“Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” – Lord Acton.
Tác giả Powell
Phạm Nguyên Trường (dịch)
Powell là biên tập viên của Laissez Faire Books và là cộng tác viên cao cấp của Cato Institute. Ông từng viết cho The New York Times, The Wall Street Journal, Barron’s, American Heritage và hơn ba chục tòa soạn báo khác.
Ít người nhận thức được những mối nguy hiểm của quyền lực chính trị rõ ràng như Lord Acton. Ông hiểu rằng những người nắm quyền thường đặt quyền lợi của chính họ cao hơn tất cả và sẽ làm tất cả mọi việc nhằm giữ được quyền lực. Họ thường xuyên nói dối. Họ vu cáo những người cạnh tranh. Họ chiếm đoạt tài sản tư nhân. Họ phá hủy của cải. Đôi khi họ còn giết người, thậm chí tàn sát nhiều người.Trong những bài viết và bài giảng của mình, Acton chống lại xu hướng tập thể của thời đại mình và tuyên bố rằng quyền lực chính trị là cội nguồn của cái ác, vô phương cứu chữa. Ông gọi chủ nghĩa xã hội “là kẻ thù tệ hại nhất mà tự do từng gặp từ trước đến nay”.
Đôi khi Acton đạt được đỉnh cao của thuật hùng biện, đấy khi ông khẳng định rằng tự do cá nhân là tiêu chuẩn đạo đức để phán xét các chính phủ. Ông tin “rằng tự do là đỉnh cao nhất… tự do hầu như, nếu chưa nói là hoàn toàn, là biểu hiện, phần thưởng và động cơ trong quá trình đi lên của dân tộc… Dân tộc thù nghịch với sở hữu tư nhân là dân tộc không có thành tố quan trọng nhất của tự do… Tự do không phải là phương tiện để đạt tới mục đích chính trị cao nhất. Tự do chính là mục đích chính trị cao nhất”.
Mặc dù Acton ngày càng cô đơn, ông được người ta ngưỡng mộ vì kiến thức siêu phàm về lịch sử. Ông truyền cho thế giới nói tiếng Anh quan niệm khắt khe – các học giả Đức thế kỉ XIX là những người đi tiên phong – trong việc nghiên cứu lịch sử, càng tìm hiểu được nhiều nguồn sử liệu ban đầu thì càng tốt. Ngôi nhà của ông ở Cannes (Pháp) có hơn 3.000 đầu sách và bản thảo; ngôi nhà ở Tegernsee (Bavaria) có khoảng 4.000; và ngôi nhà ở Aldenham (Shropshire, Anh) có gần 60.000 đầu sách và bản thảo. Ông đánh dấu hàng ngàn đoạn mà ông coi là quan trọng. Năm 1873 ông được trường Đại học Munich trao tặng danh hiệu Tiến sĩ triết học, năm 1889 ông được Đại học Cambridge trao tặng danh hiệu Tiến sĩ luật và năm 1890 ông được Đại học Oxford trao tặng danh hiệu Tiến sĩ luật dân sự – nhưng ông chưa bao giờ có bằng cấp gì, thậm chí không có cả bằng tốt nghiệp phổ thông.
Chắc chắn là, Acton không nắm được nhiều vấn đề. Khoa học không phải là mối bận tâm của ông. Mặc dù lo lắng cho người nghèo, nhưng ông coi những người theo phái tự do chủ nghĩa ở Manchester quan tâm tới việc nâng cao đời sống là những người duy vật không đáng để ý. Ông biết rất ít về lịch sử kinh tế, tức là môn học nói cho ta biết người dân bình thường làm ăn sinh sống như thế nào. Ông bị tiêm nhiễm tư tưởng cho rằng thị trường làm cho người giàu ngày càng giàu thêm, trong khi người nghèo ngày càng nghèo hơn, trong khi thực tế thị trường tự do – ví dụ, cuộc Cách mạng công nghiệp thời ông – đã cứu hàng triệu khỏi bị chết đói.
Chân dung Lord Acton.
Acton trông như thế nào? Những bức ảnh được công bố đều cho thấy ông có một bộ râu dài. Ông có đôi mắt màu xanh, sắc sảo, trán cao. “Ông là người cao trung bình và về già ông đẫy ra”, nhà viết tiểu sử David Matthew nói. “Ông ấy là người hoạt ngôn nổi tiếng, nhưng khi nói về mô hình Đức thì bao giờ ông cũng dẫn ra nhiều sự kiện và tài liệu tham khảo. . . ông rất thích đi bộ, băng qua những sườn đồi thấp vùng núi Bavaria hoặc lang thang trên sườn dốc vùng núi hướng ra biển ở Alpes Maritimes (Pháp)”.
Acton truyền cho người nghe niềm đam mê cực kì to lớn. “Giọng ông có sức hút như nam châm”, một sinh viên từng nghe ông giảng bài ở Cambridge nói. “Chưa bao giờ một thanh niên trẻ có sức thuyết phục trong mỗi lời nói như Lord Acton từng thể hiện. Nó khống chế toàn bộ đối tượng, dường như ôm trọn đối tượng trong ngọn lửa hừng hực của nó. Và ngọn lửa nuôi dưỡng mỗi lời nói đó là vô cùng vô tận, chí ít là những người có mặt cảm thấy như thế. Trên hết, có lẽ chính niềm tin này đã tạo cho những bài giảng của Lord Acton sức hấp dẫn và sức sống. Ông nói từng câu như thể ông đang cảm thấy nó, treo nó lên một cách nhẹ nhàng và thốt ra với sự thận trọng nhất định. Tình cảm của ông được truyền cho cử tọa, họ như nuốt lấy từng lời”.
Hoàn cảnh gia đình
John Emerich Edward Dalberg-Acton sinh ngày 10 tháng 1 năm 1834, ở Naples. Mẹ ông, bà Marie Pelline de Dalberg được sinh ra trong một gia đình Công giáo ở Bavaria, thuộc dòng dõi quý tộc Pháp. Cha ông, Ferdinand Richard Edward Acton, là một nhà quý tộc người Anh. Bố của Acton mất khi ông vừa tròn ba tuổi, và khi ông lên sáu thì mẹ ông tái giá với Lord Leveson, ông này sau được phong là Earl of Granville, một đảng viên tự do (Whig) Anh có nhiều ảnh hưởng và từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao trong nội các theo đường lối tự do của John Russell và William Ewart Gladstone.
Acton được giáo dục chủ yếu như một tín đồ Công giáo – ở Saint Nicholas (Pháp), St. Mary’s, Oscott (Anh), Đại học Edinburgh (Scotland), ông học ở đây hai năm, và đại học Munich (Bavaria), ông tới đây sau khi không được ban giám hiệu Cambridge và Oxford chấp nhận vì là người Công giáo.
Johann Ignaz von Dollinger, một trong các nhà sử học lỗi lạc nhất của Châu Âu là người thày quan trọng nhất của Acton. Chẳng bao lâu sau khi Acton đến Munich vào tháng 6 năm 1850, ông bắt đầu rèn luyện để trở thành nhà sử học. “Con ăn sáng lúc 8 giờ”, ông viết cho bố dượng, “sau đó học tiếng Đức hai giờ – một giờ đọc Plutarch và một giờ đọc Tacitus. Giáo sư đặt ra tỷ lệ như thế. Con và giáo sư ăn cơm trưa trước 2 giờ chiều một chút, đây là lần đầu tiên con gặp ông trong ngày. Lúc 3 giờ thì thày dạy tiếng Đức tới. Từ 4 giời đến 7 giờ tối con được tự do – con đọc lịch sử hiện đại trong khoảng một tiếng đồng hồ – và đọc lịch sử cổ đại trong một tiếng đồng hồ ngay trước bữa ăn tối. Con uống trà lúc 8 giờ tối, rồi nghiên cứu văn học Anh và sáng tác đến khoảng 10 giờ thì đi ngủ”.
Acton và Dollinger đã đi du lịch ở Áo, Anh, Đức, Thụy Sĩ, đã đến các thư viện và nhà sách. Họ tiến hành phân tích các bản thảo, gặp gỡ các nhà thơ, nhà sử học, nhà khoa học và chính khách.
Sư khiếm khuyết của ông thể hiện rõ trong những nhận xét của ông về nước Mĩ mà ông đã cùng với bố dượng tới thăm vào tháng 6 năm 1853. Là một nhà quý tộc, ông tỏ ra bàng quan vì cách hành xử thô lậu và quá chú ý tới những vấn đề thực tế.Ông không nhận thức được năng lực vô cùng to lớn của ngành thương mại Mĩ khi ông viết về New York: “Không thể nhìn thấy thành phố vì nó quá bằng phẳng và xung quanh đầy tàu thuyền”.
Khi Acton bắt đầu học với Dollinger, ông đã bị Thomas Babington Macaulay – một nhà sử học theo phái tự do có tài hùng biện, đang đấu tranh cho tự do và tiến bộ – lôi cuốn. Acton tự mô tả là “cậu học trò người Anh thô lậu, say sưa nền chính trị của Đảng tự do”. Nhưng Dollinger giằng Acton ra khỏi Macaulay, và chàng trai trẻ đã trở thành người hâm mộ Edmund Burke, người trước đây từng phản đối cuộc Cách mạng Pháp. Trong khi học với Dollinger, Acton còn nghe các bài giảng của các nhà sử học vĩ đại người Đức, Leopold von Ranke, môt người luôn luôn nhấn mạnh rằng vai trò của một nhà sử học là giải thích chứ không phải là phán xét quá khứ.
Chủ nghĩa bảo thủ thời gian đầu
Những người đã biết những bài phát biểu hùng hồn nổi tiếng của Acton nhằm chống lại chế độ độc tài sẽ phải giật mình khi biết rằng hồi đầu ông là người theo trường phái bảo thủ.
Ví dụ, khác với những người theo phái tự do ở Manchester như Richard Cobden và John Bright, cùng với đa số người Anh khác, Acton đứng về phía các bang miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ. “Không thể dựa trên cở sở tôn giáo để thông cảm với việc cấm tuyệt đối chế độ nô lệ, cũng không thể dựa trên cơ sở chính trị để chia sẻ quan điểm của chủ nghĩa bãi nô”, ông viết như thế trong tiểu luận nhan đề “Những nguyên nhân chính trị của cách mạng Mỹ” (1861). Năm năm sau, trong một bài giảng về cuộc Nội chiến, Acton nhận xét rằng chế độ nô lệ “đã là một công cụ đầy sức mạnh không chỉ để làm điều ác mà còn để làm điều thiện là giữ trật tự thế giới. . . . bằng cách đánh thức, một mặt, sự hy sinh và mặt kia, lòng từ bi”. Acton từng nói với một người bạn: “Tôi đã tan nát cõi lòng khi nghe tin tướng Lee đầu hàng”.
Điều làm nhiều người ngạc nhiên là Lord Acton ủng hộ Liên Minh Miền Nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 tới 1865).
Trong tác phẩm “Thuyết Tin lành về ngược đãi” (1862), ông từ chối lên án cuộc đàn áp trên mọi lĩnh vực. Dường như ông bảo vệ những nhà cầm quyền Công giáo, những người tuyên bố rằng khủng bố là biện pháp gắn kết xã hội duy nhất. Ông cho rằng người theo đạo Tin Lành, như John Calvin, là những người xấu hơn vì họ khủng bố nhân dân là nhằm dập tắt những quan điểm trái ngược với họ. Trong chỗ riêng tư, Acton nói thẳng hơn: “Nói khủng bố là sai, nói trắng ra, trước hết, tôi cho là không đúng. . .”
Tuy nhiên, Dollinger và Acton đã trở thành những người phê bình thẳng thắn thái độ bất dung của Công giáo. Đối tượng của họ lúc đó là những người theo phái ủng hộ quyền lực tuyệt đối của Giáo hoàng (Ultramontanes), tức là những người tìm cách đàn áp tự do trí tuệ. Dollinger và Acton đã bàn về chính sách của Vatican, đặc biệt là sau khi Giáo Hoàng Pius IX ban hành Bản Cáo Trạng Những Sai Lầm (Syllabus of Errors) khét tiếng (1864), cáo buộc chủ nghĩa tự do cổ điển là dị giáo, trong đó có tư tưởng “Đức Thánh Cha ở Rome có thể và phải chấp nhận, và đồng ý với tiến bộ, tự do và nền văn minh”.
Acton đã có đóng góp vào việc xuất bản một loạt tờ tạp chí Công giáo với nhiệm vụ là giúp tự do hóa Nhà thờ: Tờ Rambler ra hai tháng một lần (1858-1862), tờ Home and Foreign Review (1862-1864) ra hàng quý và tờ Chronicle ra hàng tuần (1867-1868). Những nỗ lực này đã bị thất bại vào năm 1870, đấy là khi Hội đồng Vatican tuyên bố rằng Giáo Hoàng có uy quyền tuyệt đối, không thể sai lầm về tín điều của Giáo Hội. Bởi vì Dollinger là một thày tu, việc ông chấp nhận điều này làm cho ông bị rút phép thông công. Acton, chỉ là giáo dân bình thường, không bị yêu cầu chính thức thừa nhận các nghị định của Hội đồng Vatican, và ông vẫn ở trong Giáo Hội.
Cũng trong thời gian này, Acton viết một tiểu luận có tính tiên tri nhất của ông, nhan đề Quốc tịch (1862), một lời báo động sớm về chế độ toàn trị: “Bất cứ khi nào một đối tượng xác định duy nhất được đưa lên thành mục đích tối thượng của nhà nước, dù đấy có là quyền lợi của một giai cấp, sự an toàn hay sức mạnh của quốc gia, hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất, hay ủng hộ bất kỳ tư tưởng tư biện nào thì cùng với thời gian, nhà nước chắc chắn sẽ trở thành độc đoán. Để có tự do, chỉ cần hạn chế quyền lực công, vì tự do là cái duy nhất làm lợi cho tất cả mọi người như nhau và không tạo ra phe đối lập”.
Năm 1865, ở tuổi 31, Acton kết hôn với người em họ, nữ Bá tước Marie Anna Ludmilla Euphrosyne Arco-Valley. Cô dâu vừa tròn 24 tuổi, là con của Bá tước Johann Maximilian Arco-Valley. Bá tước là người giới thiệu Dollinger với Acton, vì vậy Acton và nữ bá tước trẻ tuổi đã biết nhau ngay từ khi ông bắt đầu học tập ở Bavaria. Dường như nữ Bác tước cũng chia sẻ mối quan tâm của chồng về tôn giáo và lịch sử. Họ sinh được sáu người con, bốn người sống đến tuổi trưởng thành. Trong các bữa ăn, Acton thường nói tiếng Đức với vợ, nói tiếng Ý với mẹ vợ, tiếng Pháp với chị dâu, tiếng Anh với các con và có thể nói một ngôn ngữ châu Âu khác với khách.
Tôn giáo luôn luôn nằm trong tâm trí Acton, và ông trở thành người cứng rắn hơn Dollinger, ông tuyên bố rằng các nhà sử học phải lên án cái ác. Tháng 2 năm 1879, ông đoạn tuyệt với Dollinger sau khi vị giáo sư lùi về quan điểm cho rằng vai trò của nhà sử học chỉ là giải thích sự kiện, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là không bàn về những tội ác khủng khiếp. Acton khẳng định rằng những hành động tội ác, như giết người, bao giờ cũng là tội ác. Ông viết về Tòa án dị giáo như sau: “Tòa thánh đã gây ra những vụ giết người và tàn sát hàng loạt với quy mô lớn nhất và mức độ tàn bạo và phi nhân nhất. Họ không chỉ là những kẻ sát nhân hàng loạt, mà họ còn đưa nguyên tắc sát nhân thành luật của Giáo Hội Kitô giáo và điều kiện cho sự cứu rỗi”.
Acton than thở: “Trong quan niệm đạo đức nền tảng của mình tôi hoàn toàn cô đơn”. Ông tâm sự với người bạn của mình là Charlotte Blennerhassett như sau: “Hãy để tôi cố gắng nói càng ngắn càng tốt và không cần lập luận với bạn rằng trên thực tế cái đó rất đơn giản, rõ ràng, và không phải là câu chuyện thú vị. Đấy là câu chuyện về người đàn ông bắt đầu cuộc sống với niềm tin rằng mình là người Công giáo chân thành và người theo phái tự do chân thành; do đó ông ta từ bỏ tất cả những thứ không tương thích với tự do trong đạo Công giáo và tất cả mọi thứ không tương thích với Công giáo trong chính trị. . . . Vì vậy, tôi là một trong số những người ít suy nghĩ về những cái đang là, mà suy nghĩ nhiều về những thứ nên là, những người hi sinh thực tế vì lý tưởng, hi sinh quyền lợi vì nghĩa vụ, hi sinh quyền lực vì đạo đức”.
Trong những năm 1870, Acton không chỉ bị sốc về trí tuệ mà còn trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Số là, phần lớn tu nhập của ông là từ đất nông nghiệp do cha mẹ để lại, nhưng thu nhập từ trang trại lại giảm trong giai đoạn suy thoái kéo dài. Năm 1883, ông phải bán một số tài sản. Ông phải cho thuê bất động sản ở Aldenham. Tuy nhiên, ông cũng đã tìm việc làm được trả lương cao.
Acton và Gladstone
Nhờ ông bố dượng mà Acton trở thành nghị viên trong khoảng 6 năm, kể từ năm 1859 và đã gặp Gladstone ở đây. Galdstone làm thủ tướng tới ba nhiệm kì. Năm 1869, tức là ba năm sau khi Acton thất cử, Gladstone phong cho Acton chức Nam tước và ông có chân trong Viện Nguyên Lão, nhưng trong suốt thời gian ở trong quốc hội, ông chưa bao giờ tham gia tranh luận. Acton coi Gladstone là người lãnh đạo tinh thần vĩ đại và thường lặng lẽ ủng hộ ông này. Hai người đều say mê thảo luận về lịch sử và tôn giáo.
Trong những bài phê bình, Acton trách linh mục Anh giáo là Mandell Creighton, tác giả cuốn Lịch sử Giáo hoàng trong thời kỳ Cải cách, là không lên án các Giáo hoàng thời Trung Cổ – những người khởi xướng Tòa Án Dị Giáo. Nhưng Acton và Creighton đã trao đổi với nhau một cách chân tình, và Actons đã viết những dòng khó quên nhất vào ngày 05 tháng 4 năm 1887:
“Tôi không thể chấp nhận quy tắc của ông rằng chúng ta phải đánh giá Giáo hoàng và nhà vua khác với đánh gía những người khác, với một giả định có lợi cho họ là họ không có gì sai. Nếu có bất kỳ giả định nào thì đó phải là sử dụng biện pháp khác nhằm chống lại những người nắm giữ quyền lực, biện pháp tăng khi quyền lực tăng. Không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”.
Acton là người Công giáo mộ đạo, và ông đã đưa quan điểm của mình đi xa đến mức trách cứ bạn là Gladstone, khi ông này viết bài mà ông cho là chưa xứng tầm nhằm bảo vệ Kitô giáo trước cuộc tấn công của những tiểu thuyết gia nổi tiếng. Acton nhận xét rằng những người không có tín ngưỡng đáng bị coi là đã gây ra cuộc chiến dẫn đến kết quả là Giáo Hội Kitô đã trở thành “tổ chức bất dung, chuyên chế và tàn ác kinh khủng như thế”.
Việc học tập không mệt mỏi của ông thì sao? Acton theo đuổi tư tưởng từ cuốn này sang quyển sách khác, để rồi sau đó thì bỏ. Ông đã nghiên cứu về lịch sử các Giáo hoàng, lịch sử những cuốn sách bị Giáo Hội Công Giáo cấm, lịch sử nước Anh thời James II và lịch sử Hiến pháp Mĩ. Ông đã nghĩ tới cuốn lịch sử phổ quát, chủ đề của nó sẽ là quyền tự do của con người. Nó đã trở thành giấc mơ của ông về lịch sử của tự do.
Tác giả James Bryce nhớ lại, Acton “nói như một người đầy cảm hứng, dường như đang phát biểu trên đỉnh núi cao trong không trung, ông nhìn thấy ở bên dưới con đường tiến bộ của nhân loại quanh co khúc khuỷu từ thời tiền sử tối tăm đến thời hiện đại sáng sủa hơn, nhưng vẫn còn thất thường và đôi khi bị gián đoạn. Khả năng hùng biện của ông thật là tuyệt vời, nhưng hơn cả tài hùng biện là tầm nhìn xuyên thấu, giúp – thông qua tất cả các sự kiện và các thời đại – nhận ra trò chơi của những lực lượng tinh thần, khi thì sáng tạo, khi thì phá hủy, luôn luôn chuyển hóa, tạo ra và tái tạo các thiết chế và trao cho linh hồn của nhân loại những hình thức hoạt động không ngừng thay đổi của mình. Dường như toàn bộ lịch sử đột nhiên lóe lên trước luồng ánh sáng mặt trời rực rỡ”.
Lịch sử của tự do
Acton gói gọn một phần của chủ đề yêu thích của mình trong hai bài giảng nhan đề: “Lịch sử của Tự do trong thời Cổ đại” (The History of Freedom in Antiquity) và “Lịch sử của Tự do trong thời Kitô giáo” (The History of Freedom in Christianity), cũng như trong bài điểm cuốn Dân chủ ở châu Âu của Sir Erskine May (1878 ). Ông đã tìm được nguồn gốc của tự do trong các học thuyết của người Hebrew cổ về “luật cao hơn” áp dụng cho tất cả mọi người, thậm chí cả những người cai trị. Ông giải thích cách thức – chỉ có ở phương Tây – mà các tôn giáo cạnh tranh với nhau đã tạo ra cơ hội cho các cá nhân vươn tới tự do. Ông nói về con đường đưa đến chế độ dân chủ ở các thị trấn thương mại. Ông nói về những học thuyết cấp tiến, theo đó, các cá nhân có thể nổi loạn khi nhà cầm quyền tiếm đoạt quyền lực một cách bất hợp pháp. Ông ghi lại theo trình tự thời gian những cuộc chiến đấu anh hùng nhằm chống lại các bạo chúa”.
Những bài tiểu luận này có rất nhiều nhận xét đáng ghi nhớ. Ví dụ:
“[Tự do] là quả ngọt của nền văn minh đã chín muồi . . . Trong tất cả các thời đại sự, tiến bộ của nó thường bị những kẻ thù tự nhiên của nó, bị sự dốt nát và mê tín dị đoan, bị ham muốn chinh phục và thích nhàn nhã, tham đắm quyền lực của kẻ mạnh và tham ăn của người nghèo cản trở. . . . Trong tất cả các giai đoạn, những người bạn chân thành của tự do bao giờ cũng hiếm, và nó chiến thắng là nhờ thiểu số, mà thắng bằng cách liên kết với những phụ tá có mục đích khác với mục đích của những người yêu chuộng tự do; và hiệp hội này luôn luôn nằm trong vòng nguy hiểm, đôi khi là tai họa nữa. . . . Bài kiểm tra chắc chắn nhất mà chúng ta dùng để đánh giá xem đất nước có thực sự tự do hay không là mức độ an toàn mà những nhóm thiểu số được hưởng….”
Tại sao ở Mĩ tự do lại được bảo đảm hơn hầu hết các nơi khác? “Tự do”, Acton viết cho Mary, con gái của Gladstone, “phụ thuộc phân chia quyền lực. Chế độ dân chủ có xu hướng dẫn tới tập trung quyền lực… Thể chế liên bang là biện pháp kiểm soát sự tập trung và tập quyền khả dĩ duy nhất”.
Đáng tiếc là Acton không chú tâm vào dự án lớn nào. Những tập giấy tờ đồ sộ mà ông để lại thậm chí không có bản phác thảo về lịch sử của tự do. Ông chưa khởi thảo. Ông để lại khoảng 500 hộp màu đen và những cuốn vở, chủ yếu là những đoạn lộn xộn từ những tác phẩm khác nhau. Nhiều tài liệu bàn về những ý tưởng trừu tượng chứ không phải là sự kiện lịch sử. Sau này, sử gia E.L. Woodward nhận xét rằng cuốn lịch sử về tự do của Acton đã có thể là “cuốn sách vĩ đại nhất không bao giờ được viết ra”.
Năm 1895, nhà sử học John Seeley ở Đại học Cambridge chết và thủ tướng Rosebery phải bổ nhiệm vị giáo sư Hoàng gia mới về lịch sử hiện đại. Mặc dù Acton chưa từng dạy học bao giờ, người ta đã đề nghị ông vì kiến thức, lòng trung thành đối với tự do và ông đang cần tiền. Và vì vậy mà Acton, người không được nhận vào học ở Cambridge, lại được bổ nhiệm vào vị trí đầy uy tín ở trường này.
Trong bài giảng nhân ngày nhậm chức nổi tiếng, ông nhấn mạnh rằng cần đánh giá các chính trị gia như những người bình thường: “Tôi khuyên các bạn không bao giờ được làm mất giá tiêu chuẩn đạo đức hoặc hạ thấp các tiêu chuẩn về tính chính trực, mà phải phán xét những người khác bằng những câu châm ngôn mà bạn dùng để hành xử trong cuộc sống của chính mình và không để ai hay lý do gì thoát khỏi hình phạt vĩnh cửu mà lịch sử có quyền trừng phạt những kẻ làm sai”.
“Lịch sử,” ông nói tiếp, “dạy rằng sai và đúng là khác nhau. Ý kiến thay đổi, phong tục thay đổi, tín điều xuất hiện rồi biến mất, nhưng luật đạo đức thì được viết trên những tấm biển còn mãi với thời gian”.
“Nguyên tắc của nền chính trị đúng đắn cũng là những nguyên tắc của đạo đức được mở rộng ra, hiện nay tôi không chấp nhận, cũng như sẽ mãi mãi không bao giờ chấp nhận nguyên tắc nào khác”.
Ttong những năm làm việc cuối cùng ở Cambridge, Acton chỉ giảng có hai loạt bài – về lịch sử hiện đại và về Cách mạng Pháp – nhưng các đồng nghiệp rất kính trọng ông. Nhà sử học George Macaulay Trevelyan nhớ lại:
Kiến thức, trải nghiệm và quan điểm của ông mang đặc trưng của người châu Âu lục địa, nhưng chủ nghĩa tự do Anh lại là phần quan trọng trong triết học của ông. Ông đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong cái xã hội phần nào có tính tỉnh lẻ của chúng tôi. Những giáo sư thuộc đủ các lĩnh vực thường tụ tập lại để nghe những bài giảng bí hiểm, có thể làm người ta bối rối, nhưng rất ấn tượng của ông. Ông đã có vầng trán của Plato và phong cách của một nhà hiền triết và là một người vĩ đại. Nhiều tư tưởng của chúng ta cũng là tư tưởng của ông, nhưng tư tưởng của ông đã được rút ra từ những nguồn khác và từ kinh nghiệm rộng lớn hơn. Những điều ông nói bao giờ cũng thú vị, nhưng đôi khi có vẻ kì lạ. Tôi nhớ, ví dụ, ông nói với tôi rằng các quốc gia được xây dựng trên sự thống nhất của một chủng tộc duy nhất, như nước Ý và nước Đức hiện đại, sẽ là mối nguy cho tự do; lúc đó tôi không hiểu ông nói gì, nhưng bây giờ thì hiểu!
Ông nhận chức Professorial Fellowship ở Đại học Trinity, thời gian đầu ông sống trong phòng của mình ở Nevile’s Court. Lúc nào ông cũng ở đó, sẵn sàng tiếp bất cứ nhà sử học nào của Cambridge, từ [Frederic] Maitland hay [William] Cunningham đến những sinh viên chưa tốt nghiệp khiêm tốn nhất, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai với kho tàng kiến thức sâu sắc của mình. Ông ngồi sau bàn làm việc, khuất sau một mê cung các kệ sách cao mà ông dùng để xếp các cuốn sách lịch sử, mỗi cuốn lại có những mảnh giấy dán thò ra ngoài để đánh dấu những đoạn quan trọng.
Ông rất ân cần đối với tôi. Tôi nhớ lần hai người đi cùng nhau và cái chỗ trên đường Madingley, nơi ông nói với tôi rằng đừng bao giờ tin những người đánh giá thấp ông chú tôi [Thomas Babington Macaulay], vì mặc dù ông có những sai lầm như thế, nhưng nói chung ông vẫn là người vĩ đại nhất trong số các nhà sử học.
Từ khi Acton công nhận rằng ông sẽ không bao giờ viết lịch sử về tự do, ông đồng ý biên tập một loạt cuốn sách tập hợp đóng góp của nhiều người cầm bút đáng kính. Bộ Lịch Sử Hiện Đại do Cambridge ấn hành ra đời như thế đấy, bộ sách này đã rút cạn sức lực của ông.
Acton bị cao huyết áp và tháng 4 năm 1901, sau khi biên tập được hai tập đầu, ông bị đột quỵ và bị liệt. Ông về hưu và sống trong ngôi nhà ở Tegernsee, Bavaria. Ông qua đời ngày 19 tháng 6 năm 1902. Ông được chôn trong sân nhà thờ gần đó.
Di sản của Acton
Sai khi Acton qua đời, thư viện với 60.000 cuốn sách của ông ở Aldenham – bộ sưu tập chính của ông về đề tài tự do – được một doanh nhân người Mĩ trong lĩnh vực sắt thép là Andrew Carnegie mua và tặng cho John Morley, một trong những người theo phái tự do cổ điển cuối cùng của Mĩ. Đến lượt mình, Morley lại tặng những cuốn sách này cho Cambridge với mong ước rằng chúng sẽ được lưu trữ cùng nhau.
Trong mấy năm sau đó, hai giảng ciên của Cambridge là John Neville Figgis và Reginald Vere Lawrence thu thập những công trình quan trọng nhất của Acton và kết quả là những tác phẩm với nhan đề Những bài giảng về lịch sử hiện đại (1906), Lịch sử của tự do và những tiểu luận khác (1907), Những tiểu luận và công trình nghiên cứu sử học (1908), Những bài giảng về Cách mạng Pháp (1910), sau đó là Tuyển tập thư từ của Lord Acton (1917).
Nhưng ông bị người đời lãng quên vì những người gọi là “tiến bộ”, những người ủng hộ chính sách kinh tế mới, những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản, phát xít, quốc xã và những người theo phái tập thể khác nắm được quyền lực chính trị khổng lồ, quyền lực này đã hi sinh tự do nhân danh điều thiện.
Các trường phái chính trị tập thể và tiếm quyền như của Karl Marx quá thịnh hành trong thời kỳ đó khiến các lý thuyết của Lord Acton rơi vào quên lãng.
Sau đó là số người chết: gần 10 triệu người trong Thế chiến I, 50 triệu người trong Thế chiến II, cộng với hàng chục triệu người bị Stalin ở Nga và Mao ở Trung Quốc – những tên sát nhân lớn nhất trong lịch sử – sát hại. Hàng trăm triệu người nữa là thần dân của những quốc gia đầy sức mạnh, những người thu thuế ở đó thu 40%, 50%, 60% hoặc hơn khoản tiền mà khó khăn lắm họ mới kiếm được.
Trong khi xảy ra những vụ thảm sát do những người theo chủ nghĩa tập thể gây ra, đã có một số người nhớ đến lời cảnh báo của Acton về sự khủng khiếp của quyền lực chính trị và lời kêu gọi tôn trọng quyền tự do nhân bản của ông. “Dường như chúng ta những người có vinh dự là hiểu ông, trong khi những người đương thời với ông thì không. Ông là người của thời nay, hơn là của thời ông. Ông là một trong những người đương thời vĩ đại nhất của chúng ta”, nhà sử học Gertrude Himmelfarb nhận xét như thế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét