Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Báo chí và việc tiếp nhận, truyền bá thông tin


Ngày nay, sống giữa "biển" thông tin gần như là không có giới hạn, việc phải xác định tính khách quan, chính xác của nguồn thông tin trở thành một yêu cầu cấp thiết. Thực tế cho thấy trên hệ thống truyền thông toàn cầu, việc đưa tin, bình luận không đúng với thực tế, thậm chí chủ động tung tin sai sự thật để tạo dư luận phục vụ mưu đồ nào đó không còn là hiện tượng cá biệt. Với loại thông tin như thế, nếu thiếu tỉnh táo, công chúng sẽ bị lừa dối và dẫn tới nhiều hệ lụy khác.

Từ tiếp xúc với hệ thống truyền thông toàn cầu, nhiều người trên thế giới đã rút ra kinh nghiệm thiết thân là cần cẩn trọng khi tiếp xúc với một số loại thông tin, nhất là thông tin về khủng hoảng chính trị hay xung đột vũ trang đang xảy ra. Cuộc chiến chống I-rắc do Mỹ phát động năm 2003 là thí dụ cụ thể không chỉ về "nghệ thuật" tạo cớ, mà còn là "nghệ thuật" đánh lừa dư luận. Lúc đầu, Chính phủ Mỹ cáo buộc Chính phủ S. Hút-xen có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, liên quan tới "sự kiện 11 tháng 9", sau đó khẳng định I-rắc sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chúng ta hẳn chưa quên hình ảnh Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Cô-lin Pô-oen (Colin Powell), ngày 5-2-2003 phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, khi cáo buộc I-rắc tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông giơ một chiếc lọ con và nói đó là bằng chứng về "khả năng mang bệnh than". Dù chưa có gì khẳng định bằng chứng đưa ra, nhưng các phương tiện truyền thông phương Tây đều đưa tin như sự thật đã kiểm chứng. Tới năm 2008 khi khó có thể bưng bít được mưu đồ tạo cớ, chủ ý phát tán thông tin sai sự thật, những người vận động và hưởng ứng cuộc chiến đã làm dịu dư luận bằng cách biện bạch: ít ra cũng lật đổ được chế độ độc tài, "người giải phóng" từ phương Tây sẽ mang tới cho người dân I-rắc các giá trị dân chủ và văn minh! Thế nhưng đến nay dân chủ và văn minh chưa thấy đâu, chỉ thấy người I-rắc phải hứng chịu thêm nhiều bom đạn, chìm đắm trong chết chóc, nghèo đói!

Sẽ là phiến diện nếu cho rằng tất cả các nhà báo ở phương Tây đều cố ý viết sai sự thật. Từng có nhiều nhà báo làm việc đúng theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Ðó là C.Béc-xtanh (C.Bernstein) và B.Út-oát (B Woodward) của tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn giữ vai trò quan trọng khi tìm sự thật vụ bê bối Oa-tơ-ghết (Watergate) dẫn đến việc chính quyền Hoa Kỳ tiến hành điều tra và cuối cùng là R. Ních-sơn từ chức vào năm 1974. Năm 1971, các nhà báo của Thời báo Niu-Oóc, Bưu điện Oa-sinh-tơn đã phanh phui sự thật về lịch sử dính líu chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam qua các bài viết sử dụng tài liệu từ "các văn kiện của Lầu năm góc"... Ở Hoa Kỳ, Quy tắc đạo đức dành cho báo chí ra đời từ năm 1923. Hiệp hội các biên tập viên báo Hoa Kỳ đã phê duyệt các quy tắc đầu tiên của lĩnh vực này, tiếp theo là Tổ chức các nhà báo chuyên nghiệp và Hiệp hội báo chí, quản lý biên tập viên. Ba hiệp hội nhà báo quan trọng nhất ở Hoa Kỳ đã đặt ra các nguyên tắc đạo đức nhất định, kêu gọi các nhà báo thực hiện công việc của mình với trí thông minh, khách quan, chính xác, công bằng. Ở CHLB Ðức, Quy tắc đạo đức báo chí do Hội đồng báo chí Ðức ban hành ngày 12-12-1973, sửa đổi lần cuối vào ngày 13-3-2013; quy tắc gồm 16 điểm, áp dụng cho cả các bài báo của hệ thống truyền thông trực tuyến, Ðiều 1 ghi rõ: Tôn trọng sự thật, tôn trọng phẩm giá con người, thông báo chính xác cho công chúng là những nguyên tắc tối cao của báo chí. Trên cơ sở này, mỗi người hoạt động báo chí phải giữ gìn uy tín và sự tín nhiệm của phương tiện truyền thông. Ở Áo cũng có Quy tắc báo chí tương tự, theo phiên bản ngày 14-11-2012 thì gồm 11 điều. Ở Thụy Sĩ, năm 1972 Hiệp hội báo chí cũng ban hành Quy tắc đạo đức báo chí, đồng thời thành lập Hội đồng báo chí Thụy Sĩ...

Quy định thì như vậy, nhưng người dân ở các nước phương Tây hoặc thân phương Tây lại rất thận trọng với thông tin về một sự kiện và lời bình luận liên quan, thí dụ về cuộc khủng hoảng ở U-crai-na. Không chỉ những tập đoàn truyền thông tư bản kếch xù mà cả các báo, đài công cộng, thường xuyên nhồi nhét cho khán, thính giả và bạn đọc phần lớn thông tin tố cáo Chính phủ Nga, Tổng thống Pu-tin. Bởi thế, nhiều người phẫn nộ khi thấy ở thời điểm rất ngắn sau khi xảy ra sự việc, dù chưa có kết luận của cơ quan điều tra về thủ phạm, thì bìa một của một tạp chí ở Ðức đã đăng chân dung nạn nhân vụ máy bay MH 17 rơi ở U-crai-na, tố cáo Tổng thống Pu-tin và Chính phủ Nga. Do nhiều bạn đọc gửi thư phản đối, Hội đồng báo chí Ðức phải đưa sự việc ra xem xét. Ngày 9-9-2014, Hội đồng báo chí Ðức đã kết luận và cảnh cáo: việc làm này là không thể chấp nhận, vì tạp chí đã lạm dụng ảnh của nạn nhân để minh họa cho những lời lẽ mang tính chất chính trị! Ai có điều kiện theo dõi tin tức từ nước khác sẽ nhận thấy nhiều khi báo chí phương Tây đưa tin rất phiến diện. Hôm 17-8-2014, khi các nhà báo của tờ Tấm gương hằng ngày hỏi liệu một số nước châu Âu và Mỹ có đứng sau và giật dây vụ nổi dậy tại quảng trường Mai-dan (U-crai-na) hay không, Pi-tơ Sôn La-tua (Peter Scholl-Latour - người được một tạp chí danh tiếng ở CHLB gọi là "nhà báo của thế kỷ", "người giải thích thế giới cuối cùng còn lại") trả lời: "Bây giờ người ta không nói tới liên kết kinh tế nữa, mà hơn thế nữa, gia nhập U-crai-na"; để tỏ thái độ của mình, ông dẫn lời bà V.Nu-len (V.Nuland) khi trao đổi với Ðại sứ Hoa Kỳ ở U-crai-na trong cuộc điện đàm bị nghe lén và bị tung lên mạng. Theo Pi-tơ Sôn La-tua, sự hoàn toàn im lặng của EU sau lời lẽ thô tục của một quan chức ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ là bằng chứng chỉ ra rằng, các nước châu Âu hài lòng với vai trò của mình - chỉ là các vệ tinh "không có răng" của Hoa Kỳ mà thôi!

Một bằng chứng nữa về sự thiếu khách quan khi đưa ra các thông tin về cuộc khủng hoảng ở U-crai-na là việc một số nhà báo ở CHLB Ðức phát minh khái niệm mới: "người thông cảm cho Pu-tin" (Putin-Versteher), "người thông cảm cho nước Nga" (Russland-Versteher) để ám chỉ những ai đã không lên án nước Nga và Tổng thống Pu-tin. Trong cuốn sách nhan đề "Lời nguyền rủa cho một hành động tàn bạo: Sự thất bại của phương Tây ở phương Ðông" xuất bản ngày 12-9-2014, Pi-tơ Sôn La-tua cho rằng khái niệm "người thông cảm cho Pu-tin" được sử dụng trong thời gian vừa qua là để phỉ báng những tiếng nói muốn kêu gọi phải giữ mức tối thiểu của tính khách quan khi đánh giá đường lối đối ngoại của Nga. Nhiều người, trong đó có cả chính trị gia, đã chia sẻ sự phê phán này. Theo tờ Thời gian (Zeit) ngày 1-10-2014 tại cuộc hội thảo ở thành phố Rô-xtốc (Rostock - Ðức), cựu Thủ tướng G. Xrô-e-đơ (G. Schroder) đã nói rõ quan điểm của mình là ông không xấu hổ mà ngược lại, ông tự hào là một trong những "người thông cảm cho nước Nga".

Sự cố xảy ra trong chương trình truyền hình trực tiếp TV-Talkshow Shuster Live do Ðài truyền hình U-crai-na thực hiện vào ngày 13-6-2014 cũng là một bằng chứng cho việc đưa tin sai sự thật. Khách được mời đến trường quay chủ yếu là người trung thành với chính phủ hiện tại, trong đó có cả "anh hùng Mai-dan". Qua cầu truyền hình, họ hy vọng ông M. Phơ-ran-xét-ti (M. Franchetti, phóng viên tờ Thời báo chủ nhật - Sunday Times, thường trú tại Nga từ 2001, năm 2003 nhận Giải thưởng báo chí Anh - British Press Award, qua việc tường thuật vụ khủng bố, bắt con tin ở nhà hát Ðu-brốp-ka tại Mát-xcơ-va năm 2002) sẽ nói sai sự thật và tham gia "chiến dịch" bôi nhọ Chính phủ Nga. Nhưng khách mời, khán giả hoàn toàn bất ngờ khi nghe ông nói không muốn trình bày quan điểm của mình mà đơn giản chỉ tường thuật về những gì chứng kiến ở Ðông Nam U-crai-na, đó là ba tuần ông đi theo tiểu đoàn "Wostok" quân tự vệ. Người ta gọi lực lượng này là phần tử khủng bố đã nhận vũ khí và tài trợ của Nga, nhưng theo ông "đó không phải là sự thật, ít nhất không phải sự thật trong giai đoạn hiện nay. Họ là các người dân bình thường không có kinh nghiệm chiến đấu". Tại cuộc phỏng vấn do nhà báo R. Sắc (R. Schack) thực hiện hôm 9-3-2014, Pi-tơ Sôn La-tua đã có lời khuyên phải thận trọng khi tìm sự thật trong báo chí phương Tây, vì: "chúng ta đang sống trong thời đại làm đần độn đi các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là làm đần độn người dân bằng các phương tiện truyền thông... Như các phương tiện truyền thông đưa tin về tình hình U-crai-na, người ta có thể nói, đây là một chiến dịch đưa tin sai sự thật trong một phạm vi rất lớn, được hỗ trợ bằng những phương tiện kỹ thuật của thời đại kỹ thuật số. Từ đó người ta có thể luận rằng, toàn cầu hóa đã dẫn đến sự quê mùa hóa, gây ra sự mù mịt trong thế giới truyền thông. Sự thật này đã và đang xảy ra với Xy-ri và những trung tâm khủng hoảng khác". Cũng Pi-tơ Sôn La-tua, trả lời phỏng vấn của nhà báo Ðức T.Vôn-phơ (T.Wolf) đã đăng trên tạp chí Focus - Money ngày 21-7-2013, với câu hỏi: bê bối nghe lén điện thoại, gián điệp kinh tế, rồi chiến tranh Áp-ga-ni-xtan, Goan-ta-na-mô làm sao có thể khớp với hình ảnh của Hoa Kỳ, một quốc gia được coi là lực lượng tiên phong của dân chủ, nhân quyền (?), ông trả lời: "một cường quốc thế giới hoạt động tất nhiên khác hẳn các thế lực tầm trung là Ðức và các nước châu Âu. Nghe lén điện thoại không có gì là mới, tôi tin rằng, sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi phe Ðồng minh xây dựng các căn cứ ở đây, ngay từ ban đầu họ đã nghe lén. Nhưng trong 10 năm cuối, khả năng thiết bị điện tử được nhân rộng nên phạm vi đã đạt tới mức kinh khủng... Ðiều đó ngày nay là công việc bình thường, nhưng tiêu chuẩn của "nền dân chủ lý tưởng" như chúng ta vẫn tưởng tượng trong sự ngây thơ, đã không có từ lâu rồi".

Trong bối cảnh phức tạp như vậy, qua việc đưa tin và bình luận về một số sự kiện trên thế giới gần đây, có thể nói một số tờ báo ở Việt Nam (nhất là báo, trang tin điện tử) ít quan tâm đến tính khách quan, chính xác, trung thực của sự kiện, khi khai thác, đăng tải chưa kiểm chứng chặt chẽ và chưa có những sở cứ tin cậy. Hiện tượng này, không những làm nhiễu loạn thông tin cũng như khả năng nắm bắt của người đọc, mà có thể ảnh hưởng tới quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với nước có liên quan tới sự kiện. Vì thế, sự dễ dãi (nếu không nói là tùy tiện) như vậy cần phải được cảnh báo.

ÐỨC THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét