Tuệ An
Người ta nam nhi đại trượng phu sống không thay tên, chết không đổi họ. Còn tôi thì thay đổi tất. Càng không ai biết gốc gác mình càng tốt. Trai giống mẹ thì khổ ba đời. Có sao đâu. Ba đời hay ba vạn đời cũng chẳng sao. Miễn là tôi đừng giống ông ấy, bố tôi, một chút gì.
Cái nòi nhà ấy tệ bạc.
Quê nội tôi ở xa tít tắp. Một miền đất gần giáp Lào. Nơi đó còn có núi đồi, hang động, nhưng không nhiều cây. Tôi ít về thăm. Lúc còn phải sống phụ thuộc vào ông bố, một năm tôi về một buổi, theo kiểu nghĩa vụ, ăn một bữa cơm trước giao thừa rồi về lại thành phố. Giờ thì tôi chẳng nhớ gì nhiều, nhưng còn đọng cái tên núi – Bạc Trôốc. Trôốc – tiếng địa phương, có nghĩa là đầu. Người già đầu bạc thì đẹp, như bụt. Còn núi non mà đầu bạc thì vì đất đai, khí hậu nghiệt quá, chẳng cây gì mọc lên nổi, chẳng con gì sống nổi. Ở nơi ấy, từ phần thân núi cho lên đến ngọn, nhìn lên chỉ thấy trảng trắng. Thế mà thành tên.
Nhà bà nội tôi nghèo rớt. Nhưng ở cái thời buổi cả nước khốn khó, bố tôi lại được ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp Bách Khoa, rồi du học. Ông du học chán chê rồi về nước làm cho Bộ G. Những cái ưu đãi đó là nhờ cái chết trận mạc của ông nội tôi. Đời cha hi sinh cho đất nước thì đời con được đất nước lo là vậy. Nhưng học hành đến nơi đến chốn, mà tính cách bố tôi cực kì bản năng và vô lối. Thì vì khi ông nội tôi mất đi, bà tôi lấy chồng hai, đời bố tôi mặc kệ. Bị mẹ chửi thì chạy về chú, bị chú chửi thì chạy về mẹ. Một đứa trẻ có nhiều chỗ để chạy đi vốn dĩ đã khó uốn nắn, nữa là ở một cái nơi chẳng ai thèm uốn nắn. Thế nên bố tôi chạy lung tung. Tưởng ông ngồi ở Bộ là ngon rồi. Lúc này ông cũng đã lấy mẹ tôi, đã sinh ra tôi. Hai người đều làm những bộ phận lớn của một nơi lớn. Nào ngờ ông nghĩ phi thương bất phú, làm nghiên cứu thì được tiếng chứ sao được miếng. Ông bỏ khỏi ngành, quyết đi buôn. Đi đường chính không thích, thích đi đường rừng. Làm ăn lớn, được lớn. Đến khi phá sản thì mất cực lớn. Thiệt hại nặng nề cả nước người. Vụ thiệt hại bị xem xét, truy ra cái xuất xứ bố tôi sang đó không đi đường chính. Vậy là ngồi tù, hai cái tội, tù kinh tế và dân tị nạn.
Ra tù, bố tôi bị trục xuất về nước. Đất nước thời kì đổi mới đi lên. Tinh thần ai cũng phải trong sạch vững mạnh. Ai cũng phải tin người yêu người. Quyết không để con sâu làm rầu nồi canh. Bởi thế, đời bố tôi khốn đốn. Trình độ ấy, thông sõi mấy thứ tiếng, từng quản trị mấy tập đoàn ở nước lớn. Mà về nước không thể được nhận vào làm việc, kể cả là bảo vệ cho một cơ quan nhỏ. Ai cũng sợ điều tiếng. Ấy cái thằng ấy, vừa đi tù về, vừa là dân tị nạn. Không tin được.
Tri thức là sức mạnh, vậy mà không bóc ra kiếm miếng ăn được. Thôi đành. Cùng lúc, mẹ tôi thuộc thành phần bị giảm biên chế. Vậy là cả hai người đều vứt tri thức sang một bên, làm lao động chân tay, thành nông dân giữa lòng thành phố.
Nếu an phận thì chẳng sao. Nhưng tư tưởng như sóng dồi mà bị nèn ép, khiến bố tôi thành bất mãn. Ông lấy cái tức chính quyền mà trút lên vợ con. Thế nên tôi cực lì đòn. Sau này ra đời, tôi không đánh nhau thì thôi, còn đã đánh thì có sặc máu đi nữa tôi cũng không thấy đau. Cứ như con trâu say vật mà nhào vào ăn thua đủ. Bọn bụi đời mấy chợ thấy ngán, đơn giản vì ngán vào tù. Chết tôi, tôi không tiếc thân mình, còn tụi nó tiếc đời. Sống vất vưởng bữa no bữa đói ngoài đời vẫn thú hơn là sống ăn ngủ đúng giờ trong tù mà.
Ông ngoại tôi xót cháu. Bảo bố tôi: “Anh không nuôi được thì để tôi nuôi.” Bố tôi chẳng nói gì. Tôi vui sướng với điều ấy. Lên ông bà ở, tuy có hơi buồn, tôi ít được đánh lộn. Khu nhà ông bà tôi toàn cán bộ về hưu, còn khu vực nhà tôi là khu chợ. Tôi đi học, rồi về nhà, đúng giờ. Ông bà còn đi làm. Cái nhà ông bà từ ngoài nhìn vào thì hơi lớn. Đất giữa lòng thành phố mà những ba trăm mét vuông. Thật là cả một gia tài. Nhà hai lầu, chỉ có ba người, người nào cũng lười nói. Buồn te.
Người nhà bên nội tôi vừa nghèo, vừa dốt. Ấy thế mà rất thích trịch thượng, phán xét. Có lần lão Tuyên bảo tôi: “Không có bố mày đi nước ngoài thì mẹ con mày đi ăn mày.” Tôi nhìn lừ lừ: “Đù… không có thì mẹ con tôi cũng chẳng chết.” Đi về tôi không chào. Lão Tuyên mách lại. Bố tôi cho tôi một trận tàn đến nỗi không nhìn ra người. Ai bảo mày dám “đù” ông bác trưởng tộc nội mày chứ! Có khác gì mày chửi bố mày, bà mày.
Lâu lâu lại có bà con họ nội từ miền quê xuống ở nhờ. Có khi họ xuống vì công việc, có khi họ chẳng làm gì cả, rảnh quá, không trúng ngày mùa nên xuống chơi cho biết thành phố thế nào. Họ rất buồn cười. Thấy cái gì hay cũng táy máy, ra ý xin. Xin thì tất nhiên phải cho. Người thành phố được mặc định là giàu có, rộng rãi, phải biết chia sẻ với người nông thôn. Người dưng đã phải biết sẻ chia cho nhau, nữa là người thân thích máu mủ ruột rà. Tính mẹ tôi lại hay mủi lòng, hay lý tưởng hóa cái sống tốt. Tôi không thể có được cái tính lưu giữ hay sưu tập cái gì cũng bởi thế. Có muốn giữ cũng không được. Lâu lâu bọn anh chị em họ trên quê xuống, tham quan thành phố và tham quan cả mọi ngóc ngách trong nhà, kể cả phòng riêng. Thấy cái gì hay lại gợi ý. Thấy hay hay chứ chưa chắc đã hiểu nó hay chỗ nào. Thế mới bi kịch. Ví như mấy con figure tôi dùng làm mô hình vẽ chẳng hạn. Một con giá hơn triệu bạc. Con Đào xuống chơi. Mặt nó già chát, biết là bà con nhưng bà con ra sao thì tôi chịu. Nó gọi tôi là chú. Ừ thì chú. Chú có búp bê đẹp thế. Ừ. Cho cháu nhé. Điên à, đồ nghề của tao. Tôi gắt. Nó bỏ ra khỏi phòng. Một chốc, mẹ tôi lên bảo, sao con ích kỉ thế, cháu nó ở quê khổ lắm đấy, mình phải biết chia sẻ. Tôi thanh minh, nó lấy cái này làm gì, đồ vẽ của con cơ mà. Mẹ tôi bảo thì cứ cho nó, có khi nó cũng mê vẽ như con, rồi vài hôm mẹ đưa tiền cho đi mua cái khác. Tôi thở dài, không muốn cho cũng phải cho. Buổi tối thấy nó ngồi nơi góc cầu thang với mớ vải vóc, chỉ khâu, quấn quấn thành váy áo cho “con búp bê”. Điên cả ruột. Nhưng đành chịu. Thứ giá trị rơi vào tay bọn không hiểu giá trị thì cũng chẳng có giá trị.
Lão Tuyên lâu lâu xuống thăm, ăn nhờ ở chực dài ngày. Rồi lão bảo bố tôi, chú kiếm cho anh cái bơm, cái chậu thau, thế là có ngay nghề bơm vá xe. Một nghề hẳn hoi ở thành phố. Dù suốt ngày phơi mặt ngoài đường còn hơn bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Rõ là ở nhờ nhà tôi, nhưng lão hình như chưa bao giờ ý thức mình là kẻ nhờ vả. Bố tôi giờ sửa điện dân dụng, và ai gọi bốc vác gì thì làm. Mẹ tôi bóc lạc thuê cho xưởng làm kẹo gần nhà, toét cả bàn tay một thời chỉ viết lách. Đi làm suốt ngày ngồi hít bụi lạc, về nhà bà còn gặp ông anh chồng hay hoạnh họe. Chị đúng là con gái thành phố, chả biết làm cái mẹ gì cả. Gái quê mới là gái đảm. Cơm canh nấu thế này à, bố mẹ chị không biết dạy. Bữa thì lão Tuyên kêu nhạt, bữa kêu mặn, bữa thì cằn nhằn vì thiếu ớt thì sao và nổi miếng cơm. Chê thế thôi chứ thiếu thừa gì lão cũng quất hết mấy bát. Bữa nào cũng thế, lại còn cả rượu nữa, mà tuyệt nhiên chưa góp một đồng nào để chi chung.
Có bữa lão Tuyên nói với bố tôi, chú xem lại vợ chú đi, tôi ngồi đây bơm vá, nghe mọi người nói mới biết. Chú đi biền biệt nước ngoài bao năm. Đàn bà như thế mà không cần trai mới lạ. Bố tôi chẳng nói gì. Lão tiếp, công ty cũ của cô ấy lại toàn đàn ông. Từ sếp đến lính đều quý cô ấy thế cơ. Ừ, quý thế cơ. Lão Tuyên nhấn nhá, rồi bỏ đi.
Những ngày sau bố tôi cũng chẳng nói gì đả động đến mẹ tôi.
Nhưng chỉ vì một chuyện cỏn con là ông kêu tôi trên lầu xuống, tôi đang dở tay vẽ, chóc cổ xuống đáp: “Gì hả bố?” Ông bảo tôi mất dạy, mẹ mày dạy con thế à. Bố gọi thì phải xuống, phải vâng phải dạ chứ. Tao là bạn cùng lứa với mày đấy à? Nói vậy rồi chưa đã, khi tôi xuống, ông chọi ngay cái dép vào mặt tôi. Rồi ông túm tóc, bạt tai tới tấp. Ông đánh con như trả thù đời. Mắt vằn vện tia đỏ. Khi mẹ tôi về nhà thì thấy tôi nằm dẹo hẳn vào tường bếp. Mắt khô, không ướt. Nhưng mặt dại đi và đái ra quần. Quả là một trận đáng nhớ! Và nhớ nhất là màn tiếp sau. Hình như ông thấy việc đánh tôi chẳng ích gì. Có lẽ dây thần kinh đau đớn vì các tác động cơ học của tôi có vấn đề rồi. Ông chuyển sang chiêu hành hạ tâm lý. Ông lên phòng tôi. Rưới xăng và đốt hết tranh, giá, … Đốt hết tất tần tật.
Hồi ấy tôi mười tám, đang ti toe tán gái, nên tranh vẽ gái đủ các thể loại rất nhiều. Gái hồi ấy chắc cũng chả có gì. Mẫu chuẩn của gà công nghiệp được nuôi trong lòng thành phố. Thế mà sau này, cả vài chục năm sau nữa, tôi vẫn thấy mình run lên vì nhớ gái ấy. Cảm giác như bọn đàn bà con gái sau này chả ai vượt qua được cái bóng yêu đầu. Nói thế chứ lỡ xui đời mà tình đầu không vỡ, đi đến cùng có khi lại thành chém giết nhau, lại đem nhau ra chửi không bằng con chó. Vì vỡ, vì thời gian cứ qua, cái nhớ nhớ quên quên nó thành ảo, và đẹp.
Tranh vẽ gái cháy hết cả. Lỡ hứa hẹn đem tặng gái vào đầu tuần. Gái bảo sao anh bất tín thế, anh thất hứa với em, anh không coi trọng em. Gái khóc. Tôi không biết dỗ. Vài ba chục bận tôi thất hứa (toàn là sự cố gì đấy do ông bố gây chuyện!) thì gái bảo tôi, mình chia tay nhau đi. Em mệt mỏi với anh lắm rồi. Gái đến ngay với thằng khác. Sau này đời gái còn đến với nhiều thằng khác nữa. Kết rồi lấy một thằng chồng đại gia, từ trước đến sau chưa thấy cái đám cưới nào ở thành phố lớn bằng đám cưới của gái. Vợ chồng gái cưới nhau được một năm, có lần gái gặp tôi ở một triển lãm tranh. Gái khóc, bảo trời phạt em, hồi đấy em cư xử với anh không ra gì, giờ chồng em cư xử với em không ra gì. Tôi thấy lòng xon xót. Có hai em chân rất dài mặc váy siêu ngắn và mỏng đi qua, tôi liếc theo, lòng ngơ ngẩn, giá em ấy chịu làm mẫu nude cho tôi vẽ thì tốt. Gái đứng trước mặt cúi khóc. Tôi đưa tay vén tóc gái, ôm cái bầu mặt gái, rồi cứ thế mà hôn. Dù sao cũng là tình cũ. Tôi bảo em đừng nghĩ ngợi nhiều, cái gì qua rồi cho qua đi, coi là kỉ niệm. Gái hỏi anh quay lại với em được không? Tôi mỉm cười, lắc đầu. Lòng thầm nghĩ, mẹ cái con điên, bố mày không ngu mà rước tai họa từ chồng mày. Nhưng đêm đó tôi có ngủ với gái, lòng tiếc nuối sao ngày xưa mình ngây thơ thế, bao nhiêu lần ngồi riêng với gái ở nơi chả có ai, thế mà đến giờ mới biết mùi gái thì ngàn vàng vào tay thằng khác rồi. Không còn yêu nên cũng chẳng việc gì phải nói lời cay cú. Vui cả hai. Nhưng như gái đề nghị, hay tưởng tượng quay lại cái tình yêu như thời huê mộng xưa thì quên đi.
Lại trở về với đám cháy tranh. Sau vụ đó tôi thể hiện rõ sự chống đối, không chỉ với ông bố mà với bất cứ ai bên dòng họ nội. Càng ngày tôi càng ghét lão Tuyên.
Bà nội tôi, nhà ở chân núi Bạc Trôốc, già lắm, tôi không nhớ chính xác tuổi bà. Bà có hai người con với người chồng đầu, là lão Tuyên với bố tôi. Ông nội tôi chết trận. Bà lấy chồng thứ hai, tôi không nhớ hết tên các cô chú con bà với ông thứ hai này. Con cái của mấy người ấy tôi lại càng không thể nhớ tên.
Cũng có lúc tôi đã thử về miền quê sống vài hôm, xem đời sống nông thôn nó như thế nào. Cả ngày thấy từ người lớn đến trẻ con chỉ nghĩ đến ăn uống, xem ti vi, ngồi lê đôi mách,… Thế là hết ngày. Mà ngày nào cũng như thế. Đúng ba ngày, tôi dạt khỏi nơi đó, về lại thành phố. Mẹ tôi hỏi, con thấy vui không? Tôi bảo bình thường. Mẹ tôi bảo, khí hậu miền núi sẽ tốt cho sức khỏe con đấy, về sống ở nông thôn con sẽ học được nhiều bài học lao động. Mẹ tôi còn nói gì gì nữa, tôi ngồi đó mà không để tâm nghe. Tối, tôi chạy sang nhà ông bà ngoại. Bà ngoại dọn cơm, tôi khều khều đũa trong bát. Tôi cảm giác chán ăn. Dù bà ngoại tôi nấu ăn rất ngon. Bà ngoại tôi bảo, đừng bỏ uổng cơm con ạ, một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi. Tôi phá lên cười. Tôi thường giấu những gì mình nghĩ với tất cả mọi người, nhưng với ông bà ngoại của tôi thì không. Tôi bảo bà ngoại, mấy hôm về nông thôn, thấy họ chỉ ăn uống và xem ti vi. Họ rảnh lắm. Đâu phải ngày nào cũng đi làm điên cả đầu như người ở thành phố. Lười lao động như thế, hỏi sao họ không nghèo! Bà tôi nhíu mày suy nghĩ, không hiểu sao tôi lại có thể chứng kiến những cái đó. Nông dân là những người yêu lao động nhất cơ mà. Bà tôi vốn rất tỉnh, nên nghĩ ra liền. À, hóa ra con về vào lúc không phải mùa vụ. Và lại, họ thiếu cơ hội lao động, thiếu nghề, thiếu cần câu để làm giàu, con ạ. Tôi vễu môi, xì, họ lười lao động. Rõ ràng là họ lười lao động, còn nếu có ý thức chăm chỉ từ bé thì họ đã biết tự rèn mình và tự tìm lấy công việc để làm. Bà tôi cười, bảo thôi kệ họ, con lên phòng trên học đi. Bà ngoại tôi rất yêu tôi. Bà say mê những cái tôi làm, như những bức tượng khắc, phù điêu, những bức tranh. Bà là người hâm mộ đúng nghĩa đầu tiên trong đời làm nghệ thuật của tôi.
Lão Tuyên sống ở nhà tôi chán chê, chưa có ý tách riêng, cũng không có ý về quê. Rồi lại đến bà nội xuống ở cùng, mẹ ở với con trai là hiển nhiên thôi. Bố tôi vui vì điều đó. Những ngày có bà nội, bố tôi tử tế hơn hẳn. Bà nội ít xét nét mẹ tôi như lão Tuyên, hoặc có xét nét thì tôi cũng không biết. Vì tôi hay lánh mặt bà. Tôi đang ngồi xem ti vi ngoài phòng khách, bà ra thì tôi bỏ lên lầu trên. Bà lên trên thì tôi bỏ xuống dưới nhà, rồi biến ra khỏi nhà, sang bên ngoại ở. Có lần bà vào phòng vẽ của tôi, phòng toàn nặc mùi sơn dầu với mùi chua bẩn của tôi. Bà nội vào ngồi hít hít, bảo mùi xăng thơm thế. Tôi có tí rợn người, nhớ tới ông bố từng đổ xăng đốt hết tranh, may cả xóm lao vào cứu chứ không thì cháy nhà. Tôi bảo bà, mùi sơn, không phải mùi xăng. Bà ra ngoài đi, mùi trầu hôi lắm. Bà ra khỏi phòng, xuống lầu, vừa đi vừa khóc. Tối đó ông bố về, ném cái bảng điện vào đầu tôi.
Tôi ôm đầu tứa máu vì cái bảng điện của ông bố, đi lên lầu, qua góc cầu thang thấy bà nội ngồi đó khóc. Cái góc cầu thang nhà tôi, sao mấy người kiểu như bà nội với con Đào hay thích ngồi đó khóc thế không biết. Chưa thấy bà ngoại và mẹ tôi khóc bao giờ. Tôi thoáng nghĩ, người nông thôn có khi nhạy cảm hơn người thành thị. Tôi ác, nên cố hỏi bà nội câu chơi chơi. “Sao hồi đó ông chết bà không ở vậy đi, còn chu toàn cái việc giáo dục con cái. Đã có hai đứa con rồi còn lấy thêm chồng làm gì?” Tôi nghĩ thầm muốn nói câu “con cháu bà toàn bọn dở dở ương ương”, nhưng ngại ăn thêm cái bảng điện nữa vào đầu nên thôi. Bà nội tôi sụt sùi, thanh minh. Tôi nói mấy cái đó, dĩ nhiên là nói lén ông bố. Tôi vội vàng đi lên trên. Bà nội đi theo, vào cả phòng tôi, rồi cứ thế mà phân trần, giải thích, khóc lóc cho cái câu tôi hỏi. Tôi ác thôi, muốn hỏi cho bà đau chứ tôi cần quái gì câu trả lời. Tôi ghét nước mắt đàn bà, già trẻ gì tôi cũng ghét. Tôi bảo bà đi chỗ khác mà khóc. Chuyện này bà chắc không mách lại bố tôi, nên không có sự gì xảy ra với tôi cả. Ơn trời.
Nhà tôi ở gần ngã tư lớn, hay có nhiều sự vụ như tai nạn giao thông, đánh nhau,… Bà nội cũng như những người miền nông thôn, bà thích hóng những chuyện như vậy. Tôi đi về nhìn thấy ngứa mắt, sẵn ông bố không ở nhà, tôi gắt ầm lên. Người ta đánh nhau kệ mẹ người ta chứ, bà hóng hóng làm gì, tai bay vạ gió vào mình. Bà nội bị mắng lại khóc. Tôi bỏ đi. Chẳng hiểu sao sau cái vụ bảng điện bay vào đầu tôi, thì những lần tôi cố gây sự cỡ nào, tuy bà nội có khóc lóc nhưng giấu nhẹm.
Tôi lên ở hẳn trên nhà ngoại. Lầu trên không ai ở, tôi được yên tĩnh và toàn tâm cho việc vẽ. Bán được tranh nào, tôi tiêu bằng hết. Tranh dần dần có giá. Tôi có tiền. Đưa ông bà ngoại, không ai lấy cả, bảo tôi giữ mà tự chi tiêu. Đưa mẹ tôi một ít, mẹ tôi vẻ xúc động, bảo mẹ không đòi hỏi con về tài năng nhiều, tiền bạc nhiều, con cần nhất là tu tâm dưỡng tính. Tôi nhún vai bỏ đi. Mẹ tôi một đời cơ cực, chịu những bất công, vô lối, mà vẫn trọn vẹn được cái lý tưởng làm người tốt thì kể cũng lạ lùng.
Những người đáng cầm tiền tôi làm ra thì không tham tiền. Còn đưa cho ông bố, lão Tuyên, hay bà nội thì quên đi, tôi không nghĩ mình phải có trách nhiệm gì với họ.
Tiền bán tranh ngày càng khá. Từ những bức vẽ chỉ để tặng không, cho không, bạn bè treo cho là mừng lắm rồi, đến những bức bán được chỉ vài trăm ngàn, nhích lên giá vài triệu, tôi đạt đến ngưỡng hai ngàn đô một bức. Kể cũng ngon.
Tôi không có mục đích hay lý tưởng gì, cũng không bao giờ nghĩ tiền mình làm ra dư giả thì nên giúp một ai đó. Tôi không thích chia sẻ kiểu ấy. Ai làm ra, người đó hưởng. Cái kiểu xin xỏ khiến người ta phải cho như chuyện con Đào xin con figure ngày tôi còn nhỏ, là cái mà tôi không chấp nhận được. Tôi có nhiều cách tiêu tiền. Như đi bar, chơi gái. Chơi và trả sòng phẳng. Tôi không thích cho không, bao bọc, hay bố thí một ai. Tình đầu đã cho cạn kiệt cảm xúc rồi, thế mà còn tay trắng, nữa là bọn nhố nhăng vì tiền sau này.
Tôi vẽ như điên, ăn chơi như điên. Người càng ngày càng tong teo như nghiện. Nhưng tôi không chơi mấy thứ gây nghiện mạnh như heroin, đá,… Không phải vì tôi tỉnh táo, mà vì nhờ trời thương nên không hợp được mấy thứ đó, lần đầu thử vào là ói ra hết mật xanh, mật vàng. Lần sau định thử tiếp, tự dưng nhớ tới cái ánh mắt của ông ngoại. Tôi thôi. Tôi bảo thằng bạn chí cốt, mày mà để bố mày (cách xưng hô của tôi với nó) nghiện thì bố mày đốt sống cả nhà mày. Thằng bạn bảo ô kê tùy mày. Vậy là thoát.
Ánh mắt ông ngoại tôi thật lạ. Biết nói. Ám ảnh. Từ khi tôi bé đến lớn chưa từng bị ăn một roi nào hay một lời quát nào của ông ngoại tôi. Nhưng ông là người có uy lực với tôi nhất. Đời người ai cũng có sai lầm, nhất là thời tuổi trẻ. Ông là một người tử tế. Không ai có thể chê trách điều gì. Một người đối trong, đối ngoài đều tốt. Nhưng một đời vẫn phải dằn vặt vì sai lầm tuổi trẻ. Vết nhơ ấy do nhu nhược. Ông không dám cãi lệnh cha mẹ, không dám thừa nhận một đứa con mà người yêu đầu (cái cô gái bị cha mẹ cấm lấy) đã sinh ra là con mình. Tất cả những việc tử tế khác ông đã làm cho mọi người, cho đời, cho chế độ,… đều không khiến ông có cảm giác mình là người tử tế được. Tôi biết điều ấy vì vô tình nghe lỏm người khác buôn chuyện. Tôi không nói lại với ông, coi như không biết. Không biết cuộc đời đứa con rơi của ông như thế nào? Có thể người ấy sẽ khuyết tật một góc hồn, vì không được nhận sự giáo dục từ người bố. Nhưng có khi như thế lại tốt hơn tôi, người được nhận sự giáo dục quá kém từ bố tôi. Số không có ý nghĩa và vẹn tròn, đầy đủ hơn gấp bội số âm.
…
Sáng cuối đông năm nay, khi tôi đang lang thang đi vẽ ở Tây Nguyên, thì nhận được điện thoại từ ông bố. Tiếng ông khóc mếu, khàn đặc. Ông bảo, bà nội mất rồi con ạ, bà rơi xuống cái đập nước trước nhà mà chết. Sau lưng nhà bà là núi Bạc Trôốc, trước mặt nhà có cái đập nước. Gọi là đập nước nhưng qua phần đập xây thoai thoải, đến lòng đáy lởm chởm đá, dưới cùng đáy thì mới có nước. Bà tôi trượt chân qua cái tầng thoai thoải ấy, lăn qua những cái đá nhọn ấy, mặt úp vào nước mà chết. Sống thọ, nhưng chết thảm quá.
Bố tôi mồ côi cha khi mới một tuổi, giờ biết thêm mùi mồ côi mẹ. Ông khóc tu tu như đứa trẻ. Tôi bảo, con xin lỗi. Lần đầu tiên trong đời tôi dễ dàng xin lỗi ông như thế. Ngày tôi còn ở nhà, lãnh lấy bao nhiêu trận đòn lên đầu, chỉ cần lời xin lỗi buông ra là được tha, mà tôi cứng lì không chịu nhận. Tôi đúng thì việc gì phải nhận. Nhưng với bà nội, có lẽ một đời tôi đã cư xử quá sai. Tội nghiệp bà. Giá mà bà được chết trong chăn ấm. Mùa đông ngoài ấy lạnh lắm. Lạnh cứng thế chắc bà đau mà không khóc được. Lúc còn sống bà dễ khóc lắm.
Tôi không về, vì về cũng chẳng để làm gì nữa. Xác bà nội thảm quá, nên mọi người phải chôn vội vàng. Bà ngoại điện vào. Hai bà cháu nói chuyện hồi lâu. Tôi bảo bà, cho cháu gặp ông. Hai ông cháu cầm máy, chẳng nói gì, chẳng chia sẻ gì, nhưng hiểu nhau. Ông à… Thôi ráng lên cháu, rồi chuyện gì cũng ổn cả. Vâng.
Tôi bày giá vẽ, toan, tay run đến nỗi bóp màu ra lem nhem cả tay, chỉ vẽ mới giải tỏa được tâm trạng. Tây Nguyên mùa khô, lạnh se, hoa dã quỳ vàng rực rỡ. Nắng và gió hoang hoải. Miền đất đỏ bazan màu mỡ, không cằn như đất quê tôi, nơi có dòng họ nội mà tôi đã lạnh cách từ lâu. Mỗi năm tôi có thể về nơi ấy đúng một buổi, ăn một bữa cơm với bà nội, dĩ nhiên là sau cái trừng mắt của ông bố và ánh nhìn nài nỉ của mẹ.
Giờ thì bà nội mất rồi, sợi dây trách nhiệm cuối cùng không còn, không biết đến bao giờ tôi về lại nơi ấy. Cũng có thể là không bao giờ.
Sài Gòn, viết sau thời điểm 6h tối ngày 19/01/2014.