Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Cuộc thi trèo cây





Tại một khu rừng nọ, nhằm tìm ra những con vật tài giỏi để giao một số trọng trách, người ta tổ chức một kỳ thi với sự tham gia của các con vật tại đó, gồm: Quạ, Khỉ, Chim cánh cụt, Voi, Cá, Hải cẩu và Chó.

Khi cả bọn đông đủ, vị giám thị ra đề. “Để công bằng, tất cả phải làm chung một bài kiểm tra: Hãy leo lên cái cây kia!“.

Cuộc thi bắt đầu. Quạ thi đầu tiên và tạo được sự bất ngờ vì sự giỏi giang của mình, nó chọn con đường nhanh nhất là bay thẳng lên đỉnh cây.

Giám thị coi thi phán rằng: “Con rất giỏi và thông minh, chọn con đường nhanh nhất, không theo một trình tự nào và tới được đỉnh cây chỉ trong vài giây, con được 10 điểm.“

– “Cảm ơn thầy, đó là điều hiển nhiên.” – Quạ đáp.

Đến phiên Khỉ thi, một sự khởi động nhẹ nhàng, Khỉ vặn mình để chuẩn bị trèo lên cây, chiếc cây cao nhưng khỉ vẫn mỉm cười và tự tin rằng chuyện này trong tầm tay mình vì ngày nào nó chả luyện trèo hết cây này, đến cây khác nhuyễn như cháo. Thật vậy, Khỉ chỉ cần chốc lát là leo lên tận đỉnh của cây và thầy giám thị vui vẻ chấm:

– “Con làm tốt lắm, đi theo trình tự, theo đúng bài bản và đã leo lên được đỉnh cây nhưng con không có sự thông minh, con chỉ có ý chí và cần cù của con nên con cũng thành công. Ta cho 9 điểm.“

– “Cảm ơn thầy, cần cù, chăm chỉ là một phần của thành công ạ.” – Khỉ đáp.

Đến phiên Chim cánh cụt thi, cảm thấy rụt rè và sợ hãi khi thấy cái cây quá to và cao, đang đứng rui rẩy thì Voi lên tiếng.

– “Thưa, con xin phép cho con thi trước được không ạ?“
– “Ta đồng ý.” – Giám thị trả lời.

Thế là Voi thay Chim cánh cụt thi trước và điều bất ngờ xảy ra khi voi húc liên tục cả thân hình đồ sộ của mình vào thân cây, khiến thân cây rung chuyển, chao đảo và rồi ngã bật gốc xuống. Thầy giám thị tức tối liền quát to:

– “Cậu làm cái quái gì thế? Định phá kỳ thi của ta sao?”
– “Dạ, không ạ, đó chỉ là cách của con, mặc dù có tổn hại nhưng con vẫn hoàn thành bài thi.“

Voi ung dung đi từ gốc cây đến đỉnh cây. Và lần lượt từ Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó chỉ cần leo lên thân cây và đi từ gốc đến đỉnh cây 1 cách dễ dàng và về đích hoàn thành bài thi.

Nhưng riêng cá thì không thể, nó không thể nào ra khỏi bể để làm bài kiểm tra giống như các bạn mình, Quạ và Khỉ nhìn khinh khi, dè bỉu, giám thị cũng liên tục hối thúc không chút cảm thông. Nó buồn lắm và tự trách mình thật tệ hại, kém cỏi so với người khác, một cảm giác bất tài, vô dụng choán tâm trí nó. Ý định nảy sinh trong đầu cá bây giờ là chết để được giải thoát, một kẻ bất tài thì chết cũng có gì đáng tiếc chứ.

Nhưng khi cá chưa kịp làm gì, bỗng nó thấy cả nhóm Voi, Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó cùng nhau đẩy cái cây xuống dòng sông gần đó, rồi nhanh chóng, bọn chúng đưa cá đến gần sông thả xuống nước và từ đó cá cũng bơi từ gốc lên đỉnh cây và hoàn thành bài kiểm tra một cách thuận lợi.

ST

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Đêm đêm quạt hầu mẹ ngủ trong mơ




Mẹ ra đi về miền đất Phật
Hoa vô ưu nở trước sân nhà
Con vá víu nửa người tạm bợ
Đêm đêm quạt hầu mẹ ngủ trong mơ

0h15 ngày 18/3/2015

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Em có thấy hoa vàng trên cỏ xanh ?


Từng có một đóa Bồ Công Anh 
Dám từ chối tình yêu của Gió
Vì hết trái tim mình Bồ Công Anh đã dành trọn cho Cỏ
Dẫu biết linh hồn mình sẽ bị chối bỏ
Để cho một tình yêu
Được là tình yêu…

Em có thấy hoa vàng trên cỏ xanh ?

Có một lần anh đã kể em nghe
Truyện cổ tích về Bồ Công Anh và Gió
Về tình yêu của những đóa Bồ Công Anh bé nhỏ
Để trái tim mình cho Gió cuốn đi
Anh hỏi em: “Cuộc đời này có còn gì
Đẹp hơn tình yêu của Bồ Công Anh và Gió ?”
Em ngây thơ như đóa bồ công anh bé nhỏ
Làm bộ suy tư, rồi lắc đầu: “Em thua !”
Anh khẽ vuốt tóc em như cơn gió nô đùa
Rồi kể em nghe về một đóa Bồ Công Anh ngày trước
Đã mặc cơn Gió biết bao lần xuôi ngược
Ngỏ lời yêu nhưng chẳng được một lần
Bởi trái tim vẹn nguyên trắng ngần
Bồ Công Anh đã dành hết cho Cỏ
Dẫu thế gian nói Bồ Công Anh là phải thuộc về Gió
Còn tình yêu với Cỏ – chỉ là thứ hoang đường
Bởi từ lâu Bồ Công Anh đã vấn vương
Vì ngọn Cỏ tầm thường nhưng là duy nhất
Thân phận Cỏ mọn hèn nhưng trái tim chân thật
Chịu bao giày xéo tổn thương vẫn xanh đến vô cùng
Cỏ luôn âm thầm dành trái tim thủy chung
Hướng về Bồ Công Anh – một tình yêu khờ dại
Có biết bao tình yêu trong cuộc đời sao lại lựa chọn một-tình-yêu-oan-trái ?
Một tình yêu không được là tình yêu !
Rồi cuộc đời kia đổ hết mọi bão giông chỉ trong một buổi chiều
Gió hờn ghen – thét gào những căm hận
Trút mọi cuồng điên dường như vô tận
Lên thân phận yếu mềm của Cỏ và Bồ Công Anh
Và cuộc đời đã lấy đi phần linh hồn mỏng manh
Của đóa Bồ Công Anh như một sự đánh đổi
Cho một tình yêu được xem là lỗi tội
Một tình yêu không được là tình yêu !
Đau đớn thay những tình yêu dẫu hy sinh rất nhiều
Cũng chẳng thể có được bình yên như mong ước
Cỏ và Bồ Công Anh sẽ chẳng bao giờ hiểu được
Sao-có-những-tình-yêu-không-được-là-tình-yêu ?
Nhưng đóa Bồ Công Anh đã cố gắng rất nhiều
Để giữ trái tim mình không tan theo cơn Gió
Để trái tim tan ra chỉ rơi bên ngọn Cỏ
Từng mảnh bình yên… từng mảnh bình yên…
Bỗng có một phép màu như trong những câu chuyện thần tiên
Nơi những mảnh trái tim bồ công anh rơi xuống
Mọc lên những bông hoa vàng như nụ cười nở muộn
Dành cho một-tình-yêu-được-là-tình-yêu…
Anh nắm tay em đi trong một buổi chiều
Dẫn em đến nơi ngày xưa có Bồ Công Anh và Cỏ
Chỉ cho em những bông hoa vàng bé nhỏ
Trên thảm Cỏ màu xanh
Thấy không em ngọn Cỏ xanh hiền lành
Đang nâng niu trái tim Bồ Công Anh ngày trước
Em mỉm cười – cuối cùng cũng thấy được
Một điều đẹp xinh hơn mọi thứ trên đời
Một tình yêu
Được là tình yêu !!!
********
Dành tặng cho tất cả những tình yêu đang bị ngăn cấm, cản trở hay chối bỏ vì những quan niệm ích kỷ tầm thường của giàu nghèo, tôn giáo, giới tính, sắc tộc,…
Rồi sẽ đến một ngày tất cả chúng ta đều được là tình yêu. Sẽ có một ngày chúng ta được nhìn thấy “Hoa vàng trên cỏ xanh”.
–The Kid Falling From Heaven–

Ru ta chuyển hóa cuộc người


Đêm tiễn ngày xuống núi
Vai người ướt lạnh pha sương
Chiếc lá nặng treo oằn nhẹ lay phím gió
Khóe mắt xanh thu vàng nháy nghĩ xa xăm
Một quãng đường dài còn đi chưa dứt
Quê hương bỏ lại mấy lần khuất bóng hoàng hôn

*

Biển sóng lênh đênh trôi xô bèo bọt
Gót chân xuôi giữa ngày tháng ưu phiền
Lòng nặng gánh gồng phận nghiệp người chưa dứt
Phiêu bạt mấy lần oà vỡ mộng Uyên nguyên.

*

Một ngày ngồi lại bên cầu nhìn dòng sông trôi lặng lẽ
Chợt tan mộng tưởng: Cảnh giới Thượng thừa Tịch chiếu Vô vi?
Ồ! Mau xem nước trôi đi . . .

*

Và ta đi
Mang nguồn cội cánh đồng ruộng lúa thơm trong, con đò, bến đình, cây đa, làng chùa, mảnh vườn xanh phổ vào hồn hát ca trên con đường dài dậm giuộc
Khi sầu chất ngất, đưa hai bàn tay chạm vào nhau để thấy bóng hình của Mẹ Hiền Từ âu yếm thương quen
Chở che ta giữa đời lận đận
Giữa trời xanh nắng gió vô cùng
Khi ngày tàn nâng chén
Cảm khái ngâm mấy vần thơ ứa men mật độc hành
Đem càn khôn nhốt trong bình đựng nước
Để xem vũ trụ nở xanh ngời
Ma trận bung xoè bao nhiêu màu nhiệm
Thả hồn nhập hóa Đại định du già hoát nhiên mỉm mười một nụ ban sơ

*

Đem mảnh vườn quê trồng lên thần kinh hệ
Tưới dòng máu trong tim làm mát dịu hành tinh xanh
Ngẩng nhìn hoa nở, chim hót, thông reo, gió thoảng hương đưa trầm ngát.
Thanh tân một bận tâm màu
Thân hành mây bay cánh hạc
Hoa sen giữa hồ lộng nở Padmé hum
Âm thanh cọng hưởng ngào ngân trái tim mặt trời
Suối thiêng ngàn năm tắm gội
Mạch sống chiếu ngời trong khoen xích vô tận màn lưới Kim cương phản soi triệu triệu thiên hà chan bước sóng.

*

Cánh chim chiều sải cánh buông nghiêng trên cành cây mát lộng
Dòng sông vẫn chảy
Chiếc lá rơi xuống
Lòng đất nở hoa
Lặng lòng nghe sỏi đá tình tự cọ xô
Từng mỗi hiện tồn tương giao hoà âm đại thể
Ru bước chân ta về chuyển hóa cuộc người đi.




Kim Liên Tự
Thích Tâm Bình

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

bài học về sự tử tế



lê thị huệ



Người đàn ông đã tặng tôi một lưỡi dao
Một lóng tay và một đóa hồng
Lòng tử tế, hãy tự đếm lấy, ông nói
Rồi lỉnh xa tôi như con nòng nọc lượn nhanh
Của loài đàn ông giỏi đọc mật mã của óc

Làm sao tôi có thể thử lòng tử tế
Khi ngón tay không thể bị cứa hở ông
Làm sao máu không tứa và ngón tay tôi đừng cong quéo tuyệt vọng
Ông ở đâu đến sao trao tôi một bông hoa rồi bỏ đi
Trần gian đầy huyết lệ và lóng tay tôi đã chảy hết máu
Tôi sẽ nhớ ông đến vô cùng
nhìn mỏm đá và thấy cái mô teo
nhét đằng này thì nó phọt đằng kia
vuốt bên phẳng thì lở bên bồi
tôi muốn giấu những nắp hòm tôi
và một niềm bí mật
khạy lên dưới những làn da ngắt hùi cui
vòng môi cười dòn cặp mắt tình tứ
tưởng tượng miệng chàng ngậm tuổi núm tôi nham nhám
tay cài cho tôi những khuy áo de
cái thập tự lụm thì tòng teng hơ hớ
tôi và chàng có một niềm run
dấu vợ và trốn chồng ra bãi biển ngồi
nhìn những đôi tình nhân dìu nhau về cái motel ở mỏm đá

chỉ nhìn thôi rồi làm những cử chỉ
vờ như trời xanh mấy trắng vừa bay ngang
dù ba giờ trưa mùa hạ nắng đổ ướt mồ hôi
chỉ ngồi thôi mà cũng yêu nhau được tí xíu

ngắn nhất, súc tích nhất, thơ mười bốn chữ






Thơ ngắn trong thế giới là những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Trung hoa, 28 chữ. Ngắn hơn nữa là ngũ ngôn tứ tuyệt 20 chữ. Ngắn nhất và được công nhận cho tới nay, là thể Haiku ở Nhật : 17 chữ.

Ít ai ngờ rằng thể thơ ngắn nhất trong thế giới là thơ Việt Nam : 14 chữ. Thể thơ lục bát. Kho tàng ca dao, với những người làm thơ vô danh nơi thôn dã bình dân, khi bắt chớp tứ thơ, ghi chụp hình ảnh, tung mở tư duy, họ thể hiện ngắn gọn, sinh động và tràn đầy qua dòng thơ lục bát 14 chữ. Mà thôi.

Con người bước vào cuộc nhân sinh bằng bằng một hơi thở chứa ngầm thi tính. Mỗi ngày chúng ta thở 21.000 lần. Nhưng lần thứ nhất, lần đầu khi sinh ra, hơi thở đầu dẫn dắt sự sống ra đi. Mỗi hơi thở là một câu lục bát. Những câu ca dao hay nhất, hàm ý nhất còn lại nơi trí nhớ gợi nhắc trong ta, bao giờ cũng chỉ hai câu 14 chữ. Phải không ?

Chỉ khi nào cần kể chuyện, cần trình bày một tình tự, một ước mơ hay phê phán, người làm thơ mới vượt ra ngoài sự sống — là hơi thở — kéo dài thành nhiều hơi thở liên tục kể chuyện đời, chuyện nước non, tình tự như một trường ca. Truyện Kiều là chứng cớ thiên tài sự phát triển ấy.

Đồng mà dị. Trong cái giống có cái khác. Thơ 14 chữ bộc lộ sự sống, cách sống, thế sống. Nhuần trọn một hơi thở. Ở đó biên cương sinh tử được khép kín. Khi 14 chữ ấy dùng vần làm sợi dây chuyền kéo dài thành một đoạn nhiều câu thơ, hay truyện thơ, thơ trở thành sự kể lể, nói năng. Sự thế hiện đổi ra cuộc trình bày. So sánh trên, không cốt đánh giá cái nào hay hay dở, mà chỉ phân tích hai thế đứng của thơ.

Vào các thời đại an bình, lúc lòng người tự tại, tinh thần minh mẫn sảng khoái, thơ thường ngắn và cô đúc. Tình nồng nhưng đã nén, không cho nổ trên câu, mà để mỗi chữ nổ tung giữa lòng người đọc. Khí mạnh đã được dằn, không ồn náo trên lời viết, vẫn khiến người đọc thấy lòng hồn nhiên phơi phới. Đó là chất vàng ròng trong thơ. Hai chiều sâu và rộng đứng xuống thơ, như đôi chân chim mảnh mai viết xuống cát phẳng những tín hiệu giải tích hư vô. Gặp thời loạn ly, thơ thường nhiều và dài. Con người cần bộc lộ những cay đắng, tủi hờn. Họ biện minh. Họ chinh phục. Người làm thơ rời xa con tim ưu ái xuống hạ lưu biến động của mười ngón tay. Viên than hồng vô ngôn đã tro bạt thành đống chữ lạnh lùng.

Xem thơ biết người. Nhìn người biết thời đại. Sự tác dụng qua lại ảnh hưởng nhau mà thay đổi, chuyển hóa. Cõi loạn tưởng và nỗi điêu linh kia, biết đâu không nhờ cái trầm tĩnh, minh khiết và phiêu nhiên của các nhà thơ mà thanh hóa, để sửa dọn lại cõi nhân sinh ?

Sao ta không thử tìm về nguồn lục bát 14 chữ khơi dòng nhỉ ? Gạn bớt những ồn kênh, cho đáy lòng thức dậy tiếng nguyên đầu. Mỗi hơi thở tự nó chưa nói hết khúc nôi của đời và thế giới, như một bài thơ dài. Song lạ thay, dường như hơi thở đó ngang nhiên hà động suốt tử sinh. Như ánh đèn nhỏ, bước đi tửng bước nơi vũ trụ không mặt trời. Ánh sáng chẳng là ngọn đèn pha nghìn lực chọc thủng màn đêm. Nhưng không gian đều được thắp sáng theo từng bước tràn tới suốt dãy hư vô tịch mịch.

Đó là ý nghĩ thời tôi sáng tác tập thơ Rằm năm 1973 ở Andalusia bên Tây Ban Nha.

Xin chọn đôi bài từ 108 bài trong tập thơ “Rằm” để nói lên cung cách ấy làm quà với kẻ tri âm.


THƯỢNG DU

Mẹ đi
ngựa gõ
đèo cao

Con nằm bụng mẹ
núi nhào
bồng theo.


LỮ HÀNH

Em đi
dòng tóc chảy nhanh

Một vườn sương
khóc
lá chanh thơm hoài.


CHIM

Chuông khuya
từng giọt
gieo sương

Chim sa nhịp hót
nghe mường tượng
Kinh.


NƯỚC

Con chim
hót
một tràng sông

Nụ cười bản trạch
thơm nồng
cõi xa.


HERRADURA

Sao em móng phượng
để dài

khiến ta đi khuất
còn sai
mộng về.


NI CÔ

Em về
phơi áo trên cồn

Qua đêm
trăng cháy
một hồn anh sông.


QUÊN LỜI
Người về cồn nhỏ
chăn sao

Muôn trùng chiếu lạnh
tuôn trào vũng trăng.


XUÂN

Mùa xuân
ngồi nắn xương rồng

Một tay
điểm nhãn
một bồng
xuân sau.


ANGKOR

Chân sen
vọng
suốt đá ong

Múa bay
cười nụ
rừng chong lá
nhìn.


TÀU LỬA
Con tàu
chở
những sân ga

Song song đuổi bướm
chạy sà vào sương.


LINH MỤ

Bao năm
máu suối
bom rừng

Tiếng chuông Linh Mụ
rửa từng
vết thương.


KIM LUÔNG

Chiều chiều
gàu nước múc lên

Đợi em
bên giếng
rửa chân
bụi ngày.




THƯƠNG CON

Thương con
trời đất vô cùng

Một mai
khuất núi
bao dung ai người ?


QUÊ CŨ

Vì ai
hay bởi vì cha

Con ba tuổi lớn
đứng phà
đợi sông.


XIN NGỪNG

Tay bưng dĩa muối
chấm gừng

Ba mươi năm
hận
thôi ngừng
trò chơi.


ỦA

Soi mình giọt lệ
nửa đêm

Rung rinh hoa nở
đầu thềm
chim kêu.


GIÀU

Tinh sương
thức gọi sắc màu

Người buôn chiến trận
Ta giàu chim ca.

(trích tập thơ “Rằm” chưa xuất bản)



Thi Vũ

Nasa Tìm Thấy Bằng Chứng Của Một Đại Dương Cổ Đại Trên Sao Hỏa



Theo các nhà khoa học, một đại dương nguyên thủy rất lớn bao phủ một phần năm bề mặt trên Sao Hỏa, làm cho nó ấm áp, ẩm ướt và lý tưởng cho cuộc sống của người ngoài hành tinh.
Ảnh do một nghệ sĩ vẽ hình ảnh một đại dương cổ đại trên sao Hỏa, kéo dài hàng tỷ năm, khác hơn suy nghĩ trước đây. Mars Geronimo Villanueva / Nasa cung cấp
Một đại dương cổ đại lớn từng bao phủ gần một nửa bán cầu phía bắc của sao Hỏa khiến cho hành tinh này là một nơi hứa hẹn nhiều hơn cho người ngoài hành tinh đã có thể sống, các nhà khoa học Nasa nói.
Dung khối khổng lồ của nước bao phủ hơn một phần năm bề mặt của hành tinh, một tỉ lệ rất lớn, giống như Đại Tây Dương trên địa cầu, và có nhiều nơi sâu đến một dặm. Tổng cộng, các đại dương chứa được 20 triệu km khối nước, hoặc nhiều hơn được tìm thấy ở Bắc Băng Dương, các nhà nghiên cứu tìm thấy.
NASA tìm ra vào ngày thứ Năm (05 tháng 3, 2015), bằng chứng thuyết phục về đại dương nguyên thủy bổ sung vào bức tranh sao Hỏa là một thế giới ấm áp và ẩm ướt thuở thanh xuân của hành tinh này, với các dòng suối chảy, những đồng bằng châu thổ quanh co, những vũng hồ lâu dài, ngay sau khi nó được hình thành vào 4,5 tỷ năm trước đây.
Quan điểm về lịch sử cổ đại của hành tinh này hoàn toàn đảo lộn những gì mà nhiều nhà khoa học tin tưởng mới một thập kỷ trước đây. Lúc đó, vấn đề có nước chảy hay không trên sao Hoải được coi là thất thường, hoặc rất hãn hữu, và không bao giờ hình thành vùng biển lâu dài và đại dương.
"Một câu hỏi quan trọng từng đặt ra là thực sự trên Sao Hỏa có bao nhiêu nước lúc nó còn trẻ, và tại sao nó bị khô nước?" Michael Mumma, một nhà khoa học thâm niên tại Nasa Goddard nói Space Flight Center ở Maryland.
Viết trên tạp chí, "Khoa Học", nhóm nghiên cứu của NASA, và những nhóm khác tại Đài quan sát Nam Âu (ESO) ở Munich, đã đưa ra câu trả lời sau khi nghiên cứu sao Hỏa với ba trong số kính thiên văn hồng ngoại mạnh nhất trên thế giới.
Các nhà khoa học đã sử dụng cơ sở kính thiên văn Keck II và Kính viễn vọng hồng ngoại của NASA, cả hai đều ở Hawaii, và kính viễn vọng cực lớn của ESO ở Chí Lợi, để vẽ bản đồ của bầu khí quyển sao Hỏa trong sáu năm qua. Họ phân tích cụ thể xem các phân tử nước trong không khí sao Hỏa thay đổi từ nơi khác như thế nào theo sự thay đổi của các mùa.
Nước trên sao Hỏa, giống như trên Trái đất, có chứa các phân tử nước căn bản, gồm hai nguyên tử hydro (H2) và một nguyên tử oxy (O), và một hình thức khác của nước được làm bằng chất đồng vị của hydro gọi là deuterium (nặng hơn Hydrogen vì bên cạnh proton ở tâm lại có thêm neutron). Trên sao hỏa, nước có chứa hydrogen bình thường theo thời gian đã bị biến mất vào không gian, nhưng deuterium (một hình thức hydrogen nặng) thì còn lại.
Khi "nước thường" bị mất trên sao Hỏa, nồng độ của deuterium (nước nặng) trong số nước còn đọng lại sẽ tăng lên. Quá trình này có thể dùng để suy ra bao nhiêu nước từng có trên hành tinh. Nồng độ của deuterium càng cao, thì càng nhiều nước đã bị mất.
Sao Hỏa ngày xưa là một hành tinh ấm áp và ẩm ướt
Các bản đồ hồng ngoại cho thấy rằng lượng nước ở gần các tảng băng trên sao Hỏa có nhiều deuterium. Nồng độ deutorium cao có nghĩa rằng sao Hỏa đã mất một lượng nước rất lớn trong quá khứ, tương đương với hơn sáu lần số lượng bị đông trong các chỏm băng của hành tinh này.
Các nhà khoa học tính ra rằng lượng nước đủ để tạo ra một đại dương toàn cầu bao phủ toàn bộ bề mặt của sao Hỏa với độ sâu 137m. Nhưng sao Hỏa có lẽ không bao giờ hoàn toàn ngập nước. Dựa vào địa hình sao Hỏa ngày nay, các nhà khoa học tin rằng nước gom lại thành một đại dương sâu hơn nhiều ở vùng đồng bằng phía bắc có trũng thấp, tạo ra một đại dương bao phủ gần một phần năm của bề mặt của hành tinh. So sánh cho thấy, Đại Tây Dương bao gồm khoảng 17% bề mặt trái đất.
"Cuối cùng chúng ta có thể kết luận, từ ý tưởng này (về một đại dương bao phủ 20% hành tinh,) sẽ mở ra các ý tưởng ở đó có thể sinh sống và sự tiến hóa của sự sống trên hành tinh này," Geronimo Villanueva, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết.
Khối lượng nước khổng lồ này kéo dài hàng triệu năm. Nhưng qua thời gian, không khí trên sao Hỏa bị loãng đi. Sự sụt giảm áp suất có nghĩa là nhiều nước biển toả vào không gian. Hành tinh này cũng bị mất lớp cách nhiệt của nó nữa. Hành tinh không còn ấm đủ cho nước ở thể lỏng, biển rút đi và cuối cùng bị đóng băng. Hôm nay, chỉ có 13% đại dương còn lại, bị đông ở chỏm cực của sao Hỏa.
"Bây giờ chúng ta biết Mars đã có nước trong một thời gian dài hơn nhiều so với chúng ta nghĩ trước đây", Mumma cho biết. Chiếc xe thám hiểm Curiosity Rover của NASA đã chỉ ra rằng sao Hỏa đã chứa nước khoảng 1,5 tỷ năm, còn hơn thời gian cần cho sự sống xuất hiện trên Trái đất. "Bây giờ chúng ta thấy rằng sao Hỏa phải có nước trong một khoảng thời gian lâu hơn," Mumma thêm.
John Bridges, một nhà khoa học về hành tinh tại Đại học Leicester, người làm việc cho chương trình xe thám hiểm Curiosity Rover của NASA, nói sao Hỏa là chắc chắn ít nhất có sự sống trong quá khứ xa xôi. "Mười năm trước đây, những câu chuyện của nước trên sao Hoả là một trận lụt thường xuyên của các mảnh đá vụn đá mỗi 100 triệu năm đã bị gián đoạn. Bây giờ chúng ta biết sự kiện đó liên tục hơn. Nó có các đơn vị chứa nước lâu dài: hồ, vùng đồng bằng và có lẽ ngay cả vùng biển, " ông nói.
"Tôi có cảm tưởng rằng chúng ta có bằng chứng tuyệt vời là sao Hỏa đã từng có thể sống được, cho dù không rõ là có sự sống hay không. Nhưng có cơ hội. Một thiên thạch mang sự sống nào đó có thể đã văng ra từ trái đất và có thể đã rớt trên nước của sao Hỏa ", ông nói thêm.
Việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa sẽ gia tăng vào năm 2018 khi Cơ quan Vũ Trụ Châu Âu gửi chiếc xe thám hiểm Rover ExoMars của nó tới sao Hỏa. Rover sẽ tìm kiếm dấu hiệu hóa học của sự sống, có lẽ bắt nguồn từ vi khuẩn sống sâu dưới mặt đất của sao Hỏa. Năm ngoái, chiếc Curiosity Rover của NASA phát hiện mêtan trong khí quyển của sao Hỏa. Phát hiện này làm dấy lên đồn đoán rằng khí có thể đến từ các sinh vật sống. Nó có thể, nhưng không có bằng chứng. Methane thường xuyên được phát sinh trên các hành tinh thông qua các quá trình địa chất mà không cần có bất kỳ cuộc sống nào.
Charles Cockell, giáo sư sinh học ngoài không gian tại Đại học Edinburgh, cho biết: "Sự tồn tại của nước càng lâu trên một hành tinh ở một vị trí cố định, đặc biệt nếu có sự thay đổi địa chất, có nhiều khả năng nó sẽ cung cấp một môi trường sinh sống trong một khoảng thời gian thích hợp cho cuộc sống phát sinh hoặc nảy nở. Một đại dương sẽ đáp ứng nhu cầu này." Dù vậy, tuy đời sống có thể có, không có nghĩa là không thể tránh khỏi. "Tất nhiên, nó có thể không có người ở," ông nói thêm.
Lý Thái

Hãy tưởng tượng Một Thế Giới Không Đàn Bà


 Mồng 8 tháng 3 là một ngày rất trọng đại cho giới phụ nữ ở khắp năm châu bốn bể. Đó là ngày quốc tế phụ nữ, là ngày đánh dấu đã xoá đi được những bất công đối với người phụ nữ trong xã hội ngày nay. Tại Canada cũng như tại nhiều quốc gia khác, đều có những buổi hội thảo hay những cuộc đi bộ, vân vân nhằm vinh danh ca ngợi cho sự bình-đẳng và sự thăng-tiến trong xã hội của nữ-lưu đó đây.


Đàn bà là gì?
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau

(Huy Cận)
* * *

Kinh Sáng Thế nói gì về đàn bà và đàn ông?

Trong kinh Sáng thế Genesis, Chúa đã nói rất rõ nhiệm vụ của chồng và của vợ trong đời sống gia đình: Đó là sự bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhaụ Chồng là sếp vợ là phụ tá.
Trước khi có Eva, Adam sống một cách bừa bãi, chán phèo, lủi thủi có một mình, tối ngày chỉ biết đi săn mà thôi.
Sáng thế Genesis là nhựt ký ghi chép theo thứ tự thời gian vô số hành động và sinh hoạt của Adam, nhưng lại thiếu phần phân tách tình cảm, trạng thái tâm lý của anh ta ra sao.
Cho đến ngày Adam bị mất đi một cái xương sườn và sự xuất hiện của người đẹp Eva bên cạnh…
Đó chính là lúc cuộc đời của Adam bắt đầu đi vào một ngã rẽ mớị Eva dạy anh ta nhiều điều mới lạ như phải biết ăn mặc cho kín đáo để che bớt thân thể… thấy ghê quá.
Thế giới không đàn bà, chuyện không tưởng
Thế giới không có đàn bà là một chuyện không tưởng. Nó vượt ra ngoài cái tầm suy nghĩ bình thường của mọi ngườị.
Thiên nhiên, loài vật và loài người đều bắt buộc phải có âm có dương, đực cái, nam nữ, đàn ông và đàn bà. Đó là quy luật tự nhiên của tạo hóa.
Tuy nhiên, ai ai cũng có thể có ý kiến riêng tư của mình hết. Tùy theo đàn ông hay đàn bà, độc thân, sống như vợ chồng hạnh phúc, tình trường éo le, đổ vỡ, ly dị, hay đang phải chịu cảnh trai già, gái già, bóng, đồng hệ, ô môi, lesb, pê đê, hay intersex (bán nam bán nữ) v.v…
Mỗi người, mỗi kinh nghiệm sống khác nhau cho nên họ cũng nhìn vấn đề theo cảm quan, và góc cạnh khác nhau.
Có cha bị vợ cặm sừng, bị bồ đá, bị bỏ rơi thì thường hay có lời gay gắt đắng cay đối với phái nữ: “ôi đàn bà là những niềm đau… là con dao làm tim nhỏ máu …”
Nữ ký giả Sarah Sands (nhà báo chuyên nghiệp Anh quốc) qua bài “A world without men? Easy, but if there were no women, what then?” (Thế giới không đàn ông? Xí! dễ òm, nhưng nếu không có đàn bà thì sao?).
Nên biết Sarah Sands là một phư nữ cấp tiến cho nên ý kiến bà đưa ra chắc chắn phải thiên về phía nình bà. Cũng dễ hiểu mà thôi.
Theo bà Sarah, sự hiện diện của đàn ông trong tương lai chỉ là ân huệ mà thôi vì tinh dịch của các đấng mày râu có thể được sản xuất ra rất dễ dàng trong phòng thí nghiệm.
Ý bà nói là nếu cần mang thai, thì chỉ bỏ ra vài ngàn đô để mua tinh dịch rồi nhờ bác sĩ gieo cho là bảo đảm có bébé ngay lập tức. Phương pháp thụ tinh nhân tạo theo kiểu nầy bên thú y đã làm từ khuya rồị. Cần gì phải có chồng làm chi cho phiền phức và bị ràng buộc lôi thôi.
Có lẽ các bà nầy mang nặng ý tưởng bi quan “con là nợ, chồng là nghiệp chướng. Có chồng như đeo gông vào cổ”. Vậy thì lúc nào cần thì đi mướn cho nó tiện. Có tiền là có liền!
Nghe nói tại Sài Gòn ngày nay có dịch vụ cho mướn chồng?
http://thoibao.com/nghe-moi-o-viet-nam-thue-chong/
Không có đàn bà, một thế giới của đàn ông?
Mara Hvistendahl có viết tác phẩm “Unatural selection: Choosing boys and girls and the consequences of a world full of men” (sự chọn lựa không tự nhiên- lựa trai hay gái theo ý muốn và những hệ lụy của một thế giới toàn đàn ông).
Mara Hvistendahl đã nêu lên một sự thật, đó là sự mất quân bình giữa số nam và nữ tại các quốc gia Á châu và Đông Âu. Chẳng hạn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Taiwan, Việt Nam, Azerbaijan, Georgia, Armenia và Albenia. Chính sách hạn chế sinh sản của Trung Quốc cho phép mỗi gia đình chỉ có quyền được có một đứa con trai mà thôi. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm phụ nữ ngày nay.
Có lối 160 triệu phụ nữ đã giảm đi trong dân số của các quốc gia Á châu và Đông âu.
Quyền được phá thai cũng như việc chọn trai hay gái theo ý muốn đã làm lệch lạc đi cán cân dân số và giới tính trên thế giới.
Ai cũng biết là ngày nay khoa học rất tiến bộ. Việc chọn trai hay gái trở nên rất dễ dàng.Phòng thí nghiệm có thể lựa tinh trùng mang tính nam (Y) của chồng cho thụ trong ống nghiệm với noãn mang tính nữ (X) của bà vợ. Thế là có con trai (XY). Nếu muống có con gái thì chọn X với X. Sau đó, đem trứng thụ gắn vào tử cung của bà vợ. Thế là xong. Đây là phương pháp Preimplantation Genetic Diagnosis PGD. Tại Hoa Kỳ tốn 20 000$. Một số không ít cặp vợ chồng Mỹ lại thích có con gái hơn là con trai. Theo họ, con gái có thể cho ăn mặc đồ hồng rất dễ thương, lại nữa con gái thường rất dễ dạy ít phá phách, và học hành cũng giỏi hơn con trai.
Không có đàn bà, kinh tế thế giới sẽ lâm nguy và suy sụp xuống tức khắc.
Ai cũng biết việc mua sắm từ món nhỏ đến món lớn là cái thú vui của mấy bà.
Đó là nữ trang, quần áo, thời trang, mỹ phẩm, dụng cụ điện tử hi tech như laptop, ipad, ipod… Tại Hoa kỳ 80% khách hàng của kỹ nghệ xe hơi là phái nữ (có thể bà không trực tiếp mua xe, nhưng các bà quyết định hiệu xe, kiểu xe phải mua).

Không có đàn bà, thế giới loài người sẽ tự diệt

Dân số đàn bà trên thế giới càng ngày càng giảm vì nhiều nguyên nhân. Nhiều cô không muốn lấy chồng và cũng không thích có con vì sợ bị ràng buộc mất hết tự do trong cuộc sống. Vui vẻ với bồ với kép thì được nhưng nhất định không cho có bầu, không lấy nhau thành vợ chồng. Điển hình nhất là phụ nữ Hong Kong không muốn lấy chồng vì sợ phải mang như gông vào cổ. Hậu quả là sanh sản ít đi. Đến một lúc nào đó, có thể là bảy tám trăm năm nữa dân số Hong Kong sẽ không còn một mống nào cả. Theo dự đoán thì người đàn bà Hong Kong cuối cùng sẽ ra đời vào năm 2798 (?)

Không còn đàn ông, không còn loài người

Không còn đàn ông thì cũng không còn đàn bà vì một lẽ dễ hiểu là phụ nữ tìm đâu ra tinh trùng của đàn ông để mà gieo tinh nhân tạo. Không còn đàn ông thì mấy bà lesbian cũng chỉ còn tồn tại được chỉ trong một vài thế hệ đến lúc ngân hàng tinh trùng đông lạnh cạn nguồn thì mấy bà cũng biến luôn.
Mấy năm trước đây (23/2/2012) một khảo cứu đăng trong tạp chí Nature cho biết đàn ông sắp bị tuyệt chủng vì nhiễm sắc thể chromosome Y (quyết định giới tính nam) chỉ còn có 30 genes (thay gì 800). Vậy thì không thể đẻ con trai được.
Tưởng tượng đến lúc (vài ngàn năm nữa) không còn đàn ông, thì mấy bà làm sao đẻ một mình được. Thế giới loài người sẽ tự hủy diệt.
Nhưng sau đó, các nhà khoa học lại trấn an dư luận là tuy chỉ còn có 30 genes nhưng chúng rất ổn định từ mấy chục triệu năm rồi, không có gì phải lọ Hú hồn. Nói đi nói lại cũng họ thôị
Chỉ có các lão ông 7-8 bó là rất dững dưng trước tin trên vì có lo cho lắm nó cũng vậy mà thôi.
Nhà tâm lý học Aude de Thuin nói về đàn bà
Bà Aude de Thuin là một nhà tâm lý học và đồng thời cũng là một nhà kinh doanh thành công tại Pháp. Bà là người sáng lập ra diễn đàn phụ nữ (Women’s forum). Qua tác phẩm“Femmes si vous osiez, le monde s’en porterait mieux” (Nếu các bà dám làm, thế giới sẽ trở nên khá hơn). Ý bà muốn nói kẻ thù của người đàn bà chính ở nơi họ, như thiếu tự tin, ràng buộc vì gia đình, học vấn…
“Be the change you want to be”thánh Gandhi đã dạy chúng ta phải tự mình thay đổi nội tâm để có thể thay đổi thế giới.
Bà Aude de Thuin hô hào phụ nữ phải mạnh dạng nói lên tiếng lòng của họ, và hãy can đảm ngồi bên cạnh các ông, đễ cùng suy nghĩ và xây dựng một tương lai chung.
Nữ văn sĩ Pháp Simone de Beauvoir đánh thức lương tâm thế giới về thân phận người phụ nữ
Nhà văn Pháp Simone de Beauvoir trong tác phẩm Giới tính thứ hai- Le deuxieme sexe dã nói rằng: “Người ta sinh ra không phải là phụ nữ mà trở thành phụ nữ“ (On ne nait pas femme, on le devient” (Le deuxième sexe, Simone de Beauvoir). Đây là một bài luận (essai) về triết lý hiện sinh và nữ quyền (essai existentialiste et féministe)

Khi người phụ nữ vùng lên

Người phụ nữ ngày nay có quyền đòi quyền tự do quyết định sự sanh đẻ, sự phá thai hay có quyền phản đối lên án sự bạo hành trong gia đình, vân vân… Và có nhiều tiến bộ đã được thấy rõ trong xã hội Tây Phương.
Nhưng còn các quốc gia ở vùng Á Châu, châu Mỹ La tinh và khối Hồi Giáo thì sao?
Có lẽ đoạn đường của những người phụ nữ tại những xứ ‘phu xướng phụ tùy’ nầy cũng còn khá dài…
Một người phụ nữ kiên cường: Bà Aung San Suu Kyi, Miến Điện (hình phải)
Vinh danh người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội
Đàn ông, đặc biệt là con trai cần sự dịu dàng từ bàn tay phụ nữ và nhất là đó là bàn tay của một người mẹ hay của người vợ (của mình)
Đàn bà cũng làm nên sự nghiệp, tranh đấu cho dân chủ, cho nhân quyền, cho bình đẳng xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tại Miến Điện, Việt Nam…
Đàn bà cũng từng đóng một vai trò quan trọng các cuộc tranh đấu đòi giải phóng phụ nữ tại các quốc gia hồi giáo cực đoan như Iran và Afghanistan.
Malala Yousufzai, 17 tuổi, là một phụ nữ Pakistan can cường dám đương đầu với bọn Taliban trong nỗ lực đấu tranh đòi quyền giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là phụ nữ. Cô ta được trao tặng giải Nobel, Hòa bình năm 2014. (hình trái)
http://pakteahouse.net/2014/10/13/pakistani-women-nobel-oscar-emmy-and-what-not/
Chia sẻ công việc nhà
Chuyện tiếu lâm Tây phương: Cửa thiên đường- Sau ngày tận thế
Sau ngày tận thế… ngoài cổng thiên đường, có vô số người tay cầm passport, nôn nóng, chen chút nhau đứng chờ thánh Saint Pierre ra mở cửa.
Thánh St Pierre phán: Các ông làm ơn xếp thành hai hàng giùm tôi.
Hàng số 1 dành riêng cho những ông chồng cương nghị, thật sự làm chủ gia đình lúc còn sống, và hàng số 2 là dành cho các ông suốt đời sợ vợ, bị vợ đì, và bắt nạt te tua mà không dám hó hé gì hết.
Phần các bà thì khỏi cần xếp hàng, cứ tự nhiên trình passeport và đi vô.
Chờ sau khi tất cả các bà các cô đã vào hết bên trong rồi, thì các ông mới xếp hàng trong trật tự.
Nhưng sao lạ quá, hàng các ông, sợ vợ, thường bị vợ đì thì dài bất tận trên 500 km lận, còn hàng thứ nhì dành riêng cho các ông không bao giờ biết ngán vợ thì chỉ vỏn vẹn có một người mà thôi. Sao kỳ vậy?
Thánh St Pierre mới cầm micro lên và nhìn vào hàng số 1, tức là hàng đông người nhứt mà phán rằng: Này, các chú phải biết nhục vì đã không tuân hành theo lời dạy bảo của Thiên Chúa. Làm chồng là phải biết lo lắng, phải chỉ huy vợ và có bổn phận quán xuyến cả gia đình. Chúa đã tạo ra các ông để điểu khiển gia đình. Các ông không có nghe lời, dám cãi lại lời Chúa, nên bị vợ đè đầu cởi cổ, ngoại trừ duy nhứt có một người đã biết nghe lời Thiên Chúa mà thôi.
Trong kinh Sáng thế Genesis, Chúa đã nói rất rõ nhiệm vụ của chồng và của vợ trong đời sống gia đình: Đó là sự bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Chồng là xếp vợ là phụ tá.
Sau đó, thánh St Pierre mới nhìn qua hàng thứ 2 và nhỏ nhẹ hỏi người đàn ông gương mẩu: Làm thế nào mà chú em hay quá xá vậy?
Chú ta, mặt mày lấm la lấm lét nhìn vào bên trong cổng và run rẩy bần bật và thưa rằng: dạ thưa ngài, chính con vợ em đã ra lệnh bắt tui phải đứng ngay hàng nầy đây. (Dịch nguyên văn)http://www.blaguemarrante.com/Blagues-hommes-vs-femmes
Thăm dò bỏ túi do người gõ thực hiện
Anh hay chị hãy cho biết cảm tưởng của một “thế giới không đàn bà”.
Sau đây là một vài câu trả lời đã nhận được:
1) Câu hỏi tào lao quá. Buôn bán sẽ ế ẩm là cái chắc (vì từ thương xá cao cấp cho đến cửa hàng bình dân 1$ như Dollarama, 99 cents only stores số khách đàn bà chiếm hết 80%). Không có đàn bà, thì nhà cửa chắc bầy hầy, bừa bãi lắm, không còn đồng xu dính túi (chắc suy bụng ta ra bụng người).
Người gõ thêm vô nhận xét là mấy sạp hàng rong bên nhà, trong chợ sao thấy toàn là mấy bà mấy cô không hà.
Không còn đàn bà thì kinh tế sẽ đi xuống vì buôn bán, chợ búa sẽ ế ẩm.
Đàn bà thưởng đi coi bói và cũng ngoan đạo hơn đàn ông nhiều lắm. Trong chùa hầu số tín nữ nhiều hơn thiện nam gấp bội.
Không còn đàn bà chắc cuộc đời vô vị và buồn lắm! (Một người Việt Montreal )
2) Đại loại thì người VN mình cũng không thể ra ngoài quy luật của thiên nhiên trên sự liên hợp giữa đàn ông và đàn bà trong một xã hội. Có thể có những cách cư xử của người VN mình có đôi chút khác biệt với những giống dân khác trên thế giới, nhưng kết cục lại thì cũng có thể không ít thì nhiều, đàn ông vẫn luôn luôn là nô lệ của đàn bà chăng?!! ( Một người Việt Montreal).
3) Đặt vấn đề: Giả sử có một đảo hoang toàn là đàn ông không hà thì sao? Một đảo khác hoàn toàn là đàn bà thì thế nào? Tại sao đàn ông lại biến thành đàn bà, con gái đẹp nhất thấy mê mệt như bọn gái mới ở Thái Lan (mới chuyển đổi giống). Còn con gái có biến thành đàn ông không? Sau khi thảo luận sơ sơ thì xã hội hoàn toàn như thế là không có. Đi ngược lại tự nhiên của tạo hóạ Cây, cỏ, thực vật cũng có đực và cái mới có thảm thực vật, thú vật và con người ngày naỵ
4) Thế giới không đàn bà như cây thiếu nước, như đất không hoa, chán thiệt. Tuy đàn bà có nhiều vấn đề nhưng không phải tại họ mà do cuộc sống mà thôị Không có đàn bà thì thế giới nầy đi lần tới hủy diệt. Ông Trời khá thông minh thiệt.
5) Không có bà nội, bà ngoại không có mẹ, không có cô giáo, không có chị, không có em gái không có phụ nữ, thì không có gì hết. Thêm nữa phụ nữ là yếu tố cũa tình yêu, của hòa bình.
6) Nếu không có phái nữ thì làm sao có sự hiện diện của loài người. Thế giới chỉ là đất đá và vi khuẩn, siêu vi khuẩn, chúng sinh sản bằng vô sinh. Không có thực vật và động vật trên thế giới vì chúng cũng cần 2 phái để sinh sản và sinh tồn. Có thể Hỏa Tinh là thế giới này, thế giới chưa có 2 phái.

Một thế giới không đàn bà? Hãy hình dung rằng thế hệ ba má chúng ta chỉ sinh ra toàn nam thôi, không nữ. Nghĩa là, chỉ một thế hệ kế tiếp, nhân loại sẽ diệt chủng. Tuy nhiên, cuộc đời luôn luôn có những bất toàn, do vậy, giả sử, nếu vì lý do gì đó, thí dụ như một trận bom sinh học bỗng nhiên làm cho các cặp vợ chồng sẽ chỉ sinh ra toàn trai, không gái… Đó sẽ là một xã hội kinh hoàng. Vì trẻ em trai sẽ không bao giờ hiểu hết được kho tàng ca dao — vì trong đó có những dòng tình ca tuyệt vời.
Thí dụ, ca dao qua lời người nữ:
“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không”…

Xã hội toàn trai sẽ không hiểu nổi những mối tình của ông bà mình…. Xã hội như thế sẽ chỉ kéo dài khô khốc, khô khan chừng vài chục năm là biến mất luôn. Những thập niên kinh hoàng trước khi nhân loaị diệt chủng sẽ là những gì rất kỳ dị: không truyện, không thơ, không hội họa, không âm nhạc… vì sẽ chẳng có cậu nào sáng tác nghệ thuật cho cậu kia cả…
Bởi vậy, phảỉ cảm ơn quý bà, quý cô – họ đã làm cho thế giới này đẹp tuyệt vời.
Tham khảo:
– La Recherche-Olivier Postel-Vinay-La femme est l’avenir de l’homme
http://www.larecherche.fr/savoirs/evolution-homme/femme-est-avenir-homme-01-07-2004-87946
– Nguyễn Thượng Chánh
* Tại sao đàn ông sợ đàn bà
http://vietbao.com/a145524/tai-sao-dan-ong-so-dan-ba
– Như Hạnh. Quan điểm của Phật Giáo về Phụ nữ
http://sachhiem.net/XAHOI/xhN/NhuHanh.php
– Sarah Sands: A world without men? Easy. But if there were no women, what then?
http://www.independent.co.uk/voices/commentators/sarah-sands/sarah-sands-a-world-without-men-easy-but-if-there-were-no-women-what-then-1742535.html
– Nicholas Wade, The New York Times- Genetic Maker of Men Is Diminished but Holding Its Ground, Researchers Say.
http://www.nytimes.com/2012/02/23/science/y-chromosome-though-diminished-is-holding-its-ground.html?_r=0
– Le Post-Les femmes en voie de disparition?
http://archives-lepost.huffingtonpost.fr/article/2011/08/26/2576045_les-femmes-en-voie-de-disparition.html
– New York Times. Trying to imagine a world without men
http://www.nytimes.com/2012/08/30/opinion/trying-to-imagine-a-world-without-men.html?_r=0
– End of history and the last woman
http://www.economist.com/blogs/dailychart/2011/08/populations
Montreal, 8 tháng 3, 2015
Nguyễn Thượng Chánh

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

THƠ NGƯNG THU


NGƯNG THU
Tên thật: Phùng Thị Như Hà
Sinh năm 1968
Hiện là giáo viên giảng dạy môn Vật lý tại Bình Thuận







Tự khúc tháng mười một


Tháng mười một bâng khuâng, nghe bước chiều đưa tiễn… Mùa thu xa, màu lá úa vàng đau, mùi hoa cải rộn ràng hương xoắn xuýt vườn sau, mây biếc vào đêm, gương hồ gió nhạt nhàu.

Tháng mười một vươn mình trên những nhánh sầu đâu. Cánh dã quỳ quanh co lối vàng xưa đượm nắng, đêm vầng nguyệt suy tư rãi ánh vào trầm mặc, đâu đó thân phận người… giọt đông trắng lung lay.

Tháng mười một chạnh lòng thương chiều lá thu bay, thương tuổi tóc mây xanh, mắt cười vô tư lự, nhớ lắm đường chiều xưa màu hoa tươi sắc gợi. Chợt vắng câu kinh chiều, chú sẻ nâu buồn nheo mắt ngóng bâng quơ.

Yêu tháng mười một ta về ươm nốt những vần thơ, gởi tặng người ta yêu với muôn lời tha thiết, tháng mười một ơi! còn bao mùa tiễn biệt, xin cứ trút hết nỗi niềm vào lũng vắng trời xa.

Tháng mười một muốn lòng ngân mãi khúc hoan ca. Mặc đèn phố chờ đông heo hắt nhìn ai đó, chợt ta muốn về lại tuổi thơ theo tia nắng chiều lăn tăn trên ngọn cỏ. Ngâm một khúc thơ tình gieo vào gió những đắm mê

Tháng mười một ta về soi bóng mình sâu giếng nước trăng quê.





Vào quên



Ta từ cõi nhớ thoát thai
vào quên
tìm hạt sương mai
ngẫm cười
từ trong ngọt đắng
cuộc người
khi hạnh phúc
lúc ngậm ngùi
chông chênh

Ta từ
đời núi chênh vênh
từ sông, biển
thác gập ghềnh, sóng xao
vào quên
bỏ chốn ba đào
tìm an nhiên
bỏ trần lao bộn bề.

Bỏ sân hận
bỏ hoang mê
tịnh yên
ta với ta đề thơ chơi …






Mùa trôi và sương khói trôi


Chiều chậm trôi trên lênh đênh con sóng
ngọn sóng cong miền hư vô
anh đã từng nghe thanh âm lòng phố
phố mùa ngập ánh trăng xô
tóc thề bay bay
gió oà mây vỡ
và khói
và sương
và cả cánh hồng nhung hiền ngoan từ độ
yêu người
yêu nỗi thương mong.

***
Thời gian rơi rơi chạm tiếng tơ long
lời trăm năm năm cổ độ?
lối trăng mòng mọng thơ
và em
và cả tình cờ
yêu như xưa lắm
tự bao giờ bâng khuâng?

***
Vừa long lanh màu mắt xuân
hạ đi thao thiết in hằng dấu mê
vàng thu chiếc lá vụng về
nghe đông trắng
gọi bốn bề hương trôi.

***
Là mây
là sương khói thôi
ta dìu nhau bước
dẫu đời chênh vênh.





Đâu tình khúc thiên thu?

Chao nghiêng một vành trăng khuyết
con thuyền chòng chành trên ngọn gió hoang mê
Loảng xoảng tiếng đêm khua
chạm vào mảnh sao
rơi vỡ
tinh cầu xa
hoang hoải lối đi về.

Có ai biết dòng nước mắt bắt nguồn từ đâu?
mùa thu ngưng tự xanh ngàn?
nỗi buồn mọc lên ngày rêu
như chiếc nấm
ô xòe che khuất nẻo nhân gian?.

Đêm rộn tiếng
bầy côn trùng tấu khúc mùa sang
những con thiêu thân trước đèn xuắn xuýt
lời đá cuội phiêu phong
bức tường rêu miễn dịch
cơn đau miễn dịch giao mùa?

Mây lơ đãng vào một ngày con tim ai khao khát
cơn gió lơ ngơ tìm vành dương đỏ bừng bỏng rát
chân trời nghiêng phía cô đơn
cơn gió mỏi mê vùi ngủ
áng mây bồng bềnh lặng lẽ tìm quên.

Phải chăng những nỗi buồn thường chẳng tuổi tên
hạnh phúc lang thang chơi trò cút bắt
tình khúc thiên thu chơi trò dấu mặt
cánh chim cứ miệt mài nghiêng nỗi buồn về phía có cơn mưa.




Ai giúp Cộng sản đánh đổ Việt Nam Cộng Hòa





Lê Xuân Nhuận



TÓM-LƯỢC SỬ-LIỆU BỨC-TỬ VIỆT-NAM CỘNG-HÒA

(trích từ hồi-ký Biến-Loạn Miền Trung. Hình của Blogger Nam Giao)




 Từ lâu, tại hải ngoại, khi truy tầm nguyên nhân khiến Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ vào mùa Xuân năm 1975, nhiều “nhà nghiên cứu” thường cố ý giản lược hóa vào chỉ một nguyên nhân mà thôi.

Các vị cựu viên chức VNCH thì bảo vì “đồng minh tháo chạy”, các vị quân nhân vất súng trốn chạy trong 55 ngày thì bảo vì “Việt Cộng có vũ khi Nga sô Trung Cộng”, mấy ông tàn dư Cần Lao Công giáo, vốn khống chế lãnh vực truyền thông nhằm chống phá Phật giáo để trả thù cho ông Diệm, thì bảo vì “sư sải xuống đường”, v.v…

Một hiện tượng lịch sử cực kỳ phức tạp như sự sụp đổ của một chế độ, sự xóa bỏ một quốc gia không thể đến chỉ từ chỉ một nguyên nhân mà thôi, dù nguyên nhân đó có quan trọng đến mức nào. Thế nhưng những thành phần hải ngoại kể trên thì vẫn duy trì nhận thức phi khoa học và thái độ phản lịch sử loại nầy là vì họ chỉ muốn che giấu mặc cảm thất trận.

Che giấu để vừa chạy tội cho mình, vừa đổ tội cho người khác.

Thật vậy:

■ Sao đồng minh (Mỹ) không “phản bội” ba nước tuyến đầu nóng bỏng là Tây Đức, Nam Hàn và Đài Loan mà lại phải “tháo chạy” chỉ ở Nam Việt Nam? Có phải vì chính bản thân cả hai nền Cộng hòa ở miền Nam vừa không xứng đáng để làm “đồng minh”, vừa độc tài tham nhũng, bất lực không hoàn thành nỗi “hợp đồng” chống Cộng với Mỹ không?

■ Sao khi còn bộ máy chiến tranh gồm nữa triệu quân Mỹ Cộng với 115,000 quân nhân của 8 nước đồng minh hiện diện thì 4 vùng chiến thuật vẫn còn an toàn, mà đến khi Đồng minh bắt đầu thực hiện “Việt Nam hóa” (nghĩa là, bấy giờ, mới trao trách nhiệm chiến tranh cho VNCH) thì hai năm sau, 1,5 triệu tay súng VNCH lại cởi áo tan hàng trong 55 ngày?

■ Sao trong khi vận mệnh miền Nam do hai ông Tổng thống Công Giáo với binh hùng tướng mạnh, độc quyền cai trị suốt 10 năm tại miền Nam thì không chịu trách nhiệm, mà lại đổ tội cho cuộc đấu tranh đòi dân sự hóa và dân chủ hóa của Phật tử tại miền Trung vốn đã tàn lụi từ năm 1967, tám năm trước ngày miền Nam thất thủ? Tại sao lại vu khống cho một nhóm mấy ông Sư “Phật giáo Ấn Quang” không phương tiện, không thế quốc tế mà làm “mất” miền Nam được?

Bài viết dưới đây, trích từ tác phẩm “Biến Loạn Miền Trung”, của tác giả Lê Xuân Nhuận, soi rọi một lực lượng chính trị - tôn giáo tại miền Nam Việt Nam đã từng khống chế sinh hoạt chính trị của VNCH trong suốt hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa.

Lực lượng nầy là các chức sắc trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, vốn được định hướng bởi lập trường chính trị của vị chủ chăn là Giáo hoàng Phaolồ VI tại Vatican, đã thao túng và gây hổn loạn chính trường miền Nam, lên đến cao điểm từ sau Hòa đàm Paris (1973). Họ tạo ra những cuộc khủng hoảng chính trị giữa lúc miền Nam cần ổn định nhất; tạo ra những vết dao “đâm sau lưng chiến sĩ” giữa lúc trên chiến trường, quân lực VNCH cần bàn tay yểm trợ nhất. Họ đã nối giáo cho "giặc", thậm chí có người còn là “giặc” (mà sau 1975 mới lộ diện ra cho chúng ta biết).

Vì thế, lực lượng nầy đúng là một trong những thành tố có trách nhiệm chính yếu trong biến cố sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa năm 1975. / NG

… Trong lúc đó, ngay tại Thủ-Đô, trong cơn dầu sôi lửa bỏng, những tay điệp-viên chiến-lược của Cộng-Sản, từ lâu vẫn nấp dưới lớp áo tu-hành, như các Linh-Mục Thanh Lãng, Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trần Du, Nguyễn Quang Lãm, Trần Ngọc Nhuận, v.v… (cùng với Trần Hữu Thanh trong “Phong Trào Chống Tham-Nhũng”), cũng sách-động quần-chúng xuống đường hằng ngày để gây thêm rối-loạn, hoang-mang trong quần-chúng, và tạo sức ép đối với Tổng-Thống Thiệu, làm nản thêm lòng người Mỹ, và tạo thêm lợi-thế về mặt chính-trị cho Bắc-Việt xâm-lăng. (trang 436)

Phong-Trào Chống Tham-Nhũng

Nói đến “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng”, tưởng cần nhắc lại một số hoạt-động nổi bật của giới Kitô-Giáo trong và ngoài Việt-Nam Cộng-Hòa.

Trong thời-gian diễn ra Hội-Nghị Paris từ 1968 đến 1973), Giáo-Hoàng Phaolô VI đã nhiều lần “nhân đạo” kêu gọi chấm dứt chiến-tranh Việt-Nam

Tháng 12-1969, Giám-Mục Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ-Tịch Hội-Đồng Giám-Mục Việt-Nam, qua Hoa-Kỳ, đã tuyên-bố với báo-chí Mỹ: “Miền Nam [Việt-Nam] đồng-tình với chính-sách ‘Việt-Nam-Hóa Chiến-Tranh’ của Tổng-Thống Nixon.”

Tháng 9-1972, Đại-Hội lần 2 của tổ-chức “Kitô-Hữu Quốc-Tế” gồm hơn 20 nước họp tại Quebec (Canada), với đề-tài giải-phóng các dân-tộc Việt, Lào và Campuchia, đã “tố-cáo các cuộc xâm-lăng và ném bom vô-nhân-đạo của Mỹ, khẳng-định quyền tự-quyết, tự-do được sống hòa-bình của nhân-dân Việt-Nam.”

Tức là việc Mỹ chuẩn-bị rút lui đã được Kitô-Giáo Việt-Nam, giáo-dân mấy chục nước khác, và nhất là Giáo-Hoàng Phaolô VI tán-đồng, không còn đánh nhau với Cộng-Sản nữa.

Ngày 20-9-1970, Linh-Mục Phan Khắc Từ, Tuyên-Úy Thanh Lao Công Sài-Gòn, qua Châu Âu, đã tuyên-bố tại Thành-Phố Firenze (Ý, nước có Tòa Thánh Vatican): “Kinh-nghiệm trước mắt cho chúng tôi xác tín rằng Giáo-Hội [Kitô] tại Việt-Nam hôm nay là một công-cụ hữu-hiệu của người Mỹ.”

Tháng 3-1971, Linh-Mục Nguyễn Viết Khai tuyên-bố: “Từ chính-quyền trung-ương xuống cho tận anh Trưởng Ấp, người Miền Nam không được phép giải-quyết vấn-đề của mình mà không có người nước ngoài xen vào.”

Tháng 11-1971, Linh-Mục Trương Bá Cần, Tuyên-Úy Thanh Lao Công toàn-quốc, tham-gia vụ đình-công tại Hãng Pin “Con Ó”, bị Cảnh-Sát bắt, đã viết: “Giáo Hội của tôi không biết chọn, nhất là chọn để chống lại những kẻ đang nắm quyền-hành trong xã-hội này… Giáo Hội của tôi cũng đã biết lựa chọn, nhưng không biết lựa chọn người nghèo khổ...”

Tức là giới Kitô-Giáo Việt-Nam đồng-ý với lời cáo-buộc và chiêu-bài của đối-phương.

Nhưng, sau Hiệp-Định Paris 27-1-1973 [chấm dứt chiến-tranh Việt-Nam], thì Bắc-Việt gia-tăng nỗ-lực và quyết-tâm tiến-chiếm Miền Nam.

Ngày 19-9-1973, Tổng-Giám-Mục Sài-Gòn Nguyễn Văn Bình đọc diễn-văn khai-mạc “Năm Thánh”: “Chúng tôi hy vọng rằng những cuộc giết chóc và hận thù sẽ thực-sự chấm dứt trên mảnh đất này và đồng thời có được quan hệ hai chiều giữa Bắc và Nam, trong lúc đất nước tạm thời còn phân chia.”

Ngày 10-1-1974, sau cuộc Hội-Nghị toàn-thể hàng giáo-phẩm, các Giám-Mục Miền Nam đã công-bố một bản tuyên-ngôn “tha thiết kêu gọi hai chính phủ Bắc và Nam cùng đồng loạt, vì tình thương dân tộc, mà ngưng mọi hoạt động gây chiến và mọi chiến dịch bôi nhọ và thù ghét lẫn nhau.”

Tức là giới Kitô-Giáo Việt-Nam [Cộng-Hòa] không đề-cập đến việc Bắc-Việt vi-phạm Hiệp-Ước, mà chỉ muốn Miền Nam bắt tay làm hòa với Miền Bắc―đối-nghịch lập-trường “4 Không” của Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Giáo-Hội Kitô-Giáo Việt-Nam ở Sài-Gòn ra “Thư Chung” phát-động cuộc tranh-đấu “chống tham nhũng”, chống Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu. Họ đòi Thiệu phải từ-chức, vận-động trưng-cầu dân-ý buộc Thiệu phải ra đi.

Lời kêu gọi đó đã dấy lên liền một “Phong-Trào” gọi là “Chống Tham-Nhũng”.

* *

*

“Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” do Linh-Mục Trần Hữu Thanh cầm đầu, các LM Đinh Bình Định vàNguyễn Học Hiệu cùng Bác-Sĩ Nguyễn Thị Thanh phụ-lực, qua một bản “Tuyên Ngôn” được sự bảo-trợ của 301 linh-mục khác, kể cả “Tuyên-Úy Công Giáo”, ra mắt tại Giáo-Xứ Tân Việt, Sài-Gòn, từ năm 1973, là một tập-hợp tương-đối lớn, có nhiều tín-đồ nhất, và tại nhiều địa-phương nhất―so với Nhóm các linh-mục cộng-sản nằm vùng và thân-Cộng tại Sài-Gòn.

“Phong-Trào” được sự tham-gia của các nhân-vật ngoài Kitô-Giáo, như Thượng-Nghị-Sĩ Hoàng Xuân Tửu và Dân-Biểu Nguyễn Văn Kim cùng nhiều DB thuộc Đảng Đại-Việt của Hà Thúc Ký và phía Dương Văn Minh; DB Đặng Văn Tiếp phía Nguyễn Cao Kỳ; DB Nguyễn Văn Cử chống Diệm và phía Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng; DB Vũ Công Minh phía Hòa-Hảo; DB Đỗ Sinh Tứ phía quân-đội; Bác-Sĩ Nguyễn Tuấn Anh; Luật-Sư Đặng Thị Tám; Nhân-Sĩ Nguyễn Trân; v.v…

Linh-Mục Thanh được báo-chí ngoại-quốc tặng cho danh-hiệu “Hiệp Sĩ của Người Nghèo”.

Sau đó, “Phong-Trào” công-bố các bản “Cáo Trạng” trong các cuộc biểu-tình, xuống đường rầm-rộ dữ-dội và liên-tục của các tín-đồ do các linh-mục lãnh-đạo có khi có hàng chục ngàn người tham-dự tại Huế, Đà-Nẵng, Quy-Nhơn, Nha-Trang, Cam-Ranh, Sài-Gòn, Mỹ-Tho, Cần-Thơ, v.v…

Cuối năm 1974, nhất là đầu năm 1975, những cuộc biểu-tình chống-chính-phủ của nhóm Linh-Mục Trần Hữu Thanh, có sự tham-gia của một số chính-khách, lãnh-tụ đảng-phái, cộng với việc Hội-Đồng Giám-Mục Việt-Nam phổ-biến “Thư Chung”, kêu-gọi các Nhà Thờ toàn-quốc “chống tham nhũng”, thúc-đẩy giáo-dân xuống đường rầm-rộ, liên-tục… đã khiến cho các binh-sĩ ngoài tiền-tuyến chán-nản, mất tinh-thần, và ảnh-hưởng tai-hại đến sự sống-còn của đất-nước.

Bên cạnh “Phong-Trào” của LM Trần Hữu Thanh, còn có các Nhóm tay sai Cộng-Sản và thân-Cộng, là các LM Trương Bá Cần, Thanh Lãng, Huỳnh Công Minh, Vương Đình Bích, Hồ Thành Biên, Nguyễn Thành Trinh; Nhóm “Đối Diện” của 11 linh-mục phản-chiến Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Phan Khắc Từ, Nguyễn Hữu Khai, v.v… trong mấy tháng cuối-cùng, đã lợi-dụng các buổi thuyết-giảng tại các Nhà Thờ để công-khai tuyên-truyền cho “người anh em bên kia”.

(Điển-hình là Phan Khắc Từ, từ năm 1969 đã đi dự đại-hội Thanh Lao Công Thế-Giới có xu-hướng thân-Cộng được Mạc-Tư-Khoa đỡ đầu, tại Liban. Ở Pháp thì đến hội-ý với Nguyễn Thị Bình, Trưởng Phái-Đoàn thương-thuyết của “Mặt Trận Giải Phóng”; tham-gia đình-công; biểu-tình đòi công-bằng cho giới lao-động; cùng sinh-viên và công-nhân đòi hòa-bình cho Việt-Nam. Sau này về nước thì dính vào Mặt Trận Nhân-Dân Tranh-Thủ Hòa-Bình, Phong Trào Học-Sinh Sinh-Viên Đòi Quyền Sống, Phong- Trào Chống Tăng Học-Phí, Chống Độc-Diễn; đóng vai “linh-mục hốt rác” gây sự chú ý của dư-luận; dùng Nhà-Thờ Vườn Xoài làm nơi chế-tạo bom xăng cho phong-trào đốt xe Mỹ trên đường phố; cùng công-nhân đình-công để gây trở-ngại cho các cuộc hành-quân; tiếp tay CS dựng lên Ủy-Ban Bảo-Vệ Quyền-Lợi Lao-Động Miền Nam; rồi lại giả-danh từ-thiện hoạt-động trong tổ-chức trá-hình của CS là Mặt Trận Nhân Dân Cứu Đói…)

Chủ-Tịch Thượng-Nghị-Viện Trần Văn Lắm lên án Tổng-Thống Thiệu “lạm quyền, tham nhũng”.

Một số lãnh-tụ đảng-phái và tôn-giáo, như Phan Bá Cầm (Hòa-Hảo), Trần Quang Vinh (Cao-Đài), Hà Thế Ruyệt (Duy-Dân), Thượng-Tọa Pháp-Tri và các Ông Ngô-Văn-Ký, Nguyễn Văn Lục, Xuân Tùng (Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng) thành-lập “Trận Tuyến Nhân Dân Cách Mạng”, kêu-gọi TT Nguyễn Văn Thiệu từ-chức và các phe liên-hệ “chấm dứt chiến-tranh, giải-quyết vấn-đề Miền Nam bằng phương-thức hòa-bình”.

Nhóm “Sóng Thần” thì tổ-chức “Ngày Ký-Giả đi Ăn Mày” rồi tiếp theo là “Ngày Công-Lý và Báo-Chí Thọ-Nạn” vào tháng 10-1974.

Các Tuyên-Úy Công-Giáo thì tổ-chức Đại-Hội tại Thủ-Đô. Họ rao giảng với giáo-dân quân-nhân rằng “cộng-sản cũng là con-cái của Chúa”, rằng “Công-Giáo và CS có thể sống chung hoà-bình”…

Bản “Cáo Trạng số 1” được ghi là ký tại Huế vào ngày 8-9-1974, khi được tung ra tại Nhà Thờ Tân-Sa-Châu, Sài-Gòn, có báo bảo là “làm lung-lay ghế Tổng-Thống Thiệu.”

Các báo Time, Newsweek; các đài BBC, VOA đều loan tin. Hậu-quả là Quốc-Hội Mỹ quá chán-ngán Chiến-Tranh Việt-Nam và mệt-mỏi vì đã yểm-trợ một đồng-minh có quá nhiều khuyết-điểm và thối-nát. Tức là giới Kitô-Giáo Việt-Nam đã tiếp tay cho Hoa-Kỳ chấm dứt viện-trợ và phủi tay đối với Việt-Nam Cộng-Hòa.

Việc Mỹ cắt-giảm quân-viện đã làm tê-liệt hẳn khả-năng chiến-đấu của Quân-Lực VNCH, và từ đó làm suy-nhược tinh-thần kháng-cự, yếu-tố quan-trọng nhất trong bất-kỳ cuộc chiến-tranh nào.



Các chức sắc Công giáo đã làm loạn ở miền Nam, tạo bất ổn chính trị và khoảng trống an ninh, do đó đã trực tiếp đóng góp vào sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa vào mùa Xuân năm 1975.

Hình từ trái qua và trên xuống: Phaolồ Nguyễn Văn Bình, Hoàng Quỳnh, Giuse Trần Hữu Thanh,Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Phêrô Phan Khắc Từ, Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Thanh Lãng, Stêphanô Chân Tín,

* * *

Về phần Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu thì ông đích-thân đi trực-tiếp cầu-cứu tại chính-quốc Hoa-Kỳ, nhưng đã không được nghênh-đón long-trọng tại Thủ-Đô Hoa Thịnh Đốn. Năm 1968, Johnson (chủ-chiến, Dân-Chủ) chỉ tiếp Thiệu tại thành-phố đảo Honolunu, và chỉ để thảo-luận sách-lược hòa-đàm với Cộng-Sản. Năm 1969, Nixon (chủ-hòa, Cộng-Hòa) cũng chỉ tiếp Thiệu tại Đảo Midway, và cũng chỉ để thỏa-thuận về chính-sách Việt-Nam-Hóa và lịch-trình rút quân của Mỹ.

Thiệu lại đích-thân đi trực-tiếp cầu-cứu với Giáo-Hội Kitô La-Mã, là một trung-tâm quyền-lực chính-trị khác của thế-giới. Tuy nhiên, Giáo-Hoàng Paul VI, trong cuộc viếng-thăm lục-địa Á-Châu lần đầu-tiên, đã không ghé đến Việt-Nam là quốc-gia đang bị Cộng-Sản đe-dọa, nhất là Việt-Nam có tỷ-số giáo-dân đông thứ nhì tại lục-địa này. Thiệu đến Tòa Thánh, nhưng không được Giáo-Hoàng tiếp-kiến―dù Thiệu là một Tổng-Thống, một con chiên ―vì lập-trường của Vatican về vấn-đề Chiến-Tranh Việt-Nam là chỉ bênh-vực Hà-Nội, chỉ muốn chấm dứt chiến-tranh dù Miền Nam có rơi vào chế-độ Cộng-Sản sắt máu. Đã thế, Giáo-Hoàng còn chỉ-trích Thiệu, lại còn tiếp-kiến cặp Nguyễn Thị Bình và Xuân Thủy, trưởng phái-đoàn Cộng-Sản tại Hòa-Hội Paris.

Từ năm 1968, Giáo Hoàng Phaolồ Đệ-Lục đã lập ra “Ngày Quốc-Tế Hòa-Bình”, cổ-vũ Hòa-Bình bằng thương-thuyết tại Việt-Nam. Vatican xác-định lập-trường là chấm dứt chiến-tranh, quan-hệ tốt với Miền Bắc và Chính-Phủ Lâm-Thời Miền Nam. Chính Giáo-Hoàng trao-đổi công-điện trực-tiếp với Hồ Chí Minh.

Vào tháng 6-1971, đang lúc tên gián-điệp cộng-sản Vũ Ngọc Nhạ (kẻ được Linh-Mục Hoàng Quỳnh che-chở) bị Việt-Nam Cộng-Hòa cầm tù ở Côn-Đảo, mà Tòa Thánh và Giáo-Hoàng Phaolô VI lại tặng Bằng Khen và Huy Chương “Vì Hòa Bình” cho y.

Tức là Giáo-Hoàng Paul VI đã biến Vatican và nhiều Giáo-Hội địa-phương thành một guồng máy chính-trị, ngoại-giao, tình-báo khổng-lồ để giúp Hà-Nội tiến chiếm Miền Nam.



Lãnh đạo Đế quốc Công giáo La Mã 15 năm, từ 1963 đến 1978, Giáo hoàng Phaolồ VI (1897-1978) đã tác động lên chính sách đối ngoại của bốn Tổng thống Mỹ (Kennedy, Johnson, Nixon và Ford) sao cho quyền lợi của Vatican được bảo đảm, nhiều khi bất chấp những tác hại trên các quốc gia khác.

Thế mà Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng vẫn chưa thấy là Hoa-Kỳ sắp bỏ rơi Việt-Nam, không thay-đổi đường-lối chính-trị, vẫn cứ sử-dụng giải-pháp quân-sự, và không tin là Hà-Nội có đủ sức tấn-công đại-quy-mô.

Ông sửa-đổi Hiến-Pháp để làm Tổng-Thống thêm một nhiệm-kỳ năm năm nữa, khiến Đại-Tướng Thủ-Tướng Trần Thiện Khiêm phải ra mặt chống-đối, làm tình-hình chính-trị trong nước càng rối-ren thêm.

Ðầu tháng 2-1975, “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” phổ-biến tiếp bản “Cáo-Trạng số 2” tố-cáo TT Thiệu nhiều tội và hô-hào lật đổ bằng vũ-lực, khiến ông phải dùng biện-pháp mạnh, cho bắt giam nhiều chính-khách, trí-thức, lãnh-tụ đảng-phái, như các Thượng-Nghị-Sĩ Thái Lăng Nghiêm, Phạm Nam Sách, Nguyễn Văn Chức; các ông Hà Minh Lý, Trần Thúc Linh, và một số ký-giả trong đó có những nhân-vật nổi tiếng chống-Cộng như Mặc Thu, Lê Trần, Vũ Bằng, Đinh Từ Thức, Trương Cam Vĩnh, Ngô Đình Vận…

Để đối-phó với “Phong-Trào”, Thiệu vận-dụng nhiều đồng-đạo ủng-hộ mình.

Có sáu linh-mục, trong đó có cả Linh-Mục Hoàng Quỳnh, sáu đêm liền, thay phiên nhau lên đài truyền-hình bênh-vực và ca-ngợi Thiệu; ngoài ra, còn có các Nghị-Quyết, Quyết-Định, Đề-Nghị, có chữ ký của 70 Dân-Biểu ủng-hộ Thiệu.

Có cả Giám-Mục Lê Văn Ấn, đặc-trách Tuyên-Úy, Giám-Mục Nguyễn Văn Thuận, Linh-Mục Cao Văn Luận, đứng ra cãi giùm cho Thiệu.

Tình-hình gay-cấn đó, do “Phong Trào Chống Tham-Nhũng” gây nên, đã tạo ra thế “nội công, ngoại kích”, quả là đã phá rối hậu-phương, làm lung-lạc tinh-thần binh-sĩ nơi tiền-tuyến, làm lợi cho Cộng-Sản, trong khi đó thì Bắc-Việt xua quân tấn-công Miền Nam…

Kết-Luận

Có người cho rằng “Phật-Tử Tranh-Đấu”, tức [số người hậu-thuẫn cho] Phái Ấn-Quang của Phật-Giáo Việt-Nam (về sau là Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất) đã liên-tục chống-đối Chính-Quyền Việt-Nam Cộng-Hòa, khiến cho Nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa sụp-đổ, rồi Nền Đệ-Nhị Cộng-Hòa cũng suy-tàn theo.

Nhưng, theo như tôi đã lược-dẫn trên, thì:

“Phật-Tử Tranh-Đấu” đã chấm dứt hoạt-động từ ngày thành-lập Nền Đệ-Nhị Cộng-Hòa, cuối năm 1967. Mãi đến lâu sau Hiệp-Định Paris 1973 mới tái-xuất-hiện trong “Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc”.

Cả phía “Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc” bên giới Phật-Tử, lẫn phía “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” bên giới Giáo-Dân, đều tranh-đấu chống Thiệu để có được một Tổng-Thống trong-sạch.

Tuy nhiên, các điểm khác nhau là:

● “Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc” chỉ họp tại Chùa, sinh-hoạt ôn-hòa, bất-bạo-động, không đòi lật Thiệu, chỉ chờ đến ngày bầu-cử Tổng-Thống vào cuối năm 1975 sẽ sử-dụng lá phiếu hợp-Hiến và hợp-Pháp của mình. Trong khi đó thì “Phong-Trào Chống Tham Nhũng” rầm-rộ xuống đường, biểu-tình tuần-hành, đòi Thiệu từ-chức, và hô-hào dùng bạo-lực để lật đổ Thiệu tức-thời.

● “Phật-Tử Tranh-Đấu” mít-tinh ôn-hòa, không xáo-trộn trật-tự công-cộng, tiến-hành trong vòng luật-pháp cho phép, và theo truyền-thống sinh-hoạt dân-chủ tại các nước Tự-Do. Trong khi đó thì “Giáo Dân Tranh Đấu” triệt-hạ uy-tín và hiệu-năng quyền-lực của một Tổng-Tư-Lệnh Quân-Đội đang đứng trước họng súng của quân thù, lại còn đòi dùng vũ-lực để lật đổ một Tổng-Thống dân-cử, tức là xóa bỏ Hiến-Pháp, tức là trở thành nội-phản/nội-thù của Quốc/Dân.

● Phía “Giáo-Dân Tranh Đấu” thì đòi trừng-phạt một cá-nhân tham-nhũng―mà tổng-số vật-sản bị lạm-chiếm so ra không đáng bao lăm đối với tài-nguyên quốc-gia, lại vẫn còn đó, rồi sẽ lấy lại, chưa mất đi đâu―trong lúc Phía “Phật-Tử Tranh Đấu” thì đặt “nợ nước trước thù nhà”, mọi người chung sức đồng lòng chống giặc trước đã, trước hết là để trì níu lại cái Cơ-Đồ Dân-Chủ đang trong cơ nguy bị vĩnh-viễn cướp mất đi.

Phần tôi, tôi đối-lập với chính-sách quân-phiệt của Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu―cũng như với chế-độ độc-tôn của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm trước kia―nhưng tôi đã chọn trước tiên là làm tròn bổn-phận của một công-dân đối với Chính-Thể Cộng-Hòa.

Riêng về “Phong Trào Chống Tham Nhũng”, có ít nhất là ba vấn-đề quan-trọng hàng đầu mà phía “Giáo Dân Tranh Đấu” (“trả thù cho [cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm]”, theo lời trối-trăn của Diệm “Tôi chết thì trả thù cho tôi”) cố ý không đề-cập đến:

I. Việc hạ bệ Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu:

a/ Họ muốn đảo-chánh quân-sự, nhưng không thuyết-phục được ai, nên không thành-công.

b/ Họ quyết hạ Thiệu, nhưng không tìm ra được một “ứng-viên” nào của “phe ta” xứng-đáng để lên thay Thiệu. Chỉ nhắm trước mắt mà không nhìn thấy xa hơn―tình-hình hậu-Thiệu―thì tức chỉ là “không lấy thì khuấy cho hôi” mà thôi.

II. Lý-do hạ Thiệu:

1) Thiệu là thủ-phạm, đã tấn-công Dinh Gia-Long, đưa đến cái chết của Diệm.

2) Nhưng, cái tội lớn nhất của Thiệu, là đã có Đảng Dân-Chủ, lan trong quần-chúng, len trong chính-quyền, luồn trong quân-ngũ, mà lại chỉ lo gia-tăng phe-cánh cho cá-nhân mình, chứ không chịu dùng nó [như một Đảng Cần-Lao tái-sinh] để “mở-mang nước Chúa”.

III. Mục-đích đích-thực của “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng”:

Danh-xưng thực-thụ của Nhóm này (cái đuôi mà họ cố giấu) là: “Phong trào nhân dân chống tham nhũng để cứu nước và kiến tạo hòa bình”. Toàn câu đã được ghi rõ phía dưới “Cáo Trạng số 1”, làm tại Huế, ngày 8 tháng 9 năm 1974.

Trong các hoạt-động sôi-động trước mọi người, họ cố tình nhấn mạnh mấy chữ “chống tham nhũng” mà lơ đi cái đuôi là mấy chữ “kiến tạo hòa bình”.

Thử hỏi: trong tình-thế dầu sôi lửa bỏng lúc bấy giờ, có ai còn có cách nào “kiến-tạo hòa-bình” khác hơn là tuân giữ “đức vâng lời”, tuân lệnh Giáo-Hoàng PhaoLô VI và ngoại-bang Vatican, bỏ súng, bắt tay với cộng-sản, rước địch vào nhà?

* *

*

Sau Hiệp-Định Paris năm 1971, chậm nhất là kể từ sau “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, các vụ “Bàn Thờ Phật Xuống Đường” cũng như “Tổng-Công-Kích Tết Mậu-Thân” đã là chuyện cũ, đã lùi vào dĩ-vãng rồi.

Các ván cờ đó đã được các bên tham-dự xóa hết rồi.

Hệ-quả có chăng là sau vụ “Bàn Thờ Phật Xuống Đường” năm 1966 thì Nhóm “Phật-Tử Tranh-Đấu” đã không còn “tranh-đấu” nữa; và sau vụ VC “Tổng-Công-Kích Tết Mậu-Thân” năm 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 thì tinh-thần chống-Cộng của Dân và Quân Miền Nam đã lên cao hơn.

Cho nên Biến-Động Miền Trung là chuyện đã xưa rồi.

Mới nhất, gian-xảo nhất, và nham-hiểm nhất, là chuyện Biến-Loạn Miền Trung.

Trên bàn cờ thời-sự Miền Nam Việt-Nam, vào giai-đoạn cuối-cùng của lịch-sử Việt-Nam Cộng-Hòa, chỉ còn có một ván cờ mới―chung-kết và chung-quyết:

Đối-thủ chính bên phía đối-lập với Chính-Quyền là các Nhóm “Giáo-Dân Tranh Đấu”, do đại-khối hơn 300 linh-mục trong “Phong Trào Chống Tham Nhũng” và cả đám linh-mục nằm vùng và thân-Cộng, “lãnh-đạo tinh-thần” Kitô-Giáo Việt-Nam, đứng ra thao-túng tình-hình. Ở trên đầu và sau lưng họ là Tòa Thánh La-Mã với đích-thân Giáo-Hoàng Phaolô VI cùng với hàng chục quốc-gia chư-hầu của Vương-Quốc Vatican.

(Nhưng quốc-gia Việt-Nam của Kitô-Giáo đâu được làm một chư-hầu. Chư-hầu là một nước nhỏ/yếu, tùng-phục một nước lớn/mạnh, để được tồn-tại, nghĩa là vẫn còn là một nước. Đằng này, chỉ một Dòng Chúa Cứu-Thế là một giáo-đoàn/chi-phái của Giáo-Hội Kitô, mà đã tự xem là một Quốc-Gia, và thu-tóm cả nước Việt-Nam làm thành một Tỉnh nội-thuộc của Nước họ rồi:

Nguồn:<http://www.cuuthe.com/dong/dongmain.html> Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.)

Thế đánh cạn-tàu ráo-máng của nội-thù đã chiếu bí Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu, trực-tiếp mở đường cho ngoại-địch hạ gục đối-thủ trong nước cờ kết-thúc giữa Bắc-Việt Xâm-Lược với Việt-Nam Cộng-Hòa.

Vận Nước suy-đồi, mỗi người dù nhiều dù ít đều có một phần trách-nhiệm (thất-phu hữu-trách).

Chỉ có những kẻ đầy thiên-kiến, mù lương-tri, có ác-ý, và không tôn-trọng Sự Thật, mới đổ hết lỗi cho một riêng ai.

Ngày nay, mang thân-phận thất-quốc, lưu-vong, chỉ trừ những kẻ đã ở hẳn bên phía cộng-sản Việt-Nam rồi, còn thì không có “Phật-Tử Tranh-Đấu” nào mà không luyến-tiếc Việt-Nam Cộng-Hòa.

Trong lúc đó, có một số “Giáo-Dân Tranh-Đấu”, đến tận ngày hôm nay―đã gần 40 năm qua―mà vẫn còn tự-hào, hãnh-diện về những âm-mưu, toan-tính, nỗ-lực, và hành-động của cái-gọi-là “Phong-Trào Chống Tham Nhũng”, vì mình không những chỉ chống-phá cá-nhân Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu mà đã đạp đổ cả cơ-chế Hiến-Pháp―với Lập-Pháp, Hành-Pháp, Tư-Pháp ở trong Chính-Quyền―và các Khối, các Nhóm trong Dân-Nhân―với các Chính-Đảng và các Giáo-Hội sống dưới Chính-Thể Việt-Nam Cộng-Hòa―nói chung là Việt-Nam Cộng-Hòa.

Tóm lại, nếu vì một lý-do nào đó mà phải gán riêng cho đích-danh một số người nào đó là “thủ-phạm chính” quấy-rối an-ninh trật-tự công-cộng nhất, lũng-đoạn tình-hình chính-trị quốc-gia nhất, gây cho tinh-thần dân-chúng hoang-mang nhất, khiến cho ý-chí chống-Cộng của chiến-sĩ giao-động nhất, vào mấy năm cuối-cùng của Chiến-Tranh Việt-Nam―tức là đâm một nhát dao chí-tử vào Việt-Nam Cộng-Hòa khi đang hấp-hối―thì số người đó rõ-ràng, không thể chối-cãi được, phải là thành-phần cực-đoan trong Nhóm “Giáo-Dân Tranh-Đấu”―các linh-mục cộng-sản nằm vùng, tay sai và thân-Cộng, cùng với Ban Lãnh-Đạo của “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng”―dù là một bộ-phận nhỏ―của giới tín-đồ Kitô-Giáo Miền Nam Việt-Nam. (các trang 472-84)



Lê Xuân Nhuận