Tác giả: Hamvas Béla
Dịch giả: Nguyễn Hồng Nhung
Tất cả, cái gì là ánh sáng, so với linh hồn đều mờ nhạt. Tất cả, cái gì là tinh tế, so với linh hồn đều thô thiển. Tất cả, cái gì là nhẹ nhõm, so với linh hồn đều nặng nề. Tất cả, cái gì là cuộc sống, so với linh hồn đều là chết.
Tất cả mọi cái tồn tại, so với linh hồn đều không tồn tại. Bởi vậy, người đời xưa nói, linh hồn là ánh sáng, là phi vật chất, là sự sống, là cái duy nhất có thực; là hiện hữu nhất. Nhưng cái vô hình, phi vật chất, một hiện thực sống động và rạng rỡ lại bất lực. Cuộc sống đầy ánh sáng, vĩnh cửu, vĩnh viễn này lại bất động.
Linh hồn sống trong một thế giới siêu việt cao nhất, tinh túy nhất, rạng rỡ nhất; một thứ không bắt đầu và sẽ không kết thúc, không sinh ra, không chết đi, là thứ có đời sống vĩnh viễn; là kẻ không hành động, không sáng tạo, không tạo dựng, không thay đổi, không chuyển động.
Nó không với tới cái không phải là nó. Nó không động chạm tới cái không phải là nó. Nó sống trong một khoảng cách và sự khác biệt vô tận với cái không phải là nó. Vậy mà không có gì nó không thấy, không nghe, không nhận biết và không hiểu.
Thế giới này như thể là cái linh hồn nghĩ ra; được tạo dựng ra từ chính nó. Như thể là giấc mộng riêng của nó, là hình ảnh riêng, là sự phù phép riêng của nó. Bởi vậy người đời xưa nói, thế giới là thứ không có thực, chỉ là sự phù phép của linh hồn: là giấc mộng, là ảo ảnh, là sự không tưởng.
Vô ích có người bảo, linh hồn bất lực, mềm mại, nhún nhường, trinh nguyên, bình thản, không phá vỡ nổi, người đó chỉ nói các dấu hiệu; những thứ có thể kể đến vô tận. Vô ích nếu còn nói thêm, linh hồn tự phục vụ nó, linh hồn vô tội trong sự rạng ngời rực rỡ vô tận của mình; và có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng vẫn không nắm bắt được. Họ không nói những đặc tính của linh hồn mà chỉ nói các dấu hiệu. Vô ích nếu nói tiếp, linh hồn cởi mở, trong sạch, dản dị. Linh hồn là bản thể. So sánh với linh hồn không có gì là bản thể.
Bởi vậy người đời xưa nói, linh hồn là thứ duy nhất tồn tại; tất cả những gì có, đều từ nó ra; là bản thể duy nhất, nhưng không hiểu nổi, không nắm bắt nổi, không đánh dấu nổi và vô hình.
Nếu như có một ai, không nói trực tiếp mà muốn nói gián tiếp về linh hồn, có thể nói: linh hồn nhậy cảm. Sự nhậy cảm này có thể tỉnh táo nhưng có thể buồn ngủ; theo đấy linh hồn có thể hoặc tỉnh táo hoặc đờ đẫn. Cần phải nhớ rằng: linh hồn vừa tỉnh táo, vừa buồn ngủ; vừa nhậy cảm, vừa đờ đẫn.
Linh hồn không có đặc tính, bởi vì linh hồn là cái tồn tại duy nhất, là bản thể đơn giản nhất, duy nhất. Nhưng nếu có một người nào đó gián tiếp muốn nói một điều gì, chỉ có thể nói một điều duy nhất, rằng linh hồn không hoạt động, không sáng tạo, không chuyển động, không thay đổi; mà tỉnh táo.
Bởi vậy theo người đời xưa đo lường đời sống linh hồn của con người là sự tỉnh táo. Sự tỉnh táo không phải khả năng hướng tới sự hoạt động, không phải đặc tính của tư tưởng, không phải sự nhậy bén của các giác quan, không phải sự sẵn sàng của các sức mạnh, không phải trí thông minh. Sự tỉnh táo thể hiện trong một thế giới không phải linh hồn, chỉ là ảo ảnh của linh hồn. Sự tỉnh táo không phải sự hoạt động, không phải sự ý thức hóa, không phải sự nhận thức, không phải tri thức; nó là điều không nhận ra. Sự tỉnh táo chỉ thể hiện trong một thế giới khác.
Sự tỉnh táo là sự nhậy cảm tự nhiên; không khuất phục với tất cả cái gì là linh hồn; nó là sự quyến rũ bất lực với cái gì là linh hồn; là sự dâng hiến mềm mại với tất cả cái gì là linh hồn; là sự gắn bó không thể chống đỡ nổi với tất cả cái gì là linh hồn. Sự nhậy cảm tự nhiên, không khuất phục, là sức quyến rũ bất lực, là sự dâng hiến mềm mại, là quan hệ không kháng cự nổi với linh hồn, đấy chính là sự tỉnh táo của linh hồn; là sự tỉnh táo thực thụ, là TÌNH YÊU.
Bởi vậy theo người đời xưa, đời sống của một con người vĩ đại và đẹp đẽ không phải là cái gì mang tính hoạt động, có quyền lực, có sức mạnh, có tri thức, giàu có, nổi tiếng, vinh quang; mà là một cái gì tỉnh táo. Sự tỉnh táo không phải tri thức, không phải quyền lực, không phải sức mạnh, không phải sự hoạt động; mà là TÌNH YÊU.
So với linh hồn tất cả đều mờ nhạt, thô thiển, nặng nề; tất cả đều không tồn tại. Linh hồn là hiện hữu duy nhất; là bản thể duy nhất, vô hình, không nắm bắt được, không đánh dấu được; là cái mà từ nó có toàn bộ thế gian; và là thứ mà cả thế gian này chỉ là ảo ảnh của nó. Linh hồn, không thể nhìn thấy nó, không nắm bắt được, không thể hiểu được.
Điều duy nhất có thể nói về linh hồn, một cách gián tiếp, là linh hồn tương tác với linh hồn. Linh hồn tỉnh táo đối với linh hồn. Sự tỉnh táo này là sự nhậy cảm với tất cả những gì là linh hồn; và từ chối một cách miễn cưỡng tất cả cái gì không phải là linh hồn, mà chỉ là ảo ảnh.
Thứ không phải là linh hồn, thứ là giấc mộng, thứ không phải là hiện thực, thứ không tồn tại, thứ chỉ là ảo ảnh, thứ sẽ trôi qua, thứ thay đổi, thứ không vĩnh cửu, thứ thờ ơ; bất lực với linh hồn. Những thứ này cũng không hiểu, không thấy, không nhận biết, không nắm bắt, không tiếp xúc được với linh hồn.
Nhưng linh hồn với linh hồn lại tỉnh táo, hay đúng hơn lại nhậy cảm. Nhậy cảm với sự mềm mại, với ánh sáng, với sự nhún nhường, sự quyến rũ, sự trong sạch, sự dản dị, với cái đẹp và sự bình thản của linh hồn. Sự nhậy cảm này của linh hồn với linh hồn: tình yêu.
Tình yêu không phải là hiện thực. Chỉ có một hiện thực, chỉ có một bản thể duy nhất: linh hồn. Thứ không phải là linh hồn, đó là ảo ảnh. Ảo ảnh đầu tiên là tình yêu.
Linh hồn: MỘT. Chỉ có một linh hồn. Một sự tồn tại, một bản thể. Một hiện thực. Tình yêu, ảo ảnh đầu tiên; rồi linh hồn sống trong ảo ảnh của hai, ba, mười và nhiều hơn nữa, của vô số. Khi các ảo ảnh xuất hiện, linh hồn bất lực; tình yêu thương không kháng cự nổi chợt thức tỉnh, để thống nhất vô số thành trăm, trăm thành mười, mười thành hai, hai thành một. Nhưng không thống nhất được, bởi linh hồn không thống nhất; bởi linh hồn không hoạt động, không hành động, không chuyển động. Và cũng không thể thống nhất được, bởi hai, mười, vô số, ảo ảnh, không tồn tại, không hiện thực. Bởi vậy tình yêu thương không phải hiện thực mà là ảo ảnh.
Ảo ảnh này có, khi linh hồn trong ảo ảnh tưởng rằng, có nhiều linh hồn. Lúc đó cái vô số lại muốn tan hòa thành một, và trong MỘT; lại một lần nữa muốn yêu như một. Tình yêu là thứ trong ảo ảnh nó thống nhất linh hồn đã biến thành vô số; nhưng tình yêu thương là thứ không cho phép linh hồn duy nhất trong hiện thực biến thành vô số.
Tình yêu là thứ biến các linh hồn thành linh hồn; thành linh hồn, hay đúng hơn biến tất cả như MỘT không thể tách rời, vĩnh cửu, MỘT bất biến. Thứ MỘT linh hồn này là hiện hữu duy nhất, là tồn tại duy nhất, không nắm bắt được, bất tử, vĩnh cửu, bất biến, giản dị; thứ mà bên cạnh nó tất cả đều mờ nhạt, thô thiển, nặng nề và không có.
Sự sống có duy nhất một bí ẩn; bí ẩn đấy không phải là linh hồn mà là thứ không linh hồn. Linh hồn là hiện thực, là sự tồn tại, là MỘT, là sự vĩnh cửu vĩnh viễn. Bí ẩn là: cái bất biến tạo dựng cái đổi thay như thế nào; cái vĩnh cửu tạo dựng cái trôi đi, cái chuyển động như thế nào; hiện hữu có thật tạo ra ảo ảnh không và tạo ra như thế nào; MỘT tạo HAI như thế nào; và Tạo hóa, Tạo hoá đã xuất hiện ra sao?
Zohár đã viết:
"Tôi dạo đi dạo lại trên bờ biển và trầm ngâm suy nghĩ về bí ẩn của tạo hóa đột nhiên nhà tiên tri Illes hiện ra và hỏi: mi có hiểu ý nghĩa của câu MI BARA ELE không? Tôi trả lời: từ ngữ ấy có nghĩa là: sự tạo dựng của Thượng đế là toàn thể các đội quân của Trời.
Nhà tiên tri Illes nói: khi VÔ DANH lần đầu tiên muốn thể hiện, thế là xuất hiện MỘT CÁI GÌ, MỘT ĐIỂM DUY NHẤT, thứ không có sự mở rộng, nhưng chính là sự bắt đầu của kích thước thế gian. ĐIỂM DUY NHẤT là ý tưởng mà Tạo hoá muốn sáng tạo, và đã sáng tạo. Từ ý tưởng xuất hiện cả vũ trụ, cái có tên: MI, là Thực thể không thể đặt tên, là kẻ tạo dựng ra thế gian.
Khi đấng Tạo hóa muốn biểu lộ trong toàn bộ hiện thực của nó và muốn xướng lên cái tên hoàn chỉnh của nó, nó ẩn mình vào trong chiếc áo bào dệt từ những tia ánh sáng lóng lánh, và từ những tia sáng này tạo dựng: cái có tên ELE, là sự vật của toàn bộ thế gian. MI và ELE hợp nhất lại, như âm tiết trong câu, và Thực thể không thể đặt tên hạ cánh xuống Thiên nhiên.
Điều bí ẩn là một cái gì đó, một điểm không lan rộng này đã xuất hiện như thế nào. Một cái gì này không phải là thiên nhiên vật chất. Không thể nắm bắt và vô hình. Chỉ là ảnh. Đây là ý tưởng. Không mở rộng, bởi chỉ là hình ảnh. Nhưng nó đã là hiện hữu, không còn là ảo ảnh.
Hình ảnh này là hình ảnh cổ, là ý tưởng của vũ trụ. Điểm này là ý tưởng để Tạo hóa tạo dựng ra cái nó muốn tạo dựng. Và từ đấy, từ một cái gì này xuất hiện Vũ trụ Vĩ đại. Vũ trụ này là thiên nhiên, nhưng không hữu hình, không là vật chất.
Thiên nhiên cổ là ảo ảnh, là ý tưởng mà Tạo hóa chiếu rọi từ tấm áo bào dệt từ ánh sáng rạng ngời. Thế giới này giống như bầu trời, bởi vì bầu trời là sự đắm chìm vào tấm áo bào dệt từ ánh sáng. Nhưng phép màu này lúc đó vẫn còn phi vật chất. Tạo hóa đã bay xuống thiên nhiên như thế, đấy là nghĩa của câu MI BARA ELE."
Giấc mơ đầu tiên của linh hồn là ý tưởng của vũ trụ. Biểu hiện trong hình ảnh không thể nắm bắt được, trong một điểm không thể mở rộng, trong một cái gì đó duy nhất. Đấy là điều bí ẩn, Một Cái Gì đầu tiên ngoài linh hồn.
Bắt đầu có một cái gì đó, một cái gì không phải là linh hồn. Một điểm. Giờ đây không phải là một nữa, mà là hai. Hai tạo nên một thế giới riêng biệt; một thế giới tất cả đều là hai: đêm và ngày, ánh sáng và bóng tối, đàn ông và đàn bà, tôi và anh, cuộc sống và cái chết, giấc mộng và sự thức tỉnh, có và không.
Ở Trung quốc người ta gọi đấy là dương và âm. Ở Ấn độ là Purusa vàPrakriti. Ở Iran là Ahura Mazda và Ahriman. Ở Ai cập là Oziris và Set.
Thế giới của hai không phải là sự yên lặng vĩnh cửu, mà là sự chuyển động không ngừng; không phải là sự bất biến, mà là sự hoạt động và sinh sôi nảy nở không ngừng; không phải là hòa bình mà là sự căng thẳng; không phải tình yêu mà là đam mê và thù hận; không phải sự giản dị mà là sự đa dạng; không phải là hiện thực mà là ảo ảnh.
HAMVAS BÉLA
( Trích tiểu luận triết học: SCIENTIA SACRA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét