Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Liệu sẽ có chiến tranh giữa Việt Nam vs. Trung Quốc?


 
Photo: Xinhua



Liệu giàn khoan HD-981 có đủ làm bùng nổ chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Tôi không tin.

Chắc chắn sắp tới Việt Nam sẽ có phản ứng cứng rắn trước hành động lấn chiếm ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng nhà cầm quyền tỉnh táo đủ để biết dừng lại ở một mức độ nào đó với hai mục đích: Một, để bắn tiếng với Trung Quốc là họ sẽ không nhường nhịn được nữa; và hai, để chứng tỏ với dân chúng là họ không bán nước hoặc hèn nhát. Mức độ của sự “cứng rắn” đó sẽ là: Một, dùng các tàu hải cảnh, hải giám và ngư chính thay cho tàu quân sự; hai, đánh nhau bằng ngôn ngữ: mức độ xa nhất là dọa kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế.

Hơn nữa, từ phía Trung Quốc, tôi vẫn không thấy có bất cứ lý do chính đáng nào để họ gây chiến.

Gây chiến, lợi ích duy nhất của Trung Quốc là thuộc về chính trị đối nội: hâm nóng tinh thần dân tộc chủ nghĩa của dân chúng để củng cố quyền lực của đảng cầm quyền, qua đó, chính quyền sẽ mạnh tay trấn áp tất cả những lực lượng hoặc mầm mống đối kháng. Có điều, những sự đối kháng tại Trung Quốc chưa trầm trọng đủ để Trung Quốc phải sử dụng đến chiến tranh bên ngoài.

Trong khi đó, những thiệt hại thì vô kể.

Thứ nhất, từ kinh nghiệm năm 1979, Trung Quốc không thể tự tin là kết thúc chiến tranh một cách thắng lợi hay dễ dàng.

Thứ hai, từ kinh nghiệm mấy ngàn năm chiến tranh với Việt Nam, Trung Quốc cũng thừa biết tính cách của người Việt Nam: đánh nhau đến cùng. Do đó, khi khai chiến với Việt Nam, họ biết cuộc chiến ấy sẽ khó có ngày kết thúc.

Thứ ba, chiến tranh chỉ làm cho nhà cầm quyền Việt Nam mạnh hơn: họ được sự ủng hộ của toàn dân.

Thứ tư, nó làm cho các quốc gia Đông Nam Á sợ hãi, từ đó, đoàn kết hơn, có thể hợp thành một liên minh để chống Trung Quốc; và cũng nhờ đó, Mỹ có lý do để dấn sâu vào khu vực: Một trong những kế hoạch họ có thể làm là xây dựng một tổ chức tương tự với khối NATO ở châu Âu, một điều gần đây báo chí Tây phương rục rịch bàn luận.

Thứ năm, trong lúc dự án thành lập khối liên minh rộng lớn ấy chuẩn bị, một trong những điều Mỹ và Việt Nam có thể làm nhanh được là đẩy mạnh quá trình hợp tác quân sự để bảo vệ Biển Đông, nơi cả hai nước đều chia sẻ một số quyền lợi chung.

Thứ sáu, việc gây chiến với Việt Nam sẽ làm mất hình ảnh phát triển trong hòa bình mà Trung Quốc đã tốn bao nhiêu tiền để xây dựng lâu nay. Mất hình ảnh ấy, Trung Quốc sẽ bị nghi ngờ từ mọi phía. Hiện nay, Trung Quốc đã khá giàu và mạnh, nhưng họ chưa giàu và mạnh đủ để thách thức với cả thế giới. Trung Quốc vốn đã cô độc. Họ không thể tự mình làm cho mình cô độc hơn. Điều đó không những ảnh hưởng đến chính trị mà còn có tác hại cả trong lãnh vực kinh tế.

Cuối cùng, thứ bảy, Trung Quốc có thể đạt được bất cứ thứ gì họ muốn từ chính quyền Việt Nam. Bằng đút lót. Bằng mua chuộc. Bằng hăm dọa. Bằng phá rối kinh tế. Vân vân. Họ không cần phải đánh nhau.

Ở trên là những phân tích có tính thuần lý. Trên thực tế, sẽ có hai vấn đề:

Thứ nhất, khi đã quyết định đối đầu, dù chỉ bằng các loại tàu hải cảnh, hải giám và ngư chính, không ai có thể biết chắc diễn tiến sẽ đi đến đâu. Chỉ cần vài phát súng, vài người chết và vài người không kiềm chế được sự tức giận, chiến tranh có thể sẽ nổ lớn bất cứ lúc nào.

Thứ hai, trong lúc chưa chính thức đánh nhau, một trong các chiến thuật có lẽ sẽ được Việt Nam sử dụng là kéo dài vụ tranh chấp càng lâu càng tốt, chủ yếu để thu hút sự chú ý của quốc tế, đồng thời để dễ kêu gọi sự hậu thuẫn của thế giới. Tuy nhiên, như vậy lại đẩy Trung Quốc vào thế không thể nhượng bộ: Rút giàn khoan về nước sẽ bị xem là thua cuộc. Với Trung Quốc, sĩ diện là một vấn đề rất lớn. Chắc chắn họ sẽ đòi Việt Nam trả một giá nào đó. Bằng một sự nhân nhượng nào đó, chẳng hạn.

Không chừng sẽ nhân nhượng bằng cách để mặc cho giàn khoan của Trung Quốc hoạt động nhưng với điều kiện: Nhích ra xa một tí. Ví dụ: một cây số!

Như vậy cả hai bên cùng thắng.

Chỉ có dân tộc Việt Nam là thua.



Nguyễn Hưng Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét