Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

“Nhà cho cây” của Võ Trọng Nghĩa: Có thành công không? Có xứng đáng không?



Thu Ba



So với công trình đoạt giải trước đây là Nhà xanh xếp lớp thì Nhà cho cây mang tham vọng lớn hơn của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.

Nếu với nhà xanh xếp lớp, kiến trúc sư muốn mang lại một bộ mặt đô thị xanh tươi, đồng thời mặt tiền cây như một tấm lọc bụi và tiếng ồn cho người sử dụng thì Nhà cho cây có mục tiêu đưa những không gian xanh về lại thành phố, giảm ngập lụt bằng mái trồng cây có chiều sâu có thể giữ nước mưa và nữa là tạo ra các tương tác tối đa giữa người và thiên nhiên, là hình mẫu để nhân rộng ra khắp đô thị.

Công trình gồm 5 khối nhà như những chậu cây khổng lồ có kích thước khác nhau nằm lùi sâu bên trong. Các khối nhà có góc độ khác nhau hợp lại để tạo nên 1 sân trong nhỏ. Các khối chức năng tách rời được nối lại bởi hành lang và cầu tạo ra sự tương tác giữa người và thiên nhiên theo kiểu trong-ngoài-trong. Không có cách nào ngoài việc đối mặt (hay đối đầu) với thiên nhiên khi muốn đi từ phòng này sang phòng khác.


Nhà cho cây, hình từ trang này

Thực ra các giải pháp đưa ra không phải là mới. Trồng nhiều cây, mái giữ nước mưa, sân vườn lát gạch có lỗ trồng cỏ, tường xây 2 lớp cách nhiệt… thì đã nhiều người biết. Có chăng cái khác biệt ở đây là hình thức của ngôi nhà và cách kiến trúc sư “ép” người ở phải tương tác với thiên nhiên trong những sinh hoạt rất cơ bản thường ngày. Với chúng ta, đa phần tương tác với thiên nhiên kiểu ngồi trong phòng máy lạnh mà khen mưa đẹp qua cửa kính, thì cách tiếp cận này có vẻ “dã man” quá . Thực ra tương tác với thiên nhiên trong nhà ở đô thị thực đã là quen thuộc, các nhà phố truyền thống ở Hà Nội hay Hội An cũng có những sân trời có tiểu cảnh non bộ ở giữa để nắng, mưa, gió có thể đi vào.


Giếng trời trong nhà phố cổ Hà Nội




Cầu thang nối các phòng tầng trên nhà cổ Hà Nội

Hay trong ngôi nhà Row house, một công trình nổi tiếng thể hiện triết lý thiết kế của Tadao Ando.


Cầu thang nối các phòng ở tầng trên của Row house- Tadao Ando

Tuy nhiên việc áp dụng cách thức trên cho miếng đất rộng 350m2 mà có mật độ xây dựng thấp như ỏ đây, liệu có thích hợp? Chi phí xây dựng 155.000$ có thể trở thành hình mẫu để nhân rộng ra không? Mặt khác, nếu mục đích chính là mang thiên nhiên lại với người ở, tại sao hầu hết của sổ, cửa đi của các khối công trình hướng vào hết cái sân trong vừa không có cây cối, vừa chật chội, hệ quả là khi ở trong nhìn ra, hầu hết những gì mình nhìn thấy chỉ là cạnh của các khối hộp xám chĩa vào. Ở đây tôi nhìn thấy khả năng thuyết phục của anh Nghĩa và mức độ chịu chơi của chủ nhà.


“… ở trong nhìn ra, hầu hết những gì mình nhìn thấy chỉ là cạnh của các khối hộp xám chĩa vào”. Hình từ trang này

Với nhà ở có hình thức kiến trúc tổ hợp khối, tôi thích cách xử lý của Suppose Design cho công trình House in Buzen , ở đây kiến trúc sư đã làm mái che cho phần sân trong do đó việc đi lại giữa các khối chức năng sẽ thuận tiện hơn.


.




House in Buzen – Suppose Design

Ngoài ra, vật liệu sử dụng cho ngôi nhà ở Buzen cũng tạo cảm giác thân thiện, chứ không nặng nề như chất cảm bê tông, bởi vài góc nhìn khi ở giữa sân trong Nhà cho cây mình cứ tưởng đang ở giữa Vườn Tha Hương trong Bảo tàng Do Thái ở Berlin của Daniel Libeskind.


Vườn Tha Hương trong Bảo tàng Do Thái

Vậy thì công trình này có thành công hay không, có xứng đáng để đoạt giải thưởng này, đề cử giải thưởng nọ? Tôi tin là có. Ngôi nhà thành công không phải vì các ý tưởng mới mẻ hay khả năng nhân rộng, nó thành công vì tạo ra dư luận, làm chúng ta chú ý hơn về kiến trúc, về những điều tưởng như mới mẻ nhưng thực đã có lâu rồi.

Một khía cạnh nữa để đánh giá mức độ thành công của công trình là mức độ hài lòng của các khách hàng, nhưng trong trường hợp này, có lẽ điều đó không quá quan trọng. Với tôi, cái quan trọng nhất mà anh Nghĩa đã làm được là thiết kế nên những công trình độc đáo để từ đó nâng cao được nhận thức của các chủ đầu tư trong bối cảnh kiến trúc mà gần như chẳng có kiến trúc gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét