Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Yêu anh em chẳng dỗ dành



Ngưng Thu






Anh cười đời …chút điên điên
Bảo rằng : “Từ giã cỏi phiền …thoát thai
Ẩn lên rừng uống cho say
Mơ trăng với gió thơ bay cuối trời”

Hơi sương buốt trái tim người
Đủ cho anh gột mấy mươi muộn phiền?
Huyền cầm gảy khúc mơ tiên
Mang thơ anh gởi tận triền non cao

Đêm nay gió xé hàng rào
Lẻn vào trong mộng thét gào tên em
Thì ra anh chẳng hề quên
Yêu người anh khắc lên miền thơ xuân

Mặc anh em chẳng dỗ dành
Thương tình đã mấy bận xanh đông tàn
Muộn phiền nhả hạt sương tan
Đêm say anh hát lá ngàn bâng khuâng

Mặc anh thả bể lên rừng
Thả hồn thơ tận sơn cùng thẳm sâu
Đã yêu là biết tìm đau
Anh cười …cứ mặc,em đâu dỗ dành.

VỢ THỜI @ CÒNG





Bằng Việt


Cơm ai, người nấy ăn
Việc ai, người nấy làm
Bạn ai, người nấy tiếp.

*

Sách báo không hề đọc
Chỉ phấn sáp, thời trang,
Hai bữa chê cơm nhà
Ngồi quán cho sành điệu.

*

Thích ngồi lê, mách lẻo
Chính trị, xin miễn bàn
Chỉ dông dài miên man
Chuyện chê chồng, bỏ vợ
Chuyện chơi bời, trốn nợ,
chuyện bán đất ,đổi nhà,
Chơi chứng khoán ranh ma
Liệu có thu bạc tỷ ?
Tháng tháng đi Thẩm Mỹ
Tuần tuần đi gội đầu
Mặt với da chăm chút
Bõ đời mình trẻ lâu.

*

Ngồi nhà thấy chán mắt
Mười hai tiếng đứng đường
Chơi cho đời chán mặt
Biết đủ đời cho luôn.

*

Chỗ nào Trứng cá Nga
Hàng nào Lẩu nấm Nhật
Các anh rủ thì đi
Còn gì mà sợ mất !

*

Đêm vè nằm mệt lả
Mắng con rồi nạt chồng
Lăn đùng ra kéo gỗ
Ngáy to như đàn ông...

*

Chồng để làm gì nhỉ
Để làm bung xung chơi !
Thời buổi này ngắn lắm
Ưu tư mà hết hơi !

Thờ A Còng xả láng
Đâu phải thời cơm toi !

Đông se



Mai Thanh Vinh






Những chiếc lá đông rơi trong mù sương người đàn bà ngẩng mặt nhìn trời
không tia nắng chói chang
không gợn mây trong veo trắng xốp
không sợi vàng ấm áp
không li ti nhấp nháy mù xa

Người đàn bà
uống cạn mùi hương đông ngọt lịm vào tận buồng tim trinh nữ không màu

người đàn bà
xòe bàn tay
đếm những đường dọc ngang chằn chịt phận đời năm tháng
vu vơ cười và đôi mắt rưng rưng

người đàn bà
siết nhẹ vòng tay
ôm vào lòng ngày đông
một chút nắng se
một làn gió hẩy
một bụi mưa buồn tan chảy vào trong

người đàn bà
tô nhẹ vết son trên đôi môi khô rạn
màu đỏ không xanh
màu hồng không tím
màu thời gian chát ngọt cuối cùng…?

người đàn bà
bên khung cửa kính nhìn vào bao la
nhìn vào đông se
bật tiếng cười giòn lan tỏa
dễ chừng ngày cũng phôi pha….?


Chuyện một nhà báo



Truyện ngắn
Đỗ Ngọc Thạch


Hơn hai mươi năm lăn lộn trong nghiệp chướng “viết lách” tôi đã tiếp xúc với khá nhiều nhà báo thuộc đủ các “đẳng cấp” khác nhau, nhưng người gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là Bửu Báo. Tôi gặp B.B (từ đây, xin cứ gọi tắt Bửu Báo là B.B cho tiện và cũng vì một lý do nữa là Bửu Báo rất khoái khi tôi gọi thế, chỉ vì một lần đến chơi với tôi, thấy có bức ảnh nhân vật nổi tiếng người Đức Béc-tôn Brếch, Báo nói người này hơi giống mình và xin luôn bức ảnh đó về…) khi tôi đang thịnh còn B.B thì đang ở vào thuở “hàn vi”. Lúc ấy, tôi đang phụ trách công tác xuất bản và một tờ tạp chí của Sở Văn hóa thông tin một tỉnh lớn (giờ đã tách thành hai tỉnh), có thể nói cũng là “quan to” vì nó tương đương với một nhà xuất bản và một tờ tạp chí ở một tỉnh phát triển mạnh và sớm. B.B lúc đó đang làm nhân viên của phòng văn hóa thông tin một huyện miền núi vùng sâu, vùng xa, “vùng biên ải”. Tôi vì “chán đời” mà bỏ đất Thủ đô vân du bốn phương nên đã gặp B.B lần đầu ở tận chốn thâm sơn cùng cốc vùng biên ải và không hiểu sao, số phận tôi lại liên quan với B.B …

Lần ấy tôi đi cùng hai nhà sưu tầm văn hóa dân gian đến huyện thì gặp B.B. Lúc đó, chúng tôi vào trụ sở của phòng văn hóa thông tin huyện thì thấy vắng tanh vắng ngắt như vào một cái miếu cổ bỏ hoang lâu ngày. Chúng tôi tính bỏ đi bỗng nghe có tiếng rì rầm phát ra từ một căn phòng đóng cửa. Tôi tiến lại gõ cửa, khoảng năm phút sau, một thanh niên cao to bước ra, khép hai cánh cửa lại sau lưng. Vừa nhìn thấy chúng tôi, anh ta đã vồn vã nói :

- Chào các anh ! Em là Báo, Bửu Báo. Phòng đã nhận được điện báo các anh sẽ tới từ ba bốn ngày. Ông trưởng phòng bị trúng gió nằm ở nhà, giao nhiệm vụ cho em thường trực ở đây đón các anh…Mời các anh vào phòng khách.

Khi đã an tọa trong phòng khách, tôi đưa giấy tờ cho Báo, Báo mới liếc qua liền nói :

- Em biết tên anh từ ngày anh mới chuyển về tỉnh cơ. Chả là ông bố em phụ trách công việc của các anh ở trên tỉnh mà . Em đã tính đến gặp anh để xin làm đệ tử, nhưng chưa kịp thì ổng đã đầy em tới vùng biên ải này !...

Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Vậy cậu là con ông cháu cha hả ? Ông nào vậy ?

- Anh chẳng cần biết ông ấy làm gì cho mệt óc. Vả lại, theo như em biết thì các sếp trên tỉnh không thích anh đâu. Vì tỉnh người ta yên tĩnh, đúng theo kiểu tỉnh lẻ, tự nhiên anh về làm náo động cả lên, bày ra những việc “kiểu trung ương” như thế, chẳng ai quen được đâu !...

- Thế chẳng lẽ một cơ quan văn hóa thông tin mà suốt ngày, thậm chí suốt đêm chỉ chơi bài “tiến lên” và sáng xỉn chiều say ? Đâu có được !

- Thế mà vẫn được đó anh ơi ! Ngay bây giờ nếu anh sang văn phòng ủy ban sẽ thấy cán bộ phòng em và cả các phòng khác đang tụ tập chơi bài “tiến lên” và nhậu tới bến mới thôi ! Nhưng đó là chuyện nhỏ, kệ họ. Bây giờ ta bàn chuyện ta. Các anh đã quá bộ về tới đây, Báo này xin phục vụ từ A tới Z. Nhưng bù lại, anh cũng phải giúp em một việc. Tính em ưa sòng phẳng, nói thẳng nói thiệt, nhất là khi em được biết anh cũng là đại lãng tử, chơi được, có đúng không ?

Không để tôi trả lời, B.B đi ra cái phòng đóng cửa lúc nãy dắt vào một người phụ nữ trên dưới ba mươi tuổi, ấn ngồi xuống ghế và nói :

- Xin giới thiệu với các anh, đây là chị Xiu Hoa, phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã. Chị Xiu Hoa sẽ duyệt luôn kế hoạch công tác của các anh với huyện, duyệt luôn cả phí hỗ trợ các anh nếu cần, sẽ đi với các anh xuống xã. Chị Xiu Hoa tuy là người dân tộc nhưng đã được ra thủ đô Hà Nội học nhiều thứ nên rất hiểu và nhiệt tình với công việc của các anh !...

Chỉ sau mười phút, “kế hoạch hành động” của chúng tôi ở huyện đã được Xiu Hoa ủng hộ, hưởng ứng tối đa. Khi Xiu Hoa đưa hai nhà sưu tầm đến chỗ ăn nghỉ, B.B nói:

- Em và anh tuy lần đầu gặp mặt nhưng em nghĩ rằng chúng ta đã gặp nhau từ kiếp trước

- Cậu lém thế ? – Tôi nhìn thẳng vào B.B nói.

- Em đâu dám lấy vải thưa che mắt thánh, múa rìu qua mắt thợ! Nhưng em xin nói hai câu này, nếu anh chịu thì ta bắt tay kết nghĩa huynh đệ, còn nếu anh thấy không đúng thì em xin tự cắt lưỡi làm thằng câm suốt đời. Thứ nhất, nhìn tướng anh, em biết anh thuộc loại đại lãng tử, vân du bốn biển không yên chốn nào. Chỉ hai năm nữa anh sẽ đi khỏi tỉnh này thôi. Và , năm năm nữa, anh sẽ gặp hạn, lúc đó người cứu anh sẽ là…Bửu Báo này!...Nhìn thần sắc anh, em biết là anh vừa giật mình ! Có đúng không anh ?

- Trời đất !...Cậu còn trẻ tuổi mà nói đúng như một chiêm tinh gia có tiếng ở Hà Nội đã nói với tôi trước khi tôi bỏ Hà Nội đi !...Còn câu thứ hai?

- Câu thứ hai là tiếp nối câu thứ nhất. Năm năm nữa, chính cái lúc anh gặp hạn lại là lúc em phất to. Nếu đúng như tử vi của em thì lúc đó em sẽ làm Sếp một tờ báo, ở chốn phồn hoa đô hội hẳn hoi chứ không phải ở tỉnh lẻ như anh. Ngay bây giờ, trong đầu em đã hình dung công việc lúc đó sẽ triển khai như thế nào, và anh sẽ đảm đương phần việc nào cho em!...Nói thế, người tầm thường không hiểu sẽ cho là em bốc phét và xấc láo với anh. Còn anh, em tin là anh cũng biết xem tướng, anh hãy nhìn tướng em và xét xem lời em nói thế nào?

- Tớ đã quan sát rất kỹ tướng mạo cậu ngay từ khi mới gặp…

- Nhìn ánh mắt anh là em biết anh đang “hành nghề” xem tướng người nói chuyện với mình!

- Cậu có cái mũi cực quý, gọi là “huyền đởm tỵ”, mũi như trái mật treo, tất cuộc đời sẽ phú quý, gặp nhiều may mắn, nhiều khi không làm mà vẫn có ăn !... Cũng có thể nói mũi cậu là mũi “phục tê quán đính”, nếu như ngày xưa có thể làm tới quan thượng phẩm. Còn nếu thời nay, làm sếp một tờ báo thì cũng là thường… Kéo áo lên tớ coi cái bụng chút xíu !

- B.B kéo áo lên, tức thì tôi kinh ngạc thốt lên:

- “Tễ khả nạp quất”…Cực quý, cực quý !...Cậu tuy đang bị đày nơi thâm sơn cùng cốc nhưng sống như đế vương. Cậu tất phải là con cháu bậc vua chúa đời xưa !

- Tôi vừa dứt lời, B.B đã rút trong túi quần rộng thùng thình ra một xếp tiền đưa tôi và nói:

- Mặc dù em biết anh thuộc loại coi đồng tiền như cái rác nhưng đây là “nhuận bút” của những lời anh vừa nói. Còn lát nữa, em xin đãi anh một chầu bia với đặc sản núi rừng, anh sẽ nhớ đời!...Trước khi đi, em xin múa hầu anh bài quyền Ngọc Trản để anh thấy em đúng là con cháu vương tướng ngày xưa, văn võ song toàn !

- Dứt lời, B.B cởi phăng áo, múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu :

“Ngọc Trản ngân đài

Tả hữu tấn khai

Hồi thập tự

Liệng diệp liên ba

Đả sát túc…”

Trên đường đi, B.B nói : “Tuy hiện tại em chỉ là thằng nhân viên quèn, nhưng bà phó chủ tịch ban nãy là bồ, còn ông phó chủ tịch thì đánh bài “tiến lên” với em chỉ cháy túi, luôn nợ em vài trăm . Cho nên, em điều khiển hai vị này không khác gì chủ tịch huyện, tức cũng xấp xỉ uy quyền vương hầu ngày xưa. Gặp anh ở đây, em nghĩ đến chuyện Lưu Bang gặp Hàn Tín. Nhưng anh giúp em thì rất dễ dàng, chẳng vất vả khó nhọc như Hàn Tín đâu. Anh chỉ cần đăng cho em dăm bài trên tờ Tạp chí của anh, in giúp em vài cuốn sách. Còn cái bằng Đại học Báo chí thì em lấy dễ như lấy đồ trong túi. Ta phải chuân bị đầy đủ điều kiện tối thiểu, thời cơ đến là a lê hấp !...

B.B còn nói cho tôi rất loằng ngoằng về “cây gia phả” của các vua nhà Nguyễn, nhưng tôi cũng quên luôn B.B thuộc chi nào, nhánh nào của dòng giống vua nhà Nguyễn vì các vua nhà Nguyễn lắm vợ nhiều con quá ! Tối hôm đó, B.B dẫn tôi đi uống “bia ôm” (lúc đó, thuật ngữ bia ôm chưa phổ cập trong đời sống xã hội). Nhìn cung cách ăn chơi của B.B, tôi thầm nghĩ đúng là ăn chơi kiểu đế vương !...



*

Hai năm sau, đúng lúc tôi đang tiến hành làm ăn lớn thì gặp chuyện phiền toái về viết lách, tôi tự xin thôi việc đi một mạch về Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống giang hồ một trăm phần trăm. Ba năm đầu, phải làm thuê làm mướn đủ kiểu, kể cả làm thợ, không dính gì đến văn chương báo chí. Tuy thế, công việc cũng vừa sức và đủ tiền xài lai rai. Nhưng đến năm thứ tư đúng là “họa vô đơn chí”, tai họa chẳng bao giờ đi riêng lẻ mà luôn có “bạn đồng nghiệp” ! Nợ nần chồng chất như chúa Chổm, tôi đã tính chuyện chết quách đi cho rồi thì bất ngờ gặp lại B.B. Hôm đó, tôi đang đạp xích lô lòng vòng quanh mấy cái nhà hàng lớn để kiếm khách thì thấy một ông khách to béo, ăn mặc theo mô-đen Việt kiều ngoắc tôi lại. Tôi cho xe cặp sát ông ta thì ông khách đã nắm chặt lấy tay tôi la lớn :

- Trời đất ơi ! Anh hùng tuyệt bút như tiên sinh mà đến nông nỗi này sao ?

- Trời !... – Tôi cũng giật mình la lên – B.B đó à ?

Sau phút hàn huyên, tôi chở B.B về nhà B.B . Đó là một cái nhà kiểu biệt thự, diện tích khoảng gần năm trăm mét vuông tọa lạc ở cuối một con hẻm lớn vùng ven đô…

B.B nói với tôi :

- Cái nhà này là em nhờ lộc của vợ. Em lấy vợ có tướng “ngọc đới yêu vi” cực quý, vượng phu ích tử không ai bằng ! Còn em, đang chuẩn bị nhậm chức phó Tổng biên tập cho một tờ báo ngành, thực chất là Tổng. Cái mốt bây giờ là làm báo cho các ngành mới có ăn, còn làm báo thuần văn chương như các anh ngày trước là “xưa rồi Diễm ơi!”…Nhưng em lại muốn anh làm cái việc rất xưa ấy cho tờ báo của em !

- Thế là sao?- Tôi ngạc nhiên, hỏi.

- Anh thường hay nói rằng muốn tiến lên hiện đại thì trước hết phải hiểu kỹ truyền thống đó sao? Bây giờ em nói ngắn gọn thế này: Anh đi ôm về đây cho em tất cả các loại báo chí cũ, càng cũ càng hay. Sau đó công việc của anh sẽ là “hiện đại hóa” cái đống báo cũ đó. Em nghĩ rằng anh chỉ phẩy tay là xong! Thời gian chuẩn bị “chiến trường” của chúng ta còn ba tháng nữa, quá ư rộng rãi !

- Các công đoạn khác từ A đến Z cậu đã chuẩn bị đến đâu rồi ?

- Anh quên rằng em đã chuẩn bị từ năm năm trước à ? Nhân gặp lại cố nhân, em sẽ kêu “dàn tướng sĩ” của em tới đây ta lai rai một chập để anh quan sát chúng nó và “tham mưu” cho em trong cái việc sắp xếp đội hình này !

Nói rồi B.B ấn số máy điện thoại di động một hồi, đoạn nói:

- Chỉ sau mười phút nữa chúng nó sẽ tới. Em nói trước với anh là em chỉ thu nạp những thằng đang sa cơ lỡ vận, có vậy chúng mới ơn mình và trung thành với mình. Đại loại như là em nuôi một đàn chó săn ấy !

- Thế tớ cũng là một trong những con chó trung thành của cậu à ?

- Đâu có ! Đời nào thằng em này lại dám hỗn láo với ông anh như thế! Cái ơn dìu dắt em từ ngày còn ở nơi rừng xanh núi bạc của anh có bao giờ em quên và bao giờ đền đáp hết được? Ngoài cái việc “khai thác vốn cổ” ra, anh còn phải có trọng trách với em như là Khổng Minh với Lưu Bị ấy chứ. Về chức danh, anh sẽ là ‘Trợ lý Tổng biên tập”, đương nhiên là lúc em bận bịu này nọ, anh điều hành công việc cho em !

- Này, nghe cậu nói cũng bùi tai đấy. Nhưng nói thật, lâu ngày không rờ đến chuyện viết lách, tớ sinh lười nhác rồi. Vả lại, tớ đã thề “quăng bút”, đoạn tuyệt với Nàng Thơ rồi !

- Trời đất ơi! Anh là người am hiểu tướng số mà anh quên rằng “viết lách” nó là cái “nghiệp chướng” sao? Riêng đối với anh, chuyện này càng nặng. Anh không bao giờ thoát khỏi cái “nghiệp chướng” này đâu! Em đã có cách rồi: em sẽ tuyển cho anh một nũ thư ký tuyệt vời , cô nàng sẽ đốt lại ngọn lửa đã tắt trong anh !...Còn bây giờ, em sẽ kêu một cô nàng “mát-xa” loại nhà nghề đến giúp anh giãn gân cốt sau bao ngày lao động chân tay vất vả !...



B.B nói rồi lại ấn số điện thoại…Đúng sau mười phút gọi cho dàn tướng sĩ, năm người, cùng một lúc, đã tới. B.B giới Thiệu tôi với họ và giới thiệu họ với tôi:

- Đây là “Sáu bụng bự”, con có biệt danh là “Thùng phi” vì có thể uống hết một thùng phi bia hơi ! Trước đây, Sáu làm chủ một đại lý bia lớn, có tài kinh doanh tiếp thị. Hỗ trợ cho Sáu bụng bự là “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, đảm trách công việc chạy quảng cáo cho tờ báo của chúng ta. Tôi xin nhắc lại, báo chí bây giờ sống khỏe là nhờ vào quảng cáo, cho nên chúng tôi xin được sống nhờ vào tài năng “diệt giám đốc” của Cô Ba ! Còn đây là cặp bài trùng Lý toét – Xã xệ, hai cây bút phóng sự chủ lực của báo ta. Lý toét và Xã vệ cứ phóng bút thoải mái như thời còn làm cho báo phường, báo quận, đã có sư phụ tuyệt bút đây làm cái việc “đánh bóng, mạ kền” trước khi bài viết lên báo ! Còn nhân vật thứ năm, nhìn bên ngoài có vẻ dị dạng, xấu xí nhưng tài ba thì vào loại đệ nhất đô thành, bàn tay bé nhỏ thế kia nhưng có thể nắm trong tay tất cả các nhà máy, xí nghiệp sản xuất giấy và in ấn của cả khu vực miền Nam này ! Báo của chúng ta có thể in hàng triệu bản mà không bao giờ lo thiếu giấy !...



Mọi người nâng ly bia mừng buổi gặp mặt …Trong khi uống bia và nghe “ngũ hổ tướng quân” của B.B nói huyên thuyên về kế hoạch tác chiến của mình, tôi chú ý quan sát kỹ từng người một để tìm hiểu xem tại sao họ lại được B.B tín nhiệm và liệu họ có làm khynh đảo được thị trường báo chí như B.B ao ước hay không ? Sáu bụng bự uống bia quả là tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra, duy có một chi tiết khiến tôi lấy làm lạ là chốc chốc, Sáu lại nặn trứng cá ở trên mặt và cho luôn vào mồm nhai như không ! Còn “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, tuy không vào loại tuyệt thế giai nhân nhưng tất cả các “bộ phận” trên người cô đều như đang “bốc lửa” sẵn sàng “thiêu đốt” bất cứ đấng nam nhi quân tử nào. Cô Ba uống bia nhỏ nhẹ và có một động tác thường xuyên là cúi xuống ngửi nách mình rồi lấy khăn lạnh lau nách ! Thấy vậy, tôi nói nhỏ với B.B rằng cô này có tướng “sú hương” cực xấu, không thể làm việc đối ngoại được, nhưng B.B bảo, cô Ba có tới mười cái cực xấu nhưng lại có một cái cực tốt là tướng “song long nhiễu nguyệt”, đó là tướng “thập trọc nhất thanh”, một cái cực tốt kia sẽ xóa bỏ được mười cái cực xấu ! Quan sát kỹ hai nhân vật Lý toét và Xã vệ, quả là một cặp bài trùng hiếm có : Lý toét (gọi là Lý toét vì người này cận nặng) có cái dáng ký giả ở mọi cử chỉ, dạng mạo, còn Xã xệ “to cao đen hôi” như một võ sĩ quyền Anh người da đen, hai người mà cộng hưởng với nhau thì tuyệt ! Hai người này vừa ăn uống vừa hí hoáy ghi chép cái gì đó đúng phong cách phóng viên tác nghiệp. Tôi nhoài người tới cụng ly và liếc nhanh vào cuốn sổ tay của họ thì giật mình kinh ngạc vì nhìn thấy trên sổ tay của Lý toét kín đặc chỉ toàn chữ A, còn trên sổ tay của Xã xệ thì chữ gì ngoằn ngoèo như chữ Camphuchia và to như quả trứng gà !...Nhân vật thứ năm quả là dị tướng, sơ bộ có thể xếp vào loại tướng “Bát tiểu”, là quý cách, gặp vận có thể phú quý hết chỗ nói !



Điều bất ngờ lớn đối với tôi là cả năm người này đều rất sẵn tiền trong người và qua cung cách, nói năng thì họ xài “tiền tấn” chứ không phải đếm từng đồng như người bình thường. Khi B.B hô mọi người gom tiền mua cho tôi một căn nhà ở tạm thì chỉ sau năm phút, trong tay tôi đã có một cục tiền đô, trị giá khoảng hơn hai mươi cây vàng 24K ! Chưa biết sau này B.B và các chiến tướng làm ăn ra sao, nhưng cứ bằng vào việc đối xử với một anh trắng tay như tôi như thế, đủ để nói rằng cái “E-kíp” này rất mạnh, bởi tôi vẫn thường nghĩ, thời nào cũng thế, có tiền mua tiên cũng được !...



*

Tôi đang cặm cụi làm cái việc mà B.B đã giao cho thì bất ngờ nhận được tin bố tôi đột ngột qua đời. Tôi phải bay ra Hà Nội chịu tang bố. Trong dịp này, tôi gặp lại một người bạn học cũ hiện đang dạy ở một trường đại học. Tôi khoe chuyện làm báo với B.B thì người bạn nãy rũ ra cười, chảy cả nước mắt và nói :

- Trời đất ơi, cái thằng Báo ấy nó đã lên tới ngạch sếp rồi cơ à ? Ngày xưa, tớ dạy nó ở lớp tại chức đại học báo chí, nó có học hành gì đâu, chỉ ngồi sờ mó mấy cô gái đa tình thôi à ! Tớ nghĩ nó sẽ phất nhưng là phất nhờ làm chủ quán bia ôm cơ chứ !

- Thì nó cũng có dưới tay mấy quán chứ đâu phải một quán !

- Ờ…nó được cái tài “sát gái” và biết đâu tài làm báo mới phát lộ cũng nên ! Nhưng theo tớ, cậu không nên đi theo “phò giúp” nó làm gì vì cậu không phải cái “típ” như nó. Cậu phải làm cái gì đó liên quan tới đất đá…

- Đi buôn bán địa ốc thì mình không đủ tài, còn đi tìm đá quý thì không có võ để chống lại bọn đầu gấu trấn lột…

- Cậu nói tới đá quý, tớ chợt nhớ tới một ông chú họ, xưa đã từng là tướng đặc công, hiện đang làm chủ một công ty vàng bạc đá quý. Ông ta cần viết lại cuộc đời oanh liệt của mình. Để tớ liên lạc với ông ta rồi giới thiệu cậu !



Theo lời khuyên của người bạn học, tôi không trở lại gặp B.B nữa mà chui vào thư viện đọc tất cả những sách báo nói về bộ đội đặc công vì tôi muốn có một chút hiểu biết về binh chủng đặc biệt tinh nhuệ này trước khi tiếp xúc với ông tướng đặc công về hưu kia. Mê mải trong thư viện, thời gian trôi qua bên ngoài rất nhanh. Thấm thoát đã hơn một năm trôi qua, người bạn tôi vẫn chưa liên lạc được với ông tướng đặc công. Tôi tính ra hè đường đánh máy thuê kiếm sống qua ngày thì bất ngờ gặp Sáu bụng bự. Sáu lôi tôi vào quán bia và nói :

- Báo vẫn ra đều kỳ nhưng chẳng ma nào mua, các đại lý đều trả lại hết. Cứ cung cách này thì đến sập tiệm. Em ra chuyến này để tiếp xúc các sếp ở một tờ báo khác, nếu thuận buồm xuôi gió, em sẽ làm trưởng đại diện cho họ ở trong ấy !

- Thế cậu bỏ B.B à ? Cùng “dựng cờ lập nghiệp” với nhau cơ mà ?

- Nhưng hắn du côn lắm, ngày nào cũng đá đít, bạt tai em như là đánh đầy tớ ! Không hiểu sao em lại nhịn được như thế ? Nhưng mối tình này cũng phải đến lúc chia tay !

Sáu bụng bự nâng ly bia lên cụng với tôi, tôi chợt giật mình khi thấy trên miệng ly bia, lẫn vào trong đám bọt đang tan dần là những viên trứng cá mà Sáu vừa nặn ra khi đang nói chuyện với tôi ! Tôi không nhịn được, nói :

- Sao cậu ăn uống dơ bẩn thế?

- Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ ! Anh quên câu nói đó à? – Nói rồi Sáu làm một hơi cạn li rồi nói tiếp – Nếu anh khó khăn thì vào làm cho B.B đi, hắn vẫn nhắc anh luôn và không giận anh đâu. Hắn bảo cái số của anh như thế. Còn nếu không, anh chờ một thời gian nữa, em nhận chức mới rồi, sẽ lấy anh làm Phó, nếu anh vui vẻ ô kê !



Sáu bụng bự vừa dứt lời thì B.B đột ngột xuất hiện như từ trên trời rơi xuống kèm với tiếng nói:”A! Thằng phản thùng! Tao cứu mày khỏi tù mục xương mà mày trả ơn thế hả?”. Và rồi B.B hét lên như diễn viên tuồng rồi múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu: “Ngọc Trản ngân đài – Tả hữu tấn khai – Hồi thập tự - Liệng diệp liên ba – Đả sát túc…”, tới câu “Đả sát túc” thì tôi thấy Sáu bụng bự bay ra cửa quán bia như một quả bóng !...



Sau đó, B.B nhẹ nhàng cầm tay tôi dắt ra khỏi quán bia và nhỏ nhẹ nói:”Chỗ này không phải chỗ người có chí lớn lui tới!...Ông anh giang hồ mê chơi quên quê hương quá rồi đó! Cô thư ký riêng của anh chờ anh mỏi mắt! Sao anh nỡ đối xử với người đẹp như vậy?”… Không biết B.B còn nói gì nữa không vì tôi có cảm giác như mình đang bước đi trên một tầng mây xốp rất lớn !.../.

Linh hồn – tình yêu – vũ trụ




Tác giả: Hamvas Béla
Dịch giả: Nguyễn Hồng Nhung






Tất cả, cái gì là ánh sáng, so với linh hồn đều mờ nhạt. Tất cả, cái gì là tinh tế, so với linh hồn đều thô thiển. Tất cả, cái gì là nhẹ nhõm, so với linh hồn đều nặng nề. Tất cả, cái gì là cuộc sống, so với linh hồn đều là chết.

Tất cả mọi cái tồn tại, so với linh hồn đều không tồn tại. Bởi vậy, người đời xưa nói, linh hồn là ánh sáng, là phi vật chất, là sự sống, là cái duy nhất có thực; là hiện hữu nhất. Nhưng cái vô hình, phi vật chất, một hiện thực sống động và rạng rỡ lại bất lực. Cuộc sống đầy ánh sáng, vĩnh cửu, vĩnh viễn này lại bất động.

Linh hồn sống trong một thế giới siêu việt cao nhất, tinh túy nhất, rạng rỡ nhất; một thứ không bắt đầu và sẽ không kết thúc, không sinh ra, không chết đi, là thứ có đời sống vĩnh viễn; là kẻ không hành động, không sáng tạo, không tạo dựng, không thay đổi, không chuyển động.

Nó không với tới cái không phải là nó. Nó không động chạm tới cái không phải là nó. Nó sống trong một khoảng cách và sự khác biệt vô tận với cái không phải là nó. Vậy mà không có gì nó không thấy, không nghe, không nhận biết và không hiểu.

Thế giới này như thể là cái linh hồn nghĩ ra; được tạo dựng ra từ chính nó. Như thể là giấc mộng riêng của nó, là hình ảnh riêng, là sự phù phép riêng của nó. Bởi vậy người đời xưa nói, thế giới là thứ không có thực, chỉ là sự phù phép của linh hồn: là giấc mộng, là ảo ảnh, là sự không tưởng.

Vô ích có người bảo, linh hồn bất lực, mềm mại, nhún nhường, trinh nguyên, bình thản, không phá vỡ nổi, người đó chỉ nói các dấu hiệu; những thứ có thể kể đến vô tận. Vô ích nếu còn nói thêm, linh hồn tự phục vụ nó, linh hồn vô tội trong sự rạng ngời rực rỡ vô tận của mình; và có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng vẫn không nắm bắt được. Họ không nói những đặc tính của linh hồn mà chỉ nói các dấu hiệu. Vô ích nếu nói tiếp, linh hồn cởi mở, trong sạch, dản dị. Linh hồn là bản thể. So sánh với linh hồn không có gì là bản thể.

Bởi vậy người đời xưa nói, linh hồn là thứ duy nhất tồn tại; tất cả những gì có, đều từ nó ra; là bản thể duy nhất, nhưng không hiểu nổi, không nắm bắt nổi, không đánh dấu nổi và vô hình.

Nếu như có một ai, không nói trực tiếp mà muốn nói gián tiếp về linh hồn, có thể nói: linh hồn nhậy cảm. Sự nhậy cảm này có thể tỉnh táo nhưng có thể buồn ngủ; theo đấy linh hồn có thể hoặc tỉnh táo hoặc đờ đẫn. Cần phải nhớ rằng: linh hồn vừa tỉnh táo, vừa buồn ngủ; vừa nhậy cảm, vừa đờ đẫn.

Linh hồn không có đặc tính, bởi vì linh hồn là cái tồn tại duy nhất, là bản thể đơn giản nhất, duy nhất. Nhưng nếu có một người nào đó gián tiếp muốn nói một điều gì, chỉ có thể nói một điều duy nhất, rằng linh hồn không hoạt động, không sáng tạo, không chuyển động, không thay đổi; mà tỉnh táo.

Bởi vậy theo người đời xưa đo lường đời sống linh hồn của con người là sự tỉnh táo. Sự tỉnh táo không phải khả năng hướng tới sự hoạt động, không phải đặc tính của tư tưởng, không phải sự nhậy bén của các giác quan, không phải sự sẵn sàng của các sức mạnh, không phải trí thông minh. Sự tỉnh táo thể hiện trong một thế giới không phải linh hồn, chỉ là ảo ảnh của linh hồn. Sự tỉnh táo không phải sự hoạt động, không phải sự ý thức hóa, không phải sự nhận thức, không phải tri thức; nó là điều không nhận ra. Sự tỉnh táo chỉ thể hiện trong một thế giới khác.
Sự tỉnh táo là sự nhậy cảm tự nhiên; không khuất phục với tất cả cái gì là linh hồn; nó là sự quyến rũ bất lực với cái gì là linh hồn; là sự dâng hiến mềm mại với tất cả cái gì là linh hồn; là sự gắn bó không thể chống đỡ nổi với tất cả cái gì là linh hồn. Sự nhậy cảm tự nhiên, không khuất phục, là sức quyến rũ bất lực, là sự dâng hiến mềm mại, là quan hệ không kháng cự nổi với linh hồn, đấy chính là sự tỉnh táo của linh hồn; là sự tỉnh táo thực thụ, là TÌNH YÊU.







Bởi vậy theo người đời xưa, đời sống của một con người vĩ đại và đẹp đẽ không phải là cái gì mang tính hoạt động, có quyền lực, có sức mạnh, có tri thức, giàu có, nổi tiếng, vinh quang; mà là một cái gì tỉnh táo. Sự tỉnh táo không phải tri thức, không phải quyền lực, không phải sức mạnh, không phải sự hoạt động; mà là TÌNH YÊU.

So với linh hồn tất cả đều mờ nhạt, thô thiển, nặng nề; tất cả đều không tồn tại. Linh hồn là hiện hữu duy nhất; là bản thể duy nhất, vô hình, không nắm bắt được, không đánh dấu được; là cái mà từ nó có toàn bộ thế gian; và là thứ mà cả thế gian này chỉ là ảo ảnh của nó. Linh hồn, không thể nhìn thấy nó, không nắm bắt được, không thể hiểu được.

Điều duy nhất có thể nói về linh hồn, một cách gián tiếp, là linh hồn tương tác với linh hồn. Linh hồn tỉnh táo đối với linh hồn. Sự tỉnh táo này là sự nhậy cảm với tất cả những gì là linh hồn; và từ chối một cách miễn cưỡng tất cả cái gì không phải là linh hồn, mà chỉ là ảo ảnh.

Thứ không phải là linh hồn, thứ là giấc mộng, thứ không phải là hiện thực, thứ không tồn tại, thứ chỉ là ảo ảnh, thứ sẽ trôi qua, thứ thay đổi, thứ không vĩnh cửu, thứ thờ ơ; bất lực với linh hồn. Những thứ này cũng không hiểu, không thấy, không nhận biết, không nắm bắt, không tiếp xúc được với linh hồn.

Nhưng linh hồn với linh hồn lại tỉnh táo, hay đúng hơn lại nhậy cảm. Nhậy cảm với sự mềm mại, với ánh sáng, với sự nhún nhường, sự quyến rũ, sự trong sạch, sự dản dị, với cái đẹp và sự bình thản của linh hồn. Sự nhậy cảm này của linh hồn với linh hồn: tình yêu.

Tình yêu không phải là hiện thực. Chỉ có một hiện thực, chỉ có một bản thể duy nhất: linh hồn. Thứ không phải là linh hồn, đó là ảo ảnh. Ảo ảnh đầu tiên là tình yêu.

Linh hồn: MỘT. Chỉ có một linh hồn. Một sự tồn tại, một bản thể. Một hiện thực. Tình yêu, ảo ảnh đầu tiên; rồi linh hồn sống trong ảo ảnh của hai, ba, mười và nhiều hơn nữa, của vô số. Khi các ảo ảnh xuất hiện, linh hồn bất lực; tình yêu thương không kháng cự nổi chợt thức tỉnh, để thống nhất vô số thành trăm, trăm thành mười, mười thành hai, hai thành một. Nhưng không thống nhất được, bởi linh hồn không thống nhất; bởi linh hồn không hoạt động, không hành động, không chuyển động. Và cũng không thể thống nhất được, bởi hai, mười, vô số, ảo ảnh, không tồn tại, không hiện thực. Bởi vậy tình yêu thương không phải hiện thực mà là ảo ảnh.

Ảo ảnh này có, khi linh hồn trong ảo ảnh tưởng rằng, có nhiều linh hồn. Lúc đó cái vô số lại muốn tan hòa thành một, và trong MỘT; lại một lần nữa muốn yêu như một. Tình yêu là thứ trong ảo ảnh nó thống nhất linh hồn đã biến thành vô số; nhưng tình yêu thương là thứ không cho phép linh hồn duy nhất trong hiện thực biến thành vô số.

Tình yêu là thứ biến các linh hồn thành linh hồn; thành linh hồn, hay đúng hơn biến tất cả như MỘT không thể tách rời, vĩnh cửu, MỘT bất biến. Thứ MỘT linh hồn này là hiện hữu duy nhất, là tồn tại duy nhất, không nắm bắt được, bất tử, vĩnh cửu, bất biến, giản dị; thứ mà bên cạnh nó tất cả đều mờ nhạt, thô thiển, nặng nề và không có.


Sự sống có duy nhất một bí ẩn; bí ẩn đấy không phải là linh hồn mà là thứ không linh hồn. Linh hồn là hiện thực, là sự tồn tại, là MỘT, là sự vĩnh cửu vĩnh viễn. Bí ẩn là: cái bất biến tạo dựng cái đổi thay như thế nào; cái vĩnh cửu tạo dựng cái trôi đi, cái chuyển động như thế nào; hiện hữu có thật tạo ra ảo ảnh không và tạo ra như thế nào; MỘT tạo HAI như thế nào; và Tạo hóa, Tạo hoá đã xuất hiện ra sao?

Zohár đã viết:

"Tôi dạo đi dạo lại trên bờ biển và trầm ngâm suy nghĩ về bí ẩn của tạo hóa đột nhiên nhà tiên tri Illes hiện ra và hỏi: mi có hiểu ý nghĩa của câu MI BARA ELE không? Tôi trả lời: từ ngữ ấy có nghĩa là: sự tạo dựng của Thượng đế là toàn thể các đội quân của Trời.

Nhà tiên tri Illes nói: khi VÔ DANH lần đầu tiên muốn thể hiện, thế là xuất hiện MỘT CÁI GÌ, MỘT ĐIỂM DUY NHẤT, thứ không có sự mở rộng, nhưng chính là sự bắt đầu của kích thước thế gian. ĐIỂM DUY NHẤT là ý tưởng mà Tạo hoá muốn sáng tạo, và đã sáng tạo. Từ ý tưởng xuất hiện cả vũ trụ, cái có tên: MI, là Thực thể không thể đặt tên, là kẻ tạo dựng ra thế gian.

Khi đấng Tạo hóa muốn biểu lộ trong toàn bộ hiện thực của nó và muốn xướng lên cái tên hoàn chỉnh của nó, nó ẩn mình vào trong chiếc áo bào dệt từ những tia ánh sáng lóng lánh, và từ những tia sáng này tạo dựng: cái có tên ELE, là sự vật của toàn bộ thế gian. MI và ELE hợp nhất lại, như âm tiết trong câu, và Thực thể không thể đặt tên hạ cánh xuống Thiên nhiên.

Điều bí ẩn là một cái gì đó, một điểm không lan rộng này đã xuất hiện như thế nào. Một cái gì này không phải là thiên nhiên vật chất. Không thể nắm bắt và vô hình. Chỉ là ảnh. Đây là ý tưởng. Không mở rộng, bởi chỉ là hình ảnh. Nhưng nó đã là hiện hữu, không còn là ảo ảnh.

Hình ảnh này là hình ảnh cổ, là ý tưởng của vũ trụ. Điểm này là ý tưởng để Tạo hóa tạo dựng ra cái nó muốn tạo dựng. Và từ đấy, từ một cái gì này xuất hiện Vũ trụ Vĩ đại. Vũ trụ này là thiên nhiên, nhưng không hữu hình, không là vật chất.

Thiên nhiên cổ là ảo ảnh, là ý tưởng mà Tạo hóa chiếu rọi từ tấm áo bào dệt từ ánh sáng rạng ngời. Thế giới này giống như bầu trời, bởi vì bầu trời là sự đắm chìm vào tấm áo bào dệt từ ánh sáng. Nhưng phép màu này lúc đó vẫn còn phi vật chất. Tạo hóa đã bay xuống thiên nhiên như thế, đấy là nghĩa của câu MI BARA ELE."

Giấc mơ đầu tiên của linh hồn là ý tưởng của vũ trụ. Biểu hiện trong hình ảnh không thể nắm bắt được, trong một điểm không thể mở rộng, trong một cái gì đó duy nhất. Đấy là điều bí ẩn, Một Cái Gì đầu tiên ngoài linh hồn.

Bắt đầu có một cái gì đó, một cái gì không phải là linh hồn. Một điểm. Giờ đây không phải là một nữa, mà là hai. Hai tạo nên một thế giới riêng biệt; một thế giới tất cả đều là hai: đêm và ngày, ánh sáng và bóng tối, đàn ông và đàn bà, tôi và anh, cuộc sống và cái chết, giấc mộng và sự thức tỉnh, có và không.



Ở Trung quốc người ta gọi đấy là dương và âm. Ở Ấn độ là Purusa vàPrakriti. Ở Iran là Ahura Mazda và Ahriman. Ở Ai cập là Oziris và Set.

Thế giới của hai không phải là sự yên lặng vĩnh cửu, mà là sự chuyển động không ngừng; không phải là sự bất biến, mà là sự hoạt động và sinh sôi nảy nở không ngừng; không phải là hòa bình mà là sự căng thẳng; không phải tình yêu mà là đam mê và thù hận; không phải sự giản dị mà là sự đa dạng; không phải là hiện thực mà là ảo ảnh.

HAMVAS BÉLA
( Trích tiểu luận triết học: SCIENTIA SACRA)

Sự chết, Nước mắt và Tình yêu




Vương Trung Hiếu




Sau những tháng ngày lê bước khắp các nẻo đường gió bụi ở miền Nam nước Mỹ, gánh hát rong trở về, dừng chân tại Richmond, một thành phố êm đềm, vui tươi với những ngôi nhà trắng nằm san sát nhau. Những chiếc thuyền buồm lướt nhẹ trên sông với những bụi hoa mộc lan nõn nà, e ấp, khoe sắc dưới nắng vàng mơ. Richmod là thủ phủ của bang Virginia, một hải cảng thanh bình, một nơi lý tưởng cho khách nhàn du thưởng ngoạn.

Sáng hôm đó trời trong xanh, những đám mây trắng lững lờ trôi, thỉnh thoảng che khuất mặt trời khiến không gian sẫm màu, những bóng mây mát rượi làm giảm bớt vẻ mệt nhọc của đoàn lữ hành vừa trải qua những chuyến đi dài. Gánh hát rong "Richmon" đã về đến cố quận. Cô Elizabeth Poe hy vọng rằng đêm nay rạp hát sẽ đông nghẹt người đến xem tài nghệ diễn xuất của mình. Nhưng Elizabeth vẫn hồi hộp, lo âu vì sức khỏe đang bị thời gian gió bụi bào mòn, vắt kiệt đến nỗi không còn hơi sức cất giọng ca như mê hoặc lòng người nữa.

Đêm đó rạp hát vắng tanh, hy vọng của nàng như tim đèn lụn dần thời gian chờ đợi. Giới trưởng giả quê nhà không còn săn đón nàng như những lần trước nữa. Ngồi trong cánh gà, nước mắt Elizabeth lăn dài làm loang lổ khuôn mặt đầy son phấn của nàng. Các diễn viên, nhạc công trong đoàn lặng lẽ mỗi người một góc nhìn nhau, im lặng và im lặng nặng nề.



Elizabeth 24 tuổi. Chứng bệnh lao phổi đã không ngớt hành hạ nàng và sự đau đớn đã theo đuổi nàng trên khắp bước đường tha phương cầu thực. Nàng có linh cảm Richmod là chặng đường cuối cùng của đời nàng, một đời ca hát chấm dứt trong đau khổ, nghẹn ngào. Nước mắt lại tuôn rơi khi nàng chạnh lòng nghĩ đến người thân yêu nhất đời mình.



Một năm về trước, khi gánh hát dừng chân tại thành phố New York để trình diễn những vở kịch của Shakespeare. David Poe chồng nàng, đã lặng lẽ bỏ đi. Người chồng nghiện rượu kinh niên đó là một kẻ bất thường, tính tình sớm nắng chiều mưa. Hắn mặc cảm tài năng của mình. Đã bao năm lăn lộn trong nghề hát xướng nhưng người đời vẫn không hề biết sự tồn tại của hắn giữa ánh đèn màu sân khấu. Đói khổ và bệnh tật cộng với cơn động kinh thường xảy ra sau khi ma men nhập vào người, hắn quẩn trí và biến mất không để lại dấu vết nhỏ nào. Cuộc đời hắn ra sao không ai được biết. Người ta chỉ thấy nàng Elizabeth lủi thủi với ba đứa con mọn. Đứa lớn nhất là William, đã gởi cho ông bà nó nuôi ở Batimore. Đứa thứ hai là Edgar, một nhà thơ thiên tài của nước Mỹ sau này. Còn đứa út cô bé Rosalie, một đứa trẻ đáng tội mang mầm mống bệnh điên trong người.

Ngày 29 tháng 11 năm 1811, nhật báo Richmond đăng lời kêu gọi lòng từ thiện của dân chúng như sau : " Đêm nay bà Poe đang nằm liệt trên giường bệnh với hai đứa con nheo nhóc bên cạnh, bà đang kêu xin chúng ta hãy giúp đỡ và có lẽ đó là lời nài xin cuối cùng ".

Ngày 10 Tháng 12, tờ Richmond đăng tiếp : "Nữ kịch sĩ Elizabeth đã qua đời, một ngôi sao đã tắt ".

Nhưng đối với cậu bé Edgar, tấm thảm kịch đời cậu mới mở màn, mới lên ba tuổi cậu không hiểu gì cả. Cái chết có ý nghĩa gì chứ ? Và Edgar không thể tin rằng mẹ cậu chết. Nằm ngủ ở một góc tối tăm phía sau cánh gà gọi mẹ khan cả giọng, nhưng mẹ đâu rồi. Edgar vẫn không hiểu là mẹ mình đâu rồi.

Vài ngày sau, lúc Edgar xin được khúc bánh mì bố thí ở tiệm ăn trở về, cậu vừa gặm và nghĩ rằng sẽ chừa một nửa cho em gái mình, bất chợt thấy dòng người hớt hải, la ơi ới từ phía rạp hát chạy ngược trở lại, Edgar kinh hoàng.

Và chiều hôm đó đã hằn sâu một kỷ niệm khốc liệt lên tâm hồn đa cảm của cậu bé. Một đám cháy đã thiêu rụi rạp hát, chôn vùi 60 nạn nhân dưới đống tro tàn.

Hai đứa trẻ bắt đầu lang thang như những con chó hoang giữa chợ đời. Một nhân chứng thuật lại : "Chúng nó không có bánh ăn, không củi lửa, dầu đèn để thắp, quần áo thì đã đem đi cầm hết rồi. Hai đứa bé sống dở chết dở vì đói khát. Con bé gái bị hôn mê".

Sau khi khi thần lửa đến viếng, các đào kép bỏ đi kiếm ăn mỗi người một ngả. Hai đứa trẻ bất hạnh cầu bất cầu bơ, ban ngày lê la đầu đường xó chợ mong nhặt được gì đó nhét vào bụng, đêm về nằm còng queo trên vỉa hè có mái che, hoặc chui rúc vào ống cống ngủ chung chạ với bầy chuột cống đen xì. Thời may vẫn có những người lòng nhân từ, bé Rosalie được bà Mackensie đem về nuôi, còn Edgar thì được bà Allan nhận làm dưỡng tử. Người thiếu phụ này được 27 tuổi, không con cái, vợ của một thương gia giàu có ở Richmond.

Edgar rơi trúng ngay đống vàng. Từ dưới đất nẻ rác rưởi, sình bùn của thế giới cùng đinh, cậu bé côi cút chui lên căn nhà huy hoàng, đầy đủ tiện nghi của bà Frances Allan, căn nhà sực nức mùi thuốc lá thơm và rượu quế. Từ nay cậu chàng trở thành Edgar Allan Poe và cậu đã nhanh nhẩu gọi dưỡng mẫu là "má". Hoàn cảnh sống thay đổi, Edgar bắt đầu bay trên một không gian hạnh phúc mà ngay cả chính trong giấc mơ cậu cũng không thể tưởng tượng được. Từ một cậu bé " không có lấy một góc nhỏ trong rạp hát, không thuê được một buồng con trong khách sạn" như có người đã viết về cậu, Poe biến thành một cậu công tử con nhà giàu, ăn mặc bảnh bao và được nuông chiều hết mực. Cha mẹ nuôi của Edgar rất ngạc nhiên khi thấy thằng bé thông minh kỳ lạ, nó có vẻ già dặn trước tuổi, biết đọc, biết vẽ, ca hát và kể chuyện hay không thể tưởng tượng được. Cậu ngự trị trong gia đình Allan như một ông hoàng con. Sau này Edgar Poe viết : "Ở vào cái tuổi mà ít đứa trẻ nào rời váy mẹ, tôi đã say sưa lao mình vào một cuộc sống theo ý tôi và tôi làm chủ hành động của chính tôi ".

Sống trong cảnh nhung lụa của gia đình trưởng giả đó, được đắm mình trong biển cả yêu thương của cả gia đình, nhưng nếu ai hỏi rằng cậu có hạnh phúc không ? Cậu sẽ trả lời rằng : " Không ". Bởi vì quan niệm hạnh phúc của cậu không phải là cái gì bình thường như mọi người vẫn nghĩ. Giàu sang ư , được yêu thương ư, cậu không cần, hạnh phúc của cậu là giấc mơ hằng đêm, là thế giới thần kỳ, là địa ngục kinh dị, tối tăm của một chiều không gian khác. Ở đó, con người biến thành thiên thần, có đôi cánh bay bềnh bồng giữa âm thanh cuồng nộ của sấm sét, chung quanh phủ đầy ánh sáng đủ màu sắc, những màu gợi lên cảm giác nóng nực, rực đỏ của sa mạc mênh mông hay màu lạnh như băng của Bắc cực, đen tối, sâu thẳm giữa đôi mắt mẹ Edgar, đôi mắt của người chết.

Ở đó, có thể là địa ngục hay là cái gì hun hút sâu giữa lòng trái đất, máu chảy như một dòng sông nhầy nhụa cảm giác kinh tởm, bàng hoàng, ma trơi thét gào, gọi hồn bốn phương về tề tựu trong một lâu đài xám xịt, một cái sọ người khổng lồ, giữa hai trũng mắt của nó có bầy quạ đen đang cất tiếng òe, ẹt, òe, ẹt …., tranh giành nhau một xác chết rữa nát, rỉa từng miếng thịt bóc mùi lộn mửa. Đó là hạnh phúc, đó là thế giới thần linh kinh dị, của nước mắt và của vũng bùn dơ dáy đã ám ảnh tuổi thơ của Edgar Poe.

Mùa hè năm 1815, Edgar Poe theo cha mẹ nuôi đến London nước Anh. Ông bà muốn mở rộng phạm vi buôn bán với đất nước này, mới sáu tuổi, Edgar được gởi vào trường nội trú Manos House của mục sư Bransby ở ngoại ô London.

Nỗi sầu xa xứ và sự chia ly đã quất những ngọn roi vào dây thần kinh của Edgar khi cậu mơ màng trong giấc điệp. Một lần nữa phải xa người mẹ kính yêu, người mẹ thứ hai đã bỏ chàng bơ vơ, cô độc giữa những kẻ xa lạ. Cậu tủi thân nghĩ rằng mình vẫn là đứa trẻ mồ côi, đơn chiếc cho đến muôn đời…

“Sương mù của miền bắc nước Anh đã che mờ ánh mặt trời của Richmond và đàn hải âu bay liệng trên những cánh buồm đã biến thành những con quạ kêu rên ai oán trong những lùm cây du". Những hình ảnh buồn thảm của xứ lạ quê người đã trùm lên tâm thức non nớt của cậu bé ấn tượng kinh hoàng. Mỗi giấc mơ như những thiên thạch từ vũ trụ mênh mông rơi ập vào người cậu, nghiền nát trái tim cậu. Nỗi ám ảnh đó mà 30 năm sau đã vỡ ra thành những vần thơ bi thống nhất trong tác phẩm "Con Quạ", nói về một chàng thư sinh ngồi ủ rũ bên chồng sách lúc nửa đêm, than khóc cho cái chết của một người đàn bà xuân thì, đó là hình ảnh mẹ của Edgar Poe :

… " Vào giữa đêm hôm đó, trời ảm đạm ta đang suy tư trong mỏi mệt rã rời …

Bên những pho sách kỳ dị bàn về những kiến thức không còn ai nhớ tới …

Khi ta gục đầu thiu thiu ngủ, thình lình có tiếng gõ như một người gõ cửa thật khẽ, nơi cửa phòng ta "một vị khách nào đó " đang gõ cửa phòng thôi. Chỉ có thế và không còn gì nữa ".



Tiếng gõ cửa lại văng vẳng vọng lên ở bên kia cửa sổ, chàng thư sinh vội vàng mở tung cửa và một con quạ bay vào đậu trên thành cửa lớn cất tiếng kêu buồn thảm "không còn nữa ?".



Chàng thư sinh khốn khổ van xin rằng quạ đừng lý giải về sự sống và cái chết nữa. Ta đang đau buồn vô kể. "Và quạ không hề bay đi, vẫn ở đó, vẫn ở đó."



Trên bức tượng bán thân trắng mờ của thần Pallas ngay trên cửa phòng ta.

Đôi mắt nó đang đầy dáng vẻ của một ác quý đang mơ màng.

Và ánh sáng đèn trên chảy xuống in bóng nó trên nền và hồn ta thoát ra từ chiếc bóng đó, nằm nổi trôi trên thềm.

Sẽ được cất lên… Không còn nữa !"

Năm 1820, công việc làm ăn ở nước Anh thất bại, ông John Allan cuốn gói về nước. Và thế là Edgar Poe được gặp lại Richmond- vùng đất của mặt trời năm cũ. Cậu tưởng tượng đến gặp cô em gái Rosalie từ xa, hai anh em sẽ phóng ào lại ôm nhau và những giọt nước mắt hội ngộ sẽ lăn dài trên hai gương mặt rặng rỡ niềm vui. Câu chuyện sẽ nổ như pháo rang, cô em sẽ tíu tít hỏi cậu đủ chuyện ở nước Anh. Nhưng chưa đặt chân đến nhà, Edgar Poe đã nhận được một tin buồn. Nó bay từ gia đình Mackensie, dưỡng mẫu của bé Rosalie, như một quả bom nguyên tử nổ tung giữa tâm hồn Edgar, hủy hoại tất cả những tế bào hy vọng đoàn viên trong trái tim cậu." Rosalie không lớn được nữa vì chứng điên loạn tàn phá…"Edgar ý thức được định mệnh đang cố tình đánh ván bài quyết định đối với cậu, một là cậu chiến thắng nghịch cảnh, vượt tránh khỏi niềm đau, hai là cậu quỳ xuống, dâng linh hồn của mình cho thế giới ở bên kia. Nhưng ván bài đen đỏ chơi có vẻ trung thực nên hai bên bằng điểm nhau, và điều đó khiến Edgar Poe nửa mê nửa tỉnh giữa cuộc đời. Những đứa trẻ hàng xóm và lũ bạn học đã khám phá ra "gien điên" trong dòng máu của Edgar, chúng tẩy chay không cho cậu gia nhập vào xã hội của chúng. Và chúng kháo với nhau rằng " Người ta cho biết cha mẹ ruột nó xưa kia là đào kép hát, nay nó phải sống bám vào lòng nhân đạo của người cha nuôi !...".

Edgar căm phẫn lũ trẻ cùng cực. Chúng nào biết không cha không mẹ giữa cõi đời ô trọc này là một nỗi bất hạnh lớn nhất của con người, chúng không tưởng tượng được vì những đêm bình an trong mái ấm gia đình ruột thịt của chúng không có sự ray rứt cô đơn/ Giấc ngủ của chúng bình yên và giấc mơ đẹp đẽ vô tư đến với chúng. Từ nỗi thù đời ghét người đó, Edgar tạo nên sự căng thẳng trong mối quan hệ với ông John Allan. Cậu ngủ bờ ngủ bụi không thèm bước về căn nhà sang trọng có nệm ấm chăn êm kia.



Mỗi ngày Edgar càng trở nên lạnh lùng với những va chạm chung quanh, cậu ít nói và không còn biết cười nữa. Edgar như con sâu chui rúc vào tổ kén cô đơn, mùa đông tâm lý khiến con sâu tội nhiệp nhỏ bé đó co rúm thân hình, oằn oại trong cái rét buốt nội tâm. Những con chữ xoay tít như bông vụ trong tiềm thức, chạy qua chạy lại trên vần trán đẫm mồ hôi của Edgar Poe. Nó vụt quần tụ hai bên thái dương, đâm vào dây thần kinh của cậu khiến tay chân cậu run rẩy. Nó len lỏi vào cánh tay phải, bơi trong các mạch máu có những đường kênh đào chằng chịt rồi nó chui lọt vào cây viết, xoay tít mãi và cuối cùng biến thành những giọt mực chảy ra đầu ngồi viết, lẫn lộn trần truồng trên trang giấy theo nhịp tay cuống cuồng đặt xuống, nhấc lên của Edgar Poe. Những con chữ tắt thở, nằm bất động như từ xác chết của chúng, lung linh những ánh sáng có màu sắc của mặt trời, trăng sao, đồng tử con người và nụ cười say đắm của những kẻ đang yêu.

Cũng may trong thời gian này Edgar vẫn còn người an ủi cậu. Bob Stanard, một người bạn của Edgar, đã đem cậu về giới thiệu với mẹ mình.

Khuôn mặt người đàn bà tuyệt vời đó đã quyến rũ Edgar ngay tức khắc. Đôi tay bà trắng xanh, giọng nói như rót mật vào lòng…Đối với Edgar, bà Stanard là một thực thể đàn bà nhất trong tất cả những người đàn bà. Cậu gọi bà là "Helen ". Bản năng và lý trí trong con người Edgar xung đột mãnh liệt theo từng lời réo gọi vô hình của " Helen".



Ngày nọ bà "Helen " trốn biệt trong phòng, khóa chặt cửa và chỉ có quan tòa Stanard, chồng bà mới vào được. Những kẻ ngồi lê đôi mách, thích chõ miệng vào đời tư người khác cho rằng bà bị điên loạn. Tháng tư năm 1821, căn phòng được mở toang, nhưng không có bóng dáng của một kẻ bệnh tâm thần, tóc tai rũ rượi, lảo đảo bước ra mà chỉ có một thân hình cứng ngắc, xanh mét nằm trên chiếc băng dài được bốn người đàn ông khiêng ra. Bà " Helen" qua đời.



Sau này, Edgar Poe kể lại mỗi đêm ông có thói quen của một kẻ mộng du, chân bước theo quán tính, lang thang ra nghĩa trang Schockol để nói chuyện với người chết tuyệt đẹp đó và tập thơ " Cho Helen" mà các nhà nghiên cứu văn học Mỹ cho rằng Edgar Poe đã viết trong thời kỳ này lúc cậu mới 15 tuổi đã là một hạt ngọc kết tinh trong vỏ sò cô đơn của Poe. Nó bộc lộ khả năng tư duy của một bộ não chứa số lượng tế bào thần kinh hơn bình thường. Đứa con tinh thần đó chứa đựng lòng mong mỏi của một hồn thơ niềm tin về nét đẹp xa xưa của nền văn minh Hy-La cổ đại và của một thế giới "không với tới được ", còn nằm trong lý tưởng của con người, hay nói cách khác, một vũ trụ thẩm mỹ hỗn mang cách xa nhận thức của nhân loại hàng tỷ năm ánh sáng trí thức.Nhưng vẫn bám rễ sâu trong sự hồn nhiên, chân thực của ngôn từ :


" Hỡi Helen, nàng đẹp cho ta

Như những cánh thuyền buồm ở Nice ngày xưa

Êm đềm lướt trên biển cả ngát thơm

Đưa kẻ lữ hành mệt nhọc trở về

Bờ bến quê hương..."



Edgar bước chân vào trường Đại học Charlottesville. Chàng là một sinh viên xuất sắc, nhưng tiếng gọi ma quái từ trong sâu thẳm tâm hồn đã xúi giục chàng lìa bỏ ngôi trường đó. Chàng như một người bị bệnh "nhị nhân cách", cứ tưởng mình là một người hoàn toàn khác mình, hôm nay tôi là "A" ngày mai tôi là "B"... Chàng sống một mình và vào một buổi chiều mùa đông, khi ngọn lửa trong lò sưởi lụi tàn, heo hắt, chàng bẻ gãy mọi đồ đạc trong phòng, quăng vào lò và nhìn ngọn lửa hồi sinh, bùng cao ngọn như một người điên. Chàng nốc rượu hết cốc này sang cốc khác, "uống dã man " – như chàng nói.

Con trai của David Poe, một bợm nhậu thứ thiệt, cũng đã trở thành đệ tử chính hiệu của thần lưu linh. Chàng lặn hụp trong một biển cả rượu quế suốt ngày, rồi chàng bơi được vào một hoang đảo nhưng đó là nơi chốn của sự ma quái, những cây cổ thụ trơ trụi, vươn cánh tay sần sùi ra bóp cổ Edgar khiến chàng bàng hoàng, sợ hãi. Bất chợt những cành cây biến thành hàng chục khuôn mặt đàn bà đẹp, nhoẻn miệng cười tình tứ với Edgar khiến chàng kinh ngạc, thích thú. Rồi chàng lao mình vào chiếu bạc, quên ăn quên ngủ, biến căn phòng số 13 của mình thành một sòng bạc khổng lồ. Ngày trở về Richmond, Edgar cháy túi, 2.000 mỹ kim chỉ còn là đống tro tàn trong trí nhớ. Cả trăm chai champagne chui tọt vào bụng chàng, sôi lên ùng ục rồi bốc hơi biến mất.

Người cha nuôi khuyên nhủ chàng hết lời, nhưng lời nói chỉ làm chàng buồn hơn, hối hận được một thời gian rồi chứng nào tật nấy, ngày 24 thang 3 năm 1827, Edgar bỏ nhà ra đi, thần lưu linh và sòng bạc đang đón chàng phía trước.

Cuộc "rong chơi" này lâu dài nhất so với những lần "phiêu lưu"khác.Nàng thơ bám gót, hầu hạ Edgar những lúc chàng lên cơn sốt văn chương.

Theo những tập hồi ký của Poe, thời gian đó chàng chiến đấu ở Hy-Lạp nhưng thực ra chàng đăng ký vào đội pháo binh liên bang với tên giá "Edgar A.Peny", gia nhập quân ngũ ngày 26 tháng 5 năm 1827. Hai năm sau ngày 28 tháng 2, bà Frances Allan, mẹ nuôi chàng qua đời, Edgar Poe không được gặp mặt bà lần cuối cùng để vuốt mắt người dưỡng mẫu thân yêu đã cưu mang những ngày chàng đói rách. Khi hay tin tang tóc đó, Edgar say bí tỉ, chàng khóc lóc thảm thiết và nốc thêm cả chai rượu nữa. Và nửa đêm, lúc nằm sải tay sải chân dưới sàn gạch, nàng thơ vực chàng dậy, dìu chàng đến bàn viết.

Sáng hôm sau, Edgar đào ngũ, trở về Richmond trên chuyến tàu đầu tiên. Nhưng chuyện đã đâu vào đấy. Bà Frances Allan đã được mai táng từ mấy ngày trước đó.

Mặc dù là cha nuôi, nhưng tấm lòng người dưỡng phụ của Edgar Poe bao dung vô bờ bến, ông quên hết những phiền muộn do cậu quý tử gây ra. Ông John Allan lại tìm cho chàng việc làm, nhưng Edgar Poe không thể gò mình công sở hàng ngày như những ông công chức già mẫu mực. Chàng lại nốc rượu li bì và xem những ngày trong tuần đều là ngày chủ nhật. Chàng kính trọng và biết ơn cha nuôi nhưng chàng không thể sống khác được. Hai tính cách đàn ông không phù hợp nhau trong một mái gia đình. Thế là chàng lên đường, một đi không trở lại.

Ban đêm Edgar lang thang vào công viên, nằm ngã vật trên cỏ ướt đẫm sương giá, ánh mắt buồn rười rượi, nhìn lên bầu trời đầy những vì sao thần kỳ trong các chuyện cổ tích. Edgar chơi vơi giữa hư thực, lắng nghe tiếng gió rít gào, làm lay động những tán lá mờ đen. Edgar Poe là một kẻ loạn thần kinh hay một người quá nhạy cảm, quá giàu tưởng tượng ? Những tín hiệu đó xuất phát từ một thiên tài hay kẻ bệnh hoạn ? Không ai biết, không ai chấp nhận một lối sống quái gỡ, dị thường như vậy. Mấy ngày sau, chàng được tuyển vào Viện đại học quân sự West – Point rồi bị tống cổ vì tội vô kỷ luật, nhưng chàng nào là kẻ bướng bỉnh, chống đối cấp trên. Edgar hiền như đất, mơ mộng như con gái và thích làm những gì chàng muốn, bất chấp tính tập thể và kỷ luật nghiêm khắc của quân trường.

Tập thơ đầu tay của chàng, viết trong những năm tháng ấy, nhiều bài tuyệt tác nhưng bị giới văn chương Mỹ bỏ rơi vì nó là giai điệu theo một tốc độ siêu thanh, đi trước thời đại quá xa, tiếng nói của nó là tiếng lòng của một tư tưởng vĩ đại, hình dáng của nó chỉ được nhận ra rõ rệt khi con người đeo cặp kính hồng ngoại tuyến của siêu thực, nhận thức và cảm thụ trong một tư duy nghệ thuật vượt khỏi những quy phạm thẩm mỹ thông thường.

Trong con người Edgar luôn luôn có hai sự đối chọi nhau. Một hình thể đẹp trai, lịch sự, học giỏi, chơi thể thao hay và mặt khác, "một bóng ma, một tên nô lệ cho thói say sưa truyền kiếp"... một con người lấy sầu muộn làm thú vui cho cuộc đời mình.

Mỗi lần Edgar cuối xuống bàn viết là mỗi lần trang viết cháy lên ngọn lửa của loài ma quỷ, nhưng phát ra hào quang trác tuyệt của một vị thánh.

Đối với chàng, người mẹ yếu đuối, thảm thương kia là hình ảnh của mọi người mẹ trong một người mẹ, một khuôn mặt lớn hơn tất cả các khuôn mặt.Sau này, trong tất cả câu chuyện, chàng đều nhắc đến tình mẫu tử thiêng liêng, lòng thương của mẹ dành cho chàng như trời biển mà cuộc đời thì ngắn ngủi tấc gang. Trong những vần thơ của chàng, Edgar đã lý tưởng hóa khuôn mặt người mẹ, tôn thờ mẹ ở ngôi vị thánh thần, "người mẹ đẹp hơn cả hoàng hậu trong những kiệt tác của Shakespeare".

Người mẹ gầy gò xanh xao trong đêm cuối cùng chàng còn nhìn thấy là thân thể bất động, im lặng, Cặp mắt vô hồn mở trừng nhìn vào khoảng không hư vô, như uất ức đời sao khốn khổ. Edgar không thể nào quên hình ảnh đó, nó cứ lay lắt trong tiềm thức của chàng và hiện về trên những trang giấy. Sự chết có ý nghĩa, hủy diệt một dạng vật chất hữu sinh hay vô sinh nào đó nhưng nó còn có ý nghĩa như một sự thể luyện nhằm gạn lọc mọi nhơ bẩn, bụi bặm của trần gian để biến thành tuyệt đối trong ý nghĩa chân, thiện, mỹ... và đó là viên kim cương đã qua những đớn đau của kiếp người để sáng lấp lánh trong tâm hồn Edgar Poe, phản chiếu qua những vần thơ lạ thường của chàng. Và nhà thơ đó đã tham dự vào một thế giới siêu thực tại. Ở đó, người đàn bà là mẹ hiền, là người vợ yêu dấu và thế giới đó là một nhà giam nhốt linh hồn khốn khổ của Poe cho đến ngày chàng nhắm mắt xuôi tay.

Giờ đây không thể trở về Richmond, chàng đi đâu khi trong túi không còn một đồng bạc, cô đơn phết lên mặt chàng màu của xác chết. Edgar Poe kéo lê cuộc đời bi đát của mình đến nhà bà cô chàng ở Baltimore và bà Maria Clemn trở thành người mẹ thứ ba của chàng. Edgar sống bám vào người đàn bà này, đầy đủ nhưng vẫn buồn thảm, cô đơn. Chàng cảm thấy tinh thần của mình đã đến độ chín muồi, nếu không dâng tặng cho đời " loại đặc sản " đó thì sau này nó chỉ còn là một thứ trái cây rệu rữa, hư thối. Vì thế, Edgar Poe lao đầu vào sáng tác, mong kiếm được sự thành công xứng đáng với một kiếp người. "Phải có danh gì với núi sông ".

Năm 1833, chàng gởi 5 tác phẩm dự thi "Sáng tác truyện" do báo Baltimore tổ chức và chàng đoạt giải nhất qua tác phẩm Bản thảo tìm thấy trong một cái chai. Ban giám khảo khi đọc tác phẩm đã tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên và nhận thấy tác giả của nó là một nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà thơ tiên phong cho trào lưu sáng tác mới mà sau này chúng ta gọi là "tiềm thức, siêu thực”. Và ban giám khảo đặc biệt giúp đỡ chàng, đưa chàng làm tổng biên tập một tờ tạp chí ở Richmond, tờ "Sứ giả văn học miền Nam” (The Southern Literary Messenger). Edgar Poe viết: "Bây giờ thì tôi hoàn toàn dễ chịu và sung sướng về mọi mặt, tôi đã thấy trước một thành công tốt đẹp trong tương lai".

Nhưng cuộc sống riêng của chàng sau gời phút thăng hoa của sự thành đạt đã chùng xuống như một dây đàn sắp đứt dây. Rượu ném chàng lên đỉnh cao của sự sảng khoái rồi ghì chàng xuống hố thẳm mệt mỏi. Ba tháng sau, chàng viết : "Tinh thần tôi bị suy nhược như chưa bao giờ như thế. Tôi đã chống trả một cách vô ích mãnh lực của sầu buồn. Tôi khốn khổ lắm mà không biết tại sao".

"Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn" là một cảm giác bình thường của những nhà thơ, cái tất yếu nảy sinh cảm hứng sáng tạo những vần thơ lãng mạn, nhưng đến độ "hư vô " như Edgar Poe, có thể xem là một bệnh lý được tạo bằng men rượu. Với một hệ thần kinh hoạt động mãnh liệt, bắt buộc một sinh thể phải tự giải quyết những ẩn ức, thế là chàng lại ngao du, lặn lội đi tim vùng đất hứa cho bản thân mình, cho tâm hồn mình.

Từ Richmond chàng đến Philadelphia rồi sang New York. Thời kỳ này chàng viết tác phẩm "William Wilson", "Sự suy sụp của nhà họ Usher" phản ánh sự tự hủy phần hồn lẩn phần xác của chàng.

Chàng đến tá túc nhà bà cô năm 1831, lúc đó Virginia , cô em họ của chàng mới 9 tuổi. Mổi lần đi chơi, dạo bước trên những cánh đồng, Edgar đều dẫn nàng theo. Virginia trở thành cô bạn gái thân yêu nhất đời chàng. Năm tháng dần trôi, nàng mỗi ngày mỗi đẹp hơn, tính tình hiền dịu và trầm lặng. Khi nàng được 14 tuổi, Edgar Poe nhận thấy nàng rất giống mẹ chàng.
"Nàng có đôi mắt và làn da trắng gương mặt nàng tái xanh, đôi mắt sáng láng và mái tóc đen huyền đã tạo cho nàng một thần thái thanh thoát".

Edgar say mê đắm đuối cô em họ, và lửa gần rơm lâu ngày đã phát cháy.Chàng xin cưới Virginia. Bà Clemn kinh ngạc khi chàng ngỏ lời cầu hôn, vì chàng đã gần 27 tuổi, trong khi Virginia vẫn còn là một cô bé con, sặc mùi hơi sữa.

Ban đầu bà từ chối nhưng khi nghĩ đến đứa con bệnh hoạn của mình đang bị chứng lao phổi kinh niên, chưa chắc nàng sống được đến tuổi 25 và cũng thương đứa cháu trai côi cút, bà bất chấp dư luận. Đám cưới diễn ra ngày 26 tháng 5, người ta tìm cách chứng nhận cô bé năm nay 21 tuổi. Vị linh mục có nhiệm vụ trong việc cử hành hôn lễ biết rõ, nhưng vẫn im lặng giả vờ tin rằng cô dâu vị thanh niên đã trưởng thành.

Tuần trăng mật kéo dài nửa tháng và ngày trở về, Virginia vẫn là nàng trinh nữ của ngày xưa. Edgar thú nhận :" Tôi yêu nàng như yêu một đứa bé, tôi không thể nào nghĩ nàng như một người vợ". Và Virginia đã làm vợ, làm em gái và làm con gái của chàng. Nàng là người đàn bà trẻ con, huyền ảo mà Edgar đã chờ đợi từ bao nhiêu năm nay. Chàng tin rằng Virginia chính là mẹ chàng đầu thai lại.

Theo lời tâm sự của Edgar thì chàng không có quan hệ tình dục vớiVirginia ,thuần túy một tình yêu tinh thần, một cuộc hôn nhân trên danh nghĩa. Người đem đến sự thỏa mãn thể xác cho Edgar chính là Bà Stanard một thiếu phụ nồng nàn trong ân ái, có kinh nghiệm cuộc sống vợ chồng. Nhưng người đàn bà này cũng không gắn bó với Edgar được lâu. Tuy không có mụt ruồi kiểu "thương phu trích lệ" của phái nữ, nhưng ai được chàng yêu đều mang kiếp hồng nhan bạc mệnh. Bà Stanard đã bỏ chàng, từ giã cuộc đời này đễ sang một cõi hư vô nào đó.

Edgar làm thơ rất tuyệt nhưng kiếm tiền nuôi vợ không tuyệt chút nào. Thế là chàng và nàng đành phải "dìu nhau đi dưới bóng nợ nần ". Mái hạnh phúc gia đình được lợp bằng những miếng ngói túng quẫn, đói rách. Và bà Clemn biến thành một "Mạnh Thường Quân" hết lòng lo cho con rể. Bà chạy đôn chạy đáo, gửi gắm các chủ báo, nhờ họ quan tâm đến bài vở của Edgar Poe.

Định mệnh của chàng luôn luôn bị sự bất hạnh rình rập. Nàng Virginiacàng ngày càng héo hắt, xanh xao hơn. Những con vi trùng "Kock " đục khoét buồng phổi của nàng suốt ngày đêm và tử thần thì chầu chực sẵn ở đầu giường. Edgar lo sợ trước tình trạng sức khỏe suy sụp của vợ, để trấn an nàng trinh nữ và cả chính mình, chàng dệt muôn lời hoa gấm trên các vần thơ, tôn tặng nàng. Lúc này, khuynh hướng "trốn chạy " trong con người chàng càng bộc lộ hơn, chàng sợ sự ám ảnh của cái chết. Edgar đã mất mát quá nhiều người thân, chàng e rằng mình không chịu đựng nổi nếu Virginia qua đời. Nhưng chỉ có cái chết mới đưa cô gái hư ảo này lên bàn cân kỷ niệm của đời chàng, mới đối địch với " Helen " – một "tình yêu vô vọng", mới cân xứng với mẹ chàng – một thiên thần của trái tim chàng. Chính vì thế, Edgar mượn rượu để tìm quên, thoát ly thực tế bi đát bằng thuốc phiện.

Giới văn nghệ ở nước Mỹ lúc đó bắt đầu cảm nhận được tư tưởng của chàng phần nào, thi phẩm " Con quạ " được các nhà lý luận phê bình phân tích như những nhà động vật học khảo sát" con phượng hoàng ". Edgar được phong là người nghiên cứu về trạng thái " hoàng hôn " của tâm hồn con người, là nhà phẫu thuật tuyệt vời về những giao động bệnh hoạn trong tâm lý cá nhân con người. Ngay thời điểm Edgar được ngợi khen ấy, nàng Virginia bắt đầu thổ huyết trong một căn gác xép hoang lạnh, thiếu ánh sáng mặt trời. Báo chí lên tiếng, kêu gọi lòng giúp vợ chồng EdgarPoe – " hai ngọn đèn cầy leo lét trước giông bão của cuộc đời" như trước đây người ta đã từng kêu gọi tình người đối với mẹ chàng, bà Elizabeth Poe.

Một chứng nhân đã thuật rằng : "Trên giường không có chăn nệm gì nữa, chỉ còn lại một lớp rơm. Trời lạnh buốt, người con gái bệnh tật rùng mình từng chập vì cơn sốt tiêu hao hành hạ. Nàng cuốn mình trong chiếc áo choàng lớn của chồng, một con mèo to vằn vện nằm yên trên ngực ".

Ngày 30 tháng giêng năm 1847, Virginia trút hơi thở cuối cùng tại Fordhom, một vùng ngoại ô ở New York. Mặt dù hình hài nàng đã trở thành cát bụi nhưng linh hồn đã trở thành bất tử trong các dòng chữ của Edgar Poe, nàng chính là hiện thân của Annabel Lee.

"Những năm xa xưa về trước, trong một vương quốc nằm ven bờ biển cả, một người con gái đã sống, tên nàng là Annabel Lee. Người con gái
bé bỏng không bao giờ sống với một ai khác và không nghĩ gì hơn ngoài tình yêu nàng cho ta và tình yêu ta trao nàng ".

Những vần thơ của chàng đã vút lên trời những âm thanh chiến thắng, đã xác định một sức mạnh phi thường, không có sự chia rẽ nào xóa nhoà được ký ức. Huyền năng của Chúa nhằm xoa dịu nỗi đau của con người trước sự chết, nhưng cái chết của Chúa, cái chết của nàng Edgar có phải đã xoa dịu sự ngạo mạn của tử thần ? Thần chết chỉ chiếm hữu được phần vật chất, còn phần linh hồn mãi mãi sống trong tâm tưởng con người, tâm tưởng của Edgar Poe :

" Những thiên thần trên trời cao kia

Và loài quỷ dữ dưới lòng biển cả

Không thể chia cắt linh hồn ta với linh hồn

Của Annabel Lee diễm tuyệt

Vì mặt trăng chẳng bao giờ chiếu sáng

Mà không nhớ đem ta vào giấc mộng

Về Annabel Lee diễm tuyệt

Và những ngôi sao không bao giờ mọc

Nếu ta không nhìn được đôi mắc sáng ngời

Của Annabel Lee diễm tuyệt

Và những ngọn sóng đêm, ta nằm xuống một bên

Ôi ! Hỡi người ta yêu dấu, là đời sống ta và người vợ mới cưới.

Trong lăng tẩm nàng bên kia bờ biển cả

Trong mộ phần nàng vờn sóng đại dương ".


Nhà thơ Edgar Poe lại lao vào rượu mạnh và thuốc phiện. Năm 1848, đánh dấu ngày tàn của chàng, mặt chàng bị tê liệt vì nha phiến. Nhưng tâm hồn chàng vẫn còn khả năng tiếp nhận tình yêu một cách mãnh liệt. Một người đàn bà khác xuất hiện, đó là Hélène Withman, một người quá phụ lớn tuổi và giàu có. Bà thật sự yêu thương và kính trọng chàng, mặc dù tuổi đời của bà xứng đáng trong vai người mẹ hơn là một người tình của Edgar Poe.

Bà đến thăm chàng lần đầu, lúc đó chàng đang ngồi thả hồn trên trang giấy. Tóc tai chàng nhuộm phẩm nâu, trên bàn đặt một cái sọ người, bên trong nuôi một con quạ. Vừa bước vào phòng, bà chợt giật mình vì trong hốc mắt của cái sọ ló ra một cái đầu quạ đen ngòm gọi tên "Poe". Chất lập dị của nhà thơ đã chinh phục bà Hélène hoàn toàn.

Hai người yêu nhau trong không khí mê cuồng , ma quái, không có ngôn từ bắc nhịp cầu giữa hai sinh thể, cuộc đối thoại giữa hai người điếc, đồng cảm với nhau do tâm truyền, mật truyền. Và chàng gởi cho nàng 1 bức thư nồng thắm :

Ngày 6 tháng 5 năm 1848

Hélène hiền dịu của anh ơi,

Anh đã ép thư em lên môi nhiều lần, làm cho bức thư đẫm lệ. Những giọt lệ hân hoan, những "giọt lệ thiêng tuyệt vọng ". Khi em bước vô phòng, gương mặt xanh xao e lệ và rõ ràng là đang nghẹn ngào khi thoáng nhìn vào đôi mắt anh, khi ấy, lần đầu trong đời, anh rùng mình hiểu rằng có những giao cảm vượt quá tầm nắm bắt của lý trí. Anh nhận ra em là Hélène – Hélène của anh, Hélène của muôn ngàn giấc mơ – Người mà duyên kiếp đã định là của anh – của riêng anh – nếu không trong kiếp này thì ôi thôi ! Chắc là của kiếp sau, mãi mãi, trên cõi thiên đường.

…Rồi em nắm tay anh và cả tâm hồn anh xao động, đê mê và lúc ấy, nếu không sợ làm em buồn lòng, thấy là bị xúc phạm thì anh đã quỳ xuống chân em với tấm lòng tôn thờ thanh khiết, chân thực đối với một thần tượng hay đối với Thượng đế vậy.

Và sau đó trong những đêm liên tiếp đầy hạnh phúc thần tiên, em đi lại trong phòng, tâm trí anh quay cuồng ngây ngất, anh không nghe, không nhìn em bằng giác quan trần thế, chính là tâm hồn anh nhận ra em lúc ấy đó em !

Em không thấy tình yêu là của tâm hồn sao ? Em yêu – anh xin hỏi –không những lương tri em mà cả con tim em nữa – em không thấy là con người tuyệt thế, con người lý tưởng mà anh khao khát chính là em đó sao ? Linh hồn có tuổi tác bao giờ hả em ? Vĩnh cửu thì cần gì phải quan tâm tới ít nhiều năm tháng cơ cực của cuộc sống trần gian này ? …

Năm 1849, Edgar trở về quê hương Richmond, mong tìm được chút nắng ấm mặt trời cho khoảng đời còn lại. Chàng tu tỉnh bản thân, tổ chức những buổi diển thuyết và thường lui tới những cuộc họp với giới nghệ sĩ hoặc các nhân vật chính trị.

Edgar Poe thề độc là sẽ bỏ hẳn rượu, nhưng cuộc "hưu chiến " với thần lưu linh kéo dài không quá hai tháng. Ngày 27 tháng 9, chàng trở về New York. Bà góa phụ Hélène Withman dự định đến gặp chàng để bàn "chuyện trăm năm " nhưng chưa kịp thấy mặt Edgar Poe thì người ta báo tin rằng ngày 3 tháng 10, chàng nằm bất tỉnh trong một quán rượu ở Baltimore. Họ đem chàng vào bệnh viện Washington College Hospital.

Đến ngày 7 tháng 10 năm 1849, Edgar Poe trút hơi thở cuối cùng. Cái chết đã giải thoát cho linh hồn khốn khổ của chàng.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013


Tư duy trần thế


Người dân cần thiết đối thoại được thẳng thắn, trong sự tôn trọng, với đảng cầm quyền, vào thẳng các công việc thiết thực, với tinh thần trần thế.

Hàng vạn năm trước đây, đời sống con người chưa khác với đời sống loài vật bao nhiêu. Cái tiêu biểu nhất có lẽ ở chỗ khác, ở khả năng phản tư về sự tồn tại của chính mình.

Có thể hình dung hoạt động tâm lý ban đầu ở giới động vật như sự lắp đặt thành công tấm gương phản chiếu giới tự nhiên vào trong não trạng. Ở giai đoạn thứ hai tiếp theo là sự lắp đặt thành công tấm gương phản chiếu chính cái hoạt động tâm lý này, tạm gọi là sự phản tư, bắt đầu phần nào ở động vật cao cấp, và phát triển mạnh mẽ ở con người.

Chính năng lực phản tư này dần dần làm con người tách được mình ra khỏi loài vật và giới tự nhiên xung quanh, rồi tự tách được mình ra khỏi chính mình. Tuy nhiên sự tự giải đáp ở thuở ban đầu mang đầy tính tưởng tượng khắc khoải mông lung.

Sự tưởng tượng khắc khoải mông lung ấy tiến triển dần lên thành những tưởng tượng khắc khoải thần thánh.

Chúng ta là con của ông Trời, có sứ mệnh đặc biệt để thống trị dẫn dắt muôn loài. Ta lấy hình ảnh của mọi sức mạnh lớn lao đem về để vẽ ra cho mình: mặt trời, mặt trăng, các vì sao, rồi gió bão, hồng thủy, rồi hổ báo, voi, tê giác, rắn rết, chim ưng, cùng các tưởng tượng gán ghép từ đó, như rồng như phượng. Nỗi sợ hãi cũng được thần thánh hóa nốt, thành ma lực, mặc khải, hóa kiếp, vân vân.

Mãi tới rất gần đây, vài trăm năm, hoặc có nơi mới chỉ vài chục năm trở lại, con người mới có tạm đủ hiểu biết và lòng dũng cảm để dựng nên được tấm gương phản chiếu ở tầng thứ ba để đối mặt với chính mình thêm một lần nữa, và chấp nhận dần ra cái trần thế, để có được tư duy trần thế.


---

Cuối những năm 80 thế kỉ trước, xã hội xứ ta rục rịch mở cửa, tôi có dịp được gặp một vài nhà nghiên cứu từ Âu Mỹ qua đất Việt.

Các cuộc hội thảo mở màn khi ấy thật nhiều hương vị, vì ngôn ngữ và tư duy cách nhau xa và lạ. Có nhà nghiên cứu xứ ta hỏi một giáo sư triết học người Mỹ rằng "hệ tư tưởng của nước Mỹ là gì?", ông này ngớ người ra. Hồi lâu ông ấy mới trấn tĩnh rằng "những xã hội như ở Mỹ thì có rất nhiều tư tưởng, nhưng không có 'hệ tư tưởng'. Hệ tư tưởng chỉ tồn tại trong những xã hội tập trung hóa hoàn toàn".

Trong một buổi đi bộ ngoài phố với một ông giáo sư người Mỹ khác, ông này hỏi tôi rằng các công dân ở đất Việt đã tương đối tự do bình thường chưa?

Tôi mỉm cười bảo "nhìn chung thì họ cũng tương đối tự do bình thường rồi, như ông đang thấy", không kém một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Ông giáo sư vui vẻ: tôi ở khách sạn, chán quá. Tôi muốn về nhà ông ở, đi chơi, nói chuyện cho vui, trả tiền trọ, tiền ăn uống đàng hoàng, có được không ạ?


Tôi ngắm ông giáo sư, và bảo "ý ông hay thật! Tôi quên khuấy mất là tôi vẫn đang ở trong một xã hội tư duy thần thánh khi trả lời ông lúc nãy! Cái này, thì chưa được ông ạ!"


---

Điều rất may mắn mà chúng ta lại hay quên, là chúng ta đang sống trong thời bình đã vài chục năm nay. Ta phải biết ơn thời bình, và biết quên đi thời chiến. Điều đó tất nhiên không có nghĩa là không lo xây dựng cho ra trò nền quốc phòng.

Thời bình đòi hỏi các nguyên lý sống riêng của nó.

Tục truyền ngày xưa vua Lê đã biết trao trả lại gươm thần cho Rùa Vàng, để chuyển sang học cách sống thời bình cùng với mọi người sau khi đã giành lại được độc lập vào năm 1427. Cứ tạm biết như thế. Điều quan trọng là tư duy của cộng đồng người Việt đã biết nghĩ đến được điều này, một khi câu chuyện đó được truyền kể, ít (hay lâu) sau lúc đó.

Nghĩa là phải biết dẹp bỏ ngôn ngữ, tư duy của thời chiến, để có thể dựng nên được cuộc sống thời bình.

Còn ngày hôm nay con người còn phải đòi hỏi cao hơn nữa: dẹp bỏ tư duy thần thánh.


---

Ở Pháp, bạn đi nghỉ vài tuần. Bạn có thể và nên làm một việc như sau: báo cho cảnh sát. Và mấy ông cảnh sát này sẽ thỉnh thoảng lượn ôtô đảo qua nhà bạn bất chợt vào ban ngày, hay vào ban đêm, để xem có tay du thủ du thực nào hý hoáy không.

Đấy là tư duy trần thế hôm nay của thời bình. Cảnh sát ăn lương từ tiền thuế của người dân. Công việc phải làm của anh ta là gìn giữ trật tự xã hội. Anh ta phải có trách nhiệm, chủ động và sáng kiến thực thi công việc đó. Anh ta không phải là người có cái quyền thần thánh "thay Trời trị ai" cả. Vào một dịp khác tôi sẽ muốn nói kĩ hơn về lực lượng vũ trang thời nay, họ phải trở thành chuyên nghiệp, thực thi một nghề nghiệp đặc biệt, một nghề được đăng tuyển công khai trên thị trường lao động, hợp đồng lao động khiến họ chấp nhận hiểm nguy, nhưng được nhiều ưu đãi về tiền lương, bảo hiểm, cùng hưu trí.

Một đảng thời bình, cũng như vậy. Đảng cầm quyền có những lý tưởng của riêng mình, nhưng đối với người dân của xã hội trần thế, thì đó chỉ là một chính đảng trần thế đang cầm quyền. Người dân cần thiết đối thoại được thẳng thắn, trong sự tôn trọng, với đảng cầm quyền, vào thẳng các công việc thiết thực, với tinh thần trần thế. Và bản thân đảng cầm quyền cũng phải tìm ra được ngôn ngữ, tư duy, cách giao tiếp, cách hành xử công việc một cách trần thế với xã hội.

Ngôn ngữ là công cụ để nhận thức, và để giao lưu. Ngôn ngữ thời bình hôm nay phải được giải tỏa khỏi tính thần thánh, phải hướng đạt đến trần thế.

Các định chế quyền chính hiện đại thực chất phải là các quy chế đạt đồng thuận về các sinh hoạt chung của xã hội, được hình thành nên thông qua việc toàn xã hội đàm thảo, xây dựng các thể chế lập pháp, hành pháp, tư pháp, thông tin. Như thế khi người dân đối thoại với các định chế quyền chính, họ chỉ việc đối thoại đơn giản với chính bản thân mình, trần tục.

Cái định chế này được quen gọi theo một danh từ truyền thống nhuốm sắc màu thần thánh, là "quốc gia", hay "nhà nước". Nghĩa là đất nước nằm trong tay một nhà, một dòng họ. Đó là một sự cản trở tinh thần rất lớn, nó không giải phóng con người ra khỏi được ý thức vua-quan-thần dân ngàn xưa. Danh từ "thể chế" chẳng hạn thể hiện được tinh thần trần thế. Etat trong tiếng Pháp, State trong tiếng Anh cũng thể hiện được tinh thần trần thế này.

Ngày lễ độc lập trước đây chúng ta gọi là "Tết Độc lập", xác thực. Ở Pháp gọi là "Tết Dân tộc", "Fête Nationale". Ở Mỹ gọi là "Ngày Độc Lập", "Independence Day". Thế rồi cái thói quen thần thánh lại đưa nhiều người gọi ngày này ở xứ ta thành ra là "ngày lập nước", "khai quốc"! Nước Việt hiển nhiên đã được thành lập từ hàng ngàn năm nay rồi, chứ không phải chỉ từ mấy chục năm!

Xây dựng đời sống hôm nay, hãy rũ bỏ từng bước, rồi tất thảy những lối nghĩ, lối nói, lối làm việc, lối sống thần thánh.

Xây dựng lối nghĩ, lối nói, lối làm việc, lối sống trần thế. Để dần đạt được hạnh phúc trần thế./.
Hoàng Hồng Minh

Thoát vòng danh lợi


Nguyễn Công Trứ

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Đám phồn hoa trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao xiết kể.
Quá giả vãng nhi bất thuyết, (1)
Cái hình hài làm thiệt cái thân chi.
Cuộc đời thử gẩm mà suy,
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu.
Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ,
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ,
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt.
Mặc xa mã thị thành không dám biết,
Thú yên hà trời đất để riêng ta.
Nào ai, ai biết chăng là ?



(1) Lấy ý ở sách Luận Ngữ: việc đã qua rồi không nên nhắc nữa.

Hoa trái trong đời


Lê Minh Quốc

Đêm nay em đang ngủ một mình
Vòm trời lạ ngọn gió lạ căn phòng lạ
Tiếng nói lạ món ăn lạ nhưng giấc mơ không lạ
Trong giấc mơ em vẫn có anh ngồi

Anh chở che vuốt ve con mắt
Sau một ngày nhọc nhằn
Ngủ ngoan nhé em yêu
Anh sẽ hôn lên môi
Đóa hoa hồng vẫn vẹn nguyên trinh tiết
Ngôi sao trên vòm trời
Vẫn hân hoan hát về mỗi sớm mai tinh khiết
Ta cầm tay nhau đi xuống cõi con người
Sự sống bắt đầu sinh sôi
Bắt đầu từ chữ A đến tận cùng chữ Z
Bắt đầu từ hạt đã gieo
Mọc lên hoa trái của tình yêu
Bắt đầu từ em
Với những điều cũ xưa nhưng bây giờ lại mới
Bởi là em
Này em, đêm đã đêm
Anh mở cửa ngóng về phía chân mây
Tìm kiếm một ngôi sao vừa mọc
Đêm nay em đang ngủ một mình
Anh vẫn giữ trái tim em trong ngực
Hát lên những lời ca không còn đơn độc.

Địa chỉ buồn


Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu
Có mùi hương cỏ đêm sâu
Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm

Tôi về ngủ dưới vầng trăng
Có em từ chỗ vĩnh hằng nhìn tôi
Tình xa, xa mãi trong đời
Tóc xanh tiên nữ rối bời trên tay

Tôi còn ngọn nến hao gầy
Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
Tôi xin em chút lòng thành
Cài lên một phiến u tình làm hoa

Những chiều Bến Ngự giăng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang

Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu
Cây sầu đông, cây sầu đau
Thương tôi cây cũng nở màu hoa râm.