STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh
" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016
Siêu mini(chuổi ngọc)-giá 150k
Siêu mini(chuổi ngọc)-giá 150k--ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh
Khi chúng ta lùn hơn Campuchia, kém Thái Lan nửa cái đầu
Tôi tin rằng người Việt Nam có tố chất không thua gì người Campuchia hay người Thái Lan. Nếu chúng ta làm tốt vấn đề dinh dưỡng và thể chất thì chiều cao sẽ được cải thiện để khi gặp thì họ phải ngước nhìn ta thay vì ta ngước nhìn họ.
Trong một lần phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7 cm, chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 153 cm. Con số này khiến không ít người giật mình vì không ngờ chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp như vậy. Và chúng ta sẽ còn giật mình hơn nếu thấy chiều cao của Việt Nam đang thua kém cả người Campuchia và thấp hơn Thái Lan nửa cái đầu.
Theo thống kê của Average Height thì đàn ông Campuchia cao hơn Việt Nam 0,4 cm còn đàn ông Thái Lan đã cao vượt mốc 170 cm. Cũng theo thống kê của trang dữ liệu này thì phụ nữ Campuchia cao hơn chúng ta 0,2 cm còn phụ nữ Thái Lan đạt 159 cm. Con số này cũng khá phù hợp với thống kê mà báo Inquirer của Philippines đưa năm 2014 cho thấy người Campuchia cao hơn người Việt Nam.
Chiều cao thì có đáng quan tâm không? Rất đáng quan tâm vì khi bạn cao thì người khác sẽ phải ngước nhìn. Ở một góc độ nào đó, chiều cao trung bình cũng đánh giá mức độ phát triển của dân tộc đó so với thế giới. Nếu dân tộc đó no ấm thì người dân sẽ có chiều cao tốt hơn.
Lấy ví dụ ở bán đảo Triều Tiên. Ở phía nam vĩ tuyến 38 thì điều kiện kinh tế xã hội, người dân có chế độ dinh dưỡng tốt hơn và chiều cao rất đáng ngưỡng mộ. Số liệu của các tổ chức thế giới chỉ ra rằng đàn ông Hàn Quốc cao 173,5 cm và nữ giới là 161,1 cm. Còn ở phía bắc vĩ tuyến 38 thì điều kiện cuộc sống khó khăn hơn nên chiều cao cũng giảm đi. Đàn ông phía bắc bán đảo Triều Tiên chỉ cao 165,6 cm còn phụ nữ thì chỉ cao 154,9 cm. Cùng một dân tộc, cùng có điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng như nhau nhưng chiều cao chênh lệch thì rõ ràng là do vấn đề dinh dưỡng.
Tôi tin rằng người Việt Nam có tố chất không thua gì người Campuchia hay người Thái Lan. Nếu chúng ta làm tốt vấn đề dinh dưỡng và thể chất thì chiều cao sẽ được cải thiện để khi gặp thì họ phải ngước nhìn ta thay vì ta ngước nhìn họ.
Vấn đề là phải có chiến lược để phát triển chiều cao mà nước Nhật đã từng thực hiện. Trước đây, khi Nhật đưa quân vào Đông Dương thì người ta thấy tầm vóc của họ nhỏ và gọi họ là Nhật lùn. Còn giờ chúng ta cần phải ngước nhìn khi chiều cao trung bình của người Nhật là 170,7 cm với nam, 158 cm với nữ. Người Nhật đã cao vọt sau nửa thế kỷ nhờ họ có chiến lược cải tạo nòi giống rất hiệu quả.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, dù kinh tế khó khăn nhưng Nhật vẫn tuyên truyền cho người dân hiểu chiều cao gắn với tự hào dân tộc, để khẳng định với thế giới rằng người Nhật không thấp kém. Họ khuyến khích phát triển thể thao từ trường học rất mạnh mẽ và nhờ phong trào thể dục tốt thì Nhật là cường quốc thể thao châu Á. Họ tạo điều kiện để áp dụng dinh dưỡng phương Tây một cách khoa học vào bữa ăn để tăng cường canxi phát triển xương. Và họ đã thành công.
Người Việt Nam sau 15 năm chiều cao gần như không cải thiện thêm. Tài liệu của tiến sĩ Paul Schultz của trường Đại học Yale chỉ ra rằng hồi đầu thập niên 90, chiều cao đàn ông Việt Nam là 162,1 cm, phụ nữ là 152,16 cm. Sau 15 năm mà chỉ cao thêm 1 cm là quá dở. Chúng ta chỉ lo đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng dường như bỏ quên việc đơn giản nhưng vĩ đại với nòi giống là tìm cách nâng chiều cao. Các biện pháp tuyên truyền khuyến khích dù có nhưng không đủ mạnh và hiệu quả để tác động tới xã hội.
Nhưng dù sao thì việc chăm lo chiều cao cho người Việt bây giờ cũng chưa muộn. Hãy tìm cách để 20 năm nữa, chúng ta ngang hàng khi đứng cạnh người Thái và không bị Campuchia vượt lên. Hay ít ra nếu khi đó có ngập lụt phức tạp thì chiều cao sẽ giúp con người chúng ta có cơ hội hít thở tốt hơn.
Anh Tú
Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016
Nhớ Giáo sư Trần Văn Khê: Ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam?
Minh Trần / VNCA
[trích trong bài "Nhớ Giáo sư Trần Văn Khê: Tinh thần dân tộc chảy trong huyết quản"]
Niềm kiêu hãnh người Việt
Có một câu chuyện mang rất nhiều cảm hứng đã được Giáo sư kể đi kể lại cho các học trò. Câu chuyện ấy cũng được ông ghi lại trong cuốn hồi ký, kể về cuộc tranh luận bên lề buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tại Paris vào năm 1964. Tham dự hầu hết là người Nhật và Pháp, duy chỉ có Giáo sư là người Việt. Diễn giả của buổi sinh hoạt ấy là một cựu Đề đốc Thủy sư người Pháp.
Vị này khởi đầu buổi nói chuyện với sự so sánh:
"Thưa quý vị, tôi là Thủy sư đề đốc, đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy cả một rừng văn học. Và trong khu rừng ấy, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp. Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc, đậm đà. Nội hai điều đó thôi đã thấy các nước khác không dễ có được".
Giáo sư Trần Văn Khê vô cùng bức xúc. Sau khi buổi nói chuyện bước vào phần giao lưu, cử tọa hỏi còn ai đặt câu hỏi nữa hay không, Giáo sư đã đứng dậy xin phép phát biểu. Rào trước đón sau để không bị ai bắt bẻ, Giáo sư nói với một thái độ hết sức khiêm cung:
"Tôi không phải là người nghiên cứu văn học, tôi là Giáo sư nghiên cứu âm nhạc, là thành viên hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO.
Trong lời mở đầu phần nói chuyện, ông Thủy sư Đề đốc nói rằng đã ở Việt Nam hai mươi năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Thưa ngài, chẳng biết khi ngài qua nước Việt, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam? Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút sách... thì làm sao biết được đến văn chương?
Phải chi ngài chơi với Giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp số 1 năm 1934. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durand đã cất công sưu tập... Ông còn hiểu biết về nghệ thuật chầu văn, ông còn xuất bản sách ghi lại các sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam.
Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng ngàn áng văn kiệt tác. Tôi không biết ngài đối xử với người Việt Nam thế nào, nhưng người nước tôi thường rất hiếu khách, sẵn sàng nói cái hay trong văn hóa của mình cho người khác nghe. Nhưng người Việt chúng tôi cũng "chọn mặt gửi vàng", với những người phách lối có khi chúng tôi không tiếp chuyện. Việc ngài không biết về áng văn nào của Việt Nam cho thấy ngài giao du với những người Pháp như thế nào, ngài đối xử với người Việt ra sao. Tôi rất tiếc vì điều đó. Vậy mà ông còn dùng đại ngôn trong lời mở đầu".
Chơi đàn tranh như một niềm vui hàng ngày của cố giáo sư Trần Văn Khê.
Rồi để so sánh với Tanka, Giáo sư đưa ra những câu thơ như:
"Núi cao chi lắm núi ơi/ Núi che mặt trời, không thấy người yêu"
hay
"Đêm qua mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa"
để đối chiếu: tức là cũng dùng núi non, hoa lá để nói thay tâm sự của mình.
Còn về âm tiết, Giáo sư kể lại câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần đi sứ sang nhà Nguyên (Trung Quốc). Lúc ấy bà hậu phi của vua Nguyên vừa mất, họ muốn thử tài sứ giả nên mời ông làm một bài điếu văn, đề bài là phải có bốn chữ "nhất". Đại sứ không hốt hoảng mà ứng tác liền:
"Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!
(Nghĩa là:
Một đám mây giữa trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước ao
Than ôi! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!)
- Tất cả chỉ 29 âm chứ không phải 31 âm để nói việc người vừa mất đẹp và cao quý như thế nào).
Khi Giáo sư Trần Văn Khê dịch và giải nghĩa những câu thơ này thì khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Đã vậy, Giáo sư còn thòng thêm một câu:
"Tất cả những điều trên tôi biết được là nhờ học ở trường trung học"để cho thấy văn học Việt Nam "thâm hậu" như thế nào. Ông Thủy sư Đề đốc đỏ mặt và phải xin lỗi Giáo sư Trần Văn Khê lẫn người Việt Nam ngay trong chương trình. Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thủy sư lại đến gặp riêng Giáo sư và ngỏ ý mời ông đến nhà dùng cơm để được nghe nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Giáo sư tế nhị từ chối, còn nói người Việt không mạo muội đến dùng cơm ở nhà người lạ. Vị Thủy sư Đề đốc nói: "Vậy là ông chưa tha thứ cho tôi". Giáo sư lại nói: "Có một câu mà tôi không thể dùng tiếng Pháp mà phải dùng tiếng Anh. Đó là: I forgive, but I cannot yet forget (Tạm dịch: Tôi tha thứ, nhưng tôi không thể quên)".
...
Hồi chừng năm 2004, thầy quyết định bỏ hết để về Việt Nam và nghĩ mình phải làm gì đó trong những ngày còn lại để giúp cho đồng bào. "Không có hạnh phúc nào bằng được nói tiếng Việt, giảng dạy cho người Việt Nam. Không có cái ngon nào bằng được ăn món ăn Việt Nam và được nghe âm nhạc Việt Nam trên đất nước Việt Nam". "Không thể lấy bánh mì Pate mà thay cơm Việt Nam, không thể lấy rượu Tây mà thay được ngụm nước quê nhà."
Trích những lời dạy của Giáo sư Trần Văn Khê dành cho các học trò tại tư gia.
Minh Trần - Xuân 2016
Link http://vnca.cand.com.vn/Ly-luan/Nho-Giao-su-Tran-Van-Khe-Tinh-than-dan-toc-chay-trong-huyet-quan-381318/ 08:00 05/02/2016
BÀI THƠ XUÔI CHO ANH
TRẦN THU THẢO
Chàng dáng ơ hờ trên đường qua phố chợ
Tóc rối khô trăm lượt gió chông chênh
Mắt đắm nhìn sao quá đổi mông mênh
Môi vướng vất vài sợi thuốc vàng ngạo nghễ.
Hơi thở mòn nhà em xa quá thể
Đôi chân buồn chở nặng tấm lòng khô
Tìm đến em phải chăng nối khúc Nhị hồ
Cũng rời rã độc điệu như tiếng chim tìm bầy lạc lõng
Bước chân vội thềm nhà em vàng võ
Tường xám xanh khung lá cửa chơ vơ
Em ngồi đây chờ anh đến không ngờ
Tim yếu ớt đập lời ca cách trở
Anh cho em niềm vui
Em tặng anh nỗi buồn đắng chát
Anh cho em tình yêu
Em bù đắp ánh mắt hoài nghi
Tặng anh vòng hoa sầu
Kết cho em xâu chuỗi ưu tư
Đày đọa linh hồn cho nỗi đau chất ngất
Em muốn quì trước anh bày tỏ niềm riêng
Như con chiên ngoan xưng tội ngày thứ Tám
- Vâng thưa anh, em phạm tội xem nhẹ tình ta
Em xem nhẹ tình đôi ta diễm tuyệt
- Vâng thưa anh, em nhuộm đen tình ta
Em nhuộm đen tình đôi ta cay đắng.
Rồi nhẹ nhàng, em tìm lại được em
Chúa vẫn thứ tha
Kẻ tông đồ bắt mình dâng cho kẻ ác
Phật vẫn thứ tha
Khi tên đồ tễ đã quăng dao
Vậy thì anh
Hãy thương xót lấy em
Em yếu đuối
Hãy giúp em lòng can đảm
Xin chớ lạnh lùng
Nhìn em sa xuống vực đau thương
Hãy nói thật nhiều
Hãy cười thật lắm
Hãy giúp em bước qua hố thẳm buồn rầu
Hãy ca ngợi với em đời vẫn đẹp
Hãy cứ dối
Để em cố tin là thật
Hãy cứ cười
Cho em qua khỏi ngày tháng lao đao.
(Những ngày tháng cũ)
Tóc rối khô trăm lượt gió chông chênh
Mắt đắm nhìn sao quá đổi mông mênh
Môi vướng vất vài sợi thuốc vàng ngạo nghễ.
Hơi thở mòn nhà em xa quá thể
Đôi chân buồn chở nặng tấm lòng khô
Tìm đến em phải chăng nối khúc Nhị hồ
Cũng rời rã độc điệu như tiếng chim tìm bầy lạc lõng
Bước chân vội thềm nhà em vàng võ
Tường xám xanh khung lá cửa chơ vơ
Em ngồi đây chờ anh đến không ngờ
Tim yếu ớt đập lời ca cách trở
Anh cho em niềm vui
Em tặng anh nỗi buồn đắng chát
Anh cho em tình yêu
Em bù đắp ánh mắt hoài nghi
Tặng anh vòng hoa sầu
Kết cho em xâu chuỗi ưu tư
Đày đọa linh hồn cho nỗi đau chất ngất
Em muốn quì trước anh bày tỏ niềm riêng
Như con chiên ngoan xưng tội ngày thứ Tám
- Vâng thưa anh, em phạm tội xem nhẹ tình ta
Em xem nhẹ tình đôi ta diễm tuyệt
- Vâng thưa anh, em nhuộm đen tình ta
Em nhuộm đen tình đôi ta cay đắng.
Rồi nhẹ nhàng, em tìm lại được em
Chúa vẫn thứ tha
Kẻ tông đồ bắt mình dâng cho kẻ ác
Phật vẫn thứ tha
Khi tên đồ tễ đã quăng dao
Vậy thì anh
Hãy thương xót lấy em
Em yếu đuối
Hãy giúp em lòng can đảm
Xin chớ lạnh lùng
Nhìn em sa xuống vực đau thương
Hãy nói thật nhiều
Hãy cười thật lắm
Hãy giúp em bước qua hố thẳm buồn rầu
Hãy ca ngợi với em đời vẫn đẹp
Hãy cứ dối
Để em cố tin là thật
Hãy cứ cười
Cho em qua khỏi ngày tháng lao đao.
(Những ngày tháng cũ)
Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016
Tại sao cô đơn là định mệnh (nhưng không sao cả)
Sự thật là, một cá nhân nhạy cảm và thông minh sớm muộn cũng không thể nào tránh khỏi cảm giác cô đơn tột cùng.
Không có nhiều lời tự thú nào đáng hổ thẹn hơn là thừa nhận việc chúng ta đang cô đơn. Ta vẫn thường mặc định rằng một người đáng kính trọng thì không thể nào phải chịu cô độc, trừ khi người đó chuyển đến một nơi xa lạ hoặc không may gặp cảnh góa bụa. Thế nhưng sự thật là cảm giác cô đơn tột độ là một phần không thể tách rời của một cá nhân nhạy cảm và thông minh. Đó là một đặc tính tự nhiên của một sự tồn tại phức tạp. Có một vài lý do chính cho việc này:
- Trong khi ta tha thiết được người khác công nhận và mong muốn được chia sẻ, thì rất nhiều điều trong số đó lại không dễ được xã hội chấp nhận chút nào. Nhiều ý tưởng trong góc khuất của bộ óc chúng ta quá kỳ quặc, quá khó hiểu hoặc quá đáng báo động để có thể chia sẻ với một ai khác. Chúng ta đối diện với sự lựa chọn giữa việc thành thật và việc được xã hội chấp nhận, dễ hiểu là hầu hết chúng ta sẽ chọn cách thứ hai.
- Để lắng nghe và thấu hiểu người khác tốn rất nhiều công sức. Chúng ta không nên đổ lỗi cho người khác chỉ vì họ không thể tập trung vào con người ta. Họ có thể muốn gặp ta, nhưng ta nên chấp nhận rằng phần lớn nguồn năng lượng của họ được dùng để giữ chủ đề cuộc nói chuyện xoay quanh cuộc đời họ.
- Chúng ta đều phải chết một mình, điều đó có nghĩa là ta phải tự mình trải qua mọi nỗi đau. Người khác có thể đưa lời an ủi chúng ta nhưng trong mỗi cuộc đời, mỗi người chúng ta sẽ phải một mình lênh đênh trên đại dương, chìm trong những con sóng và những người khác, kể cả những người tử tế, sẽ đứng trên bờ và hân hoan vẫy tay.
- Việc tìm được một người đồng điệu tâm hồn với ta là gần như không thể: chúng ta khao khát sự đồng nhất tận cùng nhưng sẽ luôn luôn tồn tại sự thiếu hòa hợp, bởi chúng ta xuất hiện trên Trái Đất vào những thời điểm khác nhau, là sản phẩm của những gia đình và trải nghiệm khác nhau và đơn giản là chúng ta không cùng một loại người. Do đó những người khác sẽ không đơn giản là bước vào đời và nghĩ giống ta. Nhìn lên bầu trời đêm, ngay khi ta muốn họ nói gì đó cao xa và đẹp đẽ, họ có lẽ chỉ đơn giản nhớ đến những chuyện vặt chán chường hay những chi tiết ngẫu nhiên về cuộc sống của họ (hoặc ngược lại). Điều này gần-như-là-hoạt-họa.
- Chúng ta gần như sẽ không thể gặp được người hiểu ta rõ nhất, nhưng họ thực sự tồn tại. Có thể họ đã từng đi ngang qua chúng ta trên đường, dù một trong hai người hoàn toàn không có ý niệm nào về mối liên hệ tiềm tàng đó. Hoặc có lẽ họ đã chết ở Sydney hai tuần trước hoặc sẽ không sinh ra trên đời cho đến tận thế kỷ 22. Việc này không phải là một âm mưu. Chúng ta chỉ cần thêm may mắn, có lẽ cần rất nhiều.
- Khi ta càng suy nghĩ nhiều và nhận thức nhiều, vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Đơn giản là sẽ càng có ít người giống ta. Đây hoàn toàn không phải là nét huyền bí của chủ nghĩa lãng mạn: cô đơn thực sự là khoản thuế chúng ta phải trả để duy trì một bộ óc phức tạp.
- Khao khát được lột trần một ai đó hẳn nhiên cấp bách hơn mong muốn có một cuộc đối thoại có ý nghĩa, và ta cuối cùng bị khóa chặt trong những mối quan hệ với những người mà ta không có nhiều chuyện để nói, vì ta đã từng say đắm hình dáng một chiếc mũi hoặc chìm sâu trong một màu mắt tuyệt đẹp.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, chúng ta không nên sợ hãi hay xấu hổ bởi cuộc đời ta thấm đẫm sự cô đơn.
Ở một giây phút đáng giận gần cuối đời, tác gia Đức Goethe, người tưởng chừng có rất nhiều bạn bè, cay đắng thừa nhận: “Không ai từng hiểu tôi đúng nghĩa, tôi chưa từng được ai thấu hiểu hoàn toàn; và không ai hiểu một ai khác”.
Quả là một sự giác ngộ hữu ích của con người vĩ đại đó. Đó không phải lỗi của chúng ta: sự xa cách và việc không hiểu được nhau không phải là dấu hiệu của cuộc đời tồi tệ; ngược lại, đó là việc chúng ta cần nhận thức được từ lúc đầu tiên. Và khi ta hiểu được, nó sẽ mang lại cho ta nhiều lợi ích:
- Chỉ khi chấp nhận cô đơn ta mới có thể sáng tạo: ta có thể bắt đầu gửi đi thông điệp trong một cái chai, ta có thể hát, làm thơ, viết sách và blogs, làm tất cả những hoạt động xuất phát từ việc nhận ra những người xung quanh chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được con người ta hoàn toàn nhưng những người khác - ở một không gian và thời gian khác, có thể dễ dàng làm được việc đó.
- Lịch sử của nghệ thuật là sự ghi dấu của những con người không thể nói chuyện được với ai cùng thời. Chúng ta có thể giải được sự gần gũi được mã hóa trong ngôn từ của một nhà thơ La Mã mất năm thứ 10 trước CN hoặc trong lời nhạc của một ca sỹ vừa hát lên nỗi buồn của chính chúng ta trong một bản nhạc được thu âm tại Nashville năm 1963.
- Sự cô đơn giúp ta có thể tận hưởng sự gần gũi thực sự nếu có một cơ hội tốt. Sự cô đơn nâng tầm những cuộc đối thoại của ta với chính bản thân chúng ta, nó đưa đến cho ta một cá tính. Ta sẽ không lặp lại những gì người khác nghĩ. Ta có một quan điểm. Ta có thể cô độc tại thì hiện tại nhưng ta sẽ có mối liên kết gần gũi, thú vị với ai đó mà ta tìm được trong thì tương lai.
- Ngay cả những người mà chúng ta nghĩ sẽ không cô đơn thực tế cũng cô đơn. Những năm sau này, những người mà bạn thấy mang nụ cười thường trực có thể sẽ thú nhận, trong khủng khoảng, rằng họ cảm thấy không được thấu hiểu. Việc bên nhau đầy niềm vui và những tiếng cười không phải là bằng chứng của việc họ đã tìm thấy câu trả lời; nó là chứng cứ của khoảng thời gian tuyệt vọng một số người cố gắng để giấu sự thật là chúng ta đều cô đơn một cách không thể cứu chữa.
- Sự cô đơn mang đến cho ta nét tao nhã kỳ lạ. Nó gợi ý rằng có nhiều điều để biết về chúng ta hơn những gì mà thói thường của giao tiếp xã hội có thể mang lại - đây là một việc đáng tự hào. Cảm giác cô độc thực sự là một dấu hiệu của chiều sâu nội tâm. Khi ta thừa nhận sự cô đơn của chính ta, ta đang đăng ký vào một câu lạc bộ bao gồm những người ta biết từ những bức họa của Edward Hopper, thơ Baudelaire và những bài ca của Leonard Cohen. Cô đơn, ta nối tiếp một truyền thống rộng lớn; ta thấy bản thân ta được nối kết (một cách đáng kinh ngạc).
Chịu đựng nỗi cô đơn gần như luôn tốt đẹp hơn những gì ta phải chịu thỏa hiệp để được hòa nhập vào cộng đồng mà ta không thuộc về. Cô đơn đơn giản là cái giá phải trả để giữ vững một quan điểm chân thành và đầy chân thành về việc thế nào là một sự bầu bạn đích thức.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo The Book of Life
Lưu Nguyễn Ngân Hà dịch
Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016
mê tín trong phật giáo
Nguyễn Nhân Trí
“Mê tín” thường được hiểu là “tin vào những gì mê hoặc, sai lầm”. Có một định nghĩa nữa, khách quan hơn, đó là “những niềm tin hay ý niệm phát xuất từ lòng dễ tin không dựa trên lý lẽ hay kiến thức – nhất là khi những niềm tin hay ý niệm nầy không cần có bằng chứng vững vàng và đầy đủ.”
Tôi cho rằng đa số quan điểm tín ngưỡng và thực hành trong Phật Giáo ngày nay nằm trong hai định nghĩa trên.
Theo tôi, tôn giáo mang hai bản chất cơ bản đó là huyễn hoặc và nô lệ hóa. Phật giáo không là một trường hợp ngoại lệ.
Khi nói về “huyễn hoặc”, tôi muốn đề cập đến vô số những huyền thoại diễn tả thần phật, tiên thánh, ma quỷ, phép mầu trong hầu hết tất cả kinh điển Phật giáo.
Theo tôi, các huyền thoại đó không phải là nền tảng cơ bản trong triết lý của Thích Ca Mâu Ni. Theo tôi, nếu nhìn kỹ vào lịch sử Phật Giáo thì sẽ thấy là những huyền thoại đó đã được tăng sư, chủ yếu là của phái Đại Thừa, thêu dệt thêm trong quá trình truyền chép kinh điển qua nhiều thế kỷ. Nói cách khác, theo tôi thì đa số những gì truyền dạy trong Phật giáo Đại Thừa đều là mê tín dị đoan; còn nguyên lý tín ngưỡng của Phật giáo Tiểu Thừa thì tuy phản ảnh trung thực hơn những gì Thích Ca đã dạy nhưng cũng vẫn không tránh khỏi nhiều vấn đề huyền bí huyễn hoặc.
Hậu quả tai hại nhất của sự “huyễn hoặc” nầy là hiện tượng mê tín dị đoan lan tràn trong Phật Giáo. Đây là vì tăng ni, và Phật tử đại chúng, đã đem các huyền thoại kể trên ra để biến chế ý tưởng cơ bản của Phật pháp và pha trộn những tín ngưỡng dân gian khác vào nhau để tạo thành phương cách thực hành đạo pháp của họ.
Có những mê tín dị đoan rất rõ rệt hiện đang phổ biến tại nhiều chùa chiềng trong và ngoài nước Việt Nam như cúng sao giải hạn, cầu vong, cầu siêu, cầu phước, bói toán, xin xâm, xin keo, chuộc giải bùa ngải, coi ngày, coi tuổi, cúng đốt vàng mã, v.v. Nếu chính các tăng ni sư thực hành những điều nầy thì trách sao Phật tử đại chúng chẳng noi gương làm theo.
Ngoài ra còn có một dạng mê tín dị đoan khác khó nhận thấy hơn vì qua nhiều thế kỷ chúng đã được che đậy dưới lốt áo "Phật pháp". Dạng mê tín dị đoan nầy liên quan đến các khái niệm như "Tây Phương Cực Lạc", "đầu thai", "nhân quả" mà tôi trình bày chi tiết ở các tiểu luận khác.
Yếu tố “nô lệ hóa” trong Phật Giáo tuy không rõ rệt bằng nhưng vẫn mạnh mẽ và lan tràn tương tự như trong các tôn giáo độc thần như Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo.
“Nô lệ hóa” là vì tín đồ Phật Giáo vẫn bị đe dọa bởi những ý niệm như thất đức, tội lỗi, v.v. cũng như bị khuyến dụ bởi những hứa hẹn như Niết Bàn, có phước, được phù hộ, v.v. “Nô lệ hóa” là vì Phật tử có khuynh hướng tòng phục sư tăng vì tin rằng họ có những quyền phép đặc biệt để cứu độ Phật tử, nắm giữ tiêu chuẩn đạo đức, có đạo đức hơn người “thường”, v.v.
Ngoài ra, Phật giáo cũng không tránh được cái tệ nạn khi giới tu sĩ lạm dụng Phật pháp để phục vụ ích lợi riêng. Những lợi ích riêng nầy mang đủ dạng từ tiền bạc, địa vị, uy quyền, chính trị cho đến tình cảm, tình dục.
Phương cách thực hành của Phật Giáo trong xã hội có nhiều khiếm khuyết trầm trọng.
Thí dụ, nhìn vào các bảng tuyên dương công đức, sổ vàng cúng dường chiếm ngữ ngay tiền sảnh các chùa miếu cùng với việc các “thầy” chú trọng vào việc gây quỹ để tranh nhau xây cất chùa lộng lẫy huy hoàng, dựng tượng Phật to lớn vĩ đại, v.v, tôi không khỏi kết luận rằng phần lớn cái gọi là đạo Phật ngày nay đã bị lạm dụng để biến thành một phương pháp mưu lợi cầu danh.
Có người cho là là vì tôi không hiểu thuyết Phật nên mới kết luận như vậy. Vì vậy tôi cần nhấn mạnh là ở đây tôi không nói về lý thuyết cơ bản của Phật Giáo. Ở đây tôi đang nói về cái Phật Giáo đang được vô số (đại đa số) Phật tử tin, áp dụng và thực hành ngày nay.
Có người cho rằng tôi không nên dựa trên sự hiểu biết và cách thực hành của một số Phật tử để đánh giá Phật Giáo. Để trả lời tôi sẽ dùng một sự so sánh giữa tôn giáo và ngôn ngữ dưới đây.
Trong ngôn ngữ thỉnh thoảng có những từ ngữ mới được đặt ra bởi ai đó; nếu các từ ngữ mới nầy được nhiều người hiểu, dùng và phổ biến sâu rộng thì chúng sẽ trở thành một phần của ngôn ngữ ấy (và nếu ít ai dùng đến thì chúng sẽ dần dần biến mất đi).
Trong ngôn ngữ cũng thường có nhiều từ ngữ mà ý nghĩa nguyên thủy của chúng được thay đổi dần theo thời gian và bối cảnh xã hội; nếu đủ số người hiểu và dùng chúng theo cách mới thì chúng sẽ dần dần chính thức mang những ý nghĩa mới.
Tôn giáo cũng tương tự như ngôn ngữ. Ý nghĩa và đặc thù của mỗi tôn giáo được xác định và biến đổi bởi những gì số đông tín đồ hiểu biết, nhìn nhận và thực hành.
Tôi biết rằng những điều tôi diễn tả ở trên đều chỉ là những sự kiện và hiện tượng mà tôi thấy về Phật Giáo chớ không phải là lý thuyết nguyên thủy thật sự của Thích Ca. Nhưng đây chính là cái lý thuyết và bản chất của cái Phật Giáo mà đa số Phật tử nhận biết và thực hành. Bất kể lời Thích Ca thật sự truyền dạy ra sao đi nữa, chỉ có cái hình thức của đạo Phật mà đa số Phật tử đang hiểu và hành là cái đạo Phật được mọi người nhận diện. Và đây cũng chính là cái đạo Phật mà tôi đánh giá.
Tôi cho rằng phần đông Phật tử ngày nay đều mê tín và phần đông chùa chiềng sư sãi đều mưu lợi cầu danh cả. Tuy tôi không có dữ kiện đầy đủ để đưa ra con số chính xác nhưng theo những gì tôi nhìn thấy thì tôi cho rằng đại đa số Phật tử và tăng sư nằm trong thành phần nầy.
Cách truyền dạy Phật Giáo cũng giống như các tôn giáo khác, Phật tử dựa vào giới tăng lữ để truyền giảng Phật pháp. Giới tăng lữ cũng đóng vai trò lãnh đạo trong việc xác định và phổ biến các quy luật từ việc nghi lễ, cúng bái cho đến tiêu chuẩn đúng sai, xấu tốt lẫn phong cách sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Thế mà qua không biết bao nhiêu thế hệ nay, vô số tăng sư qua lời nói và hành động của họ đã bóp méo lý thuyết Phật pháp cơ bản và truyền dạy những điều sai lầm mà theo tôi chỉ đáng liệt vào mê tín dị đoan.
Một thí dụ tiêu biểu và quảng bá rộng rãi nhất là quan niệm nếu tụng niệm bao nhiêu hồi kinh gì đó, cầu thỉnh hình tượng Phật gì đó đem về nhà thờ, cúng dường bao nhiêu tiền hay xây cất trùng tu chùa miếu gì đó, v.v. thì sẽ được nhiều phước đức và do đó sẽ được phù hộ cho tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, gia đình êm ấm, tình duyên thuận lợi, v.v. Đây là một cách mà "luật Nhân Quả" và khái niệm "nghiệp phước" đã và đang được diễn giảng và truyền bá lan tràn trong Phật Giáo. Đây cũng là lý do chính tại sao vô số Phật tử đến chùa xì xụp bái lạy trước các hình tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Có người cho rằng Phật tử làm những điều đó không có hại gì cho ai cả. Tôi cho rằng tuy không trực tiếp làm hại đến ai nhưng cách diễn giải sai lầm về luật Nhân Quả nầy đi ngược hẳn với lời dạy của Phật rằng “tự mỗi người phải hành đạo để tự giải thoát mình vì không ai, kể cả Phật, có thể cứu độ ai khác được”.
Và những quan niệm sai lầm loại nầy cũng dẫn đến những phương cách hành đạo kỳ hoặc. Thí dụ như nhiều Phật tử được dạy rằng nếu trả tiền cho người khác tụng kinh thì họ cũng được phước giống như tự họ tụng kinh. Việc trả tiền nầy thường được Phật tử dùng một mỹ từ là “cúng dường”. Nhiều người tuy muốn có phước nhưng vì không có thời giờ, hay kiên nhẫn, tụng kinh nên thường “cúng dường” cho các tăng sư để tụng kinh thay thế giùm họ.
Trong những năm gần đây, phương cách hành đạo kỳ hoặc vừa kể trên đã bước thêm bước nữa để trở thành quái đản: nhiều vị tăng sư dùng thời giờ rảnh rỗi để tụng sẵn trước những tạng kinh “thịnh hành”. Những vị tăng sư nầy ghi sổ cẩn thận số lần họ đã tụng các tạng kinh nầy; đến khi Phật tử nào cần thí dụ như 120 thời kinh Pháp Hoa chẳng hạn thì họ chỉ cần trả một số tiền đã quy định trước cho một vị tăng sư rồi vị nầy sẽ “hồi hướng” 120 thời kinh Pháp Hoa (mà ông đã tụng sẵn rồi) qua cho Phật tử trên. Vị tăng sư nầy rồi sẽ xóa bỏ 120 thời kinh Pháp Hoa ra khỏi danh sách lưu trữ của ông. Việc tụng kinh trả tiền đã phổ biến thành một hệ thống kinh doanh có quy củ, bài bản hẵn hòi.
Tôi cũng thường phê bình về những chuyện thờ cúng rườm rà, lọng đón, chuông đưa, khẩn cầu Trời Phật, bái lạy tăng sư, đúc tượng, phóng sinh, v.v. thường thấy ở các chùa chiền.
Nhiều người cho rằng đó chỉ là đặc thù của Phật giáo khi tín đồ muốn biểu hiện lòng tin của họ một cách công khai giữa chốn đông người. Và họ cho rằng vì thế thì không nên chấp nhất mà phê bình, chỉ trích làm gì nhất là khi những việc làm trên tuy không đúng với thuyết Phật dạy nhưng cũng không làm hại đến ai cả.
Trước nhất, những người đó không thấy rằng chuyện hành đạo trái hẳn với thuyết Phật dạy như vậy thật ra có tác dụng làm hư hoại cả đạo lý lẫn hành giả của Phật giáo. Nói cách khác nó làm hư hoại chính các Phật tử như họ và làm hư hoại cả hệ thống triết lý, tư tưởng của Phật Giáo. Những chuyện làm nầy tạo ra cơ hội để các tăng sư gian tham mưu danh cầu lợi dễ dàng, làm cho Phật tử càng ngày càng ngu muội hơn cũng như hao công tốn của mà không được lợi ích gì cho quá trình phát triển tâm linh thật sự của họ cả.
Thứ hai, chính cách suy nghĩ và thái độ trên đã gián tiếp dung dưỡng để các điều sai trái trên tiếp diễn và bành trướng mãi trong Phật Giáo.
Những sự việc tệ hại vừa kể trên chỉ là vài thí dụ tiêu biểu của vô số những sự việc tương tự khác phổ biến trong Phật Giáo.
Phần lớn Phật tử, kể cả giới tăng lữ, vì thiếu hiểu biết và vì tham lam nên đã diễn giải sai lạc và áp dụng, thực hành thuyết Phật một cách mê muội.
Dù muốn dù không, Phật Giáo được nhận diện và đánh giá dựa trên những hành động và nhận thức của Phật tử. Những sự việc tệ hại trên rất có thể đã bắt đầu xảy ra ngay từ lúc Phật Giáo mới thành hình; chúng đang thịnh hành ngày nay và hầu như chắc chắn chúng sẽ tiếp tục xảy ra cho đến ngày Phật Giáo tàn lụn.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)