Tác giả: Xuân Đức
Một tiếng nổ?
Mặt đất rùng mình. Tai Phú sôi ù ì dẫu rằng tiếng nổ không to lắm vì khoảng cách từ đây tới đó khá xa. Anh ấy đã làm sai quy cách? Anh ấy liều? Anh ấy đã không giữ đúng lời hứa? Anh ấy đã?...
Câu hỏi xoắn xuýt rối mù như khói. Phú chạy sấp ngửa, chạy xiêu vẹo, miệng đắng khô trong cảm giác đổ vỡ tất cả. Đó là một điều lạ lùng chưa hề thấy ở người nữ Xã đội trưởng đã tròn tuổi ba mươi này. Lạ lùng tới mức chính Phú cũng không tự hiểu nổi mình nữa!
Phú vẫn chạy, lập bập như một người dẫm chân tại chỗ. Vẫn chưa thấy khói, chưa thấy mặt đê vỡ toác ra, nước lũ xối òa ra lênh láng mặt ruộng... Chưa thấy chi trơn! Có lẽ điều Phú cảm được sớm nhất là những cảm xúc kỳ quặc trong người. Anh ấy... chưa bao giờ chị gọi Đản bằng những tiếng ấy. Thường thì "đồng chí Đản", vui hơn thì gọi "ông", lúc có nhiều người, nhất là đám bạn gái thì Phú lại gọi "chú"... Phú rất thích dùng tiếng "chú" để gọi những anh con trai ít tuổi hơn mình, thậm chí cả với người ngang tuổi. Chẳng ai mất lòng cả. Dù Phú chưa có con những đã có một đời chồng. Hơn nữa, cái chết của chồng chị - người Xã đội trưởng đầu tiên của ấp Ba Thung này - mãi mãi vẫn là điều thiêng liêng của toàn xã. Chị xin với huyện, xin như một sự van nài được thay thế chức vụ chồng. Chẳng ai cười chị dở hơi, chỉ thấy thương đến ứa nước mắt. Bởi vì đó là một việc hết sức trọng đại. Chị bỗng thấy mình già hơn cái tuổi vốn có. Đối với nhiệm vụ thì sự già dặn ấy là một điều hết sức cần thiết.
Sự già dặn nghiêm trang ấy đang bị một tiếng nổ phá vỡ.
Sao mình lại kỳ cục vậy? Có phải vì mình đã lỡ xem những dòng nhật ký của anh ấy? Không phải! Không phải! Đừng có mà nghĩ lung tung...
Đúng là "ông ta" đang làm sai quy cách? - Phú có phần bình tĩnh hơn. - Nhưng sao Đản lại có thể sai quy cách được? Người Trung đội trưởng công binh giàu kinh nghiệm, một tay đã phá hàng trăm quả bom, mìn, giải phóng hàng chục héc ta đất... Nhưng với quả bom này, cách chân đê chưa tới 5 mét thì việc phá nổ nó tai hại biết chừng nào? Đản đã hứa là không cho nó nổ. Chắc lại thiếu kiên trì? Chao ôi sự kiên trì quý giá và khắc nghiệt biết bao, nhất là sự kiện trì im lặng!
"Phải! Tôi không phải là người say tiếng nổ. Nhưng tôi không sợ nó. Thực ra sự im lặng mới đáng sợ hơn! Tôi nhận ra điều ấy gần như đồng thời với sự nhận ra điều nguy hiểm đang phập phồng bên tôi. Điều nguy hiểm - xin đừng hiểu là trong những quả bom chưa nổ. Nó chính là trái tim tôi..."
Tôi không hiểu gì cả. Những dòng chữ này cũng đầy bí hiểm như một bãi mìn. Nhưng anh đừng tưởng tôi không hiểu tý gì cả đâu. Tôi hiểu, có điều không phải từ những trang nhật ký ấy, mà chính từ ánh mắt chớp vội nhìn tôi trước mỗi lần lao các hút bom. Ánh mắt né tránh dưới lớp mi dày. Thường thường thì tôi không kịp tới gặp nó. Mi anh đã nép xuống lặng im. Rồi cả người anh tụt sâu vô hút bom, trút lại cho tôi sự lặng im đến khủng khiếp. Cứ thế, gần bảy năm rồi!...
Một người đâm sầm lại phía Phú chắn ngang đường, hai tay quờ ra tóm lấy vai chị. Giọng miền Bắc run, nhòe nước mắt.
- Chị ác lắm! Chị ác lắm! Chị ơi!...
Mặt Phú đanh lại, miệng há tròn:
- Kim Hà?? Chuyện gì vậy em? Nói mau đi!...
- Anh ấy... Chị không biết gì cả. Chị... vô tâm... Chị ác lắm...
- Đồng chí không được phép nói như rứa! Anh Đản làm sao rồi? Hứ?
Kim Hà ngừng lay vai Phú, ngẩn ra, mắt lóng lánh nước. Rồi bất ngờ cô áp cả người sang ngực Phú giọng bối rối theo nhịp đập loạn xạ từ tim chị truyền sang.
- Anh ấy kéo... kéo bom ra khỏi hút... Kéo... kéo ra xa... lẽ ra lăn xuống cái hố bên cạnh, thì anh vẫn kéo... Bên kia đê nước nó vẫn cứ rập... rập rình... thành thử anh vẫn kéo... Nhưng mà trời ơi!...
Phú gạt mạnh tay như quặt một mái chèo giữa con nước xoáy. Người Kim Hà xiêu qua một bên. Phú lao vù đi. Có cảm giác như tiếng nổ ấy đang nổ hoặc chưa kịp nổ, chuẩn bị nổ... Lạy trời còn kịp bịt nó lại. Mau lên!...
Kim Hà đứng sững người không còn đủ minh mẫn để gọi giật người Xã đội trưởng lại. Còn gì chỗ ấy nữa mà chạy đến hả chị? Người ta đã khiêng anh ấy lên bệnh viện Đông Hà rồi. Lẽ ra em phải nói ngay điều ấy cho chị yên tâm. Tại sao em lại quýnh lên như thế? Em lại nỡ mắng chị nữa. Em tệ quá, thô bạo quá!
Kim Hà không còn đủ sức để nói và cũng không còn sức để chạy theo Phú. Phía trước khói đã loãng dần. Người trong thôn đổ ra mỗi lúc một đông. Những dáng người chờn vờn, những bước chân thậm thịch đâu đó. Kim Hà bước chênh vênh trên con đừng lổn nhổn bước chân trâu. Con đường sẫm đen giữa một vùng nước bạc. Thỉnh thoảng loi thoi ngọn cỏ năn nhô lên ngơ ngác.
"Quê anh nghèo lắm bạn ạ! Tất nhiên cái nghèo ấy không phải lỗi tại đất đai. Hình như anh đã nói với bạn rồi. Dạo chúng mình mới biết nhau ở làng Vân Côn ấy. Anh sinh ra và lớn lên chưa thấy mảnh đất quê mình có lấy được một ngày hít thở gió lành khí trong. Bom đạn liên miên. Xóm làng tan nát. Người dân quanh năm bới đất, đào hầm... Anh đã kể với bạn rất nhiều điều tương tự như thế. Bạn còn nhớ không?"
Dĩ nhiên là em nhớ. Nhưng nhớ nhất chưa hẳn đã phải là những điều anh kể, mà lại là cái dáng ngồi của anh bên bờ sông Đáy. Anh rất hay ngồi một mình. Thoạt đầu em cứ ngỡ anh đang nhớ nhà, nhớ bạn... Bởi vì đó là thời gian anh mới xa quân ngũ về trường... Trường lại sơ tán lên mãi tận Vân Côn.
*
Phú đã quay trở lại từ lúc nào, đứng lạnh như chết trước mặt Kim Hà, miệng mím chặt. Có cái gì ghê gớm lắm đang dâng lên hừng hực trong người chị. Có lẽ là nước mắt? Nhưng Phú không khóc. Chị bất ngờ chụp mạnh đôi tay lên mái tóc phi zê của Kim Hà vít mạnh xuống. Rồi đôi vai tròn rung lên. Tiếng Phú thì thào như tiếng gió:
- Hà ơi! Chị có lỗi... Chị có lỗi với anh ấy...với em. Em mắng chị là đúng... Em cứ mắng chị nữa đi!...
Sao lại thế hả chị? Chị không hề có lỗi với anh ấy. Bởi việc đi phá quả bom này là ý kiến tự nguyện của anh. Mà công bằng ra, chỉ có anh Đản mới đủ trình độ tháo quả bom ấy. Còn đối với em, chị lại càng không thể có lỗi... Sao chị lại nghĩ là thế! Anh Đản với em chỉ là bạn. Bao nhiêu lần em gọi to lên tiếng "bạn" ấy. Vì sao em phải gọi to lên, chị biết không? Bởi vì em sợ một tiếng khác sẽ âm thầm len lỏi lặn vào người em lúc nào đó không hay. Bởi vì em quý chị như một người chị ruột. Từ ngày em vào thực tập ở đất này, được gặp chị, hiểu chị, được chị giúp cho bao nhiêu bài học vô giá. Bài học lớn nhất chính là tình yêu của chị. Thực ra em biết chị trước cả khi vào đây. Anh Đản đã kể với em về một người phụ nữ - một người vợ của bạn anh ấy. Chính những điều anh ấy kể về quê hương, kể về chị, cả cái việc anh ấy nhất quyết xin thôi học để trở về xây dựng lại thôn xóm đã khiến em dám chọn cái nơi xa quê mình hơn nửa ngàn cây số để thực tập những bài học lớn lao cho cuộc đời mình. May mắn làm sao, em lại được gần chị.
Kim Hà chợt ngẩng dậy, Phú cũng ngẩng lên. Hình như cả hai đã bắt gặp ý nghĩ của nhau. Kim Hà chợt lúng túng.
- Chị... Chị có định lên viện không?
- Nhất định phải lên rồi! Còn Hà?
- Em cũng nhất định ...
Hà bỗng ngậm vội lại. Sao mình lại cứ lặp lại nguyên xi như vậy? Mình là bạn, còn chị ấy?...
- Thôi, về đi em! Chị cần hội ý với Đảng ủy, Ủy ban, huy động bà con ra đắp lại khúc đê ấy.
- Khúc đê vẫn an toàn mà. Quả bom đã được kéo ra mười lăm mét...
- Chị biết rồi. Lúc nãy chị đã xem rất kỹ. Sức chấn động của tiếng nổ lớn lắm, ruột đê có khả năng bị rạn. Phải phòng xa em ạ.
Rõ ràng chị có lý. Bởi ngay cả lúc rối rắm nhất chị cũng dành được những phút trầm tĩnh để nhìn con đê, để suy nghĩ, dự phòng tới cái điều xấu nhất do chấn động của tiếng nổ. Trách gì chị có gan im lặng suốt bao nhiêu năm trước anh ấy!... Nhưng chị có dự phòng tới sự bùng xé hôm nay không? Tội anh ấy quá chị ơi! Cho đến phút này rồi anh ấy vẫn không được một lời đáp lại. Cuốn nhất ký mà em chuyển qua tay chị đó, nó đã thành tiếng vọng sâu xa gấp trăm ngàn lần tiếng bom...
"K.H ơi! Bạn hỏi tôi điều ấy thật khó trả lời. Có thể người ta biết, mà cũng có thể không. Tôi không bao giờ ngộ nhận. Tôi có thể làm tất cả, hy sinh tất cả vì tình yêu ấy; bởi một điều rất dễ hiểu là chị ấy với mảnh đất này đã là một trong tâm tưởng của tôi...
Tôi chưa nói với người ta tất cả những suy nghĩ của mình vì một lý do nữa. Chưa có thời gian! Những bãi mìn, bãi bom do kẻ thù để lại đang phơi đầy trước mặt. Tôi không muốn, dù chỉ một giây, chị ấy lại phải rối trí vì những việc không đâu. Nhưng tôi lại muốn nói riêng với bạn. Tôi cần nói vì không muốn mang sự rối rắm ấy trong mình để bước vào cái nơi cần sự thanh thản nhất. Thôi, tôi đi đây. Quả bom thứ ba mươi đang chờ. Có thể là một sự hiểm nghèo nhất đang chờ. Nhưng dù sao cũng mong rằng đêm nay bạn được ngủ ngon..."
*
Quả bom thứ ba mươi, Đản lại an toàn.
Quả bom thứ bốn ba, Đản bị thương nhẹ ở tay.
Quả thứ sáu mươi chín, anh bị choáng và ngất...
Quả một trăm lẻ bảy đã kích thích một quả khác bị vùi gần đó cùng nổ nên Đản bị một mảnh to cắm vào đùi. Đi viện gần một tháng...
Quá thứ một trăm ba tư...
Trăm sáu chín...
Trăm bảy hai...
Quả bom nằm cạnh chân đê này là quả một trăm chín sáu. Chỉ còn bốn quả nữa là "kỷ niệm" hai trăm lần gỡ bom. Anh đã cố im lặng vượt qua!
Phải. Vấn đề đặt ra là im lặng. Quả bom này gắn với sinh mệnh của sáu trăm nóc nhà, gần hai nghìn người dân trong xã. Năm nay không ngờ nước lũ lên cao và ngâm lâu đến thế.
Hơn bảy năm làm Xã đội trưởng thay chồng, thời chiến cũng như thời bình, Phú luôn luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, nín thở như vậy. Ngày còn Mỹ, Ngụy ở cái nơi giáp ranh này, người Đảng viên, nhất là Đảng viên ở trong cương vị chủ trì thì lúc nào cũng như thường trực đầu kíp nổ. Lỡ tay một tý là tan tành. Những năm hòa bình đầu tiên, trên vùng đất cỗi cằn chai sạn này, bát cơm chẳng khác chi bát nước, bưng lên tận miệng rồi cũng rất dễ bị một cơn gió trái hắt đi. Không phải không có lúc chị cảm thấy mỏi mệt. May thay có "người ấy". Đản vừa sục sôi lại vừa âm thầm như một đường dây cháy chậm. Lửa không lúc nào bốc cao ngùn ngụt, nhưng lại cháy hết sức bề bỉ kiên gan. Nhìn ngọn lửa ấy vừa thấy yên tâm, vừa rất bối rối. Bởi rằng dù có chậm đến mấy thì cũng sẽ tới cái phút giây lửa tiến gần vào kíp nổ. Nhưng mà trời ạ, với quả bom nằm cạnh chân đê này, vấn đề đặt ra là không được phá nổ. Đản đã đào được nó lên, kéo nó ra xa. Lẽ ra hất xuống một hố bom gần đó. Nhưng có lẽ do nhận thấy khoảng cách ấy vẫn chưa đảm bảo an toàn cho đê, nên Đản vẫn kéo, kéo ra nữa...
"Có thể chị ngạc nhiên vì sao tôi say mê những bãi mìn? Không, tôi không thuộc loại người ưa mạo hiểm! Chắc chị còn nhớ chuyện xảy ra hồi tháng bảy năm ngoái chứ? Một quả mìn đã nổ giữa đám đông đang khai hoang làm năm người dân trong thôn bị chết. Chị khóc, còn tôi lúc đó thì thắt ruột lại. Thương năm bà con đã ngã xuống là một lẽ. Còn lẽ nữa, chắc chị không hiểu nổi đâu, tôi thương chị. Lúc đó nhiều người dân xấn xổ vào chị mà xỉa xói... kêu rên... Làm cách nào để giải thích cho bà con kiên quyết khai hoang phục hóa mảnh đất này? Tôi thoáng thấy một phút giây lúng túng của chị (có lẽ chỉ có tôi nhận ra thôi) trước sự phản ứng quyết liệt của những người tiêu cực. Nhiều người chưởi đổng, thể không bao giờ thèm đặt nhát cuốc xuống những thửa ruộng chết người ấy nữa! Có lẽ gần chục năm bám trụ chưa lúc nào chị khổ tâm như lúc ấy! Cũng như những người dân này, trong những lúc hoạn nạn nhất trước đấy đã đùm bọc che chở cho chị. Sao bây giờ họ nỡ phụ chị? Mà phụ chị tức là phụ bạc với đất này rồi!
Tôi thương chị nhưng không thể nói ra điều ấy. Vì vậy mà tôi đã ra đi. Quả bom tôi gỡ hôm ấy là quá thứ một trăm bảy lăm. Có lẽ chị không thể nào nhớ nổi...!"
Không. Phú rất nhớ! Bởi có lần ra đi nào của anh mà chị không đằng đẵng dõi theo, không thắt thẻo ngóng chờ! Có tiếng nổ nào từ tay anh mà không dội vào buốt tận tim chị.
Tiếng nổ! Chị gặp nó quá nhiều rồi mà lúc nào cũng y như mới. Cái đêm anh Mông chồng chị vượt rào vào ấp và vấp phải trái mìn định hướng cách đây đã bảy năm... Vậy mà tiếng nổ ấy cứ ngỡ như đang sắp sửa nổ lại trong từng giây, từng phút hôm nay? Chồng chị đã ngã xuống! Chị đã cắn răng nhận ngập tiếng nổ đau đớn ấy vào trong lòng. Ai ngờ bảy năm nay nó vẫn cứ luôn luôn chực bùng xé ra!
Có phải bàn tay anh đã chạm vào đầu kíp? Nhưng lẽ nào lại trách anh!
*
Gần mười hai giờ đêm thì những bó đuốc trên đê mới tản ra trôi dọc theo bờ ruộng, chảy như những nhánh suối lửa vào các ngã của xóm Ba Thung.
Phú quay lại nhìn con đê lần cuối. Nước trắng đục như sữa ăm ắp ém vào chân cỏ. Con đê trầm tĩnh nằm. Không gian vắng lặng, yên hàn ngỡ như chưa hề có một xáo động nào cuộn lên.
Chính lúc ấy ruột gan người Xã đội trưởng cồn cào nhất.
Chị thắt lại múi khăn trùm đầu, kéo cao hai ống quần lội tọt qua bờ ruộng loang loáng nước, vượt lên mặt lộ 74. Từ đây xuống tới bệnh viện Đông Hà rất xa. Nhưng điều đó không đáng ngại. Nỗi lo lớn nhất của chị là phút gặp mặt. Cái gì sẽ xảy ra? Một nỗi đau ghê gớm hay một nỗi mừng quá mức? Cả hai đều rất dễ dàng bùng ra một tiếng nổ. Hoặc là tiếng khóc, hoặc là một tiếng gọi khó mà kìm nén nổi: Anh yêu!
"Tôi biết chị đang giận dỗi. Nhưng vì sao chị lại giận nhỉ. Tôi có làm điều gì xúc phạm đến chị đâu. Lần ra đi này của tôi cũng như hàng trăm lần khác trước đó, tôi đều mong mỏi được để lại sau lưng mình những gì yên tĩnh nhất. Những gì yên tĩnh nhất đều ở sâu trong đáy mắt của chị. Tôi đã tự cho phép mình một phút được đắm mình vào đấy... Có phải vì thế mà chị giận tôi không? Nếu thế thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về tôi. Chị có thể yên tâm như thế..."
Có cơn gió lạnh bất ngờ ùa đến. Những lùm cây như những hình người đứng thu lu trên đường bất giác rùng mình. Có tiếng loạc xoạc của lá rơi như thể cây cỏ cũng trở mình sau một giấc dài thiếp lạnh. Phú dừng lại, ngửa mặt lên trời, thở. Trăng cuối tháng lu mờ một vệt mỏng trước mặt, vừa đơn chiếc vừa muộn màng. Phú đi chậm lại, chị đã tròn tuổi ba mươi!
Có thể có vài người nhầm tuổi chị. Bởi Phú có dáng người mập, mặt tròn, bắp tay, bắp chân đều rất thon và chắc. Nói chung chị tự hiểu được rằng mình có chút sắc đẹp. Nhưng chị đã tròn tuổi ba mươi. Chưa bao giờ chị tự nhầm lẫn với chính mình.
"Có thể sẽ chẳng bao giờ chị yêu tôi! Và cũng chẳng bao giờ chị hiểu ra điều này: suốt đời tôi yêu chị! Như thế có gì là tội lỗi? Không. Chị có quyền giận tôi nhưng chị không thể oán trách tình yêu của tôi được. Chính tình yêu ấy đã cho tôi một sức mạnh bền bỉ suốt bao năm trường.
Chị không hiểu cũng đúng thôi. Và chị không bao giờ yêu tôi cả, cũng hoàn toàn đúng..."
Một làn hơi nóng ứa tràn lên mi mắt Phú. Gần như là một nỗi uất ức, hờn tủi! Chính anh mới không hiểu gì cả. Không bao giờ tình yêu lại có thể tồn tại từ một phía. Tôi yêu anh! Đó mới thực sự là điều anh chưa bao giờ biết đến. Anh cực đoan vô cùng!...
Anh có biết rằng, lẽ ra chẳng bao giờ tôi để cho anh xa tôi mà đi tới những những cái hút bom ấy cả. Chẳng bao giờ! Nhưng tôi lại cần anh đi. Chỉ có anh, đôi tay anh, đôi vai anh mới gánh vác nổi công việc nặng nề đến dường ấy. Chỉ có anh đi tôi mới yên tâm. Nhưng anh đi, anh đi, tôi lại thấp thỏm biết chừng nào!...
Cho đến quả bom thứ một trăm chín mươi sáu này thì tôi không thể ghìm lòng mình được nữa. Tôi đã dứt khoát không để anh đi. Lẽ ra anh phải hiểu vì sao như thế. Nhưng anh đã không chịu hiểu. Chính anh giận tôi trước.. Tại sao lại giận tôi kia chứ!
Tôi có nói:
- Đồng chí nên hiểu quả bom này có một vị trí cực kỳ nguy hiểm. Nhất thiết không được phá nổ. Nhất thiết phải im lặng!... (Lẽ ra anh nên hiểu, tôi không dám cho anh đi lần này nữa, bởi tôi sợ giữa chúng ta sẽ không thể giữ được sự im lặng).
Anh lại nói
- Tôi sẽ bắt nó phải im lặng.
- Tôi khó tin...
- Sao? Chị không còn tin tôi nữa ư?
Lạy trời, sao anh lại nói ác như vậy? Tôi uất quá, uất vì anh đã không hiểu được lòng tôi. Tôi nói:
- Tôi sẽ tự đi lần này...
Anh trợn mắt lên. Trời ơi, sao mà tôi sợ đôi mắt ấy đến thế!
- Tôi là công binh. Tôi không cho phép ai vi phạm công việc của mình...
- Nhưng ở đây tôi là người có quyền quyết định cao nhất? Rõ chưa?
Tôi có hét lên như vậy thật. Tôi có tội với anh. Nhưng sao anh lại nỡ giận tôi. Chỉ vì tôi lo cho anh, tôi không thể thiếu anh. Tôi yêu anh! Có thế thôi mà...
*
Đản bị mổ sáu vết thương và nằm bất tỉnh. Phú thức với anh từ hơn nửa đêm đến quá giờ cơm sáng. Đản vẫn nằm lặng yên trong vòng băng trắng xóa. Ở đây tất cả đều trắng và yên lặng. Mấy cô hộ lý trong y phục bờ - lu lặng lẽ bê những chiếc khay lấp loáng bước vào, bước ra như những chiếc bóng. Phú không thể nhận rõ mặt họ vì những chiếc khẩu trang đã che phần lớn khuôn mặt. Chỉ còn có những đôi mắt là sinh động nhất. Và chỉ còn một mùi thuốc phả ra ngây ngây, lành lạnh là có thể gợi nghĩ nhiều nhất. Phú ngỡ như mình đã hòa tan vào cái yên lặng trắng xóa ấy. Chị ngồi im không hỏi, không nói. Bác sĩ vào, khẽ cúi xuống, rồi bác sĩ lại ra. Ai đó lại vào, lại ra. Tất cả đang dâng lên, đang rập rình hệt như màu nước bạc chập chờn ngoài chân đê...
Kim Hà đến muộn hơn nhưng lại có thì giờ ngồi lâu hơn. Phú về. Nửa chiều hôm đó lại đến. Ngày sau cũng vậy. Biết bao nhiêu công việc bộn bề đang đợi chị ở xã.
Sáng ngày thứ ba, khi Phú vừa rời bệnh viện được một lúc thì Đản tỉnh dậy. Anh mở mắt nhanh và nụ cười cũng nở nhanh trên môi y như vừa thức dậy sau một giấc ngủ no nê!
- Kim Hà phải không? Tài thật!
Kim Hà thoáng bối rối:
- Tài gì cơ, anh?
- Nghĩa tôi có biết Hà ngồi bên cạnh...
- Anh biết?
- Đúng thế. Trong lúc ngủ tôi cũng nghĩ rằng Kim Hà đang ngồi bên cạnh. Đúng thế không?
Kim Hà nín lặng. Anh ấy nói gần đúng. Nhưng tại sao anh ấy lại nghĩ như vậy? Tại sao anh không nghĩ rằng người luôn bên cạnh anh là chị ấy?
"K.H. ơi! Bạn nghĩ về anh như vậy có thể có lý đấy! Anh gàn? Anh phong kiến? Anh lập dị? và vân vân nữa... Anh xin nhật tất. Nhưng không hiểu sao anh vẫn không thể nói chuyện với chị ấy được. Mặc dầu chẳng có gì sánh nổi tình yêu trong anh, chẳng có một nguy hiểm nào ngăn cản nổi tấm lòng anh yêu thương chị ấy... Nhưng, thú thật với bạn, chị ấy đối với anh vừa rất gần, vừa rất xa. Đến nỗi chưa bao giờ anh hình dung trọn vẹn khuôn mặt chị ấy. Còn đối với bạn lúc nào anh cũng thấy bạn ở rất gần..."
- Hà nghĩ gì thế?
- Không...
- Có. Nhìn mặt thì biết...
- Em thì em... nghĩ rằng... anh phải thật yên tâm mà điều trị. Nhất định anh sẽ chóng khỏi. Thật thế! Anh sẽ trở về... trở về với... các đồng chí trong xã. Và nói chung anh đừng bắt nọn em như thế...
Đản cười rất khẽ. Ít ra những lời loanh quanh của Kim Hà đã làm cho anh vui.
Nắng mai hắt vào nửa thềm nhà. Mảnh tường quét vôi bỗng ngời lên lấp lóa. Khuôn mặt của Đản cũng có nét gì gần giống với sắc nắng trên tường. Chỉ có đôi môi xám chợt cười, chợt tắt hệt như có vệt bóng râm rất bé từ chiếc lá bạch đàn ngoài cửa sổ quệt vào,lay lay...
- Con đê có an toàn không em?...
- Có...
- Nước đã rút chưa?
- Đã...
- Tốt lắm!
- Vâng...
- Thế... cho anh xin lại... cái ấy...
- Cái gì cơ?
- Cuốn sổ.
Kim Hà ngẩng hẳn dậy, khóe mắt cô nhòe nước tự lúc nào:
- Em... em đưa cho chị ấy rồi...
Một thoáng lo âu lướt nhanh qua hố mắt sâu của Đản. Giọng anh bé hẳn lại:
- Sao lại thế, em?
Kim Hà quay ngoắt người lại, mái tóc phi - zê như bồng cao thêm lên:
- Còn sao nữa. Anh tệ lắm! Anh có biết chị Phú đã khổ vì anh đến mức nào không?
Đản có vẻ như ngạc nhiên. Nhưng liền ngay đó là một tiếng thở ra rất khẽ.
- Biết đâu được...
- Còn biết đâu gì nữa... Anh hấp lắm, thật đấy. Mà phong kiến nữa cơ, thật đấy!...
Đản cười, lần này tiếng cười có vẻ to hơn một chút
- Thì anh đã nhận hết rồi đó thôi...
- Nhưng em vẫn phải nói lại, vì anh ngoan cố lắm. Hoặc là vì anh không yêu chị ấy... Thật đấy! Anh không dám yêu một người con gái lớn hơn mình một vài tuổi, hoặc không dám yêu một người đã có một đời chồng... vân vân nữa! Nghĩa là em cho rằng anh đã vượt qua hàng trăm bãi mìn, bãi bom một cách vẻ vang, thế mà không dám, hoặc không vượt qua nổi một cái... nghĩa là một cái gì đấy thật vô hình nhưng cũng thật là ghê gớm...
- Nhưng mà... người ta có yêu tôi đâu...
- Thôi đi! Có ai mà không yêu anh - Kim Hà chợt đỏ ửng vành tai - Chỉ có... chỉ có anh ngốc thôi. Anh không biết tý gì về tình yêu cả. Cái gì anh cũng biết, nhưng riêng về tình yêu thì chưa, chưa biết gì hết, thật đấy!...
Kim Hà nói một thôi một hồi rồi bất ngờ quay lại. Cô hốt hoảng ngậm chặt môi. Khuôn mặt Đản đã tái đi một cách đột ngột. Kim Hà vùng người dậy, suýt nữa kêu lên. Nhưng xung quanh đều rất yên lặng. Có đám mây nào đó đang che mất khoảng nắng trên đồi này. Mảng tường trắng dịu xuống. Có lẽ khuôn mặt Đản vì thế mà trở về với màu da thật của anh ?
Hay là do mình nói quá xô bồ? Kim Hà nghĩ vậy và bỗng thấy ân hận. Nhưng không nói không chịu được. Phải làm sao cho anh ấy biết chị ấy rất yêu anh. Bao nhiêu điều nữa... Tất nhiên không phải là điều gì em cũng nói ra được đâu!...
- Hà?
- Dạ...
- Những điều em vừa nói có đúng không? - Đản gượng hỏi, và biết là sức mình đã kiệt hẳn. Song người con gái ngồi bên anh không nhận ra điều ấy. Cô vẫn sôi nổi trả lời:
- Đúng...
- Nhưng vì sao em biết?
Kim Hà nín lặng. Cô úp mặt vào hai lòng bàn tay, giọng cô quẫn lại:
- Tại vì... tại vì em cũng là con gái...
*
Nghĩa trang liệt sĩ Ba Thung đặt trên một gò đất cao phía bên kia mặt đê. Một vườn cây bạch đàn vừa trồng dạo mới giải phóng nay lên chưa quá đầu người nhưng cành lá xanh đậm xum xuê trông như khung ảnh khổng lồ úp lên mặt đồi rộng.
Những người nằm xuống vì đất này đã được người đang sống chăm nom tận tình trên những ngôi mộ luôn tươi rói màu đất non và xếp rất ngay ngắn thẳng hàng tựa như đội ngũ lúc còn chiến đấu.
Gần đê nhất có hai ngôi mộ nằm song song và ngang nhau. Hai tấm bia, một đã cũ, một còn rất mới:
"Liệt sĩ Trần Văn Mông. Xã đội trưởng
Đã anh dũng hy sinh tháng 8 năm 1971"
"Liệt sĩ Nguyễn Phúc Đản. Trung đội trưởng
Đã anh dũng hy sinh tháng 9 năm 1978"
Trước hai nấm mộ ấy chiều nay có hàng trăm em thiếu nhi quàng khăn đỏ, tay cầm những nhành hoa trang, hoa chuối, hoa tứ quý chầm chậm đi qua và khe khẽ đặt xuống. Mùa này, có lẽ cũng là mùa đầu, xã Ba Thang được mùa to. Gặt đập xong rồi, đội thiếu niên tổ chức đi viếng nghĩa trang liệt sĩ.
Đi nép cạnh đoàn thiếu niên là hai người con gái. Một người có dáng thon và chắc, mái tóc thả dài. Một người có vẻ mảnh hơn, tóc phi - zê. Đoàn thiếu niên đi qua. Hai người vẫn đứng lại. Họ cứ đứng thế rất lâu, không nói. Hai bó hương to cháy rần rật trước gió xao xuyến cả vùng đồi. Lúc này đã gần sáu giờ chiều. Ráng đỏ từ phía mặt trời hừng lên hắt vào hai tấm bia, hắt vào hai đôi tròng mắt, hồng tím.
"... Có thể sự im lặng của anh sẽ gây nên tội lỗi cho chị ấy... Nhưng dù sao anh vẫn chưa thể nói được. Bởi chưa bao giờ anh thấy mình xứng đáng với chị ấy. Hay nói cho đúng hơn, anh chưa xứng đáng được với người đã ngã xuống trước đây - người Xã đội trưởng kính yêu đã dìu dắt anh đi theo cách mạng, đã dạy cho anh bài học về tình yêu đất đai và con người.
...Nhất định sẽ đến ngày anh nói được điều thiêng liêng đó với chị ấy. Nhưng bây giờ, mong bạn cho phép anh im lặng. Và nếu cần anh sẽ im lặng mãi mãi..."
Anh sẽ im lặng mãi mãi...Có thể nào như thế chăng?
Kim Hà thì thầm như tự hỏi mình:
- Chị Phú! Chị có nghĩ rằng dưới đất này vẫn còn những tiếng nổ chưa nổ không?
Phú không ngẩng lên, cũng không quay sang bạn, nhưng giọng chị thì lại bình tĩnh đến không ngờ:
- Có chứ!
- Thế thì... em sẽ quay trở lại.
Đến đây Phú mới quay hẳn người lại:
- Sao? Ngày mai em phải trở về trường rồi kia mà?...
Kim Hà đột ngột vuốt gọn mái tóc ra sau, cử chỉ nhanh như một sự quyết đoán:
- Vâng. Em về trường... nhưng rồi em sẽ xin trở lại. Nhất định em sẽ trở lại. Chị có tin em không?
|
" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014
:NHẬT KÍ NGƯỜI GỠ MÌN
Vì sao em ăn cắp!?
Kính thưa các anh chị cô chú bác đang hau háu hoặc thờ ơ trước vụ của em!
Tại sao em ăn cắp, xin thưa đó là do em tập đấy ạ! Em quan sát thấy một Xã hội mà em sẽ phải bước vào ai cũng ăn cắp cả, ai ăn cắp càng nhiều càng giỏi thì càng giàu có sung sướng!
- Thầy cô em ép em học thêm thì chả phải ăn cắp tiền của ba mẹ em và tuổi thơ của em còn gì!
- Trong siêu thị bán toàn hàng nhái nhẵn hiệu và sách in lậu thì chả phải ăn cắp bản quyền là gì?
- Chị hai em đi làm việc ở Thành Phố nơi gần 100% dân văn phòng xài các phần mềm bẻ khóa thì chả phải ăn cắp là gì!
- Mọi người load phim trên mạng về xem thì chả phải là ăn cắp chớ là gì!
- Mọi người đi làm trễ về sớm, lén lên mạng Facebook trong giờ làm việc thì chả phải là ăn cắp giờ làm của chủ là gì!
- Đưa hối lộ cho công an giao thông thì cả hai chả phải đang ăn cắp tiền Nhà Nước là gì?
- Rồi ai cũng lách, né, trốn thuế kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân thì chả phải ăn cắp là gì!
- Rồi ôi thôi mấy vụ nghìn nghìn tỉ gì đó nữa, chả phải là ăn cắp vĩ đại là gì!
Đứng trước một xã hội như vậy, em nghĩ mình phải tập từ bé để có được kỹ năng ăn cắp nhằm làm hành trang bước vào đời! Em mà không biết ăn cắp chắc em chệt!
Nhưng em vốn lơ ngơ chậm phát triển nên mới tập đã bị bắt, bị hạ nhục gì đó như mọi người nói, nhưng thật ra em chả nhục gì! Bạn bè em đứa nào chả ăn cắp, nhục gì, xui thôi!
Em bù lu loa lên cho đúng kịch bản chớ thật sự em đang rất khoái vì em đã có số má từ đây! Có mấy chú bên mấy tập đoàn Nhà Nước hứa sẽ tuyển dụng nhân tài như em vào giúp mấy chú!
Túm cái quần lại, em chả nhục gì cả và sẽ còn tiếp tục tập luyện ăn cắp để có thể tồn tại được trong xã hội này!
Thôi em đi lấy sách quyên tặng cho em đây, sao hông tặng tiền cho gọn, tặng sách em cũng bán hà!
Chúc cô chú anh chị vui khi đọc thư này! Mà em nghĩ mấy cô chú anh chị vui hông nổi đâu!
( Sưu tầm)
LUẬN VĂN ĐỖ THỊ THOAN VÀ NHỮNG LỜI BÀN
NGUYỄN XUÂN ĐỨC
Tôi biết về nhóm Mở Miệng từ hơn mười năm trước, nhất là thời rầm rộ “khoan cắt bê tông”; cũng có trong tay bản luận văn của Đỗ Thị Thoan từ lâu (trước cả khi “phát súng” đầu tiên nổ vào chị), nhưng không thích om sòm, vả lại nhận thấy đã có các tổ chức và cả một Hội đồng “chăm lo” công việc văn chương nên chỉ đàm đạo bên bàn trà với một số bạn bè đồng nghiệp, hoặc trao đổi thông tin cùng đôi điều bình luận khi có người hỏi. Suốt cả thời gian qua tôi đã có dịp đọc gần như hầu hết các bài viết trên các báo viết, báo mạng, blog; suy ngẫm về những lời bênh vực, bao che, những lời phê phán - thậm chí đến mức thóa mạ, cũng như những phát biểu nhằm “chính trị hóa” vấn đề ở cả hai chiều.
“Tình hình” lắng dịu xuống một dạo, nay lại bùng lên với cả những lời kêu gọi, kêu cứu, những tiếng nói của người trong cuộc và trong Hội đồng chấm luận văn lần 1 (HĐ1),... Tự thấy, đã đến lúc có thể góp đôi điều trên cách nhìn bình tĩnh, thân thiện và khoa học về nhiều vấn đề chung quanh luận văn của Đỗ Thị Thoan và những lời bàn.
Khái quát chung về những ý kiến đã công bố, có thể thấy sự việc đã được đẩy lên cực đoan ở cả hai phía. Bên nào cũng cố tìm những sơ hở, những sai sót của phía bên kia rồi cắt xén, phân tích,… khiến độc giả hết sức hoang mang, nhất là khi họ chưa có trong tay bản luận văn của Đỗ Thị Thoan. [Bản luận văn ấy giờ đã được đưa lên mạng, nhưng chắc nhiều người chưa có điều kiện tìm đọc. Hãy vào google, gõ: [pdf] đỗ thị thoan vị trí của kẻ bên lề,sẽ tìm thấy].
1. Trước hết xin nói đôi lời về nhóm thơ Mở Miệng.
(Ở đây tôi chỉ nói về những vấn đề liên quan đến luận văn Đỗ Thị Thoan).
- Cái tên “Mở Miệng” đã phản ánh ý tưởng của những người sáng lập nó, muốn tỏ một thái độ phản ứng về việc không được tự do “mở miệng”, mà ở đây là không được tự do công bố tác phẩm không qua kiểm duyệt. Tuy nhiên, đọc diễn ngôn và thực hành thơ của họ còn thấy một thái độ khác, đó là ý muốn cách tân thơ, làm mới thơ cả nội dung lẫn hình thức biểu đạt. Khi trả lời Thụy Du về “thuật mở miệng”, Bùi Chát – một thành viên nhóm Mở Miệng, có rất nhiều thơ dơ và là người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn, bày tỏ: “Mở Miệng trước hết là một thái độ phản ứng lại lối sinh hoạt máy móc của 1 cơ chế văn nghệ hết sức suy đồi, sau nữalà cách làm nghệ thuật của những người mang tinh thần tự do”. “Bổn thân tôi vốn thích dùng khái niệm Nghịch thơ hơn là Làm thơ”. “Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ làm thơ để cố gắng hoàn thiện 1 bài thơ hay 1 tập thơ. Cái mà tôi cố gắng hoàn thiện chính là những ý niệm về thơ” (damau.org/).
Trong thực tế, khát vọng “cách tân thơ” đã được Trần Dần khởi xướng cách đây hơn nửa thế kỷ và theo đuổi đến “trọn đời”, nhưng nhìn lại những bài thơ “cách tân” của ông, chẳng thấy bài nào được độc giả hồ hởi đón nhận, lạ hơn, chẳng thấy ai học tập ông (hay là không ai học được?), kể cả những người tán dương, ủng hộ Trần Dần hết lời. Những người thuộc thế hệ 6-7X của nhóm Mở Miệng cũng theo cái lối diễn đạt thơ không thuần tiếng Việt ấy, nhưng mạnh bạo hơn Trần Dần, họ còn đưa vào “thơ” những nội dung tục tĩu mà chính Bùi Chát đã nhận, đó chỉ là“Nghịch thơ, Thơ rác, Thơ nghĩa địa”, thơ dơ.
Về mặt xã hội, phải thừa nhận rằng nhu cầu thay đổi/cách tân thơ là có thật từ cả hai phía: người sáng tác và người đọc, chứ không riêng mấy người “Mở Miệng”. Đọc những bài viết của Inrasara về thực trạng thơ sẽ thấy rõ điều đó.
Một thực tế hiện nay là độc giả thấy mệt mỏi với thơ. “Ra đường là gặp nhà thơ” đã đành, trong nhà có khi cũng gặp “nhà thơ”, đến mức, ngày nay, khi những người bạn tóc điểm sương gặp nhau, họ không hỏi nhau đã nghỉ hưu chưa, mà hỏi“đã làm thơ chưa?”.
Gặp các nhà/quán/lều/ điếm/… thơ, cứ phải nhận thơ họ tặng, phải ngồi im nghe họ đọc, rồi lại phải nghe họ than phiền về nổi “khổ” của lòng đam mê, của “nghiệp chướngnghệ thuật”họ đã mang vào thân... Thế nhưng thơ của họ cứ na ná nhau, nên xẩy ra tình trạng có thể chép lại của nhau rồi sửa đi chút ít, mà chẳng ai nhận ra. Tình trạng người làm thơ, làm văn nghệ cả hai tay trái ấy cũng được các tổ chức Hội, các phương tiện thông tin đại chúng ủng hộ. Chép thơ nhau, sửa đi chút ít rồi đăng/in, đưa dự thi và… được giải cao! Nhiều đài truyền hình địa phương có chương trình cho hội viên các “câu lạc bộ thơ” xóm, xã, phường đọc. Không riêng gì mảng sáng tác, khó như lý luân phê bình mà nhiều đêm, mở VTV cứ thấy một ông hoa chân múa tay chém gió, sang sảng luận bàn về thơ văn, nghệ thuật,… mà mở trong lý lịch quan chức của ông ra không thấy có dòng nào khai, được đào tạo về văn học, nghệ thuật. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nói về tình trạng “Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập,…”, vậy mà tình trạng ấy vẫn không có gì thay đổi, dù Nghị quyết đã “đi vào đời sống” hơn nửa thập kỷ! Xã hội tự do dân chủ, ai cũng có quyền làm thơ, quyền bốc thơm thơ nhau, chỉ có độc giả, khán giả là không được tôn trọng. Ngay cả những người trong nhóm Mở Miệng cũng vậy, cứ tưởng các anh cách tân thơ thế nào, hóa ra các anh cũng không tôn trọng độc giả, may mà các anh đang thực hành thơ và samizdat bằng cách phô tô 50 bản tặng nhau.
Nói ra thực tế đó là để chia sẻ với ý tưởng cách tân thơ của nhóm Mở Miệng. Nhưng “cách tân” như ở nhiều bài thơ các anh làm thì trước hết là các anh, sau nữa là những “nhà lý luận hiện đại/hậu hiện đại”,… hãy chứng minh xem nó có phải là “thơ” không đã. Công bằng mà nói các anh “Mở Miệng” cũng tự biết mình, khi gọi sáng tác của mình “là tác phẩm nghệ thuật”, vẫn thừa nhận “còn nó có phải là thơ hay không thì tuỳ vào quan điểm của mỗi người khi tiếp cận” (Bùi Chát).
Xin nói về phía “bạn đọc”. Trong khi Đỗ Thị Thoan khẳng định và đề cao giá trị của thơ ca Mở Miệng như một hiện tượng văn hóa có sức mạnh đột phá, có thể/sẽ phá vỡ trung tâm già cỗi của văn học cách mạng Việt Nam, còn nhà lý luận Nguyễn Hoàng Đức (người rất bênh vực Đỗ Thị Thoan), lại mở đầu bài viết của mình rằng: “Trước hết tôi xin nói rõ quan điểm của mình: tôi cũng chẳng thấy thơ của nhóm mở miệng có gì hay cả, như họ thừa nhận thơ họ chỉ là thứ rác rưởi” (diendanxahoidansu). Có bạn đọc còn vạch hết ra “Những thứ của nhóm “Mở miệng” không phải là thơ”, rằng “một nhóm người chuyên viết ra những câu chữ quái dị rồi đặt cho chúng một cái tên gọi khá kêu: "thơ" (Việt Nam văn đàn quán).
Trở lại với vấn đề thử nghiệm đổi mới thơ ca của nhóm Mở Miệng, thiết nghĩ việc thực hành, thử nghiệm “cách tân” trước hết cần có những nguyên tắc/lý thuyết nhất định. Tỷ như người muốn cách tân cái máy bay không thể nhét cái thùng rác vào thay cho bộ máy rồi đem ra “thử nghiệm”. Thơ (Việt), dù là một hình thức giao tiếp đặc biệt, thì để đảm bảo “chất lượng” giao tiếp, để truyền được cảm xúc đến người đọc, trước tiên nó cần đảm bảo khả năng thông báo (dù rất phong phú) của tiếng Việt. Trong trường hợp thơ là sản phẩm văn hóa tinh thần (phi vật thể), muốn “thử” hãy xem số đông công chúng có “ngửi được” không đã.
Đành rằng với nghệ thuật, số lượng công chúng ưa thích nhiều/ít chưa hẳn là căn cứ tốt/duy nhất để khẳng định nghệ thuật ấy cao hay thấp. Ngay như nhạc giao hưởng, tranh lập thể, ở châu Âu, số người yêu thích cũng không nhiều so với fan của những dòng nhạc, dòng tranh khác, nhưng không phải vì thế mà nhạc giao hưởng, mà tranh lập thể thấp về nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng đừng cường điệu hóa câu nói chỉ có lỗ tai âm nhạc mới nghe được nhạc, đừng vỗ ngực rằng thơ tôi là sự giải tỏa tôi, để rồi saman hóa thơ ca, để rồi như một “nhà lý luận” nọ đề nghị phải dạy độc giả cách đọc tác phẩm văn chương mới. Hãy đừng bắt độc giả đọc mà không hiểu thơ ca nói gì như nghe lời lẽ các thầy Saman vậy.
Tóm lại, “thơ” của nhóm Mở Miệng mới chỉ là thái độ, là mong muốn cách tân, là những ý niệm về thơ, là thực hành cách biểu đạt “phá rối trật tự” như các anh tuyên bố/chủ trương, mà “sản phẩm làm ra” chưa mấy người đọc thấy hay. Chính người chủ trương – Bùi Chát – cũng khẳng định với Thụy Du: “Nhiều người cho rằng chúng tôi đang làm cách mạng thơ, thật ngớ ngẩn. Chị thử tưởng tượng nếu cả nền văn chương mà lại như chúng tôi thì sao, ai mà ngửi cho nổi” (damau.org/).
Điều dễ nhận thấy là trong các bài viết của những người ủng hộ Đỗ Thị Thoan, vấn đề thơ Mở Miệng có phải là văn học không, thường được né tránh/làm ngơ, kể cả ai đó lên tiếng ở tư cách “người Hội đồng”. Còn trong những bài viết phê phán luận văn Đỗ Thị Thoan, nhiều người kêu lên rằng: không thể dẫn ra những dòng thơ của nhóm Mở Miệng cũng như những lời bình của tác giả luận văn. Có người còn thách thức giáo viên hướng dẫn và người thực hiện luận văn này, cho cháu-con đọc những bài thơ đó. Quả thật, rất khó chỉ ra được giá trị nghệ thuật của những bài thơ chưa được tác giả cố gắng hoàn thiện hoặc quá dơ bẩn đến mức ngửi không nổi (Bùi Chát). Trong trường hợp này, những từ ngữ của người nghiên cứu như “nguyên sơ”, “thô ráp”, khi nơi khác được dùng để chỉ một đặc điểm, một giá trị của đối tượng, thì ở đây cũng không thể che phủ được cái nguyên sơ thô lậu đến mức lợm giọng khi đọc “thơ” và nhiều trang viết trong luận văn.
Thật đáng tiếc, trò nghịch thơ và tâm thế nổi loạn đã làm hỏng đi cái ý tưởng làm mới thơ của những người “khát khao mở miệng”.
- Vấn đề chính mà nhóm Mở Miệng hướng tới làđòi hỏi tự do ngôn luận, được giải thích là “thái độ phản ứng lại lối sinh hoạt máy móc của 1 cơ chế văn nghệ hết sức suy đồi” (damau.org).
Cả ước muốn làm mới thơ lẫn đòi hỏi tự do ngôn luận đều được nhóm Mở Miệng thể hiện trong tâm thế nổi loạn của kẻ bên lề. Khi nổi loạn, bên cạnh thơ dơ, thơ rác, nhóm Mở Miệng còn làm những bài thơ phản ứng chế độ, diễu nhại cả các anh hùng dân tộc, những người được nhân dân cả nước kính trọng và nhân dân thế giới tôn vinh, ngưỡng mộ, điều đó khác nào xúc phạm cả dân tộc?Đón nhận và cộng hưởng tâm thế đó trong luận văn của mình nên Đỗ Thị Thoan đã trở thành tâm điểm của nhiều bàn luận gay gắt với cả những qui kết chính trị.
2. Về luận văn của Đỗ Thị Thoan
- Trước hết, không nên sợ tiếng, hoặc mượn tiếng “nhà khoa học bị vùi dập” mà đôn lên rằng thạc sĩ là “nhà khoa học” và luận văn thạc sĩ là một công trình khoa học (dù thi thoảng có những luận văn có giá trị khoa học). Nếu luận văn là “công trình khoa học” và người viết nó là “nhà khoa học”, chắc chẳng cần có người hướng dẫn. Dường như qua”vụ luận văn Đỗ Thị Thoan”, người mượn tiếng thì đẩy thành tội “cộng sản Việt Nam xâm hại tự do học thuật”, người sợ tiếng thì qui tội người viết “nhân danh khoa học để làm phản động”, mà ít ai chỉ ra cái đúng, cái sai của luận văn và của người thực hiện, ít ai đánh giá vấn đề toàn diện trong cái phông trường học Việt Nam.
Ở Liên Xô (và ở cả hệ thống XHCN Đông Âu) trước đây, trên đại học có 2 cấp đào tạo mà chúng ta dịch sang tiếng Việt là phó tiến sĩ và tiến sĩ. Gốc tiếng Nga của hai từ này là căng-đi-đát na-úc và đốc-tơ na-úc. Trong tiếng Nga, nghĩa gốc của chữ căng-đi-đát là chưa chính thức (dự bị, dự khuyết). Như vậy, chữ căng-đi-đát na-úc của Nga nên được hiểu là người dự bị/tập sự khoa học. Cũng chính vì thế khi gọi các căng-đi-đát là tiến sĩ thì các đốc-tơ na-úc phải được gọi là tiến sĩ khoa học. Hiện nay chúng ta chỉ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ (không đào tạo tiến sĩ khoa học). Như vậy, dù thạc sĩ có được ngầm hiểu tương đương với căng-đi-đát na-úc thì nó cũng chỉ là dự bị/tập sự khoa học. Luận văn của họ, theo yêu cầu, cần có tính khoa học (nhất là phương pháp tiếp cận, xử lý vấn đề), nhưng trong đào tạo chưa yêu cầu nó là một công trình khoa học, mà chỉ là bài tập thực hành hoạt động khoa học. Ở nhiều trường Đại học Australia mà tôi biết, với cấp học thạc sĩ, học viên chỉ trả đủ các bài tập chuyên đề, không làm luận văn. Ngay cả cấp tiến sĩ mà Hoàng Ngọc Hiến từng đánh giá một cách hình tượng rằng: bằng tiến sĩ chỉ là cái phao để rơi xuống nước không chìm, muốn bơi được còn phải đọc, học nhiều.
- Trở lại với luận văn Đỗ Thị Thoan, phải chăng cụm từ “từ góc nhìn văn hóa” làm người đọc hiểu lệch định hướng nội dung. Nhưng thật hài hước, khi tác giả luận văn luận bàn về văn hóa (theo hướng khẳng định/ca ngợi) một sản phẩm mà chính người sinh ra nó thừa nhận “ai mà ngửi cho nổi”. Còn bàn về một sản phẩm thuộc “tiền ngôn ngữ” (chứ chưa phải tiền/cận nghệ thuật) như lời Bùi Chát, thì chỉ có thể bàn về thái độ/khát vọng “mở miệng” của những người sinh ra nó, tức là bàn về vấn đề mở miệng, chứ khó có thể bàn về văn chương như có bạn viết yêu cầu. Và cũng chính vì thế triển khai luận văn của mình, tác giả đã hướng vào 2 nội dung chính, đó là vị trí kẻ bên lề và samizdat.
* Vấn đề “vị trí kẻ bên lề” được quàng vào thuyết “trung tâm và ngoại biên”, “hậu hiện đại”. Cái trung tâm ở đây được hiểu là văn học cách mạng [mà hiện nay như tôi thấy, khung lý thuyết của nó đã trở nên “chật chội”/khó chịu đối với khá đông những người sinh ra sau các cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc]. Còn cái “ngoại biên” thì chỉ thấy mấy người Mở Miệng. Hóa ra cái gọi là “những tiếng nói ngầm” chỉ là “những” của mộtngoại biên! Đỗ Thị Thoan đã cố gắng chứng minh rằng cái ngoại biên [duy nhất] này sẽ phá vỡ cái trung tâm, đồng nghĩa với việc nó sẽ là cái trung tâm. Tôi đọc nhận xét của một thành viên HĐ1, trong mục trao đổi thêm với tác giả, thấy anh đã cảnh báo học viên 2 điều: một là - mượn lời học giả nước ngoài - anh căn dặn: hậu hiện đại là mãnh đất cư trú những thiên tài và kẻ bất tài; hai là nếu cái bên lề muốn thay thế cái trung tâm để trở thành toàn trị thì với thái độ cực đoan, sự thất thố rất dễ xẩy ra bởi thái độ coi mình là một điển phạm (canon) buộc tất cả mọi giá trị phải ngước nhìn và thừa nhận/phục tùng.
Xin lưu ý thêm với Đỗ Thị Thoan rằng, chính những người Mở Miệng tự nhận sáng tác của mình “có phải là thơ hay không thì tuỳ vào quan điểm của mỗi người khi tiếp cận”, tức họ cũng chưa hồ đồ khẳng định thơ mình đích thị là nghệ thuật. Họ (Bùi Chát) khẳng định nó là “tiền ngôn ngữ”, vậy hẳn nhiên nó chưa phải là nghệ thuật, nó chỉ mới là “mở miệng” do có nhu cầu. Cứ cho đó chỉ là lời khiêm tốn đi thì công việc phải làm trong luận văn này, như đã nói ở trên, là phải chứng minh những giá trị nghệ thuật đích thực của nó. Tôi không hiểu tác giả luận văn dùng khoa học gì để chứng minh cái “ngoại biên” chưa phải là nghệ thuật này là “tiếng nói ngầm” về nghệ thuật, để có thể thay thế cái trung tâm hoặc tạo ra một trung tâm nghệ thuật mới trong tương lai văn nghệ nước nhà? Nếu hiểu “những tiếng nói ngầm” là thái độ phản ứng của nhóm Mở Miệng, thì trên thực tế họ đã bươi hết từ thân thể họ đến cả vùng kín của đám con gái ngủ với họ (Bùi Chát, phờ phạc với một người không phải là sony), họ cũng đã nói toẹt hết mọi suy nghĩ, kể cả việc diễu nhại, xúc phạm đến những người mà cả dân tộc kính trọng như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh,… Vậy có gì là “ngầm” nữa đâu? Có chăng sự úp mở của Đỗ Thị Thoan, cố biến nó thành “tiếng nói bị bịt miệng”, để vấn đề có vẻ nghiêm trọng hơn. Mặt khác, nếu hiểu những tiếng nói ngầm là thái độ chính trị, thì đó chỉ là đòi hỏi thay thế cái trung tâm chứ không phải bản thân nó thay thế trung tâm. Độ vênh có tính khoa học về phương pháp tiếp cận này dường như được chúng ta bỏ qua (chứ không hẳn không ai nhìn thấy) khi đánh giá luận văn.
* Nội dung thứ 2 được quan tâm trong luận văn là samizdat.
Thứ này có lâu lắm rồi, dù đến giữa thế kỷ trước, người Nga mới đặt tên cho nó và dùng như một thuật ngữ. Trước đây (và mãi đến bây giờ), người dân lao động đã “samizdat” tác phẩm của mình bằng phương thức truyền miệng. Khi có chữ viết, xuất hiện thêm hình thức “xuất bản chui” loại tác phẩm được thể hiện bằng văn bản. Ngày nay công nghệ thông tin đã đem đến cho con người hình thức samizdat bằng “truyền mạng”. Có hàng trăm/ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật đã được đưa lên mạng, quảng bá toàn cầu trong rất nhiều mạng tiếng Việt như Tiền vệ, Gió O, Evăn, Talawas, Da màu,… mà với tôi, có những trang đem lại rất nhiều thông tin, tư liệu như Talawas. Bổ sung vào hệ thống samizdat đó, ngày nay còn có hàng trăm Blog văn nghệ cũng không kém phần lý thú của các cá nhân như Nguyentrongtao, Trannhuong, Nguyenquanglap,… Cái cách phô tô 50 bản biếu bạn bè mà “Nhà xuất bản” Giấy Vụn làm chỉ là “trò vui” trong xã hội hiện đại, chẳng có gì mới mẻ, cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Có chăng chỉ ẩn chứa khát vọng, thái độ đòi tự do công bố tác phẩm (bằng văn bản) không qua kiểm duyệt - điều mà các bác Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,… đã thể hiện khi cho ra đời các Giai phẩm… hồi 1956.
Công bằng mà nói, chương II (viết về samizdat) là chương có vấn đề để viết, khi mà lý thuyết samizdat không có gì phức tạp, khi mà hệ thống Internet toàn cầu đã mở rộng khả năng và chân trời cho samizdat, khi mà những “tường lửa” của các quốc gia (trong đó có Việt Nam) không đủ sức rào chắn độc giả, nhất là với những người có trí tuệ,... Tuy nhiên Đỗ Thị Thoan viết lòng thòng suốt nhiều trang đầu chương theo dạng mô tả lịch sử đối tượng, còn phần cuối lại hào hứng sa vào những bài thơ nổi loạn của nhóm Mở Miệng mà bỏ qua vai trò thử nghiệm của samizdat. Do tính chất không định bản, ngoài vai trò vượt qua rào cản kiểm duyệt về nội dung tư tưởng, samizdat còn là nơi có thể công bố những bài viết về cái tục (một cái nằm giữa văn văn hóa và phản văn hóa, rất khó viết), đặc biệt dó còn là sân chơi để văn nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ, thử nghiệm những sáng tạo mới. Chính nhóm Mở miệng cũng đã tận dụng tác dụng thử nghiệm/thực hành của samizdat để công bố những bài thơ nổi loạn, những bài thơ chứa cái tục, thử nghiệm hình thức phá cách trong thơ,... Chính cũng qua samizdat-truyền mạng, nhiều tên tuổi đã định hình trong làng văn như Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Hữu Hồng Minh,… Phải chăng tố chất nổi loạn có trong Đỗ Thị Thoan (như nhận xét của một thành viên HĐ1) đã kéo chị về với những bài thơ nổi loạn, mà quên đi vai trò mới không kém phần quan trọng của samizdat-internet?
- Đến đây cũng xin nói cụ thể thêm đôi chút về những trang viết trong bản luận văn này. Cũng là một nhà giáo lâu năm trong ngành sư phạm, tôi thật ngỡ ngàng khi đọc những trang luận văn của Đỗ Thị Thoan. Tôi không ngờ một nữ sinh mới ngoài hai mươi tuổi lại có thể tiếp cận rồi đưa vào “con đẻ tinh thần” của mình những trang/chữ tục tĩu đến mức tôi không muốn dẫn ra đây (xin bạn đọc hãy đọc trực tiếp các trang 66, 67, 68 của luận văn). Phải chăng, có thế mới “hậu hiện đại”? Dù thật sự có phải bàn đến “mĩ học của cái tục” thì người ta vẫn có cách thể hiện tế nhị hơn những từ, ngữ ấy trên văn bản cơ mà. Vấn đề còn là ở chỗ cái thứ thơ phú dơ dáy trăm phần trăm ấy đâu phải là thơ, đâu phải là nghệ thuật, chỉ có tác giả luận văn mặc nhiên gọi nó là nghệ thuật để bàn về cái gọi là “mĩ học của cái tục” mà thôi. Việc khai thác khía cạnh tinh thần nổi loạn được gửi gắm trong đó, dù cần phải đem ra bàn luận thì cũng đâu cần dẫn ra hàng mấy trang viết những dòng thơ tục tằn như vậy.
Không ai cấm cũng không ai sợ những từ ngữ ấy, nhưng từ khi thoát khỏi lốt thú, biết dùng vật liệu che kín một số chỗ trên thân thể, con người gọi đó là “vùng kín” và đỏ mặt khi để lộ ra hoặc khi phải nói, phải viết, phải đọc những từ ngữ ấy. Những nữ bác sĩ, y tá hàng ngày tiếp xúc với “vùng kín” con người trong phòng điều trị, mà ngoài đời họ vẫn e dè kín đáo. Có lẽ chỉ có trong thế giới người điên “chuyện ấy” mới được thể hiện “hồn nhiên” như vậy, như được phản ánh trong phóng sự điều tra của Đỗ Doãn Hoàng: “Điên nam - điên nữ ta cùng hân hoan” (dantri).
3. Về đánh giá luận văn.
- Tôi chia sẻ với ý kiến một số thầy trong HĐ1 rằng, Đỗ Thị Thoan là một học viên thông minh, có lòng say mê, có năng lực nghiên cứu, có khát khao tự khẳng định mình,… Nhưng đọc bản luận văn cũng thấy sự đồng điệu của Đỗ Thị Thoan với tâm thế nổi loạn, khiêu khích, “phá rối trật tự”, thực hành sứ mệnh giải thiêng, giải trung tâm,… mà nhóm Mở Miệng tự nhận mình. Thậm chí bằng sự đồng điệu và cộng hưởng của mình, chị còn đẩy tinh thần ấy lên mức cao hơn, căng hơn, khi không làm được như Bùi Chát là “giảm nhiệt” bằng cách thi thoảng bộc lộ phản ứng qua ngôn từ tếu táo.
Ở cương vị người thầy giáo, việc tôn trọng, ghi nhận năng lực học viên là cần thiết, nhưng cũng cần chỉ rõ những sai sót để họ vươn lên chứ không thể “động viên” họ, nhất là vì họ trẻ, bằng thang điểm tuyệt đối, trong khi khi luận văn còn những sai sót lớn.
- Tôi đồng ý rằng Mở Miệng là một hiện tượng văn hóa hiện hữu,nhưng bản thân nó lại mang tính phản văn hóa, nên nó chỉ tồn tại trong quan hệ chung với tư cách cái khác biệt (theo cách nói: tôi khác biệt là tôi tồn tại). Việc chỉ ra tác động của hiện tượng văn hóa này vào cái trung tâm là có thể, bởi dẫu phản văn hóa thì “hành vi” phá phách của nó, ngoài “tác dụng phụ”, còn tham gia làm rạn nứt/phá vỡ tính bảo thủ của cái trung tâm vốn tồn tại như một thực thể toàn trị.
Có thể thấy, với văn phong rất tốt tác giả luận văn cảm hóa người đọc bằng lối trình bày ngụy biện, tư biện, chứng minh cái bên lề [dậy non], phản văn hóa này sẽ thay thế cái trung tâm như một qui luật của vận động và phát triển. Tuy nhiên, tác giả chỉ dùng diễn ngôn/“nói lấy được” chứ chưa/(thực ra là)không thể thể hiện bằng những luận chứng, luận cứ khoa học có sức thuyết phục. Bởi chính những người chủ trương Mở Miệng cũng hiểu giới hạn của mình, của thứ thơ dơ, thơ rác, thơ nghĩa địa ấy như một sự quậy phá hầm bà lần để gây chú ý. Trong trả lời phỏng vấn của Thụy Du trên damau, Bùi Chát từng nói: “Ở khía cạnh nào đó chúng tôi cổ vũ cho cái gọi là tính thiểu số trong nghệ thuật” và “Chúng tôi chấp nhận thế đứng bên lề”. Như vậy, người đọc có thể suy ra rằng: ý tưởng “giải trung tâm” thuộc về người phân tích hoặc ít ra nó được cường điệu qua lời phân tích của tác giả luận văn.
- Luận văn đã mắc lỗi qui phạm học đường.
Để hiểu vấn đề này cần nói rộng ra về nguyên lý giáo dục, rằng giáo dục là một cơ chế “cưỡng chế”. Cơ chế “cưỡng chế” này ở một số nước là qui định/luật buộc lứa tuổi học sinh phải đến trường [Chúng ta còn nhớ, tháng 5-2012, nữ sinh lớp 11, Danien Tran, người Mĩ gốc Việt, đã bị tòa án bang Texas phạt giam 24 tiếng đồng hồ cùng tiền phạt 100 USD về lỗi nghỉ học quá qui định]. Tính “cưỡng chế” của giáo dục được bộc lộ rõ nhất là ở nội dung chương trình học, cùng những qui định về thi cử. Tính cưỡng chế của giáo dục có cơ sở từ nghĩa vụ con người với xã hội, từ chức năng đào tạo nhân lực cho xã hội của ngành giáo dục. Bất kỳ nhà nước nào bỏ tiền làm giáo dục cũng nhằm đào tạo nhân lực cho xã hội theo mô hình mà nhà nước đó hướng tới. Theo đó, nhà nước cộng sản Việt Nam cũng đào tạo nhân lực theo mô hình xã hội của mình, trong đó có vấn đề quan điểm chính thống đối với những vấn đề thuộc các khoa học xã hội và nhân văn. Chưa bàn đến quan điểm đó đúng hay sai, nhưng người làm giáo dục và người hưởng thụ giáo dục có bổn phận quán triệt, tuân thủ nó. Một bài thi sẽ “phạm qui” nếu trái với quan điểm chính thống. “Luật thi cử” của nhà nước Phong kiến Việt Nam xưa còn quá mức đến nỗi phạt mạnh nhất – đánh trượt ngay - với lỗi phạm húy. Theo họ, người được đào tạo để làm quan cho triều đình mà không biết tên húy kỵ của người đứng đầu – vua – thì không thể cho đậu làm quan. Quan niệm này ngày nay không phù hợp nhưng nói ra để thấy giáo dục mang tính chính trị mạnh mẽ thế nào. Chắc có bạn đọc sẽ cật vấn tôi: vậy cái quan điểm chính thống ở đây là gì? Xin thưa, về chuyên môn - những gì trái với văn học cách mạng là trái chính thống, về đao đức – những gì trái với đạo đức truyền thống của dân tộc (trong đó có xúc phạm đến các anh hùng dân tộc) là trái chính thống. Ở đây có thể có cái nhìn khác, nhưng với nhà trường, khi quan điểm đó chưa thay đổi thì vẫn phải tuân thủ. Có người cho rằng: bất kỳ hiện tượng văn học nào nẩy sinh trong xã hội cũng cần được nghiên cứu. Tôi không bác bỏ, nhưng đó là công việc của nhà khoa học chứ không phải của học sinh. Tôi có thể ủng hộ một hội thảo khao học bàn về hiện tượng văn học ngoài lề/bên lề/không chính thống; tôi không phản đối có bài viết trên tạp chí chuyên ngành về những hiện tượng văn học “bên lề”/“ngoại biên”, thậm chí một công trình khoa học dày dặn về những hiện tượng văn hóa đó, nhưng chắc chắn đó không phải và không thể là công việc của học sinh được thể hiện qua một bài thi. Học viên, khi thực hiện luận văn phải được hiểu điều này, và về phần mình - cơ sở đào tạo mà trực tiếp là giáo viên hướng dẫn cũng phải nhắc nhỡ họ.
Như vậy, ý kiến của một thành viên HĐ1 (được phát trên mạng) về 3 yêu cầu đánh giá luận văn của Đỗ Thị Thoan, đúng nhưng chưa đủ. Mà một quan niệm không đầy đủ sẽ dẫn đến một kết quả đánh giá không đầy đủ/sai lệch. Tôi không rõ những thành viên của Hội đồng đánh giá lại luận văn Đỗ Thị Thoan lần sau (HĐ2) có đề cập đến sai sót này không.
Một thành viên khác của HĐ1 lại nhận xét tinh tế rằng: tôi đánh giá cao khát vọng của người viết, cho dù không phải không còn những điểm có thể tranh luận (chúng tôi nhấn mạnh-NXĐ). Phải chăng anh đã nhận ra những lỗi trên đây của học sinh nhưng khoan dung bỏ qua? [Ở vào cương vị anh, dù có thể khoan dung bỏ qua khi Hội dồng thảo luận bỏ phiếu thông qua luận văn, thì trong khi bảo vệ tôi cũng sẽ phân tích đến tận cùng và cho học sinh giải trình/tranh luận cho đến khi nhận ra những sai sót trong luận văn của mình].
4. Về những thao tác xử lý liên quan luận văn Đỗ Thị Thoan.
Theo tôi, trong vụ việc này, dù làm đúng nguyên tắc, các cơ quan có trách nhiệm, cả Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhất là trường Đại học sư phạm Hà Nội, cũng đã có những sai sót đáng tiếc.
- Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có qui chế, qui định đối với hoạt động đào tạo trên đại học. Từ khi giao quyền xuống cho cơ sở đào tạo thì mỗi cơ sở (Trường, Học viện) đều ban hành qui chế nội bộ. Có những qui định, qui chế được cơ sở đào tạo phổ biến hàng năm đối với từng khóa đào tạo như vấn đề hình thức trình bày (cỡ chữ, font chữ, lề trái-phải-trên-dưới,…), nhưng ít nhắc học viên tuân thủ quan điểm chính thống trong một bài thi/luận văn, luận án. Vào giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI đã có một luận văn thạc sĩ được bảo vệ tại trường Đại học Qui Nhơn nói trái quan điểm chính thống về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, được báo chí nêu ra, phê phán nhưng Trường Đại học Qui Nhơn và Bộ Giáo dục & Đào tạo lại không có ý kiến gì.
Những qui định về việc chấm lại, thu hồi văn bằng,… đối với người học cũng không được nêu đầy đủ, hoặc không thông báo cho học viên trong quá trình học.
- Một số sai sót trong xử sự và trong các văn bản (có khi là lỗi soạn thảo) của trường Đại học sư phạm Hà Nội cũng như của một số cơ quan Trung ương về vấn đề luận văn Đỗ Thị Thoan cũng gây dị ứng, mất lòng tin của công chúng về cách giải quyết.
Việc có một Hội đồng nào đó đánh giá luận văn, luận án không chính xác là chuyện thường tình, thế mới dẫn đến thực tế: hiện có quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng không tương xứng. Trong hoạt động đào tạo, việc lập Hội đồng phúc tra, phúc khảo, đánh giá lại bài thi/luận văn, luận án khi có dư luận cũng là chuyện thường tình, cần thiết và đúng nguyên tắc. Bộ Giáo dục & Đào tạo đã từng thông báo cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ về việc Bộ sẽ lập Hội đồng chấm lại một số luận án đạt điểm tối đa, và điều này đã được thực hiện trong mấy năm qua. Cơ sở pháp lý của việc lập lại Hội đồng phúc khảo không chỉ nằm trong các văn bản qui định quyền hạn Hiệu trưởng mà trước hết ở tư cách, nhiệm vụ của Hội đồng. Các Hội đồng chấm thi (cả chấm luận văn, luận án) chỉ có tư cáchtư vấn để Hiệu trưởng ra các quyết định… và “tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ”. Do HĐ chỉ có tư cách tư vấn nên việc cần thêm tiếng nói tư vấn bằng việc lập thêm HĐ mới cũng như sử dụng kết quả của Hội đồng nào là công việc của Hiệu trưởng. Kết quả cuối cùng, sau khi chấm lại, có thể là “180 độ ngược”, như phàn nàn của một tác giả trên mạng, cũng không có gì ngạc nhiên.
Việc trong thông báo ở một văn bản nào đó của cơ quan Trung ương nói rằng “Hội đồng ra quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học hàm thạc sĩ” của học viên Đỗ Thị Thoan là không đúng (dù đó là lỗi soạn thảo văn bản thì cũng là sơ suất đáng tiếc). Hãy nghĩ xem, nếu HĐ2 có quyền hạn to như vậy thì đến lượt mình, HĐ1 lại có quyền (tương đương) công nhận lại học vịthạc sĩ cho Đỗ Thị Thoan, vụ việc này sẽ đi đến đâu? Tư cách và quan hệ công việc của hai HĐ như nhau và độc lập với nhau, không thể HĐ nọ có quyền phủ quyết kết quả của HĐ kia. Kết quả của 2 HĐ đều được Hiệu trưởng cân nhắc lựa chọn và ra quyết định cuối cùng. Ở đây, luận văn cũng được chấm lại chứ không phải/không thể thu hồi. Chất lượng luận văn được thẩm định lại chứ không phải bảo vệ lại, vì thế HĐ2 có thể yêu cầu học viên đến giải trình những nội dung thấy chưa rõ, nhưng cũng có thể không. [Xin nói thêm rằng ở một số nước tư bản, luận án (tiến sĩ) cũng chỉ được chấm, không có hình thức bảo vệ].
Những nội dung vừa nêu nếu học viên được cung cấp trong quá trình đào tạo chắc chắn sẽ tốt hơn là: để cho vụ việc xẩy ra rồi mới giải quyết, nhất là những bước giải quyết vội vã trước sức ép dư luận.
***
Như vậy, với trường hợp luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan, tôi nghĩ, cần đặt trong hệ qui chiếu của hoạt động giáo dục đào tạo để xem xét. Có thế, học viên sẽ thấy rõ cái sai của mình, người đọc cũng dễ lượng thứ, các thầy cô, các cấp quản lý cơ sở giáo dục đào tạo cũng ý thức được đầy đủ hơn về trách nhiệm ban hành và quán triệt những qui chuẩn, qui phạm trong nhà trường. Trên tinh thần đó những vụ việc như luận văn của Đỗ Thị Thoan sẽ không ầm ỹ lên như hiện nay.
Nói ra thực tế đó là để chia sẻ với ý tưởng cách tân thơ của nhóm Mở Miệng. Nhưng “cách tân” như ở nhiều bài thơ các anh làm thì trước hết là các anh, sau nữa là những “nhà lý luận hiện đại/hậu hiện đại”,… hãy chứng minh xem nó có phải là “thơ” không đã. Công bằng mà nói các anh “Mở Miệng” cũng tự biết mình, khi gọi sáng tác của mình “là tác phẩm nghệ thuật”, vẫn thừa nhận “còn nó có phải là thơ hay không thì tuỳ vào quan điểm của mỗi người khi tiếp cận” (Bùi Chát).
Xin nói về phía “bạn đọc”. Trong khi Đỗ Thị Thoan khẳng định và đề cao giá trị của thơ ca Mở Miệng như một hiện tượng văn hóa có sức mạnh đột phá, có thể/sẽ phá vỡ trung tâm già cỗi của văn học cách mạng Việt Nam, còn nhà lý luận Nguyễn Hoàng Đức (người rất bênh vực Đỗ Thị Thoan), lại mở đầu bài viết của mình rằng: “Trước hết tôi xin nói rõ quan điểm của mình: tôi cũng chẳng thấy thơ của nhóm mở miệng có gì hay cả, như họ thừa nhận thơ họ chỉ là thứ rác rưởi” (diendanxahoidansu). Có bạn đọc còn vạch hết ra “Những thứ của nhóm “Mở miệng” không phải là thơ”, rằng “một nhóm người chuyên viết ra những câu chữ quái dị rồi đặt cho chúng một cái tên gọi khá kêu: "thơ" (Việt Nam văn đàn quán).
Trở lại với vấn đề thử nghiệm đổi mới thơ ca của nhóm Mở Miệng, thiết nghĩ việc thực hành, thử nghiệm “cách tân” trước hết cần có những nguyên tắc/lý thuyết nhất định. Tỷ như người muốn cách tân cái máy bay không thể nhét cái thùng rác vào thay cho bộ máy rồi đem ra “thử nghiệm”. Thơ (Việt), dù là một hình thức giao tiếp đặc biệt, thì để đảm bảo “chất lượng” giao tiếp, để truyền được cảm xúc đến người đọc, trước tiên nó cần đảm bảo khả năng thông báo (dù rất phong phú) của tiếng Việt. Trong trường hợp thơ là sản phẩm văn hóa tinh thần (phi vật thể), muốn “thử” hãy xem số đông công chúng có “ngửi được” không đã.
Đành rằng với nghệ thuật, số lượng công chúng ưa thích nhiều/ít chưa hẳn là căn cứ tốt/duy nhất để khẳng định nghệ thuật ấy cao hay thấp. Ngay như nhạc giao hưởng, tranh lập thể, ở châu Âu, số người yêu thích cũng không nhiều so với fan của những dòng nhạc, dòng tranh khác, nhưng không phải vì thế mà nhạc giao hưởng, mà tranh lập thể thấp về nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng đừng cường điệu hóa câu nói chỉ có lỗ tai âm nhạc mới nghe được nhạc, đừng vỗ ngực rằng thơ tôi là sự giải tỏa tôi, để rồi saman hóa thơ ca, để rồi như một “nhà lý luận” nọ đề nghị phải dạy độc giả cách đọc tác phẩm văn chương mới. Hãy đừng bắt độc giả đọc mà không hiểu thơ ca nói gì như nghe lời lẽ các thầy Saman vậy.
Tóm lại, “thơ” của nhóm Mở Miệng mới chỉ là thái độ, là mong muốn cách tân, là những ý niệm về thơ, là thực hành cách biểu đạt “phá rối trật tự” như các anh tuyên bố/chủ trương, mà “sản phẩm làm ra” chưa mấy người đọc thấy hay. Chính người chủ trương – Bùi Chát – cũng khẳng định với Thụy Du: “Nhiều người cho rằng chúng tôi đang làm cách mạng thơ, thật ngớ ngẩn. Chị thử tưởng tượng nếu cả nền văn chương mà lại như chúng tôi thì sao, ai mà ngửi cho nổi” (damau.org/).
Điều dễ nhận thấy là trong các bài viết của những người ủng hộ Đỗ Thị Thoan, vấn đề thơ Mở Miệng có phải là văn học không, thường được né tránh/làm ngơ, kể cả ai đó lên tiếng ở tư cách “người Hội đồng”. Còn trong những bài viết phê phán luận văn Đỗ Thị Thoan, nhiều người kêu lên rằng: không thể dẫn ra những dòng thơ của nhóm Mở Miệng cũng như những lời bình của tác giả luận văn. Có người còn thách thức giáo viên hướng dẫn và người thực hiện luận văn này, cho cháu-con đọc những bài thơ đó. Quả thật, rất khó chỉ ra được giá trị nghệ thuật của những bài thơ chưa được tác giả cố gắng hoàn thiện hoặc quá dơ bẩn đến mức ngửi không nổi (Bùi Chát). Trong trường hợp này, những từ ngữ của người nghiên cứu như “nguyên sơ”, “thô ráp”, khi nơi khác được dùng để chỉ một đặc điểm, một giá trị của đối tượng, thì ở đây cũng không thể che phủ được cái nguyên sơ thô lậu đến mức lợm giọng khi đọc “thơ” và nhiều trang viết trong luận văn.
Thật đáng tiếc, trò nghịch thơ và tâm thế nổi loạn đã làm hỏng đi cái ý tưởng làm mới thơ của những người “khát khao mở miệng”.
- Vấn đề chính mà nhóm Mở Miệng hướng tới làđòi hỏi tự do ngôn luận, được giải thích là “thái độ phản ứng lại lối sinh hoạt máy móc của 1 cơ chế văn nghệ hết sức suy đồi” (damau.org).
Cả ước muốn làm mới thơ lẫn đòi hỏi tự do ngôn luận đều được nhóm Mở Miệng thể hiện trong tâm thế nổi loạn của kẻ bên lề. Khi nổi loạn, bên cạnh thơ dơ, thơ rác, nhóm Mở Miệng còn làm những bài thơ phản ứng chế độ, diễu nhại cả các anh hùng dân tộc, những người được nhân dân cả nước kính trọng và nhân dân thế giới tôn vinh, ngưỡng mộ, điều đó khác nào xúc phạm cả dân tộc?Đón nhận và cộng hưởng tâm thế đó trong luận văn của mình nên Đỗ Thị Thoan đã trở thành tâm điểm của nhiều bàn luận gay gắt với cả những qui kết chính trị.
2. Về luận văn của Đỗ Thị Thoan
- Trước hết, không nên sợ tiếng, hoặc mượn tiếng “nhà khoa học bị vùi dập” mà đôn lên rằng thạc sĩ là “nhà khoa học” và luận văn thạc sĩ là một công trình khoa học (dù thi thoảng có những luận văn có giá trị khoa học). Nếu luận văn là “công trình khoa học” và người viết nó là “nhà khoa học”, chắc chẳng cần có người hướng dẫn. Dường như qua”vụ luận văn Đỗ Thị Thoan”, người mượn tiếng thì đẩy thành tội “cộng sản Việt Nam xâm hại tự do học thuật”, người sợ tiếng thì qui tội người viết “nhân danh khoa học để làm phản động”, mà ít ai chỉ ra cái đúng, cái sai của luận văn và của người thực hiện, ít ai đánh giá vấn đề toàn diện trong cái phông trường học Việt Nam.
Ở Liên Xô (và ở cả hệ thống XHCN Đông Âu) trước đây, trên đại học có 2 cấp đào tạo mà chúng ta dịch sang tiếng Việt là phó tiến sĩ và tiến sĩ. Gốc tiếng Nga của hai từ này là căng-đi-đát na-úc và đốc-tơ na-úc. Trong tiếng Nga, nghĩa gốc của chữ căng-đi-đát là chưa chính thức (dự bị, dự khuyết). Như vậy, chữ căng-đi-đát na-úc của Nga nên được hiểu là người dự bị/tập sự khoa học. Cũng chính vì thế khi gọi các căng-đi-đát là tiến sĩ thì các đốc-tơ na-úc phải được gọi là tiến sĩ khoa học. Hiện nay chúng ta chỉ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ (không đào tạo tiến sĩ khoa học). Như vậy, dù thạc sĩ có được ngầm hiểu tương đương với căng-đi-đát na-úc thì nó cũng chỉ là dự bị/tập sự khoa học. Luận văn của họ, theo yêu cầu, cần có tính khoa học (nhất là phương pháp tiếp cận, xử lý vấn đề), nhưng trong đào tạo chưa yêu cầu nó là một công trình khoa học, mà chỉ là bài tập thực hành hoạt động khoa học. Ở nhiều trường Đại học Australia mà tôi biết, với cấp học thạc sĩ, học viên chỉ trả đủ các bài tập chuyên đề, không làm luận văn. Ngay cả cấp tiến sĩ mà Hoàng Ngọc Hiến từng đánh giá một cách hình tượng rằng: bằng tiến sĩ chỉ là cái phao để rơi xuống nước không chìm, muốn bơi được còn phải đọc, học nhiều.
- Trở lại với luận văn Đỗ Thị Thoan, phải chăng cụm từ “từ góc nhìn văn hóa” làm người đọc hiểu lệch định hướng nội dung. Nhưng thật hài hước, khi tác giả luận văn luận bàn về văn hóa (theo hướng khẳng định/ca ngợi) một sản phẩm mà chính người sinh ra nó thừa nhận “ai mà ngửi cho nổi”. Còn bàn về một sản phẩm thuộc “tiền ngôn ngữ” (chứ chưa phải tiền/cận nghệ thuật) như lời Bùi Chát, thì chỉ có thể bàn về thái độ/khát vọng “mở miệng” của những người sinh ra nó, tức là bàn về vấn đề mở miệng, chứ khó có thể bàn về văn chương như có bạn viết yêu cầu. Và cũng chính vì thế triển khai luận văn của mình, tác giả đã hướng vào 2 nội dung chính, đó là vị trí kẻ bên lề và samizdat.
* Vấn đề “vị trí kẻ bên lề” được quàng vào thuyết “trung tâm và ngoại biên”, “hậu hiện đại”. Cái trung tâm ở đây được hiểu là văn học cách mạng [mà hiện nay như tôi thấy, khung lý thuyết của nó đã trở nên “chật chội”/khó chịu đối với khá đông những người sinh ra sau các cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc]. Còn cái “ngoại biên” thì chỉ thấy mấy người Mở Miệng. Hóa ra cái gọi là “những tiếng nói ngầm” chỉ là “những” của mộtngoại biên! Đỗ Thị Thoan đã cố gắng chứng minh rằng cái ngoại biên [duy nhất] này sẽ phá vỡ cái trung tâm, đồng nghĩa với việc nó sẽ là cái trung tâm. Tôi đọc nhận xét của một thành viên HĐ1, trong mục trao đổi thêm với tác giả, thấy anh đã cảnh báo học viên 2 điều: một là - mượn lời học giả nước ngoài - anh căn dặn: hậu hiện đại là mãnh đất cư trú những thiên tài và kẻ bất tài; hai là nếu cái bên lề muốn thay thế cái trung tâm để trở thành toàn trị thì với thái độ cực đoan, sự thất thố rất dễ xẩy ra bởi thái độ coi mình là một điển phạm (canon) buộc tất cả mọi giá trị phải ngước nhìn và thừa nhận/phục tùng.
Xin lưu ý thêm với Đỗ Thị Thoan rằng, chính những người Mở Miệng tự nhận sáng tác của mình “có phải là thơ hay không thì tuỳ vào quan điểm của mỗi người khi tiếp cận”, tức họ cũng chưa hồ đồ khẳng định thơ mình đích thị là nghệ thuật. Họ (Bùi Chát) khẳng định nó là “tiền ngôn ngữ”, vậy hẳn nhiên nó chưa phải là nghệ thuật, nó chỉ mới là “mở miệng” do có nhu cầu. Cứ cho đó chỉ là lời khiêm tốn đi thì công việc phải làm trong luận văn này, như đã nói ở trên, là phải chứng minh những giá trị nghệ thuật đích thực của nó. Tôi không hiểu tác giả luận văn dùng khoa học gì để chứng minh cái “ngoại biên” chưa phải là nghệ thuật này là “tiếng nói ngầm” về nghệ thuật, để có thể thay thế cái trung tâm hoặc tạo ra một trung tâm nghệ thuật mới trong tương lai văn nghệ nước nhà? Nếu hiểu “những tiếng nói ngầm” là thái độ phản ứng của nhóm Mở Miệng, thì trên thực tế họ đã bươi hết từ thân thể họ đến cả vùng kín của đám con gái ngủ với họ (Bùi Chát, phờ phạc với một người không phải là sony), họ cũng đã nói toẹt hết mọi suy nghĩ, kể cả việc diễu nhại, xúc phạm đến những người mà cả dân tộc kính trọng như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh,… Vậy có gì là “ngầm” nữa đâu? Có chăng sự úp mở của Đỗ Thị Thoan, cố biến nó thành “tiếng nói bị bịt miệng”, để vấn đề có vẻ nghiêm trọng hơn. Mặt khác, nếu hiểu những tiếng nói ngầm là thái độ chính trị, thì đó chỉ là đòi hỏi thay thế cái trung tâm chứ không phải bản thân nó thay thế trung tâm. Độ vênh có tính khoa học về phương pháp tiếp cận này dường như được chúng ta bỏ qua (chứ không hẳn không ai nhìn thấy) khi đánh giá luận văn.
* Nội dung thứ 2 được quan tâm trong luận văn là samizdat.
Thứ này có lâu lắm rồi, dù đến giữa thế kỷ trước, người Nga mới đặt tên cho nó và dùng như một thuật ngữ. Trước đây (và mãi đến bây giờ), người dân lao động đã “samizdat” tác phẩm của mình bằng phương thức truyền miệng. Khi có chữ viết, xuất hiện thêm hình thức “xuất bản chui” loại tác phẩm được thể hiện bằng văn bản. Ngày nay công nghệ thông tin đã đem đến cho con người hình thức samizdat bằng “truyền mạng”. Có hàng trăm/ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật đã được đưa lên mạng, quảng bá toàn cầu trong rất nhiều mạng tiếng Việt như Tiền vệ, Gió O, Evăn, Talawas, Da màu,… mà với tôi, có những trang đem lại rất nhiều thông tin, tư liệu như Talawas. Bổ sung vào hệ thống samizdat đó, ngày nay còn có hàng trăm Blog văn nghệ cũng không kém phần lý thú của các cá nhân như Nguyentrongtao, Trannhuong, Nguyenquanglap,… Cái cách phô tô 50 bản biếu bạn bè mà “Nhà xuất bản” Giấy Vụn làm chỉ là “trò vui” trong xã hội hiện đại, chẳng có gì mới mẻ, cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Có chăng chỉ ẩn chứa khát vọng, thái độ đòi tự do công bố tác phẩm (bằng văn bản) không qua kiểm duyệt - điều mà các bác Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,… đã thể hiện khi cho ra đời các Giai phẩm… hồi 1956.
Công bằng mà nói, chương II (viết về samizdat) là chương có vấn đề để viết, khi mà lý thuyết samizdat không có gì phức tạp, khi mà hệ thống Internet toàn cầu đã mở rộng khả năng và chân trời cho samizdat, khi mà những “tường lửa” của các quốc gia (trong đó có Việt Nam) không đủ sức rào chắn độc giả, nhất là với những người có trí tuệ,... Tuy nhiên Đỗ Thị Thoan viết lòng thòng suốt nhiều trang đầu chương theo dạng mô tả lịch sử đối tượng, còn phần cuối lại hào hứng sa vào những bài thơ nổi loạn của nhóm Mở Miệng mà bỏ qua vai trò thử nghiệm của samizdat. Do tính chất không định bản, ngoài vai trò vượt qua rào cản kiểm duyệt về nội dung tư tưởng, samizdat còn là nơi có thể công bố những bài viết về cái tục (một cái nằm giữa văn văn hóa và phản văn hóa, rất khó viết), đặc biệt dó còn là sân chơi để văn nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ, thử nghiệm những sáng tạo mới. Chính nhóm Mở miệng cũng đã tận dụng tác dụng thử nghiệm/thực hành của samizdat để công bố những bài thơ nổi loạn, những bài thơ chứa cái tục, thử nghiệm hình thức phá cách trong thơ,... Chính cũng qua samizdat-truyền mạng, nhiều tên tuổi đã định hình trong làng văn như Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Hữu Hồng Minh,… Phải chăng tố chất nổi loạn có trong Đỗ Thị Thoan (như nhận xét của một thành viên HĐ1) đã kéo chị về với những bài thơ nổi loạn, mà quên đi vai trò mới không kém phần quan trọng của samizdat-internet?
- Đến đây cũng xin nói cụ thể thêm đôi chút về những trang viết trong bản luận văn này. Cũng là một nhà giáo lâu năm trong ngành sư phạm, tôi thật ngỡ ngàng khi đọc những trang luận văn của Đỗ Thị Thoan. Tôi không ngờ một nữ sinh mới ngoài hai mươi tuổi lại có thể tiếp cận rồi đưa vào “con đẻ tinh thần” của mình những trang/chữ tục tĩu đến mức tôi không muốn dẫn ra đây (xin bạn đọc hãy đọc trực tiếp các trang 66, 67, 68 của luận văn). Phải chăng, có thế mới “hậu hiện đại”? Dù thật sự có phải bàn đến “mĩ học của cái tục” thì người ta vẫn có cách thể hiện tế nhị hơn những từ, ngữ ấy trên văn bản cơ mà. Vấn đề còn là ở chỗ cái thứ thơ phú dơ dáy trăm phần trăm ấy đâu phải là thơ, đâu phải là nghệ thuật, chỉ có tác giả luận văn mặc nhiên gọi nó là nghệ thuật để bàn về cái gọi là “mĩ học của cái tục” mà thôi. Việc khai thác khía cạnh tinh thần nổi loạn được gửi gắm trong đó, dù cần phải đem ra bàn luận thì cũng đâu cần dẫn ra hàng mấy trang viết những dòng thơ tục tằn như vậy.
Không ai cấm cũng không ai sợ những từ ngữ ấy, nhưng từ khi thoát khỏi lốt thú, biết dùng vật liệu che kín một số chỗ trên thân thể, con người gọi đó là “vùng kín” và đỏ mặt khi để lộ ra hoặc khi phải nói, phải viết, phải đọc những từ ngữ ấy. Những nữ bác sĩ, y tá hàng ngày tiếp xúc với “vùng kín” con người trong phòng điều trị, mà ngoài đời họ vẫn e dè kín đáo. Có lẽ chỉ có trong thế giới người điên “chuyện ấy” mới được thể hiện “hồn nhiên” như vậy, như được phản ánh trong phóng sự điều tra của Đỗ Doãn Hoàng: “Điên nam - điên nữ ta cùng hân hoan” (dantri).
3. Về đánh giá luận văn.
- Tôi chia sẻ với ý kiến một số thầy trong HĐ1 rằng, Đỗ Thị Thoan là một học viên thông minh, có lòng say mê, có năng lực nghiên cứu, có khát khao tự khẳng định mình,… Nhưng đọc bản luận văn cũng thấy sự đồng điệu của Đỗ Thị Thoan với tâm thế nổi loạn, khiêu khích, “phá rối trật tự”, thực hành sứ mệnh giải thiêng, giải trung tâm,… mà nhóm Mở Miệng tự nhận mình. Thậm chí bằng sự đồng điệu và cộng hưởng của mình, chị còn đẩy tinh thần ấy lên mức cao hơn, căng hơn, khi không làm được như Bùi Chát là “giảm nhiệt” bằng cách thi thoảng bộc lộ phản ứng qua ngôn từ tếu táo.
Ở cương vị người thầy giáo, việc tôn trọng, ghi nhận năng lực học viên là cần thiết, nhưng cũng cần chỉ rõ những sai sót để họ vươn lên chứ không thể “động viên” họ, nhất là vì họ trẻ, bằng thang điểm tuyệt đối, trong khi khi luận văn còn những sai sót lớn.
- Tôi đồng ý rằng Mở Miệng là một hiện tượng văn hóa hiện hữu,nhưng bản thân nó lại mang tính phản văn hóa, nên nó chỉ tồn tại trong quan hệ chung với tư cách cái khác biệt (theo cách nói: tôi khác biệt là tôi tồn tại). Việc chỉ ra tác động của hiện tượng văn hóa này vào cái trung tâm là có thể, bởi dẫu phản văn hóa thì “hành vi” phá phách của nó, ngoài “tác dụng phụ”, còn tham gia làm rạn nứt/phá vỡ tính bảo thủ của cái trung tâm vốn tồn tại như một thực thể toàn trị.
Có thể thấy, với văn phong rất tốt tác giả luận văn cảm hóa người đọc bằng lối trình bày ngụy biện, tư biện, chứng minh cái bên lề [dậy non], phản văn hóa này sẽ thay thế cái trung tâm như một qui luật của vận động và phát triển. Tuy nhiên, tác giả chỉ dùng diễn ngôn/“nói lấy được” chứ chưa/(thực ra là)không thể thể hiện bằng những luận chứng, luận cứ khoa học có sức thuyết phục. Bởi chính những người chủ trương Mở Miệng cũng hiểu giới hạn của mình, của thứ thơ dơ, thơ rác, thơ nghĩa địa ấy như một sự quậy phá hầm bà lần để gây chú ý. Trong trả lời phỏng vấn của Thụy Du trên damau, Bùi Chát từng nói: “Ở khía cạnh nào đó chúng tôi cổ vũ cho cái gọi là tính thiểu số trong nghệ thuật” và “Chúng tôi chấp nhận thế đứng bên lề”. Như vậy, người đọc có thể suy ra rằng: ý tưởng “giải trung tâm” thuộc về người phân tích hoặc ít ra nó được cường điệu qua lời phân tích của tác giả luận văn.
- Luận văn đã mắc lỗi qui phạm học đường.
Để hiểu vấn đề này cần nói rộng ra về nguyên lý giáo dục, rằng giáo dục là một cơ chế “cưỡng chế”. Cơ chế “cưỡng chế” này ở một số nước là qui định/luật buộc lứa tuổi học sinh phải đến trường [Chúng ta còn nhớ, tháng 5-2012, nữ sinh lớp 11, Danien Tran, người Mĩ gốc Việt, đã bị tòa án bang Texas phạt giam 24 tiếng đồng hồ cùng tiền phạt 100 USD về lỗi nghỉ học quá qui định]. Tính “cưỡng chế” của giáo dục được bộc lộ rõ nhất là ở nội dung chương trình học, cùng những qui định về thi cử. Tính cưỡng chế của giáo dục có cơ sở từ nghĩa vụ con người với xã hội, từ chức năng đào tạo nhân lực cho xã hội của ngành giáo dục. Bất kỳ nhà nước nào bỏ tiền làm giáo dục cũng nhằm đào tạo nhân lực cho xã hội theo mô hình mà nhà nước đó hướng tới. Theo đó, nhà nước cộng sản Việt Nam cũng đào tạo nhân lực theo mô hình xã hội của mình, trong đó có vấn đề quan điểm chính thống đối với những vấn đề thuộc các khoa học xã hội và nhân văn. Chưa bàn đến quan điểm đó đúng hay sai, nhưng người làm giáo dục và người hưởng thụ giáo dục có bổn phận quán triệt, tuân thủ nó. Một bài thi sẽ “phạm qui” nếu trái với quan điểm chính thống. “Luật thi cử” của nhà nước Phong kiến Việt Nam xưa còn quá mức đến nỗi phạt mạnh nhất – đánh trượt ngay - với lỗi phạm húy. Theo họ, người được đào tạo để làm quan cho triều đình mà không biết tên húy kỵ của người đứng đầu – vua – thì không thể cho đậu làm quan. Quan niệm này ngày nay không phù hợp nhưng nói ra để thấy giáo dục mang tính chính trị mạnh mẽ thế nào. Chắc có bạn đọc sẽ cật vấn tôi: vậy cái quan điểm chính thống ở đây là gì? Xin thưa, về chuyên môn - những gì trái với văn học cách mạng là trái chính thống, về đao đức – những gì trái với đạo đức truyền thống của dân tộc (trong đó có xúc phạm đến các anh hùng dân tộc) là trái chính thống. Ở đây có thể có cái nhìn khác, nhưng với nhà trường, khi quan điểm đó chưa thay đổi thì vẫn phải tuân thủ. Có người cho rằng: bất kỳ hiện tượng văn học nào nẩy sinh trong xã hội cũng cần được nghiên cứu. Tôi không bác bỏ, nhưng đó là công việc của nhà khoa học chứ không phải của học sinh. Tôi có thể ủng hộ một hội thảo khao học bàn về hiện tượng văn học ngoài lề/bên lề/không chính thống; tôi không phản đối có bài viết trên tạp chí chuyên ngành về những hiện tượng văn học “bên lề”/“ngoại biên”, thậm chí một công trình khoa học dày dặn về những hiện tượng văn hóa đó, nhưng chắc chắn đó không phải và không thể là công việc của học sinh được thể hiện qua một bài thi. Học viên, khi thực hiện luận văn phải được hiểu điều này, và về phần mình - cơ sở đào tạo mà trực tiếp là giáo viên hướng dẫn cũng phải nhắc nhỡ họ.
Như vậy, ý kiến của một thành viên HĐ1 (được phát trên mạng) về 3 yêu cầu đánh giá luận văn của Đỗ Thị Thoan, đúng nhưng chưa đủ. Mà một quan niệm không đầy đủ sẽ dẫn đến một kết quả đánh giá không đầy đủ/sai lệch. Tôi không rõ những thành viên của Hội đồng đánh giá lại luận văn Đỗ Thị Thoan lần sau (HĐ2) có đề cập đến sai sót này không.
Một thành viên khác của HĐ1 lại nhận xét tinh tế rằng: tôi đánh giá cao khát vọng của người viết, cho dù không phải không còn những điểm có thể tranh luận (chúng tôi nhấn mạnh-NXĐ). Phải chăng anh đã nhận ra những lỗi trên đây của học sinh nhưng khoan dung bỏ qua? [Ở vào cương vị anh, dù có thể khoan dung bỏ qua khi Hội dồng thảo luận bỏ phiếu thông qua luận văn, thì trong khi bảo vệ tôi cũng sẽ phân tích đến tận cùng và cho học sinh giải trình/tranh luận cho đến khi nhận ra những sai sót trong luận văn của mình].
4. Về những thao tác xử lý liên quan luận văn Đỗ Thị Thoan.
Theo tôi, trong vụ việc này, dù làm đúng nguyên tắc, các cơ quan có trách nhiệm, cả Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhất là trường Đại học sư phạm Hà Nội, cũng đã có những sai sót đáng tiếc.
- Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có qui chế, qui định đối với hoạt động đào tạo trên đại học. Từ khi giao quyền xuống cho cơ sở đào tạo thì mỗi cơ sở (Trường, Học viện) đều ban hành qui chế nội bộ. Có những qui định, qui chế được cơ sở đào tạo phổ biến hàng năm đối với từng khóa đào tạo như vấn đề hình thức trình bày (cỡ chữ, font chữ, lề trái-phải-trên-dưới,…), nhưng ít nhắc học viên tuân thủ quan điểm chính thống trong một bài thi/luận văn, luận án. Vào giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI đã có một luận văn thạc sĩ được bảo vệ tại trường Đại học Qui Nhơn nói trái quan điểm chính thống về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, được báo chí nêu ra, phê phán nhưng Trường Đại học Qui Nhơn và Bộ Giáo dục & Đào tạo lại không có ý kiến gì.
Những qui định về việc chấm lại, thu hồi văn bằng,… đối với người học cũng không được nêu đầy đủ, hoặc không thông báo cho học viên trong quá trình học.
- Một số sai sót trong xử sự và trong các văn bản (có khi là lỗi soạn thảo) của trường Đại học sư phạm Hà Nội cũng như của một số cơ quan Trung ương về vấn đề luận văn Đỗ Thị Thoan cũng gây dị ứng, mất lòng tin của công chúng về cách giải quyết.
Việc có một Hội đồng nào đó đánh giá luận văn, luận án không chính xác là chuyện thường tình, thế mới dẫn đến thực tế: hiện có quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng không tương xứng. Trong hoạt động đào tạo, việc lập Hội đồng phúc tra, phúc khảo, đánh giá lại bài thi/luận văn, luận án khi có dư luận cũng là chuyện thường tình, cần thiết và đúng nguyên tắc. Bộ Giáo dục & Đào tạo đã từng thông báo cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ về việc Bộ sẽ lập Hội đồng chấm lại một số luận án đạt điểm tối đa, và điều này đã được thực hiện trong mấy năm qua. Cơ sở pháp lý của việc lập lại Hội đồng phúc khảo không chỉ nằm trong các văn bản qui định quyền hạn Hiệu trưởng mà trước hết ở tư cách, nhiệm vụ của Hội đồng. Các Hội đồng chấm thi (cả chấm luận văn, luận án) chỉ có tư cáchtư vấn để Hiệu trưởng ra các quyết định… và “tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ”. Do HĐ chỉ có tư cách tư vấn nên việc cần thêm tiếng nói tư vấn bằng việc lập thêm HĐ mới cũng như sử dụng kết quả của Hội đồng nào là công việc của Hiệu trưởng. Kết quả cuối cùng, sau khi chấm lại, có thể là “180 độ ngược”, như phàn nàn của một tác giả trên mạng, cũng không có gì ngạc nhiên.
Việc trong thông báo ở một văn bản nào đó của cơ quan Trung ương nói rằng “Hội đồng ra quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học hàm thạc sĩ” của học viên Đỗ Thị Thoan là không đúng (dù đó là lỗi soạn thảo văn bản thì cũng là sơ suất đáng tiếc). Hãy nghĩ xem, nếu HĐ2 có quyền hạn to như vậy thì đến lượt mình, HĐ1 lại có quyền (tương đương) công nhận lại học vịthạc sĩ cho Đỗ Thị Thoan, vụ việc này sẽ đi đến đâu? Tư cách và quan hệ công việc của hai HĐ như nhau và độc lập với nhau, không thể HĐ nọ có quyền phủ quyết kết quả của HĐ kia. Kết quả của 2 HĐ đều được Hiệu trưởng cân nhắc lựa chọn và ra quyết định cuối cùng. Ở đây, luận văn cũng được chấm lại chứ không phải/không thể thu hồi. Chất lượng luận văn được thẩm định lại chứ không phải bảo vệ lại, vì thế HĐ2 có thể yêu cầu học viên đến giải trình những nội dung thấy chưa rõ, nhưng cũng có thể không. [Xin nói thêm rằng ở một số nước tư bản, luận án (tiến sĩ) cũng chỉ được chấm, không có hình thức bảo vệ].
Những nội dung vừa nêu nếu học viên được cung cấp trong quá trình đào tạo chắc chắn sẽ tốt hơn là: để cho vụ việc xẩy ra rồi mới giải quyết, nhất là những bước giải quyết vội vã trước sức ép dư luận.
***
Như vậy, với trường hợp luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan, tôi nghĩ, cần đặt trong hệ qui chiếu của hoạt động giáo dục đào tạo để xem xét. Có thế, học viên sẽ thấy rõ cái sai của mình, người đọc cũng dễ lượng thứ, các thầy cô, các cấp quản lý cơ sở giáo dục đào tạo cũng ý thức được đầy đủ hơn về trách nhiệm ban hành và quán triệt những qui chuẩn, qui phạm trong nhà trường. Trên tinh thần đó những vụ việc như luận văn của Đỗ Thị Thoan sẽ không ầm ỹ lên như hiện nay.
Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014
Chia đôi
Tờ giấy đã kí
đủ nhân chứng vật chứng
và cái gật đầu đồng thuận
với lý do thường nhật
“mình không hợp nhau”
con mình thành con riêng
con anh con em con cha con mẹ
căn nhà đêm đêm tiếng cười giòn giã
lặng lẽ chiếc vách vô hình
len lén cặp mắt con thơ nhìn nhau
thèm được chơi chung
thèm được trêu đùa
thèm được bên mâm cơm ấm cúng
em lục tìm nơi thiêng liêng
lôi ra kỷ vật ngày gặp gỡ
lời nhớ lời thương lời yêu lời hẹn
đua nhau đổ về
đôi vai em bé nhỏ
bên nào cũng nặng nợ yêu thương
giọt nước đã tràn ly
làm sao mà hốt lại
em giữ lòng mình tê tái
những đớn đau không nói thành lời
tờ giấy đã ký rồi
mọi thứ đã chia thành hai nửa
anh là chú chim bay tìm tổ mới
có ấm không anh?
giọt nước mắt em rơi
nhỏ vào đêm chồng vợ
tiếng con thơ vẫn hồn nhiên hát
“ba là cây nến vàng
mẹ là cây nến xanh
con là cây nến hồng
ba ngọn nến lung linh
…thắp sáng một gia đình”.
…
Ngô thị Thanh vân
ý tưởng trước biển
Khaly Chàm
có thật ánh sáng là một tia chớp
khi con người phỏng đoán hay là sự khẳng định
theo dải tần sóng vô thanh
có phải em cũng là một tia sáng chói chang
biểu hiện sự sống trong tôi tình yêu vĩnh cửu
tin chắc là như vậy
nên không cần phải nói những gì…
có mấy ai đã cảm thụ
hàng ngàn năm lời biển hát vinh danh trời đất
hỡi những rong rêu đang bám trên ghềnh đá
hỡi những hạt cát đang phiêu du khắp cùng
hỡi những hạt muối tích tụ ở nơi nào đó
hỡi những sinh vật đang tồn tại
hãy cùng tôi vươn lên để nhìn thấy mặt trời
như thế tất cả đều thỏa mãn khát vọng
hãy tự nhũ chính mình
đừng bao giờ khắc khoải, bi thương, tử, sinh và phẫn nộ
mặt trời đúng theo thời khắc rực rỡ sắc màu
Lạc bước
Truyện ngắn: - Vũ Tuyết Mây
Tôi hướng mũi tàu đưa khách lên hang, lúc đi qua làng chài lô xô mái lán, cột buồm nối với khu nuôi cá lồng ràn rạt những sàn ván, ao thả cá mi ni bồng bềnh giữa trời xanh, nước xanh, núi xanh làm du khách sinh tình háo hức khám phá. Tôi lây cái ngẫu hứng của những tâm hồn yêu sống nên chớp mắt đã xong cái giao kèo: không la cà trong hang mà dành thời gian ra làng chài thưởng ngoạn cho bõ một chuyến đi biển của những con người văn minh nhà ống.
Tàu tăng tốc xé nước tung bọt trắng xóa chả mấy đã cặp cửa hang, khách ào lên lóc xóc chạy gằn, một thoáng đã líu tíu ngoắc khuỷu tay nhau lên tàu. Tôi thả khách giữa làng chài hẹn giờ rồi thong thả tản bộ trên mặt sàn ván dập dềnh, đến một cái bè nằm thìa lìa ra ngoài biển thì gặp hắn. Tôi nhận ra hắn khá dễ dàng, bởi năm tháng có làm vóc dáng hắn xù ra, nhưng đôi mắt và cặp môi thì có trộn với cả ngàn người cũng không thể nào lẫn được. Hắn có đôi mắt ươn ướt nhìn ai cũng chăm chắm, nhưng cặp môi mỏng, hơi mím, cười đấy mà lại mím đấy, vẻ thận trọng, làm khuôn mặt rõ ràng vuông vức cộng với làn da căng mỏng mà nhìn vẫn khô khô. Hắn là người tôi đau đáu kiếm tìm hơn hai mươi năm ròng không những để trả khối ân tình lúc vận hạn, mà còn muốn thoả cái chí tò mò: hắn, vợ và con hắn bây giờ ra sao?
Tôi và hắn bằng tuổi nhau, bị tống vào trại cải tạo cùng một lúc, lại cùng một buồng. Tôi làm nghề lái tàu đưa khách du lịch trên vịnh làm chết một lúc bốn mạng người, toàn khách Tây chỉ vì một tí sơ xuất: giữa buổi chiều cô em gái lấy chồng xa nhà hơn trăm cây số đường đột về thăm, mẹ gọi tôi về ăn với em bữa cơm đoàn viên, tôi đánh tàu về thả neo gần bờ để khách nghỉ đêm trên tàu hẹn sáng mai đi tiếp. Chẳng ngờ đêm ấy lốc xoáy, tàu lật, bốn cặp vợ chồng người Tây chỉ còn một người đàn ông với ba người đàn bà trên người không một mảnh vải. Tôi bán hết cả tàu lẫn nhà cửa mặt phố của bố mẹ để trang trải hậu sự cho khách mà vẫn còn lĩnh án tù hai mươi năm.
Hắn làm phóng viên đài huyện, mắc tội làm lộ thông tin cơ mật của địa phương. Năm ấy quê hắn bị vỡ đê bao, hắn làm một phóng sự mi ni giọng đầy xa xót, đại ý: “Chẳng ngờ một con đê bao cũng có thể vỡ! Hàng ngàn mẫu lúa đang ở thời kỳ vàng trứng cá, hàng trăm mẫu vườn ao toàn những cây lâu niên, cá tôm ngần ngẫn, đằng thì ngụp túp, đằng bị dinh cả ra sông Cái, cơ đồ này khi nước rút chỉ còn lại vách lở với tường xiêu, mấy chục ngàn con người sống nhờ vào đất giờ trơ khấc như thân cò!”. Hắn còn bình: người quê đời nào cũng khổ dưới cái tít: “Người nghèo vẫn khổ “ đại ý cháy nhà, giặc giã, bão lũ người nghèo vẫn là hạng người chịu thiệt thòi nhất”, đúng vào dịp tờ báo cấp trên mở cuộc thi, hắn ăn giải bởi vấn đề đang được quan tâm. Hắn hí hửng từ đây đố ai còn dám coi thường cái sâu, con kiến trong làng báo như hắn. Ai ngờ địa phương hắn có tới mấy chục nhà máy, công ty liên doanh với người nước ngoài, gặp phải cái thằng nước ngoài khốn kiếp nào đó vớ được mẩu tin ấy đem về gọt giũa, nâng cấp, bình bọt rồi đưa thẳng lên mạng, thế là hắn bị triệu lên tòa vì tội cung cấp thông tin, bêu xấu chính quyền địa phương, hắn bị lập án và cũng đi tù như tôi.
Cái giây phút bước chân vào phòng giam, tôi choáng váng sỉu ngay đằng sau cánh cửa. Tỉnh lại tôi thấy mặt hắn vẫn thản như không, hắn ngồi bó gối, mắt đăm đắm nhìn ra xa xăm cứ như hắn kiếm tìm vật gì đó ở tận chân trời, góc bể, cặp môi mim mím vẻ can trường. Tôi dựa luôn vào cặp mắt, đôi môi ấy mà lấy lại tinh thần. Tôi bò đến bên hắn, ôm chặt hai đầu gối vững như hai cái trụ của hắn mà lay, mà khóc xin hắn giúp đỡ, che chở, xin hắn nhận tôi làm em, cho dù lúc ấy tôi chẳng biết hắn hơn hay kém tuổi tôi. Hắn cứ ngồi nguyên, môi không động cựa, đôi mắt ươn ướt, cái nhìn xa xăm. Tôi khóc rống lên. Trận khóc vô duyên làm nát lòng những kẻ đến trước, làm sốt ruột buốt gan cái tinh thần chờ đợi cho qua cơn tai ách của kẻ trong lao, làm ngứa mắt các bậc “đàn anh”, khiến chỉ chút nữa thì tôi nhừ đòn, nếu không có ánh mắt của hắn quét qua, quét lại đám người kia.
Buổi tối nằm bên tôi hắn nhìn trừng trừng lên trần nhà rì rầm: “Mày con gì?” Tôi ớ người rồi cũng hiểu ra vội lắp bắp “Em con gà” Hắn bảo “Cùng tuổi tao, không cần xưng em, chỉ có điều mày gà nhiếp, gan bằng hạt đậu”. Tôi nài nỉ: “Nhưng em vẫn muốn làm em của anh cơ, em xin anh che chở!” Hắn chặc lưỡi: “Thôi được, mày thích thì cứ việc, tính tao không thích nói nhiều, nhưng nhớ đã coi nhau là anh em vào lúc này thì phải đi hết cuộc đời với nhau, từ nay tao và mày phải gắng lên, phải phấn đấu mà nhanh chóng xóa cái nhãn thằng tù mà hy vọng ở phía trước!”. Tôi gật đánh cộc gáy xuống nền xi măng, Hắn chua thêm: Nói cho mày biết, con người từ khi sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay không ai không gặp phiền muộn một đôi lần, nhưng với tao thì nó đến sớm quá, bất ngờ quá, mà cũng vô lý quá? Hắn thở dài đánh sượt rồi đột ngột quay sang hỏi tôi: Còn mày thì sao? Sao lại phải chui vào đây? Tôi kể, tôi làm chết bốn mạng Tây chỉ vì ăn với em gái một bữa cơm. Hắn tặc lưỡi: Đắt quá! Đúng là con người ta có số thật. Tử tế mà số rách thì vẫn rách. Cái số của tao, mày và những thằng kia là cái số trời đã định. Giờ bất luận oan hay chính thì mỗi thằng đã là một hạt bụi của trần gian mất rồi! Thế nên càng phải can trường lên”. Lời của hắn như bàn tay vô hình xốc tôi dậy, tôi không còn thấy run sợ như buổi ban sáng nữa, từ đó tôi coi hắn là cha mẹ của tôi. Hàng ngày cán bộ của trại chỉ giáo điều gì tôi đều len lén đánh mắt sang phía hắn, dò xét nét mặt hắn, hắn vui tôi cũng vui, hắn không nói tôi lặng thinh, thậm chí hắn tức giận máu tôi cũng sôi lên. Tôi ốm không dám xin nghỉ ở nhà, tôi sợ nỗi cô đơn nếu chỉ có tôi với cái không gian trống hoác, tĩnh lặng mà nếu có thằng nào đó cũng ở lại phòng thì càng sợ hơn, bởi thi thoảng tôi vẫn bắt gặp ánh mắt của mấy tay anh chị đưa đẩy sang phía tôi, tôi liên tưởng đó là sự chế nhạo những hành vi “giả công tử” của tôi, có vẻ như họ chỉ chờ thời cơ tôi và hắn tách nhau là chúng sẽ dạy dỗ tôi về luật lệ của” Ba mươi sáu cửa ải trần gian” và “ Chín tầng địa ngục”.
Sáng thứ bảy hôm ấy, quản giáo xuống thông báo vợ hắn đến thăm, hắn được ra gặp vợ. Nghe hắn kể vợ hắn đương chức chủ tịch Công đoàn một trường tiểu học ở quê. Quê hắn cách trại cải tạo gần hai trăm cây số, thế mà vợ hắn vẫn ẵm con lên tận trại thăm hắn. Hắn xúc động. Tôi từng chứng kiến cả năm trời đội đá, vá đường, cầm cờ tàu chuối đuổi vịt, rồi nghe trại tuyên bố tòa xử lại vụ của hắn rút xuống những năm năm tù, chưa bao giờ hắn cười, chả mấy khi thấy hắn mấp máy môi trò chuyện, hắn lầm lì làm việc, hắn làm hùng hục như thể hoặc sống hoặc chết, vậy mà khi biết tin vợ hắn đến thăm, thoạt đầu hắn đứng khựng, sau hai chân lại ríu vào nhau rồi hắn ngồi bệt xuống và cười, cười không nhếch mép chỉ mim mím cặp môi, da đỏ tía lên tận chân tóc làm cả bọn Bụi trần nhộn nhạo hẳn, mấy thằng tuổi hai mươi, hai hai cứ nhảy xôm xôm làm trò, gian phòng vốn lạnh lùng, vô cảm ấm hẳn lên, mấy chiếc lá ngoài cửa sổ cũng chao nhoay nhoáy. Tôi chưa vợ, nhìn thấy hành vi lạ lẫm của hắn, đầu tôi cứ luẩn quẩn câu hỏi: “Sao vợ con đối với thằng đàn ông lại quan trọng đến thế?”. Đã vậy, ông quản giáo còn vỗ vào vai hắn đánh bộp cười cười: “ Vui lên, Giám thị cho cậu được ở với vợ con hết hai ngày một đêm thứ bảy và chủ nhật vì thành tích cải tạo tốt đấy! Biết điều với vợ con vào nhé!” Hắn gãi đầu cười khục một cái rồi thôi ngay mà mặt cứ đỏ dựng lên, hình như trong đầu hắn vừa nảy ra một ý nghĩ thú vị cực đỉnh nào đó chỉ mình hắn biết và chỉ mình hắn sướng nên hắn mới có cái cử chỉ quái đản thế.
Nhưng niềm vui của tôi, của cả bọn Bụi trần cùng rơi tõm xuống vực thẳm khi chỉ độ nửa giờ đã thấy hắn lê bước về phòng. Hắn về, đi lùi lũi, đầu chúc xuống, cặp mắt thất thần, cặp môi đã mím chặt mà vẫn cứ rật rật, khác một trời một vực cái lúc hắn đi. Hắn đổ vật xuống manh chiếu “tiêu chuẩn” của hắn, trong tư thế co quắp, cả người cứ rung lên từng chặp, lũ Bụi trần đứa đứng, đứa ngồi trơ khấc, đánh những cái nhìn sang nhau vẻ ngơ ngác, không ai hé miệng nói một câu, mãi đến khi thằng “Mặt sẹo” lên tiếng: “Đồ ngu. Cơ hội đắt ngàn vàng thế mà không biết tranh thủ! Chẳng trách cơm dẻo canh ngọt không ăn, chui vào đây mà nhá sắn khô! Ngu như tao cũng còn biết có giận nhau đến mấy thì cũng để mãn hạn tù về nhà rồi hãy giận, còn bây giờ thì phải tranh thủ, tranh thủ từng phút, từng giây bên nhau”. Hắn vẫn không mở miệng. Tôi đến bên lắc hắn như lắc bao gạo, nhồi bao trấu hỏi hắn vì sao? Vì sao?...? Hắn vẫn chẳng thèm nhúc nhích, chỉ đến khi Mặt sẹo ỡm ờ: Hay hôm nay phải ngày thấy tháng của đàn bà mà mày uất đến thế” thì hắn vùng dậy túm ngực áo Mặt sẹo đấm túi bụi vào cổ, vào ngực tay kia, răng hắn nghiến ken két, môi mím chặt, tím tái. Mà lạ, một đằng to béo như vâm, xăm xia vằn vện lại cứ đứng ngay như trời trồng, hai cánh tay buông thõng thẻo để cho hắn, người chỉ đứng đến tai hắn mà đấm, mà tát, chả khác kiểu đấm vào bị bông, mà cũng chả ai thèm can. Đấm chán hắn đứng thở hồng hộc rồi lại đổ vật xuống chiếu, còn Mặt sẹo cười hinh hích vẻ thỏa mãn về sự sòng phẳng. Từ đó không ai hỏi và hắn cũng không bao giờ nhắc đến chuyện vợ con, cho đến một ngày hắn được minh oan vô tội thì hắn đi đến xiết vai mỗi người trong phòng một cái đến nghẹt thở rồi lẳng lặng vắt cái túi lép kẹp lên vai ra đi, để lại trong lòng đám Bụi trần sự trống trải và ngỡ ngàng. Ra đến cổng bỗng hắn thở dài đánh thượt than thở: “Bây giờ đối với tao việc ra tù chưa chắc đã khá hơn là ở trong tù! Mày thì khác, gắng mà ra ngoài làm lại cuộc đời”. Tôi sửng sốt bảo hắn sao kỳ quặc thế. Hắn lại cười khục một tiếng rồi đi thẳng.
Hết hạn cải tạo tôi lại quay về với nghề chở khách du lịch trên vịnh, bởi tôi nghĩ chả ai chết hai lần cùng một cách chết, còn tôi nếu có gặp trận lốc xoáy lần nữa trong đời coi như số tôi ông trời đã định, có tránh cũng không được, vậy thì tôi còn phải nhọc lòng mà che với chắn làm gì! Vả lại tôi được sinh ra ở miền biển, không bám vào biển mà sống thì bám vào đâu, vì thế vừa ra tù bố mẹ, anh chị em bên trước bên sau đã gom góp, vay mượn tiền bạc mua cho tôi một con tàu hệt chiếc tàu năm xưa và tôi lại rong ruổi với khách.
Nhận ra hắn, tôi mừng rỡ, hắn chẳng nói chẳng rằng xiết vai tôi đến nghẹt thở như hôm hắn ra tù, rồi ấn tôi ngồi xuống sàn, còn hắn thì hấp tấp đi đâu thoáng một cái đã quay lại, tay xách theo một con cá bằng cái quạt mo, vảy cứng và to bằng đồng xu, đen bóng, rồi hắn hì hụi quạt than nướng. Vừa nướng cá hắn vừa bảo: “Hôm nay tao với mày phải say, bao nhiêu tiền phạt của khách tao chịu, ở đây tiền cũng chả biết làm gì!”. Tôi chưa nói được câu nào hắn đã dọn mâm. Vừa ăn tôi vừa kể cho hắn nghe về cái kết cục của từng thành viên trong đám Bụi trần từ sau khi hắn ra ngoài, chuyện tôi được rút ngắn thời gian do phấn đấu ra sao, rồi chuyện tôi lấy vợ, sinh con và có nhà cửa ngay trên bờ biển thế nào. Tôi kể nhiệt tình, hào hứng, còn hắn lắng nghe một cách trầm ngâm, cặp môi chả mấy khi hé mở, khi nào đến chỗ đắc ý hắn lại đưa tay lên gãi đầu đánh roạt. Khi chuyện của tôi đã hết, tôi quay sang hỏi hắn từ ngày về vợ chồng hắn làm những gì, con cái đã trưởng thành chưa, mà sao không quay lại cái nghề làm phóng viên mà lại ra tận cái góc biển heo hút này mà nuôi cá? Hắn thủng thẳng: “Đã về đến nhà đếch đâu!” Tôi sững sờ: “Thế là thế nào? Sao anh rắc rối thế? Nếm mật nằm gai với nhau mấy năm trời, rồi lại xa nhau đến giờ đã đến hai chục năm bỗng nhiên em chẳng hiểu gì về anh cả?” Nghe xong câu nói của tôi hắn lại mím chặt đôi môi, mặt đỏ tía lên rồi chợt tái đi. Hắn nhìn trân trân ra tận luồng nước xanh. Đột ngột hai dòng nước mắt hắn lăn dài xuống má làm nước mắt tôi cũng ứa ra. Tôi đường đột ôm hắn và hắn cũng ôm tôi, nhưng lần này hắn không xiết tôi chặt như cái hôm hắn xiết tất cả đám Bụi trần trong nhà giam để biến vào sương khói. Sau cái ôm vừa đủ cho cả hai cảm nhận về nhau, hắn thả tôi ra rồi dốc ngược cốc rượu trong như nước mưa vào tận cổ, tiếp đến hắn gắp một miếng cá bằng quả dừa non bỏ vào bát tôi và lại uống một hơi gọn một cốc, uống xong hắn lại tự rót.... Tôi giằng lấy cốc rượu cũng dốc thẳng vào cổ mình và đe hắn: “Em nói để anh biết, nếu anh còn uống kiểu này và trốn tránh chuyện đời thì em thề hôm nay em sẽ đấu với anh một trận, rồi em sẽ lại để khách ngủ đêm trên tàu, rồi em sẽ lại vào ở tù mặc kệ vợ con cho anh xem!” Dứt lời, tôi rót cốc rượu nữa dốc vào cổ, rồi lại rót đầy ắp cốc khác giơ ra trước mặt hắn đòi chạm cốc. Hắn giật cái cốc đặt phịch xuống sàn, mắt hắn long lên, rượu bắn tung toé làm tôi tối mắt. Hắn bảo: Nếu chuyện gì nói ra xung quanh cũng hiểu được thì đời đâu đến nỗi dâu bể! Tôi tấn công: Vậy anh nói đi, người đời không hiểu nhưng em hiểu, được chưa, vợ anh tay bồng tay bế con lặn lội lên tận trại thăm anh, động viên anh, người ta đã minh oan cho anh, người ta đã xin lỗi anh, đã đền bù thiệt hại cho anh, vậy thì gần hai mươi năm qua anh không về nhà thì đi những đâu, đày ải mình thế nào? Anh bỏ mặc bố mẹ, vợ con anh nghĩa là sao? Hôm nay anh không nói thì em không về! Hắn ngồi trầm ngâm cho đến khi hai con mắt mọng ra, hai gò má chảy sệ xuống, trán ướt rịn mồ hôi hắn mới chịu mở miệng:
- Hơn hai mươi năm qua tao làm đủ mọi việc, và bây giờ thì mày biết rồi.
- Trời ơi, sao anh cứ dùng dằng mãi thế, hãy kể cho rõ hơn xem nào?
- Nhưng nghe rồi bất cứ hoàn cảnh nào mày cũng không được học tao nghe không?
- Em hứa!
Hắn kể: Cái ngày cô ta (vợ hắn) vào trại thăm tao, ban đầu cô ta ôm lấy tao, vít cổ tao vào ngực cô ta mà khóc thảm thiết, làm tim tao tái tê, tao ân hận lúc trước ăn ở với nhau tao còn nhiều thiếu sót với cô ta, ai ngờ nước mắt chưa ráo cô ta đã chìa ra một tờ giấy viết sẵn bảo tao ký. Mày biết cái gì không? Đơn ly hôn. Đọc xong tao thấy trời đất sụp dưới chân. Mày bảo một thằng đàn ông chưa đầy ba mươi tuổi đầu trời đã giáng cho một đòn, vào tù còn chân ướt chân ráo, trần gian lại bồi tiếp đòn thứ hai, cả hai đều hiểm ác như nhau: một thằng phạm tội và một thằng bị vợ con chối bỏ, liệu tao có còn sống được nữa không?
- Cô ta thành thật, cô ta không chịu nổi áp lực từ những cái nhìn thương hại của đồng nghiệp, những ánh mắt thị phi của xóm giềng. Cô ta không muốn mất những giọt mồ hôi đã tích góp gần nửa người. Cô ta không muốn con cái cô ta phải mang cái lý lịch có bố đi tù. Cuối cùng cô ta ra lệnh cho tao phải chọn cuộc sống của tao hay là tương lai của đứa con. Chuyện là thế đấy!
Tôi đá vèo cái bát ở trước mặt lăn lông lốc trên mặt sàn ván và hét lên:
- Đời sao tàn nhẫn thế? Nhưng mà chỉ vì hận tình mà anh tự nặn ra cuộc đời anh thế này sao? Anh không thể coi cô ta như chưa từng có mà xây cho mình cuộc sống mới được sao?
- Hừ, coi được thì mấy ai phải khổ.
- Thế khi anh được được minh oan, cô ta có biết không?
- Biết.
- Biết thì sao?
- Biết tao được trả về cơ quan cũ, cô ta dắt con đi gặp tao. Lần nào cô ta cũng khóc, khóc thảm thiết như cái lần cô ta khóc ở trại giam.
- Thế thì sao anh không cho cô ta một cơ hội để hai người đỡ khổ!
- Tao đã thử đến cả chục lần mà lần nào cũng bị thằng người thứ hai trong tao nó chặn lại. Cô ta càng níu kéo tao càng kinh hãi.
Hắn lập luận với tôi rằng: con người ta có ba điều cần phải dứt khoát, đó là: vợ chồng không có niềm tin ở nhau, hai là trong hai người có một người cố tình ra đi, ba là trong đời sống vợ chồng thiếu lòng vị tha, cô ta đã dành cho tao cả ba điều, thế thì mày bảo tao còn quay đầu về bến cũ được không?
Hắn nói, mắt hắn nhìn vào mắt tôi chăm chắm! Rồi hắn khóc, khóc rống lên như mấy mươi năm qua hắn chưa có ai để mà khóc!
- Những năm qua anh làm những gì và ở những đâu? Tôi hạ giọng:
- Ban đầu tao quay trở lại nơi cũ, tay trưởng phòng bảo tao tạm thay chân bảo vệ một thời gian vì cái chỗ của tao đã có người khác thế vào rồi. Tao gác cổng đến hai năm, đề đạt nguyện vọng hai lần họ đều bảo tao chờ, chờ mãi không có hy vọng, tao quyết định xin lên miền núi làm nghề dạy học, ai ngờ cái nhãn thằng tù theo tao lên tận đỉnh núi. Mỗi năm hết hè, tao lại nhận quyết định chuyển trường, thì ra cha mẹ học sinh sợ mình làm hỏng con cái họ, họ ngấm ngầm đưa đơn đòi ngành giáo dục không được cho tao dạy con họ. Hiểu ra, đêm tao bỏ trường ra đi mang theo một lời thề, quyết không làm cái nghề dính líu đến con người, và rồi cuối cùng tao đỗ chân xuống miền biển này.
- Anh định sống cả cuộc đời thế này sao?
- Có lẽ thế! Số phận đã an bài, tao phải ở chốn này và chỉ có ở đây tao mới được yên hàn, mới tránh được kiếp nạn cho những người xung quanh, vậy thì tao còn mất công đi đâu nữa? Đời mà, cứ sống đi rồi sẽ quen!
Câu chuyện còn dở dang thì hắn đã dựa hẳn lưng vào cây cột cái của mái lán, đầu nghẹo sang một bên, trước khi cất tiếng ngáy, hắn phảy tay bảo tôi về đi, về đi nếu còn muốn gặp lại hắn. Tôi choáng váng, không thể ngờ một con người chỉ lạc một bước mà lưu lạc cả cuộc đời. Tôi lắc người một cái thoát ra khỏi mớ hỗn độn những đau, buồn, tiếc, thương cùng những suy đoán trước sau của đời người rồi vùng dậy bước ra khỏi mái lán. Ngoài kia đám khách của tôi ai cũng hởn hở với những khăn áo, túi tắm, bị bọc bùng nhùng những tôm, cá và cua mà cánh dân chài đem từ tít tận ngoài khơi xa về, chứng tỏ họ cũng đã xong một bữa thoả thê về đặc sản biển.
Cách ngày tôi gặp hắn đúng một tháng, đài báo sắp có giông bão, tàu thuyền không nên ra biển, tôi ngồi thu lu ở nhà mở trang mạng Cư Dân để giết thời gian. Hàng chữ vừa hiện lên tôi bị hút ngay vào bức thư của người phụ nữ nào đó gương mặt đầy đặn mà cặp mắt u sầu như sắp rơi lệ, nhìn thời gian đăng thư đã khá xa nhưng nội dung lại như vừa mới hôm qua. Thư đề: Gửi vào nhân gian:
“Tôi sinh ra từ vùng quê một năm chưa ra khỏi mùa đông tê tái, xác xơ bởi những trận gió bắc và sương muối, con trâu phải ghì mõm lôi gốc cỏ lên nhai, con gà bới chán không tìm thấy cái ăn đứng ủ dột dưới gốc cây, đã nơm nớp nỗi lo chống chọi với bão giông ập tới. Qua mỗi cái bão, mỗi trận lụt người quê tôi lại đắp thêm lên mình một lần sắt xỉn. Tôi đã đi lên từ làng quê ấy mà thấy những gì tôi có được trong tay như là kỳ vĩ, như là chiêm bao...Đến một ngày gặp điều trắc trở, tôi tự bảo với chính mình phải giữ nó bằng mọi giá và tôi đã làm cái điều như tôi nghĩ... Rồi một ngày tôi tự nhận ra những cái tôi coi là báu vật lại không phải là cái cốt lõi của cuộc đời. Tôi đã làm thú giải, tôi đã sám hối, tôi thề với trời tôi sẽ hóa đá ngay sau cái giây phút tạo hóa cho tôi chuộc lại lỗi lầm. Nhưng tôi đã chờ đợi quá nửa đời người, ngày lại ngày tôi bám vào hy vọng, dựa vào vận may mong đến một ngày tôi và người tôi bội bạc có thể gặp lại nhau cho dù ở phía cuối cuộc đời! Thế cũng đủ cho tôi thỏa mãn niềm khát khao: Tôi được làm người đàn bà của ngày xưa cũ!”.
Thư của vợ hắn, thư của người đàn bà tôi chưa biết mặt. Không hiểu bám vào cái gì mà thâm tâm tôi cứ một mực mách bảo trực giác của tôi, đó là thư của vợ hắn, cho dù câu chữ, ý và lời có biển lận vào đất, nước, gió và mưa thì tôi cũng vẫn nhận ra đó là vợ hắn. Tôi bỏ máy hộc tốc xuống tàu phi hết tốc lực. Tôi phải quay lại bè cá của hắn. Tôi phải đi tìm hắn bằng được, ngay lúc này dù hắn có biến vào chân trời góc bể nào thì tôi cũng phải moi ra bằng được và bảo vào mặt hắn rằng, nếu hắn không tha cho vợ hắn, nếu hắn không quay về với vợ con hắn thì nhất định tôi sẽ lại uống rượu, sẽ lại thả neo cho tàu đậu ở ngoài biển khơi và mặc cho khách ngủ đêm trên tàu...!
“Bên kia thinh lặng”
Phương Uy tên thật là Hoàng Lê Diễm Trang, hiện là giáo viên trường THCS Tân Hà, Hàm Tân, Bình Thuận. Nếu từng đọc thơ chị ở đâu đó, bạn đọc sẽ khó quên được một niềm “ray rứt” (từ dùng của Phương Uy) thường trực trước mọi điều xung quanh cuộc sống. Dường như những thứ vô hình (nỗi buồn, niềm hy vọng, sự tiếc nuối hay sám hối…) lại được hiển thị một cách rất tự nhiên và độc đáo trong thơ Phương Uy. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc chùm thơ mới nhất chị chọn và gửi tới VanVN.Net.
HÓA THÂN
Em cầm nửa vòng đêm đứng bên bờ thần thoại
nghe khúc The Myth chảy ray rứt dưới trăng
mùa rơi mù mắt lá
thốt lạnh đêm rằm
tôi gói mình giữa hình hài cô đơn thô vụng
khoác một hóa thân gượng gạo trước mặt trời
nghe kí ức loảng xoảng rơi trên vùng trăng biển
dấu cát xóa nhòa nước mắt mù khơi
Em cầm nửa nụ cười đi về nơi quá vãng
cánh đồng xưa đã không còn vọng tiếng từ ngày hôm qua
đừng quay lại
để tuyệt vọng chảy tràn qua mớ âm thanh tím thẫm
Em cầm nửa u hoài đi về phía ngập vùi trí nhớ
theo mùa đông rũ áo trước hiên nhà
tôi hóa thân thành ánh nhìn trống rỗng
nghe lời ca vỡ máu ngân nga
ảo giác bong tróc rêu xám
đong đưa lời muộn trùng trùng
giữa cơn bão từ đôi mắt em dội lại
lời xin lỗi của nỗi tuyệt vọng màu trắng
gói một nỗi buồn
khi mọi cố gắng đã hoàn tất
câu từ khước bao dung không còn nói nữa
yên vị trên môi lời mật ngọt sau cùng
trong góc tối những âm thừa run rẩy
khóc một hình dung
CƠN MỚ LỘI NGƯỢC DÒNG
Cơn mớ lội ngược dòng
bờ lau lách cũ
tà dương son lời hẹn trăng rằm
cơn đau chập chờn màu bóng rũ
loang dần trên tịch mịch thâm căn
ngách tối
khói nhang trầm tự vẫn
đền đài phế tích ru hời
hanh hao chiều vắng gió
hồn liễu căm căm.
Đá toát mồ hôi huyết dụ
vẳng tiếng ca nguyện cuối ngày
mảnh thời gian màu tàn thuốc
nối giọt buồn trên tay
Cơn mớ lội ngược dòng
mắt em xanh ngời mị hoặc
băng phiến lòng người đối mục
nhập siêu mộng mỵ trăm năm
miền không gian không màu
chảy máu bùn non cơn mưa tạnh
nhớ ngây dại một bàn tay
nuốt lạnh quá khứ ô cửa trống
chiều mù không mây.
Cơn mơ chấp chới
cánh diều lên quá cao và đứt dây
ngày trôi nhanh
đời nhau không buộc chặt
nụ môi nhiệt hạch loang dần
ố đỏ
cơn đau nào gánh dùm nhau?
Thôi cứ tái tê mùa gió lộng
giọt mưa rơi ướt mắt gầy
cà phê loang khói mỏng
thôi cứ trả ngày cho cạn
mọc giữa quá khứ một nhánh buồn (*)
niềm vui không có trong tiền kiếp
tìm chi được một vòng ôm?
-----------------
Ý thơ K. Lan
BÊN KIA THINH LẶNG
cô gái đã biến mất vào nửa buổi chiều
nơi những tiếng ve nở rộ
hàng cây nhảy múa trong gió và bụi mù
tôi ngồi chuyện trò với những câu nói của mình
tảng đá dưới chân tôi gào lên câm lặng
trong nhà
chiếc ti vi độc thoại
về sự ngộ độc và những cuộc mất tích
người đã bỏ đi từ năm ngoái .
tôi lột chiếc bóng in trên vách tường ngày hôm qua
một luồng ánh sáng lóe qua lỗ đinh
đó là tuổi trẻ không sợ hãi
tôi đã không thể viết những ngôn từ dịu dàng bay bổng kể từ ngày em đi
đã tẩm liệm những dòng sông xanh những tán cây xanh những đám mây xanh
vào
xa
kiệt
cùng
trí
nhớ
tà dương son lời hẹn trăng rằm
cơn đau chập chờn màu bóng rũ
loang dần trên tịch mịch thâm căn
ngách tối
khói nhang trầm tự vẫn
đền đài phế tích ru hời
hanh hao chiều vắng gió
hồn liễu căm căm.
Đá toát mồ hôi huyết dụ
vẳng tiếng ca nguyện cuối ngày
mảnh thời gian màu tàn thuốc
nối giọt buồn trên tay
Cơn mớ lội ngược dòng
mắt em xanh ngời mị hoặc
băng phiến lòng người đối mục
nhập siêu mộng mỵ trăm năm
miền không gian không màu
chảy máu bùn non cơn mưa tạnh
nhớ ngây dại một bàn tay
nuốt lạnh quá khứ ô cửa trống
chiều mù không mây.
Cơn mơ chấp chới
cánh diều lên quá cao và đứt dây
ngày trôi nhanh
đời nhau không buộc chặt
nụ môi nhiệt hạch loang dần
ố đỏ
cơn đau nào gánh dùm nhau?
Thôi cứ tái tê mùa gió lộng
giọt mưa rơi ướt mắt gầy
cà phê loang khói mỏng
thôi cứ trả ngày cho cạn
mọc giữa quá khứ một nhánh buồn (*)
niềm vui không có trong tiền kiếp
tìm chi được một vòng ôm?
-----------------
Ý thơ K. Lan
BÊN KIA THINH LẶNG
cô gái đã biến mất vào nửa buổi chiều
nơi những tiếng ve nở rộ
hàng cây nhảy múa trong gió và bụi mù
tôi ngồi chuyện trò với những câu nói của mình
tảng đá dưới chân tôi gào lên câm lặng
trong nhà
chiếc ti vi độc thoại
về sự ngộ độc và những cuộc mất tích
người đã bỏ đi từ năm ngoái .
tôi lột chiếc bóng in trên vách tường ngày hôm qua
một luồng ánh sáng lóe qua lỗ đinh
đó là tuổi trẻ không sợ hãi
tôi đã không thể viết những ngôn từ dịu dàng bay bổng kể từ ngày em đi
đã tẩm liệm những dòng sông xanh những tán cây xanh những đám mây xanh
vào
xa
kiệt
cùng
trí
nhớ
em mất hút vào bầu trời không màu
tôi ngồi bên các dấu câu bị hỏng
rủ rê ngọn gió cùng cất cao giọng hát
rủ rê hàng cây trở về với khu vườn
nơi bầy chim lạnh không hót khi trời không mưa
bầy chim mù lòa mà em đã bỏ rơi sau lễ phóng sinh mùa tết
một loạt những vết thương nhỏ đang thành hình
trong tôi
đừng
chảy
máu
nữa!
mệt rồi, tôi!
Đã bỏ lại nỗi nhớ ở nhà
và chạy mệt nhoài trên đường
chân bỏng rát
con đường nối dài về quá khứ
đá sắc lặng lẽ
cứa
nát
dấu chân nguyệt bạch
ngày chiêm bao về cuộc trăng mật
nơi những tảng đá trổ hoa
đám sao trời rơi dày trên lòng suối khô
ngày chói lòa suy niệm
tôi nói chuyện với người
trong thinh lặng
tột cùng
bên kia bóng tối
phải chăng
người đã lãng quên tôi?
tôi ngồi bên các dấu câu bị hỏng
rủ rê ngọn gió cùng cất cao giọng hát
rủ rê hàng cây trở về với khu vườn
nơi bầy chim lạnh không hót khi trời không mưa
bầy chim mù lòa mà em đã bỏ rơi sau lễ phóng sinh mùa tết
một loạt những vết thương nhỏ đang thành hình
trong tôi
đừng
chảy
máu
nữa!
mệt rồi, tôi!
Đã bỏ lại nỗi nhớ ở nhà
và chạy mệt nhoài trên đường
chân bỏng rát
con đường nối dài về quá khứ
đá sắc lặng lẽ
cứa
nát
dấu chân nguyệt bạch
ngày chiêm bao về cuộc trăng mật
nơi những tảng đá trổ hoa
đám sao trời rơi dày trên lòng suối khô
ngày chói lòa suy niệm
tôi nói chuyện với người
trong thinh lặng
tột cùng
bên kia bóng tối
phải chăng
người đã lãng quên tôi?
Bạn có đang " đẽo cày giữa đường"?
Ngày xưa, có một bác nông dân rất nghèo, bác muốn có một cái cày để tăng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, bác có khúc gỗ tốt nhưng bác lại chưa đẽo cày bao giờ, thế là bác mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo và hỏi ý kiến mọi người. Người này bảo bác đẽo nhỏ quá, người kia bảo bác đẽo to quá, 9 người thì 10 ý… họ cứ bảo sao, bác lại sửa theo như thế. Đến cuối ngày, bác chỉ còn lại khúc gỗ nhỏ xíu và không có cái cày nào hết.
Đó là một dị bản truyện “Đẽo Cày Giữa Đường” mà tôi được nghe hồi bé. Bác nông dân trong câu chuyện không có chính kiến của mình, “gió chiều nào theo chiều ấy” nên dù có khúc gỗ tốt, bác cũng không đẽo nổi cái cày. Bài học rút ra từ câu chuyện dân gian ấy vẫn còn đúng đến tận bây giờ. Thậm chí, càng lớn tôi càng thấy “ngấm” tư tưởng của các cụ về việc kiên trì theo đuổi con đường của mình đến cùng.
Mỗi chúng ta đều là một “bác nông dân” như vậy. Bạn có thấy từng việc bạn làm, từng quyết định bạn đưa ra, từng lối rẽ bạn chọn, lúc nào cũng có “người đi qua” và góp ý cho bạn không? Bạn bị lạc vào mê cung của những lời khuyên, bị rối và bế tắc. Theo tôi, đây có lẽ là một nguyên nhân dẫn đến stress và tệ hơn là cảm giác thất bại cùng suy nghĩ “mình sẽ chẳng bao giờ làm được gì ra hồn” luôn đeo bám bạn khi bạn cứ mù quáng tin rằng “người ta bảo chẳng có ai làm được đâu” hay “người ta bảo khó lắm đấy”.
Vậy nên trước khi làm bất cứ cái gì, hãy tự hỏi:
Ai là người thực hiện? Bạn.
Ai là người chịu trách nhiệm? Bạn.
Ai là người hưởng thành quả? Bạn.
Ai là người lãnh hậu quả? Chỉ Bạn mà thôi.
Khi đứng ở ngã ba đường của những sự lựa chọn, tâm trí bạn rất dễ bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác. Đôi khi ta chỉ thấy le lói một ý kiến tích cực trong hàng tá ý kiến tiêu cực và muốn bỏ cuộc ngay lập tức. Cái đầu bình tĩnh là rất cần thiết cho lúc này. Bạn nên sáng suốt nghĩ xem điều gì phù hợp, điều gì không phù hợp với mình. “Dục tốc bất đạt”, đừng vội vã nghe theo tất cả mọi người như bác nông dân rồi hỏng việc. Bản thân tôi thấy có ba loại lời khuyên như sau:
Lời khuyên của người chẳng hề muốn bạn thành công. Họ ghen tỵ rồi ra sức phê phán, gây khó khăn cho bạn bởi họ sung sướng khi thấy bạn thất bại. Nếu muốn thỏa mãn những người này thì hãy nghe theo họ.
Lời khuyên của người không muốn làm mất lòng bạn. Chúng vô thưởng vô phạt, thực sự thì có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Tuy không làm bạn ức chế như loại 1 nhưng những ý kiến chung chung, không đề xuất được giải pháp ấy chẳng giúp ích gì cho bạn hết.
Lời khuyên từ những người muốn thấy bạn thành công. Họ cho lời khuyên vì đơn giản họ nghĩ như vậy sẽ tốt cho bạn. Dù ủng hộ hay phản đối, lời khuyên nhẹ nhàng hay cay đắng, chua chát ra sao, đó cũng chỉ là quan điểm của cá nhân họ. Bạn thấy hợp thì nghe và làm theo, không thì thôi.
Mọi lời khuyên không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng. Suy cho cùng, người quyết định lại vẫn là bạn đấy. Khi bạn đã chọn thì đừng tiếc nuối vẩn vơ hay trách móc ai hết:
“…Tiếc làm gì cho phí phạm, mỗi lúc mình chỉ có thể quyết định điều gì tốt nhất vào lúc đó thôi cưng, mình làm sao biết được quyết định đó là tốt nhất hay không, đời thì dài, chết có khi cũng còn chưa là kết thúc thì làm sao tính được?”
- Trích Bất Hạnh Là Một Tài Sản, Phan Việt
Tóm lại, nên lắng nghe và tiếp thu góp ý của người khác nhưng đừng quên nghe xem chính mình muốn thế nào vì điều này mới thực sự quan trọng. Hãy đẽo một cái cày thật tốt hoặc chuẩn bị bất cứ công cụ gì bạn có để sẵn sàng làm việc. Bạn chỉ có một cuộc đời để sống và tuổi trẻ có lẽ là quãng đời mà người ta liều nhất nhưng cũng mắc nhiều sai lầm nhất. Bạn trẻ à, dũng cảm lên, đừng run sợ hay nản chí bởi ai cũng có một tuổi trẻ như thế.
“Hãy học từ sai lầm của người khác. Bạn sẽ không bao giờ sống đủ lâu để phạm phải tất cả sai lầm.” – Groucho Marx
Anh Nguyễn LP
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)