" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015
ngắn nhất, súc tích nhất, thơ mười bốn chữ
Thơ ngắn trong thế giới là những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Trung hoa, 28 chữ. Ngắn hơn nữa là ngũ ngôn tứ tuyệt 20 chữ. Ngắn nhất và được công nhận cho tới nay, là thể Haiku ở Nhật : 17 chữ.
Ít ai ngờ rằng thể thơ ngắn nhất trong thế giới là thơ Việt Nam : 14 chữ. Thể thơ lục bát. Kho tàng ca dao, với những người làm thơ vô danh nơi thôn dã bình dân, khi bắt chớp tứ thơ, ghi chụp hình ảnh, tung mở tư duy, họ thể hiện ngắn gọn, sinh động và tràn đầy qua dòng thơ lục bát 14 chữ. Mà thôi.
Con người bước vào cuộc nhân sinh bằng bằng một hơi thở chứa ngầm thi tính. Mỗi ngày chúng ta thở 21.000 lần. Nhưng lần thứ nhất, lần đầu khi sinh ra, hơi thở đầu dẫn dắt sự sống ra đi. Mỗi hơi thở là một câu lục bát. Những câu ca dao hay nhất, hàm ý nhất còn lại nơi trí nhớ gợi nhắc trong ta, bao giờ cũng chỉ hai câu 14 chữ. Phải không ?
Chỉ khi nào cần kể chuyện, cần trình bày một tình tự, một ước mơ hay phê phán, người làm thơ mới vượt ra ngoài sự sống — là hơi thở — kéo dài thành nhiều hơi thở liên tục kể chuyện đời, chuyện nước non, tình tự như một trường ca. Truyện Kiều là chứng cớ thiên tài sự phát triển ấy.
Đồng mà dị. Trong cái giống có cái khác. Thơ 14 chữ bộc lộ sự sống, cách sống, thế sống. Nhuần trọn một hơi thở. Ở đó biên cương sinh tử được khép kín. Khi 14 chữ ấy dùng vần làm sợi dây chuyền kéo dài thành một đoạn nhiều câu thơ, hay truyện thơ, thơ trở thành sự kể lể, nói năng. Sự thế hiện đổi ra cuộc trình bày. So sánh trên, không cốt đánh giá cái nào hay hay dở, mà chỉ phân tích hai thế đứng của thơ.
Vào các thời đại an bình, lúc lòng người tự tại, tinh thần minh mẫn sảng khoái, thơ thường ngắn và cô đúc. Tình nồng nhưng đã nén, không cho nổ trên câu, mà để mỗi chữ nổ tung giữa lòng người đọc. Khí mạnh đã được dằn, không ồn náo trên lời viết, vẫn khiến người đọc thấy lòng hồn nhiên phơi phới. Đó là chất vàng ròng trong thơ. Hai chiều sâu và rộng đứng xuống thơ, như đôi chân chim mảnh mai viết xuống cát phẳng những tín hiệu giải tích hư vô. Gặp thời loạn ly, thơ thường nhiều và dài. Con người cần bộc lộ những cay đắng, tủi hờn. Họ biện minh. Họ chinh phục. Người làm thơ rời xa con tim ưu ái xuống hạ lưu biến động của mười ngón tay. Viên than hồng vô ngôn đã tro bạt thành đống chữ lạnh lùng.
Xem thơ biết người. Nhìn người biết thời đại. Sự tác dụng qua lại ảnh hưởng nhau mà thay đổi, chuyển hóa. Cõi loạn tưởng và nỗi điêu linh kia, biết đâu không nhờ cái trầm tĩnh, minh khiết và phiêu nhiên của các nhà thơ mà thanh hóa, để sửa dọn lại cõi nhân sinh ?
Sao ta không thử tìm về nguồn lục bát 14 chữ khơi dòng nhỉ ? Gạn bớt những ồn kênh, cho đáy lòng thức dậy tiếng nguyên đầu. Mỗi hơi thở tự nó chưa nói hết khúc nôi của đời và thế giới, như một bài thơ dài. Song lạ thay, dường như hơi thở đó ngang nhiên hà động suốt tử sinh. Như ánh đèn nhỏ, bước đi tửng bước nơi vũ trụ không mặt trời. Ánh sáng chẳng là ngọn đèn pha nghìn lực chọc thủng màn đêm. Nhưng không gian đều được thắp sáng theo từng bước tràn tới suốt dãy hư vô tịch mịch.
Đó là ý nghĩ thời tôi sáng tác tập thơ Rằm năm 1973 ở Andalusia bên Tây Ban Nha.
Xin chọn đôi bài từ 108 bài trong tập thơ “Rằm” để nói lên cung cách ấy làm quà với kẻ tri âm.
THƯỢNG DU
Mẹ đi
ngựa gõ
đèo cao
Con nằm bụng mẹ
núi nhào
bồng theo.
LỮ HÀNH
Em đi
dòng tóc chảy nhanh
Một vườn sương
khóc
lá chanh thơm hoài.
CHIM
Chuông khuya
từng giọt
gieo sương
Chim sa nhịp hót
nghe mường tượng
Kinh.
NƯỚC
Con chim
hót
một tràng sông
Nụ cười bản trạch
thơm nồng
cõi xa.
HERRADURA
Sao em móng phượng
để dài
khiến ta đi khuất
còn sai
mộng về.
NI CÔ
Em về
phơi áo trên cồn
Qua đêm
trăng cháy
một hồn anh sông.
QUÊN LỜI
Người về cồn nhỏ
chăn sao
Muôn trùng chiếu lạnh
tuôn trào vũng trăng.
XUÂN
Mùa xuân
ngồi nắn xương rồng
Một tay
điểm nhãn
một bồng
xuân sau.
ANGKOR
Chân sen
vọng
suốt đá ong
Múa bay
cười nụ
rừng chong lá
nhìn.
TÀU LỬA
Con tàu
chở
những sân ga
Song song đuổi bướm
chạy sà vào sương.
LINH MỤ
Bao năm
máu suối
bom rừng
Tiếng chuông Linh Mụ
rửa từng
vết thương.
KIM LUÔNG
Chiều chiều
gàu nước múc lên
Đợi em
bên giếng
rửa chân
bụi ngày.
THƯƠNG CON
Thương con
trời đất vô cùng
Một mai
khuất núi
bao dung ai người ?
QUÊ CŨ
Vì ai
hay bởi vì cha
Con ba tuổi lớn
đứng phà
đợi sông.
XIN NGỪNG
Tay bưng dĩa muối
chấm gừng
Ba mươi năm
hận
thôi ngừng
trò chơi.
ỦA
Soi mình giọt lệ
nửa đêm
Rung rinh hoa nở
đầu thềm
chim kêu.
GIÀU
Tinh sương
thức gọi sắc màu
Người buôn chiến trận
Ta giàu chim ca.
(trích tập thơ “Rằm” chưa xuất bản)
Thi Vũ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Xin chào Bác Phạm Đình Trúc Thu , rảnh mời bác ghé blog nhà cháu chơi nha
Trả lờiXóathaisontn.blogspot.com
hihi
Vâng!
XóaẸc hihi, dạ cảm ơn bác nhiều ạ.
Trả lờiXóa