Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

PHƯƠNG UY TỪ MỞ MIỆNG ĐẾN VÔ NGÔN


Tác giả : PHƯƠNG UY



Phố - tranh Nguyễn Lưu




MỞ MIỆNG




tôi đã ngàn năm không tiếng nói
bặt âm từ thuở em xa
để mỗi chiều tháng Chín không còn đón đợi
chỉ còn nghe tiếng nấc vỡ òa

trong cơn buốt thở im lìm
bầy kí ức dẫu có niêm phong vẫn bay nhộn nhạo
nỗi hư hoặc sâu hút
cơn bất lực gào từng chập đứt quãng
hoài niệm sần sùi

tôi đã ngàn năm úp mặt
lấy gió cầu vồng che mắt mình
thấy gì trong những lặng thinh?
chỉ da thịt cuộn tròn
rơi
tràn qua bậc đêm thăm thẳm
dai dẳng nhịp cầu thang
ngực buốt dậy thì

mở miệng và đi
nghêu ngao ngôn ngữ tay
trong khu rừng thơ
màu lục bảo
xanh xao gió vực mùa.
bài ca chiều
gục ngã bên cửa sổ
cơn mệt mỏi loang dần
chảy tràn vuốt ve qua mái tóc em

Ừ thì về tắm gội
những bụi bặm phận người
cho mớ ngôn từ thất lạc
bơ vơ những bước chạy điên cuồng
trở lại vỗ về nhau

ngày chiêm bao
tôi nắm tay em
và hát...






NGÀY THƠM ĐÃ TRẮNG




Ngày thơm đã trắng
gió chào nhau qua nốt radio vắng
hợp âm lãng quên trỗi biệt khúc không lời
nỗi cô đơn ngộ độc rũ áo trên vết đau của thời gian
nghe cơn mệt mỏi chơi vơi
này em, đừng đi ngược triền gió
tóc xõa mùi hương em về ám giấc mơ tôi
dù chiều đã tắm gội
vẫn loang vết môi rời
con sâu đo vẫn đo mải miết vòng phận số
vùng trời loang lổ giọt trăng
đêm bấu ngược vào trí nhớ thâm căn
nơi em đã chạm những ngón tay nõn nuột vào bờ môi bức phù điêu kí ức
trắng trợn cơn mất ngủ vực mùa
anh ngồi biến âm cho một giấc mơ
ngày em về dậy thì tự tại
những vị thần đã ly tán khỏi đỉnh Olympus
nằm thu lu trên ghế bành trễ nải
nghe đêm rớt lạnh trong ly cà phê nóng vỉa hè
cô đơn lột da
hóa xác đam mê


này em, đừng mị ma mang chiếc áo màu hạnh phúc
em cứ suốt đời đi tìm một tận cùng không thật
để anh mải miết hẹn hò với cơn đau khổ bản nguyên
ngoài kia viên mãn vỡ bên thềm
anh đã khổ đau vì quá tin vào huyền ngôn của lời người con gái rạng ngời là em trong ức sâu tiềm thức
như đã từng tin vào những chiếc váy lóng lánh em mang để giữ màu cổ tích
mặc nụ hôn tháng Tám giận hờn lẩy bẩy bước đi nhanh


này em, hãy đặt ngón tay mình lên khóe mắt anh
vuốt nhẹ
chậm thôi
để nước mắt còn kịp làm bạn với đêm xanh sâu hút





KHÚC DU CA GIỮA LÒNG ĐÊM





gã du ca chơi đàn bên hiên
bằng những âm giai của giấc mơ không bờ bến
giọt mưa ấm
trên hoa thạch thảo xanh
nỗi đau bước ra từ bức tranh
chân dung một người con gái.

***

gã du ca ngồi một mình
hôn lên bóng thời gian
cao trên ngọn đèn đường vàng
giọt mưa xiên ngang nỗi nhớ.

***

gã du ca hát trong bóng đêm
lòng đêm chật hẹp
dặt dẹo như kẻ tật nguyền
những ca từ gã hát nghe buồn lắm.
khúc du ca tàn phai - ngược nắng
đã được gã hát trong những giấc mơ dài
nơi những hơi thở của nàng còn vương trên gối.

***

và từ những sợi dây trên chiếc guitar
những thanh âm thở dài thành sợi...




KHÚC VÔ NGÔN THÁNG TÁM





mùa lặng lẽ theo mùa
rơi qua âm u tháng Tám
bỏ lại anh lạc lõng phía câu ca không lời
dẫu hồn nhiên đứng lơ ngơ giữa ngã tư, ngã năm , hay ngã bảy
vẫn nghe lòng lưa thưa vắng
một mình thôi.

mùa đang bão rớt
hiếm hoi ngày chút nắng xanh xao
mặt trời ngủ quên
mặt trời không hát.
chút ấm áp bên em giờ cũng hư hao.

anh lạc giữa muôn phương ngã tư đường tấp nập
lạc điệu trên tay bài thơ cũ vô ngôn
nghe chữ nghĩa biến thiên theo mùa gió rớt
anh lao đao
đi nốt những đoạn buồn.

anh đã sáng lóa tình yêu bằng muôn trùng ảo tưởng
như lũ ve gào mùa bất lực đẫm mồ hôi
để một ngày thảng thốt nhớ ra
mình chỉ là làn khói xưa đi lạc
rồi đã biến tan như chưa từng đến bên người.(*)

đêm hạ huyền nghe sương rũ trên nhánh trăng liềm khép mắt
anh lẫn lộn giữa nỗi buồn và nỗi nhớ em
nghe trên mái nhà cơn gió cô đơn của mùa áp thấp
thổi lặng câm cơn độc thoại cũ mèm


Phương Uy

P/s: (*) Hà Mây - Cuộc tình ấy, tự vẫn hôm qua..

NHỮNG THẾ GIỚI SONG HÀNH TRONG "ĐỐI CỰC" CỦA TRẦN ĐỨC TĨNH








Mở đầu cuốn Những cuộc đời song hành, Plutarque viết: “Sossius Sénécion ạ, khi miêu tả Trái đất, các sử gia đẩy ra sát mép bản đồ của họ những vùng đất mà họ không biết và chú ở bên cạnh: “vượt qua ranh giới này chỉ còn là sa mạc hoang vu và thú hoang nguy hiểm” hay “đầm lầy u tối” [1,75]. Hẳn rằng, nếu như không có sự ảnh hưởng trực tiếp, thì Trần Đức Tĩnh đã viết Đối cực (Nxb Trẻ, 2014) cũng với một cảm hứng gần như tương đồng với Plutarque trên góc độ quan niệm có những thế giới song hành, khác biệt nhưng lại tương tác nhân quả lẫn nhau. Trong đời sống văn chương đang khá trầm lắng, đặc biệt là những sáng tác của các cây bút trẻ hiện nay chủ yếu quanh đi quẩn lại với những mối tình ướt át, lãng mạn, nhưng thiếu đi tính suy tư về bản thể của tồn tại và thế giới, thì tiểu thuyết Đối cực của Trần Đức Tĩnh là những “con chữ không đồng hành” (từ dùng của Đỗ Lai Thúy). Đối cực là một tác phẩm mang nhiều “cái khác”, vì nó vừa kết hợp chất suy tư, chiêm nghiệm, nhưng lại không nặng nề và thuyết lý, mà lại viết dưới hình thức một tác phẩm hình sự với không ít những thủ pháp, “gia vị”, “chiêu trò” ăn khách thời thượng như bạo lực, tính dục, phi lý, miêu tả thế giới ngầm, xã hội đen. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tất cả những “gia vị” ấy chỉ là cái vỏ bọc hình thức bên ngoài, nhằm giúp tác giả triển khai cái cấu trúc và quan niệm nghệ thuật sâu xa về những thế giới song hành, tức là, có tồn tại những thế giới khác, hiện thực khác, tồn tại dưới cái thế giới và hiện thực mà chúng ta đang sống. Cái thế giới ấy là siêu thực, là hư vô, nhưng nó mang ý nghĩa cho thực tại, giúp chúng ta truy tầm bản ngã và chiêu tuyết cho những giá trị nhân bản bị đánh mất trong thực tại. Ai dám vượt qua ranh giới thực tại siêu thực ấy, sẽ được đắm mình trong thế giới mà Plutarque từng miêu tả: “vượt qua ranh giới này chỉ còn là vùng đất của những con quái vật và những truyền thuyết, nơi trú ngụ của các thi sĩ và các nhà viết huyền thoại, không thể chắc chắn về điều gì hết” [1,75].

Đối cực là một cuốn tiểu thuyết tham vọng, khi tác giả vừa muốn triển khai câu chuyện cả trên hai nền thế giới: thế giới của hiện thực và thế giới của cõi âm ty, như thế, câu chuyện vừa có tính chất hiện thực, lại có tính chất huyền ảo. Hai thế giới này không tương thông trực tiếp, cái huyền ảo không xâm lấn, tham dự vào thế giới hiện thực, nhưng nó lại giúp giải nghĩa và giải thoát cho nhau. Cả hai thế giới đều viết về hành trình nhân sinh của nhân vật Trần Thạch Sơn. Nếu trong thế giới hiện thực là quá trình tha hóa của Sơn, thì trong thế giới huyền ảo ở chốn âm ty, đó là quá trình hồi thiện, chuộc lỗi và phục hồi nhân tính của nhân vật này. Ngay mở đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả đã viết về cái chết của Trần Thạch Sơn, khi nhân vật này gieo mình từ giàn giáo cao xuống cọc nhọn, để chết cùng đối thủ truyền kiếp là tay trùm xã hội đen Huy Philip. Câu chuyện được mở đầu bằng cái chết của nhân vật chính, tạo ra sự tò mò thú vị. Từ đó, hai câu chuyện viết về hai thế giới, hai cuộc hành trình được tái hiện. Nếu như câu chuyện trong hiện thực là một sự hồi cố, quay ngược lại quãng đời sinh viên của Trần Thạch Sơn, nhằm lí giải cho câu hỏi: con người đã bị tha hóa như thế nào? Hay là, chính xác hơn, hoàn cảnh nào đã xô đẩy khiến một cá nhân tha hóa? Thì câu chuyện trong cõi âm ty siêu thực lại là một cuộc hành trình về phía tương lai, nhằm truy tìm bản ngã, sám hối tội lỗi, khôi phục nhân vị và đầu thai tái sinh làm người. Thành công của Trần Đức Tĩnh đó là anh đã xây dựng rất thành công hai câu chuyện, hai thế giới nghệ thuật chỉ trong một tác phẩm. Nếu trong thế giới hiện thực, tác giả đã thể hiện rõ cái nhìn quan sát hiện thực tinh tế, nguồn tri thức phong phú về thế giới ngầm, các băng nhóm xã hội đen, các chiêu ám sát, thanh toán, trốn chạy, buôn bán ma túy, thì trong thế giới siêu thực ở âm ty, Trần Đức Tĩnh đã thể hiện một óc tưởng tượng bay bổng, phóng vượt đầy ám ảnh. Hẳn chúng ta khi đọc cuốn tiểu thuyết này sẽ ấn tượng với những hình tượng siêu thực, phi lý như: đàn sâu nhiều khủng khiếp đến nỗi khi chết đi biến thành nước suýt ngập chết Thạch Sơn trong hang đá, lũ quỷ hút máu người, con trăn đứt đôi người vẫn nuốt chửng được người để rồi nạn nhân chui ra từ phía thân bị đứt, người đàn bà phát dục điên cuồng, các nhóm ăn thịt người… trong thế giới âm ty. Tác phẩm như vậy, vừa có nét phảng phất của truyện kiếm hiệp, chưởng, lại có chất hình sự, trinh thám, lại đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật.Đối cực là một cuốn tiểu thuyết không dễ đọc, có thể vượt ngưỡng tâm lý của một số người đọc thông thường, nhưng lại là một tác phẩm dung hợp nhiều thể loại khác nhau, một tác phẩm nằm trên những lằn ranh thể loại.

Trong thế giới hiện thực, Đối cực kể lại quãng đời từ khi còn sinh viên cho đến khi cái chết của Trần Thạch Sơn diễn ra. Vốn là một sinh viên nghèo, chăm chỉ, có tình bạn bè tương thân tương ái, nhưng cũng vì khó khăn khốn quẫn mà anh phải tham gia bốc vác làm thêm ban đêm tại chợ đầu mối cùng người bạn sinh viên cùng phòng tên Đức. Được anh Hào giúp đỡ, công việc ban đầu suôn sẻ, nhưng Sơn lại không ngờ đó lại là điểm khởi đầu khiến anh trượt sâu vào trong thế giới của tội ác. Từ mối quan hệ với Hào, Sơn quen chị Hoài và được chị mời làm bảo vệ cho quán của chị, trong quá trình làm việc, Sơn với bản tính nghĩa hiệp, hảo hán đã xảy ra ẩu đả với nhóm xã hội đen của Huy Philip, khiến chúng truy sát đến mức phải bỏ học, sống chui nhủi ở nhà chị Hoài. Trong quá trình trốn ở đó, Sơn đã quan hệ tính dục với chị Hoài, sau đó do mọi chuyện bại lộ, Sơn lại phải chạy đến tá túc tại nhà anh Ngọc, rồi lưu lạc lên bãi đào vàng, bị bọn Hạnh gấu truy sát phải bỏ chạy vào rừng sâu. Trong rừng, Sơn và người bạn tên Tân gặp một “người rừng”, vốn là một tay tội phạm truy nã đang lẩn trốn nhằm trồng thuốc phiện. Tên “người rừng” chết, Sơn và Tân ra khỏi rừng rồi sa vào đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy của Phương Hoa. Đường dây bại lộ, bị công an truy nã, Sơn may mắn thoát chết, từ đó hắn xây dựng đường dây buôn ma túy cho riêng mình, bước chân vào thế giới ngầm dưới danh nghĩa những công ty buôn bán bất động sản và kinh doanh du lịch, với những mối quan hệ thân thiết với các chính trị gia, mà tiêu biểu là Hùng chim cút – một người bạn cũ thời đại học. Đối cực đã phơi bày ra những ngõ ngách thâm sâu, tàn bạo, nhiều zic zac dây mơ rễ má nhất trong thế giới ngầm. Ở đó, con người là nạn nhân của chính nó, và một khi đã bước chân vào thế giới tội ác, sẽ chỉ có cái chết mới giúp giải thoát số phận.

Quan niệm về sự tha hóa của con người trong thế giới hiện thực trong Đối cực có nhiều điểm đặc biệt, cho dù không hẳn mọi chi tiết nghệ thuật, diễn biến tâm lý và lựa chọn hành vi đã thực sự thuyết phục người đọc. Trần Thạch Sơn là một nhân vật tha hóa điển hình, hắn từ một sinh viên chăm chỉ, có tương lai sáng lạn, đã trượt dài trong tội ác và tệ nạn. Ban đầu là quan hệ với gái điếm, sau đó là quan hệ xác thịt không cần tình yêu với Hoài, tiếp đến là máu điên cuồng chém giết tại quán của Hoài và tại bãi vàng, sau đó lên đến đỉnh điểm với sự kiện giết người diệt khẩu khi đã là ông chủ khu du lịch. Có thể nói, trong mọi tội ác mà con người có thể mắc phải, Trần Thạch Sơn đã không thể tránh được bất kỳ một kiếp nạn tha hóa nào. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Đối cực đó là tác giả mặc dù miêu tả về kẻ xấu, nhưng không phải để phê phán, mà là để thể nghiệm một cá nhân có thể tha hóa đến mức nào, hoàn cảnh gây ra sự tha hóa, và đâu là nét thiên lương còn lại trong một con người tha hóa. Trong mọi quá trình sa ngã, chúng ta có thể thấy Sơn hoàn toàn là nạn nhân của hoàn cảnh, ví dụ nhằm bảo vệ quán của Hoài, ra tay nghĩa hiệp nên anh mới đánh lại bọn xã hội đen Huy Philip, để cuối cùng bị chúng truy đuổi. Việc quan hệ xác thịt với Hoài là do chị chủ động, cám dỗ. Việc chém giết tại bãi vàng là do hoàn cảnh tự vệ và ước muốn bảo vệ công sức lao động khổ nhọc, việc buôn bán ma túy ban đầu là do không ý thức được thực chất Phương Hoa mướn anh vận chuyển hàng gì, việc giết hai tên nghiện ăn trộm tại khu du lịch là do ngộ sát giết người và nỗi lo sợ tất cả việc làm ăn bại lộ… Trần Đức Tĩnh như thế có cái nhìn nhân đạo về hiện thực, tác giả từ chối chấp nhận sự thất bại của con người trước cái ác, bởi đằng sau tất cả những tội ác, lỗi lầm phạm phải, Trần Thạch Sơn luôn canh cánh giấc mơ thoát ra khỏi vòng danh lợi, sự sám hối luôn thường trực trong lòng, và cuối cùng Sơn đã chấp nhận chết nhằm cứu vớt thiện ngã cuối cùng trong lòng mình. Cuốn tiểu thuyết vì thế, dù nói nhiều đến cái ác, miêu tả kĩ những thủ đoạn trong thế giới ngầm, cũng như sự tàn ác tận cùng của bạo lực, nhưng luôn thấm đẫm chất nhân văn, có thể dẫn dắt con người làm quen cái thiện. Tuy nhiên, có thể cũng vì tính giáo dục đó, mà cuốn tiểu thuyết xuất hiện một vài chi tiết, nhân vật khiên cưỡng, thiếu thực tế và cũng chưa thật logic. Các nhân vật đó đầy lòng tốt và sự chính trực như Trung úy Hưng, chị Hoài, anh Hào, mà đặc biệt là nhân vật võ sư già ở cuối truyện. Tất cả các nhân vật này hầu như không có tính cách cụ thể, số phận mập mờ và chỉ phục vụ cho ý đồ thuyết giáo, luận đề của tác giả.

Thế giới âm ty trong Đối cực lại làm chúng tôi thú vị và chú ý hơn. Có thể nói, tác giả đã gần như dành mọi dự phóng sáng tạo, với trọn vẹn cả ý thức triết học và vô thức tính dục nhằm kiến tạo nên thế giới này. Đọc đến những đoạn viết về thế giới âm ty trong Đối cực, chúng ta như lạc vào một thế giới khác, như thế giới huyền ảo của Tây Du Ký, của Thần khúc, của Ngàn lẻ một đêm. Linh hồn của Trần Thạch Sơn sau khi chết đã bị đày xuống âm ty, phải đi qua rất nhiều chặng đường gian nan, đối mặt với vô số kẻ thù, cửa ải thử thách và những kiếp nạn khủng khiếp. Người đọc, nhất là người đọc dưới 18 tuổi theo chúng tôi không nên đọc Đối cực, bởi trong thế giới âm ty có quá nhiều những hình tượng, hành động ám ảnh bạo lực và nhục dục. Hẳn rằng những hành vi như giao hợp với xác chết (nàng Bạch cốt), giao hợp với động vật (nàng ngựa cái), hình tượng lũ quỷ hút máu, đàn sâu khổng lồ chết biến thành nước ngập người, cảnh anh Hào bị lũ trâu phanh thây, gã yêu tinh đầu chó… là những dự án tiếp nhận không dễ dàng, đòi hỏi người đọc phải có một tầm đón nhận và cơ sở lý thuyết văn học cơ bản để có thể thông hiểu tác phẩm. Những hình tượng và cửa ải kiếp nạn trong thế giới âm ty nhìn chung phức tạp, tồn tại dưới dạng những hình tượng chìm sâu trong vô thức tập thể, đó là những hình tượng có tính chất biểu tượng, là những mẫu gốc hơn là những hình tượng cụ thể. Do vậy, việc giải mã hệ thống hình tượng này là không hề dễ dàng.

Chúng tôi quy các hình tượng trong thế giới âm ty thành ba nhóm cơ bản, nhằm hiểu rõ dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nhóm thứ nhất là những hình tượng liên quan đến tính dục và tình yêu, mà tiêu biểu là nàng Bạch cốt, nàng ngựa cái và người đàn bà hứng dục có chồng bị lũ dã man thợ săn hại chết và ăn thịt. Nhóm thứ nhất biểu thị cho cái Id (cái ấy) trong con người, nó là những hình tượng được kiến tạo nên từ vùng tối bản năng tính dục. Những hình tượng này có tính chất thử thách con người trước bản năng, cảnh báo con người trước nguy cơ sa ngã bởi bản năng, và là sự thử thách bản ngã của Trần Thạch Sơn sau những lỗi lầm tính dục mà anh đã mắc phải trên dương gian. Trần Thạch Sơn hay chính xác hơn là linh hồn của anh đã khẳng định được giá trị của mình trước tính dục, anh đã có một tình yêu thuần khiết và cao cả với nàng Bạch cốt, đã từ chối những cơn hứng dục của người đàn bà đồng hành, nhưng anh cũng không chối bỏ bản năng qua việc ái ân với ngựa cái. Hình tượng ái ân với ngựa cái xứng đáng là hình tượng thử thách khó khăn nhất trước những thiết chế đạo đức và tầm đón nhận dẫu phóng khoáng nhất của người đọc, bởi làm tình với động vật là hành vi lệch lạc tính dục bậc nhất trong phân tâm học. Nhưng trong tác phẩm, đặc biệt là thế giới âm ty, nàng ngựa cái là một nhân vật, chứ không phải một động vật thuần túy, sự lệch lạc tính dục của Trần Thạch Sơn, nếu có, chỉ nhằm chỉ ra sự cô độc kiệt cùng của con người trước thế giới, nó vừa có tính ngẫu nhiên, lại vừa có tính bi kịch. Nhóm thứ hai là những hình tượng liên quan đến bạo lực và sức mạnh dã man như đàn sói và cảnh tàn sát đàn sói, đàn sâu, con hổ, lũ đà điểu, lũ yêu tinh, con yêu tinh đầu chó, lũ trâu, con trăn, con lợn lòi, cảnh tra tấn bằng cách luộc chín tù nhân… Nhóm hình tượng này biểu thị cho bản năng tàn phá, bản năng chết (Thanatos) trong sâu thẳm vô thức của con người. Trần Thạch Sơn là một kẻ quen dùng và có sở trường dùng bạo lực trong thực tại. Nhưng trong thế giới âm ty, anh đã dùng bạo lực và khả năng tàn phá của mình nhằm bảo vệ cái thiện, bảo vệ cái yếu và biết chế ngự cái ác trong lòng mình một cách tối đa có thể. Anh từ chối đánh trả linh hồn anh Hào, anh chỉ giết đàn sói, hổ, đàn trâu rừng, con trăn… là nhằm tự vệ và bảo vệ bạn bè, anh đã giúp cho Tướng quân xây cung điện, giúp cho Chủ tướng đánh tan quân thù bằng kế Lục phương hợp nhụy, anh đã vượt qua thù hận với linh hồn Huy Philip, từ chối dùng bạo lực khi đi vào một ngôi làng dù đã rất đói… và như thế, Sơn đã vượt qua được ải bạo lực, gột rửa được tội ác đã mắc phải ở nhân gian. Nhóm thứ ba là những vị thần, phật cai trị dưới diêm vương như Đô Thị Vương, Bình Đẳng Vương, Chuyển Luân Vương, Tần Quảng Vương, Địa Tạng bồ tát, vị sư phụ ở vô cực đã ban cho Trần Thạch Sơn binh khí đại đao… và những thế thân của họ như Chủ tướng, Tướng quân. Đây là nhóm hình tượng đại diện cho cái siêu tôi (sur moi) trong vô thức con người, đó là hệ thống hình tượng có tính cổ mẫu trong văn hóa dân gian, nằm ở tầng vô thức tập thể, lại vừa tồn tại trong vô thức cá nhân mỗi người như những cảnh giới ngăn ngừa con người làm điều ác. Trần Thạch Sơn đã luôn thần phục và hỗ trợ cho những vị thần và bồ tát, nhưng anh không cúi đầu trước họ, mà chỉ hướng theo chính nghĩa. Anh sẵn sàng quát lớn vị trụ trì (do Địa tạng bồ tát hóa thành): “Nhà ngươi là ai mà có mắt như mù?… Ta thấy ngươi ngồi trên ngai vàng mà vô vị. – Tôi chỉ tay vào vị ngồi trên ngai vàng nói… Thế ngươi có biết lũ lâu la ở trên núi xuống bạo hành dân chúng thế nào không?” [2,399].






Về mặt hình thức nghệ thuật, chúng ta có thể thấy Đối cực có một kết cấu dựa trên hai câu chuyện, kể về hai thế giới, và chiều thời gian nghệ thuật của hai câu chuyện này là ngược nhau. Câu chuyện trong hiện thực là hồi cố, bởi ngay từ khi câu chuyện bắt đầu, tức ở điểm hiện tại, thì nhân vật Trần Thạch Sơn đã tự sát và sắp sửa đón nhận cái chết. Câu chuyện ở âm ty là sự phát triển tịnh tiến đến tương lai, sau khi nhân vật đã chết, từ khi mới chết vài ngày cho đến mốc 49 ngày và cả sau đó. Cả hai câu chuyện dù ngược chiều thời gian, nhưng lại cùng chung một đích đến, đó là giải thích (câu chuyện trong thực tại) và giải thoát (câu chuyện dưới âm ty) cho thực tại. Tác phẩm cũng có hai người kể chuyện, người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi” và người kể chuyện ngôi thứ ba có tính toàn tri. Tuy người kể chuyện thứ nhất xưng tôi chiếm ưu thế, nhưng chúng ta cần tinh ý rằng, “tôi” này là tôi đã chết, tức là một linh hồn đang kể chuyện, chứ không phải cái tôi đang sống trong thực tại. Về thực chất, cái tôi đang sống chỉ hiện hữu trong vài dòng ngắn ngủi ở đầu truyện. Việc sử dụng nhân vật tôi – tức người kể chuyện là một kẻ đã chết hẳn có dụng ý nghệ thuật của tác giả, cái tôi này như thế vừa phần nào mang tính toàn tri (vì nó đã chết và là một linh hồn hồi cố), lại vừa tạo tính tương thông giữa hai thế giới: hiện thực và âm ty. Nó là một cái tôi chiêm nghiệm trong một thế giới hỗn độn, gấp gáp và xoay vòng trong bạo lực.

Trần Đức Tĩnh - Ảnh Hà Giang


Trần Đức Tĩnh là một nhà văn trẻ sinh năm 1976, điều đáng ngạc nhiên đó là anh là một sĩ quan quân đội, nhiều năm làm chỉ huy tại Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 trước khi công tác tại Nhà xuất bản Quân đội, là một nhà văn quân đội, nhưng anh đã dũng cảm dấn thân trong sáng tạo nghệ thuật, không ngần ngại bất cứ những giới hạn và taboo nào trong sáng tạo. Đối cực là cuốn tiểu thuyết đầu tay, tuy còn nhiều điểm trong cốt truyện chưa thật hợp lý, tính chất tư tưởng cần thâm sâu hơn, tránh lộ liễu như ở cuối truyện, nhưng chúng tôi cho rằng, bất chấp những hạn chế ấy, Đối cực vẫn là cuốn tiểu thuyết đáng đọc và suy ngẫm nhất hiện nay của các cây viết trẻ trên văn đàn nước nhà. Chúng tôi cũng tin rằng, Đối cựcchỉ là một thể nghiệm ban đầu cho sự nghiệp sáng tạo đường dài đầy nội lực của nhà văn ở phía trước.

YẾN THANH

Thế này có thể gọi là đạo văn được chăng?



Tác giả: Vũ Đình Ninh


Tôi là Vũ Đình Ninh, chủ trang VanDanViet.Net, hôm nay được đọc trên các tranghttp://trannhuong.com/ bolapquechoa.blogspot.com/ ngominh.vnweblogs.com một bài viết rất công phu của tác giả Lê Thọ Bình: “Nguyễn Hữu Đang: một bi kịch lớn” (ngày14&15/8/2014). Tôi ngỡ ngàng vì thấy ở đây có mấy đoạn viết giống y chang một bài viết cách đây hai năm của bạn tôi- nhà báo, đạo diễn điện ảnh Mai An nguyễn Anh Tuấn: “Cuốn Tự điển bách khoa của ông Nguyễn Hữu Đang” (đã đăng trên vandanviet.net, ngày 15/09/2012- http://vandanvn.net/vi/news/Cap-nhat-lai/Cuon-Tu-dien-bach-khoa-cua-ong-Nguyen-Huu-Dang-Nguyen-Anh-Tuan-558/). Bài viết này còn đăng kèm theo mấy bức ảnh chụp lại từ băng tư liệu của chính tác giả NAT: chân dung ông Đang và trang từ điển có chữ của ông Đang gạch dưới: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″ ). Bài viết này của Mai An Nguyễn Anh Tuấn còn được khá nhiều trang mạng đăng tải trong năm 2012 – nhưlethieunhon.com, nguoibanduong.com, Nguyentrongtao.info (với cái tít: Kỷ niệm với người đi trước thời đại), v.v.


Tôi thấy kỳ lạ, vì một bài viết công phu có rất nhiều tư liệu quý của ông Lê Thọ Bình mà sao đến nỗi phải sao chép nguyên xi đến gần bốn chục dòng của người khác- mà theo tôi là những đoạn rất hay, bộc lộ cảm nghĩ riêng khá độc đáo và chân thành của NAT?! Giá như ông có cho trong ngoặc kép đề trích là của NAT thì người ta cũng thấy kỳ kỳ, nữa là cứ nhơn nhơn bệ nguyên xi của anh ấy! Mấy câu nói của cụ Đang giống nhau trong cả hai bài viết, thì coi như là sản phẩm của cụ đi, nhưng còn hàng chục dòng văn copy kia thì có thể gọi đó là gì, nếu không phải là đạo văn trắng trợn? Tác giả Mai An NAT đã có nhiều bài viết được chú ý, đã là một tác giả quen thuộc trên khá nhiều trang báo viết và báo mạng, còn tác giả Lê Thọ Bình thì- xin lỗi, có lẽ bây giờ tôi mới được đọc một bài này của ông.
Để cho khách quan, sau khi đọc lại bài của NAT trên trang của tôi, tôi đã đọc bài đó của anh trên nguyentrongtao và đưa ra để mọi người so sánh (Những chỗ tôi gạch dưới là giống y nguyên, thậm chí không sai dấu chấm, phẩy):

KỶ NIỆM VỚI “NGƯỜI ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI” NGUYỄN HỮU ĐANG
Nguyễn Anh Tuấn
(Nguyentrongtao.info- ngày 05/12/2012)
(http://nguyentrongtao.info/2012/12/05/k%E1%BB%B7-ni%E1%BB%87m-v%E1%BB%9Bi-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-di-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-th%E1%BB%9Di-d%E1%BA%A1i-nguy%E1%BB%85n-h%E1%BB%AFu-dang/)

Ngồi ở chiếc bàn vừa để ăn vừa để đọc sách của ông, nhìn quanh trên tường và trên bàn có nhiều tấm ảnh chân dung chắc chắn là rất thân thiết với ông; và đập ngay vào mắt là tấm ảnh lịch sử: Lễ đài Ba Đình 2-9-1945 được cho vào khung ảnh cẩn thận kê ngay ngắn trên một chiếc vỏ hộp bánh… Cuộc đời có thể tước đoạt của ông nhiều thứ song không thể tước đi quyền tự hào là người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày lễ Độc lập ở Ba Đình, và tới năm 1947, ông vẫn còn được coi là nhân vật quan trọng nhất nhì bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Mái đầu húi cua bạc cháy tựa nương cằn miền núi sau trận cháy rừng giờ không còn ngẩng cao kiêu hãnh mà hơi cúi gằm bởi năm tháng, nhưng cái vóc dáng cồng kềnh và chắc chắn của ông vẫn cho thấy một nghị lực sống được nén lại, và đôi lúc ánh mắt ông vô tình vẫn lóe lên những luồng ánh sáng trí tuệ… Nhìn ông, ai có thể tin rằng: Sau mười lăm năm tù đày, ở tuổi 63, ông đã từng phải sống nhờ vào côn trùng và cóc – nhái – chuột – rắn trong suốt hơn mười lăm năm vất vưởng bên lề xã hội ở một làng quê Thái Bình… Trải qua quá nhiều nỗi đớn đau thử thách, và ở giai đoạn cuối cuộc đời vẫn phải lo tránh cạm bẫy, ông phải tự giữ gìn và giữ cho cả người đang đối thoại với mình mà bằng trực giác ông biết là lòng lành, song dường như ông vẫn không bị mất đi sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh.
…Bóng ông lúi húi bên giá sách cạnh tấm ảnh đen trắng Dostoievski chợt nhòe đi. Bên dưới tấm ảnh văn hào Nga được nhiều thế hệ độc giả Việt yêu quý là chiếc tủ lạnh cũ. Bất giác tôi đứng lên, bước tới chiếc tủ lạnh, tự động mở ra: cả hai ngăn trên và dưới đều trống rỗng!
…Chiếc bàn nhỏ kê sát giá sách để chiếc điện thoại bàn lấm bụi, chiếc kính lúp, cái đèn pin, mấy cục pin con thỏ, v.v. Ông Đang dường không chú ý tới việc tôi mở tủ lạnh và quan sát đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông, chắc bởi lúc đó ông muốn thông báo với chúng tôi điều gì hệ trọng lắm qua một một cuốn sách lớn dày cộp đang ôm trên tay.
Thì ra là điều này: ông giở bìa cuốn từ điển Bách khoa “Le petit Larousse” in năm 2000 ra, chỉ tay vào trang đầu tiên có chữ nắn nót của ông: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″ (gạch đậm dưới). Rồi ông vội vã mở cuốn sách ra để chứng minh điều mình đã thông báo. “Ai đã xé nó đi? Gần 100 trang đó gồm những mục gì hở bác?”- chúng tôi nóng ruột hỏi. Ông ghé tai hỏi lại cho rõ rồi thở dài, lắc đầu nhẹ và ngơ ngác như vẫn không tin nổi đó là sự thật giữa cái thời buổi thông tin toàn cầu, giữa một xã hội Dân chủ… Ông khẽ trả lời: “Những người có trách nhiệm kiểm soát trước khi chuyển nó đến cho người nhận, chứ còn ai vào đây nữa?! Còn những mục gì ư? Chỉ là những thứ mà theo người ta, sẽ đầu độc một lão già vô hại là tôi!”- Câu cuối ông nói vừa có gì diễu cợt lại vừa đượm nước mắt…Một công trình văn hóa hoàn hảo, một trong những biểu tượng của trí tuệ nhân loại bị phá hoại bởi những người quen thói bao cấp tư tưởng, quen hăng hái săn sóc tâm hồn và tri thức cho người khác- kể cả những người đương nhiên là bậc thầy về văn hóa của họ! Thực là một tấn bi hài kịch không đáng có vậy mà đã diễn ra không chỉ một lần!
Nguyễn Hữu Đang: một bi kịch lớn
Lê Thọ Bình
(Trannhuong.com, ngày 15/8/2014)
http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/08/nguyen-huu-ang-mot-bi-kich-lon.html
http://ngominh.vnweblogs.com/post/2246/460219

Ngồi ở chiếc bàn nhỏ vừa để ăn vừa để đọc sách của ông, nhìn quanh trên tường và trên bàn có nhiều tấm ảnh chân dung chắc chắn là rất thân thiết với ông; và đập ngay vào mắt chúng tôi là tấm ảnh lịch sử: Lễ đài Ba Đình 2-9-1945 được cho vào khung ảnh cẩn thận kê ngay ngắn trên một chiếc vỏ hộp bánh quy. Chiếc bàn kê sát giá sách để chiếc điện thoại bàn lấm bụi, chiếc kính lúp, cái đèn pin, mấy cục pin con thỏ để lăn lóc.
Cuộc đời có thể tước đoạt của ông nhiều thứ song không thể tước đi quyền tự hào là người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày lễ Độc lập ở Ba Đình, và tới năm 1947, ông vẫn còn được coi là nhân vật quan trọng nhất nhì bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mái đầu húi cua bạc cháy tựa nương cằn miền núi sau trận cháy rừng giờ không còn ngẩng cao kiêu hãnh mà hơi cúi gằm bởi năm tháng, nhưng cái vóc dáng cồng kềnh và chắc chắn của ông vẫn cho thấy một nghị lực sống được nén lại, và đôi lúc ánh mắt ông vô tình vẫn lóe lên những luồng ánh sáng trí tuệ.
Nhìn ông, ai có thể tin rằng: Sau mười lăm năm tù đày, ở tuổi 63, ông đã từng phải sống nhờ vào côn trùng và cóc – nhái – chuột – rắn trong suốt hơn mười lăm năm vất vưởng bên lề xã hội ở một làng quê Thái Bình… Trải qua quá nhiều nỗi đớn đau thử thách, và ở giai đoạn cuối cuộc đời vẫn phải lo tránh cạm bẫy, ông phải tự giữ gìn và giữ cho cả người đang đối thoại với mình mà bằng trực giác ông biết là lòng lành, song dường như ông vẫn không bị mất đi sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh.
…Ông lúi húi bên giá sách cạnh tấm ảnh đen trắng Dostoievski chợt nhòe đi. Bên dưới tấm ảnh văn hào Nga được nhiều thế hệ độc giả Việt yêu quý là chiếc tủ lạnh cũ. Bất giác tôi đứng lên, bước tới chiếc tủ lạnh, tự động mở ra: cả hai ngăn trên và dưới đều trống rỗng! Ông Đang không hề để ý tới việc khách mở tủ lạnh và quan sát đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông. Ông rời giá sách trên tay cầm theo cuốn sách dày cộp. Ông giở bìa cuốn từ điển Bách khoa Petit Larousse in năm 2.000 ra, chỉ tay vào trang đầu tiên có chữ nắn nót của ông: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″. Rồi ông vội vã mở cuốn sách ra để chứng minh điều mình đã thông báo. Tôi hỏi ông: “100 trang sách đã bị xé. Ai đã xé những trang này hở bác?”. Ông thở dài: “Còn ai vào đây nữa!”. Ông nói nhỏ dường như chỉ để cho mình ông nghe: “Những người có trách nhiệm kiểm soát trước khi chuyển nó đến cho tôi. Còn những mục gì ư? Chỉ là những thứ mà theo người ta, sẽ đầu độc một lão già vô hại là tôi!”.
Câu cuối ông nói ra vừa có gì giễu cợt lại vừa đượm nước mắt. Một công trình văn hóa hoàn hảo, một trong những biểu tượng của trí tuệ nhân loại bị phá hoại bởi những người quen thói bao cấp tư tưởng, quen hăng hái săn sóc tâm hồn và tri thức cho người khác – kể cả với những người đương nhiên là bậc thầy về văn hóa của họ! Thực là một tấn bi hài kịch không đáng có, vậy mà nó đã diễn ra thường xuyên như thứ một tập quán ghê sợ!
Bình Định 17/ 8/ 2014
Theo Blog Nguyễn Trọng Tạo, ngày 19/8/2014

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Phản biện không đồng nghĩa với . . . phản động !




Tác giả: Đào Dục Tú


Gợi cho tôi ý tưởng viết bài phiếm luận này là lới của một ông Tổng thống Mỹ nổi danh hào hoa và đoản mệnh ở Nhà Trắng, Giôn Ken-nơ-đi : ” Không có tranh luận ,không có phê bình, không một tổ chức hay quốc gia nào có thể thành công và không một nền cộng hòa nào có thể sống sót”. Hay nói cách khác,mở rộng và khái quát, tranh luận ,phê bình là hoạt động trí thức bình thường và cần thiết của đời sống tinh thần con người trong đời sống chính trị xã hội , tương tự như dưỡng chất ;như dưỡng khí tự nhiên tối cần cho nhu cầu thiết yếu nhất để tồn tại của một sinh thể.




Thế nhưng ở Việt Nam ? Hoạt động rút gọn là tự do ngôn luận tưởng như bình thường đó, lại thực tế hóa ra trở thành rất không bình thường trong nhiều thời điểm ,trong nhiều bối cảnh chính trị xã hội khác nhau

Ví như. . . ngày xưa; người ta còn nhớ thời Nhân Văn Giai Phẩm, một nhóm trí thức văn nghệ sĩ-những người đã “lập ngôn””dĩ ngôn chí” thành danh, có người nổi tiếng từ trước Cách Mạng Mùa Thu vừa chân ướt chân ráo từ chiến khu Việt Bắc về như Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo. . . bên Đại Học; như Trần Dần, Lê Đạt,Hoàng Cầm, Nguyễn Bính. . . .bên Văn chương, Văn Cao, Tử Phác. . .bên Nhạc, v..v…, xem như bị “treo bút sáng tạo” không có “án văn tự” nhiều thập kỷ.

Chỉ bởi một lý do đơn giản : họ dám ,bằng sáng tác thơ văn hoặc phát biểu ý kiến, nói khác lãnh đạo, cao hơn, dám đòi quyền tự do sáng tác , trả văn nghệ về cho văn nghệ sĩ . Một số trí thức tự cho mình quyền hoạt động phản biện , nêu rõ chính kiến ở những diễn đàn “ôn hòa đoàn kết” như Mặt Trận Tổ Quốc chẳng hạn.

Ví như. . . .ngày nay; nhiều diễn đàn xã hội trên mạng thông tin toàn cầu của cá nhân ,của một nhóm thân hữu xuất xứ nghề báo hoặc liên đới đến truyền thông xã hội dám “nói khác” tuyên truyền “lề phải”, tuyên truyền chính thống về hiện trạng kinh tế xã hội, về âm mưu ,thủ đoạn ,hành xử bất minh của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam, chẳng hạn.

Phản động, nghĩa gốc của từ Hán Việt này , theo Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh, chỉ là hành động hoặc vận động trái lại một diễn trình nào đó.

Còn từ gốc Hán Việt “biện” của biện luận, giải nghĩa ngắn gọn là tranh luận,xét rõ hiện trạng và vấn đề để phân biệt đúng sai,phải trái theo một quan điểm, một chuẩn đích nào đó.

Hiểu từ “gốc chữ” hiểu đi như thế thì phản biện chỉ có nghĩa chung khái quát là đặt ngược vấn đề để xem xét lý thuyết và thực tiễn đã và đang diễn ra của đời sống chính trị xã hội. Quả là đã có một thời chưa xa trong không khí sôi sục đấu tranh cách mạng,đấu tranh giai cấp, hai chữ “phản động” chỉ còn được hiểu nghĩa là chống lại cách mạng, chống lại tổ chức chính trị,đi ngược lại lợi ích của nhà nước và nhân dân.

Tội phản động thuộc diện “tầy đình”, người mắc tội dù có án hay không có án giấy trắng mực đen thì cũng buộc phải bị trừng trị, phải bị cô lập hoặc chí ít cũng bị vô hiệu hóa. Thời bấy giờ hai chữ “phản động” được “mặc định” một nội hàm chính trị tư tưởng cự ghê gớm. Thời bấy giờ đã ai đặt vấn đề phản biện . . .”đại trà” như ngày nay mặc dù trong thực tế nhiều nhân vật trí thức văn nghệ sĩ bằng thực tế sáng tác và “tranh luận văn nghệ” đó đây đã có những hoạt động phản biện.

Tiếc thay họ bao giờ cũng thuộc “thiểu số”. Ví như ở Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Băc năm 1947 chẳng hạn. Ví như sáng tác và “lập thuyết” của nhóm Nhân Văn, báo Trăm Hoa,tờ Văn vân vân và vân vân, chẳng hạn. Và mãi tới thời tiền đổi mới, chỉ mới nêu chính kiến cần chấp nhận đa nguyên tư tưởng, một vị thuộc hàng “cộm cán” của triều chính còn bị thất sủng tức khắc. . .

Không phải ngẫu nhiên thời gian gần đây “bùng phát” phản biện trên báo lề trái, trên các trang mạng xã hội. Nếu hiểu theo nghĩa “chuẩn” nghĩa “đúng,chính xác” của hai từ gốc Hán Việt “phản động” và ” phản biện” thì trước hiện trạng ‘hệ thống” nhóm lợi ích thao túng kinh tế ,gây ra nạn tham nhũng đến mức trong chính giới, trên diễn đàn quốc hội, có người gọi là “nạn nội xâm” nguy hiểm ,là”bầy sâu tham nhũng ăn hết phần của dân,không từ thứ gì”; trước hiện trạng thế lực bành trướng bá quyền nước lớn Bắc Kinh đi những bước nguy hiểm đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ ,lãnh hải Việt Nam thì hoạt động phản biện cần được hiểu là quyền chính đáng của người dân nói chung,của giới trí thức yêu nước nói riêng; không thể đánh đồng với . . . phản động như . . .ngày xưa !

Và do đặc thù của hoạt động trí thức,do phân công lao động trí óc của thời kỳ kinh tế toàn cầu hậu công nghiệp ,hậu hiện đại và thế giới phẳng ,vai trò phản biện trên tất cả các mặt kinh tế xã hội giáo dục đào tạo lại thuộc người trí thức là chủ yếu ,là chủ đạo. Hiển nhiên hoạt động phản biện của họ trong khuôn khổ hiến pháp , luật pháp, cần được sự bảo trợ của luật pháp, cần được sự khuyến khích của chính quyền và toàn xã hội.

Trong bối cảnh chỉ riêng nạn tham nhũng thôi cũng đã được diễn đàn chính thống xem như “giặc nội xâm”, chỉ riêng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền tha hóa biến chất cả về tư tưởng , đạo đức ,lối sống’ có cơ đe dọ sự tồn vong của đảng lãnh đạo, thì hoạt động phản biện về thực trạng đó là cần thiết, đúng hơn khẩn thiết. Không phát huy được tinh thần dân chủ nhằm huy động tổng lực trí tuệ của toàn xã hội ,trước hết là bộ phận tinh hoa của dân tộc là đội ngũ trí thức yêu nước, làm sao có thể cải thiện được tình hình kinh tế xã hội quá nhiều điều bất cập?

Gác lại một bên ý thức hệ, với tình thần khoa học và thực chứng,người viết xem lời của một nhân vật chính trị Mỹ như một lời phản biện cần thiết để tham khảo và suy xét:” không có tranh luận, không có phản biện, không một tổ chức hay quốc gia nào có thể thành công và không một nền cộng hòa nào có thể sống sót”. Có nên xem đó là lời phản biện cảnh báo cần thiết ,để trước hết nhận ra một sự thật là phản biện hiểu theo nghĩa tích cực hữu ích cho dân cho nước. Phản biện tuyệt nhiên không phải, không thể “mặc định” là phản động theo nghĩa xấu, tiêu cực,cần triệt bỏ như . . . ngày xưa !

bài lỡ đễnh nguy nga


Tác giả : K. LAN








Góc phố- ảnh Tống Hoàng Hải





em đánh rơi buổi sáng
nhặt lại được buổi chiều
bình minh đỏ ối
nắng tinh khôi toan mặc áo nâu

cầm trên tay buổi chiều
những giấc mơ về sớm hơn dự báo
con đường đã ngủ
cộ xe mơ hồ quệt mấy nét tàn phai

em vào đêm
chân chạy trốn đèn đường trừng mắt
câu chuyện câm lặn vào lối đi quen
tình ngồi đó, nằm đó, chạy đó, bay phất phơ đâu đó
mùa thu giả tạo, vàng ươm

đến một lúc nào đó em quên
hoặc nhớ nhầm hôm nay đã ngồi bên lề đường để thương về những hạt bụi
thì hương bay cũng quyện lại dấu ngày

K. LAN

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Cho ngày cơn gió không chạy trốn




Featured Image: Minh Chau Pham


Có nên viết bài thơ tình tháng Tám
khi lời yêu đã khản tiếng lâu rồi
từng con chữ trốn trong bờ mỏi mệt
niềm an nhiên thất lạc chẳng tăm hơi

Có nên viết rằng ngày thì rất cũ
những mơ hồ đã chạm đáy thung sâu
hài cốt đặt trên quách thời gian mục
những bài thơ là giả trá âu sầu

Có nên viết khúc bi ca màu gió
bởi giấc mơ vừa chạm đỉnh hoang đường
em hư ảo tất nhiên em không thật
tội lỗi gì tôi lạnh giữa đêm sương?

Bởi tháng tám nhớ bóng đêm hành khất
nên bao dung tôi lạc giữa chiêm bao
bởi cơn nhớ là lãng quên rất vội
nên đăm chiêu nhành cúc dại ven rào



Phương Uy

Khi Lỗi Lầm Thuộc Về Những Vì Sao – John Green




Featured Image: Bìa sách “Khi Lỗi Lầm Thuộc Về Những Vì Sao” bản tiếng Anh




“Đôi khi bạn đọc được một cuốn sách và nó truyền cho bạn một thứ đức tin cuồng loạn, và bạn dần tin rằng thế giới đang bị chia cắt này sẽ chẳng thể nào hàn gắn lại được khi và chỉ khi toàn bộ nhân loại đọc được cuốn sách đó.”

Tôi có cảm giác là cuốn sách đó là của tôi, được viết ra để dành cho tôi. Cũng thật lạ, khi nó chẳng phải là cuốn sách viết bởi một cây đại thụ của nền văn học thế giới, hay được xếp vào giá dành cho những cuốn sách kinh điển, cũng chẳng phải cuốn sách được viết với một ngôn ngữ văn chương trác tuyệt nhất, nhưng, bạn biết đấy, có ai yêu mà biết được chính xác vì sao yêu, bằng một cách bí mật nào đó, cuốn sách nó chạm được vào tôi, trả lời cho những gì nhức nhối nhất trong tôi và dần dần biến thành một phần của tôi tự lúc nào. Hạnh phúc có được sẻ chia thì mới trở nên trọn vẹn và tròn đầy, tôi băn khoăn không biết làm thế nào cái thế giới bị chia cắt này có thể đọc được cuốn sách của tôi đây?

Tôi thích cái cảm giác được đắm mình sâu vào một cuốn sách, khóc cười cùng nhân vật, được trải nghiệm một thực tại khác, một không gian và thời gian khác. Nhưng tôi yêu cái cảm giác thấy chính mình lấp ló trong những trang sách, thấy thực tại của mình trong thế giới tưởng tượng của một nhà văn xa xôi phía bên kia bán cầu, cảm nhận tác giá đang đối thoại với mình, trả lời cho những gì mình đang tìm kiếm. Điều tuyệt vời của việc đọc không phải là việc khám phá ra những điều mới lạ, mà là bắt gặp chính mình, chính những suy tư và tình cảm của mình trong những câu chữ uyển chuyển giàu chất thơ, cảm giác thăng hoa giống như gặp tri kỉ của đời minh nhưng dưới hình hài của những trang sách thơm mùi giấy mới. Điều đó chính là phép màu của văn học, người ta đọc để thấy mình chẳng còn cô đơn. Tôi cũng không ngờ một cuốn sách “best seller” “Khi lỗi lầm thuộc về những vì sao” có thể làm điều đó với tôi (quả là từ trước đến nay tôi chẳng phải là fan của những best sellers cho lắm)

“Mọi lẽ nghi vấn đều khiến chúng ta trở về với câu hỏi liệu cuộc sống của con người có ý nghĩa gì và phải chăng tất cả đều mang một ý nghĩa nào đó.” Có lẽ không có ai mà chưa từng vật lộn trước những câu hỏi truy vấn về “ý nghĩa”. Liệu mọi thứ có “ý nghĩa” gì đó không khi cái hồi kết dường như là được viết trước cho tất cả mọi người, sự hiện sinh của mỗi cá nhân và cả nhân loại chỉ như ánh chớp ngắn ngủi giữa đêm trường thời gian vô tận, khi vĩnh hằng vốn là một khái niệm không chính xác, khi sự lãng quên là không thể tránh khỏi. “Sẽ có một lúc nào đó sẽ chẳng ai còn sống sót để nhớ về bất cứ người nào đã từng tồn tại hay nhớ xem loài người đã làm được những gì… Tất cả những gì chúng ta đã từng làm nên, gây dựng, viết ra, suy tưởng, khám phá sẽ bị lãng quên và tất cả mọi thứ rồi sẽ thành con số không tròn trĩnh.”

Nếu như bạn vẫn đang mắc kẹt câu hỏi mang tính chất hiện sinh đó thì tôi cũng mạo muội “trả lời” rằng: vốn làm gì có thứ “ý nghĩa” nào nằm ngoài đời sống của con người, “ý nghĩa” của đời sống là chính nó, là chính sự sống, là sống trọn vẹn và tròn đầy trong những khoảnh khắc hữu hạn mà bạn có. Những người độ tuổi 20, sức xuân đang phơi phới như bạn và tôi có thể nghĩ đời sống như vậy có vẻ đơn giản, nhạt nhẽo và chẳng có “ý nghĩa” gì cả, cũng khó trách được khi mà những điều giá trị nhất, cốt lõi nhất thường được nghiệm ra khi bạn buộc phải đứng trước những lằn ranh giữa sự sống và cái chết, nơi bạn có thể nhìn ra những điều mà bạn sẽ chẳng bao giờ chú ý đến khi lúc nào cũng “an toàn”, khi mà những chòm sao chiếu mệnh đầy lỗi lầm buộc bạn phải, giống như Hazel và Augustus, bị ung thư và sắp chết.

Hazel là một cô bé xinh đẹp, thích đọc sách, đọc thơ, mơ mộng và thích xem những show truyền hình siêu nhảm, còn Augustus thì hài hước, giỏi thế thao, thích chơi game và bị ám ảnh bởi những trò ẩn dụ thú vị. Những con người ở độ tuổi 17 ngọt ngào có thể có cuộc sống bình thường nếu như những căn bệnh ung thư không tước khỏi họ khỏi cái điều căn bản và giản dị đó. Có những nỗi đau mà tưởng chừng như chạm đến giới hạn của những nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần “phần lớn cuộc đời tôi dành để cố gắng không bật khóc trước những người tôi yêu thương.” Nhưng thiết nghĩ rằng buồn đau đâu thể làm thay đổi con người ta, nó chỉ làm bộc lộ con người ta mà thôi, khi phải đấu tranh những buồn đau để sống, họ càng khát sống hơn và sống cũng nhiều hơn. “Tôi cố gắng tự an ủi mình rằng, mọi thứ còn có thể tệ hơn, rằng thế giới này không phải là một nhà máy sản xuất điều ước, rằng tôi đang sống với căn bệnh ung thư chứ chưa chết bởi nó, rằng tôi không được cho phép nó giết chết mình trước khi nó có thể giết chết mình.”

Hazel Grace, cô gái ấy, luôn tìm cách làm đầy cuộc sống ngắn ngủi của mình, trong những phút yếu lòng trong sợ hãi và âu lo cô tự dặn mình “ những suy nghĩ như vậy sẽ làm phí phạm những khoảnh khắc của cái cuộc sống vốn được tạo nên bởi những khoảnh khắc hữu hạn như vậy.” Cô gái của tôi luôn đong đếm cuộc sống của mình bằng những khoảnh khắc hữu hạn và trân trọng, dè sẻn chúng như vậy trong khi chúng ta như những kẻ nhà giàu ngu ngốc và hợm hĩnh luôn sống mà không ý thức về điều đó và ba hoa về sự có “ý nghĩa” của nó.

Cách sống trọn vẹn nhất chẳng phải là sống vì yêu hay sao? Cuốn sách trước hết viết về một câu chuyện tình, một thứ tình yêu đẹp đẽ và không tì vết kiểu như … tình yêu thật sự. “Tớ yêu cậu, dù biết rằng tình yêu chỉ như tiếng hét vào giữa khoảng không, biết rằng sự lãng quên là không thể nào tránh khỏi, biết rằng số phận bi thương của chúng ta đã được an bài, biết rằng sẽ có một ngày mọi nỗ lực của con người đều trở thành cát bụi, biết rằng cuối cùng mặt trời cũng sẽ nuốt chửng cái hành tinh mà hai chúng ta có, và sau tất cả những thứ đó anh vẫn yêu em.”

Chúng ta sống trong nỗi sợ cái chết và sự lãng quên, và, tình yêu là cái nỗ lực đẹp đẽ nhất chống lại cái chết và sự lãng quên đó. Hầu như tất cả loài người tham lam chúng ta đều mong muốn được nhớ tới một cách vẻ vang, ghi lại dấu ấn của mình như một nỗ lực đáng thương để “chiến thắng” cái chết. Hazel và Augustus chẳng để gì nhiều nhặn cho đời, nhưng có hề gì đâu khi “dấu ấn con người để lại thường là những vết sẹo” mà thôi, và bản thân yêu thương đã rất đầy đủ rồi. Họ đã có những phút giây ngắn ngủi nhưng vẫn là vĩnh viễn và vô tận mà họ không sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì cho những phút giây đó- nơi có sự hiện diện của một thứ còn bí hiểm hơn cả cái chết, cái đó gọi là Tình Yêu.

Tôi rất đồng ý với Hazel: “Có hai loại người trưởng thành. Loại người thứ nhất như Peter Van Houten, họ là những sinh vật khốn khổ luôn tìm sục sạo mọi nơi trên trái đất để tìm thứ gì đó để gây tổn thương. Và có những người giống như cha mẹ tôi, luôn đi loanh quanh như zoombi và làm nhiều thứ linh tinh cốt để được đi loanh quanh.” Cả tôi và Hazel đều không muốn sống một những cuộc sống như vậy. Xung quanh ta thiếu gì những người sống máy móc, quẩn quanh trong những khuôn thước may sẵn, những đám đông ồn ào mà thiếu sức sống, những con người tất tả chạy ngược xuôi với đầy rẫy lo toan cốt để cuối ngày dành buổi tối trước cái TV hay những thú vui nhạt nhẽo và giả tạo khác.

Tôi cũng chẳng tin vào những kẻ tuy tìm được lối ra khỏi đám đông kia nhưng lại rơi vào cái bẫy trong trò chơi của chính họ, luôn thích gặm nhấm nỗi buồn và sự cô đơn, luôn muốn lánh xa tất cả và kêu gào là họ đang sống là ‘chính mình’ và gọi phần còn lại của thế giới là điên cuồng, là thối nát. Chĩa mũi nhọn vào cuộc đời thì chính họ mới là người bị tổn thương. Cái nỗ lực thoát khỏi đời sống “mờ mờ nhân ảnh” khiến họ ôm khư khư cái tôi đầy sầu não của mình mà không biết rằng ‘cái tôi’ chính là trò ảo tưởng lớn nhất của loài người. Không, nếu trưởng thành mà là như vậy, tôi thà khước từ sự trưởng thành của mình còn hơn.

Tôi tin rằng nếu ai cũng ý thức thật sự được sự hiện sinh bản thân nó là quý giá vô ngần, rằng cuộc sống chỉ là tập hợp hữu hạn những khoảnh khắc, rằng yêu thương (theo nghĩa rộng) mới chính là triết lí sống tối cao nhất mà nhờ đó ta có thể biến những hữu hạn của ta thành mãi mãi, mọi thứ đã có thể rất rất khác.

Tôi thật sự thích cái cách tác giả nói về thật nhiều thứ trong giới hạn một cuốn sách nhỏ xinh ấy, thông qua một câu chuyện tình tưởng như là sến sẩm, trẻ con, qua chủ đề về nạn nhân ung thư tưởng chừng xưa như trái đất, viết bằng ngôn ngữ teen giản dị và hài hước mà vẫn giàu chất thơ. Cuộc sống thì nhiều điều bất ngờ và cuốn sách là một trong những điều đó.





Nancy

8 cây cảnh Việt Nam giá triệu đô



(Dân Việt) - Chủ nhân bộ tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" trị giá ba triệu USD Phạm Gia Thịnh - biệt danh Thịnh "Hải Phòng" nổi tiếng với những thương vụ mua bán cây cảnh triệu đô nhanh như chớp... Dẫu có giá trị cao như vậy nhưng cả siêu cây của Toàn "đô-la" và siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" của Thịnh "Hải Phòng" đều "hết hồn" trước cây sanh "Mâm xôi con gà" của đại gia Thành "vàng" được niêm yết với giá 120 tỷ đồng, tương đương với 6 triệu USD.



Phạm Gia Thịnh bên siêu phẩm “Chiến thắng Bạch Đằng”.

Bộ cây cảnh giá 3 triệu USD
Những ai từng đến tham quan triển lãm cây cảnh ở Trung tâm Hội nghị quốc gia trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua hẳn sẽ không thể quên được bộ tác phẩm gồm 6 cây cảnh có một không hai được trồng trên những con thuyền gỗ lũa khổng lồ.

Ngay đằng sau 6 tác phẩm là tấm pano cực lớn, màu đỏ, có diện tích đến cả trăm mét vuông với mấy câu thơ đầy hào khí: "Sông Đằng một dải dài ghê/ Sóng hồng cuồn cuộn trôi về bể Đông/ Những người bất nghĩa tiêu vong/ Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh" (Bạch Đằng giang phú - Trương Hán Siêu).

Trên tấm pano còn có dòng chữ: Tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" - chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phạm Gia Thịnh - chủ nhân của bộ siêu phẩm này - vốn là một bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Mười năm trước, vì một vụ làm ăn bên ngoài đổ bể nên anh bỏ nghề về lập doanh nghiệp buôn bán thép.

Thành công nối tiếp thành công đã khiến Thịnh trở nên giàu có. Có tiền, anh bắt đầu theo đuổi niềm đam mê từ tấm bé là chơi cây cảnh. Trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, anh Thịnh đã nảy ra ý tưởng sáng tác một bộ cây cảnh tái hiện lại trận chiến rung chuyển lịch sử, làm thay đổi vận mệnh nước nhà.

Điều này đã khiến cho bộ tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" trở thành độc nhất vô nhị vì người chơi thường chỉ tạo dáng cây theo quan niệm cuộc sống chứ không ai lại tái hiện một trận chiến như Thịnh.

Anh tâm sự: "Với những cây cảnh bình thường khác thì chỉ có thể chuyển tải một ý nghĩa nho nhỏ, làm niềm vui cho người sở hữu. Nhưng tác phẩm của tôi tái hiện một trận chiến kinh điển vừa mang ý nghĩa biết ơn với tiền nhân, vừa nhắc nhở con cháu đời sau không được quên công ơn xương máu của cha ông để bảo vệ nền độc lập dân tộc này".

Theo tư liệu lịch sử mà anh Thịnh nghiên cứu thì loại gỗ làm chiến thuyền ngày xưa chủ yếu là gỗ sao đen vì đây là loại cây rất lớn, gỗ tốt, chịu được nước. Nhưng loại gỗ sao đen gần như đã tuyệt chủng ở Việt Nam nên chỉ có thể tìm lũa, tức là phần lõi của cây gỗ, còn tồn tại dưới lòng đất, lòng sông suối từ hàng ngàn năm trước.

Sau cả năm trời lùng sục, tìm kiếm, cuối cùng Phạm Gia Thịnh cũng mua được 5 cây lũa sao đen, đều thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Những cây lũa này đều mua được rải rác ở vùng Phú Yên, Tánh Linh (Bình Thuận), Gia Lai và Đồng Nai. Mỗi cây lũa đều có giá cả tỷ đồng.

Trong số 5 cây lũa chế tác thành những chiến thuyền này thì cây lũa mua được ở Đồng Nai là lớn nhất. Sau khi vận chuyển 5 khúc gỗ khổng lồ về TPHCM, anh Thịnh đã thuê một xưởng rộng cùng hơn chục nghệ nhân tạo tác lũa và chăm sóc, tỉa tót cây cảnh.

Những khúc gỗ lũa được đẽo gọt thành những chiến thuyền với đường kính 1,4m và dài 10m. Các chuyên gia dùng phương pháp phóng xạ các-bon khẳng định tuổi của khúc gỗ lớn nhất là 1.800 năm. Những khúc gỗ còn lại đều từ 1.000 đến gần 2.000 năm tuổi.

Cứ mỗi tác phẩm hoàn thiện ở TP. HCM, anh Thịnh lại cho xe tải cỡ lớn chở ra Bắc. Hành trình chở mỗi tác phẩm phải mất nửa tháng trời. Những ngày tác phẩm di chuyển trên đường là những ngày anh Thịnh mất ăn, mất ngủ.

Sự xuất hiện của tác phẩm này giữa đất Thủ đô trong ngày Đại lễ đã gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ đối với giới chơi cây và người thưởng lãm. Anh Thịnh cho biết để hoàn thiện tác phẩm này, anh đã phải chi phí ngót 20 tỷ đồng. Cũng theo anh, giới chơi cây định giá bộ siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" là 3 triệu USD, tức gần 60 tỷ đồng.

150 tỷ đồng cho niềm đam mê cây cảnh




Siêu phẩm chiến thắng Bạch Đằng
Hai năm qua, anh Thịnh đã bỏ tổng cộng 150 tỷ đồng để mua cây cảnh đẹp về chơi. Gặp bất cứ người chơi cây cảnh nào, hỏi tên Phạm Gia Thịnh cũng sẽ dễ dàng được nghe những thương vụ mua cây đã trở thành "huyền thoại" của đại gia đất cảng này.

Ông Phạm Văn Vĩnh, một nông dân chơi cây cảnh ở xã Hải Phương (Hải Hậu, Nam Định) kể: "Năm ngoái, một anh chàng cao to giới thiệu tên là Thịnh, quê Hải Phòng, rẽ vào vườn nhà tôi chơi. Anh này ngắm nghía 3 cây sanh chán chê rồi hỏi giá.

Lúc đó vì không có ý định bán nên tôi nói bừa giá 2 tỷ đồng cho 3 cây, tức là nói gấp đôi giá trị thực tế. Không ngờ, anh ta mở xe ô tô lấy luôn 3 tỷ đồng đưa cho tôi. Hồi tháng Tám năm nay, anh ta lại đến vườn nhà tôi hỏi giá 3 cây nữa.

Lần này tôi nói vống lên 6 tỷ. Sau đó tôi suýt ngã ngửa người khi anh ta trả tiền luôn không thèm mặc cả câu nào. Từ vụ ấy gặp Thịnh, tôi không dám ra giá nữa vì sợ không còn giữ được cây đẹp nào cho mình".

Không chỉ nổi tiếng rộng rãi trong việc mua bán, Phạm Gia Thịnh còn từng làm choáng váng giới chơi cây cảnh cả nước khi mua đứt cây "Đằng vân thập toàn" của một đại gia tên Điệp với giá 10 tỷ đồng. Trước đó, dân chơi Toàn "đô la" đã trả giá 8 tỷ mà ông này không bán.

Ngoài ra, anh Thịnh còn bỏ ra tiếp 10 tỷ đồng để mua cây sanh dáng trực có tên "Đĩa bay" của anh Huy ở cầu Mai Lĩnh (Hà Nội). Thời gian gần đây, giới chơi cây miền Bắc truyền miệng nhau một câu chuyện như "huyền thoại" về gã đại gia đất cảng.

Trong một lần Phạm Gia Thịnh tìm lên Việt Trì (Phú Thọ) chiêm ngưỡng "vườn thượng uyển" của Toàn "đô la" - một đại gia chơi cây cảnh hàng đầu Việt Nam. Đại gia này cũng đã bỏ ra 120 tỷ đồng để mua cây về chơi trong 10 năm nay và hiện đang sở hữu vài cây cảnh giá triệu đô.

Mê đắm vườn cây của "đại gia đất Tổ", Thịnh đã đề nghị anh Toàn định giá toàn bộ vườn cây để cân đối nguồn tài chính rồi rinh về luôn. Nghe danh Thịnh "Hải Phòng" với "tuyệt nghệ" mua cây nhanh như chớp đã lâu nên Toàn "đô la" cũng chờn, không dám phát giá.Vườn cây này Toàn đã bỏ cả cuộc đời và bao tâm huyết để gây dựng được nên không dám "liều lĩnh" với Thịnh cũng là điều dễ hiểu.

Trở về sau Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, hiện tại Phạm Gia Thịnh đang xây dựng khu vườn rộng vài héc-ta ở Hải Phòng với mong muốn đó sẽ là nơi các nghệ nhân có thể gửi trưng bày miễn phí các tác phẩm của mình.

Giới săn cây, người chơi cây chỉ cần đến khu vườn này là có thể được mãn nhãn trước hàng vạn cây cảnh quý hiếm và được gặp tên tuổi đã trở thành "huyền thoại" của làng cây cảnh Việt Nam.

Những cây cảnh triệu đô

Trong triển lãm cây cảnh dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đại gia Toàn "đô-la" cũng mang đến siêu cây cảnh "Ông Bụt". Siêu phẩm này từng được trả 25 tỷ đồng từ 3 năm trước thế nhưng đến nay chủ nhân của nó vẫn không có ý định bán.

Dẫu có giá trị cao như vậy nhưng cả siêu cây của Toàn "đô-la" và siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" của Thịnh "Hải Phòng" đều "hết hồn" trước cây sanh "Mâm xôi con gà" của đại gia Thành "vàng" được niêm yết với giá 120 tỷ đồng, tương đương với 6 triệu USD.

Được liệt vào diện "hàng khủng" như trên còn có cây lũa sao xanh "Tứ linh quy tụ" nặng 6 tấn với hàng ngàn năm tuổi. Tác phẩm này cũng được định giá lên tới hàng triệu USD...

Linh Huệ
http://danviet.vn/xa-hoi/dai-gia-cay-canh-voi-sieu-pham-ba-trieu-usd-24649.html





8 cây cảnh Việt Nam giá triệu đô


Có giá bán tương đương hoặc gấp vài lần siêu xe Rolls Royce, nhiều người đã sưu tầm, chăm sóc những cây cảnh có tuổi đời hàng trăm năm, với những thế độc nhất vô nhị.

1. Mâm xôi con gà


“Mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ hơn 150 năm tuổi, có xuất xứ từ thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ của dòng họ Phạm. Năm 1996, họa sĩ Đặng Xuân Cường (Cường họa sĩ), một nghệ nhân nổi tiếng ở đất Hà thành đã phát hiện, tìm mua và trực tiếp tạo dáng cho cây này. Qua nhiều tay của các đại gia chơi cây, hiện “Mâm xôi con gà” thuộc sở hữu của ông Nguyễn Nam Thành (Thành “vàng”) Việt Trì, Phú Thọ.

Tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh, bonsai - BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD tương đương với 120 tỷ đồng.

2. Chiến thắng Bạch Đằng


Những cây tùng trong bộ tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" của doanh nghiệp Gia Phạm (Hải Phòng) trồng trên thân cây gỗ sáo đen được định giá hơn 70 tỷ đồng bởi sự mới lạ và sáng tạo.

3. Ông bụt


"Ông bụt” là cây tùng có tuổi đời hơn 500 năm, thuộc sở hữu của Phạm Văn Toàn (Toàn đôla) ở Việt Trì, Phú Thọ. Cây còn được gọi là “đại cổ tùng”, liệt vào hàng có một không hai trong làng sinh vật cảnh Việt Nam. Cây được định giá 1,2 triệu USD

4. Trực quân tử




Cây sanh đại thụ thế Trực quân tử của anh Phạm Hải Anh thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là cây trải qua hơn 4 đời và được định giá khoảng 25 tỷ đồng. Theo chủ nhân của cây sanh đại thụ này, 25 tỷ là giá mà khách mua cây từng trả cho gia đình anh. Tuy nhiên, anh chưa hề có ý định bán nó.

5. Dáng làng


“Dáng làng” là cây sanh có tuổi đời 200 năm, cây thuộc sở hữu của đại gia Toàn đôla. Cây sanh này được anh mua trong Huế với giá 3 tỷ đồng từ mấy năm trước. Đến nay, đã có người trả giá 22 tỷ đồng nhưng anh chưa bán.

6. Quần long phượng vũ

Cây Sanh “Quần Long Phượng Vũ” của công ty xây dựng Cường Thịnh Thi (Ninh Bình) có tuổi thọ trên 100 năm, được cho là “độc nhất vô nhị” có giá là 1 triệu USD.

7. Tam đa


Cây sanh Tam đa của ông Nguyễn Công Khanh ở thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Là cây sanh có gốc cổ thụ được định giá hơn 20 tỷ đồng.

8. Dáng Thăng Long


Là cây sanh của ông Hoàng Quân (Thái Bình) đã có người ở trong Sài Gòn trả tới 60 tỷ đồng nhưng ông Quân không bán.
9. Đại thụ vân tùng


Cây Sanh “Đại thụ vân tùng” của nghệ nhân Lê Xuân Kỳ - Ủy viên ban chấp hành CLB sinh vật cảnh Việt Nam được định giá 10 tỷ đồng.

10. Phu thê




Cây sanh có dáng Phu thê này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Gia Hiền (Triều Khúc, Hà Nội). Tính đến giai đoạn hiện tại, cây sanh đã có tuổi đời hơn 100 năm.

Trong Festival cây cảnh nghệ thuật tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh năm 2006, đây là cây cảnh duy nhất đạt giải Vàng. Và cũng trong Festival, một đại gia khét tiếng ở Sài Thành dám bỏ ra 400.000 USD (gần 6 tỷ Việt Nam đồng) để mua cây sanh này nhưng ông không bán.

Ngoài ra, còn rất nhiều những siêu cây khác như Lão Mai được định giá 19 tỷ đồng, cây sanh Dáng Long của hội sinh vật cảnh Hải Dương giá 7 tỷ, Tác phẩm "Long cuốn Thủy" của hội sinh vật cảnh Bắc Ninh có giá khoảng 1,4 tỷ hay cây đa búp đỏ của ông Châu ở làng Triều Khúc, Hà Nội…

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Nếu có chiến tranh thế giới, Việt Nam sẽ là nước an toàn nhất

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện kinh tế và hòa bình thế giới (IEP), Việt Nam sẽ là một trong 11 quốc gia an toàn nhất nếu có chiến tranh thế giới xảy ra. Danh sách 11 quốc gia không bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột theo chỉ số hòa bình toàn cầu 2014 bao gồm: Thụy Sĩ, Nhật Bản, Qatar, Mauritius, Uruguay, Chile, Botswana, Costa Rica, Việt Nam, Panama và Brazil. Chỉ số hòa bình toàn cầu của IEP dựa trên các tiêu chí về xung đột nội bộ, sự đóng góp vào quân sự thế giới, tỷ lệ sử dụng vũ khí hạng nhẹ của người dân…

Do chỉ số này xét trên cả sự đóng góp vào quân sự thế giới nên có những quốc gia tưởng như an toàn nhưng thực sự không phải thế. Ví dụ như Anh, đất nước này ít xung đột nội bộ nhưng sự tham gia gần đây của quân đội Anh tại Afghanistan làm cho nước này đạt chỉ số kém về hòa bình toàn cầu 2014. Trái ngược lại, Triều Tiên ít tham gia vào các vấn đề toàn cầu nhưng họ lại có nguy cơ chiến tranh cao do sự bảo thủ và các vấn đề nội bộ.

Chỉ số hòa bình toàn cầu 2014 nghiên cứu những con số tính đến cuối năm 2013. Nghĩa là những vấn đề của 2014 vẫn chưa được nhắc tới trong báo cáo. Như vậy, có những nước năm 2013 rất an toàn nhưng 2014 thì ngược lại. Ví dụ như Brazil với những cuộc biểu tình, bạo loạn chống World Cup năm 2014 thì chỉ số hòa bình năm 2015 của họ lại rất thấp. Thậm chí một đất nước nổi tiếng tách biệt với chiến tranh như Thụy sỹ cũng rất có thể mất điểm hòa bình vào năm sau do tỷ lệ cung ứng và xuất khẩu vũ khí của họ là rất cao.

Phát biểu với The Independent, giám đốc của IEP, Camilla Schippa cảnh báo rằng hòa bình thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng trong những năm gần đây. Bà nói: ‘Những cú sốc lớn về kinh tế và địa chính trị cho thế giới như phong trào mùa xuân Ả Rập hay khủng hoảng tài chính toàn cầu đẩy càng nhiều quốc gia vào nguy cơ xung đột. Trong những năm qua, các hoạt động khủng bố đang ngày càng gia tăng, các cuộc xung đột tại dải Gaza, Syria, Iraq hoặc tình hình bất ổn tại Ukraine, bạo lực tại Nam Sudan đang làm chúng ta có cảm giác rằng sắp có chiến tranh thế giới mới’.

Tiến Nguyễn (Independent)
(Xahoi.com.vn/Công lý)

Douglas Bandow – Quyền tự do bất khả phân: Tự do cá nhân, tự do chính trị, tự do kinh tế



Hầu như ai cũng ủng hộ tự do. Ít nhất là họ nói rằng họ ủng hộ tự do. Các chính trị gia hùng hồn khi nói về những quyền tự do của nước Mỹ nói chung. Không khó tìm những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận và tự do dân sự. Các chiến sĩ nhanh chóng đứng lên chống lại những mối đe dọa đối với quyền riêng tư. Và hầu hết mọi người đều cảm nhận được bằng trực giác rằng những quyết định riêng tư của cá nhân và gia đình là những quyết định không liên quan gì tới chính phủ hết.

Nhưng khi nói về quyền tự do kinh tế thì nhiều người lại thay đổi ngay giọng điệu. Cứ như thể tự do kinh tế không đáng quan tâm vậy. Thực vậy, khía cạnh này của tự do dường như bị loại ra, dễ bị nhà nước kiểm soát và điều tiết. Một số người nồng nhiệt tuyên bố trung thành với tự do lại ngậm miệng khi thấy quyền sở hữu, quyền kinh doanh và tự do kí kết hợp đồng bị tấn công.
Sống cuộc đời bạn bằng hầu bao của bạn

Hiện nay Quốc hội và các cơ quan lập pháp của nhà nước (Mỹ – ND) đang tìm mọi cách để điều kiển cuộc sống của chúng ta. Một số mệnh lệnh dân chủ đó nhắm vào cả công việc riêng tư lẫn hoạt động kinh tế của chúng ta. Thí dụ chương trình “cải cách” y tế trao quyền cho chính phủ để họ có thể tăng cường kiểm soát những quyết định về mặt bảo vệ sức khỏe của chúng ta cũng như chúng ta phải chi tiền cho việc này như thế nào.

Như vậy, công việc chính mà những nhà làm luật này làm là lèo lái nền kinh tế. Họ đưa ra những lý do cao thượng: tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo công bằng, xóa đói giảm nghèo. Mấu chốt là gần như tất cả những gì họ làm đều đòi hỏi chính phủ phải vi phạm quyền tự do kinh tế.

Các nhà làm luật ít khi công nhận rằng họ đang hạn chế quyền tự do của bất kỳ ai. Họ thường tuyên bố rằng phải bảo vệ người tiêu dùng. Trên thực tế, giới tinh hoa chính trị đã tạo ra hai loại quyền tự do: Những quyền tự do quan trọng và tự do kinh tế. Nếu vấn đề là quyền tự do chỉ trích chính phủ, quan hệ tình dục, lựa chọn bạn đời hoặc bảo vệ cuộc sống cá nhân riêng tư thì ít nhất hầu hết các chính trị gia cũng đều nói rằng đây là những quyền tự do quan trọng, cần phải bảo vệ. Trong khi đó một số người ủng hộ một cách quyết liệt sự can thiệp vào kinh tế lại khẳng định rằng những quyền tự do cá nhân vừa nói là những quyền tự do căn bản, phải được tôn trọng.

Ngược lại, nếu bạn quyết định thành lập doanh nghiệp, lựa chọn ngành nghề, nơi làm việc, thu nhập bao nhiêu, thời gian làm việc, nơi đăng quảng cáo, sản xuất cái gì, thuê ai, và chi tiêu như thế nào – thì những người có quyền lại coi những quyền này là không quan trọng. Chính phủ không chỉ được phép điều tiết các hoạt động kinh doanh mà còn cần phải điều tiết nữa, họ nói như thế.

Mục tiêu cao cả hơn
Đối với đa số người, quyền phản kháng dường như là cao cả hơn quyền kinh doanh hay kiếm sống. Hoạt động kinh tế dường như là công việc trần tục. Lựa chọn bạn đời hay là làm tình có tính cá nhân hơn là mua một sản phẩm hay thuê người làm công. Và khả năng bảo vệ sự riêng tư đời sống cá nhân dường như trở thành cốt lõi của con người. Mua và bán trên thương trường bị nhiều người coi là việc bình thường.

Nhưng tự do kinh tế quan trọng hơn là người ta có thể tưởng. Chúng ta có thể phấn khích khi thấy người ta sử dụng quyền tự do cá nhân và tự do chính trị cho những mục đích “cao cả hơn”. Nhưng có thể không có gì quan trọng hơn là quyền tự do cải thiện cuộc sống của chúng ta, quyền chăm tự sóc mình và gia đình mình theo cách mà chúng ta cho là thích hợp.

Trong thế kỷ XX chúng ta đã có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi liệu tự do kinh tế có tạo ra thịnh vượng hay không. Nếu bạn muốn có một tương lai tốt đẹp hơn thì bạn cần phải có tự do kinh tế.

Nhưng tự do kinh tế còn mang đến cho ta nhiều hơn là mấy đồng tiền và mấy đồng xu. Phần lớn mọi người đều coi lao động là sản phẩm tự nhiên của chính họ. Thị trường tưởng thưởng cho tính trung thực, tinh thần lao động cần cù, sáng kiến, lòng nhiệt tình và những đức tính tốt khác nữa. Tự do kinh tế cũng là một cơ hội để thúc đẩy lòng tin của chúng ta, giúp chúng ta thành công, giúp chúng theo đuổi hạnh phúc và phát triển như một con người. Bạn có dùng những thành quả g lao động của mình nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân, hỗ trợ những sự nghiệp tốt đẹp, hoặc tạo ra những khoản đầu tư vững chắc không?

Nói cho ngay, khi bạn ra trường thì quyền tự do quan trọng nhất có thể chính là quyền tự do làm việc để có thu nhập và tiết kiệm. Những quyền tự do khác – ví dụ như bầu cử hay phản đối – dĩ nhiên là quan trọng rồi. Nhưng quyền tự do cấp bách nhất bao gồm tự do chọn nghề hay ít nhất là tìm việc làm. Bạn sẽ kiếm sống bằng cách nào? Bạn dùng phần lớn cuộc đời mình cho cái gì? Bạn dùng phần lớn thời gian thức của mình ở đâu? Trong lĩnh vực kinh tế.

Tự do kinh tế còn có những hiệu ứng phụ quan trọng nữa. Quyền tự do trong lĩnh vực này sẽ khuyến khích quyền tự do trong những lĩnh vực khác. Ví dụ, đồng tiền mà bạn không kiếm được hay không giữ được thì bạn cũng không thể chi được cho sự nghiệp chính trị hay xã hội cao thượng.

Quyền tự do báo chí không chỉ là quyền nói mà còn là quyền mua phương tiện để nói nữa. Ở một số nước, chính phủ kiểm soát việc cung cấp giấy in và việc tiếp cận với sóng phát thanh. Tại những nước đó, tự do báo chí bị đe dọa. Cần gì phải kiểm duyệt khi mà người ta có thể dùng phương tiện kinh tế để bịt miệng những người chỉ trích? Nhưng sự phổ biến của máy tính, máy fax, điện thoại cầm tay và Internet làm cho những chính phủ độc tài, thí dụ như Trung Quốc, khó kiểm soát được số dân đang tăng lên của họ.

Hơn thế nữa, sự thịnh vượng kinh tế tăng lên sẽ khuyến khích người dân sử dụng quyền tự do chính trị. Nếu con bạn bị đói thì bạn sẽ phải lo cho chúng ăn. Nếu con bạn được ăn no và khỏe mạnh thì bạn sẽ có điều kiện lo lắng đến những việc khác – thí dụ như ủng hộ một sự nghiệp, một ứng cử viên hay chiến dịch tranh cử. Ở những nước có những người giàu hơn – tương tự như Mexico, Nam Hàn và Đài Loan – số người thuộc thành phần trung lưu đang gia tăng sẽ buộc giới tinh hoa chính trị phải lùi bước. Điều đó cuối cùng có thể cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc.

Tự do kinh tế có ý nghĩa lớn hơn là lời và lỗ. Tự do kinh tế phù hợp với xã hội tự do rộng lớn hơn, trong đó người ta có thể tự do tiếp cận với các nguồn lực dùng cho một loạt những mục tiêu khả dĩ khác nhau. Trong các nước đã phát triển, nhiều người từ bỏ công việc kinh doanh để có thời gian phục vụ cộng đồng hay suy tư, chiêm nghiệm. Bạn có thể làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận, vào chủng viện, thành nghiên cứu sinh suốt đời hay đi tu. Và bất cứ người nào cũng có thể rút lui khỏi phần lớn các lĩnh vực hoạt động kinh tế. Nếu bạn không thích sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp đang bán, bạn có thể đơn giản là bỏ đi. Hay bạn có thể tìm ra một nhà cung cấp khác, thí dụ như hợp tác xã thương nghiệp địa phương. Xã hội càng giàu có thì những kiểu lựa chọn như thế sẽ càng nhiều hơn.
Bất khả phân

Cuối cùng, thành công về kinh tế tạo điều kiện cho người ta sử dụng một cách đầy đủ hơn lợi thế của những quyền tự do khác. Kiếm được một ít tiền rồi chu du khắp thế giới, đi làm nghiên cứu sinh, xuất bản một tờ báo, ủng hộ quỹ từ thiện, ủng hộ một chiến dịch hay một chính khách mà bạn chọn. Tạo ra mạng dịch vụ trực tuyến – như Twitter hay Facebook— và trao quyền lực chính trị vào tay những người đối lập và người phản kháng trên khắp thế giới. Hay dựa vào một tài khoản trong ngân hàng để chuyển nghề, dù đấy có là ngắm cái rốn của bạn hay giúp đỡ nhân loại thì cũng thế. Những người có ít quyền tự do kinh tế cũng sẽ có ít những lựa chọn tương tự như thế.

Điểm chính là gì? Quyền tự do là bất khả phân. Quyền tự do kinh tế cũng quan trọng như quyền tự do cá nhân và quyền tự do chính trị vì quyền tự do cá nhân, quyền tự do chính trị và quyền tự do kinh tế là những sợi làm nên cùng một cái dây: quyền tự do. Như vậy là, bảo vệ quyền tự do dưới mọi hình thức là con đường duy nhất đưa ta tới và giúp ta bảo vệ được xã hội tự do.

Douglas Bandow là cộng tác viên cao cấp của Viện Cato, ông là tác giả của một loạt tác phẩm viết về kinh tế và chính trị.