Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Những đứa trẻ được nuôi dạy bằng lời nói dối




 


Tôi hỏi 10 người quen cùng một câu hỏi: Anh chị có đưa con đến nhà thầy cô của cháu dịp 20/11, hay ngày lễ khác nhau không? Có hai phụ huynh trả lời rằng không đến nhà thầy cô bao giờ. Một người trả lời rằng anh chị để cháu ở nhà và tự đi.
Còn bảy người nói rằng họ đưa con đi cùng. Cử chỉ này thoạt nhìn rất thông thường. Đưa con đi cùng để “cô có dặn dò gì thì bảo cháu”, hay cẩn thận hơn là để cô nhớ mặt cháu. Nhưng thực ra, ai cũng hiểu là các cuộc “đến nhà thầy cô giáo” ngày 20/11 có tính chất như thế nào. Không hẳn là hối lộ, chạy chọt gì, nhưng cũng có tý quà, cái phong bì mỏng mỏng, là một dạng thức sơ đẳng của cơ chế xin cho. Và trẻ con ngồi chứng kiến tất cả những chuyện ấy. Có thể chứng kiến cả đoạn bố mẹ ngồi nhẩm tính, cho tiền vào phong bì, đi chọn cân hoa quả hay hộp bánh.


Cái hạt giống “móc ngoặc tỷ số” đã luôn được cấy vào đầu thế hệ trẻ từ rất sớm.

Khi người ta đang xôn xao vì những cầu thủ The Vissai Ninh Bình bán độ, thì cần nhớ lại rằng những chàng trai trẻ ấy đã trưởng thành trong một môi trường như thế nào. Bao nhiêu năm giải bóng đá Nhi đồng tổ chức là bấy nhiêu năm canh cánh nạn gian lận tuổi. Hơn 10 năm trước, đã có lúc ông Vũ Quang Vinh, Trưởng ban tổ chức giải Nhi đồng toàn quốc phải thốt lên rằng báo Nhi đồng muốn bỏ, không tổ chức giải đấu này nữa.

Cái câu hỏi: “Cháu mấy tuổi rồi?” là câu hỏi quen thuộc đến mức thiêng liêng, xứng đáng đại diện cho cả một thời thơ ấu vậy mà trẻ con mới đá bóng cũng đã bị bắt trả lời sai.

Rồi đến khi lớn hơn một chút, thì học được một kiểu đá bóng rất đáng sợ, một lối chơi với những pha vào bóng có thể khiến đối phương “mất nghiệp”.

Mới hôm trước, tôi tìm xem cầu thủ Oduwa của đội U19 Tottenham bây giờ đang thi đấu ra sao. Oduwa bị phạm lỗi và dính chấn thương nặng khi sang Việt Nam “giao hữu”. Cũng may mà tìm được và biết Oduwa vẫn khỏe mạnh và vẫn đang tỏa sáng ở giải trẻ nước Anh, chứ nếu vì sang nước ta đá “giao hữu” mà một ngôi sao của bóng đá thế giới có thể vĩnh viễn không ra đời, thì quả thực là áy náy.

Tinh thần của một cuộc bon chen hình như đã được đặt cao hơn tinh thần thể thao và những nguyên tắc đạo đức cơ bản từ lúc họ bắt đầu khởi nghiệp.

Rồi đến khi tham gia vào thi đấu chuyên nghiệp, những chàng trai lại đối mặt với một sự bất hợp lý khác. Đó là việc các ông bầu bóng đá chơi một cuộc chơi ngẫu hứng, có thể giải tán đội bóng và bỏ giải, khiến cầu thủ thất nghiệp bất cứ khi nào.

Nếu như ngày mai, cầu thủ không biết có rời sân với cái chân lành lặn hay đã bị đạp què, có đi về với tư cách một người còn thu nhập hay đội đã bị giải thể, thì có thể lý giải vì sao họ liều.

Không một nhà báo, cảnh sát hay cầu thủ nào hiểu về thế giới cá độ bằng chính các nhà cái. Mà các nhà cái thì đã “đọc vị” được bóng đá nước ta từ lâu rồi. Suốt nhiều năm, các nhà cái nước ngoài không làm độ cho bóng đá Việt Nam. Một vài năm trở lại đây, độ của V-League quay trở lại trên các trang nước ngoài, nhưng các “tổng” trong nước cũng rất ít người cho phép khách đặt cửa và thanh toán tiền cho các trận đấu bóng đá Việt Nam.

Ai chẳng biết rằng nếu để cho V-League tham gia vào thị trường cá độ thì chuyện sẽ như thế nào. Và cái sự “biết tỏng” ấy tất nhiên không xuất phát từ cá nhân cầu thủ, mà là kết quả của hệ thống.

Bóng đá phản ánh xã hội. Nếu thu hẹp tầm nhìn lại, nhìn cách những đứa trẻ bắt đầu chơi bóng và phát triển trong môi trường bóng đá, thì cũng tưởng tượng được hành trình phát triển của những đứa trẻ khác trong xã hội, bắt đầu từ những cuộc bố mẹ dắt tay đến nhà thầy cô.

Những đứa trẻ được nuôi dạy bằng những lời nói dối thì chúng cũng sẽ phải tìm cách bon chen để tồn tại.

Ở đội U17 Đà Nẵng năm ngoái có một cầu thủ người dân tộc thiểu số tên là Bá Đăng Ti Vốt. Cái tên rất lạ. Em được ba đặt tên theo huyền thoại Berti Vogts, đánh dấu sự kiện HLV này đưa tuyển Đức đến chức vô địch châu Âu năm 1996. Khi biết sự tích ấy, tôi thú vị một phần, nhưng trong lòng bỗng thấy nhẹ nhõm, như một tiếng thở phào. Vì cái tên ấy nói rằng nhiều phần là em sinh năm 1996, tức là U17 thật.

Chẳng biết chúng ta nên đặt tên con cái thế nào, để thể hiện ước mong rằng chúng sẽ sống thật thà?

Minh Anh


Xét xử vụ 4 công an xã đánh chết người




TT - Hôm nay 8-5, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bốn bị cáo nguyên là công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) về tội giết người vì đã đánh chết một người dân tại trụ sở.





Anh Nguyễn Mậu Công với các tấm hình chụp thi thể của cha mình - Ảnh: T.K.


Bốn bị cáo gồm Hoàng Ngọc Tuyên (34 tuổi, nguyên phó trưởng công an), Nguyễn Trọng Kiên (23 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (31 tuổi) và Hoàng Ngọc Thức (26 tuổi), nguyên là công an viên xã Kim Nỗ.

Theo cáo trạng, ngày 30-8-2012 Công an xã Kim Nỗ nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Mậu Phú (57 tuổi, trú tại thôn Đoài) về việc anh họ của ông là Nguyễn Mậu Thuận (56 tuổi, người cùng thôn) dùng gạch đánh vợ ông gây thương tích phải đi cấp cứu.

Khi được công an xã mời về trụ sở, ông Thuận hỏi giấy mời, giấy triệu tập đâu và nói nếu không có giấy mời thì ông sẽ không đi. Các công an viên vận động một lúc thì ông Thuận đồng ý. Khi về đến trụ sở nhìn thấy ông Nguyễn Đức Vọng (trưởng công an xã), ông Thuận đã có những lời chửi bới ông Vọng về việc bắt giữ ông. Ông Vọng ra lệnh khóa tay ông Thuận để đưa vào phòng.

Ông Thuận không viết bản kiểm điểm như yêu cầu mà còn có những lời nói chửi bới, xúc phạm các công an viên. Hoàng Ngọc Tuyên đã tát ông Thuận, cầm dùi cui cao su vụt mạnh vào đùi ông Thuận, sau đó đưa dùi cui cho các công an viên khác đánh ông Thuận. Các công an viên vừa đánh vừa hỏi ông Thuận “có đau không?”. Sau đó, Tuyên chỉ đạo các công an viên khóa tay chân ông Thuận vào ghế, phân công người đứng quan sát, nếu thấy ai đi qua thì báo cho Tuyên biết rồi tiếp tục dùng bút kẹp các ngón tay, ngón chân của ông Thuận, vừa bóp vừa đánh.

Sau khi đánh xong, các công an viên gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đức Vọng nói ông Thuận say rượu không làm việc được. Ông Vọng sang phòng yêu cầu mở còng cho ông Thuận, đưa ông Thuận lên giường nằm, lấy dầu xoa... Khi cán bộ y tế đến thì ông Thuận không còn hơi ấm, không đo được nhịp tim, huyết áp... Công an xã Kim Nỗ đã đưa ông Thuận đến Bệnh viện Đông Anh cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng nên ông Thuận đã tử vong.

Cáo trạng xác định tại thời điểm các điều tra viên đánh ông Thuận, ông Nguyễn Đức Vọng không có mặt mà đang thực hiện nhiệm vụ khác do lãnh đạo xã phân công, do đó cơ quan điều tra không xử lý ông Nguyễn Đức Vọng là có cơ sở.

Ngày 7-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Mậu Công (35 tuổi, con trai ông Thuận) cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội. “Tôi được xem một số lời khai của các bị can tại cơ quan điều tra thì thấy các bị can khai lúc đánh bố tôi, ông Vọng vẫn quanh quẩn ở đó chứ không vắng mặt như cáo trạng thể hiện” - anh Công nói.

TÂM LỤA


Chuyển thành tội danh “giết người”


Tháng 8-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bốn công an xã Kim Nỗ về tội cố ý gây thương tích theo điều 104 Bộ luật hình sự. Sau đó, Viện KSND huyện Đông Anh chuyển vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền. Sau khi kết thúc điều tra, Công an TP Hà Nội đã đề nghị Viện KSND TP Hà Nội truy tố bốn bị can tội “giết người” theo khoản 2 điều 93 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt tù từ 7-15 năm. Tuy nhiên khi ban hành cáo trạng, Viện KSND TP Hà Nội đã truy tố bốn bị can ở điểm n, khoản 1 (nặng hơn) với khung hình phạt từ 12-20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Ông Đào Văn Cường, phó viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội, cho biết Viện kiểm sát đã căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị can để thay đổi điều khoản truy tố. “Không nhất thiết cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị truy tố điều khoản, tội danh nào thì chúng tôi phải truy tố điều khoản, tội danh đó. Chúng tôi chịu trách nhiệm về các quyết định của mình” - ông Cường cho biết.

Những người chữa bệnh cho đất nước


 
Photo: Yuichiro Chino



Lỗ Tấn trước khi bắt đầu viết văn, ông từng theo học ngành y với ước mơ chữa bệnh cứu người, nhưng rồi ông nhận ra muốn chữa bệnh cho cả một xã hội thì một người thày thuốc là không đủ, ông cần phải cầm bút.

Bác Hồ – một trong những người đọc Lỗ Tấn – cũng bắt đầu con đường giải cứu dân tộc bằng việc cầm bút. “Bản án chế độ thực dân”“Tiếng chuông rè” “Những người cùng khổ”.. Là những phát súng đầu tiên tấn công vào thành trì thực dân đô hộ.

Nói như thế để chúng ta có thể thấy rằng vai trò của báo chí là quan trọng thế nào đối với mỗi xã hội, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nếu được hỏi ngành nghề nào bị “ghét” nhất, có người sẽ trả lời “y tế”, cũng có người đáp “giáo dục”, lại có người nói là “giao thông”… Nhưng nếu để ý kỹ, cái ngành nghề bị “ghét” nhiều nhất lại chính là báo chí.

Cũng phải thôi, cái ngành nghề gì mà suốt ngày đi bới móc những “sai sót nhỏ nhặt” trong cả một “công lao đóng góp to lớn” của ngành nghề khác. Cái ngành nghề gì mà chỉ chực chờ rình mò quay phim, chụp ảnh những phút “lỡ tay” của người ta. Cái ngành nghề gì mà bắt bẻ từng câu từng chữ của người ta để mà giật tít.

“Tiêm nhầm thuốc” “phong bì” “dịch sởi”..v..v Ngành y tế ghét báo chí ra mặt. “Mãi lộ” “đường cong mềm mại” “sập cầu, lún đường”..v..v Ngành giao thông cũng không ưa gì anh báo chí.

Một xã hội mà nhiều nơi “ghét” báo chí như thế là một xã hội ốm yếu. Bởi lẽ báo chí chính là người thầy thuốc của cả hội. Ở đâu có ung nhọt, ở đâu có “bệnh” là họ lao đến, vạch trần chúng ra trước con mắt công phẫn của dư luận. Muốn có công bằng, dân chủ, trước hết phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Có ai dám đảm bảo rằng cái chết của những em bé vô tội sẽ không bị “chìm xuồng” nếu không được đưa lên mặt báo, biết đâu đấy chúng ta đang đổ hàng đống tiền thuế của người dân vào việc “nâng tầm vị thế quốc gia, thu hút khách du lịch” nếu các trang báo không chuyển đến chính phủ ý kiến cực lực phản đối của đại bộ phận người dân. Không có báo chí, chúng ta chẳng khác gì những con cừu bị chăn dắt, hôm nay được đưa ra bãi cỏ, nhưng ngày mai rất có thể được dẫn đến lò mổ.

Người xưa có câu: “Ban ngày không làm việc xấu, đêm ngủ không sợ quỷ gõ cửa.” Trong thời đại hiện nay có lẽ nên thay bằng: “Ban ngày không làm việc xấu, đêm ngủ không sợ lên mặt báo.” Một người hoàn thành tròn trách nhiệm, không tự thẹn với lương tâm thì sợ gì những bài báo, những tranh vẽ châm biếm!

Làm báo có dễ không? Ở đâu có dịch bệnh, báo chí có mặt, ở đâu thiên tai bão lũ, báo chí cũng không đi sau, mới đây thôi chắc mọi người vẫn còn nhớ cái chết thương tâm của cô phóng viên trẻ khi đi đưa tin về cơn bão lịch sử. Hàng ngày hàng giờ, có bao nhiêu nhà báo đang phải mạo hiểm thân mình, đóng vai đủ mọi thành phần trong xã hội, nay vào ổ mại dâm, mai đi buôn ma tuý..v..v, hòng xâm nhập vào những điểm “đen” nhức nhối. Những con người ấy chắc không còn lạ gì với những thư nặc danh đe doạ, hay nguy hiểm hơn, là những phong bì dày cộm đầy ma lực. Cầm bút thì dễ thôi, giữ cho ngòi bút thẳng mới khó.

Tuy nhiên không có nghĩa là chính trong ngành báo chí không có ung nhọt. Trong thời buổi báo mạng tràn lan, đếm chữ đếm “view” kiếm tiền, có những kẻ đã vận dụng triệt để câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”. Nay đặt điều dựng chuyện chỗ này, mai tạo dư luận chỗ kia hòng trục lợi. Đáng buồn là bộ phận này không hề nhỏ, thậm chí là đang ngày một gia tăng chóng mặt.

Trước sự phát triển của mạng thông tin và truyền thông, mỗi người chúng ta cần rèn luyện thêm kỹ năng lọc thông tin. Chỉ có kẻ ngốc mới ăn tất cả những thứ gì người khác đưa cho, đọc báo cũng thế, cần phải phân biệt rạch ròi những tờ báo nào chúng ta cần phải đọc vào buổi sáng, những tờ báo nào chúng ta chỉ nên đọc khi vào toilet. Hãy thử tập trung đọc kỹ những bài viết trên những tờ báo uý tín như “Lao Động” “Nhân Dân” “ Dân Trí” “An ninh thế giới”… tôi tin chắc sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc click chuột liên tục để lướt qua những cái tít giật gân tràn ngập trên internet.

Có lẽ những người làm báo muốn bảo vệ hay ca ngợi công việc của họ thì thật quá dễ dàng ( khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi), nhưng có lẽ học có nhiều thứ đáng để viết, đáng để đưa lên mặt báo hơn việc chống lại những người đang phê phán họ. Thôi thì đành dùng địa vị của người ngoài cuộc để nói lên tiếng nói công bằng cho những người đang chữa bệnh cho đất nước.



Voldemort VN

Liệu sẽ có chiến tranh giữa Việt Nam vs. Trung Quốc?


 
Photo: Xinhua



Liệu giàn khoan HD-981 có đủ làm bùng nổ chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Tôi không tin.

Chắc chắn sắp tới Việt Nam sẽ có phản ứng cứng rắn trước hành động lấn chiếm ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng nhà cầm quyền tỉnh táo đủ để biết dừng lại ở một mức độ nào đó với hai mục đích: Một, để bắn tiếng với Trung Quốc là họ sẽ không nhường nhịn được nữa; và hai, để chứng tỏ với dân chúng là họ không bán nước hoặc hèn nhát. Mức độ của sự “cứng rắn” đó sẽ là: Một, dùng các tàu hải cảnh, hải giám và ngư chính thay cho tàu quân sự; hai, đánh nhau bằng ngôn ngữ: mức độ xa nhất là dọa kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế.

Hơn nữa, từ phía Trung Quốc, tôi vẫn không thấy có bất cứ lý do chính đáng nào để họ gây chiến.

Gây chiến, lợi ích duy nhất của Trung Quốc là thuộc về chính trị đối nội: hâm nóng tinh thần dân tộc chủ nghĩa của dân chúng để củng cố quyền lực của đảng cầm quyền, qua đó, chính quyền sẽ mạnh tay trấn áp tất cả những lực lượng hoặc mầm mống đối kháng. Có điều, những sự đối kháng tại Trung Quốc chưa trầm trọng đủ để Trung Quốc phải sử dụng đến chiến tranh bên ngoài.

Trong khi đó, những thiệt hại thì vô kể.

Thứ nhất, từ kinh nghiệm năm 1979, Trung Quốc không thể tự tin là kết thúc chiến tranh một cách thắng lợi hay dễ dàng.

Thứ hai, từ kinh nghiệm mấy ngàn năm chiến tranh với Việt Nam, Trung Quốc cũng thừa biết tính cách của người Việt Nam: đánh nhau đến cùng. Do đó, khi khai chiến với Việt Nam, họ biết cuộc chiến ấy sẽ khó có ngày kết thúc.

Thứ ba, chiến tranh chỉ làm cho nhà cầm quyền Việt Nam mạnh hơn: họ được sự ủng hộ của toàn dân.

Thứ tư, nó làm cho các quốc gia Đông Nam Á sợ hãi, từ đó, đoàn kết hơn, có thể hợp thành một liên minh để chống Trung Quốc; và cũng nhờ đó, Mỹ có lý do để dấn sâu vào khu vực: Một trong những kế hoạch họ có thể làm là xây dựng một tổ chức tương tự với khối NATO ở châu Âu, một điều gần đây báo chí Tây phương rục rịch bàn luận.

Thứ năm, trong lúc dự án thành lập khối liên minh rộng lớn ấy chuẩn bị, một trong những điều Mỹ và Việt Nam có thể làm nhanh được là đẩy mạnh quá trình hợp tác quân sự để bảo vệ Biển Đông, nơi cả hai nước đều chia sẻ một số quyền lợi chung.

Thứ sáu, việc gây chiến với Việt Nam sẽ làm mất hình ảnh phát triển trong hòa bình mà Trung Quốc đã tốn bao nhiêu tiền để xây dựng lâu nay. Mất hình ảnh ấy, Trung Quốc sẽ bị nghi ngờ từ mọi phía. Hiện nay, Trung Quốc đã khá giàu và mạnh, nhưng họ chưa giàu và mạnh đủ để thách thức với cả thế giới. Trung Quốc vốn đã cô độc. Họ không thể tự mình làm cho mình cô độc hơn. Điều đó không những ảnh hưởng đến chính trị mà còn có tác hại cả trong lãnh vực kinh tế.

Cuối cùng, thứ bảy, Trung Quốc có thể đạt được bất cứ thứ gì họ muốn từ chính quyền Việt Nam. Bằng đút lót. Bằng mua chuộc. Bằng hăm dọa. Bằng phá rối kinh tế. Vân vân. Họ không cần phải đánh nhau.

Ở trên là những phân tích có tính thuần lý. Trên thực tế, sẽ có hai vấn đề:

Thứ nhất, khi đã quyết định đối đầu, dù chỉ bằng các loại tàu hải cảnh, hải giám và ngư chính, không ai có thể biết chắc diễn tiến sẽ đi đến đâu. Chỉ cần vài phát súng, vài người chết và vài người không kiềm chế được sự tức giận, chiến tranh có thể sẽ nổ lớn bất cứ lúc nào.

Thứ hai, trong lúc chưa chính thức đánh nhau, một trong các chiến thuật có lẽ sẽ được Việt Nam sử dụng là kéo dài vụ tranh chấp càng lâu càng tốt, chủ yếu để thu hút sự chú ý của quốc tế, đồng thời để dễ kêu gọi sự hậu thuẫn của thế giới. Tuy nhiên, như vậy lại đẩy Trung Quốc vào thế không thể nhượng bộ: Rút giàn khoan về nước sẽ bị xem là thua cuộc. Với Trung Quốc, sĩ diện là một vấn đề rất lớn. Chắc chắn họ sẽ đòi Việt Nam trả một giá nào đó. Bằng một sự nhân nhượng nào đó, chẳng hạn.

Không chừng sẽ nhân nhượng bằng cách để mặc cho giàn khoan của Trung Quốc hoạt động nhưng với điều kiện: Nhích ra xa một tí. Ví dụ: một cây số!

Như vậy cả hai bên cùng thắng.

Chỉ có dân tộc Việt Nam là thua.



Nguyễn Hưng Quốc

Đạo của vật lý - chương 13 : Vũ trụ động



Trong nền đạo học phương Đông, có một thực tại được xem là thực thể của vũ trụ, nó là nguồn gốc của muôn hình vạn trạng sự vật và biến cố. Ấn Độ giáo gọi nó là “Brahman”, Phật giáo gọi là “Pháp thân” (thân của mọi hiện hữu) hay “Chân Như” (Cái - như - thế) và Lão giáo gọi là “Đạo”. Tất cả đều quả quyết thực tại cao nhất đó vượt trên những khái niệm suy luận của chúng ta và không thể mô tả được. Thế nhưng thực tại đó lại không tách rời khỏi những biến hiện vô cùng của nó. Tự tính của nó là luôn luôn hiện thành hàng tỉ sắc hình, chúng sinh thành và biến hoại, chúng chuyển hóa từ cái này qua cái khác một cách vô tận. Trong khía cạnh hiện tượng thì nhất thể vũ trụ đó tự nó là động, và tiếp cận với tự tính đó là cơ sở của mọi nền đạo học phương Đông. D.T.Suzuki viết về tông Hoa Nghiêm của Đại thừa Phật giáo như sau:

Ý niệm cơ bản của Hoa Nghiêm là nắm bắt về trụ động mà tính chất của nó là luôn luôn biến hoại, trong dòng của vận động, đó là đời sống.

Sự nhấn mạnh vận động, dòng chảy và thay đổi không phải chỉ có nơi đạo học phương Đông mà cũng là khía cạnh chủ yếu của mọi thế giới quan tâm linh trong các thời đại. Trong thời cổ đại Hy Lạp, Heraclitus đã chỉ rằng mọi sự đều trôi chảy và so sánh thế giới như một ngọn lửa bất diệt. Tại Mexico nhà đạo học Yaqui Don Juan cũng nói về một thế giới thoáng hiện và xác nhận muốn thành minh triết tự thân là ánh sáng hay dòng chảy.

Những khái niệm then chốt của Ấn Độ giáo và Phật giáo lấy từ triết học Ấn Độ tính vận động. Từ “Brahman” xuất phát từ gốc Sanskrit Brih và nói về một thực tại sinh động, luôn luôn vận động. Theo S.Radhakrishnan, từ Brahman có nghĩa là lớn mạnh và đầu mối của đời sống, vận hành và tiến triển. Các bài thuyết giảng (Upanishad) gọi Brahman là vô sắc, bất tử,vận hành và gắn cho nó một sự vận động tự thân, mặc dù nó đứng trên mọi sắc thể.

Lê - câu Vệ - đà diễn tả tính vận động của thế giới với một khái niệm khác, khái niệm “Rita”. Từ này xuất phát từ gốc ri (tự thân vận động). Nghĩa của nó là sự vận hành của mọi sự hay trật tự của tự nhiên. Từ này đóng một vai trò quan trọng trong mọi huyền thoại của Vệ - đà và liên hệ với mọi thần thánh của Vệ - đà. Các nhà đạo sĩ Vệ - đà không xem trật tự của tự nhiên là một qui luật tĩnh tại của Thượng đế bày ra mà là một nguyên lý động nằm sẵn trong vũ trụ. Ý niệm này cũng là khái niệm đạo của Trung Quốc, xem nó là các thể vận hành của vũ trụ, là trật tự của vũ trụ. Như các nhà thấu hiểu Vệ - đà, các chân nhân Trung quốc xem thế giới là dòng chảy và sự biến dịch và vì vậy mà gẵn cho hình dung về vũ trụ một khái niệm động. Hai khái niệm Rita và Đạo về sau được mang từ bình diện vũ trụ đưa xuống cho con người và sau đó mang một khái niệm đạo lý; Rita là qui luật vũ trụ mà trời, người đều phải tuân thủ, và Đạo là đường đi đúng đắn phải theo.

Khái niệm Vệ - đà Rita dung chứa luôn Karma (Nghiệp), về sau nghiệp mới trở thành ý niệm để bày tỏ tính tác động qua lại giữa sự vật và biến cố. Từ Nghiệp có nghĩa là hành động và diễn tả sự quan hệ động giữa các hiện tượng. Trong chí tôn ca (Bhagavad-Gita) ta đọc: tất cả hành động xảy ra trong thời gian thông qua sự nối kết lẫn nhau của các năng lực tự nhiên. Đức Phật là từ bỏ khái niệm truyền thống của nghiệp và cho nó một ý nghĩa mới, trong đó Ngài mở rộng ra xem nó là mối liên hệ động lực trong bình diện con người. Do đó mà về sau nghiệp là chuỗi xích vô tận giữa nguyên nhân và kết quả trong đời con người, và cùng chuỗi xích đó bị Phật phá vỡ bằng cách đạt tới tình trạng của sự giác ngộ.

Ấn Độ giáo cũng tìm ra nhiều cách để trình bày tính chất động của vũ trụ trong ngôn ngữ huyền thoại. Trong Chí tôn ca, Krishna, hiện thân của thần Vishnu, nói: Nếu ta không hành động, thì những thế giới này sẽ suy tận, và Shiva, vũ công vũ trụ có lẽ là sự hiện thân hoàn toàn nhất của vũ trụ đang vận hành. Nhờ sự nhảy múa của mình mà Shiva giữ được tính muôn vẻ của hiện tượng trong thế gian, Ngài thống nhất mọi sự bằng cách đưa chúng vào nhịp điệu của mình và cho chúng cùng nhảy múa - một hình ảnh vĩ đại về tính nhất thể đầy động lực của vũ trụ.

Ấn Độ giáo nhìn vũ trụ như một sinh cơ, đang lớn dần và vận hành tuần hoàn có nhịp điệu, trong đó mọi thứ đều trôi chảy và tất cả những dạng hình tĩnh tại đều là Maya (ảo giác), có nghĩa là chúng chỉ tồn tại trong cái nhìn huyễn giác. Ý niệm cuối cùng này - tính vô thường của mọi sự - cũng là điểm xuất phát của đạo Phật. Đức Phật cho rằng mọi pháp hữu vi đều vô thường và mọi Khổ trên thế gian đều xuất phát từ sự bám giữ nơi sắc thể - nơi sự vật, con người hay ý niệm - thay vì chấp nhận một thế giới đang vận hành và thay đổi. Thế nên thế giới động cũng là gốc rễ của giáo pháp Phật giáo. Sau đây là lời của Radhakrishnan:

Một triết lý động tuyệt diệu được Phật phát biểu cách đây 2500 năm… Cảm xúc trước sự vật đang chuyển hóa, biến đổi và phối hợp không lúc nào dừng, Phật nói về một triết íy vô thường. Ngài xem vật thể, âm thanh, hạt, chất liệu trở thành lực, vận hành, hệ quả và tiến trình và thừa nhận một thực tại động.

Phật giáo gọi thế giới của sự đổi thay liên tục này là Ta - bà, nguyên nghĩa lang thang, trôi nổi và nói rõ rằng trong đó không có gì đáng để bám giữ cả. Đối với người theo Phật giáo thì người đạt đạo là người không chống lại dòng chảy của cuộc sống mà cùng vận động theo nó. Khi thiền sư Vân Môn được hỏi: Đạo là gì, ông đáp Cứ đi. Cũng thế mà Phật tử gọi đức Phật là Như Lai, có nghĩa là người đã đến như thế. Trong triết học Trung quốc, thực tại cứ đổi thay liên tục này được gọi là Đạo và là tiến trình của vũ trụ, trong đó mọi vật đều tham gia. Cũng như Phật giáo, Lão giáo cho rằng ta không nên cưỡng lại dòng chảy mà cần phải thích nghi với nó. Lại một lần nữa đây là đặc trưng của thánh nhân, của người giác ngộ. Nếu Phật là người đến như thế thì thánh nhân đạo Lão là người thuận lẽ trời và nói như Hoài Nam Tử là theo dòng đạo.

Càng học hỏi kinh sách tôn giáo và triết lý của Ấn Độ giáo, Phật giáo và Lão giáo, người ta càng rõ họ nhận thức tự thân thế giới là vận động, trôi chảy và biến dịch. Tấm lưới vũ trụ đang sống, đang vận hành, đang lớn lên, đang thay đổi.

Cũng thế, nền vật lý hiện đại cũng nhìn vũ trụ như một tấm lưới đầy mối liên hệ và nhận thức cũng như đạo học phương Đông, rằng thể nội tại của nó là động. Thuyết lượng tử cho thấy khía cạnh động của vật chất trong thể tính sóng của các hạt hạ nguyên tử. Khía cạnh này, như ta sẽ thấy, sẽ trở nên quan trọng hơn trong thuyết tương đối, trong đó sự thống nhất không gian và thời gian chứng minh sự hiện hữu của vật chất không thể tách rời ra khỏi hoạt động của nó.

Theo thuyết lượng tử thì hạt cũng vừa là sóng và từ đó mà có nó một tính chất kỳ lạ. Khi một hạt bị giam giữ trong một không gian nhỏ thì nó phản ứng lại sự hạn chế này bằng sự vận động. Không gian càng nhỏ thì hạt càng quay nhanh. Tính chất này là một hiệu ứng lượng tử đặc biệt và không hề có sự tương tự trong vũ trụ vĩ mô. Muốn hiểu rõ hơn hiệu ứng này, ta hãy nhớ rằng, trong thuyết lượng tử, hạt được biểu thị bởi một bó sóng, độ dài của bó sóng đó là độ bất định vị trí của hạt. Như hình dưới đây cho thấy, hạt nằm đâu đó trong khoảng X, ta không biết chắc chắn. Nếu muốn siết hạt này, ta ép X phải nhỏ hơn. Thế nhưng điều này sẽ làm độ dài sóng ngắn lại và vận tốc hạt tăng lên. Ta có thể hình dung khá rõ, hạt càng bị giam giữ, nó càng vận động mãnh liệt.

Khuynh hướng dùng vận động để phản ứng lại sự hạn chế làm ta nghĩ đến vật chất hẳn phải có một sự bất an cơ bản, nó là đặc trưng trong thế giới hạ nguyên tử. Trong thế giới này thì phần lớn các hạt vật chất đều mang cơ cấu phân tử, nguyên tử hay hạt và vì thế mà không đứng yên, mà theo tính chất nội tại của nó là vận động không ngừng.

Theo thuyết lượng tử, vật chất luôn luôn ở dạng vận động. Trong thế giới vĩ mô, sự vật xung quanh chúng ta xuất hiện một cách thụ động và vắng mặt sự sống, nhưng nếu chúng ta phóng lớn lên một hòn đá hay miếng kim loại chết đó thì ta sẽ thấy trong đó đầy những hoạt động. Càng nhìn sát nó, nó xuất hiện càng sống động. Tất cả mọi vật xung quanh ta đều gồm những nguyên tử, chúng liên hệ với nhau bằng nhiều cách khác nhau và tạo thành muôn ngàn dạng khác nhau của phân tử, chúng rung động theo nhiệt độ của chúng, cùng hoà nhịp với nhiệt độ xung quanh. Trong những nguyên tử đang rung động đó thì các electron bị điện lực trì kéo vào nhân và chúng phản ứng chống lại sự tù hãm đó bằng cách quay tròn thật nhanh. Sau đó trong bản thân các nhân, các proton và neutron bị trói chặt trong một không gian cực nhỏ, chúng đua nhau chạy với một vận tốc không tưởng tượng nổi.

Một đoạn văn của Lão giáo nói lên sự thăng bằng trong vận động này như sau:

An bằng trong tĩnh tại không phải là sự an bằng đích thực. Chỉ khi có sự an bằng trong vận động thì nhịp điệu tâm linh mới sinh thành, nhịp điệu đó thâm nhập cả trời đất.

Trong vật lý, ta nhận thức tính động của vũ trụ không những trong kích thước vĩ mô-thế giới của nguyên tử và nhân nguyên tử-mà trong kích thước lớn, của thiên thể và thiên hà. Nhờ những viễn vọng kính lớn ta quan sát được một vũ trụ đang vận hành không nghỉ. Những đám mây khinh khí quay vòng, kéo lại với nhau và hình thành thiên thể. Qua đó chúng nóng lên và biến thành lửa cháy rực trong bầu trời. Khi đã đạt giai đoạn này rồi, chúng vẫn còn quay và có thiên thể bắn tạt các khối lượng vật chất ra ngoài. Những khối này bị bắn ra xa, mới đầu quay theo dạng trôn ốc và cứng dần thành các hành tinh chạy vòng theo các vì sao. Sau hàng triệu năm khi phần lớn khí đốt đã hết, các thiên thể phình ra và cuối cùng co lại trong sự sụp đổ trọng trường. Sự sụp đổ này có thể kéo theo nhiều vụ nổ khủng khiếp và có thể biến thiên thể thành lỗ đen. Tất cả những biến cố này-sự hình thành các vì sao từ những đám mây, sự co lại, sự phình ra và cuối cùng là sự sụp đổ-tất cả đều có thể quan sát được thật sự trong bầu trời.

Những vì sao quay vòng, co lại, phình ra và bùng nổ đó biến thành thiên hà với những dạng khác nhau, dạng đĩa mỏng, dạng hình cầu, hình xoáy trôn ốc v.v… Rồi bản thân chúng cũng không phải bất động, mà lại quay tròn. Thiên hà của chúng ta, dãy Ngân hà, là một đĩa vĩ đại gồm thiên thể và khí, nó quay trong không gian như một bánh xe khổng lồ; thế nên tất cả những vì sao của nó-kể cả mặt trời và hành tinh-quay quanh trung tâm của ngân hà. Vũ trụ gồm toàn cả những ngân hà, chúng nằm rải rác trong không gian thấy được và cũng quay vòng như ngân hà của chúng ta. Khi tìm hiểu vũ trụ với hàng triệu ngân hà như toàn thể cấu trúc của nó, chúng ta đã đạt đến mức xa nhất của không gian và thời gian. Và cả trên bình diện này của vũ trụ, ta phát hiện rằng vũ trụ không hề tĩnh tại, nó đang giãn nở ! Đó là một trong những khám phá quan trọng nhất của ngành thiên văn hiện đại. Một sự phân tích chi tiết ánh sáng mà ta nhận được từ những thiên hà xa cho thấy rằng toàn bộ những thiên hà đang bành trướng. Vận tốc mà một thiên hà rời xa chúng ta là tỉ lệ với khoảng cách của chúng đến chúng ta. Chúng càng xa ta thì chúng càng chạy nhanh. Khoảng cách gấp đôi thì vận tốc cũng gấp đôi. Điều này không những chỉ có giá trị khi lấy thiên hà của ta làm gốc, mà cũng như thế với bất cứ điểm gốc nào. Nghĩa là dù đang ở bất kỳ trong thiên hà nào, chúng ta sẽ thấy các thiên hà khác ngày càng đi xa, các thiên hà gần thì với vận tốc vài ngàn ki - lô - mét mỗi giây; các nhóm xa hơn thì vận tốc lớn hơn và vận tốc của các thiên hà xa nhất tiến gần tới vận tốc ánh sáng. ánh sáng của các thiên hà xa nữa thì không bao giờ tới với ta vì chúng bỏ đi xa nhanh hơn cả vận tốc ánh sáng. Anh sáng của chúng, nói như Sir Arthur Stanley Eddington, như một lực sĩ chạy trên một đường băng ngày càng dài ra, điểm đích chạy xa ra, nhanh hơn cả vận tốc của anh ta.

Khi nói về một vũ trụ giãn nở trong khung cảnh của thuyết tương đối tổng quát, ta phải nói sự giãn nở trong một kích thước cao hơn. Ta chỉ có thể hình dung một khái niệm như thế, như khi nói về không gian cong với sự tương tự hai chiều.

Muốn thế ta hãy tưởng tượng một quả bóng với nhiều chấm trên bề mặt. Quả bóng là tượng trưng cho vũ trụ, mặt cong hai chiều của nó giả dụ cho không gian cong ba chiều và những chấm đen là các thiên hà trong không gian đó. Khi quả bóng bị bơm phình ra thì những khoảng cách giữa các chấm cũng lớn hơn. Dù ta lấy chấm nào làm chỗ đứng, ta cũng thấy mọi chấm khác đều xa dần mình. Vũ trụ cũng giãn nở theo cách đó, dù quan sát viên có mặt trên bất kỳ thiên hà nào, tất cả những thiên hà còn lại đều xa dần người đó.

Câu hỏi dễ đặt ra về việc vũ trụ giãn nở là tất cả mọi sự đó bắt đầu như thế nào? Từ mối liên hệ giữa khoảng cách của một thiên hà với ta và tốc độ đi xa của nó (định luật Hubble) ta có thể tính thời điểm lúc bắt đầu bùng nổ, nói cách khác tính được tuổi thọ của vũ trụ. Cứ thừa nhận rằng vận tốc bùng nổ đó không thay đổi (đó là điều không hề chắc chắn) thì người ta tính ra một số tuổi vũ trụ khoảng chừng 10.000 triệu năm. Phần lớn các nhà vũ trụ học ngày nay tin rằng, vũ trụ phát sinh cách đây khoảng 10.000 triệu năm thông qua một biến cố vĩ đại, khi toàn bộ khối lượng của nó phát nổ từ một trái cầu lửa nguyên thủy. Sự giãn nở ngày nay của vũ trụ được xem là sức đẩy còn sót lại của một vụ nổ ban đầu. Theo mô hình vụ nổ ban đầu này thì thời điểm phát nổ là ngày sinh của vũ trụ và của không gian thời gian. Nếu muốn biết trước đó là gì, ta sẽ va vào ngay cái khó khăn về tư duy và ngôn ngữ. Sir Bernard Lowell nói:

Đó là nơi mà ta sẽ gặp giới hạn về tư tưởng, vì ta cứ tiếp tục sử dụng các khái niệm không gian-thời gian, tại lúc chúng chưa xuất hiện trong đời sống hàng ngày. Đối với tôi, hầu như tôi lạc vào một vùng đầy sương mù, thế giới quen thuộc đã biến mất.

Về tương lai của vũ trụ giãn nở, những phương trình của Einstein cũng không cho lời giải rõ ràng. Chúng chấp nhận nhiều lời giải khác nhau, tùy theo những mô hình khác nhau về vũ trụ. Vài mô hình tiên đoán rằng, vũ trụ cứ giãn nở mãi, theo mô hình khác thì nó cứ chậm lại và sẽ quay ngược, co rút lại. Những mô hình này xem vũ trụ có tính chu kỳ, cứ trương nở vài tỉ năm, rồi co lại cho đến khi toàn bộ khối lượng chỉ còn một khối vật chất nhỏ rồi sau đó lại giãn nở, cứ thế bất tận.

Hình dung về một vũ trụ giãn nở và co rút tuần hoàn trong một tầm cỡ không gian và thời gian khủng khiếp không chỉ có trong vũ trụ hiện đại, mà còn hiện diện trong huyền thoại cổ Ấn Độ. Với sự chứng nghiệm vũ trụ như một thể sinh cơ và vận động tuần hoàn, trong Ấn Độ giáo phát sinh một quan niệm vũ trụ sống, nó rất gần với các mô hình khoa học hiện đại. Một trong những vũ trụ luận này đặt nền tảng trên huyền thoại “Lila”, trò chơi của thiên nhân, trong đó Brahman tự biến mình thành thế giới. Lila là một trò chơi có nhịp điệu kéo dài tuần hoàn vô tận, cái Một biến thành cái Nhiều và cái Nhiều trở thành cái Một. Trong Chí tôn ca (Bhagavad Gita) thần Krishna mô tả trò chơi sáng tạo tuần hoàn này bằng những lời:

Cuối thời kỳ tăm tối thì mọi sự lại trở về với tự tính của ta; và khi thời kỳ mới bắt đầu, ta đem chúng ra ánh sáng.

Thế nên ta dùng tự tính của mình mà sáng tạo ra mọi thứ và những thứ này lăn theo bánh xe của thời gian. Thế nhưng ta không bị ràng buộc vào công trình sáng tạo to lớn này. Ta là ta và ta nhìn tác phẩm vui buồn diễn ra.

Ta ngắm nhìn và tromg tác phẩm sáng tạo đó, tự tính sản sinh tất cả, những gì vận động, những gì nằm yên; và cứ thế mà thế giới vận động tuần hoàn.

Ấn Độ giáo nhận trò chơi tuần hoàn thần thánh này là sự phát triển của toàn vũ trụ. Họ xem vũ trụ giãn nở và co rút tuần hoàn và đặt tên cho thời gian không tưởng tượng nổi giữa lúc bắt đầu và chấm dứt một sự sáng tạo là thời kiếp. Kích thước huyền thoại cổ xưa thật đáng kinh ngạc, còn tư duy con người cần hơn hai ngàn năm để tới với một tư tưởng tương tự như huyền thoại đó.

Từ thế giới cực lớn, từ vũ trụ đang giãn nở, hãy trở lại thế giới cực nhỏ. Đặc trưng của vật lý thế kỷ 20 là đi ngày càng sâu vào một thế giới của kính hiển vi, của nguyên tử, của hạt nhân và các hạt tạo thành nhân. Sự tìm hiểu thế giới vi mô này được thúc đẩy bởi một câu hỏi căn bản đã làm loài người trăn trở từ xưa: vật chất được cấu tạo như thế nào? Kể từ ngày đầu của triết lý về tự nhiên, con người đã nghĩ ngợi về câu hỏi này và cố tìm ra một chất liệu căn bản, chất liệu xây dựng mọi vật chất, nhưng chỉ trong thế kỷ này ta mới có thể đi tìm câu trả lời bằng phương pháp thực nghiệm. Nhờ kỹ thuật phức tạp mà nhà vật lý bước đầu tìm hiểu được cấu trúc của nguyên tử và nhận ra rằng, nó gồm có nhân và electron. Sau đó người ta ghi nhận nhân gồm có những hạt nucleon, đó là proton và neutron. Trong hai thập niên vừa qua người ta đi thêm một bước và bắt đầu tìm hiểu cấu trúc của nucleon, thành phần của nhân nguyên tử, chúng xem ra không phải là nững hạt cuối cùng mà lại là từ những đơn vị khác cấu thành.

Bước đầu tìm hiểu nguyên tử đã dẫn đến những thay đổi căn bản về cách nhìn của ta về vật chất, chúng đã được nói trong chương trước. Bước thứ hai, bước đi sâu vào nhân nguyên tử và thành phần của nó, kéo theo một sự thay đổi không kém phần quan trọng. Trong thế giới hạt nhân này ta phải đo lường những loại kích thước nguyên tử và những hạt trong nhân này, vì bị giam trong không gian quá bé, cũng vận động với vận tốc nhanh đến nỗi chỉ có thể dùng thuyết tương đối đặc biệt để mô tả chúng. Tính chất và tương tác của hạt hạ nguyên tử chỉ có thể dùng thuyết lượng tử và thuyết tương đối mà nắm được chúng, và những điều này buộc chúng ta có một sự thay đổi về quan niệm vật chất là gì.

Điều đặc trưng của thuyết tương đối là nó thống nhất những khái niệm căn bản mà ngày trước chúng hoàn toàn độc lập với nhau. Một trong những thí dụ quan trọng nhất là coi khối lượng và năng lượng như nhau, điều này được phát biểu bằng công thức toán học nổi tiếng của Einstein E=mc2. Và muốn hiểu ý nghĩa sâu sắc của mối liên hệ này, trước hết chúng ta phải xét ý nghĩa của năng lượng và khối lượng.

Năng lượng là một trong những khái niệm quan trọng nhất để mô tả các hiện tượng tự nhiên. Như trong đời sống hàng ngày ta nói, một vật thể chứa năng lượng khi nó có thể thực hiện một công. Năng lượng này có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau.

Nó có thể là động năng, nhiệt năng, thế năng, điện năng, năng lượng hóa học v.v…Mỗi dạng đó đều có thể dùng để sinh công. Thí dụ người ta cho một viên đá có thế năng bằng cách nâng nó lên cao. Khi thả nó từ trên cao xuống thì thế năng của nó biến thành động năng và khi viên đá đến đất thì nó sinh công, thí dụ đập vỡ một vật gì đó. Một thí dụ khác: điện năng và hóa năng có thể biến thành nhiệt năng để phục vụ đời sống trong gia đình. Trong vật lý thì năng lượng luôn luôn được gắn liền với một tiến trình nhất định, một dạng hoạt động nào đó và sự quan trọng căn bản là tổng số năng lượng tham gia vào trong một tiến trình luôn luôn không đổi. Sự bảo toàn năng lượng là một trong những qui luật căn bản quan trọng nhất của vật lý. Nó có giá trị cho tất cả mọi hiện tượng thiên nhiên được biết tới nay, người ta chưa thấy qui luật này bị vi phạm bao giờ.

Khối lượng của một vật lại là một thuộc tính để đo lường trọng lượng của nó, tức là sức hút của trọng lực lên vật thể đó. Ngoài ra khối lượng cũng là quán tính của một vật, tức là sức đề kháng của nó chống lại gia tốc. Vật thể càng nặng thì càng khó gia tốc nó hơn một vật nhẹ, điều này ai cũng biết khi phải đẩy một chiếc xe. Trong vật lý cổ điển thì khối lượng luôn luôn được gắn liền với một dạng vật chất không thể phá hủy, tức là từ chất liệu mà người ta cho là nguồn gốc của mọi vật. Cũng như với năng lượng, người ta cho rằng chất liệu này cũng được bảo toàn, một khối lượng không bao giờ bị hủy diệt.

Bây giờ thuyết tương đối đã chứng minh rằng, khối lượng không gì khác hơn là một dạng của năng lượng. Năng lượng không những có thể mang nhiều dạng khác nhau như trong vật lý cổ điển đã biết, mà còn được chứa trong khối lượng của một vật. Năng lượng chứa trong một hạt, tích số của khối lượng hạt đó với bình phương vận tốc ánh sáng, tức là:

E=mc2

Nếu khối lượng được xem là dạng năng lượng thì không những nó không thể phân hủy mà còn có thể được chuyển hóa qua những dạng năng lượng khác. Điều này xảy ra khi các hạt hạ nguyên tử va chạm nhau. Trong quá trình va chạm đó thì các hạt có thể bị tiêu hủy và năng lượng chứa trong chúng sẽ biến thành động năng, động năng đó sẽ phân bố lên các hạt khác tham dự trong cuộc va chạm. Ngược lại thì động năng của hạt di chuyển với những vận tốc rất cao cũng có thể được dùng để hình thành khối lượng của những hạt mới. Hình sau đây cho thấy một thí dụ rất lạ của một sự va chạm như vậy: một photon (từ bên trái) đi vào một phòng quang phổ, bắn một electron ra khỏi một nguyên tử (vết hình xoắn), va vào một photon khác và sinh ra mười sáu hạt mới trong cuộc va chạm này.

Sự hình thành và phá hủy hạt vật chất là một trong những hệ quả ấn tượng nhất của đẳng thức giữa khối lượng và năng lượng. Trong các cuộc va chạm trong vật lý cao năng lượng thì khối lượng không còn được bảo toàn. Các hạt va chạm nhau bị phá hủy, khối lượng của chúng một phần biến thành khối lượng, phần khác biến thành động năng của các khối lượng mới sinh ra. Chỉ tổng số tất cả năng lượng tham dự trong tiến trình đó, tức là tổng số động năng cộng với năng lượng nằm trong dạng khối lượng, tổng số đó phải được bảo toàn. Tiến trình va chạm các hạt hạ nguyên tử là công cụ quan trọng nhất của ta để nghiên cứu tính chất của chúng, và mối liên hệ giữa khối lượng và năng lượng là chủ yếu nhằm mô tả chúng. Mối liên hệ này đã được xác minh vô số lần và nhà vật lý hạt nhân đã làm quen với tính tương đương giữa khối lượng - năng lượng, đến nỗi họ đo khối lượng hạt nhân bằng đơn vị tương ứng của năng lượng.

Trong vật lý hiện đại, khối lượng không còn có một chất liệu vật chất nữa và do đó mà người ta không còn nghĩ hạt phải có một chất liệu căn bản nữa, mà nó là một chùm năng lượng. Thế nhưng vì năng lượng luôn luôn liên hệ với hoạt động, với tiến trình nên hạt hạ nguyên tử phải có một thuộc tính động. Như đã thấy, chúng không thể xem là những vật thể ba chiều tĩnh như trái banh bi-da hay một hạt cát, mà chúng là một cấu trúc bốn chiều không- thời gian. Dạng của chúng phải hiểu là động trong không gian - thời gian. Hạt hạ nguyên tử là những cấu trúc động, nó có khía cạnh không gian và khía cạnh thời gian. Khía cạnh không gian cho phép nó xuất hiện như vật thể có khối lượng, khía cạnh thời gian của nó là tiến trình với năng lượng tương ứng.

Cấu trúc động hay bó năng lượng này tạo nên cơ cấu nhân, nguyên tử và phân tử ổn định, chúng xây dựng nên vật chất và làm cho vật chất có dạng tưởng như nó gồm những chất liệu chắc thật. Trên bình diện vĩ mô, khái niệm chắc thật đó là một sự gần đúng có ích, còn trên bình diện nguyên tử thì nó hết giá trị. Nguyên tử gồm các hạt và những hạt đó không được cấu thành từ một chất liệu vật chất nào cả. khi quan sát chúng, ta không hề thấy chất liệu nào cả, điều mà ta thấy là những cấu trúc động, chúng liên tục chuyển hóa lẫn nhau - một vũ điệu triền miên của vũ trụ.

Thuyết lượng tử cho thấy, hạt không phải là những đơn vị độc lập mà là những cấu trúc xác suất liền lạc trong một tấm lưới bất phân của vũ trụ. Còn thuyết tương đối phải nói là đã cho cấu trúc đó sự sống, bằng cách vén màn cho thấy tính chất động của nó. Nó chứng tỏ rằng chính hoạt động của vật chất là cái tự tính đích thực của sự hiện hữu của nó. Các hạt của thế giới hạ nguyên tử không những là năng động vì chúng vận hành nhanh chóng, mà cong vì bản thân chúng là những tiến trình! Sự hiện hữu của vật chất và hoạt động của chúng không thể tách rời lẫn nhau. Chúng đều chỉ là hai khía cạnh của một thể thực tại không gian - thời gian.

Trong những chương trước ta đã nói, nhận thức về sự dung thông giữa không gian - thời gian đã đưa nền đạo học phương Đông tới một thế giới quan động. Nghiên cứu kinh sách của họ, ta sẽ thấy không những họ xem thế giới trong khái niệm động,của sự trôi chảy và biến dịch, mà họ có một tri kiến trực giác về tính chất của không gian - thời gian của vật thể vật chất; tri kiến đó cũng là đặc trưng của vật lý tương đối. Khi nghiên cứu thế giới hạ nguyên tử, nhà vật lý phải thống nhất không gian - thời gian và từ đó mà họ thấy vật thể của thế giới này, hạt không phải tĩnh tại mà năng động, xem chúng là năng lượng, hoạt động và tiến trình. Các nhà đạo học phương Đông, trong tình trạng ý thức phi thường của họ, đã biết về sự dung thông không gian - thời gian trên một bình diện vĩ mô cũng như nhà vật lý nhìn hạt hạ nguyên tử. Một trong những lời dạy chính yếu của Đức Phật là mọi pháp hữu vi đều vô thường. Pháp là từ chỉ biến cố, hành động và sau đó mới nói sự thật. Qua đó ta thấy thêm Phật giáo xem tiến trình vận động là chủ yếu của thế giới. Hãy nghe lời của D.T.Suzuki:

Người theo Phật giáo quan niệm sự vật là tiến trình, không phải là vật thể hay chất liệu…Khái niệm Phật giáo về “sự vật” là samskara (hành), có nghĩa là “tạo tác” hay “tiên trình”, điều đó nói rõ, Phật giáo hiểu kinh nghiệm của chúng ta chính là thời gian và sự vận hành.

Cũng như nhà vật lý hiện đại, Phật giáo xem mọi vật thể là những tiến trình trong một dòng chảy rộng khắp và từ chối sự hiện hữu của một chất liệu vật chất. Điều đó ta cũng tìm thấy trong tư tưởng Trung quốc, trong đó có một thế giới quan tương tự, xem sự vật là giai đoạn quá độ trong sự trôi chảy miên viễn của đạo và họ quan tâm đến mối liên hệ lẫn nhau giữa chúng hơn là tìm trong chúng một chất liệu cơ bản. Joseph Needham viết: “Triết học phương Tây tìm thực tại nơi chất liệu, triết học phương Đông tìm thực tại nơi mối liên hệ”.

Yếu tố cơ bản của vũ trụ trong quan điểm vật lý hiện đại cũng như trong đạo học phương Đông là cấu trúc động; là giai đoạn quá độ trong dòng chảy vĩnh viễn của thay đổi và biến dịch (Trang Tử).

Theo mức hiểu biết hiện nay thì cơ cấu cơ bản của vật chất là những hạt hạ nguyên tử và tìm hiểu tính chất cũng như tương tác của chúng là mục đích chính yếu của ngành vật lý cơ bản. Ngày nay chúng ta biết đến hơn hai trăm hạt cơ bản, phần lớn chúng là những hạt được hình thành trong các cuộc thí nghiệm va chạm và chỉ có một thời gian sống vô cùng ngắn, ít hơn cả một phần triệu giây đồng hồ! Rõ ràng là những hạt sống hết sức non tuổi này chỉ nói lên cấu trúc chuyển tiếp của những tiến trình động. Vì thế xuất hiện câu hỏi cơ bản sau đây về cấu trúc của những hạt đó: Đặc tính của chúng là gì để có thể phân biệt hạt này hạt kia? Phải chăng chúng có những thành phần nhỏ hơn, chúng bao gồm những cấu trúc gì? Chúng tác động lên nhau như thế nào, có năng lực nào tác động giữa chúng? Và cuối cùng, nếu bản thân chúng chỉ là tiến trình thì đó là tiến trình gì?

Chúng ta biết rõ tất cả những câu hỏi trên nối kết với nhau không tách rời được trong nền vật lý hạt nhân. Vì tính tương đối của các hạt hạ nguyên tử, chúng ta sẽ không hiểu tính chất của chúng nếu không để ý tới mối liên hệ giữa chúng, và vì mối liên hệ cơ bản của chúng, ta sẽ không hiểu một hạt nào nếu không hiểu những hạt khác. Những chương sau đây sẽ chỉ rõ chúng ta đã hiểu hạt và mối liên hệ giữa các hạt tới đâu. Mặc dù ta chưa có một lý thuyết hoàn chỉnh lượng tử - tương đối, thế nhưng vẫn có nhiều lý thuyết và mô hình từng phần được đề ra, mô tả thành công vài khía cạnh của thế giới này. Sự giải thích về những lý thuyết và mô hình này sẽ dẫn đến những khái niệm triết học, chúng đặc biệt phù hợp với khái niệm của đạo học phương Đông.

Tạm ứng



Nguyễn Thị Hậu


Cha mẹ tạm ứng cho ta hình hài
Rồi về với đất

Cuộc đời tạm ứng cho ta số phận
Vay trả kiếp sau

Buổi chiều tạm ứng cho ta
Nhớ Bình minh

Cơn mưa tạm ứng cho ta
Buồn Dông bão

Ta tạm ứng cho nhau Tình yêu
Rồi truy lĩnh từ người khác
Trò chơi bội bạc.

Vụ án Nhã Thuyên: đính chính tư liệu & quan điểm học thuật





Inrasara

*

 Sau khi đọc “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn” của Phan Trọng Thưởng trên báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, số 16-2014, tôi viết bài này như là cách phản hồi. Thứ nhất, nói lại với Nhã Thuyên về khẳng định chủ quan “bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay”; thứ hai, như một cách trao đổi mang tính chính thống với Phan Trọng Thưởng. Hi vọng, hai bên mở cuộc đối thoại sòng phẳng, để “có thể nghe ra nhau”.

Tiếc, bài viết không nhận được phản hồi từ BBT báo Văn nghệ, cho nên xin đăng ở đây để rộng đường dư luận.

Inrasara





I. Đính chính: Mở Miệng bị kì thị tới đâu?

Trong bài “Cuộc nổi dậy của rác thải [1], Damau.org (Vanviet.info đăng lại ngày 28-3-2014), Nhã Thuyên viết:

“Ở trong nước, Inrasara, một nhà thơ, nhà phê bình trong Hội nhà văn có tham vọng nhận diện thơ Việt đương đại ở tất cả các khu vực, không kể chính thống/phi chính thống đã từng cố gắng lập lại biên bản(1) về không gian sôi động của thơ ca giai đoạn đó với bài viết Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn, xuất bản trên Tiền Vệ (2005) và được đưa vào cuốn Song thoại với cái mới (2008), “không bị biên tập một chữ” theo lời tác giả – dường như là bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay (Inrasara nhấn mạnh).

Phan Trọng Thưởng làm rõ hơn: “Theo tác giả “cho đến thời điểm này (cuối 2010) các báo chí trong nước vẫn từ chối các bài viết về, hay thậm chí việc điểm danh đến Mở miệng cũng không được chấp nhận” (“Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”,Vanvn.net, 19-4-2014).

Sự thật, có phải vậy không?(2)

1. Liên quan đến Nhóm Mở Miệng, bài đầu tiên được đăng trên báo chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Thơ số 4, tháng 10-2003, do thành viên chủ chốt của Nhóm Mở Miệng (Lý Đợi) viết, là: “Điểm tâm tính danh – hay thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI”.

2. Tiếp đó, Inrasara giới thiệu tập thơ Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy Vụn, 2003. Lời giới thiệu in trong tập thơ, có đoạn:

“Tập thơ Xáo Chộn Chong Ngày – phạm thánh, phạm thượng, phạm chữ, phạm nghĩa, phạm cả các khái niệm lâu nay thế giới văn minh tôn sùng như điều không thể phạm. Nhưng hãy dẹp mấy thứ đó cho nhà luân lí, nhà ngôn ngữ, nhà hoạt động xã hội… phán. May: Bùi Chát đã không phạm con người!”.

Bài “Sáo chộn với Bùi Chát” (giới thiệu tập thơ Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy Vụn, 2003) post lên Tienve.org, ngày 21-12-2003, được tạp chí Thơ (Hoa Kỳ) số mùa Đông 2003 đăng lại. Có lẽ đây là bài viết về [tập thơ của một thành viên] Nhóm Mở Miệng đầu tiên được đưa ra công chúng. Bài viết ngắn, và dù không xuất hiện trên báo chính thống, nhưng đã gây nên một cuộc trao đổi thú vị trên mạng internet.

3. Evan (Hà Nội, 2004) viết về thơ trẻ, nhận định về Mở Miệng như sau:

“Có một nhóm sáng tác trẻ tự xuất bản những tác phẩm của họ dưới dạng photocopy, và coi đó như văn bản chính thức. Họ rảo bước qua những đường phố Sài Gòn, những quán cà phê, quán thịt chó, ngày và đêm, ánh đèn, xe cộ, bụi và tiếng ồn… Họ làm thơ. Rồi cả truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, trình diễn, sắp đặt, nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nghệ thuật thị giác (visual art)… và, họ tuyên ngôn. Tự xếp mình, đúng hơn là tự xem mình nằm trong các trào lưu tiền phong, chẳng hạn như hậu hiện đại, họ đẩy thơ vào “ngõ cụt”, chiếu bí người đọc bằng ý thức đổi mới ngôn ngữ. Họ sẵn sàng thách thức những người làm thơ khác về tính chuyên nghiệp, tính học thuật trong thơ; nhất là, như họ nói thẳng thắn, với lớp nhà thơ bảo thủ, không chịu rời bỏ những sở trường của mình. Và tất nhiên, họ chấp nhận bị thách thức”.

Bài báo sau đó bị xoá cùng với nhiều sáng tác cách tân khác.

4. “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” hay “Biên bản về nhánh thơ ngoại vi TP Hồ Chí Minh”, là tham luận của Inrasara tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tháng 3-2005; đăng trênTienve.org, ngày 17-3-2005, (in trong Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, 2008). Tôi viết ở đề dẫn:

“Một hiện tượng xã hội hay văn chương bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở”.

Đoạn đáng chú ý:

“Họ từ các nơi đổ bừa về Sài Gòn. Có mặt ở Sài Gòn, họ từ chối lối mòn quen thuộc: tụ tập quanh tòa soạn báo chí, nhà xuất bản hay các cơ quan Nhà nước có liên quan đến chữ nghĩa – ổn định và an ninh.

Họ là ai? Là Phan Bá Thọ. Là Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán. Các sinh viên tốt nghiệp, ra trường vô công rỗi nghề trong giai đoạn thơ Việt đang kì ảm đạm, “có mặt bằng nhưng chưa có đỉnh cao”, như chúng ta từng dễ dãi nhận định. Họ tự cho mình [vô] trách nhiệm với nền thơ nước nhà, cấp kì lập ra Nhóm Mở Miệng, trưng bảng nhà xuất bản Giấy Vụn và, tuyên xưng! Thế là hàng loạt tập thơ in photocopy xếp hàng mở m[iệng]ắt chào đời”.

Và đoạn kết:

“Đeo vào bộ mặt cực đoan đến quá khích, Nhóm Mở Miệng cùng với sản phẩm thơ của họ như “làn gió thối thổi vào không khí thơ” phẳng lặng hôm nay. Bản thân nó là khủng hoảng. Nó đột ngột xuất hiện và gây sốc, cố tình lôi kéo sự chú ý của chúng ta về khủng hoảng chung của thơ Việt, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như tín hiệu tốt lành”.

5. Trần Ngọc Hiếu qua “Cuộc nổi loạn của ngôn từ trong thơ đương đại, ghi nhận qua một số hiện tượng”, tham luận trong Hội thảo Văn học sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng trên Talawas.org, 12-5-2005, cũng đã dành một phần bàn đến Mở Miệng.

“Nhưng chúng tôi muốn lưu ý một điểm: sự suồng sã hóa thơ ca, xem thơ ca chỉ như một hình thức trò chơi giải trí, đấy chính là cách các tác giả trong nhóm Mở Miệng tự biến sáng tác của mình thành một đối trọng với thứ thơ “nghiêm túc”vốn được coi là “chính thống,” nhưng đã trở nên già cỗi, thiếu sức sống, nằm chết trong hàng loạt các tập thơ được in ra hay trên các mặt báo mà chẳng mấy ai tìm đọc. Chẳng phải hình thức thơ đang gây được nhiều khoái thú hơn cả trong dời sống hiện nay- thơ Bút Tre – cũng là một hình thức suồng sã, chưa được coi là thơ, theo quan điểm chính thống đó sao? Đi tìm mối liên hệ giữa dòng folklore hiện đại (chuyện tiếu lâm, các kiểu nhại thơ, nhại bài hát, thơ Bút Tre) với những thể nghiệm của nhóm Mở Miệng, là một đề tài có thể khơi lên nhiều điều đáng suy nghĩ mà phạm vi của tiểu luận này chưa cho phép đào sâu.”

6. “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trong tương lai gần”, là tham luận khác của Inrasara tại Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25-8-2006; báo Người Đại biểu Nhân dân, số 184 & 185, 7-2006 và tạp chí Nhà văn, số 3-2008 đăng nguyên văn (in trong Song thoại với cái mới, 2008). Về Nhóm Mở Miệng, tôi viết:

“Có thể nhận định rằng, sau Sáng Tạo những năm 60 của thế kỉ trước, Mở Miệng là nhóm thơ đầu tiên ghi dấu ấn đậm trong dòng chảy của thơ Việt. Chúng ta hi vọng năm khuôn mặt này làm nên cuộc cách tân lớn. Nhưng rồi họ cũng không thể. Tại sao?

Mở Miệng là một nhóm thơ gồm các thi sĩ trẻ sinh hoạt [vỉa hè] chung, cùng quan điểm sáng tác, biết lập ngôn để nói lên quan điểm sáng tác lạ biệt của nhóm mình. Nhưng cái thiếu của họ là: diễn đàn công khai. Dù các sáng tác của Mở Miệng thường xuyên xuất hiện trên báo điện tử cả trong lẫn ngoài nước, nhưng chính diễn đàn công khai mới mang yếu tố quyết định để tạo nên cuộc thay đổi lớn trong văn chương. Mở Miệng không được may mắn như các cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trước đó”.

7. “Thơ hậu đổi mới, và… đang khủng hoảng”, tham luận của Inrasara tại Hội nghị Lí luận – Phê bình lần thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồ Sơn, tháng 9-2006. Tham luận được viết lại thành “Nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì”, và đọc ở Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19-2-2008; sau đó đăng ở Talawas.org, 21-2-2008.

8. Tiểu luận “Thơ văn trẻ Sài Gòn ở đâu?” của Inrasara đăng trên báo Văn nghệ trẻ, số 45, 11-11-2007; Tienve.org đăng lại ngày 27-11-2007 (in trong Song thoại với cái mới, 2008). Tiểu luận nhấn về trào lưu văn chương vỉa hè Sài Gòn, dĩ nhiên không thể không đề cập đến Mở Miệng:

“Không đâu hạ sinh hiện tượng thơ văn lí luận vỉa hè như nhóm Mở Miệng cùng sự kiện Nhà xuất bản Giấy vụn cho ra đời hàng chục tác phẩm photocopy, đã và đang gây ấn tượng sâu đậm đến cuộc sống văn chương như thế… Tuyệt không đâu cả, ngoại trừ đất Sài Gòn. Bao quát cả từ góc độ này, chúng ta mới nhìn ra toàn cảnh thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh. Và chỉ nhìn từ góc độ này thôi, thơ văn trẻ Sài Gòn mới hiện thể đúng thực như nó là thế: luôn chuyển động, sẵn sàng mang mầm mống đổi mới, cách mạng”.

9. Hai bài nghiên cứu dài hơi: “Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Việt” đăng trênVanchuongviet, 21-12-2007, sau đó in lại trong Song thoại với cái mới, và “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại” đăng trên website Khoa Viết văn – Báo chí thuộc Đại học Văn hóa, Hà Nội Vietvan.vn, tháng 3-2009, in lại trong Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, NXB Thanh niên, 2014. Ở đây tôi phân tích cái “hay” của thơ hậu hiện đại Việt, trong đó nhắc nhiều đến tác phẩm của Nhóm Mở Miệng.

10. Cuối cùng, luận án Tiến sĩ “Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại” được Trần Ngọc Hiếu bảo vệ thành công tại Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 9-10-2012, trong đó anh bàn và trích dẫn nhiều thơ của Nhóm Mở Miệng.

Đó là chưa kể các bài báo lẻ, mươi cuộc trả lời phỏng vấn đề cập đến Nhóm Mở Miệng và NXB Giấy Vụn của Inrasara, như: “Phê bình văn học đứng ngoài ’văn hóa đọc’”, Thanh Xuân thực hiện, Vietvn, 23-7-2007; “Inrasara: Cần phải gọi tên đúng sự thể”, Phong Điệp thực hiện, báo Văn nghệ, 24-5-2008; “Điểm mặt thơ Việt hôm nay”, Hiền Hòa thực hiện, báo Giáo dục và Thời đại, số Xuân 2009; “Con đường đi vào văn chương hậu hiện đại Việt Nam”, Trần Thiện Khanh thực hiện, báo Điện tử Tổ quốc, 25-4-2009. Ở bài cuối này, vài đoạn đề cập trực tiếp đến Nhóm Mở Miệng:

“… nhà văn hậu hiện đại giải trung tâm không phải để chính mình trở thành trung tâm. Họ phải giữ thái độ phi tâm hóa thường trực. Thật vô ích và phi lí, nếu tất cả nhà văn Việt Nam đều viết thơ theo kiểu Mở Miệng… Hậu hiện đại làm cuộc phi tâm hóa chỉ với mục đích tạo cơ hội cho mọi trào lưu văn học cùng đề huề tồn tại và phát triển để làm phong phú nền văn học Việt Nam. Ở đó mỗi cá nhân, mỗi bộ phận ngoại vi đều có tiếng nói, có mảnh đất để thể hiện trọn vẹn mọi khả năng của mình.

… Sáng tạo hậu hiện đại Việt Nam [nhất là thơ ca] bị phân biệt đối xử bởi nhà văn nhà thơ thuộc hệ mĩ học cũ, bị kì thị bởi các cơ quan báo chí trong nước, còn các Đại học thì làm ngơ, từ đó các Nhà xuất bản không mặn mà với bản thảo của nó”.

Cuối cùng, ngay trong tác phẩm mới nhất: Inrasara, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (NXB Thanh Niên, 2014) cũng đề cập nhiều đến Nhóm Mở Miệng. Đậm nhất là: “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, “Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại”. Riêng tiểu luận “Thơ Việt, thế hệ hậu hiện đại mới”, có đoạn:

“Thà làm thơ mới dở còn hơn làm thơ cũ hay” là tuyên ngôn lặp đi lặp lại nhiều lần trong tạp chí Thơ ở Hoa Kì. Ở ngoài nước, Nguyễn Hoàng Nam đòi “quyền làm thơ dở”, thì sáu năm sau trong nước, Nhóm Mở Miệng tuyên bố “chúng tôi không làm thơ”. Lý Đợi ném bỏ quan niệm thơ hay/ dở cũ kĩ ở sau lưng, mà nhấn vào thơ thực/ giả. Thơ rác cũng được, miễn là thực; thơ “dở” cũng xong, miễn là mới. Thế là bao nhiêu thơ “rác”, thơ nghĩa địa, thơ hàng tiêu dùng, thơ “dở” được các nhà thơ hậu hiện đại và Mở Miệng xả vào nền thơ Việt Nam. Năm năm, họ đã để lại cả đống hoang tàn đổ nát – hủy phá, sáng tạo và tái tạo, vàng và thau, rác rưởi trộn lẫn với mỏ quặng… – sau lưng”.

Nghĩa là, dù chịu không ít kì thị, cấm cản, bên cạnh “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” “xuất bản trên Tiền Vệ (2005) và được đưa vào cuốn Song thoại với cái mới (2008)… dường như là bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay” (Nhã Thuyên), còn có những tiểu luận, bài trả lời phỏng vấn, bài báo của vài tác giả liên quan đến Mở Miệng đăng ở báo [và được in thành sách] chính thống xuất hiện khá đậm và kéo dài(3).

II. Quan điểm về luận văn Đỗ Thị Thoan và thực hiện thơ của Nhóm Mở Miệng.

Ở bài “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”, Vanvn.net, 19-4-2014, ở phần kết luận, Phan Trọng Thưởng viết:

“[Luận văn]… không có giá trị khoa học và thực tiễn; sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy; cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc; tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước…”.

Để tránh bị coi là “tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước”, tôi xin miễn đề cập đến khía cạnh liên quan đến [cái gọi là] chính trị [thô thiển], mà chỉ nhấn vào ba điểm học thuật: sai lầm trong chọn đối tượng nghiên cứu, tài liệu không chính thống, và cổ súy cho văn chương tục tĩu, thấp kém.

1. “sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu”.

Việc chọn đề tài nghiên cứu nào đó thì không có gì gọi là sai lầm cả. Tôi từng cho Nhóm Mở Miệng bị “các Đại học thì làm ngơ”. Nay lần đầu tiên, Đại học đã “quan tâm đúng mức”, là tin mừng, sao lại gọi là sai lầm? Đỗ Thị Thoan viết:

“chỉnh thể văn học và văn hóa trong bất kỳ không gian và thời gian nào cũng luôn luôn bao gồm dòng chính và dòng ngầm, trong đó dòng chính được coi là Trung tâm; dòng ngầm được coi là ngoại vi, là bên lề”.

Và chị là người đầu tiên dũng cảm chọn một luồng trong “dòng ngầm” ấy làm đối tượng nghiên cứu khoa học.

Cũng như Trần Ngọc Hiếu qua “Cuộc nổi loạn của ngôn từ trong thơ đương đại, ghi nhận qua một số hiện tượng” (bài đã dẫn), khi dẫn thơ của Nhóm Mở Miệng ra phân tích, không phải anh hoàn toàn đồng tình với nó, qua đó [gọi là] cổ súy cho nó, mà là mổ xẻ và đặt ra nhiều câu hỏi buộc các thành viên kia nhìn lại mình.

Thao tác này tương tự như công việc trước đó tôi từng định danh là “phê bình lập biên bản”, và đã triển khai từ năm 2005. Ngoài “Biên bản Bàn tròn Văn chương” và “Biên bản lập chậm”, tôi đã “lập biên bản” hàng trăm tác phẩm [và tác giả] thơ Việt đương đại thuộc “dòng truyền thống”, “dòng tiếp hiện”, và dĩ nhiên không chừa – “dòng khai phá”. Cả thơ dân tộc thiểu số/dân tộc đa số, nữ hay nam, trong nước/hải ngoại, địa phương/trung tâm văn hóa lớn… cũng được lập biên bản, không chút phân biệt đối xử. Riêng về “dòng khai phá”, tôi viết:

“Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay một chân lí đinh đóng hoặc cái đẹp vĩnh cửu. Cũng không từ lập trường văn học trung tâm, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Tôi đã cố giữ nguyên hiện trường như thế với Nhóm Mở Miệng, với tân hình thức Việt và các tác giả ý hướng cách tân đơn lẻ khác. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn có thể các quan điểm sáng tác, đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa. Chưa hẳn đồng tình với các quan điểm ấy, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là thế”(4).

2. “tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy”.

Khía cạnh này, phần (I) đã thể hiện rõ rồi. Tôi chỉ xin nhấn rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, nhà phê bình văn học còn có thể giữ tâm thế phân biệt trung tâm với ngoại vi, nguồn tài liệu giấy với tài liệu mạng không? Hoặc giả nhà phê bình còn có thể xem các sáng tác, phê bình, nghiên cứu đăng trên báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn hay mạng Hội Nhà văn Việt Nam Vanvn.net, vân vân… thì giá trị và đáng tin hơn Hợp Lưu, Việt, Damau.org, Tienve.org hay Vanchuongviet.org… không? Hơn nữa, nghiên cứu một hiện tượng văn chương phi chính thống mà không sử dụng tài liệu phi chính thống thì dùng tài liệu gì? Bởi có thể nói, chỉ có các tài liệu phi chính thống như Đỗ Thị Thoan đã dẫn phục vụ cho luận văn mới có độ tin cậy cao, chứ không phải ngược lại.

Tự do xuất bản bị hạn chế, người nghệ sĩ/ nhà phê bình ngoại vi tìm không gian khác để thể hiện mình. Ở đó, mạng internet là phương tiện lí tưởng. Nhóm Mở Miệng, bị kì thị, đã mở nhà xuất bản của mình: Giấy Vụn. Và, cho dẫu không kì thị, nhiều nghệ sĩ sáng tạo cũng đã chọn lựa sự tự do. Vũ Thành Sơn với 40km/h (NXB Giấy Vụn, 2007); Đoàn Minh Châu với m-n & z (Minh Châu xuất bản, 2008); Nguyễn Thị Thúy Quỳnh quaThựcthểmònruỗngtôi (NXB Tùy Tiện, 2009); rồi Trúc-Ty cùng Trước khi thành giấy vụn(NXB Giấy Vụn, 2010) hay Tuệ Nguyên với Mi & Ngôn lời (NXB Tùy Tiện, 2011)… đều là tên tuổi đáng đọc. Sáng tác của họ độc đáo, đầy khai phá và nhất là “lành mạnh”, có thể chui lọt qua cửa nhà xuất bản chính thống nào bất kì mà không phiền đến dao kéo kiểm duyệt. Thế nhưng, họ đã chọn vỉa hè. Là thái độ văn chương của họ.

3. “cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém”.

Thực hiện thơ [sáng tác, mở nhà xuất bản để in tác phẩm của mình và bạn văn đồng chí hướng, “tuyên ngôn”, trình diễn và sinh hoạt…] của Nhóm Mở Miệng không thuần là “hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém”, mà ở đó – chỉ tính riêng sáng tác – chúng chứa đựng không ít giá trị, dù đứng ở bất kì góc độ nào: thẩm mĩ văn chương hay tác động xã hội. Vả lại, trong rất nhiều trường hợp, “tục tĩu” không phải luôn luôn đi kèm với “thấp kém”, nếu người viết muốn ghép hai khái niệm này với nhau. Sáng tác của Mở Miệng, văn chương vỉa hè hay phi chính thống có khi rất tục [tĩu] nhưng chúng không hề thấp kém, trong khi đó có nhiều trường hợp (đa số) văn chương chính thống tuy không tục [tĩu] nhưng lại vô cùng thấp kém.

Tôi đã từng đề cập đến những “Khóc Văn Cao”, “Xáo chộn chong ngày” (của Bùi Chát), “Một nhà thơ bị đánh chết”, “Những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam” (Lý Đợi), “Liên tưởng”, “Biển kể về nhiều chuyện khác” (Lê Vĩnh Tài), “Tôi là cột điện”, “Cắt” (Lê Anh Hoài), hay “hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng” (Phan Bá Thọ)… như là những tác phẩm mang tính đánh động và gây phản tỉnh đầy sáng tạo. Các tìm tòi và thử nghiệm [có vẻ thấp kém] ấy không giá trị hơn bạt ngàn sản phẩm [ra vẻ cao cả, sang trọng] chẳng có gì đáng nói ngoài lặp lại và nhai lại xuất hiện nhan nhản trên sách báo chính thống sao?

Phê bình lập biên bản [hay nghiên cứu, ghi nhận một hiện tượng văn chương nào đó] là “đi vào trong” hệ mĩ học của sáng tác đó, để nhận diện nó như là thế. Chỉ có thế thôi, ta mới có thể giữ được thái độ công bằng với mọi hệ mĩ học, mọi trào lưu sáng tác, và với mọi tác giả, tác phẩm, qua đó thúc đẩy văn học phát triển lành mạnh.



Sài Gòn, 22-4-2014

_________

Chú thích

(1) Chính xác là: “lập biên bản”.

(2) Xem thêm: Inrasara, “Vài nhận định về Nhóm Mở Miệng và Nhà xuất bản Giấy Vụn”,Tienve.org, 5-2011.

(3) Dĩ nhiên đây là một thông tin chưa đầy đủ. Và tôi cũng không liệt kê các bài báo phê phán Mở Miệng mang tính quy kết chính trị.

(4) “Inrasara: Thiếu tư tưởng nên ăn theo sáng tác”, MT thực hiện, báo Lao động, số 185, 11-8-2007.

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Tri âm như thế mới là tri âm!




Tác giả: Đào Dục Tú


Ở đời mấy ai không có bạn? Mỗi khi xẩy ra sự cố gì liên quan hoặc liên tưởng đến bằng hữu, không hiểu sao tôi hay nhớ đến câu thơ của cụ Tú thành Nam “Tương tư lọ phải là trai gái- Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng”..Mường tượng cụ Tú ngồi một mình với ngọn đèn khuya; trống cầm canh điểm một tiếng “thùng” chìm vào đêm, càng làm cho đêm sâu thành Nam vời vợi cô tịch hoang liêu .



Bá Nha- Tử Kỳ. Nguồn: Trên mạng

Cụ đâu có nhớ nhân tình, cụ nói thế là nhớ bạn nam nhi, nhớ bằng hữu chí cả đồng trang lứa rồi! Nghe nói bình sinh hai cụ Phan Bội Châu – Tú Xương gặp nhau đâu chỉ một đôi lần gì đó thời cụ Phan tìm đường, tìm “đồng chí”, thực hiện hoài bão đông du cứu nước. Giữa hai cụ tri âm tri kỷ đến đâu, cụ thể thế nào, không ai biết mà cũng chưa thấy ai viết . Ví như tình bạn giữa cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến với cụ Dương Khuê đầu thế kỷ 20 người đời sau còn được biết qua những câu thơ như “Nhớ từ thủơ đăng khoa ngày trước- Lúc sớm hôm tôi bác cùng nhau- Kính yêu từ trước tới sau- Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời” (tôi nhấn mạnh “duyên trời”).



Còn cụ Tú Xương với cụ Phan, người đời chỉ suy đoán cụ Tú nhớ “người trong mộng” đến mức gần như hoang tưởng. Này nhé “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai- Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. . . . Ngày đó sông Vị Hoàng chưa “Thế gian biến cải vũng nên đồi”, đất thành Nam xưa chưa rơi vào cảnh “thương hải tang điền”- nương dâu bãi biển. Nghe tiếng ếch kêu cụ Tú tưởng tiếng ai kia mà lòng những thương những nhớ gọi đò, gọi người, gọi mình. . . . .Gặp nhau mới có một đôi lần mà “duyên trời” quả là “tuyệt hảo từ”.

Hóa ra ở mối tương giao tương tri bằng hữu quý hóa, thời gian dài ngắn chẳng có vị thế gì như người ta tưởng. Thời gian cũng như không gian trường đoạn, địa lý xa gần, tương tự. Nhớ câu thơ cổ nhiều người tâm đắc: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ- Vô duyên đối diện bất tương phùng”, có duyên với nhau thì ngàn trùng xa cách cũng thấy gần, như là . . .gặp nhau vậy. Còn đã vô duyên thì ngồi đối mặt. . . đối ẩm “cà phê đầu tuần” “cà phê cuối tuần” “quốc lủi giữa tuần”. . . cũng xem như xa lắc.

Xa hay gần, lâu hay mau đối với tiền nhân chọn bạn mà chơi chưa bao giờ thành “hòn đá thử” sức bền quan hệ, mà chính là thế giới tinh thần tình cảm của họ. Khi họ đã bắt được tần số sóng âm của nhau thì đó chính là “duyên trời”, là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Có hai loại sóng âm đặc biệt nhất trong mối tương giao giữa người và người là tình yêu trai gái, lứa đôi vĩnh hằng và tình bạn hữu cao quý. Nên cụ Tú thành Nam mới nhắc người đời: “tương tư lọ phải là trai gái” (“lọ” từ Việt cổ, nghĩa như “đâu”- nghi vấn từ, nay gần như mất dấu). Đâu chỉ có tình trai gái mới nhớ nhau, cho dù đấy là nỗi nhớ đáng… kể, đáng nể nhất ở trường đoạn thời gian thanh xuân đẹp nhất đời người. Thời nào chả thế, “có nam có nữ mới nên xuân”, các cụ nói, lại nói bằng thành ngữ, có bao giờ sai! Mà không có xuân còn chi là đời!

Bạn tri âm, nhiều người chỉ cần có vốn văn học cổ tầm tầm cũng biết xuất xứ từ một điển cổ văn học cổ Trung Hoa, chuyện Bá Nha với Tử Kỳ. Khi Bá Nha gẩy đàn, trong đầu anh ta nghĩ gì, cảm gì thì “phổ” vào tiếng đàn, ví như nghĩ đến suối reo thì tiếng đàn như có tiếng suối reo, nước chẩy chẳng hạn,vân vân. . . Chợt nhớ thơ Kiều tả tiếng đàn của nàng Kiều qua thẩm âm của cụ Nguyễn Tiên Điền và. . . chàng Kim :” Trong như tiếng hạc bay qua –Đục như nước suối mới sa nửa vời- Tiếng khoan như gió thoảng ngoài –Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”.

Chả biết chàng Kim thẩm âm ra làm sao, chỉ thấy “phán” rằng: ” Rằng hay thì thật là hay-Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” !. Còn tiếng đàn Bá Nha ?. Duy nhất chỉ có một anh chàng Chung Tử Kỳ là “lắng tai nghe” thấy tiếng đàn Bá Nha mà thôi. Nên khi Tử Kỳ qua đời (chắc vì bạo bệnh, chết trẻ) Bá Nha cũng đập tan “cây đàn nuôn điệu” (Thế Lữ) của mình, nhìn đời bẳng. . . “nửa con mắt trắng”, mắt xanh chẳng để ai vào. . . .vì cho rằng thế gian này không còn ai “biết ” ( nghĩa của “tri”- chữ Hán) nghe, biết thưởng thức, biết thẩm âm, biết bình giải tiếng đàn hàm chứa “tiếng nói trái tim” của anh ta nữa!

Chợt nhớ câu thơ Kiều tuyệt hay nhắc tới điển cố này “Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”. Thế mới hay người xưa cao kiến, cao thủ quá trong việc “chọn bạn mà chơi”, mà giao du học hỏi, mà bồi bổ cho nhau thế giới tinh thần tình cảm qua thế giới nghệ thuật cầm kỳ thi họa. “Tương tri như thế mới là tương tri”, “Tri âm như thế mới là tri âm” đáng ngả mũ nghiêng mình kính nể, ngưỡng vọng chứ! Đấy là, thường là các bậc hiền giả ,hiền sĩ, ” hiền nhân quân tử” (Chữ của Bà Chúa thơ Nôm); nghĩa là những người có học, có “chữ thánh hiền”, những người cõng ba bồ sách thiên hạ hoặc chí ít cũng cõng một hòm sách quý trên lưng!

Còn người bình dân tương tư- nhớ nhau thì giản dị chất phác lắm lắm. Nhớ câu ca dao Nam Bộ “Cơm ăn một bát lưng lưng- Uống nước cầm chừng để dạ thương em”. Thứ cơm ấy, thứ nước ấy chắc chắn trăm phần không phải của nhà phú hào quen với của ngon vật lạ, sơn hào hải vị, lại càng không phải đặc sản rừng, đặc sản biển cộng “uyt-sơ-ki” Tây xịn bạc triệu đắt tiền.

Có một thực tế không ai phủ nhận được là từ cổ chí kim, những mối tương giao tri âm bị tan vỡ bởi sự bội phản lọc lừa thì ở giới bình dân, ở người lao động mưu sinh nhọc nhằn bao giờ tỷ lệ cũng thấp, cũng nhỏ bé so với giới thượng lưu quý phái quý tộc “quý của hơn người” “quý vàng hơn nghĩa”; so với đủ loại đại ca đại gia “trọng . . . chân dài” hơn trọng nghĩa phu thê!. Tự nhiên nhớ tới những câu ca dao vừa quen lại vừa lạ. “Một ngày hai bữa cơm đèn- Lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng”, “Chồng ta áo rách ta thương-Chồng người áo gấm xông hương mặc người”, “Trèo lên trên núi đốt than- Anh đi Tam Điệp em mang nón trình- Củi than nhem nhuốc với tình- Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên”,”Giơ tay mà ngắt ngọn ngò- Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ” vân vân và vân vân…

Người ta phải tri âm – biết tiếng nhau, biết tình nhau sâu sắc lắm lắm, tình sâu nghĩa nặng lắm lắm mới có thể cho nhau, tặng nhau, dâng hiến cho nhau một “khối nhân tình” “trong ngọc trắng ngà” cao quý như thế ở đời. Mà cuộc đời của người bình dân ngày xưa, người chân lấm tay bùn ngày xưa hết khổ ải trầm luân thời phong kiến trung cổ “một nghìn năm nô lệ giặc. . . .phương Bắc (!)” kéo thêm thời “một trăm năm nô lệ thực dân” phương Tây xâm lược thời cận, hiện đại.

Đặt những mối tri âm giữa người với người trong bối cảnh lịch sử vong quốc nô đen tối ấy, nói văn hoa hình ảnh, có khác gì những đóa sen nở trên bùn hay những ánh chớp giữa đêm đen. Những mối giao tình, thâm tình tri âm “cực chuẩn” như thế hiếm mà cũng không hiếm ở đời này. Hiển nhiên thật khó có tình tri âm “toàn diện” “thập toàn” như trong tiểu thuyết, như trên sân khấu, như . . . . thơ tình

Người ta cũng có thể chỉ tri âm một khía cạnh nào đó tùy “chuẩn mực” đạo đức hay lối sống, lối cảm, lối nghĩ của riêng mỗi người. Có người thân nhau vì cùng sở thích bóng đá, “ăn bóng đá” ” ngủ bóng đá”. Lại có người “biết” nhau vì cùng chung sở đoản. . . chơi cờ hay . . .tá lả ! Điệu nghệ hơn có đôi bạn thân nhau chỉ vì cùng sở thích “bước nhẩy hoàn vũ” chẳng hạn. . .Đẳng cấp hơn có người chơi với nhau vì cùng chung “gu nghệ thuật”, tranh cổ điển,nhạc tiền chiến, nhạc Văn Cao, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Duy, Đoàn Chuẩn vân vân. Thế thôi cũng là quý rồi; ở đời mình biết cho nhau niềm vui thường nhật!

Nghĩ lan man đến thới hậu hiện đại a-còng. Thôi thì đủ loại bạn, đủ cấp độ bạn, kể cả hai thứ bạn đặc thù là bạn tình, tình nhân và bạn hữu, ai dám đoan chắc người tri âm thời nay đông hơn về số lượng và cao hơn thời xưa về chất lượng tinh thần? Các cụ dạy con cháu, cô đúc trong một câu “phú quý bất năng dâm- bần tiện bất năng di”, đại ý giầu không mê muội thay lòng, nghèo không đổi dạ. Thay lòng đổi dạ, “giầu đổi bạn, sang đổi vợ” chuyện nhỏ, chuyện thường nhật “chật chỗ” mặt báo viết đủ loại lá đa lá đề lá cải lá nho thời nay mất rồi! Các cụ nghệ nhân tuyệt vời thời xưa còn hoàn thiện vở chèo tuyệt hay về tình bạn cao cả Lưu Bình- Dương Lễ, khán giả thời nào cũng nhiều người mê. Lo cho bạn, vì bạn, được như gương Dương Lễ “tự nguyện tự giác để vợ đi nuôi bạn ăn học” đỗ đạt làm quan, đổi đời trông thấy, hỏi trong cuộc đời thực, dễ có mấy người? !

Hình như trong cuộc sống quá nhiều phần tranh đoạt, bon chen, nhiều mưu ma chước quỷ cùng quá lắm bất trắc bất an hiện nay, không hiếm nơi, không ít chỗ u u minh minh tranh tối tranh sáng. Người tri âm lặn sâu đâu chẳng thấy, chỉ thấy nổi lên quá lắm kẻ được. . . lãnh đạo chỉ định, định danh “thoái hóa biến chất” “một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức có quyền”, “bầy sâu ăn hết phần của dân” khiến có . . .nhà thơ cảm khái than thở . . . chất người thời nay “bọt bèo thì nổi phù sa thì chìm”!

Đấy là đám người tùy thời trục lợi, kẻ tri kỷ- không phải theo nghĩa “biết mình biết người” tri âm tri kỷ tốt đẹp, mà là chỉ cần “biết” có mình, thực chất là tư lợi vị kỷ và “biết người”. . . thừa tiền tài, quyền lực; biết sử dụng sức mạnh của quyền lực đồng tiền, Tự nhiên nghĩ tới câu thơ của cụ Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc “Vui gì thế sự mà mong nhân tình”. Không mong không ước có/được nhân tình, tình người với nghĩa nhân bản nhân văn cao quý, hỏi làm sao mà những ai đã vượt mốc nhân sinh “xưa hiếm nay không hiếm” sống vui sống khỏe sống có ích cho đời, vì đời đây, thưa quý vị đã lên ông lên bà?! ./ .

Yêu bản thân mình là một cách lan tỏa tình yêu




Photo: Richard Stewart James Gaston


“Mình không vì mình, trời tru đất diệt”

Có một người bạn của tôi, sắp ra trường, xem ra cũng có khá nhiều tâm sự. Hôm nay bạn viết status, ý rằng “Có nhiều thứ tình yêu còn quan trọng hơn tình yêu cá nhân” – Thực ra tôi vẫn không hiểu ý lắm – tình yêu cá nhân ở đây là tình yêu nam nữ, hay tình yêu dành cho bản thân mình? Dù sao đi nữa, cái vế đầu tiên có hai chữ “tình yêu” và “quan trọng” – khiến tôi nghĩ đến ngay cái clip của chú Ralph – “How to love yourself”

Nói cái cụm “yêu bản thân mình” thật là sáo rỗng, vì nó đã xuất hiện ở hàng tỷ tỷ nơi – viết thế này cũng hơi bị sáo rỗng, vì muốn không sáo rỗng – thì phải biết hành động kia. Nhưng dù sao đi nữa, tôi rất yêu bản thân mình, và mỗi khi tôi muốn viết, thì tôi sẽ viết, chỉ đơn giản thế thôi, còn ai thấy sáo rỗng và thuyết lý, cứ việc. Tôi cứ viết.

Tưởng rằng “mình không vì mình” là một chuyện thật kỳ lạ, nhưng thực ra đa số trong chúng ta lại “vì mình” rất ít. Chẳng qua cái sự “trời tru đất diệt” nó âm ỉ, chẳng qua ông trời không thích đổ ập một phát xuống đầu cho chúng ta một sự ra đi trong hoành tráng và thảnh thơi, cái “người” được mệnh danh là “trời” “đất” sẽ làm cho chúng ta hối hận và thấm thía. Chỉ khi đi đến cuối cuộc đời, chẳng còn thời gian mà yêu mình nữa…

Phải đến hơn 20 tuổi, tôi mới ngộ ra “chân lý” đó, qua cái clip của chú Ralph, qua những sự việc, những người mình đã trải qua, và đúng là thấm thía…

Chẳng ai tưởng tượng nổi một cô gái vui tươi như tôi đã từng có những lúc tâm trạng thật đáng sợ. Tôi cảm giác mọi thứ xung quanh mình như không thuộc về mình. Tôi cảm thấy trống trải. Tôi cảm giác không có ai đứng về phía mình. Tôi rất dễ khóc và tức giận, cảm thấy chênh vênh với những thứ gọi là “ước mơ” của mình. Tôi cảm giác bạn bè rời xa tôi.. Cứ như một con bé tự kỷ và u ám.

Nhưng cũng thật kỳ diệu, vì có lẽ tôi quá tốt số, vì may mắn luôn bên cạnh tôi, mà dần dần tôi ngộ ra được, tất cả mọi thứ xung quanh, đều do mình mà ra cả. Sức mạnh không nằm ở người ngoài, sức mạnh nằm ở chính bản thân mình…
Yêu bản thân mình đi. Tại vì…

Tại vì có ai “độc nhất vô nhị” như bạn đâu? Như những người bạn xung quanh tôi, chẳng người nào giống người nào cả. Ờ thì đôi lúc cũng có hao hao giống nhau mắt, mũi, hoặc một số bộ phận khác không thể nêu tên, thậm chí có những người có giọng nói cực giống nhau nữa. Nhưng không có cái máy copy nào lại ra được y xì xì như bạn cả.

Tại vì chẳng có ai điều khiển được mọi thứ xung quanh bạn như bạn cả. Ờ, thật ra chẳng có gì “làm gì” bạn cả, vấn đề là ở chỗ cách bạn “re-act” lại với cái bạn nghĩ nó đã “làm gì” bạn. Nắm được điều này, bạn sẽ cảm thấy mình làm chủ được tất cả mọi thứ, sẽ không còn cảm giác oán thán trách giận, coi mình là nạn nhân của mọi thứ, của mọi người. Nắm được điều này, bạn sẽ thấy mình thật mạnh mẽ. Hãy luôn nhớ câu này: “I take 100% reponsibility of my life.” Chỉ cần luôn giữ được thái độ đúng đắn, bạn sẽ luôn thấy mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình…

Như chuyện…rất giản dị và đời thường, là chiếc tông bị đứt quai của tôi. Hôm đó đi xe, rất đông, vì ngồi đầu xe nên tôi để dép ở dưới, anh phụ xe đã cho một chị đi dép cao mượn, và hình như do chân mình quá nhỏ, nên chị ấy đã làm đứt một bên. Tất nhiên, lúc đó tôi hoàn toàn có quyền giận dữ. Đó là một trong hai con người luôn trong tôi. Nhưng thật may mắn, tôi đã chọn con người thứ hai, nên đã cười tươi và chấp nhận… đi chân đất về nhà.

Đằng nào thì chiếc tông ấy chẳng đứt, giận dữ không giúp nó lành lại được, còn vẫn vui vẻ và tươi cười khiến tôi cảm thấy mình làm chủ được tình huống, giữ được sự thân thiện tươi vui với mọi người, và làm cho không khí xung quanh tôi luôn tươi tắn – đó là điều tôi muốn. Có lẽ nhiều người sẽ chọn cách không giận dữ, nhưng đảm bảo sẽ không vui tươi bằng tôi lúc đó, bởi vì tôi thấy mọi người xung quanh bị… ngạc nhiên.
Yêu bản thân mình là một cách lan tỏa tình yêu

Với bất kỳ điều gì, đều có sức lan toả. Suy nghĩ tiêu cực lan tỏa, lây lan. Suy nghĩ tích cực cũng thế. Tình yêu cũng thế. Chỉ khi bạn biết trân trọng giá trị của bản thân mình, bạn mới biết yêu người khác.

Đó là lý do tôi rất… không thích, và hay… bắt bẻ những bài hát nhạc trẻ thất tình, hoặc… không thất tình, đều có mấy câu kiểu kiểu: “Yêu anh/yêu em hơn chính bản thân mình.” Tôi sẽ không bao giờ yêu một chàng trai nào đi yêu tôi hơn chính bản thân mình cả, vì đó không phải là tình yêu. Đó chỉ là thứ tình cảm lệ thuộc, bám víu lẫn nhau. Tất nhiên, con người ta rất cần nhau, nhưng không có ai cần ai HOÀN TOÀN, trong suốt cả cuộc đời cả.

Yêu bản thân mình, nghĩa là bạn nâng cao rung cảm với thế giới. Chắc các bạn biết cụm từ “bắt sóng cảm xúc” đúng không. Cho một nụ cười, trong hầu hết các trường hợp, các bạn sẽ nhận lại được nụ cười, thậm chí còn nhiều nụ cười nếu các bạn cười với nhiều người cùng một lúc – nếu thấy lười. Một nụ cười, hai nụ cười, ba bốn và nhiều nụ cười, sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn, nhiều không khí thân thiện hơn.
Cho đi một sự chia sẻ, một niềm vui, một sự động viên, khích lệ, các bạn sẽ nhận lại rất nhiều…

Và đó là lý do tôi, một đứa học tiếng Anh chẳng ra đầu, chẳng ra cuối, đã viết những note, status cho các bạn trong friendlist mà không ngại ngần người khác nói ti toe với mong muốn chân thành sẽ giúp các bạn yêu thứ tiếng mà tôi cũng đang yêu…

Đó cũng là lý do tôi viết bài viết này này, rất nhiều bài viết tương tự , với mong muốn nhỏ, là có một vài người đọc được những sự chia sẻ của mình, trước hết, là thỏa mãn bản thân, và sau nữa, biết đâu, nó lại có ích cho các bạn.

Đó cũng là lý do tôi làm hàng tỉ tỉ thứ khác. Tôi rất thích ở bên cạnh những người thân, bạn bè của tôi. Tôi thích kể chuyện cười nhí nhố. Tôi thích vui vẻ. Tôi thích mang lại cho họ niềm vui, nguồn động lực. Tôi vẫn chưa rõ tôi sẽ thành gì, nhưng tôi thích thành keo dán, để gắn kết mọi thứ. Có thể không cần phải là một nhà lãnh đạo, một leader, lạ thật, tôi chẳng thích vị trí nổi bật, tôi thích mình như một… hạt nước, giống những hạt nước khác. (tất nhiên là cũng phải khác nữa chứ)

Ừ, tôi thích tôi vẫn cứ lùn như thế, vẫn lóc chóc như thế, vẫn được người lớn xoa đầu như thế. Tại tôi rất yêu tôi. Tình yêu lúc nào cũng đẹp.

Ừ, cuộc sống là để chia sẻ, để trải nghiệm và để yêu. Yêu và ghét, ghét thì khó chịu, vậy tội gì mà không yêu. Yêu đi nhé, yêu mình trước ấy.



Totto Chan


Nơi nào ta sống thật, đó là thế giới thật




Photo: Karen D Tregaskin



Máy vi tính thật sự là một phát minh vĩ đại, nó ảnh hưởng đến tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống và tạo ra thêm rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Nhưng nó chỉ thật sự trở nên gần gũi với người dân khi Bill Gates cùng các cộng sự tạo nên hệ điều hành đầu tiên và sau đó là các phiên bản Windows – những giao diện giúp người dùng khai thác, sử dụng và gần gũi với máy tính nhiều hơn. Rồi mạng internet xuất hiện để mọi người chia sẻ dữ liệu với nhau, truyền thông tin cho nhau, rồi các loại trò chơi trực tuyến, các mạng xã hội ra đời dần dần hình thành nên một thứ mà chúng ta gọi là “thế giới ảo”. Và đã là thế giới thì tối thiểu phải có hai thứ: Ánh sáng và bóng tối.

Ánh sáng ở đâu? Hãy nhìn quanh và bạn có thể dễ dàng thấy ánh sáng khắp nơi. Loài người là sinh vật sống trong ánh sáng. Ngay cả việc bạn có thể đọc những dòng này cũng là một phần ánh sáng của công nghệ thông tin. Nơi nào có ánh sáng thì nơi đó có bóng tối. Về bản chất thì bóng tối cũng như ánh sáng, nhưng bởi vì nó là cái gì người ta không thể nhìn thấu, là thứ người ta sợ hãi, xa lánh nên nó trở thành nguyên liệu tốt nhất cho những câu chuyện ma, chuyện kinh dị và dần dần thành hiện thân của cái ác, cái xấu. Đó là do chúng ta làm cho ánh sáng và bóng tối thành như vậy chứ chẳng có thánh thiện hay tà ác nào ở đây.

Internet, game online hay mạng xã hội cũng như vậy. Khi đã tạo ra một “thế giới ảo” thì ta cần biết nó cũng có ngày và đêm, cũng có ánh sáng và bóng tối. Ngày thì làm việc, đêm thì nghỉ ngơi. Sáng ngắm bình minh, chiều ngắm hoàng hôn, tối thì ngắm trăng sao. Đó mới là cách hưởng thụ cuộc sống.Thế nhưng có một số lập luận lại chỉ ra bóng đêm nguy hiểm thế này, tai hại thế kia để kéo theo rằng ánh sáng cũng chả ra gì và nên từ bỏ cái “thế giới ảo” để “trở về cuộc sống thực”?!

Tôi cho rằng: Ảo hay thực là cách bạn sống, không phải là thế giới mà bạn sống trong đó.

Bạn cho rằng không nên suốt ngày cắm đầu vào máy tính hay điện thoại, kéo kéo từng trang mạng xã hội, chúi mũi vào các video, không nên gửi tâm trạng vào các dòng status, không nên trò chuyện với những người bạn quen biết trên mạng xã hội… vì những điều đó là không thật? Bạn khuyên nên tắt máy tính, chạy ra ngoài xã hội, gặp gỡ người thật, làm những việc thật… thì mới là thật?! Liệu có chắc rằng những người nghe lời khuyên của bạn khi bỏ cái “thế giới ảo” này để chạy sang “thế giới thật” lại không trở thành những kẻ ngồi lê đôi mách, tụ tập chơi bời, quậy phá nhậu nhẹt…?

Cũng giống như nói về vấn đề “cai nghiện facebook” của một số bạn, tôi từng nói là: Một ngày của chúng ta ai cũng có 24 giờ thôi, nếu bạn thật sự muốn cuộc sống thú vị hơn thì cứ tìm việc thú vị, có ích mà làm, tự nhiên thời gian dành cho facebook sẽ giảm lại hoặc không còn nữa. Còn nếu bạn không có việc gì khác để làm thì bỏ facebook rồi bạn cũng sẽ tìm đến một thứ khác để giết thời gian thôi.

Quan trọng hơn là nhiều người do muốn đạt mục đích lại lập luận một cách lệch lạc, lấy cái hay của thế giới này so với cái dở của thế giới kia. Giống như một người vô công rỗi nghề, thích ăn diện, show hàng, khoác lác… từ thế giới ảo nhảy qua thế giới thực một phát là trở thành con ngoan trò giỏi, thanh niên gương mẫu vậy. Cách so sánh đó mới “ảo” làm sao!

Nếu bạn là một người năng động, thích tiệc tùng, tụ tập, cười đùa với bạn bè, hãy nghe Criss Jami nói câu này:


“Telling an introvert to go to a party is like telling a saint to go to hell.”

Nghĩa là: “Bảo một người hướng nội đi dự tiệc cũng giống như bảo một vị thánh xuống địa ngục vậy.”

Nếu muốn tìm hiểu thêm thế nào là người hướng nội, và họ khác với những người hướng ngoại như thế nào, hãy xem video “The power of an introvert” của Susan Cain. (có phụ đề tiếng Việt)

Điều tôi muốn nói qua những trích dẫn trên là: Sự khác biệt, sự phù hợp và sự lựa chọn. Đừng đắm mình trong thế giới ảo để chìm sâu trong đó nếu bạn không thật sự muốn như vậy. Nếu bạn biết mình đang làm gì và đó thật sự là cuộc sống mà bạn chọn, bạn hạnh phúc với nó, thì tại sao không?! Bạn vẫn có thể có nhiều bạn bè, vẫn có thể tạo ra giá trị trong thế giới ảo này, và những giá trị đó là giá trị thực. Đừng quan niệm giá trị ảo thì không phải là giá trị. Bạn nghĩ rằng Google là những cổ máy trong một cái xưởng khổng lồ thôi sao? Không, Google đâu phải những cổ máy đó, Google là cái ảo nhưng nó mang đến giá trị thật, nó nuôi sống và giúp ích cho hàng triệu triệu người.

Lại nói, trong “cuộc sống thực” này mọi người đều sống thật hay sao? Bao nhiêu người sống vì cách nhìn của người khác, sống theo chuẩn mực của người khác, làm việc và học tập vì lý tưởng của người khác? Bao nhiêu người chết vì cái “sĩ diện hão”? Ở xã hội thực này lại thiếu những cái “ảo” đó hay sao?! Người ta đối xử với nhau bằng chân tình cả sao, tiếp xúc với nhau thì không lừa dối nhau, tổn thương nhau sao? Những người yêu, người vợ, người chồng ngoài đời này lừa dối, phụ bạc nhau ít sao?

Nếu nhìn một cái nhìn hư ảo, thì cuộc đời này có cái gì là thật đâu bạn. Tất cả mọi thứ đều chỉ là mây gió thoảng qua thôi. Điều quan trọng để xác định một thứ gì đó là thật hay ảo đối với bản thân ta chính là ta có thật sự đặt tâm trí mình vào đó hay không, ta có đang “sống” trong đó hay không. Nơi nào ta sống thật, nơi đó là thế giới thật.



Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo