Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Ngày Tận Thế Huyền Bí-Chương 4 - Cuộn len của Thượng Đế

PĐTT : Chương này mới là một chương quan trọng và hấp dẫn đấy các bạn. Để hiểu được thông điệp thượng đế mà tác giả muốn truyền đến các bạn thì hãy lướt qua những linh tinh lang tang về những con mèo đực Gió phương Bắc cái chi chi để chú trọng đến hình ảnh của chính tác giả. Các bạn sẽ thấy tác giả hiện ra như một nữ thần tình yêu vậy.
 Cái đoạn vào nhà trọ cực kỳ hấp dẫn và là sự thật 100% bởi người phụ nữ trong đoạn này chính là Ainu và tác giả đang tường thuật lại câu chuyện của mình.  Một câu chuyện do Thượng đế dẫn dắt.
Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh cực kỳ lãng mạn và với ngòi bút tài hoa, tác giả đã khắc họa được vẽ đẹp cám dỗ của mình mà  chỉ cần một câu : "Hôm ấy tôi mặc chiếc áo thun màu trời, khi ướt nó thành màu của biển."Cái áo thun ướt sẫm ấy đã khiến toàn bộ "nét ngài" của người phụ nữ xinh đẹp này hiện ra lồ lộ với mắt chàng thanh niên trai trẻ , cao to nên thúc đẩy chàng trai gợi mở : " - Bọn em đi kiếm nhà trọ đây. Chị đi cùng bọn em nhé!"

Bởi là một tác phẩm huyền bí, nên tác giả không cần nói ra chắc các bạn cũng hiểu tác giả là một phụ nữ đơn thân cô độc nên cho dù nhà chỉ cách khoảng một cây số nàng cũng không muốn đi bộ về và chấp nhận vào nhà trọ với chàng trai cao to( giống đực tràn đầy). Nếu tác giả là người có chồng thì sẽ gọi cho chồng rồi phải không các bạn và nếu là bà mẹ thì đâu nỡ bỏ con ở nhà theo trai vào nhà trọ chứ!... Điều đặc biệt đoạn này cực hay đấy :
"Phần lớn những người phụ nữ không hào hứng gì với tình dục khi họ đang mệt, nhất là với đối tượng mà họ chưa kịp cảm thấy an tâm, và phản ứng của họ thường khá tiêu cực. Tôi chưa quá mệt, và nếu cảm thấy bất an thì tôi đã không đi cùng người thanh niên này "( có lẽ, giờ các bạn hiểu vì sao ở bài trước tôi đã bảo Meo Ainu vốn sanh ra ở " dâm đàng")....

.........
 Cuộn len của Thượng Đế



"Tôi không là ai, chỉ là một ngọn gió không hương không sắc, lang thang vô định, nhưng lại muốn thấu qua cõi lòng của mọi con người mà nó có thể chạm đến, để được thấm đượm sắc hương của những tâm hồn ấy. Bạn băn khoăn tự hỏi tôi là ai, mà không biết rằng tôi đang ở trong bạn đó.
Tôi không là ai, chỉ là hơi thở nhẹ vô tình mà bạn không kịp nhận ra, để sau đó bạn bối rối không hiểu điều gì vừa qua đi mất.
Tôi không là ai, chỉ là sự im lặng sâu thẳm mà từng ngày vẫn trú ẩn trong tim bạn.
Như muối trong đại dương, như cát trong sa mạc, như sự tất nhiên trong chuyện tình cờ".
*
* *
Đúng vào ngày Cá tháng Tư năm 2010, tôi chuyển đến thành phố Vĩnh Yên. Không ngờ ở tỉnh lỵ này, tôi có cơ hội được học ở một trung tâm Anh ngữ do giáo viên nước ngoài giảng dạy hầu như toàn bộ. Họ tốt hơn nhiều so với những trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội mà tôi biết trước đó vài năm. Ocean International Language, nằm ở số Mười Ba đường Nguyễn Tất Thành.


Đó là con đường vành đai mới của Vĩnh Yên, tôi đã thất bại khi tìm số Mười Ba từ hai đầu của nó, và bắt buộc phải gọi điện thoại đến trung tâm Ocean Language để nhận được chỉ dẫn. Tôi không phàn nàn gì, vì số Mười Ba luôn đứng ở những vị trí quan trọng trong cuộc đời tôi.
Tôi sinh ngày Mười Ba âm lịch. Khi vào đại học, tôi luôn đứng số Mười Ba trong danh sách, đồng thời là số báo danh của tôi cho mọi kỳ kiểm tra và thi cử. Tôi thấy rất công bằng khi mình mang con số mà nhiều người ghét và kiêng kỵ do họ tin rằng nó không may mắn. Tôi ghét những điều kiêng kỵ và không tin chuyện may rủi. Số điện thoại di động đầu tiên của tôi có đuôi là Mười Ba do tôi nhìn thấy nó trong đống sim mà họ đưa tôi chọn. Không những thế, khi tôi rời khỏi thị xã Phúc Yên để chuyển đến Vĩnh Yên, con ngõ mà tôi từng ở đã chuyển từ số Một sang số Mười Ba kèm theo sự đổi tên của con đường.
Khi đến trung tâm Ocean International Language ở số Mười Ba đường Nguyễn Tất Thành, tôi hài lòng nhìn thấy nó có màu xanh, màu của trời và biển. Trung tâm này của Singapore, giáo viên hầu hết là người Philipin, còn chịu trách nhiệm quản lý là một người Việt Nam. Ở Ocean Language mỗi người đều phải dùng một cái tên tiếng Anh. Người quản lý là Mr. Wind. Tên tiếng Việt của anh ta không hề mang nghĩa tương tự. Như vậy là anh ta thích Gió. Ở đó, họ gọi tôi là Victoria.
*
Liên quan đến cái trung tâm có màu xanh của trời và biển mà tôi vừa kể trên, bằng cách rời khỏi nó trong một đêm mưa mùa hè, tôi đã gặp một chuyện mà cả đời tôi không sao quên được. Từ khi biết có Thượng Đế, đó là lần đầu tiên tôi phán xét Ngài.
Đêm mưa đó xảy ra vào mùa hè năm 2010, nếu như không phải ở một tỉnh lỵ mà là ở thủ đô thì ắt hẳn nó đã phải làm xôn xao tất cả các tờ báo. Thành phố nhỏ bỗng chốc ngập mênh mông như đại dương, mà nó lại như thế đúng vào lúc tôi vừa rời trung tâm Ocean Language sau buổi học tối.
Người ta đều nói đó là điều chưa từng xảy ra nơi đây, tất cả những người đi đường đều vội vã nháo nhào, chiếc xe bốn chín phân khối dễ chết máy của tôi cũng nháo nhào tìm một ngả đường để chạy thoát về khu tập thể của bệnh viện y học cổ truyền Vĩnh Phúc. Không còn ngả đường nào như thế, tôi chỉ còn một lựa chọn là chạy về trục đường chính đông người để đảm bảo rằng mình không bị nước lũ cuốn đi. Chiếc xe ốm yếu của tôi không cần phải mặc cảm, bởi vì tất cả các xe phân khối lớn đều đã chết máy trong dòng nước. Điều tất yếu xảy ra như trong mọi kịch bản tương tự, tôi đứng ngoài hiên một hiệu sửa xe kiên nhẫn chờ đến lượt mình.
Kịch bản thắt nút ở chỗ: người sửa xe tuyên bố rằng ông ta không còn đủ sức gắng gượng nổi và bắt buộc phải đi ngủ, những xe chưa sửa sẽ được ông ta dắt vào nhà chờ đến sáng mai giải quyết. Tôi không thể tự “cởi nút” bằng cách đi bộ về phòng mình chỉ cách đó hơn một cây số, vì nếu làm thế, nước sẽ cuốn phăng tôi đi nhanh như cuốn một khúc củi mục, nếu xe tôi đã sửa cũng chẳng đủ khả năng ra đường. Nhiều người đã được phen hú hồn hú vía trước khi chạy thoát đến vị trí này. Mưa chưa dừng và nước chưa có dấu hiệu xuống. Một trận lũ vô tiền khoáng hậu khiến những người bản xứ sửng sốt.
Sắp một giờ sáng, cả chủ và khách đều mệt phờ, người sửa xe làm những việc như ông ta đã nói. Xe của tôi đã có chỗ, còn chủ nhân của nó thì không. Tôi vẫn đứng ngoài hiên, cùng những người khách chưa đi hết, chưa kịp nghĩ ra cách gì ngoài việc đứng yên.
- Bọn em đi kiếm nhà trọ đây. Chị đi cùng bọn em nhé!
Một cậu thanh niên lên tiếng nói với tôi. Có lẽ cậu ta đã quan sát tôi từ lúc nãy. Họ có ba người, và xe đã sửa xong, một chiếc.
Hôm ấy tôi mặc chiếc áo thun màu trời, khi ướt nó thành màu của biển. Cái màu trời biển ấy không cứu được vẻ thảm hại của tôi, vẻ đáng thương của một chú mèo mới được vớt lên từ dưới nước.
Cậu thanh niên nhìn có vẻ hiền, nhiều người trông hiền như thế, nhưng không có gì đặc biệt ngoài giọng nói nghe cũng êm tai. Cậu ta cao lớn hơn hai người bạn.
Tình huống này có vẻ rắc rối, và tôi kiếm cớ từ chối:
- Nhà trọ thì tốn tiền đấy, mà mình thì không mang theo đủ tiền.
Tôi nói dối. Trong ví tôi có thừa tiền, thừa đủ cho riêng tôi. Nhà trọ là một giải pháp hay, nhưng một mình tôi thì ngại. Muốn kiếm nhà trọ thì ít nhất cũng phải vượt sang bên kia đường, nhưng đường thì đang là dòng sông. Đợi thêm vẫn là giải pháp có vẻ ổn hơn.
- Em có đủ tiền, chị đừng ngại. Từ đây đến kia chỉ khoảng trăm mét, xe này có thể qua được. Lúc nãy bọn em qua chỗ nước ngập ngang người nó mới chết thôi.
Ông chủ hiệu sửa xe tiếp lời khích lệ:
- Cô cứ đi với bọn nó đi! Thằng này là người tử tế, nó là thằng em tôi, tôi đảm bảo đấy.
Tôi đã biết họ quen nhau qua những lời họ trò chuyện từ trước đó. Có lẽ người chủ hiệu cũng không muốn nhận lấy phần khó xử về mình. “Người tử tế” được xem như một lời đảm bảo trong trường hợp này.
Tôi mệt rồi, và không còn ở tuổi mười bẩy. Đứng đây tới sáng với gió lạnh và mưa tạt cũng không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của tôi. Đi với họ chắc là an toàn hơn.
Xe của họ đúng là rất khỏe, chở bốn người, tôi ngồi trên xe mà nước vẫn ngập quá gối. Chúng tôi sang được vỉa hè phía bên kia ngã tư.
*
Cậu thanh niên cư xử với hai người kia như với những kẻ đàn em, còn họ thì không ngần ngại sờ vào má tôi như cách người ta thử phản ứng với một con mèo mới được mua về đang bị xích. Có vẻ như đó là cách mà họ vẫn làm với các cô gái điếm. Cậu thanh niên đàn anh tỏ vẻ bất bình và bảo hai người kia ra khỏi phòng đi tìm nhà trọ khác, rồi đưa điện thoại của mình cho họ trước khi họ đi. Cậu ta ở lại cùng tôi trong một phòng. Tôi thở dài khi thấy mình không có tư cách để đòi hỏi một sự rộng lượng hơn thế.
Trong phòng trọ, nước cũng ngập đến gần đầu gối, may mà cái giường cũng khá cao, và nước có vẻ sẽ không tiếp tục dâng thêm. Tôi nhìn bảng giá trên tường và biết sáng mai cậu thanh niên sẽ phải trả một trăm nghìn.
Tôi quẳng đôi dép và chiếc túi xách lên chiếc ghế ở đầu giường rồi chui vào màn, nằm vật ra. Trong lúc đó, cậu thanh niên chui vào toa lét mà tôi chẳng hiểu cậu ta làm được gì với cái toa lét ngập nước ấy. Lúc chui ra, cậu ta đã trần trụi tồng ngồng như A-đam.
Mấy năm trước đó, tôi từng xem cuốn sách của một người Nhật Bản, cuốn sách gây sốt ấy có tiêu đề “Giống đàn ông”, tác giả là nam giới. Ngay sau đó tôi đã nhanh nhẹn tặng cuốn sách cho cô con gái của bà chủ nhà trọ, để cô nàng sớm từ bỏ những hình dung lãng mạn về cánh đàn ông. Trong tác phẩm ấy, một người đàn ông đã quyết định bỏ qua mọi kiểu cách hoa mỹ của ngôn từ để công khai kể những khó khăn về tính dục mà những người nam phải vượt qua, với mong muốn những người nữ thôi ảo tưởng và đừng đòi hỏi đàn ông phải làm thánh.
Cậu thanh niên lên giường, nằm xuống cạnh tôi và nhẹ nhàng bảo: “Chị cởi quần áo ướt ra đi cho khỏi lạnh, để em ủ ấm cho chị!” Rồi cậu ta kiên nhẫn đợi chứ không hành động sấn sổ. Như thế đủ để là “người tử tế”, như người chủ hiệu sửa xe đã nói.
Tôi vẫn nằm nguyên bất động và suy nghĩ. Tôi không hiểu mục đích của Thượng Đế khi Ngài đưa tôi vào tình huống này. Bên tai tôi vẳng lên giọng nói mà tôi nghe được trong băng đĩa của ông Lương Minh Đáng, người thầy của ngành học Mankind – Enlightenment – Love: “Anh chị em là người lái xe của Thượng Đế, nếu anh chị em lái đi đúng đường thì Thượng Đế đi đúng đường, nếu anh chị em lái đi sai đường thì Thượng Đế đi sai đường”. Không thể phủ nhận điều ấy, đó là trách nhiệm cá nhân mà tôi không thể từ chối. Nhưng tôi biết mặt khác của thực tế tâm linh siêu hình: Thượng Đế luôn lái tôi đi theo ý của Ngài chứ làm sao tôi có thể chỉ đường cho Ngài! Vả lại, cái đầu óc tầm thường của tôi không biết được thế nào là sai là đúng, nếu biết thì tôi đã chả cầu đến Thượng Đế làm gì. Vì con người không bỏ được ý nghĩ và các kiểu tính toán, nên Thượng Đế cứ để cho con người tự do suy nghĩ và tính toán, Ngài biết rõ từng người một và luôn làm sao để họ nghĩ gì thì nghĩ tính gì thì tính, nhưng rồi cuối cùng họ sẽ vẫn làm theo ý Ngài. Sự khác biệt duy nhất nằm ở con người: Nếu ý Thượng Đế mà trùng với ý họ thì họ sẽ vui mừng, nếu ý Ngài không trúng ý họ thì họ sẽ kêu than và cho rằng họ bị đày ải. Như tôi vào lúc này, tôi chưa nhận ra ý của Ngài. Tôi không than rằng tôi bị đày ải, mặc dù tôi không hề có ý muốn rằng cậu thanh niên kia nhận giúp tôi để rồi đối xử với tôi như với một cô gái điếm rẻ tiền.
Tôi không thể sai về chuyện kiếm chỗ khô ráo để trú mưa. Cậu thanh niên cũng không sai khi vừa giúp người khác vừa chiếm được phần tiện lợi cho mình. Nếu chúng tôi không sai thì kẻ sai chính là Thượng Đế, vì Ngài không công bằng.
Phần lớn những người phụ nữ không hào hứng gì với tình dục khi họ đang mệt, nhất là với đối tượng mà họ chưa kịp cảm thấy an tâm, và phản ứng của họ thường khá tiêu cực. Tôi chưa quá mệt, và nếu cảm thấy bất an thì tôi đã không đi cùng người thanh niên này. Theo nguyên tắc cá nhân của tôi, tôi sẽ để cho cậu ta “ủ ấm”, để tỏ ra biết điều và lịch sự, đồng thời tự ngăn chặn lòng kiêu ngạo của mình. Với tôi, hành động này chưa đủ để được tính là một lần vượt qua thử thách. Đó là một bài tập dễ.
Cậu thanh niên thì có cách hành động rất phù hợp để chứng minh sự trung thực của tác giả cuốn sách “Giống đàn ông”, cũng phù hợp với hiểu biết của những người từng trải cả hai giới về đàn ông nói chung. Rời bỏ ý định “ủ ấm” cho một người đàn bà đang nằm cạnh cậu ta trên giường là một bài tập khó. Cách những người đàn ông sa ngã sao mà dễ dàng, sao mà êm ái! Thậm chí nhiều người đàn ông không chấp nhận rằng đó là một sự sa ngã, họ tin đó là cách tỏa “hào quang của giống đực”, cách mà đàn ông thay Thượng Đế ban phát hạnh phúc cho đàn bà nơi trần thế, và không ít những người đàn bà ủng hộ quan điểm của họ. Họ không nhận ra được những ranh giới. Trong tình huống này, với cậu thanh niên còn ít hơn tôi ba tuổi này, nhận ra được ranh giới là một bài tập rất khó.
Bằng việc cùng lúc, trong cùng hoàn cảnh, giao cho tôi, một kẻ từng được đào luyện khắt khe trong trường học của Ngài, một bài tập dễ, và giao cho gã đàn ông khờ khạo kia một bài tập rất khó, làm sao có thể chứng minh được sự công bằng của Đấng Tối Thượng? Khi người ta gặp tôi trong một hoàn cảnh khác thường thì ắt là để có được một bài học đặc biệt về tâm linh. Thế mà giờ đây, chúng tôi đang có một câu chuyện lãng nhách. Một sự phí phạm mà tôi không dễ chấp nhận.
Phán xét Thượng Đế không phải là việc dễ chịu. Tôi hỏi cậu thanh niên:
- Hỏi thật nhé, cậu có thể nằm im không làm gì cho đến sáng mai không?
- Không, em không thể, chị ạ! – Cậu ta đáp ngay.
- Thế thì thật không may cho cậu! – Ý nghĩ trong đầu tôi buột ra miệng thành lời.
Một lát im lặng. Rồi cậu thanh niên hỏi như vừa sực nhớ ra điều gì đó:
- Chị nói như thế nghĩa là sao hả chị?
- Nói gì? Nghĩa gì?
Giọng tôi không được kiên nhẫn lắm. Tôi vẫn chưa hết khó chịu.
- Tại sao chị lại nói là không may cho em? - Giọng cậu ta bối rối.
Tôi im lặng. Biết nói gì với cậu ta kia chứ! Làm sao bắt cậu ta hiểu được!
- Chị làm em sợ - Giọng cậu ta bắt đầu run – Chị em mình gặp nhau ngoài đường, dù có hỏi nhau tên tuổi địa chỉ như thế nhưng em nào biết được chị là ai và lời chị thật đến đâu. Em chỉ là một công nhân quèn thôi, mà em còn có vợ và con nhỏ, bố em thì mới mất cách đây bốn tháng, bị cây đè chết. Em sợ lắm chị ạ!
Câu chuyện có thể đã thành nực cười, nhưng tôi không cười nổi. Tôi lạnh lùng hỏi:
- Sợ thì làm sao? Cậu cứ nằm im mà ngủ là được chứ gì! Tôi đảm bảo cậu vẫn còn sống cho đến sáng mai.
- Nhưng em không thể, em không đủ sức – Cậu ta hoảng hốt ngồi dậy – Em phải rời khỏi đây ngay thôi.
- Ừ, thế thì kiếm phòng khác mà ngủ, làm gì mà phải rầm rĩ lên! – Tôi cảm thấy đã có thể thở phào.
- Không không! Em phải rời hẳn khỏi chỗ này, phải đi khỏi đây, phải về nhà – Giọng cậu ta bất chợt chùng hẳn xuống – Quay đầu lại là bờ.
“Quay đầu lại là bờ”. Câu này tôi nghe quen quen, hình như là những người theo đạo Phật nói.
- “Quay đầu lại là bờ”. Cậu đi chùa nghe được câu ấy à? – Tôi tò mò hỏi.
- Không, em đi nhà thờ. Cha xứ giảng cho nghe câu ấy.
Lại thế nữa! Mấy cái câu hay ho ấy người ta vẫn nói tái nói hoài. Dù có biết bờ ở đâu, nào dễ gì còn đủ sức mà quay lại!
- Thôi nằm xuống ngủ đi! Mưa gió thế này thì đi đâu? Đừng có điên! – Tôi càu nhàu.
- Này chị! – Cậu ta bỗng nhìn tôi với ánh mắt hy vọng – Liệu có phải vì chị sợ em mà nói dối ra như thế không?
Ôi ôi! Gã đần độn này thật nực cười! Tôi đâu có nói gì mà dối với chả thật! Toàn là cậu ta tự tưởng tượng. Một kẻ đang sợ hãi có thể trở thành nhà văn?
- Này! – Tôi nói hơi gằn xuống – Cậu nhìn lại cái mặt tôi xem liệu tôi có giống như một kẻ cần phải sợ cậu hay không!
Thật ra thì cái mặt tôi không ghê gớm gì, nhưng trong những tình huống nhất định, tôi rất thành thạo trong việc uy hiếp tinh thần kẻ khác.
Cậu ta mặc lại quần áo, không chần chừ thêm nữa. Mượn máy của tôi, cậu ta gọi điện thoại cho hai gã đàn em, nhưng họ đã tắt máy, không cách gì liên lạc được.
Cậu ta rút tiền trong ví ra, chỉ có đúng một tờ một trăm nghìn. Cậu ta ra ngoài tìm chủ nhà trọ trao đổi và quay lại với hai tờ năm mươi nghìn, chia cho tôi một tờ.
- Chị cầm lấy để mai trả tiền phòng trọ, em phải giữ lại một nửa để bắt xe ôm.
Xe ôm? Tôi biết chẳng có ma nào chạy xe ôm vào lúc này. Đã nửa đêm về sáng và nước thì còn nguyên chưa rút.
- Cậu cứ cầm cả đi, tôi tự xoay sở được – Tôi không cầm tiền cậu ta đưa.
- Chị phải nhận cho em yên tâm!
Cậu ta không đưa tờ tiền cho tôi nữa mà nhét nó vào chiếc túi của tôi ở trên ghế, rồi vội vã bỏ ra ngoài.
*
Trong phòng trọ, tôi trằn trọc mãi cho đến sáng. Tôi đã dám phán xét Thượng Đế kia đấy, nhưng rút cục vẫn là Ngài biết tôi chứ tôi chẳng hiểu gì lắm về quyền năng của Ngài.
Khi tôi mệt quá thiếp đi thì nước vẫn chưa rút, vì thế tôi rất ngạc nhiên khi tỉnh giấc: Nước biến đi hết sau một thời gian rất ngắn, và nắng đang lên.
Hai người bạn của cậu thanh niên gọi đến số máy của tôi. Họ không hề biết là bạn họ không còn ở cùng tôi nữa. Cậu ấy đã đi đâu, đã xoay sở ra sao cho qua đêm nhỉ? Tôi không đoán được. Tôi chỉ biết rằng với cậu ấy thì dù sao như thế vẫn an toàn hơn.
*
* *
Gió Phương Bắc, tôi vẫn chỉ tiện gì viết nấy thôi chứ không định thiết kế một tác phẩm “nhỡ may” mà cậu chờ đợi. Tôi không xây dựng được những nhân vật có nội tâm sâu sắc, đơn giản là vì tôi chưa từng gặp họ. Cả cậu nữa, cậu cũng nông nổi biết bao!
Còn tôi, tôi chẳng nghĩ ra được điều gì sâu sắc hơn cậu. Từng có lúc tôi muốn gầm lên với cậu: “Đồ ngu!” Nhưng tôi đã không thể làm thế. Chê người khác ngu có lẽ là đặc quyền mà Thượng Đế dành cho cậu, mà không phải cho tôi. Lúc nào Thượng Đế cũng đẩy tôi vào tình cảnh phải chấp nhận sự thật rằng tôi chỉ là một kẻ tầm thường, suy nghĩ hạn hẹp, thiếu tư cách, thiếu độ lượng.
Tôi từng nghĩ rằng cậu là một kẻ ích kỷ, rằng cậu muốn tôi viết ra một tác phẩm công phu chỉ để cậu có thể có thành quả sáng tạo mới trên đó, đã lâu rồi cậu không có cơ hội nào đáng kể để viết với tư cách một nhà phê bình văn chương. Cậu tự an ủi mình với hình ảnh những cụm xương rồng, những ốc đảo xanh tươi trên sa mạc, sa mạc của những tác phẩm dở mà khi cậu đọc phải thì “cái nhiệt huyết đêm qua đã tụt mất chín mươi phần trăm”.
Tôi từng ái ngại khi cậu chê văn chương ở Blog Việt toàn là “rác rưởi”, mà không có cách nào phủ nhận điều cậu nói. Blog Việt chỉ là một nơi nhỏ lắm. Nguyễn Hoài Nam, tác giả “Mùi chữ”, một tập phê bình trên bình diện rộng hơn nhiều, cũng cho rằng các văn sĩ thi sĩ nước Nam hiện nay “viết như xả rác vào văn bản”.
Cái sân phẳng của văn giới Việt Nam đã hình thành như thế, nếu không thì trái bóng Ái Nữ đã chẳng thể lăn vào. Ái Nữ là trái bóng kết thành từ rác rưởi, là kết tinh dốt nát của những kẻ dốt nát, là Đỉnh Cao Của Ngu và Đỉnh Cao Của Điên. Những “đỉnh cao” ấy của tôi vốn nhờ cậu mà có, dù sao thì cậu vẫn luôn thông minh trong cách dùng từ.
Để sửa chữa lại hình ảnh mà tôi hình dung về cậu như một kẻ ích kỷ, ở chương nhất tôi đã viết: “Gió Phương Bắc muốn các nhà văn Việt Nam có được một tác phẩm văn chương vĩ đại đem đến sự giác ngộ và hạnh phúc đích thực cho độc giả”. Nào ngờ vừa đăng lên chưa đầy hai tư giờ, blogger Tranquoctrung78 đã nhảy vào chửi liền: “Đọc xong mà chỉ muốn nói "dm, cái thằng Gió Phương Bắc là ai mà ghê thế nhỉ", nó nghĩ mình chủ tịch nước hay sao - mà muốn lắm thế”. Dù anh ta mang tiếng là điên, nhưng câu chửi này, bỏ qua “lỗi chính tả”, lại chứng minh là anh ta rất tỉnh. Đại ngôn là phong cách dễ gặp ở các chính trị gia, ở các nhà lãnh đạo.
Câu chửi ấy dành cho cậu không oan tí nào, cậu quả là giống lãnh đạo lắm cơ! Khi blogger Nguyễn Thanh Quang lập trang Chiếu Làng trên Blog Việt, tính chuyện in văn thơ của bà con Xóm Lá và trao giải cho vui, cậu chẳng ủng hộ họ đến cùng được thì thôi, lại còn chê họ những là “ngu” với “khỉ diễn trò”. Mặc dù tôi không thể tham gia vào cuộc vui của Chiếu Làng, nhưng tôi vẫn khích lệ họ. Nói gì thì nói, khi anh Nguyễn Thanh Quang làm ra một chuyện như vậy và theo đuổi nó, chắc chắn anh ấy sẽ học được nhiều bài học mà từ trước đến bấy giờ anh ấy mới chỉ đứng ngoài phê bình mà chưa từng nhập cuộc. Tôi muốn được chứng kiến một người bạn cụ thể của tôi tiến bộ, chứ tôi không quan tâm đến thành quả của văn học Việt Nam nói chung. Bài học xấu bài học dở mới là bài học khó, chứ còn nói những điều tốt đẹp và khoe những việc làm tốt đẹp thì ai mà chẳng thực hiện được! Cứ mở miệng ra là cậu đòi hỏi người ta phải biết về Sự-Khác-Biệt, nhưng chính cậu thật ra có hiểu gì về nó đâu. Nếu cậu có hiểu biết về Sự-Khác-Biệt đúng mức, thì cậu đã không làm ầm ĩ lên với anh Nguyễn Thanh Quang, vì hai người khác biệt thì hiểu nhau thế nào được mà phải nói cho phí lời.
Vậy đấy, trong tác phẩm văn chương hay ho của nhân loại, tôi đóng vai con rắn xui Eva và Adam ăn trái cấm, còn cậu đóng vai Thiên Chúa đùng đùng nổi giận tống cổ họ khỏi vườn địa đàng.
Tất nhiên tôi là kẻ ích kỷ hơn cậu. Nhân loại đối với tôi chỉ nhỏ như là một người bên cạnh, một người mà tôi đang chuyện trò. Blog Hơi Thở Của Vũ Trụ được lập nên vì lý do gì? Chỉ là để cuộc trò chuyện của tôi với chàng trai Không Một Tám không bị trắc trở. Tôi nói với cậu ấy rằng tôi là người viết văn diễn kịch và tôi không nói dối dù hôm đó là ngày Cá tháng Tư. Tôi đã lập blog để đăng lên những tác phẩm phòng khi Không Một Tám đọc đến. Có lẽ đến giờ này cậu ấy vẫn chưa đọc, nhưng điều đó không ngăn cản cậu ấy trở thành nhân vật quan trọng trong cuộc đời tôi. Cậu có nghĩ như những ai đó, như Nguyễn Thanh Sơn chẳng hạn, rằng “văn chương phải lớn hơn cuộc sống”? Ồ riêng tôi phản đối. Văn chương chỉ là tác phẩm của con người, còn cuộc sống lại là tác phẩm của Thượng Đế. Với tôi, cuộc đời là văn chương nhưng văn chương không phải là cuộc đời. Nói vậy để cậu hiểu tại sao tôi không háo hức với chuyện viết ra một tác phẩm lớn. Không cần các nhà văn viết ra thì các tác phẩm lớn vẫn luôn tồn tại, chỉ là chúng ta có biết cách đọc hay không mà thôi.
Đáng lẽ tôi không cần phải viết thêm, nhưng cậu đã đến trò chuyện cùng tôi mà cuộc trò chuyện ấy chưa chấm dứt. Vì chúng ta gần như vô hình đối với nhau, nên viết là cách duy nhất mà tôi có thể dùng được, cũng là cách tốt nhất để trò chuyện với cậu, một người đã đặt vào văn chương tình yêu thiêng liêng.
Tôi viết cho cậu cũng là cách để tiếp tục cuộc trò chuyện với Không Một Tám. Tôi đã nói cho cậu ấy biết cậu ấy là người quan trọng trong cuộc đời tôi kia mà. Cậu ấy đã từng mong tôi là một cô bé hai mươi mốt tuổi, và chuyện tôi viết văn hay diễn kịch chỉ là nói dối. Chúng tôi đã nói chuyện qua điện thoại chứ không phải chỉ là nhắn tin nữa, nhưng cậu ấy vẫn chưa hình dung được rằng tôi không đồng lứa với cậu ấy và vẫn yên tâm gọi tôi là “bạn”. Vì cậu ấy không hiểu được những tác phẩm văn chương sâu sắc nên cậu ấy sẽ cần gặp tôi đúng không? Khi đó cậu ấy bắt buộc phải đối diện với sự thật: người mà cậu ấy đưa đi ăn kem và dạo chơi trong công viên có thể không phải là một cô bé hai mươi mốt tuổi, nhưng thay vào đó là một văn sĩ, một kịch sĩ từng trải, một “người nổi tiếng” thì cậu ấy cũng sẽ không phàn nàn. Và để bạn bè của Không Một Tám khỏi nghi ngờ về chuyện người bạn của họ quả thật đã trở thành nhân vật trong một tác phẩm văn học lừng danh (chúng ta tạm giả định là thế), tôi đưa ra đây ngày tháng năm sinh của cậu ấy: 02 – 11 – 1992. Tôi biết được ngày quan trọng này là vì theo yêu cầu của Không Một Tám, tôi đã mua cho cậu ấy một sim điện thoại số đẹp vào sinh nhật của cậu ấy năm 2013, khi cậu ấy tròn hai mươi mốt tuổi (thế mà vào ngày Cá tháng Tư cùng năm, cậu ấy đã nói dối tôi là cậu ấy hai mươi hai tuổi rồi cơ đấy). Không Một Tám cần những sự quan tâm nho nhỏ như vậy chứ không phải là cần một tác phẩm văn học lớn. Rồi cậu biết sao không? Khi gọi lại để cảm ơn tôi, Không Một Tám nói cậu ấy rất ngạc nhiên, cậu ấy đã không hề nghĩ tôi sẽ thực hiện yêu cầu của cậu ấy, một người chưa từng gặp mặt. Giọng Không Một Tám cảm động tới mức tôi tin rằng cậu ấy đã biết thế nào là cô đơn.
Thế mà một việc nhỏ như mua sim điện thoại cho Không Một Tám, suýt nữa tôi đã không làm được. Lúc ấy tôi đang ăn ở nhờ nhà bố mẹ, hoàn toàn không có tiền, nhưng tôi không thể nói điều đó với Không Một Tám vì lý do ấy thật vô duyên. Nhưng có một người đã tình cờ giải nguy cho tôi, cậu có hình dung được đó là ai không? Là bác Dizikimi, một blogger của Blog Việt, người mà cậu đã độc địa đặt cho cái comment “người mù ở trại tâm thần” ấy. Bác Dizikimi là người đầu tiên đến thăm tôi, bác ấy quan tâm đến tôi hơn là quan tâm đến những gì tôi viết. Bố mẹ tôi rất mến khách nên những người đến thăm tôi đều được đón tiếp nồng nhiệt. Bác Dizikimi có việc cần mượn cái USB của tôi, nhưng rồi quên không trả về đúng chỗ cũ và kết quả là chúng tôi đã không sao tìm lại được nó, kể cả sau khi bác ấy ra về. Thế là tôi có lý do để xin tiền của mẹ tôi, vì cái USB là một vật không thể thiếu. Dĩ nhiên tôi đã dùng tiền ấy để mua sim điện thoại cho chàng Không Một Tám, còn USB thì phải đợi dịp khác. Với tôi, bác Dizikimi đúng là một vị cứu tinh. Gần đây bác ấy cứ nghĩ là tôi giận bác ấy nên không nói chuyện, nhưng chỉ là tôi không thích nói chuyện với bác ấy vì chúng tôi không hợp chuyện thôi. Nếu bác ấy không nói chuyện mà nấu ăn thì lại rất hợp khẩu vị của tôi, thật đấy!
Với Không Một Tám, người trò chuyện với tôi qua tin nhắn chỉ có vài ngày, tôi còn sẵn sàng làm những việc như thế. Huống chi là với cậu, Gió Phương Bắc, người đã trò chuyện cùng tôi bằng những comment và những entry trong nhiều ngày, bớt xén giờ giấc nghỉ ngơi sau những cuộc “kéo cày” vất vả ngoài kia. Cậu là cơn gió trong lành đã đến trong cuộc đời tôi, là bài hát ngân nga trong tâm hồn tôi không bao giờ dứt. Vì cậu mà tôi sẵn sàng bắt đầu cuộc trò chuyện mới, cho dù vì điều đó mà tôi phải cày tung cả thế giới này.
Cậu muốn thanh kiếm báu Sự-Khác-Biệt được sử dụng phải không? Được thôi! Ý cậu là ý Chúa. Thanh kiếm Sự-Khác-Biệt chính là thanh kiếm Trí Tuệ, trong chất thép của nó có nhiều phần xảo trá. Khi sử dụng nó, chẳng biết niềm hạnh phúc vĩ đại có đến hay không, nhưng nỗi đau vĩ đại thì hẳn là có đấy. Chúng ta sẽ chịu đựng được, còn các độc giả, nếu đã trót đọc thì cũng phải chịu đựng thôi.
Chúng ta sẽ lái cỗ xe chở Thượng Đế để cho Ngài bị người đời phán xét. Họ sẽ phán xét Ngài, dõng dạc và đanh thép. Rồi cuối cùng, Ngài sẽ nhấc Mèo Ainu ra khỏi đống hỗn độn theo cách mà chúng ta không thể ngờ, khiến cho chúng ta phải bị bẽ mặt một phen. Nhưng thà như thế còn hơn là chúng ta bỏ lỡ cơ hội chứng kiến quyền năng của Đấng Sáng Tạo.
*
* *
"Trong ngày Cá tháng Tư tôi đã nói sự thật cùng Không Một Tám. Ngày hôm nay tháng Tư vẫn chưa qua, tôi đã nói sự thật cùng các bạn. Tôi là Người Nổi Tiếng của Không Một Tám, chàng trẻ tuổi đã vô tình mang đến cho công chúng Xóm Lá những diễn viên bất đắc dĩ của mọi thời đại.
Blog "Hơi Thở Của Vũ Trụ" và cái tên Ái Nữ có trở nên nổi tiếng hay không thì chỉ bạn đọc mới biết. Tôi không quan tâm đến điều này, bởi vì tôi là cơn gió thổi qua tâm hồn các bạn trong phút chốc rồi có thể không bao giờ quay trở lại".

PS/: Thượng đế đã dẫn dắt Ainu gợi dục thành một nàng EVa cám dỗ Adam ăn trái cấm nhưng đáng tiếc thất bại vì chàng Adam này là một "thiên thần" đọa trần nên sợ hãi mà bỏ chạy mất dép. Đang viết đến đây, bỗng nhiên trước mắt tôi chói lòa và khi tôi kịp hoàn hồn thì trước mặt tôi là một chàng thanh niên trần truồng như nhộng. Cũng may là còn có đôi cánh sau lưng nên tối biết liền đó là một "thiên thần". Chao ôi, tác phẩm của Thượng đế quả thật là kỳ diệu, tôi chỉ mới giới thiệu thôi là được gặp Thiên thần ngay.
Thiên thần ghé sát mặt vào màn hình thấy tôi đang đọc  "Cuộn len của Thượng Đế" thì khịt khịt mũi lùi lại bảo : 
- Nhà bác tài thật có thể chịu được cái mùi này.
Tôi ngạc nhiên hỏi : 
- Thưa ngài, mùi gì ạ?
Thiên mở to mắt nhìn tôi, rồi lắc đầu :
- Thú thật với ngươi ta là chàng trai trong câu chuyện này- giọng thiên thần có vẻ rầu rầu- đêm đó ta không nên để nàng một mình trong cái nhà trọ tồi tàn ấy- Thoáng ngập ngừng, thiên thần tiếp - nhưng ...ta thực sự không chịu nổi cái mùi từ thân thể nàng toát ra khi ta nằm lên giường kề cận nàng
- Mùi gì thưa ngài? - Tôi hỏi
- Này, ngươi thật sự không nghe mùi gì à?- Thiên thần nhìn tôi và ra chiều suy ngẫm. Ngài lẩm bẩm :
- Có thể là do nàng mắc mưa, chưa thay đồ ...nên...mà thôi- ngài quay sang tôi nói: -Ngươi hẳn là có duyên với tác phẩm Thượng đế nên ta muốn nhờ ngươi một việc.
- Tôi sẳn lòng thưa ngài!
- Nếu như ngươi gặp nàng thay ta đưa cho nàng món này nhé!
Vừa nói xong, thiên thần đã chấp cánh bay mất. Đến cũng nhanh mà đi cũng nhanh, duy có một vật ngài để lại là lấp lánh với hàng chữ : OVALIN
Cùng lúc đó, trên thinh không tiếng thiên thần vọng xuống : Ngươi nhắn với nàng khi nào trị hết rồi hãy gọi cho ta theo số KHÔNG MỘT TÁM NHÉ !
( ơn trời, cũng do mũi tôi bẩm sinh chỉ nghe được mùi thơm chứ không nghe được mùi hôi)
Các bạn tiếp tục theo dõi : 

Chương 5 - Tại sao gái điếm?

Khi đọc các bạn chú ý những phần chữ in đậm

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Her- Tình yêu- Tình dục và con đường khai sáng



Kẻ nào nhìn ra được bản chất của tình dục, kẻ đó hát ca trên thiên đường. Còn kẻ nào để tình dục thắt cổ, kẻ đó làm nô lệ dưới địa ngục. Hàng loạt những sự kiện (trong đó có tình dục) đã giúp thức tỉnh Theodore, từ một người đàn ông khốn khổ nằm trong đống tro tàn của sự cô đơn, dằn vặt, lạc lối chợt vươn lên mạnh mẽ, đầy sức sống và rực rỡ như một con phượng hoàng lửa





Dân chủ hóa trong tiến trình hiện đại hóa ở các xã hội Đông Á




Trần Ngọc Vương*
1. Dân chủ - một ý niệm khó tưởng tượng trong truyền thống Đông Á.
Ở bài viết “Dân chủ và văn hoá Trung Quốc” (in trong sách “Nho gia với Trung Quốc ngày nay”) học giả Vi Chính Thông sau khi cố gắng gạn tìm những biểu hiện hiếm hoi từ các thư tịch nổi tiếng của Trug Quốc cổ xưa những câu chữ xa gần có thể được thích nghĩa là gần gũi với ý niệm dân chủ, đã sòng phẳng khẳng định “Một mặt, chúng tôi đã vạch rõ sự suy diễn và ngộ nhận đối với tư tưởng dân chủ cổ đại (Trung Quốc- TNV thêm); mặt khác, chúng tôi không phủ nhận Trung Quốc cổ đại từng có giai đoạn mầm mống tư tưởng dân chủ. Lẽ thường, đã có mầm mống thì phát triển và lớn mạnh. Nhưng trên thực tế, trong lịch sử Trung Quốc, giai đoạn mầm mống đó đã kéo dài trên 2000 năm mà không phát triển lên được”. Theo ông, sự đình trệ của tư tưởng dân chủ trong truyền thống Trung Quốc thể hiện qua mấy điểm chính: Biết trọng ý dân, nhưng không biết nên thực hiện ý dân như thế nào; “dân bản” không đồng nghĩa với “dân sinh” tức “dân bản” không phải là “dân chủ’ và quan trọng hơn, ở Trung Quốc truyền thống “chưa từng hiểu tự do”. Ông còn viết: “Theo hiểu biết của chúng tôi, ở Trung Quốc trước đây chẳng có một người nào được tự do”[1].Điểm lại sự phát triển của tư tưởng dân chủ ở Trung Quốc trên dưới 100 năm gần đây qua một số nhà tư tưởng chính yếu (Dung Hoằng, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Hồ Thích…), đáng chú ý khi Vi Chính Thông đề cập đến “những trở lực mới” đối với việc phát triển và hiện thực hoá tư tưởng dân chủ thời hiện đại, ông không ngần ngại chỉ ra những sự ngộ nhận hay xuyên tạc mới. Theo ông, có bốn trở lực chính, theo trình tự là:

1. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa tràn lan,
2. Niềm tin đối với dân chủ không vững,
3. Thiếu nền giáo dục bồi dưỡng chủ nghĩa cá nhân lành mạnh,
Và 4. Sự động loạn kéo dài.

Vào thời điểm hiện nay, sau hơn 30 năm cải cách - mở cửa, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã bước đầu hiện thực hoá khát vọng trở lại vị trí là một siêu cường trong thế giới đa - nhưng không quá nhiều - cực. Rất nhiều những chỉ số trên nhiều bình diện đã chứng tỏ một cách hùng hồn rằng Trung Quốc thời điểm này thực sự đã có khả năng chi phối thế giới và khu vực. Nhưng cũng không ít học giả, từ nhiều góc nhìn khác nhau, vẫn bày tỏ sự nghi ngờ sâu sắc tính bền vững của mô hình và cách thức phát triển, cả quỹ đạo phát triển nữa, của siêu cường mới tỉnh dậy này. Một câu hỏi lớn tiếp tục vang lên mà chưa thấy nhiều những lời đáp khẳng định, đó là đa số cư dân Trung Quốc đã thực sự có hạnh phúc hay chưa, và với tư cách một cộng đồng cư dân, đó có phải là một cộng đồng hạnh phúc hay không. Ít lời đáp theo chiều khẳng định, bởi dân chủ chính là vấn đề trước hết của đa số, hạnh phúc là tiêu chí nhân sinh hàng đầu của mỗi và mọi cá nhân.

Bàn tới dân chủ là bàn tới quyền lực chính trị, tới mô hình và tính chất của chế độ xã hội, cũng là bàn tới một trong những thành tố hàng đầu của quyền con người.Dân chủ không phải là thứ hiện hữu trong các khát vọng, các lý tưởng, các giấc mơ cá nhân và/ hoặc tập thể. Đó phải trước hết là và chủ yếu là thực tiễn chính trị.

Đây không phải chỗ bàn tới những vấn đề mang tính lý thuyết, dù việc hiểu đúng, nắm vững những cội nguồn lịch sử cũng như cấu trúc lý luận của các học thuyết và truyền thống tư tưởng dân chủ hiển nhiên có một ý nghĩa trọng đại. Bài viết này chỉ hy vọng đưa ra một cái nhìn ít nhiều chuyên biệt về những đặc thù của truyền thống dân chủ trong một khu vực địa - chính trị xác định, trong khung khổ của những niên đại lịch sử cũng có tính xác định.

Với tư cách là một thực tiễn chính trị, chưa một giai đoạn nào trong lịch sử khá dằng dặc của các thể chế chính trị từng tồn tại trên đất Trung Hoa cho tới tận thời kỳ Tôn Trung Sơn lãnh đạo cuộc Cách mạng lập nên nhà nước Trung Hoa dân quốc có thể lấy làm ví dụ dù chỉ cho một cuộc diễn tập mô hình dân chủ xã hội. Có một thời kỳ khá dài, và dư ba của nó vẫn cờn tới tận hiện nay, không ít người đã nỗ lực thuyết minh nhằm tạo ra một ảo giác rằng khởi nghĩa nông dân là một trong những biểu hiện điển hình của tinh thần dân chủ và thậm chí là tinh thần cách mạng. Mà khởi nghĩa nông dân thì dường như là một trong những “truyền thống lớn” của lịch sử Trung Quốc: ít nhất người ta có thể viết lịch sử vài nghìn năm của loại phong trào xã hội này từ Trần Thiệp – Ngô Quảng, qua khởi nghĩa Khăn Vàng, cho tới tận những giai sự về 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, rồi tới cuộc khởi nghĩa lớn kết hợp với khát vọng “phục quốc” đánh đổ nhà Nguyên lập nên nhà Minh, và cuộc Đại khởi nghĩa nông dân cuối cùng trong thời kỳ thống trị của thể chế quân chủ chuyên chế là Thái Bình Thiên Quốc.Nhưng, nói một cách vắn tắt, nếu chúng ta đọc và tiếp thu chính xác tư tưởng của các nhà kinh điển macxit, đặc biệt qua “Chiến tranh nông dân ở Đức”, thì ít nhất ta cũng không thể dựa vào họ để khẳng định rằng có thể đồng nhất khởi nghĩa nông dân với Cách mạng, rằng khởi nghĩa nông dân là việc thực hiện nhiệm vụ “phản phong”, và rằng đó chính là thực tiễn chính trị của quá trình hiện thực hoá tư tưởng dân chủ.

Trung Quốc là quốc gia có truyền thống chính trị quân chủ chuyên chế lâu bền và liên tục nhất so với mọi và bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Mô hình chế độ chuyên chế ở Trung Quốc bộc lộ trong lịch sử thành ba dạng thức chủ yếu: chuyên chế quân sự/ quân phiệt, chuyên chế pháp trị và chuyên chế quan liêu. Người nghiên cứu Trung Quốc nào cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng, giữa ba dạng thức đó, mô hình chuyên chế quan liêu – cũng tức chuyên chế kiểu Nho gia – là mô hình giữ vai trò chủ đạo và có truyền thống đậm nét nhất, liên tục và lâu dài nhất. Nhiều thời kỳ, giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, thiết chế chính trị hiện thực là sự dung hợp, pha phách, thêm bớt những yếu tố của ba dạng thức này.
Sự ngộ nhận tư tưởng “dân vi bang bản” trong truyền thống tư tưởng Nho giáo thành tư tưởng dân chủ là một sự ngộ nhận kéo dài, cả ở Trung Quốc lẫn ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, cả ở giới chính khách, cả ở các giới xã hội khác, cả ở các nhà nghiên cứu bản địa lẫn các nhà nghiên cứu ngoại quốc. Cần kiên quyết “giải ảo” đối với sự ngộ nhận này.

Trên một loạt những phương diện, truyền thống chính trị chuyên chế của xã hôi Nhật Bản cũng không kém gì Trung Quốc. Ở Nhật Bản, cho tới nay vẫn còn tồn tại một “công án chính trị” chưa tìm được lời giải đáp có sức thuyết phục, ít nhất cho những người có não trạng duy lý: đó là bí mật của sự tồn tại bền vững và đi kèm với điều đó là sự sùng bái đối với Nhật Hoàng đến mức thành một tín ngưỡng , thành “dân tộc tính”. Tôi chưa biết có quốc gia nào là quốc gia thứ hai trên thế giới mà dòng họ cầm quyền xuất hiện tận từ thời huyền sử cho tới ngày nay vẫn chưa từng bị thay thế như hoàng tộc Nhật Bản. Trong tiếp xúc, toạ đàm hay trao đổi khoa học, không ít lần tôi nêu câu hỏi về nguyên nhân của sự sùng bái như đã đề cập và “sức bền” của ngôi vị Thiên hoàng đối với các học giả Nhật Bản, nhưng hầu như tất cả họ, những người mà bình thương tôi rất nể trọng, khâm phục vì tính chính xác tỷ mỷ và tính triệt để trong nhận thức và lập luận, đều cơ hồ “ngớ ra” và đều không đưa ra lời giải thích nào khả dĩ chấp nhận, một số lớn thậm chí trả lời thẳng thắn là chính họ cũng không giải thích được!

Trên đại cục, Nhật Bản xa lạ với tư tưởng dân chủ cho tới tận thời Minh Trị Duy Tân. Ngay nội dung và động lực của công cuộc duy tân mà Nhật Bản đã thực hiện quá đỗi thành công thì cũng không phải là công cuộc lấy nguồn cảm hứng chủ đạo từ tư tưởng dân chủ hoá xã hội. Sau khi đã trở thành một đế quốc trẻ, tự xếp và được xếp ngang hàng với các đế quốc Âu - Mỹ khác, Nhật Bản cũng không “theo gương” họ mà xây dựng một thiết chế chính trị dân chủ. Chỉ có thể nói đến thực tiễn chính trị dân chủ và dân chủ hoá thực thụ ở Nhật Bản sau thất bại của họ khi kết thúc cuộc Đại chiến thế giới thứ II. Nhưng dù cho nền dân chủ ở Nhật Bản ngày nay có đạt tới sự hoàn bị và triệt để đến thế nào đi nữa, được chính các chính khách Âu Mỹ xưng tụng ra sao, thì về thiết chế tối hậu, thuộc tính tối cao của chính thể Nhật Bản vẫn là nhà nước quân chủ lập hiến, chứ không phải là nhà nước cộng hoà, dân chủ hay dân chủ nhân dân.Quốc danh của Nhật Bản, ở thời điểm hiện nay, không phải, không còn là đế quốc đã đành, không phải là vương quốc, mà cũng không là “cộng hoà” “dân chủ”, “cộng hoà dân chủ” hay “dân chủ nhân dân”. Đơn giản đó là “Nhật Bản quốc”.

Không bàn tới Bắc Triều Tiên, thì Đại Hàn dân quốc cũng chưa thể tự hào là mình có được một nền dân chủ sâu rộng, xum xuê đầy hoa trái với những thiết chế dân chủ hoá mạnh mẽ. Cho tới tận những năm 80 của thế kỷ trước, nền chính trị Hàn Quốc vẫn còn “rên xiết” và “ngột ngạt” bởi sự hà khắc của một chuỗi các nhà độc tài. Không mấy người không biết đến tên tuổi của những Lý Thừa Vãn, Pắc Chung Hy, Chun Đô Hoan, Ro Thê U…của thời kỳ nửa sau thế kỷ XX vừa qua. Dĩ nhiên ở vào thời điểm hiện nay, nền dân chủ ở Hàn Quốc đang dần tới độ chín, kéo theo những biến đổi thiết chế dân chủ hoá khá toàn diện và sâu sắc. Nhưng đó là chuyện của chỉ một vài thập kỷ gần đây.

Tuy nhiên, dù sao mặc lòng, vẫn phải khẳng định rằng dân chủ là một trong những động lực và cũng phải là đích đến của các quá trình hiện đại hoá, ít nhất điều đó đúng với tuyệt đại đa số các quốc gia đã trở thành các nước phát triển.

2. Dân chủ hoá và hiện đại hoá ở khu vực Đông Á nhìn theo quan hệ chiều sâu:

2.1. Một thế kỷ dân chủ hoá trên đất Trung Hoa:

Có lẽ với tính cách là một con người xã hội, rất ít cá thể thuộc các truyền thống khác phải chịu nhiều những mối liên hệ, những tính quy định và cả sứ mệnh chuyển tải những thông điệp giá trị tầng tầng lớp lớp như con người Trung Quốc. “Con người chức năng” ở Trung Hoa xưa ngay từ thuở mới lọt lòng đã được định đoạt bởi hàng loạt những thuộc tính xã hội mang tính tiên nghiệm. Từ trong gia đình, con người đó được định tính bởi trước hết sự phân biệt giới tính, vị trí trong trật tự trưởng ấu, thậm chí ở các gia đình phụ hệ đa thê còn có cả vấn đề vị trí trong gia đình ăn theo vị trí và “nhân thân” của người mẹ đẻ. Mở rộng hơn khung khổ gia đình hạt nhân (tức gia đình chỉ gồm hai thế hệ bố mẹ và con cái) cá thể đó sẽ được xác định “thân danh” trong các mối quan hệ huyết tộc nhằng nhịt với quy mô ít nhất là tới 4 thế hệ. Sau “gia” là “tộc”, sau các quan hệ huyết thống thực có là những liên hệ huyết thống hoá giả tạo (quan hệ thông gia, quan hệ kết giao) nhưng mang đầy đủ sức mạnh và những ràng buộc thực tế.Trung Quốc có lẽ cũng là xứ sở mà một cá thể có được “nhiều nhất” những mối liên hệ và kèm theo đó đương nhiên là những sự ràng buộc với các cấp chính quyền, từ thôn xã qua những khâu “trung gian” ấp tổng huyện phủ châu quận trấn tỉnh lộ đạo cho tới cấp trung ương.Ngay ở cái thực thể “cấp trung ương” ấy người ta còn cần phải “lỏng gối mòn trán” với vô số những công đường ty môn cục sảnh quán các điện cung. Đó cũng là xứ sở của vô số những tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, đoàn thể…mà một cá nhân bất kỳ nào cũng có thể “sa lưới”.
Ngoài việc “con người chức năng” bị “đóng đinh câu rút” vào “xã hội luân thường” (chữ dùng của cố học giả Trần Đình Hượu) với sự trưởng thành qua thời gian các cá thể nhỏ nhoi ấy còn có thể bị chia vụn và tiêu tán tự do của mình vào các mối quan hệ mà cũng là những sự ràng buộc của những học hiệu tổ đường giáo quy hội chế…Có quá nhiều bổn phận để thực thi, con người sẽ chỉ còn lại quá ít năng lực và sinh khí để thoả mãn những ham muốn và nhu cầu, cho dẫu đó là những ham muốn và nhu cầu chính đáng.

Tổ chức và truyền thừa một thiết chế xã hội theo đường hướng đại thống nhất, đại tập trung, lịch sử Trung Quốc trên những đường nét lớn nhất là lịch sử của những đế chế. Trong một bài viết trước đây, tôi đã cố gắng giải mã“Mẫu hình hoàng đế và con đường tìm kiếm sự thể hiện bản ngã trong triết học và văn học khu vực Đông Á”.Xin được lặp lại ở đây một vài nhận xét và tổng kết:

“1. Nếu như mọi mục đích tối hậu của bất kỳ quá trình cá thể hoá nào cũng là khẳng định quyền tồn tại, truyền thừa, phát triển những thuộc tính mang tính đặc trưng và cá biệt của cá thể vào trong cộng đồng, thì do sự chi phối của tiến trình lịch sử các khu vực trên thế giới diễn ra không giống nhau, đã xuất hiện các phương thức và giải pháp cá nhân hoá không như nhau. Bao giờ và ở đâu, vấn đề cá nhân cũng luôn luôn được đặt ra và giải quyết trong quan hệ với các loại quyền lực (thần quyền hay thế quyền), với các loại thiết chế chính trị, kinh tế, pháp luật và rộng hơn, thiết chế văn hoá. Mức độ thành công của quá trình cá thể hoá phụ thuộc vào mức độ độc lập, tự do, hiện thực hoá bản ngã, cao hơn, quy mô tác động trở lại của cá thể đó vào lịch sử phát triển của thiết chế, của cộng đồng.
Về đại thể, chúng tôi cho rằng ở phương Tây đã hình thành và phát triển (thậm chí cực đoan hoá) một loại hình (có thể là chính thường hơn, điển hình hơn trong lịch sử nhân loại) cá nhân: đó là cá nhân đồng loạt , cái cá nhân trong tương tác hàng ngang với xã hội, vì vậy nó cũng được xã hội hoá đến mức cao độ. Loại hình cá nhân này, ở dạng cực đoan nhất của nó, được diễn đạt trong châm ngôn hành xử : “Địa ngục là người khác” (L’Enfer, C’est L’Autre) theo lối nói của J. P. Sartre, ngụ ý rằng sự tồn tại của cá nhân bất kỳ nào khác đều đã hạn chế “tự do, độc lập” của chủ thể. Con người cá nhân đó, dù nghịch lý cách mấy, buộc phải chấp nhận sự tồn tại của đồng loại, của các cá thể khác trong tư cách đồng hạng, bình quyền, bình đẳng. Con người cá nhân kiểu đó đòi hỏi sự tồn tại của các khế ước xã hội, đòi hỏi tính nghiêm mật của luật pháp, sự thừa nhận phổ biến đối với cá tính và tư hữu.
Nếu như cá nhân phương Tây được đo bằng các hệ métrique “theo hàng ngang” (horizontale) thì ngược lại, định hướng phát triển đặc trưng của quá trình cá thể hoá ở phương Đông đều chuyển động hướng thượng “theo chiều dọc” (verticale)…..

2. Con đường hình thành cá nhân theo cách như vậy quy định trở lại cách giao tiếp, thế ứng xử vàcũng xác định mối quan hệ qua lại giữa cá nhân và cộng đồng theo cách khác. Trong ngôn ngữ chính trị lẫn ngôn ngữ văn học, ở các nướcnhư Trung Quốc hay Việt Nam, các hình dung từ để khẳng định cá nhân đều mang một nội dung hướng thượng như vậy: xuất sắc, phi phàm, phi thường, siêu việt, kiệt xuất, hào kiệt, anh hùng… Không bao giờ các cá nhân tìm cách tự khẳng định trong mối quan hệ hàng ngang với đồng loại…Mọ sự khẳng định bản ngã đều hướng tới chỗ hơn đời, khác người, chứ không tính toán xếp đặt trong khuôn khổ khôn ngoan vặt vãnh kiểu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” như tâm lý đại chúng. Mọi cá nhân phát triển như vậy đều cô đơn: cô đơn trong khát vọng, cô đơn trong tính toán hành xử, cô đơn cả trong xúc cảm thường nhật.
Và tất cả đều có những liên hệ quy chiếu với một loại hình cá nhân đặc biệt: Hoàng đế. Cả sự tìm kiếm sự siêu việt trong tôn giáo (Thiền hay Đạo, luyện đan cầu trường sinh hay chứng ngộ cảnh giới thông với Đại hồn) đều là sự biểu hiện của một khát vọng hướng tới cõi vô cùng, cõi bất tử như thế.
Sự chi phối, ám ảnh sâu sắc và toàn diện của loại hình nhân cách hoàng đế khiến ta phải nghĩ tới không phải chỉ là sự thủ tiêu con người cá nhân của chế độ chuyên chế, mà còn cả sự áp đặt của nó đối với mọi biểu hiện tìm tòi của sự giải phóng cá nhân. Chắc chắn rằng có một phương thức thể hiện cá nhân khác biệt với phương Tây mà chúng ta còn phải dày công tìm hiểu”.[2]
Con người Hoàng đế với tư cách “cá nhân đại diện cộng đồng” ấy không phải đã “về với quá khứ tuyệt đối” sau Cách mạng Tân Hợi. Quán tính ghê gớm của những truyền thống lịch sử đã tiếp tục truyền hơi thở nồng nàn của nó để thời hiện đại trên đất Trung Hoa vẫn tiếp tục xuất hiện những nhân cách Hoàng đế mới, thậm chí trên một vài bình diện còn mạnh mẽ hơn cả ngày xưa. Từ sau Hội nghị Tuân Nghĩa, sắc thái dân chủ hoá vừa nhen nhóm ít nhiều trong đời sống tinh thần ở những vùng của chính quyền Cộng sản đã nhanh chóng nhạt nhoà. Sau những đợt điền địa cải cách, chỉnh huấn chỉnh phong, đỉnh điểm của sự thủ tiêu tinh thần dân chủ và đường hướng giải phóng cá nhân bộc lộ “một cách hoàn hảo” nhất ở thời kỳ được mệnh danh là Đại Cách mạng văn hoá vô sản (1966 -1976). Chỉ sau cái chết của vị Hoàng đế mới vài năm, những biểu hiện của làn sóng dân chủ hoá mới được ầm ào vỗ lại trên những bờ bãi cũ.
Đối với đông đảo cư dân Trung Quốc đương đại, Đặng Tiểu Bình và một số cộng sự của ông được coi là những đấng cứu tinh. Trung Quôc của Đặng thận trọng bước những bước dò dẫm theo hướng dân chủ hoá kiểu châu Âu.
Nhưng với sự kiện Thiên An Môn, rồi tiếp theo là hàng loạt những vụ việc đàn áp các phong trào và tổ chức bất đồng chính kiến lớn nhỏ khác, thậm chí cả đối với những nhân vật đứng ở thượng đỉnh của toà tháp quyền lực, Trung Quốc của dăm bảy nhiệm kỳ qua vài ba đời Tổng Bí thư gần đây nhất vẫn chứng tỏ rằng dân chủ ở xứ sở Vạn Lý Trường Thành vẫn chỉ mới là một cánh cửa mở hé.Một nền “dân chủ nhỏ có kiểm soát lộ trình” được dẫn dắt bởi một cơ chế “chuyên chế mềm” đã lần lượt nới lỏng tự do tư tưởng cho một bộ phận có chọn lọc của giới trí thức văn nghệ sĩ, đẩy mạnh giao lưu học thuật, văn hóa, nghệ thuật với thế giới bên ngoài, mở lối vào “cống đỏ” cho cả những cá nhân các nhà tư sản thực thụ, …là một vài trong số những bằng chứng của một quá trình dân chủ hoá có kiểm soát như vậy . Điểm tập trung cao độ và chắc chắn mang ý nghĩa đột biến của quá trình này là việc Quốc hội Trung Quốc thông qua (lần đầu tiên trong lịch sử) điều bổ sung Hiến pháp về tính chính đáng và quyền được bảo vệ của tư hữu, kể cả tư hữu những tư liệu sản xuất mang tính nền tảng như ruộng đất.

Theo suy nghĩ riêng, tôi cho rằng việc duy trì cơ cấu và tinh thần một thiết chế quyền lực chính trị mang tính chuyên chế (cho dù là chuyên chế một cách mềm dẻo) ở Trung Quốc ngày nay vẫn còn là một tất yếu. Não trạng (quân chủ hoá) 5000 ngàn năm mang tính thích nghi của cộng đồng cư dân lớn nhất hành tinh này không thể nào dễ dàng biến thái trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, dăm bảy năm hay thậm chí vài ba chục năm. Hệ thống đặc quyền đặc lợi, quán tính và thói quen trong cách thức quản lý, lãnh đạo và điều hành, sự chi trì của các nhóm lợi ích đặc quyền… cùng nhiều những lý do và nguyên cớ khác khiến cho quá trình dân chủ hoá, tự do hoá của xã hội Trung Quốc sẽ vẫn còn chuyển động quanh co, theo những quỹ đạo thăng trầm phức tạp.

2.2. Ngoái lại lộ trình dân chủ hoá ở Nhật Bản và Hàn Quốc

Chắc chắn rằng một (hay những) xã hội đang trên con đường chuyển đổi không bao giờ là một xã hội cần và có thể áp dụng được một thiết chế chính trị dân chủ toàn vẹn và triệt để. Ngược lại, căn cứ vào lịch sử khu vực giai đoạn cận hiện đại, đã không ít nhà quan sát đồng tình với nhận xét rằng mô hình “nhà độc tài sáng suốt” kết hợp với một tinh thần dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt nhưng không cực đoan và một chủ nghĩa công lợi tỉnh táo hẳn sẽ là “chủ thể quyền lực” thích hợp nhất mang tính quá độ cho các quốc gia mong muốn hiện đại hoá thành công.
Từ giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản chính là quốc gia đi tiên phong so với các nước trong khu vực và châu Á trên con đường ấy. Đài Loan đã kinh qua con đường ấy dưới bóng gia tộc họ Tưởng. Malaixia, Singapore, Inđônêxia ở Đông Nam Á đã / đang đi trên con đường ấy.
Có lẽ không cần phải chứng minh rằng chính sự “cất cánh” không kém thần kỳ so với Nhật Bản của Đại Hàn Dân Quốc từ những năm 70 của thế kỷ XX là hiện tượng gắn bó với tên tuổi và thời kỳ nắm quyền khá lâu dài của Park Chung Hy, người nổi danh thế giới như một nhà độc tài khét tiếng, khét tiếng tới mức rốt cuộc phải trả giá bằng chính mạng sống cá nhân. Tiếp theo, trên một ý nghĩa khá xác định đóng vai trò thừa kế di sản của nhà độc tài tiền nhiệm là một loạt những tên tuổi của những nhà độc tài Hàn Quốc “lớn nhỏ” khác.
Song le, dân chủ hoá “từng bước, từng bộ phận, tiến tới toàn diện và triệt để, vững chắc” lại chính là bước đi tiếp theo ở các quốc gia vừa đề cập sau khi công cuộc hiện đại hoá đã thu về những thành tựu rõ rệt.
Tôi cho rằng dân chủ hoá trong trường hợp này là một quá trình hợp với lôgic phát triển tự nhiên. Không dân chủ hoá thực sự, thật khó tìm ra cách thức nào hữu hiệu hơn để bảo vệ những thành quả của quá trình hiện đại hoá.
Như đã nói, dân chủ hoá trong những trường hợp như thế này cũng là cá thể hoá, cá nhân hoá ( “một cách lành mạnh” – theo diễn ngôn của Vi Chính Thông) và một khi đã cá thể hoá “theo hàng ngang” nghĩa là “rộng khắp”, “theo kiểu cá nhân hoá Âu - Mỹ” thì cũng có nghĩa là những thành tựu đã được tiếp thu và kế thừa bởi đa số thành viên cộng đồng chứ không phải bởi những thiểu số đặc quyền đặc lợi.Sự biến thái, hủ hoá của “loại hình nhân cách Hoàng đế mới” sẽ được bộc lộ qua các dạng thức, biến tướng khác nhau tệ nạn tham nhũng, một loại tệ nạn mà ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đã có chiều hướng biến thành “quốc nạn”.
Nhưng cũng chắc chắn, loại tệ nạn này, dù khéo đậy điệm và che giấu đến đâu, rốt cuộc, cũng sẽ bị quá trình dân chủ hoá làm cho “lộ tẩy”.
Tất cả những điều vừa nói đều đã/ đang được quan sát thấy ở Trung Quốc, ở Đài Loan, ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc.

T.N.V.


*Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Vi Chính Thông . Nho gia với Trung Quốc ngày nay. Nxb Chính trị quốc gia. H. 1996, các trang 198 – 234.
[2] Xem toàn văn bài viết trong :Trần Ngọc Vương – Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung. Nxb Giáo dục 1997.

Goncourt 2014: Đừng khóc hay là những triết lý về tội ác của chiến tranh?




TS TRẦN HUYỀN SÂM






Có phải chiến sự nóng bỏng ở dải Gaza là một trong những nguyên nhân khiến Hội đồng Hàn lâm giải Goncourt hướng đến bình chọn những tác phẩm về đề tài chiến tranh? Dường như, loài người đang u mê trong ngụy tín: đi tìm “chân lý” bằng bạo lực và sự thanh trừng đồng loại? Trao giải Goncourt 2014 cho nữ văn sĩ, bác sĩ Lydie Salvayre, cũng là một cách thức tỉnh lương tri nhân loại về tội ác của chiến tranh.

Pas Pleurer/Đừng khóc(1) đề cập đến cuộc nội chiến đẫm máu của Tây Ban Nha. Đó là cuộc xung đột dữ dội giữa lực lượng đảo chính và chính phủ cộng hòa Tây Ban Nha (1936-1939). Cuộc nội chiến được các nhà sử học đánh giá là một trong những sự kiện “bi thảm nhất trong lịch sử”. Sự thắng thế của lực lượng đảo chính đã dẫn đến việc thiết lập chế độ độc tài phát xít, và lịch sử dân tộc Tây Ban Nha đã bước vào những trang đen tối nhất, dưới bàn tay tàn bạo của Francisco Franco(2).

Có thể nói, những kinh nghiệm đau thương của gia đình và lịch sử dân tộc là niềm cảm hứng thôi thúc nhà văn, bác sĩ Lydie Salvayre cầm bút. Lydie Salvayre sinh năm 1948 tại Pháp, nhưng ba mẹ bà là người Tây Ban Nha. Cuộc nội chiến Tây Ban Nha khiến gia đình bà phải sống lưu vong tại miền Nam nước Pháp. Bà đã trải qua tuổi thơ tại Auterive, gần Toulouse trong một khu dành cho người di dân lánh nạn. Cha bà vốn mắc bệnh tâm thần - do di chứng của chiến tranh. Trên một tờ báo Tây Ban Nha, bà từng bộc lộ: “Tôi đã nghiên cứu tâm thần học vì cha tôi là một người hoang tưởng. Ông luôn ngủ với một khẩu súng dưới giường, vì ông tin rằng, mọi người tìm cách giết ông”(3).

Bằng máu và nước mắt của cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Lydie Salvayre buộc người đọc phải đối diện với nỗi đau quá khứ. Xuyên suốt tác phẩm Đừng khóc là hai tiếng nói hòa quyện vào nhau của hai nhân chứng bước ra từ cuộc chiến. Đó là nhà văn Georges Bernanos - chứng nhân trực tiếp của cuộc chiến - người lớn tiếng tố cáo cuộc thi hành khủng bố, thảm sát dân chúng của các lực lượng tham chiến. Bài văn đả kích: “Nghĩa địa lớn dưới ánh trăng/Les Grands Cimetières sous la lune” đã gây một chấn động đối với công chúng. Song hành với Georges Bernanos, đó là nhân vật Montse, mẹ của người trần thuật, người đàn bà bảy mươi lăm tuổi đã hồi nhớ lại những trải nghiệm đau thương của quá khứ lịch sử. Đó cũng là nguyên mẫu người mẹ của nữ văn sĩ Lydie Salvayre. Hai giọng nói, hai quan điểm khác nhau đã tạo nên một cái nhìn đa chiều về cuộc chiến Tây Ban Nha - một cuộc chiến mà cho đến nay, các nhà sử học có những đánh giá trái chiều. Người ta cho rằng, đây là cuộc chiến “diễn tập” cho tội ác của chủ nghĩa phát-xít để Hitler thực thi trong thế chiến thứ II. Nhưng một bộ phận khác lại cho rằng, nhờ cuộc nội chiến này mà tránh cho Tây Ban Nha phải trải qua những bi thảm của thế chiến như những quốc gia khác.

Dưới cái nhìn của một nhà tiểu thuyết, Lydia Salvayre đã phân tích một cách lạnh lùng, tàn nhẫn các sự biến của chiến tranh. Từ câu chuyện bi thảm của hai gia đình trong cuộc nội chiến, tác giả đã khơi gợi ở người đọc những suy tư về chiến tranh. Chiến tranh, dù nấp dưới bất kỳ hình thức nào, nhân loại cũng cần lên án. Vì sao? Dường như các thế lực tham dự vào cuộc chiến đều là những nhân tố đồng phạm với tội ác. Nhà thờ tôn giáo núp dưới bóng “tử vì đạo” cũng từng tham gia vào tội ác giết người không ghê tay. Quân đồng minh phát-xít Đức, Ý dưới danh nghĩa “bảo trợ” đã gây ra những vụ thảm sát tập thể đẫm máu, ghê rợn; cộng sản với tinh thần ái quốc cũng đã không ngần ngại thực thi những vụ thanh trừng những đối tượng “không cùng chánh kiến”.

Sử dụng hai gam “nóng/lạnh”, giữa sự cuồng bạo và nhẹ nhàng, giữa sự thô ráp và tinh tế, Đừng khóc của Lydie Salvayre đã làm mê hoặc lòng người, bởi chiều sâu của những triết lý về chiến tranh. Tác phẩm của bà có sự pha trộn giữa tính chất hài hước, sôi nổi của ngôn ngữ Tây Ban Nha và tính chất triết lý, thâm thúy, lãng mạn của ngôn ngữ Pháp. Cũng phải nói thêm rằng, tiếng Pháp không phải là tiếng mẹ đẻ, nhưng theo Lydie Salvayre, đó là ngôn ngữ tuyệt vời nhất để bà đi vào thế giới văn chương. Bà tiết lộ rằng, cha bà nói tiếng Pháp rất kém và ông không thích sống ở Pháp. Salvayre chỉ là một bút danh, nhưng cũng là một “thái độ” chống lại nguồn gốc của mình. Tên thật của bà là Lydie Arjona(4).

Văn phong của Lydie Salvayre có sự phá phách, nổi loại trong ý tưởng lẫn ngôn ngữ, kết cấu, nhưng vẫn giữ được sự dịu dàng, đôn hậu của một cây bút nữ. Khi được hỏi, nhà văn nào mà bà ưa thích nhất, Lydie Salvayre trả lời: Elfriede Jelinek (xem, Rencontre avec Lydie Salvayre). Đó là nữ văn sĩ người Áo, đoạt giải Nobel văn học 2004. Bà có một lối viết phóng túng, kỳ dị, nhất là sự táo bạo khi xử lý về chủ đề tính dục và chính trị. Lydie Salvayre cũng nói đến kinh nghiệm lai chủng ngôn ngữ Pháp/ Việt ở trường hợp Marguerite Duras, nữ văn sĩ đoạt giải Goncourt 1984, người có một lối tự thuật “ma mị” về đời tư và chiến tranh ở Đông Dương.

Lydie Salvayre là một bằng chứng sinh động cho mối quan hệ giữa văn học và y học. Trước khi nhận bằng cử nhân văn học hiện đại tại trường Đại học Toulouse, bà từng là một bác sĩ y khoa. Bà đã trải qua nhiều năm hành nghề như một bác sĩ tâm thần lâm sàng tại Bouc - Bel - Air. Đây là cơ sở thuận lợi để bà xây dựng các nhân vật “bệnh lý” với những trạng thái tâm lý phức tạp, bí ẩn, điên loạn trong tác phẩm. Dydie Salvayre khiến chúng ta nhớ đến nữ văn sĩ Colleen McCullough, tác giả của kiệt tác từng làm say mê bao thế hệ Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Nếu chưa từng trải qua lĩnh vực y học, chắc hẳn, Colleen Mc Cullough không thể viết được chuyện tình lãng mạn, say mê và tội lỗi giữa cô bé Meggie và vị cha xứ Ralph hấp dẫn đến vậy. Kinh nghiệm y học và trải nghiệm giới tính nữ đã khiến cho những trang viết của Lydie Salvayre lôi cuốn đặc biệt, không lẫn vào ai được.

Hơn bốn mươi năm cầm bút, Lydie Salvayre đã tạo dựng một văn nghiệp bề thế: gần ba mươi tác phẩm, với những thể loại khác nhau. Phần lớn, sáng tác của bà hướng đến chủ đề chiến tranh và những trải nghiệm y học. Bà cũng dành cho phụ nữ một vị trí đáng kể trong tác phẩm của mình. Tiểu thuyết của Lydie Salvayre đã được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ và đã từng được chuyển thể thành phim.

Đừng khóc, đã khiến người đọc bật khóc vì những triết lý sâu sắc về tội ác của chiến tranh.

(1) Pas Pleurer, Éditions du Seuil, 2014

(2) La Guerre civile, https://histoiredespagne

(3) Pas pleurer, le destin tragique de deux familles pendant la guerre d’Espagne, a été primé mercredi, http://www.liberation.fr/livres

(4) Rencontre avec Lydie Salvayre, http://erato.pagesperso-orange.fr

Viết văn bằng tiếng Việt



Võ Đình


Họa sĩ Võ Đình (1933-2009)

Tôi năm nay đã vào tuổi hưu. Ở Hoa Kỳ, đó là sáu lăm. Lứa tuổi già. Già, không dấu kép. Cũng thuộc vào lớp người gốc Việt sống lâu năm nhất ở hải ngoại. Có về thăm quê vài ba lần, nhưng tính tổng cộng thời gian ở ngoài nước là gần… nửa thế kỷ! Ngót nghét gấp ba thời gian ở trong nước (khi rời Việt Nam ra đi lần thứ nhất, mới có mười bảy.)

Từ năm hăm bốn, dấn thân hoàn toàn vào con đường hội họa (hội họa chứ không phải nghề cầm cọ – sự khác biệt tương tự như con đường văn chương và nghề cầm bút vậy.) Tuy nhiên, trước 1975, có tí toáy viết lách tiếng Việt, nhưng ít quá, không đáng kể. Cũng lai rai viết cả tiếng Anh. Đôi ba tác phẩm, vài bản dịch… Tóm lại, từ năm hăm bốn tuổi (1957) đến năm bốn hai (1975), sáng tác hội họa là việc chính. Không làm nghề gì khác.

Biến cố đổi đời 1975 ở quê nhà cũng là ‘biến cố nghệ thuật’ cho bản thân tôi. Bắt đầu viết tiếng Việt nhiều hơn. Từ năm 1978, cũng nhờ có ông Võ Phiến với tờ Văn học Nghệ thuật, tôi viết tiếng Việt thường xuyên hơn. Một tập truyện (tiếng Việt) được nhà Lá Bối xuất bản ở Pháp. Từ đó đến nay, viết tiếng Việt đều đều. Ít, nhưng đều. Và đôi lúc, tự hỏi, với ít nhiều ngậm ngùi: Tại sao tôi viết tiếng Việt?

Ừ, tại sao tôi viết tiếng Việt trong khi tôi thừa sức viết bằng tiếng Anh là ngôn ngữ của xứ sở tôi đang trú ngụ? Lọt được vào những tạp chí cỡ The New Yorker hay The Atlantic không phải là chuyện dễ. Nhưng báo chí ở Mỹ, hàng ngàn tờ. Báo hằng tháng, hằng ngày, hằng tuần, báo cho người già, báo cho người trẻ, báo cho đàn ông, cho đàn bà, cho trẻ em, cứ có một quần chúng là có một tờ báo. Một thị trường báo chí mênh mông như thế, thiên hình vạn trạng như thế, cứ viết là được – viết thôi, chưa nói viết văn – là có thể lọt vào. Mà lọt vào được là có tiền. Huống chi một người như tôi, một người viết tài tử thôi nhưng đã có sách (tiếng Anh) được in bởi hai trong những nhà xuất bản lớn, có uy tín nhất ở Hoa Kỳ.

Ừ, tại sao tôi lại viết tiếng Việt? Trả lời, dễ ợt. Bởi vì tôi yêu tiếng Việt chăng? Bởi vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ chăng? Hay bởi vì tôi muốn nổi tiếng như một nhà văn chăng? Những câu trả lời bay về tới tấp; chọn câu nào cũng được. Nhưng xét lại kỹ hơn thì câu nào cũng có cái thiếu sót.

Đương nhiên, tôi yêu tiếng Việt. Nhưng tôi không chỉ yêu tiếng Việt. Tiếng Pháp, tiếng Anh, tôi cũng yêu lắm lắm. Tôi dốt Hán văn, nhưng với cái vốn liếng Hán văn lèo tèo tôi có, tôi cũng yêu tiếng Trung Quốc vô kể. Nếu nói rằng tôi viết tiếng Việt vì tôi yêu tiếng Việt, e rằng o ép tôi quá.

Thế thì tôi viết tiếng Việt vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ vậy. Người Việt mà đọc mấy chữ ‘tiếng mẹ đẻ’ là mềm lòng ra rồi. Nhưng bảo rằng tôi viết văn tiếng Việt vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ, e rằng chẳng những o ép tôi mà còn… phỉ báng tôi nữa. Với tôi, văn học nghệ thuật không phải là nơi giương ngọn cờ dân tộc. Nét dân tộc là chuyện chẳng đặng đừng, người nghệ sĩ miễn phơi ra. Ông Joseph Conrad sinh ở Ba Lan, chạy qua Anh, viết tiếng Anh. Ông Henri Troyat sinh bên Nga, chạy qua Pháp, viết tiếng Pháp. Ông Lâm Ngữ Đường sinh bên Tàu, qua Mỹ, viết khá nhiều bằng tiếng Mỹ. Các ông ấy có khăng khăng ôm cứng lấy tiếng mẹ đẻ của các ông đâu. Khi tôi vẽ, tôi đâu có tha thiết gì đến cảnh trí sông Hương, tháp chùa Linh Mụ, cành trúc la đà, v.v… Cớ chi tôi phải viết tiếng Việt vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ?

Tôi viết tiếng Việt vì tôi muốn được nổi tiếng như một nhà văn chăng? Đúng thế. Có thế thật, nhưng lâu rồi. Thuở tôi ‘làm báo’ (sinh viên) ở Paris, hơn bốn mươi năm về trước kia. Hồi tôi mới bắt đầu cộng tác với tờ Văn học Nghệ thuật của hai ông Võ Phiến và Lê Tất Điều, nghĩa là cũng hai mươi năm về trước kia. Từ lâu, tôi đã phát giác ra rằng, như nhiều người đã làm trước tôi, làm nhà văn chẳng được ‘ăn cái giải’ gì cả. Bây giờ, đã bước đến tuổi lưng chừng giữa ‘nhi nhĩ thuận’ và ‘cổ lai hy’, tôi thấy nảy sinh trong tâm một sự thật rõ ràng quá đỗi: tuy đã cống hiến cả một đời cho hội họa, tôi còn coi cái danh vọng của một họa sĩ chỉ như thứ chổi cùn rế rách, tôi còn ‘hổng có ham’, huống hồ chuyện được nổi tiếng như một nhà văn. “Nhà văn An Nam khổ như chó,” ông Nguyễn Vỹ viết câu đó sáu mốt năm trước đây, lúc tôi mới lên bốn. Giá ông biết được cái khổ của nhà văn An Nam trong thân phận một kẻ tha hương!

Ấy thế mà tôi vẫn tiếp tục viết, và viết bằng tiếng Việt. Như tôi đang làm ngay bây giờ đây. Tiếng Việt. Tiếng có g, chứ không phải không g như tiến. Việt với t chứ không phải với c như việc. Thế là câu hỏi vẫn còn nguyên vẹn: tại sao tôi viết tiếng Việt?

Tôi nghĩ đến những nhà văn trẻ đặt chân ra hải ngoại lúc còn non dại (mười bảy tuổi) như tôi ngày xưa, những người như Trần Vũ, Phạm Chi Lan, Nguyễn Quí Đức… và tôi tự hỏi: tại sao họ viết tiếng Việt? Có cơ hội tôi sẽ hỏi họ như vậy, để xem câu trả lời của họ như thế nào. Có phải vì họ yêu tiếng Việt, vì họ yêu tiếng mẹ đẻ, vì họ muốn nổi tiếng… không? Hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm nữa, để xem họ có còn viết tiếng Việt không.

Tôi lại nghĩ: khi Trần Vũ, Phạm Chi Lan, Nguyễn Quí Đức, hay những người cùng lứa tuổi, đặt chân lên ‘đất khách’ (sau 1975), ở hải ngoại đã có một quần chúng Việt Nam đông đảo. Thuở tôi ra ngoại quốc, chỉ lơ thơ vài mống du học sinh. Những năm ở Pháp, còn có đi đi lại lại giữa “lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa,” mấy thằng ‘Mít’ với nhau, chứ khi qua Mỹ, có khi cả năm, cả hai ba năm, tôi không gặp một người Việt, nói một tiếng Việt nào. Nhớ hồi mới sang Mỹ, ở New York một năm, tôi chán, nghe lời câu “young man, go West,” di cư sang San Francisco. Suốt hai năm ở Frisco, tôi không gặp một người Việt Nam. Một hôm, lang thang ở phố Tàu, thấy hai phụ nữ trẻ đứng trước một cửa tiệm. Nghe loáng thoáng họ nói tiếng Việt với nhau. Hình như giọng Huế. Cảm động hết sức. Tôi dừng lại, chào hỏi. Và kinh hoàng thấy mình không nói được. Hai chị Việt Nam nói, tôi nghe, hiểu, nhưng tôi ấp a ấp úng nói không ra lời. Xin nói rõ, tôi không phải kẻ chạm mặt phụ nữ thì lúng túng, ngượng ngập. Trái lại! Vậy mà hôm đó, nói không ra lời. Chắc hẳn hai chị ấy tưởng tôi là một anh ngọng. Lâu quá rồi – đó là năm 1962 – tôi không còn nhớ buổi gặp gỡ trên hè phố kết thúc ra sao. Kỳ cục, về phần tôi, là cái chắc. Tôi chỉ biết, sau đó, hồi tâm lại, tôi hiểu rằng tôi không nói được là bởi vì trong mấy năm trời, tôi không nói tiếng Việt. Cái lưỡi tôi, nó nói tiếng Anh quen đi rồi. Nó không còn khả năng phát âm tiếng Việt một cách dễ dàng và đúng cách nữa. Từ đó trở đi, tôi hay nói tiếng Việt một mình. Kiểu như tập thể dục cho cái lưỡi.

Năm ba mươi tuổi (1963), tôi quay trở về miền Đông Bắc. New York. Pennsylvania. Maryland. Tôi quen biết thêm một số người Việt ở Mỹ. Càng có dịp nói tiếng Việt hơn. Tuy nhiên, thuở đó, gặp một người Việt vẫn là điều hiếm hoi. Ngoài ra, tôi lại có cái sở thích khác người: tôi ưa ở nơi vắng vẻ. Có lẽ vì lúc còn rất trẻ, tôi đã trầy trụa quá nhiều rồi với những thành phố lớn. Giản dị hơn, cũng có lẽ vì tôi… dại. Nơi vắng vẻ có ít người, nói gì đến người Việt. Nhưng tôi thà nói tiếng Việt một mình trên núi còn hơn là xuống cư ngụ nơi thị tứ đông đúc, xô bồ. Tình trạng này kéo dài cho đến tận bây giờ.

Trước 75, tôi đã hiểu thấy rằng cái lưỡi cũng như những bộ phận khác trong thân xác con người: không dùng, nó hư đi. Lâu năm không nói tiếng Việt, chỉ nói tiếng nước người, đến lúc cần nói, chỉ nói được tiếng Việt… ngọng.

Sau 75, ngoài chuyện nói tiếng Việt một mình, tôi còn bày đặt viết tiếng Việt. Không phải để tập luyện cho một bộ phận của thể xác như nói là để tập luyện cho cái lưỡi. Tôi khám phá ra rằng khi tôi viết tiếng Việt, sự sống tuôn chảy từ não cân, từ kinh mạch tôi về bàn tay tôi, thấm qua cây bút, xuống mặt giấy. Viết tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi chưa hề có được cái cảm giác ấy, mặc dù tôi rất yêu tiếng Anh, tiếng Pháp. Viết tiếng Việt, tôi có cảm tưởng tôi xoi một mũi nhọn, thật mảnh, thật dài, vào tận trong cùng tâm não tôi, dò la, mò mẫm, lục lạo, tìm tòi, cho đến khi diễn đạt được vừa ý là lúc mũi nhọn đã chạm tới được sự hiện hữu của chính con người tôi. Thì ra mấu chốt nó nằm ở đây: tôi viết để mài giũa cái tinh nhạy của xúc cảm. Để nắn tỉa cái xum xuê bất trị của thói quen tưởng tượng. Nói chung, tôi viết để gìn giữ cái tròn, cái đầy của tâm thần. Và tôi chỉ làm như thế được khi tôi viết tiếng Việt.

À, thì ra, cái gút là ở nơi đây. Viết tức là nói với chữ trên giấy. Không cần phải luyện chỉ một mình cái lưỡi nữa. Viết là thể hiện cả con người. Viết về cái gì, viết như thế nào, chuyện đó đến sau. Viết, nhất là viết với cây bút như mình đã tập viết khi còn bé, không phải chỉ để sống lại. Viết là sống. Chấm.

Năm ngoái, hay năm kia, cũng không nhớ là đã đọc được ở đâu, một câu của Nguyễn Hữu Liêm, làm tôi nổi da gà, thú vị lắm. Ông Nguyễn Hữu Liêm là một luật sư nổi tiếng ở California, còn là chủ nhiệm, đồng thời là một cây bút chủ lực của tờ Triết, tập san triết học và tư tưởng. Tôi tiếc không có bài viết của ông Nguyễn trong tay, chỉ nhớ mang máng ông cho rằng sự kiện ông viết là cũng như ông cất tiếng… gọi đò.

Sao là cất tiếng gọi đò?

Ngày xưa, cám cảnh cuộc bể dâu, Trần Tế Xương có lời thê thiết: Ðêm nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Tôi nghĩ rằng có lẽ đang còn hoang mang trong cơn xúc cảm thấy cái cảnh Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai cho nên ông tú họ Trần nghe ếch kêu mà tưởng là tiếng người gọi đò! Kể cũng lạ. Ta hãy nghĩ đến dòng sông, con đò, bến nước. Tới bến rồi mà gặp phải lúc đò không còn cập bến thì phải gọi. Ôi, tiếng gọi đò… Ông Nguyễn Hữu Liêm người gốc Quảng Trị, quê gần sông Thạch Hãn, hiện nay cư ngụ ở San José, Silicon Valley, hằng ngày lái xe ào ào trên xa lộ, vậy mà lúc cặm cụi ngồi viết tiếng Việt lại có ý nghĩ rằng như thể chính mình là người cất tiếng gọi đò. Hèn chi mà tôi (V.Ð.) nổi da gà!

Ðó là chuyện năm ngoái năm kia. Mới đây, được nhà văn Hà Thúc Sinh (Ðại học máu) gửi cho tập truyện Ðêm hè (Văn Mới, 1997). Trong truyện ‘Ở chỗ mình’, nhân vật Hoàng nhớ đến “khuôn mặt lắm ưu tư, lắm hoài vọng của người bạn mới qua đời.” Người bạn đó đã từng nói với Hoàng: “Còn lắm chuyện phải làm; có làm mới mong thoát cái ghê sợ của đời lưu dân cứ thao thức bởi ý tưởng bị xé đôi, và ghê sợ hơn nữa mỗi nửa người ấy lại bị đòi hỏi phải sống trọn vẹn như một con người.”

Ðó là lời người bạn của một nhân vật trong truyện Hà Thúc Sinh. Bản thân tôi, đặt chân lên ‘đất khách’ khi chưa tới tuổi trưởng thành, tôi không “thao thức bởi ý tưởng bị xé đôi.” Tôi bị xé đôi thật. Vì vậy, thôi thì mượn lời ông Nguyễn và ông Hà cho tiện việc, tôi viết tiếng Việt là một cách cất cao tiếng gọi đò, là bị xé đôi nhưng cứ sống, cứ làm như mình vẫn nguyên vẹn.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Ngày Tận Thế Huyền Bí- Chương 3 – Chúng Ta Là Một

PĐTT :  sau khi hóa thân làm Mèo Ainu xinh đẹp và nghịch ngợm, tác giả- đứa con của thượng đế ! - rất là cao hứng ngao du bốn bể và cái hứng đó càng tăng lên khi đúng vào mùa lũ mèo động đực. Vũ trụ tràn ngập tiếng mèo : meo meo nghe thật là khoái cái lỗ tai. Nhưng thật đáng tiếc, cái tâm hồn tràn đầy hứng tình của mèo Ainu chẳng có con mèo đực nào đáp ứng đực . Thế là, cô mèo không khỏi thống thiết rống lên :  "Các nhà văn Việt Nam là ai? Là những con chim sa lưới. Ngay đến những kẻ lưu manh cũng biết một bài học thực tế là ở đời người ta nên phù thịnh chứ chẳng nên phù suy. Thế lực của Cái Ác đang dâng cao, thế mà các nhà văn Việt Nam lại hò nhau xông ra bảo vệ cho Cái Thiện, họ dám đòi lật đổ Thượng Đế sao? Cứ vùng vẫy trong tấm lưới Thiện-Ác như thế, tên tuổi của họ có thể bị đem ra “nấu cháo” bất cứ lúc nào."

Và rồi nàng mèo Ainu đã tự an ủi mình :
"Mèo Ainu là một đáp số hoàn hảo, nó tự do vì nó không phải là người."..
Mà quên, tôi thật sự thiếu sót khi nhắc nhở các bạn khi đọc TÁC PHẨM CỦA THƯỢNG ĐẾ- NGÀY TẬN THẾ HUYỀN BÍ  này, các bạn phải là người hết sức tỉnh táo thì mới cảm nhận được hết những thông điệp mà thượng đế muốn gửi đến cứu rỗi các bạn với hy vọng các bạn sẽ sống sót sau  " Ngày Tận Thế". Theo tôi, các bạn nên tìm đến một bác sĩ thần kinh để khám cho chắc ăn là bạn đang là " người tỉnh táo"...





Lời ca của Gió Phương Bắc: 

Chít chiu! Chít chiu!
Chít chiu! Chít chiu!
Trời đất mênh mang, lạnh như sắt nguội
Mênh mang trời đất, đen đặc tựa sơn
Đất trời mênh mang, hôi tanh nhường máu.

Vũ trụ! Ôi vũ trụ!
Mi ở đó, vì sao?
Mi tới từ nơi nào?
Mi đang ngồi đâu vậy?
Mi, một trái không cầu lớn hữu hạn?
Mi, khối bao la không có chỗ tận cùng?
Nếu là trái không cầu hữu hạn
Thì không gian bao bọc mi từ đâu?
Xung quanh mi còn những gì tồn tại?
Nếu mi là khối lớn lao vô hạn
Thì không gian mi bao phủ là đâu?
Sự sống, bên trong mi lại có, vì sao?
Rút cuộc lại, mi là sự giao lưu sự sống
Hay mi chỉ là thứ máy móc vô hồn?

Ngẩng lên ta hỏi Trời
Trời tận trên cao mà chút gì cũng chẳng hay chẳng biết
Cúi xuống ta hỏi Đất
Đất đã chết rồi, chút hơi thở mỏng manh cũng chẳng còn chi
Ta vươn ra hỏi biển
Biển chỉ gào lên những tiếng ầm ì
Ôi! Ôi! Sinh ra ở nơi ô uế tối tăm
Thì đến kiếm báu kim cương cũng thành rỉ sét.

Vũ trụ! Ơi vũ trụ!
Ta muốn hết lời cạn sức nguyền rủa mi!
Những bãi giết người máu mủ hôi tanh kia!
Những chốn lao tù chứa chất đầy đau khổ!
Những địa ngục ma chập chờn ghê rợn!
Cớ vì sao mi cứ mãi còn tồn tại?

Chúng ta bay sang phía tây
Phía tây cũng là nơi giết chóc
Chúng ta bay sang phía đông
Phía đông cũng vẫn những lao tù
Chúng ta bay sang phía nam
Phía nam cũng toàn là mồ mả
Chúng ta bay sang phía bắc
Phía bắc cũng địa ngục tối tăm
Sống ở nơi thế giới thế này
Ta chỉ đành như biển khơi gào khóc.

Tiếng ca đáp lại của Gió Đến Từ Vũ Trụ:

Vi vu! Vi vu!
Vi vu! Vi vu!
Trời đất mênh mang, hồng lên nắng ấm
Mênh mang trời đất, cây lá xanh tươi
Đất trời mênh mang, thơm mùi hoa trái.

Vũ trụ! Ôi vũ trụ!
Vẫn luôn ở đó
Ở khắp mọi nơi
Không cần hỏi một lời.
Ngài là một khối sáng huy hoàng
Ngài là năng lượng không cùng tận
Là đấng toàn năng không giới hạn
Bao gồm tất cả mọi không gian.
Trong Ngài chứa cả sự sống và cái chết
Cả những điều thiêng liêng, cả những thứ vô hồn.

Ngươi ngẩng lên hỏi Trời
Nhưng chỉ nhìn thấy mây xanh, mây không biết trả lời
Ngươi cúi xuống hỏi Đất
Chỉ là đất nâu không thể nói một câu
Ngươi vươn ra hỏi biển
Biển dội lại những âm thanh không suy nghĩ.
Ôi! Ngươi sinh ra ở nơi tươi sáng
Nhưng lòng ngươi tối tăm
Vũ trụ ở trong ngươi
Thượng Đế ở trong ngươi nhưng ngươi không hỏi
Ngươi lại hỏi những mây nước cùng đất đá.

Vũ trụ! Ôi vũ trụ!
Ngài đang bị nguyền rủa
Bởi những con người vô ơn.
Con người giết chóc nhau rồi đổ cho Thượng Đế
Mải réo hờn nên lòng người đã thành ra những nấm mồ
Những địa ngục thê lương
Những chốn lao tù đau khổ...

Ngươi bay sang phía tây
Chỉ nhìn vào nơi chết chóc
Ngươi bay sang phía đông
Chỉ thấy chốn lao tù
Ngươi bay sang phía nam
Tin rằng nơi đó không có gì ngoài mồ mả
Ngươi bay sang phía bắc
Chỉ để tìm những địa ngục tối tăm
Ngươi gào khóc
Ngươi tưởng rằng ngươi đã đi hết thế giới này
Và ngươi chỉ là một kẻ không may...

Ngươi đâu có biết gì về Thượng Đế
Hạnh phúc ở trong ngươi, ngươi không biết kiếm tìm
Ngươi chỉ lang thang trong ba chiều không gian
Mà không biết vũ trụ là vô vàn chiều biến ảo.
Khi ngươi quyết định rằng
Thế giới không có gì hơn những điều ngươi thấy
Ngươi tự đóng cửa chính mình, ngồi đó than van...

*

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn loay hoay mãi mà vẫn không chọn được cái tên nào làm bút danh đủ để thay thế cho cái tên khai sinh đã “đụng hàng” rất nhiều của anh ta, cho nên dứt khoát anh ta phải ghen tị với cái tên đầy đủ và hoàn hảo của cậu: Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu. Sự cầu kỳ duyên dáng của nó đủ để tạo nên Sự Khác Biệt, đồng thời ngoài việc lập nên kỷ lục về bút danh rắc rối trong văn giới Việt Nam, nó lại có thể được tách ra nhập lại dễ dàng để sử dụng trong từng văn cảnh cho phù hợp. Cậu hài lòng rồi chứ, cơn gió của tôi?
Nguyễn Thanh Sơn có thể cười vào mũi cậu, một kẻ tự nhận là tay “tầm chương trích cú” nhưng lại chỉ biết dịch giả của khúc “Phượng ca” là Phạm Thị Hảo mà không biết tác giả của nó. Anh ta cũng có thể cười vào mũi tôi, về chuyện tôi viết ra bài “Gió hát” để đáp lại cậu mà không biết là mình đang đáp lại thơ của Quách Mạt Nhược. Cậu ngốc lắm tequila vào cũng chẳng say được hơn nữa, hỏi ông bác Google cũng chẳng nhận được sự giúp đỡ nào. Nhưng những bạn đọc vô danh hoàn toàn có thể giúp chúng ta bù đắp khiếm khuyết không nhỏ này. Bạn đọc Người Hà Nội, người tìm ra tung tích khúc “Phượng ca” lại là một chuyên gia về... IT.
Từ hồi tập thơ “Nữ thần” của Quách Mạt Nhược ra đời đến nay đã gần trăm năm rồi nhỉ? Vẫn còn nguyên đó ước vọng về sự phục sinh của Phượng Hoàng.
Vũ Trụ đã chuyển nhịp xoay vần, thế giới của triết gia Kim Dung đã trở nên chật chội, ấy vậy mà Ngài Cú Thông Thái vẫn còn dùng môn “hấp tinh đại pháp” của Nhậm Ngã Hành. Laptop của cậu đầy ứ truyện kiếm hiệp, cậu còn lạ gì món võ công của lão già sống quá lâu trong ngục tối đó nữa. Tuy nhiên, để giúp các bạn đọc hình dung ra Nguyễn Thanh Sơn dùng “hấp tinh đại pháp” trong phê bình như thế nào, tôi mượn mẩu “bình loạn” của lão Gấu Dở Hơi trên Facebook:
“Nếu có một người nào đó trong nước chê Sơn thì Sơn sẽ trả lời bằng một bài dài có nhiều trích dẫn của các bậc đại văn hào trên đời, đã được lựa chọn khéo để làm văn nô cho Sơn trong khuôn khổ bài viết đó. Các bài viết hướng đối tượng cụ thể của Sơn thường có công thức của một cuộc xử bắn phi quy tắc. Đầu tiên là Sơn tung ra một chưởng trích dẫn để mở mắt cho đối tượng. Câu này thường ngắn, giựt cục một cái, giống như tay đội trưởng hành hình không dưng tùy hứng kéo phứt cái băng che mắt của kẻ tử tù đang dựa cột xuống - mày nhìn mặt tao đây này. Sau đó là thuyết giảng thuyết giảng cho y ta biết tội. Và cuối cùng chắc chắn sẽ có một phát súng ân huệ, thường là một câu trích dẫn đi kèm câu hỏi khéo là đối tượng thấy mình đã sống xứng đáng với tinh thần của câu cách ngôn đó chưa. Tới chỗ này đối tượng thường là bị sốc thuốc nặng rồi. Đặc biệt là các đối tượng nhà văn Việt Nam dốt ngoại ngữ chuyên đọc các câu cách ngôn qua các nguồn thứ cấp và ngay cả nếu có đọc được chút ít ngoại ngữ thì cũng chỉ ở cái tầm văn hóa Google không đủ để hiểu rộng, sâu, xa, cao làm sao chọi lại được với Sơn”.
Lão Gấu nói thế thì tất nhiên là dở hơi rồi, nhưng rõ ràng là tay “thổ phỉ” Nguyễn Thanh Sơn cũng đưa mình vào chỗ dở hơi không kém. Anh ta muốn viết văn như một nhà văn trong vai diễn nhà phê bình, nhưng rồi lại thành diễn vai đao phủ.
Biết làm sao được khi Thượng Đế đã sắp đặt như vậy. Cái Ác càng ngày càng mạnh và cuốn phăng đi tất cả. Nguyễn Thanh Sơn muốn bảo vệ nâng niu cái đẹp, nhưng để có sức mạnh thì anh ta bắt buộc phải thành Kẻ Ác. Chúng ta cũng vậy, nhưng chúng ta ác hơn Nguyễn Thanh Sơn nhiều.
Tôi từng nói với bạn đọc rằng tôi và cậu sẽ còn cãi nhau cho đến ngày tận thế. Nếu như không có Ngày Tận Thế thì cuộc cãi vã của chúng ta chẳng đi đến đâu. Tôi vừa nói “Chúng-Ta-Là-Một” thì cậu đã lập tức cãi “Chúng-Ta-Không-Thể-Là-Một”. Từ ngày vở kịch “Cây gậy Thương Hiệu và đám mây Lý Thuyết” ra đời đến nay, cuộc tranh cãi ấy chưa bao giờ chấm dứt. Chỉ vì cãi nhau mà cậu lập ra bao nhiêu nickname, hóa thành bao nhiêu nhân vật, nhưng rồi vẫn chỉ là Một. Là một Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu với nỗi trăn trở về Sự Khác Biệt. Sao cậu lại yêu cô nàng Sự-Khác-Biệt say đắm đến thế? Cô ta tuy xinh đẹp quyến rũ, nhưng đỏng đảnh kiêu kỳ và gây ra vô số tai họa. Tôi chỉ ưng anh chàng Sự-Hợp-Nhất thôi. Tuy anh ta đơn giản nhưng lại bao dung độ lượng, bản lĩnh của anh ta đủ để hóa giải được mọi nguy cơ.
Ngày Tận Thế đã đến rồi, chúng ta chỉ còn cơ hội cãi nhau lần cuối. Hãy để nhân vật của chúng ta bước vào đời xem chuyện gì sẽ xảy ra. Kẻ mê truyện kiếm hiệp như cậu có thể tưởng tượng ra “cô cô” Ái Nữ trên đường thiên lý, với thanh kiếm Sự-Khác-Biệt và dải lụa Sự-Hợp-Nhất làm vũ khí. Ồ thôi đi, nhảm lắm! Thế giới của nhà văn Kim Dung vô cùng quyến rũ, nhưng chỉ là giấc mộng bất thành. Chả có người nào sống thật mà học theo nổi những nhân vật ấy. Triết gia Kim Dung chỉ “phá” được ở trong truyện chứ không phá nổi bầu không khí u ám trong thế giới thực. Tư tưởng dù lớn đến mấy cũng chỉ là giả, vì thế chúng ta từng chứng kiến bao nhiêu vĩ nhân trên đời với những tư tưởng lớn lao, nhưng rồi nhân loại vẫn lâm vào ngõ cụt. Người Việt Nam biết đủ các loại triết học trên thế giới đấy chứ, nhưng rồi họ dùng nó thế nào? Cuối cùng đều thành ra những tiểu thuyết giải trí cao cấp, giải trí thôi chứ không giải vây được cho cuộc đời mình.
Các nhà văn Việt Nam là ai? Là những con chim sa lưới. Ngay đến những kẻ lưu manh cũng biết một bài học thực tế là ở đời người ta nên phù thịnh chứ chẳng nên phù suy. Thế lực của Cái Ác đang dâng cao, thế mà các nhà văn Việt Nam lại hò nhau xông ra bảo vệ cho Cái Thiện, họ dám đòi lật đổ Thượng Đế sao? Cứ vùng vẫy trong tấm lưới Thiện-Ác như thế, tên tuổi của họ có thể bị đem ra “nấu cháo” bất cứ lúc nào.
Cuộc “đảo chính” đòi lật đổ Thượng Đế của các nhà văn Việt Nam có kết quả không? Nhìn bề ngoài thì họ có vẻ thành công rồi đấy. Diễn đàn Blog Việt chứng kiến cảnh blogger Tranquoctrung78 làm cho người ta đinh tai nhức óc. Đăng đàn trong blog Hơi Thở Của Vũ Trụ thì chỉ có bạn đọc văn chương thôi. Không biết Tranquoctrung78 đọc phải những cái gì mà anh ta bị điên, lúc nào cũng chỉ gào lên mấy từ: “Súc vật! Súc sinh! Thượng Đế đã chết!” Làm cứ như là trong đầu anh ta không còn nhớ được từ gì khác. Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu, cậu vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng “đàn khỉ trong rạp xiếc sổng chuồng không phải là bi kịch”, nhưng Tranquoctrung78 thì không được như thế, ai cũng nhận thấy là anh ta bị điên thật rồi. Đấy, chương nhất của tiểu thuyết này vừa hiện ra, anh ta đã chạy vào nói lảm nhảm: “Mang tính cảm thán - tự hỏi mình thôi. Muốn nhà văn phải thế này thế khác - nếu các nhà văn muốn làm súc vật thì sao đây? Lại ra bảo "không được làm súc vật" thì đúng là các nhà văn không có quyền tự do à?” Dù anh ta bị điên nhưng anh ta vẫn được nhiều người thông cảm. Vả lại Chúng-Ta-Là-Một, chẳng nhẽ lại không cho Tranquoctrung78 được đúng lấy một lần? Mèo Ainu là một đáp số hoàn hảo, nó tự do vì nó không phải là người.
Để tạo lý lịch danh giá cho Mèo Ainu, chúng ta cần chấp nhận rằng nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn là một đại văn hào. Cậu lại muốn “sưng mỏ” lên để cãi bằng cách đưa ra Sự-Khác-Biệt giữa các đại văn hào nước ngoài và Nguyễn Thanh Sơn phải không? Đừng lúc nào cũng “trong cơn say đọc nhanh viết vội”, nếu cậu dám la lối lên thì tôi sẽ đổi cái tên Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu mỹ miều duyên dáng thành một từ ngắn gọn: Dốt.
“Bên này rặng núi Pyrenees là chân lý, bên kia rặng núi Pyrenees là sai lầm”. Tôi đã google ra câu ấy là của nhà toán học triết gia Blaise Pascal. Dịch kiểu gì thì cũng đến thế mà thôi, chẳng qua là dùng danh ngôn của Tây cho nó điệu. Cái tay Gấu Dở Hơi kia cứ nâng tầm quan điểm lên, chứ Nguyễn Thanh Sơn trích dẫn lắm như thế chẳng qua là anh ta ưa thích những gì duyên dáng mỹ miều, cứ đem chân lý đặt vào miệng các đại văn hào cho điệu. Nhưng thôi, để những kẻ dở hơi như lão Gấu khỏi chỉ trích là tôi xuyên tạc ý nghĩa của một câu danh ngôn, tôi nhận câu này là của tôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu: “Ở bên trong nước Việt Nam là chân lý, ở bên ngoài nước Việt Nam là sai lầm”. Và chúng ta áp dụng câu này cho trường hợp của đại văn hào Nguyễn Thanh Sơn.
Người Việt Nam luôn thích những gì vĩ đại, luôn muốn nghe nhắc đến sự thật rằng họ là những kẻ hơn người. Thế cho nên mới có câu ca dao đời mới:


“Việt Nam hình chữ ét xì
So với thế giới cái gì cũng hơn”.


Quả nhiên là họ vĩ đại và hơn người thật, kể cả trong lĩnh vực văn chương. Số lượng các nhà văn nhà thơ của Việt Nam rất đông đảo, nếu ngày trước người Việt có câu “ra ngõ gặp anh hùng” thì nay nhiều người đã đổi thành “ra ngõ gặp nhà thơ”. Tôi vừa google ra một kết quả là hiện nay số hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam xấp xỉ ngàn ba, cộng với số nhà văn nhà thơ không phải là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam nghe nói là đông gấp mười, vậy thì thêm mười ba ngàn hoặc hơn nữa. Nói chung là rất khó để thống kê, vì hễ ai xông ra viết văn và xuất bản dù trên giấy hay trên mạng đều thành nhà văn. Rất điển hình là trường hợp của Mèo Ainu, trần đời này không thể kiếm đâu ra một nhân vật huênh hoang hơn nó, vừa xuất hiện trên mạng được một tháng nó đã tự xưng nó là “nhà văn từ trong kiếp trước”, thế mà cũng có những người đồng ý. Vì một số người bối rối với từ “nhà văn”, tôi đã tra từ điển thấy định nghĩa rằng nhà văn là “người chuyên sáng tác văn và có tác phẩm giá trị được công nhận”. "Chuyên sáng tác"thì dễ rồi, có người mỗi ngày làm ra năm sáu bài thơ, vô cùng năng suất, văn thì họ viết còn nhiều hơn thế với những cuốn sách dày cộm. "Có tác phẩm giá trị được công nhận" thì chắc chắn, viết bài giới thiệu và khen nhau là việc mà người Việt Nam làm rất nhanh và thạo. Bằng việc trở thành một cường quốc về văn thơ như thế, đương nhiên là Việt Nam sắp “cất cánh” rồi. Bây giờ thì chưa, vì bầy chim vẫn còn trong lưới.
Nếu đem so với những nhà văn nhà thơ có tác phẩm nặng hàng tạ giấy thì Nguyễn Thanh Sơn chỉ là một gã nhà nghèo trong làng văn nghệ với tập sách mỏng in năm trăm bản cách đây mười ba năm. Nhưng dù sao thì giá trị văn chương cũng không được quyết định bằng độ dài và độ nặng vật lý của tác phẩm. Văn giới quần hùng đông đảo như vậy, nhưng giống như lão Gấu Dở Hơi nhận xét, đa số họ lại đọc chưa thông, còn viết thạo hay không thì chưa rõ. Nguyễn Thanh Sơn thì đọc thông và viết suýt thạo. Anh ta có nhược điểm là không thông thạo chính tả, mà đây lại là nhược điểm đáng nói. Tôi đã từng chứng kiến một cô bạn gái tỏ ra ác cảm với một gã đang tán tỉnh cô ấy chỉ vì tin nhắn của gã đầy lỗi chính tả. Tuy nhiên nhược điểm này có thể khắc phục được bằng cách chỉnh sửa trước khi xuất bản chính thức, đây cũng là nhược điểm khá phổ biến của nhiều người viết và dễ được chấp nhận. Như vậy, Nguyễn Thanh Sơn với năng lực đọc thông viết thạo, cộng thêm khả năng trích dẫn mỹ miều duyên dáng, hoàn toàn xứng đáng là đại văn hào trong làng văn nước Việt.
Với Mèo Ainu thì sao? Không cần Nguyễn Thanh Sơn phải là nhà nhân học, chỉ cần anh ta là “nhà mèo học” thì đã đủ là đại văn hào của nó rồi. Nó đã vui sướng làm sao khi đọc đoạn văn mà anh ta miêu tả chú mèo đùa nghịch với cuộn len. Trước đó chưa từng có ai tả được nó giống như thế. Bằng ngòi bút sống động của mình, nhà văn Nguyễn Thanh Sơn đã sinh ra Mèo Ainu một lần nữa, nó lại được xỏ chân vào đôi hia thần kỳ của truyện cổ tích. Nó mơ màng với hình ảnh chiếc chìa khóa vàng, cánh cửa bí mật và sân khấu với ánh sáng huyền ảo... Trong những tác phẩm của Nguyễn Thanh Sơn, Mèo Ainu đã tìm thấy cuộn len mà Thượng Đế dành cho nó.
*
Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu, như vậy là Mèo Ainu đã được “thắt nơ” xong. Cái giống mèo nó ưa làm dáng như thế. Mèo Ainu không thể thất bại vì nó làm việc dễ. Loài người thất bại vì toàn xông vào làm việc khó.“Trước rượu và trước Chúa em không dối lòng mình được”. Cứ nghe cái câu sến súa sặc mùi tequila ấy thì biết cậu không ổn rồi. Đàn ông mà phải khoe là mình đẹp trai và có tài thì chắc chắn là phường vô dụng. Cuốn “Cơ hội của Chúa” của nhà văn Nguyễn Việt Hà chỉ có mỗi cái tiêu đề là đáng đọc, không rõ có phải ông nhà văn này xây dựng nhân vật dựa trên những gã bê tha mà lại còn điệu như cậu không?
Mèo Ainu đã lên đường, chúng ta chỉ cần theo dõi hành trình của nó. Không cần phải thông minh để biết rằng kịch bản xảy ra với Mèo Ainu sẽ giống hệt như con mèo và cuộn len trong tác phẩm của Nguyễn Thanh Sơn. Len sẽ rối tung lên thành đống hỗn độn. Và chúng ta sẽ biết thế giới này là nơi ô uế tối tăm hay là nơi tươi sáng.


http://ainu.blogtiengviet.net/2015/04/18/ch_ng_3_n_chung_ta_la_m_t

Ps/ khi đọc các bạn chú ý phần chữ in đậm

ra đi. từ giấc mơ ẩn mình



Chu Thụy Nguyên







sóng khắc khoải lắm
ai dạy nhúm hạt mùa hát reo trên đồng mới?
pho tượng vụt đứng lên
quá thẫn thờ
như gã say đang tìm chỗ ẩn mình

tôi cũng là một gã say
ngày mới
và cuộc du hành rất riêng tư từ chỗ lũ sóc
tiếng dương cầm gọi em lên đồi
ở chỗ cát đá vẫn chuyền nhau hơi ấm
người biết tìm người nơi nao?

thôi thì khoác áo lên đồi
chẳng nhọc công tìm cũng gặp cơn say
ẩn trú trong điệp khúc
các chùm lá tái xanh
bỗng mơ ngày về
bỗng mơ nhưng chẳng dám tin mình trẻ lại

bước qua chỗ pho tượng đang dừng lại
thoảng nghe mùi oi ả
ngỡ mùa hè đã về ôm choàng vai thị trấn
mong sẽ gặp lại
những cơn mưa đã đính ước chợt quay về
tắm gội các tàng cây

khi ấy ai ngờ
cũng là lúc em thật sự hốt hoảng
khoác vội vào mình tấm chăn lưu lạc
đoàn tàu vừa lướt chậm qua ga
như vào một lối hẹp
là lúc mùa xuân cũng bỏ ra đi.


Người quân tử



Linh Bảo






Nhà văn Linh Bảo



Dung băn khoăn suy nghĩ lăn lộn trên giường đã hơn một tiếng đồng hồ. Đáng lẽ nàng phải đi chợ nhưng hôm nay có cớ để cho nàng giận dữ nên định đâm liều một bữa xem sao.

Dung còn nhớ rõ hôm ấy nàng đang chạy dưới đám mưa đạn thì gặp hắn. Hắn đón nàng về nhà hắn trong khu vực an toàn. Vợ hắn về quê không trở lại nên hắn rất tự do. Luôn mấy ngày hai người bị kẹt trong cái tổ ấm đó. Thế là hắn thành ra "chính phủ bảo hộ" của Dung. Kể ra lúc đầu hắn cũng mất một ít công phu. Nào là mua nước hoa đắt tiền tặng nào là tắm rửa cho hai đứa con riêng mồ côi chị nàng, nào là thức dậy từ ba giờ sáng khuấy cà-phê cho nàng uống để đi làm. Nhưng hắn thuộc về loại đàn ông tán gái chỉ mất ba bó hoa là về sau lấy lại cả vốn lẫn lời.

Khi hãng máy bay Dung làm đóng cửa, hắn hết sức dỗ dành cho Dung đừng làm nơi khác, hắn hứa sẽ trả lương cho Dung gấp đôi nếu Dung làm thư ký cho hắn. Hắn nói:

– Tôi đã có vợ rồi nên không thể cưới em được. Tôi chỉ là một người ân nhân, một người quân tử giúp em qua khỏi lúc khó khăn tai nạn. Em cần có một người đàn ông làm hậu thuẫn cho em để em dựa vào đó mà làm ăn, để tinh thần em có chỗ ký thác. Con em cần phải có cha, người ta cần phải có mái nhà như con chim cần tổ ấm. Em không thể sống mãi cái cuộc sống cô độc, trống trải tâm hồn và phải phấn đấu lo miếng cơm manh áo cho con như thế mãi được.


Hắn tán ngọt như mía lùi. Dung nghe như ăn phải bùa mê. Nàng ký thác trọn thể xác lẫn tâm hồn. Mỗi năm nàng đẻ cho hắn một đứa con. Những đứa bé này đều theo họ mẹ và gọi hắn bằng bác.

Với mọi người hắn chỉ nhận Dung là thư ký của hắn. Mà cũng đúng như thế thực. Như phải viết thư đòi nợ cho hắn; giao thiệp với trạng sư, vì hắn rất thích đi kiện; đi thu tiền nhà, lo chạy các giấy tờ trong việc buôn bán của hắn, nay Sở này mai Bộ nọ toàn là phận sự của cô thư ký cả. Còn những việc "phi phận sự" thư ký như lau nhà, làm bếp, đẻ con, hắn cũng giao cho Dung nốt. Hắn rất hà tiện nhất định không mướn người làm trong nhà, hắn lấy cớ là không tin ai hết để bắt Dung làm lấy tất cả. Hắn đưa cho Dung mỗi tháng ba nghìn gọi là tiền lương thư ký. Và trong số ba nghìn đó cô thứ ký phải nấu cơm cho ông chủ ăn nữa.

Số tiền ấy chỉ bằng một phần năm lương Dung đi làm trước kia. Nhưng biết làm sao được khi từ một thư ký thường người ta đã biến thành cô thư ký "vạn năng". Và người "quân tử" lại là hạng quân tử khôn chứ không phải quân tử dại. Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn. Hắn thuộc về loại quân tử khôn. Còn Dung xưa nay vẫn nổi tiếng khôn nhưng lại là khôn dại.

Hắn sợ Dung tiếp xúc với bạn bè bà con nhỡ người ta bày khôn bày khéo nên cấm nàng không được giao thiệp chơi bời với ai cả. Hắn không cho Dung diện và đi phố vì hắn biết Dung còn đẹp lắm, nhỡ gặp người "cao tay ấn" hơn hắn thì hắn mất một món bở. Còn biết tìm đâu trên đời này một người đàn bà "ngon một cách thuần tuý" như Dung? Trong kỹ nghệ làm vợ "chợ đen" ai cũng đòi được hưởng thụ vật chất đầy đủ để đền bù sự thiệt hại về tinh thần. Chỉ có một mình Dung đã làm cách mạng trái với định luật ấy. Khi Dung đẻ cho hắn đứa con trai thứ hai hắn mua cho nàng một cái nhẫn hột xoàn giả. Đó là món quà đầu tiên từ khi nàng về làm "vạn năng thư ký" cho hắn. Không đeo thì sợ hắn giận, đeo thì cũng khổ tâm lắm! Cuối cùng Dung nghĩ được cách đeo nhưng quay mặt nhẫn vào trong. Nàng sợ người ta biết nhẫn giả nên quay mặt nhẫn như vậy cố ý để mập mờ thế cho mọi người tưởng mình giầu nhưng khiêm nhượng không muốn ai biết.

Dung được hắn nhồi sọ rất kỹ; bắt nàng tâm niệm hắn là người ân nhân của nàng, hắn là người quân tử đã cưu mang và cứu vớt nàng trong cảnh lửa đạn và Dung cũng tin như thế thật.

Nàng vẫn giữ lòng tin ấy cho đến hôm "bác" của mấy đứa nhỏ chạm trán với Loan, một bạn gái từ thuở bé của nàng.

"Bác" của mấy đứa nhỏ nói thao thao bất tuyệt như lên diễn đàn:

– Tôi là người quân tử, tôi là người ân nhân của Dung. Nếu không có tôi Dung đã chết giữa đám đạn lạc. Tôi chỉ bảo Dung cách thức làm ăn. Tôi không nuôi Dung có tính ỷ lại ăn sống nhờ vào đàn ông như những người đàn bà khác, nhỡ khi chồng chết thì làm sao? Vì thế nên tôi không nuôi Dung; tôi tập cho Dung phải làm lấy mà sống, và sống "Độc-lập"!

Hắn nói xong chừng biết mình nguỵ biện, sợ chỉ có một mình Dung nghe lọt tai và tin, chứ còn ngoài ra chẳng ai tin những lời quỷ quái của hắn hết, nên vừa dứt câu, hắn sợ Loan trả lời vội chân sau đá chân trước chạy ra cửa như bị ma đuổi:

– Tôi xin lỗi, tôi đi đây có chút việc!

Hắn đi rồi, Loan cáu lên với Dung. Nàng cười mũi:

– Hừ quân tử! Hừ ân nhân! Đã quân tử đã ân nhân sao lại làm cho người ta có con? Đồ không chịu trách nhiệm, thừa nước đục thả câu còn dám mở miệng xưng là ân nhân, quân tử!

Dung làm trạng sư cho hắn:

– Nếu không có hắn hôm ấy thì tôi thực chết đấy Loan ạ.

Loan cười gằn:

– Nếu là em thì chết phứt đi còn hơn! Hắn chỉ nghĩ đến phần hắn mà không nghĩ đến phần người ta. Hắn giúp chị thì chả có gì là lạ. Trong hoàn cảnh ấy ai chả giúp nhau! Nhưng đâu có phải giúp một tí rồi bắt người ta phải là tôi mọi suốt đời để trả ơn không? Người quân tử như thế sao?

– Tôi nghĩ ra lạ quá! Thì ra hắn đòi trả ơn như thế đấy!

– Người đàn bà cũng cần phải có một người đàn ông riêng của mình, yêu mình và hoàn toàn thuộc về mình. Cần phải có gia đình. Hắn quân tử gì? Ân nhân gì? Hắn hại chị thì có. Hắn lấy chị đẻ con ra mà hắn khỏi nuôi. Chị không phải là vợ hắn mà cũng không còn mong lấy ai được nữa, không mong gì có một gia đình riêng của mình. Chị chỉ là một kẻ nô lệ của hắn, chỉ làm bổn phận mà không có quyền lợi gì hết! Con đẻ ra mang họ chị! Đấy chị xem hắn nhẫn tâm biết bao nhiêu? Chị phải nai lưng ra suốt đời làm tôi mọi nuôi con cho hắn, làm giầu cho hắn trong khi hắn có tiền chở chuyên về cho vợ lớn hết. Đến lúc hắn đá chị thì chị đã thành một bà già đi ở đợ nuôi con! Hắn chỉ lợi dụng, ích kỷ thế mà dám xưng là quân tử cho nó nhục nhã cái chữ quân tử đi. Chẳng thà cứ vỗ ngực nói: Tao là một cái thằng đểu, ai ngu thì mắc mưu ta! Nghe còn sảng khoái hơn!

Dung ngơ ngác như vừa bị mất cắp! Đúng là nàng đã bị mất cắp ngay cả cuộc đời. Kẻ đánh cắp ngay giữa thanh thiên bạch nhật còn cười vào mũi người bị mất cắp nữa!

Loan thấy Dung sững sờ, nói tiếp:

– Em còn nhớ câu chuyện "áo người quân tử" của ba em kể ngày xưa: "có một chàng nọ có một cái áo rất đẹp. Một hôm anh túng tiền liền vào một tiệm cầm đồ hỏi cầm. Chủ tiệm bảo:

"- Cái áo này tôi cầm cho ông hai trăm. Ba tháng nữa ông chuộc phải trả thêm hai trăm tiền lời nữa thành bốn trăm đồng.

"Anh chàng kia bằng lòng, cởi áo giao cho chủ tiệm và cầm tiền xong ra về. Anh vừa ra đến cửa thì chủ tiệm gọi giật lại:

"- Này ông, tôi có ý kiến này hay lắm. Tôi thấy ông thật thà tôi thương tôi làm phúc làm đức nói hơn thiệt cho ông nghe. Ông bây giờ trong túi không có lấy một đồng đến nỗi phải đi cầm áo. Vậy ba tháng nữa ông lấy đâu ra bốn trăm để chuộc áo về. Nếu lúc ấy ông không trả đủ vốn lời cho tôi, để quá ba tháng nữa thì sẽ phải trả gấp đôi thành tám trăm đồng. Tôi hỏi ông, ông sẽ đào đâu ra số tiền ấy?

"Anh chàng kia gật đầu cho là phải:

"- Vâng, ông nói đúng lắm. Ba tháng nữa tôi cũng không làm sao xoay được bốn trăm đồng.

"Chủ tiệm cười híp cả mắt lại:

"- Tôi biết mà! Vì vậy tôi mới khuyên ông, nếu ông chịu nghe tôi thì đỡ khổ. Này nhé, bây giờ trong túi ông đã có hai trăm đồng rồi. Vậy ông trả trước cho tôi hai trăm đồng đi. Ba tháng sau ông chỉ phài trả có hai trăm đồng nữa thôi chứ không phải bốn trăm đồng. Như thế có phải lợi biết bao nhiêu! Nếu ông không trả được, trễ đến ba tháng nữa cũng chỉ thành có bốn trăm đồng chứ không phải tám trăm đồng. Lời đến một nửa, ông nghĩ thế nào?

"Anh chàng nghĩ đi nghĩ lại, thấy quả thực đúng lý vô cùng. Anh móc túi lấy hai trăm đồng ra trả cho chủ tiệm và ra về.

"Anh về nhà thấy lạnh, chợt nhớ ra mình không có áo khoác nữa. Anh ngẫm nghĩ:

"- Lạ quá! Khi mình chưa bước chân vào tiệm cầm đồ thì tuy túi mình rỗng nhưng vẫn còn có áo khoác ngoài mặc và không nợ. Bây giờ ở trong tiệm bước ra, túi vẫn trống không, áo không có nữa lại có một số nợ phải lo trả lạ quá!"

Dung thét lên:

– Thôi, tôi biết rồi! Chính tôi mới là người quân tử! Tôi là cái anh chàng đem áo đi cầm. Khi tôi chưa bước chân vào nhà hắn, thì tôi không có chồng, tôi trẻ, tôi đẹp, tôi tự do, tôi có việc làm để nuôi con tôi. Bây giờ ở nhà hắn bước ra thì tôi mất tự do, mất việc. Tôi phải hầu hạ hắn, nấu cơm cho hắn ăn, nuôi con cho hắn. Tôi vẫn phải làm việc lấy đồng lương để sống mà phải đội ơn hắn nữa. Tôi vẫn không chồng, hắn ở nhà hắn, tôi ở nhà tôi thế mà tôi vẫn phải thuộc quyền hắn xử dụng…

Loan ngắt lời:

– Chị hiểu thế là đủ! Em về nhé!

Loan về rồi, Dung gục đầu lên gối khóc nức nở. Nàng muốn liều lĩnh không nghĩ tới bữa cơm chiều nhưng chợt nhớ tới những cái tát như trời giáng của hắn, Dung vội vàng mặc áo đi chợ.

Dung không có cách nào để kháng cự lại hắn được, nàng đâm ra giận Loan. Phải, tại Loan tất cả! Trước khi gặp Loan nàng thấy đời vẫn êm đẹp. Tuy nhà cửa nàng bẩn thỉu thực, tuy con cái nàng rách rưới thực, tuy những lời hắn đều láo thực, tuy nàng phải làm việc quần quật suốt ngày cho hắn, tuy hắn hay gây gổ mắng chửi nhưng nàng đã coi như một sự dĩ nhiên. Ngày trước hắn khuyên nàng lấy hắn để cho con nàng được sung sướng, ngày nay con nàng giống như con mồ côi cả cha lẫn mẹ, nàng không hề phàn nàn, băn khoăn, thắc mắc, nghĩ ngợi, tìm hiểu ai hơn ai thiệt. Tất cả mọi sự đều thành ra dĩ nhiên cả rồi. Nàng chỉ biết cố nấu cơm ngon cho hắn ăn. Lo đi đòi được tiền nhà và nợ về cho hắn vui. Mỗi ngày đến nhà hắn làm tròn phận sự và "phi phận sự" xong tối về ngủ với con. Dung không hề thấy khổ hay nghĩ đến khổ. Nhưng không ngờ hôm nay những câu nói của Loan làm đảo lộn cả tâm hồn nàng.

Không lẽ lại chửi người đàn ông đã từng âu yếm mình. Dung nghĩ được cách giải quyết là trút hết cả tội lỗi lên đầu Loan. Nàng nghiến răng lẩm bẩm:

– Đồ ranh con! Mày thì đã hơn ai! Còn mày cũng phải tự nuôi lấy lại còn nhiếc tao! Chỉ được cái tài nói dóc, chửi người ta là giỏi, chính mình thì cũng ngu như bò!

Dung thấy thoả mãn như đã được trả thù, nàng nghĩ đến lúc hắn khen món ăn nàng làm ngon. Hắn cười tít lên rung rinh cả cái thân hình đồ sộ và cái bộ mặt "đồng tháp mười", bộ mặt bí hiểm, thâm trầm, dữ tợn và cũng "phì nhiêu" ấy! Bỗng nàng thấy buồn nôn. Không phải nôn vì nghĩ đến hắn nhưng chắc là tại có một người "quân tử bé con" nữa sắp ra đời.

LINH BẢO

[Trích Tầu Ngựa Cũ, tr. 43-52,
Nxb Ngày Nay, Sài Gòn 1961]