Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Về sự đọc



Roland Barthes

Đọc là gì? Đọc như thế nào? Tại sao đọc? 

Đối với sự đọc, tôi đang ở trong một tình trạng bối rối về lý thuyết: tôi không có lý thuyết nào về sự đọc, vì thế trước mắt, lý thuyết về sự đọc dần dần sẽ được phác thảo ra. Đôi khi, tôi bối rối đến mức hồ nghi, nghĩa là tôi không biết có cần phải có một lý thuyết về sự đọc hay không, tôi không biết sự đọc về mặt cấu tạo có phải là cái phạm vi số nhiều[1] bao gồm những cách đọc phân tán, những kết quả không thể quy giản hay không, và do đó, tôi cũng không biết có phải bản thân sự đọc của sự đọc, tức sự Siêu đọc, không gì khác hơn là một mảnh vỡ của tư tưởng, của sự sợ hãi, của lòng ham muốn,của sự khoái lạc, của sự đè nén – tùy theo hoàn cảnh – tuồng như là hình ảnh nhiều cuộc hội thảo[2] khác nhau cùng tạo nên hội nghị này, hay không.

Tôi sẽ không tìm cách giảm bớt đi sự bối rối đó (hơn nữa tôi cũng không có phương tiện gì để làm việc này), mà tôi chỉ tìm cách định vị nó, tìm cách hiểu cho được sự tràn ngập mà khái niệm đọc trong tôi rõ ràng là đối tượng của nó. Nhưng bắt đầu từ đâu? Có lẽ từ cái khái niệm cho phép ngôn ngữ học hiện đại khởi động: sự quan yếu.



1. Sự quan yếu

Sự quan yếu – ít ra trong ngôn ngữ học, đó là quan điểm mà từ đó người ta chọn lựa cách nhìn, cách tra vấn, phân tích một tập hợp hỗn tạp như là hoạt động ngôn ngữ. Chỉ khi nào người ta quyết định nhìn hoạt động ngôn ngữ theo quan điểm ý nghĩa thì chỉ với quan điểm đó, Saussure mới thôi dậm chân tại chỗ, không còn hốt hoảng nữa, để có thể xây dựng nền móng cho ngôn ngữ học hiện đại. Bằng cách quyết định chỉ xem xét âm thanh theo sự quan yếu duy nhất về nghĩa, Troubetskoï và Jakobson mới làm cho âm vị học có thể phát triển được. Chỉ khi không điếm xỉa đến những nhận xét khác có thể có để chấp nhận việc chỉ nhìn thấy trong hàng trăm truyện cổ dân gian những tình huống và các vai nhân vật ổn định, có tính hồi quy, tóm lại là chỉ nhìn thấy những hình thức thôi, Propp mới tạo nên lý thuyết Phân tích truyện kể.

Như vậy, nếu chúng ta có thể quyết định được sự quan yếu mà nhờ đó, chúng ta tra vấn sự đọc, chúng ta mới hy vọng dần dần phát triển một ngành ngôn ngữ học hay ký hiệu học, hay chỉ đơn giản (để chúng ta không bị lúng túng vì nợ nần) là lý thuyết Phân tích sự đọc, phân tích về anagnôsis [3], về sự đọc hiểu, tức là lý thuyết Đọc hiểu. Điều đó tại sao không?

Nhưng tiếc thay, sự đọc vẫn chưa gặp được Propp hay Saussure của mình. Chúng ta đã không – ít ra là chưa tìm thấy sự quan yếu mong muốn đó, tức là cái hình ảnh về sự giảm nhẹ gánh nặng của nhà bác học vì những quan yếu ngày xưa không còn thích hợp với sự đọc, hay ít ra, sự đọc ngày nay đã vượt qua những quan yếu cũ kỹ đó rồi.

1. Trong phạm vi đọc, không có sự quan yếu về đối tượng: động từ đọc dường như có tính ngoại động nhiều hơn động từ nói, nó có thể bị bão hòa, bị xúc tác bởi hàng ngàn bổ ngữ đối tượng: tôi đọc sách, đọc [4]hình ảnh, đọc [5]thành phố, đọc [6] chân dung, đọc [7]cử chỉ, đọc vở kich, v.v. Những bổ ngữ này đa dạng đến nỗi tôi không thể thống hợp chúng trong bất cứ một phạm trù nội dung lẫn hình thức nào. Tôi chỉ có thể tìm thấy ở chúng một sự thống nhất có tính chủ ý: đối tượng mà tôi đọc chỉ được tạo nên nhờ vào chủ ý đọc của tôi, đơn giản chỉ vì đọc, legendum, thuộc về hiện tượng luận chứ không phải ký hiệu học.

2. Trong phạm vi sự đọc, điều quan trọng hơn là không hề có sự quan yếu của các cấp độ, không hề có khả năng miêu tả các cấp độ đọc, bởi vì không hề có khả năng kết thúc cái danh sách các cấp độ đó. Có thể có một cội nguồn của sự đọc hình họa, đó là việc học các con chữ, các từ được viết ra. Nhưng một mặt, có những sự đọc mà không cần học chữ (đọc hình ảnh) – ít ra là không cần học chuyên môn, nếu không phải là học văn hóa, và mặt khác, khi đã thụ đắc được ngón nghề (technè) này, người ta không biết đến đâu thì độ sâu và sự lan truyền của sự đọc ngừng lại. Phải chăng là khi nắm được ý nghĩa? Nhưng mà ý nghĩa nào? Nghĩa biểu vật hay nghĩa liên hội? Đó là những hiện tượng nhân tạo mà tôi gọi là những hiện tượng đạo đức (éthiques), bởi vì nghĩa biểu vật có chiều hướng được xem như là cái đơn nghĩa, nghĩa thật, nó tạo thành quy luật (có bao nhiêu người chết vì một nghĩa nào đó?), còn nghĩa liên hội thì cho phép (đó là lợi ích đạo đức của nó) đặt ra luật lệ cho cái đa nghĩa và hứa hẹn giải phóng sự đọc. Nhưng giải phóng đến đâu? Đến vô cùng: vì không có ràng buộc về mặt cấu trúc nào đóng lại sự đọc. Tôi cũng có thể đẩy lùi đến vô tận những giới hạn của cái có thể đọc, có thể quyết định rằng mọi cái cuối cùng đều có thể đọc được (có lẽ điều này chắc là khó đọc), mà cũng có thể ngược lại, tôi cho rằng tận cùng của mọi văn bản, nếu cái đọc được đã được hiểu hết thì vẫn còn có cái không thể đọc được. Sự biết- đọc có thể bị hạn chế, bị kiểm chứng ngay từ giai đoạn mở đầu, nhưng nó sẽ nhanh chóng trở thành cái vô cùng, không quy tắc, không cấp độ và không kết thúc.

Có thể chúng ta nghĩ rằng vì thiếu bậc thiên tài nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự khó khăn trong việc tìm thấy một sự quan yếu làm nền tảng cho một lý thuyết Phân tích mạch lạc của sự đọc. Nhưng chúng ta cũng có thể cho rằng sự không quan yếu gần như là tính chất bẩm sinh của sự đọc, bởi vì có cái gì đó rất hợp lệ làm rối tung việc phân tích các đối tượng và các cấp độ đọc và làm cho mọi chuyện trở nên thất bại, không chỉ tất cả nghiên cứu về tính quan yếu trong lý thuyết Phân tích sự đọc mà còn có thể là bản thân cái khái niệm quan yếu (bởi vì cuộc phiêu lưu này dường như cũng xảy ra đối với ngôn ngữ học và tự sự học). Tôi tin có thể gọi tên (một cách hoàn toàn sáo rỗng) cái gì đó chính là sự Ham muốn. Chính vì mọi sự đọc đều bị sự Ham muốn (hay sự Chán ghét) thâm nhập, nên lý thuyết Đọc hiểu khó lòng, có lẽ là không thể hình thành được – cho dù lý thuyết này từng có cơ hội trở thành sự thật ở nơi mà chúng ta không mong đợi, hay ít ra không đúng vào cái nơi ta mong đợi. Theo truyền thống – gần đây –chúng ta mong đợi nó có liên quan đến cấu trúc; và chúng ta phần nào đã có lý: mọi sự đọc đều diễn ra trong một cấu trúc (cho dù đa dạng và có tính mở) chứ không phải trong cái không gian mạo xưng là tự do của sự ngẫu nhiên cũng mang tính mạo xưng nốt: không có sự đọc “tự nhiên”, “hoang dã” mà chỉ có sự đọc vượt qua cấu trúc: nó phục tùng cấu trúc, nó cần đến cấu trúc, nó tôn trọng cấu trúc, nhưng lại làm cho cấu trúc hư hỏng. Sự đọc, đó chính là cái động tác của cơ thể (bởi vì hiển nhiên là người ta đọc với thân xác của mình)mà cùng một động tác, nó vừa đề cao, vừa phá hỏng trật tự của nó: đó là cái phần phụ hư hỏng nằm ở bên trong.



2. Sự dồn nén



Đúng ra, tôi không tự hỏi về những biến đổi của sự ham muốn đọc; đặc biệt, tôi không thể trả lời câu hỏi khó chịu này: tại sao ngày nay người Pháp không muốn đọc? Tại sao có khoảng năm mươi phần trăm trong số đó không đọc? Điều có thể giữ chúng ta lại trong một lát, đó là cái dấu vết của sự ham muốn – hay sự không ham muốn – nằm ở bên trong sự đọc, trong chừng mực sự ham muốn đọc đã được thừa nhận rồi. Và trước hết là những dồn nén sự đọc mà theo ý tôi, chúng có hai loại.

Loại thứ nhất là kết quả của những hạn lệ có tính xã hội hay đã được nội tâm hóa bởi hàng ngàn cuộc chạy tiếp sức, chúng làm cho sự đọc trở thành một nghĩa vụ trong đó, chính bản thân hành động đọc được xác định bởi một quy luật: hành động đọc, hay đúng hơn, nếu có thể nói như vậy, hành động đã đọc, tức là cái dấu vết hầu như có tính nghi thức của một sự khai tâm. Do đó, tôi không muốn nói đến những sự đọc “công cụ” vốn cần thiết cho việc thủ đắc một kiến thức, một kỹ thuật mà theo đó, động tác đọc biến mất dưới hành động học tập. Tôi muốn nói đến những sự đọc “tự do”nhưng đã hoàn tất: sự cần phải đọc qua (Công chúa xứ Clèves[8], Phản Oedip[9], chẳng hạn). Từ đâu mà có quy luật này? Từ nhiều trường hợp khác nhau, trong đó mỗi trường hợp được làm căn cứ cho một giá trị, cho một ý thức hệ. Đối với người chiến sĩ tiền phong, cần phải đọc qua Bataille, Artaud. Trong một thời gian dài, khi sự đọc còn mang tính chất tinh hoa một cách nghiêm ngặt thì đã từng có những nghĩa vụ đọc phổ thông. Tôi cho rằng việc đào xới các giá trị nhân văn đã chấm dứt những nghĩa vụ đọc đó và thay vào đó là những nghĩa vụ riêng biệt, gắn với “vai trò” mà chủ thể tự nhận biết được trong xã hội ngày nay. Quy luật đọc không đến từ sự vĩnh cữu văn hóa mà từ một sự kiện kỳ lạ hay ít ra là còn bí ẩn, nằm ở giữa Lịch sử (Histoire) và Thời thượng (Mode). Điều tôi muốn nói là có những quy luật của cộng đồng, những quy luật vĩ mô cần phải có quyền tự giải phóng. Nói cách khác, sự tự do đọc, dù ta phải trả bất cứ giá nào, cũnglà sự tự do không đọc. Ai mà biết được phải chăng một vài sự vật sẽ không bị biến dạng, ai mà biết được phải chăng một số sự vật quan trọng sẽ không xảy ra (trong lao động, trong câu chuyện của chủ thể lịch sử) không phải vì hậu quả của sự đọc mà vì tác động của sự quên đọc: phải chăng người ta có thể gọi đó là sự tự do quá trớn của hành động đọc? Nói cách khác, trong sự đọc, sự Ham muốn dù đáng giá với những thiết chế, vẫn không thể tách ra khỏi tính phủ định mang tính chất xung lực của chính nó.

Loại dồn nén thứ hai có lẽ là sự dồn nén của Thư viện. Tất nhiên, vấn đề không phải là nghi ngờ thiết chế thư viện và không quan tâm đến sự phát triển tất yếu của nó. Đơn giản, vấn đề ở đây chỉ là nhận biết cái dấu vết dồn nén ở bên trong nét đặc trưng cơ bản và không thể thiếu của Thư viện công cộng (hay đơn gian là Thư viện tập thể): tính giả tạo của nó. Tự thân tính giả tạo không phải là con đường dồn nén (Tự nhiên không hề có người giải phóng của riêng nó). Nếu tính giả tạo của Thư viện ngăn cản sự Ham muốn đọc, đó là vì hai lý do.

1. Về mặt cương vị xã hội, dù kích thước như thế nào đi nữa thì Thư viện vẫn là vô cùng, trong chừng hạn nó luôn luôn (cho dù nó được nhận thức như vậy) vừa ở bên này vừa ở bên kia sự yêu cầu: cuốn sách mong muốn thì có xu hướng không có ở đó, trong khi đó, người ta lại đề nghị cho bạn một cuốn sách khác. Nghĩa là Thư viện là không gian của những cái thay thế sự ham muốn. Trước cuộc phiêu lưu của hành động đọc, nó là cái có thật ở chỗ nó nhắc nhở sự Ham muốn phải trật tự: Bao giờ nó cũng vừa quá lớn, vừa quá nhỏ, cho nên về cơ bản, nó không phù hợp với sự Ham muốn. Muốn giải thoát niềm vui thú, thỏa mãn ra khỏi Thư viện, chủ thể phải từ bỏ Trí tưởng tượng dạt dào của mình, phải tạo ra cho mình mặc cảm Oedip – cái mặc cảm không chỉ hình thành từ năm lên bốn tuổi mà hình thành từng ngày trong cuộc đời mà tôi muốn. Ở đây, chính sự thừa thãi sách vở mới là quy luật, là sự thiến.

2. Thư viện là khoảng không gian để người ta thăm viếng, nhưng không bao giờ là nơi người ta cư trú. Trong tiếng nói tất nhiên là hoàn thiện của chúng ta, cần phải có hai từ khác biệt: một từ dành cho sách của Thư viện và một từ dành cho sách tại gia (gạch dưới, đây là một ngữ đoạn tự trị chỉ cho một đối tượng đặc biệt) – một từ dành cho sách “mượn” – thường là qua một trung gian bàn giấy hay theo đơn (magistrale) và một từ dành cho sách bị tóm lấy, bị níu kéo,bị dụ dỗ, được lấy ra như thể nó từng là một thần vật; một từ dành cho loại sách-đối tượng của một món nợ (cần phải trả) và một từ dành cho cuốn sách-đối tượng của một ham muốn hay của một yêu cầu trực tiếp (không qua trung gian). Cái không gian tiết kiệm (không phải công cộng) ấy rút ra từ sách vở mọi chức năng dường như có tính xã hội, văn hóa, thiết chế (ngoại trừ trường hợp các cosy-corner[10] chứa các loại sách cặn bã). Chắc chắc, sách tại gia không phải là một mảnh ham muốn thuần khiết: nó (nói chung) phải thông qua một trung gian không hề sạch sẽ cho lắm: tiền. Nghĩa là người ta phải mua nó và do đó, không mua được những cái khác. Nhưng cho dù chúng là cái gì đi nữa thì bản thân tiền là một sự dồn nén – chứ không phải Thiết chế là sự dồn nén. Mua có thể là dồn nén, nhưng mượn chắc hẳn không phải như thế. Trong cái xã hội không tưởng của Fourier[11], sách vở hầu như không có giá trị gì cả, nhưng dù sao thì chúng cũng được chấp nhận nhờ trung gian của vài đồng xu. Chúng được che chở bởi một sự Tiêu dùng và nhờ đó mà sự Ham muốn vận hành được chức năng của nó: một cái gì đó đã được giải tỏa.

Chú thích :


[1]Tác giả dùng từ pluriel. Tính từ này ngoài nghĩa chỉ số nhiều ngữ pháp còn có một nghĩa phái sinh mà theo tự điển Larousse Multidico (bản điện tử) định nghĩa là: “Dont le contenu est formé d’éléments multiples, sous-jacents à un sens unique non repérable immédiatement : Lecture plurielle d’un texte”. (Tạm dịch: Có nội dung được cấu tạo bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng ngầm ẩn một ý nghĩa duy nhất không thể xác định trực tiếp được). Khó tìm thấy trong tiếng Việt một từ tương ứng với nội hàm này, do đó, chúng tôi tạm sử dụng từ số nhiều ở đây với nghĩa”có nhiều cách đọc khác nhau”.


[2] Tác giả dùng từ atelier. Ở đây không thể dịch là xưởng thợ, dù đây là nghĩa chính của nó. Chúng tôi chọn từ tiếng Anh tương đương với nó là workshop với nghĩa “hội thảo”.


[3] Trong nguyên tác, Barthes dùng hai từ là anagnose và anagnosologie. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là ana-gignôsco có nghĩa là “đọc-hiểu). Đây là lý thuyết chung về sự đọc, bắt nguồn từ ngôn ngữ học và ký hiệu học, được Barthes xem xét lại vào năm 1984 để đáp lại từ “lecturologie” của Kristeva (1969), nhằm thống nhất các trào lưu và tư tưởng rất phân tán trong sự đọc của sự đọc, hay nói cách khác trong sự “Siêu đọc (Métalecture). (dẫn lại theo nguồn: http://coursgabrielle.free.fr/metalangage/A.htm)


[4] Dịch theo nguyên tác nhưng cần hiểu động từ đọc ở đây có nghĩa là xem.


[5] Dịch theo nguyên tác nhưng cần hiểu động từ đọc ở đây có nghĩa là nhận ra.


[6] Dịch theo nguyên tác nhưng cần hiểu động từ đọc ở đây có nghĩa là đoán.


[7] Dịch theo nguyên tác nhưng cần hiểu động từ đọc ở đây có nghĩa là hiểu.


[8]La Pricesse de Clèves là một tiểu thuyết được Marie-Madeleine de là Fayette xuất bản ẩn danh vào năm 1678. Tiểu thuyết lấy khung cảnh cuộc sống ở triều đình Valois “trong những năm cai tri cuối cùng của Henri Second”, như người kể chuyện đã chỉ ra ở mấy dòng đầu của tác phẩm. Như thế có thể xác định đây là một tiểu thuyết lịch sử, cho dù dưới nhiều khía cạnh nó mở đầu cho truyền thống tiểu thuyết phân tích hiện đại.

Tiểu thuyết La Princesse de Clèves cũng cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ trong văn chương và trong đời sống văn hóa thế kỷe XVII được đánh dấu bởi trào lưu kiểu cách. Với tư cách là tiểu thuyết nền tảng, La Princesse de Clèves được xem như là một trong những khuôn mẫu văn chương đã gợi cảm hứng cho Balzac, Raymond Radiguet và kể cả Jean Cocteau. (Theo Wikipédia).


[9]L’Anti-Œdipe là tập 1 trong số 2 tập sách có nhan đề là Chủ nghĩa tư bản và chứng tâm thần phân liệt do hai nhà triết học và phân tâm học Gilles Deleuze và Félix Gauttari hợp tác viết.


[10] Tạm dịch: góc tiện lợi.


[11] Tức là Charles Fourier (1772-1837), triết gia Pháp theo phái xã hội chủ nghĩa không tưởng, nổi tiếng nhờ tạo ra thuật ngữ “nữ quyền” vào năm 1837, ông bênh vực cho quyền tự do xã hội và chính trị của phụ nữ.


3. Sự Ham muốn

Có Ham muốn gì trong sự đọc? Sự Ham muốn không thể gọi tên và (trái với Yêu cầu) không thể tự nói ra. Tuy nhiên, điều chắc hắn là có một thứ tình dục (érotisme) của sự đọc (trong sự đọc, ham muốn ở cùng với đối tượng của nó, đó là định nghĩa về tính dục). Về tình dục của sự đọc, có lẽ không có ngụ ngôn nào thuần khiết hơn là cái tình tiết trong cuốnĐi tìm thời gian đã mất trong đó, Proust cho ta thấy Người trần thuật trẻ tuổi ru rú trong các căn phòng ở Combray để đọc sách (để không nhìn thấy người bà của mình đau khổ khi nghe người ta đùa cợt bằng cách nói rằng chồng bà đi uống rượu cô-nhắc…):“Tôi nức nở khóc vừa leo lên chỗ cao nhất của ngôi nhà bên cạnh phòng nghiên cứu, nằm dưới nóc nhà, trong một căn phòng nhỏ ngát mùi hương cây đuôi diều, ở bên ngoài là cây lý đen dại mọc giữa những viên đá tường cũng tỏa hương, một nhành hoa của nó đang vắt ngang qua cánh cửa sổ hé mở. Căn phòng này vốn được dùng cho những việc vừa đặc biệt hơn vừa bình thường hơn, mà từ đây, người ta có thể nhìn ngắm cả ngày cho đến tận cái tháp phòng ngự Roussainville-le-Pin, từ lâu tôi đã dùng nó như là chỗ trú ẩn, chắc chắn bởi vì đó là căn phòng duy nhất mà người ta cho phép tôi khóa chặt cửa, cho phéptôi chiếm giữ để được yên tĩnh tuyệt đối để đọc, để mơ mộng, để khóc lóc và để khoái trá”.

Như vậy, sự đọc mong muốn dường như được đánh dấu bằng hai nét đặc trưng cơ bản. Bằng cách tự khép mình để đọc, làm cho sự đọc trở thành một trạng thái hoàn toàn tách biệt, lén lút, ở cái nơi mà toàn bộ thế giới bị gạt bỏ, người đọc – người hành động đọc – tự đồng nhất với hai chủ thể người khác – nhưng thực ra lại gần gũi với nhau – hai chủ thể người này đều ở trong tình trạng cũng đòi hỏi một sự tách biệtmãnh liệt, đó là chủ thể say mê và chủ thể thần bí. Đặc biệt là Thérèse d’Avila đã làm cho sự đọc trở thành cái thay thế cho bài điếu văn tinh thần. Còn chủ thể say mê, như chúng ta đã biết, được đánh dấu bằng một sự triệt thoái khỏi thực tại, nó tự truất quyền ra khỏi thế giới bên ngoài. Điều này khẳng định rằng chủ thể-người đọc là một chủ thể hoàn toàn bị gạt ra khỏi quyển sổ của Trí tưởng tượng. Mọi sự tiết kiệm vui thú của nó là ở chỗ chăm chút mối quan hệ tay đôi của nó đối với sách vở (tức là Hình ảnh), bằng cách tự đóng cửa để chỉ có hai người (người đọc với sách vở) với nhau, người đọc dán chặt vào sách, chúi mũi vào nó như thể đứa trẻ dính chặt vào người mẹ, như Người tình tựa vào gương mặt tình nhân. Căn phòng có mùi hương cây đuôi diều chính là cái hàng rào của Tấm gương, nơi đây đã làm nảy sinh sự hòa hợp thần thánh giữa chủ thể và Hình ảnh – tức là sách.

Nét đặc trưng thứ hai hình thành nên sự đọc mong muốn, chính là điều mà đoạn văn về căn phòng đọc sách trên đây đã nói với chúng ta một cách tường minh. Đặc trưng ấy như sau: bên trong sự đọc, tất cả mọi cảm xúc của thân xác đều bị trộn lẫn, bị cuộn tròn: sự mê hoặc, sự khiếm khuyết, sự đau khổ, sự khoái trá. Sự đọc sản sinh ra một thân xác đảo lộn, nhưngkhông bị chia cắt (vì nếu không như vậy thì sự đọc không thuộc về Trí tưởng tượng). Tuy nhiên, có cái gì đó bí ẩn hơn trong đoạn văn của Proust dành cho việc đọc và việc lý giải: sự đọc – sự khoái trá đọc – có một mối tương quan nào đó với giai đoạn hậu môn (analité)[1]. Đây là một phép hoán dụ liên kết sự đọc, chất cặn bã và – như chúng ta đã biết – tiền bạc với nhau.

Và bây giờ – nếu không rời khỏi căn phòng đọc sách – một câu hỏi đặt ra: có những khoái cảm đọc khác hay không? Có một loại hình học về những khoái cảm đó không? Đối với tôi, dường như ít ra cũng có 3 loại khoái cảm đọc, hay nói chính xác hơn, có ba con đường qua đó Hình ảnh đọc có thể hấp dẫn chủ thể đọc. Theo con đường thứ nhất, sự đọc có một mối tương quan mang tính bái vật đối với văn bản đọc. Nó thích thú với những từ, với một số từ, với một số sắp xếp từ nào đó. Trong văn bản, những bãi biển, những vùng đất biệt lập được vẽ nên với sự mê hoặc mà chủ thể-đọc bị nhấn chìm và mất hút trong đó. Đó là loại đọc ẩn dụ hay mang tính thi ca. Để thưởng thức khoái cảm này, có cần một trình độ văn hóa ngôn ngữ lâu dài hay không? Điều đó không chắc lắm, ngay cả đứa trẻ thơ lúc còn mới bập bẹ, cũng nhận biết tính kích dục của từ, một thói quen bằng miệng và âm thanh dành cho xung năng. Theo con đường thứ hai, đối lập với con đường thứ nhất, người đọc dù sao cũng bị kéo ra khỏi cuốn sách bởi một sức mạnh bao giờ cũng ít nhiều được ngụy trang, nó giống như sự hồi hộp. Cuốn sách dần dần bị gạt bỏ và niềm vui thú lại nằm trong sự xói mòn nóng vội và kích thích. Tất nhiên, vấn đề chính yếu ở đây là niềm khoái lạc mang tính hoán dụ của mọi trần thuật, mà không nên quên rằng bản thân sự hiểu biết hay tư tưởng có thể được kể ra và bị cơn hồi hộp khuất phục. Và vì khoái cảm này gắn bó một cách rõ ràng với sự giám sát cái đang diễn ra và với việc khám phá ra điều bị che giấu, cho nên người ta có thể giả định rằng nó có một mối tương quan nào đó với việc nghe một vở kịch nguyên gốc. Tôi muốn tạm đình chỉ, tôi không còn chờ đợi, đó là hình ảnh thuần khiết của sự hưởng thụ, ở chỗ nó không thuộc về sự thỏa mãn. Vả chăng, cần phải tra vấn ngược lại những ngăn chặn, những sự chán ngấy của sự đọc: tại sao ta không tiếp tục đọc nữa? Tại sao Bouvard khi quyết định quan tâm đến Triết học về Lịch sử lại không thể “đọc hết bài Discours nổi tiếng của Bossuet[2]? Đó là lỗi của Bouvard hay của Bossuet? Có hay không các cơ chế hấp dẫn phổ quát? Có hay không cái logic tính dục của Tự sự? Lý thuyết Phân tích cấu trúc ở đây cần phải đặt vấn đề về Khoái cảm, đối với tôi dường như kể từ nay, nó đã có phương tiện để làm việc đó. Cuối cùng, có cuộc phiêu lưu thứ ba của sự đọc (tôi gọi phiêu lưu là cái cách mà Khoái cảm đến với người đọc). Có thể nói, đó chính là cuộc phiêu lưu của Sự viết. Sự đọc là cái dẫn truyền sự Ham muốn viết (bây giờ đây, chúng ta chắc chắn rằng có một niềm vui thú đối với sự viết, mặc dù niềm vui thú ấy vẫn còn bí ẩn đối với chúng ta); hoàn toàn không phải chúng ta mong muốn viết như là tác giả mà việc đọc ông ta làm cho chúng ta vui thích; điều mà chúng ta mong muốn đó chẳng qua là cái ham muốn mà người viết đã có khi viết, hoặc là chúng ta mong muốn cái ham muốn mà tác giả đã có đối với người đọc khi anh ta viết; chúng ta mong muốn cái sự hãy yêu tôi vốn tồn tại trong mọi sự viết. Đó chính là điều mà nhà văn Roger Laporte đã nói rất rõ ràng: “Một sự đọc thuần khiết mà không đòi hỏi một sự viết khác nào, đối với tôi là cái gì đó khó hiểu… Đọc Proust, Blanchot, Kafka, Artaud không làm cho tôi thèm khát viết về những tác giả đó (tôi nói thêm, như họ) mà chẳng qua là thèm viết thôi.” Trong bối cảnh này, sự đọc thực sự là một hoạt động sản xuất, không phải sản xuất ra những hình ảnh nội tâm, những dự phóng, những ảo ảnh, mà theo đúng nghĩa, nó sản xuất ra lao động: sản phẩm (được tiêu thụ) bị đảo ngược thành hoạt động sản xuất, thành sự hứa hẹn, sự ham muốn sản xuất, và cái chuỗi ham muốn đó lại bắt đầu diễn ra. Mỗi sự đọc đối với sự viết mà nó sinh ra, có giá trị đến vô tận. Sự vui thú sản xuất phải chăng là mang tính tinh hoa chủ nghĩa, và chỉ dành cho những nhà văn ảo mà thôi? Trong xã hội của chúng ta, cái xã hội tiêu thụ chứ không phải sản xuất, cái xã hội đọc, xem và nghe chứ không phải là xã hội viết, nhìn ngắm và lắng nghe, tất cả được tạo ra để ngăn chặn câu trả lời: những người viết không chuyên bị phân tán, lén lút, bị nghiền nát bởi hàng nghìn câu thúc, thậm chí là ở bên trong.

Đó là vấn đề văn minh. Nhưng đối với tôi, tôi tin tưởng sâu sắc và bền vững rằng không bao giờ ta có thể giải phóng sự đọc nếu như đồng thời, ta không giải phóng sự viết.



4. Chủ thể


Trước khi có sự kiện lý thuyết Phân tích cấu trúc, người ta đã tranh luận rất nhiều về các quan điểm khác nhaumà trong đó một tác giả được đặt vào để kể một câu chuyện – hay đơn giản là phát ngôn một văn bản. Cách thức móc nối người đọc vào lý thuyết Tự sự hay nói rộng hơn, vào Thi pháp học, có lẽ là xem bản thân người đọc chiếm giữ một điểm nhìn (hay nhiều điểm nhìn kế tiếp). Nói cách khác, là đối xử người đọc như là một nhân vật, làm cho người đọc trở thành một trong số những nhân vật (cho dù không bắt buột là nhân vật được ưu đãi) của sự hư cấu và/hoặc của Văn bản. Điều này đã được chứng minh bằng bi kịch Hy Lạp: người đọc là nhân vật ở trên sân khấu (cho dù là bí mật), là người duy nhất nghe/hiểu[3] được điều mà mỗi nhân vật trong số các cặp đối thoại không nghe/ hiểu được; hành động nghe/hiểu của anh ta là hành động kép (và vì thế tiềm ẩn tính đa dạng). Nói cách khác, vị trí đặc thù của người đọc chính là trò thay chữ (paragramme[4]), giống như điều đã ám ảnh Saussure (nhà bác học này có trở nên điên khùng hay không khi mình hoàn toàn chỉ là người đọc hay không?): sự đọc “thực sự”, tức sự đọc thừa nhận sự khẳng định của mình, có lẽ là một sự đọc “điên loạn” không phải là vì nó khám phá ra những ý nghĩa đâu đâu (tức là những “điều trái với lẽ phải”), cũng không phải vì nó “mê sảng” mà ở chỗ nó xuyên thấu sự đa dạng đồng thời của các ý nghĩa, các điểm nhìn, các cấu trúc, như là một không gian trải rộng, nằm ở bên ngoài những luật lệ cấm chỉ sự mâu thuẫn (“Văn bản” là sự thừa nhận cái không gian đó).

Sự tưởng tượng của người đọc toàn bộ – nghĩa là người đọc hoàn toàn đa dạng, có tính chất của trò thay chữ – có lẽ có ích ở chỗ nó cho phép thoáng nhận ra điều mà ta có thể gọi là sự Nghịch lý của người đọc. Người đọc thường thừa nhận rằng đọc tức là giải mã những con chữ, những từ, những nghĩa, những cấu trúc. Điều đó là không thể chối cãi nhưng bằng cách tích lũy những điều đã giải mã, bởi vì sự đọc có quyền năng vô tận, bằng cách tháo dỡ cái khóa an toàn của ý nghĩa và không kiểm soát sự đọc (đây là cái thiên hướng về mặt cấu trúc của nó), người đọc bị nắm giữ trong một sự đảo lộn biện chứng. Cuối cùng, anh ta không giải mã mà anh ta đứng trên mã; anh ta không đọc hiểu mà anh ta sản xuất, anh chất các ngôn ngữ thành đống, anh ta để cho chúng đi qua bất tận, không mệt mỏi: anh ta chính là sự đi ngang qua ấy.

Hơn nữa, đó chính là cái tình huống của chủ thể người, ít ra như nhận thức luận phân tâm học cố sức để hiểu điều đó. Chủ thể không còn là cái chủ thể tư duy của triết học duy tâm, mà nó đi ra khỏi mọi sự thống nhất, rồi bị mất hút trong sự bất tri kép về cái vô thức và về ý thức hệ của mình để chỉ giữ lại cái vòng quay ngựa gỗ là các ngôn ngữ. Do đó, tôi muốn nói rằng người đọc đó chính là cái chủ thể toàn bộ, còn phạm vi đọc là cái phạm vi của tính chủ quan tuyệt đối (theo nghĩa duy vật mà cái từ duy tâm cũ kỹ từ nay có thể có được): mọi sự đọc có một chủ thể, nó chỉ bị tách ra khỏi chủ thể này bởi những trung gian hiếm hoi và nhỏ bé, đó là việc học chữ, học một số nghi thức tu từ học. Vượt qua rất nhanh những trung gian ấy, chủ thể được tìm thấy trong cái cấu trúc cá thể của riêng nó: hoặc thèm muốn, hoặc đồi bại, hoặc hoang tưởng, hoặc tưởng tượng, hoặc loạn thần kinh – và tất nhiên, nó cũng được tìm thấy trong cái cấu trúc lịch sử của nó: nó bị tha hóa bởi ý thức hệ, bởi tập quán của mã.

Nói như vậy là để chỉ ra rằng ta không thể hy vọng một cách hợp lý vào một Khoa học về sự đọc, vào một Tín hiệu học về sự đọc, trừ phi ta hiểu rằng một ngày kia – đây là sự mâu thuẫn trong từ ngữ – có thể có một Khoa học về sự Bất tận (Inépuisement), về sự Chuyển di vô hạn. Sự đọc, đó quả thật là cái năng lượng, cái hành động sẽ nắm bắt trong văn bản này, trong quyển sách này, “cái không để cho các phạm trù của Thi pháp học làm cạn kiệt”. Sự đọc tóm lại là sự mất mát to lớn thường trực màvì thế, cái cấu trúc – vốn được lý thuyết Phân tích cấu trúc miêu tả một cách kiên nhẫn và có ích – sẽ bị sụp đổ, bị rạn nứt, bị mất hút, y như là mọi hệ thống logic rốt cuộc không gì có thể khép lại – bằng cách giữ nguyên vẹn điều cần phải gọi là sự vận động của chủ thể và của lịch sử: sự đọc có lẽ là nơi màcấu trúc trở nên điên đảo.

Viết cho Hội nghị Viết ở Luchon, 1975.

In trong Le Francais aujourd’hui, 1976.

Lý Thơ Phúc dịch từ nguyên tác tiếng Pháp Sur la lecture in trong cuốn Le bruissement de la langue, Seuil, 1984, pp 37-48,của Roland Barthes. (24/10/2012)


Chú thích :

[1]Nguyên tác: Analité. Từ này được định nghĩa: “Caractère d’ensemble du stade anal” (Larousse Multidico) (Tính chất chung của giai đoạn hậu môn). Giai đoạn hậu môn là một thuật ngữ của Freud chi giai đoạn khoái cảm tình dục nằm giữa giai đoạn miệng và giai đoạn dương vật (trong khoảng 2-4 tuổi).


[2] Paris, Gallimant, “Bibl. de la Pléiade”, p. 819.


[3] Động từ entendre trong tiếng Pháp có hai nghĩa: nghe và hiểu. Có lẽ ở đây, R. Barthes dùng cả hai nghĩa này trong ngữ cảnh này.


[4] Từ paragramme theo các từ điển thông thường như Larousse, có nghĩa là một cách chơi chữ bằng cách dùng con chữ này để thay cho chữ khác, ở đây tạm dịch là lối/trò thay chữ. Trang web http://www.philo5.com/Textes-references/RhetoriqueDorne_135Definitions_070502.htm cung cấp một định nghĩa khác, rõ hơn: “Faute (volontaire ou non) d’orthographe ou de prononciation qui consiste à substituer une lettre ou un son à un autre : Ce type est un vrai casse-nouilles. [pourcasse-couilles]”. (lỗi chính tả hay lỗi phát âm (cố ý hay không) bằng cách thay thế một chữ hay một âm bằng một chữ hay âm khác, ví dụ casse-nouilles – casse-couilles)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét