Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Con người không bắt nguồn từ khỉ? - Những lỗ hổng trong thuyết tiến hóa Darwin




GS Phạm Việt Hưng
Viethungpham.com





Mendel: Cha đẻ của lý thuyết di truyềnTóm tắt: Khi còn là một học sinh trung học, như bất kỳ một học trò nào khác, tôi tin vào học thuyết Darwin. Chúng tôi còn quá ngây thơ để biết sự thật. Thế hệ tôi không may không được học di truyền học. Chúng tôi không biết gì về Mendel. Thầy dạy sinh vật của tôi nói di truyền học là một lý thuyết phản động (!). Nhiều năm sau, tôi biết đó là nói dối. Khi tôi hiểu di truyền học là gì, tôi nhận ra học thuyết Darwin cũng chỉ là một lời nói láo. Nay là lúc nói sự thật: Mendel bác bỏ thuyết tiến hóa của Darwin như thế nào.

Một cái nhìn tổng thể lướt qua Mendel và Darwin

Thật "may mắn" cho Darwin vì rốt cuộc ông đã không phải trực diện đối mặt với một nhà khoa học lỗi lạc cùng thời, đó là Gregor Johann Mendel (1822 - 1884), một tu sĩ công giáo người Áo, cha đẻ của Di truyền học. Nếu phải trực tiếp đối diện với Mendel, không biết Darwin sẽ làm thế nào để chống đỡ trước sự tấn công của lý thuyết di truyền do Mendel nêu lên, vì lý thuyết này đã chứng minh một cách không thể chối cãi được rằng cái gọi là 'transformism' - sự biến đổi loài này thành loài khác - của thuyết tiến hóa chỉ là một câu chuyện hoang đường không bao giờ xẩy ra.

Thật vậy, theo lý thuyết di truyền của Mendel, khỉ chỉ có thể đẻ ra khỉ, cá chỉ có thể đẻ ra cá,... không bao giờ khỉ biến thành người được. Không có cái gọi là biến đổi từ từ trong một thời gian dài để một loài này biến thành loài khác. Đó là sự tưởng tượng vô căn cứ của học thuyết Darwin. Từ khi cuốn Về Nguồn gốc các Loài của Darwin ra đời (1859) đến nay đã là 156 năm, thuyết tiến hóa vẫn không có bất cứ một bằng chứng nào để chứng minh cho sự biến đổi từ từ đó.

Chẳng hạn, không có bất cứ một hóa thạch nào để chứng minh cho sự tồn tại của một loài nằm giữa loài người và loài khỉ, mà thuyết tiến hóa bảo đó là tổ tiên của loài người. Sự vắng bóng tuyệt đối của các hóa thạch xác nhận tính đúng đắn của lý thuyết di truyền của Mendel, rằng đặc điểm của loài được bảo tồn trong quá trình di truyền, và do đó một loài không thể biến thành loài khác. Có nghĩa làvề bản chất, lý thuyết di truyền của Mendel chống đối thuyết tiến hóa của Darwin.

Nhưng chẳng lẽ Darwin sống cùng thời với Mendel mà không hay biết gì về Mendel?

Câu trả lời là KHÔNG! Điều này đã được xác nhận trong một bài báo nhan đề "Gregor Mendel" của David Coppedge, một nhà khoa học của NASA từng làm quản lý hệ thống trong chương trình Cassini Mission to Saturn (Sứ mạng Cassini tới Sao Thổ). Trong bài báo đó, Coppedge viết: "... các nhà lịch sử biết chắc chắn Darwin không biết gì về Mendel, mặc dù Mendel biết về Darwin" [1]

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì thực ra không riêng Darwin, mà nhân loại thế kỷ 19 nói chung không hay biết gì về Mendel, mặc dù công trình của Mendel chính thức được công bố từ năm 1866, tức 7 năm sau khi Darwin công bố cuốn Về Nguồn gốc các Loài. Thực tế là công trình của Mendel đã bị chìm trong quên lãng, không được người đời biết đến trong một khoảng thời gian dài, ít nhất từ khi nó được công bố đến khi nó được tái khám phá vào năm 1900, tức là 34 năm nằm trong bóng tối! Darwin mất năm 1882, tức là 18 năm trước khi công trình của Mendel được dư luận rộng rãi biết đến.

Ngược lại, Mendel biết rõ thuyết tiến hóa của Darwin, và ông coi những định luật di truyền do ông khám phá sẽ đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với lý thuyết 'transformism' của Darwin - lý thuyết về sự biến đổi loài này thành loài khác (tư tưởng cốt lõi của thuyết tiến hóa).

Tuy nhiên, thế kỷ 19 chưa phải thời của Mendel. Thậm chí cho tới nửa đầu thế kỷ 20, thuyết tiến hóa của Darwin vẫn được coi là thuyết chính thống trong sinh học, được tiếp nhận hồ hởi như một thứ "khoa học nền móng" của trào lưu vô thần, mà đỉnh cao là vụ án Scopes [2] ở Mỹ và chủ nghĩa quốc xã ở Đức cùng với những thứ "dị bản" khác nhau của chủ nghĩa đấu tranh sinh tồn trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, kể từ khi lý thuyết di truyền của Mendel được biết đến và được phổ biến ngày càng rộng rãi hơn trong thế kỷ 20 thì mối đe dọa đối với thuyết tiến hóa cũng ngày càng lớn hơn. Người cảm nhận nguy cơ này rõ ràng hơn ai hết chính là những môn đệ của chủ nghĩa Darwin. Họ nhanh chóng nhận ra sự cần thiết phải lắp ghép học thuyết di truyền của Mendel vào thuyết tiến hóa. Đó là lý do để chủ nghĩa Tân-Darwin (neo-Darwinism) ra đời mà chúng ta sẽ bàn đến ở phần dưới trong bài này. Nhưng ngay bây giờ cần phải biết mọt sự thật là các nhà tiến hóa học đã phải tìm cách chống đỡ lý thuyết di truyền của Mendel. Hãy nghe David Coppedge (đã dẫn) nói về điều này:
"Như chúng ta sẽ thấy, ngót 72 năm đã trôi qua trước khi người ta không thể không biết đến những khám phá của Mendel nữa. Trong những năm 1930, sau chiến thắng trong vụ án Scopes, học thuyết Darwin bùng nổ ở mức không thể ngăn chặn được nữa. Từ đó hình thành một xu thế trộn lẫn thuyết di truyền của Mendel vào trong thuyết tiến hóa. Trong đó những đồ đệ của chủ nghĩa Tân-Darwin có xu hướng nhận vơ Mendel như người thuộc trường phái của mình, nhưng những bằng chứng cho thấy vị tu sĩ công giáo này chẳng có chút quan hệ dây mơ rễ má nào với học thuyết tiến hóa cả".Đúng như vậy, Gregor Mendel là một tu sĩ công giáo tin vào thuyết sáng tạo, làm sao có thể chấp nhận thuyết tiến hóa? Nhưng Mendel không chống lại học thuyết Darwin bằng tôn giáo và triết lý, mà bằng chính công trình nghiên cứu khoa học của ông - những định luật về di truyền.

Muốn hiểu lý thuyết di truyền của Mendel chống lại thuyết tiến hóa ra sao, phải tìm hiểu khái niệm di truyền.

Từ xa xưa, thông qua những quan sát thông thường như con cái giống cha mẹ, cháu chắt giống ông bà, mọi người đều tin có di truyền. Nhưng mãi cho tới giữa thế kỷ 19 vẫn không ai biết cơ chế di truyền tác động ra sao và diễn ra như thế nào. Đa số mọi người cho rằng yếu tố di truyền nằm trong máu, và sự pha trộn các dòng máu sẽ chuyển giao các yếu tố di truyền của cha và mẹ cho con cái. Quan niệm ấy còn quá thô sơ và cách xa sự thật. Phải đợi tới khám phá của Mendel, cơ chế di truyền mới được sáng tỏ. Nhưng như chúng ta đã thấy, Darwin không hay biết gì về công trình của Mendel, do đó ông đã phạm sai lầm lớn khi áp dụng một quan niệm sai lầm về di truyền của Jean Baptiste Lamarck vào thuyết tiến hóa.

Tư tưởng về di truyền của Darwin trong thuyết tiến hóa

Theo trang mạng Darwinsim Refuted (Học thuyết Darwin bị bác bỏ) [3] , vấn đề di truyền đặt ra một tình thế bối rối cho thuyết tiến hóa của Darwin. Khi Darwin đang xây dựng lý thuyết của mình, vấn đề làm thế nào mà sinh vật truyền được các đặc tính của chúng cho các thế hệ tiếp theo, tức là làm thế nào mà sự di truyền xẩy ra, vẫn là một câu hỏi chưa được giải đáp. Niềm tin ngây thơ cho rằng sự di truyền được truyền qua máu vẫn được chấp nhận một cách phổ biến. Niềm tin mập mờ ấy dẫn Darwin tới chỗ đặt lý thuyết của mình trên một nền tảng sai lầm.

Để thấy rõ sai lầm đó, trước hết phải biết rằng thuyết tiến hóa của Darwin dựa trên cơ chế "chọn lọc tự nhiên" (natural selection). Chọn lọc tự nhiên là sự chọn lọc những "đặc tính có lợi" (useful traits) để di truyền lại cho các thế hệ sau. Tuy nhiên vấn đề vẫn chưa được trả lời: Làm thế nào để "những đặc tính có lợi" được chọn lọc và chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo?

Tại đây, Darwin đã ôm lấy lý thuyết của Lamarck, đó là lý thuyết về "sự di truyền những đặc tính mới giành được" (the inheritance of acquired traits).

Những đặc tính mới giành được không phải là những đặc tính bẩm sinh, mà là những đặc tính giành được sau khi ra đời, trong quá trình sống và thích nghi với môi trường, và có thể di truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. Darwin rất thích thú với khái niệm này, và ông đưa ra quan điểm cho rằng "đặc tính có lợi" là một loại đặc tính mới giành được. Có nghĩa là Darwin đã sử dụng quan niệm về di truyền của Lamarck để giải thích quy luật chọn lọc tự nhiên, và từ chọn lọc tự nhiên giải thích sự tiến hóa!

Trong cuốn "Bí mật lớn về tiến hóa" (The Great Evolution Mystery), tác giả Gordon Taylor cho chúng ta thấy rõ Darwin đã chịu ảnh hưởng bởi Lamarck như thế nào:
"Học thuyết Lamarck được xem như học thuyết về sự di truyền các đặc tính mới giành được... Darwin có khuynh hướng tin rằng sự di truyền như thế đã xẩy ra và có trường hợp ông được nghe báo cáo rằng một người bị mất các ngón tay sinh ra những đứa con không có ngón tay... Năm 1868, khi ông công bố cuốn Varieties of Animals and Plants under Domestication (Tính đa dạng của động vật và cây trồng dưới sự thuần hóa), ông đã cho một loạt thí dụ về sự di truyền theo lý thuyết của Lamarck: một người mất một phần ngón tay út và tất cả con trai của người đó sinh ra với những ngón tay biến dạng; những bé trai sinh ra với bao quy đầu có độ dài giảm thiểu là kết quả của nhiều thế hệ được cắt bao quy đầu..."Nhưng dưới ánh sáng của Di truyền học Mendel, giả thuyết của Lamarck đã bị phủ nhận. Các định luật di truyền của Mendel chứng tỏ rằng các đặc tính mới giành được không chuyển giao cho các thế hệ nối tiếp, vì chúng không hề làm thay đổi các gene. Sự di truyền, theo lý thuyết của Mendel, xẩy ra theo những định luật bất biến xác định. Bất kể những con bò mà Darwin nhìn thấy ở khắp nơi sinh sản thế nào, bản thân loài bò không bao giờ thay đổi: bò luôn luôn vẫn là bò. Các định luật di truyền của Mendel đã hủy hoại thuyết tiến hóa!

Năm 1866 Gregor Mendel công bố các định luật di truyền do ông khám phá. Nhưng mãi tới cuối thế kỷ 19 công trình này mới bắt đầu thu hút sự chú ý của thế giới khoa học. Đầu thế kỷ 20, chân lý của các định luật này mới được chấp nhận bởi toàn thể cộng đồng khoa học. Đây là một đòn chết người đánh vào lý thuyết của Darwin - một lý thuyết sử dụng khái niệm "di truyền những đặc tính có lợi" dựa trên lý thuyết sai lầm của Lamarck.

Nhiều sách báo nhắc tới một sự thật là lý thuyết của Mendel chống lại mô hình của Lamarck, nhưng tảng lờ sự thật là lý thuyết Mendel chống lại cả Darwin, vì Darwin tiếp thu mô hình của Lamark để giải thích sự di truyền những đặc tính có lợi trong quá trình chọn lọc tự nhiên. Vậy hãy trả lại sự thật cho khoa học: Lý thuyết Di truyền của Mendel chống lại cả Lamark lẫn Darwin, như bài báo "Mendel's Opposition to Evolution and to Darwin" (Sự chống đối của Mendel đối với thuyết tiến hóa và Darwin) trên Tạp chí Di truyền (Journal of Heredity) đã nói rất rõ: "Ông ấy (Mendel) đã quen thuộc với cuốn Về Nguồn gốc các loài của Darwin ... và ông chống lại lý thuyết của Darwin..."

Tóm lại, các định luật do Mendel khám phá đã đặt học thuyết Darwin vào trong một tình thế vô cùng khó khăn. Vì thế, trong phần tư đầu tiên của thế kỷ 20, các nhà khoa học ủng hộ học thuyết Darwin đã tìm cách cứu học thuyết này bằng việc xây dựng một mô hình tiến hóa mới: "chủ nghĩa Tân-Darwin" ra đời. Nhưng trước khi tìm hiểu về Tân-Darwin, hãy tìm hiểu các định luật di truyền của Mendel.

Ba Định luật Di truyền do Mendel khám phá

Tận tụy làm việc trong một khu vườn của Tu viện Thánh Thomas ở Brunn, nước Áo, Gregor Mendel đã thực hiện những thí nghiệm kéo dài trong nhiều năm, với những kỹ thuật khéo léo dựa trên một phương pháp khoa học chính xác và thuyết phục.

Nếu đánh giá tính khoa học của một công trình nghiên cứu theo tiêu chuẩn của Pasteur, rằng "Đừng đưa ra bất kỳ điều gì mà anh không thể chứng minh bằng thực nghiệm", thì sẽ thấy Darwin và Mendel là hai phương pháp đối lập - trong khi học thuyết của Darwin chứa toàn những mô tả chủ quan mang tính phỏng đoán, tuyệt đối không có một thí nghiệm nào để kiểm chứng, thì lý thuyết của Mendel dựa trên những thí nghiệm đạt tới độ chính xác như vật lý và toán học, có thể kiểm chứng bất kỳ lúc nào, và cho phép tiên đoán chính xác những sự kiện sẽ xẩy ra trong tương lai dựa trên những nguyên lý đã tổng kết.

Thật vậy, công trình của Mendel thường được ví như một kiểu mẫu giáo khoa về phương pháp thực nghiệm, đòi hỏi sự kiên trì, sự chú tâm tới các chi tiết, sự ghi chép cẩn thận, và một cái nhìn sâu thẳm vào bản chất của vấn đề. Trong một dự án kéo dài 10 năm, Mendel đã lai tạo 28.000 cây đậu Pisum, quan sát tính di truyền của 7 đặc điểm được lựa chọn:

- bề mặt của hạt (nhăn hoặc mịn)
- mầu của nội nhũ (vàng, da cam hoặc xanh lá cây)
- mầu vỏ hạt (xanh lá cây hoặc vàng)
- hình dạng vỏ đậu (phồng hoặc dẹt)
- mầu vỏ đậu (vàng hoặc xanh lá cây)
- vị thế của hoa (trên trục hoặc ở cuối)
- độ dài cuống (từ 6 feet trở lên hoặc từ 1 foot trở xuống)

Ông chọn cây đậu để nghiên cứu vì cây đậu là loài cây có mùa ngắn (có thể tiến hành thí nghiệm nhiều lần), dễ thụ phấn, có những đặc điểm rõ ràng dễ nhận thấy và có thể che chắn để khỏi bị thụ phấn lai tạp một cách tùy tiện. Ông dành 2 năm đầu tiên để tạo ra những cây đậu thuần chủng đúng loại, rồi dành 8 năm tiếp theo để thụ phấn lai tạo theo dự án và xác định chính xác số lượng các đặc điểm xuất hiện ở các đời con cháu. Khó có thể tưởng tượng được một người âm thầm làm việc một mình trong vòng 10 năm như thế để theo đuổi mục tiêu khám phá sự thật về di truyền. Cuối cùng, vị tu sĩ công giáo trước đó không ai biết đến đã tìm ra những nguyên lý vĩ đại của sự sống, cho phép tiến hành những dự đoán có thể kiểm chứng được, và đặc biệt, có thể trình bầy chúng dưới dạng toán học. Đây là lần đầu tiên toán học bước chân vào sinh vật học, và trở thành công cụ giúp sinh vật học đi tới những nguyên lý chính xác, tương tự như vật lý.

Với trực giác thiên tài, vào thời điểm giữa thế kỷ 19 khi con người chưa biết gì về nhiễm sắc thể và những chi tiết trong việc phân chia tế nào, Mendel đã khám phá ra 3 định luật cơ bản của di truyền học:

Định luật về cặp yếu tố (gene) (Law of Paired Factors (Genes)): Mỗi đặc điểm của sinh vật được quyết định bởi một cặp gene tương ứng. Mỗi cha/mẹ đóng góp chỉ một gene trong cặp gene đó. Mỗi đặc điểm, chẳng hạn mầu vỏ hạt, được đóng góp bởi cả cha lẫn mẹ, nghĩa là, không chỉ một giới xác định mầu của vỏ hạt; trứng và tinh trùng cùng đóng góp một nửa của một đặc điểm cho trước.

Định luật về tính trội (Law of Dominance): Trong một cặp gene, một gene sẽ trội hơn gene kia và sẽ kiểm soát sư biểu lộ ra bên ngoài. Đó là tính trội của gene và gene đóng vai trò trội được gọi là gene trội. Mendel phát minh ra các thuật ngữ trội và lặn để giải thích định luật về tính trội. Thí dụ: tính mịn trội hơn tính nhăn; nếu một thế hệ con cháu có cặp gene trong đó một gene xác định tính mịn, một gene xác định tính nhăn, thì con của nó sẽ biểu lộ tính mịn.

Định luật về tính độc lập (Law of Segregation): Các đặc điểm được di truyền một cách độc lập. Một hạt có thể nhăn và vàng, hoặc nhăn và xanh, hoặc mịn và vàng, hoặc mịn và xanh. Các đặc điểm được chọn một cách độc lập và ngẫu nhiên cho các thế hệ con cháu, nhưng có đủ các phép thử để chúng tuân thủ các quy luật toán học.


  

Để toán học hóa các định luật này, Mendel dùng chữ cái lớn để biểu thị nét trội, chữ cái nhỏ để biểu thị nét lặn. Chẳng hạn với 7 đặc điểm như Mendel nghiên cứu, có thể dùng các chữ cái sau đây để biểu thị A, B, C, D, E, F, G, a, b, c, d, e, f, g. Mỗi cá thể có thể nhận được các đặc điểm như Aa, Bc, dF, ef, ... Mỗi đặc điểm di truyền là một tổ hợp chập hai của các chữ nói trên thậm chí còn hơn thế nữa, vì còn có các cặp dạng AA, bb,... Nghĩa là có thể tính được khả năng một đặc điểm cụ thể nào đó sẽ được di truyền như thế nào ở thế hệ thứ mấy. Tóm lại, Mendel đã mở cửa cho khoa học chính xác bước chân vào một lĩnh vực từ xưa đến nay chỉ là khoa học định tính, mở đường cho di truyền học phát triển chưa từng thấy trong thế kỷ 20.

Thông qua 3 định luật nói trên, một sự thật tự nó tỏ lộ ra rằng các đặc điểm của sinh vật KHÔNG THAY ĐỔI trong quá trình di truyền - các loài được bảo toàn, không có sự thay đổi di truyền để loài này biến thành loài khác. Điều đó đặt dấu chấm hết cho những suy đoán của Darwin và những đệ tử của ông về khả năng pha trộn biến đổi di truyền làm biến đổi loài.

Công trình của Mendel mang một cái tên rất giản dị khiêm tốn "Những thí nghiệm lai giống cây trồng" (Experiments in Plant Hybridization), hoàn thành năm 1865 và công bố năm 1866 đã mở ra một kỷ nguyên mới trong nhận thức về sự sống.

Nhưng một công trình vĩ đại như thế đã bị lãng quên trong 34 năm. Tại sao?

Tại sao công trình của Mendel bị lãng quên?

Một số tài liệu nói rằng vì nó được công bố trên một tài liệu ít tiếng tăm của Áo, nhưng đó chỉ là một cách né tránh sự thật. Sự thật là nhiều người có thể đã đọc công trình của ông nhưng không hiểu và không đánh giá được ý nghĩa quan trọng của nó. Nhưng mặt khác, và điều này đáng nói hơn, vì công trình của Mendel có nội dung trái với quan điểm di truyền của thuyết tiến hóa, một lý thuyết đang đóng vai trò chính thống, nên không được các nhà sinh học tin vào thuyết tiến hóa ủng hộ. Điều này đã được xác nhận trong bài báo Mendel's Opposition to Evolution and to Darwin (Sự chống đối của Mendel đối với thuyết tiến hóa và Darwin) trên tạp chí The Journal of Heredity, trong đó viết: "Công trình của Mendel đầu tiên bị từ chối, vì hiển nhiên là ông đã tạo ra một lý thuyết chống lại lý thuyết di truyền của Darwin (pangenesis), lý thuyết này lúc ấy đã trở nên phổ biến và được chấp nhận như một lý thuyết chịu trách nhiệm về di truyền". [4]

Thực ra Mendel không chỉ công bố công trình của mình trên tạp chí chuyên môn, mà còn gửi bản sao đến các nhà khoa học có uy tín trong thời của ông. Chẳng hạn, năm 1867, ông đã gửi công trình đến ngài Carl Nageli, người được tạp chí Great Experiments in Biology (Những thí nghiệm vĩ đại trong Sinh học) ca ngợi là "một nhà thực vật học nổi tiếng và một người có thẩm quyền về tiến hóa luận", trong đó Mendel viết: "Tôi không bao giờ quan sát thấy những sự chuyển tiếp quá độ từ từ tứng tí một các đặc điểm của cha mẹ cho con cái". Có nghĩa là ông bác bỏ thuyết tiến hóa - thuyết cho rằng loài này có thể biến thành loài khác thông qua những biến đổi từng tí một trong một thời gian đủ dài. Trong phần kết công trình của mình, Mendel còn nhắc đến một công trình của một người đi trước ông là Gartner. Ông viết:
"Kết quả của những thí nghiệm nghiên cứu khả năng một loài có thể biến thành loài khác đã dẫn Gartner đi tới chỗ chống đối lại ý kiến của các nhà tự nhiên học vốn không tin vào sự ổn định của các loài cây trồng mà tin vào sự tiến hóa liên tục của thực vật. Ông đã đưa ra một chứng minh không thể nghi ngờ rằng các loài là cố định...".Nói một cách dễ hiểu: ban đầu Gartner cũng muốn tiến hành thí nghiệm để kiểm chứng quan điểm của thuyết tiến hóa cho rằng một loài có thể biến thành loài khác. Nhưng những thí nghiệm đó lại dẫn Gartner tới kết quà hoàn toàn ngược lại, rằng các loài giữ nguyên các đặc điểm giống loài của nó, và không thể biến thành loài khác.

Mendel kết luận: "những cây lai tạo giữa những loài này không mất đi một chút nào về sự ổn định của chúng sau 4 - 5 thế hệ".

Xin nhắc lại rằng công trình của Mendel ra đời sau cuốn Về Nguồn gốc các Loài của Darwin 7 năm. Vậy kết luận nói trên của Mendel là một lời nhắn nhủ rõ ràng gửi tới các nhà tiến hóa luận rằng hãy xem xét lại quan điểm về sự biến đổi các đặc điểm di truyền để một loài này có thể biến thành loài khác. David Coppedge viết về điều này như sau:

"Khi học thuyết Darwin chiếm lĩnh thế giới trí thức ở Anh và lan tràn sang lục địa Âu Châu, kết luận nói trên của Mendel dường như một tiếng kèn kêu gọi hãy thức tỉnh để quan sát những suy đoán của thuyết tiến hóa về sự biến đổi loài này thành loài khác. Ông dường như đang hét lên, theo cách lịch sự của ông, rằng "các loài không biến đổi thành loài khác! Chúng thể hiện sự ổn định từ thế hệ này sang thế hệ khác, và các thí nghiệm của tôi đã chứng tỏ sự thật đó. Có ai nghe không?"". Rồi Coppedge trả lời: "Không ai nghe cả. Họ đang say sưa với thứ rượu ngọt của cơ chế tự nhiên đối với cái gọi là 'transformism' - sự biến đổi loài này thành loài khác - làm sao họ thấy được ích lợi gì từ những sự thật khó chịu mà vị tu sĩ ở Áo công bố?".

Cơn say ấy làm cho các nhà khoa học đi theo Darwin quên phắt tiêu chuẩn cơ bản của khoa học là bằng chứng thực tế hoặc thực nghiệm. Không có thực tế và thực nghiệm để chứng minh, thuyết tiến hóa thực chất chỉ là những thảo luận ngụy khoa học. Vì thế Coppedge không coi các nhà khoa học tiến hóa là nhà khoa học, mà chỉ là những người kể chuyện (storytellers). Ông viết: "Mendel thuộc trường phải kinh điển của các nhà khoa học tin vào phương pháp thực nghiệm. Nhưng bây giờ, những người kể chuyện của thuyết tiến hóa tự do suy đoán bừa bãi về quá khứ và tương lai không thể quan sát được rồi gọi đó là khoa học".

Quả thật, thuyết tiến hóa là một chuyện thần tiên kể chuyện con vật này biến thành con vật khác, và tệ hại nhất là chuyện con khỉ biến thành con người. Chuyện bịa đặt đó được tin là chuyện thật, dẫn tới những đối xử tàn bạo, ngược đãi, thảm sát người thổ dân ở Úc và ở nhiều nơi khác trên thế giới chỉ vì họ bị coi là những sinh vật nửa người nửa khỉ [5].

Khi người khổng lồ thức dậy

Nhưng sự thật không thể bị che khuất mãi. "Năm 1900, người khổng lồ đang ngủ thức dậy". Đó một tiêu đề trên trang mạng Famous Scientists (Các nhà khoa học nổi tiếng), mô tả sự kiện tái khám phá ra Di truyền học của Mendel. Quả thật là lý thuyết khổng lồ của Mendel đã bị chìm trong giấc ngủ của nhân loại 34 năm, nay mới thức dậy. Gần như đồng thời, 3 nhà khoa học là Hugo De Vries, Carl Correns và Erich von Tschermak cùng khám phá ra rằng 34 năm trước, Gregor Mendel đã tìm ra những nguyên lý di truyền vô cùng quan trọng. Hugo De Vries có ấn tượng rất mạnh với những khám phá đó, và lập tức trao đổi sự thật mình vừa phát hiện với các nhà sinh học quan trọng khác. Ông cũng nhanh chóng nhận ra rằng lý thuyết di truyền này đặt ra một thách thức đối với lý thuyết của Darwin về chọn lọc tự nhiên.

Thật vậy, chọn lọc tự nhiên nói rằng sinh vật, trong quá trình thích nghi với môi trường, sẽ có những biến đổi về thể chất, và những biến đổi này sẽ được di truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. Quá trình này tích lũy dần dần, đến một lúc nào đó biến đổi này trở thành đủ lớn để làm cho sinh vật đó biến thành một loài khác.

Nhưng lý thuyết di truyền của Mendel không cung cấp bất cứ một sự biến đổi nào như thế để làm chỗ dựa cho lý thuyết chọn lọc tự nhiên. Nói cách khác, những biến đổi của sinh vật để thích nghi với môi trường không hề làm thay đổi các đặc điểm di truyền, và do đó không tạo ra loài mới. Hugo de Vries đã tổng kết nhận định này bằng một tuyên bố bất hủ:
"Sự chọn lọc tự nhiên có thể giải thích sự sống sót của con vật thích nghi tốt nhất, chứ không phải sự xuất hiện một loài mới từ con vật thích nghi tốt nhất"Tuyên bố này có thể coi như tấm màn khép lại tấn tuồng "chọn lọc tự nhiên là cơ sở của tiến hóa."

Tóm lại, việc tái khám phá ra lý thuyết di truyền của Mendel đẩy thuyết tiến hóa trong những năm đầu của thế kỷ 20 vào tình trạng khó ăn khó nói, sống dở chết dở. Các nhà khoa học tiến hóa lúng túng không biết đối xử với lý thuyết Mendel thế nào. Không thể bác bỏ nó được, vì chứng minh của nó quá minh bạch, rõ ràng, thuyết phục. Hugo de Vries và nhiều nhà khoa học khác đã làm những thí nghiệm tương tự để kiểm chứng các định luật của Mendel và đi tới kết luận rằng các định luật đó hoàn toàn chính xác, không thể phủ nhận được. Vì thế chỉ còn một lựa chọn duy nhất cho các nhà tiến hóa luận: trộn lẫn lý thuyết của Mendel và Darwin với nhau. Đó là lý do ra đời cái gọi là "thuyết tiến hóa tổng hợp" (synthetic theory of evolution), hoặc "chủ nghĩa Tân-Darwin" (neo-Darwinism).

Chủ nghĩa Tân-Darwin và sự đánh giá của toán học

Lý thuyết Tân-Darwin dựa trên sự di truyền những biến dị ngẫu nhiên (random mutations), có thể tóm tắt như sau:

Trong quá trình sống, hệ di truyền của sinh vật có thể xuất hiện những biến dị ngẫu nhiên có lợi cho việc thích nghi với môi trường, và những biến dị có lợi này sẽ được di truyền lại cho các thế hệ nối tiếp. Qua hàng triệu, hàng tỷ năm, những biến dị này có thể tích phân lại thành một biến đổi lớn làm thay đổi loài.

Tư tưởng đó thổi một sức sống mới vào thuyết tiến hóa, làm thỏa mãn các nhà sinh học tiến hóa đến nỗi trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày ra đời cuốn Về Nguồn gốc các Loài của Darwin, nhà tiến hóa luận Julian Huxley đã tuyên bố dõng dạc đầy tự tin rằng thuyết tiến hóa của Darwin đã đạt tới một sự thật không thể tranh cãi được, và rằng toàn bộ vũ trụ được mô tả trong một quá trình duy nhất và liên tục của tiến hóa luận.

Nhưng trạng thái phớn phở lạc quan đó không kéo dài được bao lâu. Những thách thức toán học do Sir Peter Medawar và nhiều nhà toán học khác nêu lên đã phủ một bóng đen ngờ vực lên khả năng biến dị có thể tích lũy thành một biến đổi lớn làm thay đổi loài - xác suất để sự kiện đó xẩy ra gần như bằng 0, tức là không thể xẩy ra!

Bài báo Mathematicians and Evolution (Các nhà toán học và thuyết tiến hóa) của Casey Luskin [6] trên trang mạng Evolution Newsngày 11/07/2006 cho biết:

Một trong những cuộc xâm nhập của toán học vào khoa học tiến hóa được biết đến nhiều nhất là Hội nghị chuyên đề Wistar 1966 ở Philadelphia, nơi các nhà toán học và các nhà khoa học khác trong những lĩnh vực liên quan đã họp lại để đánh giá xem liệu thuyết Tân-Darwin có thể thực hiện được hay không. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ toạ của Sir Peter Medawar, một nhà khoa học từng đoạt Giải Nobel. Sự nhất trí chung của nhiều người tham dự hội nghị là thuyết Tân-Darwin không thể bảo vệ được bằng toán học (The general consensus of many meeting participants was that Neo-Darwinism was simply not mathematically tenable). Biên bản của hội nghị mang tên Mathematical Challenges to the Neo-Darwinian Interpretation of Evolution (Những thách thức toán học đối với sự diễn giải của thuyết Tân-Darwin về tiến hóa) cho biết các nhà toán học đáng kính và các học giả tương tự trong hội nghị đã nêu lên nhiều thách thức khác nhau.

Chẳng hạn, chủ tịch hội nghị, Sir Peter Medawar, tuyên bố lúc khai mạc: "Lý do trực tiếp của hội nghị này là một cảm giác bất mãn rất phổ biến đối với cái đã được xem như một lý thuyết tiến hóa được chấp nhận trong thế giới nói tiếng Anh, đó là cái được gọi là Lý thuyết Tân-Darwin... Có những phản đối được nêu lên bởi những nhà khoa học cảm thấy trong lý thuyết tiến hóa hiện nay có một số thứ đã mất tích... Những phản đối như thế đối với lý thuyết Tân-Darwin là rất phổ biến trong số các nhà sinh học nói chung; và chúng ta, tôi nghĩ, không vì ai cả phải làm cho sáng tỏ vấn đề. Chính sự kiện hôm nay chúng ta có mặt ở hội nghị này là bằng chứng cho thấy chúng ta chưa làm sáng tỏ vấn đề"

Trong tham luận mang tên "Làm thế nào để trình bầy các bài toán đánh giá sự tiến hóa bằng toán học", nhà khoa học Stanislaw Ulam làm tan vỡ niềm hy vọng của thuyết Tân-Darwin bằng nhận định sau đây: "Dường như phải có hàng ngàn, hàng triệu biến dị có lợi để tạo ra một sinh vật phức tạp ở mức thấp nhất mà chúng ta thấy trong cuộc sống hiện nay. Bất kể là xác suất để một biến dị đơn lẻ lớn đến đâu, thậm chí bằng một phần hai, nhưng xác suất để xẩy ra một dãy các biến dị có lợi như thế nối tiếp nhau sẽ phải nâng lên lũy thừa một triệu, như thế bạn sẽ có một xác suất rất gần với zero, và một sự kiện như thế dường như không thể tồn tại trên thực tế".

Tóm lại, thuyết Tân-Darwin không có cơ sở khoa học. Nó không có bằng chứng thực tế, và không được toán học ủng hộ.Thậm chí toán học đã đưa ra những con số mang tính phủ định nó. Rốt cuộc, thuyết Tân-Darwin cũng chỉ là một giả thuyết phi hiện thực. Nó tiếp tục làm khoa học dựa trên các giả thuyết thuần túy không thể chứng minh được. Đó là truyền thống của chủ nghĩa Darwin!

Trong thập kỷ 1980, bằng chứng về sự gián đoạn trong hồ sơ hóa thạch và trong các genes đã chia rẽ các môn đệ của Darwin thành 2 phái: phái "biến đổi từ từ từng tí một" (gradualist) và phái "biến đổi nhẩy cóc" (punctuationist). Đặc biệt Stephen Jay Gould và Niles Eldredge đã phải nổi đóa lên với phái đối lập để thuyết phục rằng đồ thị tiến hóa không phải là một hàm liên tục, mà là một hàm nhảy cóc đột xuất từng đợt một. Cuộc tranh cãi giữa 2 phái này kéo dài cho đến nay chưa chấm dứt. Có nghĩa là phái "gradualist" trung thành với thuyết tiến hóa nhưng bế tắc, còn phải "nhảy cóc" là phái tiến hóa phản bội lại tiên đề của thuyết tiến hóa!

Cuối thế kỷ 20 nhân loại chứng kiến một cuộc bùng nổ tri thức về di truyền học. Người ta đã có thể chỉ rõ ra các gene cụ thể, trong mã di truyền của nó, và quan sát sự sắp xếp của các cặp gene tương ứng vào trong giao tử (tế bào sinh sản trưởng thành, như một tinh trùng hoặc một trứng, có thể kết hợp với một tế bào khác để tạo nên một cơ thể mới). Một hiểu biết mới đã trở nên rõ ràng: tế bào rất khó tính trong việc đảm bảo sao cho các gene được sao chép một cách chính xác và đóng góp không sai sót.

Điều đó có nghĩa là hầu như không có cơ hội cho sự biến dị ngẫu nhiên có lợi.

Trong một số trường hợp có thể có những chữ cái của DNA cá biệt biến đổi mà không gây ra sự hủy hoại - có một sự co dãn nhất định trong mã di truyền sao cho một biến đổi riêng lẻ không tạo nên sự thay đổi bất kỳ một chức năng hoạt động nào cả. Những biến dị đó gọi là biến dị trung tính (vô hại). Người ta cũng khám phá ra cơ chế đọc và sửa chữa rất kỹ lưỡng của DNA, chứng tỏ rằng tế bào có nhiều cách sửa chữa các biến dị. Vả lại, phần lớn biến dị có trong thực tế đều gây ra bệnh tật hoặc tử vong, trong khi cho đến hôm nay các nhà sinh học tiến hóa không thể chỉ ra một trường hợp nào rõ ràng chứng tỏ biến dị dẫn tới loài mới, hoặc thậm chí một biến dị có lợi nào để biện hộ cho lý thuyết chọn lọc tự nhiên.

Rất nhiều ý đồ tạo ra biến dị đã được thực hiện, đặc biệt đối với ruồi dấm Drosophila, nhưng nói chung đề gây nên thiệt hại hoặc chết chóc cho loài này. Không hề có biến dị có lợi.

Trải qua bao nhiêu nỗ lực, cho đến nay, những phỏng đoán của Darwin đang tiến tới bờ vực của sự sụp đổ, trong khi các định luật của Mendel tiếp tục đứng vững.

Kết luận

Lâu đài tiến hóa của Darwin xây trên nền móng là chọn lọc tự nhiên; nền móng ấy được nhào trộn bởi một thứ bê-tông mang nhãn hiệu "biến dị có lợi". Phải có hàng triệu, hàng triệu biến dị có lợi nối tiếp nhau qua hàng triệu, hàng tỷ năm mới có hy vọng tạo ra những biến đổi lớn để xuất hiện một loài mới. Toán học chứng minh xác suất để xẩy ra một sự kiện như thế gần như bằng 0, tức là không thể xẩy ra. Vì thế lâu đài tiến hóa thực chất giống như một lâu đài trong truyện thần tiên, hoặc trong phim hoạt hình, chẳng hạn phim Alice in Wonderland.

Các nhà khoa học tiến hóa là những người kể chuyện giỏi, những họa sĩ tài ba, làm cho người xem cứ tưởng như thật. Cuốn phim vẫn đang tiếp tục được chiếu ở rạp, vẫn có nhiều người vào xem. Trẻ em thì bắt phải xem, và bắt phải tin lâu đài ấy là có thật. Nhưng vì nó là một cuốn phim, một truyện kể, nên rồi cũng sẽ đến hồi kết. Thực tế phim cũng đang đến những đoạn cuối nhạt nhẽo, nhàm chán. Nhiều khán giả đã thấy rõ đây là chuyện thần tiên bịa đặt. Nhiều người đã bỏ ra về.

Nghĩ lại thời học sinh, tôi thấy mình thật ngây ngô. Thầy nói gì cũng tin. Thầy ca tụng thuyết tiến hóa. Thầy kết tội thuyết di truyền. Sau này, khi ngộ ra sự thật, tôi nghĩ đến thầy, và đặt câu hỏi: Tại sao thầy lại tin vào một lý thuyết sai trái và kết tội một lý thuyết đúng đắn? Trong một thời gian dài tôi không tìm được câu trả lời. Mãi đến khi có internet, thông tin bùng nổ, tôi mới tìm được câu trả lời: "Few are those who see with their own eyes and feel with their own hearts" (Ít người nhìn bằng đôi mắt của chính mình và cảm nhận bằng trái tim của chính mình). Đó là lời của Albert Einstein. Einstein quả thật là một nhà hiền triết thâm thúy.

Vâng, đa số tin vào thuyết tiến hóa vì thầy của mình dạy như thế, giống như tôi vậy. Đa số coi nó là một "khoa học" vì quả thật nó là một "khoa học" đã được nhồi sọ cho mọi người từ thủa thiếu thời. Đa số tin vào nó vì nó vẫn đang có những danh hiệu kêu leng keng trong những viện nghiên cứu hoành tráng, vẫn có những giáo sư tiến sĩ giảng dạy nó, vẫn có những đại học danh tiếng tôn vinh nó.

Vẫn có những đại bác học như Francis Collins, một trong hai đồng tác giả của công trình khám phá bản đồ gene người, biện hộ cho nó, cố níu kéo nó, cố gán ghép nó vào lý thuyết di truyền hiện đại... cố chứng minh bộ gene của người rất gần với bộ gene của khỉ, mà lờ đi một sự thật rằng bộ gene của người phần lớn cũng giống bộ gene của chuột, của giun đất,... Điều rất lạ là ông Collins rất tin Chúa, tin rằng Chúa là tác giả của thông tin cài đặt trong DNA, nhưng lại không đủ đức tin để tin rằng Chúa có thể sáng tạo ra mọi loài vật theo ý Chúa mà chẳng cần phải bịa ra bất cứ một thuyết tiến hóa nào cả. Tôi nghĩ ông Collins là một nhà khoa học thực sự có tài, công tâm, một tâm hồn trong sáng, nhưng ông chưa sử dụng hết cái trực giác vốn có ở ông để vượt thoát ra khỏi cái mớ bòng bong của thuyết tiến hóa đã cột chặt ông vào ghế học trò vài chục năm trước.

Những người không nhìn bằng đôi mắt của mình, không cảm nhận bằng trái tim của mình sẽ không bao giờ có khả năng tiên đoán, như tiên đoán đã nói ở cuối mục trước, rằng học thuyết Darwin đã tới bờ vực sụp đổ, và nó sẽ sụp đổ!

Chú thích:

[1] http://www.creationsafaris.com/wgcs_4.htm David F.Coppedge
[2] Vụ án Scopes là vụ án xẩy ra tại tiểu bang Tennessee, Mỹ, năm 1925: giáo viên trung học John Scopes đã vi phạm đạo luật Butler của tiểu bang. Luật này cấm dạy môn học về tiến hóa của con người theo thuyết Darwin tại các trường công. Scopes đã bất chấp luật, đem môn học đó dạy cho học sinh. Scopes bị kết tội, nhưng luật sư bào chữa cho Scopes thắng kiện. Đó là thắng lợi của học thuyết Darwin tại nhà trường, nhưng là thắng lợi chính trị, thay vì khoa học.
[3] http://www.darwinismrefuted.com/short_history_03.html
[4] Bishop, B. E. 1996. Mendel's Opposition to Evolution and to Darwin. The Journal of Heredity. 87 (3): 205-213. Pangenesis là một lý thuyết di truyền do Darwin xây dựng nên, dựa theo giả thuyết sai lầm của Jean Baptiste Lamark. Thuyết này đã bị chứng minh là sai lầm và đã bị loại bỏ. Đáng tiếc là người ta chỉ phê phán Lamark mà không phê phán Darwin.
[5] Xem bài "Missing Links - Những mắt xíc bị mất tích" của Phạm Việt Hưng trên PVHg's Home ngày 05/08/2015
[6] http://www.evolutionnews.org/2006/07/mathematicians_and_evolution002387.html

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

5 mỏm đá "hút người" ở Việt Nam


(TTVH) - Nếu bạn có niềm đam mê mãnh liệt với việc chinh phục độ cao, thì 5 mỏm đá dưới đây là điểm đến lý tưởng cho bộ sưu tập “lòng can đảm” của bạn.

Không cần phải đi vòng quanh thế giới mới có thể gom được những khoảnh khắc để đời. Chỉ cần xách ba lô lên và đi. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 5 mỏm đá siêu cao, siêu ảo diệu và siêu “chất” trên dải đất hình chữ S xinh đẹp này.

Đảm bảo khi đã đặt chân đến đây, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì đang được tận hưởng tuổi trẻ tuyệt vời của mình!

+ Mỏm đá Mã Pí Lèng (Hà Giang)

< Mã Pí Lèng ở đây muốn chỉ đỉnh núi cao như sống mũi con ngựa hoặc nói về sự hiểm trở của vùng đất này. Mỏm đá từng khiến người ta “rùng mình” vì thích thú với cảnh vật quá hoang sơ, thuần khiết và hùng vĩ đến choáng ngợp. 
Dulichgo
Vùng núi phía Bắc là nơi có những con đường đèo quanh co, men theo vách núi cực đẹp và nguy hiểm.

< Hiện mỏm đá Mã Pí Lèng đã không còn được như xưa khi có sự can thiệp cải tạo của bàn tay con người.

Một trong những điểm đến từng làm người ta nôn nao, mong có lần được đặt chân đến đó là mỏm đá nằm cheo leo trên đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang).

+ Mỏm đá trên đỉnh Pha Luông (Mộc Châu)

< "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".

Pha Luông chính là địa danh được nhắc đến trong bài thơ Tây Tiến, với cảnh vật hùng vĩ và hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.

< Đây là nơi nhiều người đến ghi lại những bức ảnh để đời và cực nghệ thuật.
Dulichgo
Cách Mộc Châu khoảng 70km, đỉnh núi Pha Luông nằm ở độ cao 1500m là nơi nhiều người đến ghi lại những bức ảnh để đời và cực nghệ thuật. Hành trình tìm đến đỉnh núi không quá dài, tuy nhiên có những đoạn rất khó đi, khiến người muốn chinh phục lại càng cảm thấy thú vị.

+ Mỏm đá Tà Xùa (Yên Bái)

< Mỏm đá Tà Xùa trông như một cái đầu rùa đang thò ra khỏi mai.

Núi Tà Xùa thuộc xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Quả núi có 3 đỉnh mường tượng như sống lưng của một con khủng long thời tiền sử này, được xem là ranh giới tự nhiên giữa Yên Bái và Sơn La.

< Đỉnh cao nhất có độ cao 2865m và là đỉnh núi xếp thứ 10 trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Dulichgo
Rất nhiều người tìm đến đây để chinh phục 3 đỉnh Tà Xùa và đặt chân đến mỏm đá nằm giữa núi rừng bao la hùng vĩ. Và để làm được điều đó, chỉ niềm đam mê và lòng can đảm thôi chưa đủ, mà bạn còn phải có đủ sức lực để chinh chiến trong khoảng ba ngày hai đêm ở vùng núi này.

+ Mỏm đá Đồng Cao (Bắc Giang)

< Đây là điểm đến tuyệt vời cho ngày cuối tuần của du khách đến từ Hà Nội.

Cách Hà Nội khoảng 150km, đây là điểm đến lí tưởng cho những ai muốn rời xa khói bụi thị thành, tìm đến nơi được hòa mình cùng thiên nhiên trong lành.

< Không gian bao la, rộng lớn nơi đây khiến du khách cảm thấy rất thích thú và tuyệt vời.
Dulichgo
Không gian bao la, rộng lớn nơi đây khiến du khách cảm thấy rất thích thú và tuyệt vời. Sự mênh mông, cao vời vợi và màu xanh hòa quyện giữa đất trời, cây cối luôn làm cho tâm hồn con người cảm thấy nhẹ tênh.

+ Mỏm đá Thạch Thất (Hà Nội)

< Bạn có thể đưa mắt nhìn xa khơi để cảm nhận sự bao la và hùng vĩ khi đứng trên mỏm đá nằm cheo leo đỉnh núi này. Đây là nơi mà giới trẻ dễ dàng tạo cho mình những bức ảnh sống ảo cực "chất". 

Cách Hà Nội không quá xa và đường đi không quá khó, mỏm đá này được giới trẻ tìm đến “sống ảo” khá nhiều.

Từ đây, quan sát cảnh vật xung quanh, bạn sẽ cảm nhận nó chẳng khác nào là một bức tranh được chấm phá bởi bàn tay mẹ thiên nhiên.

Theo PV (Thể Thao Văn Hóa)
Du lịch, GO!

Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”?






Tác giả: Xuân Dương
Muốn tiêu diệt “xã hội nhóm lợi ích” thì phải tiêu diệt các “tế bào” tạo nên xã hội đó. Liệu có cơ chế nào hữu hiệu để cách ly quan trường và thương trường?

—————–
Ngẫm về bài viết của ông Trương Tấn Sang trên Báo Nhân dânNhóm lợi ích có thể vô hiệu hóa và đứng trên pháp luật?Nhận diện nhóm lợi ích “bán nước, hại dân”“Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?


Trước đây, có nhiều ý kiến, rằng ở phương Tây khi giàu có người ta chuyển sang làm chính trị, kiểu như tỷ phú Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ, nước mình ngược lại, không ít người nhảy vào quan trường để lo “vườn-ao-chuồng” cho bản thân, con cháu.

Lo xa đề phòng lúc “hạ cánh” bất đắc dĩ chẳng bao giờ thừa, còn nếu mà “hạ cánh an toàn” thì càng tốt!

Nhận định đó bây giờ không còn đúng nữa, bây giờ “ta” chẳng khác gì “Tây”, sau khi làm doanh nhân kiếm cả đống tiền cất trong két, người ta nhảy ùm một cái là thành Phó Chủ tịch tỉnh mà Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ.

Dẫu sao thì ông nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũng chỉ là một con sâu trong tập đoàn sâu mà một vị nguyên cán bộ cao cấp bên tuyên giáo gọi là “nhóm lợi ích độc quyền kinh tế – chính trị”.

Khi trở thành “nhóm lợi ích” kết hợp kinh tế và chính trị, kết hợp doanh nghiệp và quan trường thì khả năng chi phối của nó là không có giới hạn, đó là sự lũng đoạn Nhà nước, bẻ cong pháp luật, đứng trên pháp luật và các nền tảng đạo đức xã hội.

Dân gian truyền miệng câu nói: “miệng nhà quan có gang có thép, đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm”. Ngày xưa tìm dẫn chứng minh họa cho câu “miệng nhà quan có gang có thép”không phải là quá khó, ngày nay thì quá dễ.

Tranh biếm phòng chống tham nhũng trên tuoitre.vn.


Đó là chuyện vị quan nho nhỏ cấp phó thị xã Kỳ Anh, sau vụ Formosa đầu độc biển đã mắng mỏ truyền thông và người dân, rằng “biển nhiễm độc từ cái mồm của các bạn”?



Mồm dân bị nhiễm độc thì lâu nay ai chả biết, từ thực phẩm đến thuốc men, đến cả không khí đều phải qua đó mà vào phổi, vào dạ dày; chỉ những mồm “có gang có thép” như ông quan nọ thì mới không bị “nhiễm độc”?

Đó là chuyện ông Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An bảo đề xuất của Chủ tịch Hà Tĩnh chuyển trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy là “vớ vẩn”, là “liên quan gì đến Hà Tĩnh”?


“Chỉ sau một cuộc bỏ phiếu, có người bỗng khệnh khạng, oai vệ và bề trên hơn”

(GDVN) – “Có những người khi chưa có quyền lực thì tốt, nhưng khi đã có quyền lực thì dần dần trở nên hư hỏng… thậm chí có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc”.


Cầu Bến Thủy được xây bằng tiền ngân sách – tức là tiền thuế của dân, thế nhưng không hiểu sao hai năm trước tỉnh Nghệ An đã cho ghép cây cầu này với “đường tránh thành phố” để thu phí BOT.

Mức “phí” ở đây cao hơn nhiều nơi khác không biết có phải do cầu này dùng toàn “thép” tốt hay nó liên quan đến Cienco4, một doanh nghiệp đã cổ phần hóa và (có thể) là sân sau của ai đó?

Nói “Nghệ An cho ghép cây cầu này vào với đường tránh thành phố” có lẽ không hoàn toàn chính xác, vì dù sao cũng phải có ý kiến Bộ Giao thông, Bộ Tài chính, rồi còn hàng loạt đơn vị liên quan, có điều các văn bản cho phép (nếu có) thì dân làm sao biết được?

Thế nên dân chỉ có thể “minh bạch” đóng phí không thiếu một đồng dù đi trên cây cầu do mình bỏ tiền xây, dù không lạm vào đoạn đường BOT tí gì.

Chuyện ăn nói của doanh nhân như Bầu Đệ, ông chủ Tôn Hoa Sen, Hiệu trưởng Đại học tư thục Thành Tây hay Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội thì miễn bàn vì dù sao họ cũng là người kinh doanh, đã kinh doanh thì chẳng lẽ lại không dính tí “chợ búa”?

Điều đáng nói là dư luận hơi “choáng” sau phát ngôn của ông Phó Chủ tịch Nghệ An, Lê Ngọc Hoa với ông Chủ tịch Hà Tĩnh.

Một bước nhảy từ doanh nghiệp sang Phó Chủ tịch tỉnh đã khiến vị thế của ông trở nên khác lạ.

Ông ăn nói có “gang có thép” hơn có phải vì ông đường đường là Phó Chủ tịch tỉnh “to” nhất cả nước, to những 16.494 km vuông, còn Hà Tĩnh diện tích chỉ hơn 5.000 km vuông, chỉ là “muỗi” so với địa bàn mà ông Lê Ngọc Hoa tham gia quản lý?

Được biết năm 2013, ngân sách trung ương phải chi bổ sung cho Nghệ An tới 10.969 tỷ đồng (chỉ đứng sau Thanh Hóa 14.427 tỷ).

Cứ nghĩ lãnh đạo một tỉnh phải thường xuyên xin cứu trợ thì ngôn từ phải mềm mỏng, thế nhưng ông Phó Chủ tịch Nghệ An lại khác, bởi tỉnh có thể nghèo chứ ông và gia đình chắc chắn không cần “bổ sung, hỗ trợ” từ bất kỳ nguồn nào!

Sau khi ông Hoa rời bỏ Cienco4 về làm Phó Chủ tịch Nghệ An, báo An ninh Tiền tệ và Truyền thông [1] cho biết:

“Vợ ông Lê Ngọc Hoa là bà Trương Thị Tâm hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng thời là một cổ đông lớn của Cienco 4.

Tính đến cuối năm 2015, bà Tâm đang nắm giữ 9.586.870 cổ phần – tương đương tỉ lệ 13,32%, ông Lê Ngọc Hoa cũng sở hữu 126.360 cổ phần; em vợ ông – ông Trương Hữu Thìn có 10.240 cổ phần tại đây”.

Tại thời điểm cổ phần hóa Cienco4, giá trị một cổ phần là 14.062 đồng.

Vậy thì khối tài sản của vợ chồng ông Phó Chủ tịch Nghệ An chỉ riêng tại Cienco4 đã ngót nghét 140 tỷ (chính xác là 136,587 tỷ đồng), đấy là chưa nói giá trị tăng thêm theo thời gian vì nghe nói Cienco4 làm ăn khá thuận lợi, đặc biệt là các vụ BOT giao thông.

Lại được biết thêm một điều nữa, Cienco 4 là doanh nghiệp sở hữu trạm thu phí cầu Bến Thủy, phải chăng đó chính là nguyên nhân khiến ông Lê Ngọc Hoa “tức hộ” Cienco4, khiến ông phải bảo “cái này Hà Tĩnh vớ vẩn”?

Mà không chừng lãnh đạo Hà Tĩnh “vớ vẩn” thật!

Đáng lẽ trước khi kiến nghị với các cấp có thẩm quyền phải biết cái trạm thu phí ấy do ai quản lý, nó liên quan đến những ai, nó mang lại tiền tỷ cho ai, đằng này lại tồ tồ kiến nghị lên tít tận cấp trên, bị “mắng” còn oan ức nỗi gì?

Mới là doanh nhân như Bầu Đệ, ngay giữa cuộc họp đã chỉ tay mắng Giám đốc Sở Thông tin Thanh Hóa “đừng có hỗn”, thế thì “quan doanh nhân” mắng “quan dân sự” có gì mà báo chí phải chộn rộn?



“Nhà nước của dân, cớ sao không báo cáo đầy đủ cho dân biết?”

(GDVN) – “Ở Việt Nam còn rất nhiều việc chưa được minh bạch, kể cả việc nhỏ và việc lớn… Nhiều việc được cho là “nhạy cảm” để lấy cớ đó không minh bạch thông tin”.


Mới đây ông Lê Ngọc Hoa đã có cải chính, rằng: “có thể trong lúc nói chuyện trên điện thoại, phóng viên nghe nhầm một từ ngữ nào đấy. Tôi khẳng định, mình không nói Hà Tĩnh hay ông Khánh vớ vẩn”! [2]

Đến đây thì vấn đề không liên quan đến Hà Tĩnh mà liên quan đến báo chí, ông Hoa “khẳng định không nói Hà Tĩnh hay ông Khánh vớ vẩn”, nếu sự thật đúng như ông “khẳng định” thì rõ ràng tin tức mà báo chí đưa thuộc dạng “đưa tin sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng”, còn nói theo cách lãnh đạo Thanh Hóa (trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội) là “bêu xấu, bôi nhọ các lãnh đạo tỉnh”.

Vậy ông Lê Ngọc Hoa, với cương vị Phó Chủ tịch tỉnh của mình cũng nên học tập lãnh đạo tỉnh bạn, như báo Nông nghiệp Việt Nam tường thuật:

“Ban Thường vụ tỉnh uỷ Thanh Hoá cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin khách quan, trung thực, phản ánh đúng bản chất sự việc và kiên quyết không đăng các bài viết nhằm mục đích bêu xấu, bôi nhọ các lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá mà không có căn cứ, không có cơ sở”. [3]

Còn nếu ngộ nhỡ phóng viên đã “trót” ghi âm lại cuộc nói chuyện với ông Hoa thì cũng nên công khai đoạn băng ghi âm đó để khỏi mất thời giờ của cơ quan chức năng, và cũng để nhắc nhở ai đó, rằng sở dĩ “miệng nhà quan có gang có thép” cũng là bởi vì “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.

Từng có lúc chúng ta định nghĩa “gia đình là tế bào xã hội”, nói cách khác, mọi xã hội đều được cấu thành từ gia đình.

Chúng ta đang sống trong một xã hội tồn tại rất nhiều “nhóm lợi ích”, cỡ nhỏ như “nhóm lợi ích ngân hàng”, “nhóm lợi ích bất động sản”… to lớn hơn thì có “nhóm lợi ích độc quyền kinh tế – chính trị”, “nhóm lợi ích bán nước, hại dân”…

Tổng hợp sự việc xảy ra hàng chục năm qua cho thấy, các nhóm lợi ích này đều được hình thành từ một nhóm lợi ích cơ bản mà ta tạm gọi là “nhóm lợi ích tế bào”.

Tế bào của xã hội “nhóm lợi ích” chính là “nhóm lợi ích Quan – Doanh”.

Nguồn năng lượng nuôi sống tế bào này là sự kết hợp của hai thành phần: “quan” tức là quan chức chính quyền, chính trị và “doanh” là doanh nhân có mối liên kết gia đình, dòng tộc với “quan”.

Vợ chồng vị lãnh đạo cao nhất cấp thành phố ở tỉnh Cà Mau trong 22 tháng đăng ký 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. [4] Một lãnh đạo tỉnh sở hữu gần trăm héc ta cao su khi đương chức hay vợ chồng lãnh đạo tỉnh sở hữu gần 10 triệu cổ phần ở doanh nghiệp… là những minh chứng không thể phủ nhận về vai trò của “tế bào” trong xã hội “nhóm lợi ích”.



Móng tay quyền lực to hay bé?


Dưới sự “bảo trợ” của “quan chồng”, các bà vợ trở thành đại cổ đông, đại gia, và nhiều thứ “đại” khác ví dụ đại diện, đại biểu…

Chuyện ngược lại cũng không hiếm.

Các gia đình “quan – doanh” có bóc lột sức lao động của công nhân, nông dân và các tầng lớp bình dân không?

Câu trả lời là “không có”, “không” là vì họ không bóc lột kiểu “cổ điển” tức là bóc lột giá trị thặng dư, “có” là vì họ vét từng đồng xu của bất kỳ ai có thể vét chứ không chỉ người nghèo.

Đối tượng đầu tiên mà “quan – doanh” nhắm tới là “ngân sách”, ngân sách dành cho Giáo dục, Y tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng, đầu tư phát triển… đều được “quan – doanh” chăm bẵm từ khi xây dựng phương án đến khi thực hiện.

Các doanh nghiệp sân sau của “quan – doanh” luôn biết trước thông tin và thường là người chiến thắng trong các cuộc đấu thầu đầy rẫy “quân xanh, quân đỏ”.

Thất thoát trong xây dựng mấy chục phần trăm là thất thoát ngân sách, người ta “bóc lột” ngân sách chứ không trực tiếp móc túi người đóng thuế.

Biếm họa về tham nhũng trên laodong.com.vn.


Thất thu ngân sách Nhà nước góp phần làm bội thu ngân sách các gia đình “quan – doanh” là thực tế hiển nhiên không cần chứng minh.

Đối tượng tiếp theo mà “quan – doanh” nhắm tới là “chính sách”.

Thông qua sự thiếu minh bạch, thông qua các mối quan hệ gia đình, thân hữu, đôi khi dựa vào những quyết định duy ý chí… để hình thành quyết định đầu tư, để vạch ra định hướng…

Một khi tiếp cận được thông tin chính sách, tác động điều khiển bộ phận hoạch định, các gia đình “quan – doanh” dễ dàng bao thầu tất cả.

Trở thành lãnh đạo một doanh nghiệp Nhà nước đang chuẩn bị cổ phần hóa nhưSabeco, hay đã cổ phần hóa như Cienco4 đương nhiên sẽ được mua một số cổ phần ưu đãi, kết hợp với tiềm lực gia đình, việc mua thêm cổ phần để nắm quyền chi phối không phải là chuyện quá khó.

Cái khó là làm sao ngồi vào hội đồng quản trị thì đã có “gia đình” chuẩn bị!

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói: “Thủ tục hành chính với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm”. Sự “cay nghiệt, độc ác” thể hiện qua các loại “phí” mà “phí sử dụng đường bộ” như trường hợp cầu Bến Thủy chỉ là một trong rất nhiều ví dụ.



Mạn đàm về “sự im lặng của những người tử tế!”

(GDVN) – Làm thế nào để tiêu diệt “nhóm lợi ích hỗn hợp kinh tế và chính trị” khi nó đã biến tướng và trở thành độc quyền?


Vì là “tế bào” nên “quan – doanh” không xuất hiện trước con mắt “trần tục”, chỉ có thể thấy nó dưới lăng kính minh bạch, công lý.

Nguồn năng lượng nuôi sống xã hội bị “tế bào quan doanh” thu hút về mình không trắng trợn, man rợ theo kiểu tư bản lũng đoạn.

Làm được điều đó bởi vì nó núp bóng kinh tế thị trường có định hướng, núp bóng các chủ trương, chính sách được pháp luật bảo hộ.

Liệu ai có thể khẳng định, rằng tiền chảy vào két của doanh nhân thông qua các hoạt động kinh doanh không minh bạch (đấu thầu thuốc chữa bệnh, đấu giá tài sản công, BOT…) không phải là tài sản của những quan chức chính quyền trong gia đình họ?

Công nhận “sự trong sạch” của những đồng tiền ấy tức là công nhận một kiểu bóc lột mới của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, tức là công nhận sự giả dối khi người ta khẳng định tài sản không mang tên mình, tức là công nhận một tầng lớp cường hào ác bá mới, còn “độc ác, man rợ hơn cả địa chủ, tư bản ngày xưa”.

Khi thương trường là chiến trường, ai có thể khẳng định, rằng một quan chức sẽ không hậu thuẫn cho bố, mẹ, vợ, chồng, con, cháu… trong các thương vụ làm ăn?

Muốn tiêu diệt “xã hội nhóm lợi ích” thì phải tiêu diệt các “tế bào” tạo nên xã hội đó.

Liệu có cơ chế nào hữu hiệu để cách ly quan trường và thương trường?

Không diệt được “tế bào gốc” thì đừng mong tiêu diệt được xã hội “nhóm lợi ích”.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://antt.vn/vo-pho-chu-tich-nghe-an-lam-sep-cienco4-nam-giu-13-co-phieu-0121728.html

[2] http://www.nguoiduatin.vn/pho-chu-tich-nghe-an-keu-oan-ve-phat-ngon-vo-van-a300339.html

[3] http://nongnghiep.vn/thanh-hoa-de-nghi-thu-hoi-ten-mien-mot-so-bao-dang-sai-su-that-vu-bi-thu-co-bo-nhi-post175611.html

[4] http://giadinhphapluat.vn/mot-can-bo-22-thang-dang-ky-14-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-p38981.html

————-

http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dau-la-te-bao-goc-cua-xa-hoi-nhom-loi-ich-post171210.gd

10 CÂU NÓI - 10 GIÂY ĐỂ HIỂU RÕ CUỘC ĐỜI


10 CÂU NÓI - 10 GIÂY ĐỂ HIỂU RÕ CUỘC ĐỜI




1.Làm người nhất định phải có lương tâm! Nhất định không được quên người đã từng giúp đỡ bạn, nếu không bạn sẽ ngày càng ít bạn bè, đường đi sẽ ngày càng hẹp.

2.Người khác nghĩ về bạn như thế nào về bạn không quan trọng, bạn sống như thế nào cũng không liên quan gì đến họ.

3.Một ngày bạn sẽ hiểu sống lương thiện còn khó hơn sống thông minh. Thông minh là trời cho, còn lương thiện là sự lựa chọn của bạn.

4.Không thăm không hỏi không có nghĩa là đã quên, nhưng nhất định là đã ngày càng xa cách, đôi bên im lặng quá lâu khiến việc chủ động hỏi thăm trước cũng cần dũng khí.

5.Đừng dùng những lời nhẫn tâm làm tổn thương người yêu thương bạn kể cả khi tâm trạng đau khổ nhất.

6.Có những lúc không còn có lần sau, không có cơ hội lần thứ hai, không thể dừng lại. Có những lúc, đánh mất cơ hội lần này thì mãi mãi không còn cơ hội nữa.

7.Dùng tâm thái cam tâm tình nguyện để bình yên trải qua cuộc sống này.

8.Tất cả vấn đề đều là vấn đề của mình.

9.Có khi rõ ràng chúng ta đã tha thứ cho người ta nhưng lại không có cách nào tìm lại được sự vui vẻ, đó là vì bạn đã quên cách tha thứ cho chính mình.

10.Đời người có sống có chết, nhưng chỉ cần bạn còn sống thì phải sống cuộc sống tốt đẹp nhất. Vui vẻ mới là điều quan trọng nhất.

(st)

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

MCT lá lớn- giá 650k

MCT lá lớn- giá 650k-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh



KINH THIỆN SINH

Kinh Thiện Sinh




Đây là một bản kinh nguyên thủy, ngắn gọn, ghi lại lời Phật dạy cách đối nhân xử thế, cách thực thi các bổn phận và trách nhiệm của người Phật tử đối với bản thân, gia đình và xã hội, rộng hơn là Phật dạy cách kiến tạo một xã hội hài hòa, một cuộc sống đầy an lành và hạnh phúc.

Trong tạng A-hàm, theo bản dịch Hán Việt mới nhất của Thượng tọa Tuệ Sỹ thì Kinh Thiện Sinh thuộc No.16, Phần II, Trường A-hàm. Trong tạng Nikaya, theo bản dịch Việt từ Pali của Hòa Thượng Thích Minh Châu, tương đương kinh Thiện Sinh là Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt (Sigàlovàda sutta) thuộc No.31, Trường Bộ Kinh.

***


Một thời Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, vào lúc thích hợp Đức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành khất thực. Lúc bấy giờ tại thành La-duyệt-kỳ có con trai của trưởng giả tên là Thiện Sinh, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành, đi đến khu vườn công cộng sau khi vừa tắm gội xong, cả mình còn ướt, hướng đến các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới mà lạy khắp cả.

Đức Thế Tôn thấy Thiện Sinh, con trai nhà trưởng giả, sau khi đi đến khu vườn công cộng, vừa tắm xong, cả thân mình còn ướt sũng, bèn đến gần và hỏi:

“Vì sao, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành, đi đến khu vườn công cộng, với cả người còn ướt đẫm, mà ngươi lại lạy các phương như thế?”.

Thiện Sinh bạch Phật:

“Khi cha tôi sắp chết có dặn, “Nếu con muốn lạy, trước hết hãy lạy các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên và Dưới”. Tôi vâng lời cha dạy không dám chống trái, nên sau khi tắm gội xong, chắp tay hướng mặt về phương Đông mà lễ phương Đông trước rồi tiếp lễ khắp các phương Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới”.”

Phật bảo Thiện Sinh:

“Này con trai trưởng giả! Quả có cái tên các phương đó chứ không phải không. Nhưng trong pháp của bậc Hiền thánh của ta chẳng phải lễ sáu phương như thế là cung kính đâu”.”

Thiện Sinh thưa:

“Cúi xin Đức Thế Tôn thương dạy cho con cách lễ sáu phương theo pháp của Hiền thánh”.

Phật bảo con trai trưởng giả:

“Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ, Ta sẽ nói cho ngươi nghe”.

Thiện Sinh đáp:

“Thưa vâng. Con rất muốn nghe”.

Phật bảo Thiện Sinh:

“Nếu trưởng giả hay con trưởng giả nào biết tránh bốn nghiệp kết không làm ác theo bốn trường hợp và biết rõ sáu nghiệp hao tổn tài sản.

Như thế, này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả nào tránh được bốn việc ác là lễ kính sáu phương; thì đời này tốt đẹp và cả đời sau cũng được quả báo tốt đẹp; đời này có căn cơ và đời sau có căn cơ; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả bậc nhất, sau khi chết được sinh lên trời, cõi thiện.

Này Thiện Sinh, nên biết, hành bốn kết là: Sát sinh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ.

Thế nào là bốn trường hợp ác? Đó là: tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si. Ai làm những việc ác theo bốn trường hợp đó sẽ bị hao tổn. Nói như vậy xong, Phật lại nói bài tụng:

Ai làm theo bốn pháp,

Tham, sân, sợ hãi, si,

Thì danh dự mất dần,

Như trăng về cuối tháng.

Này Thiện Sinh, người nào không làm ác theo bốn trường hợp thì sự ích lợi ngày càng tăng thêm:

Người nào không làm ác,

Do tham, hận, sợ, si,

Thì danh dự càng thêm,

Như trăng hướng về rằm.

Này Thiện Sinh, sáu nghiệp tổn tài là:

1. Đam mê rượu chè.

2. Cờ bạc.

3. Phóng đãng.

4. Đam mê kỹ nhạc.

5. Kết bạn người ác

6. Biếng lười.

Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả biết rõ bốn kết hành, không làm ác theo bốn trường hợp, lại biết sáu nghiệp tổn tài, ấy là, này Thiện Sinh, tránh được bốn trường hợp là cúng dường sáu phương, thì đời này tốt đẹp, đời sau tốt đẹp; đời này căn cơ và đời sau căn cơ; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả báo bậc nhất; sau khi chết được sinh lên trời, cõi thiện.

Lại nữa, này Thiện Sinh, nên biết, uống rượu có sáu điều lỗi:

1. Hao tài.

2. Sinh bệnh.

3. Đấu tranh.

4. Tiếng xấu đồn khắp.

5. Bộc phát nóng giận.

6. Tuệ giảm dần.

Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả ấy uống rượu không thôi thì nghiệp gia sản ngày mỗi tiêu tán.

Này Thiện Sinh, cờ bạc có sáu điều tai hại:

1. Tài sản ngày một hao hụt.

2. Thắng thì gây thù oán.

3. Bị kẻ trí chê.

4. Mọi người không kính nể, tin cậy.

5. Bị xa lánh; và sáu, sinh tâm trộm cắp.

Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả mê đánh bạc mãi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

Này Thiện Sinh, phóng đãng có sáu lỗi:

1. Không tự phòng hộ mình.

2. Không phòng hộ được tài sản và hàng hóa.

3. Không phòng hộ được con cháu.

4. Thường hay bị sợ hãi.

5. Bị những điều khốn khổ ràng buộc xác thân.

6. Ưa sinh điều dối trá.

Đó là sáu điều lỗi. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả phóng đãng mãi không thôi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

Này Thiện Sinh, say mê kỹ nhạc có sáu lỗi:

1. Tìm đến chỗ ca hát.

2. Tìm đến chỗ múa nhảy.

3. Tìm đến chỗ đàn địch.

4. Tìm đến chỗ tấu linh tay.

5. Tìm đến chỗ có âm thanh vi diệu.

6. Tìm đến chỗ đánh trống.

Đó là sáu tai hại của kỹ nhạc. Nếu trưởng giả hoặc con trai trưởng giả say mê kỹ nhạc mãi không thôi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

Này Thiện Sinh, giao du với bạn xấu có sáu lỗi:

1. Tìm cách lừa dối.

2. Ưa chỗ thầm kín.

3. Dụ dỗ nhà người khác.

4. Mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người khác.

5. Xoay tài lợi về mình.

6. Ưa phanh phui lỗi người.

Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả làm bạn với kẻ ác mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.

Này Thiện Sinh, lười biếng có sáu lỗi:

1. Khi giàu sang không chịu làm việc.

2. Khi nghèo không chịu siêng năng.

3. Lúc lạnh không chịu siêng năng.

4. Lúc nóng không chịu siêng năng.

5. Lúc sáng trời không chịu siêng năng.

6. Lúc tối trời không chịu siêng năng.

Đó là sáu điều tai hại của sự lười biếng. Nếu trưởng giả hay con trưởng giả lười biếng mãi, thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.

Nói như vậy xong, Phật làm bài tụng:

Người mê say rượu chè,

Lại có bè bạn rượu,

Tài sản đã tích lũy,

Liền theo mình tiêu tan;

Uống rượu không tiết độ;

Thường ưa ca, múa, nhảy,

Ngày rong chơi nhà người,

Nhân thế tự đọa lạc.

Theo bạn ác không sửa;

Phỉ báng ra nhà người.

Tà kiến bị người chê;

Làm xấu bị người truất.

Cờ bạc, đắm ngoại sắc;

Chỉ bàn việc hơn thua.

Bạn ác không sửa đổi,

Làm xấu bị người truất.

Bị rượu làm hoang mê;

Nghèo khó không tự liệu;

Tiêu xài chẳng tiếc của;

Phá nhà gây tai ương;

Đánh bạc, xúm uống rượu;

Lén lút vợ con người.

Tập quen nết bỉ ổi;

Như trăng về cuối tháng.

Gây ác phải chịu ác.

Chung làm cùng bạn ác;

Đời này và đời sau,

Rốt không đạt được gì.

Ngày thời ưa ngủ nghỉ,

Đêm thức những mơ tưởng,

Mê tối không bạn lành;

Chẳng gây nổi gia vụ.

Sáng chiều chẳng làm việc;

Lạnh, nóng lại biếng lười.

Làm việc không suy xét;

Trở lại uổng công toi.

Nếu không kể lạnh nóng,

Sáng chiều siêng công việc,

Sự nghiệp chi chẳng thành;

Suốt đời khỏi âu lo.

Phật bảo Thiện Sinh:

Có bốn hạng kẻ thù mà như người thân, ngươi nên biết. Bốn kẻ ấy là những ai?

1. Hạng úy phục.

2. Hạng mỹ ngôn.

3. Hạng kính thuận.

4. Hạng ác hữu.

Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc:

1. Cho trước đoạt lại sau.

2. Cho ít mong trả nhiều.

3. Vì sợ gượng làm thân.

4. Vì lợi gượng làm thân.

Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc:

1. Lành dữ đều chiều theo.

2. Gặp hoạn nạn thì xa lánh.

3. Ngăn cản những điều hay.

4. Thấy gặp nguy tìm cách đun đẩy.

Hạng kính thuận thì thường làm bốn việc:

1. Việc trước dối trá.

2. Việc sau dối trá.

3. Việc hiện dối trá.

4. Thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt.

Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: một, bạn lúc uống rượu; hai, bạn lúc đánh bạc; ba, bạn lúc dâm dật; bốn bạn lúc ca vũ.

Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, bèn làm một bài tụng:

Úy phục, gượng làm thân;

Hạng mỹ ngôn cũng thế.

Kính thuận, thân nhưng dối.

Ác hữu là ác thân.

Bạn thế chớ tin cậy,

Người trí nên biết rõ.

Nên gấp rút lìa xa

Như tránh con đường hiểm.

Phật lại bảo Thiện Sinh:

Có bốn hạng người thân đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở. Những gì là bốn?

1. Ngăn làm việc sai trái.

2. Thương yêu.

3. Giúp đỡ.

4. Đồng sự.

Đó là bốn hạng người thân đáng thân cận.

Này Thiện Sinh, hạng ngăn sai trái thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở:

1. Thấy người làm ác thì hay ngăn cản.

2. Chỉ bày điều chính trực.

3. Có lòng thương tưởng.

4. Chỉ đường sinh Thiên.

Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc sai trái đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc:

1. Mừng khi mình được lợi.

2. Lo khi mình gặp hại.

3. Ngợi khen đức tốt mình.

4. Thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản.

Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là:

1. Che chở mình khỏi buông lung.

2. Che chở mình khỏi hao tài vì buông lung.

3. Che chở mình khỏi sợ hãi.

4. Khuyên bảo mình trong chỗ vắng người.

Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc:

1. Không tiếc thân mạng với bạn.

2. Không tiếc của cải với bạn.

3. Cứu giúp bạn khỏi sợ hãi.

4. Khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.

Nói như vậy xong, Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:

Bạn ngăn ngừa điều trái,

Bạn từ mẫn thương yêu,

Bạn làm lợi ích bạn,

Bạn đồng sự với bạn.

Đó bốn hạng đáng thân,

Người trí đáng thân cận;

Thân hơn người thân khác,

Như mẹ hiền thân con.

Muốn thân người đáng thân;

Hãy thân bạn kiên cố.

Người bạn đủ giới hạnh,

Như lửa sáng soi người.

Phật lại bảo Thiện Sinh:

Ngươi nên biết ý nghĩa sáu phương. Sáu phương là gì?

1. Phương Đông là cha mẹ.

2. Phương Nam là Sư trưởng.

3. Phương Tây là thê thiếp.

4. Phương Bắc là bạn bè thân thích.

5. Phương Trên là các bậc Trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn.

6. Phương Dưới là tôi tớ.

Này Thiện Sinh, kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. Những gì là năm?

1. Cung phụng không để thiếu thốn.

2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.

3. Không trái điều cha mẹ làm.

4. Không trái điều cha mẹ dạy.

5. Không cản chính nghiệp mà cha mẹ làm.

Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái:

1. Ngăn con đừng để làm ác.

2. Chỉ bày những điều ngay lành.

3. Thương yêu đến tận xương tủy.

4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.

5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng.

Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.

Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm việc:

1. Hầu hạ cung cấp điều cần.

2. Kính lễ cúng dường.

3. Tôn trọng quý mến.

4. Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch.

5. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên. Kẻ làm đệ tử cần phải thờ kính Sư trưởng với năm điều ấy.

Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử:

1. Dạy dỗ có phương pháp.

2. Dạy những điều chưa biết.

3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi.

4. Chỉ cho những bạn lành.

5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.

Này Thiện Sinh, nếu đệ tử kính thuận, cung kính Sư trưởng, thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.

Này Thiện Sinh, chồng cũng phải có năm điều đối với vợ:

1. Lấy lễ đối đãi nhau.

2. Oai nghiêm không nghiệt.

3. Cho ăn mặc phải thời.

4. Cho trang sức phải thời.

5. Phó thác việc nhà.

Này Thiện Sinh, chồng đối đãi vợ có năm điều, vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng. Những gì là năm?

1. Dậy trước.

2. Ngồi sau.

3. Nói lời hòa nhã.

4. Kính nhường tùy thuận.

5. Đón trước ý chồng.

Này Thiện Sinh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.

Này Thiện Sinh, người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con:

1. Chu cấp.

2. Nói lời hiền hòa.

3. Giúp đạt mục đích.

4. Đồng lợi.

5. Không khi dối.

Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại:

1. Che chở cho mình khỏi buông lung.

2. Che chở cho mình khỏi hao tài vì buông lung.

3. Che chở khỏi sự sợ hãi.

4. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người.

5. Thường ngợi khen nhau.

Này Thiện Sinh! Người biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ.

Này Thiện Sinh, chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo:

1. Tùy khả năng mà sai sử.

2. Phải thời cho ăn uống.

3. Phải thời thưởng công lao.

4. Thuốc thang khi bệnh.

5. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.

Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ:

1. Dậy sớm.

2. Làm việc chu đáo.

3. Không gian cắp.

4. Làm việc có lớp lang.

5. Bảo tồn danh giá chủ.

Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ.

Kẻ đàn việt cung phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn với năm điều:

1. Thân hành từ.

2. Khẩu hành từ.

3. Ý hành từ.

4. Đúng thời cúng thí.

5. Không đóng cửa khước từ.

Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy theo sáu điều:

1. Ngăn ngừa chớ để làm ác.

2. Chỉ dạy điều lành.

3. Khuyên dạy với thiện tâm.

4. Cho nghe những điều chưa nghe.

5. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ.

6. Chỉ vẽ con đường sinh Thiên.

Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.

Đức Thế Tôn nói như vậy xong, lại làm một bài tụng:

Cha mẹ là phương Đông,

Sư trưởng là phương Nam,

Vợ chồng là phương Tây,

Thân tộc là phương Bắc,

Tôi tớ là phương Dưới,

Sa-môn là phương Trên.

Những người con trưởng giả

Kính lễ các phương ấy.

Thuận thảo không lỗi thời,

Khi chết được sinh Thiên.

Huệ thí, nói hòa nhã,

Giúp người đạt mục đích.

Lợi lộc chia đồng đều,

Mình có cho người hưởng.

Bốn việc ấy như xe,

Chở tất cả nặng nề.

Đời không bốn việc ấy,

Sẽ không có hiếu dưỡng.

Bốn việc ấy ở đời,

Được người trí chọn lựa.

Làm thời kết quả lớn,

Tiếng tốt đồn vang xa.

Trang sức chỗ nằm ngồi,

Dọn thức ăn bậc nhất,

Để cấp bậc xứng đáng,

Tiếng tốt đồn vang xa.

Không bỏ người thân cũ;

Chỉ bày việc lợi ích;

Trên dưới thường hòa đồng,

Tất được danh dự tốt.

Trước hãy tập kỹ nghệ,

Sau mới có tài lợi.

Khi có tài lợi rồi,

Hãy khéo lo gìn giữ.

Tiêu dùng đừng xa xí;

Hãy lựa người làm thân.

Hạng lừa dối, xung đột;

Thà chẳng nên đến gần.

Của dồn từ khi ít;

Như ong góp nhụy hoa.

Tài bảo ngày chứa dồn,

Trọn đời không hao tổn.

Một, ăn biết vừa đủ;

Hai, làm việc siêng năng;

Ba, lo dồn chứa trước,

Đề phòng khi thiếu hụt;

Bốn, cày ruộng buôn bán,

Và lựa đất chăn nuôi;

Năm, xây dựng tháp miếu;

Sáu, lập tăng phòng xá.

Tại gia sáu việc ấy,

Siêng lo chớ lỗi thời.

Ai làm được như thế

Thời nhà khỏi sa sút,

Tài sản ngày một thêm,

Như trăm sông về biển”.

Bấy giờ Thiện Sinh bạch Phật:

“Lành thay, bạch Thế Tôn! Thật quá chỗ mong ước của con xưa nay, vượt xa những lời dạy của cha con. Như lật ngửa những gì bị úp xuống; như mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy. Những gì được Như Lai thuyết giảng cũng như thế; bằng vô số phương tiện khai ngộ cho kẻ ngu tối; làm rõ pháp thanh bạch. Phật là Đức Như Lai, Bậc Chí Chân, Đẳng Chính Giác, do đó có thể chỉ bày, hướng dẫn cho đời. Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin Đức Thế Tôn chấp thuận cho con được làm Ưu-bà-tắc ở trong Chính pháp. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu”.

Bấy giờ, Thiện Sinh sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

Đọc toàn bộ nội dung kinh, một bản kinh ngắn, súc tích, ngôn ngữ Phật dùng rất rõ ràng mà bất cứ ai đọc cũng có thể nắm bắt, lời dạy như luồng sáng mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy, rất thiết thực, căn bản, rất cần cho chúng ta trong ứng xử với các mối quan hệ thường ngày trong cuộc sống.

Các pháp đều nương với nhau mà tồn tại, cũng vậy, mỗi người trong cuộc sống cũng đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm về một điều gì đó với một ai đó, mỗi một ai đó sẽ là phần còn lại về nghĩa vụ và trách nhiệm của người nào đó, suy ra sẽ nhìn thấy một ma trận ngang dọc, ma trận vuông tròn các quan hệ. Quan hệ cha mẹ, con cái, ai cũng ít nhất một lần làm học trò, ai cũng ít nhất có một người bạn, ai cũng phải làm một việc gì đó để sống,…vì vậy cần phải ứng xử sao cho hợp đạo hợp nghĩa, đúng mực để tự bảo vệ bản thân tức là bảo vệ cho gia đình, cho xã hội.

Kinh Thiện Sinh, là bản kinh căn bản dạy cho ta biết cách giữ gìn các mối quan hệ đó một cách tốt đẹp, ở đó ta thấy được các quan hệ được Phật dạy đều theo hai chiều rất tinh tế, như đời: “đường hai nẻo xuống lên”.
(Trích Kinh Trường A Hàm
Hán dịch: Phật Đà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
Nguồn: http://huongtichphatviet.com)

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

MCT lá lớn -giá 1,5 triệu

MCT lá lớn -giá 1,5 triệu--ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh




Linh sam Sh- giá 200k

Linh sam Sh- giá 200k-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh