Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

MỘT SỰ THẬT KHÁC









Nguyễn Đức Nhân


mỗi người được sinh ra đều giấu trong cơ thể:
tiếng khóc và cánh cửa vô hình

tiếng khóc đã được trưng bày sặc sỡ ấn tượng
trên kệ của cuộc đời

cánh cửa thì không
cánh cửa vô hình vẫn thường xuyên mở và khép

mở ra
nhìn thế giới bên ngoài có chút gì có thể
thỏa mãn bản năng

khép lại
giấu đi sự bất toại nguyện
những điều hổ thẹn

nụ cười hiếm khi có đủ ánh sáng
trong mùa thâu hoạch khó thu hái một nụ-cười-thật

tự lừa dối và bị lừa dối
là bản chất
mặt trời nín thinh

nhân loại mắt rất kém
chỉ có ta mới có đôi mắt tốt nhất
nhìn thấy được điều thầm kín
trong trái tim ta




LẠI MỘT SỰ THẬT KHÁC NỮA





những trái tim nhút nhát
hang ổ của bóng tối
sợ hãi sự rỗng không trước mặt và sau lưng
nhớn nhác tìm nơi trú ẩn
kỳ vọng
Thần Linh
nơi nương nhờ bí nhiệm
từ đó
không lối thoát - hai bàn tay cố giữ
cánh cửa nô lệ


Sai-gon, 2013

Điều luật đặc biệt đối với những người trục lợi bất chính








Những người tham ô tài sản nhà nước sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn. Theo dự luật vừa được đệ trình cho Viện Duma Quốc gia Nga xem xét, hành vi trộm cắp tài sản của nhà nước là một tội danh riêng trong Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, lần đầu tiên trong pháp luật Nga sử dụng khái niệm “hành vi tội phạm tham nhũng”. Theo các chuyên gia, điều đó sẽ giúp tăng mức độ chống tham nhũng trong cả nước.

Từ nay sẽ phân biệt được rõ: ai chỉ là tên trộm, và ai là kẻ tham nhũng. Theo văn kiện được đệ trình cho các đại biểu xem xét, "tội tham nhũng" là hành vi nguy hiểm cho xã hội kết nối với việc lạm dụng chức quyền gây hại cho các lợi ích hợp pháp của xã hội và nhà nước để trục lợi bất chính cho chính mình hoặc những nhân vật thứ ba. Hành vi tội phạm này sẽ bị án tù từ 7 đến 15 năm tù giam cộng với phạt tiền từ 3 tỷ đến 5 tỷ rúp (100-160 nghìn dollar). Điều này không có nghĩa là, trước đây những quan chức tham ô tài sản nhà nước không bị trừng phạt. Chỉ đơn giản là từ nay tội danh sử dụng trái phép tiền ngân sách sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn và có điều khoản riêng trong pháp luật Nga. Cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nga Aleksandr Gurov giải thích thêm như sau: “Trong Bộ luật Hình sự Nga hiện có các điều luật cho phép đưa những người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhà nước truy cứu trách nhiệm hình sự. Các nhà lập pháp đã quyết định trở về khái niệm của thời kỳ Xô viết. Trước đây, hành vi trộm cắp tài sản nhà nước đã là tội phạm hình sự. Trên thực tế, bây giờ cũng cần phải làm theo kiểu này. Nhưng, để có như vậy không nhất thiết phải viết bộ luật mới. Chỉ đơn giản phải đưa những điều bổ sung vào bộ luật hiện có: tội phạm này bị án phạt không phải đến 7 năm mà đến 15 năm tù. Bởi vì tên tội phạm ăn cắp những khoản tiền thuộc về toàn dân. Đó là tiền thuế của chúng tôi, đó là các cam kết xã hội của chính phủ”.

Nếu nói về khám niệm "hành vi tội phạm tham nhũng" thì đã từ lâu phải xóa bỏ lỗ hổng này trong pháp luật Nga. Trong nước đang tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng, mà trong phát luật không có định nghĩa pháp lý của hiện tượng này. Chủ tịch Phòng Luật sư của Matxcơva Genry Reznik cho biết: “Các thuật ngữ liên quan đến nạn tham nhũng hầu như không đưa ra cái gì đó mới mẻ về mặt pháp lý. Nhưng, bước đi này có ý nghĩa lớn về mặt chính trị. Khái niệm về tham nhũng hiện có trong các văn kiện quốc tế mà Nga là thành viên”.

Vấn đề đấu tranh chống tham nhũng hiện nay là một trong những ưu tiên tại Liên bang Nga. Trong mấy năm vừa qua, Nga đã thông qua và đưa vào hiệu lực nhiều văn kiện về đấu tranh chống tham nhũng. Ví dụ, trong năm 2012 đã thông qua luật yêu cầu quan chức kê khai không chỉ thu nhập mà còn chi tiêu của bản thân và gia đình. Theo dự luật mới, sẽ kiểm tra thắt chặt hơn thu nhập và chi tiêu của những người bị nghi ngờ hoặc bị kết tội tham ô tài sản nhà nước. Thủ tục kiểm tra tự động tiến hành ngay sau khi các chuyên viên bắt đầu điều tra vụ án hình sự.

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

BÍ ẨN CỦA BIỂN





Nguyễn Nguyên An



Tôi tập rỗng lặng
Lòng cứ đầy lên bao điều ước
Chạm trống không và ngại trắng tay

Tôi cố làm thật đầy
Loanh quanh có có không không
Đời vẫn cạn, tay trắng, trắng hơn

Tôi hỏi lòng biển
Sao biển không bao giờ cạn
Biển trả lời:
Hãy biết ban cho

Ông Putin nói về nhân quyền Mỹ




Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Không có gì là rác cả




Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua vì cuộc vật lôn cam go đó khi bao tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.

Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đã dẫn bước chân vô định của Soko tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn bấm chuông. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:

- Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.

Soko trả lời:

- Con xin hết lòng tin tưởng sư phụ.

Đại sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:

- Theo ta.

Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, đại sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh:

- Quét dọn vườn.

Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ đại sư đã thâu nhận mình.

Công việc quét vườn thì có chi là khó, Soko hăng hái quét, quét và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đã vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi:

- Bạch thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ?

Bất ngờ, đại sư quát lên:

- Rác, người nói gì? Không có gì là rác cả!

Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì đại sư lại bảo:

- Vào nhà kho kia lấy cái bao nhựa lớn ra đây.

Khi Soko tìm được bao nhựa mang ra thì thấy đại sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo:

- Mở rộng miệng bao ra.

Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy mình quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại giậm giậm cho lá xẹp xuống. Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại. Soko lại nghe lệnh truyền:

- Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.

Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ:

- Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu?

Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy đại sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai:

- Có thấy hàng hiên ngay dưới máng xối kia không? Có thấy những chỗ bị nước mưa xoáy lồi lõm không? Đem những sỏi, đá vụn này ra, trám vào những chỗ đó.

Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.

Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu trên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đât, từ tốn trám vào.

Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.

Diệu Trân dịch (Theo Novice to Master "There is no trash", nguyên tác Soko Morinaga)

Nói xấu người khác: Những hậu quả và cách chuyển hóa



“Tôi nguyện không nói lỗi lầm của người khác”. Trong truyền thống Phật giáo, đây là một trong những lời nguyện của Bồ tát.

Đối với những vị tu sĩ thọ Cụ túc giới, một nguyên tắc tương tự được đề cập đến trong lời phát nguyện là không nói lời phỉ báng. Điều này cũng được nhắc đến trong lời khuyên của Đức Phật đối với tất cả mọi người để tránh 10 bất thiện nghiệp, đó là bất thiện nghiệp thứ năm: nói những lời gây bất hòa, chia rẽ.

Nhiều người có thói quen ưa nói lỗi lầm của người khác. Và đôi khi chính họ không nhận thấy thói quen ấy và chỉ nhận diện được nó sau khi đã nói xong. Vậy thì động cơ ở đằng sau việc nói lỗi lầm của người khác, đằng sau xu hướng muốn hạ thấp người khác là gì?

Một trong số những minh sư của tôi, ngài Ngawang Dhargye, đã từng nói: “Quý vị ngồi lại với nhau và nói về lỗi lầm của một người khác, về những việc làm sai trái của người đó. Thế rồi quý vị tiếp tục thảo luận về những sai phạm và những phẩm chất tiêu cực của người khác, bởi vì quý vị tự thừa nhận với nhau rằng quý vị là những người tốt nhất trên thế giới”.

Khi tôi nhìn sâu vào bên trong, tôi nhận thấy rằng ngài Ngawang Dhargye đã nói đúng. Bị nung nấu bởi cảm giác bất an, tôi đã nghĩ sai rằng nếu người khác sai, xấu, đầy khuyết điểm, theo phép so sánh, thì tôi phải là người đúng, tốt và có năng lực. Chiến thuật hạ nhục người khác để tạo dựng lòng tự trọng của mình theo cách này rất khó có kết quả.

Lúc chúng ta tức giận người khác cũng là lúc chúng ta thường nói xấu họ. Trong trường hợp này chúng ta có thể nói lỗi của người khác vì một vài nguyên do khác nhau. Đôi khi chúng ta nói xấu người khác để kéo mọi người đứng về phía mình. Chúng ta nghĩ rằng, nếu ta kể cho mọi người nghe về sự tranh luận giữa ta với anh A rồi thuyết phục mọi người rằng anh A sai và mình đúng. Như thế thì mọi người sẽ đứng về phía chúng ta.

Chính vì ý nghĩ rằng: “Nếu mọi người nghĩ mình đúng thì chắc hẳn là mình đúng”. Việc tự nghĩ rằng mình đúng như thế ấy là một việc làm kém cỏi trong khi chúng ta không chịu dành thời gian để đánh giá một cách trung thực đối với những việc làm và động cơ của mình.

Có khi chúng ta nói xấu người khác vì ganh ghét họ. Chúng ta muốn được mọi người tôn trọng và đánh giá cao như người kia vậy. Từ trong sâu thẳm, chúng ta nghĩ rằng: “Nếu mọi người thấy những phẩm chất xấu của người mà mình nghĩ là tốt hơn mình thì thay vì tôn trọng và giúp đỡ người đó, họ sẽ khen ngợi và hỗ trợ mình”. Chiêu bài mà chúng ta dùng để giành lấy sự tôn trọng và đánh giá cao của người khác theo cách này rất khó mang lại hiệu quả.



Ảnh minh họa

Nói xấu người khác đem đến những hậu quả gì? Trước hết, chúng ta sẽ được biết đến như là một người thường gây ra sự bất hòa. Người ta sẽ không muốn tâm sự với chúng ta vì họ sợ chúng ta sẽ nói với người khác, thêm thắt những lời đánh giá của ta khiến cho họ bị xem là không tốt. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy rằng người nào hay nói xấu người khác với tôi thì chắc hẳn họ sẽ đi nói xấu tôi với người khác. Hay nói cách khác, tôi không tin tưởng những ai thường hay phê bình người khác.

Thứ hai, chúng ta phải đối mặt với người bị chúng ta nói xấu khi họ phát hiện ra những gì chúng ta đã nói, và phiền phức hơn là lúc họ nghe được những gì chúng ta đã nói xấu về họ thì những điều đó đã bị phóng đại lên nhiều lần. Người đó có thể nói với người khác về lỗi của mình để trả đũa.

Thứ ba, một số người có thể sẽ bị kích động khi nghe nói về lỗi của người khác. Chẳng hạn, nếu một người ở trong văn phòng hoặc trong nhà máy nói xấu sau lưng người khác, mọi người ở tại nơi làm việc có thể sẽ tức giận và công kích người đã bị nói xấu. Điều này có thể sẽ làm dấy lên việc nói xấu sau lưng người khác ở sở làm và gây ra tình trạng bè phái. Điều này gây tổn hại đến một môi trường làm việc hòa hợp.

Thứ tư, chính bản thân ta cũng không có hạnh phúc khi mình luôn phanh phui lỗi của người khác. Khi chúng ta tập trung vào những điểm tiêu cực, hoặc là những sai lầm, chính tâm của chúng ta cũng không an vui. Những ý nghĩ rằng người này xấu, người kia không tốt,... thường không có lợi cho tinh thần của chúng ta.

Thứ năm, khi ta nói xấu người khác tức là chúng ta đã gây ra tác nhân để cho người khác nói xấu mình. Điều này có thể xuất hiện ngay trong đời này nếu người mà ta phê bình muốn hạ nhục mình, hoặc có thể xuất hiện trong tương lai khi mình bị người khác buộc tội một cách vô lối hoặc là bị vu oan. Khi chúng ta là người nghe những lời nói thô tục, chúng ta cần nhớ rằng đấy là kết quả từ hành động của chính chúng ta, chúng ta đã tạo ra nhân, nay đã đến lúc phải nhận quả. Chúng ta đã gây ra sự tiêu cực ở trong vũ trụ và trong tâm thức của mình, bây giờ nó trở lại với chúng ta. Không có lý do gì để giận hay buộc tội người khác khi chúng ta là người đã tạo ra nguyên nhân chính yếu đối với rắc rối của mình.

Tuy nhiên, có một số trường hợp có vẻ như là nói lỗi của người khác nhưng lại là cần thiết, nên nói. Mặc dù những trường hợp này rất giống với việc phê bình người khác, nhưng thực ra thì chúng không giống nhau. Điểm khác nhau ở đây là gì? Đấy chính là động cơ của ta. Nói lỗi của người khác thường là có ác tâm ở bên trong và thường bị thúc đẩy bởi động cơ ích kỷ. Bản ngã của ta muốn có được điều gì đó từ việc nói xấu người khác, muốn được tốt bằng cách hạ nhục người khác.

Ngược lại, sự bàn thảo chính đáng về những lỗi lầm của người khác thường xuất phát từ sự quan tâm giúp đỡ và tâm thương yêu, chúng ta muốn làm rõ sự tình, ngăn chặn nguy hại, hoặc là muốn giúp đỡ. Chẳng hạn như khi chúng ta phải viết thư giới thiệu cho ai đó mà người ấy không được tốt lắm, chúng ta phải trung thực, phải đề cập đến những ưu điểm cũng như nhược điểm của anh ta để cho người chủ tương lai hoặc là chủ nhà của họ có thể quyết định xem người đó có thể làm những gì mà họ mong muốn hay không.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể phải báo trước về những thói quen của ai đó để cảnh báo những rắc rối có nguy cơ xảy ra. Trong cả hai trường hợp này, động cơ của ta là không phải để phê bình người khác, cũng không phải để thêm thắt những điều mà người đó không có. Chúng ta chỉ muốn đưa ra một lời diễn tả không có thành kiến về những gì chúng ta thấy mà thôi.

Đôi khi ta nghi ngờ rằng việc nhìn nhận của chúng ta về những tiêu cực của một ai đó có thể bị hạn chế, bị định kiến, cho nên ta nói với một người bạn mà người bạn đó không hề biết gì về người kia, nhưng người bạn đó có thể giúp ta nhìn thấy những khía cạnh khác. Điều này đem đến cho ta những ý tưởng, quan điểm có tính xây dựng, tích cực hơn và giúp cho ta biết cách để ứng xử với người kia.

Người bạn của ta cũng có thể chỉ cho ta thấy những điểm nút của mình - những sự phản kháng và các vấn đề tế nhị - những điều mà ta đang phóng đại về điểm yếu kém của người khác, nhờ vậy mà ta có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Có khi chúng ta không rõ về những việc người khác làm nên nhờ một người bạn - là bạn của mình và người đó - tư vấn để biết thêm về hoàn cảnh người đó, và từ đó đánh giá, ứng xử với họ một cách hợp lý. Hoặc là chúng ta phải tiếp xúc với một người mà mình nghi là họ có vấn đề, nên mình nhờ đến các chuyên gia tư vấn để biết cách ứng xử với người đó. Trong cả hai trường hợp này, chúng ta phải nói cho người bạn hoặc là chuyên gia nghe về những vấn đề, những việc không tốt của người khác, nhưng động cơ của mình là muốn giúp họ và muốn giải quyết sự khó khăn.

Trong một trường hợp khác, một người quen của mình có thể không biết là họ đang có hành vi gây tổn hại người khác hoặc là hành xử theo lối hạ nhục người khác. Để bảo vệ người ấy khỏi phải tai họa do sự thiếu sáng suốt của chính họ gây ra, chúng ta có thể nói cho họ biết rõ điều mà họ làm. Ở đây chúng ta nói không phải với giọng phê bình hay là thái độ xét nét mà nói với lòng thương yêu, nhằm chỉ ra lỗi lầm hoặc sai phạm của người đó để rồi anh ta có thể khắc phục.

Chúng ta thường có thói quen nói lỗi của người khác. Để từ bỏ thói quen này, chúng ta phải bắt đầu từ việc điều chỉnh thói quen đánh giá người khác. Thay vì đánh giá, phê bình người khác, chúng ta hãy lưu tâm đến những phẩm chất tốt và sự tử tế của họ. Chúng ta cần phải rèn luyện tâm mình, chỉ nhìn những điểm tốt, những điều tích cực của người khác. Rèn luyện như thế thì sẽ tạo nên sự khác biệt giữa niềm hạnh phúc, cởi mở và thương yêu của ta với sự buồn khổ, khó gần và khắt khe.

Chúng ta cần phải cố gắng để trau dồi thói quen chú ý vào những điều tốt đẹp, đáng yêu, đáng quý ở người khác. Nếu chúng ta để ý những thứ đó thì chúng ta sẽ không lưu tâm đến những lỗi lầm của họ. Thái độ vui vẻ và lời nói bao dung xuất phát từ việc này sẽ cải thiện những người xung quanh và sẽ nuôi lớn hạnh phúc, sự mãn nguyện và tình thương yêu ở trong ta. Vì thế, chất lượng cuộc sống của ta tùy thuộc vào việc chúng ta tìm thấy lỗi lầm với kinh nghiệm của mình hay là thấy những gì tốt đẹp ở bên trong nó.

Khi chúng ta nhìn thấy lỗi lầm của người khác là chúng ta bỏ lỡ cơ hội để thương yêu. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không có khả năng để nuôi dưỡng bản thân một cách hợp lý với những sự hiểu biết chân tình khi chúng ta đem vào tâm mình những độc tố. Khi chúng ta có thói quen săm soi lỗi của người khác thì chúng ta cũng có xu hướng chỉ nhìn thấy những khuyết điểm, những lỗi lầm của bản thân. Điều này có thể đưa chúng ta đến việc làm giảm giá trị toàn bộ cuộc sống của mình. Thật bi thảm nếu chúng ta bỏ qua những điều quý giá và cơ hội trong cuộc sống của mình, không nhìn thấy khả năng thành Phật trong bản thân mình.

Vì thế, chúng ta phải chấp nhận chính mình như những gì mình đang có trong hiện tại, đồng thời chúng ta cố gắng để trở nên những con người tốt hơn trong tương lai. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta làm ngơ trước những lỗi lầm của mình, mà là chúng ta không quá miệt thị về chúng. Chúng ta mừng vì mình được làm người, tự tin về khả năng của mình và tự tin về những giá trị chân thực mà chúng ta đã gầy dựng từ trước đến nay.

Mọi người đều muốn được thương yêu - muốn được mọi người chú ý và thừa nhận những khía cạnh tích cực của bản thân, muốn được quan tâm và tôn trọng. Hầu hết chúng ta đều không muốn bị đánh giá, bị phê bình và từ chối. Việc trau dồi thói quen nhìn thấy những điều tốt đẹp của bản thân và của người khác mà có thể đem lại cho mình và người niềm hạnh phúc khiến cho chúng ta cảm nhận và mở rộng tình thương yêu. Từ bỏ thói quen nhìn thấy lỗi lầm sẽ giảm thiểu sự đau khổ cho mình và người. Vấn đề này nên được xem là trọng tâm trong lộ trình tâm linh của chúng ta.

Chính vì lý do này mà Đức Dalai Lama đã nói: “Tôn giáo của tôi là lòng tốt”. Chúng ta có thể vẫn thấy những điều chưa hoàn thiện của mình và của người khác, nhưng tâm chúng ta hiền dịu hơn, biết chấp nhận và rộng lượng hơn.

Đối lập với việc nói xấu người khác là nói với sự hiểu biết và thương yêu. Những ai đang đi trên lộ trình tâm linh và những ai muốn sống hòa hợp với người khác thì việc phát ngôn với sự hiểu biết và thương yêu là điều rất quan trọng. Khi chúng ta nhìn vào những phẩm chất tốt của người khác, chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Việc thừa nhận những phẩm chất tốt của người khác sẽ khiến cho lòng mình cảm thấy hạnh phúc, và tạo được bầu không khí hài hòa, đem đến cho người khác thông tin phản hồi hữu ích.

Khen ngợi người khác là một việc mà chúng ta cần phải thực tập trong quá trình tu tập của mình. Nếu chúng ta thường nghĩ đến những tài năng, những phẩm chất tốt của người khác thì chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn và người khác cũng vậy. Chúng ta sẽ tạo được mối quan hệ tốt đẹp với người khác, và gia đình của chúng ta, môi trường làm việc cũng như hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ hòa hợp hơn.

Gieo những hạt giống từ những hành vi tích cực ấy ở trong tâm thức của mình, chúng ta sẽ tạo nhân duyên cho những mối quan hệ hòa ái và cho sự thành tựu những mục đích tâm linh cũng như những mục đích trong cuộc sống đời thường.

Ni sư Thubten Chodron - Quảng Trí dịch

Ngôn ngữ Việt thể hiện Văn hóa Việt



 Thích Chúc Độ




(Vận dụng quan điểm của Ferdinand de Saussure về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và dân tộc để nghiên cứu tiếng Việt và văn hoá Việt)

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

Giữa tiếng nói của một dân tộc với nền văn hoá của dân tộc ấy chắc chắn phải có một mối quan hệ nhất định. Vì ngôn ngữ trực tiếp phản ánh cách tri giác và tư duy thế giới của cộng đồng dân tộc, mà văn hoá dân tộc không thể không liên quan đến cách tri giác và tư duy ấy [2, 287]. Thật vậy, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá từ lâu đã trở thành một mối quan tâm đặc biệt của các của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới. Ở châu Âu, phải kể đến W. Humboldt (1767 – 1835) với những quan niệm nổi tiếng về ngôn ngữ và linh hồn của dân tộc, về hình thái bên trong của từ; đặc biệt là F. de Saussure (1857 – 1913) khi ông cho rằng: “phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một chừng khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc” [1,47]. Ở châu Mỹ phải nhắc đến F. Boas (1858 – 1942) và nhất là E. Sapir (1884 – 1939) và B. Whorf (1897 – 1941) với nguyên lý về tính tương đối của ngôn ngữ.

Tất cả những lý thuyết về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá đã tạo điều kiện cho các nhà Việt ngữ học khám phá ra những cái đặc sắc của văn hoá Việt thông qua tiếng nói hằng ngày của dân tộc này. Cho đến nay, trong giới Việt ngữ học đã có một số nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả đáng kể. Đáng kể đến là Nguyễn Đức Tồn, Lý Toàn Thắng, Cao Xuân Hạo, Đào Thản … đã chỉ ra rằng ngôn ngữ Việt và văn hoá Việt luôn có một mối quan hệ nhất định, đó chính là “cách nghĩ”, “ cách tư duy” của riêng người Việt mà ở các dân tộc khác không có. Như vậy, có thể nói, trong số các kiểu tư duy khác nhau cùng tồn tại ở con người hiện đại, mỗi dân tộc sẽ có thiên hướng nổi trội hay “ưa thích” một kiểu nào đó. Chính điều này là sự biểu hiện đặc trưng tư duy ngôn ngữ ở một dân tộc [7, 29].

Để làm rõ những nét đặc trưng văn hoá dân tộc của người Việt thông qua ngôn ngữ, chúng tôi tập trung vào những vấn đề chính sau: ngôn ngữ Việt phản ánh rõ nét nền văn minh lúa nước (nông nghiệp) thể hiện cách thức chia cắt thế giới khách quan; thể hiện qua cách tri nhận về không gian.
NỘI DUNG
I. Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ

Cho đến nay, chúng ta thể nói rằng quan điểm của Saussure về ngôn ngữ ở một mức độ nào đó là quá cực đoan. Chẳng hạn khi ông cho rằng tính chất của tín hiệu ngôn ngữ là hoàn toàn võ đoán, nghĩa là mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện (vỏ ngữ âm của từ và nội dung mà từ chứa đựng) là hoàn toàn không có lý do. Nhưng mặt khác ông vẫn thừa nhận vai trò của dân tộc đối với ngôn ngữ, thậm chí chính ngôn ngữ còn làm nên dân tộc.

Các nhà nghiên cứu đi sau vịn vào luận điểm “tính vỏ đoán” để chỉ trích ông, nhất là từ khi học thuyết tương đối ngôn ngữ học của E. Sapir và B.L. Whorf ra đời, nó dường như đã đặt lại nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa vỏ âm thanh và nội dung của một từ, về cách thức chia cắt thế giới khách quan, phạm trù hoá kinh nghiệm của một cộng đồng văn hoá - ngôn ngữ … Có nghĩa là, thế giới khách quan luôn bị bóp méo, khúc xạ qua lăng kính chủ quan của người bản ngữ. Tuỳ vào mỗi một dân tộc, mỗi một nền văn hoá khác nhau mà có cách nghĩ, cách nói khác nhau về các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, đôi khi ngay cùng một sự vật hiện tượng cũng có nhiều cách thức thể hiện không giống nhau giữa các ngôn ngữ - dân tộc.

Thật vậy, các nhà khoa học đều thừa nhận rằng giữa ngôn ngữ và văn hoá, ngôn ngữ dân tộc và văn hoá dân tộc, có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, chúng phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Như vậy, là một thành tố của nền văn hóa tinh thần, ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt trong nó. Bởi vì ngôn ngữ là phương tiện tất yếu và là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển và hoạt động của những thành tố khác trong văn hoá. Ngôn ngữ là một trong những đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hoá - dân tộc nào. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của nền văn hoá dân tộc được lưu giữ rõ ràng nhất [ 6 ,20 – 21].

Thế nhưng, bên cạnh cái rất riêng của mỗi ngôn ngữ thì giữa các ngôn ngữ vẫn có nhiều điểm tương đồng trong sự phản ánh thế giới hiện thực, hay nói rõ hơn là giữa ngôn ngữ A và ngôn ngữ B sẽ có một mức độ gần gũi nào đó trong cách tư duy ngôn ngữ (trong khi giữa ngôn ngữ A và C thì mức độ gần gũi sẽ kém hơn …. Ví dụ: tác giả Nguyễn Đức Tồn đã chứng minh rằng, về phương diện lựa chọn đặc trưng để làm cơ sở định danh thực vật, tư duy ngôn ngữ ở người Việt gần gũi với người Kazakstan nhất, sau đó là với người Anh và khác biệt nhất với người Nga [7, 5].

Tóm lại, theo giáo sư Cao Xuân Hạo thì, về vấn đề quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, chân lý hình như nằm ở một vùng nào đó giữa hai thái cực: một bên là tương đối luận của Whorf, chủ trương rằng ngôn ngữ là một cái lăng kính mà qua đó người bản ngữ tri giác thế giới, và do đó quy định cách tư duy của họ về hiện thực; và một bên là phổ quát luận của Chomsky, chủ trương rằng mấy nghìn thứ tiếng được các cộng đồng ngôn ngữ sử dụng trên thế giới chẳng qua là những dị bản địa phương của một hệ thống ngôn ngữ duy nhất thể hiện những nguyên lý phổ quát chi phối cách khái niệm hoá thế giới của chúng ta [2, 288].

II. Ngôn ngữ Việt phản ánh rõ nét nền văn hoá của người Việt

1. Ngôn ngữ Việt phản ánh rõ nét nền văn minh lúa nước – cách thức chia cắt thế giới của người Việt.

Người Việt thuộc nhóm cư dân trồng lúa nước điển hình ở Đông Nam Á, và cũng là chủ nhân quan trọng của nền văn minh lúa nước ở khu vực này. Chính điều này đã để lại dấu ấn một nền văn minh lúa nước đậm nét trong ngôn ngữ Việt, mà rõ nét nhất là hai từ lúa và nước, hai từ này có sự gắng kết với hàng loạt các từ khác với nhiều tầng nghĩa khác nhau, đã làm nên cái phong phú và đặc sắc của chúng mà trong các ngôn ngữ khác không thể tìm thấy được.

1.1 Từ lúa

Như đã nói, Việt Nam là một trong những cái nôi đầu tiên và là quê hương của cây lúa ở Đông Nam Á. Từ xưa đến nay cây lúa và những sản phẩm do nó tạo ra đã là lẽ sống, máu thịt, vận mệnh của con người sống trên dải đất này. Tất cả những tình cảm tốt đẹp, những cách tư duy của người Việt đều mang một dấu ấn độc đáo từ cây lúa, điều này thể hiện qua hàng loạt các từ vựng nói về lúa hay có liên quan đến lúa.

Nếu như ở các ngôn ngữ không thuộc văn minh lúa nước, thì các từ như cây lúa, lúa, thóc, gạo, cơm, xôi, nếp … chỉ được thể hiện bằng một từ duy nhất rice (tiếng Anh), riz (tiếng Pháp) hoặc puc (tiếng Nga). Còn đối với tiếng Việt thì cùng chỉ một đối tượng là lúa nhưng có rất nhiều tên gọi khác nhau tuỳ vào giai đoạn sinh trưởng của cây lúa: thóc, giống, mộng, mạ, cây lúa, đòng, gié, chẽn, bông, rơm, rạ … Những từ có liên quan đến câylúa và các sản phẩm làm ra từ lúa đã được Đào Thản [5], chia thành 10 nhóm:

- Nhóm từ ngữ gọi tên cây lúa, tiền thân của cây lúa và các bộ phận chính của cây lúa: thóc giống, mộng, mạ, cây lúa, đòng, gié, chẽn, bông, rơm, rạ…

- Nhóm từ ngữ chỉ các hoạt động hoặc công đoạn gieo trồng, chăm bón cho cây lúa phát triển: gieo, cấy, làm cỏ, bón phân, tát nước …

- Nhóm từ ngữ chỉ các thời kì sinh trưởng và quá trình kết thúc cuộc đời của cây lúa: con gái, chia vè, đứng cái, làm đòng, trổ bông, ngậm sữa, đông sữa …

- Nhóm từ chỉ các động tác gặt hái, thu hoạch và làm ra thóc gạo: cắt, gặt, trục, đập, phơi, quạt, rê, xay, giã …

- Nhóm từ chỉ các sản phẩm của thóc sau khi xay giã: gạo lứt, gạo cội, tấm, cám, trấu …

- Nhóm từ chỉ tính chất của hạt thóc, hạt gạo: khén, mẩy, chắc, lép, gẫy, đớn, hẩm .

- Nhóm từ chỉ các động tác từ gạo làm thành cơm: vo, đãi, thổi, nấu, sơ, xới, ghế, hẩm …

- Nhóm từ chỉ phẩm chất của cơm: dẻo, rền, thơm, bùi, chín tới, sống, khê, nhão …

- Nhóm từ ngữ chỉ các loại xôi (cơm nếp): xôi trắng, xôi vò, xôi đỗ, xôi lúa, xôi gấc, xôi hành mỡ, xôi nén …

- Nhóm từ ngữ chỉ các loại bánh làm bằng gạo, nếp: bánh đa, bánh đúc, bánh bèo, bánh trôi, bánh trán…

Như vậy, qua sự tìm hiểu của tác giả Đào Thản đã cho ta thấy cây lúa có một vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt. Chính cái vị trí đặc biệt của nó mà trong lời ăn tiếng nói hàng ngày ít nhiều cũng mang dáng dấp của cây lúa: “đổi bát mồ hôi lấy bát cơm”, ‘tấc đất tấc vàng” , “ chân lấm tay bùn”, “một nắng hai sương”… hay người nông dân mỗi ngày vác cuốc ra đồng thì gọi là đi thăm lúa, thăm đồng … tất cả những tục ngữ , thành ngữ ấy đều để nói lên cái công khó nhọc để tạo ra hạt gạo, ra bát cơm … cũng chính vì vậy mà người Việt luôn xem hạt cơm không những là một loại thực phẩm đơn thuần mà là ngọc thực. Cho nên, một khi chúng ta lỡ làm rơi vãi một vài hạt cơm, hay phí phạm cơm gạo thì bị xem là một việc làm tội lỗi … phải chăng đó chính là một hành vi văn hoá rất đáng cảm động và mang một ý nghĩa thiêng liêng.

1.2 Từ nước

Một từ nữa cũng có một vị trí không kém phần quan trọng trong đời sống tâm thức người Việt là nước. Nướcluôn là một yếu tố quan trọng nếu không nói là quyết định đối với nghề trống lúa nước. Chính vì lẽ đó mà từnước hiển nhiên trở thành một từ văn hoá điển hình trong vốn từ vựng tiếng Việt.

Trong tiếng Việt từ nước có một trường ngữ nghĩa rất rộng nó luôn luôn gắn liền với những ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc ( dựng nước, giữ nước), nước còn là biểu tượng của sự sinh thành dân tộc với truyền thuyết “Lạc Long quân và Âu Cơ” [8, 43]. Và chưa có một ngôn ngữ nào trên thế giới như tiếng Việt khi lấy khái niệmNước một loại chất lỏng tồn tại trong ao hồ , sông, biển … để gọi tên một vùng đất (Country) mà những người thuộc một dân tộc hay nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống. Rồi dần dần chúng ta mới có một tổ hợp đất nước để chỉ cho vùng lãnh thổ của tổ quốc. Tuy nhiên, từ đất nước ngoài nét nghĩa trên còn mang một nét nghĩa gần gũi hơn, đó là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người … hay nhà nước (government) là cơ quan quản lý xã hội cao nhất cũng xuất phát từ nước .

Trong vốn từ vựng tiếng Việt có 3 từ nước đồng âm, khác nghĩa nhưng giữa các từ này đều nằm trong quan hệ phái sinh từ một từ nước duy nhất, chúng thể hiện cái mối quan hệ có lí do về mặt văn hoá ẩn sâu trong tâm thức người Việt:

- Nước (1): chất lỏng tồn tại trong tự nhiên ở sông, hồ, biển;

- Nước (2): Vùng đất, quê hương trong đó những người thuộc một dân tộc hay nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống dưới một chế độ chính trị - xã hội;

- Nước (3): (yếu tố hạn chế) với nhiều nghĩa:Bước đi nhanh chân (phi nước đại), bước đi của quân cờ (nước cờ), Cách thức hành động (chỉ còn một nước là ra đầu thú; hết nước, hết cái rồi), thế hơn kém (chịunước lép), mức độ không thể chịu đựng được (đến nước ấy là cùng) [8,46].

Như vậy, chúng ta có thể xây dựng một vốn từ vựng lớn về các nước hướng tới khái niệm nước qua 3 từ nước nói trên theo phương thức ghép từ trong tiếng Việt. Khi đó chúng ta sẽ có: đất nuớc, làng nước, nhà nước; nước non, non nước, sông nước, mây nước; nước lửa, cơm nước, gạo nước … Đồng thời, trong hệ thống tục ngữ Việt Nam cũng có một số lượng lớn lấy nước với những dạng thức khác nhau làm hình ảnh biểu trưng: Nước chảy đá mòn, Nước khe đè nước suối; nước đổ đầu vịt, Nước đổ lá khoai; Nước đến chân mới nhảy, Uống nước nhớ nguồn, Nước sông công lính, Nước mắt cá sấu, Còn nước còn tát, Một giột máu đào hơn ao nước lã …

Tóm lại, từ nước là từ văn hóa tiêu biểu trong văn hoá Việt, trong tâm thức người Việt nước luôn có một vị trí hết sức quan trọng, nó có mặt trong hầu hết các lĩnh vực từ cái thiêng liêng đến câu nói cửa miệng hay hướng đến những khái niệm có tính khái quát cao như tục ngữ, ca dao.

2. Văn hoá – tâm lý dân tộc Việt thể hiện qua cách tri nhận không gian
Ở một góc độ khác trong sự phản ánh thế giới khách quan của người bản ngữ là sự tri nhận về mối quan hệ của các sự vật hiện tượng với nhau trong không gian. Tuỳ vào mỗi ngôn ngữ – dân tộc mà sự tri nhận này không giống nhau. Khi so sánh với tiếng Anh, tiếng Nga về cách thức gọi tên các chi tiết của một chiếc cốc, tác giả Lý Toàn Thắng [4,3] đã cho ta thấy rằng người Việt có cách tri nhận về cấu trúc không gian rất khác và khá đặc biệt so với tiếng Anh (và tiếng Nga):

Cấu trúc không gian của một cái cốc được người Việt phân chia thành: miệng cốc, lưng, đáy, đít. Trong tình hình như vậy, chúng ta không thể nào tìm một từ tương đương để dịch sang tiếng Anh.

Ví dụ: Nước đầy đến miệng cốc, thì miệng thường được chuyển thành từ khác với nghĩa là “mép” hay “đỉnh”:The glass is full (to the top).

Nước đầy đến lưng cốc. Trong tiếng Anh phải dịch ý niệm “lưng cốc” thành “quá nửa cốc”: The glass is over half full (of water).

Có quả mận ở đáy cốc. Được chuyển dịch sang tiếng Anh với từ tương đương có nghĩa “đáy”: there is a plum at the bottom of the glass.

Cốc này (bị) sức ở đít. Không thể dịch chính xác sang tiếng Anh, mà phải dịch ý niệm “đít” cốc thành “phía dưới” hay “đáy ngoài”: This glass is chipped at the (outside) bottom.

Như vậy, ta thấy rằng tiếng Việt khác với tiếng Anh, tiếng Việt thường dùng những hoán dụ phái sinh từ bộ phận cơ thể người: miệng, lưng, đít, Nhưng đặc biệt là ý nghĩa của từ đít, nó gợi cho ta sự liên tưởng đếnchân (trong chân núi, chân tường) chỉ bộ phận dưới cùng, có tác dụng đỡ cho toàn bộ phần thân còn lại. Nhưng tại sao lại là đít cốc mà không là chân cốc? Có lẽ, chiếc cốc được hình dung từ tư thế ngồi của con người, và chỉ khi ấy thì bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt sàn (đất) là đít chứ không phải là chân.

Một vấn đề nữa cũng hết sức thú vị là cách thức định vị các sự vật, hiện tượng trong không gian của người Việt. Cụ thể ở đây là qua các gới từ trên, dưới, trong, ngoài, trước sau … vấn đề này sẽ rất khác biệt khi so sánh với tiếng Anh. Theo tác giả Lê Văn Thanh, Lý Toàn Thắng [ 3, 31]thì trong khi ở tiếng Anh chỉ dùng ba giới từ at, in, on để định vị sự vật thì tiếng Việt lại dùng đến 10 giới từ: ở, tại, bên, cạnh, ven, trên, dưới, sau, trong, ngoài.

Ví dụ, người Việt khi muốn mô tả có một người đang bơi dưới sông thì nói:

Hắn đang bơi dưới sông
Trong khi đó tiếng Anh phải nói là:

He is swimming in the river (chứ không phải là under- dưới)

Chim bay trên trời

Cá bơi dưới nước

Tàu đi ngoài biển

Có thể hiểu sự khác nhau này là do cách thức tri nhận về không gian hoàn toàn khác nhau giữa người Việt và người Anh. Người việt thường lấy vị trí của người nói để là điểm quy chiếu cho sự vật, trong khi đó, người Anh thường lấy chính mối quan hệ giữa các sự vật với nhau làm điểm quy chiếu. Như vậy, điểm quy chiếu của người Anh thường không liên quan nhiều đến vị trí của người nói. Do sự khác nhau cơ bản đó, mà cùng một sự vật đang tồn tại nhưng người Việt có rất nhiều cách để định vị. Ví dụ:

Cùng nói mô tả về có một con mèo đang nằm ở trong sân, thì người Việt có ít nhất hai khả năng thể hiện:

(1) Con mèo nằm ở trong sân.

(2) Con mèo nằm ở ngoài sân.

(1) Khi vị trí của người nói đang ở phía ngoài của sân (xa hơn sân), như ở ngoài vườn, ngoài cổng nhà chẳng hạn.

(2) Khi người nói đang ở vị trí bên trong sân (gần hơn sân), như đang ở trong nhà chẳng hạn.([1])

Chính điều này nên người Việt có những cách định vị như trên trời, dưới đất, trong nhà, ngoài sân, trên cây, dưới gốc cây …

Tóm lại, do cách tri nhận về không gian của người Việt là dựa vào mối quan hệ giữa vị trí của người nói với sự vật mà tuỳ vào trường hợp cụ thể sẽ có những cách nói không giống nhau; trong khi người Anh do tri nhận dựa vào mối quan hệ trực tiếp giữa đối tượng với đối tượng mà có cách nói không giống với người Việt khi cùng chỉ về một sự vật hiện tượng trong không gian.

C. KẾT LUẬN

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và dân tộc được Saussure cho là những yếu tố bên ngoài của ngôn ngữ tức là “ngôn ngữ học ngoại tại”. Theo ông vấn đề này bao gồm nhiều mối liên hệ, như là ngôn ngữ học tiếp giáp với dân tộc học, ngôn ngữ và lịch sử chính trị, ngôn ngữ với những thiết chế thuộc đủ các loại như nhà thờ, nhà trường ... Tuy nhiên, thật đáng tiếc là vấn đề này chưa được ông tập trung nghiên cứu nhiều.

Như vậy, vấn đề mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá - dân tộc là một vấn đề quá hiển nhiên trong ngôn ngữ. Tuy nhiên để thấy được tính chất văn hoá của ngôn ngữ ấy thì không phải chỉ dựa cần dựa vào một vài sự kiện ngôn ngữ là khẳng định được mà cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc; đồng thời, phải so sánh đối chiếu với các ngôn ngữ – dân tộc khác mới có thể thấy được đâu là cái đặc trưng văn hoá của dân tộc.

Văn hoá Việt – linh hồn của người Việt không phải chỉ thể hiện ở một vài sự kiện ngôn ngữ nêu trên mà còn rất nhiều vấn đề khác nữa (vấn đề định danh sự vật, xưng hô trong giao tiếp xã hội, những hiện tượng chuyển nghĩa của từ vựng …) nhưng vì khả năng và tài liệu không cho phép nên người viết chỉ trình bày được một vài vấn đề nho nhỏ trên mà thôi. Thế nhưng chỉ qua một hài hiện tượng ngôn ngữ như trên cũng đã phần nào nói lên được cái rất riêng trong cách tư duy ngôn ngữ của người Việt và đó cũng chính là văn hoá, linh hồn của người Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ferdinand de Saussure, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb KHXH, H, 1973.
Cao Xuân Hạo, Ngôn ngữ và văn hoá, in trong Tiếng Việt văn Việt người Việt, Nxb Trẻ, 2001.
Lê Văn Thanh, Lý Toàn Thắng, Ba giới từ tiếng Anh: at, on, in (Thử nhìn từ góc độ cơ chế tri nhận không gian trong sự so sánh đối chiếu với tiếng Việt), t/c Ngôn ngữ số 9 năm 2002.
Lý Toàn Thắng, Bản sắc văn hoá: thử nhìn từ góc độ tâm lý – ngôn ngữ , t/c Ngôn ngữ số 15 năm 2001.
Đào Thản, Cây lúa, tiếng Việt và nét đẹp văn hoá, tâm hồn Việt Nam, t/c Ngôn ngữ số 5 năm 1999.
Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
Nguyễn Đức Tồn, Thử đề xuất phương pháp xác định mức độ gần gũi về tư duy ngôn ngữ giữa các dân tộc, t/c Ngôn ngữ số 5 năm 2002.
Nguyễn Văn Chiến, Nước – Một biểu tượng văn hoá đặc thù trong tâm thức người Việt và từ nước trong tiếng Việt (nghiên cứu ngôn ngữ – văn hoá học), t/c Ngôn ngữ số 15 năm 2002.

Trí Tuệ Trong Đạo Phật


Trịnh Nguyên Phước




Người ta thường nói đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ.

Đối với nhiều người Phật tử, từ bi là quan trọng hơn cả, và nếu không có từ bi thì không có đạo Phật. Đạo Phật là con đường diệt khổ, vậy thì từ là đem vui, bi là cứu khổ, còn gì đúng hơn nữa khi nói đạo Phật là đạo của từ bi?

Nhưng người ta cũng có thể tự hỏi: có thể nào thâu gồm lại đạo Phật trong hai chữ từ bi? Liệu từ bi có đủ để định nghĩa đạo Phật, để phân biệt đạo Phật với các tôn giáo và triết thuyết khác? Nói một cách khác, có thể nào xem từ bi như là một đặc điểm của đạo Phật?

Nhìn chung quanh, chúng ta thấy đạo giáo nào cũng chủ trương tình thương bao la, rộng lớn, như lòng bác ái của đức Ky Tô, thuyết kiêm ái của Mặc tử. Nhưng chỉ có đạo Phật mới nổi bật lên bằng sự đề cao trí tuệ. Có thể nói rằng trong suốt lịch sử tư tưởng nhân loại, không có một tôn giáo nào đặt trọng tâm vào vai trò của trí tuệ hơn là đạo Phật. Bởi vì Buddha (Phật) phát xuất từ chữ Phạn bud, có nghĩa là hiểu biết. Đức Phật là người đã hiểu biết trọn vẹn, đã tỉnh thức, đã giác ngộ, là người có trí tuệ vẹn toàn.

Như vậy có thể nói rằng trí tuệ mới chính thực là đặc điểm, là nền tảng, là cốt tủy của đạo Phật.

Trí tuệ là gì?

Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ trí tuệ trong đạo Phật là gì, bởi vì trí tuệ có một ý nghĩa rất đặc biệt trong đạo Phật. Trí tuệ trong đạo Phật phải được phân biệt với quan niệm thông thường về trí tuệ.

Theo nghĩa thông thường, trí tuệ là kết quả của hoạt động trí thức (intellect), dựa lên lý trí (raison), dùng đến lý luận, khái niệm, ngôn từ, và chủ yếu gồm những sự hiểu biết, những kiến thức đã được gom góp lại.

Trong đạo Phật, trí tuệ cũng được gọi là trí huệ, bởi vì cùng một chữ Hán có thể đọc là huệ hay là tuệ. Người Hoa thường đọc là huệ (tiếng quan hỏa đọc là "huậy"), trong khi người Việt hay dùng chữ tuệ hơn, với đa số những chữ ghép thuộc danh từ nhà Phật, như tuệ căn, tuệ giác, tuệ kiếm, tuệ lực, tuệ nhãn, tuệ tâm, tuệ tánh... Tiếng Pali là pañña, tiếng Phạn là prajñâ, và khi phiên âm sang tiếng Hoa thì trở thành Bát Nhã (chữ ñ đọc như là nh của tiếng Việt).

Triết lý Ấn Độ cổ xưa có 3 danh từ để chỉ định sự hiểu biết: ñâna (p) / jñâna (s), viññâna (p) / vijñâna (s) và pañña(p) / prajñâ (s).

- Ñâna thường chỉ định sự hiểu biết thông thường, theo nghĩa rộng của nó. Trong một số kinh điển, người ta cũng gặp chữ ñâna dùng theo nghĩa pañña.

- Viññâna là sự hiểu biết dựa lên lý trí, dùng phương pháp suy luận và phân tích.

- Trong khi đó, pañña là trí huệ thâm sâu, sự hiểu biết toàn diện, có tính chất trực giác, không dựa lên lý luận, khái niệm, ngôn từ, mà vượt khỏi ngôn từ. Tiếng Pháp thường dịch là sagesse, connaissance profonde, transcendantale, hay cognition intégrale, nhưng những chữ đó vẫn chỉ diễn tả được một phần nào cái không thể diễn tả được.

Chính vì khó dịch cho nên tại các nước Á châu, người ta thường giữ nguyên phiên âm chữ Phạn, Bát Nhã trí huệ (Hoa) hay hannya-chie (Nhật) để chỉ định trí tuệ trong đạo Phật.

Trí tuệ Bát Nhã và trí tuệ thông thường, như khoa học chẳng hạn, còn khác nhau ở nơi đối tượng của sự hiểu biết. Như đức Phật đã nói rõ trong bài bài thuyết pháp "lá trong rừng Sinsapa", sự giảng dậy của ngài chỉ nhằm vào con đường giải thoát, là điều cấp bách và thiết thực nhất. Nếu so sánh khoa học và đạo Phật với những tia sáng, thì chúng ta có thể ví khoa học với ánh sáng tỏa khắp nơi, và đạo Phật với một tia laser tụ hết cả năng lực vào một điểm, tức là diệt khổ.

Trong đạo Phật còn một danh từ nữa gần với huệ là giác (bodhi, phiên âm là Bồ đề). Giác là thức tỉnh, đối lại với ngủ mê. Vì vậy trong nghi thức tụng niệm, chúng ta thường gặp câu "... xa bể khổ nguồn mê, chóng quay về bờ giác". Và trong đạo Phật, giác ngộ và tuệ giác là mục đích của người tu Phật, đi theo gót của đức Phật Thích Ca, là vị "Chánh đẳng chánh giác"(samma-sambuddha), là người đã giác ngộ hoàn toàn.

Trí tuệ trong đạo Phật Nguyên thủy

Vai trò của trí tuệ trong đạo Phật nguồn gốc (primitif) và đạo Phật Nguyên thủy (Theravada) rất rõ ràng, sáng sủa: trí tuệ là phương tiện duy nhất đưa tới giác ngộ, và giải thoát khỏi khổ đau. Bài "Trí tuệ trong đạo Phật" của HT Thích Minh Châu (trong site Internet Buddhasasana) đã trình bầy một cách minh triết và đầy đủ về vấn đề này. Tôi chỉ xin nhắc lại một vài điều căn bản trong giáo lý của đạo Phật Nguyên thủy.

Nếu chúng ta lấy "vòng mười hai nhân duyên" (paticca-samuppâda) mà xét lại, thì chúng ta sẽ thấy đầu mối của sự khổ đau, của sự đọa đầy trong vòng trầm luân của con người chính là vô minh (avijjâ). Vì vô minh là đầu mối của vấn đề, cho nên trí tuệ chính là giải đáp của vấn đề.

Trong "con đường chánh tám nẻo" (atthangika-magga), chánh kiến (sammâ-ditthi) và chánh tư duy (sammâ-sankappa) là hai nẻo thuộc về huệ (pañña), là giai đoạn cuối cùng, quan trọng nhất của sự tu tập (trong khi chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về giới, sila, và chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc về định, samâdhi). Dĩ nhiên sự tu tập theo đạo Phật không thể phân chia ra thành từng giai đoạn rõ rệt như vậy, và tám nẻo của con đường đó phải được đi đều với nhau, nhưng chúng ta cũng có thể nhận thấy trong sự phân chia đó môt trình tự phù hợp với những gì xẩy ra trong tâm lý con người. Phải nhiếp được thân khẩu ý (giới), thì mới tinh tấn, niệm và định tâm được (định), và như vậy thì mới hiểu và nhìn rõ được sự thật (huệ).

Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada), là một trong những kinh cổ xưa nhất của đạo Phật, có một phẩm nói về "người ngu và kẻ trí". Ngu phải hiểu ở đây không phải là sự ngu dốt, đần độn, kém thông minh, thiếu kiến thức, mà phải hiểu như sự mê muội, đắm chìm trong những đam mê, ảo tưởng của cuộc đời. Trí, như đã nói trên, không phải là sự thông minh, uyên bác, mà là sự hiểu biết sâu xa, trọn vẹn, về con đường chánh, đưa tới an lạc và hạnh phúc. HT Minh Châu có lấy thí dụ một người có rất nhiều kiến thức về rượu, biết rõ những chất liệu của rượu, những tác động của rượu trên cơ thể, nhưng vẫn uống nhiều rượu, vẫn say và nghiện rượu, vẫn bị rượu chi phối. Như vậy thì người ấy có trí thức chứ không có trí tuệ về rượu, người đó là người ngu. Trái lại, một người hiểu biết về rượu, nhưng cũng biết rõ sự nguy hại của rượu, không uống rượu say, không nghiện rượu, vượt ra khỏi sự chi phối của rượu. Như vậy người ấy mới thật là có trí tuệ về rượu, người ấy mới là kẻ trí.

Nói tóm lại, trí tuệ trong đạo Phật Nguyên thủy có mặt trong suốt tất cả giáo lý căn bản của đạo Phật : " bốn sự thật, con đường tám nẻo, ba pháp ấn, lý nhân duyên "... và đóng một vai trò chủ chốt trên con đường đưa tới giải thoát và giác ngộ. Trí tuệ có nghĩa là hiểu biết trọn vẹn và hành trì theo Chánh Pháp, để phá bỏ màn vô minh và nhận chân sự thật.

Trí tuệ trong đạo Phật Đại thừa

Trí tuệ chính là sợi giây nối liền đạo Phật nguồn gốc, đạo Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa (Mahâyâna). Người ta thường gọi Trưởng Lão Bộ (Sthaviravada), tiền thân của đạo Phật Nguyên thủy (Theravada), là "Cổ phái Trí tuệ"(Ancienne Ecole de Sagesse), và gọi phái Trung Quán (Mâdhyamaka) của Đại thừa là "Tân phái Trí tuệ"(Nouvelle Ecole de Sagesse).

Thật ra, như chúng ta được biết, trong lịch sử phát triển của đạo Phật, các trường phái Đại thừa phân chia ra làm hai khuynh hướng: một bên là trí tuệ và một bên là đức tin.

Tiêu biểu nhất cho trí tuệ là hệ thống Bát Nhã, dựa lên bộ kinh đồ sộ Bát Nhã Ba La Mật Đa ( Prajñâpâramitâ-sûtra), (toàn bộ in ra được 600 quyển!), với hai bài kinh quan trọng nhất là Đại Bát Nhã Tâm Kinh (Mahâprajñâpâramitâ-hrdaya-sûtra) và Kinh Kim Cương (Vajrachchedika-prajñâpâramitâ-sûtra). Tinh thần Bát Nhã được triển khai bởi ngài Long Thụ (Nâgârjuna), cầm đầu phái Trung Quán (Mâdhyamaka), nhà luận sư nổi tiếng đã chứng minh một cách sắc bén rằng sự thật không thể nào hiểu thấu được bằng lý luận. Theo ngài, trí tuệ là con đường khó, mà đức tin là con đường dễ. Ngài giảng muốn hiểu giáo lý của đức Phật thì phải hiểu hai mức độ, hay đúng hơn hai kích thước của sự thật, sự thật tương đối (samvriti-satya) và sự thật tuyệt đối(paramartha-satya). Và sự thật tuyệt đối là tánh Không (sûnyatâ), là cái không thể nghĩ bàn, không thể nắm bắt bằng những khả năng thông thường của trí tuệ, mà chỉ có thấu hiểu được bằng trực giác, bằng thực nghiệm.

Bài Đại Bát Nhã Tâm Kinh, tuy chỉ có 260 chữ, nhưng chứa đựng được tất cả cốt tủy của tinh thần Bát Nhã. Pâramitâ có nghĩa là vượt qua. Người ta có thể hiểu theo nghĩa vượt qua bên kia bờ, bên này là vô minh phiền não, bên kia là giác ngộ giải thoát, và trí tuệ Bát Nhã là con thuyền chở con người qua bên kia bờ sông. Nhưng đọc và thấm cả bài kinh, chúng ta mới thấy rằng trí tuệ theo tinh thần Bát Nhã rất là đặc biệt, có thể gọi là siêu việt. Trong bài kinh có câu " vô trí diệc vô đắc ", nghĩa là không có trí tuệ mà cũng không có chứng đắc. Sau khi khẳng định rằng " không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ", thì kinh nói rằng " không có vô minh, cũng không có hết vô minh, không có già chết, cũng không có hết già chết, không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc ", tức là tất cả những gì đã học trong giáo lý căn bản của đức Phật đều không có thật, đều là những chân lý tương đối, tạm bợ... Bởi vì tướng Không của các pháp là không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt, không một không hai. Thấu được lẽ Không của các pháp, của mọi sự vật, mới là trí tuệ thực sự, vượt qua cả trí tuệ (au-delà de la sagesse). Đó mới là ý nghĩa của kinh Bát Nhã siêu việt, tức là Prajñâpâramitâ-sûtrâ, bộ kinh căn bản của Đại thừa.

Trí tuệ trong Thiền tông

Tinh thần Bát Nhã được tiếp nối trong Thiền tông Trung Hoa, từ vị sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) từ Ấn Độ qua vào thế kỷ thứ 6. Người ta thường gán cho ngài Bồ Đề Đạt Ma 4 câu thu gọn lại tôn chỉ của Thiền, là " Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật ". Nhưng thật ra, theo các nhà Phật học, thì lục tổ Huệ Năng mới là tác giả của tôn chỉ này. Và điểm quan trọng là ngài đã đánh dấu một khúc ngoặt, đã làm một cuộc cách mạng trong Thiền tông bằng cách thay thế quan niệm " khán tâm " bằng quan niệm " kiến tánh ".

Theo ông Daisetz Suzuki, hai chữ "khán" và "kiến" đều có nghĩa là "nhìn", song chữ "khán" có chữ "thủ" trên chữ "mục", như bàn tay để trên mắt để che ánh sáng, với ý nghĩa "cố gắng nhìn" (hay là "nhòm, soi", (regarder, scruter), trong khi đó "kiến" chỉ có chữ "mục" trên đôi chân, tức là "thấy", một cách tự nhiên, không cố gắng (voir). Như vậy, quan niệm cổ điển của Thiền là "khán tâm", cố gắng nhìn vào cái tâm của mình, soi cái tâm của mình, trong khi đó ngài Huệ Năng chủ trương "kiếntánh", nhìn thấy cái tánh, cái Phật tánh trong mình, một cách tự nhiên và hồn nhiên, không cố gắng.

Từ đó, cái nhìn của Thiền về trí tuệ trở nên vô cùng đơn giản: "mây tan thì trăng hiện". Không cần phải mài viên gạch để mong nó trở thành tấm gương, không cần phải tự hỏi cây phướn động hay gió động. Chẳng nên phân tách, đắn đo, suy nghĩ, bởi vì chỉ cần một niệm dấy lên là bị sương mù cuốn đi xa ngàn dặm. Bởi vậy cho nên giác ngộ có thể tới từ một tiếng hét, từ một viên đá văng vào một khúc gỗ, một mảnh tượng Phật bùng cháy... Phật chính là tuệ giác, là ở trong tâm mình chứ không đâu xa lạ. Tìm trí tuệ ở đâu khác cũng là "ôm cây đợi thỏ" hay "khắc thuyền tìm kiếm".

Thiền cũng ở trong đường hướng chung của Bát Nhã, không chấp trước, không phân biệt, không mong cầu, không trụ vào đâu. Chính "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" là câu trong kinh Kim Cương đã đả khai trí tuệ cho Lục tổ Huệ Năng và vua Trần Thái Tông.

Con đường phát triển trí tuệ

Làm thế nào để phát triển trí tuệ? Đó là câu hỏi chung của những người tu học Phật.

- Đối với người mới học Phật thì đạo Phật có vẻ phức tạp, với nhiều môn phái, kinh điển, không biết nên theo ai, bắt đầu bằng gì. Với niềm lo âu là nhỡ lầm thầy, lẫn sách thì có thể sai đường, mất thời giờ hay có khi có hại.

- Đối với người đã lâu năm tu học Phật, thì nhiều khi thấy rằng mình tuy đã có khá nhiều hành lý về giáo lý, nhưng vẫn dậm chân tại chỗ, và thực tế mà nói vẫn chưa tiến được bao nhiêu (đôi khi có lẽ vì hành lý nặng quá!).

Đạo Phật là một con đường thực nghiệm. Mỗi người tự rút ra những kinh nghiệm cá nhân, chỉ có giá trị cho chính mình. Nhưng dẫu sao, từ nhiều kinh nghiệm cá nhân, chúng ta cũng có thể rút ra một số bài học chung:

1. Những lịch trình tu học Phật thường được theo từ xưa tới nay vẫn còn giá trị.

* Đó là " tam vô lậu học ", tức là giới (sila), định (samâdhi) và huệ (pañña).

* Đó là " văn, tư, tu ", tức là ba loại hiểu biết, được phân biệt trong Trường Bộ Kinh (Digha-nikaya) và Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga) : sự hiểu biết dựa lên học hỏi (sutta-maya-pañña), sự hiểu biết dựa lên suy tư (cinta-maya-pañña) và sự hiểu biết dựa lên tu tập (bhavana-maya-pañña).

* Đó là " lục độ Ba la mật ", tức là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ.

2. Trí huệ dĩ nhiên là giai đoạn cuối cùng và cao nhất

Nhưng chúng ta cũng không quên được vai trò cốt yếu của thiền định (bhavana hay jhâna / dhyâna) : chính nhờ thiền định mà đức Phật Thích Ca đã giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, và chỉ có thiền định mới giúp phát triển được trí huệ, nhờ hai phương pháp là chỉ (samatha, calme mental, tranquillity), tức là định (samâdhi), và quán (vipassana, vision pénétrante, insight). Một câu hỏi có thể đặt ra, nhưng có lẽ chỉ có những đương sự mới có thể trả lời được : tụng niệm (theo Tịnh Độ tông chẳng hạn) có thể đưa tới trạng thái chỉ (hay định), nhằm đi tới "nhất tâm bất loạn". Nhưng liệu tụng niệm có thể nào đưa tới trạng thái quán, và như vậy đưa tới huệ không ?

3. Kinh điển có cần thiết hay không trong sự phát triển trí tuệ? 

Thiết tưởng đạo Phật là con đường trung đạo, cho nên cũng nên nhìn kinh điển trong tinh thần đó.

Kinh điển chỉ là phương tiện, là ngón tay chỉ mặt trăng, cho nên không nên coi kinh điển là chính yếu, không nên bám víu vào kinh điển, và bù đầu bù óc vào kinh điển.

Ngược lại, cũng không nên bác bỏ mọi kinh điển, bởi vì kinh điển có thể giúp mình tiến bước trên con đường tu học. Chúng ta nên nhớ rằng ngay cả những người có căn cơ xuất chúng như ngài Huệ Năng cũng nhờ nghe câu kinh mà ngộ đạo.

Liên hệ giữa từ bi và trí tuệ

Nói về trí tuệ sẽ rất thiếu sót nếu không nói tới những tương quan giữa từ bi và trí tuệ.

Người ta thường cho rằng đạo Phật Nguyên Thủy đặt nặng về trí tuệ, trong khi đạo Phật Đại Thừa đặt nặng về từ bi. Sự thật không hẳn là như vậy.

Trong kinh Từ Bi (Metta-sutta), thuộc hệ thống Pali, đức Phật đã dậy cho chúng ta phải thương yêu, cứu độ tất cả các chúng sanh, không phân biệt, không điều kiện, không giới hạn. Trong bài kinh này, ngài không nói tới những liên hệ mật thiết giữa trí tuệ và từ bi, nhưng nếu chúng ta hiểu rõ lý duyên khởi, là sự tương quan, tương duyên, tương tác, tương hữu giữa mọi sự vật, thì sự liên hệ mật thiết giữa từ bi và trí tuệ trở nên vô cùng sáng tỏ. Bởi vì tất cả chúng sanh đều có liên đới với nhau như anh em, bà con ruột thịt, cho nên sự khổ đau của chúng sanh cũng không khác gì sự khổ đau của chính mình.

Với Đại Thừa, lý tưởng A La Hán được thay thế bằng lý tưởng Bồ Tát, và từ bi được đề cao bởi những nhân vật như ngài Duy Ma Cật (Vimalakirti) : " Sở dĩ Bồ Tát bệnh là bởi vì chúng sanh bệnh. Bao giờ chúng sanh khỏi bệnh, thì Bồ Tát cũng khỏi bệnh". Trong Kinh cũng nhấn mạnh : " Có hai điều mà Bồ Tát phải ghi nhớ, là không bao giờ bỏ rơi chúng sanh, và nhìn thấy rõ rằng tất cả là Không".

Có thể nói rằng từ bi có vững chắc được là nhờ nền tảng trí tuệ, và trí tuệ có phát triển được là nhờ ở từ bi.

Thiếu trí tuệ thì từ bi sẽ có thể chỉ là cảm xúc nhất thời, và thiếu từ bi thì trí tuệ khó lòng được thể hiện. Trong hành động cứu độ chúng sanh, con người từ bi tự quên mình, thực nghiệm được thêm Vô ngã, tánh Không, và tự mở mang thêm trí tuệ. Tới khi không còn phân biệt giữa người cứu độ và người được cứu độ, thì lúc bấy giờ đã tự giải thoát hoàn toàn.

Từ bi và trí tuệ đi đôi và gắn liền với nhau, vì từ nguồn trí tuệ mà suối từ bi tuôn chẩy, nhờ suối từ bi cho nên cây trí tuệ trổ hoa.

Như vậy, trong đạo Phật, từ bi và trí tuệ bổ túc cho nhau, nương vào nhau mà hiện hữu, cũng như hai mặt của một bàn tay, hay đôi cánh của một con chim.

Con chim bay xa, bay xa mãi, khi không còn thấy bờ bên này hay bên kia...

Ngôn Ngữ Và Văn Hóa


Diệu Tần



Văn hóa và ngôn ngữ có liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hóa và văn hóa chứa đựng trong ngôn ngữ. Người ta đã nói rằng ngôn ngữ và văn tự là kết tinh của văn hóa dân tộc, nhờ ngôn ngữ và văn tự để được lưu truyền và trong tương lai, nền văn hóa cũng nhờ vào ngôn ngữ để phát triển. Sự biến đổi và phát triển ngôn ngữ lại luôn luôn đi song song với biến đổi và phát triển văn hóa. Vậy muốn nghiên cứu sâu về văn hóa phải nghiên cứu ngôn ngữ, và tất nhiên muốn đi sâu vào ngôn ngữ phải chú tâm đến văn hóa. Ðiều đó được thể hiện rõ ràng trong trường hợp tiếp xúc giao thiệp văn hóa mà hai bên (khác dân tộc, khác quốc gia) có bối cảnh văn hóa khác nhau.

Thông thường thì trình độ sử dụng một ngôn ngữ như một ngoại ngữ (khả năng nghe, nói, đọc và viết, mà nghe là quan trọng nhất) được quyết định bằng hai yếu tố: Sự am hiểu về ngôn ngữ đó và sự hiểu biết về kiến thức văn hóa trong bối cảnh của ngôn ngữ đó. Khi một người đã nắm được đầy đủ những kiến thức ngôn ngữ mà vẫn không giải thích thỏa đáng được ngoại ngữ là vì họ không có đủ kiến thức về bối cảnh của ngôn ngữ đó. Do sự khác biệt về óc thẩm mỹ, cách suy tư, quan niệm giá trị, đặc trưng tâm lý và tập quán của từng dân tộc, cách giải thích và diễn đạt cùng một sự vật cũng sẽ khác nhau. Cho nên có khó khăn hoặc có khi dẫn tới sự hiểu lầm trong tiếp xúc là lẽ đương nhiên.

Chúng tôi xin nêu một số trường hợp đáng chú ý sau đây:

CÁCH THỨC ÐỐI THOẠI

l. Chào hỏi

Người Việt Nam và người Á đông có thói quen (thói quen, tập quán là văn hóa) chào nhau bằng cách hỏi: ông ăn cơm chưa?; bác đi đâu đấy?; Bà đang làm gì đấy? Hỏi mà không cần nghe câu trả lời, đó chỉ là cách thức chào, không phải thật sự muốn biết người được hỏi ăn cơm chưa; đi đâu; hay đang làm gì. Khi trả lời, người ta có thể đáp lại một cách không đích xác, hoặc không trả lời. Nếu dịch những câu hỏi trên sang tiếng Anh, tiếng Pháp thì sẽ là những câu hỏi rõ ràng, cần phải trả lời. Nếu chúng ta chào hỏi người Pháp người Mỹ những câu như thế có thể có sự hiểu lầm , vì họ chào nhau bằng những câu như: Bon soir, Good morning... Trái lại với chúng ta khi muốn chào như thế, chúng ta không cần phải nói rõ là chào buổi chiều, hay chào buổi tối.

2. Làm quen.
Người Việt Nam và người Á Ðông có thói quen ưa tìm hiểu quan sát và đánh giá người mình tiếp xúc. Tuổi tác, quê quán, trình độ văn hóa, địa vị xã hội, mức thu nhập cá nhân, tình trạng gia đình. (Bố mẹ còn hay mất, đã lập gia đình chưa, đã có con chưa, mấy trai mấy gái. Nhũng câu hỏi về biography và background cho người đối diện luôn là những điều chúng ta quan tâm và đặt câu hỏi). Chúng ta hỏi những điều đó là xuất phát từ óc cộng đồng, tự thấy có trách nhiệm phải chú ý đến người khác, cần biết rõ người đối thoại. Nhưng thói quen ưa tìm hiểu này hoàn tòan trái ngược với người Tây phương. Người Âu Mỹ đề cao chuyện riêng tư của con người, coi như bất khả xâm phạm, nhất là về lương bổng và tuổi tác phụ nữ. Ở Mỹ, ngay cả trong mẫu đơn xin việc và trong các cuộc phỏng vấn nhận nhân viên, công nhân, không có quyền hỏi người đứng đơn về tình trạng gia đình. Người Tây phương khi làm quen thường khen nhau trẻ, đẹp, quần áo hợp thời trang, hoặc nói về thời tiết, hay bàn về trận đấu thể thao vừa qua. Nếu cứ hỏi người Tây phương về chuyện riêng của họ, họ cho mình là tò mò, hay dò tìm những điều bí ẩn của người khác và có thể họ sẽ chán nản, tức giận.

3. Lời khen hay lời chê?

Khoảng 30, 40 năm trở lại đây, phụ nữ Âu Mỹ rất sợ béo mập, vì béo mập là hình dáng không đẹp, lại là mầm mống cuả nhiều thứ bệnh. Trong khi người Á đông khen: béo tốt, tốt tướng, lên cân, bệ vệ thì người được khen hài lòng. Ngược lại khen như thế lại là lời sỉ mạ người được khen! Người Việt và người Trung Hoa có thói quen nói lớn tiếng ngoài đường phố, nơi công cộng. Trong khi đó người Âu, Mỹ thường nói chuyện vửa đủ nghe, tôn trọng bầu không khí yên tĩnh, tôn trọng người khác. Người Á đông vào những tnlờng hợp ông, Bà, Cha, Mẹ nhận quà tặng cua con cháu, nhận lời chúc mừng, nhận lời khen tặng, không cần phải cảm ơn. Các vị đó xem như con cháu có bổn phận phải làm như thế.

Người Việt, có khi khen thật lòng, có khi lại khen mỉa mai, khen mà là chê. Ví dụ có người hỏi: Cô ấy, bà ấy đẹp nhỉ, người đối thoại sẽ trả lời: Ðẹp? Ðẹp thật à? À, đẹp thật, đẹp chín nghìn ! Hoặc dùng ca dao: Ðẹp như con tép kho tương! Trái lại khi khen một đứa bé bụ bẫm thì dùng hình thức chê, vì e sợ mụ quở, sợ ma quỷ bắt đứa bé đi: "Ấy cháu nó xấu xí lắm, nó hư lắm." Có nghĩa là cháu nó bụ sữa lắm! Cháu nó ngoan lắm! Nếu dịch lời chê rồi giải nghĩa cho người Âu Mỹ hiểu đó là lời khen thì họ phải cố hiểu mới hiểu nổi.

4. Cách xưng hô

Trong một ngôn ngữ, cách xưng hô luôn luôn biểu lộ đặc trưng tâm lý, nếp suy tư và văn hóa của dân tộc đó. Trong tiếng Việt cách xưng hô rất phong phú và phức tạp. Ngoài các đại từ nhân xưng như: tôi tao, tớ, mày, nó, hắn; chúng tôi, chúng tao, chúng tớ, chúng nó, bọn hắn còn có một số lượng lớn các danh từ chỉ liên hệ họ hàng như: anh - em, bà - cháu, chú - cháu... để thay thế cho đại từ nhân xưng và những danh từ này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng. Hệ thống xưng hô này nói lên đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Chúng được ứng dụng tùy theo tình cảm của người phát biểu và trường hợp cụ thể khi nói chuyện. Cùng tiếp xúc một người, người ta có thể dùng những cặp từ xưng hô khác nhau như : anh- em, anh - tôi, ông -tôi, mày - tao tùy theo từng trường hợp. Trái lại trong ngôn ngữ Tây phương và cách nói phổ thông của Trung Hoa chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng như: I, You, he, she, Hán ngữ thì ngã, nhĩ (ngổ, nỉ).

Nếu so sánh các danh từ chỉ liên hệ họ hàng trong các ngôn ngữ, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm khác nhau có khi thú vị, khôi hài và kỳ lạ. Ví dụ trong tiếng Việt cháu (trai, gái) chỉ người thế hệ sau, nhưng không phải là con, gồm: con của con; con của anh, chị và em. Trong tiếng Anh cũng có grand child, nephew và niece. Nhưng nếu dạy tiếng Việt cho người Anh, Mỹ thì cháu lại có thể là con, có thể là tôi nữa. Ví dụ hỏi một thanh niên: Anh đã có cháu nào chưa?; hay nói: Thưa các cụ , cháu không dám ạ!

Như vậy cách xưng hô nói lên những đặc trưng bối cảnh văn hóa xã hội của từng ngôn ngữ, cần được nghiên cứu bằng kết hợp văn hóa và ngôn ngữ.

5. Lối khiêm tốn (nhún nhường)

Khiêm tốn là một đức tính, nhưng mỗi dân tộc thường có cách thức riêng để tỏ ý khiêm nhường. Người Việt Nam và Á đông thường tỏ ý khiêm tốn bằng cách tự khiêm, là tự hạ mình xuống. Ví dụ trong một cuộc họp, người Á đông thường mở đầu bằng mấy câu như sau: "Trình độ của tôi không bằng ai, tôi chưa chuẩn bị kỹ, nếu có chỗ nào tôi sơ xuất thì mong quý vị thông cảm và bo åtúc cho" Nói như thế là lịch sự. Nhưng người Tây phương sẽ không hài lòng và phản ứng: nếu trình độ yếu, chưa chuẩn bị kỹ thì nói làm gì?" Họ không hiểu rằng khi nói thế chỉ là cách nhún mình thôi, thật ra người ấy rất giỏi, và chuẩn bị hết sức kỹ càng. Người Á Ðông không bao giờ tự khen mình tự tâng bốc mình, e bị chê cười. Trái lại người Tây phương cho rằng chúng ta thiếu tự tin, và tự tin không có nghĩa là tự khoe khoang. Khi tặng quà, người Việt thường muốn giảm giá trị món quà, dù món quà đó họ đã bỏ ra nhiều công sức tiền bạc mới mua được. Họ chỉ nói "Ðây là chút quà mọn chẳng đáng gì bao nhiêu". Nói thế để người nhận quà yên lòng. Người Âu Mỹ thì trái lại. Khi tặng quà họ thường nói rõ: Món quà này tôi đã có chủ ý đi mua cho bằng được, hoặc là: "Ðây là hàng nổi tiếng, hiếm có". Người phương Tây cho rằng nói thế mới tỏ lòng chân thành.

Lối tự khiêm còn thể hiện ngay trong cách sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ: "Ông lại chơi nhà chúng tôi; Ông cho tôi món quà" nhưng lại nói để nâng cao giá trị người đối thoại: "Tôi xin lại thăm ông bà"; "Tôi xin biếu ông bà món quà mọn".

SỬ DỤNG CÁC TỪ NGỮ VĂN HÓA TRONG GIAO THIỆP
Từ ngữ văn hóa có ý nghĩa văn hóa xã hội. Ý nghĩa văn hóa xã hội là chỉ nghĩa bóng, ẩn dụ, tượng trưng, biểu cảm.

l. Từ ngữ tượng trưng
Ðó là các từ ngữ có hàm nghĩa tựng trưng văn hóa, ngoài chức việc định danh ra, các từ ngữ gợi lên một sự liên tưởng nào đó. Ví dụ trong tiếng Việt, từ "con rồng" ngoài chức năng định danh là chỉ một con vật tưởng tượng ra, là biểu tượng của nhà vua thời xưa và tượng trưng của dân tộc Việt. Người Việt thường tự nhận là con rồng cháu tiên. Người Trung Hoa cũng thường nhận là con cháu của Rồng. Nhưng trong các tiếng Tây phương , Dragon (rồng) lại không có nghĩa đẹp như vậy. Ðó chỉ là con vật huyền thoại rất hung ác, luôn luôn làm hại con người. Bởi thế người Tây phương không hiểu tại sao tại sao người Việt, người Trung Hoa lại sùng bái một con ác thú như thế!

Trong Hán ngữ con bò vàng già (lão hoàng ngưu) là chỉ tượng trưng những người làm việc cần cù, có góp công sức lớn lao và không bao giờ khoe khoang, là một danh hiệu rất quý Nhưng trong tiếng Việt, con bò là một biểu tượng cho ngu đần. Người ta nói: ngu như bò; đầu bò đầu bướu (bướng bỉnh, ngang ngạnh) con bò vàng già chỉ là người già yếu chậm chạp ngu dốt. Trong khi đó để chỉ người kém thông minh, người Mỹ nói: óc nó nhỏ như hạt đậu (bean).

Ngôn ngữ Việt , tiếng lóng dê có nghĩa không đẹp, dùng để chỉ đàn ông đa dâm: nó có máu dê, nó là dê cụ, dê xồm! Nhưng trong Hán ngữ thì dê và cừu là hình ảnh dịu hiền, rất dễ thương. Ngoài ra vì đồng âm với dương (trái với Âm) và cùng vần với chữ may mắn, nên người Trung Hoa xem con dê và cừu là tượng trủng cho may mắn.

Người Việt và Trung Hoa cho con chim khách là biểu tượng cho điềm lành, tin rằng nó đem đến tin vui. Người Âu Tây hình ảnh chim khách không quý báu gì, ở nước Nga người ta cho loại chim này là tượng trưng cho kẻ đâm bị thóc, chọc bị gạo và kẻ trộm.

2. Hình thức tôn kính

Ở Á Ðông như Nhật, Cao Ly và Tây tạng có hình thức nói và viết tôn kính đối với những bậc tu hành, lãnh đạo... Hình thức này được biến cải ngay vào trong ngôn ngữ. Ở Việt Nam và Trung Hoa không có lối viết như thế, nhưng dùng những từ đặt thêm vào để bày tỏ lòng quý trọng tôn kính. Ví dụ tiên sinh, tiền bôí; ông anh, đàn anh. Riêng Việt Nam có những có những chữ không dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp được, để bày tỏ kính trọng người hơn mình về tuổi tác, học vấn, tư tưởng... Ðó là thưa, trình, bẩm, ở đầu câu và ạ ở cuối câu. Người Mỹ chỉ có từ Sir và Mam đặt ở cuối hoặc đầu câu để bày tỏ sự tôn kính thôi.

3. Con số

Ngôn ngữ nào cũng phải có số đếm, nhưng có vài con số có những hàm nghĩa đặc biệt.

Chính con số không có gì thần bí, nhưng từ chỗ sùng bái linh vật về ngôn ngữ, người ta đi đến sùng bái về con số. Người ta cho rằng có những số lành, may mắn, có những số dữ, xui xẻo.

Ví dụ ở các nước phương Tây, số 13 bị coi là số xấu, người ta luôn luôn kiêng và cố lẩn tránh con số này Ở các nhà lầu, ngườii ta không lấy số 13, các bệnh viện và giường bệnh số 13; trên máy bay xe lửa và ở mỗi hàng ghế đều không có ghế số 13. Người ta tiến hành những việc quan trọng cũng cố tránh ngày 13. Nhưng ở Việt Nam và Trung Hoa lại không tin như thế. Một vài tỉnh ở Trung Quốc người ta cho các số 3, 6, 9 là số đẹp, chọn những ngày 3, 6, 9, 13, 16, 26, 29 âm lịch làm lễ cưới. Ở Nhật, người ta cho số 4 là xấu, vì tiếng Nhật số 4 đọc lên nghe gần như chết (Xi = tứ, xi = tử) nên người Nhật thường kiêng số này. Nhiều bệnh viện Nhật không có tầng số 4, phòng số 4 và giường số 4. Tiếng trung Hoa cũng như vậy, tứ đọc lên theo phương ngữ nào nghe cũng gần giống với tử, nên nhiêu bệnh nhân nằm bệnh viên kiêng số đó. Ngay cả số điện thoại, người ta cũng không thích số 4. Gần đây vì ảnh hưởng Hương Cảng và Quảng Ðông, họ rất chuộng con số 8. Bát đọc lên gần như phát (tài), nên người ta rất thích số 8, nếu có số 168 là nhất lộ (lục) phát hay 598 đọc như ngã cửu phát (ngũ cửu bát) = tôi phát tài được lâu. Ở Việt Nam, người ta có quan niệm riêng về các con số, coi số lẻ là tốt đẹp. Làm đám cưới cũng có thói quen chọn ngày, có người kiêng ngày 3 và ngày 7, vì đã có câu: Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba. Nhưng so với hai nước nói trên, quan niệm lành dữ về con số của người Việt vẫn nhẹ hơn. Người Việt chuộng nhất số 9 và kỵ nhất số l0, gọi là số bù, bảng số xe các loại, họ đều thích có số 9, hoặc cộng lại số thành là 9.

4. Từ ngữ chỉ màu sắc

Màu sắc có ảnh hưởng đến tâm lý con người điều đó đã được công nhận. Trong ngôn ngữ, các từ ngữ chỉ màu sắc có thể phản ảnh được tâm lý văn hóa dân tộc. Cho nên các từ ngữ chỉ màu sắc thường có nghĩa tượng trưng văn hóa rất phong phú.

Từ xưa, người Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa có quan niệm tôn sùng màu vàng, vì từ đời Hán, lấy năm sắc tượng trưng cho ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và ngũ phương là Ðông, Tây, Nam, Bắc. Vàng là tượng trưng cho Thổ và Trung ương và là màu của vương quyền. Từ đời Hán trở xuống, các nhà vua đều mặc áo vàng, và đó là độc quyền của nhà vua.

Nhưng từ hơn chục năm nay, màu vàng lại có nghĩa tượng trưag cho khiêu dâm, dâm ô, vì mấy chữ điện ảnh màu vàng nghĩa là phim ảnh khiêu dâm; phòng khiêu vũ màu vàng, băng hình màu vàng là cùng nghĩa dó. Ở Việt Nam thì coi nhẹ hơn , nhạc vàng có nghĩa là nhạc buồn ủy mị, lãng mạn. Người Á đông cũng thích màu đỏ, cho đó là tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, vui vẻ, thành đạt. Vào các dịp ngày Tết, ngày lễ lớn thường treo câu đối đỏ, thắp nến đỏ... Ở Trung Hoa còn treo đèn lồng đỏ, trong đám cươi cô dâu mặc toàn màu đỏ, trang hoàng trong nhà toàn bằng màu đỏ. Trái lại ở Tây phương, cô dâu mặc bộ áo cưới màu trắng, họ cho rằng màu trắng tương trưng cho sự trong sạch, tinh khiết của cô dâu. Nhưng ở Trung Hoa dân gian lại kiêng màu trắng trong đám cuới, vì họ vẫn coi màu trắng là màu tang tóc. Người Á đông không thích màu đen cho rằng đó là vận không may, số đen, đen đủi trong khi vẫn có nhiều người Tây phương thích sơn cửa màu đen cổ điển.

Các từ ngữ văn hóa còn rất nhiều, như những chữ kiêng kỵ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, tiếng lóng v. v.. Ví dụ một từ có cùng nghĩa nhưng lại thay đổi, hay thêm bớt nghĩa, tùy theo cáh dùng, cách đặt câu của từng quốc gia. Như từ nóng = chaud = hot của Việt, Pháp và Anh. Nóng của Việt Nam giống như hot của Anh có nghĩa nữa là nóng nảy; mới tinh, nhưng tiếng Anh còn thêm nghĩa là cay (hot pepper). Chaud (e), chaleur của Pháp là nóng, nhưng nếu nhầm lẫn nói một người đàn bà đang "en chaleur' thì thật là nguy hiểm!

Những điểm nói trên cho thấy yếu tố văn hóa có vai trò quan trọng trong giao thiệp, tiếp xúc đặc biệt là trong tiếp xúc văn hóa. Ðây cũng là vấn đề ngôn ngữ và vấn đề bối cảnh văn hóa. Chú tâm đến khía cạnh văn hóa khi nghiên cứu ngôn ngữ là cần thiết và là cách tìm hiểu mới, một địa hạt mới trong ngôn ngữ học.

Vài chục năm nay, ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, các nhà ngôn ngữ học đã làm nhiều việc nghiên cứu ngôn ngữ qua văn hóa và thu được một số thành quả. Chẳng hạn muốn học một ngoại ngữ, cần phải học qua về văn hóa của thứ tiếng đó. Ðặc biệt là phải hiểu phong tục, tập quán, sử, địa... của nước đó. Họ nghiên cứu các mặt ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa để kết hợp ngôn ngữ với các ngành khoa học xã hội khác và từ đó tạo dựng một số môn học liên ngành, trong đó có môn ngôn ngữ văn hóa (Cultural linguistics).

Ngày 7 tháng 11 Việt Nam nhận chiếc tàu ngầm phi hạt nhân đầu tiên






EPA



Chiếc tàu ngầm phi hạt nhân đầu tiên của đề án 636 sẽ được Nga chuyển giao cho Việt Nam vào ngày 7 tháng 11. Văn bản chuyển giao và tiếp nhận sẽ được ký kết tại “Nhà máy đóng tàu Admiralty” ở Saint-Peterburg, - như thông báo hôm nay của phóng viên ARMS-TASS dẫn lời vị đại diện ngành công nghiệp đóng tàu.

"Văn bản sẽ được ký kết vào ngày 07 tháng 11, nhưng bản thân con tàu sẽ đậu ở bến của xí nghiệp một thời gian nữa chờ xà lan vận chuyển thực hiện khâu đưa con tàu đến địa điểm căn cứ”, - nguồn tin thông báo.

Được biết, lực lượng Hải quân Việt Nam sẽ nhận được chiếc tàu vào dịp gần Năm Mới và đầu năm 2014 tàu ngầm sẽ chính thức được đưa vào phiên chế vũ trang của CHXHCN Việt Nam.

Hợp đồng Nga-Việt về chế tạo và cung cấp 6 tàu ngầm phi hạt nhân thuộc đề án 636 dành cho Hải quân Việt Nam trị giá gần 2 tỷ dollar đã được ký kết năm 2009. Hiệp định bao gồm cả chu trình đào tạo thủy thủ đòan cho tàu ngầm cũng như cung cấp các vật liệu khí cụ cần thiết.