Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

CÁI DANH HÃO



Văn Quang

Cứ mỗi khi có đợt phong tặng danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú” lại có màn đấu đá tưng bừng trên khắp các mặt báo, các trang mạng. Năm nay cuộc đấu đá còn rầm rộ hơn, có lẽ bởi cái tật hám danh đã ăn sâu vào mạch máu của các ông bà được đời coi là “nghệ sĩ” ở VN. Còn một lý do khác nữa không kém phần quan trọng là khi được cái danh hiệu “cao quý” đó thường đi đến đâu cũng được ngồi chiếu trên và thường được các quan chức coi trọng hơn mấy anh chị chẳng có tí danh hiệu còm nào. Thí dụ nhỏ như khi lái xe trái luật, đưa cái danh nghệ sĩ nhân dân ra cũng được các cậu cảnh sát giao thông nể nang có khi tha bổng luôn. Hoặc khi làm ăn, muốn mở hàng mở quán đều được “chiếu cố” đặc biệt hơn mấy anh dân đen. Cần chạy chọt cái gì cũng dễ dàng lọt qua khe cửa hẹp, các anh quản lý thị trường cũng chịu khó làm ngơ.

Thế nên rất nhiều nhà nghệ sĩ VN mở hết quán này đến quán khác, làm ăn rất khấm khá, có khi giàu sụ.


Ca sĩ Ánh Tuyết quả quyết rằng, không vì bất cứ danh hiệu nào mà buộc mình phải “xin” như vậy.

Tuy nhiên tôi nói “hầu hết” không phải là tất cả, vẫn còn đó một số nghệ sĩ không bao giờ mơ màng đến cái danh này.
Cụ thể như Ca sĩ Ánh Tuyết, Cẩm Vân, Văn Thành, Thành Lộc, Út Bạch Lan… họ là những người tự trọng, thẳng thừng tuyên bố không bao giờ chịu hạ thấp mình, làm đơn tự kể lể thành tích của mình đi xin cái danh hiệu nghệ sĩ ưu tú hay nhân dân.
Nhưng con số này có vẻ như quá ít so với những ông bà nghệ sĩ đang cãi cọ quyết liệt về cái vụ danh hiệu này.

Sao không có nhà văn nhà báo ưu tú?

Có điều tôi không hiểu là tại sao có đủ danh hiệu nghệ sĩ nhân dân cho các ngành các giới như nhà giáo ưu tú, đạo diễn nhân dân, ca sĩ ưu tú lại không có nhà văn nhà thơ và nhà báo ưu tú hay nhân dân. Vì chẳng có lời giải thích nào nên bà con có vài cách suy luận: Môt là những ông là nhà văn nhà thơ ở VN ô-tô-ma-tích được là nghệ sĩ nhân dân tuốt luốt rồi, khỏi cần phong tặng? Hai là các ông nhà văn, nhà thơ, nhà báo ở VN không được coi là nghệ sĩ mà chỉ là thợ viết, thợ thơ, thợ làm báo. Ba là các ông trong ban tuyển chọn cho rằng mấy anh nhà văn nhà báo “lắm mồm”, cho anh này không cho anh kia, nó chửi cho tan nát. Chi bằng “quên” mấy anh ấy đi cho tiện việc quan.

Tôi hỏi mấy ông nhà văn nhà báo kỳ cựu ở VN, chẳng ông nào biết rõ lý do. Các ông ấy xúi tôi “đi mà hỏi mấy ông làm ra những cái danh hiệu ấy”. Vậy xin chuyển câu hỏi này cho mấy quan trên văn hóa đã “sáng tạo” ra mấy cái danh hiệu này trả lời cho bà con “thông suốt”.

Những lý do xẫy ra đấu đá

Trở lại với chuyện năm nay. Kể từ năm 1981 đến nay đã thực hiện 8 đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).

Năm nay, gần đến ngày “đại lễ 2-9” cũng là ngày trao tặng danh hiệu đợt thứ 8, nên vào tuần này đầu tháng 8 này những tranh cãi “nổ” ra gay gắt hơn bao giờ hết.

Có thể thấy rõ lý do xảy ra tranh cãi, đấu đá vì 3 lý do chính do các ông bà này nêu ra:

– Nhiều nghệ sĩ có nhiều cống hiến không được vinh danh, nhiều nghệ sĩ có thành tích nổi bật bị “đánh trượt” vì vi phạm… đạo đức,

– Nhiều nghệ sĩ “tố” Hội đồng xét duyệt cảm tính, bị mua chuộc, trù dập cá nhân…

– Nhiều nghệ sĩ khác lại cho rằng quy định xét tặng cứng nhắc, cổ hủ, khiến nghệ sĩ bị thiệt thòi.


Đã ba, bốn lần ca sĩ Cẩm Vân được đề nghị hãy tiến hành thủ tục nhận danh hiệu NSƯT, nhưng cũng từng ấy lần Cẩm Vân đều từ chối.

Cả hội đồng cấp nhà nước bị lừa

Trên báo Kiến Thức số ra ngày 29-7-2015 vừa qua đăng bài viết về việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT cũng có nhiều chuyện mang tính thâm cung bí sử mà người ngoài cuộc khó hình dung ra.

Ông NSND Bùi Đắc Sừ – nhân viên trong hội đồng cấp Bộ và cấp Nhà nước vừa tiết lộ một “bí mật” khiển cả hội đồng bị mắc lừa một anh “chạy” cái danh hiệu NSND. Ông kể trường hợp của một họa sĩ sân khấu.

Theo đánh giá của ông Bùi Đắc Sừ người này chỉ xứng NSƯT, dù có tên trong danh sách xét tặng NSND. Các thành viên trong hội đồng cũng đồng ý như vậy. Nhưng sau đó, nghệ sĩ này đến từng nhà của các thành viên để “nói khó” rằng “em biết mình kém, nhưng em chỉ xin anh một phiếu để khi công bố kết quả cho đỡ ngượng”. Ai dè, khi hội đồng công bố kết quả, ông này có tất cả phiếu thuận của hội đồng.

Lúc này, những người “cầm cân nẩy mực” mới té ngửa là hóa ra, ai cũng được nghệ sĩ này đến nhà “nói khó” câu đó. Cuối cùng thì người này vẫn được phong NSND. Cả hội đồng cấp nhà nước đều bị “hố to” nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nín thinh. Anh họa sĩ sân khấu cười thầm với cái danh hiệu vừa vớ được.

“Chạy chọt” danh hiệu như thế nào

Trên báo mạng VNnet một nghệ sĩ và một số nghệ sĩ khác cũng tiết lộ với Báo Gia đình & Xã hội rằng, chuyện “chạy” huy chương, “chạy” danh hiệu là hoàn toàn có thật.

Một nghệ sĩ giấu tên cho biết, nhìn vào danh sách những người được phong NSND đợt này, không chỉ chị mà phần lớn nghệ sĩ đều “ngã ngửa” khi thấy tên hai nghệ sĩ L.N và T.H thuộc quân số ở nhà hát kịch.

Theo nghệ sĩ này, T.H là người không có tài năng, chưa từng để lại dấu ấn gì với người trong nghề. Còn L.N là người không đủ huy chương theo tiêu chí mà Bộ VH,TT&DL đề ra. Ngay từ hồi xét danh hiệu NSƯT thì L.N đã không đủ tiêu chuẩn rồi, nhưng vì có… lý do riêng nên cũng dễ được thông cảm hơn.

Điều đáng nói là kể từ sau khi được phong NSƯT, người này không có thêm huy chương vàng nào. Vậy mà các ông hội đồng cũng “hồn nhiên” bỏ phiếu để nữ nghệ sĩ này được phong “nhân dân”. Khi danh sách này được công bố rộng rãi, một số NSND khác đã mỉa mai nói rằng, nếu cô này mà được phong thì có khi phải làm đơn xin từ bỏ danh hiệu của mình cho đỡ bị “cá mè một lứa”.

Năm nay nghệ sĩ Út Bạch Lan dù được vận động tặng danh hiệu NSND nhưng bà không làm thủ tục, bà chỉ xin làm “sầu nữ” chứ không cần danh hiệu nào khác.

Chạy “chọt” và “bôi trơn”

Với riêng trường hợp của diễn viên L.N, nghệ sĩ giấu tên này cho rằng, rất có thể là do có “chọt” – tiếng lóng nói về chuyện “bôi trơn”. Người tố cáo kể thêm: “Bởi ngay từ khi phong NSƯT, chính tôi đã được xem tin nhắn của nữ nghệ sĩ này gửi đến cho một thành viên trong hội đồng xét giải đề cập chuyện giúp đỡ để được phong danh hiệu. Còn chuyện chi phí, nói là ngã giá mua giải thì nghe hơi “phô”, nhưng khi xong việc thì phải cảm ơn. Ít cũng phải 10 triệu, nhiều thì 20 triệu. Đó là với NSƯT. Còn với NSND thì… để mọi người tự phán đoán”. NSƯT còn “có giá” như thế thì NSND chắc là phải hàng trăm triệu hoặc… thân ái tặng nhau một chiếc xe hơi.

Một nguồn tin khác cho hay, cứ đến mùa hội diễn là các giám khảo lại không tránh được tình trạng nhờ vả, nhắn tin nhờ “giúp đỡ”. Đến nỗi, dù không còn ngồi trong hội đồng nhưng có đạo diễn vẫn được nhờ vả “bắc cầu” qua các giám khảo “đương nhiệm” để tác động xem “từ bạc có lên vàng được không”, “tiêu chuẩn có thiếu thì nhờ anh chị ra hội đồng hết sức bảo vệ”…

Một bạn đọc từng công tác ở đơn vị nghệ thuật Hà Nội (nay đã chuyển sang làm công việc khác) tiết lộ: “Khi còn làm ở đoàn nghệ thuật này, cứ đến mùa xét huy chương là nhà hát lại “đánh nhau” sứt đầu mẻ trán. Ai cũng muốn được đưa vào danh sách. Đấu đá, kèn cựa, rồi chạy chọt đủ cả. Nghĩ mà ngán ngẩm cho cái danh hiệu và danh xưng của những người được gọi là “nghệ sĩ”.

Chuyện nghe kể mà cứ ngỡ đùa rằng, có nghệ sĩ đi diễn ở tỉnh lẻ, một khán giả thắc mắc, danh hiệu NSƯT và NSND chắc là được thưởng nhiều tiền thưởng lắm, cho nên các nghệ sĩ mới “cố” để được như thế? Nghệ sĩ này đã trả lời: “Vâng, nhiều lắm. Đó là được thêm cái “danh hão” ở trước cái tên ấy”.

Thực ra thì khi trao danh hiệu, nghe chừng cũng được thưởng dăm ba triệu. Số tiền ấy nếu “chạy chọt” thì phải gấp mấy lần.
Nếu mà được tặng cả cái nhà thì không hiểu người ta còn bất chấp danh dự, liêm sỉ đến đâu.


Ông Bùi Đắc Sừ tiết lộ chuyện cả hội đồng bị lừa trong việc xét tặng danh hiệu

Chuyện xin danh hiệu cho người đã chết, chuối oản để ai xơi?

Bạn Hưng Bình (hungbinh68@…) kể trên báo Khám Phá VN:

Một chuyện hy hữu khác là sau lễ viếng và truy điệu Nghệ sĩ hài Văn Hiệp, đạo diễn, NSND Khải Hưng đã vận động hơn 150 nghệ sĩ ngoài Bắc cùng ký đơn xin Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho danh hài Văn Hiệp.

Nhiều nghệ sĩ không có mặt tại đám tang cũng bày tỏ nguyện vọng được cùng tham gia ký đơn. Nhưng gặp ngay một số phản ứng gay gắt từ các nghệ sĩ khác và dư luận của người dân. Một năm ở đất nước này có bao nhiêu nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ và rất nhiều “nhà” khác cứ lẳng lặng mà mất. Trong đám đông viết đơn xin phong “Ưu tú và Nhân dân” cho nghệ sĩ Văn Hiệp, công chúng nhận ra không ít “cây đa, cây đề” của làng điện ảnh. Họ bảo vì cụ Hiệp chuyên đóng vai phụ, nên chiếu quy chế phong tặng Nhân dân – Ưu tú, cụ không lọt đề cử.

Người ta có lý để cho rằng, hành động ký tên tập thể vào đơn xin danh hiệu cho Văn Hiệp là bốc đồng và bao đồng? Lúc Văn Hiệp còn tại thế, chả thấy “cây đa, cây đề” nào đứng ra tập hợp ý kiến đòi quyền lợi cho ông “trưởng thôn”. Nay có đến cả 150 con người đùng đùng ký đơn xin, mà đã xin – đã cho ít nhiều cũng làm hạ thấp người đã khuất. Thậm chí sẽ là tổn thương nếu điều đó đi ngược với di nguyện của nghệ sĩ Văn Hiệp.

Thưa các vị, “xét một cách toàn diện” danh hiệu cho người đã chết chỉ như chuối và oản trang trí trên bàn thờ. Nói cho cùng, đó là thứ để dành cho người đang sống. Còn người chết, họ cần gì? Chuối oản để ai xơi?


Ông Khải Hưng vận động các nghệ sĩ cùng ký vào đơn xin danh hiệu NSƯT cho danh hài Văn Hiệp đã mất, được coi là làm chuyện “bốc đồng” và “bao đồng

Cái bệnh háo danh còn lan sang các lãnh vực khác

Thực ra, không chỉ lĩnh vực nghệ thuật sân khấu mà nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học, kỹ thuật cũng rơi vào tình trạng tương tự! Bạn Diệp Văn Sơn viết trên báo Người Lao động: “Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo ở cơ sở giáo dục đại học. Giáo sư (GS), phó giáo (PGS) sư là chức danh của nhà giáo ở cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu. Vì thế, không nên để những quan chức cả đời không dạy học, không hề gắn bó với cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu nào “chạy” chức danh GS, PGS. Quan chức đeo cái chức danh của nhà giáo cũng chẳng giải quyết được việc gì, có chăng chỉ giải quyết “khâu oai”. Những năm gần đây, nhiều quan chức không bằng lòng với chức vị hành chính vốn đã cao của mình nên thích gắn thêm trước chức vụ học hàm, học vị GS, PGS hoặc Tiến sĩ để cho… thêm phần trí tuệ! Đến nay, hầu như không nước nào trên thế giới lạm phát học hàm, học vị như ở VN.

Căn bệnh chạy danh hiệu của giới nghệ sĩ và chạy học hàm, học vị của giới thầy giáo, nhà khoa học, nhà quản lý… chung quy lại cũng là hệ quả của bệnh háo danh mà thôi”.

Đúng là cái bệnh háo danh ngày càng được dịp “trăm hoa đua nở” ở cái thời đại quá quen với oai quyền giả mạo và dối trá này.

Phát triển bộ não hoàn chỉnh từ tế bào da



Phát biểu tại hội nghị Military Health System Research Symposium (Hội nghị chuyên đề về y tế quân sự) ở Ft. Lauderdale, Florida (hôm 18/8), nhà nghiên cứu Rene Anand tại Đại học bang Ohio mô tả công việc của ông và các đồng sự là " phát triển một bộ não người gần như hoàn chỉnh từ các tế bào da".



Mô hình não được phát triển trong phòng thí nghiệm có kích thước bằng một cục tẩy bút chì và được cho là mô hình hoàn thiện nhất về bộ não mà con người tạo ra từ trước đến nay. Các tác giả cho biết, họ đã sao chép gần như hoàn toàn cấu trúc bộ não của thai nhi 5 tuần tuổi.

"Nó không chỉ trông giống như bộ não đang phát triển, các loại tế bào khác nhau của nó thể hiện gần như toàn bộ các gen của bộ não" nhà khoa học Rene Anand giải thích. Chính xác hơn, bộ não nhân tạo này chứa đến 99% gen tự nhiên có trong bộ não của một bào thai đang phát triển.

Mô hình bộ não này được các nhà khoa học phát triển từ các tế bào da. Những tế bào đầu tiên sẽ được sử dụng với vai trò là tế bào gốc chưa trưởng thành và sao đó được lập trình để trở thành tế bào não.

Rene Anand cho biết, một tế bào gốc có thể phát triển thành bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể dưới dự tác động của con người. Để lừa các tế bào gốc thu từ da biến đổi thành mô não, các nhà khoa học cho chúng tiếp xúc với những điều kiện tương tự như thai nhi trong bụng mẹ.

Các nhà khoa học mất khoảng 12 tuần để các tế bào gốc bắt chước và phát triển theo cấu trúc não của một thai nhi 5 tuần tuổi.

Rene Anand và đồng nghiệp nghĩ rằng, nếu được cho phép tiếp tục phát triển cho hơn một vài tuần, họ có thể tạo ra bộ não hoàn thiện 100%.

Vậy tại sao phải phát triển một bộ não trong phòng thí nghiệm?

Rene Anand và những nhà nghiên cứu hy vọng rằng một ngày nào đó phương pháp này sẽ giúp ích cho việc điều trị các căn bệnh như Alzheimer, Parkinson và bệnh tự kỷ, thậm chí từ đây có thể phát triển thêm một phương pháp điều trị mới cho các bệnh nhân.

Hơn nữa, họ còn đề xuất rằng nếu được lắp với một nguồn cung cấp máu thích hợp, các mô hình bộ não người từ tế bào da có thể góp phần vào việc điều trị bệnh đột quỵ hiệu quả hơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Sức mạnh của mô hình não này là tín hiệu rất tốt cho sức khỏe con người vì nó cho phép chúng ta phát triển thêm các phương pháp điều trị mới".

Tuy nhiên, để tránh những rủi ro về mặt đạo đức hoặc đề phòng bị lạm dụng vào các mục đích xấu, các nghiên cứu này cần được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trong phòng thí nghiệm.

Minh Trung
Theo Softpedia

Tuyên ngôn đời nghệ sĩ


Marina Abramovic – Khôi Nguyên dịch






.

1. Đạo đức trong đời nghệ sĩ:

- Nghệ sĩ thì không được dối mình hay dối người
- Nghệ sĩ thì không được ăn cắp ý tưởng từ các nghệ sĩ khác
- Nghệ sĩ thì không được thỏa hiệp vì chính mình hay vì thị trường nghệ thuật
- Nghệ sĩ thì không được giết người
- Nghệ sĩ thì không được biến mình thành thần tượng

2. Quan hệ của nghệ sĩ với đời sống tình yêu:

- Nghệ sĩ phải tránh yêu một nghệ sĩ khác



.

3. Quan hệ của nghệ sĩ với dục tình:

- Nghệ sĩ phải nghĩ ra một quan điểm dục tình cho đời
- Nghệ sĩ thì phải gợi tình



.

4. Quan hệ của nghệ sĩ với khổ đau:

- Nghệ sĩ thì phải đau khổ
- Từ đau khổ mà tác phẩm hay nhất ra đời
- Đau khổ mang đến biến đổi
- Qua đau khổ mà tinh thần nghệ sĩ thăng hoa



.

5. Quan hệ của nghệ sĩ với trầm cảm:

- Nghệ sĩ thì không được trầm cảm
- Trầm cảm là một bệnh và phải chữa khỏi được
- Trầm cảm không ích gì cho nghệ sĩ



.

6. Quan hệ của nghệ sĩ với tự tử:
- Tự tử là một tội ác với đời
- Nghệ sĩ thì không được tự tử



.

7. Quan hệ của nghệ sĩ với cảm hứng:

- Nghệ sĩ thì phải nhìn sâu vào chính mình để tìm cảm hứng
- Nhìn càng sâu vào chính mình, mình càng trở nên đại đồng
- Nghệ sĩ là vạn vật



.

8. Mối quan hệ của nghệ sĩ với tự chủ:

- Nghệ sĩ không nên tự chủ về đời mình
- Nghệ sĩ phải tự chủ hoàn toàn với tác phẩm mình



.

9. Mối quan hệ của nghệ sĩ với sự trong sáng:
- Nghệ sĩ thì phải cho và nhận cùng lúc
- Trong sáng nghĩa là biết thâu nhận
- Trong sáng nghĩa là cho đi
- Trong sáng nghĩa là nhận



.

10. Mối quan hệ của nghệ sĩ với các biểu tượng:

- Nghệ sĩ thì phải tạo ra các biểu tượng cho chính mình
- Các biểu tượng là ngôn ngữ của một nghệ sĩ
- Ngôn ngữ ấy phải được dịch ra
- Đôi khi khó mà tìm được chìa khóa



.

11. Mối liên hệ của nghệ sĩ với im lặng:

- Nghệ sĩ thì phải hiểu im lặng
- Nghệ sĩ thì phải tạo được một không gian cho im lặng để bước vào tác phẩm của mình
- Im lặng giống như một hòn đảo giữa đại dương hỗn loạn



.

12. Mối quan hệ của nghệ sĩ với sự cô đơn:

- Nghệ sĩ thì phải dành một thời gian dài cho cô đơn
- Cô đơn cực kỳ quan trọng
- Xa nhà
- Xa khỏi studio
- Xa khỏi gia đình
- Xa khỏi bạn bè
- Nghệ sĩ thì phải ở một thời gian dài bên những thác nước
- Nghệ sĩ thì phải ở một thời gian dài bên những núi lửa đang phun
- Nghệ sĩ thì phải ở một thời gian dài bên những con sông, nhìn nước xiết
- Nghệ sĩ thì phải dành một thời gian dài nhìn chân trời, nơi đại dương và bầu trời gặp gỡ
- Nghệ sĩ thì phải dành một thời gian dài để nhìn sao trên bầu trời đêm


.

13. Đạo đức nghệ sĩ trong công việc:
- Nghệ sĩ phải tránh đến studio mỗi ngày
- Nghệ sĩ không được đối xử với thời khóa biểu làm việc của mình như một ông chủ nhà băng với thời khóa biểu của ông
- Nghệ sĩ phải khai thác cuộc sống và chỉ làm việc khi ý tưởng đến, trong giấc mơ hay giữa ban ngày, như một cảnh tượng hiện lên như một sự ngạc nhiên
- Nghệ sĩ không được lặp lại chính mình
- Nghệ sĩ không được sản xuất quá nhiều
- Nghệ sĩ phải tránh sự ô nhiễm nghệ thuật của chính mình



.

14. Tài sản của nghệ sĩ:

- Các nhà sư khuyên rằng tốt nhất có chín thứ tài sản sau trong đời:
1 áo choàng cho mùa hè
1 áo choàng cho mùa đông
1 đôi giày
1 cái bát khất thực
1 cái mùng chống muỗi
1 cuốn sách kinh
1 cái dù
1 cái chiếu để ngủ
1 cặp kiếng nếu cần
- Nghệ sĩ thì phải quyết được những món tài sản cá nhân tối thiều mình cần có
- Nghệ sĩ thì phải càng lúc càng bớt thêm, bớt thêm



.

15. Danh sách bạn của nghệ sĩ:

- Nghệ sĩ phải có bè bạn nâng tinh thần mình




.

16. Danh sách kẻ thù của nghệ sĩ:

- Kẻ thù là quan trọng
- Đức Dalai Lama từng nói trắc ẩn với bạn thì dễ nhưng trắc ẩn với kẻ thù thì khó hơn nhiều.
- Nghệ sĩ thì phải biết tha thứ



.

17. Các kịch bản chết khác:
- Nghệ sĩ thì phải ý thức về sự hữu tử của mình
- Với nghệ sĩ, không chỉ sống thế nào mới quan trọng mà chết thế nào cũng quan trọng
- Nghệ sĩ thì phải coi những biểu tượng của tác phẩm là những dấu hiệu cho các kịch bản chết khác nhau
- Nghệ sĩ thì phải chết một cách có ý thức và không sợ hãi



.

18. Các kịch bản tang lễ khác:
- Nghệ sĩ thì phải đưa ra các chỉ dẫn trước đám tang để mọi việc được thực hiện đúng như ý nguyện
- Đám tang là tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của nghệ sĩ trước khi lìa đời



.

*

Toàn bộ ảnh trong bài là từ các tác phẩm trình diễn của Abramovic, do bà diễn hoặc người khác diễn lại.

Nội dung bài từ trang facebook Marina Abramovic

Lòng Hiếu, lòng Từ bi và tánh Không







NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Lòng hiếu là lòng từ bi đối với cha mẹ.

Lòng từ bi là mong muốn đối tượng được an vui, không khổ não; là sự dịu dàng, nhẫn nại, ân cần, chăm sóc, nâng đỡ, bảo bọc, hy sinh, chịu khổ thay cho… Đó cũng là những tính cách của lòng hiếu.

Lòng hiếu là lòng từ bi gần gũi nhất đối với con người. Vì cha mẹ là sự gần gũi nhất, về gien, về tính khí, về trình độ văn hóa, về sống chung trong một hoàn cảnh, về sự chia sẻ những ước vọng và cả thất vọng của một gia đình. Nếu không từ bi được với cha mẹ thì có lẽ không thể từ bi được với ai cả. Thế nên, hai trong năm tội lớn lao nhất theo Phật giáo (ngũ nghịch, ngũ vô gián nghiệp) là giết cha, giết mẹ. Bởi vì phạm vào hai tội đó thì không còn là con người nữa rồi, không còn một chút xíu từ bi, là cái làm nên đời sống con người nữa rồi, phải sa đọa vào chốn thấp nhất của sự sống mà thôi.

Lòng hiếu là lòng từ bi đối với cha mẹ. Đó là đạo làm người (nhân đạo). Nhưng muốn tiến xa hơn, hoàn chỉnh hơn, thì phải đi vào Phật đạo, bởi vì làm người cũng có nhiều bất trắc, không thật. Nếu tôi thương yêu cha mẹ tôi, nhưng cha mẹ tôi bị người khác giận ghét, làm hại, tôi sẽ trả thù, ít nhất là ghét lại. Tôi thương cha mẹ tôi, tôi có hiếu với cha mẹ tôi, nhưng tôi ghét, tôi bất hiếu với cha mẹ người khác. Lòng hiếu của con người cũng rất hữu hạn, bấp bênh, mong manh.

Biết đâu tôi thương cha mẹ tôi chỉ là tôi thương tôi. Cha mẹ tôi làm tôi hãnh diện thì tôi ân cần, đi đâu cũng khoe; còn cha mẹ tôi làm tôi mất mặt thì tôi tránh đi cùng, ai hỏi thì cũng trả lời qua loa. Lòng hiếu của con người bình thường bị giới hạn bởi cái tôi và cái của tôi. Một tình thương thật sự thì không bị giới hạn trong cái tôi và cái của tôi. Nếu một tình thương khởi từ tôi rồi quanh quẩn trong cái tôi và chấm dứt nơi cái tôi thì đó là tình thương của tôi, một cái tôi nhỏ hẹp, bất toàn. Với cái của tôi ấy, việc tôi thương biến thành tôi ghét rất dễ dàng.

Khi đạo Phật làm cho mỗi người trở thành con người chân chánh (theo Bát Chánh đạo) thì lòng hiếu hay lòng từ bi đối với cha mẹ cũng trở thành chân thật.

Từ lòng hiếu hay lòng từ bi đối với cha mẹ, từ số vốn khởi nghiệp nhỏ nhoi của một kiếp người, đạo Phật dạy chúng ta mở rộng tình thương ấy ra. Đối tượng của lòng hiếu hay lòng từ bi không còn chỉ giới hạn trong cha mẹ mà mở ra với tất cả chúng sanh. Nói cách khác, từ bi với chúng sanh như là cha mẹ mình.

Kinh Đại Bát-nhã nói:

“Đức Phật bảo: Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát muốn mau chứng được Giác ngộ vô thượng phải đối với tất cả chúng sanh trụ tâm bình đẳng, khởi tâm bình đẳng, chẳng nên trụ tâm bất bình đẳng, khởi tâm bất bình đẳng. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm bình đẳng mà nói với, chẳng nên đem tâm bất bình đẳng mà nói với.

Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm đại từ, chẳng nên khởi tâm giận dữ. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm đại từ mà nói với, chẳng nên đem tâm giận dữ mà nói với.

Phải đối vối tất cả chúng sanh khởi tâm đại bi, chẳng nên khởi tâm não hại. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm đại bi mà nói với, chẳng nên đem tâm não hại mà nói với.

Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm đại hỷ, chẳng nên khởi tâm ganh ghét. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm đại hỷ mà nói với, chẳng nên đem tâm ganh ghét mà nói với.

Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm đại xả, chẳng nên khởi tâm thiên vị. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm đại xả mà nói với, chẳng nên đem tâm thiên vị mà nói với.

Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm cung kính, tâm ngay thẳng, tâm dịu dàng, tâm lợi ích, tâm an vui, tâm không trở ngại; chẳng nên khởi tâm khinh thường, tâm xu nịnh, tâm cứng cỏi, tâm chẳng lợi ích, tâm chẳng an vui, tâm có trở ngại. Phải đối với tất cả chúng sanh đem tâm cung kính, tâm ngay thẳng, tâm dịu dàng, tâm lợi ích, tâm an vui, tâm không trở ngại mà nói với; chẳng nên đem tâm khinh thường, tâm xu nịnh, tâm cứng cỏi, tâm chẳng lợi ích, tâm chẳng an vui, tâm có trở ngại mà nói với.

Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm như cha mẹ, như anh chị em, như con trai con gái, như họ hàng; cũng đem tâm đây mà nói với. Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm bè bạn, khởi tâm như thầy dạy, như con em, như đồng học; cũng đem tâm đây mà nói với.

Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm như bậc Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai; cũng đem tâm đây mà nói với.

Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm nên cung kính cúng dường, tôn trọng, ca ngợi; cũng đem tâm đây mà nói với. Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm nên cứu giúp, thương xót, che chở; cũng đem tâm đây mà nói với”.
(Phẩm Chân Như, hội thứ Ba)

Tâm bình đẳng, không giận dữ, không não hại, không thiên vị, tâm cung kính, tâm ngay thẳng, tâm dịu dàng, tâm lợi ích, tâm an vui, tâm không trở ngại, tâm tôn trọng ngợi ca, tâm cứu giúp thương xót che chở… đó là tâm từ bi. Tâm từ bi được thể hiện không chỉ nơi tâm, mà còn nơi ngữ, nơi thân, nghĩa là thấm nhuần toàn bộ thân tâm.

Đối tượng của tâm từ bi này là tất cả chúng sanh. Đối tượng của tâm ấy rộng lớn bao la như vậy nên tâm ấy cũng trở thành rộng lớn bao la. Một đặc điểm khác của tâm từ bi là xuyên suốt qua, từ đối tượng thấp nhất đến cao nhất. Thế nên thực hành từ bi thì tâm chúng ta sẽ rộng hơn, sâu hơn.

Chính từ bi làm cho tâm chúng ta mở rộng và phá bỏ những chướng ngại phân biệt ngăn cách giữa chúng ta và người khác, chúng sanh khác. Từ bi làm công việc của trí huệ Bát-nhã là phá bỏ phiền não chướng và sở tri chướng ngăn che chúng ta với chúng sanh và thế giới. Lòng từ bi sâu rộng là sự hợp nhất với chúng sanh và thế giới. Cùng cực của lòng từ bi là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”.

Trên con đường đi đến lòng từ bi vô duyên và đồng thể, chắc chắn sự hợp nhất với tất cả này vẫn chưa hoàn toàn, vì vẫn còn tướng chúng sanh làm ngăn ngại, tướng ta-người làm ngăn ngại. Ở đây, trí huệ tánh Không sẽ hỗ trợ cho lòng từ bi ấy, bằng cách phá bỏ bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng.

Như thế, càng sâu rộng thì tâm từ bi càng kết hợp với tánh Không, càng vô ngại và vô lượng thì tâm từ bi càng hợp nhất với tánh Không, bởi vì tánh Không thì vô ngại, không phân biệt và không biên bờ.

Tâm từ bi khởi đầu bằng những hình tướng (cha mẹ, anh chị em, chúng sanh…) dần dần sâu rộng đi lần tới vô tướng tức tánh Không. Cuối cùng, tâm từ bi và tánh Không hợp nhất hoàn hảo ở một bậc Giác ngộ.

Để hợp nhất trọn vẹn với tánh Không vốn giải thoát bằng cách lìa tất cả hình tướng, kinh nói tiếp đoạn trên:


“Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm rốt ráo Không, vô sở hữu, bất khả đắc; cũng đem tâm đây mà nói với. Phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm Không, Vô tướng, Vô nguyện; cũng đem tâm đây mà nói với.

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát muốn mau chứng được giác ngộ vô thượng, đem vô sở đắc làm phương tiện, thì nên trụ như vậy”.

Thế nên, trong công thức lý tưởng của Đại thừa là Chân Không-Diệu Hữu thì Chân Không là tánh Không và Diệu Hữu ở đây là Từ Bi.

Từ bi luôn luôn đi liền trong những phẩm tính thành tựu của một bậc Giác ngộ, nên kinh Đại Bát- nhã khi nói về một bậc Giác ngộ thì có đủ “Như Lai mười lực, mười tám pháp bất cọng, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ đại bi”

SỐNG KHÔNG NHÌN LUI, SỐNG KHÔNG NHÌN TỚI



SỐNG KHÔNG NHÌN LUI,
SỐNG KHÔNG NHÌN TỚI

Cao Huy Thuần

Sống trọn vẹn, sống hết mình, sống không nhìn lui, sống không nhìn tới, ta với khoảnh khắc là một, ta với vấn đề phải giải quyết là một.



Kim Trọng vừa thề non hẹn biển xong với Thúy Kiều thì được tin cha mất, phải về quê quán để chịu tang cha. Nửa năm sau, chàng trở lại vườn Thúy thì người yêu đã đi mất biệt, gia đình họ Vương tan nát, thềm cũ rêu phong, bóng người trước sau nào thấy. Như một giấc mơ, quá khứ tan biến. Sự sống duy nhất còn lại trong hiện tại là một nụ cười, như một linh hồn đã chứng kiến tình xưa:

  

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Hoa đào năm ngoái? Nửa năm qua rồi, hoa ấy đâu phải là hoa năm ngoái? Xuân này là xuân năm nay, vậy thì hoa ấy phải là hoa năm nay. Luận lý thông thường là như vậy. Nhưng cái thấy của Kim Trọng không phải là cái thấy của người luận lý. Đó là cái thấy của người từ chối không nhận hiện tại, không nhận sự việc xảy ra trước mắt. Với chàng, sự thật là ngày hôm qua. Sự thật ấy, có hoa đào chứng minh. Hoa đang cười, đúng là hoa năm ngoái. Cái cười ấy, từ năm ngoái đến năm nay chưa bao giờ dứt. Không phải hai nụ cười mà là một. Chỉ một nụ cười ấy thôi. Ai không tin chàng, hãy đọc cho kỹ chữ"còn" thần diệu trong câu thơ: không phải hoa đang cười mà là hoa còn cười. Cười từ năm ngoái cho đến năm nay, vẫn là một nụ. Như một linh hồn chung thủy chờ đợi người tái ngộ.

Tôi mượn câu thơ của Nguyễn Du, và mượn chữ "còn" xuất thần trong đó, không phải để bình về tâm trạng của chàng Kim mà để nói chuyện về thời gian. Ta cứ nghĩ thời gian là có thật, vì có hôm qua, hôm nay và ngày mai. Như một mũi tên, thời gian bay thẳng một đường, hôm qua là bắt đầu, ngày mai là điểm cuối. Có thật vậy chăng? Chỉ cần anh Kim Trọng ngơ ngác trước cảnh hoang tàn là trong đầu anh lẫn lộn sau trước, hôm nay đi ngược lại hôm qua, năm nay ngược về năm trước, hiện tại quay ngược mũi tên. Có thật chăng thời gian có sinh có diệt, có điểm khởi đầu, có điểm kết thúc? Hoa đào của chàng Kim có sinh có diệt đâu, cái cười ấy không phân biệt hôm qua và hôm nay, không biết quá khứ khác với hiện tại. Ví thử, như trong một chuyện thần tiên, anh Kim Trọng ngủ một giấc trăm năm, khi trở lại vườn Thúy, vẫn cái cười ấy trăm năm trước chờ đợi anh. Và nếu anh ngủ một giấc ngàn năm, anh ngủ một giấc thiên thu, cái cười ấy vẫn thế. Bởi vì thời gian không phải nằm ở ngoài mà nằm trong đầu anh. Và bởi vì thời gian không phải là một đường thẳng mà là một vòng tròn. Hoa đào không sinh không diệt bởi vì hết diệt lại sinh, trong sinh đã có diệt, trong diệt đã có sinh, thành trụ hoại không, không có bắt đầu, không có chấm dứt, một vòng tròn thiên thu bất tận. Nơi cái vòng tròn ấy, đâu là quá khứ, đâu là tương lai? Cứ thử đi dạo một vòng quanh hồ: điểm đi cũng là điểm đến, không có đến không có đi. Thậm chí, ta có thể nói như một đại triết gia, Marc Aurèle, rằng anh Kim Trọng chỉ cần nhìn hoa đào ấy bây giờ, một lần thôi, là thấu biết suốt hoa đào cười từ vô cùng vô tận. Quá khứ, tương lai đều không có, chỉ còn cái khoảnh khắc chàng Kim nhìn hoa đào, hoa đào cười với chàng Kim. Chỉ có cái khoảnh khắc ấy là có thật. Cái khoảnh khắc ấy chứa đựng tất cả. Như thiền tông nói: thấy thiên thu trong khoảnh khắc, thấy cả vũ trụ trong một hạt cải.

Thấy như vậy để làm gì? Đâu phải để bàn hươu tán vượn triết lý suông! Để sống. Không có quá khứ thì đừng quay đầu nhìn lui, vô ích. Không có tương lai thì đừng chờ đợi, hoài vọng, hứa hẹn, việc gì làm phải làm ngay. Không có tương lai thì cái chết cũng không phải chấm hết, nơi vòng tròn không có chấm hết, nơi chấm hết cũng là nơi lại sinh ra. Chỉ còn hiện tại. Nhưng coi chừng! Hiện tại cũng không có thật. Khi ta nói "hiện tại" thì hiện tại ấy đã đi qua rồi. Khi đồng hồ gõ 12 tiếng thì giờ thứ 12 không còn nữa, bởi vì cứ mỗi tiếng gõ là mỗi giây đã đi qua. Mở miệng ra nói "12 giờ" thì 12 giờ đã không còn là thật. Vậy sống với hiện tại là sống thế nào? Sống thế nào với một cái không có thật?

Vừa là đại hoàng đế, vừa là đại triết gia, vừa là nhà hành động, vừa là nhà suy tưởng, Marc Aurèle của La Mã cổ đại có một phương pháp cụ thể. Ông vẽ một vòng tròn, tất nhiên là vẽ trong đầu, một vòng tròn nhỏ của hành động trong vòng tròn lớn mênh mông của thời gian. Ông khoanh tròn cái mà ta gọi là hiện tại và chia nó ra từng khoảnh khắc. Cũng giống như khi tai ta đang nghe một bản hòa âm - vòng tròn lớn - mà đầu biết thấy, biết tách ra từng nốt nhạc, đây là nốt đô, đây là nốt fa, mỗi nốt là một khoảnh khắc phải khoanh lại trong vòng tròn nhỏ. Khoanh tròn và chia hiện tại ra thành từng khoảnh khắc như vậy giúp người hành động tập trung chú ý nhiều hơn để đối phó với từng sự việc, hết sự việc này đến sự việc kia, như hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Ta nghe bản hòa âm thì hồn mải mê rong ruổi theo nhạc, nhưng người nhạc trưởng nghe dàn nhạc chơi thì biết một nốt đô nào đó đã hỏng, phải khoanh lại để sửa. Nói như thiền tông, nốt đô ấy làm hỏng cả thiên thu nhạc bởi vì cả thiên thu nhạc nằm trong nốt đô ấy. Hay như khi ta xem múa ba lê: ta mê man nhìn sóng lượn nơi những thân hình, nơi những đôi chân, nhưng người dạy múa biết khoanh tròn một gót hài để bắt phải sửa. Lại nói theo thiền tông, cả vũ trụ múa nằm nơi một gót hài, và một chút sai nơi một ngón chân làm hỏng cả vũ trụ múa.

Cuộc đời của chúng ta cũng giống như một màn múa, một bản hòa âm. Chỉ là những ngón chân, chỉ là những nốt nhạc tập hợp lại. Chỉ là những khoảnh khắc, có khi vui, có khi buồn, và đầy khó khăn, thách đố, đầy vấn đề. Khoanh tròn từng vấn đề một, đừng để nó lẫn lộn trong mớ bòng bong quá khứ với tương lai, và giải quyết trong tỉnh táo. Nhờ vậy, hiện tại vốn là không có mà thành có, vốn là không thật mà thành thật. Nó thành có, thành thật, nó có bề dày, bởi vì ta có ý thức về nó, ý thức của ta tạo ra nó. Ý thức rằng ta đang sống với nhà ngươi đây, trong từng khoảnh khắc, chỉ với nhà ngươi đời ta mới có ý nghĩa, chỉ với nhà ngươi ta mới thực sự có tự do. Với nhà ngươi, cả thời gian, cả vũ trụ nằm trong bàn tay ta. Ngoài cái vòng tròn nhỏ của nhà ngươi, đâu biết cái chết sẽ đến lúc nào?

Chính thế, chính vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, và chính vì cái chết chỉ có ý nghĩa khi nó khởi đầu một cuộc sống tốt hơn, hãy sống như thử bao giờ cũng là khoảnh khắc cuối cùng và hãy yêu cuộc đời như một ân huệ tối thượng mà ta phải đền đáp bằng tất cả tốt đẹp, thánh thiện trong lòng.

Nói như thế không phải ta không biết cái vòng tròn sinh lão bệnh tử ấy là khổ. Đến một tuổi nào đó, nhìn lại cuộc đời mình, nhìn mọi người chung quanh, ai có chút suy nghĩ đều không khỏi chạnh lòng về cái vô lý của kiếp người. Sáng suốt mà nói, cuộc đời không có ý nghĩa, không có mục đích gì cả. Như là một thành phần của thiên nhiên, con người cũng như mọi thành phần khác của thiên nhiên, sinh ra là để già, nghĩa là để sống từng ngày, từng ngày. Chỉ là những ngày rất tròn trôi qua, bắt đầu rồi chấm dứt ở một khoảnh khắc nào đó không rõ trong đêm. Văn minh muốn thuyết phục ta rằng ta đi đến một cái gì, một mục đích xa xôi nào đó. Sự thực, mục đích duy nhất của con người là sống, là sống mỗi ngày, và ta đạt được mục đích ấy khi ta sống hết mọi giờ của một ngày.

Nhưng đó là con người của thiên nhiên. Con người còn là con người xã hội, của những xã hội riêng biệt, và mỗi xã hội đều có những ước muốn, những mục đích riêng. Con người xã hội, vì vậy, cũng tưởng tượng ra cho mình một thời gian đi thẳng, một tương lai nhắm đến. Ngoài tương lai của từng cá nhân lại còn tương lai của tập thể. Đã là người Việt Nam chẳng hạn, đương nhiên là có một quá khứ Trung Quốc, một hiện tại Trung Quốc, một tương lai Trung Quốc. Tương lai riêng, tương lai chung, trăm mối bận tâm khiến con người lúc nào cũng sống trong dự phóng tương lai mà quên rằng đời sống chỉ có thực trong hiện tại. Ta không sống mà chỉ chạy theo hụt hơi cái bóng mình ở đằng trước.

Vậy thì làm sao giải quyết mâu thuẫn giữa con người thiên nhiên và con người xã hội, giữa thời gian vô thời gian của thiên nhiên và thời gian một chiều của lịch sử văn minh? Thì vẽ vòng tròn với Marc Aurèle! Vòng tròn lớn là thiên nhiên vô thời gian, vòng tròn nhỏ là khoảnh khắc của hành động. Và sống, chính là sống trong vòng tròn nhỏ đó. Sống trọn vẹn, sống hết mình, sống không nhìn lui, sống không nhìn tới, ta với khoảnh khắc là một, ta với vấn đề phải giải quyết là một. Hãy đừng muốn cái gì khác ngoài cái ta đang có, và hơn thế nữa, thương cái đó, yêu cái đó, amor fati như chữ nghĩa của ông Nietzsche triết gia. Nhưng sống như thế mà vẫn không quên cái vòng tròn lớn của thiên nhiên. Không quên rằng hết ngày là đêm, hết đông là xuân, hoa đào ấy vẫn là hoa đào ấy, không có gì phải vui, không có gì phải buồn, không có gì sinh, không có gì diệt, không có gì sống, không có gì chết, bốn mùa tuần hoàn, muôn triệu ngôi sao múa lượn trên thiên hà mà không ngón chân nào chạm ngón chân nào. Là hạt cải, ta sống bùng chất sống trong hạt cải. Nhưng là hạt cải, hạt cải cũng biết luật của vũ trụ, của thiên nhiên, chỉ mọc lên cây xanh đúng mùa, đúng tháng.

Trong đời sống máy móc này đây, hãy sống với một chút triết lý và một chút thơ. Hãy có một chút rùng mình khi mặt trời chìm trong nước biển, khi con chim thốt nhiên vẫy cánh kêu lên một tiếng trước hoàng hôn. Khi nhìn trăng, hãy nghĩ như Lý Bạch: trăng ngày nay đã chiếu người thời xưa, người thời nay đang ngắm trăng thời xưa. Cũng trăng chiếu, cũng người ngắm, cổ cũng vậy mà kim cũng vậy, vòng tròn lớn luôn luôn là thế. Hãy sống trọn vẹn trong vòng tròn nhỏ và hãy cúi đầu trước vòng tròn lớn vô thời gian mà ta không bao giờ hiểu hết được nhiệm mầu.

Và hãy nói với chàng Kim Trọng: anh chính là tôi, tôi chính là anh, tôi cũng đã từng nhìn hoa đào ấy như anh, đã từng như anh nhớ nhung, mòn mỏi. Cả nhân loại này, từ vô thỉ cho đến vô chung, tất cả đều là anh, đều là tôi, đều mòn mỏi, nhớ nhung không có gì khác, đều biết biệt ly là khổ như nhau. Hoa đào mà anh đang nhìn cười một nụ cười muôn thuở, vì tương tư vẫn là như thế từ vô cùng đến vô tận. Anh là hạt cải chứa đựng cả vũ trụ khổ. Nhưng anh hãy khoanh một vòng tròn nhỏ lại mà sống. Cuộc đời, thưa anh, là vậy: như một tấm vải dệt bằng buồn thảm và vô lý, nhưng trên đó ta vẫn có tự do thêu những nét đỏ xanh, thêu một nụ cười.

Thập 'Đại Ngu' Của Các Nhà 'Rận'




Hoàng Ngọc Thạch




Ảnh của web Dân Lầm Than


THẬP ĐẠI NGU CỦA CÁC NHÀ DÂM CHỦ

Thân gửi các chiến sĩ đang Đấu Tranh trong vô vọng chống lại Dân Tộc chống lại Quê Hương...

1. Cái ngu kinh điển nhất:

Xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Bác Hồ, trong khi cả thế giới, cả kẻ thù đều kính trọng và ca ngợi.

2. Cái ngu kinh tởm:

Gân cổ, chày cối cho rằng chiến tranh Việt Nam là "Nội chiến" trong khi lờ đi việc lúc cao điểm có tới nửa triệu lính Mỹ ở Việt Nam, Bom pháo Mỹ tống vào thành cổ Quảng Trị thôi đã bằng 6 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Bị đánh tơi bời mới "Việt Nam hoá chiến tranh"..

3. Cái ngu đáng phỉ nhổ:

Việt Nam Cộng Hòa là tay sai do Mỹ dựng lên, đã khước từ nguyện vọng thống nhất của nhân dân, đàn áp giết hại bao nhiêu đồng bào, nhưng các nhà "dân chủ" cho rằng đó là 1 nhà nước "đầy ắp dân chủ, căng tràn tự do"...

4. Cái ngu tệ hại:

Phủ nhận sạch trơn mọi công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam, là những người đã hy sinh cả đời cho sự độc lập và thống nhất đất nước.

5. Cái ngu đáng... kinh ngạc:

Nguỵ tạo chứng cớ, bịa đặt để xuyên tạc. Từ Văn bản "chặn Facebook" đến clip "đảo chính ở Việt Nam", rồi thì suốt ngày dùng ... tiết lợn bôi lên người để la lối "công an đánh"...!!!

6. Cái ngu.. phi phàm:

Cứ ai chửi đảng, chửi nhà nước một câu thì suy tôn ngay thành "anh hùng", "nữ hào kiệt, thành "người con của sông núi", thành "nhân sỹ" bất kể đó là thành phần bệnh hoạn như Lý Thống hay giang hồ như Ngô Kỷ. Thậm Chí là những kẻ giết người như ông Ngô Đình Diệm (với bọn này, chỉ ai giơ cờ Mỹ hay cờ ba que mới là yêu nước, còn ai đứng dưới cờ đỏ sao vàng được cả thế giới công nhận thì đều... ko yêu nước (còn gọi ngược là 'bán nước' nữa chứ).!!!

7. Cái ngu bệnh hoạn:

Ai đau bụng, ỉa chảy, hay táo bón đều là tại Đảng và Nhà Nước". Đó là lý lẽ của các nhà dân chủ cuội, bất kể là việc con trâu nó có sừng hay việc con voi nó có vòi thì họ đều quy cho trách nhiệm thuộc về đảng và nhà nước...

8. Cái ngu đáng cười:

Miệng nói dân chủ, nhưng thực tế chẳng hiểu dân chủ là gì, hỏi dân chủ là gì thì câu trả lời dẫu có 1 vài câu hay dài dằng dặc thì chung quy cũng là "giống như... nước ngoài ấy mà"???

Chẳng khác gì hỏi fan cuồng Kpop rằng nghệ thuật là gì thì nhận được câu trả lời "giống Kpop ấy"...

9. Cái ngu đáng nguyền rủa:

Biểu tình phản đối VN gia nhập WTO, dâng thỉnh nguyện thư kiến nghị Hoa Kỳ và phương Tây cấm vận VN để kiếm tiền, kích động chiến tranh Việt - Trung, "cầu cho Trung Quốc đánh Việt Nam" và nhiều trò phản quốc tương tự..

10. Cái ngu nhất trong các thể loại ngu:

Đi biểu tình nói dưới danh nghĩa chống Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng thực chất chả biết tí gì về biển đảo Việt Nam.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Đứng ngoài đường cầm bảng xin việc: nhục nhã?







… các bạn không có gì phải cảm thấy nhục nhã khi các bạn không phạm pháp, không trộm cắp, không làm gì ảnh hưởng đến người khác. Các bạn có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, điều gì không gây thiệt hại cho quyền lợi, danh dự của người khác để xin việc làm, để kiếm sống. Khi các bạn có khả năng bỏ qua cái sĩ diện hão, các bạn đã bắt đầu bước những bước đi thành công”.


Rất nhiều ý kiến chê bạn này. Một Bác sĩ phân tích, rằng cậu ấy là đàn ông mà không có một kế hoạch cho cuộc sống, cho cuộc đời mình, ngay cả việc tìm hiểu và sử dụng các biện pháp tránh thai cũng không biết. Đã vậy lại không ổn định, làm việc 2 tháng rồi nghỉ việc vì… ôn thi, muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ.

Tôi đồng ý với vị Bác sĩ này. Trong thực tế làm việc, chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều với những người như thế này. Không có kế hoạch, không biết sắp xếp cuộc đời mình, coi công việc và công ty như trò chơi, vui thì làm, không vui thì nghỉ. Thậm chí chỉ vì một chuyến du lịch, hay một câu nói của một nhân viên nào đó là sẵn sàng sổ toẹt vào việc công ty đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức huấn luyện mình, sổ toẹt vào mọi cam kết, gây khó khăn và xáo trộn cho công ty.

Thế nhưng, khi đọc được một bài báo, cho rằng việc cầm tấm bảng xin việc ấy là nhục nhã đối với một Cử nhân, thì tôi hơi bị sốc. Coi việc cầm tấm bảng xin việc như vậy đối với một Cử nhân là “nhục nhã” thì hơi quá đáng.

Cần phải tách biệt câu chuyện của chàng trai này ra thành 2 giai đoạn. Giai đoạn trước, cậu ta còn đi học, ăn bám cha mẹ, nhưng lại dính vào vợ con, lại không sắp xếp gì cho cuộc sống của mình, đi làm thì cũng không coi trọng việc làm… nói tóm lại, đấy là giai đoạn ích kỉ, ỉ lại vào cha mẹ (hay người khác).

Nhưng kể từ khi cậu ấy ra đường và cầm tấm bảng xin việc như chúng ta thấy, tôi nghĩ rằng cậu ấy đã là một con người khác. Bắt đầu hiểu về trách nhiệm của mình, bắt đầu thấm thía rằng việc làm không phải thứ dễ dãi mà có thể phung phí. Việc cậu ấy sẵn sàng hi sinh sĩ diện để xin việc minh chứng cho những điều tôi nói. Như vậy thì có nên trách khi cậu ta ra đường cầm tấm bảng xin việc không?

Có người bảo, thay vì kể khổ, thì chàng trai ấy hãy ghi ra những thế mạnh của mình. Đó là một góp ý rất hay. Rõ ràng là anh chàng này chưa có kĩ năng xin việc, hoặc anh ta còn chưa đủ tự tin vào bản thân, chưa nghĩ ra được mình mạnh về cái gì.

Hãy mở cho chàng trai ấy một cánh cửa. Cuộc đời cậu ấy vừa mới bước sang một trang mới, cậu ấy vừa mới ý thức được vai trò, vị trí của mình trong cuộc đời này, hãy đừng vì bất cứ lí do gì mà vùi dập cậu ấy, mà bắt cậu ấy mãi mãi phải là con người ích kỉ, ỉ lại, không biết lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

Ngoài ra, tôi muốn nói với các bạn trẻ khác, rằng các bạn không có gì phải cảm thấy nhục nhã khi các bạn không phạm pháp, không trộm cắp, không làm gì ảnh hưởng đến người khác. Các bạn có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, điều gì không gây thiệt hại cho quyền lợi, danh dự của người khác để xin việc làm, để kiếm sống. Khi các bạn có khả năng bỏ qua cái sĩ diện hão, các bạn đã bắt đầu bước những bước đi thành công.
Võ Xuân Sơn 

9 nhiều 9 ít’ mang đến cho bạn lợi ích cả đời


    

1. Ít thịt, nhiều đậu

“Bí mật” này dường như mọi người đều biết. Bên cạnh chúng ta có không ít người “ăn thịt động vật”, thịt băm viên, thịt nướng, thịt vịt nướng, thịt kho tàu, bữa nào không có thịt không vui. Theo đề nghị của “tháp cân đối thực phẩm”, mỗi người tốt nhất chỉ ăn 75g thịt nạc mỗi ngày, tức là một miếng to gần bằng một bộ bài 52 lá.

Trong đó, người lao động chân tay, người nam có thể ăn nhiều thịt đỏ; người lao động trí óc, người nữ và người già thân thể cơ năng đã thoái hóa, nên ăn nhiều thịt trắng.
Người bị béo phì, bệnh tim, cao huyết áp, càng nên ít ăn thịt, nên ăn nhiều chế phẩm từ đậu. Cây đậu được xưng là “Thịt mọc ra từ đất”, đặc biệt dùng đậu làm đủ loại chế phẩm, ví dụ như sữa đậu nành, đậu phụ khô, tàu hũ… đều là thực phẩm cung cấp protein tốt nhất.

2. Ít muối, nhiều dấm

Muối không chỉ trộm đi canxi trong cơ thể, mà còn lấy đi huyết áp bình thường. Lúc nấu cơm ở nhà, bạn hãy cho ít muối hơn, ngoài ra cũng cố gắng hạn chế lượng xì dầu (nước tương), sốt cà chua, tương ớt, bột cà-ri… Càng phải cẩn thận những thực phẩm có muối ẩn bên trong, như thịt kho tàu, thức ăn hầm cách thủy, khoai tây chiên, đồ hộp và đồ ăn nhanh, vì trong chúng đều có hàm lượng muối khá cao.

Dấm chua được xem là gia vị bảo vệ sức khỏe trong phòng bếp, lúc xào rau có thể cho thêm một ít, dấm chua làm từ gạo có thể giảm mỡ trong thịt, dùng dấm chua trong mì phở có thể giúp tiêu hóa tốt hơn. Khi làm súp xương hay cá, bạn cũng có thể thêm chút dấm, có thể giúp hấp thụ canxi.

3. Mặc ít, tắm nhiều
Ở Trung Quốc có câu “Xuân ô thu đống” (xuân ấm thu lạnh) để nói về nguyên tắc mặc quần áo theo mùa. Thật ra, “thu lạnh” không phải để bạn chịu lạnh, mà là chỉ nên từ từ hẵng mặc thêm áo quần. Sự kích thích của không khí lạnh có thể trợ giúp thân thể chuyển biến, đề cao lực thích ứng với nhiệt độ thấp. Khi không khí bên ngoài hạ xuống 10 độ, cũng là lúc nên chấm dứt “thu lạnh” rồi.

Giặt rửa xong tắm nước nóng có thể giúp thư giãn, lại giúp ngủ ngon, quan trọng nhất là lúc tắm làm chút động tác, ví dụ như mát xa vùng bụng thuận theo chiều kim đồng hồ, tắm vòi sen ở phần bụng, có thể ngừa táo bón, lúc nước chảy mát xa mặt có thể giúp tăng lưu thông máu, giảm bớt mệt mỏi.

Sáng sớm thích hợp tắm vòi sen, có thể đánh thức thể xác và tinh thần, mà trước khi ngủ 1-2h, tốt nhất tắm một lần, nước hơi ấm, độ chừng 40 – 50 độ, hơi cao hơn nhiệt độ cơ thể một chút.

4. Ăn ít, nhai nhiều

Dù sao cũng liên quan đến miệng của mình, không ngại thử nghiệm mấy chiêu sau đây: Bắt đầu ăn cơm khi cảm thấy đói, không ăn quá no, hơn nữa có thể cố định thời gian ăn; mỗi bữa ăn cơm ít nhất cần 20 phút đồng hồ, bởi vì từ lúc bắt đầu ăn, sau 20 phút, đại não mới có thể tiếp thu tín hiệu no.

Như vậy, mỗi miếng cơm nhai 15 – 20 lần, trợ giúp tiêu hóa, tránh béo phì, còn có thể làm giảm cảm xúc khẩn trương, lo nghĩ. Không ngại dùng muỗng nhỏ thay đũa, hoặc thay phiên sử dụng đũa và muỗng khi ăn cơm, cho dù muốn nhanh cũng không thể nhanh hơn, phải cam đoan mỗi miếng cơm đều được nhai kỹ lưỡng.

5. Ít thuốc, luyện nhiều

Dù thường ngày bạn như thế nào, lúc uống thuốc nhất định phải keo kiệt một chút, gặp những bệnh nhẹ như cảm mạo, tốt nhất kiêng được thì kiêng, không nên uống thuốc tùy tiện. Người già còn nên tuân thủ nguyên tắc “Thêm tuổi giảm lượng”, người ngoài 60 tuổi, lượng thuốc dùng nên bằng 3/4 người trưởng thành, không thể tự tiện gia tăng, hơn nữa cùng lúc chỉ nên uống nhiều nhất là 4 loại thuốc.

Nếu không có thói quen rèn luyện thân thể, uống thuốc cũng tương đương như phí công. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, chỉ cần mỗi ngày kiên trì rèn luyện thân thể khoảng 15 phút, bình quân có thể kéo dài tuổi thọ hơn 3 năm, ví dụ như luyện tập thân thể bằng cách đi nhanh, chạy bộ, đạp xe đạp… đều được cho là “liều thuốc” tốt nhất.

6. Ít đi xe, đi bộ nhiều

Có một nghiên cứu cho thấy, khi số lượng xe ngày càng nhiều, ước chừng 25% người đã vứt bỏ thói quen đi bộ. Nghiên cứu đó phát hiện, người cả ngày lái xe so với người thích đi bộ, thời gian mắc bệnh bị kéo dài gấp đôi. Hiện nay, mọi người thường dùng lý do công tác bận rộn nên trốn tránh vận động, thật ra, mỗi ngày đi bộ 30 phút có tác dụng vận động dưỡng sinh, hệ thống miễn dịch đạt hiệu suất rất cao.

7. Ít muốn, bố thí nhiều

Bình thường không ngại giúp đỡ người khác nhiều hơn một chút, như cho người xa lạ mượn giấy, bút, hoặc cho người ăn xin ít thức ăn hoặc tiền, tham gia hoạt động quyên góp… Chút ít điều lành đó có thể giúp bạn cảm thấy ý nghĩa cho cuộc sống, mang đến cho bạn cảm giác thanh thản, phiền não tự nhiên sẽ tan thành mây khói.

Mặt khác, đồ ăn ngon không nên ăn một mình, chia sẻ cho người khác một chút, chẳng những có thể chia sẻ thứ ngon với mọi người, còn có thể khiến nhiều người quý mến bạn hơn; không nên lười biếng nhờ đồng nghiệp mang giúp đồ ăn hay đồ vật này kia, hãy rời khỏi chỗ ngồi, tự mình đi một chuyến, xem có thể tiện tay giúp người khác điều gì không. Vì như vậy, không chỉ có thể cử động gân cốt, còn phòng được mỡ dư thừa trong cơ thể, còn nhận được duyên tốt từ người khác.

8. Ít lo, cười nhiều

Quá coi trọng chức vị, muốn thật nhiều tiền, muốn chuyển chốn ở, không bỏ được sự kiêu ngạo, không muốn mất thể diện, rồi chăm lo con cái…nét lo âu đọng trên mặt mỗi người. Sao không thử điều này xem? Đứa trẻ 4 tuổi cứ 4 phút lại cười một lần, người trưởng thành ít nhất một tiếng nên cười một cái.

Cười không chỉ có thể tăng lượng hộ hấp, còn có thể giúp bạn giảm béo, mở trói cho trái tim. Cười to thoải mái 15 phút có thể tiêu hao 40 kcal. Nếu mỗi ngày đều có thể như vậy, một năm có thể giảm 1,8kg cân nặng.

Bất kỳ ai lúc sắp không khống chế được cảm xúc của mình, không ngại chuẩn bị một chiếc “hộp cấp cứu cho tâm hồn”, ví dụ như xem một bộ phim, chạy vài vòng, đến nơi nào đó ăn chút điểm tâm, chơi với bọn nhỏ, hay lúc mua sắm chia sẻ nụ cười với người bên cạnh, hãy để nụ cười như ánh mặt trời soi sáng cuộc sống của bạn, cũng làm “êm dịu” trái tim.

9. Ít nói, làm nhiều
Kế hoạch cho sự khỏe mạnh không chỉ dừng lại trên lời nói, đụng chút là “không có thời gian”, “không kiên trì nổi”…Mỗi ngày phí không ít thời gian để than phiền sao không giảm cân được, bụng bia lại lớn dần ra, không bằng tận dụng khoảng thời gian đó để làm cái gì đó! Nói cách khác, bạn chỉ có thể vĩnh viễn nhìn bộ dạng người khác ngày càng tốt hơn lên, rồi cũng chỉ có thể tức giận giương mắt nhìn. Từ nay trở đi, mỗi ngày cố gắng từ bỏ một thói quen xấu, coi như mua cho mình một phần bảo hiểm sức khỏe vậy.

Nguồn: NTDTV

Lắm thầy nhiều ma (Trích Luận ngữ Tân thư)




Truyện “lắm thầy nhiều ma“ không phải chỉ có hai nhân vật “thầy“ và “ma“, không phải chỉ đúng với “thầy“ và “ma“. .. Câu nói đơn giản ấy phải chăng đã chứa đựng cả cái lẽ huyền vi nhân thế. Ai không tin đã có câu chuyện làm chứng sau đây:

Đạo vốn là cái có sẵn trong khoảng trời đất. Thánh nhân may mắn cảm nhận được rồi phô ra. Lại để cho người đời tưởng lầm rằng thánh nhân chính là người làm ra đạo(?). Thánh nhân bất nhân là ở chỗ ấy. Đạo ấy ví như Thái sơn, không ai có thể xô đẩy hay di chuyển mảy may. Ấy thế mà người đời vì sự tưởng lầm kia nên cứ đem gọt dần, gọt dần… Gọt đến khi (đạo) chỉ còn lại bằng viên đá cuội thì bắt đầu mặc sức tung hứng, chuyền qua chuyền lại cho nhau như những anh hề trên sân khấu. Rốt cuộc lại hô hoán lên rằng chính mình đã “phát minh“ ra cái đạo (đá cuội) ấy, rằng cái giống (đá cuội) ấy là tuyệt đối đúng, tuyệt đối hay hơn mọi thứ trên đời(!)… Không những thế, còn dựa vào mớ kiến thức nhỏ bé, u tối đó mà phê phán, mà kết tội những kẻ không chịu chung ý nghĩ với mình. Thật đã đến lúc phải rác tai, lờn óc. Việc đời thường theo qui luật quân tử khởi xướng, tiểu nhân a dua. Vì thế, ban đầu dẫu tử tế đến mấy, rốt cuộc về sau đều chẳng ra gì. Huống chi…? Chẳng trách có kẻ đã coi câu thành ngữ: “đầu voi đuôi chuột“ như một thứ… triết học của muôn đời kể cũng đáng thay. Tóm lại, tư tưởng là tội đồ, chính trị là thủ phạm, nhân quần là nạn nhân. Than ôi! Phải qua cửa một loạt thầy thuốc thì con bệnh chỉ còn biết thở hắt ra. Phải học hết một rừng thầy thì học trò lên cơn điên dại…

Vẫn “Lời tựa“ trong “Luận ngữ Tân thư“. Sau đây lại xin trích một đoạn trong bộ sách đó.

Bấy giờ học thuyết nở rộ như nấm mọc sau mưa. Thiên hạ sinh ra lắm “nhà“ (bách gia), lại nhan nhản thầy (chư tử). Các thầy không những tranh nhau rao giảng đạo lý, mà thầy nào cũng cho rằng đạo của mình hay hơn, hợp (thời trang) hơn của người khác. Học trò có lúc hoang mang, không biết nên học theo thầy nào cho phải. Khổng Tử bảo: “Thế gian có ‘n’ cách cảm nhận, chẳng cách nào giống cách nào. Giả dụ một kẻ nào đó có cách cảm nhận khác ta, thì ta cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên, bởi ta biết chắc chắn rằng đó không thể là cách thứ n+1“. Rồi Ngài bảo các học trò rằng đạo lý chẳng ở đâu xa, mà có ở trong chính những công việc hàng ngày của họ. Vấn đề là có nhận ra hay không mà thôi. Tử Lộ nghe vậy bèn hỏi:

“Như trong việc rèn luyện cái dũng của mình thì thế nào?“.

Khổng Tử trả lời:

“Không phải vì thiên hạ lắm kẻ ác mà thi nhau rèn luyện cái dũng, rồi đem ra thi thố, sở dĩ cũng gây được tiếng tốt nọ kia. Nhưng dũng chắc chỉ dừng lại ở đấy, khó mà tiến triển thêm được. Thậm chí dần dần sẽ thui chột đi. Rèn luyện cái dũng là để thắng chính mình, đừng bao giờ nghĩ tới việc thắng ai. Thiên hạ nhiều người dũng không có nghĩa là một nền chính trị lành mạnh, thậm chí đó là dấu hiệu của sự bất ổn. Người thấu hiểu chữ dũng không phụ thuộc vào thiên hạ nhiều hay ít kẻ ác. Giả sử cả thiên hạ chỉ còn mỗi một kẻ ác cần trừng trị, thì kẻ dũng vẫn phải không ngừng trau dồi cái dũng của mình. Như thế mới hy vọng trở thành người tử tế được“.

Tử Cống hỏi:

“Vậy như cái việc làm ăn, buôn bán thì thế nào?“.

Khổng Tử bảo:

“Ngươi không thấy những người dệt vải đó sao? Nếu chỉ vì thiên hạ lắm người mặc quần áo nên họ thấy lợi mà đua nhau dệt, rồi cũng thu lời được ngay đấy. Nhưng tay nghề thì dừng lại ở đó, mãi mãi họ chỉ làm ra một vài loại vải mà thôi. Thiên hạ sẵn người dệt vải không có nghĩa là ai cũng có được vải đẹp mà dùng. Kẻ say mê thuật dệt vải không phụ thuộc vào số người dùng vải nhiều hay ít. Giả sử thiên hạ chỉ còn đúng một người dùng đến vải, thì những người dệt vải vẫn phải cần mẫn nâng cao cái nghề của mình, như thế sẽ càng ngày càng có những loại vải đẹp hơn“.

Tăng Tử hỏi:

“Còn trong việc đối xử với cha mẹ?“.

Khổng Tử bảo:

“Không phải vì thiên hạ lắm kẻ bất hiếu, mà cố thi nhau thực hiện cái đạo hiếu để làm gương, để mong có được tiếng tăm ngay. Như thế chẳng qua chỉ là cái hiếu giả vờ, hiếu để làm sang mà thôi. Thiên hạ không thiếu những kẻ có hiếu không có nghĩa là đạo hiếu đang thịnh trị. Người hiểu sâu sắc chữ hiếu không phụ thuộc vào thiên hạ nhiều hay ít kẻ bất hiếu. Giả sử cả thiên hạ chỉ còn đúng một kẻ bất hiếu, thì mình vẫn cứ rèn luyện cái đạo hiếu của mình. Như thế đạo hiếu mới càng ngày càng tinh tiến được“.

Tử Hạ hỏi:

“Thế còn đối với văn chương?“.

Khổng Tử bảo:

“Không phải vì thiên hạ nhiều người thích đọc, mà đua nhau làm ra văn chương, rồi cũng được kẻ này, kẻ nọ tung hô rầm rĩ. Nhưng văn chắc sẽ dừng lại ở đó. Vì như thế có thể làm ra được thứ văn thuận tai, hợp thời đấy nhưng chẳng có gì đáng giá, cùng lắm chỉ quanh quẩn chuyện đời vặt vãnh mà thôi. Văn ấy may ra thì tồn tại được trong khoảng một đời rồi mất tích. Thiên hạ nhan nhản kẻ làm ra văn chương cũng không thể gọi đó là một nền văn trị. Thậm chí phải gọi đó là một nền văn loạn. Kẻ say mê văn chương không phụ thuộc vào thiên hạ nhiều hay ít người đọc. Giả sử cả thiên hạ chỉ còn đúng một người biết đọc, thì mình vẫn phải nghiền ngẫm mà làm ra văn chương. Văn ấy may ra mới có thể kéo dài được đến đời sau“.

Bốc Hạ hỏi:

“Với nghề thầy thuốc thì sao?“.

Khổng Tử bảo:

“Không phải vì thiên hạ lắm người có bệnh, mà mình treo bảng hành nghề, rồi cũng kiếm ăn dễ dàng, cũng mua sắm được thứ nọ thứ kia… Nhưng như thế không những tay nghề dừng lại, mà tất có khối kẻ nhân cơ hội ấy cũng a dua theo để bịp bợm, móc túi thiên hạ. Nền y học trong đời cũng vì thế mà dẫm chân tại chỗ. Thiên hạ đầy rẫy thầy thuốc không có nghĩa là mọi người luôn luôn được khỏe mạnh, thậm chí có khi ngược lại. Kẻ yêu thích nghề y không phụ thuộc vào thiên hạ có nhiều hay ít con bệnh. Giả sử thiên hạ chỉ còn đúng một người có bệnh, thì mình vẫn ra sức trau dồi kiến thức, tìm cách phát huy đến những chỗ tột cùng, tinh vi của nghề nghiệp. Như thế y học mới có thể đạt tới mức tinh thâm, ảo diệu được“.

Các học trò có vẻ ngơ ngác chưa hiểu. Khổng Tử nói tiếp:

“Các ngươi chưa tin ư? Hãy xem chính cái nghề dạy học của ta đây. Không phải vì thiên hạ lắm kẻ vô học, mà mình chưa chi đã hí hửng đem đạo ra dạy, rồi cũng có khối kẻ theo học, dạy mãi vẫn không hết học trò. Đạo của mình vì thế cũng sẽ dừng lại ở đó mà thôi. Bách gia, chư tử có khi hay, có khi không hay. Vì chính sự phát triển của tri thức, mà từ đó sinh ra nhiều “nhà“, nhiều thầy thì đó là một nền giáo dục chân chính, sáng sủa. Song chỉ vì có nhiều học trò mà sinh ra lắm “nhà“, lắm thầy, thì đó là một nền giáo dục con buôn, ngu tối. Kẻ am hiểu đạo lý giáo dục không phụ thuộc vào thiên hạ có học hay vô học, cũng như không phụ thuộc vào thiên hạ có nhiều hay ít học trò. Giả sử thiên hạ chỉ còn đúng một kẻ vô học, thì ta vẫn cứ phải trau dồi cái đạo của mình. Như thế đạo của ta mới càng ngày càng rực rỡ lên được…“.

Khổng Tử vừa nói đến đó thì Cáo Tử đi qua. Cáo Tử hỏi:

“Thế còn nghề ăn cắp thì thế nào?“.

Khổng Tử trả lời:

“Chẳng phải vì thiên hạ lắm người hớ hênh nên mới sinh ra chứng ăn cắp. Ăn cắp vốn có sẵn trong mỗi con người, chỉ chờ dịp là thi triển ngay. Ăn cắp hạ đẳng thì mắt la mày lét, là thò tay móc túi hoặc lừa đảo nhì nhằng. Ăn cắp thượng đẳng thì mặt mũi oai nghiêm, là nhân danh thiên hạ, coi của thiên hạ chính là của mình, hoặc đợi người ta phải tự giác đem của cải đến dâng. Đạt tới mức thượng đẳng ấy, suy cho cùng cũng từ triết học mà sinh ra cả. Đó gọi là một nền chính trị a dua. Chính trị a dua tuy cũng là ăn lộc thiên hạ, song không giống ăn mày, mà giống ăn cắp, (nhiều lúc còn giống ăn cướp) hơn. Thiên hạ toàn kẻ cắp không có nghĩa là cuộc đời đã cạn hết đạo lý. Kẻ thạo nghề ăn cắp không phụ thuộc vào thiên hạ nhiều hay ít người hớ hênh. Giả sử thiên hạ chỉ còn đúng một người hớ hênh có thể ăn cắp được, thì (kẻ đó) vẫn cứ nghiên cứu, phát triển cái thuật (ăn cắp) của mình thành trăm phương ngàn kế. Như thế không những vẫn ăn cắp được của cải, mà còn có thể ăn cắp được cả ý nghĩ, thậm chí thu được cả linh hồn của người khác vào trong tay mình. Đạt đến trình độ xuất quỷ nhập thần rồi, thì không những chỉ ăn cắp được những gì có ở trong đời này, mà còn có thể ăn cắp được của cải, linh hồn ở cả những đời sau…“.



Phạm Lưu Vũ

NGŨ HÀNH Chương 1. Nhận định tổng quát






Tứ Tượng hay 4 trạng thái biến thiên ở bên ngoài không thể làm cho chúng ta quên đi được thực thể duy nhất, làm chủ chốt bên trong. Vì thế nói đến Tứ Tượng, tất nhiên là phải nói đến Ngũ Hành, nghĩa là phải đề cập thêm đến Hành Thổ ở tâm điểm.

Dịch không trực tiếp đề cập đến Ngũ Hành. Ngược lại Ngũ Hành đã được đề cập đến ở Kinh Thư, Thiên Hồng Phạm; ở Lễ Ký, Thiên Nguyệt Lệnh.

Tuy nhiên, trong bộ Ngự Án Đại Toàn Dịch Kinh Tôn Bổ, nơi chương Văn Vương Bát Quái phương vị, ta cũng thấy có đôi nhà bình giải đề cập đến vấn đề Ngũ Hành, trong đó có Ngự Án của Khang Hi, và lời bình của Hạng Bình Am.

Ngự Án bình rằng: Khảm Thủy, Ly Hỏa, Tốn Mộc, Khôn Thổ thì đã đành là hợp với Tượng các quẻ (ở trong Thuyết quái). Đến như Kim, thì mới chỉ là một trong những Tượng quẻ Kiền; Thương Lang Trúc (Mộc) thì mới chỉ là một trong những Tượng quẻ Chấn. Cấn mà suy ra là Thổ thì cũng tạm gọi là được; đến như Đoài thì tuyệt không thấy có Tượng là Kim. (Xem Đại Toàn, quyển I, trang 46, 47)

Hạng Bình Am bình rằng: Thứ tự các quẻ Hậu Thiên đem Ngũ Hành phối hợp với Tứ Thời.

- Chấn Tốn đều thuộc Mộc chủ Xuân, cho nên Chấn ở Đông phương, Tốn ở Đông Nam.

- Ly, Hỏa, chủ Hạ nên ở Nam.

- Đoài, Kiền, hai Kim, chủ Thu, nên Đoài ở Chính Tây, Kiền ở Tây Bắc.

- Khảm Thủy, chủ Đông, nên là quẻ của Bắc phương.

- Thổ vượng Tứ Quí, nên Khôn thổ ở Hạ, Thu giao nhau, tức là ở phía Tây Nam. Cấn Thổ, tại nơi Đông Xuân giao nhau, tức là ở Đông Bắc.

- Mộc, Kim, Thổ mỗi hành có 2 quẻ. Đó là hình vượng. Thủy, Hỏa có một quẻ. Đó là khí vượng.

- Khôn, Thổ Âm cho nên ở phía Âm.

- Cấn, Thổ Dương cho nên ở phía Dương.

- Chấn là Dương Mộc cho nên ở chính Đông. Tốn là Âm Mộc cho nên ở gần phía Nam và tiếp giáp với Âm.

- Đoài là Âm Kim nên ở phía Tây.

- Kiền là Dương Kim cho nên ở gần phía Bắc và tiếp giáp với Dương. (Dịch Kinh Đại Toàn, quyển I, tr. 47)

Các nhà bình giải cho rằng vòng Dịch Tiên Thiên của Phục Hi không phân Ngũ Hành. Vòng Dịch Hậu Thiên của Văn Vương mới phân Ngũ Hành. Phương vị như sau:

Dịch, trong chính Kinh, không đề cập đến Ngũ Hành. Nhưng Hà Đồ đã xếp các số theo phương vị Ngũ Hành như sau:

7 / 2

8 / 3    5 / 10    4 / 9

1 / 6
Phương vị của Ngũ Hành có thể được giản lược như sau:

  Hỏa
  Nam

Đông      Trung     Tây
  Mộc       Thổ         Kim

Bắc
Thủy



A. TRUNG THỔ LÀ BẢN THỂ, LÀ TRUNG CUNG THÁI CỰC

Hỏa, Mộc, Kim, Thủy, là 4 hiện Tượng biến thiên ở bên ngoài. Cho nên Trung Thổ chính là tinh túy, là Bản Thể, là Tinh Hoa.

Âu Châu gọi là Quintessence hay là Quinte Essence: Tinh túy thứ 5.

Ngũ Hành mới là quan niệm toàn bích vì nó gồm cả Tứ Tượng bên ngoài lẫn Thái Cực bên trong.

Quan niệm Ngũ Hành đã được các học giả Đông Tây bàn cãi rất nhiều. Đi vào chi tiết sẽ không bao giờ cùng. Đây ta chỉ tháo gỡ cho ra những giường mối chính, những ý nghĩa chính. Ngũ Hành có quan hệ mật thiết đến Siêu Hình Học và Vũ trụ quan Trung Hoa thời cổ. Có hiểuVũ trụ quan Trung Hoa thời cổ mới hiểu được học thuyết Ngũ Hành.

Trung Hoa cũng như các dân tộc xa xưa, tin rằng vũ trụ vạn vật đều do một nguyện thể, một nguyên động lực phân tán vận chuyển ra bốn phương theo hai chiều kinh (dọc) vĩ (ngang) thành ra hai cặp ngẫu lực chính. Các ngẫu lực này hoạt động, ảnh hưởng lẫn nhau và dần dà sinh ra mọi loại năng lực.


Đứng về phương diện nguyên liệu, chất liệu, Ngũ Hành là 5 yếu tố cấu tạo vũ trụ. Hành Thổ ở Trung cung là căn cơ và là cùng đích cho muôn vật. Chữ Thổ đây không nên hiểu là đất thường, mà nên hiểu là căn cơ, hay bản chất vạn vật. Vì thế mà sách Ngộ Chân Thiên có viết:

Tứ Tượng Ngũ Hành toàn tạ Thổ. (Tứ Tượng Ngũ Hành đều nhờ Đất) [1]

Quan niệm này tương tự như quan niệm Âu Châu, vì Âu Châu cũng cho rằng ngoài 4 nguyên chất tạo thành vũ trụ, còn có tinh túy thứ năm (quintessence) mà họ gọi là Thái Hư (éther) hay Bản Chất (matière première) [2]

Ấn Độ, Tây Tạng và nhiều phái Huyền học Âu Châu cũng chủ trương con người là tiểu vũ trụ và gồm Ngũ Hành nhưđại vũ trụ bên ngoài. Và họ hình dung con người như sau:


Nhiều đền đài Tây Tạng hiện còn xây theo hình đồ trên, ví dụ như đền Koumboum ở Gyantsé. [3]

Xét theo không gian thì Ngũ Hành lại chiếm 5 vị trí chính yếu là Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung.

Xét về thời gian, thì Ngũ Hành chính là 5 thời đại khác nhau, 4 mùa biến thiên bên ngoài và 1 mùa hằng cửu bên trong, vừa là mùa Hoàng Kim khởi thủy, vừa là mùa Hạnh phúc lý tưởng lúc chung cuộc.

Ngũ Hành còn có thể hiểu được là 5 yếu tố cần thiết cho sự sống. [4] Ý nghĩa này hợp với Hồng Phạm.

Kinh Thư chương Đại Vũ Mô viết:

Nhân đức của nhà vua hiện ra trong một nền chính trị giỏi giang, khéo léo. Mà làm chính trị, trước hết là phải biết nuôi dân. [5]

Sáu yếu tố cần cho dân là: Thủy, Hỏa, Kim Mộc, Thổ, Cốc (nước, lửa, kim khí, gỗ, đất, lúa); chúng cần được khai thác. Nhà vua chẳng những phải lo giáo hóa, khuyến thiện cho dân, mà còn phải cho họ biết khai thác, lợi dụng vật chất thiên nhiên cho đời sống họ được rồi rào phong phú.[6]

Ngũ Hành chẳng qua là tấn tuồng vũ trụ, mà vai chính lại là Thái Cực, Tuyệt Đối.

Vì vậy mà Thiên Tử Trung Hoa thời xưa, hằng năm đã đóng lại tấn tuồng vũ trụ nói trên trong tòa Minh Đường.

Xuân thì phẩm phục xanh, cờ xí xanh, cưỡi ngựa thanh long, dùng ngọc bích, lại ngự cung Thanh Dương phía Đông.

Hạ thời phẩm phục đỏ, cờ xí đỏ, cưỡi ngựa hồng, mang ngọc đỏ, ngự cung Minh Đường phía Nam.

Sau ngày Hạ chí, thời phẩm phục vàng, cưỡi ngựa vàng, đeo ngọc vàng, ngự nơi Trung Cung Thái Miếu, ngụ ý nhà vua làm chủ chốt cho không gian và thời gian.

Thu thời phẩm phục trắng, cờ xí trắng, cưỡi ngựa bạch, đeo ngọc trắng, ngự cung Tổng Chương phía Tây.

Đông thời phẩm phục đen, cờ xí đen, cưõi ngựa ô, đeo ngọc huyền, ngự cung Huyền Đưòng phía Bắc.

Đại khái như muốn nói lên chân lý này là, cũng như vũ trụ có thời gian, có tiết tấu trong công cuộc biến hóa, con người cũng phải tùy theo thời gian tuổi tác mà hoạt động cho đúng tiết tấu thiên nhiên. [7]

CHÚ THÍCH

[1] Chu Dịch, Tham Đồng Khế Phát Huy, thượng quyển, trang 4.

[2] D’une manière génerale, la quintessence symbolise la pure réalité spirituelle par rapport à ses traductions quarternaires, entachées des servitudes d’expression ou d’incarnation. C’est par exemple, le Christ, Verbe divin, par rapport aux Évangélistes, témoins inspirés participant de sa lumière. La quintessence n’est pas pur symbole, elle a sa réalité propre encore qu’insaisissable aux sens humains...

— Louis Lallemant, La Vocation de L’Occident, p. 24.

[3] Xem Fondements de la Mystique Tibétaine, p. 260-261.

[4] Legge dịch là: The five essentials to human life.— J. Legge, The Shoo King, p. 326.

[5] Vũ viết: Ư đế niệm tai. Đức duy thiện chính: chính tại dưỡng dân. 禹 曰 於 帝 念 哉. 德 惟 善 政: 政 在 養 民 . — J. Legge, The Shoo King, page 55.

[6] Thủy, Hỏa, Kim, Mộc, Thổ, Cốc duy tu, chính đức lợi dụng hậu sinh. 水 火 金 木 土 穀 惟 修, 正 德 利 用 厚 生 . —Kinh Thư Đại Vũ Mô, tiết 7.

[7] Xem Lễ Ký Nguyệt Lệnh.

Xem Khổng Học Tinh Hoa của tác giả, trang 158-173.