Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Nhân lễ Vu Lan, nghĩ về đạo hiếu trong văn hóa Việt


Lễ Vu Lan không còn đơn giản là một nghi lễ Phật giáo mà đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa Việt – Văn hóa của đạo hiếu.

Dù cuộc sống có thay đổi, con người thời hiện đại phải đối mặt với nhiều vấn đề của nhịp sống công nghiệp, thì chữ “Hiếu” vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa với mỗi con người. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý công ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Ngày Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con.

Đạo hiếu luôn có sẵn trong tâm thức của mỗi người, đứng đầu tiên trong đạo làm người. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ, chữ “Hiếu” lại được kết hợp để thành những từ ghép như: hiếu đạo (đạo làm con), hiếu dưỡng (chăm sóc, nuôi dưỡng), hiếu đễ (kính trọng cha mẹ và tôn trọng anh chị), hiếu thuận (hiếu với cha mẹ và hoà thuận với anh em)…




Đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ – người đã có công sinh thành dưỡng dục giúp ta nên người. Công lao ấy cao tựa Thái Sơn, tinh khiết, thẳm sâu như suối nguồn vô tận. Người làm cha mẹ luôn lấy sự thành đạt của con cái làm vui. Con cái biết giữ gìn nề nếp gia phong, sống kính trên nhường dưới, không đánh mất mình trước những cám dỗ của cái xấu, cũng là cách để thể hiện sự hiếu hạnh với cha mẹ. Chả thế mà báo đáp công ơn cha mẹ thông qua việc phụng dưỡng hàng ngày, chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật… luôn được xem là tiêu chí đầu tiên trong việc đánh giá lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Ai không làm được điều này, tệ hơn nữa là ngược đãi, hắt hủi cha mẹ sẽ bị xã hội lên án.

Thật cảm động biết bao, trong tiếng kinh Vu Lan da diết ở nhiều ngôi chùa lớn nhỏ, đã có biết bao giọt nước mắt tuôn rơi khi nghe những vần thơ:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha.



Cuộc sống cứ hối hả trôi đi. Bố mẹ bận công việc mưu sinh, con cái bận học hành. Có biết bao người ông, người bà, người cha, người mẹ dẫu vẫn sống bên cạnh con cái nhưng không ít lần lặng lẽ khóc thầm vì buồn tủi, cô đơn. Đã có không ít những đứa con bất hiếu đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thậm chí còn đánh đập người đã mang nặng đẻ đau mình vì coi họ là gánh nặng. Người già không nơi nương tựa phải vào trung tâm dưỡng lão, lang thang kiếm sống đã tạo ra áp lực lớn cho xã hội. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức của con người trong xã hội hiện đại.

Chẳng biết Vu Lan có từ bao giờ nhưng đó là một ngày lễ mà nhiều nước theo đạo Phật ở châu Á đều tôn thờ. Từ một nghi lễ tôn giáo mang đậm màu sắc văn hóa Phật giáo ấy, Vu Lan dần trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Vu Lan là dịp để mỗi gia đình được sum họp, đầm ấm, con cháu hỏi han và chia sẻ với ông bà, cha mẹ những niềm vui, nỗi buồn. Vu Lan là dịp để chúng ta hồi hướng đến ông bà, Tổ tiên đã mất, cầu chúc cho linh hồn họ được siêu sinh tịnh độ, cầu cho cha mẹ mình được hưởng phúc an lành.




Những năm gần đây, trong nhiều ngôi chùa, Vu Lan còn được tổ chức với lễ Bông hồng cài áo. Người được bông trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên cha mẹ đã khuất. Người được bông hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn cha, còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng những đấng sinh thành.

Báo hiếu với đấng sinh thành, mỗi người, có một cách riêng nhưng cần nhất vẫn là sự chân thành. Báo Hiếu không chỉ là sự bù đắp cho cha mẹ đủ đầy vật chất mà quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, chia sẻ bằng những gì bình dị nhất, chân thành nhất. Bởi “miếng trầu không đẹp ở người têm, mà đẹp ở người đem dâng”. Xã hội không có quyền đối xử tệ bạc và bất công với người già. Là con cháu lại càng không được phép thờ ơ, vô cảm với chính những đấng sinh thành ra mình. Bởi không xã hội nào coi việc ngược đãi, tàn ác với cha mẹ là điều bình thường.

Trẻ em không nghe người lớn nói gì, nhưng chúng sẽ mở căng mắt ra nhìn xem người lớn làm gì và chúng sẽ làm theo”. Đừng để phải khóc trước mặt con cái khi đã quá muộn, nhất là những việc mà hôm nay, mỗi người có thể làm được cho cha mẹ mình.


Xem chi tiết: http://xuangiao.com/nhan-le-vu-lan-nghi-ve-dao-hieu-trong-van-hoa-viet.html#ixzz3irktpwie

PHÂN BIỆT TỪ ĐƠN, TỪ GHÉP, TỪ LÁY


Hoàng Dân



. Các nhóm từ sau đây là từ đơn, từ ghép hay từ láy? Tại sao?
1. Nhóm từ: ba ba, chuồn chuồn, cào cào, châu chấu, chôm chôm, thuồng luồng, núc nác, quốc quốc, gia gia, chà là, chích choè, chão chuộc...
- Cách 1 (dùng cho học sinh tiểu học): gọi là từ láy
- Cách 2 (đối với học sinh THCS, THPT): gọi là từ đơn đa âm (hoặc từ láy giả), có chức năng định danh – tức là gọi tên sự vật.
* Bản chất: là các từ láy giả, tức là có hình thức giống nh­ư từ láy như­ng không phải từ láy đích thực

2. Nhóm từ: bồ hóng, bồ kết, bọ nẹt, bọ xít, sâu róm, diều hâu, dưa hấu, bù nhìn, tre pheo (thực ra “pheo” có nghĩa), bếp núc (“núc” có nghĩa), chó má (“má” có nghĩa”), chợ búa, đường sá, người ngợm...

- Cách 1 (dùng cho học sinh tiểu học): gọi là từ ghép
- Cách 2 (THCS, THPT): gọi là từ đơn đa âm
* Bản chất: là các từ ghép ngẫu hợp (ngẫu nhiên có hai tiếng ghép với nhau và chỉ có một trường hợp duy nhất, ví dụ “hấu” chỉ ghép với “dưa”, ngoài ra không ghép với tiếng nào khác, trong khi đó “dưa gang” có thể gặp ở “chảo gang, gang thép” – tất nhiên nghĩa của “gang” trong “dưa gang” và “chảo gang” là khác nhau), trong đó có một tiếng bị h­ư nghĩa hoặc mờ nghĩa.

3. Nhóm từ: bảo ban, bồng bế, đền đài, đất đai, đấu đá, đèn đuốc, ruộng rẫy, miếu mạo, chùa chiền, làm lẽ, làm lành...
* Bản chất: là các từ ghép vì hai tiếng đều có nghĩa, sự trùng hợp về âm thanh giữa hai tiếng chỉ mang tính ngẫu nhiên. Nói cách khác, trường hợp vừa có quan hệ về nghĩa vừa có quan hệ láy âm như nhóm từ trên được một số nhà Việt ngữ học thống nhất: ưu tiên nghĩa gọi là từ ghép.

4. Nhóm từ: ngày ngày, người người, tối tối, sáng sáng, chiều chiều, đêm đêm, nhỏ nhỏ, bé bé, tím tím, đỏ đỏ, xanh xanh, đen đen...
- Cách 1 (dùng cho học sinh tiểu học): gọi là từ láy
- Cách 2 (đối với các nhà Việt ngữ học): còn nhiều ý kiến tranh cãi, cụ thể:
+ Trường hợp a: “nhỏ nhỏ, bé bé, tím tím, đỏ đỏ, trắng trắng” có thể biến âm thành “nho nhỏ, be bé, tim tím, đo đỏ, trăng trắng” và được coi là từ láy (nho nhỏ = hơi nhỏ, tim tím = hơi tím…).
+ Trường hợp b: “ngày ngày, người người, chiều chiều, đêm đêm, nhà nhà, ngành ngành” đ­ược coi là hiện tượng lặp từ (ngày ngày = ngày nào cũng thế, nhà nhà = nhà nào cũng thế…).
+ Trư­ờng hợp c: “xanh xanh, đen đen, nâu nâu, vàng vàng” không có khả năng biến âm như trường hợp (a), nhưng cũng không hoàn toàn như­ trường hợp (b), chúng được coi là các từ láy toàn bộ hoặc từ láy tuyệt đối (xanh xanh = hơi xanh, vàng vàng = hơi vàng).
+ Trường hợp d: “tối tối, sáng sáng” còn phức tạp hơn. Khả năng thứ nhất, chúng biến âm thành “tôi tối, sang sáng”với nghĩa là “hơi tối, hơi sáng” (trời đã tôi tối rồi, trời đã sang sáng rồi). Khả năng thứ hai, chúng cũng là hiện tượng lặp từ với nghĩa là “tối nào cũng như vậy, sáng nào cũng như vậy” (tối tối, tôi đi ngủ vào lúc 22 giờ / sáng sáng, tôi dậy vào lúc 6 giờ).

. Phân biệt từ ghép và từ láy*

Vốn từ tiếng Việt rất phong phú và phức tạp, trong đó hiện tượng nhập nhằng giữa từ ghép và từ láy cũng khá phổ biến về cả số lượng lẫn tính chất phức tạp của nó. Các nhà ngôn ngữ học đang tiếp tục công việc tìm kiếm những bằng chứng để góp phần phân định ranh giới giữa hai loại từ này. Tuy nhiên, ngay trong hiện tại, mỗi loại từ cũng đã có những đại diện điển hình cho nó. Nó chắc chắn là từ ghép hoặc từ láy chứ không thể có chuyện nhập nhằng cả góiđược! Đây chính là điều mà chúng ta cần phải lưu ý khi sử dụng chúng.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một trong nhiều cách có thể dùng để phân biệt từ ghép và từ láy; cách này cũng chỉ có giá trị tương đối bởi những chân lí khoa học nói chung, ngôn ngữ học nói riêng dường như đều đang ở... phía trước!
Cách phân biệt này gồm một tập hợp 6 tiêu chí như sau:

1. Đảo các yếu tố trong từ:

Trong từ láy thường có một yếu tố gốc. Yếu tố ấy có thể còn rõ nghĩa hoặc đã mờ nghĩa, nhưng nó thường đứng ở một vị trí nhất định (trước hoặc sau yếu tố láy), nghĩa là không thể đảo được trật tự của các yếu tố trong từ láy. Vì thế, nếu một từ phức (gồm 2 yếu tố = 2 tiếng) có thể đảo được thì đó là từ ghép.

Ví dụ: Các từ sau sẽ là từ ghép:
Lả lơi, thì thầm, ngẩn ngơ, thẫn thờ, mù mịt, đau đớn, đảo điên, hắt hiu, hờ hững, khát khao, khắt khe, lãi lờ, manh mối, ngại ngần, ngào ngạt, ngây ngất, ngấu nghiến, tha thiết...

2. Xem xét ý nghĩa của các yếu tố:

Nếu không đảo được, nhưng cả hai yếu tố của từ phức đều có nghĩa thì từ phức ấy là từ ghép bởi vì từ láy chỉ có một yếu tố có nghĩa.
Ví dụ: Các từ sau đây sẽ là từ ghép:

đền đài, đất đai, ruộng rẫy, chùa chiền (chiền nghĩa là chùa), bợm bãi (bãi: kẻ lừa dối), tơ tưởng (tơ: yêu), đồn đại (đại: biến âm từ đãi, cũng có nghĩa là đồn), thành thực, đu đưa, đình đốn, duyên dáng, hài hòa, lê la, hão huyền, vá víu, vân vê...

3. Xem xét khả năng kết hợp của một yếu tố chưa rõ nghĩa:

Nếu trong từ phức có một yếu tố chưa rõ nghĩa (qui ước là Y) có khả năng kết hợp với nhiều yếu tố gốc (qui ước là X) khác nhau thì từ phức đó thường là từ ghép.
Ví dụ: Các từ sau được coi là từ ghép:
X: rạng, rực; Y: rỡ; Từ ghép: rạng rỡ, rực rỡ
X: trọc, khóc, lăn, cóc; Y: lóc; Từ ghép: trọc lóc, khóc lóc, lăn lóc, lóc cóc
X: lê, liếm, lâu, lân, đà...; Y: la; Từ ghép: lê la, la liếm, lâu la, lân la, la đà, la hét, rầy la, kêu la, la lối, la liệt...
4. Xem xét qui luật hài thanh:
Nếu các yếu tố trong một từ phức có thanh điệu không cùng âm vực thì từ phức ấy là từ ghép.
- âm vực cao: ngang (không), hỏi, sắc
- âm vực thấp: huyền, ngã, nặng
Ví dụ: Các từ sau đây sẽ là từ ghép:
khít khịt (cao - thấp, không cùng âm vực), phứa phựa, tí tị, tú ụ, chói lọi, cuống cuồng, sóng soài, dúi dụi, thớ lợ, ân cần, nháo nhào...
hộc tốc (thấp - cao), cộc lốc, trọc lóc, trật lất, lạng lách, đìu hiu, tạp nham, gọn lỏn...
5. Xem xét qui luật hòa phối nguyên âm:

Nếu các yếu tố trong một từ phức có phụ âm đầu giống nhau, nhưng nguyên âm làm âm chính (cả đơn và đôi) không có cùng độ mở thì từ phức ấy là từ ghép.
- Hàng (dòng) trước, không tròn môi: i, iê (độ mở hẹp), ê (hơi hẹp), e (hơi rộng)
- Hàng sau, không tròn môi: ư, ươ (hẹp), ơ và â (hơi hẹp), a và ă (rộng)
- Hàng sau, tròn môi: u, uô (hẹp), ô (hơi hẹp), o (hơi rộng)
Ví dụ: Các từ sau đây được coi là từ ghép:
hể hả, nhuế nhóa, xuề xòa, lúc lắc, tung tăng, vùng vằng, rỉ rả, xí xóa, chỉ trỏ, nguôi ngoai, dối dá, cứng cỏi, phì phạch, chen chúc...

6. Dựa vào nguồn gốc của từ:

Các từ láy là sản phẩm của phương thức láy, một phương thức cấu tạo từ của tiếng Việt; do đó chúng là những từ thuần Việt. Các từ Hán Việt không phải là từ láy, cho dù chúng có sự trùng lặp nào đó về ngữ âm.

Ví dụ: Các từ sau sẽ là từ ghép:
linh tinh, lục tục, mĩ mãn, nhũng nhiễu, nhã nhặn, vĩnh viễn, lẫm liệt, ngôn ngữ, nhục nhã, tâm tính, tinh tú, tham lam, náo nức, khát khao, hội họa, thi thư, lí lịch, báo cáo, phu phụ, hải hà, biên niên, bức bách, lí luận, lao lung, lao lí, biến thiên, thất thố, ban bố...

Căn cứ vào 6 tiêu chí nhận biết từ ghép trên thì các từ láy đích thực phải đồng thời thỏa mãn những điều kiện sau:

(1) Không đảo được các yếu tố/(2) Chỉ có một yếu tố có nghĩa/(3) Không có một yếu tố chung cho nhiều từ phức/(4) Các thanh điệu phải cùng âm vực/(5) Phụ âm đầu giống nhau, âm chính là nguyên âm phải có cùng độ mở/(6) Phải là từ thuần Việt.

(Theo PGS.TS Nguyễn Đức Tồn: Những vấn đề dạy và học Tiếng Việt trong nhà trường. NXB ĐHQG Hà Nội. 2001)
* Sách đã dẫn

Gía trị ngầm



 Đỗ Đức



Ngẫm đi ngẫm lại có lúc tưởng mình là ông chủ gia đinh hoành tráng. Hóa ra mình chả là cái gì cả.
Có người đàn ông coi tiền là tất cả, khi nhìn đống tiền làm ra mua được cả chục cái ô tô, thì thấy mình bố tướng thế nào. Té ra đó chỉ là suy nghĩ của đứa trẻ con. Đó là sự ngộ nhận có lẽ thuộc loại ngu ngốc nhất của đám đàn ông.
Có những cái may không phải ngẫu nhiên. Đó là thời bé tôi hay quẩn bên mẹ thấy sự vất vả luôn chân luôn tay nhưng không bao giờ bà gắt gỏng. Cái gì mình không biết hỏi thì mẹ đều gắng với kinh nghiệm dân gian trong ca dao tục ngữ giải thích cho con. Chỉ cạy trong trí nhớ thôi chứ bà chưa từng biết chữ, chưa một lần được đến trường để biết sách vở là gì. Không ngờ người cho tôi tri thức sống lại là người chỉ đọc cuộc sống trên trang sách dân gian. Mà cũng không nhiều nhặn gì, chỉ vài chục câu thành ngũ, đại loại như “ ăn tùy nơi/ chơi tùy chốn- Ăn trông nồi/ ngồi trông hướng- đừng ăn không nói có, đừng ăn ốc nói mò- đừng cầm cái gì không phải của mình- đừng ăn không ăn hỏng của người khác- học ăn học nói học gói học mở…” Đại loại là những câu như vậy. Một lần khi ở chợ, mớ rau muống hào hai xu, người mua trả một hào mốt, bà không bán. Ngồi phía sau tôi túm áo mẹ giật, nói nhỏ; bán được rồi u. Mẹ lặng thinh, nhưng tối về bảo: có chín xu, thiếu một xu không thành một hào đâu con ạ.
Tôi hiểu rằng sự nhặt nhạnh tích cóp ấy đâu phải vì mẹ, mà vì cả cái gia đình mẹ gánh trên vai.
Vài trăm triệu kiếm hôm nay với nửa thế kỉ trước, một xu nhặt cho đủ một hào, đồng tiền nào to hơn phải nhìn bằng con mắt nhân văn mới thấy được.
Tôi vòng vo để thấy các con tôi học hành đén nơi đến chốn không bị hư hỏng thì tiền tôi làm ra góp được một phần nhỏ (dù khối lượng không nhỏ), còn công của mẹ các cháu không qui ra thóc được.
Ngày con học lớp 1, bắt đầu biết viết, mẹ nó sắm cho một cuốn sổ ta bìa đỏ, gọi là sổ đỏ cùng cây bút đưa cho con: Hôm nay cho đi chơi, cái gì thích nhất thì chép vào đây. Đứa con lớn buổi đầu viết có bốn năm từ mà hết hai trang giấy. Cứ thế, mỗi chuyến đi chơi công viên, theo đi chợ, đi chơi đâu đó với bố, về đều có “thu hoạch”. Nếu không chịu viết thì phạt không cho đi.Tôi nghĩ việc đó hay, nhưng không ngờ nó lại có kết cục ngoài sự mong đợi. Chỉ mấy năm sau chúng hình thành thói quen ghi chép, chép tất cả những gì chúng thích thành như trang nhật kí. Chúng dần biết trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ ngắn nhất và chính xác nhất .
. Sau này hai đưa em theo cách rèn ấy chúng đều nắm vấn đề nhanh và trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ chính xác ngáy khi học trong hệ thống trường phổ thông.
Có một hồi ngay gần khu tập thể có lớp tiếng Anh A-B –C. Ba mẹ con chung một lớp. Thực ra mẹ lấy nê học để kèm cặp con đó thôi. Mẹ học 3 nhớ một, con học một nhớ ba. Cứ hết cua thì học lại, cua nào cũng đúp môt lần cho chắc cờ, thế là khi sang cấp 3 môn Anh văn lúc nào chúng cũng nhất. Sau này học thêm nghe nói nữa. Không học đại học ngoại ngữ chính qui mà chúng dịch sách được. Đồng tiền tôi làm ra thì chúng tiêu sạch rồi, nhưng cái công mẹ nó góp phần để lại các con dùng làm phương tiện kiếm sống lâu dài sẽ còn mãi. Vậy đâu là tiền thật, đâu là giá trị lớn thì nay đã rõ.
Xin nói lại lần nữa, vai trò người mẹ trong nhà không thể qui ra thóc ngay được, nó là rễ cây ăn sâu vào lòng đất hút từng chút màu vun cho gốc cây bền lâu. Còn đồng tiền nhất thời chỉ là chất xúc tác quan trọng mà không phải là cái quyết định số một như mình tưởng. Đó là vai trò lớn lao không mấy ai đã nhìn ra. Viết đến đây tôi mới hiểu ra tại sao người phụ nữ Nhật học xong đại học, lấy chồng rồi ở nhà nuôi dạy con, không đi làm. Chính đó là chuẩn bị cho một thế hệ tương lai có chất lượng cho đất nước.
Những giá trị ngầm ấy không phải các ông gia trưởng nào ở ta đã thấy cả đâu.!

Luận về nước



 hoạ sĩ Đỗ Đức



Một bạn bảo tôi: chỉ có người Việt Nam mới tự gọi quốc gia mình là Nước. Ờ, đúng chúng ta thường gọi nước Việt Nam, nước Lào, nước Đức nước Nga…Toàn là nước nọ nước kia, trong khi các châu lục khác người ta gọi quốc gia của họ là đất. Con người sinh sống trên đất bám đất để sống, đất là tài sản vô giá của quốc gia. Đất là tất cả cuộc sống, Vậy ta gọi nước là sao?.

Nhớ ngày xưa, những người theo giặc thường bị gọi là Việt gian bán nước. Bán nước, chứ chưa từng có ai bảo Việt gian bán đất bao giờ.
Thủy thổ là hai vị trí luân chuyển trong ngũ hành, trong đó đất khó dịch chuyển. Nước thì không cố định, và dịch chuyến theo chỗ trũng. Dân mình lại dùng cái không cố định dễ dịch chuyển để nói cái định vị là quốc gia. Nghe chữ đất thì cảm nhận nó không mênh mang như nước, nó hẹp và bó cứng vì đất có bờ có cõi rạch ròi. Còn nước thì không. Nhưng với vị trí địa lí, nước ta đều nằm ở cuối nguồn sông, có vẻ như đất ta là quà tặng từ nước. Nước cuốn phù sa đọng lại ở cửa sông, phải chăng đất của ta có sự cống nạp từ nước do trời ban tặng?. Hồi bé học địa lí nói về đất mũi Cà Mau, mỗi năm nhoai ra biển hàng trăm mét do phù sa bồi đắp. Phía đông – nam đường biên giới nước mình vùng cửa sông phần lớn tiếp giáp biển nở nang theo thời gian, lớn lên theo thời gian.

Người Nam ta nói ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, đấy là nói tính năng của nước. Nhưng xa hơn là nói về tính cách sống của người Việt, giống như nước, thế nào cũng thích ứng đuợc. Chẳng lẽ người Việt ta dùng tính năng của nước để chỉ quốc gia mình sống là nước, vì luôn có sự biến đổi? Thế thì bao nhiêu năm lại phải vẽ lại bản đồ vùng các cửa sông?

Thực ra gịọt nước bao giờ cũng ở thế thu tròn. Đất ta đâu có thế mà dân ta lại gọi đất là nước.
Sinh thời, giáo sư sử gia Trần Quốc Vượng nói: Dân ta là dân lúa nước. Ông cười nhấn mạnh: Dân lúa nước là chữ của tớ đấy nhá. Xin cảm ơn câu nói của ông làm tôi chợt nhớ ra rằng dân Việt chúng ta sống bám trên mặt nước cấy lúa mà ăn, bắt cá để sống. Dân ta hiểu nước và biết ơn nước. Nên hàng năm dù nắng hạn hay thuận hòa, vào ngày đầu năm đều có lễ hạ điền cầu mưa. Nên nhớ là chỉ cầu mưa thôi chứ không cầu nắng. Khoa học hiện đại chứng minh rằng ở đâu có nước thì ở đó có sự sống. Cha ông ta có lẽ chưa từng có những nghiên cứu tinh vi như thế, nhưng cũng đã nhìn nhận ra vai trò của nước quí nhường nào. Có câu tục ngữ rất hay: cơm ở ruộng, cá ở sông thì chỉ dân lúa nước mới có thể có tổng kết này. Hẳn nào mà trên trống đồng, hoa văn thuyền bè nhiều, sóng nước nhiều mà các hình cách điệu cũng đẹp hơn tất cả các nhóm hoa văn khác. Cùng với con người con cò con vạc con nông, giống chim kiếm ăn trên mặt nước quấn quýt trên mặt trống cùng các loài loài thủy sinh và muông thú. Con cóc trên mặt trống mặt thạp, con con cóc gác ở cửa chùa Bút Tháp, con nào cũng rướn lưng ghếch mặt như đang muốn cất tiếng kẹc kẹc đòi mưa: “Lạy trời mưa xuống, cho Nước tôi uống, cho ruộng tôi cày, cho đầy bát cơm”. Lúc này tôi mới đọc ra mặt trống đồng tròn là hình giọt nước. Đó là một mặt nước mênh mông, có cuộc sống sôi động trên đó. Ngắm mặt trống, ta nghe thấy tiếng lách cách thuyền bè chuyển động cùng tiếng hô chèo thuyền, tiếng bì bõm của con trâu cày, tiếng quẫy của cá, những ngư phủ đang phóng lao…Cho nên dân ta gọi quốc gia mình là nước thì đâu có sai.

Lại ngẫm, nước thể lỏng tuy yếu mà mạnh. Khi nước bị chặn, dồn tích, nước phá ra thì sức công phá kinh hoàng nhất. Chẳng thế mà có tổng kết là “thủy hỏa đạo tặc”. Giặc giã chỉ đứng hàng thứ tư, nước là mạnh nhất. Lịch sử tồn tại của nước ta nói lên tất cả: Giặc vào cướp nước dồn nén dân ta nhưng giặc dù hung hãn đến mấy, sớm muộn rồi cũng bị quét sạch. Chỉ có sức mạnh của nước mới làm được thế. Chúng ta gọi tổ quốc bằng một từ đơn giản là nước chẳng đúng lắm sao, chẳng thâm thúy lắm sao?

Một bạn lại bảo tôi; thời trước nước ta không có cầu, đi bộ gặp nước là xuống thuyền, đi trên nước cũng như trên bộ, dân ta sống hòa với thiên nhiên cũng là đặc biệt. Và đặc biệt nữa, trong chiến tranh giữ nước, từ Ngô Quyền chống quân Nam Hán đến Lê Hoàn phá Tống bình Chiêm, và Nhà Trần ba lần đại phá quân Nguyên chôn vùi kẻ địch trên sông Bạch Đằng…Đều xuất phát từ sức mạnh của nước. Mặt nước luôn là một đồng minh lớn. Lại một lần nữa cho thấy chữ nước chỉ quốc gia của ta là chính xác.

Ngày thiên đô của Đức Thái tổ vào tháng Bảy cũng là vào những ngày con nước. Từ cố đô Hoa Lư theo dòng chảy, Ngài chọn đúng mùa nước đầy! Tháng Bảy là tháng cuối cùng của mùa mưa, nước có đầy thì đoàn thuyền mới thông đồng bén giọt. Từ ngày ấy, Ngài cũng đã biết lo chuyên tắc đường.
Nước là quí, gọi Tổ quốc là nước bây giờ mới thấy dân ta thật kì tài, một từ nước thôi mà ý hàm ý đủ tôn vinh đất trời và thành kính tổ tiên. Là con dân lúa nước đúng nghĩa, tôi mạn phép viết bài suy ngẫm về nước và tổ quốc này kính dâng lên Đức Thái tổ và Đại lễ nghìn năm Thăng Long để tỏ lòng biết ơn đất trời và các tiền liệt đã cho chúng ta mặt nước, có cây lúa nước để dựng nên tổ quốc.
Tổ quốc chúng ta bắt nguồn từ nước. Hôm nay chúng ta phải biết xiết chặt tay nhau cùng bảo vệ lấy non sông đất nước.
* * *
Vĩ thanh
Nước có từ những dòng sông và những cơn mưa. Trời cho nước, rừng giữ nước. Chúng ta nói yêu nước thì chúng ta phải biết giữ lấy rừng để giữ nước. Chúng ta cư xử với nước thuận hòa thì chúng ta tồn tại. Ví như thủy điện dồn ép nước quá thì chúng ta sẽ sớm bị nước nghiệm thu. Chúng ta phá rừng là chúng ta chối bỏ nước.. Hãy hiểu điều ấy thì cuộc sống có hậu. Nếu không nước sẽ từ bỏ chúng ta.

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Suy nghĩ về chỗ đứng



Tác giả: Thu Thủy



(Ảnh: SalFalko/ Flickr)

Năm 2011, dân số thế giới cán mốc 7 tỷ người. Cho đến thời điểm hiện tại có lẽ con số thống kê dân số thế giới đã lớn hơn rất nhiều. Có bao giờ bạn tự hỏi bạn là ai và bạn đang đứng ở đâu giữa 7 tỷ người trên quả địa cầu này?

Từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ, chúng ta đã có nhu cầu khẳng định sự hiện diện của mình bằng nhiều cách khác nhau, có thể là cười khóc dỗi hờn để cha mẹ ôm ấp và cưng nựng. Đó là những đứa trẻ khôn ngoan bởi sự tiếp xúc thường xuyên giữa trẻ nhỏ và người lớn giúp chúng phát triển cả thể chất và tinh thần.

Cho đến khi lớn hơn một chút, bước vào cấp 1, cấp 2, cấp 3 hay đại học, chúng ta muốn được nhìn nhận. Chúng ta có thể không muốn có một vị trí nhất định như lớp trưởng, lớp phó, … nhưng hẳn chúng ta muốn định vị mình trong mắt thầy cô, cha mẹ, bạn bè.

Rời ghế giảng đường bước ra trường đời, chúng ta lại bắt đầu hành trình kiếm tìm và xây dựng chỗ đứng của mình với những người xung quanh, với xã hội.


Khao khát khẳng định mình, khao khát được đánh giá và nhìn nhận là biểu hiện cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow. Những người trẻ mới bước vào mênh mang cuộc đời hay những con người phong sương tuổi “sang thu”, có lẽ chưa ai không từng thảng thốt hay ám ảnh về một cuộc đời không chỗ đứng, không dấu ấn.

Chỗ đứng của mỗi người là chức vụ của họ trong công việc hay ý nghĩa của họ với gia đình, bạn bè, xã hội? Nếu chỗ đứng là cả hai điều đó thì cách họ xây dựng chỗ đứng mới thực sự là điều đáng quan tâm.


Ảnh: Facebook

Bao nhiêu gương mặt của đời sống là bấy nhiêu lối sống, bấy nhiêu thế đứng. Có người đứng, có người ngồi, có người không thích đứng cũng không muốn ngồi.

Có người chủ động, độc lập lao động, sáng tạo và tìm kiếm chỗ đứng xứng đáng của mình trong công ty, doanh nghiệp, tổ chức. Đôi khi họ không ý thức về “chỗ đứng” bởi với họ, đơn giản chỉ có lao động và đam mê. Vậy mà trong số họ, có những người truyền cảm hứng, có những người là điểm tựa tinh thần cho không biết bao nhiêu cuộc đời khác. Chỗ đứng của họ gần gũi và sâu thẳm trong chính trái tim chúng ta.

Chỗ đứng của người giáo viên là ở trên bục giảng, trên giảng đường hay ở trong trái tim và đằng sau thành công của học trò?

Chỗ đứng đích thực của một chính khách là ở trên diễn đàn chính trị hay ở trong sự tôn kính và quý trọng của nhân dân?

Chỗ đứng của một thương hiệu là số lượng sản phẩm dịch vụ tiêu thụ trên thị trường, lợi nhuận hay những đóng góp phát triển cộng đồng?

Trái Đất 7 tỷ người, dù đang ở đâu và trên vị trí nào, chúng ta cũng có những chỗ đứng nhất định. Dù đang ở tuổi sửa soạn hay ngưỡng của nào của cuộc đời, hãy luôn ý thức về chỗ đứng của bản thân.

Hãy xác định một chỗ đứng thay vì tìm kiếm một chỗ dựa.

Biến đổi khí hậu và quyền con người dưới góc nhìn an ninh phi truyền thống



Trong lịch sử phát triển cận, hiện đại của thế giới, đã và đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau về vấn đề an ninh. Những năm gần đây, vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia. An ninh phi truyền thống đã trở thành nền tảng tạo ra cách tiếp cận mới trong đánh giá nhiều vấn đề phát triển lớn. Báo cáo Phát triển con người của Liên hợp quốc năm 2004 xác định: an ninh phi truyền thống bao gồm an ninh con người, an ninh cộng đồng và bao hàm 7 lĩnh vực chính là kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị(1). Với cách nhìn nhận như vậy, vấn đề quyền con người và biến đổi khí khậu hoàn toàn có thể được xem xét dưới góc độ một hiện tượng mang tính toàn cầu và là một vấn đề an ninh phi truyền thống, ảnh hưởng lớn đến người dân và tất cả các quốc gia trên thế giới. Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến vấn đề công bằng, bình đẳng, đói nghèo và nhân quyền.

Một số nét khái quát về quyền con người
Quyền con người được thừa nhận là một giá trị toàn cầu trong tuyên bố của Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ hai họp tại Thủ đô Viên (Áo) vào năm 1993 và các nghị quyết của Liên hợp quốc trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948(2). Dựa trên nền tảng UDHR, các quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (ICESCR) năm 1966. Khái niệm về quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới năm 1948 và các công ước năm 1966. Điều 1 của UDHR ghi rõ: “tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền. Họ cần đối xử với nhau trong tình đoàn kết”(3). Các công ước năm 1966 đã khẳng định lại một lần nữa các quyền tự do - bình đẳng - đoàn kết, theo đó quyền con người mang tính phổ quát, không thể chuyển nhượng, và được áp dụng ở khắp mọi nơi và không thể lấy đi(4).

Dựa trên các khái niệm của Liên hợp quốc, có thể thấy quyền con người là “các quyền bẩm sinh của con người” - theo lời của Tổng thư ký Liên hợp quốc Bu-trốt Ga-li (Boutros Ghali) phát biểu trong Hội nghị thế giới về quyền con người năm 1993. Các quyền đó bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó có sự phân biệt rất rõ giữa “đặc quyền” (special rights) và “quyền lợi chung” (general rights)(5). Đặc quyền là quyền lợi đặc biệt chỉ dành riêng cho một người hay một nhóm người nào đó được hưởng điều mà những người bình thường khác không thể có được, còn quyền lợi chung là quyền lợi dành cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia, đất nước nơi họ sinh ra hoặc công việc mà họ đang gánh vác.

Quyền con người còn được phân chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên cơ sở đạo đức, mức độ bảo vệ chung và mức độ ưu tiên(6). Xét trên khía cạnh đạo đức, quyền con người phải bảo đảm quyền của những người khác cần được tôn trọng chứ không chỉ khoan dung. Quyền con người không được sử dụng để vi phạm quyền của người khác (Điều 30 của UDHR). Tất cả các xung đột phải được giải quyết mà vẫn phải tôn trọng quyền con người kể cả trong các trường hợp khẩn cấp hay trong các trường hợp cần áp đặt một vài hạn chế. Xét trên mức độ bảo vệ chung, quyền con người là trao quyền cho các cá nhân cũng như các cộng đồng nhằm tìm kiếm sự biến đổi xã hội, hướng tới việc thực hiện đầy đủ tất cả các quyền con người. Còn xét trên mức độ ưu tiên, con người được trao một số quyền ưu tiên nhất định hướng tới các giá trị đạo đức và không thể thiếu trong khuôn khổ quyền con người, chẳng hạn như quyền được hưởng sự bình đẳng, quyền được hưởng an ninh xã hội, được trả công, có một mức sống đầy đủ, quyền về sức khỏe, quyền tiếp cận giáo dục,...

Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, quyền con người trên phạm vi toàn cầu được thể hiện qua ba khía cạnh: quyền sống, quyền về sức khỏe và quyền sinh tồn(7). Về quyền sống, trong Điều 6.1. của ICCPR ghi rõ: Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện. Trong quyền về sức khỏe, Điều 12.1 của ICESCR ghi rõ: Các quốc gia thành viên Công ước công nhận quyền của mọi người được hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể được về sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều 21.1 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990 ghi rõ: Trẻ em có quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể được. Trong quyền sinh tồn, Điều 11.1. của ICESCR quy định: Các quốc gia thành viên công ước này công nhận quyền của mọi người đối với một mức sống thích đáng cho bản thân và cho gia đình họ, bao gồm ăn, mặc, cư trú thích đáng và các điều kiện sống không ngừng được cải thiện; Điều 11.2 của ICESCR ghi rõ: Các quốc gia thành viên Công ước sẽ tự mình thực hiện và thông qua hợp tác quốc tế để thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện quyền cơ bản của mọi người là không bị đói. Ở cấp độ khu vực, quyền con người được bảo đảm thông qua các diễn đàn và các hiệp ước khác nhau, từ châu Mỹ, châu Âu và châu Phi, chủ yếu nhằm tìm kiếm sự bổ sung luật pháp đối với tình trạng vi phạm quyền con người ở các khu vực này.

Ngày 18-10-2009, tại cuộc họp ở độ sâu 4m dưới đại dương, Tổng thống Man-đi-vơ đã ký một văn bản để đệ trình Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 12-2009. Văn bản đưa ra cảnh báo toàn cầu về những việc đang và sẽ diễn ra ở Man-đi-vơ nếu không quan tâm đến biến đổi khí hậu. Văn bản này chỉ ra rằng, “Man-đi-vơ là quốc gia đứng ở tuyến đầu. Đây không phải là vấn đề của riêng Man-đi-vơ mà là của cả thế giới. Nếu chúng ta không thể cứu Man-đi-vơ ngày nay, các vị không thể cứu cả thế giới về sau. Biến đổi khí hậu đang diễn ra và nó đe dọa quyền lợi cũng như an ninh của tất cả mọi người trên Trái đất”(8). Cùng với lời kêu gọi của Man-đi-vơ, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 7/23 (Resolution 7/23) về quyền con người và biến đổi khí hậu. Sau đó, Nghị quyết số 10/4 vào tháng 3-2009 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng được thông qua, khẳng định biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến quyền lợi của con người, trong đó các cá nhân và các cộng đồng bị tổn thương sẽ là những đối tượng bị tác động nghiêm trọng nhất.

Rõ ràng, kiến nghị của Man-đi-vơ đại diện cho các nước đang chịu tổn hại nhiều nhất của biến đổi khí hậu với các mối đe dọa nghiêm trọng đến quyền sống, quyền được bảo vệ sức khỏe và quyền sinh tồn của con người. Lũ lụt, hạn hán, bão tố ngày càng nghiêm trọng và khó dự báo đã cướp đi sự sống của hàng trăm nghìn người trên thế giới mỗi năm, đẩy con người vào tình trạng mất nhà cửa và làm trầm trọng thêm các dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới.

Nước biển ngày càng dâng cao khiến một số thành phố, như Đa-ka (Xê-nê-gan), Bu-ê-nốt Ai-rét (Ác-hen-ti-na), Ri-ô đờ Gia-nê-rô (Bra-xin), Thượng Hải, Thiên Tân (Trung Quốc), A-lếch-xan-đri-a, Cai-rô (Ai Cập), Mum-bai, Can-cút-ta, (Ấn Độ), Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), Tô-ky-ô, Ô-xa-ka - Kô-bê (Nhật Bản), La-gốt (Ni-giê-ri-a), Băng-cốc (Thái Lan), Niu Oóc và Lốt An-giơ-lét (Mỹ) chịu ảnh hưởng trực tiếp, buộc con người phải có các hình thức di cư bắt buộc và các hình thức di cư khác ra khỏi nơi cư trú(9). Man-đi-vơ, quốc gia nằm ở vị trí thấp nhất trên Trái đất, với hơn 80% diện tích lãnh thổ chỉ cao trung bình khoảng 1,5m so với mực nước biển, được bao quanh bởi một bức tường biển cao 3,5m. Bức tường này đã cứu thành phố khỏi thảm họa sóng thần năm 2004(10). Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu mực nước biển vẫn tiếp tục dâng với tốc độ hiện nay thì Man-đi-vơ sẽ có khả năng chìm hoàn toàn dưới đại dương vào năm 2100.

Như vậy, biến đổi khí hậu có thể được nhìn nhận như một vấn đề an ninh phi truyền thống nghiêm trọng, đang tác động lớn đến quyền con người, đòi hỏi thế giới phải chung tay giải quyết trước hiểm họa của thiên nhiên bằng các khuôn khổ pháp lý. Trong những năm gần đây, Liên hợp quốc đã có những cuộc thảo luận sôi nổi về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có hiệp ước hay công ước nào của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đề cập chi tiết đến quyền con người được bảo vệ đầy đủ trước sự biến đổi khí hậu.

Con người có quyền được bảo vệ trước sự biến đổi khí hậu
Mặc dù cộng đồng quốc tế trong các hội nghị quốc tế đã công nhận mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người, song việc luật hóa quyền con người trước sự biến đổi khí hậu dường như rất khó khăn. Những khó khăn đó được Ủy ban Quốc tế về chính sách nhân quyền thuộc Ủy ban châu Âu đề cập như sau(11):

- Khó khăn trong việc hiệu lực hóa quyền con người: Biến đổi khí hậu tác động đến các loại quyền con người đã được ghi trong luật pháp quốc tế. Các quyền lợi này cho dù có được bảo vệ rõ ràng, như quyền sống, quyền bảo vệ tài sản... cũng không thể được thực hiện tốt bởi những tác động của biến đổi khí hậu chỉ mang tính gián tiếp. Trong trường hợp thiếu các tổ chức thi hành mang tính hiệu lực trên cấp độ quốc gia và quốc tế, thì những vấn đề quyền con người liên quan đến biến đổi khí hậu rất khó được xác định trên cơ sở những khiếu kiện mang tính cá nhân.

- Khó xác định trách nhiệm ngoại giao: Dưới luật quyền con người, chính phủ có trách nhiệm thi hành luật liên quan đến quyền lợi của người bị xâm phạm. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trách nhiệm đối với các nước bị tổn thương và bị tác động thường không nằm trong quyền lực thực thi luật pháp của chính phủ nước đó, mà phụ thuộc vào các nhân tố khuếch tán (diffuse), có thể là cá nhân và công cộng, và nhân tố này thường ở xa nước đang bị ảnh hưởng. Luật pháp về quyền con người không dễ đánh giá và truy cứu trách nhiệm của những chủ thể gây ra biến đổi khí hậu.

- Khó xác định trách nhiệm địa phương: Các chính phủ thường thiếu năng lực hạn chế những tác động từ biến đổi khí hậu đối với con người bởi những yếu kém về nguồn lực kinh tế và kết cấu hạ tầng. Ở nhiều nước, người dân không được hưởng đầy đủ các quyền lợi kinh tế và xã hội (đặc biệt là ở các nước đang phát triển), khiến vấn đề quyền con người liên quan đến biến đổi khí hậu dường như là một thứ quyền xa xỉ. Nếu một chính khủ không đủ năng lực để trao quyền lợi đầy đủ cho người dân, thì năng lực bảo vệ quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu là không thể thực hiện được.

- Hạn chế việc áp dụng luật về quyền con người trong các điều kiện khẩn cấp: Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến lụt lội, khô hạn, nạn đói, di cư,... thường là rất dữ dội, ảnh hưởng đến một số lượng lớn người dân. Trong những trường hợp này, cộng đồng quốc tế thường ra thông báo khẩn cấp. Các hiệp ước về quyền con người ở cấp độ quốc tế và hiến pháp quốc gia thường cho phép tạm ngừng một số quyền con người để thực thi hành động mang tính thiết thực hơn. Quyền con người trong trường hợp gặp các hậu quả bất thường của khí hậu sẽ rất khó thực hiện hiệu quả bằng công cụ luật pháp.

- Quyền con người có thể gây ra xung đột: Nếu áp dụng quyền con người nhằm bảo vệ những nhóm đối tượng tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra thì có thể dẫn đến xung đột với các quyền lợi khác của con người, như quyền sở hữu tài sản, quyền được hưởng hòa bình, quyền tự do tôn giáo,...

Nhìn chung, những cuộc bàn thảo trên thế giới và những cách thức được nêu ra để ứng phó với biến đổi khí hậu hầu hết đều dựa theo những tính toán lợi ích và chi phí. Đây là vấn đề dễ nhận thấy, có thể đo đếm được bằng kinh tế lượng. Hơn nữa, các vấn đề ưu tiên trong tính toán lợi ích và chi phí của biến đổi khí hậu hầu như chồng lấn và lặp lại các vấn đề toàn cầu cần giải quyết trong chương trình các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền lại thuộc về lĩnh vực khoa học xã hội, hay cụ thể hơn là lĩnh vực đạo đức học, và, những tính toán lợi ích - chi phí về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và nhân quyền dường như mới chỉ dừng ở việc suy đoán.

Dưới góc độ an ninh phi truyền thống, các tổ chức quốc tế, cho đến nay, cũng chưa thể đưa ra những định hướng đánh giá chính xác mà thường chỉ dựa vào các kịch bản mang tính chất giả định để đưa ra vấn đề con người cần được bảo vệ trước sự biến đổi của khí hậu. Xét trên khía cạnh đạo đức học, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi cách ứng xử của con người với con người, giữa con người với môi trường, trong đó những nước giàu hiện nay đối xử bất bình đẳng với các nước nghèo đang chịu tác động bất lợi từ môi trường. Mối quan hệ bất bình đẳng này đang xâm hại đến quyền sống, quyền về sức khỏe, quyền sinh tồn của con người, nhưng chưa có sự giải quyết hữu hiệu bằng luật pháp quốc tế.

Hơn bao giờ hết, con người rất cần có quyền được bảo vệ trước những tác động của biến đổi khí hậu. Đòi hỏi này là hoàn toàn chính đáng, đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng sửa đổi hệ thống luật pháp quốc tế. Bảo vệ con người và quyền con người trước những tác động của biến đổi khí hậu không chỉ dựa trên những tính toán chi phí - lợi ích, mà cần phải dựa trên thái độ đạo đức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và toàn thế giới./.

--------------------------------------------

(1) UN Human Development Report 2004 (http://hdr.undp.org/en/content/human-development-report-2004)

(2) Wolfgang Benedek (edited), (2012): Understanding Human Rights: manual on human rights education,European Training and Research Centre for Human Rights and Democracy (ETC)

(3) UN (1948): Universal Declaration of Human Rights, Article 1

(4) Wolfgang Benedek (edited): đã dẫn

(5) H.L.A. Hart: Are there any natural rights, Philosophical Review, Vol 64, No 2, p183-188

(6), (7) Simon Caney (2009): Climate change, human rights and moral thresholds, University of Oxford

(8) http://www.dailymail.co.uk/news/article-1221021/Maldives-underwater-cabinet-meeting-held-highlight-impact-climate-change.html

(9) McGranahan, G.,D. Balk và B. Anderson (2007): The rising tide: Assessing the risks of climate change and human settlements in low elevation coastal zones. Environ¬ment & Urbanization

(10) British Broadcasting Corporation (BBC) (2005): Sea wall ‘saves Maldives capital.’ BBC.co.uk, 10/01,http://news.bbc.co.uk/go/pr/fr/-/2/hi/south_asia/4161491.stm

(11) International Council on human rights policy (2008): Climate change and human rights: a rough guide


Phạm Ngọc LãngTS, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Đại biểu nhất trí cần thiết ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo

Đại biểu nhất trí cần thiết ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến (Ảnh: TTXVN)



Buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo, bởi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được nêu trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị mà Việt Nam là thành viên.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của con người: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng cần có tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo để có đầy đủ cơ sở, điều kiện nâng Pháp lệnh lên thành Luật.

Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh Dự thảo Luật cần điều chỉnh cả lĩnh vực tín ngưỡng để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo hành lang pháp lý đầy đủ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và định hướng cho các hoạt động tín ngưỡng được thực hiện một cách lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn truyền thống của dân tộc.

Nhiều đại biểu nhận định kết cấu của dự thảo Luật chưa hợp lý khi chỉ dành 1 chương riêng về hoạt động tín ngưỡng (5 Điều) trong khi có 5 chương riêng về tôn giáo (38 Điều). Ban Soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung nội dung về tín ngưỡng và điều chỉnh lại bố cục dự thảo Luật để khắc phục sự bất hợp lý này.

Nếu dự thảo Luật quy định tự do tôn giáo và tín ngưỡng chung sẽ rất khó phân định ranh giới và việc thi hành trong thực tiễn rất khó khăn bởi tín ngưỡng và tôn giáo là khác nhau.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần có những quy định rõ ràng nếu không sẽ lẫn lộn giữa niềm tin tôn giáo, niềm tin tín ngưỡng và lễ hội văn hóa. Hoạt động tín ngưỡng được quy định tại dự thảo Luật chủ yếu là về lễ hội văn hóa.

Khái niệm về tín ngưỡng cần được làm rõ, bởi ở Việt Nam, vấn đề tín ngưỡng liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thành hoàng… chứ không chỉ là lễ hội văn hóa. Tín ngưỡng liên quan rất lớn đối với cộng đồng, đó là niềm tin tâm linh của con người đối với những giá trị, hình tượng, đạo lý… rất đa diện.

Liên quan đến quy định quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là những quyền mang yếu tố tinh thần, tâm linh, do đó quản lý nhà nước phải mang tính đặc thù.

Việc quy định nội dung và hình thức quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần được xem xét dưới góc độ các biện pháp của Nhà nước để bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban soạn thảo cần bổ sung thêm một số điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của người dân trong nước và người nước ngoài ở Việt Nam để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, hài hòa với quản lý nhà nước, đáp ứng quy định tại điều 24 của Hiến pháp năm 2013.

Xung quanh quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần quy định nội dung này trong dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời là căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy vậy, nhiều đại biểu nhận định một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các quy định về hành vi bị nghiêm cấm của dự án Luật cần có nội dung cấm hình thức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị Ban soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra và các bộ, ngành liên quan, các Ủy ban của Quốc hội rà soát, nghiên cứu các quy định của dự thảo Luật cho đồng bộ với hệ thống luật pháp hiện hành; bổ sung thêm các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để có đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; về hoạt động tín ngưỡng; về hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo...

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 6 chương với 96 điều.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em; thể chế hóa Điều 37 Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội giao Chính phủ trình dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật , đa số ý kiến cho rằng tên gọi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa thể hiện được nội dung về bảo đảm các quyền trẻ em được thực hiện, mới chỉ chú trọng quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em.

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ý kiến tán thành sửa tên của Luật thành Luật Trẻ em. Tên gọi này ngắn gọn, bảo đảm tính toàn diện và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật… và bao hàm đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật. Bên cạnh quy định về quyền và bổn phận của một nhóm chủ thể là trẻ em, Luật còn quy định về các biện pháp và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị dự thảo Luật cần phải bám sát, bảo đảm tương thích hơn với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời dự thảo luật cần nghiên cứu thể hiện trách nhiệm cụ thể của gia đình, nhà trường, xã hội, Nhà nước trong việc đảm bảo thực thi quyền của trẻ em.

Một số ý kiến tán thành nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 vì việc điều chỉnh độ tuổi này có căn cứ lý luận, thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Vấn đề này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nêu các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế cho thấy trẻ em trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 có quá trình thay đổi phức tạp cả về thể chất lẫn tâm sinh lý và chưa có sự phát triển đầy đủ, hoàn thiện về thể chất, trí tuệ và tinh thần nên cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội và Nhà nước.

Bởi vậy, Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp liên quan tới trẻ em quy định tuổi thành niên sớm hơn”.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc về Luật Trẻ em của 66 quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em cho thấy, đa số các nước đều quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi và hiện chỉ còn 8 quốc gia quy định độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi (trong đó có Việt Nam, mặc dù pháp luật Việt Nam hiện vẫn quy định độ tuổi thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên).

Vì vậy, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa tương thích với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về độ tuổi trưởng thành đầy đủ, phù hợp với các quy định về độ tuổi trong giáo dục phổ thông (là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần, sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội).

Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, cân nhắc để đảm bảo tính khả thi của quy định.

Theo chương trình, sáng thứ Hai, ngày 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc, cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam./.



BTV/TTXVN

Cánh đồng chữ


Tác giả: Kim Dung/ Kỳ Duyên



Cha không là nông dân
Mẹ không là nông dân
Nhưng đời em lại gắn với cánh đồng

Hạt chữ gieo xuân hạ thu đông
Thui chột hay nẩy mầm một đời
cực nhọc

Em không biết những người thợ cấy cầy
Gieo hạt họ có đau vì đất
Bạc hay mầu mỡ đắng cay hay ngọt mật
Khi còn phải trông trời trông đất trông mây…

Em không biết
nhưng để sống cho đời
vị mồ hôi em mặn mòi nước mắt

Những tháng năm rạng rỡ thơ ngây
Có đớn đau âm thầm câm lặng
Bát cơm nuôi con đậm mùi mưa nắng

Có khát khao làm người sao nặng nhọc
Biển cả nhấn chìm cánh buồm trắng
mộng mơ

Em không quỵ bởi yêu thương đón đỡ
Đi qua những tháng năm nghiệt ngã
Trước nhọc nhằn vất vả

Trước giông gió dữ dằn biển cả
Đắng cay xen lẫn ngọt bùi
Tình Yêu ơi tạ ơn đời cho em gặp

Và em gọi đó là số phận
Trên cánh đồng muộn xuân
Và em gọi đó là phúc phận

Giữa dâu bể nhân quần
Cánh đồng chữ vật vã
tiết thanh tân…

Em là ai?


TỨ TƯỢNG Chương 6. Tứ Tượng và khoa học hiện đại



Năm 1960, khi viết quyển Trung Dung Tân Khảo, tôi tình cờ đọc quyển The Genetic Code của Isaac Azimow. Nơi trang 162-163 của sách, Ông cho rằng cơ thể vạn hữu được cấu tạo bởi 64 Nucleotides. Mà 64 Nucleotides đó lại được cấu tạo bởi sự phối hợp của 4 acids: A = Adelynic acid; G = Guanilic acid; C = Cytidylic acid; U = Uridylic acid (A; G; C; U là ký hiệu của bốn chất acid nói trên.) Và Isaac Azimow trình bày thành đồ bản như sau:

I. AAA, AAG, AAC, AAU, AGA, AGG, AGC, AGU

II. ACA, ACG, ACC, ACU, AUA, AUG, AUC, AUU

III. GAA, GAG, GAC, GAU, GGA, GGG, GGC, GGU

IV. GCA, GCG, GCC, GCU, GUA, GUG, GUC, GUU

V. CAA, CAG, CAC, CAU, CGA, CGG, CGC, CGU

VI. CCA, CCG, CCC, CCU, CUA, CUG, CUC, CUU

VII. UAA, UAG, UAC, UAU, UGA, UGG, UGC, UGU

VIII. UCA, UCG, UCC, UCU, UUA, UUG, UUC, UUU [1]

Đọc đoạn này tôi liên tưởng ngay đến Tứ Tượng và 64 quẻ Dịch. Tôi liền thay:



Ta sẽ có 64 quẻ Dịch đúng theo thứ tự của vòng Tiên Thiên Lục Thập Tứ Quái như sau:

1. Kiền, Quải, Đại Hữu, Đại Tráng, Tiểu Súc, Nhu, Đại Súc, Thái.

2. Lý, Đoài, Khuê, Qui Muội, Trung Phu, Tiết, Tổn, Lâm.

3. Đồng Nhân, Cách, Ly, Phong, Gia Nhân, Ký Tế, Bí, Minh Di.

4. Vô Vọng, Tùy, Phệ Hạp, Chấn, Ích, Truân, Di, Phục.

5. Cấu, Đại Quá, Đỉnh, Hằng, Tốn, Tỉnh, Cổ, Thăng.

6. Tụng, Khôn, Vị Tế, Giải, Hoán, Khảm, Mông, Sư.

7. Độn, Hàm, Lữ, Tiểu Quá, Tiệm, Kiển, Tốn, Khiêm.

8. Bĩ, Tụy, Tấn, Dự, Quan, Tỉ, Bác, Khôn.

(Trong hình sau đây, bắt đầu là quẻ Kiền, số 1 hướng Nam, đi ngược chiều kim đồng hồ là các quẻ Quải, Đại Hữu, Đại Tráng, Tiểu Súc, Nhu, Đại Súc, Thái, v.v...)


Tiện đây tôi cũng muốn cống hiến quý vị một trùng hợp hết sức kỳ thú khác. Đó là Ông Lama Anagarika, người Đức, trong cuốn sách Ông viết ở Kumaon Himalaya, India, năm 1980, xuất bản ở San Francisco năm 1981, nhan đề là The Inner Structure of the I Ching, Ông cũng đem 64 quẻ Dịch so sánh với 64 Nucleotides, những yếu tố cấu tạo nên con người. Tôi bàn về vấn đề này năm 1960; sách tôi chỉ mới được in roneo, chứ chưa xuất bản. Ông Lama Anagarika viết vấn đề này, vào khoảng năm 1980. Ông không đọc sáchtôi; tôi không đọc sách Ông; thế mà lúc đem so sánh, thấy vấn đề trình bày chỉ khác nhau chút đỉnh, một chín một mười. Thấy vậy, tôi càng tin rằng: Chân lý phát xuất tự thâm tâm, cũng y thức như người xưa đã nói:

Quan Âm nghìn mắt nghìn tay,
Cũng do một điểm Linh Đài mà ra.

Đằng khác, ta có thể nhận định rằng bốn nguyên tố chính trong vũ trụ có hóa trị như sau:

H (Hydrogène) : 1

O (Oxygène) : 2

N (Azote) : 3

C (Carbone) : 4

Sau hết ta cũng nên nhắc qua rằng gần đây Léon Bourdel đã phân tính nết con người làm bốn hạng dựa vào sinh lý (4 loại máu) và nhạc lý. Theo Léon Bourdel , có 4 hạng người như sau:

1. Hạng người Hòa Âm (Harmoniques) (Dị cảm) [2] có loại máu A.

2. Hạng người Nhạc Điệu (Mélodique) (Quyền biến) [3] có loại máu O.

3. Hạng người Tiết Tấu (Rythmique) (Nhất quyết) có loại máu B.

4. Hạng người Tạp Cách (Complexes) (Dị cảm) có loại máu AB.

Đó là ít nhiều chứng minh rằng Tứ Tượng có thể cắt nghĩa được nhiều bí ẩn của cuộc đời…

CHÚ THÍCH

[1] Isaac Azimow, The Genetic Code, pp. 162-163.

[2] Dans la vie, ces tempéraments Harmoniques se comportent comme envers la musique. Ils recherchent toujours les accords affectifs avec l’ambiance. Quand ils les trouvent, ils s’épanouissent. Quand ils se heurtent à des dissonances, ils se replient sur eux-mêmes, ils se ferment, ils se révoltent, ou ils s’en vont. Ce sont les plus vulnérables au milieu extérieur, car celui-ci déclenche en eux des résonances à l’infini, et sans que le volonté puisse intervenir. Le milieu peut donc, indépendemment de leur valeur intrinsèque, les inspirer ou les éteindre, et quelquefois même les détruire. — Léon Bourdel, Group Sanguins et Tempéraments, p. 10.

[3] Le Mélodique est celui don’t l’adaptivité est la plus inconditionnelle, la plus totale. Il sent et vit comme une mélodie qui se déroule, s’adaptant aux diverses variations du milieu extérieur, ayant tendance à s’intégrer spontanément au milieu dans lequel il baigne, changeant quand le milieu change et évoluant avec lui, sans avance prophétique mais sans retard non plus. — Ib. 14.