Truyện ngắn
Vũ Hùng
Nợ tình chưa trả cho ai... - Nguyễn Du
Sân bay Tân Sơn Nhất, một ngày hè năm 1991.
Viên đại tá đến muộn. Ông ngồi đợi trên chiếc ghế băng kê trong góc phòng. Người sĩ quan tuỳ tùng thay ông xếp hàng làm thủ tục. Trời Saigòn nắng chang. Buổi trưa oi bức. Hàng người trước quầy đăng kí chậm chạp chuyển dịch.
Lát sau, có hai người cũng đến muộn vội vã đi vào. Hai người đàn bà, một già một trẻ. Chắc là hai mẹ con. Cô gái đứng ngay vào hàng, sau viên sĩ quan tuỳ tùng còn người mẹ đến ngồi trên chiếc ghế trước mặt viên đại tá.
NGƯỜI XƯA
Họ thoáng nhìn nhau.
Viên đại tá bàng hoàng. Mình gặp người đàn bà này ở đâu? Ông tự hỏi. Quen quá nhưng... xa xôi quá, ông chưa nhớ ra. Ông cố gắng lục tìm trong kí ức đã mệt mỏi của mình...
Người đàn bà cũng bàng hoàng. Người đàn ông này trông quen quen. Mắt bà thoáng nhíu lại làm một vài nếp nhăn hiện trên vầng trán. Bà cũng đang lục tìm quá khứ.
Viên đại tá có thể đứng dậy, đến gần bên ghế của người đàn bà: Xin lỗi, tôi trông chị quen quá, hình như ta đã gặp nhau ở đâu... Nhưng ông không làm vậy. Ông cố gắng nhớ lại. Những quân nhân chuyên nghiệp như ông, gần hết đời cống hiến cho trận mạc, đâu có gặp nhiều đàn bà để mà lẫn lộn người nọ với người kia. Ông tự bảo thể nào ông cũng nhớ ra.
Người sĩ quan tuỳ tùng đã làm xong thủ tục.
- Thưa thủ trưởng, đây là thẻ lên máy bay. Chúc thủ trưởng những ngày nghỉ vui vẻ. Em xin gửi lời thăm chị và các cháu.
- Cám ơn cậu! Nhớ chuyến bay ngày tôi vào, mang xe ra đón.
Cô gái cũng vừa làm xong thủ tục.
- Mẹ ơi! Vé và thẻ lên máy bay của mẹ đây. Mẹ về bình an nhé! Hè sang năm con sẽ ra Hà nội thăm mẹ và các em.
Chắc là trong lúc xếp hàng, cô gái đã nói chuyện với ngươi sĩ quan tuỳ tùng. Cô quay lại chỉ sang phía viên đại tá:
- Mẹ ngồi cạnh ông kia ạ!
Và nói với ông:
- Chào bác ạ! Mẹ cháu không quen đi máy bay, nếu có bị say, xin bác vui lòng giúp đỡ. Cám ơn bác!
Nhìn cô gái, viên đại tá như bừng tỉnh. Khuôn mặt cô bầu bầu. Ông đã nhớ ra: mẹ cô cũng từng có khuôn mặt này. Ngày mới ra trường, ông và Minh, một người bạn cùng khóa, đã gặp mẹ cô và Cúc, bạn của bà, trong một chuyến đò xuôi sông Lô, sông Đáy. Hai cô gái ngày ấy mặc áo màu xẫm. Hai khuôn mặt bầu bầu, trăng trắng thấp thoáng trong khoang thuyền...
Người đàn bà cũng sửng sốt khi nhìn thẳng vào mặt ông. Bà cũng đã nhớ ra. Bốn mươi năm trước, một chiều chạng vạng trên bến Tuyên Quang, có hai chàng trai bước xuống con đò. Họ trẻ măng. Hai sĩ quan vừa tốt nghiệp một trường võ bị ở tận bên Tàu trở về...
Bà đứng dậy, kêu lên khe khẽ: Anh Toàn!
Viên đại tá cũng đứng dậy: Huệ!
Bốn mượi năm không gặp lại, họ có bao điều để nói với nhau. Chuyện của chính họ. Rồi chuyện của đôi bạn cùng xuôi chuyến đò năm ấy: Cúc và Minh...
BẾN CŨ
Máy bay đã cất cánh.
Qua phút nôn nao ban đầu, Huệ thì thầm kể:
... Tháng Tư 1951.
Đã thành lệ, mỗi tháng Huệ và Cúc vẫn xuôi về Sơn Tây cất hàng một lần. Sau chuyến đò trăng tháng Ba năm ấy là chuyến đò tháng Tư. Tình cờ lần này Huệ và Cúc lại xuôi trên con đò tháng trước. Đi lại nhiều lần, hai cô gái đã nhiễm cái mê tín của những người làm ăn trên sông nứoc: gặp con đò đã từng đưa tới cho họ tình yêu, chuyến xuôi lần này nhất định sẽ bình yên và may mắn.
Chiều muộn con thuyền chở Huệ và Cúc nhỗ sào, rời thị xã Tuyên Quang. Thuyền đến gần bến Then thì trời sáng. Ông lái lại ghé vào lùm cây rậm cắm sào. Một vài con đò xuôi ở phía sau cũng ghé theo.
Như lần trước ông lái lại bắc tấm ván gỗ cho mọi người lên bờ. Bà lái vo gạo và nhóm bếp. Bên các thuyền khác, người ta cũng nhen lửa nấu cơm. Tiếng gọi nhau, tiếng cười nói râm ran. Nắng lên, hứa hẹn một ngày đẹp trời, tươi sáng.
Cúc ló đầu ra khỏi khoang:
- Vẫn bến cũ, Huệ ạ! Vẫn lùm cây của chuyến đó lần trước!
-Thôi Cúc ơi, hãy lên bờ với tao đã!
Cúc nằm yên, kéo tấm chăn mỏng lên sát cằm.
- Thôi mày lên một mình, tao chẳng lên đâu. Tao nhớ anh Minh quá! Nhớ đến cồn cào cả ruột gan!
- Tao cũng nhớ anh Toàn quá! Nhưng mà thôi, ngồi dậy! Hãy lên bờ đã nào!
- Các anh ấy bảo phải đến một nơi lạ nước, lạ người...
- Chắc là nước Lào, mày ạ, Huệ nói.
- Nước Lào ở đâu hả mày?
- Có được đến bao giờ đâu mà biết. Nhưng chắc là xa lắm!
- Chẳng biết các anh ấy đã đến nơi chưa?
- Chắc là chưa, mới được một tháng. Các anh ấy còn về thăm nhà cơ mà.
- Ừ! Chắc là chưa đến.
- Nhưng mà thôi Cúc ạ, mày đừng nhắc nữa. Đừng làm các anh ấy máy mắt, sốt ruột.
Cúc không trả lời, vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình, mắt nhìn tận đâu đâu:
- Biết thế giữ thêm các anh ấy một vài ngày.
- Mày tham quá, Cúc ơi!
... Huệ nói tiếp:
- Cái số nó run rủi hay sao ấy, anh Toàn ạ! Em giục nó lên bờ mấy lần mà nó không chịu lên. Giá nó đừng nhớ anh Minh quá, cứ theo em thì đâu đến nỗi! Em đã bước ra ngoài khoang thuyền, không mang cái bị cói của em, nó còn gọi em lại và bảo: thời chiến, người đi đâu thì của phải đi theo đấy.
Huệ chui lại vào khoang lấy cái bị cói rồi lên bờ. Mấy phút sau, hai chiếc máy bay đã bay tới. Thấy những làn khói vương trên ngọn cây, chúng vòng lại. Huệ nằm chúi mặt xuống đất.
Một chiếc lao xuống, cắt bom. Chớp loé. Huệ gần như không nghe tiếng nổ, chỉ thấy tai mình tức nhói như muốn thủng. Rồi hai ánh chớp nữa lại loé lên. Tất cả chỉ vài ba phút.
Khi im ắng trở lại, Huệ vẫn chưa hoàn hồn. Về bến, Huệ chỉ còn thấy một vực nước sâu hoắm. Tất cả đã biến mất, cả lùm cây lẫn những con đò.
- Cúc ơi! Mày ở đâu? Cúc ơi...
Huệ tuyệt vọng gọi mãi xuống làn nước xoáy rồi đi vào làng, chờ một chuyến đò đêm để trở lại thị xã Tuyên Quang.
- Sau chuyến ấy, em nghỉ anh Toàn ạ. Không còn cái Cúc, một mình lủi thủi không sao đi nổi. Em khóc mãi không thôi!
GỌI CÚC GIÙM TÔI!
Huệ hỏi:
- Còn anh Minh thì sao, anh?
- Sau ngày chia tay với các em, bọn tôi...
Huệ vội ngắt lời:
- Đừng trang trọng thế, anh Toàn ơi! Cứ coi chúng em như những ngày xưa...
- ... bọn anh đi xa lắm! Những ngày đầu, nhớ các em quá. Khi chia tay với gia đình, lại thêm một nỗi nhớ nhà. Hai tháng sau bọn anh mới tim đến được đơn vị. Có đông anh em, có công việc, nỗi nhớ mới nguôi nguôi.
Đến Lào, Toàn được điều động về ban Tham mưu của Trung đoàn quân Tình nguyện còn Minh được bổ xung cho đại đội quân báo.
Ở một chiến trường lạ nước lạ người, quân báo là nơi của trường kì gian khổ, suốt đời cơm nắm, muối rang. Nơi của vô vàn cạm bẫy. Nơi được coi là xung kích của xung kích, mũi nhọn của những mũi nhọn. Lính tráng đã xếp quân báo vào hàng những đơn vị "Ngày đi thì có, ngày về... thì không!"
Khi hai đứa chia tay để về đơn vị mới, Minh bảo Toàn:
- Nhiều đêm mình vẫn mơ thấy Cúc. Xuôi ngược sông nước bấp bênh, nguy hiểm quá!
- Cầu cho các em được bình an, Toàn nói. Nếu có rủi ro, xin cứ bắn cả sang đây, chúng tôi gánh chịu.
- Cái đêm gần về đến bến Sơn Tây, Cúc hỏi mình nếu trời cho sống sót thì có lấy Cúc làm vợ hay không?
- Cậu trả lời thế nào?
- Có! Nhưng rụt rè. Bây giờ thì quyết tâm, nếu sống sót. Mình đã hỏi mã số hòm thư của đơn vị. Bao giờ quen đơn vị mới, sẽ viết thư về.
Chuyện giữa đường đã trở thành nỗi khắc khoải, nợ nần. Nhưng bức thư chưa kịp gửi...
Về đơn vị chưa bao lâu, Minh theo một phân đội lên đường chuẩn bị chiến dịch. Hàng năm, bộ đội Pathet Lào phối hợp với quân Tình nguyện Việt Nam mở hai chiến dịch lớn: chiến dịch Thu Đông và chiến dịch Xuân Hè. Đã bao năm, máu lửa chiến dịch này tiếp nối miên man vào máu lửa chiến dịch kia.
Phân đội của Minh đi sâu vào vùng tạm chiếm để gây cơ sở và điều tra tình hình địch: các đồn bốt, cách bố phòng, lực lượng phòng vệ, lực lượng ứng chiến...
Một buổi, trên đường hành quân, phân đội đã rơi vào ổ phục kích. Một viên đạn xuyên qua ngực Minh, phá rộng ở phía sau lưng. Không khí từ phổi tự do trào qua lỗ thủng làm dòng máu chảy ra phập phồng những bong bóng đỏ.
Khiêng được Minh về nơi đóng quân thì Minh đã mê man. Đào tạo bao năm tháng, thử thách chỉ mới được vài ngày.
Đôi môi đã nhợt của Minh mấp máy. Đội trưởng quân báo cúi xuống lắng nghe. Đã bao lần chứng kiến những phút hấp hối cùa đồng đội, anh biết đó là những lời trối trăng quan trọng. Anh có bổn phận phải nói lại với ban Quân lực Trung đoàn để ghi vào hồ sơ tử vong của họ. Nhiều khi đó là những ý nguyện chính trị ấp ủ từ lâu: niềm mong ước được kết nạp đảng tại mặt trận.
Mọi việc sẽ được xem xét ngay trong chiến dịch. Một ngày nào đó, giữa lúc các trận đánh gay go nhất đang tiếp diễn, Đảng ủy mặt trận sẽ đặc cách truy tặng danh hiệu đảng viên cho những ai đã hi sinh, vừa lập được chiến công xuất sắc lại vừa có lập trường tư tưởng và ý nguyện chính trị rõ ràng. Trong giờ phút quyết định thắng bại, thông báo rộng rãi việc đó trên toàn mặt trận là một cách có hiệu quả để động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ.
Tuy mới về và lần đầu tham gia một chuyến trinh sát, với tác phong nhanh nhẹn xông pha, không sợ khó khăn nguy hiểm, Minh đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của toàn đội và đội trưởng.
Minh là người thứ nhất hi sinh trong chiến dịch. Cái chết đầu tiên của mỗi chiến dịch bao giờ cũng thiêng liêng và gây xúc động mạnh mẽ. Lúc này cấp bậc chẳng còn ý nghĩa gì, chỉ còn tình đồng đội và tình thương. Đội trưởng tự bảo: nếu Minh theo đuổi lí tưởng chính trị như nhiều chiến sĩ khác, anh sẽ báo cáo lại và hết sức giúp cho người bạn đồng đội trẻ tuổi mà anh yêu mến đạt được ý nguyện cuối cùng.
- Minh nói gì vậy, anh? Những người đứng xung quanh vội hỏi, vẻ chờ đợi.
- Minh nói nhỏ quá , nghe không rõ!
Cặp mắt Minh vẫn nhắm nghiền nhưng đôi môi bỗng lại mấp máy. Nếu có linh hồn, chắc lúc này linh hồn Minh đã sắp bay đi. Đội trưởng ghé sát xuống mặt Minh. Mấy tiếng gọi yếu ớt vọng đến tai anh thoang thoảng:
- Cúc ơi! Em đâu rồi? Gọi Cúc giùm tôi...
*
Máy bay đã lên hết độ cao và đang bay ra khỏi vùng đồi núi vào vùng biển Đông. Tiếng động cơ vọng trong khoang đều đều. Nhìn qua khung cửa tròn, thấy những đám mây lang thang phủ bóng râm xuống cát trắng.
Huệ hỏi:
- Có thế giới bên kia không, anh Toàn ơi!
- Không biết nữa.
- Nếu có, chắc linh hồn Cúc và Minh đã tìm được nhau và đang dắt nhau bay...
Toàn nhìn xuống mặt biển, nơi bóng mây trôi giạt như những mảnh đời vô định. Huệ thì nghĩ về chuyến đò trăng năm xưa:
- Nhưng linh hồn chưa đủ cho tình yêu, phải không anh Toàn? Muốn yêu đương trọn vẹn, phải có "thể xác", không thì yêu đương bằng gì? Chắc Cúc và Minh đã đầu thai vào một kiếp khác để có "thể xác" mà trả nợ nhau.
- Chẳng biết có một thế giới tâm linh như Huệ nghĩ không?
- Chắc là có, anh ạ! Thế giới ấy không hình hài, mình không nhìn thấy đấy thôi. Nhưng bốn mươi năm vẫn còn ngắn quá, chưa đủ để đầu thai trở lại kiếp người, anh Toàn nhỉ. Người ta bảo đầu thai làm kiếp người lâu lắm, khó lắm, vì dù nhiều đau khổ, kiếp người vẫn là hơn cả. Có lẽ Cúc và Minh chỉ mới kịp đầu thai để thành một cặp vợ chồng thú rừng hay một cặp vợ chồng chim câu...
VH.