Nguyễn Viện ♦
(1) Hiện số mệnh truyện ngắn trong giới văn học Việt trong và ngoài nước?
Số mệnh truyện ngắn của Việt Nam theo tôi, giống như số phận của một dân tộc nhược tiểu. Ngôn ngữ của nó trên mặt bằng thế giới, giống như ngôn ngữ của người thiểu số. Nếu như văn chương Việt Nam được dịch và giới thiệu một cách tử tế hơn (phi mậu dịch quốc doanh) qua những ngôn ngữ phổ biến như Anh, Pháp… thì tôi tin rằng văn chương Việt Nam sẽ có một vị thế khác hơn hiện nay.
Có không ít tác giả nước ngoài được in ở Việt Nam mà chất lượng tôi cho rằng cũng giống như người ta nhập khẩu rác trong kinh tế.
(2) Truyện ngắn có được giới độc giả Việt đánh giá cao hơn truyện dài không? Tại sao?
Độc giả thông thường vẫn đánh giá truyện dài cao hơn truyện ngắn, có lẽ một phần vì truyện dài đòi hỏi tính chuyên nghiệp hơn, công phu hơn. Trong khi truyện ngắn thường chỉ là một cảm xúc sự kiện (đôi khi là một từ), một ý nghĩ… cần bày tỏ ngay. Tất nhiên, giá trị tác phẩm hay nhà văn không ở chỗ anh ta viết dài hay ngắn.
(3) Yếu tố nào là yếu tố chung của các nhà văn viết truyện ngắn đã tạo ra sự chú ý từ độc giả? Ngoài ra, yếu tố nào là đã tạo cho họ vị trí cá biệt trên văn đàn? Những yếu tố này có phải cũng là những yếu tố định nghĩa cho sự sinh tồn của truyện ngắn?
Cái bầu khí văn chương hay cái không khí của truyện và giọng văn của tác giả thường được độc giả chú ý. Nguyễn Ngọc Tư với chất miệt vườn Nam bộ, Nguyễn Huy Thiệp với đặc trưng của phong cách hút thuốc lào uống trà rất Bắc bộ, Phạm Thị Hoài với kiểu nanh nọc mà sang trọng của gái Bắc kiêu kỳ, hay Bùi Hoằng Vị sống và viết vừa như “kẻ sĩ” ẩn mình vừa đểu cáng công nhiên… là những ví dụ của bản sắc cá nhân. Nhưng điều quan trọng nhất cho sự sinh tồn của truyện ngắn lại dường như ở chỗ, anh cho người ta cái gì để nhớ sau khi gấp cuốn sách lại. Một thứ ngôn ngữ không thể tìm ở đâu khác. Một cách kể chuyện không lẫn lộn.
(4) Có cần nên có ranh giới giữa truyện ngắn và truyện dài? “Ngắn” và “dài” nên là bao nhiêu trang? Một truyện ngắn có thể mô tả một thời gian dài tương đương như truyện dài (10, 20, 50 năm), hay phải ngắn hơn? Trong bối cảnh văn học Việt Nam, đã có nhà văn nào “phá giới” giữa quy luật truyện ngắn và truyện dài chưa? Tại sao chúng ta chưa chịu phá giới thường xuyên hơn?
Mọi ranh giới đều không có thật (có vô số thí dụ để khẳng định điều này). Có lẽ vì thế chính tôi đã từng gọi những tập truyện ngắn của mình là tiểu thuyết. Tất nhiên cũng có lý do của nó. Một cách viết. Một bối cảnh. Đôi khi là một giai đoạn mà nó có những yếu tố chung. Một tiểu thuyết với những module khác nhau. Một kiểu chơi xếp hình.
Nếu ranh giới (độ dài, số chữ, số trang) để phân biệt giữa truyện ngắn và truyện dài là không thật thì làm thế nào để xác định một truyện ngắn hay truyện dài? Theo tôi, sự phân biệt đó không nên dựa vào dung lượng của số chữ, mà cần định lượng bằng cái không gian/ thời gian của truyện. Vì thế, có thể gọi một tác phẩm là một tiểu-thuyết-ngắn, tiểu-thuyết-mini, truyện-dài-không-dài, hay một truyện-ngắn-ngoại-cỡ, truyện-ngắn-không-ngắn, truyện-cực-ngắn, truyện-nóng, truyện-cực-ngắn-liên-hoàn (tôi đã phổ biến một số trên Tiền Vệ và Blog Phạm Thị Hoài –procontra.asia) … bên cạnh các truyện ngắn hay truyện dài, truyện vừa như chúng ta quan niệm hiện nay. Từ cách gọi này có thể gợi mở ra những cách viết khác, bố cục khác, ý niệm khác. Nén. Đóng gói. Bung hàng. Xổ hàng…
Cách gọi một tác phẩm ngắn hay dài có thể mang đến một định nghĩa khác cho truyện dài/truyện ngắn. Một định nghĩa khác là một sáng tạo khác.
(5) Yếu tố địa lý – vùng Ontario ở miền Trung của Canada – là bối cảnh chính trong nhiều truyện ngắn của Alice Munro. Yếu tố không gian/địa lý có quan trọng trong truyện ngắnViệt Nam hay không? Tại sao (không hay có)?
Tôi cho rằng yếu tố không gian/ địa lý (tất nhiên sẽ kèm theo yếu tố lịch sử và văn hóa) có những ảnh hưởng nhất định lên những sáng tác của nhà văn, cho dù anh ta viết hoàn toàn hư cấu. Trường hợp Nguyễn Ngọc Tư hay Nguyễn Huy Thiệp là rõ nhất. Ngay cả khi anh thoát ra khỏi thực tại, cái bối cảnh sống của anh cũng vẫn là một yếu tố tạo nên tính cách. Nó giải thích thái độ và hành động viết văn của anh. Thậm chí góp phần vào sự thành bại của tác phẩm của anh. Đặc biệt khi anh sống ở một nơi mà sức ép của nó không thể trốn chạy.
Có một ngoại lệ có thể đẩy quan điểm của tôi về bối cảnh sống hay địa lý vùng miền xuống loại cổ điển. Đó là trường hợp của Vũ Lập Nhật trong văn xuôi (và Lưu MêLan trong thơ). Phi chính trị (theo một nghĩa tương đối), thoát khỏi mọi hệ lụy của các vấn đề thời sự nơi họ đang sống. Tác phẩm của họ lại là một thứ địa lý khác, thời của toàn cầu hóa, của một sản phẩm đô thị đích thực (đối chiếu với các loại nhà quê lên tỉnh). Một mê cung mà không hẳn cuối đường của nó là một kho báu. Sự hấp dẫn và vẻ đẹp của nó nằm ngay trên lối đi và những ngõ ngách đưa người ta bước vào. Tôi cũng coi đây là một niềm hy vọng cho những khả thể của văn chương Việt Nam. Văn chương bẩm sinh, tự nó gieo trồng và lớn lên. Một thứ văn chương không cần mượn đến trải nghiệm cuộc sống bên ngoài để làm tuyên giáo cho mọi kiểu cách khác nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét