Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013


Tư duy trần thế


Người dân cần thiết đối thoại được thẳng thắn, trong sự tôn trọng, với đảng cầm quyền, vào thẳng các công việc thiết thực, với tinh thần trần thế.

Hàng vạn năm trước đây, đời sống con người chưa khác với đời sống loài vật bao nhiêu. Cái tiêu biểu nhất có lẽ ở chỗ khác, ở khả năng phản tư về sự tồn tại của chính mình.

Có thể hình dung hoạt động tâm lý ban đầu ở giới động vật như sự lắp đặt thành công tấm gương phản chiếu giới tự nhiên vào trong não trạng. Ở giai đoạn thứ hai tiếp theo là sự lắp đặt thành công tấm gương phản chiếu chính cái hoạt động tâm lý này, tạm gọi là sự phản tư, bắt đầu phần nào ở động vật cao cấp, và phát triển mạnh mẽ ở con người.

Chính năng lực phản tư này dần dần làm con người tách được mình ra khỏi loài vật và giới tự nhiên xung quanh, rồi tự tách được mình ra khỏi chính mình. Tuy nhiên sự tự giải đáp ở thuở ban đầu mang đầy tính tưởng tượng khắc khoải mông lung.

Sự tưởng tượng khắc khoải mông lung ấy tiến triển dần lên thành những tưởng tượng khắc khoải thần thánh.

Chúng ta là con của ông Trời, có sứ mệnh đặc biệt để thống trị dẫn dắt muôn loài. Ta lấy hình ảnh của mọi sức mạnh lớn lao đem về để vẽ ra cho mình: mặt trời, mặt trăng, các vì sao, rồi gió bão, hồng thủy, rồi hổ báo, voi, tê giác, rắn rết, chim ưng, cùng các tưởng tượng gán ghép từ đó, như rồng như phượng. Nỗi sợ hãi cũng được thần thánh hóa nốt, thành ma lực, mặc khải, hóa kiếp, vân vân.

Mãi tới rất gần đây, vài trăm năm, hoặc có nơi mới chỉ vài chục năm trở lại, con người mới có tạm đủ hiểu biết và lòng dũng cảm để dựng nên được tấm gương phản chiếu ở tầng thứ ba để đối mặt với chính mình thêm một lần nữa, và chấp nhận dần ra cái trần thế, để có được tư duy trần thế.


---

Cuối những năm 80 thế kỉ trước, xã hội xứ ta rục rịch mở cửa, tôi có dịp được gặp một vài nhà nghiên cứu từ Âu Mỹ qua đất Việt.

Các cuộc hội thảo mở màn khi ấy thật nhiều hương vị, vì ngôn ngữ và tư duy cách nhau xa và lạ. Có nhà nghiên cứu xứ ta hỏi một giáo sư triết học người Mỹ rằng "hệ tư tưởng của nước Mỹ là gì?", ông này ngớ người ra. Hồi lâu ông ấy mới trấn tĩnh rằng "những xã hội như ở Mỹ thì có rất nhiều tư tưởng, nhưng không có 'hệ tư tưởng'. Hệ tư tưởng chỉ tồn tại trong những xã hội tập trung hóa hoàn toàn".

Trong một buổi đi bộ ngoài phố với một ông giáo sư người Mỹ khác, ông này hỏi tôi rằng các công dân ở đất Việt đã tương đối tự do bình thường chưa?

Tôi mỉm cười bảo "nhìn chung thì họ cũng tương đối tự do bình thường rồi, như ông đang thấy", không kém một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Ông giáo sư vui vẻ: tôi ở khách sạn, chán quá. Tôi muốn về nhà ông ở, đi chơi, nói chuyện cho vui, trả tiền trọ, tiền ăn uống đàng hoàng, có được không ạ?


Tôi ngắm ông giáo sư, và bảo "ý ông hay thật! Tôi quên khuấy mất là tôi vẫn đang ở trong một xã hội tư duy thần thánh khi trả lời ông lúc nãy! Cái này, thì chưa được ông ạ!"


---

Điều rất may mắn mà chúng ta lại hay quên, là chúng ta đang sống trong thời bình đã vài chục năm nay. Ta phải biết ơn thời bình, và biết quên đi thời chiến. Điều đó tất nhiên không có nghĩa là không lo xây dựng cho ra trò nền quốc phòng.

Thời bình đòi hỏi các nguyên lý sống riêng của nó.

Tục truyền ngày xưa vua Lê đã biết trao trả lại gươm thần cho Rùa Vàng, để chuyển sang học cách sống thời bình cùng với mọi người sau khi đã giành lại được độc lập vào năm 1427. Cứ tạm biết như thế. Điều quan trọng là tư duy của cộng đồng người Việt đã biết nghĩ đến được điều này, một khi câu chuyện đó được truyền kể, ít (hay lâu) sau lúc đó.

Nghĩa là phải biết dẹp bỏ ngôn ngữ, tư duy của thời chiến, để có thể dựng nên được cuộc sống thời bình.

Còn ngày hôm nay con người còn phải đòi hỏi cao hơn nữa: dẹp bỏ tư duy thần thánh.


---

Ở Pháp, bạn đi nghỉ vài tuần. Bạn có thể và nên làm một việc như sau: báo cho cảnh sát. Và mấy ông cảnh sát này sẽ thỉnh thoảng lượn ôtô đảo qua nhà bạn bất chợt vào ban ngày, hay vào ban đêm, để xem có tay du thủ du thực nào hý hoáy không.

Đấy là tư duy trần thế hôm nay của thời bình. Cảnh sát ăn lương từ tiền thuế của người dân. Công việc phải làm của anh ta là gìn giữ trật tự xã hội. Anh ta phải có trách nhiệm, chủ động và sáng kiến thực thi công việc đó. Anh ta không phải là người có cái quyền thần thánh "thay Trời trị ai" cả. Vào một dịp khác tôi sẽ muốn nói kĩ hơn về lực lượng vũ trang thời nay, họ phải trở thành chuyên nghiệp, thực thi một nghề nghiệp đặc biệt, một nghề được đăng tuyển công khai trên thị trường lao động, hợp đồng lao động khiến họ chấp nhận hiểm nguy, nhưng được nhiều ưu đãi về tiền lương, bảo hiểm, cùng hưu trí.

Một đảng thời bình, cũng như vậy. Đảng cầm quyền có những lý tưởng của riêng mình, nhưng đối với người dân của xã hội trần thế, thì đó chỉ là một chính đảng trần thế đang cầm quyền. Người dân cần thiết đối thoại được thẳng thắn, trong sự tôn trọng, với đảng cầm quyền, vào thẳng các công việc thiết thực, với tinh thần trần thế. Và bản thân đảng cầm quyền cũng phải tìm ra được ngôn ngữ, tư duy, cách giao tiếp, cách hành xử công việc một cách trần thế với xã hội.

Ngôn ngữ là công cụ để nhận thức, và để giao lưu. Ngôn ngữ thời bình hôm nay phải được giải tỏa khỏi tính thần thánh, phải hướng đạt đến trần thế.

Các định chế quyền chính hiện đại thực chất phải là các quy chế đạt đồng thuận về các sinh hoạt chung của xã hội, được hình thành nên thông qua việc toàn xã hội đàm thảo, xây dựng các thể chế lập pháp, hành pháp, tư pháp, thông tin. Như thế khi người dân đối thoại với các định chế quyền chính, họ chỉ việc đối thoại đơn giản với chính bản thân mình, trần tục.

Cái định chế này được quen gọi theo một danh từ truyền thống nhuốm sắc màu thần thánh, là "quốc gia", hay "nhà nước". Nghĩa là đất nước nằm trong tay một nhà, một dòng họ. Đó là một sự cản trở tinh thần rất lớn, nó không giải phóng con người ra khỏi được ý thức vua-quan-thần dân ngàn xưa. Danh từ "thể chế" chẳng hạn thể hiện được tinh thần trần thế. Etat trong tiếng Pháp, State trong tiếng Anh cũng thể hiện được tinh thần trần thế này.

Ngày lễ độc lập trước đây chúng ta gọi là "Tết Độc lập", xác thực. Ở Pháp gọi là "Tết Dân tộc", "Fête Nationale". Ở Mỹ gọi là "Ngày Độc Lập", "Independence Day". Thế rồi cái thói quen thần thánh lại đưa nhiều người gọi ngày này ở xứ ta thành ra là "ngày lập nước", "khai quốc"! Nước Việt hiển nhiên đã được thành lập từ hàng ngàn năm nay rồi, chứ không phải chỉ từ mấy chục năm!

Xây dựng đời sống hôm nay, hãy rũ bỏ từng bước, rồi tất thảy những lối nghĩ, lối nói, lối làm việc, lối sống thần thánh.

Xây dựng lối nghĩ, lối nói, lối làm việc, lối sống trần thế. Để dần đạt được hạnh phúc trần thế./.
Hoàng Hồng Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét