Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Nghịch lý văn chương và thông điệp “đẫm máu”



Tác giả: Hà Nhân (Nhân đọc PGS. TS Phan Trọng thưởng: Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn- đăng trên VanVn.net, ngày 19/4/2014)

Bài nhận xét luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan do PGS.TS Phan Trọng Thưởng viết khá dài, ước chừng khoảng 10 trang A4. Đọc đi đọc lại thì thấy có nhiều chỗ “bi hài thống thiết” nên phải viết ra đây, coi như lời tản mạn, nhàn đàm của một “thảo dân” biết chữ.

1. Nghịch lý thứ nhất: Luận văn phức tạp, còn lời nhận xét thì đơn giản ngoài sức tưởng tượng.

Tôi cho rằng luận văn của Đỗ Thị Thoan rất phức tạp trên nhiều phương diện: vấn đề phức tạp, phương pháp phức tạp, câu chữ phức tạp, kết luận phức tạp, dư luận phức tạp.

Vấn đề phức tạp: vì đối tượng nghiên cứu không chỉ là nhóm Mở Miệng và thơ của nhóm này mà là vấn đề “thực hành thơ” dưới góc nhìn “văn hóa”. Không thể phiên dịch “thực hành thơ” chỉ là làm thơ (bởi nội hàm nó rộng hơn, còn có nghĩa là “nghịch thơ”, “chơi thơ”, v.v…), ở đây cần hiểu là một hành vi sáng tạo chưa định danh, một xu thế về thể loại. Nghiên cứu một xu thế văn chương cũng giống như giải một bài toán về quĩ tích, tìm một điểm M vô hình nào đó luôn động của một tập hợp điểm, phức tạp quá chứ còn gì.

Phương pháp phức tạp: cách tiếp cận và giải quyết vấn đề trong trường hợp này đòi hỏi một phương pháp liên ngành ở chiều sâu (đòi hòi quá nhiều tri thức vệ tinh như lý thuyết thơ đương đại, lý thuyết hậu hiện đại, triết học hậu hiện đại,…), đồng thời phải có bản lĩnh về loại hình học. Chỉ cần đặt câu hỏi thơ nhóm Mở Miệng có phải là thơ không, thì toàn bộ luận văn đã có nguy cơ đổ. Vì thế, cô Thoan thông minh đã đặt “Mở miệng” vào “góc nhìn văn hóa”, vào thế “thực hành”. Đó là cách “thoát” của cô. Xét về bản lĩnh học thuật, cách thoát đó cũng đã đủ làm chứng cho trình độ thạc sĩ của cô rồi.

Câu chữ phức tạp: Cô Đỗ Thị Thoan dùng rất nhiều câu ghép, câu phức, phương tiện liên kết câu linh hoạt, trích dẫn trùng điệp, trộn lẫn câu nghi vấn và câu khẳng định khiến người không quen đọc rất khó tiếp cận. Chưa kể những dẫn chứng về tác phẩm của nhóm Mở Miệng cũng thuộc loại ngôn từ khó đọc.

Kết luận phức tạp: Tuy cô Thoan có viết phần kết luận trong luận văn (theo nguyên tắc trường qui đối với luận văn cao học) nhưng vấn đề về Mở Miệng không thể kết luận, vì tính đương đại của nó, và vì bản chất khoa học xã hội, nhân văn không phải là thứ dễ đi đến một kết luận cuối cùng. Cái thông minh của cô Thoan lại nằm ở mấy câu hỏi.

Dư luận phức tạp: Cô Thoan viết luận văn khi mà trước đó, trong khi đó, và sau này, những đánh giá về nhóm Mở miệng vẫn còn phân hóa cao độ.

Với một núi phức tạp xoay quanh đề tài, có thể nói rằng, luận văn của cô Thoan được viết bằng tất cả sự “ngây ngô chính trị” của một người trẻ ham hiểu biết, ham đọc, ham nghĩ, ham trình bày và diễn giải, ham đặt vấn đề, ham ngắm mình qua vấn đề mà mình tâm đắc đến cao độ. (Tôi phải dùng từ “ngây ngô chính trị” trong ngoặc kép để đối lập cái nhận xét của ông Thưởng dành cho cô Thoan là “kích động chính trị”. Nếu muốn kích động, thì hỡi ôi, Thuyên ơi là Thuyên, dại gì mà viết hàng trăm trang trong một bài tập luận văn để người ta đánh giá, chấm điểm, công bố?). Cô Thoan nói về chính trị bằng sự ngây ngô trong thái độ (sống) và sự già dặn trong nhận thức học thuật (trong tình huống nghiên cứu của cô). Cái “ngây ngô” của cô Thoan rất gần với sự hồn nhiên. Cô không biết (hoặc không chú ý rằng) việc chọn lựa đối tượng nghiên cứu và cách viết của mình sẽ “chạm nọc” một thiết chế cằn cỗi, một hệ thống báo động thuần thục, một cảm hứng “truy xét” vốn tràn trề trong cái bầu khí quyển xứ này.

Ngược lại, người nhận xét (là Phó Giáo sư Phan Trọng Thưởng) lại có vẻ “già dặn” trong thái độ (sống) và “ngây ngô” trong nhận thức học thuật. “Già dặn” vì ông chấm luận văn nhưng toàn nói chuyện “quốc gia đại sự”, ngỡ như giọng của một người “ưu dân ái quốc” xa xưa. “Ngây ngô” vì chỗ cần phân tích thì ông không nói, chỗ cần lý luận thì không bàn, ông chỉ nói cái ông đã “đinh ninh”, cái ông nghĩ trước rồi đặt vào “cho tiện” (một phong cách rất chuẩn “quan cách”). Ông trích dẫn nhiều nhưng không mổ xẻ (chắc ông cũng ngại!), trích dẫn nhiều đến nỗi thi thoảng người đọc có cảm giác ông cũng …ngầm thích mấy cái dẫn chứng đó hay sao (?!), hoặc không đủ sức phân tích cái đống ngôn từ ngồn ngộn mà ông trót trích ra. Thế không “ngây ngô” thì gọi là gì?

Cô Thoan không thể nhân danh một quyền lực chính trị nào để viết (vì làm sao có được một quyền lực nào?). Cô Thoan lập luận nhiều hơn kết luận (vì cô phải cố gắng viết để còn ra bảo vệ trước hội đồng học thuật). Còn ông Thưởng thì không nhận xét mà phán xét (vì ông được cho và tự cho mình quyền đó), không lập luận mà kết luận (vì ông không có thời gian và trình độ để thông diễn). Thái độ hai chiều trong tương quan người viết-người đọc ở đây là rất “bí hiểm”.

Mà mấy cái câu kết luận của ông, hình như câu nào cũng có vấn đề. Ví dụ: “Với quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động”. Sao vậy? Sao “một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm” thì lại “mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động”? Chắc ông lo làm chính trị nên quên cách viết văn sao cho có nghĩa. Viết như thế làm gì có nghĩa gì. Một số kết luận khác trong bài nhận xét của ông Thưởng:

“Đó là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt”
“đây là chương được xem như cơ sở lý thuyết, như là khung lý luận của luận văn”
“Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái cớ”.
“Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra khá phức tạp hiện nay, nếu để lưu hành luận văn này sẽ gây tác hại không chỉ đến văn học, nghệ thuật mà còn gieo rắc những tư tưởng nổi loạn, chống đối, gây mất bình ổn trong đời sống chính trị, tư tưởng, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong nhà trường”.
Về mẫu câu, ta thấy chủ yếu ông dùng mẫu: “Đây là”, “Đó là” (vì nó rất dễ dùng). Ở câu cuối cùng, ngữ pháp tiếng Việt được ông sử dụng “loạn xạ”, ai hiểu được thì hiểu.

Viết như thế, hoặc là ông không thể suy nghĩ được nữa, do tuổi tác, do lạm dụng hay ám ảnh quá khứ quyền lực, hoặc là ông quen với một số “mẫu câu cơ bản” được rèn luyện qua mấy đợt học chính trị cao cấp, dùng để đọc người khác, cái khác, hoặc ông mất khả năng liên tưởng về ngôn từ. Cái nào cũng nguy hại quá chừng!

Dùng một cách viết đơn giản, ngây ngô như một nắm tay sắt để đối chọi lại một hiện tượng học thuật vô cùng phức tạp, đó là “bản lĩnh chính trị” của PGS Thưởng hay thói quen “viết lách” của ông từ trước đến nay? Câu hỏi này làm tôi nghĩ mãi.

2. Nghịch lý thứ hai: Luận văn viết theo phong cách khá nghệ sĩ, bản nhận xét thì có màu sắc lời nghị án của tòa.

Luận văn được viết trong tâm thế cho một người đọc lý tưởng – người đọc được đón đợi nhiều nhất trong tâm lý người viết. Điều này cũng là bình thường. Ai cũng biết đó là qui luật của tâm lý tiếp nhận, mỹ học hồi đáp. Nói như thế để thấy sự đam mê quá đàcủa cô Thoan trong quá trình viết luận văn. Nhưng đọc kỹ luận văn thì mới thấy là không phải cô đam mê chính nhóm Mở miệng mà cô đam mê những hiện tượng tinh thần và các rắc rối của nhóm Mở miệng xoay xung quanh những dự cảm và hệ lụy của kiểu sáng tác này. Cô đam mê đến mức viết luận văn mà như viết thơ, viết tùy bút, nhiều chỗ phóng bút mạnh mẽ, liều lĩnh để chờ đợi những tri âm của mình.

Và đó cũng là điều mà Hội đồng chính thức cách đây hơn 3 năm đã trân trọng đánh giá cô. Điểm 10 của cô là điểm 10 của tiềm năng, hứng khởi chứ không phải là một sự xác quyết về tài năng tuyệt đối hay sự xác lập thái độ phe cánh chính trị. Đó là cái lý của Hội đồng chính thức lần 1. Họ có quyền nghiêng về quan điểm phóng khoáng, nghệ sĩ hay chặt chẽ, kín kẽ trong quá trình đánh giá, phản biện. Sự chênh lệch về điểm khi nghiêng về quan điểm này hay quan điểm khác hoàn toàn nằm trong cái khung đảm bảo những đúng đắn về tiêu chí đào tạo sau đại học; cho nên kết quả của Hội đồng lần 1 không có bất kỳ lý do gì để bị phủ quyết. Họ còn xa lắm mới “thấp xuống” thành cái gọi là “ổ phản động” như nhận định của ai đó trong cuộc chiến nóng hổi “đánh Nhã Thuyên” đã (và đang) diễn ra.

Nhưng có vẻ như ông Thưởng không thuộc vào số người đọc lý tưởng của cô Thoan (đương nhiên, mà ông cũng không muốn thế chút nào!). Ông thuộc vào “số khác”.

Tôi rất lấy làm lạ kỹ năng “đọc nhanh”, “đọc lướt” của PGS Phan Trọng Thưởng (và ngờ ngợ hay giáo sư không quen đọc tiếng Việt, nhất là mấy câu phức khó, dài?). Cô Đỗ Thị Thoan chưa bao giờ từ nhận mình là “chính trị đội lốt văn chương”. Nhưng ông Thưởng thì chắc như đinh đóng cột: “Như tác giả luận văn đã tự xác nhận, đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương””. Nguyên văn đâu phải thế, cô Thoan viết là: “Câu hỏi đây là sự cách tân văn chương mang tính chính trị hay là hành vi chính trị đội lốt văn chương thấm đẫm nguyên lý ý thức hệ và sự lệ thuộc vào một từ chính trị được cắt nghĩa hẹp hòi: Tại sao các anh không cứ cách tân đi, bởi văn chương mới chính là lĩnh vực của anh? Tại sao phải lên tiếng về chính trị và bình luận xã hội? “Nay ở trong thơ nên có thép” có chính trị không? Không phải chúng ta đã bội thực thứ văn chương (phục vụ) chính trị rồi sao?”.

Ôi ông Thưởng ơi, đời thuở nhà ai lại có người ngu dại thế, lại tự nhận mình là “chính trị đội lốt văn chương” làm gì cho khổ. Cô Thoan cô ấy nói rằng nếu như đặt hai câu hỏi đối với hiện tượng nhóm Mở Miệng: 1 là “cách tân văn chương mang tính chính trị”, 2 là “chính trị đội lốt văn chương” thì cả hai câu hỏi đó đều bị hạn hẹp bởi cách hiểu thô thiển về chính trị. Sau đó, cô ấy đặt ra mấy câu hỏi mở rộng. Mà mấy câu đó đều xoay quanh vấn đề bản chất của văn chương là gì? Mối quan hệ giữa văn chương và chính trị thực chất là gì? Cô Thoan quan tâm điều đó, chứ cô Thoan không gọi làng nước tới hoặc be be lên chứng minh mình là cừu đen lạc trong đám cừu trắng đâu.

Cái nghịch lý bi hài cao độ của vụ Nhã Thuyên là: Hội đồng chấm luận văn lần thứ nhất (chính thống về học thuật) là một sự hợp nhất của cái nhìn nghệ sĩ (tất nhiên nghệ sĩ tuyệt đối trong học thuật thì cũng có mặt hay dở của nó). Hội đồng thứ hai (chính thống về chính trị) là một sự “thăng hoa” của uy quyền. Điểm 10 được biểu quyết là sự cộng hợp các trạng thái nghệ sĩ của người viết, người chấm. Còn kết luận hủy diệt là sự đồng tình nhất trí của những người “bảo hoàng hơn vua”, quyết tâm sống mái chấm dứt những “thăng hoa” … không giống mình.

3. Nghịch lý thứ ba: Luận văn thực sự là một hiện tượng trong nghiên cứu và giảng dạy văn học đương đại, bản nhận xét là một “hiện tượng ăn theo” có khả năng “nổi tiếng” hơn “chính chủ”.

Có thể nói, đến giờ phút này, PGS. TS. Phan Trọng Thưởng “nổi tiếng ngoài dự kiến”, đi vào lịch sử ngoài dự kiến. Ông có đến mấy cái nổi tiếng hơn người. Trong danh sách tham gia “thẩm định lại” luận văn cô Đỗ Thị Thoan, ông là người từng có địa vị danh giá nhất (Viện trưởng Viện Văn học). Đó là cái nổi tiếng thứ nhất. Danh giá thế mà lại dự phần vào cái “cuộc nhiễu nhương” này. Đó là cái nổi tiếng thứ hai. Tham gia chấm lại xong, ông rất bình tĩnh đưa bài nhận xét lên báo mạng (tất nhiên là báo chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam). Đó là cái nổi tiếng thứ ba. Bài nhận xét, đứa con tinh thần của ông, giờ phiêu bạt chân trời nào, bị thiên hạ đối xử ra sao, chắc ông không thể lường nổi, không thể lường hết. Đó là cái nổi tiếng thứ tư của ông. Và chắc là ông còn được nhắc đến nhiều nữa như một “huyền thoại” của “kỳ tích” đào tạo đại học xứ Việt.


4. Nghịch lý thứ tư: Người viết luận văn thì say cuồng văn chương, người viết nhận xét thì mê mẩn uy quyền

Cô Đỗ Thị Thoan quả là say nghề say chữ. Có lẽ phong cách viết của cô Thoan đã chiếm được cảm tình Hội đồng lần 1 bởi tính chuyên nghiệp và bản lĩnh ngôn từ. Cô Thoan không viết luận văn như học trò làm bài tập mà viết như một trí thức có nhiều suy nghĩ trưởng thành, sắc sảo, có một trình độ diễn đạt nhuần nhuyễn. Đó là một sự khác biệt không thể bỏ qua. Nhưng cô cũng là nạn nhân của chính mình.

Cái sai lớn nhất của Nhã Thuyên là (có lẽ do quá say viết) đã chọn nhầm điểm-rơi-thái-độ với đối tượng nghiên cứu của mình: đẩy thực hành thơ của Mở miệng lên góc nhìn mỹ học (Không phải bất kỳ một hiện tượng thực hành thơ nào cũng có một nền tảng mỹ học hoặc có khả năng xây dựng một mỹ học cho mình. Ngay nhóm Xuân Thu nhã tập với hoài bão làm nên một mỹ học về Đạo, về sự trong sáng của thơ, cũng chấp nhận dở dang và không thể xem là đã có một mỹ học, huống gì những bước đi tìm kiếm và bề bộn của Mở miệng). Đó mới là cái lệch lớn nhất của luận văn. Cái lệch ấy, nếu có thể gọi là sai, thuộc về cái sai của một đẳng cấp học thuật, chứ không phải cái sai của tư cách công dân.

Thế nhưng, trong khi người viết say mê văn chương bao nhiêu thì người chấm lại mê mẩn việc tiêu diệt văn chương bấy nhiêu. Cái uy quyền mà PGS Thưởng thể hiện trong bài nhận xét thể hiện ở lượng từ vựng “an ninh” được dùng một cách hào hứng và kiên trì. Đặc biệt, như trên đã phân tích, luận văn được trích trong bài nhận xét rất nhiều (chắc là phải đến gần 80% lượng chữ), không cân đối một chút nào với mấy lời điểm chú rất “quái dị”, tối tăm của ông giáo sư.

Chỉ có sự uyên bác, tài năng và niềm tin vào chân lý học thuật mới là quyền lực cao nhất và cần có nhất ở môi trường trí thức. Ngoài ra, mọi “quyền lực khác” đều là lố bịch.

Trong cuốn tiểu thuyết Vạn Xuân viết về Nguyễn Trãi của một tác giả người Pháp Yveline Féray, tôi nhớ có một câu như thế này: “Bi kịch của Nguyễn Trãi là bi kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội nhỏ bé”. Cái thước thì ngắn mà đo những thứ quá cao quá dài – sự thật đó là bi kịch của cái thước hay bi kịch của cái thứ cao dài kia? Nguyễn Trãi bi kịch vì sinh ra ở Việt Nam, hay Việt Nam bi kịch vì đã giết Nguyễn Trãi? Một môi trường học thuật mà quan hệ giữa thầy và trò trở thành quan hệ dân – quan, quan hệ tử tù và thẩm phánthì hỡi ôi, trước khi cái thước ngắn cũn cỡn kia lâm vào bi kịch bất lực, nó cũng giết đi bao nhiêu thứ dài cao vô hạn; nó đo hết và trảm hết những cái vượt ra ngoài cái nó đo. Ai đã đẻ ra cái thước đó, và ai cho nó quyền được đo tất cả?


5. Nghịch lý thứ năm: Nhan đề phản chủ

Có lẽ ông Phan Trọng Thưởng suy nghĩ rất cẩn trọng để chọn một nhan đề rất nhã nhặn, lịch sự trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay: “để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”. Song, chẳng hiểu thế nào mà nội dung bài viết ấy lại làm người đọc hiểu rõ hơn thực chất về… PGS.TS Phan Trọng Thưởng! Đó là sự diễn tiến của chữ nghĩa ngoài đoán định của PGS. Nếu như thế thì chính chữ nghĩa của ông đã nổi loạn với chính ông. Vậy, chẳng phải “nổi loạn là điều kiện để sáng tạo hay sao”, thưa ông? Vậy, sao ông lại bức xúc khi người khác nói về sự “nổi loạn”?


6. Nghịch lý thứ sáu: Viết về “Mở miệng” nhưng bị bắt “Im mồm”

Cô Đỗ Thị Thoan hẳn không thể tưởng tượng nổi một kết cục cười ra nước mắt: luận văn viết 3 năm được thông qua bây giờ bị hủy, hào hứng viết về “Mở miệng” thì bị tịch thu, đuổi việc và bắt “im mồm”…

Khi viết bài này, tôi luôn ám ảnh trong đầu ông Phan Trọng Thưởng là một “thiên sứ”, hoặc một “sứ giả” mang thông điệp từ một Đấng nào đó để đáp xuống cái Khoa Ngữ văn của Đại học Sư Phạm Hà Nội đang bề bộn bao nhiêu vấn đề… Đúng như cái tên ông vậy, một sự “trọng thưởng” từ phía nào đó vô hình trên cao dành cho cương vị ông có, cho tiếng nói ông nói. Ông viết nhận xét như dạo một bản “nhạc thánh”, tuyên bố về luận văn như tung chiếu chỉ!

Không một trí thức đích thực nào ở nước Việt Nam này không biết đến vụ án Nhân văn Giai phẩm hồi giữa thế kỷ XX; Gọi là một cuộc chơi cũng đúng, một cuộc chiến cũng đúng, một lỡ lầm, một quá đáng, một ăn năn, một uất nghẹn…, đều đúng! Chắc chắn rằng bao nhiêu con người ngậm khối tinh thần đau đớn đem chôn xuống ba tấc đất ngày ấy cũng đã thấm thía những tờ “thánh chỉ” có một không hai kiểu như “bản nhận xét thẩm định” của ông Thưởng. Những thông điệp bên ngoài có vẻ lịch sự, nhã nhặn, trịnh trọng tựa như lời của kẻ “cầm cân nảy mực” cho sơn hà lại chứa đựng nhiều dự cảm đẫm máu (như đã từng xảy ra).

Văn chương, nghệ thuật không nhất thiết phải trở thành nạn nhân trong bất cứ thời đại nào, cũng như không có quy luật nào cho phép khoa học là nạn nhân của thần học cực đoan. Nhưng sự thật là: khoa học vẫn từng chết dưới tay thần học, văn chương vẫn bị chính trị hành quyết. Những cuộc “tuẫn tiết” diễn ra trong quá khứ đã chứng minh rằng khi một nền văn nghệ sống trong sự kiểm duyệt của “văn hóa công an” thì bề nào nó cũng trở thành nạn nhân. Hoặc là nó “vinh dự” trở thành một nạn nhân tự nguyện, tự mình cắt cụt chiếc cánh tự do vô tận, hoặc là nó cam khổ trở thành một nạn nhân bị cưỡng bức, mọc chiếc cánh tự do như một “quái thai” bay tới một chân trời mà điểm dừng của nó là những song sắt nhà tù lè tè dưới mặt đất.

PGS.TS Phan Trọng Thưởng thật “dũng cảm” khi công bố bản nhận xét của ông (“Dũng cảm” trong nhiều nghĩa!). Vậy là vẫn còn những bản nhận xét khác nữa (vì Hội đồng thẩm định đâu chỉ một người). Ai quyết được rằng hàng tá lời thẩm định trong bóng tối kia sẽ không dắt díu tới những ngày buồn đẫm máu một thời của “nạn chữ nạn văn”…?

22.4.2014






 Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn

PGS.TS. Phan Trọng Thưởng


VanVN.Net - Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến khác nhau về luận văn thạc sĩ của học viên Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên), ngày 12-2-2014, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ra Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định luận văn này. Đây là việc bình thường ở các cơ sở đào tạo sau đại học hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của các cơ sở đào tạo. Để bạn đọc hiểu rõ hơn thực chất luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan về đề tài: “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa”. VanVN.Net xin đăng toàn văn bản nhận xét phản biện của PGS.TS Phan Trọng Thưởng tại Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập.


PGS.TS. Phan Trọng Thưởng: Dựa trên quy cách của một bản nhận xét luận văn và những yêu cầu do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề ra, tôi có một số nhận xét sau đây về luận văn của tác giả Đỗ Thị Thoan.



1. VỀ LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Theo tác giả luận văn, “chỉnh thể văn học và văn hóa trong bất kỳ không gian và thời gian nào cũng luôn luôn bao gồm dòng chính và dòng ngầm, trong đó dòng chính được coi là Trung tâm; dòng ngầm được coi là ngoại vi, là bên lề”. Dòng chính được coi là “có quyền năng chi phối tác động, quyền năng hình thành qui phạm, hình thành thiết chế; còn Dòng ngầm có vai trò “giải qui phạm và phá hủy thiết chế, nhất là khi thiết chế đó bộc lộ xơ cứng và bảo thủ diễn ra ngay trong dòng chính như một qui luật của vận động”.

Từ luận điểm trên, tác giả chọn đề tài và đối tượng nghiên cứu của mình là thơ của nhóm Mở miệng với các lý do: “Mở miệng là một hiện tượng coi là nổi loạn trong thơ đầu thiên niên kỷ, có thể coi đó là “thời điểm cách mạng” của quá trình giải qui phạm và phá hủy thiết chế” (tr3). Tác giả luận văn cho biết tác giả dùng từ cách mạng để chỉ hoạt động của nhóm Mở miệng là vì chú ý đến “tính chất đột ngột và hiệu ứng kích động của nó”. Theo tác giả, vì “là một hiện tượng nổi loạn, nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước, trong văn chương và ngoài văn chương”, cho nên chọn đối tượng này không chỉ là “chọn một nhóm thơ đã gây ra náo loạn văn đàn”, mà còn chọn “cả một không gian xã hội-chính trị-văn hóa của thời đại”. Bản thân tác giả đã tự đặt ra rất nhiều câu hỏi trong đó có câu hỏi: “Đây là một hiện tượng chính trị đội lốt thơ ca hay là một cuộc cách tân văn chương gây hiệu ứng chính trị?; hay “khi đã xác định hiện tượng thuộc dòng ngầm, bên lề thì cần được hiểu các khái niệm dòng chính, dòng ngầm ở Việt Nam như thế nào?... Đó là những câu hỏi sẽ được trả lời trong nội dung luận văn.

Theo chỉ dẫn của tác giả, “vì Mở miệng tự đặt mình vào một xu hướng rộng hơn, có tính chất liên quốc gia (xu hướng ngoại vi hóa) nên nó hấp dẫn cộng đồng nghệ thuật trong và ngoài nước như là biểu hiện của nỗ lực đổi mới nghệ thuật và đòi tự do ngôn luận”. Tác giả cũng tự nhận thấy: “cơ quan an ninh văn hóa Việt Nam vẫn tìm cách kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển” của nhóm này. Và vì vậy khi nghiên cứu hiện tượng này, tác giả luận văn cũng “không được tự do”, “tính khách quan trong nghiên cứu không được đề cao”, và vì thế tác giả “cũng là một kẻ ngoài lề khi trực tiếp hay gián tiếp lựa chọn đứng về phía những cái bên lề”.

Với quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động.



2. VỀ LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Đây là một nội dung quan trọng của bất kỳ luận văn, luận án nào. Hiểu biết, nắm vững lịch sử vấn đề là điều kiện để triển khai đề tài, để không lặp lại người đi trước, để kế thừa phát triển các thành tựu nghiên cứu có sẵn, để xác định những đóng góp mới của luận văn, luận án.

Đáng lẽ, lịch sử vấn đề ở đây phải là lịch sử nghiên cứu có liên quan đến đề tài nhưng do Mở miệng là một hiện tượng mới, lại là hiện tượng bên lề, hiện tượng thuộc về Dòng ngầm theo nhãn quan của tác giả nên phần Lịch sử vấn đề,ngoài hai tài liệu (luận văn, luận án) được thực hiện ở Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội trong năm 2009 có liên quan ít nhiều đến đề tài, thì phần lớn các tài liệu được viện dẫn đều là những bài báo, bài giới thiệu công bố trên mạng Internet, trên các Blog cá nhân. Theo tác giả “cho đến thời điểm này (cuối 2010) các báo chí trong nước vẫn từ chối các bài viết về, hay thậm chí việc điểm danh đến Mở miệng cũng không được chấp nhận”. Các chỉ dẫn về tài liệu cho thấy phần lớn là các bài báo in ở Hải ngoại, của những người mà tác giả cho là “cùng hội cùng thuyền”, cùng vị tríbên lề so với vị trí quyền lực chính thống ở Việt Nam. Nhưng “dù mang tính chất tán tụng hay chính trị, hay nghiên cứu cũng đều cho thấy sự hiện diện và khả năng gây hấn mạnh mẽ của họ”.

Trên cơ sở của một lịch sử vấn đề như vậy, tác giả luận văn nhận thấy có 3 khoảng trống cần lấp:

- “Các lý thuyết Âu Mỹ chưa được dịch và chú giải kỹ ở Việt Nam nên việc tiếp thu không đầy đủ, vận dụng còn vênh lệch, mô phỏng lý thuyết, mượn danh lý thuyết… Cho nên cần có những mô tả trung thực về thực tiễn văn học sử, từ đó dựa trên sự thẩm thấu các lý thuyết mới để nhìn lại các vấn đề của Việt Nam”.

- “Do sự chi phối của các định kiến, trong đó có “định kiến tách rời mối quan tâm giữa văn chương và chính trị”. Sự nặng nề của từ chính trị mang đặc thù Việt Nam khiến cho người nghiêm túc và phê bình e dè trước các hiện tượng có vẻ gây hấn, quan niệm hướng tới cái tích cực hơn cái tiêu cực, khẳng định cái chính thống hơn cái ngoại biên cùng việc thiếu diễn đàn chính thức cho tranh luận…khiến cho các chuyển động văn học bị ách tắc, ngạt thở. Hệ quả là không gian ngoại biên lẽ ra phải được quan tâm để trở thành đối tượng thì lại trở thành vùng cấm kỵ trong nghiên cứu…”

- “Do thân phận ngoại biên nên những tiếng nói mới mẻ, tiếng nói ngầm không được thừa nhận, chỉ ồn ào trong một ngôi nhà bịt kín bằng vải đen không gây được ảnh hưởng nguy hại hơn chính những tiếng nói tiên phong lại có thể biên thái thành sự thủ dâm tinh thần, còn những cái già cỗi thì lại cố thủ thành trì ù lì và chật chội của nó”.

Có thể xem đó là căn cứ thực tiễn để tác giả xác định mục tiêu và nội dung nghiên cứu.



3. ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI NGHIÊN CỨU


“Đối tượng của luận văn là thực hành thơ của nhóm Mở miệng với vị trí bên lề và những cách tân, cách mạng trong tư tưởng nghệ thuật của họ. Mở miệng cùng với các hiện tượng khác tạo thành Dòng ngầm, thành một quá trình ngoại vi hóa đang diễn ra như một hiện tượng có tính chất quốc tế”.

“Các tác phẩm được khảo sát là những tập thơ của thành viên nhóm Mở miệng và những người cùng chí hướng. Ngoài một số bản đã bị công an văn hóa tịch thu, thiêu hủy, tư liệu nghiên cứu hầu hết là những tác phẩm thơ của Mở miệng mà Giấy vụn xuất bản được lưu giữ bằng File hoặc chuyển qua Email”.

Như vậy có thể thấy đối tượng, tài liệu nghiên cứu đều không mang tính chính thống, thiếu độ tin cậy.



4. VỀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU


Theo tác giả, luận văn “chú ý ít hơn” đến thư pháp của từng tác giả. Trọng tâm nghiên cứu chính được xác định là “vị trí bên lề của Mở miệng. Vị trí này là gì? Hình ảnh tương lai của nó? Có thể bình luận gì về tính cách tân, cách mạng của nó?

Phần Nội dung nghiên cứu gồm 3 chương:

Chương I: Ngoại vi hóa như một chiến lược tồn tại của cái khác

Có thể xem đây là chương tác giả luận văn viết về hoàn cảnh của sự ra đời nhóm Mở miệng.

Nội dung chương này gồm 3 luận điểm chính:

I. Sự trỗi dậy của cái bên lề - một hiện tượng có tính qui luật của vận động

Dựa trên các quan điểm của J.Derrida và một số nhà tư tưởng khác ở châu Âu, tác giả luận văn giải thích rõ các khái niệm: Lề, Trung tâm, Ngoại vi, Cái khác và xem đó như là những điểm tựa lý thuyết, là những khái niệm công cụ để từ đó nhìn rộng ra các lĩnh vực xã hội, chinh trị và văn hóa khác; đồng thời là công cụ lý thuyết để giải mã sáng tác thơ của nhóm Mở miệng. Theo các lý thuyết gia này, đi đôi với quá trình xây dựng các thể chế, thiết chế để củng cố vị trí Trung tâm (trong tất cả các lĩnh vực) là quá trình giải trung tâm. “Các trung tâm được tạo ra một cách nhân tạo qua thời gian và nhiều trường hợp có vẻ vĩnh viễn, nhưng luôn có nhu cầu liên tục về sự phá huỷ và giải trung tâm”. Theo tác giả, luận điểm đó “cần được thẩm thấu để chỉ ra những cấu trúc xã hội, ngôn ngữ, các thiết chế được xem là chân lý cần giải trung tâm”.

“Trong nỗ lực giải trung tâm thì ngoại vi hóa là cách mà những cái bên lề chọn để chống lại sự trấn áp và tiêu diệt của Trung tâm, cũng là cái cách để cái bên lề tồn tại như một cái khác với kinh nghiệm bên lề của nó. Cái bên lề xuất hiện đòi làm cách mạng khi cái trung tâm trở nên già cỗi. Quá trình kết tụ sức mạnh thành Dòng ngầm của những cái bên lề và gây hấn ở những thời điểm cách mạng không phải là một thuộc tính văn chương mà là một hiện tượng phổ biến và nằm trong bản chất của vận động, do đó, cũng là một hiện tượng có tính qui luật của lịch sử văn học ở bất kỳ thời gian, không gian, bất kỳ thể chế, thời đại, quốc gia, lãnh thổ nào. Nó luôn là biểu hiện của một nỗ lực tìm kiếm ý thức văn hóa mới có tính chất thay thế, làm đối trọng với cái đang trở nên già cỗi, mòn sáo và chuyên chế”.

Từ cơ sở lý thuyết và sự tri nhận lý thuyết của tác giả, văn học Việt Nam đương đại được nhìn nhận như sau: “Dòng ngầm văn chương và nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam đương đại đã hiển hiện như một xu thế mạnh mẽ, đặc biệt từ điểm khởi đầu thiên niên kỷ mới. Sự xuất hiện của những cặp khái niệm ngoại vi-trung tâm; chính thống-phi chính thống; phụ lưu-chính lưu… cho thấy nỗ lực mô hình hóa những không gian văn chương xung đột (thấy được và ngầm ẩn) và phân chia quyền lực; những cuộc tấn công và chống giữ, những tranh đấu khó hòa giải… khi tính thống nhất của ý thức hệ bị phá hủy”.

Đó là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt.

II. Mất diễn đàn-khủng hoảng không khí sáng tạo thời Hậu đổi mới

Để làm rõ nhận định này, tác giả luận văn đưa ra 3 luận điểm sau đây:

Tác giả sử dụng khái niệm Hậu đổi mới để mô tả xã hội Việt Nam từ 1991 đến nay. Theo tác giả, với Đại hội VII (1991), “Cơn hưng phấn của thời đổi mới nhanh chóng biến thành nỗi hụt hẫng vì sự thắt lại của chính sách”. “Tại Việt Nam, Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư đánh dấu sự khôi phục quyền lực của Đảng với tư tưởng bảo thủ về văn nghệ bằng cách tái chế lại định nghĩa của Nguyễn Văn Linh về Đổi mới”. Theo tác giả, “tinh thần đổi mới đã bị bóp méo hay vo tròn lại”.

Trong thời kỳ này, các nhà văn rơi vào tình trạng tác giả gọi là “mất diễn đàn chính thống”. Ở thời kỳ Đổi mới, các nhà văn như Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu khi đòi quyền tự do cho nghệ thuật vẫn còn niềm tin vào nhà nước và trông đợi vào tờ Văn nghệ như là một diễn đàn chính thức. Theo nhận xét của tác giả luận văn, “tờ Văn nghệ thời 1987-1988, khi Nguyên Ngọc là Tổng Thư ký thể hiện rõ sự chuyển hóa từ vai trò cơ quan ngôn luận của chính phủ thời chiến thành một diễn đàn quan trọng cho các nhà văn và trí thức với các cuộc tranh luận nghệ thuật, nay đã như mất sức”. Các nhà văn không thể chờ đợi vào sự hồi sinh của tờ báo. “Tờ Văn nghệ với một bộ phận người trẻ trở thành hình ảnh bảo thủ của một ý thức hệ lỗi thời và sự hèn nhát của một lớp nhà văn bại trận”.

Đó là lý do dẫn đến “nhu cầu phản kháng, chống đối, đòi thay đổi”… xuất hiện trong chính đội ngũ nhà văn.

Tác giả đặt sự ra đời của nhóm Mở miệng trong sự so sánh với nhóm Nhân văn giai phẩm trước đây để nhận diện tính chất phản kháng có ở 2 hiện tượng này. Tác giả nỗ lực phân tích, biện giải để chứng minh sự phản kháng của nhóm Nhân văn giai phẩm thời kỳ những năm năm mươi của thế kỷ XX và của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài… vào những năm tám mươi, chín mươi là hoàn toàn khác so với Mở miệng. Theo tác giả, các nhà văn trong Nhóm nhân văn và các nhà văn thời kỳ đổi mới dù có phản kháng thì cũng chỉ là sự phản kháng nửa vời, phản kháng của kẻ ở trong, vừa muốn chối bỏ, vừa không muốn chối bỏ; phản kháng nhưng vẫn kỳ vọng vào sự thay đổi, vào quyền được nói thật. Còn các tác giả của nhóm Mở miệng và những người đồng chí hướng hiện nay không chịu dừng lại ở đó. Họ đi xa hơn, họ “muốn lật đổ hơn là xây dựng”, “họ không thể chỉ gây hấn bằng cách nỗ lực nói thật vì niềm tin vào sự thật cũng không còn”…

Từ các phân tích trên, tác giả luận văn nhận định: “Trong mối quan hệ của văn chương và thể chế, nếu thể chế ở thời thịnh, được lòng người; nhu cầu chống đối thường ít khi được đặt ra như một yếu tố trội. Nhưng giai đoạn khủng hoảng, phẩm tính phản kháng vốn tiềm tàng trong lòng các xã hội chuyên chế sẽ trỗi dậy. Đây là giai đoạn thích hợp cho nổi loạn, cho phá phách, cho thái độ vô trật tự, vô chính phủ. Chính tại đây, sự mất niềm tin vào bối cảnh, chán ngấy cái trung tâm, cái chính thống, cùng với nó là sự tan rã của ý thức hệ nền tảng, diễn đàn chính thống, sự ồ ạt du nhập của những tư tưởng mới và sự khơi nguồn những sáng tạo và phẩm tính phản kháng của các thế hệ đi trước… đã tạo một không khi giao tranh hỗn độn thích hợp cho những cuộc cách mạng một không khí rã rời, vừa dễ nổi loạn, vừa thiếu liên kết, vừa dễ tập hợp nhóm, vừa phi trung tâm, vừa có những điểm để thiết lập một trung tâm mới”. (tr32).

III. Sự khác biệt trong ý thức phản kháng của Nhóm nhân văn giai phẩm với nhóm Mở miệng còn được tác giả đặt trong bối cảnh rộng hơn là miền Nam và miền Bắc, Hà Nội và Sài Gòn để so sánh nhằm thấy rõ “sự khác biệt trong chủ trương đường lối và ý hướng thơ ca”.

Theo Đỗ Thị Thoan, “Nhân văn giai phẩm là phản ứng Chống sự áp chế của bộ máy quản lý văn nghệ. Họ chủ yếu “đòi một thứ dân chủ gọi tên được, chống lại dàn đồng ca thơ cách mạng”. Còn nhóm Mở miệng cũng Chống nhưng hướng tới cái Khác biệt”.

Sau những phân tích, phê phán thái độ phản kháng nửa vời của nhóm Nhân văn giai phẩm, tác giả luận văn cổ súy cho những động cơ cách tân và cách mạng của nhóm Mở miệng như sau:

“Nhu cầu cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự của Mở miệng – một nhóm văn chương; nhưng nhu cầu cách mạng lại trở thành điều kiện để họ thực hiện cái lẽ sống còn đó”... “Chính sự biến đổi từ nhu cầu cách tân sang cách mạng này tiết lộ một đặc tính của văn chương nghệ thuật trong mối quan hệ với bối cảnh: ý hướng cách tân văn chương không thể thực hiện được nếu không kết hợp với sự đấu tranh, với những tiếng nói đòi quyền lực, hay đòi xác lập một bản đồ văn chương mới. Đấy cũng là tiền đề cho một sự thay đổi nhận thức về tính tiên phong của văn chương giai đoạn này: mọi cách tân văn chương ở những giai đoạn khủng hoảng niềm tin và những trông đợi vào thể chế thường đến cùng với những tham vọng lật đổ ý thức hệ”.

So sánh hai nhóm (NV và MM) tác giả nhận xét: “Tính chất chính trị trong tinh thần đấu tranh với quyền lực thống trị là đặc điểm chung của họ, nhưng sự khác biệt về vị trí kẻ ở bên lề và kẻ ở bên trong dẫn đến sự khác biệt và bản chất ý nghĩa của từ chính trị: NV – GP quan hệ với thể chế hữu hình; MM xác lập quan hệ với những thiết chế vô hình trong sự tan rã của ý thức hệ thống nhất của thế chế”... “Ở đây không gian văn hóa đã thành không gian đấu trường của những quyền lực văn hóa với khát vọng chính đáng của sự thay thế, chuyển động”.

Kết thúc luận điểm này, tác giả luận văn hô hào: “Chính thời khắc khủng hoảng luôn là thời khắc có tính quyết định: hủy bỏ cái cũ, thiết lập cái mới, với nhu cầu của một thế hệ khác”.

IV.Tôi khác, vậy tôi phải tồn tại

(Mệnh đề này có lẽ dựa theo mệnh đề triết học nổi tiếng của R.Decarte: “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”.)

Dựa trên nền tảng lý thuyết đã được xác định từ đầu, tác giả đưa các hiện tượng được khảo sát vào một bối cảnh, một không gian rộng lớn hơn để phân tích và khái quát, tìm ra các cặp khái niệm tương ứng. Theo tác giả

Hà Nội – Chính thống – Trung tâm

Sài Gòn – Phi chính thống – Phi trung tâm (ngoại vi hóa, bên lề)

Tác giả đã sử dụng những dẫn liệu văn chương và lịch sử để làm rõ ý tưởng và các cặp khái niệm này.

Theo tác giả, nhận thức rõ vị trí bên lề, cái ngoài lề, cái phi chính thống, nhận thức rõ thân phận kẻ khác, cái khác để không bị tan biến, không bị trấn áp và tiêu diệt thì hướng vận động là phải ngoại vi hóa, phải đứng bên lề. Sự phản kháng của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương... đã trở nên già cỗi và trở thành lực cản ngay cả khi đang bứt phá chỉ vì trong nhiều năm cứ phải nói theo ý thức chính thống.

Trong tình hình đó, “những kẻ bên lề, những kẻ nhận thức về vị thế nhỏ bé của mình muốn thoát ra nhưng để không nhanh chóng rơi vào trạng thái già cỗi của sự xác lập các trung tâm mới, rất cần một quá trình giải trung tâm liên tục, hay là một sự phản tư liên tục về chính sự tồn tại của mình”.

Theo tác giả: “Nỗ lực của cái bên lề trong việc giải trung tâm các quyền lực chính thống chính là khía cạnh chính trị trực diệ n của nó. Và chắc chắn, cùng các hiện tượng khác phải ghi nhận sự có mặt của Mở miệng không phải như một sự bột phát mà như một tất yếu; không phải như những anh hùng riêng lẻ mà như những người tiên phong của một tập hợp. Nỗ lực của nhóm Mở miệng trên thực tế không phải là nỗ lực chiếm chỗ Hội nhà văn mà là nỗ lực chiếm chỗ để hất gạt cái cũ kỹ, cái chuyên chế, cái đè nén. Ở đây, việc tiến vào trung tâm không nên được hình dung như hình ảnh đám đông ào ạt xông lên vì u tối và vì không biết phải làm gì một cách vô chính phủ, mà là sự tập hợp những người muốn, trong giai đoạn này, giữ chặt lấy cái địa vị bên lề đó vì nó nuôi dưỡng kinh nghiệm chống đối, nó mang tiềm năng sáng tạo một năng lực chống đối, sáng tạo một thế giới có tính chất thay thế, một không gian phá cách, có nghĩa nó là một năng lượng sáng tạo mới.” (tr43).

Và cuối cùng, giữa hai khía cạnh cơ bản: thực hành thơ và thực hành xuất bản, tác giả xác định “sẽ tập trung vào khía cạnh chính trị và tính cách tân – hai phẩm chất thường xung đột nhau trong nghệ thuật, nhưng trong trường hợp này, ở bối cảnh Việt Nam đương đại, nó lại trở nên gắn bó và đầy tiềm năng dung hòa.”

Tóm lại, đây là chương được xem như cơ sở lý thuyết, như là khung lý luận của luận văn. Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái cớ.

Chương II: Tự xuất bản và sự xác lập không gian phá cách.

I. Xuất bản ngầm trong các xã hội chuyên chế (Samizdat)

Trước hiện tượng tự xuất bản (Samizdat) và các hiện tượng phổ biến, lưu truyền một cách phi chính thống tương tự mà nhóm Mở miệng và nhà xuất bản Giấy vụn tiến hành, tác giả luận văn giải thích:

“Vậy bối cảnh hậu đổi mới với nỗi thất vọng về chính trị, sự đa dạng về văn hóa và công nghệ Internet dẫn đến quá trình giải phân lập không gian địa lý, và hình thành một không gian phân lập trừu tượng hơn của chính thống – phi chính thống Sài Gòn – Hà Nội (không viết hoa). Các nhà văn ngầm ở Việt Nam đã quy tụ với nhau trong những tuyển tập và không gian mạng rộng lớn hơn là trong một điều kiện cư trú tạm thời. Do đó, Samizdat ở Việt Nam đương đại với sự phát triển của dòng thơ phôtô lại có những đoạn nhập dòng với các trào lưu văn hóa mạng, của những tiếng nói ngoại biên, những tiếng nói đòi dân chủ có tính cách tham dự của trí thức như là hệ quả của khủng hoảng về bối cảnh lẫn tiếp thu những xu hướng mới.” (trang 53)

II. Samizdat (tự xuất bản) như một hành vi tham dự: phản kháng và kết nối

Tác giả biện hộ, bênh vực cho hành vi tự xuất bản, xem đó là cách để đạt được tự do cá nhân. Theo tác giả: “Ở Việt Nam, sau nhiều năm truyền thông dòng chính, ở khía cạnh nào đó cũng đồng lõa với những trấn áp thì xuất bản vỉa hè là một hành vi phản kháng lại sự biên tập (thường đồng nghĩa với cắt xén và kiểm duyệt do quan điểm chính trị)... Trong nỗ lực phi chính trị ấy, sự từ chối lại bộc lộ tính chất tham dự... Tính chính trị của Samizdat đương đại biểu hiện ở nỗ lực xác lập quyền lực, một cách tạo không gian chơi mang tính chiếm chỗ và thay thế.”.

Với giải thích của tác giả, các nhà văn tự xuất bản do tự lựa chọn vị trí ngoài lề nên “không cần tham gia vào Hội Nhà văn, đó là những lựa chọn cá nhân khi thể hiện thái độ chống đối hay quan điểm phi chính trị, không cần đến các Hội chính thức của nhà nước”.

Theo tác giả, “Nhân văn giai phẩm vì nỗ lực đòi dân chủ thông qua hình thức xuất bản báo chí công khai nên cuối cùng bị đàn áp khi vượt qua những luật định ngầm của chế độ. Còn nhóm Mở miệng do lựa chọn ngay từ đầu và trung thành với tự xuất bản mang tính chất bán công khai nên tạo thành một vùng văn hóa mới”. Vì vậy, chọn phương thức tự xuất bản là cách “để có thể chống đối”, “là tiềm năng chống lại sự đơn độc và làm tăng sức mạnh của các cá nhân đơn lẻ dưới sự chuyên chế văn hóa”. Hiệu ứng của nó có thể lan rộng trong cộng đồng để mở ra những lối đi mới, một ý thức văn hóa có thể thay thế cái xơ cứng. Bản sắc nhóm cũng là một khía cạnh chính trị.”

Theo tác giả, “phương thức tự xuất bản trước hết là một điều kiện cho tiềm năng cách mạng”.

III. Phẩm chất cách mạng của tự xuất bản (Samizdat)

1. Tính chất phi chuẩn – một thẩm mĩ mới

Theo tác giả, xuất bản vỉa hè ở Việt Nam ít khi gợi cảm giác thiếu phẩm chất văn chương do không được biên tập mà sự phi chuẩn của nó lại biểu hiện một phẩm chất mới, một thẩm mĩ mới. Tác giả dẫn ra những lời lẽ, hình ảnh tục tĩu trên các ấn phẩm Mở miệng để chứng minh (Vì quá tục tĩu nên xin không dẫn ra ở đây)

2. Ngữ pháp của giải phóng

Bằng cách trích dẫn và nêu nguyên văn những bài thơ mà theo Đỗ Thị Thoan “phải gọi là Thi phẩm mới đúng” với lời lẽ thô bỉ, nhảm nhí, với ngôn ngữ phá cách do các tác giả Mở miệng chế tác, tác giả luận văn đã hết lời ca ngợi, nào là“năng lượng thẩm mĩ mới”, nào là sự giải phóng ngôn ngữ, ngữ pháp; nào là sự trải nghiệm sâu sắc, sự tài tình hấp dẫn và “đầy sức mạnh lật đổ”.v.v...

Nguy hiểm hơn, tác giả luận văn còn cổ vũ cho việc đem tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra để giễu nhại, sàm sỡ và xem đó là sự “lật đổ của Slogan xã hội, các ảo tưởng đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ.”(trang 71)

Ở trang 73, cuối chương II, tác giả đã tự đặt câu hỏi, tự trả lời và tự bộc lộ động cơ chính trị của mình khi thực hiện luận văn này: “Câu hỏi đây là sự cách tân văn chương mang tính chính trị hay là hành vi chính trị đội lốt văn chương thấm đẫm nguyên lý ý thức hệ và sự lệ thuộc vào một từ chính trị được cắt nghĩa hẹp hòi: Tại sao các anh không cứ cách tân đi, bởi văn chương mới chính là lĩnh vực của anh? Tại sao phải lên tiếng về chính trị và bình luận xã hội? “Nay ở trong thơ nên có thép” có chính trị không? Không phải chúng ta đã bội thực thứ văn chương (phục vụ) chính trị rồi sao? Khi nhà thơ tự mang mình ra như tang chứng của đời sống, của sự áp chế, họ không sở hữu quyền lực thực sự. Có lẽ chính tính chất vô ích của loại hình nghề nghiệp này, những câu hỏi về vị trí, trách nhiệm của nhà văn với xã hội và bối cảnh vẫn cứ được đặt ra, nhiều nghịch lý hài hước mà khó trốn thoát. Vậy cái tình thế của một nghệ sĩ Việt Nam, hoặc là thoát khỏi bối cảnh, trở thành một công dân toàn cầu, hoặc vị nghệ thuật, vị cá nhân, hoặc gắn chặt với bối cảnh thì phải vừa chính trị, lại vừa văn nghệ và cách tân”.

Đây là một luận điểm mang tính chất kích động rõ rệt.

Chương III: Cách tân hay cách mạng: từ tuyên ngôn đến các thực hành thơ

Giải trung tâm quan niệm thơ

Sau khi đưa ra nhiều dẫn liệu thơ để chứng tỏ nỗ lực giải trung tâm của Mở miệng, tác giả luận văn nhận xét: “Thành ra, khi kẻ ngoài lề nhận ra tình thế ngoài lề của mình, họ cũng nhận ra rằng không thể có tiếng nói chung giữa người đang sống trong cùng một đất nước, một lãnh thổ như hiện nay. Không ai muốn mình thuộc về bóng tối, họ đặt câu hỏi về cách mạng và kẻ lãnh nhận cách mạng thơ.” (Trang 74)

Khi đã xác định sứ mệnh cách mạng của nhóm Mở miệng, tác giả luận văn lần lượt đi vào các phương diện khác nhau của cuộc cách mạng này.

- Trước hết là giải trung tâm về quan niệm thơ

- Thứ hai là thực hành thơ rác, thơ dơ như là mỹ học của cái tục

- Thứ ba là thực hành thơ nghĩa địa như là sự trở lại của các xác ướp.

Với sự nhìn nhận 3 phương diện “cách mạng” này của Mở miệng, tác giả luận văn trở thành người cổ súy, bênh vực nhiệt thành cho những thứ văn chương bên lề, văn chương rác rưởi, dơ bẩn, văn chương nghĩa địa. Với loại văn chương này, tất cả những gì nghiêm chỉnh nhất, thiêng liêng nhất cũng được đưa ra để biếm nhại, công kích, đả phá và kêu gọi lật đổ.

Kết luận của luận văn

Từ các nội dung trên, tác giả luận văn đi đến 4 kết luận sau đây:

1. “Mở miệng tuy tự xác định theo tinh thần hậu hiện đại, nhưng là hậu hiện đại trong văn cảnh Việt Nam, và vì vậy nó cần được nhận diện để không lầm lẫn với các trào lưu hiện đại ra đời từ thế kỷ trước ở các nước khác”

2. “Mở miệng ở các nỗ lực thực hành thơ là biểu hiện của sự giải phóng trong nỗ lực giải phóng của nghệ thuật Việt Nam đương đại. Trong sự so sánh với truyền thống thơ Việt Nam, Mở miệng là sự “chối bỏ quyết liệt”, “lên tiếng đòi phá nốt những thành trì kiên cố của sự chuyên chế khi niềm tin vào chế độ và sự tự do đang có sự tan rã. Sức mạnh và hiệu ứng chính trị của một nhóm văn chương không phải là sức mạnh của những tuyên bố, những khởi loạn súng ống và đàn áp, mà bằng tư cách nhà thơ của họ.”... “Dù hình ảnh của Mở miệng thường bị đồng nhất với hình ảnh của sự phá phách trong hỗn loạn, nhưng điều quan trọng nhất họ đã làm và làm được là phá vỡ sự độc tôn, sự chuyên chế của cái lớn, cái chủ lưu, cái trung tâm chính thống đã bộc lộ sự bảo thủ đáng sợ. Chính sách truyền thông văn hóa hà khắc tạo nên một không gian xã hội nóng bỏng và căng thẳng cao độ bộc lộ ra ưu thế và cả những giới hạn, sự thoái hóa trong thực hành của họ. Khi Mở miệng nỗ lực giải trung tâm cái hiện hữu, cùng lúc nó ngầm bộc lộ tham vọng xác lập một quyền lực văn hóa mới – cái vắng mặt – cái bị trấn áp được nhận thức, đồng thời được nhận thức như một khả năng sản sinh ra quyền lực văn hóa mới. Sự giải phóng này làm nên bản chất chính trị của họ”.

3. “Bên lề được nhận diện như là bản chất chính trị - văn hóa của nhóm Mở miệng. Nỗ lực của nhóm là nỗ lực giải trung tâm, giải huyền thoại, giải định kiến. Nó là hiện tượng có tính chất toàn cầu nhưng cần được nhận diện trong bối cảnh Việt Nam”.

4. “Mở miệng là tiếng nói ngầm, là tiếng nói khác, là khát vọng tự do sáng tạo khi bị bóp nghẹt. Tác giả mượn Thanh Tâm Tuyền để kết luận: “Nổi loạn là một hành động đòi được gia nhập đời sống. Kẻ nô lệ đòi quyền sống như những người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo”.

Kết luận và kiến nghị của người nhận xét

1 – Như tác giả luận văn đã tự xác nhận, đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương” với rất nhiều quan điểm chính trị và học thuật sai trái, mang tính chất kích động, đả phá chế độ, xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh giá sai lệch về sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước; không có giá trị khoa học và thực tiễn; sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy; cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc; tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước... Luận văn lại được viết bằng một văn phong trôi chảy, có sự mở rộng trên cả hai lĩnh vực văn chương và chính trị, vì vậy, đây là luận văn nguy hiểm, cần được chỉ ra các sai sót để hạn chế các tác động tiêu cực đến xã hội và văn học. Đáng tiếc, đây là luận văn khoa học được bảo vệ ở một trường Đại học Sư phạm danh tiếng có truyền thống mô phạm và truyền thống học thuật. Do tính chất nguy hiểm của những tư tưởng chính trị và học thuật sai lầm của luận văn, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nghiêm túc kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm từ khâu giao đề tài đến khâu tổ chức đánh giá luận văn, để bảo vệ uy tín cho cơ sở đào tạo và cho nhà trường.

2 - Từ luận văn này, với bút danh Nhã Thuyên đã phát triển thành 5 tiểu luận nằm trong một cấu trúc thống nhất mang tên: Những tiếng nói ngầm được đăng trên mạng Internet (Da màu) dưới sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Nội dung được viết lại chặt chẽ hơn; các ý tưởng cụ thể hơn; động cơ công kích, đả phá chế độ chính trị rõ rệt hơn. Trong đó, tác giả công khai cổ súy cho “chủ đề giải thiêng hình tượng Hồ Chí Minh, chống lại sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán chế độ cộng sản, bình luận và giễu nhại về Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thơ bất đồng chính kiến đã tỏ rõ thái độ trực diện trong quan hệ với quyền lực của thể chế, với nhu cầu phá hủy quyền lực đó. Cộng sản được hiểu như một biểu tượng của sự khống chế tư tưởng và do đó nó thành mục đích nhắm vào của thơ ca trong cuộc tấn công vào ý thức hệ chính thống này” (in trên Da màu).

Rõ ràng, những sai phạm về tư tưởng của tác giả luận văn là có hệ thống và có chủ đích.

3 - Trong thời gian gần đây, trên nhiều tờ báo lớn trong nước đã có hàng loạt bài phân tích, phê phán những động cơ chính trị và những sai lầm về tư tưởng học thuật của luận văn. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra khá phức tạp hiện nay, nếu để lưu hành luận văn này sẽ gây tác hại không chỉ đến văn học, nghệ thuật mà còn gieo rắc những tư tưởng nổi loạn, chống đối, gây mất bình ổn trong đời sống chính trị, tư tưởng, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong nhà trường.

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Sinh

Lưu Mêlan







1.
Tiếng vọng kinh cầu đâm đêm phụt rỗng
Thượng đế chối từ mi, Jesus, Đức Phật
Chỉ còn thân xác rã rời mi
Quần la trong đêm tối
Mảnh hồn mi nhòa khan cát bụi
Gió phi trường Thành Sơn xa lạ mi
Núi Chà Bang xa lạ mi
Và cả biển
Réo gọi người
Khác

2.
Mi sinh ra
Thời thế khác
Dòng họ khác, con sông khác
Mùa lũ, mùa khô, thời gian đã
Khác
Bụm xương rồng ngạo ngang thời khóc
Bãi đất hoang nứt đỡ thân ngươi
Sụp
Tàn

3.
Mi đứng đi
Cách đời bít lối
Luồng gió lay úp ngạt núi đồi
Mi không người yêu
Guru khuất
Tiếng hát nụ cười lời ru
Không
Nắng Ninh Thuận tê hồn
Núi Cà Đú ngược sâu
Bãi cát Nam Cương lằn xoay xoáy lửa
Ngưng Dinh khốc
Rỗng
Máu hụt trờ sông

4.
Mi hổng mắt khóc
Dựa mảnh hơi tàn lê ngang hốc núp
Đồi lạnh quay mi
Trăng vầng sói hú
Chỏm tóc hồng cháy đỏ
Nhịp định phận nhanh
Nhanh
Không còn gì
Không còn
Rụng giữa đời
Đi

Đ i

TẦNG TRỆT THIÊN ÐƯỜNG






Tầng trệt. Trong phòng. Chẳng có đồ đạc gì ngoài một tủ kê sát tường, một bàn kê sát tủ, và hai ghế kê sát bàn.


Hai hữu thể có cánh, rã rượi, ố bẩn, như chưa một lần bay lượn: Một, có cặp mông lớn lao và hung hãn, đang đứng kiễng chân trên đầu bàn, ghé tai vào cái đài bán dẫn made in Hell giấu trên nóc tủ, vẻ lắng nghe, thỉnh thoảng quay lại bộ mặt xanh xao, mắt quầng thâm, thở dài, ... Một kia, đang ngồi ở ghế cạnh bàn, đầu cúi, viết không ngưng nghỉ, ... Những dòng chữ chảy lênh láng, ngập một tấc trên sàn, tràn cả ra cống rãnh ngoài cửa. Bầu khí thì oi, thoang thoảng mùi chuột, và gián, và rác ...


- Em van anh. Hữu thể đang đứng nhắc lại, giọng ủ dột. Anh viết gì mãi thế?

Hữu thể kia vẫn mải mê không đáp.

- Không. Giọng càng ủ dột. Không thể thế được. Em không tin.

- Gì cơ? Giọng hỏi lơ đãng.

- Em không tin.

- Nhưng tin gì cơ?

- Không thể vui thế được. Ở dưới ấy đã được giả thiết là buồn thảm.

Hữu thể kia bất giác ngửng đầu, vẫn lơ đãng. Chiếc đài dang lần lượt nhả ra âm thanh của chín kênh địa ngục.

*

Anh bất giác ngửng đầu, lúc nàng đưa tay vặn nút, dò tìm kênh một, VOHell. Một bản giao hưởng tấu bằng các hậu môn. Anh ngừng bút, nhưng không có ý nghe, chỉ lơ đãng đưa mắt nhìn sang phải , ở đó, một mảng vôi xám nữa vừa rơi xuống từ cái vách ố bẩn, la liệt những chữ Dieu, Love, Rai,...viết nguệch ngoạc bằng phấn và than, chung quanh những nét vẽ, còn nguệch ngoạc hơn, phác thảo chân dung của Thượng Đế, vẻ mặt vừa đáng kính vừa đáng ngờ, với một vòng hào quang mầu hoen rỉ. Phải hào quang.


Bản giao hưởng dứt. Chương trình được tiếp tục bằng một giọng xướng ngôn chuyên nghiệp: ....... Sau đây là bản tin cuối ngày. Vừa qua chúng tôi đã tiếp nhận thêm 12 hữu thể có cánh. Một trong số cho biết, họ đã ... từ những bóng tối thiên đường nào trung cổ, những xứ sở nào buồn bã vô song. Thẩy đều bơ phờ, liệt nhược. Một số đã chết. Hiện chưa tìm được một biện pháp nào khả dĩ giúp số còn lại vui lên được một chút. Chúng tôi thành kính nghiêng mình trước... Chúng tôi trân trọng mọi nỗi đau thiên đường...Anh ngáp.


Tiếng rột rạt phát ra từ cái nút vặn đài. Nàng rà sang kênh hai. Một bài triết luận đang đọc dở: ... Cuối cùng, rõ ràng sứ mệnh cay nghiệt mà trung thành nhất của ý thức vẫn là phản bội, và, rất tiếc, ấy lại chính là phương tiện duy nhất cứu rỗi cho chân lý ... Anh vẫn không buồn nghe. Sự chú ý của đôi tai anh đột ngột được dành cho những âm thanh đang vọng xuống từ những tầng trên của toà cao ốc, những tiếng cãi cọ, chì chiết chua ngoa, những tiếng quát tháo, rồi là tiếng khóc khô khan,... Mắt anh thì để ra cửa sổ. Ngoài ấy, một cơn gió đang cuốn bụi bay tung. Mầu trời u uất. Có một con trốt xám vẫn lơ lửng ở đâu đó, anh biết.


Kênh ba. Tin về phát hiện khoa học mới nhất... Vừa qua, các nhà... đã thí nghiệm thành công... Tia nhìn anh bất động, bám lấy cái cửa sổ, trong lúc cố hình dung ra điều gì nghiêm túc, chẳng hạn một phòng thí nghiệm, những ống thuỷ tinh, những cái blouse trắng ... Anh cố gắng đến đau mỏi, cuối cùng lắc đầu. A, một lần nữa anh kịp nhận ra, chẳng có hình ảnh nào gọi được là nghiêm túc lại có thể lưu trú trong trường ý thức của anh. Nhưng mà không, xét cho cùng, có hề chi. Những điều ấy, dầu nghiêm túc đến đâu mặc, có liên quan gì đến anh, đang ngồi đây, giữa một nỗi hỗn mang oi ả, thoang thoảng mùi chuột và gián và rác!


Cái nút đài tiếp tục kêu lên. Nó lại được hăm hở vặn đi. Kênh bốn. Tiếng Thét Vượt Thời Gian. Anh mệt mỏi đặt bút xuống. Ấy là từ ngữ anh thật sự không muốn nghe. Thời gian!


Kênh năm. Bản tin lúc không giờ. Lại thời gian! Cái gì vậy? Có phải mớ khái niệm gắn liền với từng múi giờ, mà bầy hữu thể có đuôi nào đó cam lòng chia nhau gặm nhắm? Thế, anh chẳng thể chia sẻ với họ. Ở đây, nơi thường trú anh, dù sáng hay tối, ngày nắng hay ngày mưa, mùa ít nóng hay mùa rất nóng, thì ngọn đèn duy nhất giữa trần phòng kia cũng cứ thắp suốt, chẳng khác một con mắt võ vàng treo dọc, không bao giờ nhắm lại, và, dưới ánh sáng tự kỷ ám thị kinh niên vàng vọt của nó, anh không thể xác định được là mấy giờ. Thời gian của anh là mênh mang vô bờ bến, hay co xoắn đậm đặc, theo cách nào đó, anh không thể diễn tả bằng ngôn ngữ phàm tục bất toàn, - nó phải được thể nghiệm và diễn giải theo những phạm trù siêu việt hẳn, vượt khỏi tầm với của ý thức lẫn tưởng tượng anh. A, thời gian! Đã lâu rồi, anh không còn biết đến nữa.


Bản tin bỗng níu kéo thần trí anh trở về với cái đài: Nghe nói, ở tầng trệt của Thiên Đường, từ một nỗi đau giả, một hữu thể có cánh đã để chẩy lênh láng những giòng thơ, làm ngập lụt mọi cống rãnh... Nàng quay lại, giọng trách móc.


- Người ta đang nói về anh. Mắt nàng như quầng thâm hơn.

Anh lắng nghe, vẻ buồn bã.

- Không. Họ lầm. Nỗi đau của anh là có thật.

Và anh cúi mặt, vẻ rất buồn bã, nhìn những giòng chữ chẩy khôn cầm. Họ có thể hiểu gì về việc anh đang làm! Nhưng thôi, thây kệ, anh chẳng cần. Khi anh sáng tạo, một mình anh là đối trọng của thế giới, anh tự triển khai thành một thế giới của riêng anh ...


Kênh sáu. Tiếng động kẽo kẹt của một chiếc giường. Tiếng thở hổn hển lẫn tiếng rít khe khẽ, khuyến khích ,...

- Nghe nói, ở dưới ấy bọn quỷ cái đẹp lắm, đúng thế không, anh? Giọng nói ủ dột của nàng vang lên, như rên.

- Có đâu. Anh vẫn cúi mặt. Đã được chứng minh là ở dưới ấy những hữu thể có đuôi, giống cái, phải ngồi trước gương hàng giờ và tô đi tô lại đường viền những lỗ thủng trên mặt bằng những mỹ phẩm thượng thặng. Họ hẳn phải xấu xí.


Nhưng nàng vẫn chẳng có vẻ gì là nguôi ngoai. Những ngón tay run rẩy lại đay nghiến cái nút vặn.


Kênh bảy. Tiếng cốc tách chạm nhau. Tiếng cười. Tiếng chúc tụng. Một buổi liên hoan. Nào, nào, xin cạn ly, nhân kỷ niệm lần thứ 1991 ngày qua đời của... Anh không thể không một lần nữa nhìn qua cửa sổ. Đằng xa, ở cuối tầm mắt, cách một quãng đồng vắng không cây, có một cái gò lớn, vẫn được mệnh danh Nấm Mồ Của Thượng Đế. Phần anh, chưa bao giờ gọi nó bằng cái tên đó. Thật xúc phạm đối với con tim khi phải nhìn thấy nó hôm nay, cỏ xanh loang lổ. Anh vẫn nghĩ, lẽ ra ra nó phải được lát bằng những phiến cẩm thạch, mát lạnh và lặng lẽ, an nghỉ dưới bóng râm của những rặng trường xuân.


Kênh tám. Tiếng cười sặc sụa ...


*


Nàng cứ rà đi rà lại cái nút vặn, vẻ thất vọng. Cuối cùng, bật khóc.

- Không. Nàng gục đầu vào cái tủ, vai rung lên. Em không tin.

- Thôi nào! Giọng nhẫn nại, anh nói, trong lúc quờ tay lấy cây bút , cách vô thức.

Anh lại cúi xuống, cắm cúi viết. Chữ nghĩa lại chẩy lênh láng, ngập ngụa, ào ạt khắp, phần lớn xuống cống rãnh sặc mùi chuột và gián và ..., chỉ một ít bay tung theo gió, lấp lánh giữa đám bụi. Vẫn lơ lửng một con trốt xám ở đâu đó, bên ngoài ,... Bầu khí thật oi.


Anh ước ao nàng sẽ vặn cái đài về kênh chín. Nhưng chẳng hề hy vọng điều đó. Nàng chẳng bao giờ lại chọn nghe kênh chín, cũng như chẳng bao giờ lại chịu tắt đi cả. Chẳng thà vặn suốt, và cứ như thế, để cho tiếng rột rạt hăm hở kéo dài tưởng chừng vô tận. Dù sao vẫn hơn. Nàng bảo. Em ghét kênh chín. Phải, anh biết, ở đấy chỉ được nhả một Dấu Lặng Vĩnh Cửu. Còn anh, thì thèm khát nghe nó xiết bao.


Từ một tầng bên trên của toà cao ốc lại vọng xuống một giọng lanh lảnh, át cả tiếng rột rạt ngoan cố của cái nút vặn đài: Gớm, lại sặc. Rõ khốn khổ. Người ta vẫn nuốt cả tấn địa ngục vào họng đến là tươm tất, còn ông, có mỗi cái hạt tấm cũng cố mà sặc. Thật, tôi đến độn thổ ...


Anh chẳng muốn nghe chút nào, cứ lẳng lặng viết xối xả. Song, thật đáng buồn, đôi vành tai của anh đâu thể đóng lại! Đấy, và anh cũng lại nghe nàng rảo trở về kênh bẩy...


Tiếng ngáy như sấm. Buổi liên hoan đã vãn rồi sao? Anh lẩm bẩm... Bất thần vang lên, trong khoảnh khắc, một đoạn Adagio của bản..... N°14, của .... Kênh sáu, phải không em? Anh định hỏi, nhưng cái nút đã vặn đi. Phải rồi, kênh sáu. Người ta đã ngưng chuyện ấy, chỉ còn tiếng đàn rướm máu, ánh trăng rướm máu. Anh lại bất giác nhìn ra cửa sổ, nhìn những đám mây trên cánh đồng thiên thu, chẳng phải mùa xuân, chẳng phải mùa hạ, cũng chẳng phải..., những đám mây ấp ủ mộng đời nào bất tuyệt. Chúng đến từ đâu? Anh bỗng cảm giác xa lạ, xa lạ, xa lạ...

Kênh năm lại vồ lấy thần trí anh với cái giọng thường trực: Chẳng bao giờ đã và cũng sẽ chẳng bao giờ có ai từng nghe nói về một vụ tự tử như thế, - tự tử bằng thơ. Thơ dâng lên từng milimét, chắc chắn sẽ ngập đến cằm, đến miệng, đến mũi, và thế là hết, chỉ còn hai con mắt, thao láo, dần dần bất động, ngưng thần. Đồng thời, mức thơ không dâng lên nữa. Phải mất lâu lắm, thơ mới rút đi hết, qua ngả cống rãnh, và trên nền nhà chỉ còn lại sõng sượt một mình thi nhân, với đôi cánh nát tan ...

- Họ lại nói anh. Giọng nàng nghe khô khốc.

- Không. Anh lơ đãng nhìn xuống bàn, gẩy gót cây bút, nhưng không viết. Họ không hiểu gì hết. Chúng ta không biết đến sự chết. Khái niệm đó đã được qui ước là vô nghĩa ở Thiên Đường.


Anh vẫn gẩy gót cây bút. Sao họ lại dối trá thế? Chẳng ai đã từng biết được điều gì về chốn đây. Tự tử bằng thơ! Có buồn cười không. Anh nào có làm thơ! Anh chỉ để chữ nghĩa tuôn chảy mãi thế này, ngập sàn một tấc, và chỉ thế không hơn. Còn anh, thì tồn tại đã được chỉ định là chẳng bao giờ kết thúc.

- Nhưng, em van anh. Anh viết thế để làm gì chứ?

- Anh van em. Giọng anh cũng khô khốc. Anh không biết. Có thể nào khả hữu một câu trả lời khác hơn, mà vẫn trung thực đến thế? Cũng như có thể nào tìm thấy một điều gì khác hơn là cây bút xấu xí này, để cho anh trang trải hết cái chiều kích ghê gớm của thiên thu? Quả thật, anh không biết.

Anh thoáng thấy nàng mím môi. Cố nhiên, ấy chẳng phải lần đầu tiên được đặt cho anh một câu hỏi đại loại. Nhưng thôi, hãy quên đi những điều nhỏ nhặt, khi một mình anh cũng đủ khả năng là đối trọng của thế giới, một mình anh cũng có thể tự triển khai thành ...

Dường như nàng cũng thế, cũng biết quên. Thoắt cái, nàng đã trẩy sang kênh khác, vẻ lãnh đạm.

Kênh bốn. Chương trình đọc thơ. Đã về đâu rồi, Tiếng Thét Vượt Thời Gian? Và bây giờ, thì thơ! Một giọng đọc có cái gì đó khẩn thiết, buộc anh phải lắng tai.


... Anh ra ngõ, ngồi xuống một phiến đá, và bắt đầu khóc. Anh khóc trước tiên cho bản thân anh, rồi sau đó, cho mọi thứ, mọi sự trên đời: Khóc cho trời đất quá bao la, cho những đám mây quá xanh, cho mặt trời quá rực rỡ, cho đồng lúa quá vàng, cho dòng sông quá nhiều nước, cho những kẻ đi vụt qua ; - cho người đàn bà kia đôi vai quá mảnh, đôi vú quá lớn ; cho người đàn ông kia dáng đi đã quá nhọc nhằn, lại còn sở hữu thêm cái dương vật quá khổ ... A, mọi sự tồn tại đều đẹp đẽ và tội nghiệp đến mức không chịu nổi. Song, điều càng lúc càng trở nên khủng khiếp nhất, là anh vẫn không thể nào hiểu được cái lẽ tồn tại của chúng. Thế là, anh lại khóc và khóc, và phát hiện ra đôi mắt là cả một nguồn mạch đầm đìa.


Ôi khốn khổ. Tạo vật có đuôi vô danh nào đã có thể cưu mang một nỗi đau nhường ấy, nỗi đau đồng dạng với nỗi đau anh? Đoạn thơ khiến anh thật sự ganh tị, dù chỉ có bấy câu. Chao, chẳng bù cho bao tuyệt phẩm anh đã từng biết, trường giang đại hải, hoàn thiện một cách vô tích sự ; hay hớm, thông minh và vĩ đại một cách vô tích sự, chẳng đáng để anh nhớ lại mảy may...


Dù sao, rất tiếc, thi ca vẫn không phải điều nàng quan tâm. Tiếng rột rạt lại cương quyết nói lên điều đó ... Cái đài đang trở về kênh ba...


Vẫn những mẩu tin nhanh về những phát hiện mới nhất ... đã xác nhận tồn tại của lỗ đen...Vấn đề bản chất của lỗ đen,- điều kỳ diệu đến nghịch lý của thực tại vật lý ... Lại những điều đồng thời vừa nghiêm túc vừa chẳng liên quan gì đến anh, đang ngồi đây, giữa nỗi hỗn mang oi ả, thoang thoảng mùi chuột và gián và rác, dưới cái áp suất song trùng, vừa xám xịt, của một con trốt vẫn lơ lửng ở đâu đó ngoài kia, vừa võ vàng, của ngọn đèn duy nhất trong phòng, chẳng khác một con mắt kinh niên tự kỷ ám thị treo dọc, không bao giờ nhắm lại...


... Nghiên cứu cho thấy, ở điều kiện..., dung dịch từ mắt sẽ không chảy xuống má, nhưng sẽ... Những từ vựng lại tiếp tục nổ dòn một cách nghiêm túc phi thường, trong khi anh chẳng biết làm gì khác hơn là ngáp, và kín đáo nhận ra, chẳng bao giờ kịp che miệng.


Cái ngáp của anh kéo dài cùng với tiếng rột rạt của cái nút vặn đài, và không thể ngưng lại, ngay cả khi trên kênh hai đã vang lên bài triết luận dị hợm quen thuộc: ...Đã đành năng lượng phải được tiêu hao dưới mọi hình thức, thế này hay thế khác, song bi kịch nhất vẫn là nỗ lực vận dụng nó cho việc ghi nhớ những điều chẳng... hay trả giá nó cho niềm tin vào những thứ chẳng..., vâng, và ngay cả khi anh, như theo một phản xạ tự nhiên, vụt ngoảnh ra cửa sổ, đưa mắt nhìn về phía Nấm Mồ Của Thượng Đế, với vẻ buồn rầu...


Lúc này đây, anh càng khát khao chuyển cái đài về kênh chín, khát khao đắm mình vào nó, - cái Dấu Lặng Vĩnh Cửu, chưa một lần được nghe nọ, xiết bao. Song, anh vẫn ngồi yên thế, vân vê cây bút, lặng lẽ ngáp, và cuối cùng, lại lặng lẽ cúi xuống, tiếp tục viết và viết, lênh láng, xối xả, ào ạt khắp...


Thôi, cứ xem như giải pháp duy nhất cho anh là thế, và anh sẽ mãi còn trung thành với nó, thây kệ mọi sự, thây kệ cả cái đài đã được nàng vặn hối hả, rột rạt trở về kênh một, nơi cũng vừa kết thúc một bản tin hay một bài triết luận hay một bài thơ nào đó anh chẳng rõ: ... Sẽ chỉ còn lại một mình anh thôi, và thế cũng đủ để hoàn tất sứ mệnh làm chứng cho nỗi vô nghĩa bí ẩn và vĩnh cửu của tồn tại Thiên Đường. Và cố nhiên, ngay cả cái lối kết thúc này nữa, anh tự nhủ, cũng phải được thây kệ nốt.


Bùi Hoằng Vị


MỌI RANH GIỚI ĐỀU KHÔNG CÓ THẬT



Nguyễn Viện






(1) Hiện số mệnh  truyện ngắn trong giới văn học Việt trong và ngoài nước?

Số mệnh truyện ngắn của Việt Nam theo tôi, giống như số phận của một dân tộc nhược tiểu. Ngôn ngữ của nó trên mặt bằng thế giới, giống như ngôn ngữ của người thiểu số. Nếu như văn chương Việt Nam được dịch và giới thiệu một cách tử tế hơn (phi mậu dịch quốc doanh) qua những ngôn ngữ phổ biến như Anh, Pháp… thì tôi tin rằng văn chương Việt Nam sẽ có một vị thế khác hơn hiện nay.

Có không ít tác giả nước ngoài được in ở Việt Nam mà chất lượng tôi cho rằng cũng giống như người ta nhập khẩu rác trong kinh tế.

(2) Truyện ngắn có được giới độc giả Việt đánh giá cao hơn truyện dài không? Tại sao?

Độc giả thông thường vẫn đánh giá truyện dài cao hơn truyện ngắn, có lẽ một phần vì truyện dài đòi hỏi tính chuyên nghiệp hơn, công phu hơn. Trong khi truyện ngắn thường chỉ là một cảm xúc sự kiện (đôi khi là một từ), một ý nghĩ… cần bày tỏ ngay. Tất nhiên, giá trị tác phẩm hay nhà văn không ở chỗ anh ta viết dài hay ngắn.

(3) Yếu tố nào là yếu tố chung của các nhà văn viết truyện ngắn đã tạo ra sự chú ý từ độc giả? Ngoài ra, yếu tố nào là đã tạo cho họ vị trí cá biệt trên văn đàn? Những yếu tố này có phải cũng là những yếu tố định nghĩa cho sự sinh tồn của truyện ngắn?

Cái bầu khí văn chương hay cái không khí của truyện và giọng văn của tác giả thường được độc giả chú ý. Nguyễn Ngọc Tư với chất miệt vườn Nam bộ, Nguyễn Huy Thiệp với đặc trưng của phong cách hút thuốc lào uống trà rất Bắc bộ, Phạm Thị Hoài với kiểu nanh nọc mà sang trọng của gái Bắc kiêu kỳ, hay Bùi Hoằng Vị sống và viết vừa như “kẻ sĩ” ẩn mình vừa đểu cáng công nhiên… là những ví dụ của bản sắc cá nhân. Nhưng điều quan trọng nhất cho sự sinh tồn của truyện ngắn lại dường như ở chỗ, anh cho người ta cái gì để nhớ sau khi gấp cuốn sách lại. Một thứ ngôn ngữ không thể tìm ở đâu khác. Một cách kể chuyện không lẫn lộn.

(4) Có cần nên có ranh giới giữa truyện ngắn và truyện dài? “Ngắn” và “dài” nên là bao nhiêu trang? Một truyện ngắn có thể mô tả một thời gian dài tương đương như truyện dài (10, 20, 50 năm), hay phải ngắn hơn? Trong bối cảnh văn học Việt Nam, đã có nhà văn nào “phá giới” giữa quy luật truyện ngắn và truyện dài chưa? Tại sao chúng ta chưa chịu phá giới thường xuyên hơn?
Mọi ranh giới đều không có thật (có vô số thí dụ để khẳng định điều này). Có lẽ vì thế chính tôi đã từng gọi những tập truyện ngắn của mình là tiểu thuyết. Tất nhiên cũng có lý do của nó. Một cách viết. Một bối cảnh. Đôi khi là một giai đoạn mà nó có những yếu tố chung. Một tiểu thuyết với những module khác nhau. Một kiểu chơi xếp hình.

Nếu ranh giới (độ dài, số chữ, số trang) để phân biệt giữa truyện ngắn và truyện dài là không thật thì làm thế nào để xác định một truyện ngắn hay truyện dài? Theo tôi, sự phân biệt đó không nên dựa vào dung lượng của số chữ, mà cần định lượng bằng cái không gian/ thời gian của truyện. Vì thế, có thể gọi một tác phẩm là một tiểu-thuyết-ngắn, tiểu-thuyết-mini, truyện-dài-không-dài, hay một truyện-ngắn-ngoại-cỡ, truyện-ngắn-không-ngắn, truyện-cực-ngắn, truyện-nóng, truyện-cực-ngắn-liên-hoàn (tôi đã phổ biến một số trên Tiền Vệ và Blog Phạm Thị Hoài –procontra.asia) … bên cạnh các truyện ngắn hay truyện dài, truyện vừa như chúng ta quan niệm hiện nay. Từ cách gọi này có thể gợi mở ra những cách viết khác, bố cục khác, ý niệm khác. Nén. Đóng gói. Bung hàng. Xổ hàng…

Cách gọi một tác phẩm ngắn hay dài có thể mang đến một định nghĩa khác cho truyện dài/truyện ngắn. Một định nghĩa khác là một sáng tạo khác.

(5) Yếu tố địa lý – vùng Ontario ở miền Trung của Canada – là bối cảnh chính trong nhiều truyện ngắn của Alice Munro. Yếu tố không gian/địa lý có quan trọng trong truyện ngắnViệt Nam hay không? Tại sao (không hay có)?
Tôi cho rằng yếu tố không gian/ địa lý (tất nhiên sẽ kèm theo yếu tố lịch sử và văn hóa) có những ảnh hưởng nhất định lên những sáng tác của nhà văn, cho dù anh ta viết hoàn toàn hư cấu. Trường hợp Nguyễn Ngọc Tư hay Nguyễn Huy Thiệp là rõ nhất. Ngay cả khi anh thoát ra khỏi thực tại, cái bối cảnh sống của anh cũng vẫn là một yếu tố tạo nên tính cách. Nó giải thích thái độ và hành động viết văn của anh. Thậm chí góp phần vào sự thành bại của tác phẩm của anh. Đặc biệt khi anh sống ở một nơi mà sức ép của nó không thể trốn chạy.

Có một ngoại lệ có thể đẩy quan điểm của tôi về bối cảnh sống hay địa lý vùng miền xuống loại cổ điển. Đó là trường hợp của Vũ Lập Nhật trong văn xuôi (và Lưu MêLan trong thơ). Phi chính trị (theo một nghĩa tương đối), thoát khỏi mọi hệ lụy của các vấn đề thời sự nơi họ đang sống. Tác phẩm của họ lại là một thứ địa lý khác, thời của toàn cầu hóa, của một sản phẩm đô thị đích thực (đối chiếu với các loại nhà quê lên tỉnh). Một mê cung mà không hẳn cuối đường của nó là một kho báu. Sự hấp dẫn và vẻ đẹp của nó nằm ngay trên lối đi và những ngõ ngách đưa người ta bước vào. Tôi cũng coi đây là một niềm hy vọng cho những khả thể của văn chương Việt Nam. Văn chương bẩm sinh, tự nó gieo trồng và lớn lên. Một thứ văn chương không cần mượn đến trải nghiệm cuộc sống bên ngoài để làm tuyên giáo cho mọi kiểu cách khác nhau.

Không có gì cũng là một loại tài sản!




*Photo: Max Ho



Đọc sách báo nhiều và xem tivi nhiều, hẳn chuyện hàng năm vẫn cứ lặp lại mỗi mùa thi qua….

Cứ mỗi mùa thi đại học là có một loạt các bài viết về các thủ khoa trường X con nhà nghèo, thủ khoa trường Y có hoàn cảnh khó khăn… vân vân và vân vân. Câu chuyện tự thưở nào của tôi vẫn luôn hằn sâu trong ký ức mỗi khi một mùa thi đại học nữa đang về. Đó là chuyện ba hễ cứ đọc báo thấy tấm gương nào thủ khoa con nhà nghèo học giỏi là lại cắt cái bài báo đó mang về. Ba làm vậy với tôi trong nhiều năm liền. Chuyện đó dần hình thành một cái nếp và những mùa thi đại học trôi qua với tôi luôn là cảm giác sống trong một mớ những ngưỡng mộ những con người như thế. Họ nhà nghèo nhưng luôn vươn lên và học hành rất giỏi giang.

Còn nhớ có lần; hồi năm học lớp 10, tôi đang nghỉ hè ở quê sau một năm dài học hành không có kết quả khả quan là mấy. Năm đó cả nước đi thi Olympic Toán quốc tế được 2 huy chương vàng thì cả hai huy chương đó đều rơi vào 2 anh của trường Lam Sơn – Thanh Hóa. Cha nghe được điều đó nên ngay cái buổi chiều mà anh Hoàng Đức Ý về (một trong hai huy chương vàng) đã đèo tôi đến nhà anh này để xem.

Căn nhà của anh nhỏ nhỏ, đúng kiểu nhà của những vùng quê Việt Nam, mặc dù khu đó vẫn được tính là trong thành phố. Ngoài có cái cổng sắt và hàng rào cắm lởm chởm những mảnh chai mảnh sành đầy tường. Bức tường thấp tè đến độ chỉ với chiều cao của tôi lúc đó; nhỏng cổ nhìn qua tường cũng có thể thấy rõ mồn một cảnh tượng ngôi nhà và những người đi lại trong đó. Bên cạnh tường có một đống rơm to và cả một chiếc bồ cào; lúc đang vào vụ thu hoạch, rơm tươi ngổn ngang khắp mặt sân.

Đi sâu vào trong nhà một chút thì đến khu vườn rộng, cũng đủ trái cây như: Đu đủ. ổi, xoài… Lúc đó cả căn nhà nhỏ của anh ngập người ra vào. Cha mẹ anh thì nghèo thật, đúng độ chất phác của chân quê. Anh Ý có một người chị gái thì đã bỏ học từ năm lớp 9. Nhìn nhà cửa nhỏ và đơn sơ nhưng thứ hút ánh nhìn của tôi nhất là một giá sách đã cũ mòn. Những quyển sách xếp ngay ngắn trên giá được sắp đặt gọn gàng. Và quả thực khi mà chị anh Ý làm cơm trong lúc chờ đoàn xe đón anh từ sân bay Nội Bài trở về thì tôi thấy chị đang chuẩn bị một nồi ốc om chuối đậu. Nhìn vào cái rá con có lèo tèo vài ba con ốc. Ba tôi nói với tôi ngay khi hai ba con trên đường về là: “Con thấy không? Kể cả khi đạt giải cao như vậy rồi người ta cũng chỉ có ốc om vậy thôi!” Tôi cũng chỉ vâng dạ rồi để đó cho qua chuyện.

Đến khi đoàn người dãn ra, một cái xe u oát đỗ xịch trước cái cổng sắt đã mòn vẹt… Tôi lúc này nhìn thấy anh bước xuống, người gầy cà tong cà teo, hơi ốm yếu đang đeo huy chương vàng. Cha tôi đã lôi tôi đến trước mặt ba anh này. Sau một hồi nói chuyện thì cuối cùng tôi cũng được sờ thử cái huy chương.

Lúc ra về tôi chỉ nhớ là cái huy chương chắc là bằng vàng xịn, dây đeo là dây dù nên khá chắc và bền. Nhưng cái thuở ấy tôi chỉ thấy nó như một thứ rất đáng để ngưỡng mộ, mà phấn đấu cố gắng vươn lên. Đấy chỉ là suy nghĩ nhất thời của một đứa con nít lúc mới đến đó thôi. Nhưng rồi khi vượt qua lũy tre làng, vượt qua những rặng rơm đầy mồ hôi sương gió đó, khi trở lại thành phố thì tôi lại quên phắt đi chuyện phải cố gắng ra làm sao. Vài tuần sau đó với tôi mọi thứ lại trở nên như cũ.

Kể một câu chuyện dài như vậy chỉ để nói với bạn rằng: “Không có gì cũng là một loại tài sản.” Bản thân những con người sống trong đủ đầy và nhung lụa, tự bản thân cũng sẽ thấy rất ít thiếu thốn vật chất. Và bản tính nhân loại chỉ đi tìm những gì mà mình không có hoặc rất muốn có chứ chả ai tìm tòi những cái mà mình đã cho là đủ.

Người nhà nghèo thường mong muốn thoát nghèo, cho nên họ là những người rất cách mạng. Từ thưở còn chiến tranh với những cường quốc lớn, chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định là giai cấp chính để lật đổ đế quốc thực dân là “giai cấp vô sản”. Nếu coi cái đói nghèo là quân giặc, giặc đói, giặc dốt thì người nghèo là những người thực sự rất biết làm cách mạng.

Khi họ học hành và có tri thức thì tức là họ đang dùng vũ khí là tri thức của họ đánh bật những xiềng xích xung quanh. Họ chỉ mất đi xiềng xích. Còn họ sẽ được gì? Họ được cả thế giới. Cho nên chúng ta khó mà hiểu được rằng, những vị cương vị cao ở các thành phố lớn hiện nay đều do người ngoài đến chiếm giữ. Những người nghèo đến từ những vùng núi gian khổ, từ vùng nông thôn nghèo, những huyện nhỏ xa xôi, bất kì ai đều không nên coi thường họ. Họ không hề có những ưu thế tự nhiên, hoặc thông qua tuyển chọn thi cử, hoặc thông qua làm thuê mà chỉ dựa vào một nguyện vọng mãnh liệt được mở mày mở mặt ở thành phố lớn, họ bắt đầu từ tầng lớp thấp nhất, gian khổ vươn lên, dần dần gìữ vị trí quan trọng, về sau họ còn giống người thành phố hơn cả dân bản địa.

Chẳng có gì cũng là một thứ tài sản, nó buộc người nghèo tạo ra động lực để thay đổi vận mệnh của mình, tạo ra một sự kích thích sáng tạo. Đồng thời, chẳng có gì cũng có nghĩa là chẳng lo lắng gì cả, năng lượng bản thân sẽ phát huy được triệt để hơn. Người nông dân muốn vào thành phố làm thuê, cái mà họ bỏ lại chỉ là cái cuốc, nhưng đối với người thành phố được giáo dục chu đáo mà nói, nếu rời bỏ môi trường vốn có mà đi dựng sự nghiệp mới thì họ phải bỏ lại rất nhiều thứ. Kết quả là phần lớn họ không đành lòng bỏ chúng, nên sự nghiệp mới chỉ còn là ảo tưởng.

Thế cho nên những đứa con nhà nghèo, nếu họ coi việc học là niềm vui thì phần lớn con nhà giàu đều cho đó là cực hình, vì họ phải rời bỏ môi trường quen thuộc; lăn lộn nhiều và trải đời nhiều hơn. Cái được thì như một phần thưởng vô hình, rất khó để nhìn cho ra, còn cái vất vả khó khăn thì thấy rõ mồn một. Vậy cho nên thường là con nhà nghèo tu chí hơn con nhà giàu rất nhiều.

Nói như vậy để thấy rằng, dù là người giàu hay người nghèo, khi ưu thế vốn có của họ bị uy hiếp, chính là lúc họ thực sự đang đứng trước một cơ hội; khi hoàn cảnh buộc bạn đến nước chẳng còn gì, thì thực tế chính là nó đã mang lại cho bạn một chiếc cuốc để đào một mỏ quý. Đừng ôm khư khư những thứ bạn vốn có, chỉ cần đặt mình vào hoàn cảnh trong tay bạn chẳng có gì mới có thể nhẹ nhàng xông ra trận. Tới lúc đó bạn mới phát hiện ra rằng, bản thân trạng thái đó mới là một tài sản quý báu. Không có gì cũng là một thứ tài sản, nó buộc người nghèo phải tạo ra một động lực để thay đổi vận mệnh.



Thu Li

Vạn sự do Tâm



BY KIM DUNG/KỲ DUYÊN



Tâm là chủ-đạo , vạn sự đều do Tâm , Nghiệp tốt , xấu được tạo cũng bởi Tâm. Giá-trị đích-thực của 01 con người là ở Tâm không phải ở Tài.
“Tài” là Tài-năng , Tài-sản
Có Tài mà ko có Tâm, rất nguy-hiểm!
Tài-sản kếch-xù? Khi buông-tay nhắm-mắt chắc-chắn bạn sẽ ko mang theo được 01 xu, chỉ có cái Tâm và những Nghiệp tạo bởi nó đi theo bạn mà thôi!
“Thiện-căn bởi tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” (Nguyễn Du)



Tâm của chúng ta càng quan-trọng hơn vì nó nói lên nhân-cách của một con người :
Tâm lệch-lạc thì cuộc-sống nghiêng-ngả đảo-điên



Tâm gian-dối thì cuộc-sống bất-an
Tâm ghen-ghét thì cuộc sống hận-thù
Tâm đố-kỵ thì cuộc sống mất hoan-hỷ
Tâm tham-lam thì cuộc sống dối-trá
Tâm bất-khoan-dung thì cuộc-sống bực-bội triền-miên

Cho nên, ta không những đem Tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu-thương, mà còn:
- Đặt Tâm trên Mắt để nhìn thấy nổi đau-khổ của tha-nhân
- Đặt Tâm trên Tay để giúp đỡ người khác
- Đặt Tâm trên Chân để mau mắn chạy đến với người cùngkhổ
- Đặt Tâm trên Miệng để nói lời an-ủi và đừng xúc-phạm ai
- Đặt Tâm trên Tai để biết nghe lời thống thiết của người khác
- Đặt Tâm trên Vai để biết chia sẻ trách nhiệm với mọi người, nhất là với những người thânyêu nhất (vợ-chồng , cha-mẹ , con-cái , anh-chị-em …)


Có một cách làm tốn…rất ít tiền!






Tác giả: Nguyễn Lân Dũng


———-
Khi chúng ta vẫn còn hiện tượng có nơi học sinh ngồi chung hai lớp một phòng, có nơi phải đứng trong lớp học, có nơi mỗi em xách theo một cái ghế lội suối đến trường, có nơi cô giáo chui vào túi nilon để băng qua suối…thì không thể lãng phí dù chỉ một đồng.
Một cách đơn giản để đổi mới chương chương trình và SGK tốn rất ít tiền đó là lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học. Tôi đã trình bày ý kiến của mình với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Sau khi nghe xong, Phó Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ tham khảo để có những đề xuất hợp lý.




Công việc khó nhất của đổi mới chương trình và SGK là sưu tầm chương trình của các nước. Bộ GD&ĐT đã có 40 chương trình, thế thì những việc còn lại đâu còn quá khó để thực hiện. Bằng cách nào ư? Chúng ta có Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, trong đó có đầy đủ các Hội khoa học chuyên ngành. Hội các ngành Sinh học chúng tôi có đến vài ngàn hội viên là chuyên gia khoa học và giáo viên Sinh học các cấp. Bộ GD&ĐT nên tận dụng các Hội khoa học chuyên ngành để giúp biên soạn chương trình . Đương nhiên, các Hội này tham gia vì tâm huyết, muốn cống hiến khả năng cho thế hệ tương lai chứ đâu có yêu cầu phải tốn kém quá nhiều tiền .
Sau đó, chúng ta cần có các Hội đồng giáo dục về Khoa học tự nhiên gồm những người có uy tín cao để duyệt chương trình. Trên các hội đồng Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là một Hội đồng quốc gia xét duyệt chương trình với các nhà khoa học và giáo dục đầy đủ đức tài.. Theo quan điểm của tôi, để các Hội được tham gia làm chương trình thì phải nhằm đạt 3 yêu cầu. Đó là đủ sức hội nhập quốc tế, nhưng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và phải sử dụng được lâu năm.
Khi đã có chương trình chuẩn, việc làm SGK không cần tốn tiền của Nhà nước. Ở rất nhiều nước, SGK là chuyện của từng nhà xuất bản và từng tác giả. SGK là hàng hóa đặc biệt nhưng vẫn cần phải có cạnh tranh. Ai viết SGK cũng được, với điều kiện duy nhất là theo đúng Chương trình đã được duyệt, còn việc tốt-xấu, hay-dở là hoàn toàn do thị trường quyết định.
Tôi nghĩ năm 2014 có chương trình bắt đầu làm SGK là chuyện khôi hài (!) Vì đến nay chưa biết sẽ có mấy phân ban, chương trình như thế nào, thế mà lại có các nhóm đang biên soạn SGK lớp 1 để in. Nếu sau này Hội đồng quốc gia về giáo dục không đồng ý thì bộ SGK đã in lại bỏ đi à? Do đó đầu tiên chúng ta phải làm kỹ chuyện phân ban, sau đó soạn chương trình, cuối cùng mới có thể biên soạn sách giáo khoa.
Bộ GD&ĐT không cần thiết phải dùng đến số tiền rất lớn trong số hơn 34 ngàn tỉ đồng để tập huấn giáo viên. Lấy ví dụ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã dịch sang tiếng Việt và in cuốn sách Sinh học (Biology) do nhà khoa học nổi tiếng N.A.Campbell chủ biên (xuất bản lần thứ tám).

Đây là cuốn sách dày tới 1417 trang, có nội dung rất hay, in màu rất đẹp, được toàn thế giới sử dụng. Vì 1.750.000 đồng/cuốn nên thư viện mỗi trường chỉ cần mua vài quyển cho giáo viên dạy Sinh mượn để hàng ngày tự nghiên cứu, nghiền ngẫm khi dùng chương trình và sách giáo khoa mới. Tôi khẳng định sẽ tốt hơn nhiều so với việc đi tập huấn trong ít ngày với những thầy giáo đâu có giỏi như các tác giả của cuốn sách quý giá này (!).

Không chỉ môn Sinh học, ngành nào cũng có những cuốn sách rất hay như vậy, cho nên Bộ hãy để giáo viên tự bồi dưỡng hơn là quá tốn kém cho việc in ấn tài liệu, tổ chúc các lớp bồi dưỡng… Việc thí nghiệm cũng đâu cần tốn kém quá nhiều tiền bạc khi từng giáo viên biết tự nình dạy đúng chương trình, đúng sách giáo khoa và đúng phương pháp sư phạm. Nên chăng chỉ cần tập trung vào việc bồi dưỡng cho giáo viên triết lý giáo dục, phương pháp sư phạm và đạo lý người thày.
Tôi rất muốn, khi đã có chương trình chuẩn, nếu có chủ trương tự do biên soạn sách giáo khoa tôi cũng sẽ là người tham gia viết SGK Sinh học. Vì tôi đã từng học qua 4 trường sư phạm (hai trường SP sơ cấp, 1 trường SP trung cấp và 1 trường Đại học SP, lại đã đứng lớp trên 50 năm và đang có trong tay trên 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học của nhiều nước khác nhau. Và, tôi cũng tin tưởng sẽ có rất nhiều người muốn viết như tôi và không ít nhà xuất bản (bên cạnh NXB Giáo dục là chủ đạo) sẽ sẵn sàng tham gia phát hành SGK. Tôi thấy việc Bộ GD&ĐT đưa ra con số hơn 34.000 tỉ đồng để làm chương trình và SGK là quá vô lý trong hoàn cảnh kinh tế đát nước còn rất khó khăn như hiện nay..

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Thơ dặn riêng



Nguyễn Đông Nhật







Anh có danh hay anh có thơ
câu hỏi ỡm ờ, có phải?
Thế sự làm người ta yếu đuối
cây thập tự nặng hơn thời đấng Ky-tô.

Anh viết dăm bài, anh viết ngàn trang.
Hay dở khen chê cái vòng luẩn quẩn.
Thơ là thơ, dẫu nghiệp hay nghề
đều khó như giản đơn mọi việc.

Nhiều định nghĩa thường xuyên biến dạng.
Cái bóng của anh không thể ngồi yên lặng.
Sau khi tan vào những gì xa lạ
anh thấy gương mặt mình trên vách tường câm.

Bi kịch hay hài kịch đều phải dàn dựng
bằng tất cả máu của đời anh.
Đốt hết bao nhiêu cánh rừng năm tháng
còn chút xá-lợi-thơ hay chỉ tro tàn?

Vì sao giá một bitcoin có thể lên đến $800 ngàn đô la




Lịch sử

Nhiều ngàn năm trước, người ta đã bắt đầu gán ghép giá trị danh nghĩa lên những thứ như vàng bạc và đá quý. Gọi là giá trị danh nghĩa vì giá trị của chúng chỉ là trên danh nghĩa; giá trị thực dụng trực tiếp của chúng hầu như có liên quan rất ít. Người ta gán giá trị lên chúng là vì họ muốn có được sự tiện lợi trong việc luân chuyển và cất giữ tài sản.

Từ vàng tới đá quý và từ đồng euro tới đồng dollar, người ta đã tạo ra nhiều loại tài sản danh nghĩa khác nhau. Thông thường, mỗi khi một loại tài sản danh nghĩa được tạo ra, nó sẽ được gắn kết cố định với một loại tài sản danh nghĩa hay tài sản thực tế đang tồn tại. Ví dụ, khi đồng Mỹ kim được tạo ra, nó được gắn liền với vàng; khi đồng Euro được tạo ra, nó được gắn liền với những loại tiền tệ đang tồn tại ở Châu Âu. Thậm chí vàng cũng rất có thể ban đầu đã từng được gắn liền với lúa gạo hay một cái gì đó tương tự.

Bitcoin là một loại tài sản danh nghĩa chưa từng được gắn liền với cái gì. Lịch sử không cung cấp cho chúng ta những ví dụ rõ ràng, và vì thế các nhà kinh tế học thiếu đi một trực giác nhạy bén và một mô hình đánh giá, họ không biết phải định giá nó như thế nào. Tuy nhiên, giá của một bitcoin sẽ được xác định giống như giá của bất kì thứ gì khác: thông qua sự cân bằng giữa cung và cầu. Và đối với những mặt hàng có nguồn cung cố định như bitcoin, vấn đề còn lại chỉ là cầu. Vậy thì nhu cầu dành cho bitcoin là bao nhiều? Vì chúng ta không có sẵn một mô hình tính toán, chúng ta phải tự suy nghĩ lấy.

Tài sản
Tài sản của nhân loại bao quát có thể được thành 2 loại: tài sản thực tế, và tài sản danh nghĩa. Tài sản thực tế là những tài sản có giá trị thực dụng trực tiếp chẳng hạn như đất đai, xe hơi, dầu, nông sản… Tài sản danh nghĩa là những tài sản không có giá trị thực dụng trực tiếp; chúng chỉ có ích để thực hiện giao dịch và lưu trữ của cải. Vàng, kim cương, dollars, và euros là những ví dụ của loại tài sản danh nghĩa. Nếu việc dự trữ táo là tiện lợi, hay trao đổi những chiếc xe hơi để lấy những căn nhà, thì thế giới cũng không phải cần đến tiền hay vàng; nhưng nó không tiện lợi, nên thế giới cần một cái gì đó để làm vật trung gian giao dịch.

Giá trị của tất cả tài sản thực tế trên thế giới hiện nay lớn hơn rất nhiều so với giá trị danh nghĩa, dù là không có quy luật nào nói rằng điều này sẽ luôn đúng. Cũng như mọi đánh giá tương đối, điều này được quyết định bởi thị trường. Vì các tài sản danh nghĩa phần lớn phục vụ cho mục đích giao dịch và dự trữ, nếu những nhu cầu này được nới rộng (vì lượng trao đổi tăng, chẳng hạn), thì giá trị tổng hợp của các tài sản danh nghĩa cũng sẽ nới rộng, và ngược lại.





Không ai biết được con số chính xác của tài sản thực tế và tài sản danh nghĩa, nhưng nó có thể được ước lượng:

Tài sản thực tế: Dựa theo năng suất sản xuất toàn cầu ở mức $71 trillon (1 trillion = 1000 billion (1000 tỉ)), và giả định tỉ lệ lợi nhuận 5% từ vốn capital, chúng ta có thể ước tính được tổng giá trị thực tế là vào khoảng $71 trillion/0.05 = $1.4 quadrillion (1 quadrillion = 1000 trillion). Tuy nhiên, năng lực sản xuất toàn cầu có lẽ không tận dụng được nguồn tài nguyên nó có và thấp hơn mức 5% rất nhiều*. Suy ra tổng giá trị của tài sản thực tế có thể lên đến nhiều quadrillions dollars, thậm chí có thể là nhiều chục quadrillions.

*Một ví dụ, Hoa Kỳ có khoảng 250 tỉ tấn than đá dưới lòng đất, nhưng nó chỉ sản xuất khoảng 1 tỉ tấn mỗi năm, khoảng 0.4%

Tài sản danh nghĩa: Chúng ta có thể ước lượng được giá trị của tài sản danh nghĩa bằng cách sử dụng lượng cung tiền tệ M2 từ những nền kinh tế lớn nhất thế giới, cộng thêm giá trị của tổng số lượng vàng trên thế giới
Đồng Yuan Trung Quốc $14 trillion
Đồng Euro $12 trillion
Đồng Dollar Mỹ $10 trillion
Đồng Yen $8 trillion
Đồng Pound $3 trillion
Vàng $8 trillion
Khác $20 trillion (tiền của các nước khác, kim loại quý, đá quý…)
Bitcoins $0.01 trillion
Tổng cộng $75 trillion (ước lượng)


Cũng như nhu cầu thị trường quyết định kích cỡ của tổng lượng tài sản thực tế so với tổng lượng tài sản danh nghĩa, kích cỡ của từng phần trong khối tài sản danh nghĩa cũng giao động tự do trong thị trường. Nếu sự ổn định của đồng đô la Mỹ bị rơi vào nghi vấn, hoặc nếu một loại tiền tệ mới nổi lên tham gia vào thị trường, thì thị phần của đồng đô la Mỹ sẽ bị thu hẹp, nhường lại cho cái mà thị trường cho là thu hút hơn.
Đánh giá một bitcoin
Thị trường đánh giá một món hàng dựa vào câu hỏi “người ta muốn nó bao nhiêu, như thế nào?” và vì người ta muốn có được tài sản danh nghĩa vì mục đích trao đổi mậu dịch và dự trữ tài sản, một nhà đầu tư muốn định giá được một bitcoin nên cân nhắc xem bitcoin đáp ứng lại hai nhu cầu này như thế nào so với những loại tài sản danh nghĩa khác trên thế giới. Nếu bitcoin đáp ứng hiệu quả hơn, thì giá trị của tất cả số bitcoins nên tăng lên và chiếm một phần lớn trong “cái bánh”* tài sản danh nghĩa toàn cầu; nếu không thì bitcoin hoàn toàn tuyệt đối không nên chiếm được một phần nào hết. Vì chính xác là sẽ có 21 triệu bitcoins được tạo ra, giá trị của một bitcoin sẽ bằng kích cỡ của thị phần bitcoin trong cái bánh, chia cho 21 triệu.

*Biểu đồ hình quạt trên trong tiếng Anh gọi là pie chart, pie = bánh

3 đặc điểm nổi bật của Bitcoin

Bitcoin có thể được chuyển đến tất cả mọi người, mọi lúc, và mọi nơi, với lệ phí cực thấp, trong thời gian cực nhanh (trung bình 10 phút) so với nhiều ngày ở ngân hàng.
An toàn: Bitcoins không thể được gửi đi mà không có chìa khóa tương ướng (hiểu nôm nha như bạn không thể đăng nhập mà không có mật mã). Những chìa khóa này có thể được cất giữ offline, thậm chí là có thể được viết lên giấy hay lưu vào thẻ nhớ. Tin tức về những vụ trộm cắp bitcoins không phải là vì giao thức của bitcoin có vấn đề, mà là cá nhân người dùng đó không biết bảo vệ chìa khóa của họ. Chưa bao giờ xảy ra trường hợp bitcoin được gửi đi mà không có chìa khóa của nó.
Bitcoin không thể bị mất giá giống như tiền bị mất giá qua lạm phát; chỉ có 21 triệu bitcoins sẽ được tạo ra. Thậm chí người phát minh ra Bitoin, Satoshi Nakamoto, cũng không thể tạo thêm bitcoin nếu ông muốn.

Bất chấp những ưu thế rõ rệt của Bitcoin so với vàng hay tiền tệ thông thường, vị trí của nó trong miếng bánh tài sản danh nghĩa còn xa mới chắc chắn, và tương lai của nó có thể dễ dàng bị ngăn cản bởi một số những điều không chắc chắn có thể xảy ra.
4 điều chưa thể biết trước
1. Cạnh tranh từ một loại tiền điện tử mới

Cũng giống như Facebook đã từng thay thế Myspace, bitcoin cũng có thể bị thay thế bởi một loại tiền mới có nhiều tính năng vượt trội không đoán trước được hơn. Thực tế là đã có nhiều loại tiền điện tử được tạo ra, tuy nhiên hiện vẫn chưa có một loại nào có được những ưu điểm đáng kể so với Bitcoin.
2. Sự ngăn cản từ phía chính phủ

Các chính phủ có được một động lực để cho phép bitcoin vì nó giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng họ cũng có động lực để ngăn cản nó vì đại trà hóa bitcoin cũng đồng nghĩa với tiền tệ của chính phủ đó bớt áp đảo hơn, hạn chế khả năng in tiền, và chi tiền của họ. Trung Quốc trong trường hợp này phải đối mặt với một con dao hai lưỡi: Nó có động lực để ngăn cản Bitcoin vì Bitcoin sẽ cho phép người Trung Quốc một lối thoát khỏi vòng kiểm soát tư hữu, nhưng nó cũng có động lực để ôm hôn Bitcoin, vì Bitcoin cung cấp cho Trung Quốc thêm một đầu ra cho đồng Yuan đang dư thừa và là một kế sách mới để loại bớt tình trạng lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
3. Những vấn đề kĩ thuật về bảo mật

Giao thức (protocol) của Bitcoin đủ an toàn để có thể nói rằng các cuộc tấn công vào mạng lưới chỉ là những rủi ro rất thấp:

Phân trung: Giao dịch diễn ra trực tiếp (peer to peer). Không có một máy chủ trung tâm nên cũng không có một điểm thất bại duy nhất (single point of failure).

An toàn khi cất giữ: Không ai có thể cướp được bitcoins nếu không có được chìa khóa bí mật.
4. Sức thu hút đối với người tiêu dùng

Cho tới thời điểm này, mua bitcoins và giữ bitcoins đòi hỏi một khả năng hiểu biết về công nghệ khá cao, không phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Vấn đề chỉ là thời gian cho tới khi những giải pháp dễ dàng hơn được đưa ra thị trường.
Kết luận

Những đặc điểm về giao dịch và dự trữ rất thu hút của Bitcoin cho nó một tiềm năng phát triển to lớn, mở ra một khả năng rằng một ngày nào đó nó sẽ chiếm một phần đáng kể trong miếng bánh tài sản danh nghĩa của thế giới. Vì hiện nay Bitcoin đang chiếm một mẩu nhỏ khoảng $10 tỉ trong một cái bánh $75 ngàn tỉ, sức phát triển đó cho chúng ta thấy rằng một bitcoin có thể sẽ đáng giá hơn gấp nhiều lần giá trị hiện tại của nó:



Những khả năng phát triển của Bitcoin khiến cho đầu tư vào nó là một việc làm cực kì hấp dẫn, tuy nhiên cũng rất quan trọng để cân đo đong đếm tiềm năng này so với nhiều khả năng bất định có thể cản trở tiến trình đại trà hóa của nó. Mọi sự đầu tư vào bitcoin nên được thực hiện với cẩn trọng, với một cặp mắt sát sao theo dõi tình hình phát triển của các loại tiền tệ khác, những thách thức kĩ thuật chưa thấy được, và những vấn đề liên quan đến pháp lý, sự chấp nhận của xã hội.



Tác giả: Michael Naber
Dịch: Nguyễn Hoàng Huy

Cù Huy Hà Vũ là người thế nào?


Trần Chung Ngọc








Cù Huy Hà Vũ sẽ được phúc thẩm lại sau hơn 1 ngày nữa, và đây là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại nhân vật này 1 lần nữa qua entry dưới đây của giáo sư Trần Chung Ngọc:


Tôi đã đọc khá nhiều về Cù Huy Hà Vũ trên những diễn đàn thông tin ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Lẽ dĩ nhiên những người hành nghề chống Cộng ở hải ngoại lại có dịp hoan hô ủng hộ những lời tuyên bố của Mark Toner, của HRW, RFA, RFI, Liên hiệp Âu Châu v…v… để lên án Nhà Nước về vụ xử “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”. Tôi không thấy một tài liệu nào nói về Cù Huy Hà Vũ tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Đại học nổi tiếng của Pháp, Sorbonne, năm nào, với Luận Án như thế nào, nhưng lại không được phép hành nghề luật sư ở Việt Nam. Có thể nói là Cù Huy Hà Vũ có một đầu óc bất bình thường, nếu không muốn nói là vô trí trong vài vụ ông ta kiện lung tung và những phát biểu bậy.

Tôi không có thì giờ đi vào những thông tin về Cù Huy Hà Vũ có thể nói là đầy đủ nhất trên trang nhà http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B9_Huy_H%C3%A0_V%C5%A9. Tôi chỉ có thể điểm qua vài hành động điển hình của Cù Huy Hà Vũ, một nhân vật mà có người ở hải ngoại, Trần Khải, ca tụng một cách không thể nào lố bịch hơn:

Phiên xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ vào ngày 4-4-2011 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ có một vị trí độc đáo trong lịch sử Việt Nam. [Nhưng trước tòa chỉ có một bị cáo tên là Cù Huy Hà Vũ trước một bản cáo trạng, không làm gì có “Tiến sĩ luật”]

Cù Huy Hà Vũ là trí thức thực sự [Chúng ta sẽ xem thực sự CHHV trí thức như thế nào]

Bất kỳ ai kết án Cù Huy Hà Vũ, đều là kết án những trật tự của trí thức và pháp lý. [Những hành động ngông cuồng vô trí của CHHV là “trật tự của trí thức và pháp lý”?]

Bất kỳ một xúc phạm nào tới một người như Cù Huy Hà Vũ đều sẽ là xúc phạm tới dân tộc, tới quyền lợi của toàn dân. [CHHV là dân tộc, là quyền lợi của toàn dân, viết ngu như vậy mà cũng viết lên được]

Không trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ sẽ có nghĩa là cầm tù cả hồn thiêng sông núi. [Cù Huy Hà Vũ, một người mà trong một số hoạt động đã tự chứng tỏ là thiếu trí tuệ, như sẽ được chứng minh trong một phần sau, mà là Hồn Thiêng Sông Núi?]

Viết những lời khoa trương lố bịch và ngu đần như vậy thì có đáng để cho chúng ta phê bình không. Nhưng đó lại là phản ánh trí tuệ của một số người hành nghề chống Cộng cho thương vụ của mình.

Sau đây tôi có vài nhận xét về một số hành động và phát ngôn thuộc loại “trật tự của trí thức và pháp lý” của Cù Huy Hà Vũ. Nhưng trước hết chúng ta hãy điểm qua vài dư luận về Cù Huy Hà Vũ. Trước hết là của Hội Nhà Văn Việt Nam:

http://hoinhavanvietnam.vn/Details/ly-luan-phe-binh/ve-vu-cu-huy-ha-vu/32/0/2681.star trích đăng ý kiến của nhà văn Đông La:

Đọc những bài của Vũ trước hết tôi thấy thật lạ lùng, Vũ vừa là TS luật vừa là Thạc sỹ văn chương, tưởng viết phải rất đúng luật và chặt chẽ, nào ngờ hoàn toàn ngược lại. Trong nhiều bài viết, Vũ đã sử dụng ngôn ngữ chợ búa, phạm luật, và trước những vấn đề đại sự lại rất ấu trĩ.

http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2009/11/139859.cand

Việc một Cù Huy Hà Vũ ảo tưởng và ngông cuồng sa lưới pháp luật âu cũng là hệ quả tất yếu. Ở đâu cũng thế thôi, cố tình đi trái làn mãi, ắt sẽ gặp phải tai nạn giao thông. Chỉ có điều, đến giờ phút này, trên nhiều diễn đàn mạng thông tin điện tử, nơi vẫn được coi như một công cụ chính để Vũ thể hiện những ngông cuồng ấy, nhiều học giả, trí thức đã từng rất thiện chí mà chỉ ra những việc làm sai trái của Vũ từ lâu rồi.

Cù Huy Hà Vũ không phải là người bình thường! Bởi người bình thường thì không ai lại cố tình có hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật đến như thế.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (chuyên ngành tiếng Pháp), năm 1979, Vũ nhận công tác tại Ban Thông tin Học viện Quan hệ quốc tế. Trong thời gian 5 năm làm việc ở Học viện, Vũ liên tục được đi Pháp để tiếp tục học tiếng Pháp và học thêm các chuyên ngành quản lý nhà nước, quan hệ quốc tế, luật kinh tế.

Hơn 15 năm được ưu tiên du học nước ngoài, đủ mọi loại bằng cấp nhưng Cù Huy Hà Vũ chẳng cống hiến được gì với nơi đã tạo điều kiện cho Vũ ăn học cũng như cho xã hội. Đã thế, khi về nước vào năm 1999, Vũ không đến cơ quan làm việc, không chấp hành kỷ luật của tổ chức. Đùng một cái, đến năm 2004, Vũ trở mặt quay lại kiện cáo đòi cơ quan phải trả lương.

Có thể nói, lật giở các trang hồ sơ từ Học viện Quan hệ Quốc tế đến UBND phường Điện Biên, thông qua những người anh em họ hàng cũng như hàng xóm, khối phố của Cù Huy Hà Vũ mới thấy con người này quả là "danh bất hư truyền" về thói hung hăng, côn đồ, coi thường gia phong, coi thường luật pháp.

Tính cách thiếu đàng hoàng ấy lại thêm một lần bộc lộ ở ngay chính cái biển to chềnh ềnh trên nóc cổng số nhà 24 đường Điện Biên Phủ. Mặc dù đã nhận bào chữa cho một số vụ kiện dân sự, thậm chí có bằng Tiến sĩ Luật kinh tế của Pháp hẳn hoi, nhưng Cù Huy Hà Vũ chưa từng được pháp luật công nhận hành nghề luật sư tại Việt Nam.

Cụ thể, Đoàn Luật sư Hà Nội đã phải ra thông báo chính thức rằng Cù Huy Hà Vũ không phải là luật sư. Còn về Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ: Văn phòng này được thành lập và đăng ký hoạt động ngày 9/4/2007 do Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà (vợ Vũ) làm Trưởng Văn phòng và tên giao dịch của nó thì lại được đặt trúng tên... Cù Huy Hà Vũ!!!

Đọc những thông tin trên, tôi có cảm tưởng là Nhà Nước đã rất ưu ái và nhân nhượng với Cù Huy Hà Vũ, cho ông ta đi học thành tài, quá nhân nhượng trong những vụ bỏ sở làm, đánh người v…v… của Cù Huy Hà Vũ, có lẽ vì ông ta là con của Cù Huy Cận. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà Cù Huy Hà Vũ cứ làm tới qua những hành động cực kỳ ngông cuồng vô lý, liên hệ với nhiều tổ chức ngoại quốc, một vấn đề rất nhạy cảm đối với Việt Nam, phát biểu bừa bãi với những ngôn từ phi trí thức, nên cuối cùng Nhà Nước không thể tiếp tục nhân nhượng để ông ta tiếp tục làm càn.

Sau đây tôi sẽ đi vào vài hành động ngông cuồng vô trí của Cù Huy Hà Vũ. Thứ nhất là vụ kiện album Chat với Mozart của ca sĩ Mỹ Linh.

Theo http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B9_Huy_H%C3%A0_V%C5%A9, thì:

Năm 2006, ông kiện album Chat với Mozart của ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Dương Thụ vì cho rằng việc đặt tên và lời tiếng Việt cho các tác phẩm của các tác giả nhạc cổ điển trong album này đã "vi phạm quyền nhân thân" của họ.[12]

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Công an Nhân dân, Cù Huy Hà Vũ cho rằng, theo Luật Sở hữu trí tuệ, nhạc có hai loại: nhạc có lời và nhạc không lời. "Nhạc người ta đang không lời, mình cải biên thành có lời là không được", và nhạc của Mozart "là đỉnh cao của âm nhạc. Người ta đang ở “cao”, mình kéo xuống “bình dân” là phá hoại văn hóa." Ông cho rằng cách làm của ông nặng về luật hơn là cảm tính.[12] Ông Vũ cũng nói đùa rằng ông kiện ca sĩ trong nước vi phạm bản quyền nhạc nước ngoài là nhằm sau này "bảo vệ các nhạc sĩ trong nước nếu họ bị vi phạm bản quyền ở nước ngoài".[12]

Đây là một vụ kiện kỳ cục và vô lý nhất hành tinh. Ông Cù Huy Hà Vũ không hiểu gì về luật về bản quyền. Thứ nhất ông Vũ lấy tư cách gì để kiện, kiện cho ai? Đại diện cho Mozart (1756-1791)? Đại diện cho thân nhân của Mozart? Ông Vũ không biết rằng bản quyền không phải là vô thời hạn mà bao giờ cũng có giới hạn về thời gian. Và mỗi quốc gia đều có luật giữ bản quyền cho những tác giả văn học, nghệ thuật v…v… trong nước mình. Luật bản quyền của Mỹ bảo vệ quyền tác giả trong suốt đời sống của tác giả, cộng thêm tối đa là 70 năm cho thân nhân sau khi tác giả qua đời. Sau thời gian này, các tác phẩm văn học, nghệ thuật v..v… đều đi vào lãnh vực công cộng (public domain).

http://en.wikipedia.org/wiki/Copyright :

Những người giữ bản quyền có đặc quyền kiểm soát sự sao chép và khai thác những tác phẩm của mình trong một thời gian nhất định, sau đó tác phẩm thuộc lãnh vực công cộng (nghĩa là mọi người đều có quyền sử dụng mà không cần phải xin phép tác giả).

(Copyright owners have the exclusive statutory right to exercise control over copying and other exploitation of the works for a specific period of time, after which the work is said to enter the public domain.)

Ông Vũ có nhắc tới luật bản quyền của Berne Convention, nhưng đây là giới hạn thời gian của bản quyền:

http://en.wikipedia.org/wiki/Berne_Convention_for_the_Protection_of_Literary_and_Artistic_Works:

Hội nghị Berne tuyên bố là mọi tác phẩm ngoại trừ nhiếp ảnh và phim ảnh sẽ được giữ bản quyền ít nhất là 50 năm sau khi tác giả chết.

(The Berne Convention states that all works except photographic and cinematographic shall be copyrighted for at least 50 years after the author's death.)

Mozart chết năm 1791, tới năm 2006 là bao nhiêu năm, ông Vũ tính không ra, nhưng tôi biết làm tính trừ nên tính ra được là 215 năm. Vì sự hiểu biết quá kém về luật bản quyền cho nên ông Vũ còn cường điệu:

Chưa xuôi đâu. Sắp tới chắc chắn Cục Bản quyền và Sở VH-TT Hà Nội sẽ phải chính thức trả lời tôi. Có cơ sở pháp lý nào bênh vực được? Tôi tin tưởng việc phạt Mỹ Linh là chắc chắn. Luật Sở hữu trí tuệ ghi rất rõ: Nhạc có hai loại: có lời và không lời. Nhạc người ta đang không lời, mình cải biên thành có lời là không được.

Ấy là chưa nói tới việc nhạc không lời (trong trường hợp này là nhạc giao hưởng - NV) là đỉnh cao của âm nhạc. Người ta đang ở “cao”, mình kéo xuống “bình dân” là phá hoại văn hóa.

Tôi tự hỏi, Cục Bản quyền và sở VH-TT Hà Nội dựa vào cái gì để phạt Mỹ Linh. Từ xưa tới nay không biết là đã có bao nhiêu trường hợp đặt lời ca, nhiều khi chỉ một đoạn, cho những bản nhạc không lời nổi tiếng. Thí dụ, bài “Tristesse” của Chopin với 2 câu đầu: L’ombre s’enfuit, Adieu vos rêves… chẳng qua là đặt lời ca cho đoạn đầu của bản “Etude No. 3 en Mi” của Chopin vì đoạn giữa là đoạn rất khó để tập dương cầm, không thể nào đặt được lời ca. Ông Vũ cũng không biết là ở Việt Nam, những bản nhạc như Le Beau Danube Bleu, Les Flots du Danube, Ave Maria, Hồ-Ly Nai, Sài Lang Nai (Holy Night, Silent Night) v...v... đều có lời ca Việt Nam mà có vấn đề gì đâu. Tại sao? Vì tất cả đều ở trong “Public Domain”. Người ta thấy hay cho nên mới đặt lời chứ đâu có phải là kéo một cái gì đang “cao” (sic) xuống “bình dân” (sic).

Mặt khác, trong nghệ thuật chẳng có gì có thể gọi là đỉnh cao mà tất cả mọi người đều phải công nhận, tất cả chỉ tùy thuộc sở thích cá nhân. Tôi thích và mê vọng cổ thì đối với tôi nhạc giao hưởng của Mozart chỉ như gõ thùng thiếc bể. Một bức tranh của Picasso giá cả triệu đô, nhưng đối với tôi nó như tranh vẽ bùa, kém xa tranh mạc thủy của Tàu giá vài đô. Ông Vũ lấy cái sở thích cá nhân của mình và đi kiện củ khoai vì cho rằng ai cũng phải đồng quan điểm của mình. Đó là ý tưởng của một trí thức dỏm, đầu óc bất bình thường.

Hành động ngông cuồng vô trí thứ hai của Cù Huy Hà Vũ là “nộp đơn tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.” Các Bộ Trưởng trong Nội Các là do Tổng Thống hay Thủ Tướng tuyển chọn, có thể phải qua sự chấp thuận của Quốc hội, nếu Hiến Pháp qui định như vậy, để thi hành đường lối của chính phủ hay phải qua một cuộc bầu cử? Từ xưa tới nay các nguyên thủ quốc gia đều thảo luận trước với người mình chọn là Bộ Trưởng để xem họ có cùng một đường lối như mình không chứ đâu có tuyển chọn một tên cha căng chú kiết nào ở ngoài do người dân bầu, mà ông Vũ tự ra ứng cử vào một chức vụ chưa bao giờ có chuyện bầu bán. Ông Vũ còn tự khoe:

Tôi là người được đào tạo bài bản ở Tây, luôn luôn nghĩ tới tính hiệu quả. Không bao giờ nghĩ “không được” mà tôi lại ra ứng cử. Xét về nhiều phương diện, tôi thấy việc tôi ra ứng cử lúc ấy là chín muồi.

Được đào tạo bài bản ở Tây mà sự hiểu biết của ông Vũ lại quá kém cỏi như vậy, học luật mà chẳng biết rõ về luật, thì nói ra chỉ tổ làm cho người ta coi thường cái bài bản của ông ở Tây, và trên thực tế ông Vũ đã hạ thấp những trường đã đào tạo ra một người như ông Vũ. Bởi vì thiếu gì người đã được đào tạo bài bản ở Tây nhưng có ai lại kém hiểu biết và ngông cuồng vô trí như ông Cù Huy Hà Vũ đâu.

Ông Cù Huy Hà Vũ thường phát ngôn bừa bãi một cách thiếu suy nghĩ, có thể vì sự hiểu biết của ông rất giới hạn, mà có thể vì ông ta ngông cưồng, dựa vào vào cơ quan truyền thông ở hải ngoại và sách lược nhập cảng, áp đặt dân chủ và nhân quyền trên đất nước Việt Nam, nên phá rối chính quyền Việt Nam để gây tiếng tăm cá nhân. Ông ta phát biểu:

"Mọi người Việt Nam chỉ có một tổ quốc là Việt Nam, chủ nghĩa xã hội không phải là tổ quốc của người Việt Nam." "Tổ quốc là do tổ tiên tạo lập, còn chủ nghĩa xã hội là một học thuyết chính trị, không phải là quốc gia, và không thể là quốc gia do các vua Hùng lập ra."

Ông Vũ đã nói lên một câu rất ngớ ngẩn và thừa thãi. Có ai cho một chủ nghĩa, bất cứ là chủ nghĩa nào, là tổ quốc bao giờ đâu. Chủ nghĩa Xã Hội là một hệ thống chính trị, kinh tế nhằm phục vụ tổ quốc theo một đường hướng mà những người theo chủ nghĩa này tin rằng đường hướng đó có lợi cho tổ quốc. Ông Vũ đã dựng lên một người rơm, cho Chủ Nghĩa Xã Hội là Tổ Quốc để lên tiếng bài bác, không biết rằng luận điệu của mình ngớ ngẩn đến mức nào. Tôi thật phục sát đất cái “bài bản ở Tây” của ông Vũ.

Báo Quân đội Nhân dân viết:

"Trong nước, trước những khó khăn về tình hình kinh tế - xã hội, thiên tai hoành hành… Vũ thường lợi dụng vào đó để bịa đặt, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước, kích động và vận động nhân dân chống đối chính quyền, xúc phạm danh dự cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước... Cù Huy Hà Vũ không ngần ngại kiện bất kỳ ai, có những đơn kiện của Vũ hình như không phải để thắng kiện, mà để nổi danh…

Sau đây tôi muốn nói về vài nhận định của ông Cù Huy Hà Vũ về cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua. Ông Vũ phát ngôn:

Không có Đảng cộng sản Việt Nam thì Độc lập dân tộc và Thống nhất đất nước vẫn cứ đến với người Việt Nam như lịch sử đã minh chứng trong suốt hai nghìn năm qua... Chắc chắn, Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt,Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ không phải là Đảng cộng sản Việt Nam hay ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khi tiến hành thành công các cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược phong kiến Trung Hoa để giành Độc lập dân tộc hay để thống nhất đất nước.

Tôi nghĩ rằng đầu óc của Cù Huy Hà Vũ quả thật thuộc loại bất bình thường. Tất cả những nhân vật lịch sử của Việt Nam ông Vũ nêu trên đều thuộc những thời đại Đảng Cộng Sản chưa ra đời, vậy tất nhiên họ “không phải là Đảng Cộng Sản” (sic) hay “Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” (sic). Nhưng thử hỏi, không có Đảng Cộng sản Việt Nam thì chế độ nô lệ thực dân Pháp có cáo chung không? Trong hơn 80 năm dưới sự đô hộ của Pháp, đã có biết bao cuộc nổi dậy của những người Việt Nam yêu nước chống Pháp, nhưng có ai thành công không? Từ phong trào Cần Vương, Hoàng Hoa Thám v…v… cho đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, những người yêu nước trên đã đạt được những kết quả gì trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp? Lê Lợi, Nguyễn Huệ v…v… đâu, sao không thấy, mà chỉ thấy có Hồ Chí Minh, theo gương các tiền nhân anh hùng của Việt Nam là thành công đánh đuổi được thực dân Pháp. Độc Lập dân tộc và Thống Nhất đất nước vẫn cứ đến với người Việt Nam bằng cách nào, phải chờ bao nhiêu lâu nữa, hay nằm hút thuốc phiện há miệng chờ sung, hay chờ cho một Lê Lợi, Nguyễn Huệ khác, không phải là Cộng sản, xuất hiện? Đừng có quên là Pháp trở lại với mục đích tái lập nền đô hộ ở Việt Nam với 80% quân phí do Mỹ yểm trợ. Và cũng đừng quên là Mỹ đã đơn phương dựng lên một chế độ bù nhìn Công Giáo Ngô Đình Diệm ở Việt Nam, không chịu thi hành khoản Tổng Tuyển Cử vào năm 1956 trong Hiệp Định Geneva. Ông Cù Huy Hà Vũ có vẻ như không hiểu mấy về lịch sử cận đại Việt Nam. Ông không biết rằng cuộc chiến thắng chống ngoại xâm của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã gây nên tiếng vang trên thế giới như thế nào. Ông công nhận những cuộc chiến thắng quân Tàu ngoại xâm của Việt Nam trong những thời trước nhưng lại muốn phủ nhận công chiến thắng quân ngoại xâm Pháp rồi Mỹ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cái chuyện ngày nay chính quyền thoái hóa, xa rời lý tưởng, tham nhũng v…v… là một chuyện, còn chuyện giành được độc lập và thống nhất cho đất nước lại là một chuyện khác. Không thể dựa vào những chuyện của chính quyền ngày nay mà ông không đồng ý để mà phủ nhận những công trên của Đảng Cộng sản, dù trên con đường cứu quốc, Đảng Cộng sản đã có những biện pháp quá khích và tàn nhẫn. Nhưng nay, có một điều ông Vũ cần phải hiểu là, nếu Đảng Cộng sản vẫn như xưa thì không làm gì còn Cù Huy Hà Vũ, hay Lê Quốc Quân, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Lý v…v…

Ông Vũ còn nói:

Khi nói "giải phóng Miền Nam" thì không thể không xác định giải phóng Miền Nam khỏi ai, khỏi cái gì. Chắc chắn không phải "giải phóng Miền Nam" khỏi sự chiếm đóng của Hoa Kỳ vì ngày 30 tháng 4 năm 1975 quân đội cộng sản nhận sự đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh, đó chưa kể Hoa Kỳ đã rút hết quân khỏi Miền Nam từ năm 1973 theo Hiệp định Paris.

Nếu ông Hà Vũ không hiểu “giải phóng miền Nam” là giải phóng khỏi ai và giải phóng khỏi cái gì thì không nên đặt thành vấn đề xác định, vì ông còn thiếu một thắc mắc là “giải phóng miền Nam” để làm gì? Hoa Kỳ chưa bao giờ chiếm đóng miền Nam, chỉ dựng lên miền Nam rồi khi tình hình nguy ngập, đổ nửa triệu quân vào đánh giúp miền Nam để miền Nam khỏi rơi vào tay Cộng sản, và khi thấy không thể thắng được và không còn muốn giúp nữa thì Hoa Kỳ tháo chạy (từ của Nguyễn Tiến Hưng) hay văn vẻ lịch sự hơn là “rút lui trong danh dự”.

Thực tế là trong miền Nam còn có Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và số người dân miền Nam ủng hộ Mặt Trận này, nếu không chẳng bao giờ Cộng sản có thể thành công “giải phóng miền Nam” được. Lẽ dĩ nhiên một số người ở miền Nam, vì hoàn cảnh đất nước nên dù muốn dù không cũng thuộc miền Nam, trong đó có tôi, chẳng muốn mình được giải phóng. Nhưng không muốn là một chuyện mà chuyện thống nhất quốc gia để hợp với lòng dân, ít ra là đa số người dân, lại là một chuyện khó tránh, vì người dân không muốn cảnh Trịnh Nguyễn phân tranh trong lịch sử tái diễn. Hơn nữa, CS đã lãnh đạo người dân kháng chiến chống Pháp, tốn bao xương máu, đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ký Hiệp Định Geneva với hi vọng thống nhất đất nước qua giải pháp chính trị Tổng Tuyển Cử năm 1956, nhưng bị Mỹ dựng lên miền Nam, cường quyền thắng công lý, không thi hành điều khoản Tổng Tuyển Cử vào năm 1956 quy định trong Hiệp Định Geneva. CS có cách nào hơn để đi đến thống nhất đất nước, chẳng lẽ tốn bao xương máu để cho miền Nam trù phú ở trong tay một “chí sĩ” Công giáo nằm trong các tu viện Công giáo suốt trong thời gian toàn dân kháng chiến chống Pháp hay sao? Cho nên câu hỏi của ông Vũ chứng tỏ là ông không biết mấy về cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi cũng là người đã tháo chạy trước ngày 30/4/75 vài ngày, nhưng với lương tâm trí thức, chẳng thể nào phủ nhận diễn biến lịch sử nó là như vậy.

Vài lời kết luận

Tôi biết rằng viết ra những ý kiến cá nhân ngược dòng dư luận hải ngoại thể nào cũng lại bị chụp vài cái mũ trên đầu. Nhưng chẳng sao, vì những kẻ buôn nón cối thường không đủ khả năng để thảo luận những vấn đề tôi viết trong bài. Nếu người nào đọc bài này mà cho rằng tôi bênh vực chính quyền Việt Nam hoặc lên án Cù Huy Hà Vũ thì người đó chưa bao giờ hoạt động trong lãnh vực học thuật.

Tôi ở trong quân đội Quốc Gia cho nên năm 1954 đã di cư vào Nam. Tôi đã phục vụ trong quân lực của miền Nam tổng cộng là 8 năm rưỡi, và đã phục vụ trong ngành giáo dục Việt Nam cho đến ngày cuối. Tôi nghĩ mình ở đâu, làm đầy đủ bổn phận công dân ở đấy là đủ, không có gì phải hổ thẹn với lương tâm. Nhưng cuộc chiến Quốc - Cộng đã ngưng 36 năm trước đây rồi, cho nên trong đầu óc tôi không còn Quốc - Cộng mà chỉ còn người Việt Nam. Khi nghiên cứu về lịch sử thì chúng ta phải hiểu rõ là những sự thật lịch sử thì không có tính cách bè phái hay Quốc - Cộng. Và dù những sự thật đó có làm chúng ta đau lòng cách mấy chúng ta cũng phải chấp nhận. Đó là sự lương thiện trí thức của con người.

Viết bài này, tôi chẳng bênh vực chính quyền mà cũng chẳng lên án Cù Huy Hà Vũ mà tôi chỉ nghiên cứu sự việc qua những thông tin trên Internet, tổng hợp, phân tích và đưa ra những ý kiến dựa trên những thông tin và những sự kiện chứ không dựa trên cảm tính cá nhân. Nhưng tôi cần phải nói là tôi chống những sự can thiệp của bên ngoài, bất cứ từ đâu, vào nội bộ Việt Nam. Không phải chỉ vì tôi đã thấy rõ bản chất của chính sách đối ngoại của Mỹ, thực chất của những tổ chức như RFA, HRW, RFI v…v... Mà lý do chính là vì, như trên tôi đã nói, tôi là một công dân Mỹ gốc Việt Nam, mà đã là gốc Việt Nam thì tôi nghĩ, những vấn nạn của Việt Nam hãy để cho người Việt Nam tự giải quyết, không cần đến những sự can thiệp trịch thượng và đạo đức giả vào nội bộ Việt Nam của bất cứ ai hay thế lực nào khác.

Tôi chẳng có ác cảm gì với những cá nhân hay tổ chức chuyên can thiệp vào những chuyện nội bộ Việt Nam, vì đó là mục đích chính trị của họ. Tôi cũng chẳng có ác cảm gì với Cù Huy Hà Vũ và những người ở trong nước tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, vì đó là quyền tự do của họ. Vấn đề là ở chỗ thẩm quyền của những tổ chức bên ngoài để can thiệp vào chuyện nội bộ Việt Nam và hình thức tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền của những người trong nước. Hung hăng chửi bậy trong tòa như Nguyễn Văn Lý thì không phải là tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Thắp nến cầu nguyện với búa, kìm và xà beng ở Tòa Khâm Sứ thì không phải là hình thức tranh đấu hợp pháp. Tuyên ngôn Phục linh không phải là quyền tự do ngôn luận. Những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở trong nước mà dựa thế nước ngoài là tranh đấu một cách rất vụng về. Phải nhờ đến người ngoài là phương thức tranh đấu không có hiệu quả, vì chính quyền Việt Nam và đa số người dân Việt Nam, theo truyền thống lịch sử, rất nhạy cảm đối với sự can thiệp của nước ngoài. Nhìn lại lịch sử, chúng ta có bao giờ nghĩ rằng các cường quốc Tây phương thực tâm vì nhân quyền mà ủng hộ sự tranh đấu cho nhân quyền của chúng ta hay không? Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta thôi, không tranh đấu cho nhân quyền nữa. Nhưng vấn đề là làm sao tạo được uy tín, được sự ủng hộ của người dân mà không có bóng dáng của bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào ở ngoài, chỉ như vậy mới có thể đi đến thành công.

Dựa vào thế lực ngoại quốc để tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam, hoặc liên hệ truyền thông với những tổ chức ở nước ngoài mà mọi người đều biết là không có thiện cảm với chính quyền Việt Nam, tôi cho là những hình thức tranh đấu không có mấy hiệu quả, hơn nữa có thể gây nên những phản tác dụng đối với chính quyền Việt Nam hiện thời, một chính quyền rất nhạy cảm trước mọi hành động có tính cách xen vào nội bộ Việt Nam. Kết quả những công cuộc vận động ngoại quốc để làm áp lực đối với chính quyền Việt Nam sẽ không mang lại kết quả khả quan nào, vì những người Việt yêu nước, bất kể là chính kiến khác nhau như thế nào, đều không thể ủng hộ đường lối nhờ sự can thiệp của người ngoại quốc vào những chuyện bất đồng ý kiến giữa người Việt với nhau.

Nhìn vào quá khứ, chúng ta thấy đã có biết bao nghị quyết nọ kia, kể cả nghị quyết của Liên Hiệp Âu Châu, và cả danh sách CPC, dự luật về nhân quyền cho Việt Nam (sic) của Hạ Viện Mỹ, nhưng kết quả là bao nhiêu, chính quyền VN lùi một bước tiến hai bước và cứ làm theo ý. Tại sao? Vì chính quyền VN thừa biết rằng tất cả chỉ là những tài liệu chính trị chống Việt Nam và cũng thừa biết chiêu bài nhân quyền của các cường quốc Âu Mỹ là đạo đức giả, có tính cách lưỡng chuẩn (double standard), thường để che đậy những mưu đồ chính trị sau bức bình phong nhân quyền. Những cuộc vận động ngoại nhân để làm áp lực đối với chính quyền Việt Nam mà không nghĩ tới những hậu quả nghiêm trọng có thể xâm phạm đến trật tự, an ninh và chủ quyền quốc gia, là những bước đi chính trị vụng về, thiếu trí tuệ, không nghĩ đến truyền thống yêu nước của người Việt Nam.

Ông Hà Vũ tuyên bố: "Đa đảng là con đường duy nhất để thực hiện một nước Việt Nam thực sự dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ, giàu mạnh, công bằng và văn minh". Đây là một câu nói vu vơ, ai nói cũng được. Là một trí thức đã được đào tạo bài bản ở Tây, ông Vũ phải chỉ ra một con đường là Việt Nam sẽ đi đến đa đảng và dân chủ như thế nào, đa đảng là bao nhiêu đảng, điều kiện để lập đảng là như thế nào, thế nào mới có thể gọi là một đảng, cá nhân nào, tổ chức nào có quyền lập đảng và trong bao lâu hay ngay lập tức với những luận cứ chặt chẽ về tình trạng xã hội hiện nay, về hình thức dân chủ, về giới hạn của nhân quyền, về giới hạn của tự do ngôn luận, về tinh thần trách nhiệm của người dân trước luật pháp, về trình độ dân trí, có ngoại quốc nhúng tay vào không v…v... Ai cũng biết tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, đa đảng, dân chủ là tốt nhưng vấn đề là tự do tới mức nào, đa đảng như thế nào, và hình thức dân chủ ra sao. Không thể đi tới dân chủ mà không có sửa soạn. Làm sao để người dân thấm nhuần được ý thức một nền dân chủ riêng cho Việt Nam, trách nhiệm người dân trong thể chế dân chủ, bổn phận người dân góp sức cho dân chủ v...v… Tất cả đều phải đi qua một quá trình giáo dục cần thời gian, và tất cả đều phải rõ ràng trong giai đoạn sửa soạn tiến tới dân chủ và đa đảng để tránh những hành động vô cương vô pháp gây hỗn loạn trong xã hội, cảnh lạm dụng tự do ngôn luận, cảnh lạm dụng quyền tự do tôn giáo, hoặc cảnh “lắm thầy thối ma”. Đa đảng và dân chủ, hay lắm! Nhưng không đơn giản như chỉ cần tuyên bố đa đảng là con đường duy nhất để thực hiện một nước Việt Nam thực sự dân chủ. Mặt khác, trên thế giới ngày nay tôi đố ông Vũ tìm đâu ra một quốc gia thực sự dân chủ.

Tôi rất đồng cảm với quan niệm của Lê Dọn Bàn trong bài “Dân Chủ Và Đạo KiTô Ở Việt Nam” http://sachhiem.net/THOISU_CT/ChuL/LeDB00.php:

Dân chủ là thành quả của những vận động lâu dài vốn và phải có sự tham dự của toàn bộ dân chúng trong một quốc gia, và từ cả hai bộ phận cầm quyền và không cầm quyền - dĩ nhiên là không thể nhập cảng, không đến từ bất cứ áp lực nào bên ngoài, và nếu có gây dựng ở trong, càng không thể đến từ những niềm tin tôn giáo. Dân chủ là hoa nở từ trí tuệ - hay thu hẹp hơn – ý thức chính trị xã hội - của dân chúng được phát triển – khi dân chúng thực sự đạt đến một trình độ ý thức trưởng thành, tự mình thấm nhuần được những quan niệm xã hội và chính trị sáng suốt, thuận tình hợp lý với cộng đồng của mình. Thêm nữa, không phải chỉ vài dăm bông hoa, nhưng cả một mùa hoa, và cũng phải hết sức chăm sóc để sẽ nở mãi, qua năm tháng. Trong tình trạng VN, dân chủ phải đi đôi với dân trí, và có lẽ điều này làm chúng ta nhớ kinh nghiệm của Phan Chu Trinh, một người rất sáng suốt và có lý tưởng, cùng can đảm, đã đi trước thời đại của ông.

Cũng như quan niệm của Nguyễn Tâm Bảo trên Đàn Chim Việt:

Việc DÂN CHỦ HOÁ phải là việc của người dân TRONG NƯỚC, xuất phát từ nhu cầu của chính họ, do chính họ đảm nhận trọng trách, do chính họ tiến hành, chứ không cần bất cứ sự trợ lực nào từ bên ngoài.

Ông Cù Huy Hà Vũ cũng có vài hành động tốt, thí dụ như kiện Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên - Huế về quyết định cấp phép đầu tư xây dựng dự án khách sạn Life Resort trên đồi Vọng Cảnh. Nhưng phần lớn là ông đi kiện lung tung mà không suy nghĩ, thí dụ như vụ kiện album Chat của Mỹ Linh, vụ kiện Vũ Hải Triều mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào có tính cách thuyết phục và không biết phân biệt những blog nào đứng đắn, những blog nào chuyên xuyên tạc và nói xấu Việt Nam. Mặt khác những lời ông phê bình, bằng loại ngôn từ không thích hợp với một trí thức đã được đào tạo bài bản ở Tây, các viên chức nhà nước như Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng, mà thực ra chỉ là những ý kiến cá nhân và trên thực tế là vô giá trị vì không phải ai cũng đồng ý với ông như vậy. [http://hoinhavanvietnam.vn/Details/ly-luan-phe-binh/ve-vu-cu-huy-ha-vu/32/0/2681.star]

Vụ kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là một điểm son cho Cù Huy Hà Vũ, một hành động can đảm và đúng vì đã có nhiều nghiên cứu về sự nguy hại trên môi trường của chất thải bùn đỏ trong quá trình tinh luyện Bauxite, và vùng Tây Nguyên là vùng chiến lược quân sự liên hệ đến sự bảo vệ lãnh thổ. Nhưng mặt khác, Việt Nam có mỏ bauxite lớn thứ ba trên thế giới, và đó là một nguồn tài nguyên khổng lồ của nước nhà vì quặng bauxite sẽ đưa đến sự chế tạo ra nhôm (aluminum), một kim loại sử dụng rất nhiều trong nhiều ngành kỹ nghệ. Ngoài Trung Quốc, cả Mỹ, Nga và Úc cũng muốn thiết lập các nhà máy tinh luyện Bauxite ở Việt Nam. Nếu không khai thác thì cả cái khối tài nguyên đó trở thành vô dụng. Vậy vấn đề không phải là không khai thác Bauxite mà là kỹ thuật khai thác sạch, và ai phụ trách khai thác. Việt Nam đã vội vã cho Trung Quốc khai thác, trong khi có thể gửi người đi học, nghiên cứu kỹ vấn đề để người Việt Nam tự khai thác và đủ kinh nghiệm để kiểm soát việc xử lý chất bùn đỏ. Và nếu Việt Nam không có những quy định kiểm soát rõ ràng trong hợp đồng khai thác, và không có khả năng kiểm soát phương pháp khai thác, biện pháp xử lý an toàn bùn đỏ, thì rất có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả tác hại không thể lường được.

Nếu ông Cù Huy Hà Vũ chỉ có những hành động như kiện UBND Tỉnh Thừa Thiên – Huế hay kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ Bauxite thì tôi chắc ai cũng ủng hộ vì đó là những hành động xây dựng, bảo vệ văn hóa, môi trường của Việt Nam. Nhưng ông ta lại đi kiện lung tung và lang bang vào những chuyện không rõ ràng như đòi dân chủ, đa nguyên đa đảng mà không đưa ra một mô thức nào cho dân chủ, đa nguyên đa đảng thích hợp với hoàn cảnh chính trị Việt Nam ngày nay, và mặt khác những chuyện làm lung tung của ông chứng tỏ trình độ hiểu biết của ông còn thiếu sót nhiều cho nên đã có phản tác dụng, làm loãng đi giá trị của những việc làm đáng khen của ông. Thật là đáng tiếc.

Trần Chung Ngọc
Grayslake, Illinois
Ngày 26 tháng Tư 2011