xót mà vô cùng kính trọng này là để dành cho một người bạn thân, một bác sĩ giỏi và thực sự là một lương y với đúng nghĩa của từ này:
Một đời lở, chẳng kịp bồi
Thương sông đau đáu chân trời dở dang!

Dòng ngừng chảy giữa thế gian
Nhưng phù sa vẫn tràn loang nơi này...
(Phù sa)

Người bạn ấy đã sống một đời trọn vẹn, dâng hiến tâm sức cho đời, như một dòng sông chở nặng phù sa. Duệ Mai hiểu thấu bạn mình và lặng lẽ thì thầm với người đã khuất: Dù đã ra đi, nhưng những gì anh để lại vẫn còn mãi như “phù sa vẫn tràn loang nơi này”. Xúc động biết bao!

Điều khiến cho thơ Duệ Mai chiếm được tình yêu mến của bạn đọc không chỉ là những tình cảm đẹp và sâu, được thể hiện trong những vần thơ mượt mà, mà còn là cách phát hiện quy luật cuộc sống, quy luật tâm lý từ những điều rất bình dị đời thường. Chỉ là một viên bi, thế mà thành một đời vô cảm: “Bây giờ ta vứt ta đi – Tròn xoe vô cảm viên bi giữa đời” (Viên bi). Hoặc một nhánh cỏ may cũng khiến chị đau đáu: “May mà chẳng thấy may đâu - Cỏ mà chẳng thấy cỏ mầu xanh non/ Lụa không vì thế mà mòn - Nhưng trong thớ vải, vẫn còn vết châm!” (Vết cỏ). Những câu thơ khiến người đọc phải giật mình thảng thốt vì nó quá đúng, vì nó đã chạm đến những nỗi niềm sâu kín của chính mình. Thơ Duệ Mai như viết hộ lòng mình vậy!

Cuộc đời con người luôn cần những khoảng lặng để ngẫm, để hiểu sâu hơn về mình, về người.
Trong những khoảng lặng ấy, vẫn có một thứ âm thanh đặc biệt mà chỉ có ta mới nghe được – âm thanh của tiếng lòng.

Và trong muôn vàn âm thanh của bản tình ca sâu lắng, nốt lặng sẽ tạo nên điều kì diệu – những khoảng “mở” cho thế giới tâm hồn mênh mang…

Những nốt lặng trong thơ Duệ Mai là như vậy, “lặng” mà để lại dư âm trong lòng người, vì nó đã ngân lên những giai điệu đẹp của một tình thơ dịu hiền, nhịn nhường hết thảy, một đời chỉ biết yêu thương.

Với tập thơ "Nốt lặng", Nguyễn Duệ Mai đã tạo nên một phong cách thơ riêng không dễ lẫn giữa rất nhiều "sản phẩm thơ" ồ ạt hiện nay. Nhẹ nhàng, bình dị, tinh tế, vừa truyền thống, vừa sáng tạo trong cách thể hiện, thơ chị xứng đáng được bạn đọc trân trọng, nâng niu.

Hãy đọc và lắng nghe, để cảm nhận về “Nốt lặng” riêng mang tên NGUYỄN DUỆ MAI.

Thùy Anh.

Bàn về một đại chiến lược cho Việt Nam trong TK 21






Tác giả: Ngô Di Lân

Mục đích chính của bài viết này là đưa ra nhận định về những thách thức chiến lược tiềm tàng cho Việt Nam trong thế kỷ XXI và phác hoạ một số nét chính về bốn đại chiến lược khả dĩ để chúng ta có thể đương đầu với những thách thức này. Bên cạnh đó, tác giả cũng hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp khái niệm “đại chiến lược” trở nên gần gũi hơn với các độc giả, đồng thời thôi thúc các học giả trong và ngoài nước nghiên cứu đề tài đại chiến lược Việt Nam một cách có khoa học và hệ thống hơn.

Bài viết sẽ này có năm phần chính như sau. Phần thứ nhất sẽ giới thiệu một cách tổng quát về khái niệm đại chiến lược. Tiếp theo tác giả sẽ xác định các lợi ích quốc gia cốt lõi của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trong phần thứ ba, tác giả sẽ phân tích và đánh giá môi trường chiến lược của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Phần thứ tư sẽ điểm qua một số nét chính về những đại chiến lược khả dĩ cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Cuối cùng, tác giả sẽ tóm tắt lại đại ý của toàn bài và đưa ra một số nhận định về đại chiến lược hợp lý nhất cho Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.

I/Tổng quan về đại chiến lược

Đại chiến lược (grand strategy) là một khái niệm thường được các học giả quan hệ quốc tế và chiến lược gia quân sự dùng để chỉ một tổ hợp các nguyên tắc và quan điểm mang tính định hướng chính sách đối ngoại và quốc phòng của một quốc gia. Đại chiến lược chỉ rõ đâu là những lợi ích cao nhất của một quốc gia và đâu là những mối đe dọa chính đối với những lợi ích đó. Một đại chiến lược tốt sẽ xác định rõ thứ tự ưu tiên của các mục tiêu mà một quốc gia muốn theo đuổi và chỉ ra cách tốt nhất để các nhà hoạch định chính sách tận dụng nguồn tài nguyên có hạn của mình nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra. Hơn nữa, đại chiến lược có thể giúp tránh được sự mâu thuẫn trong các chính sách, đồng thời tạo ra tính kế tục và mạch lạc trong các chính sách ngắn, trung và dài hạn của các quốc gia. Chính vì vậy, việc có được một đại chiến lược rõ ràng, mạch lạc và phù hợp với thời thế là một trong những yếu tố quyết định sự trường tồn và phát triển thịnh vượng của mọi quốc gia.

Nhưng cũng cần phải nói rằng có một đại chiến lược trên “giấy tờ” khác với việc đưa đại chiến lược đó vào thực tiễn. Dù đại chiến lược có tốt đến mấy mà không có nguồn lực để thực thi một cách triệt để thì sẽ không mang lại hiệu quả. Do đó quốc gia càng hùng mạnh, càng có nhiều nguồn lực và tài nguyên thì càng có khả năng hoạch định và triển khai các chính sách theo đúng những gì đã vạch ra trong đại chiến lược.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là đại chiến lược chỉ hữu dụng đối với các nước lớn. Các nước lớn có thể mắc một vài sai lầm nghiêm trọng như Mỹ đã từng gặp ở Việt Nam hay Iraq nhưng họ sẽ vẫn tồn tại. Các nước nhỏ như Việt Nam tuy có ít khả năng để thực hiện được triệt để đại chiến lược hơn so với các nước lớn nhưng lại cần đại chiến lược hơn bởi một sai lầm dù nhỏ vẫn có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây nguy hại tới sự tồn vong của quốc gia. Do đó, đại chiến lược thậm chí còn thiết yếu đối với các nước nhỏ hơn các nước lớn. Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực hết sức phức tạp hiện nay, Việt Nam buộc phải có một đại chiến lược của riêng mình.

II/Lợi ích quốc gia của Việt Nam

Tất cả các chiến lược và chính sách được đều tạo ra để phục vụ lợi ích quốc gia. Do đó, phải nắm vững được lợi ích quốc gia trước khi phân tích, đề xuất chiến lược và chính sách. Tuy nhiên để có thể “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì chúng ta trước tiên phải đánh giá chính xác xem những yếu tố “bất biến” này là gì. Từ góc nhìn của các nhà lãnh đạo Việt Nam thì có thể nói rằng trong thời điểm hiện nay nước ta có ít nhất ba lợi ích quốc gia cốt lõi như sau:

Thứ nhất, và quan trọng hơn hết, là đảm bảo được an ninh quốc gia. Ở đây an ninh quốc gia được hiểu là bảo vệ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cùng sự bình an của các công dân Việt Nam. Trên thực tế, điều này có nghĩa là chúng ta không bị quân đội nước khác tấn công xâm lược và chính quyền Việt Nam không bị thao túng bởi bất kì thế lực nào từ bên ngoài. Đây là lợi ích quốc gia cao nhất và lợi ích nền tảng vì nếu không đảm bảo được hai điều này thì đất nước và dân tộc Việt Nam không còn là chính mình và không còn khả năng tự quyết định vận mệnh của mình nữa.

Không có đạo quân xâm lược nào quan tâm, chăm lo cho cuộc của người dân nước họ chiếm đóng. Mọi cường quốc dù dưới bất kì hình thức hay màu cờ nào cũng đều chỉ muốn làm lợi cho riêng mình trên lưng nhân dân Việt Nam. Lịch sử ngàn năm Bắc thuộc cho thấy nếu chúng ta muốn một cuộc sống ấm no hạnh phúc thì nhất định người Việt Nam phải làm chủ đất nước của mình và phải đảm bảo chiến tranh không xảy ra. Chỉ cần có chiến tranh nổ ra thì dù kết quả thế nào đi chăng nữa, người dân Việt Nam cũng sẽ luôn phải chịu vô cùng nhiều đau thương và mất mát. Một đất nước xảy ra chiến tranh triền miên sẽ không thể nào phát triển kinh tế và đảm bảo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân được. Chính vì vậy mục tiêu số một luôn phải là đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ hai, là duy trì thể chế chính trị hiện nay và đảm bảo ổn định chính trị trong nước. Từ góc nhìn của những nhà lãnh đạo ở Hà Nội, việc duy trì thể chế chính trị hiện nay có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị trong nước bởi nếu có bất kì sự thay đổi đột ngột nào, bạo loạn gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nội chiến không nhất thiết sẽ nổ ra nhưng nó sẽ là một nguy cơ chúng ta không thể loại trừ.

Lịch sử ngàn năm của Việt Nam cho thấy khi đất nước bị chia rẽ, các cường quốc ở bên ngoài sẽ luôn chớp lấy thời cơ thao túng nước ta để trục lợi. Nhìn vào lịch sử của người láng giềng Trung Quốc chúng ta cũng thấy điều tương tự. Khi chính quyền trung ương suy yếu, các thế lực trong nước nổi dậy xưng hùng tranh bá gây ra chiến tranh triền miên. Khi triều đình nhà Thanh suy yếu vào cuối thế kỷ XIX, các đế quốc phương Tây lặp tức nhảy vào xâu xé, chia chác lợi ích. Do đó, có thể nói rằng việc duy trì ổn định chính trị quốc nội và chính quyền vững mạnh là yếu tố mang tính then chốt để đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ ba, là đảm bảo môi trường hòa bình trong khu vực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Khu vực càng ít biến động, các cường quốc càng hạn chế tranh giành quyền lực thì Việt Nam càng có thể tập trung nguồn lực phát triển kinh tếvà đầu tư cho giáo dục, an sinh xã hội. Khi nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định chính trị sẽ đi theo.

Rất nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học chính trị so sánh (comparative politics) đã cho thấy rằng sự thay đổi chế độ sẽ ít xảy ra hơn ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển ổn định. Khi người dân cảm thấy nhu cầu vật chất và tinh thần của mình được đáp ứng, họ sẽ sẵn lòng ủng hộ chính quyền hơn. Vì vậy nhiều học giả từ lâu đã nhận định rằng ở Trung Quốc, tính chính danh của nhà cầm quyền kể từ khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền cho đến nay chủ yếu dựa vào hai trụ cột chính là chủ nghĩa dân tộc và phát triển kinh tế. Nếu những nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh muốn giành được sự ủng hộ của nhân dân, họ sẽ phải chứng minh được rằng: (i) chính phủ Trung Quốc hiện nay có thể bảo vệ an ninh – chủ quyền quốc gia, không để các thế lực ngoại bang xâm phạm lợi ích quốc gia của Trung Quốc và (ii) đảm bảo rằng kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển vững mạnh bởi đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Những điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Việt Nam.

Mặc dù vậy, cần nói thêm rằng bên cạnh ba lợi ích cốt lõi trên, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng muốn theo đuổi các mục tiêu khác nữa, ví dụ như xây dựng sức mạnh mềm cho Việt Nam, tham gia vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, phối hợp với các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á xây dựng các cơ chế hợp tác đa phương, nâng cao vị thế của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, v.v… Tuy nhiên rõ ràng ba lợi ích trên là ba lợi ích cốt yếu nhất với Việt Nam bởi chúng là nền tảng để Việt Nam có thể theo đuổi các mục tiêu khác của mình.

III/Đánh giá môi trường chiến lược

1) Vị trí địa chính trị của Việt Nam

Xét từ góc độ địa chính trị của Việt Nam, có hai điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền với ba nước duy nhất là Campuchia, Lào và Trung Quốc. Do đó có thể nói đây là ba nước sát sườn nhất với Việt Nam dưới góc độ an ninh bởi khoảng cách địa lý hết sức gần gũi đồng nghĩa với việc bất kì nước nào trong số ba nước trên sẽ đều có thể là mối hiểm họa lớn nếu họ thực thi chính sách chống Việt Nam. Tuy nhiên, trong ba nước trên chỉ có Trung Quốc là cường quốc kinh tế – quân sự và có tham vọng trở thành bá quyền. Trong thời kỳ hiện đại, Lào và Campuchia chưa bao giờ nổi lên như một thế lực quân sự đáng gờm và nhìn chung có mức độ phát triển kinh tế – xã hội thấp hơn Việt Nam.

Mặc dù vậy, trong những thập kỷ gần đây, chỉ có Lào là có quan hệ tương đối hữu hảo với Việt Nam và khó có khả năng trở thành mối đe dọa an ninh trực tiếp cho Việt Nam trong ngắn hạn, dù lợi ích giữa hai nước không phải lúc nào cũng song trùng. Campuchia tuy từng là một trong những đối tác quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng dưới thời Pol Pot trở thành lực lượng tay sai của Trung Quốc. Từ sau Chiến tranh biên giới Tây Nam đến giờ, có thể nói rằng mối quan hệ Việt Nam – Campuchia đã chuyển sang mối quan hệ bạn – thù, tương đối giống với mối quan hệ trong những năm gần đây Việt – Trung bởi cả hai có sự lệ thuộc lẫn nhau tương đối lớn nhưng vẫn luôn nghi kỵ lẫn nhau. Việt Nam buộc phải dè chừng trước Campuchia khi một bộ phận đáng kể trong giới lãnh đạo Campuchia lâu nay có thái độ thù hằn, chống Việt Nam.

Hơn nữa, chính sách ngoại giao của Campuchia trong những năm gần đây, cho thấy rằng nước này ngày càng chịu sự chi phối lớn hơn từ chính quyền Bắc Kinh. Điều này trở nên đặc biệt rõ rệt trong năm Campuchia nắm vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN khi nước này đã ngăn chặn khối ASEAN ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao vào năm 2012 và mới đây nhất, Campuchia lại một lần nữa ngăn ASEAN đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông trong các phiên họp của khối diễn ra tại Lào vào năm 2016. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng rót nhiều tiền cho các dự án phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng ở Campuchia, có thể thấy rõ rằng nước này đang giới lãnh đạo ở Phnom Penh ngày càng chịu sự ảnh hưởng lớn hơn từ phía Bắc Kinh, một điều vô cùng nguy hiểm đối với Việt Nam. Nếu như Trung Quốc đổi chiến lược ngoại giao của mình trong tương lai và thiết lập liên minh quân sự với Campuchia thì Việt Nam sẽ phải đặc biệt cảnh giác.

Mặc dù vậy, trong ba nước láng giềng này thì rõ ràng Trung Quốc là vẫn là nước đặt cho Việt Nam nhiều thách thức nhất từ trước đến giờ. Trung Quốc là nước láng giềng duy nhất từng tấn công xâm lược và đô hộ Việt Nam nhiều lần trong lịch sử ngàn năm của nước ta. Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với Việt Nam xuất phát từ hai nguyên nhân chính là sự gần gũi về mặt địa lý và sự bất đối xứng về sức mạnh giữa hai nước. Hơn nữa, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong thế kỷ XXI, tham vọng bá quyền của nước này ở Châu Á nói chung và ở Biển Đông nói riêng, bên cạnh sự lệ thuộc kinh tế một chiều của Việt Nam vào Trung Quốc đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ luôn là một đối tác quan trọng nhưng cũng là một mối đe dọa an ninh tiềm tàng đối với chúng ta.

Thứ hai, tuy Việt Nam là một nước nhỏ ở Đông Nam Á nhưng phần lãnh thổ lại trải dài, gần như bao quanh một cạnh của Biển Đông. Nhìn vào bản đồ có thể thấy rằng Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có lãnh thổ vừa nằm trên lục địa Á Châu lại vừa giáp với Biển Đông. Việt Nam hiện cũng là nước kiểm soát số lượng đảo lớn nhất ở khu vực Quần đảo Trường Sa.

Hơn nữa, quân cảng Cam Ranh ở Nha Trang là một trong những cảng nước sâu lý tưởng bậc nhất thế giới, rất được ưa chuộng bởi “hải quân các nước bởi điều kiện thủy văn, địa chất rất thuận lợi, thủy triều trong vịnh khá đều đặn, tương đối đúng giờ. Đáy vịnh bằng phẳng, chủ yếu là cát phù sa khá chắc. Ngoài cửa vịnh có các đảo và cù lao chắn gió nên vịnh lặng sóng, thuận tiện cho thuyền neo đậu, tàu có trọng tải 100.000 tấn ra vào dễ dàng”. Nói cách khác, cảng Cam Ranh là một căn cứ hải quân với vị trí phòng thủ cực kỳ vững chắc, đồng thời là bệ phóng lý tưởng để cho các lực lượng hải quân kiểm soát Biển Đông. Là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên với dân số trẻ trung và lớn thứ ba ở Đông Nam Á, đồng thời sở hữu một trong những quân đội thiện chiến bậc nhất ở Châu Á, Việt Nam rõ ràng là một thế lực tiềm tàng trong khu vực. Không phải tự nhiên mà trong lịch sử, nước ta thường được xem như “lực lượng trấn giữ con đường nam tiến cả trên bộ lẫn trên biển của Trung Quốc”.

Nhưng rõ ràng vị trí của Việt Nam đối với Biển Đông sẽ không có gì đáng nói nếu như Biển Đông không phải là một vùng biển quan trọng. Mặc dù vậy, trên thực tế Biển Đông là một vùng biển có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nhiều quốc gia trong khu vực. Về mặt kinh tế, Biển Đông có giá trị đáng kể bởi đây là một vùng biển tương đối giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí ga tự nhiên. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thì có tới 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỉ mét khối ga tự nhiên đang chờ được khai thác ở Biển Đông. Trong khi đó phía Trung Quốc ước tính có tới 900 tỉ mét khối khí ga tự nhiên và 130 tỷ thùng dầu ở Biển Đông. Nếu như ước tính của Trung Quốc đúng thì trữ lượng dầu thô ở Biển Đông lớn tương đương với toàn bộ trự lượng dầu mỏ của Iraq – nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ năm trên thế giới theo EIA. Hơn nữa, với dân số khổng lồ của mình và tốc độ phát triển như hiện nay, nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc là rất lớn. Và dù trữ lượng dầu khí trên thực tế thế nào đi nữa thì Biển Đông cũng là vùng biển đánh cá truyền thống của nhiều ngư dân trong khu vực. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia cạnh tranh lợi ích kinh tế ở vùng biển này.

Về địa chiến lược, Biển Đông nắm giữ một vị trí hết sức trọng yếu. Theo một số đánh giá thì Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới bởi có đến hơn 1/2 lượng vận tải thương mại cùng với 1/3 lượng dầu thô của thế giới đi qua Biển Đông. Chính vì vậy, trong tương lai xa, khi Trung Quốc đã có một hạm đội “hải dương xanh” và kiểm soát được toàn bộ Biển Đông, nước này sẽ có đủ khả năng để đe doạ ít nhiều sự an toàn của các tàu thuyền đi qua các eo biển chiến lược như Malacca, Lombok hay Sunda. Khi đó, rất có thể các tàu thuyền sẽ phải đi đường vòng và chi phí vận chuyển sẽ tăng gấp bội. Điều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh doanh nói riêng, đến tăng trưởng và ổn định của kinh tế của khu vực Đông Á nói riêng và thế giới nói chung. Nếu kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ có khả năng uy hiếp các đồng minh của Mỹ ở Châu Á, kể cả khi hải quân Trung Quốc không thể đóng các eo biển này. Ở góc độ quân sự, việc Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông sẽ giúp nước này nâng cao hiệu quả của chiến lược chống tiếp cận A2/AD (anti-access/area-denial), giúp đẩy lùi hải quân Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất. Điều này sẽ làm suy yếu khả năng răn đe và ngăn chặn xung đột của quân đội Mỹ ở Châu Á và gia tăng nguy cơ Trung Quốc dùng vũ lực để gây sức ép với các nước láng giềng trong khu vực.

Vì Biển Đông có giá trị rất lớn về nhiều mặt nên Việt Nam gần như chắc chắn sẽ bị cuốn vào các “cuộc chơi lớn” của các cường quốc ở khu vực này. Do đó vị trí địa chính trị chiến lược của nước ta là một ưu điểm rất lớn nhưng nếu chính sách ngoại giao không khéo léo có thể sẽ biến Việt Nam thành trận địa nơi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng.

2) Cục diện thế giới hậu Chiến tranh Lạnh

Sự phân bổ quyền lực (distribution of power) tuy không phải là yếu tố duy nhất quyết định chính sách đối ngoại của các quốc gia nhưng nó sẽ quyết định xem một quốc gia có thể làm gì và không thể làm gì. Một quốc gia càng mạnh thì càng có nhiều lựa chọn, một quốc gia càng yếu thì càng có ít sự lựa chọn. Câu nói nổi tiếng trong “cuộc đối thoại ở Melos” của sử gia người Hy Lạp Thucydides cho đến giờ vẫn không hề sai: “kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận”.

Trên thực tế vì đa số các quốc gia dù ở đâu và dưới chế độ chính trị nào đều có lợi ích trong việc đảm bảo tối đa an ninh và sức ảnh hưởng của mình trên trường quốc tếnên chỉ cần dựa sự phân bổ quyền lực cũng có thể dự đoán được một số đường lối chính trong chiến lược đối ngoại của các quốc gia. Vì vậy trong chính trị quốc tế, yếu tố quan trọng nhất có lẽ vẫn là sự phân bổ quyền lực giữa các quốc gia, nhưng đặc biệt là giữa các cường quốc bởi họ là những nhân tố có ảnh hưởng nhất tới cục diện thế giới.

Sau sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh vào năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô hai năm sau đó, Mỹ bước vào kỷ nguyên đơn cực (unipolar era) mà trong đó Mỹ là siêu cường (superpower) duy nhất với sức mạnh kinh tế – quân sự – khoa học kỹ thuật vượt xa tất cả những nước còn lại. Tuy nhiên, khoảnh khắc đơn cực của Mỹ đã không kéo dài được bao lâu bởi chính quyền Bush đã phung phí sức mạnh quân sự và hàng nghìn tỉ đôla cho hai cuộc chiến tranh trường kỳ ở Afghanistan và Iraq.

Trong khi Mỹ sa lầy ở Trung Đông, Trung Quốc lại trỗi dậy mạnh mẽ về mọi mặt. Kể từ khi Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10% trong nhiều năm. Vì giữ được đà phát triển này nên chỉ sau ba thập kỷ, Trung Quốc đã soán mất ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Nhật Bản. Thậm chí, nhiều nhà kinh tế từ lâu đã dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2050.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ sử dụng nguồn lực kinh tế để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nước mình mà còn đầu tư rất nhiều vào công cuộc hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân. Ngân sách chi tiêu quốc phòng Trung Quốc nay lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau ngân sách quốc phòng Mỹ. Đáng lo ở chỗ một phần rất lớn trong số tiền này được đầu tư vào việc nâng cấp và hiện đại hóa hải quân, giúp hải quân Trung Quốc trở thành lực lượng hải quân lớn thứ hai ở Châu Á, chỉ sau Mỹ. Mục tiêu xa hơn của những chiến lược gia quân sự Trung Quốc là xây dựng một hạm đội “hải dương xanh” (blue ocean navy) giúp Trung Quốc trở thành một thế lực hải quân đủ mạnh để có thể thách thức sự thống trị của hải quân Mỹ trên biển cả. Chính vì vậy, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các tàu ngầm thế hệ mới và cả tàu sân bay để tăng cường khả năng viễn chinh (power projection) của mình. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục phát triển các hệ thống tên lửa chống hạm như hệ thống tên lửa DF-21D với mục đích răn đe, hạn chế tầm hoạt động của hải quân Mỹ. Những bước đi này sẽ làm suy yếu ít nhiều các cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh ở Châu Á và làm gia tăng mối quan ngại về an ninh của các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc như Nhật Bản, Việt Nam, v.v…

Nhận thấy mối đe doạ này, chính quyền Obama đã triển khai chính sách xoay trục về Châu Á (pivot to Asia) để tái phân bổ nguồn lực của Mỹ về khu vực này và củng cố các mối quan hệ ngoại giao – quốc phòng của Mỹ với các đối tác quan trọng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy sức mạnh của Mỹ đã suy yếu ít nhiều so với giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh nhưng cho đến giờ Mỹ vẫn là siêu cường số một thế giới. Quân đội Mỹ vẫn là quân đội thiện chiến nhất và được trang bị vũ khí tối tân nhất. Hơn nữa, có lẽ trong thời điểm hiện nay chỉ có quân đội Mỹ mới có đủ sức mạnh để tham chiến vào hai cuộc chiến tranh lớn ở hai mặt trận hoàn toàn độc lập và giành được chiến thắng. Với vị trí địa chính trị “trời phú” của mình cùng với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất nhì thế giới, nước Mỹ là một pháo đài bất khả xâm phạm đối với bất kì đội quân xâm lược nào. Hơn nữa, hải quân Mỹ vẫn đang ngày đêm tuần tra và kiểm soát tất cả các vùng biển trọng yếu nhất trên thế giới. Mỹ là nước duy nhất có mạng lưới đồng minh và căn cứ quân sự trên toàn cầu. Những yếu tố này giúp quân đội Mỹ có được sức mạnh viễn chinh vô song và vì vậy có khả năng can thiệp vào bất kì cuộc xung đột vũ trang nào ở bất kì nơi đâu trong dưới 24 giờ đồng hồ.

Thế giới ngày nay không còn là thế giới đơn cực, không còn là một sân chơi của riêng Mỹ nữa nhưng chắc chắn nó chưa phải là thế giới đa cực. Ở Châu Âu, Nga đang tìm lại vị thế cường quốc mà mình đã đánh mất sau những năm 90 với những nỗ lực can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ucraina và Xi-ri. Điều này đang biến Nga trở thành một trong những thách thức an ninh lớn nhất đối với nhiều đồng minh Châu Âu của Mỹ, đặc biệt là các nước vùng Ban-tic và Đông Âu. Tuy nhiên cần nhìn nhận một cách thực tế rằng nước Nga của ngài Putin không phải là Liên Xô của Stalin. Liên Xô từng là một thế lực quân sự ngang ngửa với Mỹ với một hệ tư tưởng có sức hút toàn cầu và có tham vọng bá quyền thật sự. Nước Nga ngày nay chỉ là một cường quốc khu vực thuần túy và chỉ còn là cái bóng của đế chế Xô-viết.

Kể từ khi thành lập đến nay, Liên minh Châu Âu (EU) chưa bao giờ là một thế lực độc lập trên chính trường quốc tế. Đa số các quốc gia thành viên của khối EU là đồng minh NATO của Mỹ và các quốc gia thành viên của khối chưa bao giờ xây dựng thành công một chính sách đối ngoại đơn nhất cho tất cả. Hơn nữa, với cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây và sự rạn nứt trong khối với quyết định rời EU của nước Anh, EU gần như chắc chắn sẽ không có tương lai như một thế lực có thể chi phối chính trị quốc tế, càng không thể là một đối trọng thực thụ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đức và Nhật Bản tuy là hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhưng không phải là cường quốc chính trị – quân sự. Đây là hai quốc gia bại trận trong Thế Chiến II và là hai quốc gia duy nhất trên thế giới có Hiến pháp cấm việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Nhất cử nhất động của hai quốc gia này, dù chỉ với mục đích hoàn để tự vệ đi chăng nữa, đều luôn bị theo dõi sát sao bởi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng bởi hơn ai hết, họ là nạn nhân của hai cuộc Thế Chiến và không ai muốn lịch sử lặp lại, dù chỉ một lần nữa. Bản thân người dân Nhật hay người dân Đức cũng ý thức được điều này nên phong trào hòa bình phát triển rất mạnh ở cả hai nước. Vì những lý do này nên dù cả hai quốc gia này hoàn toàn có đủ năng lực khoa học kỹ thuật để phát triển vũ khí hạt nhân để tự đảm bảo an ninh của mình nhưng các nhà lãnh đạo Đức và Nhật đều không theo đuổi lựa chọn này bởi họ biết rằng sẽ vấn phải sự phản đối hết sức quyết liệt của người dân. Cả hai quốc gia này sẽ tiếp tục là những thế lực kinh tế – chính trị đáng gờm nhưng ngày nào họ còn bị ám ảnh bởi quá khứ của mình, cả hai sẽ không thể trở thành những siêu cường sánh vai được với Mỹ hay Trung Quốc. Đây sẽ không phải là hai nước có thể trở thành đối trọng độc lập với Trung Quốc trong thời gian trước mắt.

Còn Ấn Độ thì sao? Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới với số dân đông thứ hai, chỉ kém Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga và Trung Quốc và là một trong những nước có tham vọng trở thành cường quốc hải quân. Hơn nữa, do Ấn Độ có tranh chấp trên đất liền với Trung Quốc nên nước này cũng là một trong những đối tác an ninh quan trọng của Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên điểm yếu của Ấn Độ đấy là sự chia rẽ trong nội bộ bởi sự đa văn hóa, đa sắc tộc và đa ngôn ngữ trong cộng đồng người Ấn. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ luôn phải dành rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết các vấn đề đối nội trước khi có thể tập trung toàn ý cho các vấn đề đối ngoại. Hơn nữa, Ấn Độ có một đối thủ truyền kiếp là người láng giềng Pakistan, vốn là một đối tác an ninh được Trung Quốc duy trì để làm đối trọng với Ấn Độ. Vì vậy, ngày nào Ấn Độ còn phải đương đầu với mối đe dọa hạt nhân trực tiếp từ Pakistan, ngày đó Ấn Độ vẫn còn chưa thể tập trung nguồn lực để kiềm chế Trung Quốc.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, nếu như có bất kì quốc gia nào có đủ khả năng ngăn chặn được tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Châu Á thì chỉ có thể là Mỹ.

3) Đánh giá tình hình an ninh khu vực trong những năm gần đây

Đối với Việt Nam, khu vực quan trọng nhất về mặt an ninh tại thời điểm hiện nay là khu vực Đông Á nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng. Nhìn vào khu vực này, có thể thấy một vài mối đe dọa an ninh tiềm tàng như sau:

Mối đe dọa tiềm tàng thứ nhất, là xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Như đã phân tích ở trên, vì Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh của Việt Nam nên chắc chắn chúng ta sẽ không muốn để Trung Quốc thâu tóm vùng biển này. Tuy nhiên vì sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt trội hơn nhiều so với Việt Nam nên nếu có xung đột vũ trang xảy ra, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu thua thiệt. Việt Nam có lợi ích trong việc ngăn chiến tranh không xảy ra vì trên bàn đàm phán đa phương chúng ta sẽ có khả năng bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ cao nhất. Hơn nữa, như đã phân tích ở trên, một trong những lợi ích cốt lõi của nước ta là đảm bảo môi trường an ninh hoà bình, tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Do đó xung đột vũ trang ở Biển Đông sẽ là một nguy cơ lớn mà chúng ta muốn tránh.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông có thể xảy ra trong những hoàn cảnh nào? Nói cách khác, những nguyên nhân nào có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ở Biển Đông?

Nguyên nhân số một là tính toán sai lầm của các nhà lãnh đạo. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền đang diễn ra hết sức gay gắt do Trung Quốc đang ngày đêm bồi đắp đảo nhân tạo trái phép ở một số đảo trên Biển Đông và quân sự hóa tranh chấp thì việc có xô xát giữa lực lượng vũ trang hay cảnh sát biển dẫn đến khủng hoảng ngoại giao và leo thang xung đột là điều không thể tránh khỏi. Khi mà sự nghi kỵ giữa các quốc gia đủ lớn thì những hành động dù chỉ hoàn toàn với mục đích tự vệ cũng sẽ gây căng thẳng và có thể dẫn đến những cuộc khủng hoảng nói trên. Thế nên kể cả trong trường hợp không có bất kì bên nào muốn dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, chiến tranh vẫn có thể nổ ra nếu các lãnh đạo các nước đọc sai ý đồ của nhau và đưa ra các quyết sách sai lầm.

Nguyên nhân thứ hai là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một khi các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cảm thấy đủ tự tin vào sức mạnh quân sự của mình, rất có thể họ sẽ dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, đặc biệt khi quá trình đàm phán ngoại giao gặp bế tắc. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều này bởi sự xác quyết trong những năm gần đây của Trung Quốc chỉ bắt đầu sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-09, khi người Trung Quốc cho rằng kỷ nguyên Mỹ đã kết thúc và họ đã đủ mạnh để thách thức Mỹ ở Châu Á. Hơn nữa, rất có thể một lúc nào đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ kết luận rằng sức mạnh hải quân của họ đã lên tới đỉnh điểm và rằng nếu họ không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp ngay lúc này, họ sẽ mất đi lợi thế quân sự của mình trong khu vực. Điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh ở Biển Đông mà Việt Nam không mong muốn.

Nguyên nhân cuối cùng là sự suy yếu trong nội bộ của Trung Quốc. Tuy Trung Quốc đang nổi lên như một siêu cường thứ hai nhưng trên thực tế nội bộ Trung Quốc đang gặp rất nhiều vấn đề hóc búa. Thứ nhất, nền kinh tế của Trung Quốc rất lớn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại đáng kể. Đã qua rồi cái thời tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số. Thứ hai, vì phát triển kinh tế “phi mã” nên hệ quả là môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Mỗi năm Trung Quốc đang chứng kiến hàng chục nghìn cuộc biểu tình ở nhiều cấp độ khác nhau ở khắp các tỉnh thành chủ yếu về các vấn đề an sinh xã hội. Thứ ba là nguy cơ các vùng tự trị như Tân Cương và Tây Tạng ly khai khỏi Trung Quốc. Dù bị đàn áp ác liệt và đối mặt với chính sách đồng hoá của người Hán song phong trào đòi ly khai ở những vùng tự trị như Tân Cương hay Tây Tạng vẫn rất mạnh mẽ. Mất hai nơi này thì Trung Quốc sẽ đại loạn và sẽ suy yếu nghiêm trọng bởi đây là những vùng đất vô cùng giàu tài nguyên khoáng sản mà Trung Quốc thì rất phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này. Hơn nữa, nếu các khu vực này trở thành những quốc gia độc lập và một ngày gia nhập liên minh với các quốc gia thù địch với Trung Quốc thì an ninh Trung Quốc sẽ bị đe doạ nghiêm trọng.

Để tránh những nguy cơ này dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn trong xã hội Trung Quốc, rất có thể các nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ muốn hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài bằng việc phát động một cuộc chiến tranh đánh lạc hướng (diversionary war) ở Biển Đông. Đó cũng là một con đường mà chiến tranh có thể xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta.

Mối đe dọa tiềm tàng thứ hai, là Mỹ quyết định rút lui khỏi Châu Á, chuyển sang đại chiến lược biệt lập (isolationist grand strategy).

Dưới thời Trump, đây là một nguy cơ không thể loại trừ, mặc dù khả năng xảy ra trên thực tế rất thấp vì bộ máy chính quyền Mỹ nói chung và cộng đồng chính sách đối ngoại nói riêng lâu nay vẫn ủng hộ một vai trò dẫn dắt của Mỹ ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, việc Mỹ trong những những năm tới hoặc thậm chí trong thập kỷ tới đây sẽ chuyển sang đại chiến lược “cân bằng khơi xa” là một viễn cảnh hoàn toàn rất thực tế trong bối cảnh nợ công của chính phủ Mỹ ngày càng gia tăng chóng mặt và người dân Mỹ ngày càng muốn chính phủ Mỹ đặt lợi ích của nhân dân Mỹ lên trên hết.

Khác với đại chiến lược biệt lập, cân bằng khơi xa sẽ không yêu cầu Mỹ rút lui về pháo đài của mình và bỏ trống vị trí lãnh đạo thế giới mà Mỹ nắm giữ bấy lâu nay nhưng nó sẽ yêu cầu Mỹ tinh giản sự hiện diện quân sự của mình ở nhiều nơi. Dù không rũ bỏ hoàn toàn các cam kết đối với an ninh của các đồng minh ở Châu Á và không rút toàn bộ quân lính về nước thì bản thân việc Mỹ gửi đi tín hiệu rằng Washington không còn mặn mà với các đồng minh và rằng họ không còn sẵn lòng hy sinh của cải và mạng sống của công dân Mỹ để bảo vệ các quốc gia khác rất có thể sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn và sẵn sàng theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn hơn ở Biển Đông.

Chắc chắn đây là điều bất lợi cho Việt Nam bởi một khi Trung Quốc tin rằng kể cả họ sử dụng vũ lực để bắt nạt các nước yếu hơn đi nữa cũng sẽ không ai sẵn lòng trừng phạt họ thì những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ càng có cớ để “ỷ lớn hiếp bé”. Nên nhớ rằng những nhà lãnh đạo Trung Quốc là những người hết sức thông minh và họ thường tính toán rất kĩ lưỡng trước khi đưa ra các quyết sách lớn. Chính vì vậy trước khi tiến hành tấn công xâm lược nước ta vào năm 1979, Đặng Tiểu Bình trước đó đã có một chuyến công du tới một loạt các nước như Nhật Bản, Malaysia rồi Mỹ để thăm dò cũng như tranh thủ sự ủng hộ về mặt ngoại giao của cộng đồng quốc tế. Ngày đó nếu Tổng thống Jimmy Carter quyết liệt phản đối và cam kết sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu nước này tấn công xâm lược Việt Nam thì nhiều khả năng ông Đặng sẽ phải tính toán lại nước đi của mình. Đáng tiếc rằng Mỹ lúc đó đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nên về cơ bản đã lờ đi hành vi xâm lược của Trung Quốc. Vì vậy một khi cam kết của Mỹ đối với khu vực suy yếu, rất có thể Trung Quốc sẽ thừa thời cơ lấn tới và gia tăng sức ép lên Việt Nam, buộc chúng ta phải nhượng bộ ở Biển Đông.

Mối đe dọa tiềm tàng cuối cùng, là một thỏa thuận hòa hoãn Mỹ – Trung.

Vì sao điều này lại có hại cho Việt Nam? Lý do tương tự như một sự thoái lui của Mỹ và thậm chí còn nguy hại hơn vì trong hoàn cảnh này, hai nước đã có thỏa thuận chia chác lợi ích bất chấp an ninh của Việt Nam. Nếu như chỉ cần Mỹ lờ đi những hành động hiếu chiến của Trung Quốc mà Bắc Kinh đã cảm thấy an tâm để tấn công Việt Nam rồi thì chúng ta càng có lý do để tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ càng sẵn sàng o ép Việt Nam nếu Mỹ – Trung hoà hoãn với nhau và Mỹ “bật đèn xanh” cho Trung Quốc tự thiết lập một bán cầu ảnh hưởng (sphere of influence) của mình ở Châu Á.

Tuy nhiên đây là một mối hiểm hoạ tương đối xa vời trong thời điểm hiện nay vì Mỹ – Trung hiện đang đối đầu trực tiếp ở Châu Á. Khi hai bên đang đối đầu trực tiếp với nhau và có xung đột rõ ràng về lợi ích chiến lược trong khu vực thì việc có thể thoả hiệp được với nhau là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Dưới thời Nixon – Kissinger, Mỹ đã theo đuổi chính sách hoà hoãn tương đối thành công với cả Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa là hiện nay Mỹ sẽ hoặc có khả năng thực thi chính sách hoà hoãn thành công với Trung Quốc. Sở dĩ ngày đó hoà hoãn Mỹ-Trung và hoà hoãn Mỹ-Xô thành công là bởi Mỹ lúc đó có nhiều lợi ích song trùng với cả hai: với Liên Xô, cả hai đều có lợi ích trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân; với Trung Quốc, cả hai đều có lợi ích trong việc kiềm chế Liên Xô và Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Quan trọng hơn hết, đó là thời điểm cao trào của mâu thuẫn Trung – Xô trong khi Mỹ – Trung lại không có xung đột trong lợi ích chiến lược. Đó là lý do vì sao Mỹ có thể hoà hoãn với Trung Quốc tại thời điểm đó nhưng không thể thực thi chính sách này trong thời điểm hiện nay bởi những điều kiện vô cùng thuận lợi lúc đó đang không hiện diện vào lúc này.

Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, đặc biệt dưới chính quyền Trump, dù Mỹ và Nga đang có một số lợi ích chiến lược song trùng nhưng quyết định từ chức của cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn sau scandal với Nga mới đây cho thấy vẫn còn lực cản rất lớn đối với một sự hoà hoãn Mỹ – Nga ở Washington. Nếu như hoà hoãn Mỹ – Nga đã khó như vậy rồi thì một thoả thuận hoà hoãn Mỹ – Trung ở Châu Á càng là một triển vọng viển vông khi hai nước này đang đối đầu trực tiếp ở đây. Do đó, tuy đây là một mối đe doạ có thật đối với Việt Nam, nhất là vì Mỹ đã từng hoà hoãn với Trung Quốc trong những năm 70, nhưng tại thời điểm này, đây chưa phải là mối đe doạ lớn nhất và trực tiếp nhất đối với an ninh của Việt Nam.

IV/Đánh giá các lựa chọn đại chiến lược của Việt Nam

Câu hỏi lớn nhất mà các nhà lãnh đạo của Việt Nam buộc phải trả lời trong quá trình hoạch định chiến lược cho nước nhà đó là: cách tốt nhất để đảm bảo an ninh cho Việt Nam là liên kết với một siêu cường hay theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập – tự chủ?

Nếu câu trả lời là Việt Nam nên tìm kiếm một siêu cường để bảo đảm an ninh cho mình thì hai lựa chọn đại chiến lược khả dĩ sẽ là đại chiến lược thân Mỹ và đại chiến lược thân Trung Quốc.

Nếu câu trả lời là Việt Nam nên theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập thì hai lựa chọn đại chiến lược khả dĩ sẽ là đại chiến lược đa phương và đại chiến lược biệt lập.


Các lựa chọn đại chiến lược cho Việt Nam trong thế kỷ XXI

1) Đại chiến lược thân Mỹ (pro-U.S. grand strategy)

Đại chiến lược thân Mỹ sẽ phù hợp khi Trung Quốc đặt ra mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh của Việt Nam. Điều này sẽ xảy ra khi là chính phủ kết luận rằng mọi biện pháp ngoại giao đã thất bại và Trung Quốc đã hạ quyết tâm sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và thậm chí có ý đồ đưa quân sang tấn công xâm lược lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền. Nếu Trung Quốc và Campuchia ký kết hiệp ước liên minh quân sự thì rất có thể phía Việt Nam cũng phải tự tìm kiếm một liên minh của riêng mình với Mỹ.

Nếu Việt Nam theo đuổi đại chiến lược thân Mỹ thì việc hợp tác an ninh quốc phòng một cách sâu sắc và thực chất với Mỹ (kể cả nếu không trở thành đồng minh hiệp ước của Mỹ) là một điều bắt buộc. Phía Hà Nội cần cho phép Washington đồn trú quân Mỹ ở Việt Nam và quyền sử dụng các căn cứ quân sự như Cam Ranh để khống chế Trung Quốc ở Biển Đông. Chính sách đối ngoại của Việt Nam về cơ bản sẽ không được mâu thuẫn với chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là ở Châu Á và trong những vấn đề trực tiếp liên quan đến Trung Quốc. Rất có thể đại chiến lược này sẽ yêu cầu Việt Nam gia tăng chi tiêu quốc phòng và thậm chí gửi một số lượng binh lính nhất định đi tham chiến ở nước ngoài nếu Mỹ yêu cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải tích cực giảm sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc và thậm chí sẽ phải thay đổi ít nhiều về mặt chính trị trong nước để phù hợp với yêu cầu của phía Mỹ.

Điểm mạnh của đại chiến lược thân Mỹ là nó sẽ giải quyết được bài toán an ninh cho Việt Nam ngày nào chúng ta còn là đồng minh của Mỹ. Cho đến nay, chưa có một đồng minh thân cận nào mà Mỹ cam kết bảo vệ lại bị một bên thứ ba tấn công dù ở Châu Âu, Châu Á hay Châu Mỹ. Tuy nhiên điểm yếu rất lớn đấy là chúng ta sẽ phải đánh đổi sự tự do trong việc hoạch định đường lối và thực thi chính sách của quốc gia ở một mức độ nhất định. Điều này sẽ có hại khi Mỹ yêu cầu ta làm những gì họ muốn nhưng lợi ích của hai nước lại không song trùng hoặc thậm chí xung đột. Hơn nữa, đến khi thời thế thay đổi, Mỹ sẵn sàng hoà hoãn với Trung Quốc thì rất có thể Việt Nam sẽ bị đưa ra làm con bài để hai bên mặc cả với nhau và dĩ nhiên điều này sẽ có hại cho phía chúng ta.
Đại chiến lược thân Trung Quốc (pro-China grand strategy)

Từ góc nhìn của các nhà lãnh đạo Việt Nam, có lẽ một đại chiến lược thân Trung Quốc sẽ phù hợp trong bối cảnh an ninh chính trị trong nước bị Mỹ đe doạ. Nói cách khác, đại chiến lược này sẽ được các nhà lãnh đạo Việt Nam quan tâm nhất khi Mỹ có mong muốn lật đổ chế độ hiện nay ở Việt Nam.

Nếu như Mỹ nhất quyết thay đổi chế độ thì Hà Nội sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt tay với Bắc Kinh. Vì Trung Quốc không có chính sách liên minh như Mỹ nên Việt Nam không nhất thiết phải liên minh với Trung Quốc để chống Mỹ nhưng chắc chắn chính sách đối ngoại quốc phòng Việt Nam phải đi theo đường lối của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc không được liên minh với Mỹ hay bất kì nước nào khác. Rất có thể Việt Nam sẽ phải công nhận chính thức (de jure) chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, ít nhất ở một số khu vực nhất định. Đổi lại, Trung Quốc sẽ hoà hoãn với Việt Nam ở Biển Đông và cho phép chúng ta tạm thời “mượn” các đảo ở Trường Sa mà chúng ta đang kiểm soát. Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác đa phương như LHQ, ASEAN nhưng để phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Trên thực tế, Việt Nam sẽ phải đóng vai của Campuchia trong ASEAN, ngăn không cho khối này ra các lập trường chung về vấn đề Biển Đông ngày nào Trung Quốc còn chưa thay đổi quan điểm của mình về tranh chấp hiện nay.

Điểm mạnh của đại chiến lược thân Trung Quốc là nhiều khả năng nó sẽ thuyết phục Mỹ từ bỏ tham vọng lật đổ chế độ ở Việt Nam bởi nếu sự can thiệp của Trung Quốc có thể thuyết phục được Mỹ không can thiệp quân sự vào Bắc Triều Tiên thì nó cũng sẽ có tác dụng ở Việt Nam. Hơn nữa, ở một khía cạnh nhất định có thể nói rằng việc xích lại gần Trung Quốc hơn sẽ giúp Việt Nam giải toả sức ép ở Biển Đông, ít nhất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng như đại chiến lược thân Mỹ, điểm yếu rất lớn đấy là chúng ta sẽ phải đánh đổi sự tự do trong việc hoạch định đường lối và thực thi chính sách của quốc gia. Điều này sẽ có hại khi Trung Quốc yêu cầu ta làm những gì họ muốn nhưng lợi ích của hai nước lại không song trùng hoặc thậm chí xung đột. Việt Nam sẽ không muốn bị bạn bè quốc tế khác nhìn vào như một thế lực tay sai của Trung Quốc như Campuchia. Hơn nữa, đến khi thời thế thay đổi, Trung Quốc sẵn sàng hoà hoãn với Mỹ thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị biến thành con bài để hai bên mặc cả với nhau và dĩ nhiên điều này bất lợi cho phía chúng ta.

Mặc dù vậy, cần nhìn nhận một cách thực tế rằng Mỹ kể từ khi bình thường hoá quan hệ với Việt Nam đến giờ gần như đã từ bỏ tham vọng thay đổi chế độ ở Việt Nam, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Điều này có thể thấy rõ qua chuyến thăm Mỹ lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Việc Tổng thống Obama sẵn sàng đón tiếp nồng hậu Tổng bí thư của một đảng cộng sản ở trong Nhà Trắng với đầy đủ nghi lễ cho một nguyên thủ quốc gia cho thấy Mỹ sẵn sàng theo đuổi một mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với Việt Nam trên tinh thần hai bên tôn trọng hệ thống chính trị của nhau.
Đại chiến lược đa phương (omnidirectional grand strategy)

Nếu như Việt Nam không phải đối mặt với mối hiểm hoạ an ninh nào trong ngắn hạn thì đại chiến lược đa phương sẽ là một trong những lựa chọn tương đối hợp lý. Để Việt Nam theo đuổi con đường đa phương, yếu tố tiên quyết là kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập – tự chủ. Trên thực tế, bằng cách này hay cách khác Việt Nam sẽ cần duy trì nguyên tắc “3 Không” trong đối ngoại – quốc phòng (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia).

Tuy việc thực thi nguyên tắc này có thể linh hoạt tuỳ theo từng thời điểm và trường hợp nhưng về cơ bản, để có thể thực hiện đại chiến lược đa phương, Việt Nam không được phép tham gia liên minh quân sự với bất kì nước nào, đặc biệt là Trung Quốc hoặc Mỹ. Mặc dù một liên minh quân sự đa phương trong khối ASEAN (nếu trở thành hiện thực) sẽ khác với một liên minh Việt – Mỹ nhưng từ góc nhìn của Bắc Kinh, vì rất nhiều nước ASEAN hiện nay có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông nên một liên minh ASEAN dưới con mắt của người Trung Quốc sẽ là một liên minh chống Trung Quốc. Do đó, chúng ta sẽ phải tránh tham gia một liên minh quân sự trong khối ASEAN nếu nó trở thành hiện thực trong tương lai, nếu Hà Nội muốn theo đuổi đại chiến lược đa phương.

Yếu tố quan trọng không kém là giữ khoảng cách gần vừa phải giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này không nhất thiết yêu cầu Việt Nam giữ quan điểm hoàn toàn trung lập trong các vấn đề liên quan tới hai nước này nhưng chúng ta sẽ phải thực hiện chính sách “cân bằng động”, tức thường xuyên điều chỉnh chính sách ngoại giao một cách linh hoạt tuỳ xem cán cân quyền lực nghiêng về nước nào và nước nào đang đe doạ an ninh của Việt Nam nhiều hơn. Như vậy Việt Nam sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ nhưng không liên minh với Mỹ và cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ chính sách tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông nhưng hạn chế đưa ra quan điểm thiên vị về phía Mỹ khi hai siêu cường có xung đột ở Biển Đông như khi Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ ở Biển Đông. Mặt khác, Việt Nam cũng không được tiến quá sát vào Trung Quốc và cần từng bước giảm bớt sự lệ thuộc về mặt kinh tế – chính trị của mình vào nước này. Việt Nam cần tiếp tục kiên trì quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hoà bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế nhưng không nhượng bộ phía Trung Quốc nếu phải mặc cả lợi ích quốc gia cốt lõi. Việt Nam cũng không được phép công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông để nhận lấy sự thừa nhận quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) các đảo hiện nay của Việt Nam ở Trường Sa.

Cuối cùng, để bù lại cho việc không có siêu cường nào “chống lưng”, Việt Nam sẽ phải tích cực đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ đối tác của mình trên mọi lĩnh vực và tham gia một cách thực chất vào các thiết chế hợp tác quốc tế trong và ngoài khu vực. Trên thực tế đây là những chính sách Việt Nam theo đuổi bấy lâu nay. Vì vậy chúng ta không chỉ đẩy mạnh hợp tác an ninh với Mỹ mà còn cần thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các cường quốc có năng lực tiềm tàng và có lợi ích trong việc kiểm soát tham vọng của Trung Quốc ở Châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ và Nga. Hơn nữa, Việt Nam sẽ cần chủ động và tích cực thúc đẩy và tham gia xây dựng các thiết chế đa phương như ASEAN và thậm chí đề xuất các thiết chế đa phương mới nếu cần thiết để nâng cao vị thế cũng như sức ảnh hưởng thực sự của các quốc gia vừa và nhỏ trong khu vực. Điều này không nhất thiết yêu cầu Việt Nam phải đóng vai trò lãnh đạo của ASEAN nhưng sẽ yêu cầu chúng ta phải tích cực đóng góp cho cộng đồng này và đẩy mạnh quá trình cải tổ ASEAN, trước tiên bằng việc chuyển cơ chế đồng thuận sang cơ chế bỏ phiếu đa số, ít nhất trong một số vấn đề không ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các nước trong khối.

Điểm mạnh nhất của đại chiến lược đa phương là đảm bảo được gần như toàn vẹn chủ quyền của chúng ta bởi đường lối chính sách của Việt Nam sẽ do người Việt Nam quyết định. Nếu tận dụng được một cách khéo léo, chúng ta có thể dùng siêu cường để đối trọng với siêu cường kia và nhận được sự hỗ trợ của cả hai như chúng ta từng làm với Liên Xô và Trung Quốc trong những năm 60. Hơn nữa, bằng việc duy trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam có thể sẽ nâng cao được vị thế của mình trong mắt bạn bè quốc tế và thậm chí trở thành một thế lực đáng kể trong khu vực. Điểm yếu rõ rệt là chiến lược này có thể sẽ không đảm bảo được an ninh cho Việt Nam, nhất là với tình hình an ninh khu vực đầy bất ổn hiện nay. Hơn nữa, “cân bằng động” dù là một ý tưởng hay trên giấy tờ nhưng sẽ khó để thực hiện tốt dược trên thực tế và nếu không khéo chính sách của ta sẽ rất dễ bị nghiêng về một bên. Mặt khác, nếu thời thế thay đổi và chúng ta không linh hoạt điều chỉnh kịp thời thì nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với hiểm hoạ từ Trung Quốc một mình mà không có sự trợ giúp của Mỹ.
Đại chiến lược biệt lập (isolationist grand strategy)

Lựa chọn cuối cùng cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam là theo đuổi đại chiến lược biệt lập. Lôgic chủ đạo đằng sau đại chiến lược biệt lập là Việt Nam càng tránh can dự sâu vào các vấn đề quốc tế thì càng dễ tránh được xung đột lợi ích với các nước khác. Về cơ bản, Việt Nam sẽ giữ quan điểm hoàn toàn trung lập giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông và giữ vững tuyệt dối nguyên tắc “3 Không” trong quốc phòng. Việt Nam cũng sẽ chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp hiện nay. Điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ co cụm và rút khỏi toàn bộ các cơ chế đa phương và tổ chức quốc tế nhưng chúng ta sẽ chỉ tham dự ở mức tối thiểu và hoàn toàn để bảo vệ lợi ích của riêng Việt Nam chứ không nhằm mục đích thúc đẩy lợi ích chung cho cả các nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ hạn chế tham gia vào các hiệp định đa phương để tối đa hoá sự chủ động và linh hoạt trong hoạch định và thực thi các quyết sách.

Ưu điểm của đại chiến lược biệt lập là ít nhất trên lý thuyết, nó sẽ đảm bảo được chủ quyền của Việt Nam bởi khi chúng ta rút lui khỏi đấu trường quốc tế và giữ quan điểm trung lập, đường lối chính sách của Việt Nam sẽ chịu ít sự chi phối từ bên ngoài. Đổi lại, để áp dụng được chiến lược này triệt để thì Việt Nam phải có nội lực rất mạnh, một yêu cầu mà chúng ta chưa thể thoả mãn được tại thời điểm hiện nay. Nếu theo đuổi đại chiến lược biệt lập mà chúng ta buộc phải một mình đương đầu với một Trung Quốc hung hăng hiếu chiến thì rất khó để có thể đảm bảo được an ninh cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh an ninh khu vực hiện nay. Vì vậy đây là một đại chiến lược khả dĩ cho Việt Nam nhưng nhiều khả năng sẽ không phải là một sự lựa chọn đúng đắn trong lúc này.

V/Lựa chọn chiến lược nào cho Việt Nam?

Nếu có bất kì “nguyên tắc vàng” nào trong quan hệ quốc tế đối với một nước nhỏ thì có lẽ là không nên liên kết với nước lớn nào nếu không phải đối mặt với một mối đe doạ an ninh trực tiếp. Nói cách khác, một nước nhỏ chỉ nên chọn liên minh với một siêu cường và đánh đổi sự độc lập của mình khi đó là lựa chọn không thể tránh khỏi.

Trong một khu vực với một siêu cường duy nhất, việc các nước nhỏ chọn hợp tác với siêu cường này là hoàn toàn hợp lý khi siêu cường không tìm cách thôn tính các nước nhỏ. Khi đối mặt với hai siêu cường, các nước nhỏ đương nhiên nên bắt tay với bên nào có thiện chí hợp tác hơn và ít đặt ra nguy cơ về an ninh hơn. Khi cả hai siêu cường đang cạnh tranh gay gắt mà không siêu cường nào trực tiếp đe doạ an ninh của các nước nhỏ thì các nước này nên đứng về phía siêu cường có khả năng cao sẽ thắng cuộc. Mặc dù vậy, khi mà kết quả của cuộc tranh đấu giữa hai siêu cường khó dự đoán trước được trong khi siêu cường yếu hơn lại là mối đe doạ an ninh lớn hơn về lâu dài đối với các nước nhỏ thì lựa chọn khôn ngoan nhất cho những nước này là thực hiện chính sách “cân bằng động”.

Thế giới hiện nay là một thế giới hai cực (bipolar world) với Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường hàng đầu. Hai siêu cường này đang cạnh tranh hết sức quyết liệt để giành lấy ngôi vương ở Châu Á. Hiện nay Trung Quốc là bên yếu thế hơn nhưng trận thư hùng của thế kỷ này vẫn chưa đến hồi kết thúc. Rất khó để kết luận ngay tại thời điểm hiện nay đâu sẽ là bên thắng cuộc. Do đó, để đối phó với những thách thức an ninh hiện nay, Việt Nam nên tiếp tục kiên trì đại chiến lược đa phương vốn là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của Việt Nam kể từ khi đất nước mở cửa đến giờ. Cho đến khi cục diện thế giới thay đổi một cách cơ bản và trận chiến ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc, đại chiến lược đa phương vẫn là con đường tối ưu nhất để Việt Nam có thể bảo vệ được lợi ích quốc gia cốt lõi của mình.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, đại chiến lược đa phương không phải không tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Yếu điểm của đường lối đa phương là sự phụ thuộc lớn vào những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của Việt Nam như kết quả của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Nếu chúng ta theo đuổi đường lối đa phương một cách cứng nhắc trong bối cảnh tình hình đã thay đổi, rất có thể Việt Nam sẽ buộc phải chuyển sang đại chiến lược thân Mỹ. Nhìn chung, đại chiến lược thân Mỹ không phải là lựa chọn lý tưởng nhất cho Việt Nam mà là lựa chọn bất khả kháng trước thách thức từ Trung Quốc nên nếu tránh được lựa chọn này thì chúng ta cần tránh.

Theo quan điểm của tác giả, cách tốt nhất để đảm bảo được rằng Việt Nam có thể tiếp tục đại chiến lược đa phương càng lâu càng tốt là nâng cao nội lực của bản thân và trở thành một đối tác đủ quan trọng với mọi cường quốc để luôn có những nước lớn sẵn sàng đảm bảo an ninh cho chúng ta trước bất kì mối đe doạ nào. Đây hoàn toàn không phải là một mục tiêu viển vông bởi trên thực tế, đây là điều mà Singapore đã làm được trong suốt thời gian qua. Quốc đảo này nhỏ hơn Việt Nam nhiều nhưng kể từ khi họ giành độc lập đến giờ, người Singapore chưa bao giờ bị tấn công xâm lược, dù là láng giềng của nhiều nước lớn hơn mình rất nhiều. Hai yếu tố quan trọng nhất đằng sau thành công này là chính sách ngoại giao khéo léo và nội lực mạnh. Các quân cảng của Singapore mở cửa cho tất cả hải quân của các quốc gia khác, tuy nhiên nó được thiết kế đặc biệt theo các chỉ số kỹ thuật của các chiếm hạm Mỹ. Do đó, dù Mỹ và Singapore không phải là đồng minh hiệp ước nhưng Mỹ vẫn có lợi ích rất lớn trong việc đảm bảo Singapore không rơi vào tay bất kể thế lực thù địch nào bởi ngày nào Singapore còn độc lập, ngày đó Mỹ còn một căn cứ quân sự và đối tác quốc phòng đáng tin cậy ở Châu Á. Đây là mô hình Việt Nam nên theo đuổi.

Một trong những con bài mặc cả vô cùng tiềm tàng mà Việt Nam đang có là chính sách quốc phòng “3 Không”. Trước mắt, Việt Nam cần duy trì nguyên tắc này nhưng khi đàm phán, chúng ta cần tuyên bố rõ rằng Việt Nam chỉ có thể duy trì “3 Không” trong chừng mực mà các cường quốc tạo điều kiện cho chúng ta giữ thế trung lập của mình. Nếu như Trung Quốc không muốn Việt Nam trở thành tiền đồn cho Mỹ, họ sẽ không dám gây sức ép lên chúng ta một cách thái quá. Do đó, dù nguyên tắc “3 Không” là cần thiết trong thời điểm này, chúng ta không nên giữ nó một cách cứng nhắc trong mọi hoàn cảnh mà nên dùng nó để mặc cả với các nước khác. Đây chính là vũ khí răn đe của một nước nhỏ: nếu anh không để tôi yên, tôi sẽ buộc phải liên minh với đối thủ của anh.

Hơn nữa, nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho Việt Nam, các nhà lãnh đạo ở Hà Nọi nên xem xét mở cửa quân cảng Cam Ranh cho hải quân một số nước có quan hệ quốc phòng thân thiết với Việt Nam. Mục đích của việc này là tạo thêm các mối gắn kết về lợi ích giữa Việt Nam và các cường quốc trong khu vực. Điều này sẽ tạo động lực để họ bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam, dù chúng ta có là đồng minh chính thức của họ hay không.

Bài học lớn thứ hai từ Singapore là để giữ được độc lập chủ quyền thì một quốc gia phải có nội lực mạnh. Tuy Singapore là một nước nhỏ nhưng lại có nền kinh tế phát triển bậc nhất ở Châu Á. Họ có một bộ máy quan chức tương đối trong sạch và hiệu quả. Nền chính trị dân chủ của Singapore không đi theo mô hình của Mỹ hay phương Tây nhưng vẫn ổn định trong suốt những thập kỷ qua. Việt Nam không phải là Singapore nên chúng ta sẽ không thể bắt chước y chang nhưng gì họ đã làm và hi vọng kết quả cũng sẽ được như họ. Tuy nhiên bài học ở đây rất rõ ràng, muốn đối ngoại được tốt thì trước tiên đối nội phải tốt, muốn đối nội được tốt phải có bộ máy chính trị tốt. Đối với Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc phải quyết liệt chiến đấu với nạn quan liêu và tham nhũng, hạn chế phân hoá giàu nghèo trong xã hội và đồng thời nâng cao tính trạnh canh của nền kinh tế Việt Nam bằng cách đẩy mạnh tư nhân hoá và tái cơ cấu nền kinh tế theo xu hướng của thời đại. Đây sẽ không phải là mục tiêu có thể đạt được trong một sớm một chiều, tuy nhiên là điều hết sức cần thiết nếu chúng ta muốn đảm bảo được an ninh quốc gia và tiếp tục duy trì được đường lối đối ngoại đa phương hiện nay.

Trong tương lai xa hơn, khi Việt Nam đã có nội lực đủ mạnh, chúng ta thậm chí có thể tiến thêm một bước để trở thành “sức nặng quyết định” (decisive weight) trong quan hệ Mỹ-Trung. Chiến lược sức nặng quyết định sẽ là dạng chủ động nhất của đại chiến lược đa phương. Khi đó Việt Nam sẽ không còn chi là một quân bài để các cường quốc mặc cả với nhau mà sẽ trở thành một thế lực mang tính cân bằng và điều hoà trong quan hệ Mỹ-Trung. Khi Mỹ quá lấn lướt Trung Quốc, Việt Nam sẽ hợp lực với người láng giềng của mình để tạo thế cân bằng. Khi Trung Quốc có tham vọng bá quyền, chúng ta sẽ bắt tay với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Việt Nam không có đủ điều kiện thuận lợi để trở thành một cường quốc nhưng chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một công dân tích cực của thế giới, một lực lượng vì hoà bình khu vực. Đó mới là cách lý tưởng nhất để chúng ta bảo đảm an ninh cho chính mình và cho các thế hệ mai sau.

Ngô Di Lân là Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.


- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/03/04/dai-chien-luoc-cho-viet-nam-trong-tk-21/#sthash.a2g2HCdY.dpuf

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

“SƯỢNG MẸ, BỞ CON” NGHĨA LÀ SAO?






HOÀNG TUẤN CÔNG


Tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” có nhiều cách giảng rất khác nhau.
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Sượng mẹ bở con: (Củ cái khoai sọ càng) sượng thì củ con tất càng bở. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Đừng vội coi khinh những thứ có vẻ ngoài xấu xí vì lắm thứ thực chất vốn khác xa vẻ ngoài”.
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Sượng mẹ bở con: Sượng là nói khoai chưa thực chín, còn sần sật) Ý nói: Mẹ phải chịu đựng khó khăn để cho con được sung sướng”.




-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Sượng mẹ bở con: Một kinh nghiệm chọn khoai sọ (cây thân cỏ cùng họ với ráy, lá to, cuống dài hình măng, củ hình cầu, thường mang nhiều củ con, nhiều bột dùng để ăn): củ cái ăn sượng, cứng, không ra gì, củ con ăn ngon, bở”.


-“1576 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia), sách này bác đi cách giảng của GS Nguyễn Lân, Nhóm Vũ Dung, và đưa ra cách hiểu khác: “Theo thói thường thì giống khoai nào thì củ mẹ sẽ đẻ ra các củ con theo giống ấy. Củ mẹ thuộc giống bở thì sẽ đẻ ra củ con cũng bở, củ mẹ sượng thì sẽ đẻ ra củ con cũng sượng. Đàng này củ mẹ thuộc giống sượng, mà lại đẻ ra củ con thuộc giống bở, thật là sự hãn hữu, ít có vậy. Ý nói: mẹ dở mà sinh con hay, mẹ xấu mà sinh con tốt. Câu này cũng giống câu “Xấu giây tốt củ” (Giây (sic) khoai lang quá già hoặc sâu sia, hoặc đã hơi héo...đem trồng xuống và tưởng rằng sẽ ít củ, củ xấu...vậy mà lại có số củ rất nhiều, rất tốt). Thí dụ: “Đúng là ‘sượng mẹ bở con’, gia đình nó chẳng ra gì mà nó thì lại rất đàng hoàng”.


Theo chúng tôi, cách hiểu “Mẹ phải chịu đựng khó khăn để cho con được sung sướng” (GS Nguyễn Lân) khó thuyết phục. Vì mẹ ăn miếng chưa chín, nhường con miếng đã chín, không phải là sự “chịu đựng khó khăn” (chuyện đó nếu có, chỉ là khó khăn chốc lát).


Cách hiểu của Lê Gia càng không ổn.[1] Vì đối với một số cây trồng bằng hạt (như cây ăn quả) có thể có hiện tượng cây con không giữ được ưu thế của cây mẹ (ví như cây mẹ cho quả ngọt, nhưng trong số 10 cây con, sẽ có một cây cho quả chua). Tuy nhiên, với loại cây lấy củ, gây giống bằng hom, hoặc củ, như sắn, khoai, thì giống mẹ thế nào, sẽ cho củ như thế. Nếu cùng một giống, thì tỉ lệ tinh bột chủ yếu phụ thuộc vào chất đất, dinh dưỡng, thời vụ...Đất giàu lân, ka li, tơi xốp, thoát nước tốt, trồng đúng thời vụ, thì củ nhiều tinh bột (bở). Ngược lại, với loại đất thịt nặng, trũng nước, nghèo lân, ka li, trồng trái vụ, thì tinh bột kém. Cũng không có quy luật củ mẹ càng sượng thì “củ con tất càng bở”, như Nguyễn Đức Dương giải thích (chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau).


Cùng bụi khoai tây, nhưng củ nhỡ, củ "bi" ăn ngon hơn củ to
Ảnh: Sưu tầm


Trong thực tế, tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” được dùng với nghĩa là kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các loại khoai, củ (sắn, dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ...) Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon. Nguyên do: Củ là phần thân ngầm (hoặc rễ) dưới đất phình ra, chứa chất dinh dưỡng dự trữ, dùng để nuôi cây trong một số thời điểm (ví như thời kì thân lá tàn lụi trong mùa đông, không còn khả năng quang hợp, thì cây sẽ sử dụng nguồn dự trữ dinh dưỡng từ củ để tồn tại trong lòng đất).


Một số loại cây hàng năm như: gừng, nghệ, khoai lang, khoai tây, khoai sọ, khoai riềng (còn gọi dong riềng, dong tây), dong ta... thường được nông dân trồng bằng củ. “Củ cái” (củ mẹ, củ giống) sau khi nảy chồi, đẻ nhánh (sinh củ con) vẫn tiếp tục sinh trưởng và tồn tại trong đất. Khi thu hoạch, thường “củ cái” đã tiêu đi; nếu còn, ăn sẽ bị sượng, do đã cung cấp chất dinh dưỡng cho quá trình nuôi thân, tạo rễ, củ mới. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra loại củ "mẹ" to như thế này, nhưng ăn không ngọn, không bở.


Còn một loại củ cái (củ mẹ) nữa, được hiểu là củ sinh ra từ lứa đẻ đầu tiên. Với cây hàng năm, hết một chu kì sinh trưởng, thì thân lá sẽ tàn đi. Toàn bộ phần củ nếu không được thu hoạch, thì vẫn tồn tại trong đất, sống bằng nguồn dinh dưỡng dự trữ. Đến chu kì sinh trưởng mới, chất tinh bột trong lứa củ cái vụ trước dần chuyển hoá thành đường để nuôi cây trong quá trình nẩy chồi, phát triển thân lá và đẻ ra lứa củ mới.[2] Bởi vậy, những loại củ cái, củ mẹ quá lứa hoặc tồn tại từ vụ trước tuy to, già nhưng do còn ít tinh bột nên ăn sượng. Các củ con có kích thước tương đương củ mẹ, hoặc nhỏ hơn, nhưng thuộc loại “bánh tẻ” (không non, không già), ăn bở, ngon, vì vừa đủ thời gian sinh trưởng, chất tinh bột nhiều. Bởi thế, cùng một bụi dong, hoặc bụi sắn, nhưng có củ rất bở, nhiều bột, có củ lại sượng; cùng bụi khoai tây, nhưng củ to ăn sượng, nhạt, củ bi ăn bở, ngon, là vậy.




Sắn là cây hàng năm, nhưng có thể tồn tại dưới lòng đất nhiều năm
Khi thu hoạch, củ to, quá lứa ăn sượng, hoặc dẻo, củ nhỏ ăn bở
Ảnh: Sưu tâm


Từ thực tế đó, đối với cây trồng có chu kì sinh trưởng hàng năm như khoai, sắn, khi thân lá bắt đầu úa vàng, có dấu hiệu “xuống mã”, thì nông dân thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Theo đây, nếu để quá lâu trong đất, sẽ đến lúc cả củ mẹ lẫn củ con đều sượng, chứ không có chuyện củ mẹ “càng sượng”, thì “củ con tất càng bở” (như cách giải thích của Nguyễn Đức Dương).


Như vậy, từ “sượng”, trong câu “Sượng mẹ, bở con”, được hiểu theo nghĩa thứ hai mà Từ điển Vietlex đã giảng: “ở trạng thái nấu chưa được chín, hoặc do bị kém phẩm chất, không thể nào nấu cho chín mềm được.” Củ “mẹ” sượng, là củ đã quá lứa, củ “con” bở là củ bánh tẻ, vừa độ thu hoạch.


Cách hiểu của Nhóm Vũ Dung là đúng hướng, nhưng chưa đúng bản chất vấn đề. Nghĩa là “sượng mẹ, bở con” không chỉ được hiểu riêng với “khoai sọ”. Mặt khác, trong thực tế, còn một loại củ con nữa, đó là củ non (sinh sau lứa củ nhỡ, ăn bở), do chưa đủ thời gian chuyển hoá đường thành tinh bột, nên ăn cũng rất sượng. Bởi vậy, không đơn giản cứ củ to là sượng, còn củ con là bở.


Như vậy, có thể hiểu, tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” là kinh nghiệm lựa chọn, phân loại, đánh giá chất lượng các loại củ, cũng là kinh nghiệm xác định thời điểm thu hoạch để có được sản phẩm củ chất lượng cao nhất. Ví dụ, đối với khoai lang, dựa vào thời gian sinh trưởng của giống và kết hợp quan sát, nếu thấy có biểu hiện ngừng sinh trưởng, "xấu mã" (các lá phần gốc ngả màu vàng), bới kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa, thì tiến hành thu hoạch.


Hoàng Tuấn Công/3/2017


[1]- Lê Gia giảng câu “Xấu giây tốt củ” nghie là “Giây (sic) khoai lang quá già hoặc sâu sia, hoặc đã hơi héo...đem trồng xuống và tưởng rằng sẽ ít củ, củ xấu...vậy mà lại có số củ rất nhiều, rất tốt”. Cách hiểu này hoàn toàn phi khoa học. Vì chọn “dây” (hom giống) khoai lang phải là loại “bánh tẻ” (không non, không già), mập mạp, không sâu bệnh, càng đem trồng kịp thời càng tốt. Không có chuyện hom “quá khoai lang quá già hoặc sâu sia” mà lại cho “số củ rất nhiều, tốt”. Câu tục ngữ “Xấu dây, tốt củ”, được hiểu như thế nào, chúng tôi xin hẹn bạn đọc trong một bài khác.


[2] Ngay cả với củ khoai lang, hoặc khoai tây đã thu hoạch, cất trữ rồi, nhưng để lâu chưa ăn đến, thì lượng tinh bột cũng sẽ tự chuyến hoá thành đường, khiến củ kém bở. Bởi vậy, khoai lang để lâu, hoặc “mót” được củ sót lại trên ruộng, ăn sống thì rất ngọt, nhưng luộc lên lại kém bở là vậy.

Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

CON BÉ VÀ CÂY HOA CẢI DẦU









Shiga Naoya, 1904





_________________

SHIGA Naoya (1883-1971)

Viết truyện ngắn và truyện dài. Shiga Naoya được xem là « vua truyện ngắn », là nhà văn tiêu biểu của loại tự truyện, là một « thánh chủ » của nền văn học Nhật hiện đại. Ông theo học đại học Tokyo, nhưng không tốt nghiệp ngành nào. Ông bắt đầu viết từ năm 21 tuổi : « Con bé và cây hoa cải dầu » là truyện ngắn đầu tay. Sự nghiệp viết văn của ông chịu ảnh hưởng nặng nề và phản ánh một đời sống gia đình bất hạnh : mất mẹ năm 12 tuổi, ông có những quan hệ sóng gió với bố, đi từ xung khắc đến đoạn tuyệt, rồi hoà giải. Tác phẩm của ông - phần lớn đã được dịch ra Anh ngữ - có thể được chia làm 3 loại : loại dựa trên kinh nghiệm và quan sát (« As far as Abashiri », « An Incident »...) ; loại dựa vào đời sống tư tưởng và trí tưởng tượng (« The Little girl and the Rapeseed Flower », « The Razor », « Han's crime »... ) ; và loại ít nhiều là tự truyện (« The Death of my mother and the new mother », « Reconciliation », « The Paper door »...)

_________________



Hôm đó là buổi chiều xuân trong sáng êm đềm. Một con bé đang nhặt củi đóm trên sườn núi.



Chặp sau, khi ráng chiều đỏ thắm xuyên qua các tàng cây thưa thớt, con bé đem mớ củi nhặt được xuống đồng cỏ, bắt đầu sắp vào giỏ trên lưng.



Thình lình, con bé có cảm tưởng như nghe như ai gọi mình.



- Hả ?



Con bé buột miệng. Nó đứng lên nhìn chung quanh nhưng chẳng thấy người nào.



- Ai gọi tôi ?



Con bé lại lớn giọng hỏi nữa. Nhưng cũng chẳng ai trả lời.



Sau hai ba lần có cảm tưởng đó, con bé chợt phát hiện là tiếng gọi phát ra từ cây hoa cải dầu nhỏ đơn độc đang ngẩng đầu lên trong đám cỏ dại.



Con bé lau mặt với tấm vải quàng đầu rồi nói :



- Tao nghĩ chắc mày cô độc lắm trong một chỗ như vầy.



Cây hoa trả lời với giọng thân mật :



- Em rất cô độc.



Con bé hỏi với giọng quở trách :



- Vậy sao mày đến đây làm chi ?



- Một hạt dính vào ngực con chim chiền chiện rồi rớt xuống đây. Em làm gì được !



Cây hoa nói một cách buồn rầu. Rồi nó nhờ con bé mang nó theo xuống làng dưới chân núi, nơi nó có nhiều đồng loại.



Con bé thấy xót xa cho cây hoa cải dầu, quyết định làm nó thoả mãn. Khẽ khàng gỡ khỏi đất, con bé cầm nó trong lòng tay khum khum và xuống đường núi về làng.



Dọc đường, một con suối nhỏ trong veo chảy róc rách. Thời gian trôi qua. Cây hoa nói :



- Tay chị nóng khủng khiếp. Em thấy đầu nặng quá, không ngẩng thẳng lên được.



Theo mỗi bước đi của con bé, cây hoa yếu ớt lắc lư cái đầu rũ gục.



Cả chặp lâu, con bé không biết phải làm gì.



Rồi thình lình con bé nảy ra một ý tuyệt vời. Vội vàng ngồi xổm xuống bờ đường, con bé lặng lẽ ngâm rễ cây hoa vào nước.



- Aaa !



Cây hoa thốt lên với giọng hồi sinh, sôi nổi. Nó nhìn lên con bé. Nhân đó con bé nói như truyền lệnh :



- Từ chỗ này, mày cứ đi theo nước.



Lắc đầu một cách khó khăn, cây hoa nói :



- Lỡ bị cuốn đi cách xa chị quá, em sợ chết !



- Không việc gì phải sợ cả.



Con bé vừa nói vừa thả trôi cây hoa.



- Em sợ ! Em sợ !



Bị giòng nước cuốn đi tức khắc, cây hoa ré lên hãi hùng khi thấy nước kéo mình càng lúc càng xa con bé. Nhưng con bé không nói không rằng, vòng tay ra sau lưng sửa lại cái giỏ nhảy nhót trên lưng và chạy theo sau.



Cây hoa thở dài nhẹ nhõm. Rồi vui vẻ từ mặt nước nhìn lên, nó nói với con bé đủ thứ chuyện.



Một con bướm từ đâu bay tới dập dờn vui nhộn. Nó phá phách, vỗ nhẹ cánh nhảy nhót quanh đầu cây hoa. Cây hoa có vẻ khoái chí. Nhưng rồi con bướm rộn ràng bất định đó lại bay đi chỗ khác.



Thấy trên chóp mũi con bé lốm đốm mồ hôi như những hạt trân châu, cây hoa nói với giọng ái ngại :



- Bây giờ tới phiên chị cực quá.



Con bé trả lời ngắn gọn :



- Ðừng lo cho tao.



Ngỡ bị mắng, cây hoa im lặng.



Một lát sau con bé giật nẩy mình vì tiếng kêu thét của cây hoa. Rễ nó bị vướng vào đám cỏ dại nhấp nhô trên giòng nước như một suối tóc dài, cây hoa ráng cựa quậy đầu ra trước ra sau, kiệt sức.



- Ðược rồi. Yên đó một lát.



Hụt hơi, con bé ngồi xuống tảng đá bên bờ suối.



- Làm sao em yên được với chân cẳng vướng víu như thế này ? Em thấy chẳng thoải mái chút nào.



Giọng phàn nàn của cây hoa càng lúc càng tha thiết. Con bé đáp :



- Mày như vậy là khỏe rồi.



- Em không khỏe. Dừng lại thì tốt, nhưng kiểu này thì khiếp lắm. Làm ơn, chị làm ơn vớt em lên.



Cây hoa nài nỉ, nhưng con bé không muốn nghe, chỉ mỉm cười nói :



- Mày như vậy được mà.



Chẳng bao lâu sức mạnh giòng nước làm rễ cây hoa trượt ra. Với giọng khẩn trương chói tai « Em bị cuốn đi đây này », một lần nữa cây hoa lại bị cuốn xuôi theo giòng. Giật mình, con bé chạy theo.



Khi còn cách nhau không bao xa, cây hoa rụt rè nói :



- Cực chị quá !



- Không sao cả.



Con bé dịu dàng trả lời. Rồi vì cây hoa không còn lo âu nữa, nó chạy trước cách xa khoảng chừng mười lăm bộ.



Ðã trông thấy làng dưới chân núi. Con bé nói to :



- Không còn bao xa nữa.



- Ờ há !



Cây hoa trả lời đằng sau. Chúng không nói gì với nhau một lát. Âm thanh duy nhất là tiếng lách tách, lách tách của đôi dép rơm con bé chạy, trộn lẫn với tiếng róc rách của suối.



« Chaach » ! Tiếng nước toé lên bất ngờ dưới chân con bé. Cây hoa kêu thét lên như thể sắp chết. Con bé giật mình dừng lại nhìn ra sau. Từng cánh hoa lá tái mét vì sợ, cây hoa gượng lên khỏi mặt nước la bải hải « Nhanh lên ! Nhanh lên ! ». Con bé vội vàng kéo nó ra khỏi nước.



- Chuyện gì vậy ?



Nâng niu cây hoa vào ngực, con bé quay nhìn giòng nước sau lưng.



- Có cái gì phóng ra từ chân chị đấy.



Cây hoa nói giọng hổn hển :



- Con cóc cáy đấy, chị. Nó ngụp xuống một lần rồi bất thần ở đâu trồi lên trước mặt em. Thiếu chút nữa là dám mặt tụi em chạm vào nhau. Miệng nó nhọn và có vẻ cáu kỉnh như con yêu Hà Bá vậy.



Nghe cây hoa nói, con bé cười vang. Cây hoa nói giọng trách móc :



- Ðâu có gì tức cười đâu. Nhưng mà khi em ré, con cóc giật mình đấy. Nó mất hồn mất vía lặn xuống.



Nói tới đây thì cây hoa cải dầu cũng cười vang lên.



Chẳng bao lâu, chúng về tới làng.



Con bé tức khắc trồng cây hoa trong đám đất sau nhà.



Không giống trên sườn núi khô cằn đầy cỏ dại, ở đây đất đai màu mỡ. Cây hoa cải dầu lớn nhanh như thổi.



Và ở đó, giữa bạn bè với đồng loại, cây hoa cải dầu mãi mãi sống yên vui hạnh phúc.







MIÊNG

Dịch theo bản tiếng Anh của Lane Dunlop :

«The Little Girl and The Rapeseed Flower».



Paris, Février 1998.