" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014
Độ Hán giang của Lý Tần
THU TỨ
Người ở xa về thấy người quê không dám hỏi, mà người quê nếu có nhận ra người ở xa về có khi cũng không dám vẫy, chào. Chào, rồi nhỡ bị hỏi, rồi mình phải kể tin xấu cho người ta nghe, thôi, ngại lắm. Ai bao năm mới về “Lĩnh nội”, qua “Hán giang” xong cứ cắm cúi thẳng cửa nhà nhé, khắc biết.
Nguyên văn
Độ Hán giang
Lĩnh ngoại âm thư tuyệt
Kinh đông phục lập xuân
Cận hương tình cánh khiếp
Bất cảm vấn lai nhân.
Dịch nghĩa
Qua sông Hán
Ở đất ngoài Ngũ Lĩnh xa xôi, không nhận được tin nhà
Đông qua, xuân lại đến
Về gần tới quê, lòng rất sợ hãi
Không dám hỏi thăm người qua lại (vì e tin chẳng lành).
Dịch ra thơ Đường luật
Trần Trọng Kim:
Lĩnh ngoại thư từ vắng,
Qua đông lại lập xuân.
Gần làng lòng sợ hãi,
Không dám hỏi lai nhân.
Lê Nguyễn Lưu:
Ngũ Lĩnh tin nhà vắng,
Đông tàn lại đến xuân.
Gần quê lòng những ngại,
Không dám hỏi người thân.
Dịch ra thơ lục bát
Thu Tứ:
Xuân nay mới được trở về,
Xa non cách núi tin quê biết gì.
Gần làng bay cả hồn đi,
Người qua muốn hỏi, ngại nghi những điều...
Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014
Trường hợp Võ Phiến và Thu Tử
Võ Phiến hoặc Tràng Thiên là bút danh của Ðoàn Thế Nhơn (1925) - nhà văn ở miền nam trước năm 1975, hiện định cư ở Mỹ. Văn nghiệp của Võ Phiến khá phức tạp mà nổi lên là xu hướng "chống cộng" cho nên được chính quyền Sài Gòn trước đây và một số người ca ngợi (!). Vừa qua, vì "được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm", nên từ Mỹ, tác giả Thu Tứ (bút danh của Ðoàn Thế Phúc - một người con của Võ Phiến) đã viết bài Trường hợp Võ Phiến nhằm phản bác kế hoạch nêu trên.
Dù viết về quan điểm chính trị - xã hội trong tác phẩm của cha mình, nhưng tác giả Thu Tứ đã có cách tiếp cận khách quan, để đưa ra một số lý giải, kết luận. Ðược sự đồng ý của tác giả, trong hai số báo ra ngày 7-10 và 10-10, Báo Nhân Dân trích đăng bài viết để bạn đọc tham khảo, qua đó nhận diện một người viết văn với nội dung chính trị sai lầm trong văn nghiệp của mình, đã đi ngược lại sự nghiệp chân chính của dân tộc như thế nào (Có thể đọc các tác phẩm của tác giả Thu Tứ tại website cá nhân gocnhin.net)...
Chẳng ai muốn chỉ ra cái sai của người đẻ ra mình! Chúng tôi làm việc này vì vừa được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm của nhà văn Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm. E rằng việc làm của họ có thể khiến một số người đọc hoang mang, ảnh hưởng tới đoàn kết dân tộc, chúng tôi quyết định tự mình phản bác nội dung này. Chúng tôi cảm thấy có một chút trách nhiệm về việc làm nêu trên của tổ chức phi chính quyền kia. Số là, trong hai năm qua, NXB Thời đại và Công ty Nhã Nam ở Hà Nội có in lại hai tác phẩm của nhà văn Võ Phiến là Quê hương tôi và Tạp văn. Cả hai tác phẩm này đều do chúng tôi chọn lựa và biên tập, theo sự ủy quyền từ lâu của thân phụ. Chúng tôi cố gắng chọn những tác phẩm giá trị nhất, không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước. Chúng tôi đã tưởng mình thế là chu đáo với nhà, với nước! Hóa ra, việc hai tác phẩm Quê hương tôi và Tạp văn được người đọc trong nước đón nhận khá tốt lại chính là cái nền rất tiện lợi cho tổ chức kia toan đặt lên đấy thứ nội dung hoàn toàn bất ổn trong tác phẩm của Võ Phiến! Chuyện đang xảy ra còn làm chúng tôi sốt ruột về tương lai. Sẽ hết nhóm nọ đến phe kia những lúc nào đó đem vận dụng văn nghiệp Võ Phiến một cách có hại cho đất nước. Phải làm cho thật rõ về cái phần nội dung chính trị sai lầm trong văn nghiệp ấy ngay từ bây giờ.
Chúng tôi còn một lý do nữa khiến việc lên tiếng càng không thể tránh được. Do quan hệ đặc biệt và do ở gần nhà văn Võ Phiến trong không biết bao nhiêu năm, chúng tôi được nghe tận tai những phát biểu của ông về tình hình đất nước mà chắc chắn chưa ai từng nghe. Ngoài ra, do yêu thích văn học, chúng tôi đã đọc rất kỹ tất cả tác phẩm của Võ Phiến. Hơn nữa, chúng tôi còn đọc để soát lại trước khi đưa in phần lớn tác phẩm của Võ Phiến tái bản hoặc xuất bản ở nước ngoài. Kết quả của không biết bao nhiêu lượt nghe những lời phát biểu thoải mái và đọc rất kỹ tác phẩm là: không ai có thể biết lập trường chính trị và cách nhìn lịch sử của nhà văn Võ Phiến rõ bằng chúng tôi. Cái biết ấy trong tình hình lập trường bất ổn và cách nhìn cũng bất ổn đang được một số người tìm cách tái phổ biến, nó trở thành một sức nặng bắt chúng tôi phải bất chấp quan hệ tối thân thiết mà lên tiếng chỉ sai.
Trước khi về thăm quê hương lần đầu năm 1991, chúng tôi đã tuyệt đối tin những nghĩ ngợi của thân phụ mình về chuyện đất nước thời chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Chúng tôi về nước rất nhiều lần, mỗi lần rất lâu, thăm thân rất ít, coi như toàn bộ thời gian ở trong nước dành cho việc đi tham quan, chủ yếu tại miền bắc. Chúng tôi không ở khách sạn sang trọng, không đi "tua", mà ở những nhà khách rẻ tiền, đi xe khách, xe ôm, xích-lô, có lần mua xe đạp đạp dạo quanh vùng ngoại ô Hà Nội thường xuyên đến nỗi có người ngồi chợ tưởng nhầm là dân buôn! Với lối đi tham quan như vừa nêu, chúng tôi trở nên rất đỗi hoang mang! Chúng tôi thấy người Việt Nam ngoài bắc vui vẻ, bình thản, vừa giữ được phần lớn nền nếp cũ, lại vừa có thêm cái phong cách "cách mạng", mọi người bình đẳng, cũng rất hay. Bấy giờ miền bắc cũng như cả nước, đang có một số hiện tượng xã hội tiêu cực do kinh tế trì trệ kéo dài, vật chất rất thiếu thốn, nhưng nhìn chung người tuy nghèo mà văn hóa tinh thần rất đáng hãnh diện. Ðâu là cái ảnh hưởng cực xấu của chủ nghĩa cộng sản đối với văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam mà mình đã đọc thấy trong tác phẩm của người đẻ ra mình?! Than ôi, hóa ra chỉ là kết quả của những kinh nghiệm rất giới hạn cả về không gian lẫn thời gian cộng với những câu chuyện kể của một ít bạn bè người miền trung cùng hoàn cảnh, một số đồng nghiệp người bắc di cư, vài cán bộ cộng sản "hồi chánh", thêm vài tác phẩm "nhân văn giai phẩm", tất cả được một trí tưởng tượng hết sức phong phú và một tâm lý đặc biệt bi quan suy diễn nên!
Ngoài cái biết trực tiếp như vừa nêu, nhờ thói quen hay đọc sách báo mà chúng tôi biết thêm được vô số chuyện lạ đối với mình. Từ văn hóa, chúng tôi tìm hiểu sang lịch sử, mới biết đến, hay biết rõ nhiều chuyện đất nước rất to, như Tuyên ngôn Ðộc lập, Hà Nội kháng chiến 60 ngày đêm, chiến dịch Biên giới, chiến dịch Ðiện Biên Phủ, mà cho đến lúc ấy hoặc chưa nghe bao giờ hoặc chỉ nghe hết sức loáng thoáng với lời bình phẩm hạ giá kèm theo. Những "voi" sự kiện theo nhau lù lù bước ra từ quá khứ khiến chúng tôi hết sức bỡ ngỡ! Vì đã bị "tuyên truyền" rất kỹ, cũng phải đến hơn 10 năm sau lần về nước đầu tiên, sau khi nghĩ đi nghĩ lại không biết bao nhiêu lần, chúng tôi mới thấy được thật rõ ràng lịch sử dân tộc trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1975 thật ra là như thế nào...
Nhà văn Võ Phiến viết nhiều thể loại. Lập trường chống cộng của ông được đưa ra rải rác khắp nơi trong nhiều loại tác phẩm khác nhau, khi là hẳn một bài tạp luận hay tạp bút, khi là lời nhân vật trong truyện ngắn hay truyện dài, khi là những đoạn trong một tác phẩm phê bình hay nhận định văn học, v.v. Lập trường chống cộng của nhà văn Võ Phiến liên hệ đến ba vấn đề: giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chọn lựa ý thức hệ.
Về giải phóng dân tộc, nhà văn Võ Phiến khẳng định không có nhu cầu! Ông cho rằng sớm muộn Pháp cũng trả độc lập cho ta, viện dẫn những chuyện xảy ra trên thế giới. Ðúng là đế quốc Anh đã tự giải tán trong hòa bình. Nhưng Pháp không phải là Anh. Pháp cương quyết tiếp tục giữ thuộc địa và cướp lại những thuộc địa tạm mất trong Thế chiến thứ hai. Song song với hành động tái xâm lược ở Việt Nam, tháng 8-1945 quân đội Pháp thảm sát hàng chục nghìn người dân nổi dậy ở thành phố Xê-ríp, An-giê-ri (Sérif - Algérie), và từ tháng 3-1947 đến tháng 12-1948 đàn áp kháng chiến ở Ma-đa-ga-xca (Madagascar), giết có thể đến hơn 100.000 người! Ngay cả sau khi thua to ở Ðiện Biên Phủ, phải chấp nhận rút khỏi Việt Nam, Pháp vẫn cố giữ Algérie để rất nhiều máu phải đổ nữa rồi mới chịu thôi làm đế quốc... Nhà văn Võ Phiến nhắc đến việc những miền đất ở châu Phi được Pháp trả lại độc lập dễ dàng: thì chính những nơi ấy đã may mắn được hưởng thành quả rực rỡ của kháng chiến Việt Nam và kháng chiến Algérie đấy chứ! Mà thực ra cũng không phải may mắn: ai cũng biết những "nước" Phi châu mới kia chỉ có cái vỏ độc lập chứ ruột thì vẫn nằm trong tay Pháp. Từ ngày "độc lập" năm 1960, các nước ấy đã bị Pháp ngang nhiên can thiệp quân sự hơn 30 lần! Vai trò áp đảo của Pháp trong vùng rõ ràng tới nỗi từ lâu đã sinh ra cái từ Francafrique: Phi nhưng mà "Phi Pháp"! Dân tộc Việt Nam với ít nhất hai mươi mấy thế kỷ văn hiến, dân tộc Việt Nam mà chính toàn quyền Ðông Dương Pôn Ðu-me (Paul Doumer) đã nhận xét là nhất ở Ðông - Nam Á, phải qua đến Nhật mới gặp được trình độ tương đương (dẫn theo Phạm Cao Dương, Lịch sử dân tộc Việt Nam, NXB Truyền thống Việt, California 1987), dân tộc ấy lại ngồi chờ giặc thua to ở nơi khác, ban phát cho một thứ gọi là độc lập hay sao?! Sau Thế chiến thứ hai, không phải đế quốc nào cũng chọn buông thuộc địa. Chính dân tộc Việt Nam Anh hùng đã dẫn đầu những dân tộc bị trị trong việc bắt thực dân Pháp phải buông thuộc địa... Lý luận "không cần kháng chiến" hoàn toàn không có giá trị. Gốc của nó là ở ý muốn bào chữa cho những người không tham gia kháng chiến và cái ý muốn phủ nhận công lao to lớn của Ðảng Cộng sản Việt Nam và ở một tâm lý tự ti về văn hóa dân tộc mà chúng tôi sẽ trình bày sau.
Về thống nhất đất nước, nhà văn Võ Phiến đặt chống cộng lên trên thống nhất đất nước. Sau khi thua ở Ðiện Biên Phủ, đế quốc Pháp phải chấp nhận rời khỏi nước ta. Cuộc kháng chiến lâu dài, anh dũng do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã thành công! Nhưng một số người Việt Nam - những người không tham gia kháng chiến hoặc theo giặc đàn áp kháng chiến (!) - không chịu để toàn dân đi bầu tự chọn chính quyền mà dựa vào thế lực siêu cường Mỹ dựng lên một "nước" trên một nửa nước! Tổ tiên ta bao nhiêu công phu, xương máu, qua bao nhiêu đời mới mở được chừng này đất, để bây giờ đất chia hai sao? Dân tộc Việt Nam mấy nghìn năm trải qua bao lượt thử thách vẫn là một để bây giờ thôi là một sao? Hễ có cơ hội, phải cố hết sức thống nhất đất nước. Cơ hội đã có: từ năm 1960, chính quyền Ngô Ðình Diệm bắt đầu lung lay, khởi đầu do một số đảng phái bất mãn về chính sách, sau đó do đông đảo Phật tử đấu tranh chống thiên vị tôn giáo. Năm 1963, chính quyền Ngô Ðình Diệm bị lật đổ. Tiếp theo là đảo chính liên miên. Nhân tình hình thuận lợi, quân kháng chiến miền nam và quân đội miền bắc tiến công mạnh mẽ. Ðâu muốn chết đến người Mỹ, nhưng thấy "tiền đồn Việt Nam Cộng hòa" quá nguy ngập, Mỹ đành gấp rút cho hơn nửa triệu lính đổ bộ. Chính quyền Sài Gòn trở nên tạm ổn định, khoản tiền viện trợ lớn lại gây ra nạn quan chức tham nhũng hết sức trầm trọng. Tổn thất sinh mạng binh lính Mỹ, ảnh hưởng tai hại đến kinh tế Mỹ, sự kiên cường của kháng chiến ở miền nam và quân dân miền bắc, cùng với sự bất lực của chính quyền Sài Gòn, khiến nội bộ Mỹ trở nên chia rẽ trầm trọng, dẫn đến quyết định rút hết quân. Chỉ hai năm sau khi lính Mỹ rút, nước Việt Nam thống nhất. Tổn thất hơn 210.000 lính chết và bị thương, thả xuống gấp 3,5 lần lượng chất nổ đã thả trong Thế chiến thứ hai (!), tiêu tốn gần một nghìn tỷ USD (tính theo giá USD năm 2011), mà siêu cường Mỹ rút cuộc vẫn thất bại trong ý đồ chia hai nước ta... Mỹ thảm bại, chắc chắn có một phần do đã ủng hộ một chính quyền không được lòng dân. Bất chấp cơ hội thống nhất đất nước đã tới, nhà văn Võ Phiến vẫn tiếp tục ủng hộ sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Ðó là một lập trường đi ngược lại với lý tưởng dân tộc.
Về chọn lựa ý thức hệ, nhà văn Võ Phiến tuyệt đối bác bỏ chọn lựa chủ nghĩa cộng sản. Chọn lựa một chủ nghĩa, phải trên cơ sở nhu cầu đất nước và phải căn cứ vào kết quả cụ thể.
Xét nhu cầu, thời Pháp thuộc có nhu cầu hết sức lớn là đánh đuổi giặc Pháp. Ðến cuối thập niên thứ nhất thế kỷ 20, nỗ lực cứu nước của các nhà Nho đã coi như hoàn toàn thất bại. Công cuộc giành lại độc lập đòi hỏi một đường hướng mới. Ðúng lúc ấy bên Tây phương nảy ra một thứ chủ nghĩa nhiệt liệt bênh vực người bị áp bức, với những phương cách rất cụ thể để tổ chức họ thành lực lượng đấu tranh lợi hại. Quốc gia tiên phong ứng dụng chủ nghĩa ấy là Liên Xô, một cường quốc. Ở Việt Nam đang có vô số người bị áp bức, nếu chọn chủ nghĩa cộng sản thì trước mắt có phương tiện để tổ chức họ thành đoàn thể chặt chẽ, thêm về lâu dài có thể có được nguồn ngoại viện cần thiết cho kháng chiến: tại sao lại không? Thời Pháp thuộc còn có nhu cầu khác cũng rất quan trọng là cải cách xã hội để san bằng những chênh lệch quá độ nảy sinh như một kết quả của tình trạng đất nước bị ngoại nhân cai trị lâu ngày. Tuy ở nước ta không có vấn đề giai cấp như một kết quả của cấu trúc xã hội truyền thống, trong thời Pháp thuộc đã xảy ra chênh lệch giàu nghèo quá độ, vì lúc bấy giờ, quan lại điển hình không còn là cha mẹ dân, không lo cho dân nữa, mà vừa ngay ngáy lo phục vụ giặc cho thật kỹ, vừa ngày đêm "tận tụy" bóc lột dân! Dưới quan, bọn hào lý cũng bận bịu "hai lo": một phục vụ quan, hai bóc lột dân! Và vì trên quan dưới hào đều không vì dân, cho nên các địa chủ cũng tha hồ bóc lột! Chủ nghĩa cộng sản có vẻ là một phương tiện tốt để thực hiện việc cải cách này, tại sao lại không chọn?
Xét kết quả, đối với hai đại sự là giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chủ nghĩa cộng sản rõ ràng là chọn lựa đúng. Nhờ đông đảo nhân dân đoàn kết chặt chẽ với tinh thần hy sinh cao độ và nhờ có ngoại viện cần thiết, mà cả hai đại sự đã thành công tốt đẹp. Ðối với việc cải cách xã hội, tuy trong một thời gian đã xảy ra sai lầm khiến một số người bị xử oan, nhưng mục đích san bằng bất công đã đạt được. Nhân đây cũng nên nói về ý nghĩa của việc "sửa sai". Nó chính là một thí dụ về khả năng Việt hóa món nhập ngoại của dân tộc Việt Nam... Tiếc một phần do hoàn cảnh chiến tranh, trong cải cách ruộng đất việc xem xét lại đã không được tiến hành kịp thời. Nhìn chung, ở miền bắc văn hóa dân tộc đã làm mềm hẳn chủ nghĩa cộng sản, với kết quả là một xã hội về cơ bản vừa giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa có một cái không khí bình đẳng hơn trước cũng tốt đẹp. Nghĩa là, ít nhất trong khung thời gian liên hệ, việc chọn chủ nghĩa cộng sản không có gì sai...
Trong khi những người cộng sản Việt Nam lập hết công giải phóng dân tộc đến công thống nhất đất nước, cùng lúc dần dần cải cách ý thức hệ cộng sản cho hợp với văn hóa truyền thống và điều kiện xứ sở, thì nhà văn Võ Phiến hững hờ với giải phóng, thờ ơ với thống nhất, đem toàn lực tiến công cái bản gốc của ý thức hệ ấy! Ông bảo chủ nghĩa cộng sản là xấu. Trông vào kết quả trên nhiều mặt, rõ ràng nó chẳng xấu cho đất nước, quê hương một chút nào!
Ngoài lập trường chống cộng, tác phẩm của Võ Phiến còn chứa một cái nhìn về lịch sử dân tộc trong thế kỷ 20. Ở đây có lẽ nên nhắc ngay đến cái khuynh hướng phân tích tâm lý nhân vật "chẻ sợi tóc làm tư". Thật ra không chỉ khi viết truyện mà cả trong đời sống ông cũng thế, cũng thích chẻ cái mình nhìn ra cho thật nhỏ. Và ông đặc biệt ưa chú mục vào những cái xấu, bất thường (tuy bản thân không hề xấu hoặc bất thường). Mỗi người chỉ có đúng một cách nhìn. Tất nhiên nhà văn Võ Phiến đã nhìn lịch sử dân tộc bằng cách vừa nói. Kết quả là, đọc ông gần như toàn gặp những người dân không biết yêu nước là gì (thỉnh thoảng có gặp thì nhân vật yêu nước hiếm hoi ấy lộ vẻ lạc lõng rõ rệt); không thấy thực dân khai thác tài nguyên bóc lột lao động đâu cả, chỉ thấy cán bộ cộng sản hủ hóa; không thấy giặc Pháp tàn bạo với người Việt Nam đâu cả, chỉ thấy có dân bị đấu tố oan; không thấy đông đảo nhân dân nô nức ủng hộ chiến sĩ, hàng hàng lớp lớp chiến sĩ hăng say đánh giặc ngoại xâm, lập chiến công oai hùng đâu cả, chỉ thấy nhiều người bị làm khổ và nhiều kẻ liều chết ngớ ngẩn! Không có những việc tốt mà nhà nước cộng sản đã làm cho dân nghèo nào hết, chỉ có những xáo trộn xã hội hoàn toàn vô ích!... Dân tộc Việt Nam đâu phải như vậy. Sự thật về cuộc cai trị của thực dân Pháp, về cuộc kháng chiến của Việt Nam, về những việc làm của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đâu phải như vậy. Sở dĩ nhà văn Võ Phiến thấy vậy, bởi ông đã chăm chú nhìn những thành phần thiểu số, những chuyện lẻ tẻ, nhất thời...
Cách nhìn là quan trọng nhất. Nhưng nhìn đâu cũng có đóng góp vào cái thấy của người nhìn. Có thể đặt vấn đề, hay là quê hương nhỏ của nhà văn Võ Phiến là huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh nó đã "ngoại lệ" khiến ông đâm ra dễ nghĩ lệch về chuyện đất nước? Quả thật, ở Phù Mỹ thời Pháp thuộc gần như không thấy bóng giặc Pháp mà chênh lệch giàu nghèo cũng không đáng kể. Nhưng ngay ở Phù Mỹ, chắc chắn cũng đã có rất nhiều người yêu nước, chẳng qua nhà văn không chú ý đến họ. Hơn nữa, chỉ nhìn tình hình Phù Mỹ mà thôi khó thấy được đại cục nước Việt Nam, thì thiết tưởng một người lên tiếng về đại cục như nhà văn Võ Phiến có trách nhiệm phải nhìn cho thật rộng, nhìn khắp cả nước, chứ đâu được nhận định về toàn quốc trên cơ sở tình hình ở chỉ địa phương mình! Cuối cùng, về "cách nhìn Võ Phiến", có lẽ cũng nên nêu lên rằng lẽ tự nhiên nó dẫn tới tâm lý bi quan, là một nét nổi tiếng của văn chương Võ Phiến. Bi quan trong văn thì không sao cả. Nhưng trong cuộc đấu tranh để sinh tồn của cả một dân tộc, thì hết sức tai hại.
... Viết văn chống cộng thì lắm cây bút từ miền bắc di cư vào chịu khó viết. Nhưng tác phẩm của họ thường là lớn lời mà thiếu chi tiết cụ thể, rỗng lý luận. Tác phẩm chống cộng của nhà văn Võ Phiến ngược lại: lời nhỏ kể lể tỉ mỉ, đay nghiến, với lý luận (sai) kèm theo. Chính quyền Sài Gòn để ý và đánh giá cao lối viết ấy. Năm 1960, truyện vừa Mưa đêm cuối năm của nhà văn Võ Phiến được giải thưởng "Văn học toàn quốc". Như Nhất Linh nhận xét trong Viết và đọc tiểu thuyết, lời văn trong tác phẩm giật giải văn chương ấy hãy còn thô vụng. Nó được chọn rõ ràng vì nội dung chính trị phù hợp với nhu cầu tuyên truyền của những người đang cai trị miền nam.
Sau Mưa đêm cuối năm, được chính quyền Sài Gòn khuyến khích, được "đồng chí" tán thưởng, ông tiếp tục cho ra đời những tác phẩm có nội dung tương tự, viết chống cộng mỗi lúc một thêm "tinh vi". Thật ra tác phẩm của Võ Phiến trở nên "vi" (tỉ mỉ) hơn nữa, chứ không phải "tinh" (thấy đúng bản chất) hơn chút nào, vì nhìn cục bộ thì không thể thấy toàn thể. Cái tiếng "chống giỏi" của nhà văn nhanh chóng lan rộng trong cái tiểu xã hội phức tạp của những người chống cộng mà có lẽ đại đa số không thật sự chia sẻ nội dung cụ thể của tác phẩm Võ Phiến, chưa nói nhiều người hình như không hề cầm tới sách! Nhà văn Mai Thảo có lần đọc, thấy "nhiều sắc thái địa phương". Nhà văn Vũ Khắc Khoan cũng thử đọc, rồi phàn nàn về những nhân vật "tù lù mù". Chi tiết khó "chia", mà lý luận hẳn họ càng thấy khó "sẻ", vì vốn dĩ chính bản thân họ có hay lý luận rắc rối gì đâu. Ðại khái, mỗi người chống cộng vì một số lý do riêng, rồi hễ cứ nghe ai "chống giỏi" là rủ nhau hoan hô, không cần biết người kia cụ thể chống thế nào!
Cái lối được trầm trồ mà không được đọc rồi cũng xảy ra cho nhà văn Võ Phiến ở ngoài bắc. Một số người "Nhân văn giai phẩm" nghe tiếng chống cộng của ông, sinh ngay cảm tình, tuy hầu hết những người ấy chắc chắn chưa bao giờ đọc được một chữ văn của Võ Phiến! Thật ra giữa họ và nhà văn Võ Phiến có chỗ khác nhau rất căn bản: họ đều đồng lòng kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp, lấy việc ấy làm quan trọng hơn cả, trong khi nhà văn Võ Phiến thì không. Nông nỗi của họ xảy ra là do họ nghĩ giải phóng dân tộc xong rồi, Ðảng không nên lãnh đạo văn hóa nữa, mà nên để "trăm hoa đua nở". Nhưng việc nước đã xong đâu! Còn phải thống nhất đất nước. Với sự can thiệp của siêu cường Mỹ, công việc sẽ vô cùng khó khăn. Cần phải duy trì ý chí chính trị và tinh thần kỷ luật ở mức cao nhất. Tự do văn hóa sẽ ảnh hưởng xấu đến nỗ lực duy trì này, do đó Ðảng không thể chấp nhận được. Nhìn cách khác, tình hình đất nước bấy giờ chưa thích hợp với một cải cách chủ nghĩa lớn như vậy.
Vào cái khoảng thời gian Liên Xô vừa sụp đổ, cái tiếng chống cộng của nhà văn Võ Phiến còn khiến một số nhà văn Việt Nam ở trong nước tìm cách bắt liên lạc với ông, hẳn vì họ nghĩ Nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng sắp sụp đổ! Có người nhân dịp đi công tác qua Mỹ, đã tỏ tình thân ái bằng cách tặng nhà văn Võ Phiến một chiếc đồng hồ đeo tay dùng lâu năm. Người ấy từng tự nói nhờ Ðảng mà tôi mới được thế này. Ấy thế mà khi tưởng Ðảng sắp đổ, ông vội vã đi ôm chầm lấy kẻ thù của Ðảng! Ngán cho "nhân tình thế thái". Thân phụ chúng tôi có kể rằng, qua trò chuyện, thấy nhà văn kia dường như chưa hề đọc một tác phẩm nào của mình!...
Văn nghiệp Võ Phiến vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực. Tiêu cực, đáng bỏ đi, là phần chính trị, bởi đó là cái bi kịch của một người Việt Nam sống giữa thời kỳ lịch sử dân tộc cực kỳ khó khăn mà trước không tha thiết với độc lập, sau không tha thiết với thống nhất, khăng khăng đặt chuyện chống chủ nghĩa cộng sản lên trên tất cả... Sai lầm chính trị đã đưa tác phẩm của Võ Phiến ra khỏi lòng dân tộc. Ðất nước đã độc lập, thống nhất lâu rồi. Nay đến lúc, nhân danh bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa tác phẩm của Võ Phiến trở về, sau khi lọc bỏ nội dung chính trị. Nhà nước Việt Nam đã sáng suốt khi quyết định cho tái bản sách của Võ Phiến trong nước. Ðáng tiếc, một số người đang lợi dụng tình hình quốc tế mà âm mưu tái phổ biến cả những nội dung chính trị sai lầm. Việc tái phổ biến này vừa có thể gây mất đoàn kết, hại cho dân, cho nước, vừa xúc phạm sự thật lịch sử.
THU TỨ (Tháng 8-2014)
-------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 7-10-2014.THU TỨ
Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014
"Tây hóa" như thế chỉ làm phai nhạt và mất bản sắc!
Quá trình hội nhập thế giới diễn ra tại Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ 20 đến nay, đã làm cho một số người hồ hởi về một "thế giới phẳng" có khả năng xóa nhòa mọi khoảng cách và trong khi có người thể hiện sự lạc quan thái quá về sự ra đời của "thế hệ công dân toàn cầu" thì trên thực tế, lại xuất hiện một số vấn đề cần phải xem xét cẩn trọng.
Hiện tượng một bộ phận người Việt Nam quan niệm phải lấy tên Tây, hay nói năng phải có vài "tiếng Tây",... đã xuất hiện từ thời Pháp thuộc, và được tác giả Nam Xương khái quát qua nhan đề một vở kịch đã trở thành một thành ngữ, là... Ông tây An Nam! Hiện tượng này tưởng chừng đã phai nhạt nhưng gần đây có xu hướng quay lại, khi mà với rất nhiều người, học tiếng Anh được coi như một thứ "mốt". Ðương nhiên, việc học tập từ bất cứ phương diện nào cũng là cần khuyến khích; nhưng học theo trào lưu, học không rõ để làm gì thì sẽ chẳng dẫn đến đâu; bởi vậy, có dạo dư luận xã hội gọi các trung tâm tiếng Anh là "trung tâm hẹn hò"! Cùng với đó là "làn sóng phổ cập tiếng Anh", mà biểu hiện rõ nhất là trào lưu đặt tên công ty, tên nhà hàng, cửa hiệu bằng tiếng nước ngoài.
Cho đến nay, số công ty hay doanh nghiệp được coi là "thức thời" vì đã nắm bắt cơ hội, nhanh chóng thành lập dưới những cái tên "quốc tế", có "tính toàn cầu" cùng các biển hiệu, biển quảng cáo viết bằng tiếng nước ngoài xuất hiện rất nhiều, kể cả khi công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ít có liên quan tới yếu tố nước ngoài. Tới bất kỳ thành phố, thị xã, thị trấn, thậm chí khu vực trung tâm hành chính của một làng xã có hoạt động kinh doanh là sẽ gặp các cửa hàng có sản phẩm Việt Nam bán cho người Việt Nam nhưng lại trưng ra mấy cái biển hiệu nước ngoài, đôi khi sai ngữ pháp đến tệ hại mà ngay người nước ngoài cũng "chào thua" vì không sao hiểu nổi. Không chỉ thế, những dòng chữ này luôn có kích cỡ lớn, choán gần hết biển hiệu, trong khi chữ tiếng Việt bị co lại ở một góc nhỏ nằm phía dưới. Thậm chí không ít cửa hiệu chỉ trưng biển hiệu quảng cáo bằng tiếng Anh. Ở Hà Nội, các tuyến phố thương mại lớn, khu phố cổ, nhất là phố Hàng Bè, Mã Mây, Hàng Hành, Bảo Khánh,... luôn dày đặc loại biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, như muốn cho thấy sự "Tây hóa triệt để".
Thời gian gần đây, ở Việt Nam xuất hiện các thương hiệu cà-phê như "Urban Station", "Passio". Nhìn vào cách bài trí theo kiểu phương Tây tại các cửa hàng gắn với thương hiệu này, nhiều người sẽ nghĩ đó đều là các thương hiệu giải khát mới du nhập từ nước ngoài, giống như trường hợp của Starbucks hay Twitter Bean; thế nhưng thực chất đây là thương hiệu cà-phê nội! Tất nhiên là người đặt thương hiệu có lý lẽ để biện minh cho việc làm này, nào là cạnh tranh với hàng ngoại, nào là để hội nhập, nào là tâm lý người tiêu dùng v.v và v.v. Nhưng với cách lý giải như thế, khi hiện tượng trở nên phổ biến thì ngày nào đó, liệu chúng ta có phải chấp nhận tình trạng mọi sản phẩm Việt Nam đều mang tên Tây; liệu khi đó từ điển văn hóa trên thế giới sẽ không còn các từ như "phở", "áo dài",... và tất cả sẽ được thay thế bằng những cái tên đã được "quốc tế hóa" kiểu như The Garden, Royal City, Keangnam, Time City? Ðó là một nguy cơ, nguy cơ đánh mất đặc trưng riêng của các thương hiệu Việt được xác lập bằng chính ngôn ngữ dân tộc. Và sẽ có ngày đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị ở Việt Nam, du khách sẽ không còn thấy hấp dẫn, vì ở đó thiếu bản sắc và chỉ như là bản sao của đô thị phương Tây.
Trong giao tiếp hằng ngày, xu hướng tiếng Việt "đá tiếng Tây" ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Anh G.Ru-en - người Ca-na-đa nhiều năm sống ở Việt Nam, có tên Việt là "Dâu Tây", từng than phiền trong một bài viết rằng: "Ðôi khi nghe người Việt ở tuổi "phát triển sự nghiệp" nói chuyện với nhau, tôi tiếc những năm tôi bỏ ra để học tiếng Việt". Và anh liệt kê vô số lỗi diễn đạt do sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, thí dụ: "Em làm bên finance", "Cái background của em ấy là gì?",... và các câu nói này thường được một số người sử dụng trong giao tiếp hằng ngày. Vậy giao tiếp giữa người Việt với người Việt sao phải dùng tiếng Anh, nhất là khi trong tiếng Việt có từ tương đương để diễn đạt, như trong các trường hợp kể trên thì finance là tài chính, background là lý lịch?
Lo ngại hơn là làn sóng lai căng ngôn ngữ được cổ súy và nhân rộng bởi cái gọi là "giới showbiz" - những người được coi là có ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, nhất là lớp trẻ. Chỉ sau vài năm, hàng loạt ca sĩ, diễn viên có nghệ danh nửa Tây nửa ta đã trình làng như: Hamlet Trương, Elly Trần, Angela Phương Trinh, Noo Phước Thịnh, Wanbi Tuấn Anh, Cường Seven, Nakun Nam Cường, Akira Phan, Reno Bình, Nukan Trần Tùng Anh,... Lại có ban nhạc, ca sĩ đặt tên hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài như: 365 band (với các thành viên có tên là: Issac, Jun, Tronie, S.T và Will), ca sĩ Maya, Chan Than San,... Theo đó là ca khúc có ca từ trộn lẫn tiếng Việt và tiếng Anh ra đời. Với xu thế hội nhập, ca từ một bài hát được dịch ra nhiều ngôn ngữ là bình thường và cần thiết, nhưng loại bài hát có ca từ một câu tiếng Việt chèn một câu tiếng Anh như: "Why it's me? Làm sao đây? Trước mắt tôi là... Tell me... Khi tất cả yêu thương sau lưng chỉ là dối trá. I can't suffer unpredictable things you did to me" (trích ca từ bài hát Không cần thêm một ai nữa của Mr. Siro và Big Daddy) thì đúng là không sao hiểu nổi, nếu không nói khó có thể chấp nhận. Không chỉ mang nghệ danh Tây, viết ca khúc nửa Tây nửa ta, một số ca sĩ còn đặt tên nước ngoài cho đĩa nhạc như: Today (Ngày hôm nay), Diamond Noir (Kim cương đen), Yesterday and Now (Ngày ấy và bây giờ), Non stop (Không dừng lại), To the beat (Nhịp đập), Unmake up (Không trang điểm)... Không rõ các đĩa nhạc đó được sản xuất dành cho ai?
Ðáng tiếc là các sản phẩm này xuất hiện trên một số chương trình truyền hình, chương trình nghệ thuật và khó có thể nói chúng lại không khuyến khích giới trẻ chạy theo xu thế lai tạp ngôn ngữ một cách tùy tiện và chào đón như trào lưu thời thượng. Vì vậy, không khó hiểu khi vào các mạng xã hội hiện nay, có thể thấy nhiều người trẻ chọn cho mình một tên nước ngoài. Họ tự hào về cái tên đó, thậm chí có người chán ghét cả tên khai sinh mà bố mẹ đặt cho mình với bao yêu thương, trìu mến. Họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ chẳng ra Tây, chẳng ra ta. Tại sao không dùng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để sáng tạo, để khẳng định mình? Tại sao phải vay mượn ngôn ngữ của nước khác? Những ai đang cố "Tây hóa" có biết năm 2013 tại Nhật Bản, cụ H.Ta-ka-ha-si 71 tuổi khởi kiện Ðài truyền hình quốc gia (NHK) vì đã dùng quá nhiều từ vay mượn của tiếng Anh khiến cụ cảm thấy bị ức chế; cụ yêu cầu bồi thường 1,4 triệu yên (14.300 USD). Không bàn tới kết quả vụ kiện, mà từ phương diện văn hóa, có thể thấy đây là lời cảnh tỉnh với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển trong khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Cần lưu ý là chính tại các nước đang phát triển, việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ đã trở thành vấn đề có tính pháp quy. Vì thế, trong khi các quốc gia như Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc,... luôn luôn dành một phần ngân sách rất đáng kể để quảng bá ngôn ngữ, kèm theo đó là quảng bá văn hóa của nước mình đến các nước khác trên thế giới, thì một số người trong chúng ta lại đang tự làm yếu đi ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, phải chăng việc làm đó lại được coi là hội nhập với thế giới?
Trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, chúng ta hết sức giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, và một giá trị hàng đầu của bản sắc chính là tiếng Việt - tài sản văn hóa vô giá của dân tộc ta. Ở Việt Nam, Luật Quảng cáo được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua năm 2012. Theo đó, tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ các trường hợp như: nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt, phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Luật quy định như vậy, song chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh và chế tài xử phạt của cơ quan chức năng chưa đủ chặt chẽ và quyết liệt. Nên có thể nói trên thực tế, việc vi phạm trong lĩnh vực biển hiệu quảng cáo, việc buộc doanh nghiệp đăng ký thương hiệu theo tên Việt vẫn còn buông lỏng. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã bước đầu kiểm tra, chấn chỉnh, như ngày 24-6 vừa qua, UBND tỉnh Ðồng Nai ban hành Chỉ thị số 18 nhằm chấn chỉnh biển hiệu quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất, Chỉ thị số 25 đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành, trong đó nêu rõ: biển hiệu có nội dung chữ nước ngoài không đúng quy định sẽ bị xử lý. Mong rằng các biện pháp kiên quyết góp phần làm lành mạnh sinh hoạt văn hóa sẽ được thực hiện trên mọi tỉnh, thành phố. Còn với mỗi người Việt Nam, nếu không góp phần để làm đẹp hơn, phong phú hơn tiếng mẹ đẻ, thì cũng không được bóp méo, cố tình lai căng ngôn ngữ của dân tộc, cho dù hội nhập tới đâu thì chúng ta vẫn tự hào là người Việt Nam.
ANH THI
Báo chí và việc tiếp nhận, truyền bá thông tin
Ngày nay, sống giữa "biển" thông tin gần như là không có giới hạn, việc phải xác định tính khách quan, chính xác của nguồn thông tin trở thành một yêu cầu cấp thiết. Thực tế cho thấy trên hệ thống truyền thông toàn cầu, việc đưa tin, bình luận không đúng với thực tế, thậm chí chủ động tung tin sai sự thật để tạo dư luận phục vụ mưu đồ nào đó không còn là hiện tượng cá biệt. Với loại thông tin như thế, nếu thiếu tỉnh táo, công chúng sẽ bị lừa dối và dẫn tới nhiều hệ lụy khác.
Từ tiếp xúc với hệ thống truyền thông toàn cầu, nhiều người trên thế giới đã rút ra kinh nghiệm thiết thân là cần cẩn trọng khi tiếp xúc với một số loại thông tin, nhất là thông tin về khủng hoảng chính trị hay xung đột vũ trang đang xảy ra. Cuộc chiến chống I-rắc do Mỹ phát động năm 2003 là thí dụ cụ thể không chỉ về "nghệ thuật" tạo cớ, mà còn là "nghệ thuật" đánh lừa dư luận. Lúc đầu, Chính phủ Mỹ cáo buộc Chính phủ S. Hút-xen có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, liên quan tới "sự kiện 11 tháng 9", sau đó khẳng định I-rắc sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chúng ta hẳn chưa quên hình ảnh Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Cô-lin Pô-oen (Colin Powell), ngày 5-2-2003 phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, khi cáo buộc I-rắc tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông giơ một chiếc lọ con và nói đó là bằng chứng về "khả năng mang bệnh than". Dù chưa có gì khẳng định bằng chứng đưa ra, nhưng các phương tiện truyền thông phương Tây đều đưa tin như sự thật đã kiểm chứng. Tới năm 2008 khi khó có thể bưng bít được mưu đồ tạo cớ, chủ ý phát tán thông tin sai sự thật, những người vận động và hưởng ứng cuộc chiến đã làm dịu dư luận bằng cách biện bạch: ít ra cũng lật đổ được chế độ độc tài, "người giải phóng" từ phương Tây sẽ mang tới cho người dân I-rắc các giá trị dân chủ và văn minh! Thế nhưng đến nay dân chủ và văn minh chưa thấy đâu, chỉ thấy người I-rắc phải hứng chịu thêm nhiều bom đạn, chìm đắm trong chết chóc, nghèo đói!
Sẽ là phiến diện nếu cho rằng tất cả các nhà báo ở phương Tây đều cố ý viết sai sự thật. Từng có nhiều nhà báo làm việc đúng theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Ðó là C.Béc-xtanh (C.Bernstein) và B.Út-oát (B Woodward) của tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn giữ vai trò quan trọng khi tìm sự thật vụ bê bối Oa-tơ-ghết (Watergate) dẫn đến việc chính quyền Hoa Kỳ tiến hành điều tra và cuối cùng là R. Ních-sơn từ chức vào năm 1974. Năm 1971, các nhà báo của Thời báo Niu-Oóc, Bưu điện Oa-sinh-tơn đã phanh phui sự thật về lịch sử dính líu chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam qua các bài viết sử dụng tài liệu từ "các văn kiện của Lầu năm góc"... Ở Hoa Kỳ, Quy tắc đạo đức dành cho báo chí ra đời từ năm 1923. Hiệp hội các biên tập viên báo Hoa Kỳ đã phê duyệt các quy tắc đầu tiên của lĩnh vực này, tiếp theo là Tổ chức các nhà báo chuyên nghiệp và Hiệp hội báo chí, quản lý biên tập viên. Ba hiệp hội nhà báo quan trọng nhất ở Hoa Kỳ đã đặt ra các nguyên tắc đạo đức nhất định, kêu gọi các nhà báo thực hiện công việc của mình với trí thông minh, khách quan, chính xác, công bằng. Ở CHLB Ðức, Quy tắc đạo đức báo chí do Hội đồng báo chí Ðức ban hành ngày 12-12-1973, sửa đổi lần cuối vào ngày 13-3-2013; quy tắc gồm 16 điểm, áp dụng cho cả các bài báo của hệ thống truyền thông trực tuyến, Ðiều 1 ghi rõ: Tôn trọng sự thật, tôn trọng phẩm giá con người, thông báo chính xác cho công chúng là những nguyên tắc tối cao của báo chí. Trên cơ sở này, mỗi người hoạt động báo chí phải giữ gìn uy tín và sự tín nhiệm của phương tiện truyền thông. Ở Áo cũng có Quy tắc báo chí tương tự, theo phiên bản ngày 14-11-2012 thì gồm 11 điều. Ở Thụy Sĩ, năm 1972 Hiệp hội báo chí cũng ban hành Quy tắc đạo đức báo chí, đồng thời thành lập Hội đồng báo chí Thụy Sĩ...
Quy định thì như vậy, nhưng người dân ở các nước phương Tây hoặc thân phương Tây lại rất thận trọng với thông tin về một sự kiện và lời bình luận liên quan, thí dụ về cuộc khủng hoảng ở U-crai-na. Không chỉ những tập đoàn truyền thông tư bản kếch xù mà cả các báo, đài công cộng, thường xuyên nhồi nhét cho khán, thính giả và bạn đọc phần lớn thông tin tố cáo Chính phủ Nga, Tổng thống Pu-tin. Bởi thế, nhiều người phẫn nộ khi thấy ở thời điểm rất ngắn sau khi xảy ra sự việc, dù chưa có kết luận của cơ quan điều tra về thủ phạm, thì bìa một của một tạp chí ở Ðức đã đăng chân dung nạn nhân vụ máy bay MH 17 rơi ở U-crai-na, tố cáo Tổng thống Pu-tin và Chính phủ Nga. Do nhiều bạn đọc gửi thư phản đối, Hội đồng báo chí Ðức phải đưa sự việc ra xem xét. Ngày 9-9-2014, Hội đồng báo chí Ðức đã kết luận và cảnh cáo: việc làm này là không thể chấp nhận, vì tạp chí đã lạm dụng ảnh của nạn nhân để minh họa cho những lời lẽ mang tính chất chính trị! Ai có điều kiện theo dõi tin tức từ nước khác sẽ nhận thấy nhiều khi báo chí phương Tây đưa tin rất phiến diện. Hôm 17-8-2014, khi các nhà báo của tờ Tấm gương hằng ngày hỏi liệu một số nước châu Âu và Mỹ có đứng sau và giật dây vụ nổi dậy tại quảng trường Mai-dan (U-crai-na) hay không, Pi-tơ Sôn La-tua (Peter Scholl-Latour - người được một tạp chí danh tiếng ở CHLB gọi là "nhà báo của thế kỷ", "người giải thích thế giới cuối cùng còn lại") trả lời: "Bây giờ người ta không nói tới liên kết kinh tế nữa, mà hơn thế nữa, gia nhập U-crai-na"; để tỏ thái độ của mình, ông dẫn lời bà V.Nu-len (V.Nuland) khi trao đổi với Ðại sứ Hoa Kỳ ở U-crai-na trong cuộc điện đàm bị nghe lén và bị tung lên mạng. Theo Pi-tơ Sôn La-tua, sự hoàn toàn im lặng của EU sau lời lẽ thô tục của một quan chức ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ là bằng chứng chỉ ra rằng, các nước châu Âu hài lòng với vai trò của mình - chỉ là các vệ tinh "không có răng" của Hoa Kỳ mà thôi!
Một bằng chứng nữa về sự thiếu khách quan khi đưa ra các thông tin về cuộc khủng hoảng ở U-crai-na là việc một số nhà báo ở CHLB Ðức phát minh khái niệm mới: "người thông cảm cho Pu-tin" (Putin-Versteher), "người thông cảm cho nước Nga" (Russland-Versteher) để ám chỉ những ai đã không lên án nước Nga và Tổng thống Pu-tin. Trong cuốn sách nhan đề "Lời nguyền rủa cho một hành động tàn bạo: Sự thất bại của phương Tây ở phương Ðông" xuất bản ngày 12-9-2014, Pi-tơ Sôn La-tua cho rằng khái niệm "người thông cảm cho Pu-tin" được sử dụng trong thời gian vừa qua là để phỉ báng những tiếng nói muốn kêu gọi phải giữ mức tối thiểu của tính khách quan khi đánh giá đường lối đối ngoại của Nga. Nhiều người, trong đó có cả chính trị gia, đã chia sẻ sự phê phán này. Theo tờ Thời gian (Zeit) ngày 1-10-2014 tại cuộc hội thảo ở thành phố Rô-xtốc (Rostock - Ðức), cựu Thủ tướng G. Xrô-e-đơ (G. Schroder) đã nói rõ quan điểm của mình là ông không xấu hổ mà ngược lại, ông tự hào là một trong những "người thông cảm cho nước Nga".
Sự cố xảy ra trong chương trình truyền hình trực tiếp TV-Talkshow Shuster Live do Ðài truyền hình U-crai-na thực hiện vào ngày 13-6-2014 cũng là một bằng chứng cho việc đưa tin sai sự thật. Khách được mời đến trường quay chủ yếu là người trung thành với chính phủ hiện tại, trong đó có cả "anh hùng Mai-dan". Qua cầu truyền hình, họ hy vọng ông M. Phơ-ran-xét-ti (M. Franchetti, phóng viên tờ Thời báo chủ nhật - Sunday Times, thường trú tại Nga từ 2001, năm 2003 nhận Giải thưởng báo chí Anh - British Press Award, qua việc tường thuật vụ khủng bố, bắt con tin ở nhà hát Ðu-brốp-ka tại Mát-xcơ-va năm 2002) sẽ nói sai sự thật và tham gia "chiến dịch" bôi nhọ Chính phủ Nga. Nhưng khách mời, khán giả hoàn toàn bất ngờ khi nghe ông nói không muốn trình bày quan điểm của mình mà đơn giản chỉ tường thuật về những gì chứng kiến ở Ðông Nam U-crai-na, đó là ba tuần ông đi theo tiểu đoàn "Wostok" quân tự vệ. Người ta gọi lực lượng này là phần tử khủng bố đã nhận vũ khí và tài trợ của Nga, nhưng theo ông "đó không phải là sự thật, ít nhất không phải sự thật trong giai đoạn hiện nay. Họ là các người dân bình thường không có kinh nghiệm chiến đấu". Tại cuộc phỏng vấn do nhà báo R. Sắc (R. Schack) thực hiện hôm 9-3-2014, Pi-tơ Sôn La-tua đã có lời khuyên phải thận trọng khi tìm sự thật trong báo chí phương Tây, vì: "chúng ta đang sống trong thời đại làm đần độn đi các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là làm đần độn người dân bằng các phương tiện truyền thông... Như các phương tiện truyền thông đưa tin về tình hình U-crai-na, người ta có thể nói, đây là một chiến dịch đưa tin sai sự thật trong một phạm vi rất lớn, được hỗ trợ bằng những phương tiện kỹ thuật của thời đại kỹ thuật số. Từ đó người ta có thể luận rằng, toàn cầu hóa đã dẫn đến sự quê mùa hóa, gây ra sự mù mịt trong thế giới truyền thông. Sự thật này đã và đang xảy ra với Xy-ri và những trung tâm khủng hoảng khác". Cũng Pi-tơ Sôn La-tua, trả lời phỏng vấn của nhà báo Ðức T.Vôn-phơ (T.Wolf) đã đăng trên tạp chí Focus - Money ngày 21-7-2013, với câu hỏi: bê bối nghe lén điện thoại, gián điệp kinh tế, rồi chiến tranh Áp-ga-ni-xtan, Goan-ta-na-mô làm sao có thể khớp với hình ảnh của Hoa Kỳ, một quốc gia được coi là lực lượng tiên phong của dân chủ, nhân quyền (?), ông trả lời: "một cường quốc thế giới hoạt động tất nhiên khác hẳn các thế lực tầm trung là Ðức và các nước châu Âu. Nghe lén điện thoại không có gì là mới, tôi tin rằng, sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi phe Ðồng minh xây dựng các căn cứ ở đây, ngay từ ban đầu họ đã nghe lén. Nhưng trong 10 năm cuối, khả năng thiết bị điện tử được nhân rộng nên phạm vi đã đạt tới mức kinh khủng... Ðiều đó ngày nay là công việc bình thường, nhưng tiêu chuẩn của "nền dân chủ lý tưởng" như chúng ta vẫn tưởng tượng trong sự ngây thơ, đã không có từ lâu rồi".
Trong bối cảnh phức tạp như vậy, qua việc đưa tin và bình luận về một số sự kiện trên thế giới gần đây, có thể nói một số tờ báo ở Việt Nam (nhất là báo, trang tin điện tử) ít quan tâm đến tính khách quan, chính xác, trung thực của sự kiện, khi khai thác, đăng tải chưa kiểm chứng chặt chẽ và chưa có những sở cứ tin cậy. Hiện tượng này, không những làm nhiễu loạn thông tin cũng như khả năng nắm bắt của người đọc, mà có thể ảnh hưởng tới quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với nước có liên quan tới sự kiện. Vì thế, sự dễ dãi (nếu không nói là tùy tiện) như vậy cần phải được cảnh báo.
ÐỨC THẮNG
Đa đảng? Việt Nam sẽ chết ngay tức khắc!
Đa đảng? Việt Nam sẽ chết ngay tức khắc!
NightMoonLight
Gần đây, không, mà có lẽ từ lâu rồi, luôn luôn có tranh cãi giữa nhiều phe phái về việc “nên đa đảng hay độc đảng”. Vậy tại sao tôi viết bài này, có 2 lý do:
Một là, tôi viết bài này không phải để cảnh tỉnh những người thích đa đảng, hay muốn chống cộng, xuyên tạc, phá hoại đất nước. Bởi lẽ không phải họ ngu, mà họ cố tình ngu như thế và giả vờ là đấy là cách hay cho đất nước. Tôi viết bài này để cho những ai thực sự không hiểu sự nguy hiểm tiềm tàng đằng sau chữ “đa đảng”, tôi viết cho những ai không biết tí ti gì về chính trị hết, hay những ai thực sự muốn phân tích mặt thiệt hơn của đa đảng so với độc đảng ở VN.
Lý do thứ hai là, vào sáng chủ nhật này, thức dậy lướt facebook, một người bạn tôi đã dẫn link một bài viết, nói tôi đọc và cho biết ý kiến, thế là tôi viết comment cho bạn ấy, quay đi quẩn lại, nó còn dài hơn biên bản … họp Đảng cho nên lỡ rồi, thì viết thành 1 bài dài hoàn chỉnh luôn, vậy là tiêu luôn cả ngày chủ nhật để viết ra bài viết này. Bài viết thể hiện quan điểm của tôi, dựa trên kiến thức, kinh nghiệm, độ hiểu biết, suy nghĩ và phân tích của tôi về vấn đề đa đảng ở VN.
Bài này thực sự không dài như những bài khác, nó cũng không nêu rốt ráo hết các vấn đề, lập luận, mổ xẻ chi li từng tý một nhưng nó như một lời phản bác của tôi dành cho cái bọn cổ xúy cho đa đảng, điều mà theo tầm nhìn của tôi: Tôi chắc chắn rằng nó sẽ phá hủy hoàn toàn đất nước, con người Việt Nam, chứ không làm VN khá hơn như nhiều người mộng tưởng.
Những lời dưới đây có thể xem như lý lẽ của tôi chống lại bọn thích đa đảng mà chả hiểu quái gì về tình hình, văn hóa, con người, đất nước VN. Các bạn hãy dùng những bài viết và những lý lẽ của tôi để tranh luận với đám đòi dân chủ và đa đảng ở VN nếu các bạn đuối lý. Nhưng, tôi cũng không có ý định khuyên các bạn cãi nhau với đám đó, vừa mất thì giờ của chính mình mà không đạt được gì cả, bạn không thể làm họ khôn hơn được, cãi nhau chỉ làm ta thắng về lý lẽ chứ chẳng làm cho nhận thức họ tăng lên được, không khuất phục được lòng người.
-- o0o --
Tôi xin nói trước, tôi không phải là Đảng viên Đảng CS VN nhé (đến đoàn viên, chúng nó còn không cho tôi vào, ra trường 8 năm rồi còn không làm đoàn viên mà chúng nó bóc lột lệ phí đoàn viên của tôi không thiếu một xu trong mỗi năm đi học từ đầu cấp 3 đấy nhé) , tôi càng không phải người của chính phủ như Ban Tuyên giáo, hay “nằm vùng” như Tổng Cục 2 hay Công An Mạng (tôi ghét nhất bọn này, chuyên chặn mấy trang web 18+ mà tôi truy cập hàng ngày) cắm cài vào đây để nói tốt cho CS nhé. Tôi đủ khôn hơn họ để biết cái gì tốt nhất cho đất nước VN, chứ không phải cái loại được giáo dục rất tốt để khen Đảng nhiệt tình đâu. Nên nếu ai nói tôi thuộc các thành phần trên thì quên đi nhé.
Ta quay lại vấn đề, như mọi người thấy đấy, ngày hôm nay, đất nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về mặt kinh tế, và càng khó khăn yếu kém + cái mồm tự do dân chủ ngày hôm nay khác hẳn thời còn ngăn sông cấm chợ thì cái xu hướng chửi Đảng và móc ngoáy càng bạo mồm. Tuy nhiên, tôi đảm bảo rằng, nếu VN mà đa đảng thì chắc chắn tương lai VN sẽ có các hiện tượng sau:
1) Các đảng phái đánh lộn lẫn nhau: Nhìn ngay thời chống Mỹ, cả miền Bắc có mỗi CS mà đám đảng phái trong miền Nam đã đánh nhau tá lả để giành chính quyền rồi, CS chưa chết mà nó còn thế đấy. — > đối với người Việt (tôi nói riêng người V thôi nhé, các nước khác phải phân tích cụ thể) nếu đa đảng thì sẽ ko có chuyện cạnh tranh ôn hòa như Mỹ, Anh, Pháp đâu, mà sẽ lao vào đánh nhau, giằng giật. Tại sao tôi dám nói vậy ? —-> nhìn vào Văn hóa VN để thấy tính cách của con người VN, mọi người có thể thấy con người Việt chúng ta VÀO THỜI BÌNH thì giành giật, bon chen, chen lấn, đố kị nhau như thế nào. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính cách từng nhóm người cạnh tranh với nhau (à, ở đây ý tôi là nhóm người ấy là từng đảng, các đảng nó cạnh tranh với nhau) chắc chắn sẽ không thoát khỏi giành giật, đập phá. Ai mà nói là sẽ không có việc đó xảy ra vì có tam quyền phân lập, nên QĐ, tòa án sẽ đàn áp. Cái đó là nói ngu đấy. Người VN thì sợ quái gì luật? nhờ tính linh hoạt trong văn hóa nên con người VN lách luật thì thuộc hàng số một, và đừng quên ông bà ta nói “phép vua thua lệ làng” ngày nay chỉ còn phép vua (luật pháp chung) còn “lệ làng” thì làm gì có ? Vì làm gì người V sống trong các làng co cụm như ngày xưa nữa ? Tóm lại, điều đầu tiên tôi đảm bảo, đó là nếu VN mà đa đảng, thì người VN CHẮC CHẮN SẼ MẤT ĐI SỰ ĐOÀN KẾT, trong thời bình thì sự đoàn kết này … rất hiếm khi thấy, thậm chí có đôi lúc ta còn tưởng là không có.
Khi người VN tối ngày lo giành nhau, đánh nhau bầu cử cho đảng nào thì chắc chắn không còn sự đoàn kết, trong khi dân tộc VN là 1 dân tộc rất nhỏ (nếu tính đủ 54 dân tộc vẫn nhỏ) cho nên, nếu ko có sự đoàn kết, tài sản vô giá của người VN (nếu trong tình huống nguy khốn thì có thể xem “đoàn kết” như tài sản duy nhất của người V), thì VN chắc chắn sẽ chết, và bị xé lẻ bởi vô số nước, đầu tiền là TQ, sau đó là bọn TB Mỹ vào hút tài nguyên. VN mà đa đảng thì không cần tranh cử và biểu tình đâu, chia phe đánh lộn thẳng ngoài đường luôn. Lúc đó CA làm gì được? Cũng chia phe ủng hộ 2 group, rồi kéo quân đội vào dẹp bạo động trong nước, tướng lĩnh QĐ cũng chia phe thì cả lũ đứng đó mà nhìn nhau à?
2) TQ chắc chắn sẽ “làm thịt” VN ngay tức khắc nếu VN đa đảng! Tại sao thế ? Sở dĩ mà VN yên ổn như thế này vì 1 vài lý do sau đây:
a) Quân đội VN rất mạnh (tôi không chém gió, mạnh nhất ĐNÁ, ít nhất là ở giai đoạn này, tương lai sau này tôi thì không biết, cái này tôi cũng không chém, thằng nào phản đối câu này, là thằng thiển cận, không biết tình hình nội bộ QĐ nên mới sủa bừa thôi, kẻ biết sẽ hiểu tại sao tôi nói mạnh mồm như vậy) là một nỗi lo cho Trung Quốc. Chiến tranh mà xảy ra, TQ chưa chắc thắng, mà thắng được VN thì không “tàn” cũng phải “phế” ít nhiều.
b) TQ bây giờ dù muốn đánh VN cũng phải nghĩ đến tình anh em XHCN –> tức là chung ý thức hệ CS, dù sao thì mình cũng không phá nó, chỉ nó đang phá mình, mình vẫn giữ giọng nhỏ nhẹ với nó. Đánh mình thì dư luận đủ kiểu, khó khăn đủ bề (ai đã coi bài viết của mình dự báo mốc war với TQ, thì trong đó có ghi đấy) Dù TQ chẳng cần đến CS VN thì nó vẫn phải cố giữ hòa khí, vì rất nhiều lý do, đặc biệt là trong GĐ hiện nay. Đa đảng là kích cho TQ quậy phá và đánh VN bởi ko còn ngượng mặt với ĐCS VN nữa.
c) trong suốt thời kì ĐCS VN nắm quyền cho đến nay, ít nhất là họ giữ đc VN trung lập, không ngả về nước lớn (đồng minh thì ai chả có, Nga với VN thì chỉ là đồng mình, không hơn, ko phải VN ngả về nó.) Chí ít, điều đó khiến TQ an tâm mà chưa nghĩ đến chuyện triệt hạ khẩn cấp, trừ phỉ VN ngả về TQ mới đáng nói. Còn bây giờ đa đảng, chắc chắn bất cứ đảng nào lên ngoài đảng CS VN, chúng nó cũng sẽ chọn ngả vào Mỹ, và lúc đó, chính trị và ngoại giao VN sẽ y chang Thái-Nhật-Phil-Hàn trong cách ứng phó với nước khác. Tức là hở 1 chút thì : gọi Mỹ, lấy Mỹ ra dọa, hở một chút thì hợp tác với đồng minh tập trận, hở một chút thì đưa máy bay chiến đấu lên kèm máy bay, tàu chiến nước khác. Khi đó thì tưởng tượng TQ sẽ đối xử với VN thế nào? Chưa kể, CS mà toi luôn, thì các đảng khác làm đồng minh với Mỹ, đám “dân chủ” này chắc chắn sẽ mời (thậm chí năn nỉ) Mỹ đóng quân ở Cam Ranh, và đặt ô bảo hộ hạt nhân, cắm hệ thống Patriot ở Lạng Sơn sát đít khựa, thì nó làm sao chịu cho nổi? nó càng cố tìm cách dọn sạch VN hơn, rồi khi đấy nó sẽ đưa hết dân tộc Hoa ở VN lên chế ra cái đảng CS VN giả mạo, bù nhìn nào đấy do người Hoa cai trị để biến VN thành đồng mình của nó. Cái viễn cảnh tôi chỉ ra đấy, còn tệ hơn độc đảng CS bây giờ do người Kinh nắm quyền chính, phải ko?
Tóm lại, từ giờ cho tới khi TQ sụp đổ, ko có đảng CS Vn thì VN toi trước khi TQ sụp đổ là cái chắc.
3) Đất nước VN rất có thể sẽ tự bị xé lẻ ra làm nhiều mảnh, giống như LX cũ, ít nhất là 2 mảnh, miền Nam và Miền trung-bắc, bởi vì trong này, đặc biệt về miền tây, con em sĩ quan VNCH rất nhiều, họ sẽ ủng hộ đa đảng, còn miền bắc ủng hộ ai thì khỏi nói. Còn lại miền Nam, lúc đấy trong cái tụi đa đảng ấy nó sẽ lại đánh lẫn nhau theo đúng tính cách bon chen của người V, khi đấy Mỹ và TQ cứ đứnng ngoài mà cười thôi. Lúc đấy chữ đoàn kết mà tôi nói phía trên coi như vứt, và dân tộc VN chả có tài sản gì quý giá hơn chữ đoàn kết cả! ĐCS VN hiện đang là nhân tố chính để duy trì sự đoàn kết điều mà đa đảng thì không đảng phái nào làm nổi điều đó (bởi lẽ khi mất ĐCS VN thì cũng xem như bọn đa đảng sẽ xóa xổ luôn Mặt Trận Tổ Quốc, vốn là một trong những cánh tay phải của Đảng, với nhiệm vụ chính là giải hòa, đoàn kết 54 dân tộc), nếu ko có đoàn kết chính trị ở mức tương đối, thì sẽ không có đoàn kết gì khác cả.
4) VN sẽ rơi vào vết xe đổ của tất cả các nước tư bản trước chúng ta đang là các quốc gia đa đảng, lưỡng đảng. Đó là chính phủ không thực sự là của họ nữa! Chính phủ đã thuộc về tay một tầng lớp số ít trong xã hội nhưng nắm giữ nhiều của cải, và biết cách biến các của cải ấy thành quyền lực chính trị để tạo ra nhiều của cải hơn. Tất cả những điều ấy được ngụy trang cực kì mỹ miều dưới mấy cái tên “tự do”, “dân chủ”. Điều mà ví dụ như ở Mỹ, nó đã bay mất từ sau thế chiến 2 mà đến cả người dân cũng không biết (ai đó rành lịch sử Mỹ sẽ thấy là cái thời nước Mỹ còn là của người dân, tổng thống lên là tổng thống cống hiến mình cho dân, và họ liên tục bị ám sát hay chết với nhiều lý do rất kỳ quặc, thậm chí là vô lý, đấy là cái thời tổng thống còn là của dân bầu, của “tự do” đấy). Ngày nay, người Mỹ không hề biết họ đang bầu cử cho ai, họ hoàn toàn không còn biết rằng những người mà họ đưa lên không phục vụ cho họ, mà đang phục vụ cho những tầng lớp lắm của cải trong xã hội khác. Nếu đa đảng, VN chắc chắn cũng không còn một đảng phái cụ thể phục vụ cho số đông như hiện nay, (mà số đông con người VN là những người nghèo khổ), khi đó sẽ dẫn tới một điều nực cười và ngược ngạo đó là số đông người dân sẽ đi phục vụ cho một đống đảng.
Nghèo là sao? Là hôm nay ngồi ăn chúng ta vẫn tính đến miếng ăn của ngày mai. Nghèo là sao? Là chúng ta thiếu hụt không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần, ngày mà chúng ta vẫn còn lo lắng, sống buồn bã, chán nản, không hoài bão, lý tưởng, ngày mà chúng ta vẫn … thất tình, không hạnh phúc gia đình, chúng ta vẫn cứ là người nghèo.
À, còn nhiều hậu quả xảy ra khi VN đa đảng, nhưng những cái trên là nhãn tiền, khả năng xảy ra là cao nhất, bây nhiêu thôi đủ lo rồi, khỏi cần phải nghĩ thêm hậu quả nữa.
-- o0o --
Còn bây giờ ta bàn qua cái khác, cái mà bài viết trên với vài người đang cãi nhau sống chết kia, từ ưu điểm, nhược điểm của Đa Đảng nhé:
Đầu tiên, tôi sẽ nói về ba cái cụm từ “tham nhũng”, “không tự do, dân chủ”, “đàn áp tôn giáo”, “chuyên quyền”, “độc tài” blah. blah. blah, …
Tôi chỉ nói một câu thôi: “thằng nào sủa ba cái này thì ngu lắm” !!
Bất cứ khi nào lấy một ai đó lấy những lý do như trên mà kể tội sự độc đảng thì một là “ngu lắm” (mới nhắc phía trên!) không biết gì hết (hoặc là đám hùa theo), hai là tìm mọi cách để thắng thế về quan điểm, câu chữ hòng cổ vũ cho đa đảng, hay nói trắng ra chúng nó muốn lật ĐCS, ba là chúng nó qua mê muội sau một thời gian dài du học và sống tự do muốn làm cái gì thì làm ở phương tây, nên chúng nó nghĩ rằng “phải như Mỹ mới sướng”, vì thế bọn này trở thành ba cái loa tuyên truyền không công cho Mỹ, mà chả ai cho chúng xu nào cả.
“tham nhũng” trước nhé! Đầu tiên, nước nào mà chả có tham nhũng? Có ai dám nói nước Mỹ văn minh thế, Nhật Bản trọng sự trong sạch và ý thức cao thế mà không có tham nhũng không? Đâu mà chả có tham nhũng, cái chính là tham nhũng ít hay nhiều thôi.
Vậy tại sao ở VN, tham nhũng lại nhiều và trầm trọng thế?
Cái bọn mà cứ tối ngày bô bô cái mồm tham nhũng, tham nhũng, thì chỉ là cái bọn bêu rếu, chỉ muốn đánh sập uy tín của CS. Bạn hãy nhìn xem, các nguyên thủ quốc gia các nước, hay các doanh nghiệp muốn thực sự đầu tư vào VN, họ tiếp xúc cũng không lôi vấn đề tham nhũng ra “ngoáy” lãnh đạo CS VN. Bởi họ làm chính trị, làm kinh tế thì họ đã nghiên cứu chán ba cái môn xã hội học, tâm lý học, và văn hóa các nước rồi. Họ thừa hiểu rằng các nước đang phát triển (theo cách gọi của thế giới hiện đại cho văn vẻ, chứ vất sĩ diện quả một bên nói trắng ra thì ta gọi là các nước nghèo!), mà là nước đang phát triển thì luôn luôn đối diện với tình trạng tham nhũng, THAM NHŨNG LÀ ĐIỀU RẤT BÌNH THƯỜNG Ở CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN, TRONG ĐÓ CÓ VIỆT NAM.
Một xã hội nghèo đói thường là nghèo đói trước hết là về vật chất (1 số ví dụ về xã hội nghèo có thể kể đến Mỹ, nhưng họ là nghèo đói về tinh thần sau khi vật chất đã quá dư dả), mà nghèo về vật chất thì họ thường có xu hướng tìm kiếm vật chất cho nhiều để bù đắp sự thiếu hụt vật chất đó. Hay nói cách khác nhé, một xã hội đang phát triển là một xã hội khát khao vật chất. Và không chỉ xã hội đang phát triển có nhu cầu khát khao vật chất như nguồn lực, tài nguyên, tiền bạc, nhân lực để tự xây dựng xã hội đó, mà chính con người sống trong xã hội đó cũng khát khao vật chất. Không phải chúng ta núp sau màn hình nói thánh nói tướng gì trên web thì tắt máy đi chúng ta cũng phải đối mặt với cơm áo gạo tiền đó sao?
Cái gì cũng vậy, “vừa vừa thôi” thì tốt, đi quá giới hạn thì xấu. Khat khao và tìm kiếm vật chất cũng vậy, khi mà sự thèm khát trở nên thái quá, con người ta sẽ làm mọi thứ để có vật chất (câu tục ngữ đúng nhất trong hoàn cảnh này là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”), vật chất ở đây thể hiện ra là đồng tiền, khi con người ta có quyền lực, họ quá khát khao vật chất, (hay gọi là tiền đi cho gọn) thì họ sẽ làm mọi cách lấy nó. Và tất nhiên, hành động kiếm tiền ấy trở nên bất chính. Con người bị tha hóa đi vì sự quá khát khao vật chất.
Khi họ có quyền lực, chèn ép người khác để bòn rút, buộc người khác phải móc tiền đưa cho họ để đạt 1 số mục đích nào đó của người đó, thì tức là hành vi tham nhũng rồi còn gì.
Bàn về vấn đề quyền lực, quyền lực của một ai cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Miễn là công việc đấy dính dáng đến phạm vi của họ. Nói một ví dụ đơn giản, một ông bảo vệ cũng có thể tham nhũng, trong phạm vi quyền hạn của mình, ông ấy làm khó dễ để người ta không ra vào công sở để làm việc được. Thì muốn vào cũng phải đưa tiền, chạy chọt (chờ đến khi gặp giám đốc để phản ánh thì cũng hết hơi) và từ đó, tham nhũng tiêu cực xảy ra. Bạn thấy đấy, tham nhũng có thể xảy ra ở bất cứ đâu, chứ không phải chức thật to mới tham.
Vậy làm sao mà quản và cản cho nổi ?
Lãnh đạo các nước nó nói chuyện với VN, nó không đặt nặng vấn đề tham nhũng, bởi vì, nó biết rất rõ, các nước nghèo thường dễ bị vật chất làm tha hóa, xã hội đang phát triển thì sẽ có lắm lộn xộn phát sinh, và lộn xộn thấy đầu tiên đó chính là “tham nhũng”.
Bạn cũng đừng quên TQ hiểu điều đó, nên nó mới dùng tiền để mua, đút lót hối lộ quan chức các nước đang phát triển nhằm đổi lại lợi ích kinh tế, điển hình là các nước ở Châu Phi hiện nay để thu hút tài nguyên, và nói đâu xa, ngay VN đây thôi, quan chức cũng bị nó mua chuộc (tất nhiên là ở cấp thấp thôi).
Cái thứ mà tối ngày bô bô vấn đề tham nhũng thì thường để chọc ngoáy, bêu xấu, hạ thấp uy tín từ sự lãnh đạo của CS thôi.
Còn nếu ai móc ngoáy rằng, tại vì độc đảng nên không có sức cạnh tranh, không dám lên tiếng, hay tại vì độc đảng tạo nên cơ chế pháp lý nhũng nhiễu cho tham nhũng, cơ chế kém, dựa vào hơi CS để bòn mót, thì tôi nói thẳng: tất cả chỉ là ngụy biện!
Ai nói là tại cơ chế, biện pháp quản lý, luật pháp lỏng lẻo thì là nhầm. Đó là tại người VN quá siêu thôi! Ai học văn hóa sẽ biết có 1 tính cách rất đặc biệt của người Việt, mà nhờ nó mà VN bao lần thoát khỏi sóng gió đủ mọi loại, đó chính là tính linh hoạt. Kể cả khi luật pháp, cơ chế có chặt chẽ cách mấy, với sự luồn lách, né tránh đầy tài tình, khéo léo từ chính tính linh hoạt của người Việt, thì luật pháp cũng trở nên vô dụng, và khi luật pháp không kiềm chế nổi các hành vi lách luật tìm lợi ích cá nhân (nói thẳng ra là kiếm cớ tham nhũng) thì lại tiếp tục bài ca luật pháp, cơ chế không tốt, thế thôi! Và chính vì pháp luật, cơ chế chưa tốt nên mới sinh ra quốc hội để làm luật, tòa án để thi hành và bọn thanh tra, viện kiểm soát đi bắt cái mớ lách luật và tham nhũng.
Tóm lại, không có ai dám đảm bảo là đa đảng thì VN hết tham nhũng, tôi nói ra không phải dọa hay chém gió, nhưng có khi chính đa đảng tạo nhiều điều kiện cho tham nhũng tràn lan hơn, đừng nghĩ rằng đa đảng thì 1 đảng có sai phạm, đảng kia bắt lỗi để giành chính quyền trong chính trị nhé. Có ai nghĩ đến trường hợp ngược lại là tất cả các đảng nó đều tham nhũng cả nên nó thống nhất nhau im và lờ đi vấn đề tham nhũng không? Nói đâu xa, ngay chính thời chống M, cái miền Nam này đa đảng nhưng mà quan chức 2 phe ăn chặn, tham nhũng đầy. Tôi nhớ không lầm, có 1 tướng Mỹ viết lại hồi ký nói rằng, binh lính và quan chức VNCH chẳng làm được gì cả, chỉ giỏi ăn hối lộ! (tôi quên mất tên vị tướng Mỹ và cuốn sách ông ấy viết là gì rồi). Bọn lính đánh thuê Hàn quốc cử sang đây cũng chê cái chính phủ “dân chủ” VNCH này là tham nhũng đấy.
Vậy tôi hỏi, dưới thời “dân chủ” như lúc VNCH mà quân tướng Mỹ còn thốt lên thế, vậy cái thời này, nếu đa đảng thì có thằng nào bảo vệ lập trường đa đảng của mình dám đưa đầu ra thề, đảm bảo rằng đa đảng thì sẽ chấm dứt hay giảm tối đa tham nhũng không? Nếu không thì đừng lấy tham nhũng ra làm bình phong, che đậy và ngụy biện cho việc lãnh đạo của CS VN. Cơ chế, luật pháp có kém thì mới có người để làm việc, còn nếu hoàn hảo tuyệt đối thì sinh ra quốc hội lập pháp làm quái gì nữa? Một đất nước nghèo đói, người người nhà nhà hối hả kiếm tiền, cả xã hội tìm mọi cách thu hút tiền như ODA thì làm thế quái nào đòi sạch bóng tham nhũng như Nhật, Mỹ,Anh, Sing được?
Tóm lại, về chữ “tham nhũng” mà nói thì luôn có một thực tại đau đớn rằng: CÁC NƯỚC NGHÈO THÌ CHẮC CHẮN SẼ THAM NHŨNG, MÀ VÌ THAM NHŨNG NÊN CỨ NGHÈO HOÀI. ĐÂY TRỞ THÀNH MỘT CÁI VÒNG LUẨN QUẨN KHÔNG CÓ LỐI RA.
Còn hỏi tôi cách nào để giải quyết thì rồi sẽ có một bài viết khác của tôi nói riêng về tham nhũng, tìm cách giải quyết ở bài viết khác.
“không tự do, dân chủ” à? Đúng, VN cũng chả có dân chủ gì đâu, nhưng, thực ra, nếu ai đó cứ nghĩ Mỹ hay phương Tây dân chủ hơn có khi lại nhầm, dân chủ là vào giai đoạn đầu hình thành nhà nước thôi. Về sau, chính quyền và các đảng phái cũng bị tha hóa rồi, giờ đây nó phục vụ quyền lợi cho thiểu số, cho một nhóm lợi ích nào đó, cụ thể là các tay chủ công ty, ngân hàng có tiền nên tìm quyền. Nếu ai nghĩ cứ đích tay mình cầm lá phiếu đi bầu bỏ vào thùng và ra đừng ngoài đường gào lên cái gì cũng được là dân chủ thì người đó nhầm. Thể hiện được quyền dân chủ của mình không đồng nghĩa với việc thể hiện xong mình có quyền dân chủ thực sự. Tôi nói đến đây, ai có óc người đó sẽ hiểu.
Trước đây, trong một bài viết của tôi về thông tin, sự kiểm duyệt, tôi đã nói rất nhiều về vấn đề dân chủ, nhà nước, sự kiểm duyệt ở VN rồi, nên giờ tôi không nhắc lại.
“đàn áp tôn giáo”? Nhiều người nghĩ rằng dưới tay CS thì tất là có đàn áp tôn giáo bởi vì CS là vô thần chăng? Điều đó đúng ở nước nào thì tôi không cãi, nhưng ở VN mà há mồm ra nói câu này thì ngu hay quá lú lẫn nên không phân biệt được.
Thế tôn giáo nào bị đàn áp? Thôi, chỉ đích danh ra cái cụm đàn áp tôn giáo mà cái đám bêu rếu cụm này muốn nói nhé. Chữ “tôn giáo” mà các người nói bóng gió ở đây là “thiên chúa giáo” chứ gì ?
Buồn cười thay, tôi hỏi nhé! Nhiệm vụ của tôn giáo ban đầu là gì? Là xen vào chuyện chính trị à? Là đứng biểu tình mang màu sắc chính trị, khơi gợi lịch sử, tôn giáo à? Là chửi chế độ à? Tự do, dân chủ là nhiệm vụ của tôn giáo à?
Nhiệm vụ của tôn giáo và công việc thường làm là cầu nguyện và các hoạt động xoanh quanh tâm linh, tinh thần thôi. Không phải chỗ để đứng một đống ra đấy và xen vào chuyện chính trị, rồi khi người ta ra giải tán thì núp bóng tôn giáo – Thôi, nói trực diện, Thiên Chúa Giáo để gào lên là “đàn áp tôn giáo” nhé.
Thiên chúa giáo và tôn giáo cũng như tham nhũng, tự do, dân chủ, chỉ là con bài rẻ tiền và cũ rích của phương tây chỏ mồm vào ngoáy thể chế chính trị của VN. Mà điển hình là sự lãnh đạo của CS.
“chuyên quyền, độc tài”ư? Thế nào là chuyên quyền, thế nào là độc tài?
VN vốn không có cơ chế tam quyền phân lập như phương tây, nên đã rất khôn khéo trong việc phân chia quyền lực cho các thành phần trong đất nước nắm giữ. Điển hình là quyền lực tối cao được chia ra cho 4 vị trí lãnh đạo: Thủ tướng (mảng kinh tế, tài chính), Chủ tịch nước (mảng quân đội), Tổng bí thư CS (mảng đường lối, định hướng, mảng chính trị), Chủ tịch quốc hội (mảng lập pháp). Nhiệm kì hiện tại ở VN là “bộ tứ quyền lực nhất VN – Hùng Dũng Sang Trọng” như mọi người vẫn gọi vui đấy! Và chính sự phân chia quyền lực này ở VN vừa tạo sự đoàn kết thống nhất khi cần huy động quyền lực nào đó, lại vừa tạo sự phân định quyền lực rạch ròi mà không dẫm chân lên nhau.
Chính sự phân chia quyền lực này, kì thực mà nói, nó thay cho cơ chế tam quyền phân lập ở phương tây. Về một khía cạnh nào đó mà nói, nó là một mô hình quản lý, phân chia quyền lực thích hợp cho VN, hơn hẳn cơ chế đa đảng. Cơ chế đa đảng hay gọi là tam quyền phân lập quá bám pháp luật. Mà đối với người VN “vốn phép vua thua lệ làng” thì luật pháp là cái đinh gì trong mắt họ? Người V vốn không tôn trọng pháp luật nên cơ chế trên nếu có thì cũng chỉ cho vui. Rồi khi bao động xảy ra giữa các phe phái trong VN thì cơ chế đấy chỉ có thể làm mỗi việc duy nhất là huy động lực lượng ra đàn áp.
Đả đảng hay độc đảng, còn phải tùy vào con người, tính cách văn hóa từng quốc gia, nó có thể hợp với Mỹ, phương tây vốn con người rất tôn trọng kỉ luật, còn XH phương Đông vốn có cách thức tổ chức XH rất khác, riêng con người VN vốn nhấn mạnh vào văn hóa, dùng văn hóa để tổ chức và điều khiển hoạt động của XH.
Ở VN, thằng nào dám đưa đầu ra đảm bảo rằng đa đảng một cái là đời sống của con người VN sẽ khá hơn trên mọi mặt?
Còn nếu hỏi thế nào là độc tài, thì phải hỏi Lybia, Ai Cập, Irắc của Saddam Hussein ấy. VN không được lãnh đạo bởi một người, mà được lãnh đạo bởi một tổ chức, mà một tổ chức thì sẽ có người thế này thế kia. Nên không thể nói là độc tài được.
Tóm lại, nếu ai hỏi ý kiến của tôi về đa đảng hay không đa đảng. Tôi nói là, sự lãnh đạo của ĐCS VN sẽ là lựa chọn tốt nhất cho con người VN.
Ngày xưa khi ông bà ta đấu tranh chống Pháp ,Mỹ. Ko phải ngẫu nhiên mà họ lại quyết định chọn ĐCS để lãnh đạo, dù thời đó họ rất mù mờ và còn chả hiểu CS là cái mả mẹ gì, họ chẳng thấy đc con đường phía trước, tức là ngày hôm nay chục năm về sau khi thắng Mỹ nhưng họ vẫn chọn ĐCS VN, đó là lý do duy nhất mà phe CS VN thắng Mỹ –> được dân ủng hộ. Tôi tin, họ chọn sẽ ko sai lầm đâu.
Người VN làm kinh tế rất kém, đó là sự thật, kết quả là bây giờ lòi ra Vinashin, Vinalines và hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, cái kém nhất khi làm kinh tế lại chính là ở tư duy của người Việt, dân nông nghiệp đối với miếng ăn thì chỉ biết làm hôm nay, tính ngày mai, hết sức ngắn nghĩ, trong khi kinh doanh thì phải tầm nhìn, chiến lược rất xa. Sự “bất động” của bất động sản chính là thứ vừa thể hiện cái tư duy ngắn nghĩ, chủ quan duy ý chí, vùa không bám vào quy luật cung cầu đấy.
Người VN làm kinh tế rất kém, nhưng làm chính trị rất giỏi. Đảng CS VN lại thừa hưởng được điều đó. Kết quả có thể thấy là chính phủ ta, đối ngoại, đối nội, làm chính trị rất khôn khéo. Khôn khéo ở chỗ sống gần một thằng gấp 10 lần mình mà nó không bụp mình nát bét đã là khôn rồi. Còn kém về kinh tế thì rõ ràng ra là sự thua lỗ của các công ty nhà nước.
Rồi sẽ có bài viết của tôi đề xuất cách khắc phục tất cả các nhược điểm trên.
Còn vấn đề cạnh tranh chính trị? Nhiều người nói rằng, ở VN không có sự cạnh tranh về chính trị, tức là sẽ không có sự tiến bộ. Câu này tôi vừa đồng ý vừa không đồng ý, đồng ý thì chỉ phân nửa thôi. Đồng ý là luôn luôn phải có sự cạnh tranh thì mới có phát triển.
Nhưng, câu hỏi đặt ra là cạnh tranh như thế nào, cạnh tranh ở mức độ nào cho vừa phải mà không thái quá. Đảng CS VN, nội bản thân nó đã là sự vận động như thế rồi.
Ở VN chỉ có mỗi một đảng, và điều đó làm nhiều người nhầm tưởng là không có sự cạnh tranh, hay, họ “cố tình” “nhầm tưởng” như thế. Rất nhiều người cứ ngây thơ nghĩ rằng, muốn cạnh tranh là phải có tối thiểu 2 phe, hay 2 thuộc tính tương khắc. Mà họ quên rằng, cạnh tranh còn có sự tiềm tàng bên trong.
Các loại cạnh tranh:
Vậy trong khuôn khổ bài viết, tôi tập chia ra loại cạnh tranh:
Cạnh tranh loại thứ nhất, như nhiều người muốn đa đảng nói, đó là sự cạnh tranh giữa 2 đảng phái, khi đó, những ai chung chí hướng sẽ cùng gom về 1 phe, chia 2 phe, và cứ 1 phe lên tiếng thì phe kia phản bác. Cái này quá thường thấy ở phương tây, tôi sẽ không nói cụ thể về hình thức và hoạt động nữa.
Cạnh tranh loại thứ hai, là cạnh tranh ở bên trong, tôi cũng tạm gọi là cạnh tranh tiềm tàng, đây theo đánh giá của tôi là loại cạnh tranh khôn ngoan, khôn khéo và có phần ưu việt hơn loại một. Loại này thấy ở các nước độc đảng mà có dân chủ (dân chủ không dùng thước để đo đếm được nhé, nên bạn đừng trách có lúc tôi nói VN không có dân chủ, rồi lại có lúc bạn thấy tôi quay ngoắt 180 độ nói là có dân chủ nhé, tùy lúc và tùy vào ngụ ý của tôi), ví dụ như độc đảng mà chia đều quyền lực để tránh lạm quyền như VN. Bạn sẽ thấy sự cạnh tranh đến từ 2 phe trong đảng CS.
Hay nói cách khác, người ta hay đồn thổi là trong nội bộ đảng CS VN chia làm 2 phe, một phe là bảo thủ, phe còn lại là hiện đại. Thực ra, không hề có việc phân phe cụ thể kiểu như: “tao phe A trong đảng CS, mày phe B cũng trong đảng CS”, cách gọi chia phe chỉ đơn thuần thể hiện sự khác biệt trong suy nghĩ, tranh luận về đường hướng phát triển đất nước. Không phải lúc nào cũng rõ ràng như mọi người nghĩ là chia hai phe chém nhau đâu.
Một người phe bảo thủ (tức là tư tưởng bảo thủ) có thể sẽ quyết định cách phát triển đất nước theo hướng X, người phe hiện đại sẽ mở xu hướng phát triển đất nước theo hướng Y, đại loại thế.
VÀ CHÍNH SỰ KHÁC BIỆT VỀ MẶT NHẬN THỨC NÀY SẼ TẠO RA SỰ CẠNH TRANH TIỀM TÀNG TRONG ĐẢNG MÀ KHÔNG PHÁ VỠ SỰ ĐOÀN KẾT TRONG NỘI BỘ ĐẢNG. CẠNH TRANH Ở ĐÂY SẼ LÀ SỰ TRANH LUẬN VỚI NHAU MÀ CHỌN RA ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN CHO ĐẤT NƯỚC, CHỨ KHÔNG ĐỐI ĐẦU DẪN ĐẾN ĐÁNH NHAU. ĐIỀU MÀ KHI ĐA ĐẢNG Ở VN, VÌ KHÔNG CÒN SỰ QUẢN LÝ, SẼ DẪN ĐẾN ĐÁNH NHAU RA MẶT. CÒN TRONG KHI ĐỨNG DƯỚI NGỌN CỜ CHUNG MANG TÊN CỘNG SẢN, KHÔNG AI DÁM ĐÁNH NHAU RA MẶT CẢ, VÌ ĐÁNH MÀ CHIA PHE THÌ NGAY TỨC KHẮC BỊ TỐNG CỔ RA KHỎI ĐẢNG CS THÌ KHỎI LÀM CHÍNH TRỊ!
Cho nên, ai mà nói ở Đảng CS VN không có sự cạnh tranh để tạo sự phát triển thì đó là sai lầm. Cạnh tranh là cạnh tranh ngầm, nó thể hiện qua sự phản biện, tranh cãi trước một đường lối được đưa ra trong các buổi họp ở Đảng, mà dân tình và người ngoài đâu có biết. Họ không biết là các đường lối định hướng của Đảng là đã thông qua các buổi tranh cãi, tranh luận kịch liệt và sửa từng câu từng chữ rồi mới ra quyết định. Và khi ra quyết định thì mọi người cũng chỉ gật đầu rồi chỉ đạo của Đảng từ trên xuống mà làm, chứ đâu có biết nội tình bên trong.
Ai đó mà nói chỉ đa đảng mới có sự cạnh tranh là sai lầm, là nói mà không nghĩ. Trong môi trường dân chủ thì sẽ có sự cạnh tranh, VN đã cố gắng tạo ra dân chủ bằng cách thả cho mọi người nói, nói nhưng đừng phá. Và kết quả là khi xã hội VN, kinh tế VN gặp khó khăn thì chúng ta tung mồm ra mà chửi thoải mái, nhờ thế mà chúng ta mới có cơ hội “gào” đa đảng TO như bây giờ. Không dân chủ thì cứ nói câu nào là lo “mất hộ khẩu” câu đấy rồi.
Ưu điểm của đa đảng (?)
Nhược điểm lớn nhất của đa đảng ta đã nói ở trên, từ đầu bài viết của tôi rồi đấy, thôi, bây giờ ta chuyển qua nói về ưu điểm của đa đảng nhé:
1) Kinh tế khấm khá hơn, bởi có được sự hỗ trợ lớn từ phía các nước tư bản phương tây, Mỹ sẽ đầu tư cho VN như đầu tư cho Hàn chống Triều Tiên hay dồn sức để nhét con bài Irael vào giữa Trung Đông – trong lòng của thế giới hồi giáo vậy. Còn, VN có phát triển được như Irael, Hàn, Nhật hay không thì ta lại quay lại vấn đề tham nhũng, quay lại vấn đề tính cách con người VN, quay lại những vấn đề thèm khát vật chất của một xã hội đang phát triển nhé. Nếu vượt qua được những điều tôi kể thì với sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ, chúng ta có nỗ lực thì cơ may VN thành siêu cường về kinh tế sẽ đến thôi. Nhưng, vẫn loanh quanh câu hỏi là người Việt nỗ lực đến đâu hay lại quay lại hơn cả cái thời quan chức VNCH toàn ăn hối lộ nhé! SUY CHO CÙNG, GIÀU HAY NGHÈO LÀ Ở CHÍNH DÂN TỘC CHÚNG TA CHỨ KHÔNG PHẢI DO THẾ GIỚI GIÚP BAO NHIÊN TIỀN VÀ CƠ HỘI ĐẦU TƯ NHÉ! Singapore là điển hình cho khả năng làm giàu nhờ giỏi tính toán đấy. Nhật là điển hình cho khả năng làm giàu nhờ cần cù và nỗ lực đến từng cá nhân trong 1 đất nước.
2) Chúng ta sẽ được Mỹ bảo kê bằng cách cho nó thuê cảng Cam Ranh và đóng quân ở VN, giống như thuê phòng trọ ấy, hàng năm kiếm chút tiền, dựa luôn vào quân sự nó, cho nó cắm búa xua tên lửa hệ thống phòng thủ ở Lạng Sơn chọc vào lưng anh hàng xóm, chúng ta đỡ tốn tiền làm việc đó. Tuy nhiên, nếu Mỹ yếu đi, hoặc TQ mạnh hơn Mỹ, hoặc nó “hứng lên” muốn đánh thằng Mỹ thì nó làm thịt thằng nào trước để dọn đường chắc mọi người đã hiểu. Và không ai đảm bảo quân đội trong cơ chế tam quyền phân lập đầy “dân chủ” ấy đủ mạnh bằng hồng quân CS ngày hôm nay nhé, quân đội mà không chung một hướng đi thì bất bình trong điều hành là cứ nhìn Ai Cập và Thái Lan hôm nay là biết.
3) Tương lai con cháu không đảm bảo gì hết, cái này là chắc chắn. Bởi nhìn TQ khi thấy VN là đồng minh của Mỹ thì ngày nó hành hạ chúng ta không còn xa, nếu hôm nay nó không đánh thì mai nó đánh, và không ai dám chắc trong ngày mai đó, Mỹ còn bênh VN hay không, hay còn đủ mạnh bênh VN hay không. Đó là lý do chúng ta ngày hôm nay tốn một khoảng tiền khổng lồ để nuôi quân đội, mua vũ khí, sắm sửa cho ngày hôm nay là để lo cho ngày mai cả thôi. Cái tôi nêu ra cũng là lý do khiến chúng ta không bao giờ trông cậy vào người khác mà phải trông cậy vào thực lực bản thân mình. Đừng đứa nào cãi cùn rằng Mỹ hôm nay mạnh thì ngày mai cũng sẽ mãi mãi mạnh, đó là điều nhảm nhí vì quốc gia nào cũng có lúc thịnh lúc suy.
4) Văn hóa VN sẽ ra thế nào? Ngày hôm nay còn Đảng, trong các văn kiện chỉ đạo của Đảng có ghi rõ về các đường lối văn hóa, sống ra sao cho lành mạnh, bài trừ tệ nạn thế nào, chống lại văn hóa ngoại lai ra sao, tất cả đều có trong các đường lối chỉ đạo của CS, nó không tốt đẹp sao? Mấy cái đảng phái muôn tranh giành quyền lực đứa nào giỏi thì trình ra đây cái văn kiện, hay cái đường lối phát triển đất nước trong vài chục năm tới đi, nếu họ được nắm quyền. Có hay không? Hay là lo bận gào đa đảng, đặt bom, phá hoại và tìm cách đứng biểu tình nên chưa soạn thảo kịp đường lối sau hàng chục năm theo phương Tây? Một điểm lạ nữa là, tôi chưa từng thấy các văn kiện định hướng con người, đường lối phát triển cụ thể, cách sống cho người dân một đất nước đến từ tay các nước có đảng phái tư bản. Ví dụ điển hình nhất là thành trì của tư bản như Mỹ, đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa có đưa đường lối thế không? Hay cứ loanh quanh cãi nhau vì lợi ích chung mà bên nào cũng cho là mình đúng? Đường lối rõ ràng cụ thể thế có không? Nếu có thì ai đưa văn kiện đây tôi coi với, vì tôi chưa từng thấy nó lưu hành ở đâu cả. Trong khi của đảng CS thì đầy rẫy ngoài đường và trên internet và đôi lúc … vứt đi cũng không hết.
Ưu điểm của đa đảng ở VN như vậy đã đủ chưa? Theo cách hiểu của tôi thì chỉ có ưu điểm ở hiện tại nhưng lại bộc lộ nhiều khuyết điểm hơn thế nữa ở tương lai. Mà đã thấy trước tương lai như vậy rồi thì có ai ngu mà lại chọn đa đảng?
Còn rất nhiều nguyên nhân, vấn đề, lý do, và nhiều kiểu tranh luận, ưu điểm, nhược điểm của cả độc đảng lẫn đa đảng mà nói thì lập buổi thảo luận rồi cãi nhau cả tháng cũng không hết được. Tôi chỉ nói ra một số điểm thường thấy khi tranh luận thôi, không thể kể hết và phân tích hết được.
Nhìn chung, tóm lại, nếu ai hỏi tôi ai lãnh đạo đất nước tốt nhất, chí ít là ở thời điểm này, thì tôi bảo đó là đảng CS VN, họ không giỏi làm kinh tế, nhưng họ giỏi làm chính trị, họ vào thời điểm này có thể chưa làm cả đất nước giàu có, nhưng chí ít, họ không để dân phải chết đói hay để cả miền Nam và gia đình con cháu VNCH ăn hàng viện trợ của Mỹ “sung sướng” như thời chiến tranh chống Mỹ. Họ không đưa được người giỏi lên lãnh đạo về mặt kinh tế, không có nghĩa họ đã kém, chí ít, họ giữ vững cho VN yên ổn. Trong quá khứ, họ lãnh đạo VN đánh không biết bao nhiêu trận với cường quốc, từ Pháp, Mỹ, Pôn Pốt, TQ, và thời bình, họ giữ cho VN không bạo loạn đến chết người như vụ Tân Cương của TQ, biểu tình ở Thái Lan, giữ cho đất nước không bị đánh bom, nói chung, người dân ra đường không sợ chết vì đánh nhau và xung đột chính trị, ở VN cũng không có cảnh lao vào trường học nã súng như ở Mỹ. Đây đã là những thành công đáng ngưỡng mộ mà các nước khác thèm muốn trong vấn đề quản lý XH, tôi không nói đùa đâu. Các nước khác phải cảm thấy thích những gì mà sự yên ổn từ sự lãnh đạo của đảng CS ở VN, điều mà các nước như Afganistan, Lybia, Ai Cập, Irắc, Syria đều không làm được. Người dân các đất nước có đầy “dân chủ” cho Mỹ mang vào cho đấy, họ có sống yên bình hơn một đất nước thiếu dân chủ như VN hay không? Họ được nói, nhưng có ai đảm bảo cho mạng sống họ sau khi nói không? Chết vì bom đạn bất cứ khi nào. Vậy ta có nên tự hỏi rằng: Đa đảng, hay minh bạch, hay tự do, hay dân chủ có là cái giá xứng đáng để trao đổi lấy sự ổn định XH mà CS VN đã cho ta trong suốt mấy chục năm lãnh đạo? Liệu giá trao đổi có tương xứng hay không?
Vậy, người VN thích sống trong một xã hội độc đảng mà còn thấy được tương lai tương sáng hay một chế độ đa đảng cho thỏa nguyện vọng “tự do, dân chủ” của phương tây và cái đám Việt kiểu đang sống ở đâu đẩu đâu đâu ngoài đất nước Việt Nam? Nơi mà tương lai như tôi đoán định ở trên là cực kì bất ổn? Chọn con đường nào vẫn là sự quyết định của cả dân tộc, thế hệ này đang chọn độc đảng dưới sự dẫn dắt của Đảng CS VN, nhưng cũng rất có thể con cháu ta sẽ chọn đa đảng dưới sự dẫn dắt của Mỹ chống lại TQ, đó là sự lựa chọn của họ. Lựa chọn thế nào là việc phải quyết định cẩn thận, vì chính trị mà đi chệch đường nó sẽ tổn hại đến các thế hệ tương lai sau đó nữa. Mà điển hình, là như viễn cảnh mà tôi vẽ ra đấy.
Chú thích update 1 ngày 6/3/2013: cập nhật bài gốc, chủ yếu sửa lỗi chính tả, lỗi câu viết thiếu từ, sửa câu lại cho dễ hiểu
NightMoonLight
Nhận Diện Tà Giáo - Làm Sao Biết Đâu Là Tà Đạo?
1/ Đạo nào mà đào tạo con người chỉ biết tuân phục như cái máy (tuân phục tốt hay xấu chưa tính) , bỏ đi chức năng suy nghĩ của bộ não , đặt cái gọi là "đức tin" lên hàng đầu ? ----> phản động trí tuệ .
2/ Đạo nào chỉ lăm le xóa bỏ các nền văn hóa khác mình , tiêu diệt (khi xưa) hoặc cải đạo người ngoại đạo ? ----> phản động văn hóa .
3/ Đạo nào được sáng lập ra để thờ thần , phục vụ cho thần , xem con người như tôi tớ , súc vật , tạo vật của thần ? ----> phản động nhân văn .
4/ Đạo nào có tổ chức theo cấu trúc chính trị phân quyền , có thành tích vô tiền khoáng hậu theo hùa các thế lực thực dân đế quốc , chủ trương dùng sức mạnh chính trị buộc nhân loại phải khuất phục thờ thần của mình , bành trướng , làm rạng danh thần ? ----> phản động chính trị .
5/ Đạo nào chủ trương xem chân lý của kinh sách mình là tuyệt đối đúng không thể sai , có thành tích vô tiền khoáng hậu đàn áp và giết hại những người làm khoa học , có những tư tưởng chống lại khoa học , chống lại sự tiến bộ của nhân loại ? ----> phản động tri thức .
6/ Đạo nào chủ trương đem con trẻ vừa sinh ra đời phải biến ngay thành tín đồ của mình , khi trẻ lớn lên nhồi hàng ngày vào đầu nó những điều phi lý hoang đường để khiến cho trẻ cả đời sau này sống trong tâm cảnh nửa mê nửa tỉnh , biết có cái gì đó sai lầm mà vẫn nhất định tin vì nghĩ rằng đó là "màu nhiềm" , bộ óc của con người không thể hiểu nổi ? ----> phản động giáo dục .
7/ Đạo nào chỉ nhăm nho cưỡng ép người khác cải đạo , thậm chí đem cả tình yêu trai gái ra để mặc cả ? -----> phản động đạo lý .
8/ Đạo nào có một chuỗi chiều dài lịch sử mà những kẻ ngoan đạo nhất , tất nhiên là giới lãnh đạo tôn giáo , lại là đầy tội ác với những câu chuyện nhơ nhuốc như loạn luân , dâm ô , hiếu chiến , thậm chí có triều đại còn kêu gọi ném bom nguyên tử vào một quốc gia đã dám kháng chiến chống ách thực dân ? ----> phản động công lý .
Sưu Tầm
Chống “Cộng Sản” hay chống “Quốc Gia” không giúp cho cuộc đời đẹp thêm
•Nếu người Cộng Sản biết làm điều “tốt” như đánh đuổi thực dân để giải phóng đất nước, biết nghĩ tới no cơm ấm áo cho toàn dân, v.v… thì tại sao chúng ta phải chống người Cộng Sản?
•Nếu người Quốc Gia chỉ làm điều “xấu” như hung dữ đến độ ăn gan người, như cướp giật và hảm hiếp đàn bà con nít, v.v… thì tại sao chúng ta không chống người Quốc Gia?
•Nếu bạn là người thật sự muốn cho cuộc sống của người Việt Nam được thăng hoa, bạn chỉ cần suy gẩm để chọn cho bạn một đường lối thích hợp, và bắt đầu hành động. Bạn đâu cần chống Cộng Sản hay chống Quốc Gia gì đâu?
•Chống “Cộng Sản” hay chống “Quốc Gia” không giúp cho cuộc đời đẹp thêm. Chống cái “xấu” và ủng hộ cái “tốt” mới thật sự giúp bạn làm thăng hoa cuộc đời. Do đó có người đã nói: “Kẻ thù của chúng ta không phải là con người”.
•“cái nhãn hiệu” Quốc Gia và Cộng Sản mà bạn đang gắn cho người khác sẽ không động đậy được những người lành mạnh. Sau chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq… rất dẫy đầy người bệnh hoạn. Có người tiên đoán bệnh hoạn này tiếp tục di truyền tới đời con cháu, có thể cả trăm năm…
DuyenSinh
__________________
__________________
Ông Trời có đức hiếu sinh - Ai mà không muốn quyền sống, quyền làm người, người Việt Nam
Tran Quang Dieu
1) Ai mà không muốn quyền sống, quyền làm người. Vậy nhân quyền của Việt Nam phải được tôn trọng:
Xin mời xem 7 phút video: Những thước phim sống động về Chiến tranh Việt Nam - Mỹ | Battlefield in VietNam sẽ thấy nhân quyền của con người bị chà đạp như thế nào trong chiến tranh Việt Nam.
2) Có ai lại muốn hậu quả của chiến tranh xảy ra cho Việt Nam như thế này:
"Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến gây nhiều tàn phá nhất, thiệt hại nhân mạng nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam và gây chia rẽ rất sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam qua các thế hệ cũng như gây xáo trộn, chia rẽ về chính trị và kinh tế trong lòng nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tùy theo nguồn, số người Việt Nam bị thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam là từ 3 đến 5 triệu, hàng triệu người khác tàn tật và bị thương. Những người sống sót tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe và tâm lý mà cuộc chiến đã gây ra. Trong đó có tỷ lệ dị dạng bẩm sinh cao nhất thế giới[278] Hàng vạn nạn nhân chất độc hóa học tại Việt Nam hiện nay (Xem Chất độc da cam). Một nửa diện tích rừng mưa của Việt Nam bị phá hủy.[279] Mỹ đã rải ở miền Nam Việt Nam 45.260 tấn (khoảng 75 triệu lít) chất độc hóa học,[280][281] sự tàn phá môi trường do Mỹ gây ra lớn đến mức đã làm phát sinh một từ tiếng Anh mới,ecocide. Việt Nam đã trở thành đất nước bị ném nhiều bom nhất trong lịch sử thế giới. Số bom ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn[282], gấp gần 3 lần tổng số bom sử dụng trong Thế chiến thứ hai (theo nguồn khác là trên 15 triệu tấn[283]), trong cái gọi là "chính sách lunarization" (Mặt Trăng hóa). Cơ sở hạ tầng ở cả hai miền Việt Nam bị phá hủy nặng nề. Tính bình quân mỗi người dân Việt Nam phải chịu đựng trên dưới 250 kg bom đạn Mỹ.[284] Sau chiến tranh, Việt Nam là một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới. Hàng triệu tấn bom mìn chưa phát nổ còn sót lại trong lòng đất làm hơn 42.000 người chết, 62.000 người bị thương từ 1975 đến nay, gây ô nhiễm 6,6 triệu ha đất (chiếm 20% diện tích Việt Nam), khiến chính phủ Việt Nam phải chi mỗi năm khoảng 100 triệu USD để khắc phục hậu quả bom mìn.[283][285]
Đối với Hoa Kỳ, Chiến tranh Việt Nam đã thành một chương buồn trong lịch sử của họ. 5 đời Tổng thống Mỹ với 4 chiến lược chiến tranh lần lượt phá sản. Quân đội Mỹ giảm hẳn hoạt động tại nước ngoài trong suốt 15 năm, cho tới khi Chiến tranh Vùng vịnh nổ ra. Ngoài 58.220 lính chết và 305.000 thương tật (trong đó 153.303 bị tàn phế). Ngoài số thương tích về thể xác, rất nhiều lính Mỹ trong số 2,7 triệu lính từng tham chiến tại Việt Nam bị mắc các chứng rối loạn tâm thần, thông thường được gọi là "Hội chứng Việt Nam", thêm vào đó là khoảng 10% số lính Mỹ khi trở về nước đã mắc nghiện ma túy trong những ngày ở Việt Nam.[286] Sự cay đắng của các cựu binh tuổi thanh niên này góp phần tạo nên Hippie, một trào lưu đầy nổi loạn, phủ nhận xã hội công nghiệp phương Tây, quay trở về với thiên nhiên, chống chiến tranh, cổ vũ tự do tình dục và những giá trị như bình đẳng, hòa bình và tình yêu... trong thanh niên Mỹ trong suốt 20 năm. Nhiều năm sau chiến tranh, hàng chục vạn quân nhân và cố vấn Mỹ đã bị ung thư hoặc sinh con bị dị tật do đã tiếp xúc với chất độc da cam."
http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam.
3) Sử gia Mỹ thẳng thắn nêu ra: "Vietnam why did we go?" (Tại sao chúng ta đi Việt Nam?)
Đó là cuộc chiến tranh mà căn nguyên, mấu chốt của nó là do Vatican La mã giáo! - "The Shocking Story of the Catholic "Church's" Role in Starting the Vietnam War - By Avro Manhattan (1914-1990)"
http://arcticbeacon.com/books/Avro_Manhatten_-_Vietnam_Why_Did_We_Go.pdf !!!
Trần Quang Diệu
1) Ai mà không muốn quyền sống, quyền làm người. Vậy nhân quyền của Việt Nam phải được tôn trọng:
Xin mời xem 7 phút video: Những thước phim sống động về Chiến tranh Việt Nam - Mỹ | Battlefield in VietNam sẽ thấy nhân quyền của con người bị chà đạp như thế nào trong chiến tranh Việt Nam.
2) Có ai lại muốn hậu quả của chiến tranh xảy ra cho Việt Nam như thế này:
"Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến gây nhiều tàn phá nhất, thiệt hại nhân mạng nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam và gây chia rẽ rất sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam qua các thế hệ cũng như gây xáo trộn, chia rẽ về chính trị và kinh tế trong lòng nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tùy theo nguồn, số người Việt Nam bị thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam là từ 3 đến 5 triệu, hàng triệu người khác tàn tật và bị thương. Những người sống sót tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe và tâm lý mà cuộc chiến đã gây ra. Trong đó có tỷ lệ dị dạng bẩm sinh cao nhất thế giới[278] Hàng vạn nạn nhân chất độc hóa học tại Việt Nam hiện nay (Xem Chất độc da cam). Một nửa diện tích rừng mưa của Việt Nam bị phá hủy.[279] Mỹ đã rải ở miền Nam Việt Nam 45.260 tấn (khoảng 75 triệu lít) chất độc hóa học,[280][281] sự tàn phá môi trường do Mỹ gây ra lớn đến mức đã làm phát sinh một từ tiếng Anh mới,ecocide. Việt Nam đã trở thành đất nước bị ném nhiều bom nhất trong lịch sử thế giới. Số bom ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn[282], gấp gần 3 lần tổng số bom sử dụng trong Thế chiến thứ hai (theo nguồn khác là trên 15 triệu tấn[283]), trong cái gọi là "chính sách lunarization" (Mặt Trăng hóa). Cơ sở hạ tầng ở cả hai miền Việt Nam bị phá hủy nặng nề. Tính bình quân mỗi người dân Việt Nam phải chịu đựng trên dưới 250 kg bom đạn Mỹ.[284] Sau chiến tranh, Việt Nam là một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới. Hàng triệu tấn bom mìn chưa phát nổ còn sót lại trong lòng đất làm hơn 42.000 người chết, 62.000 người bị thương từ 1975 đến nay, gây ô nhiễm 6,6 triệu ha đất (chiếm 20% diện tích Việt Nam), khiến chính phủ Việt Nam phải chi mỗi năm khoảng 100 triệu USD để khắc phục hậu quả bom mìn.[283][285]
Đối với Hoa Kỳ, Chiến tranh Việt Nam đã thành một chương buồn trong lịch sử của họ. 5 đời Tổng thống Mỹ với 4 chiến lược chiến tranh lần lượt phá sản. Quân đội Mỹ giảm hẳn hoạt động tại nước ngoài trong suốt 15 năm, cho tới khi Chiến tranh Vùng vịnh nổ ra. Ngoài 58.220 lính chết và 305.000 thương tật (trong đó 153.303 bị tàn phế). Ngoài số thương tích về thể xác, rất nhiều lính Mỹ trong số 2,7 triệu lính từng tham chiến tại Việt Nam bị mắc các chứng rối loạn tâm thần, thông thường được gọi là "Hội chứng Việt Nam", thêm vào đó là khoảng 10% số lính Mỹ khi trở về nước đã mắc nghiện ma túy trong những ngày ở Việt Nam.[286] Sự cay đắng của các cựu binh tuổi thanh niên này góp phần tạo nên Hippie, một trào lưu đầy nổi loạn, phủ nhận xã hội công nghiệp phương Tây, quay trở về với thiên nhiên, chống chiến tranh, cổ vũ tự do tình dục và những giá trị như bình đẳng, hòa bình và tình yêu... trong thanh niên Mỹ trong suốt 20 năm. Nhiều năm sau chiến tranh, hàng chục vạn quân nhân và cố vấn Mỹ đã bị ung thư hoặc sinh con bị dị tật do đã tiếp xúc với chất độc da cam."
http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam.
3) Sử gia Mỹ thẳng thắn nêu ra: "Vietnam why did we go?" (Tại sao chúng ta đi Việt Nam?)
Đó là cuộc chiến tranh mà căn nguyên, mấu chốt của nó là do Vatican La mã giáo! - "The Shocking Story of the Catholic "Church's" Role in Starting the Vietnam War - By Avro Manhattan (1914-1990)"
http://arcticbeacon.com/books/Avro_Manhatten_-_Vietnam_Why_Did_We_Go.pdf !!!
Trần Quang Diệu
Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014
Danh sách 24 nhà dâm chủ nhơn quyền bị bắt sáng nay ngày 12/12/2014
1- Nguyễn Thúy Hạnh.( No-U FC)
2- Mai Thanh (AEDC)
3- Huỳnh Ngọc Chính
4-Bùi Hoàng
5-Nguyễn Công Thủ (PGHH)
6- Lã Việt Dũng.( No-U FC)
8- Nguyễn Ngọc Lụa (PGHH)
9- Ngô Hoàn Chí
10- Trần Bang (No-U SG)
11-Trương Minh Tâm
12- Châu Đức Vỹ ( SG)
13- Trần thị Hà (BD).
14- chồng Trần Thị Hà
15- Huỳnh Công Thực ( hội nhà báo đl)
16-Bùi Minh Luân (PGHH)
17- Lê hồng Hạnh (PGHH)
18- Lê thị Hiền(PGHH)
19- Bùi thị bích Tuyền.(PGHH)
20-Nguyễn văn Cảnh.(PGHH)
22- Hạnh Liberty
23- Mai Thanh
24- FB Thạch Thảo.
https://www.facebook.com/Mattranthanhnienchongphandong
Bác sĩ nhận tội gian lận bảo hiểm $154 triệu
8 nhân viên gốc Việt nhận tội chạy mối
SANTA ANA (NV) - Một bác sĩ vừa bị kết tội tham gia đường dây gian lận bảo hiểm y tế tới $154 triệu, trong đó có tám người Việt Nam bị tố cáo đồng lõa, thông cáo báo chí của Văn Phòng Biện Lý Cuộc Quận Cam gởi ra hôm Thứ Năm cho biết.
Công tố viên Walt Schwarm xếp hình 19 nghi can bị tố cáo gian lận bảo hiểm, trong cuộc họp báo tại văn phòng Biện Lý Cuộc Quận Cam năm 2008. (Hình: Bruce Chambers/The Orange County Register)
Bác Sĩ Michael Chan, 65 tuổi, cư dân Cerritos, nhận tất cả 40 tội. Ông có thể bị tuyên án tới 28 năm tù giam.
Tám bị cáo Việt Nam, bị tố cáo tội môi giới và làm hồ sơ cho vụ gian lận này, gồm có Thuy Huynh, Ngoc Huynh, Henry Truong, Amanda Phuc Tran, Nicholas Vu, Tam Vu Pham, Huong Thien Ngo và Lan Thi Ngoc Nguyen. Tất cả những bị cáo này đều đứng tuổi, từ 43 tới 55 tuổi.
Hầu hết 8 bị cáo này đều là người nhà, họ hàng thân thuộc hoặc bạn bè của nhau.
Biện Lý Cuộc cho rằng đây là vụ gian lận bảo hiểm y tế lớn nhất Hoa Kỳ, liên quan đến 19 đồng phạm và trung tâm y tế Unity Outpatient Surgery Center ở Buena Park.
Những người này bị cáo buộc chiêu dụ 2,841 người khỏe mạnh khắp nước Mỹ đến Unity giải phẫu không cần thiết để trung tâm này tính tiền các công ty bảo hiểm của họ.
Ðổi lại, những “bệnh nhân” này được “thưởng” một số tiền, từ $300 đến $1,000/lần, hoặc được hưởng giải phẫu thẩm mỹ giá rẻ.
Những cuộc mổ bị Unity tính tiền cho bảo hiểm là soi ruột, giải phẫu tuyến mồ hôi tay, cắt trĩ và các chứng đau nhức khác.
Unity chỉ hoạt động trong 17 tháng từ 2002 đến 2003.
Ngoài những người nêu trên, một số người khác, trong đó có hai bác sĩ, cũng bị tố cáo tội đồng lõa.
Trong các phiên xử trước, hai vợ chồng Tam Vu Pham và Huong Thien Ngo đã nhận tội. Bị cáo Lan Thi Ngoc Nguyen, cô của Huong Thien Ngo, cũng nhận tội.
Bị cáo Tam Vu Pham bị 12 năm tù, trong khi Huong Thien Ngo lãnh án tù treo 7 năm, nếu hoàn thành đầy đủ 5 năm quản chế, và 87 ngày ngồi tù. Bị cáo Lan Thi Ngoc Nguyen cũng thú nhận tội trạng và lãnh án 5 năm tù treo, nếu hoàn thành đầy đủ 5 năm quản chế, và 224 ngày ngồi tù.
Cuộc điều tra kéo dài hai năm do Biện Lý Cuộc Quận Cam thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Bảo Hiểm California.
Vụ án được bắt đầu khởi tố từ năm 2006. Phía công tố còn đang tiếp tục điều tra và khởi tố các nghi can khác. (Ð.D.)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)