TS TRẦN HUYỀN SÂM Có phải chiến sự nóng bỏng ở dải Gaza là một trong những nguyên nhân khiến Hội đồng Hàn lâm giải Goncourt hướng đến bình chọn những tác phẩm về đề tài chiến tranh? Dường như, loài người đang u mê trong ngụy tín: đi tìm “chân lý” bằng bạo lực và sự thanh trừng đồng loại? Trao giải Goncourt 2014 cho nữ văn sĩ, bác sĩ Lydie Salvayre, cũng là một cách thức tỉnh lương tri nhân loại về tội ác của chiến tranh. Pas Pleurer/Đừng khóc(1) đề cập đến cuộc nội chiến đẫm máu của Tây Ban Nha. Đó là cuộc xung đột dữ dội giữa lực lượng đảo chính và chính phủ cộng hòa Tây Ban Nha (1936-1939). Cuộc nội chiến được các nhà sử học đánh giá là một trong những sự kiện “bi thảm nhất trong lịch sử”. Sự thắng thế của lực lượng đảo chính đã dẫn đến việc thiết lập chế độ độc tài phát xít, và lịch sử dân tộc Tây Ban Nha đã bước vào những trang đen tối nhất, dưới bàn tay tàn bạo của Francisco Franco(2). Có thể nói, những kinh nghiệm đau thương của gia đình và lịch sử dân tộc là niềm cảm hứng thôi thúc nhà văn, bác sĩ Lydie Salvayre cầm bút. Lydie Salvayre sinh năm 1948 tại Pháp, nhưng ba mẹ bà là người Tây Ban Nha. Cuộc nội chiến Tây Ban Nha khiến gia đình bà phải sống lưu vong tại miền Nam nước Pháp. Bà đã trải qua tuổi thơ tại Auterive, gần Toulouse trong một khu dành cho người di dân lánh nạn. Cha bà vốn mắc bệnh tâm thần - do di chứng của chiến tranh. Trên một tờ báo Tây Ban Nha, bà từng bộc lộ: “Tôi đã nghiên cứu tâm thần học vì cha tôi là một người hoang tưởng. Ông luôn ngủ với một khẩu súng dưới giường, vì ông tin rằng, mọi người tìm cách giết ông”(3). Bằng máu và nước mắt của cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Lydie Salvayre buộc người đọc phải đối diện với nỗi đau quá khứ. Xuyên suốt tác phẩm Đừng khóc là hai tiếng nói hòa quyện vào nhau của hai nhân chứng bước ra từ cuộc chiến. Đó là nhà văn Georges Bernanos - chứng nhân trực tiếp của cuộc chiến - người lớn tiếng tố cáo cuộc thi hành khủng bố, thảm sát dân chúng của các lực lượng tham chiến. Bài văn đả kích: “Nghĩa địa lớn dưới ánh trăng/Les Grands Cimetières sous la lune” đã gây một chấn động đối với công chúng. Song hành với Georges Bernanos, đó là nhân vật Montse, mẹ của người trần thuật, người đàn bà bảy mươi lăm tuổi đã hồi nhớ lại những trải nghiệm đau thương của quá khứ lịch sử. Đó cũng là nguyên mẫu người mẹ của nữ văn sĩ Lydie Salvayre. Hai giọng nói, hai quan điểm khác nhau đã tạo nên một cái nhìn đa chiều về cuộc chiến Tây Ban Nha - một cuộc chiến mà cho đến nay, các nhà sử học có những đánh giá trái chiều. Người ta cho rằng, đây là cuộc chiến “diễn tập” cho tội ác của chủ nghĩa phát-xít để Hitler thực thi trong thế chiến thứ II. Nhưng một bộ phận khác lại cho rằng, nhờ cuộc nội chiến này mà tránh cho Tây Ban Nha phải trải qua những bi thảm của thế chiến như những quốc gia khác. Dưới cái nhìn của một nhà tiểu thuyết, Lydia Salvayre đã phân tích một cách lạnh lùng, tàn nhẫn các sự biến của chiến tranh. Từ câu chuyện bi thảm của hai gia đình trong cuộc nội chiến, tác giả đã khơi gợi ở người đọc những suy tư về chiến tranh. Chiến tranh, dù nấp dưới bất kỳ hình thức nào, nhân loại cũng cần lên án. Vì sao? Dường như các thế lực tham dự vào cuộc chiến đều là những nhân tố đồng phạm với tội ác. Nhà thờ tôn giáo núp dưới bóng “tử vì đạo” cũng từng tham gia vào tội ác giết người không ghê tay. Quân đồng minh phát-xít Đức, Ý dưới danh nghĩa “bảo trợ” đã gây ra những vụ thảm sát tập thể đẫm máu, ghê rợn; cộng sản với tinh thần ái quốc cũng đã không ngần ngại thực thi những vụ thanh trừng những đối tượng “không cùng chánh kiến”. Sử dụng hai gam “nóng/lạnh”, giữa sự cuồng bạo và nhẹ nhàng, giữa sự thô ráp và tinh tế, Đừng khóc của Lydie Salvayre đã làm mê hoặc lòng người, bởi chiều sâu của những triết lý về chiến tranh. Tác phẩm của bà có sự pha trộn giữa tính chất hài hước, sôi nổi của ngôn ngữ Tây Ban Nha và tính chất triết lý, thâm thúy, lãng mạn của ngôn ngữ Pháp. Cũng phải nói thêm rằng, tiếng Pháp không phải là tiếng mẹ đẻ, nhưng theo Lydie Salvayre, đó là ngôn ngữ tuyệt vời nhất để bà đi vào thế giới văn chương. Bà tiết lộ rằng, cha bà nói tiếng Pháp rất kém và ông không thích sống ở Pháp. Salvayre chỉ là một bút danh, nhưng cũng là một “thái độ” chống lại nguồn gốc của mình. Tên thật của bà là Lydie Arjona(4). Văn phong của Lydie Salvayre có sự phá phách, nổi loại trong ý tưởng lẫn ngôn ngữ, kết cấu, nhưng vẫn giữ được sự dịu dàng, đôn hậu của một cây bút nữ. Khi được hỏi, nhà văn nào mà bà ưa thích nhất, Lydie Salvayre trả lời: Elfriede Jelinek (xem, Rencontre avec Lydie Salvayre). Đó là nữ văn sĩ người Áo, đoạt giải Nobel văn học 2004. Bà có một lối viết phóng túng, kỳ dị, nhất là sự táo bạo khi xử lý về chủ đề tính dục và chính trị. Lydie Salvayre cũng nói đến kinh nghiệm lai chủng ngôn ngữ Pháp/ Việt ở trường hợp Marguerite Duras, nữ văn sĩ đoạt giải Goncourt 1984, người có một lối tự thuật “ma mị” về đời tư và chiến tranh ở Đông Dương. Lydie Salvayre là một bằng chứng sinh động cho mối quan hệ giữa văn học và y học. Trước khi nhận bằng cử nhân văn học hiện đại tại trường Đại học Toulouse, bà từng là một bác sĩ y khoa. Bà đã trải qua nhiều năm hành nghề như một bác sĩ tâm thần lâm sàng tại Bouc - Bel - Air. Đây là cơ sở thuận lợi để bà xây dựng các nhân vật “bệnh lý” với những trạng thái tâm lý phức tạp, bí ẩn, điên loạn trong tác phẩm. Dydie Salvayre khiến chúng ta nhớ đến nữ văn sĩ Colleen McCullough, tác giả của kiệt tác từng làm say mê bao thế hệ Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Nếu chưa từng trải qua lĩnh vực y học, chắc hẳn, Colleen Mc Cullough không thể viết được chuyện tình lãng mạn, say mê và tội lỗi giữa cô bé Meggie và vị cha xứ Ralph hấp dẫn đến vậy. Kinh nghiệm y học và trải nghiệm giới tính nữ đã khiến cho những trang viết của Lydie Salvayre lôi cuốn đặc biệt, không lẫn vào ai được. Hơn bốn mươi năm cầm bút, Lydie Salvayre đã tạo dựng một văn nghiệp bề thế: gần ba mươi tác phẩm, với những thể loại khác nhau. Phần lớn, sáng tác của bà hướng đến chủ đề chiến tranh và những trải nghiệm y học. Bà cũng dành cho phụ nữ một vị trí đáng kể trong tác phẩm của mình. Tiểu thuyết của Lydie Salvayre đã được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ và đã từng được chuyển thể thành phim. Đừng khóc, đã khiến người đọc bật khóc vì những triết lý sâu sắc về tội ác của chiến tranh. (1) Pas Pleurer, Éditions du Seuil, 2014 (2) La Guerre civile, https://histoiredespagne (3) Pas pleurer, le destin tragique de deux familles pendant la guerre d’Espagne, a été primé mercredi, http://www.liberation.fr/livres (4) Rencontre avec Lydie Salvayre, http://erato.pagesperso-orange.fr |
" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015
Goncourt 2014: Đừng khóc hay là những triết lý về tội ác của chiến tranh?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét