Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

TRIẾT LÝ VĂN CHƯƠNG TRÊN TRANG VIẾT NGUYỄN HUY THIỆP

 Võ Thị Thu Hằng


Một cuộc giao lưu, chuyện trò về văn chương của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do Heritage Space tổ chức vào 15h ngày 6 tháng 12 năm 2014 tại Tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình (Tầng hai Café Paris Deli, Tòa nhà Dolphin gần bến xe Mỹ Đình). Chủ đề “ Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn xuôi Việt nam sau 1975”. Diễn giả: Nhà nghiên cứu văn học, Giáo sư Lã Khắc Hòa. Khách mời: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.




Cơn bão táp mang tên Nguyễn Huy Thiệp, giờ đây đã tạm yên ả. Và tôi lại lên đường đi tìm Nguyễn Huy Thiệp với một niềm tin, qua bão táp, cái gì là giá trị sẽ tự khẳng định được mình!

“Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” [1]…
Cuộc hành trình ấy đã chi chít những dấu chân…

Trên con đường đã chi chít dấu chân đó, người ta đã tìm thấy ông? Không hiểu sao tôi cứ mường tượng cuộc hành trình này tựa như câu chuyện các thày bói đi xem voi – mỗi người sờ một bộ phận của con voi rồi ra sức khẳng định con voi là bộ phận đó, thành ra một cuộc cãi nhau ỏm tỏi. Nói như vậy, tôi không có ý và cũng không dám phủ nhận những bậc tiền bối đi trước, họ đã có những phát hiện và cả những linh cảm rất đúng, rất sâu sắc về Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng sao người ta cứ lấy vài ba nhân vật, vài ba hình tượng trong truyện của ông mà quy kết cho cả tư tưởng, cả quan niệm về văn chương, thậm chí, cả đạo đức của ông. Sao chưa ai đi tìm ông từ chính những quan niệm về văn chương mà ông trực tiếp hay gián tiếp phát biểu trong các truyện ngắn?

Cơn bão táp mang tên Nguyễn Huy Thiệp, giờ đây đã tạm yên ả. Và tôi lại lên đường đi tìm Nguyễn Huy Thiệp với một niềm tin, qua bão táp, cái gì là giá trị sẽ tự khẳng định được mình!

Có thể thấy, hầu hết những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều chứa đựng một hoặc vài lời triết lý của ông về văn chương. Điều đó chứng tỏ, Nguyễn Huy Thiệp là người hay trăn trở về văn chương và ý nghĩa của nó. Những triết lý đó, được phát biểu gián tiếp qua các nhân vật, qua tình huống truyện hoặc đôi khi phát biểu một cách trực tiếp. Trước đây, Nam Cao cũng thường thể hiện những quan niệm của mình trên trang viết của mình. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương không đơn giản và rành mạch như Nam Cao. Cái nhìn của ông về văn chương có gì đó rất phức tạp – phức tạp như chính cuộc đời, khi thì “văn chương là thứ bỉ ổi nhất” (Chút thoáng Xuân Hương), khi thì “văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải” (Giọt máu), khi thì: “văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” (Giọt máu).

Với Thiệp, văn chương là một thế giới đầy bí ẩn, như “con gái thuỷ thần” chợt ẩn, chợt hiện: “Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì?Bởi lẽ gì? Cho tôi mượn màu son phấn ra đi”. Và Nguyễn Huy Thiệp đã ra đi gần hết nữa cuộc đời mình. Ra đi trong cô đơn, tìm kiếm trong cô đơn và trở về trong cô đơn… Bởi không như Nam Cao, cuối cuộc hành trình đó, Nguyễn Huy Thiệp không đưa ra bất kỳ một chân lý nào. Cái ông đem đến cho người đọc lại là một sự hoài nghi về chân lý. Và với những người đọc đã quen cái tâm thế đón chờ chân lý, người ta lạ lẫm trước trang văn của ông. Người ta thấy nó xa lạ với truyền thống, xa lạ với chuẩn mực. Và người ta ghẻ lạnh ông, vội vàng kết tội ông là giũ bỏ quá khứ, mắng ông là không có tâm, không nhân văn… Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp thừa sức viết ra những triết lý văn chương “chuẩn mực” cả nội dung và hình thức. Nhưng, Thiệp đã chọn cho mình một con đường khác, xây nên một thế giới khác. Để giải mã cái thế giới bí ẩn ấy, ta hãy thử làm một cuộc hành trình đến với các triết lý văn chương trên trang viết của ông.

1. Quan niệm về văn chương qua cái nhìn của những nhà chính trị

Khi thống kê các quan niệm về văn chương trên trang viết của Nguyễn Huy Thiệp, có một điều rất bất ngờ mà ít ai để ý đến, đó là hầu hết những quan niệm văn chương của ông đều được thể hiện qua cái nhìn của những nhà chính trị. Đó là văn chương qua con mắt của Nguyễn Phúc Ánh (Kiếm sắc), của Thặng (Chút thoáng Xuân Hương), của viên quan trưởng (Trương Chi), của anh Lai (Quan Âm chỉ lộ)… Vì sao Nguyễn Huy Thiệp lại để văn chương hiện lên qua đôi mắt của những nhà chính trị? Văn chương và chính trị là một mối quan hệ hết sức nhạy cảm – một vấn đề mà mọi người đều tránh né. Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp lại cứ xông thẳng vào mảnh đất đó. Nhiều người bảo ông quá liều lĩnh – liều lĩnh đến tuỳ tiện. Cái chỗ người ta tránh, người ta né thì ông lại tự chui cổ vào. Tuy nhiên, lẽ phải có thể tạm thời bị vùi lấp chứ không bao giờ đánh lừa con người. Người ta biết đâu là sự thật, đâu là giả dối. Người ta tìm thấy ở văn ông cái thật của cuộc đời. Dẫu nó đê hèn, trần trụi, đôi khi còn ghê rợn. Lâu nay, chúng ta đã quá nặng tình với lịch sử. Nhưng lịch sử không tiến lên bằng lòng tốt. Nó cần sự thật. Văn học đã mắc nợ cuộc đời về sự thật. Và Nguyễn Huy Thiệp đã “nộp mình” để trả nợ cuộc đời!

1.1 Quan niệm văn chương qua cái nhìn của những nhà chính trị được thể hiện gián tiếp qua những hình tượng nhân vật.

Ở truyện Trương Chi, Mị Nương không hiện lên như trong truyện cổ. Mị Nương và đám tuỳ tùng quan lại của nàng lại chính là biểu tượng của tiếng nói chính trị. Ba lần viên quan trưởng bảo Trương Chi hát:

Lần thứ nhất: “Viên quan trưởng bảo:

– Hát ca ngợi công danh đi!”

Lần thứ hai: “Viên quan trưởng bảo:

– Nên hát về sự nhẫn nhục”

Lần thứ ba: “Viên quan trưởng bảo:

– Hát ca ngợi tiền bạc đi!”

Ca ngợi. Nhẫn nhục. Nhẫn nhục để ca ngợi. Để ca ngợi, văn chương một thời phải “nấu mình” trong những tiếng hô vang. Với Thiệp đó là một thứ văn chương “thô bỉ”, như một sự “nhẫn nhục đê hèn”: “Chưa bao giờ chàng hát một bài hát thô bỉ như thế. Bài hát chỉ toàn “ấy a” với lại “huầy dô”… Có chỗ còn bắt chước tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác, tiếng dê kêu nữa. Bài hát đông người”. “Đông người” thường ồn ào và náo nhiệt. “Đông người” thường là phong trào, là bắt chước. Văn chương đánh mất mình trong đám đông. Với văn chương, đánh mất mình còn đáng sợ hơn cả cái chết. “Chàng chỉ sợ chính bản thân chàng lâm vào tình thế phải tự hạ nhục bản tính của mình, thế là mất hết, không còn tiếng hát, không còn Trương Chi”.

Nguyễn Huy Thiệp lại đề cập đến cái vấn đề muôn thưở của văn chương: Bản tính. Nhưng xã hội không ngừng đặt ra những yêu cầu, những nhiệm vụ quá khắt khe với văn chương. Còn khoảng trống nào cho văn chương được là mình, được thể hiện bản tính của mình? Khi Trương Chi hát ca ngợi công danh, tiền bạc – những khúc hát nhẫn nhục, lời chàng chỉ như những tiếng hô, tiếng chó sủa, dê kêu…Chỉ khi hát về tình yêu, chàng mới thực sự là mình, là Trương Chi thưở nào: “Đến lúc này, chàng biết chàng phải cất tiếng tự hát cho mình, bởi không chàng sẽ mất hết, mất cả cuộc đời. Chỉ bằng tình yêu của chàng, tình yêu chân thực và nồng cháy của chàng mới hòng cứu vớt được. Không phải Mị Nương, không chỉ là Mị Nương”.

Hát về tình yêu – là hát về cái phần cá nhân, riêng tư nhất của của mỗi người – điều mà văn học trước đây gọi là cá nhân chủ nghĩa. Nhưng chính ở cái phần cá nhân chủ nghĩa này, văn học mới thực sự có ý nghĩa đối với con người. Văn chương cảm hoá được tất cả – cảm hoá cả chính trị, bằng tình yêu: “Những giọt nước mắt long lanh trên mắt Mị Nương. Nàng chưa từng được nghe ai hát như thế này. Bọn hoạn quan, những gã đồng cô, những tên hề lùn, bọn bói toán, tướng số, lang băm… đứng dạt cả ra”. Những giọt nước mắt ấy chính là ý nghĩa đích thực của văn chương. Văn chương không còn là những lời thuyết giáo về đạo đức. Những lời thuyết giáo chỉ làm cho người ta sợ chứ không làm cho người ta phục. Văn chương là sự ăn năn về đạo đức. Văn chương là nơi để người ta sám hối, để người ta xưng tội với chính mình. Đó cũng là thứ văn chương mà Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn và theo đuổi. Nguyễn Huy Thiệp ghét cái kết thúc truyền thống của truyện cổ. Cũng phải. Nó nhân văn quá, đẹp quá mà thành ra dối đời. Sự nhân văn phải đạo ấy, loài người thưở sơ khai có thể chấp nhận được. Nhưng loài người bây giờ thì không!

“Mị Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc
Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý
Lẽ đời là thế”

Và văn chương phải dám đối mặt, dám nhìn thẳng với cái lẽ đời – vừa tàn nhẫn, vừa phi lý ấy.

1.2. Các nhà chính trị trực tiếp phát biểu về văn chương

Trương Chi chỉ là cách thể hiện gián tiếp quan niệm của chính trị về văn chương. Có lúc Nguyễn Huy Thiệp đã để cho chính các nhà chính trị phát biểu quan niệm của mình một cách rất thẳng thắn.

Trước hết là lời của tri huyện Thặng trong Chút thoáng Xuân Hương: “Hách chứ, Thặng giơ ngón tay như quả chuối nắm ra trước Ấm Huy. Không hách để văn chương các chú làm loạn à? Văn chương là miếng đất nghịch”.

“Văn chương làm loạn” – Nó làm loạn trong tiềm thức của con người – một cuộc nổi loạn mà không có một thế lực nào có thể dập tắt được. Chính Thặng đã khẳng định: “Dân quen nô lệ, luật cứ ngặt nghèo, nghiêm khắc là xong. Không có bàn bạc gì cả”. Nhưng Thặng lại phải “hách” với văn chương – tức là Thặng sợ!

Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Phúc Ánh trong Kiếm sắc: “Ta ghét bọn chữ nghĩa thôi. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện, xảo trá, tinh vi… Hành tung chúng ta chẳng lo. Toàn lũ ấm o như dòi chò, hèn mọn cả. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó, ta mệt lắm”.

Nói là “ta chẳng lo” nhưng lại muốn “rửa đầu óc chúng nó”, tức là Ánh cũng sợ. Song dẫu Ánh muốn cũng không thể nào làm được. Ánh đã sai Lân đi chiêu mộ các danh sĩ Bắc Hà. Nhưng trớ trêu thay, chính Lân lại được văn chương “chiêu mộ”: “Thâm tâm Lân cũng không biết nên vui hay buồn, chỉ thấy trong lòng cảm động”. Đó cũng là sức mạnh phi thường của văn chương. Lân đã phải chịu tội, chết dưới lưỡi gươm gia truyền. Hay là văn chương đã hoá kiếp cho Lân?… Để từ đây và mãi mãi bàn tay của Lân sẽ không hề dính máu. Lân chết khi trong lòng đang cảm động – cái chết ấy có ý nghĩa hơn vạn lần kiếp sống vô tâm. Có thể, đó là ý nghĩa mà Nguyễn Huy Thiệp gởi gắm trong hình thức một câu chuyện lịch sử. Vậy mà khi đọc Kiếm sắc (cùng với Vàng lửa và Phẩm tiết) người ta mặc sức gán cho Nguyễn Huy Thiệp biết bao nhiêu là tội danh. Tôi thì lại mừng cho Nguyễn Huy Thiệp, mừng vì ông đã đi đúng con đường của văn chương!

Thể hiện những quan niệm văn chương qua con mắt của những nhà chính trị, Nguyễn Huy Thiệp không hề có ý muốn đối lập chính trị với văn chương. Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp luôn ý thức văn học phục vụ chính trị. Nhưng phục vụ chính trị không đơn thuần là là truyền bá những tư tưởng chính trị. Với Nguyễn Huy Thiệp, ý nghĩa cao nhất của văn học đối với chính trị là ở chỗ: Văn học giữ gìn lương tri cho chính trị. Ý nghĩa này thể hiện rõ qua một truyện ngắn gần đây của ông: Quan âm chỉ lộ. Câu truyện khơi nguồn từ mối quan hệ giữa nhà văn và anh Lai – vụ trưởng một vụ. Ở đó thông qua suy nghĩ của anh Lai về anh bạn nhà văn của mình (nhân vật xưng “tôi”), Nguyễn Huy Thiệp đã để cho chính trị lên tiếng về văn chương.

Anh Lai nói: “Chú là ai? Tại sao chú lại viết ra những thứ làm cho người ta dằn vặt lòng mình? Chú có quyền gì? Ai cho chú cái quyền năng ấy? Tư cách chú tôi gạt sang một bên. Tôi không hiểu vì sao mọi người lại vị nể một người như chú? Ở chú có phẩm chất gì? Cao thượng ư? Không phải! Nghiêm cẩn ư? Cũng không phải nốt. Tôi chỉ nhận ra chú dục vọng hão huyền và cái khả năng đánh thức cái dục vọng ghê gớm ấy ở mỗi người. Điều đó là tốt ư? Không phải? Xấu ư? Không phải! Từ bản chất tôi vừa căm ghét vừa sợ hãi, cảm phục những người như chú”.

Một câu trong mạch đối thoại mà ngỡ như một lời độc thoại – đúng hơn là đối thoại với chính mình. Hầu như tất cả đều tồn tại ở dạng câu hỏi. Hỏi nhà văn, nhưng chính anh Lai lại trả lời. Anh Lai nói là “không thể hiểu”. Nhưng thật ra, anh đã hiểu và hiểu rất rõ. Văn chương chính là như thế, như chính những lời anh Lai nói: làm ta dằn vặt, có khả năng đánh thức cái dục vọng ghê gớm ở mỗi người”… Điều đó là tốt hay xấu? Chính anh Lai cũng đã nói – không tốt – nhưng cũng không xấu. Văn chương đang đứng ở một độ chênh rất mỏng manh giữa nhân văn và giả dối, giữa nói lên sự thật và thóa mạ con người. Chỉ cần nhà văn chệch chân một chút thôi, sẽ rơi vào hố sâu thăm thẳm. Và Nguyễn Huy Thiệp đã giữ văn chương ở cái độ chênh ấy. Chính tại đây, văn chương thể hiện ý nghĩa của nó đối với chính trị. Văn chương giữ gìn lương tri cho chính trị – giữ gìn bằng chính những điều anh Lai nói: sự tự dằn vặt. Tại sao chị Hỷ lại mang trả bức tượng Quan Âm chỉ lộ? Phải chăng vì những giọt nước mắt trên tượng Quan Thế Âm Bồ Tát? Bồ Tát nhân từ cũng đâu thể cứu rỗi con người. Vậy thì văn học cũng đâu có tham vọng làm được điều đó. Với Thiệp, văn chương chỉ giữ cho con người không bị rơi xuống thẳm sâu của cái ác, và đánh thức ở họ cái ý thức tự cứu rỗi chính mình.

2. Nguyễn Huy Thiệp tự phát biểu những triết lý của mình về văn chương

Xen lẫn với những lời phát biểu của những nhà chính trị về văn chương là những trăn trở của chính Nguyễn Huy Thiệp.

Cuối truyện Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp đã khái quát về công việc viết văn của mình: “Công việc viết văn vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa”. Nhọc nhằn, phức tạp vì văn Nguyễn Huy Thiệp không phải là thứ văn dễ dãi. Người ta viết văn như một sự giải thoát. Nguyễn Huy Thiệp viết như một sự chất vấn chính mình – chất vấn về nghĩa lý của văn chương, về ý nghĩa của cuộc đời cầm bút.

Vì thế, trang viết của ông như một sự trăn đi trở lại, như một sự dằn vặt, cào xé chính mình: “Ở trường Đại học, tôi đã thuyết giảng về sự vô minh của con người và thế giới, lòng khao khát của cá nhân tôi với cuộc sống mà thượng đế đã ban cho. Giờ nhớ lại những điều tôi nói hôm ấy thật xa xỉ và phù phiếm, thậm chí dối trá” (Quan Âm chỉ lộ). Nguyễn Huy Thiệp sợ mình trở thành một thằng lừa đảo. Với Thiệp, những kẻ lừa đảo trong văn chương còn đáng sợ hơn nhiều những kẻ lừa đảo tiền bạc, tài sản. Nhưng thật trớ trêu, vì sự thật bao giờ mà chẳng đắng và khó nghe. Ông đau đớn nhận ra thứ văn chương sự thật của mình đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho người đời: “Văn chương là thứ bỉ ổi nhất. Nó gây ra sự nổi lọan trong đời thường. Cuộc đời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại để làm gì? (Chút thoáng Xuân Hương). Nhưng rồi, ông không thể làm khác được. Ông không thể viết ra thứ văn chương dễ dãi, sẵn sàng ca ngợi, tung hô, sẵn sàng dối trá. Ông thà để người ta đau đớn trong đời thật còn hơn chìm đắm trong thứ hạnh phúc giả tạo. Thật ra mà nói, đó cũng là một sự lựa chọn đầy khó khăn của Nguyễn Huy Thiệp.

Như trên đã nói, Nguyễn Huy Thiệp suốt đời kiếm tìm nghĩa lý của văn chương, nhưng ít khi nào ông phát biểu một ý nghĩa rõ ràng về văn chương. Và đây là một trong số những định nghĩa hiếm hoi của Nguyễn Huy Thiệp – hiếm hoi và khác thường: “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đó là chí thành” (Giọt máu). Chính tại đây, nhiều người đã phê phán Nguyễn Huy Thiệp. Văn chương vốn cao quý sao Thiệp lại nỡ nhấn nó xuống bùn? Thật ra lâu nay, văn học của chúng ta đã quen đứng trên bùn mà chỉ trỏ, mà phê phán: bùn đó, ghê lắm, tránh đi! Và chỉ thế thôi. Nguyễn Huy Thiệp thì khác, bất chấp hết, ngập trong bùn rồi còn sục tung lên. Từ “bùn” chuyển sang “bướm và hoa” là một sự lột xác đầy phiêu lưu, mạo hiểm. Vì nếu không khéo sẽ dễ dàng ngập sâu trong vũng bùn. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã chấp nhận cuộc phiêu lưu này. Đúng lý ra, chúng ta phải mang ơn Nguyễn Huy Thiệp. Bởi nếu không có sự “liều lĩnh đến tùy tiện” kia thì văn chương sẽ chỉ là thứ để người ta chiêm ngưỡng về sự đạo mạo, thanh khiết của nó. Và chính con người sẽ ngập sâu xuống vũng bùn đen tối!

Như vậy, những triết lý văn chương trên trang văn Nguyễn Huy Thiệp dẫu có được nhìn qua đôi mắt của các nhà chính trị hay là những trăn trở của chính nhà văn thì vẫn có sự thống nhất. Văn chương mà Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn là thứ văn chương dấn thân. Dấn thân cả hai chiều – nhà văn dấn thân và chính người đọc cũng phải dấn thân.

Từng mang khuôn mặt của một kẻ kiêu ngạo cô đơn, Nguyễn Huy Thiệp đã ý thức được nỗi cô đơn tột cùng trong sáng tạo. Trong Giọt máu, ông đã từng thốt lên đau đớn: “Thằng bé mơ hồ hiểu rằng học đòi văn chương là nó bước vào một cõi mà ở đấy, nó không thể nương tựa vào bất cứ thứ gì, ngoài bản thân nó”… Nguyễn Huy Thiệp cô đơn trong sáng tạo, hay cô đơn để sáng tạo? Ông chấp nhận sự cô đơn để được là mình. Để viết đúng mình. Tức là viết khác người. “Người đời bao giờ chẳng bạc bẽo” – ông từng than vãn. Người ta bảo ông có tài nhưng không có tâm, người ta bảo ông bán rẻ quá khứ, người ta bảo…

Người ta còn bảo nhiều lắm. Còn ông, ông đã tự bảo mình không trông chờ vào lòng hào hiệp của người đời. Mà văn chương cũng chẳng cần đến lòng thương hại. Ông cứ ung dung mà đi tiếp con đường của mình, đúng hơn đi tiếp trên một sợi dây mảnh, như thể một nghệ sĩ xiếc trong một pha mạo hiểm… Và ông biết, chỉ cần ông chệch chân ra khỏi sợi dây, người ta sẽ phỉ báng ông, vùi lấp ông như thể vùi lấp một ngôi mộ. Đời vốn nghiệt ngã! Đời người sáng tạo còn nghiệt ngã hơn!

Khuôn mặt “nhàu nát” ấy hình như vẫn đang mỉm cười – một nụ cười nhân ái, thiết tha với đời, với người…

[1] Tên của cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu về Nguyễn Huy Thiệp do Phạm Xuân Nguyên chủ biên.

Một Gia Đình ở Canada Giữ Xác Chết 6 Tháng Trong Nhà Cầu Nguyện Cho Sống Lại



Reuters / Andy Clark




Một cộng đồng Ki-tô nhỏ ở Canada để cho một người giữ xác chết của một thành viên trong sáu tháng vì tin rằng Chúa sẽ làm cho ông này sống lại. Văn phòng luật sư Crown thấy rằng sự việc này không có ý định phạm tội và ra lệnh cho người góa phụ của xác chết này phải đến tham vấn cơ quan y tế.

Đây là vụ án bất bình thường được giải quyết vào hôm Thứ Hai (01 Dec 2014) khi bà Kaling Wald 50 tuổi, bị buộc tội là đã không thông báo cho chính quyền về cái chết của chồng bà là ông Peter.

Người đàn ông 52 tuổi này bị bệnh tiểu đường và nhiễm trùng ở chân vào tháng Ba. Nhưng ông từ chối không đi bệnh viện và tin rằng, Chúa sẽ chữa trị cho ông khỏi bệnh. Cuối cùng, chứng bệnh này làm cho ông hôn mê và chết vào ngày 20/3/2014, theo lời khai được đọc trước tòa án.

Bà Wald phủ kín xác chết của chồng bà bằng hai cái mền, và dùng cái nón che kín cái đầu, rồi khóa cửa và bịt kín hết khe hở để giữ cho hơi thối của xác chết đã rữa thối khỏi lọt ra bên ngoài nhà. Bà ta tin rằng cuối cùng thì chồng bà sẽ sống lại và sẽ trở về với gia đình.




Sau buổi điều trần tại tòa án, Bà Wald nói với một nữ phóng viên của Hamilton Spectator rằng, “Chúng tôi tin ở Chúa. OK, Chúng con nghĩ rằng Chúa biết rõ hơn cả.”

Xác chết này để trên lầu từ 6 tháng trước khi cảnh sát tới tống xuất bà Wald cùng 6 đứa con của bà tuổi từ 11 đến 22, và 7 người bạn thành niên ra khỏi nhà ở Hamilton, Ontario vì đã không trả tiền vay nợ (nhà) của nhà ngân hàng.

Người cảnh sát khám phá ra xác chết này lúc đó đã bị chuột gặm nhấm và đã thối rữa đến độ người ta không còn nhận ra trên ảnh chụp.

Do tình trạng xác chết đã bị teo, người ta không thể thí nghiệm độc tố, nhưng nhà bệnh lý học tuyên bố rằng cái chết của người chết “có vẻ là do nguyên nhân tự nhiên. ”

Lúc đầu Bà Wald bị buộc tội lơ đãng nhiệm vụ đối với xác chết và đã không đối xử với xác chết đúng với nhân cách. Nhưng sau đó, lời buộc tội này được thay thế bằng một lời buộc tội đơn thuần theo luật Khám Nghiệm Tử Thi (Coroner’s Act ).

Bà Janet Booy, phụ tá tư pháp của Công Tố Viện Crown nói "Đây là một vụ án cực kỳ đau buồn. Đương sự thực sự tin rằng dù đã chết cả 6 tháng rồi mà vẫn còn tin rằng chồng bà ta sẽ sống lại từ cõi chết." Bà Booy nói với báo chí rằng, đây là vụ án đầu tiên như vậy ở Canada.

Tòa án đã đình chỉ bản án của bà Wald và quản thúc bà 18 tháng. Đồng thời, tòa án còn ra lệnh bắt bà phải tham vấn cơ quan y tế công cộng về những vấn đề có liên hệ đến việc để xác chết (ở trong nhà) mà không săn sóc.

Ông Tòa Thượng Thẩm, Marjoh Agro, nói, “Đây không phải là niềm tin tôn giáo của bà. Nó thuộc về vấn đề an toàn cho bà, an toàn cho các con cái của bà, và an toàn cho cộng đồng rộng lớn hơn.”

Gia đình nhà Wald được nhận biết trong khu phố ở phía bắc thành phố Hamilton, qua chiếc xe Van màu xanh da trời, sơn kín những hàng chữ về tình yêu dành cho Chúa, và thánh giá được khắc lên đèn ở đầu xe. Họ tham gia từ thiện, phát thức ăn cho những người vô gia cư.



Gia đình Wald đã di chuyển về Fort Erie, Ontario, để lại sau lưng vụ án tội ác bất bình thường này.

Bà Wald nói với phóng viên của Hamilton Spectator rằng, “Đúng, đây là một việc bất bình thường. Chắc chắn là nó không bình thường, và chúng tôi sẽ không làm như vậy nữa… còn có luật pháp và bây giờ thì chúng tôi biết rồi.”

Bà Wald nói, niềm tin của bà không lay chuyển và vẫn hy vọng chồng bà sẻ sống lại từ cõi chết khi đến lúc.

“Thật ra, tôi đã bị mém vào lòng thương của Chúa, vì rằng Chúa là quan toà cuối cùng.” Bà ta Wald nói.

Canada family keeps father’s corpse for 6 months, praying for resurrection

http://rt.com/news/210619-canada-family-corpse-ressurection/

http://nypost.com/2014/12/02/family-leaves-corpse-to-rot-believing-faith-would-bring-him-back/

Tổng thống Putin tự tay thảo hịch, luận tội phương Tây


Thông điệp mà hôm nay Tổng thống Putin đọc là Thông điệp LB thứ 20 trong lịch sử nước Nga mới và là thông điệp thứ 10 của ông Putin trên cương vị Tổng thống Nga. Trong nhiều nội dung quan trọng, bài phát biểu của Tổng thống Putin đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tọa bằng những tràng pháo tay kéo dài. Putin đã tự tay chuẩn bị thông điệp năm nay vì tầm quan trọng của nó đối với nước Nga cũng như các chính sách đối ngoại của Nga.


Ông Putin đang đọc thông điệp liên bang Nga.

Tổng thống Putin tuyên bố trong thông điệp hàng năm, Nga sẵn sàng mở cửa cho phần còn lại của thế giới và phát triển quan hệ đối tác bình đẳng với các nước khác. Việc áp dụng các hình thức răn đe trừng phạt Nga bằng sức mạnh là không hiệu quả và cảnh báo mọi âm mưu chống lại Nga.
"Nói chuyện với Nga bằng sức mạnh là vô nghĩa", tổng thống Putin phát biểu trong thông điệp hàng năm của tổng thống tới quốc hội liên bang Nga. TT Putin nhấn mạnh các hành động trừng phạt "đối với Nga là không có gì mới".
"Các chính sách trừng phạt không được tạo ra ngày hôm qua, nó đã luôn được tiến hành đối với đất nước của chúng ta, trong nhiều thập niên, nếu không phải là nhiều thế kỷ", ông Putin nhấn mạnh.
"Mỗi lần ai đó coi Nga đang trở nên quá mạnh mẽ và độc lập, các chính sách đó tới ngay lập tức", ông Putin nói thêm.
Sáp nhập Crimea với Nga là vì "lịch sử"
Mở đầu bài phát biểu tổng thống Nga nói rằng Crimea là địa danh gắn liền với văn minh và lịch sử nước Nga. Crimea có giá trị tinh thần rất lớn với Nga. Người Nga đã hi sinh rất nhiều xương máu để bảo vệ Crimea trong nhiều thế kỷ để chống lại sự xâm lược của đế chế Ottoman. Cũng như Crimea có thể xem là nơi phát tích đế chế Nga.
"Tổ tiên của chúng ta đã khai sinh ra đất nước từ Crimea", ông Putin nhấn mạnh. "Điều này cho chúng ta lý do để nói rằng Crimea là rất quan trọng đối với tổ quốc Nga", ông nói với sự tự tin, cần lưu ý rằng "chúng ta sẽ làm điều này một lần cho mãi mãi (ý nói Nga kiên quyết sáp nhập Crimea về với Nga)".
Ukraine là anh em với Nga
Vladimir Putin nêu ra lòng tin đặc biệt của người Nga luôn xem Ukraine như "dân tộc anh em" và bất chấp những căng thẳng gần đây giữa hai nước, mối quan hệ này sẽ không thay đổi.
"Mọi người nên nhớ Nga cùng các nước cộng hòa của Liên Xô cũ đã không can thiệp khi Ukraine tìm kiếm độc lập, Vì thế Liên Xô đã tan rã. Kể từ đó, vị trí của chúng tôi đã không thay đổi. Mỗi quốc gia có quyền bất khả xâm phạm đến con đường phát triển của mình", tổng thống Nga cho biết.
Nga và điểm yếu đối ngoại
Putin nhớ lại tình hình trong năm 1990 khi Nga cho thấy sự cởi mở chưa từng có cho hợp tác quốc tế, nhưng Nga phải đối mặt với "sự hỗ trợ của các phần tử ly khai từ nước ngoài về thông tin, chính trị, tài chính và các cơ quan tình báo là hoàn toàn rõ ràng".
Tất cả đã được diễn ra tại một thời điểm khi Nga "coi là kẻ thù cũ của mình như những người bạn gần gũi và gần như đồng minh", Putin nói.
Kịch bản tan rã của Liên Bang Nga sẽ không thành sự thật
Nga sẽ chiến đấu hết mức để chống lại kịch bản tan rã tương tự liên bang Nam Tư, tổng thống Putin khẳng định.
"Họ cố gắng chia rẽ nước Nga, tạo ra một kịch bản tan rã giống như liên bang Nam Tư, người Nga sẽ phải nhận kết quả bi thảm nếu điều đó xảy ra. Chúng ta sẽ ngăn chặn chuyện đó bằng mọi giá", ông nói.
Putin cũng nhớ lại số phận của Adolf Hitler, người cũng lên kế hoạch để tiêu diệt nước Nga và những lý tưởng Cộng sản mà Đức quốc xã cực kỳ căm ghét.
"Mọi người nên nhớ rằng kết thúc của ông ta như thế nào", ông Putin nói.
Nga nói 'không' với cuộc chạy đua vũ trang
Nga sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ khí đắt tiền, tổng thống Putin nói. Nhưng khả năng phòng thủ của Nga sẽ luôn được đảm bảo an toàn.
"Tôi không có nghi ngờ gì về điều đó (năng lực phòng thủ của Nga). Nga có đầy đủ năng lực và công nghệ để đảm bảo an ninh", ông Putin nói.
Lá chắn tên lửa ở châu Âu sẽ chỉ đe dọa nước Mỹ
Việc triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ tạo ra rủi ro cho Mỹ và các quốc gia châu Âu đã đồng ý sử dụng hệ thống này, bởi vì nó được xây dựng trên một ảo tưởng nguy hiểm về sự xâm phạm, Putin nói.
"Việc Mỹ triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo toàn cầu mang lại mối rủi ro cho nước Mỹ và các quốc gia châu Âu đồng ý sử dụng hệ thống này. Tôi tin rằng đây là mối nguy hiểm cho chính Mỹ và an ninh thế giới bởi nó bắt nguồn từ một quyết định đơn phương, dựa trên ảo tưởng về sự xâm phạm", ông Putin nói.
Nga xem xét hệ thống đó là một mối đe dọa lớn đối với an ninh của riêng mình và đã đe dọa tăng kho vũ khí có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.
Mỹ thao túng chính sách đối ngoại nước láng giềng của Nga
Mỹ luôn luôn, hoặc trực tiếp hoặc đằng sau hậu trường, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Nga và các nước láng giềng.
"Tôi đề cập đến những người bạn Mỹ của chúng ta cho một lý do chính đáng", ông Putin nói "Bởi vì đôi khi bạn thậm chí không biết rằng nên nói chuyện trực tiếp với chính phủ các quốc gia láng giềng hay trực tiếp với ông chủ Mỹ của họ".
Về thông điệp liên bang của tổng thống Nga
Thông điệp mà hôm nay Tổng thống Putin đọc là Thông điệp LB thứ 20 trong lịch sử nước Nga mới và là thông điệp thứ 10 của ông Putin trên cương vị Tổng thống Nga. Trong nhiều nội dung quan trọng, bài phát biểu của Tổng thống Putin đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tọa bằng những tràng pháo tay kéo dài.
Như thường lệ, lễ đọc Thông Điệp LB của Tổng thống Putin diễn ra tại Điện Kremlin với sự có mặt của hơn 1.000 đại biểu là các nghị sĩ, Hạ viện, Thượng viện, các thành viên Chính phủ, các trưởng phái tôn giáo, các tỉnh trưởng, trưởng các đơn vị hành chính lớn của LB cùng các nhà hoạt động xã hội... Rất nhiều phóng viên, báo chí cũng theo dõi đưa tin trực tiếp từ điện Kremlin cùng hệ thống phát thanh, truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh lớn của Nga.
Putin đã tự tay chuẩn bị thông điệp năm nay vì tầm quan trọng của nó đối với nước Nga cũng như các chính sách đối ngoại của Nga.


Thiên Hà (theo RT)

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

- Nguyễn Bá Thanh-Chức vụ có thể làm hỏng con người?


Ông Nguyễn Bá Thanh nổi tiếng là người có những cải cách táo bạo và đã góp phần quan trọng vào việc đưa thành phố Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, đầu tư nước ngoài và an sinh xã hội… Ông cũng nổi tiếng là người gần dân, chịu khó lắng nghe ý kiến của người dân. Ông có thể đối thoại với người dân từ chiều đến quá nửa đêm…

Tôi hỏi ông: “Anh có thấy cán bộ các cấp chính quyền ngày càng quan cách, càng xa dân, vô cảm với nỗi khổ của dân hay không?”.

Ông cười buồn và bảo: “Hóa ra chức vụ có thể làm hỏng con người anh ạ. Tôi kể cho anh nghe chuyện của tôi”.

- “Ngày ấy tôi còn trẻ lắm, nhưng được dân tín nhiệm bầu làm Phó chủ nhiệm hợp tác xã. Tôi cũng chưa có vợ, cho nên thường ra trụ sở Ủy ban nhân dân ngủ. Cũng chẳng có giường chiếu gì đâu, mà nằm trên bàn. Nhiều hôm, hơn 5 giờ, bà con đã qua đập cửa hoặc khều chân tôi qua cửa sổ… Anh biết đấy, thanh niên, đang tuổi ăn, tuổi ngủ mà bị đánh thức kiểu ấy thì khó chịu lắm. Nhưng không, tôi vùng dậy, làm vài động tác tập thể dục cho giãn gân cốt rồi lại còn hát vui vẻ và ra chia phân đạm, thuốc trừ sâu cho bà con. Rồi lại đi lội ruộng thăm lúa hoặc cùng bà con nhổ cỏ, cày bừa… Rồi tôi làm Chủ tịch xã, Phó chủ tịch huyện và làm Chủ tịch huyện.


Ông Nguyễn Bá Thanh.

Buổi sáng, tôi có thói quen là ra một tiệm bún ăn một tô và uống một ly cà phê đen, hút một điếu thuốc rồi trở về làm việc, đúng 7 giờ (ngày ấy còn làm việc từ 7 giờ).

Một sáng, tôi vừa ra cổng Ủy ban đi ăn sáng thì có ông già đến. Với vẻ rụt rè, ông chìa cho tôi một lá đơn và nói: “Nhà tui sắp sập rồi, xin ông chủ tịch duyệt cho tôi mua mấy khối gỗ”.

Tôi nhìn ông già và tự nhiên thấy khó chịu:

- “Ông cứ chờ tôi nhé. Tôi đi ăn sáng đã”.

Ông già lại năn nỉ:

- “Xin ông chủ tịch duyệt cho tôi để tôi còn kịp ra đi xe về nhà. Nhà tui cách đây xa lắm”.

Nghe ông nói thế, bỗng dưng tôi nổi nóng, tôi nói như quát:

- “Thì ông làm gì cũng phải chờ đến giờ đã chứ. Ông coi đây – Tôi chìa đồng hồ vào mặt ông già – mới hơn sáu rưỡi. Ai làm việc giờ này? Mà ai cho phép ông vào đây?”.

Ông già sợ rúm lại, mặt tái mét, không dám nói thêm câu nào nữa. Tôi nói thêm:

- “Ông cứ chờ đấy. Lát nữa tôi coi”.

Nói xong, tôi đi ra quán và gọi tô bún. Nhưng chẳng hiểu sao, trong tôi dấy lên một cảm giác là lạ khiến cổ tôi như bị nút lại, ăn không được. Tôi bỏ dở tô bún, gọi cà phê, nhưng mới nhấp được một ngụm, tôi thấy đắng quá chừng. Rồi tự nhiên hình ảnh ông già tay cầm lá đơn hiện ra, choán hết tâm trí tôi. Và tôi như người ngủ mê sực tỉnh. Tôi tự thầm nói với mình: “Mày mới là Chủ tịch huyện mà mày đã thế này, ít nữa, nếu mày được lên chức cao nữa, thì mày sẽ cư xử thế nào với dân… Ngày trước, bà con khều chân mày, đập cửa rầm rầm gọi mày dậy, mày vẫn vui vẻ lắm kia mà. Hóa ra cái chức tước này làm hỏng mày?”. Vậy là tôi vội vã đi về. Ông già vẫn đứng ngoài cổng, tôi bảo ông:

- “Bác vào đây cháu xem đơn từ thế nào”.

Tôi đưa ông vào phòng làm việc và xem đơn. Hóa ra ông là cha liệt sĩ, nhà hư hỏng nặng quá, có xác nhận của Ủy ban xã. Tôi ân hận đến cực độ. Rồi tôi ký ngay cho ông được mua 4m3 gỗ xoan đào nhóm 4. Tôi đưa ông xuống văn thư, bảo cô nhân viên đóng dấu ngay cho ông. Thật đúng là không thể tả nổi niềm hạnh phúc của ông già khi được duyệt đơn mua gỗ, lại được đích thân Chủ tịch huyện đưa xuống đóng dấu. Khi ông về, tôi đứng trên gác nhìn xuống và thấy dáng ông đi xiêu xiêu trong niềm vui bất ngờ.

Từ đó trở đi, trong đầu tôi luôn có một suy nghĩ: “Không cẩn thận, hóa ra chức tước làm hỏng con người. Và cũng từ đó, tôi coi việc đến với dân, lắng nghe lời dân là bổn phận của mình”.

***

Nghe câu chuyện ông kể, tôi cứ suy nghĩ mãi. Đúng thế thật, tôi đã gặp rất nhiều cán bộ, bình thường rất vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Nhưng khi có tý chức, tý quyền là mặt bắt đầu cứ vác lên tận… giời và nếu có được ít thành công trong công việc, là bắt đầu coi thiên hạ bằng một nửa con mắt, thậm chí “mục hạ vô nhân”. Tôi cũng đã được chứng kiến cảnh có những vị lãnh đạo chính quyền phải tránh mặt, không dám tiếp xúc với dân…

Căn bệnh xa dân, vô cảm với dân đúng là đang càng ngày càng phát triển trong không ít cán bộ lãnh đạo và dẫn đến giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng cầm quyền. Đây mới thực sự là nguy cơ tiềm ẩn về lâu dài.

Cụ Nguyễn Trãi, có câu thơ nổi tiếng:

“Phúc chu thủy tín dân do thủy
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật…”.

Tạm dịch nghĩa là:

“Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước. Cậy đất hiểm không bằng có mệnh trời. Cái họa, cái phúc không phải một ngày tự dưng đến mà có căn nguyên, gốc rễ từ trước đó…”.

Để dân không còn tin vào người lãnh đạo, thì căn nguyên đầu tiên là từ chính người lãnh đạo đó!

http://nguyentandung.org/chuyen-cua-ong-nguyen-ba-thanh.html

TRỊNH CÔNG SƠN VÀ TÔI CÓ NHIỀU ÐIỀU CHƯA BAO GIỜ NÓI.






Nguyễn Tú A





Có người đề nghị tôi viết về Trịnh công Sơn nhân ngày giỗ thứ 5 của anh vì họ thấy tôi hay lang thang với TRỊNH CÔNG SƠN ở mấy quán ăn bình dân khi Sơn còn nghèo, khi thấy tôi lắc đầu lúc cô ca sĩ trình bày bản “tiến thối lưỡng nan”. Tôi biết hoàn cảnh của Trịnh Công Sơn, hoàn cảnh của “Tiến thối lưỡng nan” của Sơn không phải như thế.!!

Tôi quen Trịnh công Sơn qua Nhạc sĩ Miên đức Thắng. Tôi hay chở Miên Ðức Thắng trên chiếc vespa lịch sử của tôi, chiếc vespa còn mới nhưng bề ngoài như xe phế thải. Tôi với Thắng hay ghé lại Sơn lúc còn tạm trú một khu gọi là “phòng” cho lịch sự vì vây bởi mấy tấm ván trong căn nhà tôn trong khuôn viên Ðại học Văn Khoa thì phải. Từ đây chúng tôi thả bộ chừng 200 feet đến quán cơm bình dân. Gọi là “quán” cho lịch sự chứ chỉ là cái sạp nhỏ bán nước chanh, cà phê, cơm bình dân cho sinh viên nghèo và cả giới xích lô, đặt dưới chân cầu thang. Sao lúc đó chúng tôi nghèo thế. Có lần cả 3 đứa đói, gom vừa đủƯ tiền gọi một dĩa cơm trắng lớn và 1 cái hột vịt luộc dằm với nước mắm. Dĩa cơm và dĩa nước mắm trong có độc nhất một cái hột vịt để trên cái ghế đẩu. Ba đứa ba chiếc ghề đẩu lùn, chỉ sợ mạnh tay, đổ ụp mâm cơm là cả ba... chỉ có nước ăn mày!!

Thế rồi Sơn nổi tiếng, tôi bận bịu việc đi dậy, học hành và sau này công việc báo chí, thỉnh thoảng gặp nhau, cụng vài ly rượu, nói chuyện .. tàu lau rồi .. hẹn gặp lại.

Khi Nick Út ở chung nhà với tôi, lên máy bay sang Phi sau đêm Tổng thống Thiệu khóc, chửi Mỹ, bàn giao chức vụ, tôi không tha thiết với công việc báo chí, là lúc tôi hay gặp Sơn ở nhà hàng Khánh Ly, ngồi ngay ngoài đường ăn xôi, uống nước trà vối.

Tôi không biết nhiều về âm nhạc, nghe nhạc như “đờn gảy tai trâu” nên không xem Sơn là thần tượng âm nhạc. Gặp nhau, chưa bao giờ nói chuyện âm nhạc, tòan chuyện tiếu lâm, chuyện trên trời dưới biển, chuyện gái và những ngày cuối nói chuyện ra đi.

Tôi là ký giả về Việt Nam sớm nhất, muốn cho độc giả biết về văn nghệ 13 năm sau bức màn sắt nên gặp Sơn, ngoài là bạn cùng cụng ly, Sơn giúp tôi thực hiện những cuốn “Văn nghệ sĩ còn ở lại”. Tôi và Sơn cùng “khốn khổ, dở khóc dở cười” khi Sơn giúp tôi quay những cuốn này. Công an ngăn cản tôi quay film, không có gì lạ, luật lệ khó khăn cho cả nước. Nhưng công an cũng không nể gì Sơn. “Mi mà đưa được những thước phim này qua Mỹ, tau phục.!!”. Tôi đã làm được việc đó. Không ngờ ngày Sơn nói câu đó, đến này 19 năm!!

“TOA... MOA”

Tôi với Sơn không thân lắm, nên thường xưng nhau bằng “toa’ “moa”, lâu lâu có tiếng “tau”. Quen với Sơn từ lúc còn hàn vi, lúc đó khá nổi tiếng rồi nhưng ca sĩ, nhạc sĩ chưa quen trả tác quyền cho nhạc sĩ sáng tác nên hay sao đó, nói chung, những anh em liên quan đến văn nghệ, báo chí đều .... rách. Tôi lúc đó còn thời sinh viên, giờ nào không tròng cái cà vạt đi dậy thì ghi cour, mảnh bằng tương đương với tấm giấy hoãn dịch. Cùng hoàn cảnh với Sơn.

Khi làm báo, cả sinh hoạt chính trị Việt Nam chỉ quanh quẩn gần đường Tự Do, quán Brodard, Givral, café Continental, Pôle Nord .... Sơn lúc đó xoay sở sao đó, không biết có giấy hoãn dịch trong túi chưa, nhưng cũng chỉ lang thang trên con đường Tự Do. Toa moa không thân nhưng có dịp gặp nhau, tỉ tê cả giờ. Tôi không biết nhạc, không bàn về nhạc, Sơn không phải là thần tượng, nên tôi không phải nói chuyện vời thần tượng mà nói chuyện với người cùng cảnh, cùng lứa tuổi, ... toàn chuyện tầm phào. Nếu viết lại những chuyện tầm phào, chắc chỉ có viết sách. Giới hạn trong bài báo, tôi chỉ nhắc về một vài chuyện nào có thể nhắc.


“ÐI HAY Ở”.

Những ngày cuối của tháng tư, 75, gần như sáng nào cũng ngồi với TCSơn ở quán Khánh Ly và nói chuyện “dzọt”. Một lần có thêm Phương của Lê Uyên Phương. Anh chàng nhạc sĩ Lê Phương này chạy từ Ðà Lạt, tới Sàigòn rồi trong lúc ngồi với tôi, với Sơn, Phương than nhớ nhà, phải về Ðà Lạt chia tay một lần. Lần đó Phương về và kẹt lại, không rõ có bị đi học tập hay không. Sau này vượt biên gặp lại, hình như 5 hay 6 năm gì đó, khi ăn lại với nhau cơm rau đay, cà ghém ở nhà Khánh Ly.

Sơn bị ám ảnh con tàu chở đủ mọi thành phần từ Ðà Nẵng vào Phú Quốc rồi Sàigòn. Trên con tàu này, một số binh lính vô kỷ luật, cướp của giết người bị tịch thu hết tài sản đã cướp được và bị hành quyết tại bờ biển Phú Quốc. Sơn dứt khoát chọn ở lại lấy lý do sợ nhìn lại cảnh di tản này. Khi trực thăng chở gia đình tôi ra Ðệ thất hạm đội, theo dõi tình hình trong nước qua chiếc radio nhiều băng tần, tôi nghe tiếng Sơn và những bản “nối vòng tay lớn” hát đi hát lại nhiều lần.

Ở hải ngoại, Trịnh công Sơn bị lên án “chạy theo Cộng Sản”. Trong lúc các quân nhân bị tù cải tạo, Sơn cũng bị tù cải tạo bằng hình thức khác vì tội của Sơn đã chạy từ Huế vào Ðà Nẵng, rồi từ Ðà Nẵng về Sàigòn. Có lẽ dịp nào viết sách, tôi sẽ trình bày những ngày Sơn trả giá cho tội “chạy bỏ cách mạng”.


TCSƠN VÀ NHẠC VÀNG



Tôi về Việt Nam quá sớm. Sàigòn lúc đó thật xơ xác. Xơ xác đến não nề, nhìn lại Sàigòn sau 11 năm xa cách, ít ai cầm được nước mắt. Gặp lại Sơn, chỉ chia nhau những ly rượu, ít tâm sự, ít nói năng vì sau 11 năm xa cách, không ai rõ con người của nhau ra sao. Ai cũng e dè, ngại ngùng nhau. Lúc đó, tôi đã thành công nhiều trong ngành địa ốc, đã du lịch nhiều quốc gia và có thói quen mang rượu trong va ly. Miên Ðức thắng lúc ngồi quán café của Tưởng khu chợ trên đường Hai bà Trưng, nói “Mày cho tao coi cái passport của mày, xem nó ra sao, mày được bay bổng như chim, còn tao ở một xó!”.
Tôi đã nhìn thấy Sơn hạnh phúc với những ly rượu “ngoại”. Vì lúc đó, ngoài ông chủ nhiệm báo Tin Sáng Ngô Công Ðức ra, ít chỗ nào có rượu “ngoại” đúng nghĩa. Sơn mê rượu và đã bị con ma rượu hành hạ. Thân thể Sơn gầy như cây tăm, đội chiếc nón phớt, chạy chiếc mô bi lét mà tôi có cảm tưởng gió mạnh có thể làm Sơn lạc tay lái. Sau này tôi đưa hình Sơn với chiếc nón phớt này đã gợi cho hoạ sĩ Hồ thành Ðức vẽ lên một Trịnh Công Sơn Việt nam. Bức hoạ này đã hiện diện trên nhiều báo trong và ngoài nước và những nơi hội họp nói về Trịnh Công Sơn.

Sau khi vợ chồng tôi bị công an tạm giữ vì chụp hình Bùi Giáng lúc ông ta múa máy và chửi Bác trên cầu Trương Minh giảng, buổi chiều ngồi uống rượu trong nhà Sơn, trước khi Bùi Giáng đẩy cổng vào uống chung, Sơn khoe sắp cùng Phạm Trọng Cầu, Miên Ðức Thắng hát lại nhạc “vàng”.

Chỉ có những người còn ở lại mới hiểu thế nào là nhạc vàng. Nhạc vàng là những bản nhạc sáng tác trước 1975, nhiều người ưa thích. Trên một chục năm, âm nhạc Việt Nam vẫn được sáng tác, nhưng “sao ấy”. Nghe không hiểu gì cả, chỉ cây có nói với núi sông, thuyền nói với biển, cây nói với rừng và gần như không có bản nào người nói với người. Trên 10 năm, Việt nam thiếu nhạc tình ca.

Về Mỹ trang bị máy quay mới và quay lại Việt nam ngay cho kịp ngày nhóm Phạm trọng Cầu, Miên đức thắng, Trịnh công Sơn khai mạc đêm hát nhạc tiền chiến trên lầu câu lạc bộ cũ cạnh bờ sông Sàigòn. Ðêm khai mạc tôi còn ngồi trên máy bay.

Tôi không biết gì về nghề quay phim. Tôi là dân chơi nhiếp ảnh nghệ thuật từ hồi còn nhỏ, lang thang đi chụp với các anh như Nguyễn cao đàm, Cao Lĩnh, Lê văn Khoa, Nguyễn xuân Tính, Thái đắc Nhã... mỗi tuần. Nhờ vậy khi làm báo, tôi đã thành công nhờ chiếc máy chụp hình. Không biết về quay phim, nên ngồi trên máy bay là thời gian tôi học nghề quay phim với máy móc tối tân, thay thế chiếc máy quay cầm tay mà những người có dịp mua phim tôi những cuốn “Hà nội dưới mắt ký giả Nguyễn Tú A”, sau đó có Sàigòn, Cần Thơ.. phải khóc thét lên vì những thước phim quay chơi, bằng máy nhỏ tí, không biết nghệ thuật quay. Xem xong mấy cuốn phim trong chuyến đầu của tôi, người nào không chóng mặt là còn khoẻ mạnh!! Quay bằng máy nhỏ, lại không biết cách quay phim, ngồi trên xích lô, sợ công an nhìn thấy máy, che máy bằng khăn .... thế mà 15 máy in, chạy 24/24 vẫn không kịp cung cấp cho thị trường. Người xem chỉ cần thấy Sàigòn, Mai Thảo Phạm Duy Bùi Duy Tâm chỉ cần nhìn lại được Hà Nội, khóc một cách như trẻ em khóc là thỏa mãn.

Ðêm đầu tôi quay với chiếc máy Sony loại tối tân nhất của Sony về Super VHS với tape desk dài 2 giờ, cho đêm nhạc tiền chiến kể như thất bại vì công an hành tôi. Chỉ quay được vài phút là công an có mặt. Ðút tiền cho công an, lúc đó công an không dám lấy. Ðêm sau, nói chỉ xin quay vài phút. Miên đức Thắng dụ mấy công an xuống tầng dưới uống rượu ngoại, nhưng vài phút họ lại lên phòng trình diễn bắt dẹp máy. Một đêm, Nhạc sĩ Phạm trọng Cầu lấy cớ ở nhà lo tang lễ cho bố để mình tôi và Miên Ðức Thắng xoay sở, cũng chỉ quay được hai bài “Hòn vọng Phu” là công an cúp điện. Khi quay, tôi để ý tối nào cũng thấy nhạc sĩ Lê Thương, tác giả 3 hòn Vọng Phu. Ðêm tôi quay lần đầu, tôi còn thấy Lê thương khóc. Sau khi 3 lần quay thất bại, tôi đi tìm Lê Thương.

Gặp Lê Thương ở nhà, tiếp tôi tại phòng khách cũng là phòng ngủ, trống trơn còn mỗi chiếc nệm vì đồ đạc đã bán hết sống qua ngày. tôi hỏi Lê Thương “sao anh khóc khi nghe nhạc phẩm Hòn vọng Phu?”, anh trả lời “mười mấy năm không nghe lại nhạc của mình, không thấy đứa con tinh thần của mình, thấy lại, nghe lại, làm sao không khỏi khóc!”. Bản nhạc này lúc đó được 3 cô bé trình bày và giọng nam là ca sĩ lạ, anh ta bây giờ đang phụ trách ca nhạc mỗi đêm ở quán Ðà Lạt trên đường Brookhurst.

Bạn có ở lại Việt Nam bạn mới thấy cảnh dân Sàigòn trịnh trọng nghe lại nhạc vàng. Trình diễn mỗi đêm mà họ phải mua vé trước cả tháng. Giờ trình diễn họ nghe chăm chú như chiêm ngưỡng. Họ thèm được nghe lại nhạc vàng. Tôi cũng quay cảnh này ở Hà Nội với nhóm Ðoàn Chuẩn, Khắc Hoè nhưng gần 2 năm sau Hà nội mới dám hát nhạc tiền chiến.

Tôi hỏi Lê Thương có cách nào tôi quay trọn vẹn 3 bài Hòn Vọng Phu mà không bị Công An ngăn cản?, Nhạc sĩ Lê thương ngồi nghĩ và tìm ra giải pháp. Chỉ có người giúp mình quay 3 bài này mà công an để yên cho mình quay là khi có xếp lớn ngồi nghe. Ai có khả năng mời xếp lớn?. Câu trả lời là ca sĩ Hồng Vân, cô này lanh lợi, quen nhiều. Nói tới Hồng Vân, tôi rành. Trước 75, tôi hay mời Hồng Vân đi theo nhóm ảnh nghệ thuật làm người mẫu.
Hồng Vân vui vẻ, làm ngay. Nhân vật thẩm quyền cao cấp nhất của âm nhạc miền Namlúc đó là Sáu Tòng. “bằng mọi cách, Vân sẽ mời được và Vân sẽ hát!”. Trịnh công Sơn hí hửng từ chiều.

Trịnh Công Sơn và Nguyễn Tú A thực hiện quay Hòn vọng Phu.

“Thưa quí vị, tôi muốn giới thiệu đến quí vị bản nhạc mở đầu Nắng chiều của nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn. Nhạc sĩ Lệ trọng Nguyễn đang ở Hoa Kỳ. Anh bị bịnh lao và vaò thời kỳ thứ 3, thời gian anh còn sống không còn bao lâu nữa. Tôi hy vọng chúng ta trình diễn nhạc của anh như một lời hỏi thăm, chúc anh khoẻ....” Nhạc sĩ Phạm trọng Cầu nghiêm chỉnh giới thiệu. Nhạc sĩ Phạm trọng Cầu là nhạc sĩ có thế lực vào lúc đó, nhờ anh từ Pháp về. Khi nghe giới thiệu, tôi cũng tưởng nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn bịnh nặng. Khi về Mỹ, nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn rủ tôi xuống lầu uống càfé và nhờ tôi lo giùm anh mấy ticket anh bị phạt, tôi hỏi bịnh tình anh ra sao, anh bảo “tao có bịnh gì đâu!”, lúc đó tôi mới hiểu ý của Phạm trọng Cầu. Và cũng từ đó, tôi mới hiểu tại sao nhạc vàng bị đổi tên tác giả chỉ vì mục đích hợp pháp cho nghệ sĩ được trình diễn.

Từ trái qua phải, Nhạc sĩ Phạm trọng Cầu, Kiều Loan, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tú A trong buổi họp mặt tại căn nhà cũ của Tú A ở quận 1, năm 1987.


19 năm rồi, nghĩ lại, tôi vẫn còn nhớ lần quay những tập “Văn nghệ sĩ còn ở lại”, nhất là 3 Hòn vọng phu, nhớ Sơn luôn luôn đi sát tôi, bảo vệ trong lúc tôi quay, không cho công an lại gần và không cho ai đụng vào người tôi trong lúc tôi vác chiếc máy nặng, đeo cái tape desk cả chục cân. Hồng Vân hát và mỗi lần đến đoạn nào hay, cô lại đến gần ông Sáu Tòng để tôi quay có hình Sáu Tòng trong phim, mục đích người kiểm duyệt không dám xóa hay tịch thu phim của tôi. Trong tác phẩm của tôi, lâu lâu lại có tiếng Sơn “Tú... Tú...” tôi liên ngay đến ngón tay của Sơn chỉ về chỗ ông Sáu Tòng để tôi lia máy về chỗ theo ngón tay Sơn chỉ, cũng với mục đích có hình của ông Sáu Tòng, phim tôi có thể đến được Mỹ.

Khi tôi phát hành những thước phim này ở Mỹ, tôi đã bị chụp là tuyên truyền cho Cộng sản. Còn Sơn lúc nào cũng mang mác buồn và nhất là lần anh nghe được bạn bè anh dùng mấy câu thơ chửi anh:

Thằng nhạc sĩ vàng
Ôm cây guitar đỏ,
Âm nhạc từ đó biến thành màu da cam



Tú A và Sơn những giờ hạnh phúc, bên ly rượu

Trích nguyentua.com, ngày9/6/06
NDVN, ngày20/6/06

Biển cuốn trôi đời nhau…




Cư sĩ Liên Hoa



Em nằm yên giấc mồ côi
Đoá hồng lắng đọ ng bên dòng phù du
gió nguồn ngày tháng vi vu
sóng đời dồn dập vô thường viễn xa

cùng từ lượng kiếp tìm về
cánh hoa vạn kỷ bỗng hồi xuân xưa
giật mình thấy mộng kiêu sa
chợt rơi tâm tưởng, lòng ta thưở nào

ai mang gió bụi vào mơ
ai đem gió cát để rồi lãng phiêu
cùng nhau nơi cõi sơn hà
ta về thường trụ, ta bà cảnh xưa….


Giữa gió cát phù du, sóng đời đã bao lần thổi đến. Gió lạnh, cát mềm, sóng đẩy đưa ướt đẩm thân tâm, nghe lòng chơi vơi như bãi cát hoang vu, đón những cơn sóng vỗ về, rát da rát thịt. Đời người ư, vô thường như những gì không nắm bắt được, cho đời hắt hiu, cho tâm say sóng, cho mộng tìm về.

Mỗi người đều ôm một nửa đời hoặc trọn cuộc đời người, rong chơi trên biển nghiệp nầy, hứng chịu mưa nắng êm dịu hay dồn dập được trao tặng con người. Có kẻ đã ngả gục trên bước đi sanh tử, có người chạy trốn vô thường, ảo ảnh trong hoang tưởng, hay tìm nơi cùng cốc thâm sơn quán chiếu lại lòng hoặc có kẻ từ từ đi đến, nắm lấy vô thường biến ảo làm vui, như cơm ăn, như áo mặc, như niềm vui trong tấm lòng trong… nào ai biết ai đúng hay sao, chỉ là cách lựa chọn.

Tự nhiên, tôi nghĩ đến cánh hoa hồng mỏng manh soải mình nằm yên bình trên bãi cát, chợt thầm liên tưởng đến sóng, những đợt sóng vô tình, chợt bâng khuâng đến biển… như khoảng đời đã qua, hiện tại và đi tới, như cuộc liên hoàn của đời sống. Có lúc ta bắt được một nhịp cầu nào đó để đến với đời, tìm tâm trong hơi thở, tìm thời gian qua trong buông bỏ, tìm tương lai như sóng viễn du, tìm hiện tại trong nụ cuời.

Trong Chân đế, tất cả chỉ là một, như cái thai trong bụng của người mẹ không chia cách giữa con và mẹ trong Thai tạng giới, để thành hình nên trẻ thơ trong sáng, ngạc nhiên với cuộc đời, để chuyển hoá, để thể nhập, nhìn rõ nguồn cội của dòng sanh tử, “năng đoạn phiền não” trong Kim cang giới.



một sớm hôm thức giấc
mặt trời vừa hé môi
lắng tìm tâm thuở trước
chẳng thấy bóng tâm đâu

nằm vùi trong giấc ngủ
ngày tháng vội vàng qua
mỉm cười buông màn mộng
mắt nhìn rõ mây trời…..



Trong Tục đế, sơn hà đã ngăn cách, em và ta cũng là mộng đẹp, tìm nhau như hai là hai, như hai là một trong cuộc phân chia của nhị nguyên, để tìm đường trở về, nắm tay nhau vượt ngàn sống núi, vuợt bể khổ sông mê, vuợt đoạn đường trước mắt, duới chân… để thấy được mầu nhiệm của con đường không thực, giả tưởng.

Khổ đau theo từng bước chân, tâm tình có lúc hay nhiều khi bấn loạn, trái tim có nhiều khi co thắt, bồn chồn, mạch máu có nhiều khi căng thẳng… ta đi tìm ta, lòng nóng như lửa đốt, trí hoang mang như cơn mê, mắt nhìn xa ngàn vạn dậm … sao lại quên đi tâm hiện tại vẫn còn đang nở hoa.

Lời nguyên Bồ tát Quán Thế Âm chợt hiện về như tấm lòng Từ vừa có mặt, khi bất hạnh cào xé và cơn đau chợt có mặt, khi tâm bất an….



biển lửa sục sôi, muôn trùng sóng
khổ ải vô vàn bởi vọng mê
dừng tâm hoa nở, hương trầm ướp
thênh thang nào sợ sóng luân hồi…*

“Nam mô Nhất niệm tâm vô quái ngại, Quan Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện”.

Có người quan niệm rằng Nam Hải là một vùng biển nơi địa danh nào đó, có đức Bồ tát mang lòng từ bi, luôn có mặt khi có người đau khổ niệm được nhất tâm bất loạn… để cứu độ, đưa qua đời buồn, gian truân … nhưng theo người tu Mật giáo, thì Nam Hải là biển lửa, vì phương Nam là Hoả, thuộc Bình Đẳng Tánh Trí, thuộc Tâm, do đức Như Lai Bảo Sanh làm chủ.*

Sóng nghiệp tràn lan, vô độ, đưa người lăn lóc theo từng cơn sóng gió cuộc đời, theo tâm mang nhiều điên đảo mộng tưởng, như lửa bừng cháy, thiêu đốt tâm trong khổ đau, bất hạnh, làm miên trường cay đắng, tạo vô lượng phiền não…

Trong Kinh Kim Cang nói rằng: “Như Lai giả vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai” (Gọi là Như Lai có nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu).

“Khi vọng tưởng điên đảo, tâm bấn loạn, rơi vào đau khổ, thấy có trầm luân, thấy có sơn hà đại địa, có tràn lan sóng gió, biển động mênh mông, không biết đường đâu để ra, để về….

Nơi Đàn Tam giác của Bảo bộ khởi từ Như Lai Bảo Sanh trong Giới Định Huệ làm đốt cháy vọng niệm, đưa tâm trở về. Từ Niệm căn hay Tinh tấn căn, nhìn rõ nhân duyên đến đi của vọng tưởng, sóng lặng gió yên… nhẹ nhàng như làng gió mát, trong lành, sung suớng như được sanh từ báu vật của tâm, được viên ngọc Như ý, như lòng từ của Bồ tát Quán thế Âm. Trong mưa gió của cuộc nhân sinh, bão tố, sóng động ngút ngàn, tiếng niệm Bồ tát như hồi cung bổn nguyện, như tâm tự quy nguyên, trở thành thiên thủ thiên nhãn, trong “chân quán thanh tịnh quán, quảng đại trí tuệ quán, bi quán cập từ quán”.

Niệm tên Ngài như niệm chính tâm mình, như thể nhập trong dòng sóng tự tại, tròn được hạnh lớn của Bồ tát Trì Địa đi xây đường xá, lấp bùn lầy, lấp sông vọng niệm, gìn giữ tâm như giữ đất sạch, tâm trong, do đó, mới chuyển hoá được khổ, khi có mặt của lòng Từ, của Trí tuệ, thong dong bước đường đi qua biển sóng.

Bồ tát có bao giờ lìa chúng sanh, và chúng sanh có bao giờ rời xa Bồ tát. Tâm có bao giờ bỏ tâm, con người có bao giờ lãng tránh con người, chỉ có quay đầu về. Chỉ có lòng sen Trí tuệ, chỉ có tâm Từ bi, chỉ có tình yêu thương chân thật mới đem cho cuộc đời, cho con người được những an lạc và hạnh phúc chân thật trong sự chia sẻ, nơi đó tràn đầy lòng bồ đề tự sanh, có đầy đủ tâm vô úy, mới dập tắt được ngọn lửa buồn đau, bất hạnh.

Vì ai, thu khoác lá vàng
đất nằm ôm vạn chân tình bằng thơ
Xin người chớ bỏ mộng mơ
Thương thu mưa nắng vàng thâm sắc màu

Đi đâu cũng lại luân hồi
Khi quên hình dáng nụ cười năm xưa
mở từng bong bóng của tâm
sẽ nghe lại tiếng thiên thu gọi về


miên man có gã du hành
lang thang trên chốn nhân sinh tìm nguồn
thấy trong một khối tinh cầu
có người trước ngõ, trở về tìm thơ…..


Miên man với bao cảnh đời, hình như đời sống hiện tại quá bấp bênh, chánh báo không đủ nên y báo thành tán loạn, khổ đau tràn đầy, chiến tranh khắp nơi, mạng sống vô thường…Chúng ta sao lại không tìm nhau trên cuộc đời huyễn ảo, vô thường nầy….để cho nhau ánh mắt thương yêu, nụ cười san sẻ…

Người hiểu đạo Phật, sẽ có đầy đủ tình thương yêu con người do sự tu tập, thấy rõ được nhân duyên chằng chịt như lưới võng trời Đế Thích, và do quán được tất cả đều do tâm.

Đạo Phật làm cho chúng ta tâm hồn trẻ trung vì không còn bị lệ thuộc vào những vọng tưởng, thất tình, không còn nô lệ vào Thần linh, vào sự che chở, thưởng phạt của bất cứ ai… vì mỗi người chính là chủ nhân ông của cuộc đời mình, trong dòng sinh mạng nhân bản đích thực, tự tại trong từ bi, an lạc trong trí tuệ, hạnh phúc trong dũng lực, tinh tấn trong hành động thiện nghiệp …. vén mây trời bao la cho cuộc sống thở rộng…

Mưa nắng cuộc đời đã làm cho tâm hồn ta sạm nắng, như lá thu đổi màu vàng sậm trong bất hạnh, dù đã giúp cho đời những tình thơ ca tụng, thưởng ngoạn, mộng mơ. Trong luân hồi mà chúng ta đã thấm nhuần từ vô lượng kiếp, nay mở bong bóng tâm để thấy rõ thực tánh của các pháp, của tâm… để nghe lại tiếng thiên thu, lời thiên thu réo gọi từ tâm chân chất, rỗng không.

Có gã du hành trong chốn nhân sinh, trên vai mang gánh nặng vừa bỏ lại, bay nhảy trong khối tinh cầu, đã thấy mặt mũi nhau rồi … hãy trở về, hãy về đây, nơi nhà xưa, nơi con tâm cũ, nơi có vô lượng chân tình, để trao nhau lời thơ, dù đang đứng trước ngõ … Thấy được ngõ vào, có phải chăng đây là hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm..

Giáo pháp của đạo Phật bao la quá như lòng Bi Trí của đức Phật, như cuộc đời Ngài từ vô lượng kiếp đến nay vì con người khai mở đường đi đến Chân Thiện Mỹ, đến bờ giải thoát.

Người Cùng tử tìm ra được một lương dược, một phương thuốc thích ứng cho chính mình, từ trong vườn hoa đẹp đó, thực hành và có chút an lạc, dù là đường còn xa vạn dậm vì vọng tưởng vẫn còn chi phối.

Thưa bạn, vẫn với những ý nghĩ cạn cợt của người có chút hiểu biết, đi tìm tâm, đôi khi cứ tưởng tâm ở bao xa, trên rừng sâu, núi cao hay ẩn trốn nơi nào đó.. trong đau khổ, chợt quay về, nhìn lại thấy nụ cười vẫn còn nở trong tâm, trên môi khô, thấy biển cuốn trôi đời nhau vào tánh không, để nhận thức được rằng tình yêu thương con người vẫn tràn đầy và hạnh phúc là những gì đẹp nhất mà con người ai ai cũng mong tìm đến. Tuy nhiên, với những lời văn thô thiển, ngây ngô… nhưng với một tấm lòng chân chất, chia sẻ, dù bạn có đồng ý hay không, cũng xin nhận nơi đây một chân tình kính dâng và chúng ta có phải chăng có đầy đủ phước đức và nhân duyên mới hiện hữu làm người trong cõi vô thường…





* Trích từ “12 lời kệ tán Bồ tát Quán Thế Âm” của Cư sĩ Liên Hoa
* Tiểu luận “Bảo bộ và những vần thơ” của Cư sĩ Liên Hoa

Sự tha thứ




Nhật Tịnh dịch



Xin hãy dành một thời gian ngắn để đọc những lời chia sẻ sau:



Sự tha thứ là gì?
"Tha thứ là một hình thái của hiện thực. Nó không có nghĩa là từ chối, giảm thiểu, hoặc biện minh cho những gì người khác đã làm cho bạn hoặc sự đau đớn mà bạn đã phải chịu. Điều đó khuyến khích bạn đóng khuông lại những vết thương cũ và nhìn thấy chúng như những gì chúng đang là. Và nó cho phép bạn xem lại có bao nhiêu năng lượng đã lãng phí và bản thân bạn bị tổn thương bởi vì không có khoan dung.

Sự tha thứ là tiến trình của nội tâm, nên không thể bị thúc ép và được dễ dàng, dù là nó đem lại cho bạn cảm giác tuyệt vời về sức khoẻ và thanh thản. Nhưng, kinh nghiệm trải qua nầy chỉ có khi nào bạn muốn chữa lành và sẵn sàng thực hiện.

Sự tha thứ là một dấu hiệu tích cực của nội tâm, vì bạn không còn dán nhãn cho những tổn thương hay các bất công đã qua cho bạn. Bạn không còn là nạn nhân. Bạn có đủ quyền để dừng lại thưong đau khi nói rằng:“Tôi không còn muốn bị đau khổ, nay tôi muốn chữa lành lại vết thương”. Vào thời điểm đó, sự tha thứ trở thành một khả năng, dù rằng có thể mất thời gian và khó khăn thực hành hơn, trước khi mà bạn đạt được kết quả.

Sự tha thứ cho phép quá khứ trôi qua, không có nghĩa đi xóa những gì đã xảy ra, nhưng nó giúp bạn giảm bớt và thậm chí loại bỏ quá khứ khổ đau. Những bất hạnh gánh chịu từ quá khứ không còn ảnh hưỡng cách mà bạn sống trong hiện tại, hay chi phối đến tương lai của bạn.

Điều đó cũng có nghĩa là bạn không mang oán hận hay giận dữ như là một cái lý cớ tha thứ cho các thiếu sót của mình. Bạn không xem nó như là một vũ khí để trừng phạt những người khác hoặc cũng không phải là một lá chắn để tự bảo vệ bản thân bằng cách xa lánh người khác. Và quan trọng nhất, bạn không còn cần đến những cảm xúc này để nhận thức mình là ai, vì bạn đơn thuần chỉ là nạn nhân của quá khứ của chính mình.

Sự tha thứ không mang sự trừng phạt đến những đối tượng gây tổn thương cho bạn, vì biết rằng sự tức giận và hận thù sẽ đem lại cho bạn đau khổ nhiều hơn là tha nhân. Qua hành động đó, nó ẩn chứa cái ta ấu m ình trong sự tức giận và làm ngăn cản những cảm thọ giúp bạn chữa lành vết thương. Nên, khi mà bạn buông bỏ quá khứ cùng lòng thù hận, sẽ giúp bạn có nội tâm bình an.

Sự tha thứ sẽ đi tới, vì nhận thức rằng tất cả những gì bạn đã mất chỉ vì bạn không có lòng tha thứ. Phải ý thức rằng bạn đã tốn nhiều năng lượng để bám theo quá khứ, nên tốt hơn hết là bạn chỉ nên dành nó để cải thiện hiện tại và tương lai của mình. Nên để quá khứ trôi qua để bạn có thể tiến bước

Thật là sai lầm khi cố gắng để chạy trốn quá khứ, vì vấn đề là dù bạn chạy nhanh hay chạy bao xa như thế nào, thì quá khứ luôn bao trùm lên bạn, nhất là vào thời gian thích nghi nhất. Khi bạn tha thứ, có nghĩa là bạn tiếp xúc với quá khứ như cách mà bạn không bị tác hại. Bạn, chúng ta từng bị đau khổ, và tại thời điểm nầy hay thời gian khác, thường thì bạn hay lãng tránh.

Đối với tôi, học cách tha thứ không phải là dễ dàng. Nhưng tôi đã học hỏi, và cuộc sống của tôi tốt hơn vì đó – ngay bây giờ trên dòng luân chuyển... "

Sư nóng giận có nghĩa là để cho những sai lầm của tha nhân làm hại bạn.
Sư tha thứ cho tha nhân, sẽ đem lại điều tốt lành cho chính mình “

Master ChengYen

Thằng ăn cắp


Ở một làng nào đó bên xứ Ấn Độ, có một thương gia nghèo. Ðời sống khó khăn, nạn cường hào ác bá quá đỗi lộng hành khiến bác ta sống không nổi, phải bỏ đi một xứ xa sinh sống. Sống nơi đất khách quê người lâu ngày, lòng riêng vẫn tủi. Lại thêm tuổi đà xế bóng, tính ganh đua, lòng ham muốn cũng mỏi mòn. Một hôm chạnh nhớ cố hương, bác quyết định trở về. Bán hết tài sản lấy tiền mua vàng, gói vào một túi vải giấu trong túi hành lý khoác vai, bác lên đường về quê hương.

Trong vùng quê người thương gia, giữa một cánh đồng, dân trong vùng xây một ngôi chùa nhỏ để các nông phu buổi trưa ghé vào lễ Phật và nghỉ ngơi. Một cây bồ đề lâu năm che bóng rợp xuống một sân nhỏ lát gạch, một cái giếng khơi, nước mát và trong vắt, cũng là nơi cho khách bộ hành ghé chân nghỉ ngơi, giải khát, hoặc đôi khi ngủ qua đêm trong chùa. Chùa không có người coi. Phật tử trong chùa đều là nông dân. Lúc rảnh việc thì tự ý tới làm công quả quét tước, dọn dẹp, chăm sóc cho đám cây cỏ sân chùa lúc nào cũng hương khói quanh năm.

Sau nhiều ngày lặn lội đường xa, người thương gia về gần đến làng cũ. Trời đã xế trưa, nắng gắt. Ði ngang qua chùa, bác ghé vào nghỉ chân dưới gốc bồ đề. Ra giếng nước giải khát, rửa ráy sạch sẽ xong, bác vào chùa lễ Phật. Trong chùa vắng lặng. Bác thắp hương quỳ trước bàn thờ Phật. Ngước nhìn lên, nét mặt đức Thế Tôn vẫn trầm mặc như xưa nay, hơn mười năm qua không có gì thay đổi. Cảnh vật như đứng ngoài thời gian. Lễ xong, người thương gia rời chùa. Thấy bóng chiều đã ngả, đường về còn khá xa, bác liền rảo bước, bỏ quên túi hành lý trong chùa.

Buổi chiều hôm đó, một nông dân nghèo khổ trở về làng sau một ngày làm việc ngoài đồng. Ngang qua chùa, ngày nào cũng vậy, bác ghé vào lễ Phật trước khi trở về nhà. Lễ xong, bác trông thấy một túi vải to để gần bàn thờ.

Bác ta nghĩ thầm: “Không biết túi vải của ai đi lễ đã bỏ quên. Nhỡ có người tham tâm lấy mất thì tội nghiệp cho người mất của. Âu là cứ mang về nhà rồi bảng thông báo để trả lại cho người ta.”

Về đến nhà, bác nông dân gọi vợ con ra, trỏ vào túi vải, nói:

- Ðây là vật người ta bỏ quên trong chùa. Nay mình cứ tạm kiểm kê rõ ràng, đầy đủ, mai mốt có người đến nhận đúng thì trả lại cho người ta.

Giở ra xem, thấy có gói vàng to, người nông dân nghiêm giọng dặn vợ con:

- Vàng của người ta là một vật rất nguy hiểm. Nó làm nảy lòng tham. Mọi điều bất chính, bất lương, mọi sự đau khổ cũng từ đó phát sinh. Mẹ con mày chớ có dúng tay vào mà khốn!

Bác cất cẩn thận vào rương, khóa lại.

Người thương gia rảo bước về gần đến làng, nhìn xa xa ráng chiều êm ả, những làn khói bếp vương vấn trên rặng tre quen thuộc. Cảnh xưa vẫn còn trong trí bác so với nay như không có gì thay đổi sau hơn mười năm xa cách.

Vừa đến cổng làng, người thương gia mới sực nhớ đã bỏ quên túi hành lý ở chùa. Lo sợ, hốt hoảng, bác vội quay lại con đường cũ, vừa chạy vừa kêu:

- Khổ thân tôi! Thế là tôi mất hết cả sản nghiệp dành dụm từ hơn mười năm nay! Bao nhiêu công lao trôi sống trôi biển cả rồi! Khổ thân tôi chưa!

Người đi đường ai thấy cũng ngạc nhiên.

Tới chùa thì cảnh vẫn vắng tanh, bên trong chỉ có một cụ già đang lễ Phật. Người thương gia vội túm lấy cụ già, hốt hoảng hỏi:

- Túi đồ của tôi đâu? Vàng của tôi đâu?

Cụ già ngạc nhiên:

- Túi đồ nào của bác? Vàng nào của bác?

- Thì cái túi hành lý tôi để quên hồi xế trưa trong chùa này!

Cụ già vẫn bình thản:

- Quả thật lão không thấy túi đồ của bác. Lão đã sống thanh đạm cả đời, nỡ nào trong chốc lát vứt bỏ lương tâm mà tham của người. Bác cứ bình tĩnh. Của mất, có duyên còn có ngày lấy lại, vô duyên thì của cầm trong tay cũng mất. Túi đồ của bác đã thất lạc, bác lại mất luôn cả cái tâm công chính, đỗ vấy cho người là cớ làm sao?


Gần đây có một xóm làng, buổi chiều nông dân thường lễ Phật trước khi về nhà. Bác thử tới đó hỏi xem. Thói thường, thấy vàng là tối mặt lại. Nhưng cũng còn tùy. Cũng còn có nhiều người tốt.

Người thương gia nghe ra, nhận thấy mình vô lý, bèn xin lỗi cụ già rồi theo lời chỉ dẫn, tiếp tục đi tìm. Tới làng, ông ta hỏi nhiều người mà không ai biết. Nghĩ rằng sản nghiệp dành dụm trong mười năm của mình nay phút chốc như chiếc lá vàng rơi theo gió đưa, biết đâu là bờ bến mà tìm! Ðành phó mặc cho bước chân tình cờ may rủi. Khi tới cuối làng, giữa vườn cây cối um tùm có một căn nhà lá nhỏ tồi tàn. Trước cửa treo một tấm bảng đen, với hàng chữ trắng viết to: “Tôi có nhặt được một túi vải bỏ quên trong chùa. Ai là chủ xin tới nhận lại.”

Người thương gia mừng quýnh đập cửa, gặp anh nông dân ra mở hỏi:

- Bác là chủ túi đồ bỏ quên trong chùa?

- Vâng, chính tôi. Tôi đã để quên trong chùa hồi xế trưa nay. Xin cho tôi nhận lại.

- Nếu đó là của bác thì bác phải nói xem túi đồ của bác như thế nào? Trong đựng những gì?

Người thương gia trả lời:

- Ðó là túi vải, trong đựng một ít lương khô đi đường.

Người nông phu nói:

- Thế thì không phải túi đồ của bác.

- Thú thật với bác, cũng còn một số vàng trong một gói vải khác màu đỏ.

Người nông phu nghe tả đúng các đồ vật và số lượng vàng đựng trong túi vải, biết chắc người tới hỏi là chủ nhân bèn mở rương ra, nói với người thương gia:

- Quả thật đó là túi đồ của bác. Xin mời vào nhận.

Người thương gia nhận đủ số vàng, lòng vui khôn tả. Bác thấy cảnh nhà người nông dân nghèo nàn mà lại không có lòng tham, để tỏ lòng biết ơn, bác chia đôi số vàng gói vào một miếng vải đưa cho người nông dân. Bác nói:

- Vàng của tôi tưởng đã mất, may sao lại gặp tấm lòng quý của bác. Tôi xin biếu bác một nửa để tỏ lòng thành thật biết ơn.

Người nông dân ngạc nhiên:

- Trả lại món vật không phải của mình chỉ là một việc bình thường, có ơn gì mà được đền?

- Bác đã làm một điều thiện. Ðược đền ơn là đúng lẽ.

- Làm việc thiện là nghĩa vụ tự nhiên. Đạo lý xưa nay vẫn dạy như vậy.

Đó không phải là cái cớ để đòi hay nhận tiền thưởng. Cũng như lòng yêu dân tộc, yêu tổ quốc không phải là cái cớ để được trả công. Vàng của bác do công sức làm ra thì bác hưởng. Tôi có góp công lao gì vào đó mà chia phần? Thôi, xin bác hãy để tôi được sống yên vui trong cái nghèo của tôi hơn là sống giàu có nhờ vào của cải người khác. Như thế cũng là một cách ăn cắp.

Người thương gia không còn lý lẽ gì để nói thêm bèn khoác hành lý lên vai, bất thần vất gói vải đựng nửa số vàng lên bàn rồi bỏ chạy. Ý định của ông ta là bắt buộc bác nông dân phải nhận sự đền ơn, nhưng bác nông dân vội nhặt gói vàng rồi đuổi theo, miệng hô hoán:

- Bớ người ta, thằng ăn cắp! Bắt lấy thằng ăn cắp.

Dân trong làng nghe tiếng hô hoán liền đuổi theo bắt được người thương gia dẫn trở lại trước mặt bác nông dân, hỏi:

- Hắn đã ăn cắp vật gì của bác?

- Hắn định ăn cắp cái tâm công chính và chân thật mà tôi có được từ ngày tôi học Phật!

Chuyện Hai Người Quét Rác




Đào Văn Bình







Vào sáng Chủ Nhật, có thể là do ngày nghỉ rảnh rỗi, một người đàn ông trung niên lúi húi quét dọn trước cửa nhà. Ông cầm chiếc chổi và đồ hốt rác quét sạch vỉa hè rồi quét dọc theo lề đường, cẩn thận gom tất cả đám cát, bao ny-lông, mẩu thuốc lá, ly giấy, lá khô và đủ thứ rác rưởi của xã hội văn minh vào thùng, đậy nắm cận thận, đặt ngay ngắn xuống lòng đường, để ngày mai xe rác của thành phố lấy đi. Hình như ông là người duy nhất ở khu phố này cầm chổi quét lòng đường và vỉa hè.

Thói thường đều cho rằng chuyện đường phố sạch dơ để thành phố lo. Hơi đâu “bao đồng” chuyện nhà nước? Thế nhưng cứ mỗi lần qua khu Japan Town, ông lại cảm phục người Nhật về tinh thần tự trọng và yêu mến thành phố của họ. Lúc nào ông cũng thấy những ông, bà Nhật lúi húi quét dọn vỉa hè và lòng đường. Chính vì thế mà cả khu Japan Town lúc nào cũng sạch trơn. Chỉ cần bước qua ranh giới của Japan Town là một hình ảnh thật tương phản. Sự sạch sẽ, khang trang chỉ cách nhau một sợi chỉ. Có lần ông dừng xe lại hỏi thăm thì được các ông bà Nhật nói:

“Chúng tôi quan niệm rằng đường phố thuộc về người dân, không hoàn toàn thuộc về chính phủ. Do đó giữ gìn đường phố sạch sẽ cũng là trách nhiệm của người dân. Đồng ý là chúng tôi có đóng thuế để thành phố lo chuyện vệ sinh nhưng giờ đây thành phố có quá nhiều việc phải lo hoặc lo không xuể. Chúng tôi không ngồi đó than trời trách đất. Nếu muốn sở rác phục vụ tốt hơn thì chúng tôi lại phải đóng thêm thuế. Thôi thì chúng tôi chia xẻ trách nhiệm với nhà nước mà cũng là để giữ gìn đường phố của chính mình. Chẳng mất mát gì cả. Tới một thành phố khang trang sạch sẽ người ta cảm phục cả đất nước lẫn con người ở đó. Chúng tôi yêu khu phố của chúng tôi và cũng muốn khách vãng lai yêu mến nó.”

Chinh vì cảm phục người Nhật mà tuần nào ông cũng làm công việc này mà chẳng than phiền chi cả. Khi nhận thấy vỉa hè và lòng đường đã khá sạch, ông toan thu dọn để bước vào nhà thì một thanh niên từ xa bước tới, miệng phì phèo điếu thuốc. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc và đi đứng người ta có thể nhận ra đây là một chàng thanh niên ngang tàng. Khi tới chỗ ông đang đứng, người thanh niên rít hơi cuối cùng rồi coi như không có ai, thản nhiên quăng mẩu thuốc lá xuống đường. Nhìn mẩu thuốc là nằm tênh hênh trên mặt vỉa hè sạch trơn, dường như nó có vẻ “phá hoại” và trêu ngươi, cho nên người đàn ông tức giận, lớn tiếng gọi người thanh niên:

-Này, yêu cầu quay lại nhặt tàn thuốc lá lên nghe!

Người thanh niên đã đi cách xa ông khoảng năm, sáu bước, nghe gọi thế quay đầu lại nhìn với vẻ hết sức ngạc nhiên. Anh ta ngạc nhiên vì có thể cả trăm lần quăng mẩu thuốc lá như thế này mà chẳng ai phản ứng gì, nay có một “gã điên” làm chuyện không giống ai. Anh ta quay lại, sẵng giọng hỏi:

-Ông nói gì?

-Yêu cầu cậu nhặt mẩu thuốc lá lên!

Mặt chàng thanh niên đỏ gay:

-Bộ đường phố này của ông hả?

Người đàn ông trả lời ngay:

-Không phải của tôi nhưng tôi tôi quét dọn sạch sẽ. Người tự trọng không bao giờ xả rác bừa bãi.Cậu hiểu điều đó không? Tôi yêu cầu cậu nhặt lên!

Tự ái bị tổn thương, người thanh niên không cần phân biệt đúng-sai, nói như gây sự:

-Không nhặt thì sao?

Sự lớn tiếng qua lại giữa hai bên làm người trong nhà chạy ra, người qua lại trên hè phố tò mò đứng lại. Cuối cùng tất cả đều thấy đây không phải chuyện đại sự cho nên xúm vào can gián. Cuối cùng người thanh niên hậm hực bỏ đi còn người đàn ông đứng phân bua một hồi rồi bực bội bước vào nhà.

***

Ba ngày sau, tại một khu phố khác cách đó khoảng năm, sáu con đường người ta thấy một vị sư đang quét rác tại cổng một ngôi chùa. Hôm nay là Thứ Hai chùa vắng, Phật tử đi làm hết, sau hai ngày cuối tuần bận rộn với sinh hoạt và lễ lạc, rác đã thấy lai rai trên sân. Ngoài ra, còn lá trên cây rụng xuống cho nên thầy trụ trì ra công quét dọn, vừa vận động vừa làm sạch trong ngoài. Đối với người xuất gia, quét rác cũng là “công phu”.



Ảnh http://www.phathoc.net/

Sau khi cổng chùa đã sạch sẽ, sư toan đẩy thùng rác trở vào thì một chàng thanh niên tà tà bước tới. Đây chính là anh chàng đã gây sự với người đàn ông quét rác ba ngày trước. Khi đi tới cổng chùa, có thể do vô tình, do quán tính, cố tật, hoặc đãng trí, sau khi mở bao thuốc lá, chàng ta rút ra một điếu, châm lửa. Thấy bao thuốc đã hết, chàng ta quăng cả chiếc bao trống không dưới chân bức tường cạnh cổng chùa rồi thản nhiên bước đi. Thế nhưng khi bước đi khoảng năm, sáu thước, có thể do nhớ lại cuộc “đụng độ” với người đàn ông trước đây, chàng ta quay đầu lại xem sự thể như thế nào. Trái với phỏng đoán của mình, vị sư bình thản bước tới chân bức tường, cúi xuống nhặt bao thuốc lá lên, quay lại thùng rác, mở một bao rác nhỏ, bỏ bao thuốc lá trống vào bên trong, cột trở lại, bỏ vào thùng rác rồi lặng lẽ đẩy thùng rác vào bên trong sân chùa, không hề quay nhìn chàng thanh niên …đang ngạc nhiên đứng đó.

***

Ngày hôm sau, chàng thanh niên tới thăm vị sư. Sau khi giới thiệu mình chính là người xả rác trước cổng chùa. Chàng ta kể lại chuyện “đụng độ” với người đàn ông rồi hỏi:

-Thưa thầy, tại sao cùng một chuyện mà thầy lại có lối cư xử nhẹ nhàng hơn người đàn ông kia?

Sư hiền từ đáp:

-Người đàn ông đó là một công dân tốt. Một công dân tốt do làm tròn bổn phận của mình cho nên thường thẳng thắn nói lên cái sai của người khác để cùng nhau sửa chữa trong tinh thần ôn hòa. Tuy nhiên cách hành xử giữa một người thường và một người xuất gia có khác nhau.Người xuất gia không nói về cái lỗi của kẻ khácmà kham nhẫn để kẻ phạm lỗi giác ngộ mà tu sửa. Hai lối hành xử đó không cái nào hơn cái nào, “vạn pháp đều bình đẳng”, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi. Một căn nhà, một ngôi chùa, một khu phố hoặc nơi làm việc cần phải sạch sẽ. Sự sạch sẽ làm trang nghiêm cuộc sống và thế giới. Ngay đầu óc chúng ta cũng cần sạch sẽ. Muốn sạch sẽ thì phải quét rác. Một chiếc máy điện tử muốn tốt cũng phải “đổ rác”. Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác”-đổ bớt rác rưởi của tâm hồn. Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ, tị hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn. “Quét rác” và “đổ rác” là việc làm thường xuyên của người nào muốn tâm hồn thanh tịnh. Từ thanh tịnh mà có thanh thản. Vì thanh thản cho nên không động tâm. Vì tâm không động cho nên ít gây đổ vỡ.

***

Ba ngày sau, chàng thanh niên tìm tới nhà người đàn ông, nói lời xin lỗi. Chàng học được một bài học nơi sư, “Thay vì xả rác xuống đường hoặc nơi công cộng thì nên xả bớt rác trong tâm hồn mình.”

Lời người kể chuyện:

Ngoài đức tính kham nhẫn, có thể sư đã đạt tới mức “vô phân biệt”. Sư cứ thấy rác thì quét mà không hề phân biệt rác từ cây đổ xuống, Phật tử xả ra, nam hay nữ, lạ hay quen cho nên rác của chàng thanh niên cũng thế thôi. Chính vì “vô phân biệt” cho nên sư không động tâm. Không động tâm cho nên sư đã quét rác trong trạng thái “vô tâm”. Mà vô tâm thì an lành./.

Đào Văn Bình

Nhật Ký Biển Đông: Một Thế Giới Hận Thù và Chia Rẽ



Đào Văn Bình


... Ngoài ra, khi Nga-Mỹ đụng nhau thì Đông Nam Á lo lắng vì sách lược “Xoay Trục” của Mỹ không thể nào thi hành đến nơi đến chốn. Việc các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Nam Dương và Mã Lai nhanh chóng tăng cường quốc phòng cho thấy họ rất cần Hoa Kỳ nhưng biết rõ không thể nương tựa vào Hoa Kỳ trong việc bảo vệ đất nước của mình. (ĐVB)

A. Những chuyển biến quan trọng:

Gồm các mục:

A - Những chuyển biến quan trọng

B - Nhận Định

- BBC tiếng Việt ngày 15/11/2014: Bên lề G-20, trước các sinh viên ở Brisbane Úc, Ô. Obama tuyên bố, "Tôi có mặt ở đây hôm nay để nói rằng sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ luôn luôn là một trọng tâm cơ bản trong chính sách đối ngoại của tôi. Nó sẽ không phải luôn luôn là tiêu đề. Nó sẽ không phải luôn được đo đếm bằng số chuyến thăm tôi thực hiện đến khu vực, mặc dù tôi sẽ tiếp tục trở lại đây.” Lời tuyên bố của Ô. Obama là khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới và Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nhất định không để cho “con cọp” nào lai vãng vào lãnh địa này. Tuy nhiên ngôi vị “võ lâm chí tôn” có giữ được hay không lại là chuyện khác.

- AP ngày 15/11/2014: “Vào Thứ Bảy, cảnh giác trước sự lớn mạnh hơn về quân sự của Nga và Trung Quốc, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói rằng Ngũ Giác Đài sẽ phải thực hiện một nỗ lực mới nhằm thay đổi lối suy nghĩ và đầu óc sáng tạo hầu duy trì và mở rộng sự sức mạnh quân sự siêu việt của Hoa Kỳ cho dù ngân sách eo hẹp và sau 13 năm chiến tranh mệt mỏi, mất mát.” (Wary of a more muscular Russia and China, Defense Secretary Chuck Hagel said Saturday the Pentagon will make a new push for fresh thinking and creative ideas about how the U.S. can keep and extend its military superiority despite tighter budgets and the wear and tear of 13 years of war.)

- BBC tiếng Việt ngày 17/11/2014: ”Trung Quốc và Australia vừa k‎ý thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) sau một thập niên đàm phán.” Như vậy Úc Đại Lợi theo chính sách “Của yêu, người ghét” có nghĩa là liên minh với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc nhưng lại làm ăn buôn bán lớn với Trung Quốc để phát triển kinh tế.



- Blooberg News ngày 17/11/2014: ”Tổng Thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ không để quân chính phủ (Kiev) đánh bại lực lượng ly khai của miền đông Ukraine trong lúc Âu Châu đang suy tính áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên phe ly khai.”

- Sydney (AFP) ngày 17/11/2014: Nói chuyện trước quốc hội Úc Châu, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tuyên bố, “Cam kết sẽ luôn dùng biện pháp hòa bình để theo đuổi mục tiêu của Bắc Kinh, kể cả những tranh chấp chủ quyền biển đảo chỉ một ngày sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Obama cảnh cáo về mối nguy hiểm của cuộc xung đột tại Á Châu.”

- Voice of Russia ngày 17/11/2014: “Giới quân sự Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tiềm năng (tiềm ẩn *) với Trung Quốc, và sự phát triển sự kiện như vậy này không phải là bất ngờ, chuyên gia về Trung QuốcMichael Pillsbury khẳng định trên trang báo Foreign Policy.”



- Reuters (MOSCOW) ngày 18/11/2014: Trong buổi gặp gỡ bốn tiếng đồng hồ với Mặt Trận Dân Tộc (the People’s Front) là lực lượng ủng hộ nòng cốt, vào những giây phút cuối cùng Ô. Putin tuyên bố, “Hoa Kỳ muốn khuất phục Moscow nhưng họ không bao giờ thành công. Họ không muốn xỉ nhục chúng ta, họ muốn khuất phục chúng ta, giải quyết những khó khăn của họ mà chúng ta phải trả giá. Lịch sử chứng tỏ rằng không một ai có thể thành công trong mục đích này đối với Nga.” (“The United States wants to subdue Moscow, but will never succeed, They do not want to humiliate us, they want to subdue us, solve their problems at our expense… No one in history ever managed to achieve this with Russia, and no one ever will.” Putin said at the end of a four- hour meeting with his core support group, the People's Front.)

- International Business Times ngày 18/11/2014: “Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Đức, Ô. Putin nói rằng Nga có thể đã bị Phương Tây khiêu khích vào cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới. Nga buộc phải phản ứng trước hai đợt bành trướng của NATO về phía đông và trung Âu Châu điều này đã tạo ra sự thay đổi rất lớn về địa lý chính trị. “

- AP (Moscow) ngày 18/11/2104: “Ngoại Trưởng Đức trong sứ mệnh ngoại giao con thoi giữa hai thủ đô Ukraina và Nga vào ngày Thứ Ba kêu gọi mau chóng vẽ một lằn ranh phân chia giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine để cứu thỏa hiệp ngừng bắn đang loạng choạng (muốn sụp đổ*).”

- BCC News Middle East ngày 18/11/2014: Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng Thống Putin nói rằng, ”Nga mong muốn nhận được bảo đảm rằng Ukraina sẽ không gia nhập NATO vì lo sợ các quốc gia liên kết với NATO nằm ở sát biên giới của Nga.”



- BBC tiếng Việt ngày 19/11/2014: “Trả lời tại Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra sáu chữ cho quan hệ với Trung Quốc, "vừa hợp tác, vừa đấu tranh." Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả với các nước. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định, có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi cùng phát triển, cùng thịnh vượng. ”

- Reuters (Moscow) ngày 19/11/2014: “Một ngày sau khi gặp gỡ sứ thần đặc biệt của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, vào ngày Thứ Tư, Tổng Thống Putin kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với Bắc Hàn để cải thiện an ninh khu vực.” Sự hợp tác này khiến Bắc Hàn thêm sức mạnh và tự tin để đối phó với Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản.

- Global Insider ngày 19/11/2014: Trong bài phỏng vấn nhan đề “Việt Nam Hiện Đại Hóa Hải Quân Để Đối Phó Với Sức Mạnh Hải Quân Trung Quốc (Vietnam’s Modernizing Navy Confronts China’s Sea Power) Abhijit Shingh – chuyên viên nghiên cứu của India’s Institute for Defence and Analyses cho biết Việt Nam đã hiện đại hóa hải quân bằng cách hợp tác chiến lược với Nga và Ấn Độ. Nga cung cấp cho Việt Nam tàu ngầm Kilo, tuần dương hạm tàng hình Gepard, pháo hạm Molniya và hợp tác với Hà Lan chế tạo tàu khinh tốc Sigma. Còn Ấn Độ giúp đào tạo thủy thủ tàu ngầm và phi công lái tiêm kích Sukhoi là những vũ khí mua của Nga mà Ấn Độ có kinh nghiệm từ những năm 1980.



Hải quân Việt Nam, đội danh dự, tại cuộc họp quốc phòng ASEAN, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12 Tháng mười 2010 (ảnh của Master Sgt. Jerry Morrison, US Air Force)

- AFP ngày 20/11/2014: “Vào ngày Thứ Năm 20/11/2104 Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ Trưởng Quốc Phòng Pakistan Khawaja Asif vừa ký thỏa hiệp hợp tác quốc phòng nền tảng/có tính cách lịch sử nhằm đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực.” Thật lạ lùng, Pakistan là đồng minh và nhận viện trợ quân sự của Mỹ mỗi năm cả tỉ đô-la nay lại ký thỏa hiệp quân sự với Nga - kẻ thù của Mỹ. Thế mới hay, các quốc gia khôn ngoan đểu theo chính sách ngoại giao đa phương, không lệ thuộc vào siêu cường nào vì khi siêu cường, vì quyền lợi của mình, bỏ chạy…thì khốn đốn. Ngoài ra, Ấn Độ là kẻ thù truyền kiếp của Pakistan, khi có mối giao hảo với Nga, Pakistan có thể ảnh hưởng tới việc hợp tác Nga-Ấn khiến không nguy hại tới an ninh của Pakistan. Trong khi đó theo Reuters, nhà cầm quyền và ngân hàng Trung Quốc sẽ tiến hành những dự án năng lượng và hạ tầng cơ sở tại Pakistan trong sáu năm trị giá 45.6 tỉ đô la trong chương trình gọi là “Hành Lang Kinh Tế Hồi- Trung “ (China- Pak Economic Corridor (CPEC).

- VnPlus ngày 20/11/2014: “Phát biểu tại buổi lễ với sự tham dự của Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz tại thị trấn Krzyzowa, miền Nam Ba Lan, thủ tướng Đức bà Merkel nói: Chúng tôi nhận thức được rằng an ninh của châu Âu chỉ có thể được đảm bảo về trung và dài hạn với sự tham dự của Nga.”

- Reuters ngày 22/11/2014: Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây trên Fiery Cross Reef (Bãi Đá Chữ Thập) một phi đạo dài 3000 mét, rộng 200- 300 mét đủ rộng và dài để chứa máy bay và máy bay lên xuống. Đảo còn có một trại lính, bến tàu, súng phòng không, hệ thống chống người nhái , thiết bị thông tin và nhà kính.

Washington yêu cầu các bên ngưng các hoạt động xây dựng trên các hòn đảo/bãi đá ngầm còn đang tranh chấp nhưng Bắc Kinh bác bỏ lời kêu gọi “vô trách nhiệm” này và nói rằng Trung Quốc có quyền làm bất cứ điều gì mà Trung Quốc muốn ở Biển Đông. Hình ảnh cũng cho thấy bến tàu đủ lớn để tiếp nhận tàu chở dầu và tàu chiến loại lớn. Biến cải những bãi đá ngầm thành các căn cứ quân sự trên vùng biển ăn cướp của người ta chính là “biện pháp hòa bình” mà Ô. Tập Cận Bình long trọng tuyên bố tại G-20 ngày 17/11/2014 vừa qua.



Chỉ Hoa Kỳ mới có khả năng ngăn chặn những hành động phi pháp này, nhưng Hoa Kỳ chỉ phản đối chứ không có hành động cụ thể nào cho nên Hoa Lục cứ thản nhiên tiến tới. Điều này chứng tỏ sách lược “Xoay Trục” chỉ có tác dụng trấn an đồng minh chứ không hữu hiệu trên thực tế, hoặc có sách lược đó nhưng lại né tránh một cuộc đối đầu với Hoa Lục mà hậu quả quá lớn về mặt quân sự cũng như kinh tế cho nên cuối cùng Hoa Kỳ cứ lúng túng, mọi biện pháp chỉ là vá víu.

- AFP ngày 22/11/2014: Tổng Thống Obama sẽ công du Ấn Độ vào Tháng Giêng 2015. Vào ngày 17/9/2014 Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng đã thăm Ấn Độ. Đây là chính sách ngoại giao “đánh đu”. Người đánh đu vừa ở bờ bên này, thoắt một cái đã sang bờ bên kia, rồi từ bờ bên kia lại qua bờ bên này, giống như chiếc đồng hồ quả lắc…để giữ thăng bằng. Sau khi thăm viếng Ấn Độ rồi thì Ô. Tập Cận Bình lẫn Ô. Obama đều “hài lòng”. Nếu chỉ mời Ô. Tập Cận Bình mà không mời Ô. Obama là mất “thăng bằng” tức “có chuyện” ngay. Cũng với chính sách ngoại giao “đánh đu” này, rồi đây Ô. Putin cũng sẽ công du Ấn Độ cho “vui vẻ cả làng”.

- Reuters ngày 23/11/2014: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đi Nga, gặp Tổng Thống Putin và Thủ Tướng Medvedev để căng cường mối liên hệ giữa hai bên. Theo Voice of Russia trong khuôn khổ của chuyến viếng thăm, hãng Hàng Không VietJet có kế hoạch phát triển đường bay từ Vladivostok đến Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế và Phú Quốc. Các chuyến bay sẽ được khai thác vào Tháng 5, 2015. Trong tương lai, có thể mở các chuyến bay từ các thành phố khác của Nga đến Việt Nam. Tổng Thống Putin cho biết sẽ gia tăng khối lượng nông sản của Việt Nam xuất cảng sang Nga để bù đắp lại lệnh cấm vận nông sản của Nga áp đặt lên Âu Châu. Nhân dịp này Ô. Putin và Ô. Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện Tập đoàn Dầu khí Nga "Gazprom Neft" và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam "Petrovietnam" đã đạt thỏa thuận về thành lập liên doanh để cùng chung khai thác mỏ dầu Dolginsk có trữ lượng khoàng 200 triệu tấn. Ngoài ra Tổng Thống Putin còn cho biết Nga và Việt Nam đang tiến hành đàm phán về việc cùng sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GLONASS với 24 vệ tinh bay quanh trái đất và mà trạm quan trắc sẽ đặt ở Việt Nam đồng thời ký hiệp định liên chính phủ về đơn giản hóa thủ tục cho phép tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới có hiệp định như vậy với Nga. Syria đã đơn giản thủ tục cho tàu hải quân Nga vào cảng Tartus.



Theo thủ tục mới, tàu Nga khi tới lãnh hải Việt Nam, chỉ cần báo trước cho chính quyền cảng. Lời đáp cho sự thông báo sẽ được coi như giấy phép vào cảng.” Theo BBC tiếng Việt, “Hồi tháng Tám 2013, trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, phía Nga đã yêu cầu Việt Nam làm đơn giản để họ có thể vào cảng Cam Ranh để tiếp liệu, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền và cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân.” Voice of Russia trong bài viết “ Nga Trở Lại Cam Ranh?” đã nhận định như sau, “Nếu nói về biển Hoa Nam, hoặc biển Đông theo cách gọi của Việt Nam, thì Trung Quốc thực sự đang có tham vọng khẳng định quyền sở hữu đối với hầu hết toàn bộ lãnh hải này. Nếu trường hợp tình hình trở nên phức tạp, trong khu vực này có thể xuất hiện lực lượng hải quân của Mỹ và các nước đang muốn tuyên bố chủ quyền đối với khu vực giàu tiềm năng dầu khí này. Khi ấy, rất cần nhóm tàu chiến của Nga để duy trì sự cân bằng lực lượng. Trên thực tế, đơn giản hóa thủ tục nhập cảng đối với tàu Nga sẽ cho phép duy trì nhóm tàu này tại Cam Ranh.”

- Voice of Russia ngày 23/11/2014: Ngoại trưởng Đức Frank- Walter Steinmeier đã lên tiếng chống lại việc Ukraine gia nhập NATO và EU. trong một cuộc phỏng vấn với Spiegel ông cho biết, "Tôi nghĩ rằng có thể có quan hệ đối tác giữa Ukraine và NATO, nhưng không phải là chuyện thành viên,"

- VnExpress ngày 27/11/2014: “Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan- ocha cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Thái Lan đã sang thăm Việt Nam, hội đàm với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch Trương Tấn Sang. Ô. Prayuth Chan- ocha đã chọn Việt Nam là nước đi thăm chính thức sau khi nhậm chức, là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Thái Lan.“ Tướng Prayuth Chan-ocha - Tư Lệnh Lục Quân Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của Bà Yingluck vào Tháng 5, 2014 sau đó được bầu làm thủ tướng thứ 29, chấm dứt thời kỳ hỗn loạn chính trị đấu đá giữa phe Áo Đỏ và Áo Vàng làm tê liệt đất nước Thái Lan.

- Voice of Russia 1/12/2014: Tổng Thống Putin thăm Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan để thắt chặt quan hệ giữa hai nước theo đó Nga sẽ giảm 6% giá bán khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ - giá bán cho Đức. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông.

B. Nhận Định:

Việc các siêu cường tranh giành quyền lực, liên kết đồng minh, lôi kéo các nước nhỏ, triệt hạ nhau, chơi đòn bẩn đã có từ Thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ngay trong thời bình cũng thế. Còn khi đã tuyên chiến thì các quốc gia sẽ tận dụng mọi thủ đoạn tàn độc, kể cả chiến tranh nguyên tử để tiêu diệt kẻ thù. Tuy nhiên trong thế giới tạm gọi là “văn minh” như ngày hôm nay, dù có hận thù nhau như thế nào đi nữa, trước diễn đàn quốc tế, ít ra cũng cần phải giữ thái độ hòa nhã, ngoại giao tổi thiểu, không nhục mạ, nặng lời bôi lọ nhau. Thế nhưng ranh giới ngoại giao tối thiểu đó đã bị phá vỡ, thậm chí còn tệ hại hơn cả thời kỳ Chiến Tranh Lạnh mà đỉnh cao của hận thù chia rẽ Đông Tây Nga-Mỹ được thể hiện qua lời tuyên bố của Ô. Obama trong diễn đàn Liên Hiệp Quốc mới đây khi ông xếp Nga vào danh sách nguy hiểm cho thế giới còn hơn cả Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) chỉ sau bệnh dịch Ebola. Còn theo International Business Times của Úc Châu ngày 2/12/2014 Noam Chomsky- một triết gia và nhà bình luận chính trị Hoa Kỳ đã coi “Hoa Kỳ là quốc gia khủng bố hàng đầu của thế giới ngày hôm nay” (Last month,Noam Chomsky said that the U.S. is the "leading terrorist state" in the world today).

Cũng trong bài báo nhan đề “Nga Chỉ Trích Mỹ Đã Châm Ngòi Cho Hai- Phần- Ba Cuộc Chiến Trong Vòng 20 Năm Qua” (Russia Slams US For Fuelling Two- Thirds Of All Military Conflicts In 2 Decades) International Business Times đã tường thuật lại việc Ô. Anatoly Antonov-Thứ Trưởng Quốc Phòng Nga đã nói với các đồng nghiệp từ các quốc gia Nam và Đông Nam Á Châu họp tại Colombo, Tích Lan rằng, “Việc mà Hoa Kỳ đang làm là can thiệp quá mức vào chuyện thế giới ở khắp mọi nơi khiến không đem lại hòa bình hay dân chủ. Hoa Kỳ đã lợi dụng những khó khăn về xã hội và kinh tế, điểm bùng nổ (flashpoint) về sắc tộc và tôn giáo để giả bộ phát huy dân chủ ở khắp mọi nơi. Cùng với vài khẩu hiệu, đã đổ thêm dầu vào sự cuồng nộ của quần chúng, sự xáo trộn khiến những chính quyền hợp pháp bị lật đổ trong khi đó thì sự hỗn loạn và vô luật pháp lại lan rộng. Dù người dân có mạng vong, trong một vài trường hợp một chế độ thân Tây Phương lên nắm chính quyền.Nó làm cho quân khủng bố thật sung sướng!” (It is the doing of the U.S. It's meddling so much in "internal affairs" of countries everywhere that it has not brought peace or democracy to anyone, said Anatoly Antonov. The U.S. has used social and economic problems, ethnic and religious flashpoints and pretends to spread democracy everywhere. With a few slogans thrown in to stoke public anger and disturbances, lawful governments are toppled, while chaos and lawlessness are spreading. Even as people die, in some cases a regime favorable to the West is brought into power. It makes terrorists feel great!) Đây là những lời chỉ trích vô cùng nặng nề phát xuất từ một giới chức ngoại giao cao cấp của Nga.



Ảnh minh họa của web beforeitsnews.com

Cuộc đối đầu Nga-Mỹ mà thế giới gọi là Cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới sẽ ảnh hưởng toàn cầu. Tùy theo yếu tố địa lý, thân Nga hoặc thân Mỹ, mỗi quốc gia sẽ gánh chịu những hệ quả khác nhau.

1) Đối với các quốc gia có chung biên giới hoặc đất liền hoặc biển với Nga như Ukraine, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Hàn…sẽ chịu tác động lớn.

- Nhật Bản vì cần “ô dù” chở che của Mỹ nếu tiếp tục theo Mỹ cấm vận Nga thì sẽ có hai kẻ thù là hai láng giềng khổng lồ…bắt buộc phải chạy đua vũ trang, kinh tế suy thoái và có thể tụt hậu so với thế giới. Do đó Nhật Bản cần phải hòa dịu với Nga mà hòa dịu với Nga lại mất lòng “Anh Hai” Mỹ. Cái khó của Nhật Bản ở chỗ đó.

- Thổ Nhĩ Kỳ vì có chung biên giới biển với Nga tại Hắc Hải hiện cũng đang xích lại gần cả với Nga lẫn Trung Quốc để phát triển kinh tế và tránh trở thành kẻ thù của Nga - chẳng có lợi gì cho Thổ Nhĩ Kỳ cả.

- Bắc Hàn chắc chắn sẽ “mừng hết lớn” khi xích lại gần với Nga. Có thể Bắc Hàn trở thành “con bài tẩy” để Nga chơi với Nhật Bản và Nam Hàn.

- Nam Hàn là đồng minh chí cốt của Mỹ nhưng “ông Nga” lại ở sát bên cạnh và có “con bải tẩy” là Bắc Hàn, chắc chắn cũng không thể hoàn toàn theo Mỹ để chống Nga. Có thể Nam Hàn cũng sẽ phải theo chính sách ngoại giao “đu giây”.



2) Đối với các quốc gia không thích Mỹ hoặc là kẻ thù của Mỹ như Iran, Syria, Cuba, Nicaragua, Venezuela, Argentina, Brasil và một số quốc gia Phi Châu, chắc chắn sẽ ngả theo Nga và hợp tác sâu rộng với Trung Quốc trong mặt trận chống Mỹ.

3) Khó khăn nhất phải kể các quốc gia vừa là đồng minh hay hợp tác toàn diện với Mỹ như Pakistan và Việt Nam. Hiện nay Pakistan là đồng minh của Mỹ nhưng vừa ký thỏa hiệp quốc phòng lịch sử với Nga. Điều này cho thấy Pakistan muốn theo chính sách ngoại giao đa phương, không lệ thuộc vào bất cứ siêu cường nào. Không biết số phận của Pakistan rồi đây ra sao khi vừa nhận tiền Mỹ mà lại “chơi” với Nga. Còn Việt Nam vừa có quan hệ truyền thống và sâu rộng với Nga về các mặt năng lượng nguyên tử, không gian, kỹ nghệ quốc phòng, vũ khí tối tân… vừa hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ và rất cần sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng làm thế nào khi - vừa là đồng minh truyền thống của Nga vừa hợp tác toàn diện với Mỹ… mà không mất lòng Mỹ? Đây là mối lo lớn của Việt Nam. Bài viết mới đây của Tướng Phùng Quang Thanh nói về “tình hình chính trị thế giới có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tạo ra cả thời cơ và thách thức đan xen.” đã phản ảnh mối lo này.

4) Không thể phủ nhận rằng trong khi trai (Mỹ) cò (Nga) mổ nhau thì ngư ông (Trung Quốc) đắc lợi. Hiện nay “sức mạnh mềm” của Trung Quốc lan rộng toàn cầu và không có dấu hiệu lùi bước ở Biển Đông. Lợi dụng cuộc đối đầu Nga- Mỹ, Hoa Lục phát huy sức mạnh của mình mà không một thế lực nào có thể ngăn cản được. Ngoài ra, khi Nga-Mỹ đụng nhau thì Đông Nam Á lo lắng vì sách lược “Xoay Trục” của Mỹ không thể nào thi hành đến nơi đến chốn. Việc các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Nam Dương và Mã Lai nhanh chóng tăng cường quốc phòng cho thấy họ rất cần Hoa Kỳ nhưng biết rõ không thể nương tựa vào Hoa Kỳ trong việc bảo vệ đất nước của mình.

Trong bối cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” của ngày hôm nay, chắc chắn sẽ gây thảm họa cho một số nước nhỏ. Phải khôn ngoan lắm, phải tỉnh táo lắm và đất nước phải ổn định chính trị mới có thể thoát qua cơn đại nạn này.

Đào Văn Bình

(California ngày 2/12/2014)

(*) Chú thích của tác giả cho rõ nghĩa