Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Về sự đọc



Roland Barthes

Đọc là gì? Đọc như thế nào? Tại sao đọc? 

Đối với sự đọc, tôi đang ở trong một tình trạng bối rối về lý thuyết: tôi không có lý thuyết nào về sự đọc, vì thế trước mắt, lý thuyết về sự đọc dần dần sẽ được phác thảo ra. Đôi khi, tôi bối rối đến mức hồ nghi, nghĩa là tôi không biết có cần phải có một lý thuyết về sự đọc hay không, tôi không biết sự đọc về mặt cấu tạo có phải là cái phạm vi số nhiều[1] bao gồm những cách đọc phân tán, những kết quả không thể quy giản hay không, và do đó, tôi cũng không biết có phải bản thân sự đọc của sự đọc, tức sự Siêu đọc, không gì khác hơn là một mảnh vỡ của tư tưởng, của sự sợ hãi, của lòng ham muốn,của sự khoái lạc, của sự đè nén – tùy theo hoàn cảnh – tuồng như là hình ảnh nhiều cuộc hội thảo[2] khác nhau cùng tạo nên hội nghị này, hay không.

Tôi sẽ không tìm cách giảm bớt đi sự bối rối đó (hơn nữa tôi cũng không có phương tiện gì để làm việc này), mà tôi chỉ tìm cách định vị nó, tìm cách hiểu cho được sự tràn ngập mà khái niệm đọc trong tôi rõ ràng là đối tượng của nó. Nhưng bắt đầu từ đâu? Có lẽ từ cái khái niệm cho phép ngôn ngữ học hiện đại khởi động: sự quan yếu.



1. Sự quan yếu

Sự quan yếu – ít ra trong ngôn ngữ học, đó là quan điểm mà từ đó người ta chọn lựa cách nhìn, cách tra vấn, phân tích một tập hợp hỗn tạp như là hoạt động ngôn ngữ. Chỉ khi nào người ta quyết định nhìn hoạt động ngôn ngữ theo quan điểm ý nghĩa thì chỉ với quan điểm đó, Saussure mới thôi dậm chân tại chỗ, không còn hốt hoảng nữa, để có thể xây dựng nền móng cho ngôn ngữ học hiện đại. Bằng cách quyết định chỉ xem xét âm thanh theo sự quan yếu duy nhất về nghĩa, Troubetskoï và Jakobson mới làm cho âm vị học có thể phát triển được. Chỉ khi không điếm xỉa đến những nhận xét khác có thể có để chấp nhận việc chỉ nhìn thấy trong hàng trăm truyện cổ dân gian những tình huống và các vai nhân vật ổn định, có tính hồi quy, tóm lại là chỉ nhìn thấy những hình thức thôi, Propp mới tạo nên lý thuyết Phân tích truyện kể.

Như vậy, nếu chúng ta có thể quyết định được sự quan yếu mà nhờ đó, chúng ta tra vấn sự đọc, chúng ta mới hy vọng dần dần phát triển một ngành ngôn ngữ học hay ký hiệu học, hay chỉ đơn giản (để chúng ta không bị lúng túng vì nợ nần) là lý thuyết Phân tích sự đọc, phân tích về anagnôsis [3], về sự đọc hiểu, tức là lý thuyết Đọc hiểu. Điều đó tại sao không?

Nhưng tiếc thay, sự đọc vẫn chưa gặp được Propp hay Saussure của mình. Chúng ta đã không – ít ra là chưa tìm thấy sự quan yếu mong muốn đó, tức là cái hình ảnh về sự giảm nhẹ gánh nặng của nhà bác học vì những quan yếu ngày xưa không còn thích hợp với sự đọc, hay ít ra, sự đọc ngày nay đã vượt qua những quan yếu cũ kỹ đó rồi.

1. Trong phạm vi đọc, không có sự quan yếu về đối tượng: động từ đọc dường như có tính ngoại động nhiều hơn động từ nói, nó có thể bị bão hòa, bị xúc tác bởi hàng ngàn bổ ngữ đối tượng: tôi đọc sách, đọc [4]hình ảnh, đọc [5]thành phố, đọc [6] chân dung, đọc [7]cử chỉ, đọc vở kich, v.v. Những bổ ngữ này đa dạng đến nỗi tôi không thể thống hợp chúng trong bất cứ một phạm trù nội dung lẫn hình thức nào. Tôi chỉ có thể tìm thấy ở chúng một sự thống nhất có tính chủ ý: đối tượng mà tôi đọc chỉ được tạo nên nhờ vào chủ ý đọc của tôi, đơn giản chỉ vì đọc, legendum, thuộc về hiện tượng luận chứ không phải ký hiệu học.

2. Trong phạm vi sự đọc, điều quan trọng hơn là không hề có sự quan yếu của các cấp độ, không hề có khả năng miêu tả các cấp độ đọc, bởi vì không hề có khả năng kết thúc cái danh sách các cấp độ đó. Có thể có một cội nguồn của sự đọc hình họa, đó là việc học các con chữ, các từ được viết ra. Nhưng một mặt, có những sự đọc mà không cần học chữ (đọc hình ảnh) – ít ra là không cần học chuyên môn, nếu không phải là học văn hóa, và mặt khác, khi đã thụ đắc được ngón nghề (technè) này, người ta không biết đến đâu thì độ sâu và sự lan truyền của sự đọc ngừng lại. Phải chăng là khi nắm được ý nghĩa? Nhưng mà ý nghĩa nào? Nghĩa biểu vật hay nghĩa liên hội? Đó là những hiện tượng nhân tạo mà tôi gọi là những hiện tượng đạo đức (éthiques), bởi vì nghĩa biểu vật có chiều hướng được xem như là cái đơn nghĩa, nghĩa thật, nó tạo thành quy luật (có bao nhiêu người chết vì một nghĩa nào đó?), còn nghĩa liên hội thì cho phép (đó là lợi ích đạo đức của nó) đặt ra luật lệ cho cái đa nghĩa và hứa hẹn giải phóng sự đọc. Nhưng giải phóng đến đâu? Đến vô cùng: vì không có ràng buộc về mặt cấu trúc nào đóng lại sự đọc. Tôi cũng có thể đẩy lùi đến vô tận những giới hạn của cái có thể đọc, có thể quyết định rằng mọi cái cuối cùng đều có thể đọc được (có lẽ điều này chắc là khó đọc), mà cũng có thể ngược lại, tôi cho rằng tận cùng của mọi văn bản, nếu cái đọc được đã được hiểu hết thì vẫn còn có cái không thể đọc được. Sự biết- đọc có thể bị hạn chế, bị kiểm chứng ngay từ giai đoạn mở đầu, nhưng nó sẽ nhanh chóng trở thành cái vô cùng, không quy tắc, không cấp độ và không kết thúc.

Có thể chúng ta nghĩ rằng vì thiếu bậc thiên tài nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự khó khăn trong việc tìm thấy một sự quan yếu làm nền tảng cho một lý thuyết Phân tích mạch lạc của sự đọc. Nhưng chúng ta cũng có thể cho rằng sự không quan yếu gần như là tính chất bẩm sinh của sự đọc, bởi vì có cái gì đó rất hợp lệ làm rối tung việc phân tích các đối tượng và các cấp độ đọc và làm cho mọi chuyện trở nên thất bại, không chỉ tất cả nghiên cứu về tính quan yếu trong lý thuyết Phân tích sự đọc mà còn có thể là bản thân cái khái niệm quan yếu (bởi vì cuộc phiêu lưu này dường như cũng xảy ra đối với ngôn ngữ học và tự sự học). Tôi tin có thể gọi tên (một cách hoàn toàn sáo rỗng) cái gì đó chính là sự Ham muốn. Chính vì mọi sự đọc đều bị sự Ham muốn (hay sự Chán ghét) thâm nhập, nên lý thuyết Đọc hiểu khó lòng, có lẽ là không thể hình thành được – cho dù lý thuyết này từng có cơ hội trở thành sự thật ở nơi mà chúng ta không mong đợi, hay ít ra không đúng vào cái nơi ta mong đợi. Theo truyền thống – gần đây –chúng ta mong đợi nó có liên quan đến cấu trúc; và chúng ta phần nào đã có lý: mọi sự đọc đều diễn ra trong một cấu trúc (cho dù đa dạng và có tính mở) chứ không phải trong cái không gian mạo xưng là tự do của sự ngẫu nhiên cũng mang tính mạo xưng nốt: không có sự đọc “tự nhiên”, “hoang dã” mà chỉ có sự đọc vượt qua cấu trúc: nó phục tùng cấu trúc, nó cần đến cấu trúc, nó tôn trọng cấu trúc, nhưng lại làm cho cấu trúc hư hỏng. Sự đọc, đó chính là cái động tác của cơ thể (bởi vì hiển nhiên là người ta đọc với thân xác của mình)mà cùng một động tác, nó vừa đề cao, vừa phá hỏng trật tự của nó: đó là cái phần phụ hư hỏng nằm ở bên trong.



2. Sự dồn nén



Đúng ra, tôi không tự hỏi về những biến đổi của sự ham muốn đọc; đặc biệt, tôi không thể trả lời câu hỏi khó chịu này: tại sao ngày nay người Pháp không muốn đọc? Tại sao có khoảng năm mươi phần trăm trong số đó không đọc? Điều có thể giữ chúng ta lại trong một lát, đó là cái dấu vết của sự ham muốn – hay sự không ham muốn – nằm ở bên trong sự đọc, trong chừng mực sự ham muốn đọc đã được thừa nhận rồi. Và trước hết là những dồn nén sự đọc mà theo ý tôi, chúng có hai loại.

Loại thứ nhất là kết quả của những hạn lệ có tính xã hội hay đã được nội tâm hóa bởi hàng ngàn cuộc chạy tiếp sức, chúng làm cho sự đọc trở thành một nghĩa vụ trong đó, chính bản thân hành động đọc được xác định bởi một quy luật: hành động đọc, hay đúng hơn, nếu có thể nói như vậy, hành động đã đọc, tức là cái dấu vết hầu như có tính nghi thức của một sự khai tâm. Do đó, tôi không muốn nói đến những sự đọc “công cụ” vốn cần thiết cho việc thủ đắc một kiến thức, một kỹ thuật mà theo đó, động tác đọc biến mất dưới hành động học tập. Tôi muốn nói đến những sự đọc “tự do”nhưng đã hoàn tất: sự cần phải đọc qua (Công chúa xứ Clèves[8], Phản Oedip[9], chẳng hạn). Từ đâu mà có quy luật này? Từ nhiều trường hợp khác nhau, trong đó mỗi trường hợp được làm căn cứ cho một giá trị, cho một ý thức hệ. Đối với người chiến sĩ tiền phong, cần phải đọc qua Bataille, Artaud. Trong một thời gian dài, khi sự đọc còn mang tính chất tinh hoa một cách nghiêm ngặt thì đã từng có những nghĩa vụ đọc phổ thông. Tôi cho rằng việc đào xới các giá trị nhân văn đã chấm dứt những nghĩa vụ đọc đó và thay vào đó là những nghĩa vụ riêng biệt, gắn với “vai trò” mà chủ thể tự nhận biết được trong xã hội ngày nay. Quy luật đọc không đến từ sự vĩnh cữu văn hóa mà từ một sự kiện kỳ lạ hay ít ra là còn bí ẩn, nằm ở giữa Lịch sử (Histoire) và Thời thượng (Mode). Điều tôi muốn nói là có những quy luật của cộng đồng, những quy luật vĩ mô cần phải có quyền tự giải phóng. Nói cách khác, sự tự do đọc, dù ta phải trả bất cứ giá nào, cũnglà sự tự do không đọc. Ai mà biết được phải chăng một vài sự vật sẽ không bị biến dạng, ai mà biết được phải chăng một số sự vật quan trọng sẽ không xảy ra (trong lao động, trong câu chuyện của chủ thể lịch sử) không phải vì hậu quả của sự đọc mà vì tác động của sự quên đọc: phải chăng người ta có thể gọi đó là sự tự do quá trớn của hành động đọc? Nói cách khác, trong sự đọc, sự Ham muốn dù đáng giá với những thiết chế, vẫn không thể tách ra khỏi tính phủ định mang tính chất xung lực của chính nó.

Loại dồn nén thứ hai có lẽ là sự dồn nén của Thư viện. Tất nhiên, vấn đề không phải là nghi ngờ thiết chế thư viện và không quan tâm đến sự phát triển tất yếu của nó. Đơn giản, vấn đề ở đây chỉ là nhận biết cái dấu vết dồn nén ở bên trong nét đặc trưng cơ bản và không thể thiếu của Thư viện công cộng (hay đơn gian là Thư viện tập thể): tính giả tạo của nó. Tự thân tính giả tạo không phải là con đường dồn nén (Tự nhiên không hề có người giải phóng của riêng nó). Nếu tính giả tạo của Thư viện ngăn cản sự Ham muốn đọc, đó là vì hai lý do.

1. Về mặt cương vị xã hội, dù kích thước như thế nào đi nữa thì Thư viện vẫn là vô cùng, trong chừng hạn nó luôn luôn (cho dù nó được nhận thức như vậy) vừa ở bên này vừa ở bên kia sự yêu cầu: cuốn sách mong muốn thì có xu hướng không có ở đó, trong khi đó, người ta lại đề nghị cho bạn một cuốn sách khác. Nghĩa là Thư viện là không gian của những cái thay thế sự ham muốn. Trước cuộc phiêu lưu của hành động đọc, nó là cái có thật ở chỗ nó nhắc nhở sự Ham muốn phải trật tự: Bao giờ nó cũng vừa quá lớn, vừa quá nhỏ, cho nên về cơ bản, nó không phù hợp với sự Ham muốn. Muốn giải thoát niềm vui thú, thỏa mãn ra khỏi Thư viện, chủ thể phải từ bỏ Trí tưởng tượng dạt dào của mình, phải tạo ra cho mình mặc cảm Oedip – cái mặc cảm không chỉ hình thành từ năm lên bốn tuổi mà hình thành từng ngày trong cuộc đời mà tôi muốn. Ở đây, chính sự thừa thãi sách vở mới là quy luật, là sự thiến.

2. Thư viện là khoảng không gian để người ta thăm viếng, nhưng không bao giờ là nơi người ta cư trú. Trong tiếng nói tất nhiên là hoàn thiện của chúng ta, cần phải có hai từ khác biệt: một từ dành cho sách của Thư viện và một từ dành cho sách tại gia (gạch dưới, đây là một ngữ đoạn tự trị chỉ cho một đối tượng đặc biệt) – một từ dành cho sách “mượn” – thường là qua một trung gian bàn giấy hay theo đơn (magistrale) và một từ dành cho sách bị tóm lấy, bị níu kéo,bị dụ dỗ, được lấy ra như thể nó từng là một thần vật; một từ dành cho loại sách-đối tượng của một món nợ (cần phải trả) và một từ dành cho cuốn sách-đối tượng của một ham muốn hay của một yêu cầu trực tiếp (không qua trung gian). Cái không gian tiết kiệm (không phải công cộng) ấy rút ra từ sách vở mọi chức năng dường như có tính xã hội, văn hóa, thiết chế (ngoại trừ trường hợp các cosy-corner[10] chứa các loại sách cặn bã). Chắc chắc, sách tại gia không phải là một mảnh ham muốn thuần khiết: nó (nói chung) phải thông qua một trung gian không hề sạch sẽ cho lắm: tiền. Nghĩa là người ta phải mua nó và do đó, không mua được những cái khác. Nhưng cho dù chúng là cái gì đi nữa thì bản thân tiền là một sự dồn nén – chứ không phải Thiết chế là sự dồn nén. Mua có thể là dồn nén, nhưng mượn chắc hẳn không phải như thế. Trong cái xã hội không tưởng của Fourier[11], sách vở hầu như không có giá trị gì cả, nhưng dù sao thì chúng cũng được chấp nhận nhờ trung gian của vài đồng xu. Chúng được che chở bởi một sự Tiêu dùng và nhờ đó mà sự Ham muốn vận hành được chức năng của nó: một cái gì đó đã được giải tỏa.

Chú thích :


[1]Tác giả dùng từ pluriel. Tính từ này ngoài nghĩa chỉ số nhiều ngữ pháp còn có một nghĩa phái sinh mà theo tự điển Larousse Multidico (bản điện tử) định nghĩa là: “Dont le contenu est formé d’éléments multiples, sous-jacents à un sens unique non repérable immédiatement : Lecture plurielle d’un texte”. (Tạm dịch: Có nội dung được cấu tạo bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng ngầm ẩn một ý nghĩa duy nhất không thể xác định trực tiếp được). Khó tìm thấy trong tiếng Việt một từ tương ứng với nội hàm này, do đó, chúng tôi tạm sử dụng từ số nhiều ở đây với nghĩa”có nhiều cách đọc khác nhau”.


[2] Tác giả dùng từ atelier. Ở đây không thể dịch là xưởng thợ, dù đây là nghĩa chính của nó. Chúng tôi chọn từ tiếng Anh tương đương với nó là workshop với nghĩa “hội thảo”.


[3] Trong nguyên tác, Barthes dùng hai từ là anagnose và anagnosologie. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là ana-gignôsco có nghĩa là “đọc-hiểu). Đây là lý thuyết chung về sự đọc, bắt nguồn từ ngôn ngữ học và ký hiệu học, được Barthes xem xét lại vào năm 1984 để đáp lại từ “lecturologie” của Kristeva (1969), nhằm thống nhất các trào lưu và tư tưởng rất phân tán trong sự đọc của sự đọc, hay nói cách khác trong sự “Siêu đọc (Métalecture). (dẫn lại theo nguồn: http://coursgabrielle.free.fr/metalangage/A.htm)


[4] Dịch theo nguyên tác nhưng cần hiểu động từ đọc ở đây có nghĩa là xem.


[5] Dịch theo nguyên tác nhưng cần hiểu động từ đọc ở đây có nghĩa là nhận ra.


[6] Dịch theo nguyên tác nhưng cần hiểu động từ đọc ở đây có nghĩa là đoán.


[7] Dịch theo nguyên tác nhưng cần hiểu động từ đọc ở đây có nghĩa là hiểu.


[8]La Pricesse de Clèves là một tiểu thuyết được Marie-Madeleine de là Fayette xuất bản ẩn danh vào năm 1678. Tiểu thuyết lấy khung cảnh cuộc sống ở triều đình Valois “trong những năm cai tri cuối cùng của Henri Second”, như người kể chuyện đã chỉ ra ở mấy dòng đầu của tác phẩm. Như thế có thể xác định đây là một tiểu thuyết lịch sử, cho dù dưới nhiều khía cạnh nó mở đầu cho truyền thống tiểu thuyết phân tích hiện đại.

Tiểu thuyết La Princesse de Clèves cũng cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ trong văn chương và trong đời sống văn hóa thế kỷe XVII được đánh dấu bởi trào lưu kiểu cách. Với tư cách là tiểu thuyết nền tảng, La Princesse de Clèves được xem như là một trong những khuôn mẫu văn chương đã gợi cảm hứng cho Balzac, Raymond Radiguet và kể cả Jean Cocteau. (Theo Wikipédia).


[9]L’Anti-Œdipe là tập 1 trong số 2 tập sách có nhan đề là Chủ nghĩa tư bản và chứng tâm thần phân liệt do hai nhà triết học và phân tâm học Gilles Deleuze và Félix Gauttari hợp tác viết.


[10] Tạm dịch: góc tiện lợi.


[11] Tức là Charles Fourier (1772-1837), triết gia Pháp theo phái xã hội chủ nghĩa không tưởng, nổi tiếng nhờ tạo ra thuật ngữ “nữ quyền” vào năm 1837, ông bênh vực cho quyền tự do xã hội và chính trị của phụ nữ.


3. Sự Ham muốn

Có Ham muốn gì trong sự đọc? Sự Ham muốn không thể gọi tên và (trái với Yêu cầu) không thể tự nói ra. Tuy nhiên, điều chắc hắn là có một thứ tình dục (érotisme) của sự đọc (trong sự đọc, ham muốn ở cùng với đối tượng của nó, đó là định nghĩa về tính dục). Về tình dục của sự đọc, có lẽ không có ngụ ngôn nào thuần khiết hơn là cái tình tiết trong cuốnĐi tìm thời gian đã mất trong đó, Proust cho ta thấy Người trần thuật trẻ tuổi ru rú trong các căn phòng ở Combray để đọc sách (để không nhìn thấy người bà của mình đau khổ khi nghe người ta đùa cợt bằng cách nói rằng chồng bà đi uống rượu cô-nhắc…):“Tôi nức nở khóc vừa leo lên chỗ cao nhất của ngôi nhà bên cạnh phòng nghiên cứu, nằm dưới nóc nhà, trong một căn phòng nhỏ ngát mùi hương cây đuôi diều, ở bên ngoài là cây lý đen dại mọc giữa những viên đá tường cũng tỏa hương, một nhành hoa của nó đang vắt ngang qua cánh cửa sổ hé mở. Căn phòng này vốn được dùng cho những việc vừa đặc biệt hơn vừa bình thường hơn, mà từ đây, người ta có thể nhìn ngắm cả ngày cho đến tận cái tháp phòng ngự Roussainville-le-Pin, từ lâu tôi đã dùng nó như là chỗ trú ẩn, chắc chắn bởi vì đó là căn phòng duy nhất mà người ta cho phép tôi khóa chặt cửa, cho phéptôi chiếm giữ để được yên tĩnh tuyệt đối để đọc, để mơ mộng, để khóc lóc và để khoái trá”.

Như vậy, sự đọc mong muốn dường như được đánh dấu bằng hai nét đặc trưng cơ bản. Bằng cách tự khép mình để đọc, làm cho sự đọc trở thành một trạng thái hoàn toàn tách biệt, lén lút, ở cái nơi mà toàn bộ thế giới bị gạt bỏ, người đọc – người hành động đọc – tự đồng nhất với hai chủ thể người khác – nhưng thực ra lại gần gũi với nhau – hai chủ thể người này đều ở trong tình trạng cũng đòi hỏi một sự tách biệtmãnh liệt, đó là chủ thể say mê và chủ thể thần bí. Đặc biệt là Thérèse d’Avila đã làm cho sự đọc trở thành cái thay thế cho bài điếu văn tinh thần. Còn chủ thể say mê, như chúng ta đã biết, được đánh dấu bằng một sự triệt thoái khỏi thực tại, nó tự truất quyền ra khỏi thế giới bên ngoài. Điều này khẳng định rằng chủ thể-người đọc là một chủ thể hoàn toàn bị gạt ra khỏi quyển sổ của Trí tưởng tượng. Mọi sự tiết kiệm vui thú của nó là ở chỗ chăm chút mối quan hệ tay đôi của nó đối với sách vở (tức là Hình ảnh), bằng cách tự đóng cửa để chỉ có hai người (người đọc với sách vở) với nhau, người đọc dán chặt vào sách, chúi mũi vào nó như thể đứa trẻ dính chặt vào người mẹ, như Người tình tựa vào gương mặt tình nhân. Căn phòng có mùi hương cây đuôi diều chính là cái hàng rào của Tấm gương, nơi đây đã làm nảy sinh sự hòa hợp thần thánh giữa chủ thể và Hình ảnh – tức là sách.

Nét đặc trưng thứ hai hình thành nên sự đọc mong muốn, chính là điều mà đoạn văn về căn phòng đọc sách trên đây đã nói với chúng ta một cách tường minh. Đặc trưng ấy như sau: bên trong sự đọc, tất cả mọi cảm xúc của thân xác đều bị trộn lẫn, bị cuộn tròn: sự mê hoặc, sự khiếm khuyết, sự đau khổ, sự khoái trá. Sự đọc sản sinh ra một thân xác đảo lộn, nhưngkhông bị chia cắt (vì nếu không như vậy thì sự đọc không thuộc về Trí tưởng tượng). Tuy nhiên, có cái gì đó bí ẩn hơn trong đoạn văn của Proust dành cho việc đọc và việc lý giải: sự đọc – sự khoái trá đọc – có một mối tương quan nào đó với giai đoạn hậu môn (analité)[1]. Đây là một phép hoán dụ liên kết sự đọc, chất cặn bã và – như chúng ta đã biết – tiền bạc với nhau.

Và bây giờ – nếu không rời khỏi căn phòng đọc sách – một câu hỏi đặt ra: có những khoái cảm đọc khác hay không? Có một loại hình học về những khoái cảm đó không? Đối với tôi, dường như ít ra cũng có 3 loại khoái cảm đọc, hay nói chính xác hơn, có ba con đường qua đó Hình ảnh đọc có thể hấp dẫn chủ thể đọc. Theo con đường thứ nhất, sự đọc có một mối tương quan mang tính bái vật đối với văn bản đọc. Nó thích thú với những từ, với một số từ, với một số sắp xếp từ nào đó. Trong văn bản, những bãi biển, những vùng đất biệt lập được vẽ nên với sự mê hoặc mà chủ thể-đọc bị nhấn chìm và mất hút trong đó. Đó là loại đọc ẩn dụ hay mang tính thi ca. Để thưởng thức khoái cảm này, có cần một trình độ văn hóa ngôn ngữ lâu dài hay không? Điều đó không chắc lắm, ngay cả đứa trẻ thơ lúc còn mới bập bẹ, cũng nhận biết tính kích dục của từ, một thói quen bằng miệng và âm thanh dành cho xung năng. Theo con đường thứ hai, đối lập với con đường thứ nhất, người đọc dù sao cũng bị kéo ra khỏi cuốn sách bởi một sức mạnh bao giờ cũng ít nhiều được ngụy trang, nó giống như sự hồi hộp. Cuốn sách dần dần bị gạt bỏ và niềm vui thú lại nằm trong sự xói mòn nóng vội và kích thích. Tất nhiên, vấn đề chính yếu ở đây là niềm khoái lạc mang tính hoán dụ của mọi trần thuật, mà không nên quên rằng bản thân sự hiểu biết hay tư tưởng có thể được kể ra và bị cơn hồi hộp khuất phục. Và vì khoái cảm này gắn bó một cách rõ ràng với sự giám sát cái đang diễn ra và với việc khám phá ra điều bị che giấu, cho nên người ta có thể giả định rằng nó có một mối tương quan nào đó với việc nghe một vở kịch nguyên gốc. Tôi muốn tạm đình chỉ, tôi không còn chờ đợi, đó là hình ảnh thuần khiết của sự hưởng thụ, ở chỗ nó không thuộc về sự thỏa mãn. Vả chăng, cần phải tra vấn ngược lại những ngăn chặn, những sự chán ngấy của sự đọc: tại sao ta không tiếp tục đọc nữa? Tại sao Bouvard khi quyết định quan tâm đến Triết học về Lịch sử lại không thể “đọc hết bài Discours nổi tiếng của Bossuet[2]? Đó là lỗi của Bouvard hay của Bossuet? Có hay không các cơ chế hấp dẫn phổ quát? Có hay không cái logic tính dục của Tự sự? Lý thuyết Phân tích cấu trúc ở đây cần phải đặt vấn đề về Khoái cảm, đối với tôi dường như kể từ nay, nó đã có phương tiện để làm việc đó. Cuối cùng, có cuộc phiêu lưu thứ ba của sự đọc (tôi gọi phiêu lưu là cái cách mà Khoái cảm đến với người đọc). Có thể nói, đó chính là cuộc phiêu lưu của Sự viết. Sự đọc là cái dẫn truyền sự Ham muốn viết (bây giờ đây, chúng ta chắc chắn rằng có một niềm vui thú đối với sự viết, mặc dù niềm vui thú ấy vẫn còn bí ẩn đối với chúng ta); hoàn toàn không phải chúng ta mong muốn viết như là tác giả mà việc đọc ông ta làm cho chúng ta vui thích; điều mà chúng ta mong muốn đó chẳng qua là cái ham muốn mà người viết đã có khi viết, hoặc là chúng ta mong muốn cái ham muốn mà tác giả đã có đối với người đọc khi anh ta viết; chúng ta mong muốn cái sự hãy yêu tôi vốn tồn tại trong mọi sự viết. Đó chính là điều mà nhà văn Roger Laporte đã nói rất rõ ràng: “Một sự đọc thuần khiết mà không đòi hỏi một sự viết khác nào, đối với tôi là cái gì đó khó hiểu… Đọc Proust, Blanchot, Kafka, Artaud không làm cho tôi thèm khát viết về những tác giả đó (tôi nói thêm, như họ) mà chẳng qua là thèm viết thôi.” Trong bối cảnh này, sự đọc thực sự là một hoạt động sản xuất, không phải sản xuất ra những hình ảnh nội tâm, những dự phóng, những ảo ảnh, mà theo đúng nghĩa, nó sản xuất ra lao động: sản phẩm (được tiêu thụ) bị đảo ngược thành hoạt động sản xuất, thành sự hứa hẹn, sự ham muốn sản xuất, và cái chuỗi ham muốn đó lại bắt đầu diễn ra. Mỗi sự đọc đối với sự viết mà nó sinh ra, có giá trị đến vô tận. Sự vui thú sản xuất phải chăng là mang tính tinh hoa chủ nghĩa, và chỉ dành cho những nhà văn ảo mà thôi? Trong xã hội của chúng ta, cái xã hội tiêu thụ chứ không phải sản xuất, cái xã hội đọc, xem và nghe chứ không phải là xã hội viết, nhìn ngắm và lắng nghe, tất cả được tạo ra để ngăn chặn câu trả lời: những người viết không chuyên bị phân tán, lén lút, bị nghiền nát bởi hàng nghìn câu thúc, thậm chí là ở bên trong.

Đó là vấn đề văn minh. Nhưng đối với tôi, tôi tin tưởng sâu sắc và bền vững rằng không bao giờ ta có thể giải phóng sự đọc nếu như đồng thời, ta không giải phóng sự viết.



4. Chủ thể


Trước khi có sự kiện lý thuyết Phân tích cấu trúc, người ta đã tranh luận rất nhiều về các quan điểm khác nhaumà trong đó một tác giả được đặt vào để kể một câu chuyện – hay đơn giản là phát ngôn một văn bản. Cách thức móc nối người đọc vào lý thuyết Tự sự hay nói rộng hơn, vào Thi pháp học, có lẽ là xem bản thân người đọc chiếm giữ một điểm nhìn (hay nhiều điểm nhìn kế tiếp). Nói cách khác, là đối xử người đọc như là một nhân vật, làm cho người đọc trở thành một trong số những nhân vật (cho dù không bắt buột là nhân vật được ưu đãi) của sự hư cấu và/hoặc của Văn bản. Điều này đã được chứng minh bằng bi kịch Hy Lạp: người đọc là nhân vật ở trên sân khấu (cho dù là bí mật), là người duy nhất nghe/hiểu[3] được điều mà mỗi nhân vật trong số các cặp đối thoại không nghe/ hiểu được; hành động nghe/hiểu của anh ta là hành động kép (và vì thế tiềm ẩn tính đa dạng). Nói cách khác, vị trí đặc thù của người đọc chính là trò thay chữ (paragramme[4]), giống như điều đã ám ảnh Saussure (nhà bác học này có trở nên điên khùng hay không khi mình hoàn toàn chỉ là người đọc hay không?): sự đọc “thực sự”, tức sự đọc thừa nhận sự khẳng định của mình, có lẽ là một sự đọc “điên loạn” không phải là vì nó khám phá ra những ý nghĩa đâu đâu (tức là những “điều trái với lẽ phải”), cũng không phải vì nó “mê sảng” mà ở chỗ nó xuyên thấu sự đa dạng đồng thời của các ý nghĩa, các điểm nhìn, các cấu trúc, như là một không gian trải rộng, nằm ở bên ngoài những luật lệ cấm chỉ sự mâu thuẫn (“Văn bản” là sự thừa nhận cái không gian đó).

Sự tưởng tượng của người đọc toàn bộ – nghĩa là người đọc hoàn toàn đa dạng, có tính chất của trò thay chữ – có lẽ có ích ở chỗ nó cho phép thoáng nhận ra điều mà ta có thể gọi là sự Nghịch lý của người đọc. Người đọc thường thừa nhận rằng đọc tức là giải mã những con chữ, những từ, những nghĩa, những cấu trúc. Điều đó là không thể chối cãi nhưng bằng cách tích lũy những điều đã giải mã, bởi vì sự đọc có quyền năng vô tận, bằng cách tháo dỡ cái khóa an toàn của ý nghĩa và không kiểm soát sự đọc (đây là cái thiên hướng về mặt cấu trúc của nó), người đọc bị nắm giữ trong một sự đảo lộn biện chứng. Cuối cùng, anh ta không giải mã mà anh ta đứng trên mã; anh ta không đọc hiểu mà anh ta sản xuất, anh chất các ngôn ngữ thành đống, anh ta để cho chúng đi qua bất tận, không mệt mỏi: anh ta chính là sự đi ngang qua ấy.

Hơn nữa, đó chính là cái tình huống của chủ thể người, ít ra như nhận thức luận phân tâm học cố sức để hiểu điều đó. Chủ thể không còn là cái chủ thể tư duy của triết học duy tâm, mà nó đi ra khỏi mọi sự thống nhất, rồi bị mất hút trong sự bất tri kép về cái vô thức và về ý thức hệ của mình để chỉ giữ lại cái vòng quay ngựa gỗ là các ngôn ngữ. Do đó, tôi muốn nói rằng người đọc đó chính là cái chủ thể toàn bộ, còn phạm vi đọc là cái phạm vi của tính chủ quan tuyệt đối (theo nghĩa duy vật mà cái từ duy tâm cũ kỹ từ nay có thể có được): mọi sự đọc có một chủ thể, nó chỉ bị tách ra khỏi chủ thể này bởi những trung gian hiếm hoi và nhỏ bé, đó là việc học chữ, học một số nghi thức tu từ học. Vượt qua rất nhanh những trung gian ấy, chủ thể được tìm thấy trong cái cấu trúc cá thể của riêng nó: hoặc thèm muốn, hoặc đồi bại, hoặc hoang tưởng, hoặc tưởng tượng, hoặc loạn thần kinh – và tất nhiên, nó cũng được tìm thấy trong cái cấu trúc lịch sử của nó: nó bị tha hóa bởi ý thức hệ, bởi tập quán của mã.

Nói như vậy là để chỉ ra rằng ta không thể hy vọng một cách hợp lý vào một Khoa học về sự đọc, vào một Tín hiệu học về sự đọc, trừ phi ta hiểu rằng một ngày kia – đây là sự mâu thuẫn trong từ ngữ – có thể có một Khoa học về sự Bất tận (Inépuisement), về sự Chuyển di vô hạn. Sự đọc, đó quả thật là cái năng lượng, cái hành động sẽ nắm bắt trong văn bản này, trong quyển sách này, “cái không để cho các phạm trù của Thi pháp học làm cạn kiệt”. Sự đọc tóm lại là sự mất mát to lớn thường trực màvì thế, cái cấu trúc – vốn được lý thuyết Phân tích cấu trúc miêu tả một cách kiên nhẫn và có ích – sẽ bị sụp đổ, bị rạn nứt, bị mất hút, y như là mọi hệ thống logic rốt cuộc không gì có thể khép lại – bằng cách giữ nguyên vẹn điều cần phải gọi là sự vận động của chủ thể và của lịch sử: sự đọc có lẽ là nơi màcấu trúc trở nên điên đảo.

Viết cho Hội nghị Viết ở Luchon, 1975.

In trong Le Francais aujourd’hui, 1976.

Lý Thơ Phúc dịch từ nguyên tác tiếng Pháp Sur la lecture in trong cuốn Le bruissement de la langue, Seuil, 1984, pp 37-48,của Roland Barthes. (24/10/2012)


Chú thích :

[1]Nguyên tác: Analité. Từ này được định nghĩa: “Caractère d’ensemble du stade anal” (Larousse Multidico) (Tính chất chung của giai đoạn hậu môn). Giai đoạn hậu môn là một thuật ngữ của Freud chi giai đoạn khoái cảm tình dục nằm giữa giai đoạn miệng và giai đoạn dương vật (trong khoảng 2-4 tuổi).


[2] Paris, Gallimant, “Bibl. de la Pléiade”, p. 819.


[3] Động từ entendre trong tiếng Pháp có hai nghĩa: nghe và hiểu. Có lẽ ở đây, R. Barthes dùng cả hai nghĩa này trong ngữ cảnh này.


[4] Từ paragramme theo các từ điển thông thường như Larousse, có nghĩa là một cách chơi chữ bằng cách dùng con chữ này để thay cho chữ khác, ở đây tạm dịch là lối/trò thay chữ. Trang web http://www.philo5.com/Textes-references/RhetoriqueDorne_135Definitions_070502.htm cung cấp một định nghĩa khác, rõ hơn: “Faute (volontaire ou non) d’orthographe ou de prononciation qui consiste à substituer une lettre ou un son à un autre : Ce type est un vrai casse-nouilles. [pourcasse-couilles]”. (lỗi chính tả hay lỗi phát âm (cố ý hay không) bằng cách thay thế một chữ hay một âm bằng một chữ hay âm khác, ví dụ casse-nouilles – casse-couilles)

Thủ tướng đề nghị dừng hình sự hóa vụ quán Xin chào



Tác giả: Thu Hằng

.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu cơ quan tư pháp dừng ngay việc khởi tố vụ án hình sự chủ quán “Xin Chào”.

Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cơ quan tư pháp dừng ngay vụ việc chủ quán cà phê “Xin Chào” (ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) do chậm đăng ký kinh doanh nên bị khởi tố hình sự.

Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán “Xin Chào” bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố do chậm làm đăng ký kinh doanh


“Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cơ quan tư pháp trả lại hồ sơ, đồng thời làm rõ trách nhiệm, tiến hành kiểm điểm cá nhân, tập thể liên quan vụ việc và công khai cho nhân dân biết” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Sáng nay, tại cuộc họp báo của Công an TP.HCM, Phó giám đốc Công an TP, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho hay: “Chúng tôi có căn cứ để khởi tố hình sự, khởi tố bị can trong vụ án liên quan ông Tấn”.

Hiện vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện Kiểm sát nhân dân.

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng tham mưu công an TP.HCM, việc ông Tấn có tội hay không, tòa án sẽ phán quyết. “Công an có thể hơi nôn nóng, vội vàng… Nếu phát hiện vi phạm về tố tụng chúng tôi sẽ xử lý sau”, ông Quang cho hay.

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tam-diem/300625/thu-tuong-de-nghi-dung-hinh-su-hoa-vu-quan-xin-chao.html

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Đặc điểm của người hữu dụng




TIẾN THÀNH


Người hữu dụng là người có khả năng dùng được, có thể dùng được. Nhiều người không thông minh nhưng hữu dụng, vì họ tuân theo các nguyên tắc. Người hữu dụng lại có tài thì gọi là người đắc lực, nếu không thì họ cũng vẫn “tròn vai”.


Người hữu dụng duy trì sự ổn định, nhưng nếu muốn phát triển, phải cần đến người đắc lực. Hai đặc điểm lớn nhất của người đắc lực là 1. tổ chức công việc hiệu quả, và 2. giải quyết vấn đề khi gặp sự cố. Dưới đây là những đặc điểm của người đắc lực:

1. Nghiêm khắc với bản thân
Một trong những điều khó chịu nhất với người hữu dụng là không hiểu điều gì đó. Với những người này, điều khó chịu nhất là gặp thứ gì đó mà không hiểu. Tại sao lại thế? Bởi với những người đắc lực, mọi thứ đều dễ dàng. Ưu điểm của họ là tìm hiểu cách hoạt động của một hệ thống và tối ưu nó. Do vậy khi có thứ gì đó không hiểu được, họ sẽ cảm thấy rất tồi tệ và liên tục trách móc mình.

2. Cập nhật tin tức (nắm bắt thời cuộc)

Để là người đắc lực, phải hiểu rõ thời cuộc. Do đó, những người này luôn theo dõi và nắm bắt thế giới xung quanh. Nhu cầu thông tin với người đắc lực là tất yếu. Họ cần biết những gì đang xảy ra xung quanh mình. Họ cần biết mọi người đang nghĩ gì, và muốn gì.

3. Hay bị hiểu nhầm

Tất nhiên, người đắc lực phải là người thông minh. Người thông minh luôn có những suy nghĩ logic ở trong đầu, nên khi diễn giải, người khác khó hiểu ngay. Do đó họ hay bị hiểu nhầm.



Có thể sự hài hước của họ quá tinh tế làm người khác khó nhận ra. Có thể từ ngữ hoặc cách diễn giải của họ khác thông thường nên người khác khó hiểu. Người đắc lực (thông minh) thường hay phải giải thích suy nghĩ của mình với người khác.

4. Thích các trò chơi trí tuệ

Người đắc lực thông minh nên họ thích các trò chơi. Vì chơi là để tính toán, để thi thố và thử thách óc logic. Khi chơi họ phải tập trung suy nghĩ. Người thông minh luôn thích suy nghĩ, họ không thích đầu óc để không.

5. Là bạn của những người đắc lực khác

Người đắc lực có xu hướng muốn ở bên những người đắc lực khác. Vì họ hiểu mình, người người, hiểu đời nên có thể nhìn ra được những anh chàng vô dụng. Và họ hiểu là cách tốt nhất là tránh xa những anh chàng ấy.

Có thể trong giao thiệp họ vẫn giao lưu, kết nối… Nhưng khi vào thực việc, họ chỉ tìm những người đắc lực. Chí ít thì cũng phải hữu dụng. Những người có “chất” thể hiện ở ba điểm: sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn.

6. Đặt kỳ vọng cao cho mình
Người đắc lực luôn kỳ vọng mình sẽ làm điều gì đó vĩ đại. Người đắc lực thường thông minh, nên ngay từ khi còn nhỏ, họ đã học và nghĩ về những điều khó hơn bình thường. Bởi thế, người đắc lực có xu hướng đặt ra cho mình những kế hoạch lớn trong tương lai.


Đánh giá một người có đắc lực hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như điểm mạnh hay điểm yếu của họ, rồi môi trường họ đang công tác, và tính chất công việc phù hợp với họ. Ta đều biết, không thể bắt cá leo cây hay mèo lội nước. Dê thì leo núi, còn khỉ thì leo cây.

Tổng hợp từ Dân Trí

Trung Quốc Trỗi Dậy Và Suy Tàn: Giới Hạn Của Quyền Lực





Nguyễn Quang Dy


“Quyền lực đẻ ra từ nòng súng” (Mao Trạch Đông)

Câu nói của Mao (quyền lực đẻ ra từ nòng súng) chỉ đúng một phần. Thứ nhất, nó chỉ đúng với quyền lực cứng, chứ không đúng với quyền lực mềm, vì súng và tiền không thể đẻ ra quyền lực mềm. Thứ hai, nó chỉ đúng với việc giành quyền lực, chứ không đúng với việc giữ quyền lực, vì muốn giữ quyền lực lâu dài thì phải đổi mới và phát triển. Muốn phát triển bền vững phải đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị. Nhưng “quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối”, nên những kẻ độc tài và tham nhũng không chịu đổi mới chính trị.

Chính Mao đã từng nói “chính trị là thống soái” (politics in command) và hô hào phải làm “cách mạng thường trực”. Chính Mao đã huy động “Hồng vệ Binh” (fringe power) đối đầu và đánh sập hệ thống quyền lực của Đảng (mainstream power) để giành lại quyền lực (độc tôn). Chính Mao đã tạo ra “tiền lệ chống Đảng” (bằng bạo lực). Phải chăng Tập Cận Bình cũng đang bắt chước Mao một cách “sáng tạo” theo “Neo-Maoism” để giành quyền lực (độc tôn). Đối với Mao (và Tập) chính trị là độc tài. Cả Mao và Tập đều sùng bái quyền lực tuyệt đối và áp dụng sùng bái cá nhân, nên không hiểu giới hạn của quyền lực cứng.

Giới hạn của quyền lực không phải là điều mới lạ. Bệnh sùng bái quyền lực rất phổ biến, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác. Con người vốn sợ quyền lực, sợ kẻ mạnh, sợ nước lớn (như sợ Trung Quốc). Một số người (ở Việt Nam) sợ Trung Quốc nên không dám phản kháng khi bị họ bắt nạt; không dám kiện khi bị họ xâm phạm chủ quyền; không dám chơi với nước khác làm đối trọng vì sợ họ giận. Một số nước không dám lên án Trung Quốc quân sự hóa và lấn chiếm Biển Đông, vì sợ mất lòng Trung Quốc, và mất lợi ích kinh tế.

Napoléon Bonaparte đã từng nói “Trung Quốc là một người khổng lồ đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ yên, vì khi thức dậy nó sẽ làm đảo lộn thế giới”. Lời cảnh báo đó nay đã trở thành sự thật. Trung Quốc đã trỗi dậy (không hòa bình), bắt nạt các nước yếu hơn, và thách thức trật tự thế giới. Nhưng Trung Quốc mạnh tới đâu và có đáng sợ không? Sức mạnh của họ có giới hạn không? Và làm thế nào để đối phó với sức mạnh của Trung Quốc?

Trung Quốc trỗi dậy: Dựa vào quyền lực cứng

Sau ba thập kỷ phát triển kinh tế ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng hai con số, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang cạnh tranh với Mỹ về kinh tế và quân sự, với tham vọng sẽ vượt cả Mỹ. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ (với 1.300 tỷ USD tài sản). Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới, tuy gần đây đã bị tụt xuống mức 3.300 tỷ USD (cuối năm 2015). Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2016 tuy tăng một cách khiêm tốn là 7,6% nhưng vẫn đứng thứ hai thế giới (146,67 tỷ USD), chỉ sau Mỹ (573 tỷ USD cho ngân sách năm 2016).

Trung Quốc không chỉ là “quái vật kinh tế” (economic monster) như Nhật trước đây, mà còn là “quái vật quân sự” (military monster). Trung Quốc vừa sử dụng “cái gậy” để triển khai quyền lực (project power), vừa sử dụng “củ cà rốt” để mua chuộc các nước bằng túi tiền (checkbook diplomacy). Để mua chuộc Pakistan, Trung Quốc đã đầu tư 46 tỷ USD (4/2015). Để cạnh tranh với thể chế tài chính của Mỹ và Nhật, Trung Quốc đã khởi xướng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) và góp vốn 50 tỷ USD (4/2015). Tập Cận Bình muốn theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” để làm bá chủ thế giới bằng “Một vành đai, Một con đường”. Đó là con đường cực đoan dựa trên sức mạnh cứng của cơ bắp và tiền.

Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc thách thức Nhật Bản, đòi chủ quyền đảo Điếu Ngư và áp đặt Khu vực Nhận diện Phòng không (ADIZ). Tại Biển Đông, Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam bằng giàn khoan HD981, bồi đắp các đảo đá ngầm và xây dựng các căn cứ quân sự, thách thức quyền tự do hàng hải quốc tế với yêu sách “đường chín đoạn”, nhằm kiểm soát và độc chiếm Biển Đông. Bằng “cái gậy” và “củ cà rốt”, Trung Quốc tăng cường phân hóa và thao túng các nước ASEAN (như cách tách bó đũa ra để bẻ từng chiếc) nhằm đối phó với chính sách ngăn chặn của Mỹ.



Đảo Trường Sa Lớn năm 2012 -Ảnh: Lê Văn Hùng

Khi Tập Cận Bình đến thăm Canberra (17/11/2014), chính phủ Tony Abbott đã trải thảm đỏ đón như một hoàng đế. Tập Cận Bình đã đọc diễn văn tại Quốc Hội Úc, nhấn mạnh hai nước “tay trong tay” và “vai kề vai” vì sự phát triển hai nước và ổn định khu vực. Khác với chuyến thăm vội vàng của Tổng thống Obama (11/2014), Tập Cận Bình đã được chính phủ Úc tìm mọi cách làm hài lòng (kể cả việc trước đó bỏ công sức và tiền bạc tìm kiếm vô vọng chiếc máy bay mất tích MH-370) để lấy lòng Trung Quốc, nhằm ký được một hiệp định thương mại có lợi cho nền kinh tế đang cần vốn và thị trường.



Không biết có phải vì họ ngộ nhận hay ngây thơ về Trung Quốc hay không, mà chính phủ bang Northern Teritory đã quyết định cho tập đoàn Landbridge thuê cảng Darwin 99 năm, với giá 506 triệu AUD. Quyết định này đã bị dư luận báo chí trong nước thổi còi và chính phủ Mỹ phản ứng (New York Times, 21/3/2016). Landbridge có quan hệ mật thiết với PLA, và Darwin là nơi đóng quân của 2500 lính thủy đánh bộ Mỹ theo kế hoạch “xoay trục” sang Châu Á để đối phó với Trung Quốc.

Nước Anh cũng tuyên bố về một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Trung Quốc và bày tỏ nguyện vọng được làm “người bạn tốt nhất” của Trung Quốc tại Tây Âu. Khi Tập Cận Bình đến thăm London (20-23/10/2015) chính phủ David Cameron không chỉ trải thảm đỏ mà còn “treo cờ trắng đầu hàng” (về vấn đề Hong Kong) để đổi lấy những lợi ích kinh tế (nghe nói là 6 tỷ USD). Một cựu cố vấn cho Thủ tướng Anh (ông Steven Hilton) nhận xét rằng việc cúi đầu chịu khuất phục Trung Quốc là “sai lầm về đạo đức và thiển cận về kinh tế”. Nói cách khác, không nên làm bạn với “con mãng xà nấp trong chùm đèn” (tên một bài báo của Perry Link). Một nhà hoạt động nhân quyền người Anh (ông Benedict Rogers) bình luận, “Trung Quốc là kẻ bắt nạt, chúng ta cần đứng lên…”(Jonathan London blog, 3/3/2016).

Không phải chỉ có Úc và Anh sợ Trung Quốc mất lòng, mà nhiều nước khác (như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Cambodia và Thailand) cũng thích “củ cà rốt” Trung Quốc. Nhưng gần đây, Malaysia và Indonesia bắt đầu thay đổi thái độ, vì Trung Quốc hành xử quá thô bạo. Tập Cận Bình đang thể hiện “xu hướng Phát-xít” trong nước và cách ứng xử ngày càng trắng trợn ở ngoài nước. Tình hình chính trị bên trong Trung Quốc hiện đáng báo động, và là mối đe dọa cho sự ổn định trong khu vực. (Jonathan London blog, 22/3/2016).

Trung Quốc suy tàn: Thiếu quyền lực mềm

Mô hình phát triển kinh tế với “bản sắc Trung Quốc” (Chinese exceptionalism) dựa trên thuyết “authoritarian resilience” được đánh giá là động lực chính đưa Trung Quốc cất cánh về kinh tế (sau sự kiện Thiên An Môn). Mô hình này đã giúp Trung Quốc phát triển ngoạn mục trong một thời gian, nhưng đến nay đã hết đà và hết hiệu nghiệm. Kinh tế Trung Quốc không thể dựa mãi vào xuất khẩu, mà cần phải chuyển đổi cơ cấu (dựa trên sức mua cho tiêu dùng trong nước). Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã phát triển “kịch đường” (Paul Krugman), và đang gặp phải những mâu thuẫn trầm trọng, có thể dẫn đến sụp đổ hệ thống, nếu không đổi mới chính trị và dân chủ hóa. Nhưng đổi mới lại mâu thuẫn với bản chất chế độ chuyên chế độc đảng, đúng lúc này chuyển hướng cực đoan, tăng cường trấn áp.

Thay vì đổi mới thể chế chính trị thì Tập Cận Bình lại tăng cường kiểm soát và trấn áp. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ (CCDI) do Vương Kỳ Sơn làm Bí thư, là cánh tay phải của Tập Cận Bình và là cơ quan quyền lực đáng sợ nhất. CCDI đã bắt 160 “hổ to” (cán bộ cao cấp) và 1.400 “hổ nhỏ” để điều tra tham nhũng, nhằm “giết gà dọa khỉ” (xiaji jinghou). Dưới ngọn cờ chống tham nhũng, Tập Cận Bình đã ráo riết thanh trừng các đối thủ chính trị. Bộ Công nghệ Thông tin (MIT) còn ra quy định cấm các công ty báo chí do nước ngoài đầu tư không được xuất bản kể cả trực tuyến, nếu không được phép. Tập Cận Bình tuyên bố, “Tất cả các cơ quan truyền thông do Đảng chỉ đạo phải nói tiếng nói của Đảng và bảo vệ uy quyền và thống nhất của Đảng”. (Orville Schell, New York Review of Books, April 21, 2016).



Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, phải, với Wang Qishan, người đã là lực lượng chính trong cuộc đàn áp gần đây dưới chức vụ thư ký của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Bắc Kinh, tháng ba năm 2015.

Giới nghiên cứu độc lập và các giáo sư có quan điểm cởi mở tại các viện nghiên cứu và các trường đại học rất lo ngại về “hệ quả đáng sợ” của các chính sách cực đoan này đối với học thuật. Nhiều luật sư về nhân quyền đã bị bắt, trong số 300 luật sư với các cộng sự và người thân của họ, trong “Chiến dịch 709” (từ 9/7/2013). Từ năm 2013, tỉnh Chiết Giang đã tiến hành chiến dịch phá hủy thánh giá trên các nhà thờ, đến nay hơn 1.000 cây thánh giá đã bị phá hủy, gồm các nhà thờ bị xử phạt chính thức. Nhiều nhà báo và học giả nước ngoài không được cấp visa nhập cảnh. Chiến dịch trấn áp này còn vươn ra khỏi Trung Quốc.

Chiến dịch trấn áp này không phải chỉ giống thời Cách mạng Văn hóa mà còn giống mô hình “Đông Xưởng” (Eastern Depot) thời nhà Minh, dưới đời vua Chu Lệ (Yongle Emperor, 1402-1424) với một hệ thống mật thám theo dõi nội bộ rất chặt chẽ, để bảo vệ vương quyền. Các cơ quan tuyên truyền của Đảng gọi Tập Cận Bình là lãnh đạo “nòng cốt” (hexin) theo kiểu “độc tài cá nhân” (dictatorial personality). Nhiều người lo ngại Trung Quốc đang trượt theo xu hướng Mao (Neo-Maoism), chứ không theo xu hướng Đặng Tiểu Bình, và ngày càng giống mô hình “Đông Xưởng” đầy tai tiếng. Nhưng tăng cường kiểm soát và trấn áp không có nghĩa là Trung Quốc đang mạnh lên, mà là đang suy yếu. Theo David Shambaugh, Trung Quốc đang trong “màn chót” (endgame) hay trong “buổi hoàng hôn” (twilight) của chế độ cộng sản (Minxin Pei). Còn theo Ross Peros thì Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng” (hard landing).

Bất chấp trấn áp, dư luận phản đối Tập Cận Bình vẫn không bị dập tắt. Trong một bức thư ngỏ lưu hành trên mạng , phóng viên Tân Hoa Xã Zhou Fang đã phê phán chính sách kiểm duyệt thô bạo và cực đoan của Tập Cận Bình là “vi phạm quyền tự do ngôn luận trực tuyến”. Một bức thư ngỏ khác của một nhóm các “Đảng viên Cộng sản Trung kiên” (đăng trên website CCDI) không những lên án Tập về tệ “sùng bái cá nhân” mà còn công khai kêu gọi Tập từ chức vì, “không có năng lực lãnh đạo Đảng và đất nước tiến vào tương lai…”

Bức thư đó lập luận rằng “chính sách đối ngoại hung hăng của Tập đã gây hấn với các nước láng giềng và để Mỹ giành ảnh hưởng, trong khi làm Hong Kong và Đài Loan li tán. Quản trị kinh tế của Tập đã dẫn đến sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán năm ngoái, làm cho các doanh nghiệp nhà nước phải sa thải hàng loạt nhân viên và làm nền kinh tế suy sụp”. Một giáo sư của trường Đảng cảnh báo “đàn áp sẽ gây nguy hiểm cho Đảng”. Theo Andrew Nathan, những ý kiến chỉ trích đăng trên website CCDI chứng tỏ những người ủng hộ Tập đang lo ngại những quyết sách của ông có thể làm sụp đổ chế độ (Washington Post, March 29, 2016).

Người dân lo sợ tìm mọi cách chuyển tiền ra nước ngoài, làm Trung Quốc chảy máu ngoại hối ngày càng nhiều. Riêng năm 2015, đã có 1000 tỷ USD chạy khỏi Trung Quốc, làm dự trữ ngoại hối chỉ còn 3.300 tỷ USD. Chỉ cần 5% dân số Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài hợp lệ (mỗi người được chuyển 50.000 USD/năm) thì số dự trữ ngoại hối nói trên sẽ hết sạch. Theo AFP (20/1/2016) 1/4 số công ty Hoa Kỳ kinh doanh tại Trung Quốc đang rút khỏi nước này. Chỉ trong 3 tháng đầu 2016, tổng giá trị ngoại tệ mà Trung Quốc mua lại các công ty nước ngoài là 73 tỷ USD (so với 6,2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái).

Đảng Cộng Sản Trung Quốc càng dựa vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bài ngoại, thì các chính sách của Tập Cận Bình càng cản trở Bắc Kinh trong việc điều chỉnh mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng tại Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông. Những bước ngoặt lớn trong quan hệ Trung-Nhật và Trung-Việt đã làm thay đổi bức tranh địa chính trị tại hai khu vực trọng yếu này. Trong khi Nhật buộc phải thay đổi hiến pháp (điều 9) để tái vũ trang, thì Việt Nam buộc phải xoay trục xích lại gần Mỹ, theo hướng đối tác chiến lược.

Giới hạn của quyền lực

Việt Nam trước đây không sợ Trung Quốc, dám chống lại khi bị Trung Quốc xâm lược và đô hộ. Người Việt đã từng thắng, dù người Trung Quốc mạnh hơn nhiều lần, dù thời trước người Việt không có đồng minh nào làm đối trọng. Đó là sự thật lịch sử. Nhưng khi thắng trận, các cụ thời trước rất khiêm tốn, không hạ nhục đối phương (không ghi kẻ thù vào Hiến pháp và không xua đuổi người Hoa). Các cụ còn xin lỗi đối phương để hòa giải, vì họ là nước lớn. Đó là văn hóa ứng xử khôn ngoan. Nói cách khác, đó là quyền lực mềm.

Khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam (2/1979), họ đã sử dụng một lực lượng lớn hơn nhiều lần, tấn công trên toàn tuyến biên giới, trong khi lực lượng cơ động chiến lược tinh nhuệ của Việt Nam còn ở Campuchia (chưa chuyển quân về kịp thời). Nhưng quân đội Trung Quốc đã bị tổn thất nặng nề, chủ yếu bởi lực lượng tại chỗ của Việt Nam. Có nhiều lý do, như địa hình hiểm trở, quân đội Trung Quốc lúc đó còn yếu kém về trang bị và chiến thuật, ý chí chiến đấu của người Việt Nam lúc đó rất cao, làm giới hạn quyền lực cứng Trung Quốc.

Trong suốt cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, Trung Quốc chỉ thắng một trận lớn đáng kể là trận Lão Sơn, khi giành giật cao điểm 1509 tại Vị Xuyên (4/1984). Họ thắng chỉ vì có kẻ phản bội làm nội gián cung cấp kế hoạch tấn công của ta cho địch. Bốn năm sau (3/1998), Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma (Johnson South Reef). Việt Nam mất Gạc Ma không phải chỉ vì lực lượng quá chênh lệch (ta chỉ có lính công binh giữ đảo), mà còn vì “lệnh trên” không cho nổ súng, nên đơn vị giữ đảo đã bị địch tàn sát (hy sinh 64 chiến sĩ). Thất bại Gạc Ma và Lão Sơn là vết nhục và mối hận đối với quân đội Việt Nam. Cuốn sách “Vòng tròn Bất tử” (do tướng Lê Mã Lương chủ biên) không được xuất bản là một món nợ.

Khi chiến tranh Việt Nam bắt đầu chuyển giai đoạn (1965), tổng thống John Kennedy lưỡng lự trước quyết định can thiệp quân sự. Nhưng dàn cố vấn của ông gồm những người “tài giỏi và thông minh nhất nước Mỹ” (the best and the brightest) ủng hộ can thiệp quân sự. Trong đó có cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy và bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara. Chỉ có George Ball (trợ lý Ngoại trưởng) nhìn thấy trước sai lầm và cố can ngăn tổng thống đừng can thiệp, nhưng họ không nghe. George Ball là người có tầm nhìn.

Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã triển khai tối đa sức mạnh cứng. Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã triển khai “hàng rào điện tử” để ngăn chặn quân đội Bắc Việt thâm nhập, nhưng đã bất lực. Mỹ đã dùng hỏa lực tối đa (kể cả máy bay ném bom B52), tưởng sẽ bình định được Việt Nam trong vòng 18 tháng, nhưng họ đã nhầm. Chiến tranh Việt Nam đã làm người Mỹ nhận ra “giới hạn của quyền lực” (limits of power).

Vài tử huyệt của Trung Quốc

Vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”. Chỉ cần quan sát dòng tiền đi đâu về đâu là biết sức khỏe nền kinh tế thế nào. Nhiều tiền như Trung Quốc chưa chắc đã khỏe. Thiếu tiền như Việt Nam hiện nay cũng khốn đốn. Thật là một câu hỏi hóc búa khi Giám đôc World Bank hỏi thẳng thủ tướng NTD, “chính phủ ông lấy đâu ra tiền để phát triển nhanh và bền vững”. Điều bà Victoria Kwakwa không tiện hỏi là “tiền viện trợ đi đằng nào?”

Thứ nhất, dòng tiền chạy ra khỏi Trung Quốc đang đe dọa dự trữ ngoại hối. Khoảng 1.400 tỷ USD đã chạy khỏi Trung Quốc trong 10 năm qua. Riêng năm 2015, khoảng 1.000 tỷ USD đã chạy mất, làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối, gây bất ổn cho nền kinh tế. Nhiều quan chức tham nhũng và các đại gia làm ăn mờ ám tìm mọi cách trốn thuế và rửa tiền. Hồ sơ Panama là một quả bom nổ chậm khổng lồ, lớn hơn nhiều so với hồ sơ “Offshoreleaks” (2013).



Theo tờ Guardian (1/2014), Liên minh Báo chí Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã nắm được hơn 200 GB dữ liệu tài chính bị rò rỉ liên quan đến các công ty tài chính (PricewaterhouseCoopers, Credit Suisse và UBS) đã làm trung gian lập công ty vỏ bọc tại British Virgin Islands cho các quan chức Trung Quốc. Tài liệu của ICIJ tiết lộ hơn 21.000 khách hàng từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã lợi dụng các tài khoản để trốn thuế ở BVI. Với 11,5 triệu tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu về Mossack Fonseca, nếu được lần lượt công bố thì chưa thể hình dung hệ quả sẽ thế nào. Trong khi thủ tướng Iceland vừa tuyên bố từ chức, thì nhiều người khác có liên can chắc vẫn đang nín thở chờ, hay nghĩ cách đối phó.

Theo tờ New York Times (10/2012) công ty tư vấn luật của con gái ông Ôn Gia Bảo, tên là Lily Chang, đã được JPMorgan, trả 1,8 triệu USD… Tài liệu của ICIJ cho biết mối liên hệ giữa cô Chang và công ty tư vấn Fullmark Consultants được lập năm 2004 ở BVI dưới tên chồng của Chang là Liu Chunhang, tồn tại đến năm 2006 trước khi anh này chuyển đi làm cho một ngân hàng ở Trung Quốc. Quyền sở hữu Fullmark Consultants khi đó được chuyển sang cho Zhang Yuhong, một người bạn của gia đình Ôn Gia Bảo. Tờ New York Times nói rằng Zhang Yuhong có liên hệ tới các hoạt động làm ăn của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo, và cáo buộc gia đình ông Ôn Gia Bảo đã tích lũy tài sản lên tới 2,7 tỷ USD trong thời gian ông cầm quyền. ICIJ cũng tiết lộ con trai ông Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng đã thành lập công ty Trend Gold Consultants tại BVI dưới sự trợ giúp của Credit Suisse (năm 2006).

Hồ sơ Panama cho biết, gần một phần ba thương vụ của tập đoàn Mossack Fonseca đến từ văn phòng tại Hong Kong và Trung Quốc, khiến Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất và Hong Kong là văn phòng bận rộn nhất của họ. Thật trớ trêu là từ khi cầm quyền (2012), ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” mạnh mẽ. Hơn 300.000 quan chức Trung Quốc đã bị thanh trừng vì vi phạm luật chống tham nhũng… Hồ sơ Panama xuất hiện đúng vào lúc gay cấn nhất đối với Tập Cận Bình.

Theo Hồ sơ Panama, Mossack Fonseca đã giúp ông Đặng Gia Quý, anh rể ông Tập Cận Bình (chồng của Tập Kiều Kiều là chị gái ông Tập) lập ba công ty tại Virgin Islands (năm 2009). Năm 2012, hãng Bloomberg News cũng đã phát hiện các khoản tiền đầu tư lên tới 365 triệu USD của gia đình ông Tập Cận Bình khi còn là phó Chủ tịch Nước. Một phần của khối tài sản nói trên được nộp vào công ty của ông Đặng Gia Quý.

Ngoài ra, trong hồ sơ Panama còn có tên tuổi nhiều người khác như bà Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng và cô Jasmine Li, cháu gái ông Giả Khánh Lâm, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSTrung Quốc. Công ty của bà Lý Tiểu Lâm, tên là Cofic Investments Ltd, có địa chỉ tại British Virgin Islands, còn cô Jasmine Li đã nhận được một công ty ở hải ngoại khi còn tuổi vị thành niên. Trong Hồ sơ Panama còn có tên tuổi các thân hữu của hai đương kim ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSTrung Quốc là ông Trương Cao Lệ và Lưu Vân Sơn.

“Đả hổ diệt ruồi” là con dao hai lưỡi. Tuy chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của Tập Cận Bình đã thanh trừng được hơn 300.000 quan chức tham nhũng, nhưng cũng gây ra mâu thuẫn nội bộ rât sâu sắc, làm xã hội hoảng loạn (như thời cách mạng văn hóa) và làm bộ máy công quyền gần như tê liệt, với những tin đồn dai dẳng về nguy cơ đảo chính và ám sát. Vụ Lệnh Hoàn Thành (anh của Lệnh Kế Hoạch đang bị giam) chạy sang Mỹ, đem theo nhiều tài liệu tối mật (nghe nói còn quan trọng hơn cả vụ Vương Lập Quân) là một quả bom nổ chậm đang làm đau đầu Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn. Vụ Panama papers làm cho Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn còn đau đầu hơn nhiều (như mất chính danh). Trong khi các đối thủ chính trị trong nước có thể lợi dụng để phản công, thì các chính phủ nước ngoài có thể tìm cách khống chế Mossack Fonseca, một khi họ muốn trừng phạt kinh tế Trung Quốc. Trong thế giới toàn cầu hóa, các nhà độc tài (như Tập hay Putin) không ai an toàn tuyệt đối.

Thứ hai, kinh tế suy thoái dẫn đến phá giá đồng tiền, chứng khoán đổ vỡ, nguy cơ nợ xấu và vỡ bong bóng bất động sản, thất nghiệp và biểu tình tăng nhanh (năm 2015 có 28 triệu công nhân thất nghiệp và 2.700 vụ đình công). Trong khi người nghèo “di cư ngược” về nông thôn, thì người giàu di cư ra nước ngoài một cách ồ ạt. Người ta nói chứng khoán đổ vỡ là một cuộc ‘tàn sát tầng lớp trung lưu”, làm dòng người chạy khỏi Trung Quốc ngày càng lớn. Nói cách khác, đây là hiện tượng dân chúng “bỏ phiếu bằng chân”.

Thứ ba, phong trào “thoát Trung” ngày càng rõ (tại Hong Kong, Đài Loan), trong khi phong trào li khai (có thể kèm theo cả khủng bố) ngày càng gia tăng (tại Tân Cương, Tây Tạng). Dư luận Hông Kong ngày càng bất bình về chính sách của Bắc Kinh, không tôn trọng những cam kết về quyền tự do dân chủ cho Hồng Kong, là nguyên nhân chính làm nổ ra phong trào biểu tình “bất tuân dân sự” (năm 2014). Tại Đài Loan, việc Đảng đối lập Dân Tiến bất ngờ thắng cử và bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống (1/2016) đã làm Bắc Kinh đau đầu.

Thứ tư, ô nhiễm môi trường và thực phẩm nhiễm độc ngày càng nặng, tới mức báo động, không những làm chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc ngày càng bất ổn, mà còn làm cho hình ảnh của Trung Quốc ngày càng xấu xí. Một xã hội bất an và chất lượng cuộc sống bất ổn, trong khi tự do dân chủ và nhân quyền bị bóp nghẹt, là một xã hội tụt hậu. Trong khi đó, bóng ma Thiên An Môn và oan hồn của những người dân tập Pháp Luân Công bị sát hại, đang chờ đòi mạng, như một quả bom nổ chậm chưa được tháo ngòi.

Thứ năm, xung đột tại Biển Đông và Biển Hoa Đông do thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc đã buộc Việt Nam phải xoay trục xích lại gần Mỹ như đối tác chiến lược (trên thực tế), và buộc Nhật phải thay đổi hiến pháp để tái vũ trang nhằm tự vệ và bảo vệ đồng minh tại khu vực (Biển Đông). Trước mối đe dọa của Trung Quốc, vai trò của Nhật tại khu vực Đông Á ngày càng lớn. Cùng với chính sách “xoay trục” của Mỹ và TPP, những thay đổi địa chính trị tại khu vực đang làm cho Trung Quốc ngày càng bị cô lập.

Thay cho lời kết

Khi Nhật đứng trên đỉnh cao quyền lực (trước khủng hoảng 1997) ai cũng lo “Nhật mua cả thế giới”. Nhật cũng bị suy sụp vì khủng hoảng, thì Trung Quốc không phải ngoại lệ. Nếu sức mạnh chỉ dựa trên quyền lực cứng, thì nó chỉ nhất thời. Muốn phát triển bền vững, Trung Quốc phải đổi mới thể chế, cả kinh tế lẫn chính trị. Trung Quốc tăng cường kiểm soát và trấn áp các quyền tự do dân chủ (bên trong) và hung hăng với bên ngoài, không phản ánh sức mạnh đang lên, mà bộc lộ thế yếu đi xuống, nên lo sợ đối phó để duy trì nguyên trạng.

Để đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc, các nước ASEAN phải đoàn kết. Các nước có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, cần ngồi lại với nhau để giải quyết tranh chấp, không bị phân hóa, để có tiếng nói chung với Trung Quốc. Khối “tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) cần củng cố thể chế và phối hợp chặt chẽ trong vai trò an ninh khu vực, bao gồm tuần tra chung và giúp các nước ASEAN (đặc biệt là Philippines và Việt Nam) tăng cường khả năng phòng thủ, thông qua khuân khổ Đối tác Chiến lược Mỹ-ASEAN, TPP và Tầm nhìn Đông Á. Cần dựa trên các khuân khổ hợp tác an ninh (cả cũ và mới), để tăng cường hợp tác quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp tập trận và tuần tra chung tại Biển Đông, để đảm bảo nguyên tắc tự do hàng hải quốc tế.

Theo Thượng nghị Sỹ John McCain, đã đến lúc Mỹ phải vượt qua những động tác tượng trưng để xúc tiến “một chiến dịch tự do trên biển” mạnh mẽ, cả về nhịp độ và quy mô chương trình tuần tra FONOP của các chiến hạm Mỹ tại Biển Đông để thách thức thái độ của Trung Quốc. Cần tăng cường các hoạt động tập trận và tuần tra chung, thu thập tin tức tình báo tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Trước thay đổi về tương quan lực lượng, Mỹ phải tập trung tăng cường vị thế quân sự tại khu vực, phù hợp với Báo cáo của CSIS tại Quốc hội gần đây, bao gồm triển khai thêm các lực lượng không quân, hải quân, và lục quân tại khu vực này để làm cho các nước đồng minh yên tâm (Financial Times, April 12, 2016).

Trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới (5/2016) hy vọng tổng thống Obama có tiếng nói chung với TNS John McCain, để chấm dứt “tiếng kèn ngập ngừng” trong trò chơi “mèo vờn chuột” ở Biển Đông. Đối tác chiến lược Mỹ-Việt phụ thuộc vào cách thức chính quyền Obama (hay chính quyền tiếp theo) triển khai chính sách “tái cân bằng” để ngăn chặn Trung Quốc, cũng như thái độ hợp tác thực sự của dàn lãnh đạo mới tại Hà Nôi.

Tham khảo

1. “America needs more than symbolic gestures in the South China Sea”, John McCain, Financial Times, April 12, 2016

2. “A Gut Check on US China Policy”, Elizabeth Economy, Council on Foreign Relations, April 5, 2016

3. “Crackdown in China: Worse and Worse”, Orville Schell, New York Review of Books, April 21, 2016

4. “Xi Jinping flirts with danger in his turn to ideology”, Stein Ringen, South China Morning Post, April 11, 2016,

5. “Chinas resistance to Xi Jinping slide into Maoism”, Editorial Board, Washington Post, March 28, 2016



Nguyễn Quang Dy

Kết quả khảo sát buồn: nước Mỹ đã trở thành cực kỳ ngu xuẩn!




Mười năm trước đây có một bộ phim Hollywood lớn mang tên "Idiocracy" phát hành. Đó là phép ẩn dụ tuyệt vời cho những gì xảy ra với Mỹ trong suốt thập kỷ tiếp theo. Trong phim, một "người Mỹ trung bình" tỉnh giấc 500 năm sau trong tương lai và khám phá ra rằng ông ta là người thông minh nhất vượt xa cái xã hội đã "ngu đi" mà ông ta thấy mình trong đó.


Đáng buồn thay, tôi thực sự tin rằng nếu 1 người có trí tuệ trung bình những năm 1950 và 1960 được đưa đến năm 2016, họ có khả năng được coi là đại trí tuệ so với phần còn lại của chúng tôi. Chúng tôi có một quốc gia nơi bọn tội phạm đang được trả tiền $1.000 mỗi tháng không để bắn người, và người lao động công được hưởng lương cao nhất trong hơn một nửa đất nước là một huấn luyện viên bóng đá. Hầu như không ai có thì giờ để đọc sách nữa, nhưng người Mỹ trung bình dành 302 phút một ngày xem truyền hình. 75% thanh niên của chúng tôi không thể tìm thấy Israel trên bản đồ Trung Đông, nhưng họ chắc chắn biết làm thế nào để tìm trang web đen trên Internet.


Cái gì đã xảy ra đối với chúng tôi trên thế giới? Làm thế nào mà chúng tôi đã quá ngu ngốc? Theo một báo cáo mới phát hành gần đây, gần 10% sinh viên tốt nghiệp đại học của chúng tôi tin rằng Judge Judy là Tòa án tối cao...


Hội đồng quản trị cựu sinh viên ACTA công bố báo cáo từng kỳ về những gì sinh viên biết:
Gần 10% sinh viên tốt nghiệp đại học được khảo sát nghĩ Judith Sheindlin, của show truyền hình "Thẩm phán Judy," là thành viên Tòa án Tối cao Mỹ. Ít hơn 20% biết kết quả của Tuyên Ngôn giải phóng nô lệ. Hơn 1/4 không biết Franklin D. Roosevelt là tổng thống trong Thế chiến II; 1/3 không biết ông là người khởi đầu New Deal.


Có thể các con số như thế là đáng cười cho đến khi bạn nhận ra cuộc điều tra này tiếp theo cuộc điều tra khác đã đưa ra kết quả tương tự.


Chỉ cần xem xét những gì Newsweek phát hiện một vài năm trước đây ...


Khi gần đây Newsweek hỏi 1.000 công dân Mỹ đi kiểm tra nhận quốc tịch chính thức của Mỹ, 29% không thể nhớ được tên 1 phó tổng thống Mỹ.73% không thể nói một cách chính xác lý do tại sao chúng tôi chiến đấu chiến tranh lạnh. 44% không thể xác định Tuyên ngôn nhân quyền. Và 6%thậm chí không thể khoanh tròn ngày Độc lập trong lịch.


Thậm chí tệ hơn những kết quả cực kỳ thất vọng của một nghiên cứu tiến hành vài năm trước đây bởi Common Core ...


* Chỉ có 43% tất cả học sinh trung học Mỹ biết rằng cuộc nội chiến đã diễn ra trong khoảng thời gian 1850 và 1900.
* Hơn 1/4 tất cả học sinh trung học Mỹ cho rằng Christopher Columbus thực hiện chuyến đi nổi tiếng của mình qua Đại Tây Dương sau năm 1750.
* Khoảng 1/3 tất cả học sinh trung học Mỹ không biết rằng Tuyên ngôn Nhân quyền bảo đảm tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
* Chỉ có 60% tất cả sinh viên Mỹ biết rằng Thế chiến I đã diễn ra trong thời gian giữa 1900 và 1950.


Tất nhiên kết quả cuộc khảo sát có thể bị mất cân bằng, và nhiều bản lề về cách các câu hỏi được hỏi.


Tuy nhiên, ngay cả các nghiên cứu được tiến hành một cách khoa học cũng khẳng định nước Mỹ đã trở thành ngu ngốc. Trong thực tế, báo cáo của Educational Testing Service (ETS) thấy rằng người Mỹ đang tụt lại phía sau rất xa phần còn lại của thế giới công nghiệp. Sau đây là từ CBS News ...


Người Mỹ sinh ra sau 1980 đang tụt hậu so với đồng nghiệp của họ ở các nước khác nhau, từ Úc đến Estonia, theo báocáo mới từ các nhà nghiên cứu tại ETS. Nghiên cứu xem xét điểm số văn và toán từ một thử nghiệm được gọi là Chương trình nhằm đánh giá quốc tế về Năng lực dành cho người lớn, được thử nghiệm khả năng của người dân ở 22 quốc gia.


Kết quả là nghiêm túc, tác động nghiêm trọng đối với nước Mỹ. Nó gợi ý rằng sinh viên Mỹ có thể đã tụt hậu không chỉ trong năm học đầu tiên của họ, mà cả ở cấp đại học. Mặc dù nhiều người Mỹ trong độ tuổi từ 20-34 đang có mức độ giáo dục cao hơn, họ vẫn đang tụt lại phía sau đội quân của họ ở các nước khác. Tại Nhật Bản, Phần Lan và Hà Lan, thanh niên chỉ với cấp trung học có điểm số tương đương với người Mỹ thế hệ Y có 4 năm đại học, báo cáo cho biết.


Trong số 22 quốc gia là một phần của nghiên cứu này, ETS phát hiện thấy người Mỹ đã đứng chết sau cùng về khả năng công nghệ, chết sau cùngtrong toán học và chỉ có 2 nước hiện tồi tệ hơn Mỹ khi nói đến khả năngđọc thông thạo...


Một nửa người Mỹ có điểm thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu về trình độ học vấn. Chỉ có 2 nước có điểm tồi hơn theo cách tính này: Italy (60%) và Tây Ban Nha (59%). Các kết quả của Mỹ thậm chí còn tồi tệ hơn trong môn toán, với gần 2/3 số khảo sát không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về hiểu biết và làm việc với các con số. Điều đó đặt người Mỹ thế hệ Y đứng chết cuối cùng trong môn toán trong số 22 quốc gia phát triển đã nghiên cứu.

Vậy tại sao điều này xảy ra? Tại sao chúng tôi lại trở thành quốc gia vô cùng ngu ngốc như vậy?


Vâng, ít nhất một phần lỗi lầm phải là hệ thống của chúng tôi về giáo dục. Sau đây là một đoạn trích từ bài viết của phóng viên Mark Morford. Trong bài viết này, ông chia sẻ 1 trong những người bạn của mình mà đã làm giáo viên trường trung học ở Oakland - California một thời gian rất dài như thế nào, rồi đã cân nhắc ra đi khỏi đất nước khi ông nghỉ hưu do không ngừng "ngu hóa của bộ não Mỹ " ...


Nó đã quá tồi tệ để, như người bạn của tôi đã gần nghỉ hưu, nói rằng ông đang rất nghiêm túc cân nhắc chuyển ra nước ngoài để thoát khỏi những gì ông nhìn thấy mà sẽ là sự sụp đổ chắc chắn của hoạt động xã hội Mỹ trong vài năm tới do đã bị phá hủy hoàn toàn không thể chối cãi, điều gây sốc - và gần như vô vọng – là sự ngu hóa của bộ não Mỹ.


Bây giờ, bạn có thể nghĩ rằng ông ấy chỉ đơn thuần là một người hà tiện, một giáo viên già mệt mỏi đã ngừng dạy từ lâu. Không đúng. Dạy học là cuộc đời của ông ấy. ÔNg ấy yêu sinh viên của mình, quí trọng giáo dục và theo dấu tâm trí giới trẻ thức tỉnh. Vấn đề là, ông đã thấy rất ít điều đó.


Và tất nhiên mọi thứ chẳng tốt hơn lên khi nói đến sinh viên đại học của chúng tôi. Trong một bài viết trước, tôi đã chia sẻ số liệu thống kê từ USA Today về tình trạng xuống cấp nhanh chóng của giáo dục đại học Mỹ…


- "Sau 2 năm đại học, 45% sinh viên thấy không có lợi ích gì đáng kể trong việc học tập; sau 4 năm, 36% thấy không mấy thay đổi. "
- "Sinh viên dành ít hơn 50% thời gian để học so với vài thập kỷ trước".
- "35% sinh viên bỏ ra 5 giờ hoặc ít hơn mỗi tuần để tự học".
- "50% nói rằng họ không bao giờ đến lớp trong 1 học kỳ điển hình, nơi họ viết hơn 20 trang bài học"
- "32% không bao giờ đến lớp trong 1 học kỳ điển hình, nơi họ đọc hơn 40 trang mỗi tuần."


Tôi đã trải qua 8 năm học tại một số trường đại học công tốt nhất cả nước, và tôi có thể cho bạn biết từ kinh nghiệm cá nhân rằng, ngay cả các khóa học của đại học khó nhất của chúng tôi cũng đã bị ngu đi 1 cách thảm hại.


Còn tại các trường ĐH công "thấp hơn tốt nhất" của chúng tôi, trình độ giáo dục có thể là một cái gì đó của trò đùa độc ác. Trong bài viết trước, tôi đã chia sẻ một số ví dụ về các khóa học thực tế được giảng dạy tại các trường ĐH Mỹ những năm gần đây


-“Thế nào nếu Harry Potter là có thực?
-“Lady Gaga và danh tiếng xã hội học
-“Triết lý và Star Trek
-“Học từ YouTube
-“Làm thế nào để xem TV


Bạn có thể tưởng tượng nhận được tín chỉ đại học thực sự cho một khóa học mang tên "Thế nào nếu Harry Potter là có thực?"
Đây là lý do tại sao nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH của chúng tôi chỉ có trình độ đủ để đặt hai câu lại cùng với nhau. Họ không bị thử thách, và chất lượng giáo dục mà hầu hết họ nhận được là vô cùng nghèo nàn.


Nhưng ngay cả khi không bị thử thách, họ phải mất nhiều thời gian hơn để tốt nghiệp ĐH hơn bao giờ hết. Thống kê liên bang cho thấy chỉ có 36% sinh viên toàn phần tốt nghiệp sau 4 năm, và chỉ có 77% sinh viên toàn phần giành được bằng cử nhân sau 6 năm.


Tất nhiên hệ thống giáo dục của chúng tôi không phải là có lỗi hoàn toàn. Sự thật là giới trẻ Mỹ trẻ dành quá nhiều thời gian cho phương tiện truyền thông hơn là họ đánh vật với những cuốn sách, và những gì trải qua với "giải trí" ngày nay đang nhanh chóng thay đổi não trạng của họ rất nhiều.

Theo một báo cáo được đưa ra bởi Nielsen, đây là bao nhiêu thời gian 1 người Mỹ trung bình dành cho truyền thông trên các thiết bị khác nhau mỗi ngày...


Xem truyền hình trực tiếp: 4 giờ, 32 phút
Xem truyền hình ghi lại: 30 phút
Nghe các đài phát thanh: 2 giờ, 44 phút
Sử dụng smartphone: 1 giờ 33 phút
Sử dụng Internet trên máy tính: 1 giờ, 6 phút


Khi bạn cộng tất cả vào, một người Mỹ trung bình dành hơn 10 giờ mỗi ngày cắm mặt vào một số hình thức truyền thông.


Và nếu bạn cho phép bất cứ ai nhồi "chương trình" vào tâm trí bạn 10 giờ mỗi ngày, nó sẽ có một tác động đáng kể.


Cuối cùng, tôi thực sự tin rằng tất cả chúng tôi đánh giá quá thấp ảnh hưởng của truyền thông tác động lên tất cả chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng cắm mặt vào "ma trận" truyền thông bất tận, nhưng rồi bằng cách nào để chúng tôi mong đợi "tự suy nghĩ".


Có rất ít trong chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã không bị phơi nhiễm hàng ngàn hàng ngàn giờ tin tức. Tất cả những rác thải đó có thể làm cho rất, rất khó khăn để suy nghĩ rõ ràng. Đó không phải là vì thiếu đầu vào mà chúng tôi đã trở thành quá ngu ngốc như cái xã hội này. Vấn đề lớn là những gì chúng tôi đưa vào tâm trí chúng tôi.


Nếu chúng tôi tiếp tục đưa rác vào, chúng ta sẽ tiếp tục nhận được rác ra, đó là sự lạnh lùng, là thực tế khó nhọc của vấn đề.





The Economic Collapse blog, And Zero Hedge

Điệp khúc tiêu diêu



Gió chuyển mùa rin rít gọi mưa
ta hin hít chờ mùi hương của đất
đêm thình thịch nhớ thương lất phất
lãng đãng buồn cửa sổ vào ra

Ánh trăng ngà phơi sương núm ngực
mây đon đả thả vạt thướt tha
ta lân la bước vào vườn mộng
gối thơm mềm nóng bỏng bờ cong

Sao mưa mãi lòng vòng chưa chịu đến
để em về vá lại mùa yêu
bầy ve non trồi mình chăn chiếu
vắt lên cây điệp khúc tiêu diêu

Thêm một Tiến sĩ được đào tạo từ “lò ấp trứng”!






 - Thời hiện đại, người ta muốn nổi tiếng trở nên dễ dàng vô cùng. Người đức độ cũng có thể nổi tiếng mà người “bẩn thỉu” cũng có thể nổi tiếng. Nhưng cái khác là, người sống đàng hoàng đúng nghĩa thì cần 1 đời làm việc, cống hiến thì may ra mới được cả cộng đồng biết đến. Còn người kém tài, kém đức muốn được dư luận biết đến chỉ cần đi bêu xấu lãnh đạo nhà nước hay nguyên thủ quốc gia, tự nhiên cũng được… nổi như cồn. Cứ tưởng đâu, Nguyễn Hưng Quốc – tiến sĩ, nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ, hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc sẽ không bao giờ sử dụng cái trò “bẩn thỉu” để PR tên mình, nhưng nào ngờ, ông vẫn sử dụng!




Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tiếp tay Nguyễn Hưng Quốc bôi nhọ Việt Nam?

Cụ thể là mới đây, ông đã viết một bài đăng tải trên VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ), ông phán một câu: “Theo dõi tình hình chính trị Việt Nam, hầu như giới quan sát, từ người Việt đến người ngoại quốc, đều đi đến kết luận giống nhau: Chưa bao giờ Việt Nam yếu như hiện nay”? Và theo ông cái yếu của Việt Nam là thể hiện: “Phần lớn đều tập trung vào quan hệ đối ngoại, chủ yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có thể nói, ở châu Á, không có nước nào bị Trung Quốc “ăn hiếp” nhiều như Việt Nam. Với Nhật Bản hay Philippines, họ chỉ dòm ngó một hai hòn đảo; với Việt Nam, họ dòm ngó cả chùm đảo và cả một vùng biển mênh mông. Cũng có thể nói, trước sự đe dọa của Trung Quốc, không có nước nào có phản ứng nhu nhược như Việt Nam. Nhật Bản dám dọa đánh chìm tàu Trung Quốc, Philippines đem Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế, còn Việt Nam? Ngay cả một lời lên án, họ cũng không dám nói; và khi, trước áp lực của dân chúng, phải nói, thì chỉ nói một cách… thì thầm. Vừa lên án vừa run lẩy bẩy”? Đọc xong những dòng do đích thân ông viết, tôi thật là bất ngờ. Chẳng lẽ con người ông, nhận thức của ông chỉ có tầm này – không hơn gì những con người bị thối hóa đạo đức???


Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tiếp tay Nguyễn Hưng Quốc bôi nhọ Việt Nam?

Đúng là, ở Châu Á, vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Việt-Trung là gây cấn nhất nhưng nhà văn, tiến sĩ Quân có biết, Trung Quốc đã nói gì về Việt Nam không? Trung Quốc nói rằng: “Việt Nam là “đối thủ đáng ngại” nhất của Bắc Kinh và Việt Nam là nước “có gan” nhất đương đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông”! Mặc dù hiện tại Trung Quốc dòm ngó cả “chùm đảo” của Việt Nam nhưng Việt Nam chưa để mất bất kỳ một đảo nào! (Có mất là mất Hoàng Sa – mà Hoàng Sa thì đã bị Trung Quốc chiếm từ 1974, lúc này Việt Nam đang bị đế quốc Mỹ cai trị chứ không phải mất bây giờ). Còn Philippines mà ông tung hô thì trong thời gian ngắn đã đánh mất bãi cạn và thực sự chấm dứt việc đánh bắt của ngư dân Philippines quanh bãi cạn Scarborough. Chính phủ Philipines đã công nhận sự thật cay đắng này. Sắp tới đây, nếu như không sáng suốt thì rất có thể bãi Cỏ Mây lại tiếp tục rơi vào tay Trung Quốc! Vậy xin hỏi nhà văn, Nguyễn Hưng Quốc, như thế thì Việt Nam thành công hay Philippines thành công???

Phương châm của Việt Nam là giải quyết tranh chấp dựa trên đàm phán và tuân thủ luật pháp quốc tế. Có nghĩa là, Việt Nam không muốn dùng vũ lực, Việt Nam đang tránh chiến tranh đó nhà văn, tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc! Nếu theo cái kiểu nói của ông, ông quan sát Việt Nam thường xuyên chắc ông biết trong hội nghị Shangri-La 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều lần nhấn mạnh, vạch tội của Trung Quốc đối với Việt Nam. Lời kêu gọi nhiều lần của Thủ tướng về “niềm tin chiến lược” và thực hiện nghiêm túc DOC đã làm cho Thiếu tướng Yao Yun Zhu (học viện Kỹ thuật Quân sự Trung Quốc) phải nóng mặt hỏi: “Cường quốc nào vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật nào trên biển Đông?”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đáp trả: “Những diễn biến gần đây trên thực tế mọi người có mặt tại đây đều đã biết là nước nào, tôi xin không nhắc lại”. Thế thì, Việt Nam không tố cáo Trung Quốc là gì?! Không những tố cáo, mà còn tố cáo một cách khôn ngoan nữa là khác! Nhà văn có nghe câu khẳng định: “Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam”? Đoán là, nhà văn không nghe nên mới dám phán bừa, phán ẩu như trên?! Trong lúc viết ra những dòng phản biện này, tôi đặt câu hỏi, không biết trước khi phán, ông có uốn lưỡi 9 lần như ông bà Việt Nam thường dạy con cháu mình chưa nữa? Nếu như, ông đã “uốn lưỡi” rồi thì thật là… hết biết!

Xin thưa ông Nguyễn Hưng Quốc, Việt Nam chưa bao giờ “sợ” Trung Quốc theo cái kều nói của ông mà thật ra, Việt Nam kiên cường hơn nhiều so với cái suy nghĩ, lý sự cùn của ông. Chính tờ Chinese Today của Trung Quốc nhận định, trong số 5 nước 6 bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thì Việt Nam là đáng sợ nhất và rất kiêng nể sức mạnh quân sự của Việt Nam!

Chính Trung Quốc nhận xét: Mặc dù Philippines luôn tỏ ra “cứng đầu” trước Trung Quốc khi công khai khởi kiện đường lưỡi bò phi pháp và những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Manila sẽ không dám chủ động gây chiến với Bắc Kinh. Nhưng Việt Nam thì hoàn toàn khác. Chinese Today cho rằng, trải qua chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới mấy chục năm liên miên, Việt Nam trở thành quốc gia “thành thục nhất Đông Nam Á” đối với chiến tranh (chống xâm lược). Lực lượng quân sự Việt Nam lại hùng hậu, chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt trong lịch sử Việt Nam từng nhiều lần bị Trung Quốc xâm lược nên ý thức cảnh giác rất cao. Theo Trung Quốc, trong những năm gần đây Việt Nam đã không ngừng phát triển quan hệ với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Điều đó, chứng tỏ Việt Nam không hề “yếu” như cái suy nghĩ lếu láo của nhà văn, tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc!

Ai nhục nhã?

Không phải là nhân vật đặc biệt, thông tin thì ít tẹo mà ngồi ở nước ngoài, lúc nào tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hưng Quốc cũng tỏ ra ta đây hiểu biết và sự hiểu biết của ông chỉ là tự kể, tự vẽ và tự hoang tưởng. Bỏ công ra viết những dòng như: “Nội bộ đấu đá nhau; ông này thua ông kia; bè này, cánh kia; Đảng lãnh đạo yếu, Chính phủ cũng yếu, hậu quả tất nhiên là đất nước yếu theo…”. Xin thưa, những điều này những kẻ phản động, thế lực thù địch đã nói quá nhiều rồi, đã cũ rích nhưng chẳng có kẻ nào có bằng chứng cả! Tất cả chỉ là nói theo; ganh ghét nên nói cho bỏ tức, giờ một nhà văn, tiến sĩ như Nguyễn Hưng Quốc lại đi theo lối mòn đó để “làm mới” mình thì e là, mờ nhạt và càng bôi bẩn hình ảnh của mình thêm thôi…! Phát biểu cục bộ như trên, rất nghi ngờ không biết đây có phải là những điều được chính miệng nhà văn, tiến sĩ Quốc khai khẩu???

Người không biết gì, không biết làm phép so sánh thì mới nói ra cái câu “Đảng lãnh đạo yếu, chính phủ cũng yếu, hậu quả tất nhiên là đất nước yếu theo”! Hãy nhìn vào những báo cáo, thực tiễn ấy – nhìn thẳng vào sẽ thấy những gì Việt Nam đã đạt được về kinh tế, ngoại giao, chính trị và những nổ lực của cán bộ Nhà nước từ Trung Ương đến địa phương chứ đứng có “muốn nói gì nói” và biến lời nói của mình thành “Thánh phán”?! Đã vậy, trong phần giới thiệu, nhà văn, tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc còn bảo: “Đã xuất bản hơn 10 tác phẩm về văn học Việt Nam”, thử hỏi một người đầu to, óc “trái nho” như thế thì biết gì về Việt Nam mà viết????

Người đời nói, mình đi nói xấu người khác – xuyên tạc, nói láo, dựng chuyện để hạ uy tín của một ai đó, thì đầu tiên người xấu xí là mình. Nguyễn Hưng Quốc cũng vậy. Không biết trong lúc ăn cơm, nhà văn, tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc có hổ thẹn khi bảo là “chưa bao giờ có một Tổng Bí thư nào lại thua cuộc một cách thê thảm và nhục nhã trong cuộc tranh quyền như Nguyễn Phú Trọng” ? Chỉ trong con mắt, những kẻ không yêu nước thật sự, sống chỉ biết nhận cho mình như nhà văn, tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc mới nghĩ các vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam bè phái, tranh giành nhau thôi! Xin lỗi, nếu như lời ông nói thì đất nước này có cơ hội phát triển như ngày nay chắc! Một đất nước, chỉ phát triển được khi nội bộ đoàn kết và đồng tâm hợp lực chung tay cho sự lớn mạnh, sánh vai cùng cường quốc năm châu. Và các nguyên thủ quốc gia từ Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội cùng ban ngành đoàn thể đang đoàn kết, ủng hộ nhau chứ không phải tranh giành “nhục nhã” như cái suy nghĩ đánh đổ, xấu xí như cái bản chất của ông đâu – nhà văn, tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc ạ!

Trong cuộc sống, hoa sen tượng trưng cho sự thuần túy, tinh khiết và cái tinh túy của hoa sen được thể hiện qua câu ca dao: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa sen đẹp đấy, thanh cao đấy nhưng không phải trong cuộc sống này, ai cũng thích hoa và hương của hoa sen; cũng có thể những “loài hoa” khác cũng không thích nét đẹp của sen. Vì sao vậy? Điều này không cần trả lời, có lẽ với trình độ “uyên thâm”, nhà văn, tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc cũng biết được?!

Không có bất kỳ sự nhục nhã nào khi mình sống vì người khác, đặc biệt là hết lòng vì dân, vì nước mà các vị nguyên thủ quốc gia đang đảm nhiệm. Người hiền, làm được việc bao giờ cũng bị ganh tỵ và việc thế lực nhám nhúa nào đó hạ uy tín là chuyện rất thường xảy ra. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, ở hiền thì chắc chắn gặp lành. Có thể, bây giờ một số thành phần nào đó, vì ít thông tin, tin vào lời nói của những thành phần thù địch, quay lưng với lãnh đạo nhưng rồi thời gian cũng sẽ cho họ biết, đâu là người tốt, đâu là kẻ xấu và đâu là kẻ phá hoại đất nước, đâu là người xây dựng đất nước thật sự! Và dĩ nhiên, nhà văn, tiến sĩ như Nguyễn Hưng Quốc không thể nào có được “quả ngọt” khi mà gieo “hạt đắng” và bón cây bằng thứ phân thiếu “chất hữu cơ” được?!

Thanh Trúc

Lord Acton – : Quyền lực làm con người tha hóa





Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” – Lord Acton.

Tác giả Powell
Phạm Nguyên Trường (dịch)

Powell là biên tập viên của Laissez Faire Books và là cộng tác viên cao cấp của Cato Institute. Ông từng viết cho The New York Times, The Wall Street Journal, Barron’s, American Heritage và hơn ba chục tòa soạn báo khác.



Ít người nhận thức được những mối nguy hiểm của quyền lực chính trị rõ ràng như Lord Acton. Ông hiểu rằng những người nắm quyền thường đặt quyền lợi của chính họ cao hơn tất cả và sẽ làm tất cả mọi việc nhằm giữ được quyền lực. Họ thường xuyên nói dối. Họ vu cáo những người cạnh tranh. Họ chiếm đoạt tài sản tư nhân. Họ phá hủy của cải. Đôi khi họ còn giết người, thậm chí tàn sát nhiều người.Trong những bài viết và bài giảng của mình, Acton chống lại xu hướng tập thể của thời đại mình và tuyên bố rằng quyền lực chính trị là cội nguồn của cái ác, vô phương cứu chữa. Ông gọi chủ nghĩa xã hội “là kẻ thù tệ hại nhất mà tự do từng gặp từ trước đến nay”.

Đôi khi Acton đạt được đỉnh cao của thuật hùng biện, đấy khi ông khẳng định rằng tự do cá nhân là tiêu chuẩn đạo đức để phán xét các chính phủ. Ông tin “rằng tự do là đỉnh cao nhất… tự do hầu như, nếu chưa nói là hoàn toàn, là biểu hiện, phần thưởng và động cơ trong quá trình đi lên của dân tộc… Dân tộc thù nghịch với sở hữu tư nhân là dân tộc không có thành tố quan trọng nhất của tự do… Tự do không phải là phương tiện để đạt tới mục đích chính trị cao nhất. Tự do chính là mục đích chính trị cao nhất”.

Mặc dù Acton ngày càng cô đơn, ông được người ta ngưỡng mộ vì kiến thức siêu phàm về lịch sử. Ông truyền cho thế giới nói tiếng Anh quan niệm khắt khe – các học giả Đức thế kỉ XIX là những người đi tiên phong – trong việc nghiên cứu lịch sử, càng tìm hiểu được nhiều nguồn sử liệu ban đầu thì càng tốt. Ngôi nhà của ông ở Cannes (Pháp) có hơn 3.000 đầu sách và bản thảo; ngôi nhà ở Tegernsee (Bavaria) có khoảng 4.000; và ngôi nhà ở Aldenham (Shropshire, Anh) có gần 60.000 đầu sách và bản thảo. Ông đánh dấu hàng ngàn đoạn mà ông coi là quan trọng. Năm 1873 ông được trường Đại học Munich trao tặng danh hiệu Tiến sĩ triết học, năm 1889 ông được Đại học Cambridge trao tặng danh hiệu Tiến sĩ luật và năm 1890 ông được Đại học Oxford trao tặng danh hiệu Tiến sĩ luật dân sự – nhưng ông chưa bao giờ có bằng cấp gì, thậm chí không có cả bằng tốt nghiệp phổ thông.

Chắc chắn là, Acton không nắm được nhiều vấn đề. Khoa học không phải là mối bận tâm của ông. Mặc dù lo lắng cho người nghèo, nhưng ông coi những người theo phái tự do chủ nghĩa ở Manchester quan tâm tới việc nâng cao đời sống là những người duy vật không đáng để ý. Ông biết rất ít về lịch sử kinh tế, tức là môn học nói cho ta biết người dân bình thường làm ăn sinh sống như thế nào. Ông bị tiêm nhiễm tư tưởng cho rằng thị trường làm cho người giàu ngày càng giàu thêm, trong khi người nghèo ngày càng nghèo hơn, trong khi thực tế thị trường tự do – ví dụ, cuộc Cách mạng công nghiệp thời ông – đã cứu hàng triệu khỏi bị chết đói.


Chân dung Lord Acton.

Acton trông như thế nào? Những bức ảnh được công bố đều cho thấy ông có một bộ râu dài. Ông có đôi mắt màu xanh, sắc sảo, trán cao. “Ông là người cao trung bình và về già ông đẫy ra”, nhà viết tiểu sử David Matthew nói. “Ông ấy là người hoạt ngôn nổi tiếng, nhưng khi nói về mô hình Đức thì bao giờ ông cũng dẫn ra nhiều sự kiện và tài liệu tham khảo. . . ông rất thích đi bộ, băng qua những sườn đồi thấp vùng núi Bavaria hoặc lang thang trên sườn dốc vùng núi hướng ra biển ở Alpes Maritimes (Pháp)”.

Acton truyền cho người nghe niềm đam mê cực kì to lớn. “Giọng ông có sức hút như nam châm”, một sinh viên từng nghe ông giảng bài ở Cambridge nói. “Chưa bao giờ một thanh niên trẻ có sức thuyết phục trong mỗi lời nói như Lord Acton từng thể hiện. Nó khống chế toàn bộ đối tượng, dường như ôm trọn đối tượng trong ngọn lửa hừng hực của nó. Và ngọn lửa nuôi dưỡng mỗi lời nói đó là vô cùng vô tận, chí ít là những người có mặt cảm thấy như thế. Trên hết, có lẽ chính niềm tin này đã tạo cho những bài giảng của Lord Acton sức hấp dẫn và sức sống. Ông nói từng câu như thể ông đang cảm thấy nó, treo nó lên một cách nhẹ nhàng và thốt ra với sự thận trọng nhất định. Tình cảm của ông được truyền cho cử tọa, họ như nuốt lấy từng lời”.

Hoàn cảnh gia đình

John Emerich Edward Dalberg-Acton sinh ngày 10 tháng 1 năm 1834, ở Naples. Mẹ ông, bà Marie Pelline de Dalberg được sinh ra trong một gia đình Công giáo ở Bavaria, thuộc dòng dõi quý tộc Pháp. Cha ông, Ferdinand Richard Edward Acton, là một nhà quý tộc người Anh. Bố của Acton mất khi ông vừa tròn ba tuổi, và khi ông lên sáu thì mẹ ông tái giá với Lord Leveson, ông này sau được phong là Earl of Granville, một đảng viên tự do (Whig) Anh có nhiều ảnh hưởng và từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao trong nội các theo đường lối tự do của John Russell và William Ewart Gladstone.

Acton được giáo dục chủ yếu như một tín đồ Công giáo – ở Saint Nicholas (Pháp), St. Mary’s, Oscott (Anh), Đại học Edinburgh (Scotland), ông học ở đây hai năm, và đại học Munich (Bavaria), ông tới đây sau khi không được ban giám hiệu Cambridge và Oxford chấp nhận vì là người Công giáo.

Johann Ignaz von Dollinger, một trong các nhà sử học lỗi lạc nhất của Châu Âu là người thày quan trọng nhất của Acton. Chẳng bao lâu sau khi Acton đến Munich vào tháng 6 năm 1850, ông bắt đầu rèn luyện để trở thành nhà sử học. “Con ăn sáng lúc 8 giờ”, ông viết cho bố dượng, “sau đó học tiếng Đức hai giờ – một giờ đọc Plutarch và một giờ đọc Tacitus. Giáo sư đặt ra tỷ lệ như thế. Con và giáo sư ăn cơm trưa trước 2 giờ chiều một chút, đây là lần đầu tiên con gặp ông trong ngày. Lúc 3 giờ thì thày dạy tiếng Đức tới. Từ 4 giời đến 7 giờ tối con được tự do – con đọc lịch sử hiện đại trong khoảng một tiếng đồng hồ – và đọc lịch sử cổ đại trong một tiếng đồng hồ ngay trước bữa ăn tối. Con uống trà lúc 8 giờ tối, rồi nghiên cứu văn học Anh và sáng tác đến khoảng 10 giờ thì đi ngủ”.

Acton và Dollinger đã đi du lịch ở Áo, Anh, Đức, Thụy Sĩ, đã đến các thư viện và nhà sách. Họ tiến hành phân tích các bản thảo, gặp gỡ các nhà thơ, nhà sử học, nhà khoa học và chính khách.

Sư khiếm khuyết của ông thể hiện rõ trong những nhận xét của ông về nước Mĩ mà ông đã cùng với bố dượng tới thăm vào tháng 6 năm 1853. Là một nhà quý tộc, ông tỏ ra bàng quan vì cách hành xử thô lậu và quá chú ý tới những vấn đề thực tế.Ông không nhận thức được năng lực vô cùng to lớn của ngành thương mại Mĩ khi ông viết về New York: “Không thể nhìn thấy thành phố vì nó quá bằng phẳng và xung quanh đầy tàu thuyền”.



Khi Acton bắt đầu học với Dollinger, ông đã bị Thomas Babington Macaulay – một nhà sử học theo phái tự do có tài hùng biện, đang đấu tranh cho tự do và tiến bộ – lôi cuốn. Acton tự mô tả là “cậu học trò người Anh thô lậu, say sưa nền chính trị của Đảng tự do”. Nhưng Dollinger giằng Acton ra khỏi Macaulay, và chàng trai trẻ đã trở thành người hâm mộ Edmund Burke, người trước đây từng phản đối cuộc Cách mạng Pháp. Trong khi học với Dollinger, Acton còn nghe các bài giảng của các nhà sử học vĩ đại người Đức, Leopold von Ranke, môt người luôn luôn nhấn mạnh rằng vai trò của một nhà sử học là giải thích chứ không phải là phán xét quá khứ.




Chủ nghĩa bảo thủ thời gian đầu

Những người đã biết những bài phát biểu hùng hồn nổi tiếng của Acton nhằm chống lại chế độ độc tài sẽ phải giật mình khi biết rằng hồi đầu ông là người theo trường phái bảo thủ.

Ví dụ, khác với những người theo phái tự do ở Manchester như Richard Cobden và John Bright, cùng với đa số người Anh khác, Acton đứng về phía các bang miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ. “Không thể dựa trên cở sở tôn giáo để thông cảm với việc cấm tuyệt đối chế độ nô lệ, cũng không thể dựa trên cơ sở chính trị để chia sẻ quan điểm của chủ nghĩa bãi nô”, ông viết như thế trong tiểu luận nhan đề “Những nguyên nhân chính trị của cách mạng Mỹ” (1861). Năm năm sau, trong một bài giảng về cuộc Nội chiến, Acton nhận xét rằng chế độ nô lệ “đã là một công cụ đầy sức mạnh không chỉ để làm điều ác mà còn để làm điều thiện là giữ trật tự thế giới. . . . bằng cách đánh thức, một mặt, sự hy sinh và mặt kia, lòng từ bi”. Acton từng nói với một người bạn: “Tôi đã tan nát cõi lòng khi nghe tin tướng Lee đầu hàng”.


Điều làm nhiều người ngạc nhiên là Lord Acton ủng hộ Liên Minh Miền Nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 tới 1865).

Trong tác phẩm “Thuyết Tin lành về ngược đãi” (1862), ông từ chối lên án cuộc đàn áp trên mọi lĩnh vực. Dường như ông bảo vệ những nhà cầm quyền Công giáo, những người tuyên bố rằng khủng bố là biện pháp gắn kết xã hội duy nhất. Ông cho rằng người theo đạo Tin Lành, như John Calvin, là những người xấu hơn vì họ khủng bố nhân dân là nhằm dập tắt những quan điểm trái ngược với họ. Trong chỗ riêng tư, Acton nói thẳng hơn: “Nói khủng bố là sai, nói trắng ra, trước hết, tôi cho là không đúng. . .”

Tuy nhiên, Dollinger và Acton đã trở thành những người phê bình thẳng thắn thái độ bất dung của Công giáo. Đối tượng của họ lúc đó là những người theo phái ủng hộ quyền lực tuyệt đối của Giáo hoàng (Ultramontanes), tức là những người tìm cách đàn áp tự do trí tuệ. Dollinger và Acton đã bàn về chính sách của Vatican, đặc biệt là sau khi Giáo Hoàng Pius IX ban hành Bản Cáo Trạng Những Sai Lầm (Syllabus of Errors) khét tiếng (1864), cáo buộc chủ nghĩa tự do cổ điển là dị giáo, trong đó có tư tưởng “Đức Thánh Cha ở Rome có thể và phải chấp nhận, và đồng ý với tiến bộ, tự do và nền văn minh”.

Acton đã có đóng góp vào việc xuất bản một loạt tờ tạp chí Công giáo với nhiệm vụ là giúp tự do hóa Nhà thờ: Tờ Rambler ra hai tháng một lần (1858-1862), tờ Home and Foreign Review (1862-1864) ra hàng quý và tờ Chronicle ra hàng tuần (1867-1868). Những nỗ lực này đã bị thất bại vào năm 1870, đấy là khi Hội đồng Vatican tuyên bố rằng Giáo Hoàng có uy quyền tuyệt đối, không thể sai lầm về tín điều của Giáo Hội. Bởi vì Dollinger là một thày tu, việc ông chấp nhận điều này làm cho ông bị rút phép thông công. Acton, chỉ là giáo dân bình thường, không bị yêu cầu chính thức thừa nhận các nghị định của Hội đồng Vatican, và ông vẫn ở trong Giáo Hội.

Cũng trong thời gian này, Acton viết một tiểu luận có tính tiên tri nhất của ông, nhan đề Quốc tịch (1862), một lời báo động sớm về chế độ toàn trị: “Bất cứ khi nào một đối tượng xác định duy nhất được đưa lên thành mục đích tối thượng của nhà nước, dù đấy có là quyền lợi của một giai cấp, sự an toàn hay sức mạnh của quốc gia, hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất, hay ủng hộ bất kỳ tư tưởng tư biện nào thì cùng với thời gian, nhà nước chắc chắn sẽ trở thành độc đoán. Để có tự do, chỉ cần hạn chế quyền lực công, vì tự do là cái duy nhất làm lợi cho tất cả mọi người như nhau và không tạo ra phe đối lập”.

Năm 1865, ở tuổi 31, Acton kết hôn với người em họ, nữ Bá tước Marie Anna Ludmilla Euphrosyne Arco-Valley. Cô dâu vừa tròn 24 tuổi, là con của Bá tước Johann Maximilian Arco-Valley. Bá tước là người giới thiệu Dollinger với Acton, vì vậy Acton và nữ bá tước trẻ tuổi đã biết nhau ngay từ khi ông bắt đầu học tập ở Bavaria. Dường như nữ Bác tước cũng chia sẻ mối quan tâm của chồng về tôn giáo và lịch sử. Họ sinh được sáu người con, bốn người sống đến tuổi trưởng thành. Trong các bữa ăn, Acton thường nói tiếng Đức với vợ, nói tiếng Ý với mẹ vợ, tiếng Pháp với chị dâu, tiếng Anh với các con và có thể nói một ngôn ngữ châu Âu khác với khách.

Tôn giáo luôn luôn nằm trong tâm trí Acton, và ông trở thành người cứng rắn hơn Dollinger, ông tuyên bố rằng các nhà sử học phải lên án cái ác. Tháng 2 năm 1879, ông đoạn tuyệt với Dollinger sau khi vị giáo sư lùi về quan điểm cho rằng vai trò của nhà sử học chỉ là giải thích sự kiện, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là không bàn về những tội ác khủng khiếp. Acton khẳng định rằng những hành động tội ác, như giết người, bao giờ cũng là tội ác. Ông viết về Tòa án dị giáo như sau: “Tòa thánh đã gây ra những vụ giết người và tàn sát hàng loạt với quy mô lớn nhất và mức độ tàn bạo và phi nhân nhất. Họ không chỉ là những kẻ sát nhân hàng loạt, mà họ còn đưa nguyên tắc sát nhân thành luật của Giáo Hội Kitô giáo và điều kiện cho sự cứu rỗi”.

Acton than thở: “Trong quan niệm đạo đức nền tảng của mình tôi hoàn toàn cô đơn”. Ông tâm sự với người bạn của mình là Charlotte Blennerhassett như sau: “Hãy để tôi cố gắng nói càng ngắn càng tốt và không cần lập luận với bạn rằng trên thực tế cái đó rất đơn giản, rõ ràng, và không phải là câu chuyện thú vị. Đấy là câu chuyện về người đàn ông bắt đầu cuộc sống với niềm tin rằng mình là người Công giáo chân thành và người theo phái tự do chân thành; do đó ông ta từ bỏ tất cả những thứ không tương thích với tự do trong đạo Công giáo và tất cả mọi thứ không tương thích với Công giáo trong chính trị. . . . Vì vậy, tôi là một trong số những người ít suy nghĩ về những cái đang là, mà suy nghĩ nhiều về những thứ nên là, những người hi sinh thực tế vì lý tưởng, hi sinh quyền lợi vì nghĩa vụ, hi sinh quyền lực vì đạo đức”.

Trong những năm 1870, Acton không chỉ bị sốc về trí tuệ mà còn trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Số là, phần lớn tu nhập của ông là từ đất nông nghiệp do cha mẹ để lại, nhưng thu nhập từ trang trại lại giảm trong giai đoạn suy thoái kéo dài. Năm 1883, ông phải bán một số tài sản. Ông phải cho thuê bất động sản ở Aldenham. Tuy nhiên, ông cũng đã tìm việc làm được trả lương cao.

Acton và Gladstone

Nhờ ông bố dượng mà Acton trở thành nghị viên trong khoảng 6 năm, kể từ năm 1859 và đã gặp Gladstone ở đây. Galdstone làm thủ tướng tới ba nhiệm kì. Năm 1869, tức là ba năm sau khi Acton thất cử, Gladstone phong cho Acton chức Nam tước và ông có chân trong Viện Nguyên Lão, nhưng trong suốt thời gian ở trong quốc hội, ông chưa bao giờ tham gia tranh luận. Acton coi Gladstone là người lãnh đạo tinh thần vĩ đại và thường lặng lẽ ủng hộ ông này. Hai người đều say mê thảo luận về lịch sử và tôn giáo.

Trong những bài phê bình, Acton trách linh mục Anh giáo là Mandell Creighton, tác giả cuốn Lịch sử Giáo hoàng trong thời kỳ Cải cách, là không lên án các Giáo hoàng thời Trung Cổ – những người khởi xướng Tòa Án Dị Giáo. Nhưng Acton và Creighton đã trao đổi với nhau một cách chân tình, và Actons đã viết những dòng khó quên nhất vào ngày 05 tháng 4 năm 1887:


“Tôi không thể chấp nhận quy tắc của ông rằng chúng ta phải đánh giá Giáo hoàng và nhà vua khác với đánh gía những người khác, với một giả định có lợi cho họ là họ không có gì sai. Nếu có bất kỳ giả định nào thì đó phải là sử dụng biện pháp khác nhằm chống lại những người nắm giữ quyền lực, biện pháp tăng khi quyền lực tăng. Không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”.

Acton là người Công giáo mộ đạo, và ông đã đưa quan điểm của mình đi xa đến mức trách cứ bạn là Gladstone, khi ông này viết bài mà ông cho là chưa xứng tầm nhằm bảo vệ Kitô giáo trước cuộc tấn công của những tiểu thuyết gia nổi tiếng. Acton nhận xét rằng những người không có tín ngưỡng đáng bị coi là đã gây ra cuộc chiến dẫn đến kết quả là Giáo Hội Kitô đã trở thành “tổ chức bất dung, chuyên chế và tàn ác kinh khủng như thế”.



Việc học tập không mệt mỏi của ông thì sao? Acton theo đuổi tư tưởng từ cuốn này sang quyển sách khác, để rồi sau đó thì bỏ. Ông đã nghiên cứu về lịch sử các Giáo hoàng, lịch sử những cuốn sách bị Giáo Hội Công Giáo cấm, lịch sử nước Anh thời James II và lịch sử Hiến pháp Mĩ. Ông đã nghĩ tới cuốn lịch sử phổ quát, chủ đề của nó sẽ là quyền tự do của con người. Nó đã trở thành giấc mơ của ông về lịch sử của tự do.

Tác giả James Bryce nhớ lại, Acton “nói như một người đầy cảm hứng, dường như đang phát biểu trên đỉnh núi cao trong không trung, ông nhìn thấy ở bên dưới con đường tiến bộ của nhân loại quanh co khúc khuỷu từ thời tiền sử tối tăm đến thời hiện đại sáng sủa hơn, nhưng vẫn còn thất thường và đôi khi bị gián đoạn. Khả năng hùng biện của ông thật là tuyệt vời, nhưng hơn cả tài hùng biện là tầm nhìn xuyên thấu, giúp – thông qua tất cả các sự kiện và các thời đại – nhận ra trò chơi của những lực lượng tinh thần, khi thì sáng tạo, khi thì phá hủy, luôn luôn chuyển hóa, tạo ra và tái tạo các thiết chế và trao cho linh hồn của nhân loại những hình thức hoạt động không ngừng thay đổi của mình. Dường như toàn bộ lịch sử đột nhiên lóe lên trước luồng ánh sáng mặt trời rực rỡ”.



Lịch sử của tự do


Acton gói gọn một phần của chủ đề yêu thích của mình trong hai bài giảng nhan đề: “Lịch sử của Tự do trong thời Cổ đại” (The History of Freedom in Antiquity) và “Lịch sử của Tự do trong thời Kitô giáo” (The History of Freedom in Christianity), cũng như trong bài điểm cuốn Dân chủ ở châu Âu của Sir Erskine May (1878 ). Ông đã tìm được nguồn gốc của tự do trong các học thuyết của người Hebrew cổ về “luật cao hơn” áp dụng cho tất cả mọi người, thậm chí cả những người cai trị. Ông giải thích cách thức – chỉ có ở phương Tây – mà các tôn giáo cạnh tranh với nhau đã tạo ra cơ hội cho các cá nhân vươn tới tự do. Ông nói về con đường đưa đến chế độ dân chủ ở các thị trấn thương mại. Ông nói về những học thuyết cấp tiến, theo đó, các cá nhân có thể nổi loạn khi nhà cầm quyền tiếm đoạt quyền lực một cách bất hợp pháp. Ông ghi lại theo trình tự thời gian những cuộc chiến đấu anh hùng nhằm chống lại các bạo chúa”.

Những bài tiểu luận này có rất nhiều nhận xét đáng ghi nhớ. Ví dụ:


“[Tự do] là quả ngọt của nền văn minh đã chín muồi . . . Trong tất cả các thời đại sự, tiến bộ của nó thường bị những kẻ thù tự nhiên của nó, bị sự dốt nát và mê tín dị đoan, bị ham muốn chinh phục và thích nhàn nhã, tham đắm quyền lực của kẻ mạnh và tham ăn của người nghèo cản trở. . . . Trong tất cả các giai đoạn, những người bạn chân thành của tự do bao giờ cũng hiếm, và nó chiến thắng là nhờ thiểu số, mà thắng bằng cách liên kết với những phụ tá có mục đích khác với mục đích của những người yêu chuộng tự do; và hiệp hội này luôn luôn nằm trong vòng nguy hiểm, đôi khi là tai họa nữa. . . . Bài kiểm tra chắc chắn nhất mà chúng ta dùng để đánh giá xem đất nước có thực sự tự do hay không là mức độ an toàn mà những nhóm thiểu số được hưởng….”

Tại sao ở Mĩ tự do lại được bảo đảm hơn hầu hết các nơi khác? “Tự do”, Acton viết cho Mary, con gái của Gladstone, “phụ thuộc phân chia quyền lực. Chế độ dân chủ có xu hướng dẫn tới tập trung quyền lực… Thể chế liên bang là biện pháp kiểm soát sự tập trung và tập quyền khả dĩ duy nhất”.

Đáng tiếc là Acton không chú tâm vào dự án lớn nào. Những tập giấy tờ đồ sộ mà ông để lại thậm chí không có bản phác thảo về lịch sử của tự do. Ông chưa khởi thảo. Ông để lại khoảng 500 hộp màu đen và những cuốn vở, chủ yếu là những đoạn lộn xộn từ những tác phẩm khác nhau. Nhiều tài liệu bàn về những ý tưởng trừu tượng chứ không phải là sự kiện lịch sử. Sau này, sử gia E.L. Woodward nhận xét rằng cuốn lịch sử về tự do của Acton đã có thể là “cuốn sách vĩ đại nhất không bao giờ được viết ra”.

Năm 1895, nhà sử học John Seeley ở Đại học Cambridge chết và thủ tướng Rosebery phải bổ nhiệm vị giáo sư Hoàng gia mới về lịch sử hiện đại. Mặc dù Acton chưa từng dạy học bao giờ, người ta đã đề nghị ông vì kiến thức, lòng trung thành đối với tự do và ông đang cần tiền. Và vì vậy mà Acton, người không được nhận vào học ở Cambridge, lại được bổ nhiệm vào vị trí đầy uy tín ở trường này.

Trong bài giảng nhân ngày nhậm chức nổi tiếng, ông nhấn mạnh rằng cần đánh giá các chính trị gia như những người bình thường: “Tôi khuyên các bạn không bao giờ được làm mất giá tiêu chuẩn đạo đức hoặc hạ thấp các tiêu chuẩn về tính chính trực, mà phải phán xét những người khác bằng những câu châm ngôn mà bạn dùng để hành xử trong cuộc sống của chính mình và không để ai hay lý do gì thoát khỏi hình phạt vĩnh cửu mà lịch sử có quyền trừng phạt những kẻ làm sai”.



“Lịch sử,” ông nói tiếp, “dạy rằng sai và đúng là khác nhau. Ý kiến thay đổi, phong tục thay đổi, tín điều xuất hiện rồi biến mất, nhưng luật đạo đức thì được viết trên những tấm biển còn mãi với thời gian”.

“Nguyên tắc của nền chính trị đúng đắn cũng là những nguyên tắc của đạo đức được mở rộng ra, hiện nay tôi không chấp nhận, cũng như sẽ mãi mãi không bao giờ chấp nhận nguyên tắc nào khác”.

Ttong những năm làm việc cuối cùng ở Cambridge, Acton chỉ giảng có hai loạt bài – về lịch sử hiện đại và về Cách mạng Pháp – nhưng các đồng nghiệp rất kính trọng ông. Nhà sử học George Macaulay Trevelyan nhớ lại:

Kiến thức, trải nghiệm và quan điểm của ông mang đặc trưng của người châu Âu lục địa, nhưng chủ nghĩa tự do Anh lại là phần quan trọng trong triết học của ông. Ông đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong cái xã hội phần nào có tính tỉnh lẻ của chúng tôi. Những giáo sư thuộc đủ các lĩnh vực thường tụ tập lại để nghe những bài giảng bí hiểm, có thể làm người ta bối rối, nhưng rất ấn tượng của ông. Ông đã có vầng trán của Plato và phong cách của một nhà hiền triết và là một người vĩ đại. Nhiều tư tưởng của chúng ta cũng là tư tưởng của ông, nhưng tư tưởng của ông đã được rút ra từ những nguồn khác và từ kinh nghiệm rộng lớn hơn. Những điều ông nói bao giờ cũng thú vị, nhưng đôi khi có vẻ kì lạ. Tôi nhớ, ví dụ, ông nói với tôi rằng các quốc gia được xây dựng trên sự thống nhất của một chủng tộc duy nhất, như nước Ý và nước Đức hiện đại, sẽ là mối nguy cho tự do; lúc đó tôi không hiểu ông nói gì, nhưng bây giờ thì hiểu!

Ông nhận chức Professorial Fellowship ở Đại học Trinity, thời gian đầu ông sống trong phòng của mình ở Nevile’s Court. Lúc nào ông cũng ở đó, sẵn sàng tiếp bất cứ nhà sử học nào của Cambridge, từ [Frederic] Maitland hay [William] Cunningham đến những sinh viên chưa tốt nghiệp khiêm tốn nhất, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai với kho tàng kiến thức sâu sắc của mình. Ông ngồi sau bàn làm việc, khuất sau một mê cung các kệ sách cao mà ông dùng để xếp các cuốn sách lịch sử, mỗi cuốn lại có những mảnh giấy dán thò ra ngoài để đánh dấu những đoạn quan trọng.

Ông rất ân cần đối với tôi. Tôi nhớ lần hai người đi cùng nhau và cái chỗ trên đường Madingley, nơi ông nói với tôi rằng đừng bao giờ tin những người đánh giá thấp ông chú tôi [Thomas Babington Macaulay], vì mặc dù ông có những sai lầm như thế, nhưng nói chung ông vẫn là người vĩ đại nhất trong số các nhà sử học.

Từ khi Acton công nhận rằng ông sẽ không bao giờ viết lịch sử về tự do, ông đồng ý biên tập một loạt cuốn sách tập hợp đóng góp của nhiều người cầm bút đáng kính. Bộ Lịch Sử Hiện Đại do Cambridge ấn hành ra đời như thế đấy, bộ sách này đã rút cạn sức lực của ông.

Acton bị cao huyết áp và tháng 4 năm 1901, sau khi biên tập được hai tập đầu, ông bị đột quỵ và bị liệt. Ông về hưu và sống trong ngôi nhà ở Tegernsee, Bavaria. Ông qua đời ngày 19 tháng 6 năm 1902. Ông được chôn trong sân nhà thờ gần đó.

Di sản của Acton

Sai khi Acton qua đời, thư viện với 60.000 cuốn sách của ông ở Aldenham – bộ sưu tập chính của ông về đề tài tự do – được một doanh nhân người Mĩ trong lĩnh vực sắt thép là Andrew Carnegie mua và tặng cho John Morley, một trong những người theo phái tự do cổ điển cuối cùng của Mĩ. Đến lượt mình, Morley lại tặng những cuốn sách này cho Cambridge với mong ước rằng chúng sẽ được lưu trữ cùng nhau.

Trong mấy năm sau đó, hai giảng ciên của Cambridge là John Neville Figgis và Reginald Vere Lawrence thu thập những công trình quan trọng nhất của Acton và kết quả là những tác phẩm với nhan đề Những bài giảng về lịch sử hiện đại (1906), Lịch sử của tự do và những tiểu luận khác (1907), Những tiểu luận và công trình nghiên cứu sử học (1908), Những bài giảng về Cách mạng Pháp (1910), sau đó là Tuyển tập thư từ của Lord Acton (1917).

Nhưng ông bị người đời lãng quên vì những người gọi là “tiến bộ”, những người ủng hộ chính sách kinh tế mới, những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản, phát xít, quốc xã và những người theo phái tập thể khác nắm được quyền lực chính trị khổng lồ, quyền lực này đã hi sinh tự do nhân danh điều thiện.


Các trường phái chính trị tập thể và tiếm quyền như của Karl Marx quá thịnh hành trong thời kỳ đó khiến các lý thuyết của Lord Acton rơi vào quên lãng.

Sau đó là số người chết: gần 10 triệu người trong Thế chiến I, 50 triệu người trong Thế chiến II, cộng với hàng chục triệu người bị Stalin ở Nga và Mao ở Trung Quốc – những tên sát nhân lớn nhất trong lịch sử – sát hại. Hàng trăm triệu người nữa là thần dân của những quốc gia đầy sức mạnh, những người thu thuế ở đó thu 40%, 50%, 60% hoặc hơn khoản tiền mà khó khăn lắm họ mới kiếm được.

Trong khi xảy ra những vụ thảm sát do những người theo chủ nghĩa tập thể gây ra, đã có một số người nhớ đến lời cảnh báo của Acton về sự khủng khiếp của quyền lực chính trị và lời kêu gọi tôn trọng quyền tự do nhân bản của ông. “Dường như chúng ta những người có vinh dự là hiểu ông, trong khi những người đương thời với ông thì không. Ông là người của thời nay, hơn là của thời ông. Ông là một trong những người đương thời vĩ đại nhất của chúng ta”, nhà sử học Gertrude Himmelfarb nhận xét như thế./.

Án tử hình – Chúng ta lấy quyền gì để tước đoạt mạng sống người khác?





Tôi đã luôn có điều muốn nói về nền tư pháp hình sự hiện tại của chúng ta. Bối cảnh bây giờ đã khác nhiều so với 40 năm trước đây. Năm 1972, có 300 ngàn phạm nhân trong các trại tù trên khắp cả nước. Ngày nay, con số này đã tăng lên 2.3 triệu. Nước Mỹ hiện đang có tỷ lệ phạt tù cao nhất thế giới. Chúng ta còn có 7 triệu người đang tại ngoại thuộc diện cải tạo không giam giữ hoặc được đặc xá.

Theo quan sát của tôi, việc phạt tù trên diện rộng đã làm cho xã hội chúng ta thay đổi tận cốt lõi. Trong những cộng đồng dân cư nghèo, cộng đồng của những người da màu, một cảm giác tuyệt vọng và bế tắc, vốn là hệ quả của tình trạng trên, đang vây lấy những con người ở đây. Cứ mỗi ba nam thanh niên da màu tuổi từ 18 đến 30, có một người lại đi tù, đang trong diện quản chế hoặc được cho về trước hạn tù. Còn ở những khu vực thành thị dọc ngang đất nước như Los Angeles, Philadelphia, Baltimore hay Washington, tỷ lệ thanh niên da màu rơi vào vòng lao lý cũng lên đến 50 đến 60 phần trăm.

Hệ thống của chúng ta không chỉ được thiết kế nên với những lỗ hổng làm biến dạng nền tư pháp vì lý do chủng tộc, mà chúng còn liên quan đến khoảng cách giàu nghèo. Chúng ta hiện có một hệ thống tư pháp đang đối đãi tốt với những người có tội nhưng có tiền, và tệ với những ai ít tiền nhưng vô tội. Tài lực, chứ không phải trách nhiệm pháp lý, mới là thứ quyết định kết quả. Nhưng mặc cho thực tế này, chúng ta vẫn cảm thấy rất thoải mái với nó. Văn hóa chính trị cảm tính do nỗi sợ hãi và sự thù hằn dẫn dắt đã khiến chúng ta tin rằng đó không phải là vấn đề của mình. Chúng ta đã tự mình tách rời khỏi thực trạng.

Như một số tiểu bang khác, bang Alabama nơi tôi sống sẽ tước vĩnh viễn quyền đi bầu của bạn nếu bạn đã từng bị kết án hình sự. Hiện tại, 34 phần trăm đàn ông da màu ở Alabama đã vĩnh viễn mất quyền bỏ phiếu của mình. Chúng tôi dự đoán trong vòng 10 năm nữa số lượng người bị tước quyền đi bầu sẽ vẫn ở mức cao kể từ khi Đạo luật Bầu cử được thông qua. Nhưng mặc cho thực tế này, mọi thứ chỉ là một sự im lặng đến hoang mang.

Tôi là luật sư bảo vệ quyền lợi cho trẻ vị thành niên. Nhiều thân chủ của tôi có tuổi đời còn rất trẻ. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới áp dụng mức án chung thân cho một đứa trẻ 13 tuổi. Ở đất nước này, chúng ta có án chung thân không được ân xá dành cho những đứa trẻ. Thậm chí chúng ta còn truy tố ra tòa những đứa trẻ nữa. Quốc gia duy nhất trên thế giới.

Thân chủ của tôi còn là những tử tù. Tôi cho rằng những tranh cãi xung quanh vấn đề án tử hình rất thú vị. Từ trước đến nay, chúng ta đã được định hướng để nghĩ câu hỏi cần phải xem xét là: một người có đáng phải chết vì tội họ đã gây ra hay không? Hẳn nhiên đó là một câu hỏi rất hợp lý. Nhưng vẫn còn một cách suy nghĩ khác xuất phát từ việc chúng ta là ai trong tư cách con người. Thay vì hỏi có đáng để một người phạm tội nhận lãnh cái chết hay không, điều mà chúng ta cần suy nghĩ là: chúng ta lấy quyền gì để tước đoạt mạng sống người khác?


Luật sư Bryan Stevenson trong cuộc họp báo ngay sau khi giúp được thân chủ của mình, Anthony Ray Hinton, thoát được bản án tử hình oan sai ngày 3/4 vừa qua ở Mỹ, sau gần 30 năm chờ đợi. Ảnh: EJI

Án tử hình ở Mỹ luôn có dấu vết của oan sai. Cứ mỗi 9 người nhận án tử thì có một người được giải oan và phóng thích. Một trên chín – đó quả thật là một tỷ lệ sai sót rất đáng kinh ngạc. Trong khi đó, sẽ không đời nào chúng ta dám bước lên máy bay nếu cứ mỗi 9 chiếc cất cánh lại có một chiếc bị rơi. Dẫu vậy, bằng cách nào đó chúng ta vẫn tách mình khỏi thực tế này. Đó không phải là vấn đề của chúng ta, càng không phải gánh nặng để lao tâm khổ tứ.

Một dạo tôi có dịp được làm diễn giả tại một hội thảo về án tử hình ở Đức. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ khi một trong những học giả ở đó đã chia sẻ sau phần trình bày của tôi: “Anh biết đấy, tôi đã thấy rất buồn trong lúc nghe anh nói. Ở Đức chúng tôi không còn án tử hình. Và tất nhiên chúng tôi sẽ không bao giờ đưa vào áp dụng lại hình phạt ấy”. Không khí khán phòng chợt chùng xuống, thế rồi một người phụ nữ đứng lên nói: “Với quá khứ vẫn còn ám ảnh, chúng tôi không thể nào lặp lại việc giết người hàng loạt như trước đây. Sẽ rất vô lương tâm nếu hành động đó vẫn được duy trì, cho dù là với mục đích khác”. Câu nói của bà đã cho tôi nhiều suy nghĩ. Sẽ ra sao nếu nước Đức vẫn còn giữ án tử hình, và phần đông trong số những người bị hành quyết là người Do Thái? Đó là một viễn cảnh mà lương tri chúng ta không thể chịu được.

Tuy vậy, ngay trên đất nước này, ở những bang miền Nam lâu đời, những người tù bị kết tội vẫn đối mặt với án tử hình. Ở các bang này, nếu nạn nhân là người da trắng, khả năng người phạm tội phải nhận án tử cao gấp 11 lần so với khi nạn nhân là một người da màu, và cao gấp 22 lần nếu bị cáo là người da màu còn nạn nhân là da trắng. Đây cũng là những bang mà dưới lòng đất người ta tìm thấy thi thể những người da đen từng bị hành quyết. Dẫu vậy, chúng ta vẫn cảm thấy không liên quan.

Còn có một thực tế khác đang tồn tại ở đất nước chúng ta. Chúng ta không muốn nói về những bất cập đang hiện hữu. Chúng ta cũng không muốn nhắc lại lịch sử. Chính vì vậy, chúng ta không thật sự hiểu những gì đã xảy ra trong quá khứ, để rồi không thấy rằng chúng đang lặp lại ở hiện tại. Chúng ta vẫn luôn đối đầu nhau, vẫn luôn tạo ra những mâu thuẫn và xung đột. Chúng ta thấy thật khó để nói khi động đến chủ đề chủng tộc. Tôi tin sở dĩ như vậy là bởi chúng ta chưa sẵn lòng bước vào tiến trình hòa giải và chấp nhận sự thật. Ở Nam Phi, người ta biết sẽ không thể chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc (apartheid) nếu không thật sự bắt đầu tiến trình hòa giải và nhìn nhận thực tế. Ở Rwanda, ngay khi cả đất nước phải trải qua nạn diệt chủng, họ cũng đã làm việc tương tự. Nhưng ở đất nước này, chúng ta vẫn chưa làm điều đó.

Khi còn là một anh chàng luật sư mới vào nghề, tôi đã có vinh dự được gặp Rosa Parks. Bà vẫn thường lui tới Montgomery. Mỗi lần như vậy, bà đi cùng hai người bạn thân của mình là Johnnie Carr, người đứng sau phong trào tẩy chay xe buýt ở Montgomery – một phụ nữ Mỹ gốc Phi rất đỗi tuyệt vời – và Virginia Durr, người có chồng là Clifford Durr, luật sư đại diện cho tiến sĩ Martin Luther King. Ba người bọn họ thường tụ lại chuyện trò mỗi lần gặp nhau.

Thi thoảng cô Carr lại gọi cho tôi và bảo: “Bryan này, cô Parks sắp đến chơi đấy. Bọn cô đã hẹn nhau rồi. Cháu có muốn đến chỗ bọn cô không?” Tôi nói: “Dạ vâng, cháu muốn ạ”. Thế rồi bà hỏi: “Vậy thì cháu định làm gì khi đến đây?” Tôi trả lời: “Cháu sẽ nghe các cô nói chuyện”. Và tôi đã đến chỗ họ để lắng nghe những chủ đề đã truyền cảm hứng và động lực cho tôi.

Một lần nọ, tôi đến nghe ba người họ nói chuyện. Vài tiếng sau, cô Parks quay sang tôi nói: “Bryan này, bây giờ cháu kể về tổ chức Equal Justice Initiative của cháu đi. Cho cô biết cháu đang làm gì nào”. Và thế là tôi bắt đầu bài diễn thuyết của mình không ngừng nghỉ.

“Dạ thưa, bọn cháu đang cố thách thức sự bất công. Bọn cháu đang giúp đỡ những người đã bị kết án oan sai. Bọn cháu cố gắng đối diện với nạn kì thị và phân biệt đối xử đang diễn ra trong hệ thống tư pháp và hành chính. Bọn cháu mong muốn sẽ chấm dứt việc kết án chung thân không được ân xá đối với trẻ em, và cả án tử hình nữa. Bọn cháu cũng đang cố làm giảm xuống số người bị đi tù, vì bọn cháu muốn chấm dứt tình trạng kết án tù ồ ạt”.

Khi tôi kết thúc, bà ấy đã nhìn tôi rồi nói: “Mmm mmm mmm, cháu sẽ phải vất vả lắm đấy”. Lúc ấy cô Carr cũng tham gia vào, bà khẽ chạm má tôi và bảo: “Vì thế nên cháu phải thật kiên cường đấy nhé!”

Và tôi nghĩ tất cả chúng ta đều cần cái dũng khí đó. Chúng ta cần tìm ra cách để đối diện với những thách thức và khó khăn đang gây nên đau khổ cho đồng loại. Bởi lẽ xét cho cùng, loài người chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau, vào mỗi cá thể trong một tập thể. Khi làm công việc của mình, có những điều rất đơn giản mà tôi đã học được. Tôi nghiệm ra mọi người trên hành tinh này, cho dù đã làm chuyện tồi tệ đến cỡ nào, đều không chỉ được định nghĩa bởi duy nhất điều đó. Tôi tin nó đúng với tất cả chúng ta. Nếu một người nói dối bạn, cô ta không chỉ được định nghĩa là một kẻ dối trá. Nếu một người lấy đi thứ không phải tài sản của họ, anh ta không chỉ là một tên trộm. Và thậm chí nếu đã cướp đi sinh mạng ai đó, bạn cũng không chỉ là một hung thủ giết người. Chính bởi vì mỗi người chúng ta đều có một nhân phẩm, và nó cần được pháp luật tôn trọng.

Tôi tin rằng dẫu có hào nhoáng, hấp dẫn, đẹp đẽ, sáng tạo hay tiến bộ đến đâu, cuối cùng thì công nghệ, sự phát triển hay hàm lượng tri thức không phải là tiêu chí chung cuộc để đánh giá một xã hội. Chúng ta đánh giá phẩm chất một xã hội không phải trên cách mà nó đối đãi với người giàu, người có thế lực và có đặc quyền, mà dựa trên cách những người nghèo, người bị kết tội và người tù được đối xử ra sao. Chỉ khi đó chúng ta mới bắt đầu có cái nhìn sâu sắc về xã hội của chúng ta.

Triết lý đạo đức thì có rất nhiều, nhưng lịch sử nhân loại cho thấy điểm chung nằm ở niềm tin vào công lý. Chúng ta không thể trở thành một con người hoàn chỉnh chừng nào chúng ta vẫn chưa quan tâm đến nhân quyền và nhân phẩm của mình và người khác. Bởi sự tồn tại của tất cả chúng ta gắn chặt với sự tồn tại của từng cá nhân. Tôi tin các bạn ở đây đều hiểu điều đó, vì vậy hôm nay đến với TED, tôi muốn nói với các bạn rằng, hãy tiếp tục kiên cường cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu.

Xin cảm ơn rất nhiều.



Lược dịch và tổng hợp từ:
TED Talk: “We Need to Talk about an Injustice”
Bryan Stevenson: ‘America’s Mandela’