Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Điêu khắc trên Cây


Thân mời các bạn xem tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ hình ảnh sống động, tự nhiên. Hầu hết là cây còn đang sống trong rừng.















































ST

VẤN ĐỀ PHÂN BIỆT VIẾT i(NGẮN) VÀ Y(DÀI)



Cùng với việc tổng kết 15 năm hoạt động NCKH sinh viên, bài viết đã đưa ra được các bài học kinh nghiệm, giải pháp cũng như các kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động này trong Nhà trường.
Hiện nay, trong chính tả tiếng Việt (chữ Quốc ngữ), người ta vẫn còn lúng túng trong việc chọn i ngắn và y dài trong một số trường hợp. Cụ thể là khi âm /i/ đứng làm âm chính trong âm tiết mở (không có âm cuối vần) sau các phụ âm /h, k, l, m, s, t/. Và do đó vẫn tồn tại hai cách viết.


hi vọng/ hy vọng
kĩ thuật/ kỹ thuật lí luận/ lý luận
mĩ thuật/ mỹ thuật công ti/ công ty
sĩ quan/ sỹ quan

Thực ra muốn bàn vấn đề này một cách thấu đáo, phải đề cập một phạm vi rộng hơn, đó là vấn đề chính tả của chữ Quốc ngữ nói chung. Nhưng như thế, bài viết sẽ quá dài, do đó chúng tôi chỉ đề cập vấn đề chung một cách ngắn gọn, chủ yếu là những gì liên quan đến cách viết i ngắn/ y dài, xoay quanh nguyên tắc ghi âm hay ghi ý.
Những người thiên về góc nhìn ngữ âm học cho rằng cả hai chữ i ngắn và y dài trong các trường hợp trên đều ghi âm /i/ nên bản chất không có gì khác nhau cả, vậy nên tốt nhất là nhập hai cách viết đó làm một cho nhất quán và giản tiện. Giáo trình Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt viết: “Trong chính tả hiện nay đang có những trường hợp cùng một âm vị nhưng được viết tùy tiện theo hai cách khác nhau. Đó là cách viết lung tung i/y và d/gi” (1). Và tác giả đề nghị: “Thống nhất viết nguyên âm – âm chính /i/ bằng chữ cái “i”, ví dụ: lí luận, kĩ thuật, mĩ thuật,…” (2). Không chỉ tác giả của giáo trình trên mà xu hướng chung của giới ngôn ngữ học nhiều năm qua là như vậy.
Nhưng xã hội cũng không dễ gì chấp nhận những đề nghị nói trên, dù có những lý do hợp lý nhất định. Tuy đại đa số không có lý thuyết về ngôn ngữ học, nhưng bằng ngữ cảm bản ngữ, người ta cũng nhận thấy viết nhất loạt i ngắn như mất mát, thiếu hụt cái gì đó, cho nên cách viết y dài vẫn được duy trì ở chỗ này chỗ khác. Chẳng hạn:
– Tại số nhà 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội có hai viện “chữ nghĩa” lớn nhất nước ta – Viện Văn học (với cơ quan ngôn luận là tạp chíVăn học) và Viện Ngôn ngữ (với tạp chí Ngôn ngữ) – thì trong khi bên Ngôn ngữ viết i ngắn, bên Văn học vẫn viết y dài.
– Nhà xuất bản Giáo dục quy định những trường hợp trên phải nhất loạt viết i ngắn. Tuy nhiên, khi các công ty con của nhà xuất bản ra đời, ban đầu tên công ty đều viết là ti (i ngắn), nhưng rồi càng ngày người ta càng nhận thấy bất tiện, nên đã dần dần đổi sang viết ty (y dài).
– Một số tác giả viết sách cho Nhà xuất bản Giáo dục, trong khi chấp nhận viết nhất loạt i ngắn cho sách giáo khoa, thì các sách khác vẫn đề nghị viết phân biệt i ngắn/ y dài.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trần Ngọc Thêm, lúc đầu cũng ủng hộ nhất loạt viết i ngắn, nhưng về sau chính ông đã nhận thấy, chỉ xét riêng về mặt văn hóa, đã không ổn. Góp ý cho sách giáo khoa lớp 4 mới (2005), ông chỉ ra việc nhất loạt viết i ngắn là một chủ chương cực đoan và không thích hợp, nhất là khi gặp tên riêng, vì ở đó phải tôn trọng truyền thống và tự do cá nhân. Và năm sau, NXB Giáo dục đã sửa cách viết tên riêng theo hướng này. (Viết Chương Mỹ, Lý Tự Trọng thay cho Chương Mĩ, Lí Tự Trọng)
Đặc biệt, học giả Cao Xuân Hạo, trong một giai đoạn dài đã đơn thương độc mã chống lại chủ trương sáp nhập i ngắn và y dài, cũng như chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ nói chung. Cái mà đa số giới ngôn ngữ học cho hệ thống ghi âm 1 đối 1 (1 âm – 1 chữ và ngược lại) là ưu điểm của chữ Quốc ngữ – thì ông đánh giá ngược lại: “Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong trường hợp các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt. Tuy vậy, cũng giống như chữ Anh và chữ Pháp, những chỗ bị người ta coi là bất hợp lý chính là những chỗ làm cho nó phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như da và gia, lý và lí (trong lí nhí). v.v.. Đáng tiếc là những chỗ như thế không lấy gì làm nhiều” (3).
Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích thêm những bất cập của chủ trương nhất loạt viết i ngắn và sự có lý của chủ trương bảo tồn sự phân biệt i ngắn/y dài.
Nếu vận dụng triệt để nguyên tắc ngữ âm học theo kiểu 1 – 1 giữa âm và chữ, thì ngoài i ngắn/ y dài trong âm tiết mở nói trên, sẽ còn phải xử lý “nhất quán” hàng loạt trường hợp khác. Ví dụ:
i/y độc lập làm âm tiết: y tế, chuẩn y, ý nghĩa, ỷ thế, yêu cầu, yếu thế yểu điệu,… → i tế, chuẩn i, í nghĩa, iêu cầu,… Vài/y trong tổ hợp làm vần: uyên bác, khuyên bảo, quyên góp, thuyết minh,… → uiên bác, khuiên bảo, quiên góp, thuiết minh,…
c/k/q (cùng ghi âm “cờ”): quốc ca, cứu quốc, con đường quanh co,… → kuốc ka, kứu kuốc, kon đường kuanh ko,…
d/gi (cùng ghi âm “dờ”): giáo dục gia đình → dáo dục da đình hoặc záo zục za đình
g/gh (cùng ghi âm “gờ”): gồ ghề, ghen ghét → gồ gề, gen gét
ng/ngh (cùng ghi âm “ngờ”): ngấp nghé, ngông ghênh → ngấp ngé, ngông ngênh
Ngoài ra còn nhiều trường hợp “bất hợp lý” khác: viết u và o khi cùng ghi âm đệm /u/: quanh/ khoanh; viết u và o khi cùng ghi âm cuối /u/: báu/ báo; viết ă và a khi cùng ghi âm chính /a/ ngắn: săn/ sau (trẻ con vẫn đánh vần “á-u-au, sờ-au-sau”. v.v..
Nếu sửa tất cả cho nhất quán, để chữ Quốc ngữ thành một “hệ thống ghi âm hoàn hảo, không chê vào đâu được”, hẳn sẽ có một thứ chữ Quốc ngữ “hiện đại” khác xa thứ chữ hiện hành. Hậu quả là khoảng vài chục năm sau nữa, con cháu sẽ không đọc nổi chữ Quốc ngữ kể từ thời chúng ta trở về trước!
Nhưng điều quan trọng hơn, nếu triệt để vận dụng nguyên tắc ngữ âm học như trên, tuy được một vài cái tiện nhất định thì lại mất rất nhiều cái lợi khác.
Thứ nhất, nó mất đi sự trong sáng. Ví dụ, nếu đồng nhất viết gia đình cũng như da thịt, lý sự cũng như lí nhí sẽ mất sự phân biệt nghĩa và mất cả sự đánh dấu về từ nguyên.
Thứ hai, nó mất đi sự phong phú. Chẳng hạn trong tên riêng, người ta có quyền lựa chọn để biểu đạt một ý nghĩa nào đó. Giữa tên là Tí với nghĩa là “bé” khác với Tý với nghĩa là “năm Tý, năm Chuột”. Hầu hết tên riêng người ta chọn y dài (gốc Hán) để thể hiện sắc thái trang trọng: chọn Hy (hy vọng), không chọn Hi (cười hi hi), chọn Kỳ (kỳ vọng), không chọn Kì (kì kèo), v.v..
Ngoài ra, trong một số trường hợp, nó mất đi vẻ đẹp văn hóa. Ví dụ giữa “công ti” và “công ty”, người ta thấy viết “công ty” hay hơn. Vì sao vậy? Vì chữ “ti” được viết trong “ti trôn”, rồi “ti” còn có nghĩa là “vú” (sờ ti). Viết “công ty” sẽ trang trọng hơn “công ti” là vì thế.
Đấy là điều giải thích vì sao cả nửa thế kỷ qua, với rất nhiều lời kêu gọi của nhiều nhà ngôn ngữ học, với hàng loạt giáo trình, sách giáo khoa chỉ ra sự “bất hợp lý” mà sự “bất hợp lý” vẫn tồn tại! Cuộc sống bao giờ cũng có sự lựa chọn khôn ngoan, chống lại những giáo điều, duy ý chí.
Sự duy ý chí ấy bắt nguồn từ đâu? Theo tôi, đó là việc việc vận dụng máy móc lý thuyết về chữ ghi âm, coi chữ chỉ là ký hiệu của âm: “Chữ ghi âm không quan tâm đến nội dung, ý nghĩa của từ mà chỉ ghi lại chuỗi âm thanh của từ đó. Chữ viết ghi âm là đại diện của ngữ âm chứ không phải ý nghĩa. Quan hệ giữa chữ và ý ở đây là một quan hệ gián tiếp mà âm là trung gian:chữ – âm – ý” (4) (Người trích nhấn mạnh).
Nhận định trên thực ra chỉ đúng trên nguyên tắc chung của loại hình chữ ghi âm, trong tương quan với phạm trù đối lập là chữ ghi ý. Nguyên tắc có giá trị lý thuyết, giúp cho nhận thức khái quát, đi vào những sự vật hiện tượng cụ thể lại phải xem xét một cách cụ thể. Thực tế bao giờ cũng phong phú hơn lý thuyết. Thực tế trên thế giới, theo nhiều nhà ngôn ngữ học, không có một thứ chữ nào thuần túy ghi âm, cũng như không có một thứ chữ nào thuần túy ghi ý. Theo chúng tôi, đành rằng chữ Quốc ngữ là chữ ghi âm, nhưng đấy là trên nguyên tắc chung, phần còn lại, tính chất ghi ý của nó cũng chẳng phải là nhỏ. Ngoài những ký hiệu và chữ viết tắt như m, m2, m3, kg, kw, kb, D, ^, %, <, >, &, @, v.v, XHCN, UBNN,… hiển nhiên đấy là chữ ghi ý thì hình thức chính tả “siêu phương ngữ” hiện hành là biểu hiện sinh động của tính chất ghi ý. Hình thức chính tả hiện nay được gọi là “siêu phương ngữ” vì nó không “trung thành” hẳn với phát âm của một vùng phương ngữ nào. Miền Bắc không phân biệt các âm đầu /ch – tr/, /x – s/, /d/gi – r/ khi nói nhưng khi viết vẫn phân biệt, cho nên hình thức (quả) chanh – (đấu) tranh, xinh(đẹp) – sinh (sống),… là những hình thức ghi ý; miền Nam không phân biệt các âm cuối /n – ng/, t – c/, các thanh hỏi – ngã, âm đầu /v – d/,… cho nên (ánh) trăng – (con) trăn, bắt (tay) – bắc (cầu), rủ (bóng) – rũ (xuống),… là những hình thức ghi ý. Vậy nên dù có sáp nhập các hình thức i ngắn/ y dài, d/ gi thì cũng chẳng thêm được bao nhiêu, thì cũng không sao đưa chữ Quốc ngữ thành chữ ghi âm hoàn toàn được. Nếu bây giờ trung thành với nguyên tắc “ngữ âm học” (nói sao viết vậy) thì tiếng Việt sẽ vỡ ra ít nhất thành hai mảng: tiếng miền Nam và tiếng miền Bắc. Nhưng người Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên chẳng mấy khó khăn khi viết chính tả, dù rằng rất nhiều chữ nói một đằng viết một nẻo, nói giống nhau mà viết khác nhau. Vì sao vậy? Thứ nhất vì chữ viết là một hệ thống, độc lập tương đối với hệ thống ngữ âm. Trong buổi đầu hình thành chữ Quốc ngữ, có thể đó là một hệ thống ký tự 1 đối 1 đối với hệ thống ngữ âm, nghĩa là khá “hợp lý”. Nhưng trong quá trình phát triển, ngữ âm và chữ viết đã biến đổi theo những con đường riêng, không hoàn toàn phụ thuộc vào nhau, cuối cùng tiến tới một hình thức như ngày nay. Thứ hai, do tính độc lập tương đối đó, chữ viết trở thành một kênh giao tiếp khác. Ngôn ngữ nói được tiếp nhận bằng thính giác, còn ngôn ngữ viết được tiếp nhận bằng thị giác. Theo Cao Xuân Hạo: “Khi một hệ chữ viết đã được dùng trong vài ba thế kỷ, nó trở thành một truyền thống văn hoá. Mỗi từ ngữ dần dần có một diện mạo riêng. Một gestalt mà người ta đã quen thuộc đến mức không thể thay đổi được nữa. Và cái gestalt thị giác do cách viết tạo nên được liên hội với cái nghĩa của từ ngữ bất chấp cách phát âm ra sao, và nhờ đó người đọc phân biệt các từ đồng âm mặc dù không có sự giúp đỡ của các tình huống đối thoại hay của sự hiện diện của người đối thoại…” (5)
Gestalt là một thuyết tâm lý học. Nghĩa của từ này trong tiếng Việt tuơng đương các từ “hình thể”, “hình dạng”, “phom”, “diện mạo tổng quát”. Thuyết gestalt được áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Riêng về nhận thức, nó cho rằng sự tri giác của con người không phải là sự đơn lẻ, lần lượt mà có tính tổng hợp, toàn bộ, tức thời (cho nên có người dịch là thuyết “hoàn hình”). Ví như ta nhận ra một người quen không phải lần lượt bằng từng nét riêng rẽ (mắt, mũi, dáng điệu,… ) rồi cộng lại, mà nhận ra toàn bộ diện mạo một cách đồng thời. Trong việc đọc cũng vậy, không phải bằng “đánh vần” từng âm, ghép các âm lại rồi mới luận ra nghĩa, mà cái nghĩa đến ngay khi tri giác toàn bộ “mặt chữ”, cũng không cần “vang lên” bất kỳ một âm thanh nào. Nói cách khác, từ chữ, cái ý (nghĩa) đến thẳng, không cần qua “cầu” trung gian là âm.
Tóm lại việc duy trì hai hình thức i ngắn/ y dài có lý do sâu xa trên nhiều phương diện. Còn về việc khó khăn khi viết thì hoàn toàn có thể khắc phục được. Thực ra thì hầu hết đã có quy tắc (6), chỉ còn lại trường hợp khi chúng làm âm tiết mở sau các phụ âm /h, k, l, m, s, t/ sẽ nói dưới đây.
Trường hợp đứng sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/, về cơ bản, cũng đã hình thành một thói quen: viết i ngắn khi là từ thuần Việt; viết y dài khi là từ Hán Việt. Bây giờ chỉ cần chuẩn hóa thói quen đó. Bảng dưới đây liệt kê một số trường hợp trong đối sánh các từ đồng âm (trường hợp không có từ đồng âm, dùng ký hiệu X; các yếu tố Hán Việt đồng nghĩa chỉ nêu 1, 2 trường hợp, ví dụ: ly – “lìa ra”: ly hôn).
Phụ âmTừ thuần ViệtTừ Hán Việt
h(cười) hi hi
(mắt) ti hí, hí hoáy
hỉ mũi, hủ hỉ, hỉ hả
hy vọng
du hý, hý trường, hý viện
hiếu hỷ, hỷ xả, song hỷ
kkì cọ, kì kèo
kí cóp, kí (kilôgam)
X
X
kĩ tính, kĩ càng
kỳ vọng, kỳ thi, ly kỳ, quốc kỳ
du ký, chữ ký, ký âm, ký giả; ký sinh
đố kỵ, kỵ binh, ngày kỵ (giỗ)
kỷ luật, kỷ yếu, kỷ niệm, thế kỷ
kỹ nữ, kỹ thuật, tạp kỹ
lli (milimét), li (cốc), (giấy) ô li, li (quần), li bì, li ti
lì lợm, nhẵn lì, lì xì
(điệu) lí, (nói) lí nhí
(đã bảo mà) lị
(quẻ) ly, ly hôn
X
lý thuyết, hương lý, hải lý
tỉnh lỵ, kiết lỵ
m(bọn) mi, mi ca, nốt mi
mì (sắn), bột mì, mì chính
mụ mị
X
tu my
nhu mỳ
mỵ dân
mỹ thuật, mỹ tửu, mỹ mãn
scây si, nốt si
đen sì, sì sụp
mua sỉ
X
ngu sy, sy tình
X
sỷ nhục
sỹ tử, sỹ phu, sỹ diện
tđinh ti, ti trôn, (bé) ti ti, ti toe
tì (tay), tì vết, (uống) tì tì
tí hon, tí tách, tí toáy
tỉ tê, tỉ mỉ, (khóc) tỉ ti
tị nạnh
ty (sở), tự ty, công ty
tỳ (lá lách), tỳ bà, tỳ thiếp, tỳ tướng
(năm) tý
tỷ lệ, tỷ dụ, tỷ thí
tỵ nạn, (năm) tỵ




Sẽ có người băn khoăn: làm thế nào để nhận biết từ Hán Việt, từ thuần Việt? Thực ra bằng ngữ cảm bản ngữ, nói chung mỗi người đều có thể nhận ra, cũng giống như biết rằng khi nào dùng từ phu nhân, khi nào dùng từ vợ, khi nào dùng phụ nữ, khi nào dùng đàn bà. Về cách phân biệt Hán Việt/thuần Việt, chúng tôi sẽ đề cập vào một dịp khác, ở đây chỉ nêu một quy tắc thông dụng nhất: Yếu tố thuần Việt có thể dùng độc lập, còn đa số yếu tố Hán Việt thì không. Ví dụ nói hai nước chứ không nói hai quốc.
Nhưng vấn đề nhận biết Hán Việt/ thuần Việt cũng không quan trọng lắm. Nếu đã chuẩn hóa và các sách báo làm gương thực hiện thì cách viết i hay y dần dần sẽ trở thành những gestalt trong đầu óc mỗi người, và việc viết đúng đã được tự động hoá, cũng giống như xưa nay mọi người vẫn viết đúng y tế/ (lớp) i tờ, ỷ thế/ ỉ eo, ý nghĩa/ í ới mà không cần phải suy nghĩ gì.
Đối với các thuật ngữ gốc nước ngoài và tên riêng nước ngoài thì nên để chữ này như trong nguyên ngữ. Ví dụ: hydrogenium -> hy-đrô; histamine -> hi-xta-min; Myamar -> My-an-ma; Midway -> Mít-guây.
Đối với một dân tộc, trong vài ba thế kỷ, mỗi từ ngữ sẽ dần dần có một diện mạo riêng, một gestalt, thì với một con người, nhiều nhất cũng chỉ dăm bảy năm (cứ cho là học hết lớp 9), cũng đủ hình thành cái gestalt thị giác cho mỗi chữ – nghĩa, và việc viết đúng chính tả i/y là không mấy khó khăn.
Cần sớm chuẩn hóa vấn đề này. Vì nếu i ngắn được “nhất loạt hóa” như một số cơ quan báo chí, xuất bản hiện nay sẽ tạo điều kiện lối viết tùy tiện, bất chấp nghĩa. Lâu ngày cái gestalt ấy được định hình, muốn quay trở lại để phân biệt (nghĩa) cũng không được nữa.
_____________
(1) Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, 2003, tr.123.
(2) Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến. Sđd, tr.123.
(3) Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt – văn Việt – người Việt. Nxb Trẻ, 2003, tr.113.
(4) Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến. Sđd, tr.120.
(5) Cao Xuân Hạo. Sđd, tr.110.
Bài viết này được tác giả trình bày tại Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc năm 2010, Trường ĐHKHXH&NV, ngày 18/4/2010 và đăng trên tạp chí Thế giới trong ta số chuyên đề 3 + 4 (2010).


NGUỒN:http://www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/Van-de-phan-biet-viet-i-ngan-va-y-dai--6-36.aspx?fb_action_ids=10203605916902957&fb_action_types=og.likes

NGƯỜI KHÔ NƯỚC MẮT





Nơi xóm nhỏ của một tỉnh hơi xa, cái nơi còn có người vẫn chưa biết đến Sài Gòn, huống hồ chi nơi thủ đô xa xôi. Dân chúng phần lớn sinh sống nhờ vào núi, xin nói rõ hơn là khai thác (thủ công) đá của núi.

Họ làm đủ thứ, từ đơn giản như đập đá cho nhỏ ra để dùng làm vật liệu xây dựng, cho đến công việc đòi hỏi phải có kỹ năng, khéo tay và óc thẩm mỹ: đó là nghề tạo tác đá mỹ thuật. Và nơi đây đã cho ra những sản phẩm hay cũng không ngoa nếu gọi là tác phẩm, những sản phẩm có tiếng tăm này còn được xuất khẩu ra nước ngoài như đèn đá, các bức tượng tôn giáo, tượng tứ linh (long,lân,qui,phụng)... Có lúc người ta còn thấy có những món hàng được đặt bởi nơi đâu không biết cả một cái bồn tắm (?) có thể chứa hai người cùng vào, hoàn toàn bằng đá nguyên khối được khoét rỗng!

Thật ra cũng không có gì đáng phải vui mừng đâu! Đá nặng như vậy, xa xôi như vậy, rồi cước vận chuyển vượt đại dương, thuế xuất và nhập khẩu, cộng thêm các thứ chi phí “hữu hình” lẫn “vô hình”. Vậy mà vẫn có người đủ tiền mua về để xử dụng. Một ông lão có tuổi, có lẽ là dân lâu năm trong nghề, thân hình tuy rắn chắc nhưng gầy gò và đen nhẻm, ông ngưng tay đục đá và mở miệng cười chua chát nói với vài người cũng đang làm công việc như mình:

- Không biết sao có người giàu quá!? Còn mình quần quật quanh năm chỉ kiếm đủ cơm!
Có người đàn ông cũng là thợ đá, độ ngoài bốn mươi tuổi lên tiếng với ông lão:

- Ông Ba có cháu nội là Việt kiều về, có tiền đô xài sướng quá còn than thở và đi đẽo đá làm chi? Hơn nữa ông còn có bằng Tú Tài trường Tây!

Ông lão cười hiền hậu và đầy cảm thông:

- Chú Sáu đâu biết, thằng cháu tôi nhờ học giỏi được học bổng của nước ngoài đi du học, giờ trở về thăm quê, chớ nó vẫn còn quốc tịch Việt Nam mà. Còn cái chuyện bằng Tú Tài Tây thì dài lắm chú nó ơi…. Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, thoáng buồn ông nói tiếp:

- Người ta chỉ cho tiền học phí là quan trọng và “nặng” nhất, còn thằng nhỏ phải làm thêm để sống được và học được nơi xứ người, cũng không dễ dàng gì đâu. Sáng nay nó có việc đi thành phố, tôi ra đây ráng làm một chút cho xong con lân này để lãnh tiền, chiều tôi phải nghỉ rồi, làm việc lương thiện kiếm cơm chớ đâu có ăn cắp, ăn trộm gì mà giấu thằng cháu làm chi! Nhưng nó ở nước ngoài về thấy mình già rồi mà còn làm lụng cực nhọc sợ nó buồn….
* * *

Cái xóm đập đá này nằm trên vùng đất cao dưới chân núi, lại có một mô đất cao, trên mô đất này lại có một gốc sung già từ lâu lắm rồi không ai để ý. Hình như gốc sung đã có vào quãng cuối năm 75, lúc người dân đến đây cuốc mảnh đất khô cằn này để trồng khoai mì hầu tăng gia sản xuất lương thực. Vậy mà đã mấy mươi năm rồi, dòng đời và vận nước đã có quá nhiều buồn vui, thay đổi….

Mới mấy năm trước tự nhiên từ đâu đến có nhiều người tới hỏi mua đất, dân trong xóm bán hầu như gần hết vì cái thứ đất vườn không ra vườn ruộng cũng không ra ruộng này để làm chi? Bên dưới sâu có đá đấy, nhưng đó là tài nguyên khoáng sản, nhà nước quản lý, muốn khai thác phải có vốn lớn, nhất là phải xin phép đâu tận ngoài Hà Nội. Dân đen thế là thua.

Đùng một cái không biết từ đâu (!) có cái “quy hoạch” làm một con đường nhựa ngon lành chạy ngang qua. Dân ở đây hiểu ra thì đất của họ còn không đáng là bao, hoặc tệ hơn có người bán hết đất nên không còn gì, phải đi ở nơi khác!

Thế rồi những ngôi nhà xinh đẹp, cao tầng xuất hiện. Thậm chí là những ngôi biệt thự như ở nước ngoài với tường cao bao bọc, hoa viên cây xanh, hồ bơi v…v…, lần lượt… mọc lên như có phép thần! Một nhóm “nhà giàu mới” tới đây sinh sống. Họ đi làm, đi chơi, đi siêu thị, thậm chí đi đền đi chùa cũng bằng xe hơi đủ thứ đủ kiểu, biển số trắng lẫn biển số xanh….

Cũng nghe đâu người nhà của những gia đình giàu có này nhà nào cũng có người làm trong ngành khai thác tài nguyên quốc gia: hoặc dầu khí, hoặc than đá, khoáng sản, hoặc thủy điện…

Chỗ gốc sung không biết từ khi nào lần lần biến thành nơi đổ rác của những gia đình giàu có này. Rồi việc gì đến phải đến, vào mùa khô năm rồi đống rác bị cháy, hôm đó ngày nghỉ học, nhờ đây là bãi đất trống – nơi chơi đùa của bọn trẻ trong xóm – nên có bọn nhỏ hô hào cùng với mấy người lớn trong xóm xúm nhau dập tắt đám cháy. Vậy mà cây sung cũng bị cháy xém một mảng vỏ lớn bên thân.

Tội nghiệp đám trẻ xóm nghèo, thấy tụi nhỏ chia nhau từng trái sung chấm với muối ớt mà thấy thương! Tụi nó tự nguyện đưa ra định mức, không đứa nào được ăn quá… bốn trái sung. Phải đồng lòng giữ cho cây sung còn trái, để đứa nào cũng có trái sung mà nhấm nháp và điều quan trọng là có những chùm sung tươi tốt chưng trên bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết.

Thời buổi bây giờ chỉ mấy đứa nhỏ nhà nghèo mới ăn thứ trái chát ngắt này thôi, nhưng một phần có lẽ cũng nhờ là sản vật “cây nhà lá vườn” nên làm tụi nhỏ vui miệng chăng?

Nhưng đến mấy ngày cuối tháng Chạp thì có chuyện đáng nói xảy ra. Không biết do đâu mà trong xóm “nhà giàu mới” phát hiện ra cây sung đang lúc ra trái, những chùm trái không thể sum suê như năm trước vì mới “hồi sinh” sau trận cháy! Thôi thì hết người này đến người kia cùng nhau xông ra “vặt” sạch những trái sung. Có người đi siêu thị hay đi chợ gì đó, khi về còn chạy xe con vào tận gốc sung để hái trái. Thậm chí còn gọi điện thoại di động í ới chỉ đường cho người quen nơi khác (!) đến tham dự vào việc “tận diệt” cây sung.

Nghe họ vô tư nói chuyện với nhau mà phát tức! Nào là cây sung này mọc trên mô đất cao, thuộc một khu đồi cao nên đón ánh mặt trời trước tiên (?), vì vậy những trái sung hấp thụ khí âm dương nhiều nên hái để chưng trên mâm ngũ quả trong ngày đầu năm sẽ rất may mắn và đem đến nhiều tài lộc. Nhất là những người này đã quên đi công lao giữ gìn của mấy đứa nhỏ bấy lâu nay, trân tráo nói rằng cây sung mọc tự nhiên trên đất công cộng nên họ có quyền hái, hái bao nhiêu tùy thích!

Chiều hôm đó lũ trẻ như thường lệ, kéo nhau ra khu đất trống – cạnh gốc sung – chơi. Nhìn gốc sung trơ trụi, cành lá xác xơ tụi nhỏ như muốn khóc. Tại sao những người người lớn giàu sang, có trình độ (trong các gia đình này nhà nào cũng có người đi “làm việc” cả) lại hành động như… như vậy?!

Quá tức tối, thằng nhỏ lớn nhất trong đám – học đâu độ lớp 7, lớp 8 gì đó – lượm một miếng thùng giấy và cục than (còn lại từ trận cháy trước) viết mấy chữ và treo lên gốc cây sung. Có lẽ một phần gì quá uất ức lại trẻ người non dạ, một phần có thể vì ảnh hưởng cách hô khẩu hiệu (?), nó đã viết mấy chữ có vẻ “dao to búa lớn”: “Tài nguyên của chung”. Treo miếng thùng giấy lên cây sung xong, sau đó bọn trẻ nhà quê thật thà chất phác tưởng rằng thế là có thể bảo vệ được cây sung, nên có phần hả hê quay trở về nhà….

* * *

Đêm nay thằng cháu ông Ba sẽ lên máy bay trở ra nước ngoài tiếp tục học chương trình sau Đại Học. Buổi chiều, sau bữa cơm hơi đặc biệt và đậm đà hương vị quê nhà, hai ông cháu từng bước hướng lên vùng đất cao, và dừng lại bên gốc sung già. Ông trìu mến, âu yếm nhìn đứa cháu giỏi giang của mình rồi cất tiếng:

- Ông còn nợ cháu một câu góp ý về việc sau khi học xong cháu sẽ nên đi làm nơi đâu?

Đứa cháu im lặng chờ đợi câu nói mà mấy ngày nay biết ông mình đã suy tư nhiều. Ông già chợt nhíu mày nhìn gốc sung, tấm bìa giấy ghi “Tài nguyên của chung “đã được ai đó láo lếu gạch bỏ chữ chung và viết lên trên một chữ “tao” rất to!. Như vậy tài nguyên của chung đã trở thành “Tài nguyên của tao”. Thật trơ trẻn và nực cười! Ông nghiêng người nhìn khoảng vỏ đã biến thành mảng thẹo thật to trên thân cây sung (hậu quả của trận cháy bãi rác vừa rồi) và chậm rãi như nói từng lời:

- Ông sẽ rất giận nếu cháu quên quê hương, đất nước….

Ông đưa tay chỉ gốc sung và kể cho cháu nghe đầy đủ “câu chuyện” về gốc sung, xong ông mới nói tiếp:

- Cháu học Kinh Tế phải không? Nếu cháu và thêm nhiều bạn bè nữa, đem mấy cái bằng Tiến Sĩ về đây, gặp chuyện như chuyện gốc sung này thì có làm được gì không?
Ngừng vài giây, nhìn đứa cháu rồi ông tiếp:

- Hiểu rộng ra, ông không nói chuyện nào khác, chỉ nói mỗi chuyện nhỏ này thôi: Nếu khi mà “Tài nguyên của chung” bị thao túng bởi “Nhóm lợi ích riêng” thì bao nhiêu cái bằng Tiến Sĩ liệu có giúp gì cho dân nghèo hay không? Đó là chưa kể cháu cũng thừa biết hiện giờ trong nước từ Bắc, Trung cho đến Nam đâu phải không có người tài giỏi, đức độ? Đâu phải không có người nặng lòng với dân tộc với đất nước?

Rồi không biết có phải muốn thử lòng đứa cháu mình hay không, ông nói tiếp:

- Các tài nguyên dễ nhìn thấy như dầu khí, đất đai…, thì người ta tranh nhau còn có thứ tài nguyên rất quý giá khác thì lại coi nhẹ, cháu có biết là gì không?
Quả thật không hổ danh “con nhà tông“, đứa cháu cười nhẹ bằng một nụ cười buồn, nói:

- Theo cháu hiểu, đó có phải là trí tuệ, là “chất xám” của con người?
Và rồi đứa cháu lên tiếng, không biết có phải để hiểu thêm những suy tư trong lòng của ông mình không:

- Cháu thấy đất nước mình giờ cũng phát triển nhiều chớ. Đường sá, công viên, trường học, bệnh viện… mở mang nhiều… , người dân giàu có hơn, sáng sáng, nhất là vào cuối tuần người ta còn đi uống cà-phê bằng xe hơi du lịch, xe đậu đầy trước quán… .

Ông Ba làm sao không hiểu lòng dạ cháu mình, nhưng ông vẫn nói:

- Nhưng mà cháu ơi! Nếu tài nguyên, lợi tức quốc gia không bị thất thoát, được phân phối công bằng thì đất nước còn phát triển nhiều hơn nữa, người còn nghèo sẽ đỡ nghèo hơn!
Trong bóng chiều, ánh mắt người cháu nhìn ông mình đầy thán phục, còn ánh mắt người ông thì ngời sáng lên môt niềm hạnh phúc.

* * *

Đêm hôm đó cả nhà ông Ba đưa đứa cháu ra sân bay. Lần này ông lại vẫn “lẩm cẩm”nhắc đi nhắc lại với đứa cháu: “Dù gì ông cũng không còn sống được bao lâu, nhưng ông sẽ rất giận nếu cháu quên quê hương đất nước của mình, và hãy nhớ những gì ông nói nhé!”

Mấy năm sau, nghe đâu cháu ông Ba có liên lạc về nhà, có ý muốn làm thủ tục bảo lãnh gia đình, người thân ra nước ngoài đoàn tụ, đương nhiên trong đó có ông Ba. Nhưng ông đã từ chối không làm hồ sơ, dù sau đó có mấy người thân đã ra nước ngoài, riêng ông chọn ở lại.

Ông nói với mọi người rằng nếu có cơ hội ông cũng sẽ ra nước ngoài để thăm con cháu. Riêng phần mình, ông thấy bản thân đã lớn tuổi rồi, nên ở lại với mảnh đất này thôi.

Có hôm buồn buồn, một mình ông Ba đi đến xưởng đá lúc trước mình đã từng làm, (bây giờ thì ông đã nghỉ công việc đục đá rồi) ông gặp những người quen cũ để nói chuyện, nhìn ngắm những khối đá, những tuyệt phẩm bằng đá đã có thời gắn bó với ông. Một người trong nhóm thợ sau khi mời ông ngồi xuống uống nước đã thân tình cất tiếng hỏi:

- Ông Ba ơi! Con, cháu ông ra nước ngoài hết ông sống một mình có buồn không? Có khi nào ông… khóc k..h..ông?
Biết rằng người ta nói đùa với mình cho vui, nên ông vẫn cười vui và trả lời:

- Bao nhiêu năm nay tôi không còn khóc nữa, tôi đã là “người khô nước mắt” rồi! Hồi má tôi mất, tôi buồn lắm, nhưng cũng đâu có khóc. Đến năm 88, đứa con út đi theo bạn bè ra biển, đến bây giờ vẫn bặt vô âm tín! Nhưng mà tôi nghe thấy chú than thở nảy giờ nhiều rồi đó – tay ông chỉ vào con rồng đá mà nhóm thợ đang làm dang dở – rồi cười nhè nhẹ nói:

- Nếu mình tạc nguyên con rồng đá không được thì cố gắng làm công việc gì đó nhỏ nhỏ, dễ dễ thôi, thí dụ như tạc cái móng rồng. Nếu ngồi đó mà than vắn thở dài, kể lể nọ kia, như vậy là chú cũng… “khóc” đó!
Rồi không biết nghĩ sao, ông nhìn về phía một người thợ khác và nói tiếp:

- Như chú Bảy đây mới được, tuy than khó nhưng vẫn bền chí làm từng chút một….
Câu nói bông đùa của một ông già làm mấy cậu thợ trẻ phá lên cười vui vẻ, vô tư. Nhưng vài người lớn tuổi không hiểu sao lại chỉ nhìn nhau im lặng… . Riêng ông Ba sau câu nói vui lại không có lấy một cái hé môi cười, cũng im lặng mắt nhìn về phía xa xa….

Huỳnh Văn Huê
(Truyện còn có tựa là: “Bên Gốc Sung Già” – 4 / 2011 )

Người đánh giày câm và chú chó mù trên đường phố SG.



Người đàn ông bị câm ôm chú chó mù đi đánh giày khắp nơi như một nốt lặng giữa thành phố huyên náo, xa hoa...
Người đàn ông chúng tôi nhắc đến trong phóng sự ảnh dưới đây là anh Trần Khắc Ân (SN 1977, quê An Giang. Anh làm nghề đánh giày, sống quanh phố Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn, Thi Sách (Q1, TP.HCM) hơn 9 năm nay.

Người bạn nhỏ của anh là chú chó mù, suốt ngày bên nhau, những lúc mưu sinh, khi ăn, ngủ...Hai 'số phận' khốn khó nương tựa vào nhau - một câu chuyện tưởng như chỉ tồn tại trong cổ tích.


Người đàn ông bị câm làm nghề đánh giày và chú chó mù mưu sinh hàng ngày trên phố Thái Văn Lung.














Đôi bạn luôn quấn quýt bên nhau như hình với bóng, nương tựa vào nhau.


Công việc hàng ngày của anh Lung





Những người sống quanh phố là khách hàng thường xuyên của anh Ân rất quen thuộc hình ảnh: anh đánh giày câm và chú chó mù...


Mải mê làm việc nhưng anh vẫn không rời mắt khỏi người bạn nhỏ của mình


Chú chó cũng vậy, chẳng bao giờ rời xa người chủ


Chủ nghèo, nhưng thức ăn của anh bạn nhỏ lúc nào cũng luôn sẵn sàng...


Gia tài của anh Ân là chiếc balô quần áo và chú chó mù thân yêu. Hành trang ấy theo anh đi khắp phố phường Sài Gòn để mưu sinh


Anh Ân giới thiệu chỗ ngủ của mình được ông chủ khách sạn cho tá túc mỗi đêm


Chú chó quấn quýt bên anh ngay cả khi ngủ


Hai mắt không thấy gì nhưng chú chó vẫn thức 'trông đồ' cho chủ


Hình ảnh chú chó ngủ say bên chiếc hộp đánh giày của người chủ


Và...cứ thế, đôi bạn ngày qua ngày cùng nhau đi khắp phố phường Sài Gòn mưu sinh


Đinh Tuấn

Thay lời muốn nói



   

Quý cô than thở với bạn hàng xóm trong chung cư:

– Tôi thực sự cảm thấy mình chẳng còn chút hấp dẫn nào cả.

– Sao chị lại nghĩ thế?

– Tối qua, tôi đang khỏa thân đi lại trong căn hộ của mình thì thấy một người đàn ông ở lô đối diện đang nhìn sang.

– Sao nữa?

– Tôi vội lao về phía cửa sổ để đóng lại, nhưng anh ta đã… đóng trước tôi!



Thiên Khôi (DNSGCT)

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Một mùa tuyển sinh không tiền khoáng hậu


Chưa bao giờ có cuộc tuyển sinh lạ lùng nhất không thể tìm thấy nơi nào trên quả địa cầu này ngoài Việt Nam.


GS Võ Tòng Xuân hiến kế đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 sẽ đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam như là một cơn hãi hùng không những đối với thí sinh và phụ huynh ăn ngủ không yên, tốn bạc triệu đi tới đi lui xem kết quả tạm thời và chờ đợi rút hồ sơ..., mà còn đối với Hội đồng tuyển sinh của các trường cao đẳng và đại học phải làm việc không nghỉ.

Nhưng người ngồi không yên nhất có lẽ là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì đây là nguồn gốc của tất cả khó khăn.

Đây là hậu quả của cách quản lý tập trung quá cao độ, bất cứ một quyết định nào cũng phải do Cục này chấp thuận, không cho trường có chút sáng kiến nào.

Sự thay đổi cách tuyển sinh đại học, cao đẳng theo "ba chung" là một việc rất cần thiết mà xã hội mong muốn từ nhiều năm nay.

Sau cùng nhờ quyết định sáng suốt của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đổi mới, soạn quy chế cho tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015.

Theo đề nghị của nhiều chuyên gia giáo dục, sự đổi mới nằm trong mong muốn của Đại Hội Đảng Toàn quốc suốt trong ba nhiệm kỳ IX, X và XI, cần được cụ thể hóa theo một lộ trình rất lôgic nhưng đơn giản.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015
Khâu thứ nhất là tổ chức tốt nghiệp phổ thông: không nên tổ chức quá rườm rà, căng thẳng, tốn kém mà cuối cùng kết quả phần đông học sinh đậu tỉ lệ quá cao một cách rất vô lý, thay vào đó các trường THPT chỉ nên xét học bạ của từng học sinh, nếu không có môn nào rớt trong suốt thời gian học phổ thông thì cho họ Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp THPT.

Không tốn kém bao nhiêu mà kết quả tương đương với tổ chức thi THPT Quốc Gia quá tốn kém về kinh phí và sức người tham gia như vừa qua.

Khâu thứ hai là xét tuyển vào đại học, cao đẳng: Mỗi học sinh đã có Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp THPT phải có thêm một Giấy Chứng Nhận Đủ Trình Độ Vào ĐHCĐ do một Trung Tâm Khảo Thí cấp.

Trung Tâm Khảo Thí được Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập tại các cụm tỉnh khắp nước (có thể đặt tại một trường đại học của vùng).

Các Trung Tâm Khảo Thí này sẽ tổ chức thi lấy Giấy Chứng Nhận Đủ Trình Độ Vào ĐHCĐ mỗi năm 2 lần, dùng đề thi trắc nghiệm là chính, lấy từ bộ đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mỗi thí sinh đến Trung Tâm gần nhà mình nhất đăng ký xin thi lấy Chứng Chỉ A, B, C, D… tùy ngành học mà họ hằng mơ ước.

Thí sinh có thể yêu cầu bao nhiêu bảng kết quả điểm thi thì đóng tiền bấy nhiêu, tùy họ muốn nộp đơn vào bao nhiêu trường để xin vào học.

Tâm lý của phụ huynh và thí sinh là muốn nộp đơn cho nhiều trường cùng có ngành học lý tưởng của họ, xác suất vào được một trường sẽ lớn hơn chỉ được nộp ở một trường.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học nội vụ trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 tại ĐH Nội Vụ Hà Nội
Khâu thứ ba là nhập học: Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định một ngày nhập học cho tất cả thí sinh được nhà trường thông báo trúng tuyển. Đến ngày này, thí sinh nào không vào học theo Giấy Báo Trúng Tuyển của trường này thì cũng có nghĩa là thí sinh này đã chọn trường khác rồi.

Các thí sinh ảo sẽ bị loại ra một cách rõ ràng khỏi danh sách trúng tuyển đợt 1 này. Các trường không có đủ thí sinh trúng tuyển đợt 1, sẽ lấy tiếp những thí sinh có điểm thấp hơn kế tiếp, hoặc tuyển mới đợt 2.
Lộ trình đơn giản, rõ ràng như thế dễ thực hiện, không tốn thời gian và tiền của của phụ huynh và thí sinh.

Lộ trình này không cần những tập trung quyền hành quá đáng vào Cục Khảo Thí như quản lý điểm thi của từng thí sinh, buộc thí sinh chỉ nộp đơn vào trường theo NV1 và bắt phải chọn 4 ngành học khác nhau trong trường đó.

Điều này triệt tiêu ước mơ ngành học lý tưởng của thí sinh (đáng lẽ là cho thí sinh nộp đơn vào 4 trường có cùng ngành lý tưởng, thì nay Bộ lại bắt nộp vào 1 trường và phải chọn 4 ngành trong trường đó không hoàn toàn theo lý tưởng).

Đây là một quy chế rất sai lầm, phản khoa học, làm hại tương lai của thanh niên ta. Việc quản lý điểm thi của tất cả các thí sinh toàn quốc cũng là một sai lầm quá lớn.

Cục Khảo Thí sợ điểm bị lộ, phải sử dụng phần mềm của Bộ để giữ đến nỗi bị nghẽn mạch ngay trong mấy phút đầu; một thí sinh muốn rút đơn ra cũng quá khó khăn vì dữ liệu của mình chưa được xóa.

Tội nghiệp vô cùng cho các gia đình ở tỉnh lẻ đưa con vào TP.HCM hoặc Hà Nội, đi đi về về nhiều lần vẫn thấp thỏm, lo rút đơn mà không được.

Sự hỗn loạn này đã khiến Bộ phải ra thông báo chỉ thị thường xuyên, vì các trường không ai dám vi phạm quy chế, dù quy chế không hợp lý, hành hạ người dân.

Cuộc xét tuyển đại học, cao đẳng 2015 ở NV1 kéo dài gần 20 ngày mà chưa biết kết quả ra sao, cả xã hội đều lo sợ, phập phồng.
Cũng nên nói thêm một vô lý khác của Cục Khảo Thí là tuyên bố cho các trường nào muốn hưởng quy chế xét tuyển theo học bạ thì phải đăng ký để Bộ cho phép tuyển như thế.

Do đó nhiều trường "chạy" được sự đồng ý của Bộ, đã mạnh dạn quảng cáo trên báo chí: "Tại sao bạn phải lo lắng học thi THPT Quốc Gia làm gì? Hãy nộp đơn vào trường XYZ chỉ cần xét học bạ của bạn mà thôi."

Nhưng rồi thì quyết định đó không áp dụng được vì quy chế mới là thí sinh phải có bằng THPT!

Chúng ta rất mong những nghịch lý trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 sẽ được thay thế bằng cách làm lôgic hơn để trong các năm tới học sinh Việt Nam và phụ huynh không trải qua một trận kinh hoàng như năm nay.

chết và sống



 1.Tôi còn nhớ lời tựa của Xuân Diệu viết cho tuyển tập Tản Đà do Nhà xuất bản Văn học ấn hành từ rất lâu, có câu “…Thói thường ở đời là người ta hay làm cho người sống chết đi và thích làm cho người chết sống lại”. Lúc ấy tôi cứ ngơ ngơ không thể hiểu hết sự sâu sắc trong câu nói của Ông. Làm sao có thể hiểu ngay được . Đó là sự tổng kết của đời người mới cho ra được một kết quả ngắn gọn nhưng mang tính đúc kết có tính qui luật như vậy. Mãi rồi mới hiểu ra rằng rằng những việc làm đó đều là làm cho người sống chứ chưa bao giờ vì người chết cả. Con người tử tế bị làm cho chết đó, nếu sống tiếp có thể tổn hại đến lợi ích của người đang sống cùng. Còn chết đi rồi, không hại được ai, tôn vinh người tử tế thì thu được nhiều thứ quyền lợi, mà trước nhất là thu được tình cảm của tất cả những người thân và bạn bè của người đã khuất.

2. Tôi biết không ít chuyện có những đứa con hắt hủi cha mẹ già, thậm chí còn đuổi mẹ ra đường ngay ca trên đất Hà Thành này. Nhưng khi mẹ chết thì được làm ma rất to, thằng con từng đuổi mẹ đó khóc lóc thảm thê. Việc làm ấy chẳng phải do lòng hối hận, mà là cú kinh doanh cuối cùng trên cái chết của mẹ nó để kiếm lợi. Lợi gì thì chắc ai cũng biết. Có một người từng là đồng môn của tôi giữ đến chức chủ tịch Huyện. Thời cầm quyền, ông làm khá nhiều điều sai trái để vơ vét. Bố ông ta là một Đảng viên lão thành cương trực, thấy con làm bậy nên đã nhiều lần can ngăn. Thế là bị thằng con đồng chí ấy nghiến răng đay lại: “Thôi đi cụ Khốt, cụ ngồi yên cho tôi nhờ!” Uất quá ông cụ làm giấy từ mặt thằng con khốn nạn gửi lên Uỷ ban Xã. Thằng con cười xuê xoa ở nơi công quyền rằng ông già hơi lẩm cẩm, mọi người đừng nghĩ sai về tôi. Nhưng về nhà nó chỉ mặt bố: “Là ông bày ra đấy nhé. Sau này ốm đau già lẫn đừng có mà gọi tôi”. Cách đây mấy năm, ông bố chết, ông Chủ tịch ấy lấy cớ mình là con trưởng rước xác bố về nhà làm ma thật to, khóc bố thật thảm thiết. Quan khách trên tỉnh, ở huyện và dưới xã nườm nượp phúng viếng ba ngày, ai cũng khen ông là người hiếu đễ. Sau này nghe người dân phố huyện kháo nhau: Nó bán xác bố nó được gần năm trăm triệu! Đến bố vợ chết nó cũng còn kiếm được hơn ba mươi triệu cơ mà. 

3. báo TTVH, trong bài Hãy nâng niu các “M.J” khi còn sống viết “Michael Jackson (MJ) chết, tất cả chỉ còn lại nỗi tiếc thương, nhưng nhiều nghệ sĩ cho rằng tiếc thương phỏng có ích gì khi lúc còn sống MJ đã bị dư luận chà đạp không thương tiếc”. Nghĩa là ngay ở Phương Tây, nơi nước Mĩ được cho là đất nước số một của tự do, nhưng con người cũng vẫn không nằm ngoài qui luật xấu chơi của người đời. Vì sự hám lợi đồng tiền, vì sự ích kỉ, một bộ phận con người trên trái đất này luôn sẵn sàng làm tất cả những việc nhẫn tâm nhất để trục lợi cho mình. Chẳng thế, Xuân Diệu đã từng phải viết: trái đất ba phần tư nước mắt/ bay như một giọt lệ giữa không trung.

Đỗ Đức
Read more at: http://www.dongngandoduc.com/2015/08/chet-va-song-2/

Phúc Âm Mưa



Héo khô đất trời đại mạc
Với tay tìm hư ảnh Đào Nguyên
Than ôi…
Hư ảnh tiếp kề hư ảnh
Trái tim cạn kiệt sầu bi
Độc tố chốn thiên đường
Hư ảnh hỉ lạc
Hư ảnh ánh dương xuân


Mưa…
Mưa…
Tan chảy…
Thấm môi…
Ứa tàn lệ…
Sầu…
Bi…
Một kiếp phù du thôi cũng đành dấn bước
Than ôi… Mưa không nhuốm màu hư ảnh
Mưa…
Sợi dây…
Nối liền…
Thực tại…
Chạm ướt lạnh…
Tỉnh giấc mộng dài chốn vĩnh cửu thiên đường đang tốc gió bốn phương biến cát bụi thành cát bụt

Hỡi mưa
Âm giai sầu bi
Có nhớ chăng ai?
Giăng thơ cõi tình u uẩn
Cổ huyền xưa buông thõng giọt rơi rơi

Hỡi mưa
Bóng dáng ai cô độc
Nhòa góc phố miên man
Phủ tang ngàn kiếp lang thang
Cơ đồ tan loãng bụi mưa phũ phàng…

Hỡi mưa
Cầu Ô Thước nối liền lại đứt
Thực tại sâu kín mong manh
Quay tơ bến thời gian
Ai ơi có nhớ
Mộng ngàn năm thoáng chốc tiêu tan
Kẻ cung vàng điện ngọc
Kẻ lưu lạc nhân gian
Mượn lời mưa giãi tỏ tâm can
Đan mưa dệt lệ
Gửi vào bồng lai…

Hỡi mưa
Thăm thẳm vực sâu muôn trượng
Nâng cao đôi cánh hải hồ
Trải mây mưa thiên địa
Trọn kiếp bình sinh chốn tiêu diêu

Mưa dừng chân nơi đại mạc
Gột rửa nỗi đau cứu thế trên vai
Thiên thần lấp lánh hào quang nước
Sầu bi nhân thế…
Tạnh rồi…

Hà Thủy Nguyên

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

NHẬT KÝ CHO MÙA


Thơ Lê Quang Trạng




Ngày
Đến rất sớm và đi rất muộn
Ngày buồn
Cây cỏ rũ đầu chết khô
Mưa nắng dửng dưng
Giọt thời gian tí tách rơi.

Ngày
Đến rất muộn và đi rất sớm
Ngày vui
Chùm hoa đỏ đốt đèn lồng trên hàng me nước
Tôi soi mình trong giọt tâm hồn
Nụ cười vội nở
Giọt thời gian rơi rơi
Mùa giao mùa

Mùa trở lại
Ngây thơ…

Giai cấp Trí thức?




Tự bao giờ cái xứ An Nam này lắm kẻ mặt xệ mồm loe chém gió về Trí Thức cứ như một giai cấp thế nhỉ ?

Tôi xin nói vài điều cho các vị một chút. Khái niệm "giai cấp" được gắn với " phương thức kiếm sống", thằng kiếm sống bằng cách nắm tư liệu sản xuất là một giai cấp , thằng không có tư liệu sản xuất phải đi bán cái dính với bản thân như tài, nghề, sức lao động là một giai cấp. Trí thức bắt đầu là kẻ có học thức. Thằng có học này có thể là một thằng có vốn , nhà xưởng, xí nghiệp ..đi vào làm ông chủ; nhưng một thằng có học khác lại phải đi làm công ăn lương. Nghĩa là thằng trí thức nó không có mối quan hệ trực tiếp - cố định với phương thức sản xuất , cho nên trí thức chỉ là một tầng lớp ( coi như là lực lượng xã hội có nhiều giá trị gia tăng trong phân công lao động của xã hội) .

Do không phải là một giai cấp nên "trí thức" là một thể loại "ba phải" trong cuộc chiến giành quyền lực thống trị XH giữa các giai cấp. ( gọi là "đấu tranh giai cấp").. Một anh trí thức được gọi là có giá trị thì anh ta phải chọn đứng về giai cấp nào và xông pha cống hiến. Loại trí thức rúc đầu vào xó nhà "vui thú điền viên" hay "cáo lão từ quan ở ẩn" không màng sự đời ( xì tai hủ nho ) kỳ thực chả có tí giá trị nào. Lê Nin đã nói "Nếu không nhập cuộc cùng với một giai cấp cụ thể thì người trí thức chỉ là một con số không vô dụng"

Ở một thể chế chính trị nhất định , một xã hội cụ thể đã phân định giai cấp nào là giai cấp thống trị thì "Trí thức" hiển nhiên là sản phẩm được tạo ra bởi giai cấp thống trị. Chuyện là giai cấp nào sau khi giành được quyền thống trị hẳn phải làm đồng thời hai việc: đào tạo tạo ra tầng lớp trí thức của mình và thu nạp những người ủng hộ mình tất nhiên có các anh trí thức.

Trí thức tự nó không bao giờ là một lực lượng cách mạng theo đúng nghĩa ,Trí thức ủng hộ giai cấp nào đều hầu như do lợi ích nhất định và nhất thời chi phối, Trí Thức không có hệ tư tưởng riêng. Như vậy với một Xã hội ổn định ,một nhà nước được xây dựng trên nền tảng quyền lực nhân dân cần lao mấy chục tuổi như Việt Nam thì các anh trí thức là một nhóm lao động trí óc ăn lương đặc thù và phải ....ngoan chứ , sao "chấy thức" Việt Nam nhiều anh loi choi thế ,cứ muốn mần cách mệnh màu , làm nhà "rân chủ" đòi làm bố thiên hạ như một giai cấp xã hội là sao....?

Lý do là đây :

1. Ảo tưởng sức mạnh !!!!

Hai thế kỷ trôi qua kinh tế, khoa học, kỹ thuật.... tất tần tật phát triển ầm ầm, công lao của lớp trí thức toàn cầu dĩ nhiên không cần phải bàn. Điều này dẫn đến một ngộ nhận rằng "trí thức" là công thần của văn minh nhơn loại, thổi phồng vai trò của trí thức và nhiều người phủ nhận sứ mệnh của giai cấp công nhân. Những anh "chấy thức" An Nam sổ toẹt vai trò giai cấp công nhân thì thấy cái điều 4 Hiến Pháp đế chế ta thiệt thốn quá xá. Thế nào mà trí thức lẫm liệt lại để cho băng đảng cần lao lãnh đạo?! Dĩ nhiên phải hiểu các vị lãnh đạo đó đích thị các vị trí tuệ lỗi lạc trong giai cấp công nhân với tư cách người làm công ăn lương nhà nước

2. Ghen ăn tức ở

Các Mác đã nói thằng nào nào nắm kinh tế thì nó thống trị tinh thần. Tụi tài phiệt bên trời Tây nó thống trị hai trăm năm , nó nuôi dạy lớp trí thức của nó, suốt ngày phọt ra hàng đống thứ thơm phức (kỳ thực là tởm lợm ) để PR cho chế độ của nó , đám trí thức ấy gào rú rao giảng ý thức hệ của phương Tây trên phạm vi toàn cầu . Tài phiệt cũng rất hay ở chỗ là nó lùa đám trí thức ra sân khấu chánh trị cho bỏn múa may quay cuồng đủ các kiểu con đà điểu ( quyền lực thực sự vẫn thuộc về đám tài phiệt ).

"Chấy thức" Việt Nam ta không được múa cột như trí thức xứ Tây lông , ghen tị chết được đi ấy.

3. Bất mãn vì bất lực

"Sĩ ,nông, công, thương " thứ bậc ấy tồn tại ở xứ ta ngàn năm, thằng có học oách xà lách phết. Đã thế tụi rợ Thực Dân Pháp - Mỹ nó cũng mất dạy nữa ,nó ban phát giáo dục cho dân An Nam kiểu nhỏ giọt : đào tạo vừa đủ cho bộ máy cai trị. Thế , thời Pháp học tới lớp nhất (lớp 5) đã làm công chức được. Thời Nguỵ học tới 12 thì ghê gớm rồi. Ngày nay Việt Nam người có học có mà đầy. Trí thức Việt Nam giờ không phải thành phần "của hiếm" được hậu đãi cung phụng như hồi Pháp - Mỹ. Dkm , 95% dân số mù chữ thì cử nhơn , tú tài ăn trên ngồi tróc làm bố thiên hạ thôi chứ có gì.

Không lạ chút nào khi "chấy thức" ta suốt ngày than thở nuối tiếc thời "vàng son" thực dân kiểu thất đức như : "chúng ta đã đánh đuổi hai nền văn minh Pháp - Mỹ "

Tóm lại: "chấy thức" An Nam mang những đặc điểm cố hữu của tầng lớp trí thức trong bất cứ một xã hội có giai cấp nào , lại thừa hưởng những đặc điểm của Trí thức Việt Nam dưới thời Phong kiến - thực dân , nếu không tỉnh táo giác ngộ , biết mình là ai thì rất dễ trở nên hợm hĩnh , bố láo , ảo tưởng sức mạnh - vĩ cuồng sinh hoang tưởng. Trong thời đại Việt Nam hội nhập toàn cầu , truyền thông bùng nổ , tự do ngôn luận xả láng, Xã hội nhen nhóm hình thành các nhóm lợi ích thì quá trình hủ hoá , bố đời của "chấy thức" càng dễ và nhanh hơn bao giờ hết. Trong bức thư gởi nhà văn Marxim Gorki, Lenin gọi những trí thức phản cách mạng là "cục phân".

Chấy thức An Nam muốn không là cục phân thì hãy ngoan ngoãn , lao động cống hiến xây dựng Tổ Quốc. Nước ta cần những Trí thức cần cù nghiên cứu luyện kim , sản xuất động cơ ôtô, chế tên lửa , tàu chiến .... Đất nước không cần những" cục phân" ăn tục nói phét , không làm được cái gì suốt ngày viết kiến nghị chống chính sách, đòi được cái này cái kia. Nếu không làm được trí thức có ích , hãy đừng chỏ mồm vào chuyên môn lãnh đạo của các lãnh tụ nước nhà. Tổ Quốc cần các anh ngồi trật tự im lặng ,

Theo Luong Tran