Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Về phong trào Biểu hiện (Expressionism) Đức, thế kỷ 20



Thúy Anh dịch






Franz Marc, “The Large Blue Horses”, 1911

Biểu hiện (Expressionism) là phong trào nghệ thuật hiện đại bắt nguồn từ lĩnh vực thơ ca và hội họa ở Đức đầu thế kỷ 20, sau mở rộng ra nhiều lĩnh vực kiến trúc, hội họa, văn chương, nhạc kịch, múa, phim ảnh và âm nhạc. Đặc điểm của phong trào là thể hiện thế giới xung quanh bằng cái nhìn chủ quan, triệt để bóp méo (thế giới xung quanh) tạo hiệu ứng về mặt cảm xúc nhằm khơi gợi tâm trạng hoặc ý tưởng. Họa sỹ Biểu hiện mong muốn thể hiện ý nghĩa và những trải nghiệm tình cảm hơn là hiện thực vật chất.

Expressionism được phát triển như là một phong cách tiên phong chủ yếu ở Berlin trước Thế chiến I, 1914, phổ biến qua suốt thời Cộng hòa Weimar (là chính phủ của nước Đức từ 1918 sau Cách mạng tháng 11 sau khi Thế Chiến I kết thúc đến khi Adolf Hitler được phong làm thủ tướng vào 1933 và Đảng Quốc xã lên nắm quyền).

Thuật ngữ biểu hiện – Expressionism – đôi khi gợi nhắc đến nỗi sợ hãi, lo lắng (angst). Theo cách hiểu chung nhất thì hai họa sỹ thế kỷ 16 Matthias Grünewald và El Greco đôi khi cũng được cho là họa sỹ Biểu hiện dù trên thực tế thuật ngữ Biểu hiện chỉ dùng chỉ các tác phẩm Biểu hiện ở thế kỷ 20.


Quang cảnh Toledo của El Greco, 1595/1610, được cho là mang phong cách trường phái Biểu hiện thế kỷ 20, theo lịch sử được xem là tác phẩm điển hình của trường phái Kiểu cách (Mannerism)

Đặc điểm của trường phái
Các họa sỹ Biểu hiện tập trung vào quan điểm cá nhân, phản ứng lại với chủ nghĩa thực chứng positivism (khuynh hướng nhận thức luận của triết học và xã hội học cho rằng phương pháp khoa học là cách thức tốt nhất để lý giải các sự kiện của tự nhiên, xã hội và con người) và với những phong cách hội họa khác như chủ nghĩa Tự nhiên (Naturalism) và Ấn tượng (Impressionism).

Trong khi từ Biểu hiện đã được dùng theo nghĩa hiện đại từ sớm những năm 1850 thì xuất xứ của nó đôi khi được quy về cho những tác phẩm có tên Expressionismes của họa sỹ vô danh Julien-Auguste Hervé trưng bày năm 1901 ở Pháp. Một ý kiến khác lại cho rằng từ này được đặt vào năm 1910 bởi sử gia nghệ thuật người Czech Antonin Matějček, trái nghĩa với từ Ấn tượng:

Họa sỹ Biểu hiện mong ước trên hết được thể hiện chính mình, (từ chối) những nhận thức trực tiếp của mắt để xây dựng nên các cấu trúc hình ảnh phức tạp của tinh thần. Những ấn tượng và hình ảnh trong trí óc đi qua tâm hồn tựa như đi qua một bộ lọc, giúp anh ta rũ bỏ mọi điều vây bám, làm hiện lên cái tinh chất thuần túy nhất của con người anh ta, và rồi cái tinh chất ấy được tinh lọc và cô đặc thành những dạng thức tổng quát hơn để anh ta nhanh chóng chép lại dưới dạng những thể thức và biểu tượng đơn giản trên tranh.



“Tiếng thét” của Edvard Munch (1893) gây ảnh hưởng đến các họa sỹ Biểu hiện thế kỷ 20


Những tiền nhân

Tiền nhân của phong trào Biểu hiện là họa sỹ Hà Lan Vincent van Gogh, họa sỹ Bỉ James Ensor, Sigmund Freud.

Năm 1905, nhóm bốn họa sỹ Đức dẫn đầu là Ernst Ludwig Kirchner thành lập phong trào Cây cầu – Die Brücke (the Bridge) – ở thành phố Dresden. Có thể cho rằng đây là tổ chức sáng lập nền hội họa Biểu hiện Đức.


Ernst Ludwig Kirchner, “Self-Portrait as a Soldier”, 1915

Vài năm sau, vào 1911, một nhóm họa sỹ cùng tư tưởng thành lập Kỵ mã xanh – Der Blaue Reiter (The Blue Rider) ở Munich - tên gọi này đến từ tác phẩm Kỵ mã xanh của Wassily Kandinsky năm 1903 và chỉ được dùng chính thức từ 1913. Thành viên gồm Kandinsky, Franz Marc, Paul Klee và Auguste Macke. Là phong trào nghệ thuật Đức, nổi bật với hội họa, thơ ca và nhạc kịch từ 1910-30 nhưng tiền nhân của phong trào lại không phải là người Đức. Bị sa sút ở Đức vì Hitler những năm 1930, phong trào vẫn có những tác phẩm Biểu hiện tiếp nối ra đời.


Franz Marc, “Fighting Forms”, 1914




August Macke,” Lady in a Green Jacket”, 1913

Có nhiều nhóm thuộc phong trào Biểu hiện, trong đó có Cây cầu và Kỵ mã xanh như đã nói. Cây cầu tồn tại lâu hơn, Kỵ mã xanh chỉ tồn tại 1911 – 1914 cao trào là 1912. Các họa sỹ Biểu hiện nói chung chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn trong đó có Edvard Munch, Vincent van Gogh và nghệ thuật châu Phi. Họ cũng để ý đến phong trào Dã thú ở Pháp – nguồn cơn khiến họ có xu hướng dùng màu tùy ý ngẫu hứng và bố cục chướng mắt.

Người Biểu hiện cũng không nhận là Biểu hiện

Trường phái Biểu hiện nổi tiếng khó định nghĩa, một phần là do trùng với các phong trào “isms” khác của nghệ thuật Hiện đại như Tương lai Futurism, Cơn lốc Vorticism, Lập thể Cubism, Siêu thực Surrealism và Dada. Richard Murphy từng nói: “Việc tìm kiếm định nghĩa bao quát cho từ Biểu hiện khó đến độ hầu hết các họa sỹ Biểu hiện như Kafka, Gottfried Benn và Döblin đều (là những họa sỹ) một mực chống lại Biểu hiện anti-expressionist.”

Phong trào phát triển đầu thế kỷ 20 ở Đức này là nhằm phản ứng lại với tình trạng mất nhân tính của quá trình công nghiệp hóa đô thị hóa và nói một cách rõ ràng là Biểu hiện từ chối hệ tư tưởng của Hiện thực. Họa sỹ Biểu hiện chỉ mô tả những sự vật hiện tượng nào kích thích, lay động họ và mô tả theo cảm xúc chủ quan. Điều gây tranh cãi ở đây là họa sỹ nào cũng đầy xúc cảm, không chỉ họa sỹ Biểu hiện, nhiều trường hợp tác phẩm sáng tác ở châu Âu từ thế kỷ 15 trở đi cũng nhấn mạnh cảm xúc mãnh liệt.

Các kiểu nghệ thuật ấy xuất hiện trong giai đoạn xã hội có nhiều biến chuyển như phong trào Cải cách Tin lành Protestant Reformation, Chiến tranh Nông dân Đức German Peasants’ War, Chiến tranh Tám năm Eight Years’ War và sự chiếm đóng Hà Lan của Tây Ban Nha. Khi đó tình trạng cướp bóc, hãm hiếp, tai ương, hỗn loạn, đàn áp… được phản ánh bằng các tác phẩm in khắc, các cảnh vẽ kịch tính kinh dị được mô tả trong đó thường không mấy ấn tượng về mặt mỹ thuật và cũng không gây nhiều cảm xúc nơi người xem.

Biểu hiện Expressionism được so sánh tương tự phong trào Baroque thế kỷ 17 bởi giới phê bình như sử gia nghệ thuật Michel Ragon và triết gia Đức Walter Benjamin. Theo nhà văn Ý Alberto Arbasino, sự khác nhau giữa hai phong trào là “Biểu hiện không lảng tránh các hiệu ứng bạo lực khó chịu, Baroque thì ngược lại. Biểu hiện tung ra nhiều cái “fuck you”, Baroque thì không. Baroque lịch sự hơn.””

Đối nghịch với phong trào Ấn tượng Pháp tập trung diễn tả hình thù trông thấy được của vật thể, các họa sỹ Biểu hiện tìm kiếm khắc họa nội tâm và những cảm nhận chủ quan. Việc tái hiện những ấn tượng đẹp đẽ thẩm mỹ cao về đề tài không quan trọng, điều quan trọng là lột tả những phản ứng nội tâm sâu sắc bằng những màu mạnh và bố cục năng động.

Kandinsky, họa sỹ chính của nhóm Kỵ mã xanh tin rằng chỉ với màu và hình dạng người xem có thể hình dung tâm trạng và cảm xúc trong tranh, một lập luận khiến ông tiến gần hơn đến trừu tượng.



Một thí dụ cho lập luận của Kandinsky: bức ”Elbe Bridge I” của Rolf Nesch




Bức “Nollendorfplatz” của Ernst Ludwig Kirchner, 1912




Franz Marc của nhóm Kỵ Mã Xanh, “Deer in Woods” (Nai trong rừng), 1914

Những người chịu ảnh hưởng

Những ý tưởng sáng tác của họa sỹ Biểu hiện Đức đã ảnh hưởng nhiều họa sỹ Mỹ và rất nhiều họa sỹ quan trọng của châu Âu…

Cuối thế kỷ 20, đầu 21 một số các họa sỹ Mỹ phát triển những phong cách riêng được cho là có Biểu hiện trong đó.

Biểu hiện Mỹ (American Expressionism) và Biểu hiện Tượng hình Mỹ (American Figurative Expressionism) mà cụ thể phong trào Biểu hiện Tượng hình Boston là phần không thể thiếu của nghệ thuật Hiện đại Mỹ giai đoạn Thế chiến II… Biểu hiện Tượng hình Boston dần suy yếu bởi sự phát triển của Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism) ở New York.

Sau Thế chiến II, đên lượt Biểu hiện Tượng hình (Figurative Expressionism) gây ảnh hưởng đến nhiều họa sỹ và phong cách trên toàn cầu. Thomas B. Hess viết rằng “Tranh (Biểu hiện) Tượng hình mới mà một số người hằng mong mỏi như để phản ứng lại với Biểu hiện Trừu tượng thì đã tiềm tàng ngay trong Biểu hiện Trừu tượng từ lúc mới bắt đầu, và (Biểu hiện Tượng hình) là một trong những mạch phát triển trực hệ nhất của Biểu hiện Trừu tượng.”

Rồi Biểu hiện Tượng hình New York, Trừu tượng Trữ tình (Lyrical Abstraction), phái Vệt màu (Tachisme) những năm 1940 và 1950 ở châu Âu, phong trào Tượng hình Bay Area (Bay Area Figurative Movement)…

Một số họa sĩ thuộc Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism) những năm 1950 cùng tham gia Biểu hiện Tượng hình Figurative Expressionism.

Ở Mỹ và Canada, Trừu tượng Trữ tình bắt đầu từ những năm cuối 1960 và đến những năm 1970. Và Tân Biểu hiện (Neo-Expressionism) là phong cách quốc tế hồi sinh vào cuối những năm 1970 gồm họa sỹ nhiều quốc tịch…

“Nhà cho cây” của Võ Trọng Nghĩa: Có thành công không? Có xứng đáng không?



Thu Ba



So với công trình đoạt giải trước đây là Nhà xanh xếp lớp thì Nhà cho cây mang tham vọng lớn hơn của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.

Nếu với nhà xanh xếp lớp, kiến trúc sư muốn mang lại một bộ mặt đô thị xanh tươi, đồng thời mặt tiền cây như một tấm lọc bụi và tiếng ồn cho người sử dụng thì Nhà cho cây có mục tiêu đưa những không gian xanh về lại thành phố, giảm ngập lụt bằng mái trồng cây có chiều sâu có thể giữ nước mưa và nữa là tạo ra các tương tác tối đa giữa người và thiên nhiên, là hình mẫu để nhân rộng ra khắp đô thị.

Công trình gồm 5 khối nhà như những chậu cây khổng lồ có kích thước khác nhau nằm lùi sâu bên trong. Các khối nhà có góc độ khác nhau hợp lại để tạo nên 1 sân trong nhỏ. Các khối chức năng tách rời được nối lại bởi hành lang và cầu tạo ra sự tương tác giữa người và thiên nhiên theo kiểu trong-ngoài-trong. Không có cách nào ngoài việc đối mặt (hay đối đầu) với thiên nhiên khi muốn đi từ phòng này sang phòng khác.


Nhà cho cây, hình từ trang này

Thực ra các giải pháp đưa ra không phải là mới. Trồng nhiều cây, mái giữ nước mưa, sân vườn lát gạch có lỗ trồng cỏ, tường xây 2 lớp cách nhiệt… thì đã nhiều người biết. Có chăng cái khác biệt ở đây là hình thức của ngôi nhà và cách kiến trúc sư “ép” người ở phải tương tác với thiên nhiên trong những sinh hoạt rất cơ bản thường ngày. Với chúng ta, đa phần tương tác với thiên nhiên kiểu ngồi trong phòng máy lạnh mà khen mưa đẹp qua cửa kính, thì cách tiếp cận này có vẻ “dã man” quá . Thực ra tương tác với thiên nhiên trong nhà ở đô thị thực đã là quen thuộc, các nhà phố truyền thống ở Hà Nội hay Hội An cũng có những sân trời có tiểu cảnh non bộ ở giữa để nắng, mưa, gió có thể đi vào.


Giếng trời trong nhà phố cổ Hà Nội




Cầu thang nối các phòng tầng trên nhà cổ Hà Nội

Hay trong ngôi nhà Row house, một công trình nổi tiếng thể hiện triết lý thiết kế của Tadao Ando.


Cầu thang nối các phòng ở tầng trên của Row house- Tadao Ando

Tuy nhiên việc áp dụng cách thức trên cho miếng đất rộng 350m2 mà có mật độ xây dựng thấp như ỏ đây, liệu có thích hợp? Chi phí xây dựng 155.000$ có thể trở thành hình mẫu để nhân rộng ra không? Mặt khác, nếu mục đích chính là mang thiên nhiên lại với người ở, tại sao hầu hết của sổ, cửa đi của các khối công trình hướng vào hết cái sân trong vừa không có cây cối, vừa chật chội, hệ quả là khi ở trong nhìn ra, hầu hết những gì mình nhìn thấy chỉ là cạnh của các khối hộp xám chĩa vào. Ở đây tôi nhìn thấy khả năng thuyết phục của anh Nghĩa và mức độ chịu chơi của chủ nhà.


“… ở trong nhìn ra, hầu hết những gì mình nhìn thấy chỉ là cạnh của các khối hộp xám chĩa vào”. Hình từ trang này

Với nhà ở có hình thức kiến trúc tổ hợp khối, tôi thích cách xử lý của Suppose Design cho công trình House in Buzen , ở đây kiến trúc sư đã làm mái che cho phần sân trong do đó việc đi lại giữa các khối chức năng sẽ thuận tiện hơn.


.




House in Buzen – Suppose Design

Ngoài ra, vật liệu sử dụng cho ngôi nhà ở Buzen cũng tạo cảm giác thân thiện, chứ không nặng nề như chất cảm bê tông, bởi vài góc nhìn khi ở giữa sân trong Nhà cho cây mình cứ tưởng đang ở giữa Vườn Tha Hương trong Bảo tàng Do Thái ở Berlin của Daniel Libeskind.


Vườn Tha Hương trong Bảo tàng Do Thái

Vậy thì công trình này có thành công hay không, có xứng đáng để đoạt giải thưởng này, đề cử giải thưởng nọ? Tôi tin là có. Ngôi nhà thành công không phải vì các ý tưởng mới mẻ hay khả năng nhân rộng, nó thành công vì tạo ra dư luận, làm chúng ta chú ý hơn về kiến trúc, về những điều tưởng như mới mẻ nhưng thực đã có lâu rồi.

Một khía cạnh nữa để đánh giá mức độ thành công của công trình là mức độ hài lòng của các khách hàng, nhưng trong trường hợp này, có lẽ điều đó không quá quan trọng. Với tôi, cái quan trọng nhất mà anh Nghĩa đã làm được là thiết kế nên những công trình độc đáo để từ đó nâng cao được nhận thức của các chủ đầu tư trong bối cảnh kiến trúc mà gần như chẳng có kiến trúc gì.

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

KHÔNG TÔI VÀ CŨNG KHÔNG EM




Cà phê sáng- photo Trần Viết Đức



Không tôi và cũng không em
Nỗi buồn dọa mang nỗi đau vào đất tối
Chôn đi niềm nhớ
Bởi không thể nào khác được

Buổi chiều chọn sớm mai để nhớ
Chiến tranh chọn hòa bình để yêu
Và em chọn không cho tình được sống
Thế mà bóng đêm vẫn là lạ làm sao

Thời gian không là liều thuốc chữa tương tư
Thời gian chỉ làm tình yêu thêm nếp gấp
Những năm tháng tưởng quên
Cứ tăng dần từng số đếm

Tôi nào có quên em đâu
Chỉ là giấu niềm yêu dấu
Sao vẫn hoài câu hát nhớ
Buổi chiều tình buồn về qua nghĩa trang


ĐẶNG HIỀN
(Nov - 28-2015)

NHIỀU SAI SÓT TRONG "TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT" CỦA NXB TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA




HOÀNG TUẤN CÔNG


Gần đây, việc biên soạn, xuất bản từ điển tiếng Việt có rất nhiều sai sót. Sách “Từ điển tiếng Việt”,(Kim Danh-Ngọc Hằng-NXB Từ điển Bách khoa) là một ví dụ.


Sách biên soạn theo kiểu xào xáo, sao chép từ các cuốn từ điển khác (phần lớn những cái đúng là sao chép "Từ điển tiếng Việt" (TĐTV) do Hoàng Phê chủ biên. Y sao cái đúng đã đành, với những cái sai, Kim Danh-Ngọc Hằng cũng cặm cụi chép lấy. Nhiều từ có 2-3... nghĩa nhưng các soạn giả chỉ giảng một nghĩa, (có khi không phải nghĩa phổ thông), gây khó khăn cho bạn đọc và rất dễ dùng sai khi tra cứu.

Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra một số dẫn chứng:

-"Bói toán (đgt) Xem bói bằng phương pháp toán học."

Sai hoàn toàn. Xưa kia kẻ hành nghề bói toán thường bị mù (tục ngữ "Chưa học đui đã đòi bói gia sự"). Nhiều Thầy bói, một chữ bẻ đôi không biết, thì vận dụng"phương pháp toán học" thế nào? Quan trọng hơn, chữ "toán" trong "bói toán" không thể hiểu nghĩa như vậy.

"Toán" có một nghĩa là phép tính (như toán học 算學), nhưng "toán" trong"bói toán" lại có nghĩa là đoán định, lường trước sự việc gì (như: toán mệnh =đoán vận mệnh)...Còn "bói" vốn là chữ "bốc" 卜nghĩa là dự đoán (như "định bốc" = đoán định); "Bói toán" chỉ việc đoán định vận mệnh, số mệnh nói chung, đúng như TĐTV giải nghĩa: "bói toán (đg) bói vận số [nói khái quát] thuật bói toán, hành nghề bói toán."

-Làm dâu (đgt) Lấy chồng ở chung nhà với cha mẹ chồng."


Không đúng. Vậy, con gái lấy chồng, nhưng không ở chung với cha mẹ chồng, thì coi như không có trách nhiệm gì với gia đình bên chồng, không thể "làm dâu", không được "làm dâu" (bằng cách quan tâm đi lại, thăm hỏi, chăm sóc...bố mẹ, gia đình họ hàng bên chồng) hay sao? Khi nói "làm dâu xứ Hàn", "làm dâu nước Pháp", "làm dâu Việt Nam", có nghĩa phải sang hẳn nước ấy sống mới được gọi là "làm dâu" chăng?

"Làm dâu" có nhiều nghĩa, như: 1.Phục vụ, chiều theo những đòi hỏi khắt khe của người khác (thành ngữ "Làm dâu trăm họ";) 2.Con dâu [nói chung], chỉ người con gái lấy người con trai của gia đình, dòng họ, làng, xã, huyện, tỉnh, đất nước, trường, lớp, cơ quan, đơn vị...nào đó (Bài hát "Về làm dâu Sông Mã" Tục ngữ "Làm rể chớ nấu thịt trâu, làm dâu chớ rang cơm nguội")...3.Thực hiện trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình bên chồng...

-"Tinh sương (trt) Lúc sương mới xuống, rất sớm. Từ tinh sương hắn đã dậy rồi."

Giải nghĩa như vậy là "hắn" thức dậy lúc hoàng hôn, chứ đâu phải "tinh sương"? Vì sương đêm bắt đầu xuống khi tắt nắng, và chấm dứt khi ánh bình minh ngày hôm sau ló rạng. Bởi vậy, "tinh sương" nghĩa là khi những giọt sương sớm chưa tan, hãy còn long lanh trên lá cây, ngọn cỏ; lúc muôn loài, vạn vật dường như còn chưa tỉnh giấc bắt đầu một ngày mới. Thế nên bài hát "Em đi làm tín dụng" của Nguyễn Văn Tý mới có lời:"Ơ...Sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường..." là vậy.

-"Tội danh (dt) Tội rất nghiêm trọng, cả về mặt pháp luật và đạo đức."

Giảng bừa. "Tội danh" 罪名 đơn giản có nghĩa là tên của tội, tức hành vi phạm pháp được quy định trong bộ luật hình sự hiện hành. Bởi vậy, "cướp của", "giết người"cho đến "buôn lậu", hay "đánh bạc", "kinh doanh trái phép" đều là..."tội danh" cả. Trong đó những tội như "đánh bạc", "kinh doanh trái phép" có thể nói là không vi phạm đạo đức. Thậm chí, hiện nay, có tội "đánh bạc" đang được thảo luận, xem xét, loại bỏ khỏi tội danh hình sự.

-"Tùy bút (dt) Tùy theo hứng, gặp cái gì thì ghi cái ấy. Lối văn tùy bút."

Như vậy gọi là "tạp ký" (ghi chép lăng nhăng, bạ cái gì ghi cái ấy) thì đúng hơn.TĐTV: "Tùy bút d. thể ký ghi lại tương đối tự do những cảm nghĩ của người viết, kết hợp với việc phản ánh thực tế khách quan."

-"Tiểu thuyết (dt) Truyện do trí tưởng tượng đặt ra mà viết."
Vậy thể loại truyện ngắn, truyện dài...không phải viết ra "do trí tưởng tượng" hay sao?

-Bỏm bẻm (dt) Nhai thong thả, đều đặn trong khoảng thời gian lâu. Bà cụ nhai trầu bỏm bẻm.
Vậy, có thể viết "Thiếu nữ xinh đẹp đang bỏm bẻm nhai kẹo cao su" được không?"Bỏm bẻm" là kiểu nhai của người bị móm răng, môi, miệng không có sự khớp lại chắc chắn, đầy đặn của hai hàm răng phía trong. (Thành ngữ "Bỏm bẻm râu dê"-Con dê nhai thức ăn tựa như người bị móm, chòm râu của nó cũng rung rung như một cụ già).

-Giản dị (dt) Sơ sài, không rườm rà. Tính giản dị.

Trong "sơ sài" có hàm ý chê bai thiếu đầy đủ chu đáo so với yêu cầu thực tế; trong khi sự đơn giản, không cầu kỳ trong phong cách ăn mặc, nói năng hoặc lối sống "giản dị" lại toát lên vẻ đẹp tự nhiên và có giá trị riêng.

-"Cheo (dt) Giống sóc nhỏ rất nhát và nhảy rất tài".

Cheo không thuộc bộ gậm nhấm. Theo "Từ điển Bách khoa nông nghiệp"(1991) đây là thú nhỏ họ Cheo (Tragulidae), hình dạng giống hươu, Không có sừng, ăn chồi, cỏ lá non, quả rụng vào lúc sẩm tối.

-"Thờn bơn (dt) Cá nước ngọt sống ở tầng đáy, thân dẹp như lá cây, miệng và mắt lệch về phía trên."
Sai, "thờn bơn" là cá nước mặn (cá biển).

-"Thuồng luồng (dt) Loài vật dữ dưới nước, hình rắn, hay hại người."

Đây là quái vật theo truyền thuyết chứ không có thật, từ điển không thể giải nghĩa chung chung như vậy.

-"Ao (dt) Chỗ đất trũng có chứa nước để thả rau, nuôi cá."
"Ao" (trước hết) phải là khoảng đất được đào sâu xuống để chứa nước, thả cá...Còn "chỗ đất trũng" có thể là một cái ao được hình thành tự nhiên (rất ít), nhưng cũng có thể là chỉ là một cái vũng nước mà thôi.

-"Tồn kho (dt) Hàng hóa đang còn trong kho, chưa dùng đến. Hàng tồn kho."

Chính xác là hàng tiêu thụ không hết theo kế hoạch, chứ không phải "chưa dùng đến.

-"Cấy dưỡng (đgt) Cấy ép, không đúng thời vụ."

Chỉ có "cấy cưỡng", không có "cấy dưỡng"

-"Phụ âm (dt) Âm, chữ thêm vào mẫu âm để đọc thành tiếng. A, b, c... là phụ âm."

A là nguyên âm chứ không phải "phụ âm."

-"Bón lót (đgt) Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa."
"Bón lót" được áp dụng cho tất cả các loại cây trồng, trên mọi chân đất thâm canh, chứ không phải chỉ mình cây lúa nước.

-"Gánh (đgt) Vận chuyển bằng quang."

Vậy, cũng vận chuyển bằng quang, nhưng do hai người khiêng thì có gọi là gánh được không?
Nhiều từ có 2-3... nghĩa nhưng các soạn giả chỉ giảng có một nghĩa, (có khi là nghĩa không phổ thông), gây khó khăn và dễ dùng sai khi tra cứu. Ví dụ:

-"Cá kình (dt) Thứ cá ở sông ở biển, mình lốm đốm hoa, thịt ăn ngon."
Cá kình còn được hiểu là cá voi, cá lớn, cá dữ ở biển.

-"Cún (dt) chó con."

Còn được dùng để gọi trẻ con với ý âu yếm, như "Cún con của bà"

-"Gạo cội (dt) Gạo còn nguyên hạt sau khi xay giã."
Còn chỉ người có thâm niên, tài giỏi trong nghề [thường nói về diễn viên và vận động viên thể thao [một diễn viên gạo cội, cán bộ gạo cội của phong trào]

-"Hậu cung (dt) Cung ở phía sau cung vua, nơi phi tần ở"
Còn có nghĩa gian nhà phía sau nối vào khoảng giữa của ngôi đình, đền miếu, hoặc nhà ở có thêm chức năng thờ cúng.

-Tiên sư (dt) Từ dùng làm tiếng chửi. Tiên sư nhà nó".

Còn có nghĩa người lập ra một trường phái hoặc bày ra và dạy lại một nghề, trong quan hệ với những người theo trường phái hoặc nghề đó ở các đời sau.


Những từ bị giảng sai, thiếu chính xác, thiếu nghĩa trong từ điển của Kim Danh-Ngọc Hằng nhiều không kể hết. Có thể lấy ví dụ thêm các mục từ như: Bưng bít; Chay; Chấy; Đạp mái; Mắm tôm; Mỏng manh; Nhà bếp; Nhồi sọ; Phụ canh; Thiết kế, Thoi thóp;Thông điệp;Trầu không; Trống đồng; Viễn cảnh; Vuốt đuôi -Chùa;-Nhái;Ngóe...

Đáng chú ý, "Từ điển tiếng Việt" (phổ thông và dành cho học sinh) của Nhóm tác giả có bút danh Kim Danh-Ngọc Hằng; Kim Anh-Ngọc Hằng; Kỳ Duyên-Ngọc Hằng-Đức Bốn...được nhà xuất bản Thanh Niên, Đồng Nai phát hành rất nhiều. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.

Hoàng Tuấn Công


(*) Từ điển tiếng Việt-Kim Danh-Ngọc Hằng-NXB Từ điển Bách khoa-2013-884 trang, khổ 8x13)

Để từ thiện không chỉ... câu Like



Trước hết, chúng ta nên bắt đầu bằng cách đặt tâm điểm của sự chú ý vào người nhận, chứ không phải vào người làm từ thiện, những ngôi sao hay người mẫu. Chúng ta nên bắt đầu bằng sự tôn trọng những người nhận sự giúp đỡ của chúng ta, nhìn họ là những con người độc lập, có lịch sử, có số phận, có câu chuyện riêng. Sự giúp đỡ ở mức cao nhất, Maimonides, triết gia Do Thái ở thế kỷ 12 đã viết, là sự giúp đỡ mà qua đó người nhận vẫn giữ được lòng tự trọng và nhân phẩm của mình.

Chúng ta cũng cần suy nghĩ xem hành động của mình, dụng ý thì tốt, nhưng có thể gây tác hại gì không. Cái làng ở Mộc Châu kia, nếu như tuần nào, thậm chí ngày nào, cũng có một vài nhóm du khách vào đưa cho họ chăn và mì ăn liền, thì chẳng mấy chốc toàn bộ cấu trúc xã hội của làng sẽ sụp đổ, và tôi sẽ không lạ khi dân làng bắt đầu bán đồ được cho để mua rượu uống.



Nếu từ thiện chỉ là phong trào, để lấy like, để xoa dịu lương tâm, để cầu may, để đánh bóng tên tuổi, để thể hiện vị thế xã hội, thì người cho đã tự khước từ khả năng nhận.


Trong một bài báo năm 2012, Al Jazeera dẫn ra những tác hại của du lịch thăm trẻ mồ côi, một lĩnh vực đang được người phương Tây rất ưa chuộng, qua trường hợp ở Campuchia. Trẻ mồ côi bị ảnh hưởng tâm lý vì mỗi tuần chúng lại phải cắt đứt quan hệ tình cảm với một nhóm tình nguyện viên mà chúng vừa quen, và xây dựng quan hệ với một nhóm mới.

Trong nhiều trường hợp, những người quản lý trại lợi dụng lũ trẻ để trục lợi mà khách viếng thăm, do cưỡi ngựa xem hoa, không thể biết được. Câu chuyện này hẳn không xa lạ với người Việt. Ở Bali, làn sóng khách du lịch tới cho tiền các trại mồ côi đã khuyến khích các gia đình đẩy con mình vào trại, biến một gia đình lành lặn thành một gia đình què quặt.

Chúng ta cũng nên bắt đầu bằng những câu hỏi đúng. Thay vì hỏi "Cháu đã có kẹo chưa?" du khách Sapa ở bên trên nên hỏi: "Tại sao cháu lại đứng ở đây mà không tới trường?". Nên quan tâm một cách tổng thể tới hoàn cảnh của người cần giúp đỡ, bối cảnh địa phương của họ và các yếu tố tác động đằng sau. Vì sao họ nghèo? Vì họ không có đường ra chợ, vì họ bị trung gian thu mua nông sản bắt chẹt, vì lũ cuốn đất màu do rừng bị tàn phá, vì họ thiếu vốn lẫn thiếu kỹ năng quản lý vốn?

Tiếp theo, chúng ta có thể nghĩ xem nên hướng nguồn lực của mình vào đâu để đem lại lợi ích lớn nhất cho những người hoặc cộng đồng cần trợ giúp. Đôi khi, cái mà một bản nghèo cần cho cuộc sống và nhân phẩm của mình không phải là lại thêm hàng chục thùng mỳ ăn liền hay những cái chăn nữa, mà là một cái cầu treo, hay cơ hội để bán hàng của mình ở thị trấn. Tất nhiên, để tìm ra được những điều này cần tâm trí và sự quan tâm thực sự và lâu bền, không chỉ một cảm xúc mùi mẫn kéo dài 20 phút khi người ta chụp selfie trước những ngôi nhà dột nát.

Hoạt động từ thiện có thể chữa phần ngọn: quyên tiền cho một ca mổ tim, đem lại ánh sáng cho người khiếm thị, bảo trợ cho một sinh viên nghèo học đại học. Những hoạt động này thực sự thay đổi cuộc đời, thậm chí cứu mạng sống.

Quan trọng hơn, các hoạt động nhân đạo và từ thiện rất cần tập trung thay đổi phần gốc, đó là các tương quan xã hội tạo ra đói nghèo, bóc lột và bất công. Hội chứng “Người cứu tinh da trắng” có vấn đề bởi nó không liên quan gì tới công lý, nó chỉ là một trải nghiệm tình cảm để người ta tái khẳng định sự may mắn và đặc lợi của mình.

Trong trường hợp này, từ thiện trở thành một cử chỉ phô ra sự thương hại và sức mạnh của người giàu, bởi họ không quan tâm tới hoàn cảnh xã hội, và qua đó từ chối thay đổi nó để giải quyết bất công. “Sự hào phóng của người làm từ thiện sẽ đóng băng nếu như quyền lực của anh ta bị thách thức,” nhà thần học người Mỹ Reinhold Niebuhr viết,“hoặc nếu sự hào phóng này không được tiếp nhận với sự nhẫn nhục mà anh ta đòi hỏi.”

Trong một xã hội hiện đại với các tương quan phức tạp như hiện nay, trách nhiệm của một công dân có ý thức không chỉ là “lá lành đùm lá rách", mà còn phải là cố gắng hiểu những tương quan đó, tự vấn về trách nhiệm cá nhân mình trong các lựa chọn làm ăn, kinh doanh, mua sắm, tiêu thụ, và đặt câu hỏi mình có thể đóng góp được gì để thay đổi vấn đề, hoặc ít nhất không làm nó trầm trọng hơn.

Trong hoạt động nhân đạo và từ thiện, tiền chỉ là một trong các nguồn tài nguyên, thậm chí không phải là nguồn quan trọng nhất. Quan trọng hơn là kiến thức, tài năng, và sức ảnh hưởng của các cá nhân muốn giúp đỡ đồng bào của mình.

Báo chí, thay vì tập trung vào chuyện người nổi tiếng mặc gì khi phát quà, hãy để họ lên tiếng và lôi kéo sự chú ý của công chúng tới những vấn đề thuộc về phần gốc: nông dân bị mất kế sinh nhai, công nhân ở những khu công nghiệp vật lộn với cuộc sống, môi trường bị huỷ hoại, phân hoá giầu nghèo, bạo lực trong gia đình.

Thay vì chỉ đóng tiền cứu trợ khi có bão lũ, hay nhân tiện mang quần áo cũ lên vùng cao nhân dịp đi chụp ảnh hoa ban, hãy tìm hiểu công việc của những tổ chức phi chính phủ và hỗ trợ họ. Những tổ chức này đang bền bỉ hoạt động để bảo vệ quyền của trẻ em, để phụ nữ không bị buôn bán, người thiểu số giữ được văn hoá bản địa, người khuyết tật không bị kỳ thị, chính quyền địa phương trở nên minh bạch hơn, và người dân có tiếng nói hơn.

Làm việc với họ tuy không cho ra những bức ảnh bắt mắt như khi ta chụp với trẻ em miền núi, nhưng nó sẽ đi xa hơn rất nhiều những phản xạ rút ví vào những lúc chúng ta "rủ lòng thương.”

Cuối cùng, chúng ta nên từ bỏ tâm thế của người ban phát. Từ thiện là một quá trình hai chiều, cho và nhận. Mỗi người, dù nghèo tới đâu, cũng có cái để cho người khác, và mỗi người, dù đầy đủ tới đâu, cũng cần mở rộng mình để nhận.

Nếu từ thiện chỉ là phong trào, để lấy like, để xoa dịu lương tâm, để cầu may, để đánh bóng tên tuổi, để thể hiện vị thế xã hội, thì người cho đã tự khước từ khả năng nhận. Lúc đó, từ thiện đánh mất chức năng là chất gắn kết của một cộng đồng. Ngược lại, nó chỉ củng cố các bất công trong xã hội.

Đặng Hoàng Giang



CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển

​Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú”




Cuộc sống khó khăn và rối ren, bạn cần một lời khuyên, nhưng từ đâu? Với nhiều người, giải pháp gần nhất là đi mua một cuốn “self-help”. Khái niệm sách “self help” rất rộng, nhưng thường được hiểu là loại sách dạy tu thân, học làm người, chứa đầy lời khuyên thông tuệ và các “bí kíp” để nhanh giàu, nhanh khôn, nhanh thành công...





Đổ bộ vào Việt Nam sau thời kỳ mở cửa, sách self-help - hay được gọi là sách tu thân, tự lực, tự giúp - vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng người đến với nó như nước chảy vào vùng xoáy. Dòng sách này đã trở thành nồi cơm, chỗ dựa của nhiều nhà xuất bản.

THỜI CỦA CÁC "BÍ KÍP" CHO KHÔNG

Bước vào một hiệu sách, bạn sẽ thấy chừng một phần ba diện tích kệ sách, thường là khu vực gần cửa nhất, được dành cho thể loại này. Hai mảng bán chạy nhất hiện nay là học làm giàu và phát triển bản thân thường đi kèm với nhau: thay đổi bản thân để thịnh vượng. Nhiều năm qua, những cuốn như Dạy con làm giàu, Cha giàu cha nghèo, Đọc vị bất kỳ ai, Chiến thắng con quỷ bên trong bản thân, Tôi tài giỏi, bạn cũng thế hay Sức mạnh của tư duy tích cựcluôn nằm trong nhóm sách bán chạy nhất ở Việt Nam.

Gần đây, thậm chí ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, còn cho phát không hàng chục triệu cuốn Nghĩ giàu, làm giàu của Napoleon Hill và Đắc nhân tâm của Dale Carnergie cho thanh niên cả nước. Hai cuốn kinh điển này nằm trong một danh sách được ông Vũ gọi bằng cái tên cũng rất self-help là “Tủ sách đổi đời”.

Lý do gì khiến nhiều người đón nhận thể loại sách này nhiệt tình tới như vậy?

Như đã thể hiện qua chữ “đổi đời” của ông Vũ, loại sách này đem lại hi vọng. Bỏ ra vài chục nghìn đồng, người mua sách self-help sở hữu những giấc mơ ngọt ngào. Tuần làm việc 4 giờ hứa có thể giúp bạn “làm việc ít đi 20 lần nhưng thu nhập tăng lên 10 lần”, và khuyên “thuê một trợ lý cách xa nửa vòng trái đất để cô này viết một lá thư ngọt ngào xoa dịu người vợ đang giận dữ của bạn”. Nghĩ giàu, làm giàu không yêu cầu bạn lao động vất vả hay có tài năng, chỉ cần bạn rất, rất mong muốn trở nên giàu có. Cái đó thì không khó.

Trên trang mạng Học làm giàu, một thanh niên đặt ra mục tiêu “Sau năm thứ nhất có 20 triệu đồng, sau năm thứ năm có 1 triệu USD, sau năm thứ mười có 1 tỉ USD”. Các thành viên khác ngưỡng mộ: “Việt Nam mình có nhiều người có hùng tâm như anh thì ước mơ dân giàu, nước mạnh không phải quá xa vời. Chúc anh thành công!”.

Đằng sau những ảo tưởng làm giàu kiểu mì ăn liền kia là những dịch chuyển xã hội và thay đổi cơ bản trong triết lý sống của người Việt. Trước hết, hai thập kỷ qua đã tạo ra huyền thoại Từ cậu bé nhà quê thành đại gia mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một ví dụ.

Nếu như trước kia nhiều người cho rằng giàu nghèo có số và vị trí của mình trong xã hội đã được xếp đặt sẵn thì ngày nay, chứng kiến của cải nảy nở xung quanh mình, họ chuyển sang thái cực kia và tin vào một triết lý lạc quan là bạn hoàn toàn có thể điều khiển được tiền tài và danh vọng của mình nếu nắm được một số “kỹ thuật” nhất định: 23 nguyên tắc của Carnegie, 13 bước của Hill, 8 bài học từ Cha giàu, cha nghèo của Robert Kiyosaki.

Cuộc đời, vốn được quan niệm là bất định, nay được cho là được quản trị bởi một số “bí mật” mà rất may đã được một số tác giả phát hiện và truyền đạt lại, dễ hiểu hơn bản cửu chương.

Thứ nữa, mô hình lao động cùng tập thể, cá nhân dựa vào cộng đồng trong cuộc sống nông nghiệp không còn thích hợp cho một môi trường kinh tế thị trường đầy cạnh tranh. Thay cho một hệ thống hài hòa, vạn vật đều có chỗ đứng của mình, cuộc đời nay được hiểu như một mê cung, một cuộc đua, một rừng rậm, những biểu tượng hay được dùng trong các sách self-help phương Tây.

Trong môi trường này, người ta luôn phải cập nhật các kỹ năng và tái tạo bản thân để mạnh hơn đối thủ, các sách dạy phát triển bản thân đánh vào nỗi lo âu thường trực này. “Cần phải sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi, nếu không mỗi người sẽ tự hủy hoại cơ hội tồn tại của mình”, cuốn Ai lấy miếng phó mát của tôi cảnh báo và bán được 26 triệu bản trên toàn cầu.

SÁCH ĐẸP NÓI DỐI




Rất đáng tiếc, đưa sách dạy làm giàu và kỹ năng sống như những cuốn trên cho thanh niên, hay bất cứ ai cũng vậy, là gửi họ và cộng đồng vào con đường cụt bởi những tác động tiêu cực của chúng.

Vấn đề đầu tiên là triết lý của phong trào self-help hiện đại, được đặt nền móng bởi Dale Carnegie với Đắc nhân tâm, là “mỗi người vì chính mình”. “Phát triển bản thân” luôn là một dự án vì mục đích cá nhân, không có chỗ cho những vấn đề của cộng đồng và hoạt động xã hội.

Trong thế giới quan đó, con người là một động vật ích kỷ và nông cạn. Họ thích được nghe tới tên mình, muốn được tỏ ra quan trọng và thèm khát sự khen ngợi. Thay vì làm cho con người tốt đẹp lên, Carnegie đánh vào bản năng vị kỷ của họ và khuyên người ta lợi dụng nó. Con người chỉ là những loại cá khác nhau, và bí mật để đạt được thành công là “học được cách móc mồi vào lưỡi câu phù hợp với từng loại cá”.

Nhiều nguyên tắc của Đắc nhân tâm phục vụ cho những con người giả tạo, cơ hội và thao túng. Trong cuốn sách, một đại tư bản tự hào vì ông có thể gọi nhiều công nhân của mình bằng tên riêng nên “chưa hề có một cuộc đình công nào xảy ra tại các nhà máy thép của ông”. Ở đây có một ẩn ý xã hội sâu xa hơn: thay vì phải xây nhiều nhà vệ sinh hơn cho các nữ công nhân dệt may, các ông chủ hãy cố học thuộc tên riêng của họ và thế là mọi chuyện đều ổn thỏa cả.

Nếu như trước kia giá trị sống của người Việt là trở thành người quân tử, ưu việt về đạo đức và vững vàng về luân lý thì ngày nay với nhiều người, mục tiêu đơn thuần chỉ là tạo ra một bộ mặt khả ái, bởi như Carnegie giải thích, thành công “được định nghĩa phần lớn qua việc người khác nhìn bạn như thế nào”.

“Với Carnegie - Steven Watts, tác giả cuốn tiểu sử về ông, viết - trọng tâm dịch chuyển từ việc xây dựng những giá trị đạo đức bên trong mỗi người sang xây dựng những ấn tượng mà người ta gây cho người khác”. Carnegie nói về “thương hiệu bản thân” trước khi chữ này tồn tại. Nhà văn Sinclair Lewis phê phán Carnegie đã thay thế những chữ niềm tin, danh dự, cao thượng trong những cuốn sách học làm người trước kia bằng chữ giàu có. Ông đánh đồng sự đẹp đẽ của tính cách con người với khả năng kiếm tiền.

Và như vậy, thách thức của cuộc đời không còn là việc đi tìm một ý nghĩa sống trong cộng đồng của mình nữa mà là giám sát và quản lý bản thân để trở nên giàu có. Cho rằng không khi nào là quá sớm, một số nhà trẻ nhanh nhạy ở Việt Nam tổ chức những khóa học “Dạy trẻ kỹ năng lãnh đạo bản thân từ những năm đầu đời”. Viễn cảnh ở đây là những đứa trẻ sớm điều khiển được người khác và theo dõi hiệu quả của bản thân như của một cỗ máy.

LẢNG TRÁNH HIỆN THỰC




Bên cạnh tham vọng “đọc vị” người khác, “tư duy tích cực” là một trụ cột cơ bản khác của văn hóa self-help, và như tác giả Barbara Ehrenreich lập luận trong cuốn Sự quảng bá triền miên tư duy tích cực đã làm xói mòn nước Mỹ như thế nào, nó đang gặm nhấm nền tảng xã hội.

Ở đây “tư duy tích cực” không liên quan gì tới một thái độ sống lạc quan. Nó là một kiểu niềm tin, có thể gọi là mù quáng, là người ta có thể dùng ý nghĩ để điều khiển những gì xảy ra với bản thân. Bạn muốn giàu? Bạn phải thật sự, luôn luôn và sắt đá tin mình sẽ giàu. Vì thế mà các nhà trẻ nói trên cho lũ trẻ mẫu giáo hằng ngày lặp lại các câu như: “Tôi là một thần đồng trong lớp học” và “Tôi đang trên con đường tạo ra sự giàu có tuyệt vời”.

Cuốn Nghĩ giàu, làm giàu yêu cầu bạn viết số tài sản mình muốn có lên một tờ giấy và đọc to nó lên ngày hai lần vào buổi sáng và buổi tối. Cần làm như vậy vì tiền bạc “tuy không nói năng được nhưng có thể nghe thấy khi ai đó khao khát gọi tên nó” - tác giả đoan chắc. T. Harv Eker, tác giả Những bí mật của tư duy triệu phú, hướng dẫn bạn đọc “cài đặt” tư duy của người giàu bằng cách đặt tay lên tim và nói: “Tôi là một người đón nhận tuyệt vời. Tôi sẵn sàng và rộng mở đón nhận những lượng tiền khổng lồ đến với cuộc đời tôi”. Sau đó cần chạm lên đầu mình và nói: “Tôi có tư duy triệu phú”.

Đằng sau “tư duy tích cực” này kia là quan điểm nguy hiểm rằng bản thân mỗi người, giàu có hay bần hàn, hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, và đó là lý do hoàn hảo nhất để người giàu tự tán dương mình và phủi tay chối bỏ trách nhiệm xã hội. Gần đây người ta tâm đắc với câu “35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn”. Thông điệp ở đây là gì? Nghèo đói không thuộc về trách nhiệm của quyền lực - họ vô can. Người nghèo nghèo vì họ không có “tư duy triệu phú”.

Quan điểm này bỏ ra ngoài những bất bình đẳng trong xuất thân, trong tiếp cận giáo dục và y tế. Nó không đặt câu hỏi về những bất công trong xã hội, không bàn tới công lý lẫn thể chế, nó không có khái niệm những nhóm người dễ tổn thương. Nó bỏ qua đúc kết dân gian “con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Tệ hơn, tư duy này làm những người nghèo bên lề xã hội cuối cùng quay ra tự trách cứ bản thân, thay vì phê phán các tương quan và chính sách xã hội đẩy họ vào trạng thái này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “tư duy tích cực” được dùng như một công cụ kiểm soát xã hội. Barbara Ehrenreich dẫn ra rằng khi các tập đoàn Mỹ sa thải hàng loạt nhân viên vào thập niên 1980 cũng là lúc họ thuê nhiều nhất các diễn giả về “tư duy tích cực” tới để xoa dịu những người bị đuổi việc và để những nhân viên chưa bị đuổi tiếp tục lao vào cày cuốc.

Và cuối cùng, “tư duy triệu phú” kiểu “tự kỷ ám thị” đó cổ xúy sự dịch chuyển của các giá trị đạo đức. Nếu như trước kia người ta tôn vinh các cá nhân theo đuổi một cái nghiệp, cống hiến, say mê, thì bây giờ sự say mê duy nhất được ngưỡng mộ là say mê làm giàu. Và sự giàu có mới nổi cần một biện minh về đạo đức để được chấp nhận và tôn trọng.

Trên nền tảng đạo đức mới này, giàu có nghĩa là thành công, với Napoleon Hill thì nó còn “không cần lời xin lỗi”. Làm giàu không những đã trở thành đích sống, mà còn là một đức hạnh, “làm giàu là vinh quang”. Hệ quả là gì? Trong khi tôn vinh người giàu, người ta rất dễ đi đến kết luận thứ hai rằng người nghèo làm xấu hổ đất nước, là gánh nặng của cộng đồng. Napoleon Hill viết: “Chúa đứng bên những người quyết tâm làm giàu”.

Đáng ngạc nhiên là chưa một ai thắc mắc nếu hàng triệu cuốn sách dạy “tư duy tích cực” và làm giàu có hiệu quả thì GDP quốc gia hằng năm đã phải tăng như thế nào rồi. Nhưng các ý tưởng self-help không khuyến khích các câu hỏi, chúng chỉ yêu cầu người đọc tin vào chúng. Nếu bạn chưa giàu thì có nghĩa là bạn chưa tin đủ, bạn cần mua thêm sách, nghe thêm băng, tới dự thêm các buổi thuyết trình.

Theo Salerno - tác giả cuốn Phong trào tự lực đã làm nước Mỹ trở nên bất lực như thế nào, cứ chừng 18 tháng người đọc self-help lại mua một cuốn sách mới. Sự khốn cùng của kiểu “tư duy triệu phú” này là ở chỗ nó làm tê liệt khả năng tư duy độc lập, phản biện và ý thức xã hội, những điều đang thiếu ở Việt Nam. Nó không dẫn tới khai sáng và minh triết. Đám đông đi theo nó vừa phỉnh nịnh vừa giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích của mình, tin tưởng rằng chính nghĩa và đạo đức thuộc về kẻ giàu có.
ĐẶNG HOÀNG GIANG

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Tại Sao Thánh Gandhi Không Được Giải Nobel Hòa Bình?





▪ Lời Người Dịch

Trong các nhân vật lớn của thế kỷ 20 đã vì lý tưởng tự do và công bằng cũng như với ý chí kiên định và an nhiên để tranh đấu cho tổ quốc của họ trước bạo quyền như Hoà thượng Thích Quảng Đức (1897–1963), ông Nelson Mandela (1918–2013), Mục sư Martin Luther King, Jr. (1929–1968), Đức Dalai Lama thứ 14 (1935) và bà Aung San Suu Kyi (1945)… thì ông Mohandas Gandhi (1869–1948) đã nổi bật lên thành một biểu tượng cao cả của tinh thần bất bạo động, và bền bĩ ứng dụng nó như một nguyên tắc đấu tranh cho dân quyền và nhân quyền.

Trong khi tinh thần Đại Từ, Đại Bi của Hoà thượng Thích Quảng Đức đã trở nên bất diệt qua lời thơ thống thiết
“Lửa, lửa cháy ngất toà sen;
Tám, chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ quỳ cả xuống;
Hai vừng sáng rưng rưng;
Đông Tây nhoà lệ ngọc…” (Vũ Hoàng Chương, 1963)


Cũng như sự kiên trì và hy sinh cho bình đẳng và tự do của Mục sư Martin Luther King, Jr., Đức Dalai Lama thứ 14, bà Aung San Suu Kyi, và ông Nelson Mandela đã được quốc tế công nhận với giải thưởng Nobel Hoà Bình cho cả 4 người trong các năm 1964, 1989, 1991, và 1993, thì ý chí và tinh thần bất bạo động mà biểu tượng là Thánh Gandhi lại chưa được Ủy ban Nobel Hòa Bình quan tâm đúng mức, tối thiểu là thể hiện qua động thái trao một giải thưởng Nobel Hoà bình cho vị Thánh (“Mahatma”) nầy.


Bồ tát Thích Quảng Đức và bốn khôi nguyên giải Nobel Hòa bình:
Martin Luther King, Jr. (1964), the 14th Dalai Lama (1989),
Aung San Sui Kyi (1991) và Nelson Mandela (1993)

Bản lược dịch dưới đây, từ bài viết của Oyvind Tonnesson, kể lại câu chuyện kéo dài hơn 10 năm của Uỷ ban Nobel Hoà bình của Na Uy và nhân vật Mohandas Gandhi cùng một số hành hoạt của ông liên hệ đến quyết định sau cùng của Uỷ ban Nobel này.




Gandhi và giải Nobel Hòa Bình
Oyvind Tonnesson – Nobelprize.org Peace Editor, 1998-2000
Viết ngày 1 tháng 12 năm 1999


Mohandas Gandhi (1869-1948) đã trở thành biểu tượng đậm nét nhất cho tinh thần bất bạo động trong thế kỷ 20. Nếu hồi tưởng lại lịch sử vào thời gian đó thì nhà lãnh tụ người Ấn này đáng ra phải được lựa chọn để nhận giải Nobel Hòa Bình. Ông được đề cử nhiều lần nhưng chưa bao giờ được chọn để nhận giải thưởng này cả. Đâu là nguyên nhân và đầu đuôi câu chuyện là như thế nào?

Các mối hoài nghi sau đây đã nhiều lần được đưa ra: Phải chăng quan niệm của Ủy Ban Nobel Hòa Bình của Na Uy quá chật hẹp? Phải chăng những thành viên của Ủy Ban Nobel đã không thể cảm thông được sự tranh đấu cho tự do của những người không có gốc gác là Âu Tây? Hay phải chăng những thành viên người Na Uy của Ủy Ban Nobel đã không dám trao tặng giải thưởng cho nhà tranh đấu người Ấn Độ [LND: Nhằm chấm dứt nền đô hộ của Anh Quốc và mang độc lập về cho xứ sở] vì e ngại hậu quả tai hại cho mối giao hảo giữa Na Uy và Anh Quốc?

Gandhi đã được đề cử để nhận giải Nobel Hòa Bình trong những năm 1937, 1938, 1939, 1947, và lần cuối cùng là một vài ngày trước khi ông bị hạ sát vào tháng 1 năm 1948. Sự tiếc nuối cho thiếu sót đó đã được các thành viên gần đây của Ủy Ban Nobel bày tỏ một cách công khai. Khi trao tặng giải thưởng cao quý này cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1989, ông chủ tịch của Ủy Ban đã nói “(giải thưởng này) một phần là để tỏ lòng tưởng nhớ đến Mahatma Gandhi”. Tuy nhiên, Ủy Ban Nobel chưa bao giờ bình phẩm về những lời đồn đoán nhằm lý giải vì sao Gandhi không được bầu chọn. Cho đến gần đây, những nguồn tin lẽ ra có thể giải thích sự thiếu sót này vẫn chưa được công bố.

▪ Mahatma Gandhi – Người Là Ai?

Mohandas Karamchand Gandhi – còn được suy tôn là Mahatma (Thánh) Gandhi – chào đời ở thành phố Porbandar, vốn là thủ phủ của một tiểu bang bây giờ mang tên là Bang Gujarat ở miền Tây Ấn Độ. Cha của ông lúc đó đảm nhiệm một chức vụ tương đương với chức Thủ Tướng. [LND: Trong thời kỳ bị Anh quốc đô hộ, xứ sở Ấn Độ có hàng trăm Tiểu quốc, Khu vực Hành chính, và Tiểu bang được tự trị trong việc nội chính] Còn mẹ của ông là một tín đồ rất sùng bái Ấn Độ giáo. Bà và cả gia đình Gandhi theo một nhánh của Ấn Độ giáo coi sự bất bạo động và lòng khoan dung giữa các tôn giáo là điều rất quan trọng. Nền tảng tôn giáo này của gia đình đã được coi là lý do chính đưa Gandhi vào vị trí mà ông ta có trong lòng xã hội Ấn Độ về sau này. Những năm cuối thập niên 1880, Gandhi xuất ngoại đi Anh Quốc để theo học Luật khoa. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về Ấn Độ để hành nghề luật sư và, năm 1893, ông lại xuất ngoại đến thành phố Natal của Nam Phi để lo về vấn đề luật pháp cho một công ty Ấn Độ chuyên trao đổi mậu dịch.

Ở Nam Phi, Gandhi làm việc để cải thiện đời sống của cộng đồng Ấn Độ thiểu số. Công việc này, đặc biệt chống lại những luật lệ càng lúc càng có tính kỳ thị, đã làm nảy nở trong ông niềm tự hào về nguồn gốc Ấn Độ của mình, về tôn giáo của mình, và một ý chí sẳn sàng hy sinh. Ông đã rất thành công khi đưa ra phương pháp bất bạo động trong cuộc tranh đấu đòi hỏi những quyền làm người căn bản cho cộng đồng Ấn Độ. Phương pháp này, “satyagraha” – hay “sức mạnh của sự thật” – có tính lý tưởng đến cao độ: Dù không bác bỏ nguyên tắc sử dụng luật lệ để cai trị, người Ấn sẽ chống lại những luật lệ không hợp lý hay có tính áp đặt. Và dù sẳn sàng chấp nhận sự trừng phạt khi vi phạm các luật lệ đó, mỗi người phải an nhiên tự tại, và với quyết tâm, chối bỏ tính hợp pháp của luật lệ đó. Với phương pháp này, người ta mong đối thủ -- khi trước là chính quyền tại Nam Phi và sau này là nhà nước Anh Quốc ở Ấn Độ – phải thừa nhận tính bất hợp pháp của các đạo luật do chính họ đưa ra.

Khi Gandhi hồi hương vào năm 1915, những thông tin về sự thành công của ông ở Nam Phi đã được loan truyền rộng rãi tại quê nhà. Chỉ trong vài năm, thời Đệ Nhất Thế Chiến, ông đã trở thành nhà lãnh đạo của Nghị hội Toàn quốc Ấn độ (Indian National Congress). Trong thời gian giữa hai trận thế chiến ông đã khởi động một loạt những cuộc vận động bất bạo động chống lại nhà nước Anh Quốc. Cùng lúc, ông nỗ lực đoàn kết những người Ấn Độ theo Ấn giáo, Hồi giáo, và Ky-tô giáo, và đấu tranh để giải phóng những người nằm trong tầng lớp “cùng đinh, hạ tiện” (untouchables) của xã hội Ấn. Trong khi những người Ấn Độ đồng chí hướng đương thời với ông áp dụng phương pháp bất bạo động chỉ như một vũ khí mang tính chiến thuật thì ông lại nâng bất bạo động lên như một nguyên tắc. Chính quan niệm chắc nịch, không khoan nhượng này của ông đã khiến cho mọi người kính phục dù họ có khác quan điểm chính trị cũng như niềm tin tôn giáo đi nữa. Ngay vị quan tòa người Anh, vốn đã cho ông vào tù, cũng phải công nhận Gandhi là một nhân vật đặc biệt, hiếm có.

▪ Lần đề cử đầu tiên để nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình

Một số những người ngưỡng mộ Gandhi thuộc mạng lưới ủng hộ Gandhi gọi là Hội “Những người bạn của Ấn Độ” (Friends of India) được thành lập tại nhiều nơi ở Âu Châu và tại Mỹ vào đầu thập niên 1930. Các Hội này đại diện cho nhiều khuynh hướng. Những người mộ đạo thì khâm phục Gandhi vì sự sùng đạo của ông. Giới quá khích và chống quân phiệt thì rất có cảm tình với triết lý bất bạo động của ông và ủng hộ ông như một người dám chống lại chủ nghĩa đế quốc.

Năm 1937, một đại biểu của nghị viện Na Uy (Norwegian Storting), ông Ole Colbjornsen thuộc đảng Lao Động (Labour Party), đề cử Gandhi là người được nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm đó. Tên ông nằm trong danh sách ngắn ngủi gồm mười ba ứng viên của Ủy Ban Nobel. Nhưng bài viết đưa ra lý do để đề cử Gandhi lại không phải do ông Colbjornsen viết mà do những người phụ nữ lãnh đạo chi nhánh tại Na Uy của Hội “Những người bạn của Ấn Độ” soạn thảo. Dĩ nhiên, nội dung của bài viết này hoàn toàn tốt đẹp về Gandhi.

Lúc đó Cố vấn cho Ủy Ban Nobel là giáo sư Jacob Worm-Muller. Là người viết bản báo cáo về ứng viên Gandhi, ông đã có một cái nhìn có tính phê phán hơn. Một mặt ông rất hiểu sự ngưỡng mộ dành cho Gandhi như một cá nhân: “Không ngờ vực gì nữa,(Gandhi) là một người tốt, cao quý, và rất khổ hạnh – đó là một người nổi tiếng đáng được quần chúng Ấn Độ tôn vinh và yêu mến.” Mặt khác, khi đánh giá Gandhi như một lãnh tụ chính trị, vị giáo sư người Na Uy này lại mô tả không thuận lợi lắm. Ông viết, “(Gandhi) từng có các bước ngoặt trong chủ trương của mình mà những kẻ ủng hộ đã không thể giải thích một cách suôn sẽ. (…) (Gandhi) là một người tranh đấu cho tự do mà cũng là một kẽ độc tài, một người rất lý tưởng mà cũng là một người theo chủ nghĩa quốc gia. Ông ta thường là Giê-su nhưng, một cách bất chợt sau đó, cũng là một chính trị gia tầm thường.”

Nhiều người trong phong trào hòa bình thế giới đã chỉ trích Gandhi. Vị cố vấn cho Ủy Ban Nobel đã trích dẫn những chỉ trích này khi cho rằng Gandhi là một người chủ trương hòa bình nhưng không kiên định, rằng đáng ra Gandhi phải biết những cuộc vận động bất bạo động chống lại Anh Quốc thế nào cũng biến chất thành ra bạo động và khủng bố. Đây là điều đã xảy ra trong cuộc vận động bất hợp tác trong các năm 1920,1921 khi một đám đông ở Chauri Chaura tấn công một trạm cảnh sát, giết đi một số cảnh sát viên và nổi lửa đốt luôn trạm này.

Một số những người chỉ trích không có gốc gác là Ấn Độ thì cho rằng Gandhi đã tỏ ra theo chủ nghĩa dân tộc (Ấn Độ) quá nhiều. Trong bản báo cáo, giáo sư Worm-Muller đã bày tỏ sự ngờ vực là những lý tưởng của Gandhi chỉ hạn hẹp nhắm vào Ấn Độ nhiều hơn là có tính phổ quát ra toàn thế giới: “Người ta có thể nói rằng cuộc đấu tranh nổi tiếng của (Gandhi) ở Nam Phi là chỉ để cho người Ấn mà thôi, chứ không phải cho những người da đen mà hoàn cảnh sống còn tồi tệ hơn nữa.”

Cuối cùng, người được giải thưởng Nobel năm 1937 là Lord Cecil ở Chelwood. [LND: Lord Cecil of Chelwood là một luật sư, chính trị gia, và là nhà ngoại giao của Anh Quốc. Ông là một trong những người gầy dựng nên Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc] Chúng ta không biết Ủy Ban Nobel của Na Uy có xem xét lời đề cử Gandhi một cách nghiêm túc cho năm đó hay không, nhưng có thể là không. Ông Ole Colbjornsen lại đề cử Gandhi vào các năm 1938 và 1939, nhưng phải mười năm sau nữa tên của Gandhi mới được thêm vào danh sách ngắn các ứng viên của giải Nobel Hoà Bình.

▪ 1947: Thắng lợi và Thất bại

Năm 1947, những lời đề cử ứng viên Gandhi lại được gởi đến Bộ Ngoại Giao của Na Uy trong các bức điện tín đánh đi từ Ấn Độ. Những người đề cử gồm B.G. Kher, Thủ tướng của Bombay; Govindh Bhallabh Panth, Thủ tướng của United Provinces; và Mavalankar, Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ. Những luận cứ đưa ra để ủng hộ ứng viên Gandhi được viết theo cách viết điện tín. Ví dụ Govind Bhallabh Panth viết: “Để nhận giải Nobel năm nay tiến cử Thánh Gandhi vị kiến trúc sư của quốc gia Ấn Độ là người tiêu biểu nhất của luân lý và đạo đức và là người cổ súy hữu hiệu nhất cho nền hòa bình thế giới ngày nay.” Danh sách rất ngắn của Ủy Ban Nobel chỉ có tên của sáu người và Mohandas Gandhi là một trong sáu người đó.

Sử gia Jens Arup Seip, người cố vấn cho Ủy Ban Nobel lúc bấy giờ, viết trong bản báo cáo chủ yếu về vai trò của Gandhi trong lịch sử chính trị của Ấn Độ sau 1937: “(Các biến cố trong) mười năm sau đó, từ 1937 đến 1947, đưa đến thắng lợi vĩ đại nhất và thất bại lớn lao nhất của Gandhi và phong trào của ông ta. Đó là nền độc lập của Ấn Độ và sự chia cắt quốc gia Ấn Độ [LND: Để khai sinh Hồi quốc – Pakistan].” Bản báo cáo mô tả lối hành xử của Gandhi trong ba cuộc xung đột, tuy khác nhau nhưng lại liên hệ hỗ tương, mà Nghị hội Toàn quốc Ấn Độ (Indian National Congress) phải giải quyết trong thập niên cuối cùng trước ngày độc lập: Cuộc tranh đấu giữa Ấn Độ và Anh quốc; Sự tham dự của Ấn Độ trong Đệ Nhị Thế chiến; và Xung đột giữa hai cộng đồng Ấn và Hồi. Đối diện với tất cả biến cố này, Gandhi vẫn luôn luôn kiên định giử vững nguyên tắc bất bạo động của mình.

Bản báo cáo của ông Seip không phê bình Gandhi một cách gắt gao như bản báo cáo mười năm trước đó của Worm-Muller. Tuy vậy, bản báo cáo thuận lợi này vẫn không thể hiện một cách rõ rệt sự ủng hộ ứng viên Gandhi. Ông Seip cũng viết một cách vắn tắt về sự chia cắt quốc gia Ấn Độ đang xảy ra lúc đó và sự hình thành của quốc gia Hồi giáo Pakistan. Ông kết luận: “Người ta coi rằng, như được trình bày trong nhật báo The Times ngày 15 tháng 8 năm 1947, nếu ‘cuộc giải phẩu vĩ đại’ vốn là sự phân chia quốc gia Ấn Độ, không dẫn đến tình trạng đổ máu ở kích thước lớn lao thì những lời giáo huấn của Gandhi, những nỗ lực của đám đông theo ông ta và chính sự hiện diện của ông ta, phải chiếm phần quan trọng trong công trạng đó.” Nhưng lịch sử đã chứng minh ngược lại với lời kết luận có hơi sớm này. [LND: Trong “cuộc giải phẩu vĩ đại” này máu đã đổ, người đã chết, và bạo động đã xảy ra]

Sau khi đọc bản báo cáo, Ủy Ban Nobel có lẽ đã được cập nhật hóa hơn về đoạn cuối của cuộc đấu tranh dành độc lập của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong quá khứ, chưa bao giờ giải Nobel Hòa Bình lại được trao cho một cuộc tranh đấu như vậy cả. Thành viên của Ủy Ban cũng phải xem xét những vấn đề như có nên chọn Gandhi là biểu tượng của bất bạo động, cũng như ảnh hưởng chính trị gây ra do sự chọn lựa một lãnh tụ Ấn Độ nổi tiếng sẽ là gì khi mà liên hệ giữa hai quốc gia, Ấn Độ và Hồi Quốc, đã không có gì là hòa hoãn trong mùa Thu năm đó?

Sau này chúng ta được biết từ nhật ký của ông Gunnar Jahn, Chủ tịch Ủy Ban Nobel, rằng khi các thành viên chuẩn bị để quyết định vào ngày 30 tháng 10 năm 1947, hai thành viên tạm thời là Herman Smitt Ingebretsen (thuộc nhóm Ky-tô bảo thủ) và Christian Oftedal (thuộc nhóm Ky-tô cởi mở) đã phát biểu thuận lợi cho Gandhi. Năm trước, hai vị này đã ủng hộ mạnh mẽ cho ông John Mott, một lãnh tụ của tổ chức YMCA. [LND: Ông John Mott được giải Nobel Hòa Bình năm 1946] Dường như hai vị này thường ủng hộ những ứng viên nào có thể là biểu tượng của đạo đức và niềm tin tín ngưỡng trong một thế giới đang bị đe dọa vì những xung đột xã hội và tư tưởng. Tuy nhiên, trong năm 1947, hai vị này đã không thuyết phục được ba thành viên kia của Ủy Ban Nobel. Martin Tranmael, vị chính trị gia của đảng Lao Động (Anh), rất do dự trong việc trao giải Nobel Hòa Bình cho Gandhi giữa lúc Ấn Độ và Hồi Quốc đang có mâu thuẫn, và Birger Braadland, cựu Bộ trưởng Ngoại Giao, đã đồng ý với Trammael. Họ nghỉ rằng Gandhi quá thiên vị về một trong hai phe hiếu chiến. Thêm vào đó, Trammael và Jahn (chủ tịch Ủy Ban Nobel) được biết là trong một buổi gặp gỡ để cầu kinh cách đó một tháng, Gandhi đã nói lên điều cho thấy ông có ý định bỏ cuộc trong nỗ lực kiên trì chống lại chiến tranh. Dựa trên một bức điện tín của hảng thông tấn Reuters, nhật báo The Times đã tường trình dưới tựa đề “Ông Gandhi (nói) về cuộc chiến tranh với Hồi Quốc” vào ngày 27 tháng 9 năm 1947 như sau:

“Trong buổi gặp gỡ và cầu kinh tối hôm nay, Gandhi đã nói rằng tuy ông luôn chống lại mọi hình thức chiến tranh nhưng nếu không có cách nào khác để đạt được công lý từ Hồi Quốc và nếu Hồi Quốc tiếp tục ngoan cố từ chối không công nhận lỗi lầm đã được chứng minh của họ và tiếp tục coi nhẹ lỗi lầm đó thì Chính phủ Liên minh Ấn Độ sẽ phải gây chiến chống lại nó (Hồi Quốc). Không ai muốn chiến tranh nhưng ông (Gandhi) cũng không thể khuyên người khác tiếp tục chịu đựng sự bất công. Và nếu tất cả người Hồi bị tiêu diệt vì lý do chính đáng thì ông ta cũng không quan tâm. Nếu xảy ra chiến tranh thì những người Ấn đang cư ngụ trong Hồi Quốc không thể đóng vai nội công. Nếu không trung thành với Hồi Quốc thì họ nên rời khỏi Hồi Quốc ngay. Những người Hồi trong hoàn cảnh tương tự mà trung thành với Hồi Quốc cũng nên rời khỏi Ấn Độ.”

Gandhi đã phản ứng ngay lập tức bằng cách tuyên bố rằng bản tin đó trung thực nhưng không đầy đủ. Tại buổi gặp gỡ để cầu kinh đó Gandhi đã nói thêm rằng ông không bao giờ thay đổi (quan niệm chống chiến tranh) và rằng “cá nhân của ông không có chỗ đứng trong trật tự mới, nơi người ta muốn có một binh chủng lục quân, hải quân, không quân và bất kỳ binh chủng nào khác.”

Cả Jahn và Trammael đều biết rằng bản tin ban đầu là không đầy đủ, nhưng họ đã bắt đầu rất ngờ vực. Trong nhật ký, Jahn trích dẫn chính ông ta nói rằng: “Mặc dù ông (Gandhi) là nhân vật vĩ đại nhất trong số các ứng viên – chúng ta có thể nói thật nhiều điều tốt đẹp về ông ta – chúng ta phải nhớ rằng ông không chỉ là một lãnh tụ cho hòa bình mà trước nhất và trên hết ông là một người yêu nước. (…) Hơn nữa, đừng quên rằng Gandhi không ngây thơ đâu. Ông là một nhà luật học xuất sắc và cũng là một luật sư.” Dường như vị chủ tịch của Ủy Ban Nobel ngờ rằng câu nói của Gandhi một tháng trước đó là một bước cố ý để làm thoái chí ý muốn gây hấn của Hồi Quốc. Do vậy, ba trong số năm thành viên đã không chấp thuận trao giải Nobel Hòa Bình cho Gandhi trong năm 1947. Thay vào đó, giải thưởng được trao cho đạo Quakers.

▪ 1948: Trao giải thưởng cho người đã khuất?

Thánh Gandhi bị ám sát vào ngày 30 tháng 1 năm 1948, hai ngày trước khi hết hạn đề cử ứng viên cho giải Nobel Hòa Bình. Ủy Ban Nobel nhận được sáu lá thư đề cử Gandhi. Trong số những người và nhóm đề cử là đạo Quakers cũng như Emily Greene Balch, người đã nhận giải trước đó. [LND: Bà Emily Greene Balch nhận giải thưởng vào năm 1946, cùng một năm và chia sẻ giải thưởng với ông John Mott] Đây là lần thứ ba tên tuổi của Gandhi được viết vào danh sách rất ngắn – năm này chỉ có ba ứng viên – của giải Nobel Hòa Bình. Ông Seip, cố vấn của Ủy Ban Nobel, viết bản báo cáo về những hoạt động của Gandhi trong năm tháng cuối của đời ông. Ông Seip kết luận rằng Gandhi, xuyên suốt cuộc đời của ông, đã đóng dấu ấn sâu sắc lên thái độ đạo đức và quan điểm chính trị được sử dụng như chuẩn mực cho một số lớn nhân vật trong cũng như ngoài quốc gia Ấn Độ, “Về phương diện này chúng ta chỉ có thể so sánh Gandhi với giáo chủ của những tôn giáo.”

Giải Nobel Hòa Bình chưa từng được trao cho người đã khuất. Tuy nhiên, theo quy chế của Tổ chức Nobel (Nobel Foundation) vào lúc đó thì, trong một số hoàn cảnh nào đó, giải Nobel Hòa Bình vẫn có thể được trao cho người đã khuất. Do vậy Gandhi vẫn có thể được nhận giải thưởng. Nhưng vì ông không là thành viên của bất kỳ tổ chức nào, lại không để lại một tài sản hay chúc thư nào, thì ai sẽ có tư cách để nhận số tiền thưởng đây? August Schou, Giám đốc Viện Nobel Na Uy (Norwegian Nobel Institute), đã yêu cầu một người cố vấn khác của Ủy Ban Nobel, luật sư Ole Torleif Roed, xem xét những hậu quả cụ thể nếu Ủy Ban trao giải sau khi người nhận đã mất. Ông Roed đề nghị một số giải pháp khả thi mang tính tổng quát và cuối cùng đã hỏi ý kiến một số tổ chức phát giải thưởng của Thụy Điển. [LND: Ủy Ban Nobel Thụy điển phát giải thưởng Nobel trong một số ngành còn Ủy Ban Nobel Na Uy chỉ phát giải thưởng Nobel Hòa Bình] Câu trả lời là không nên phát loại giải thưởng đó. Họ cho rằng giải thưởng cho người đã khuất chỉ có thể được phát nếu người nhận qua đời sau khi được Ủy Ban Nobel quyết định chọn lựa.

Ngày 18 tháng 11 năm 1948, Ủy ban Nobel Hòa Bình của Na Uy tuyên bố không chọn ứng viên nào cả cho năm đó (1948) vì đã “không có ứng viên nào phù hợp mà còn sống cả”. Chủ tịch Ủy Ban, ông Jahn, viết trong nhật ký: “Riêng tôi thì không có một chút ngờ vực nào là nếu phát giải thưởng dành cho người đã khuất thì sẽ đi ngược với ý định trong chúc thư (của ông Nobel)”. Theo vị Chủ tịch, ba thành viên trong Ủy Ban Nobel đã đồng ý với ông, chỉ một mình ông Oftedal là thuận trao giải thưởng cho người đã khuất cho Gandhi.

Sau này, có những lời đồn đoán rằng khi Ủy Ban Nobel tuyên bố “không có ứng viên nào phù hợp mà còn sống cả” thì, ngoài Gandhi, họ cũng muốn ám chỉ đến vị sứ giả hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Palestine, Công tước Bernadotte của Thụy Điển, người đã bị ám sát vào tháng 9 năm 1948. Ngày nay, lời đồn đoán này đã được chứng minh là không có căn cứ vì Công tước Bernadotte đã không được đề cử năm 1948. Như vậy thì cũng hợp lý để nói rằng nếu Gandhi sống thêm một năm nữa thì ông đã được mời đến Oslo để nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình.




Nguyên nhân nào khiến Gandhi không hề được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình?

Cho đến 1960, giải Nobel Hòa Bình chỉ được trao cho người châu Âu và người Mỹ. Hồi tưởng lại quá khứ, có lẽ Ủy Ban Nobel Na Uy đã có một cái nhìn quá chật hẹp. Gandhi khác biệt rất xa với những người từng được giải thưởng cao quý này. Ông không phải là một chính trị gia đúng nghỉa hay là người đề xuất một điều luật quốc tế nào cả. Ông cũng không phải là một người chuyên hoạt động nhân đạo hay là một người chuyên tổ chức vận động hòa bình trên thế giới. Nếu được lựa chọn thì ông sẽ thuộc vào những người được giải Nobel Hòa Bình với quá trình mới và khác.

Không có dấu hiệu gì trong văn thư lưu trữ của Ủy Ban Nobel Na Uy cho thấy khả năng đã có những phản ứng chống đối từ phía Anh Quốc nếu giải thưởng được trao cho Gandhi. Do đó người ta có thể loại bỏ đi giả thuyết cho rằng Ủy Ban Nobel không chọn Gandhi vì e ngại quyết định đó sẽ khiêu khích Anh Quốc.

Năm 1947, cuộc xung đột Ấn - Hồi và lời tuyên bố của Gandhi trong buổi cầu kinh (khiến người ta có cảm tưởng ông đã chối từ chủ nghĩa hòa bình) có lẽ đã là lý do chính làm đa số thành viên của Ủy Ban Nobel không chọn ông là người trúng giải. Khác với tình thế hôm nay, khi đó Ủy Ban Nobel Na Uy đã chưa có truyền thống dùng giải thưởng cao quý này để làm chất xúc tác đưa đến những thỏa hiệp hòa bình cho các mâu thuẩn khu vực.

Vào những tháng cuối cùng của đời mình, Gandhi đã làm việc không ngơi nghỉ để mong chấm dứt bạo động giữa người Ấn và người Hồi sau khi đất nước Ấn Độ bị chia cắt. Chúng ta biết rất ít về những cuộc thảo luận của Ủy Ban Nobel Na Uy về ứng viên Gandhi cho năm 1948 – ngoại trừ câu trích dẫn trong nhật ký của ông chủ tịch Gunnar Jahn – nhưng điều rõ ràng là Ủy Ban Nobel đã nghiêm túc khi xem xét khả năng trao giải thưởng cho người đã khuất. Cuối cùng Ủy Ban Nobel, vì lý do thể lệ, đã không trao giải thưởng cho bất kỳ ai trong năm 1948 để rồi trở lại với chuyện trao giải thưởng năm sau đó mà vẫn không đụng đến số tiền thưởng đã dành cho năm 1948. Điều này khiến nhiều người đã trầm tư rằng vị trí để tên Mahatma Gandhi trên danh sách những người từng nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình đã được để trống một cách yên lặng và trang trọng.

Oyvind Tonnesson

Nhật Trầm dịch, 11/2015

Bôi Nhọ


Hoàng Hữu Phước, MIB

Các bạn có thể nhìn thấy dường như có sự chuyển động xoay sang phải của chong chóng bảy cánh này nếu nhìn chăm chú vào đáy của một cánh nào đó



và dường như có sự chuyển động của các vân sóng trên các thanh song song này:



còn đây là bức tranh tuyệt đẹp của hai chú chim cho đến khi bức ảnh được phóng to hơn



tương tự, chiếc đầu lâu ghê sợ này lại là bức ảnh một mệnh phụ phu nhân mặc áo đầm rộng ngồi trên sàn trò chyện với một nữ nô lệ



trong khi đây không phải là bức tranh thiếu nữ diễm kiều



Tất cả những tác phẩm hội họa đánh lừa thị giác tức tạo ảo giác của người xem là thể loại deceptology trong tiếng Anh, dù đa số các tự điển tiếng Anh lớn trên thế giới chưa cho ra định nghĩa đầy đủ bất kỳ về deceptology, một từ mới được tạo nên từ động từ deceive và danh từ deception tức lừa gạt, nói điêu của tiếng Anh. Song, các tác phẩm hội họa trên dù là lừa gạt thị giác của người xem vẫn thuần túy vì nghệ thuật và mỹ thuật chứ không nhằm làm hại người xem, do đó trên nền củadeceive và deception những nghệ sĩ của trường phái độc đáo lạ kỳ này phải kiếm tìm sự ẩn náu nơi từ mới là deceptology mà giới tự điển Âu Mỹ vẫn chưa chấp nhận đưa vào từ điển của họ.

Trong khi đó, tiếng Anh của bôi nhọ là character assassination có ngữ nghĩa của các thành tố từ vựng cấu tạo nên cụm từ ấy lại mang ý dữ dội, được xuất hiện từ rất lâu nên rất có thể chưa chắc còn tương hợp với môi trường ngữ nghĩa hiện thời, chẳng hạn vào thời xuất hiện của cụm từ này thì bôi nhọ toàn do các nhà báo có tên họ hẳn hoi hay các tay vận động phe nhóm cất công tạo ra với ngồn ngộn các chứng cớ dù ngụy tạo vẫn có độ tin cậy do nguồn kiểm chứng cũng đã được ngụy tạo song hành nhắm vào lãnh đạo đảng đối lập, lãnh đạo quốc gia đối nghịch, hoặc nhằm vào các nhân vật nổi tiếng trong ngành kỹ nghệ giải trí để choảng nhau hay đơn giản tạo scandal cho các báo lá cải có có thể bán chạy hơn; còn thời nay thì bôi nhọ lại do bất kỳ ai biết sử dụng vi tính, vô công rỗi nghề, hèn nhát ẩn danh, viết lách thoải mái bất cần công phu chuẩn bị và tấn công bất kỳ ai từ lãnh đạo đến thường dân, chẳng khác nào kẻ cứ lấy thau nước bẩn hất đại ra đường rồi cười sằng sặc vì thế nào cũng có ai đó bị dính dơ, cứ viết dơ đại thế nào cũng có ai đótin dơ, chứ không thể làm dơ trực tiếp đối tượng của bài viết.

Cũng vì lý do khác biệt trên, và cũng vì deceptology chưa được chấp nhận trong ngành từ điển học, tôi có thể thêm một nghĩa mới cho deceptology trong hệ thống từ điển tiếng Anh trên toàn thế giới: đó là bôi nhọ trong thời đại mới. Bôi nhọ đã được nâng thành một thứ nghệ thuật đánh lừa thị giác cao cấp vì trong khi tranh ảo giác tạo ảnh ảo nhất thời nơi người xem mà người xem có thể định thần nhìn kỹ lại để nhận ra ảnh thật, thì bôi nhọ tạo ra ảnh ảo nơi người đọc mà người đọc khó thể hoặc không thể tự mình nhận chân sự thật.

Trước 1975 ở Sài Gòn có tờ nhật báo nọ đăng ngay trên trang nhất kéo dài nhiều chục số nhiều tháng trời tác phẩm Hồi Ký Con Gái Hồ Chí Minh. Tương tự các bức tranh ảo giác luôn trên nền có thật của sự việc A để cho ra ảnh ảo B, bài viết bôi nhọ luôn cần đến những “sự thật” để bắt đầu ngụy tạo. Những sự thật ở đây là có nhân vật Hồ Chí Minh, nhân vật này không lập gia đình, thế giới thường cho rằng đàn ông không tu hành thì ắt cần đến phụ nữ, và Mỹ luôn có các tổng thống dan díu lung tung với phụ nữ mà điển hình là đối trọng cùng thời của Hồ Chí Minh là Kennedy. Từ những sự thật này, bọn nhà báo lếu láo bắt đầu sáng tạo ra trò Hồi Ký Con Gái Hồ Chí Minh mà chúng đã thậm chí ghi thêm dòng chữ “dịch từ nguyên tác tiếng Pháp”, ám chỉ “cô con gái rơi” này sống ở Pháp. Chúng mong người đọc sẽ cười nhạo hay vỡ mộng về vị lãnh tụ cách mạng mà bất kỳ ai sinh trưởng nơi đoan chính và công tâm cũng đều tôn kính như một thánh nhân.

Trước 1975 ở Sài Gòn có tờ nhật báo nọ đăng ngay trên trang nhất tin rằng mấy chiếc xe Jeep đã chở gần chục gái mại dâm mặc mini jupe ngắn ngủn khoe đùi khoe mông và ngực đồ sộ căng bung nút áo chạy thẳng vào khu trại của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bên trong phi trường Tân Sơn Nhất để cung phụng sự đòi hỏi của các ông Việt Cộng, rồi viết rằng cánh nhà báo chầu chực săn tin ngoài cổng không biết mấy ông Việt Cộng đói khát tình dục lắm hay sao mà mấy em khi bước ra khỏi khu trại Việt Cộng phải đi lảo đảo xiêu vẹo, tóc tai rối bời, jupe bị xé rách bươm, hổn hển leo lên xe Jeep quân đội chạy ra khỏi phi trường hướng về Cầu Công Lý. Từ những sự thật là có Ủy Ban Quốc Tế Liên Hợp 4 Bên được lập ra để đàm phán về hòa bình cho Việt Nam, đóng ở Trại Davis bên trong phi trường Tân Sơn Nhất, có đoàn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do tướng Võ Đông Giang lãnh đạo, toán quân cận vệ hàng chục người của tướng Võ Đông Giang đào công sự chiến đấu quanh trại để phòng thủ đề phòng quân Cộng Hòa ra tay tàn sát khi chiến cuộc xoay chiều, và ngày nào cũng có các xe jeep chở các sĩ quan Ba Lan, Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa cùng các sĩ quan phiên dịch ra vào khu trại của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để họp, bọn nhà báo lếu láo bắt đầu sáng tạo ra trò săn tin nóng hổi ngay tại Tân Sơn Nhất, mong người đọc sẽ tin rằng mấy ông Việt Cộng toàn là những kẻ đói khát từ ăn uống đến dục tình do ở rừng rú chứ chẳng có lý tưởng cách mạng oai hùng gì sất.

Với uy thế lấp biển dời non, phe cách mạng chẳng hề đính chính, phân bua, hay đòi kẻ bôi nhọ phải bồi thường “một đồng bạc danh dự” theo luật pháp Việt Nam Cộng Hòa. Thay vào đó, họ đường đường chính chính thực hiện thành công tuyệt đối mệnh lệnh của Hồ Chí Minh: đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.

Tôi lại chỉ là một anh thường dân, thường xuyên bị các cơ sở Đảng nơi tôi công tác cấm cửa không cho bén mảng đến bên thềm, và thường thì một khi không có ô dù che chắn trước sau thậm chí còn bị đám nhà báo hai mang trong chính các tờ báo khổng lồ chính thức chính quy của Đảng tấn công ngay khi tôi phát biểu trước Quốc Hội về Luật Biểu Tình cũng như ngay khi tôi viết bài Tứ Đại Ngu chế giễu một nghị sĩ luôn được báo chí hai mang quỳ lạy tôn thờ khi nghị sĩ này đòi công nhận nghề mại dâm, thì tôi không thể trông mong gì vào bất kỳ ai hay thế lực nào mà phải tự ra sức chống chọi lại đám bôi nhọ mình, tất nhiên phải bằng cách của bậc trưởng thượng, chẳng hạn như những sự thật dưới đây.

Dựa vào các sự thật rằng tôi ở Đại Học Tổng Hợp làm phó lớp “đời sống” dù nào có bất kỳ ai qua được tôi về học lực tiếng Anh (và dù từ lớp 1 đến lớp 12 tôi luôn là trưởng lớp kiêm trưởng ban báo chí, nhưng ở đại học cách mạng thì phải là hội viên thanh niên hay đoàn viên thanh niên cộng sản mới được làm lớp trưởng hay “lớp phó học tập” do liên quan đến “tư tưởng”, còn các nữ sinh viên thì không chịu làm “đời sống” cực nhọc chia thịt chia xương chia xẩu chia muối chia đường) cũng như sự thật rằng ai mà làm kế toán, thủ quỹ, đời sống thì thế nào cũng “lem nhem”, bọn chúng tung tin trên mạng rằng tôi có lem nhem tiền bạc hay bớt xén nhu yếu phẩm của tập thể. Song, việc này quá tầm thường nên tôi chỉ kể lại cho vợ tôi trước đây là bạn học chung lớp với tôi ở đại học để cùng cười ha hả.

Dựa vào các sự thật rằng tôi ở Đại Học Tổng Hợp trong thời gian xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer Đỏ và biên giới phía Bắc với Tàu, rằng nhiều sinh viên phải lên đường nhập ngũ, trong khi tôi vẫn tiếp tục việc học như thường, bọn chúng tung tin trên mạng rằng tôi đã trốn nghĩa vụ quân sự, nhằm làm người đọc nghĩ rằng tôi hay tuyên bố ủng hộ Đảng Cộng Sản Việt Nam ra vẻ như người yêu nước chứ hóa ra tôi trốn nghĩa vụ quân sự mà. Chúng đã không biết một sự thật rằng vào thời ấy của tôi, trốn nghĩa vụ quân sự đồng nghĩa với phải trốn chui trốn nhủi ngoài vòng pháp luật chứ cách chi mà an nhiên học tiếp rồi tốt nghiệp ra trường, và các tiêu chuẩn về thể lực thể hình rất cao để được vào quân đội Việt Nam rất cao mà một sinh viên cận thị nặng trọng lượng nhẹ như tôi thì đừng hòng được phép bước chân vào. Tôi phải xuất chiêu bằng cách đăng trên Emotino bài viết “Tôi Và Ngành An Ninh Tình Báo”, kể lại việc Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng, giảng viên Anh Văn Đại Học Tổng Hợp, nguyên phiên dịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cho tướng Võ Đông Giang ở trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhất, khi tôi tốt nghiệp đã “tiến cử hiền tài” cho tôi đến trình diện Đại Tá Lê Văn Toan, Trưởng Phòng Tổ Chức Cán Bộ Sở Công An Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ trong ngành tình báo, mà chỉ vì tôi thích thơ ca, viết lách, và dạy học nên phải phụ lòng Thầy Hùng mà chạy theo ngành giáo dục. Qua bài viết, tôi gián tiếp nói rằng dù tôi có là nạn nhân của sự trù dập tại đại học, sự ganh tài của bạn học, sự ganh tỵ cũng của bạn học trước việc chỉ có tôi được các Thầy Cô cùng các “hoa khôi”thương tài mến đức, thì việc tiến cử tôi của Thầy Nguyễn Tiến Hùng cho ngành an ninh tình báo khẳng định tôi là người đã được biết đến nổi bật về lòng ái quốc và về năng lực đứng đầu môn Anh Văn, chưa hề phạm tội hành chính hay hình sự hoặc trốn nghĩa vụ quân sự như bôi nhọ của bọn lếu láo. Tôi lại có chuyện để kể cho vợ tôi trước đây là bạn học chung lớp với tôi ở đại học nghe để cùng cười ha hả.

Dựa vào sự thật rằng tôi có viết trên Yahoo!3600 về các Thầy Cô tôi thương kính ở Đại Học Tổng Hợp có tên Cô Trương Tuyết Anh, tức tên thật của người có thật, ngay lập tức chúng sáng tạo ra giai thoại rằng tôi đã đến nhà một cô giáo Trương Tuyết Anh để khóc lóc ầm ỉ cả phường, xin Cô cho thêm điểm để đừng bị đánh rớt, và đe dọa tự tử nếu Cô không giúp. Bọn lếu láo đã không biết một sự thật rằng vào thời ấy của tôi, luật lệ cực kỳ nghiêm khắc, làm gì có chuyện gây ầm ỉ ở phường mà không bị công an phường bắt nhốt, làm gì có việc giáo viên dám sửa điểm hay cho thêm điểm để bị ở tù, cũng như làm gì có chuyện sinh viên Hoàng Hữu Phướckhinh thế ngạo vật ngạo mạn khinh thường cả giáo viên nào dạy kém đến độ bỏ tất cả các tiết lên lớp của các giáo viên dạy kém này lại đi “khóc lóc” với cô giáo dạy chính phân môn văn học Anh mà anh ta độc chiếm ngôi “Vua”. Song, tôi xuất chiêu trưởng thượng bằng một bài viết về Cô Trương Tuyết Anh kèm theo ảnh chụp các bài làm của tôi có thủ bút của Cô mà tôi tin rằng tất cả những ai đang dạy Anh Văn ở các đại học nếu đọc các bài làm đó sẽ phải tự thấy rằng không thể có bất kỳ ai kể cả họ làm được như thế. Tôi lại có chuyện để kể cho vợ tôi trước đây là bạn học chung lớp với tôi ở đại học nghe để cùng cười ha hả.



Dựa trên sự thật rằng tôi có viết trên Yahoo!3600 về các Thầy Cô tôi thương kính ở Đại Học Tổng Hợp như Thầy Lê Văn Diệm, Cô Trương Tuyết Anh, Cô Vũ Thị Thu và Cô Nguyễn Thị Dần, nghĩa là tôi chỉ “thương” có bốn người, bọn lếu láo lập tức sáng tạo ra ngay một bài viết mang tên lạ hoắc tự xưng là “Thầy” khác của tôi, chê bai tôi hư đốn từ trẻ, và phản dân hại nước khi chống Luật Biểu Tình. Tôi chưa đọc bài ấy; song, nghị sĩ Đặng Thành Tâm thuật lại tôi nghe sau khi đọc thấy trên mạng, và tôi đã nói ngay với nghị sĩ Tâm rằng đó là bài viết của thằng mất dạy. Ngay lập tức, tôi viết trên Emotino một bài về Thầy Lê Văn Diệm ở Đại Học Tổng Hợp kèm bức thư tay của Thầy viết khen tôi lúc Thầy chưa qua đời, và một bài về thầy giáo trung học Nguyễn Quang Tô kèm thủ bút của Thầy khen tôi “tài đức vẹn toàn” dù tôi mới học lớp 9, để qua đó gián tiếp nhạo báng bọn bá láp rằng Thầy Cô của tôi nếu còn sống ở Mỹ thì đã trên 90 tuổi, và nếu còn tỉnh táo mà biết được tôi làm nghị sĩ, đồng thời có được email của tôi thì đã mừng rở liên lạc ngay với tôi là đứa học trò cưng của họ mà họ luôn tự hào có được trong đời dạy học đẳng cấp cao của họ, chứ làm gì có “Thầy” khỏe mạnh hăng tiết vịt với đôi mắt tinh tường và đôi tay khỏe mạnh ngồi ngay vào máy vi tính viết tràng giang đại hải mắng chửi tôi rồi vì xấu hổ sợ hãi không dám trực tiếp gởi tôi mà hèn hạ post ngay trên mạng “chùa”. Sau đó, tôi còn viết rằng các Thầy Cô ở đại học vào thời ấy của tôi đều sống khép kín, không trò chuyện với học trò, thù ghét chiến tranh đã giết bao sinh viên ưu tú của họ, căm giận Việt Nam Cộng Hòa, và không thích chế độ Cộng Sản, để rồi lặng lẽ biến mất, cùng nhau vượt biên sang Mỹ sống tiếp đời ẩn dật, xa lánh đám đông bát nháo the maddng crowd mà họ khinh bỉ do họ xuất thân quý phái. Bọn bá láp trên không gian mạng chính là cái madding crowd ấy. Tôi lại có chuyện để kể cho vợ tôi trước đây là bạn học chung lớp với tôi ở đại học nghe để cùng cười ha hả.

Nói tóm lại, nghệ thuật bôi nhọ như tấm gương lồi lõm mà các hình ảnh chân thật đặt phía trước đều cho ra ảnh ảo méo mó dị dạng dị hình. Vấn đề là phải có cái hình ảnh chân thật ấy, nghĩa là sự bôi nhọ luôn cần đến những sự thật để từ đó khiến thứ giả trá trở nên đáng tin cậy hơn. Cái đồi bại của bọn bá láp trên mạng xã hội là ở chỗ ngày xưa giới bôi nhọ chỉ nhằm vào những người vĩ đại bên kia chiến tuyến, trong khi bọn bôi nhọ ngày nay nhằm vào tất cả, từ lãnh đạo cao cấp của quốc gia, lãnh đạo tép riu ở địa phương, cho đến người như tôi chỉ là một thường dân, không ô dù, không đảng tịch, không chức trọng quyền cao trong hệ thống chính quyền bất kỳ ở cấp nào, mà chỉ cần tôi phát ngôn ủng hộ Việt Nam (tức ủng hộ Đảng và Nhà Nước – vì trên thế giới chỉ có một nước Việt Nam, và giáo huấn gia phong từ ngàn xưa là hãy luôn cố phò vua giúp nước chứ nào có lời dạy bảo phải luôn cố nổi loạn giành lấy ngôi báu của vua) là bọn chúng xúm vào bôi nhọngay lập tức.

Tôi sẽ không nói gì thêm về tôi, và kết thúc bài viết này bằng cách cung cấp cho các bạn một mẹo vặt để dễ nhận ra sự công kích tôi là sự bôi nhọ hay là sự thật: bọn bôi nhọ không bao giờ dám ngụy tạo bài viết mang tên một bạn học của tôi, một sinh viên của tôi, hay một nhân viên của tôi. Do tôi không kết bạn với bất kỳ ai học thua tôi nên chỉ có vài ba “bạn học” trong đó có vợ của tôi, nên nếu bài công kích mang tên thật của một bạn học có thật thì tôi sẽ nhường cho vợ tôi trừng trị kẻ ấy. Nếu bài công kích mang tên thật của một sinh viên có thật của tôi thì tôi sẽ nhường cho hàng ngàn học trò của tôi tại Việt Nam và trên thế giới trừng trị kẻ ấy. Còn nếu bài công kích mang tên thật của một nhân viên có thật của tôi thì chắc chắn 100% rằng đó không là nữ nhân viên, mà đích thị là một trong hai nam nhân viên đã bị tôi sa thải vì tội trộm cắp tái phạm nhiều lần mà tôi đã cứu anh ta bằng cách sa thải thay vì giao anh ta cho công an.

Điều duy nhất một người đọc nên làm là luôn ghi nhớ rằng người ta chỉ có thể bôi nhọ lên một tờ giấy trắng chứ không thể trên một tờ giấy đen, nên ngay khi đọc một tin “chùa” trên mạng về một ai đó thì hãy ngay lập tức nhớ rằng người được nói đến chí ít cũng thuộc hạng trong ngọc trắng ngần.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế.

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

XEM PHIM " TRÒ CHƠI GIẾT NGƯỜI" - AI LÀ KẺ KHỦNG BỐ

Vượt lên chính mình





Tôi vẫn thường xem chương trình vượt lên chính mình vẫn lần nào cảm xúc cũng trào dâng. Cảm động nhất là những đồng tiền mà bà con quyên góp. Những tờ giấy bạc nát nhàu của những người lao động chân chất tương trợ nhau thấm đẫm tình người. Tôi yêu dân tộc tôi, đất nước tôi hơn.


TRÒ CHƠI GIẾT NGƯỜI - GOOD KILL





Khi xem bô phim này, tôi đã tự hỏi : Ai là kẻ khủng bố?
Tôi cảm thấy thương cảm cho người dân Mỹ và những người dân trên các đất nước bị Mỹ xem là " Khủng bố"


Đất nước tôi nhỏ bé
Dân tộc tôi thấp hèn?
So với một nước Mỹ văn minh giàu mạnh và được lắm kẻ xem là " Thiên đường" nhưng tôi nghĩ những người dân lương thiện Mỹ hẳn sẽ phải " xâu hổ" với việc làm gọi là " Chống khủng bố" của Chính phủ họ .

Vớ vẩn

Hai ông chồng ngồi kể khổ với nhau, về chuyện vợ con. Một ông rầu rĩ nói;
- Nhiều lúc tôi muốn chết quách đi cho rồi. ko biết trên thiên đường có còn đàn bà ko nhỉ?
- Ông kia trợn mắt:
- Vớ vẩn ? có đàn bà sao còn gọi là thiên đường được!